TÔI THAM DỰ KHÓA ỦY VIÊN HUẤN LUYỆN HĐ TẠI ÚC.

Tôi nhớ mãi những ngày ở rừng Gilwell Park, Melbourne, nước Úc. Với ba lô trên vai, chúng tôi bước vô rừng học tập giữa muôn ngổn ngang, bồn chồn và ngỡ ngàng nơi xứ lạ mà mình chưa từng đặt chân tới. Nhưng rồi nhờ ơn Chúa, chúng tôi đã kết thúc những ngày học thật tốt đẹp.

Nước Úc mở rộng vòng tay đón chúng tôi.

Nói đến Úc, người ta có cảm tưởng đó là một đất nước xa xôi. Thời nhà Nguyễn, đã có những thương nhân Úc đến buôn bán ở Hội An, nhưng ta không hiểu nhiều về đất nước của họ. Năm 1965 một số lính Úc có qua đây trong cuộc chiến Việt Nam và nói mình là người “Úc Thòi Lòi” phát âm từ Úc Đại Lợi mà ra. Họ ở rải rác trong tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu nhưng không lâu.

Úc nguyên là một hòn đảo lớn nhất thế giới, cũng được gọi là Châu Úc rộng 7,700,000Km2 nằm về phía Nam Bán cầu giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cận kề các quốc gia Indonesia, Timor, Papua New Genea, Solomon và New Zealand. Người Rôma ngày xưa đã biết tới Úc Châu và gọi đó là Đất Phương Nam, Australis. Sau từ này trở thành Australia, tên nước Úc. Dân bản địa người thô, da đen xàm xạm, đến từ Châu Á và đã sống ở đây từ 40.000 năm trước khi người châu Âu tới. Họ có khoảng 1,000,000 người, sống rải rác trong các khu rừng sâu và triền núi cao, văn minh thấp kém, chủ yếu sống bằng hái lượm, săn bắn và trồng trọt. Ngày nay họ còn khoảng 550,000 người sống phần lớn ở vùng Darwin, Tasmania và được hưởng chính sách ưu đãi của chính phủ.

Năm 1521 Samuel Purchas, người Tây Ban Nha đầu tiên khám phá ra Úc Châu. Năm 1606, Willem Janszoon, người Hà Lan đã đổ bộ lên Cape York. Ông vẽ bản đồ Úc và đặt tên đất mới là Tân Hà Lan, nhưng không tiến hành định cư.

Năm 1770, Thuyền trưởng James Cook đi dọc theo bờ biển, vẽ bản đồ phía Đông Australia, đặt tên nó là New South Wales và tuyên bố chủ quyền cho Anh quốc. Năm 1780, chính phủ Anh sai thuyền trưởng Arthur Phillip đi thiết lập trại tù tại Úc. Ngày 26.01.1788, lá cờ Anh Quốc đã được kéo lên tại Sydney Cove từ đó. Cơn sốt vàng năm 1850 đã cuốn hút nhiều ngàn người Châu Âu tới đây sinh sống. Năm 1907 các bang họp lại thống nhất lập thành một quốc gia duy nhất, nước Úc trong Khối Thịnh vượng Anh.

Nước Úc là hòn đảo rất rộng lớn, nhưng giữa lại là hoang mạc, núi cao hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nên dân chúng chỉ sống ở những khu đồi thấp ven biển. Úc gồm 6 Tiểu bang và hai Vùng lãnh thổ : Western Australia, Northern Australia, Queensland, New South Wales, Victoria và South Australia. Hai lãnh thổ là Australian Capital Territory (Canberra) và Northern Territory.

Sau thế chiến II, Úc khuyến khích người Châu Âu nhập cư cho đông. Nay số người da trắng vẫn chiếm đa số 80%. Năm 1970, Úc đón nhận nhiều người gốc Châu Á như Phi, Đài, Nhật, Việt, Indo, Lào và Campuchia đến sinh sống...Ngày nay khi tới những thành phố lớn như Melbourne, Sydney, Brisbane, ta không thể không tới thăm các khu dân cư China Town, Việt Town của Footcray, Cabramatta, Bandstown... đông vui không kém gì các thị tứ trong nước.

Khí hậu Úc có vùng nóng như phía Bắc, có vùng ấm như Trung bộ và có vùng lạnh như Nam Úc, tùy từng mùa. Mức sinh hoạt ở đây khá cao, nhưng dễ làm ra tiền, an sinh xã hội thật tốt cho mọi người. Chỉ số phát triển con người theo xếp hạng của LHQ, Úc đứng nhất thế giời. Nền kinh tế Úc đứng thứ 12 thế giới với thu nhập bình quân đầu người GDP là 37,000 USD. Toàn bộ các thành phố Úc đều được đánh giá tốt và đáng sống trên phạm vi toàn cầu.

Úc chấp nhận tự do tôn giáo và đa văn hóa, cấm kỳ thị tôn giáo và chủng tộc, nên mọi nền văn hóa ở đây thi nhau nở rộ. Chúng tôi đã đến tham quan nhiều đình chùa, nhà thờ. Sinh hoạt tôn giáo ở đây rất sôi động và đủ thứ màu sắc đoàn thể dân sự, tôn giáo. Nước Úc mở rộng vòng tay đón anh em chúng tôi đi học khóa LT Hướng đạo và đi tham quan một đất nước vô cùng kỳ thú.

Vào rừng học khóa.

Chúng tôi gồm 6 anh chị em : Lm Trần Ngọc Xưa, anh Trần Tuấn Huy, anh Nguyễn Bảo Nhân, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh, chị Liên Bạch Hoa và tôi, Lm Trần Văn Hòa. Chúng tôi đáp ứng đủ những điều kiện Ban tổ chức đưa ra cho khóa UVHL (Leader Trainer) là có chứng chỉ Phụ tá UVHL (Assistant Leader Trainer), tiếng Anh đù sài và được cấp trên giới thiệu. Cha Xưa đi 27, tôi đi 29 và các anh chị còn lại đi 31.03.Chúng tôi đến tạm trú tại nhà anh chị Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng HĐ Úc. Chúng tôi học khóa trong rừng Giwell Park, Trung tâm Huấn luyện trưởng Hướng đạo Úc rộng tới cả trăm héc ta, thuộc khu vực Gembrook, Melbourne, bang Victoria từ 02-07.04.2015.

Suốt khóa học, chúng tôi chỉ biết ăn, học, ngủ không còn liên lạc gì với bên ngoài : không báo chí, không điện thoại, chỉ tập trung vào việc học. Mỗi ngày chúng tôi có nhiều session, không nghỉ trưa, trừ ít giờ ăn bữa, rồi đi học ngay. Bù lại buổi tối chúng tôi ngủ sớm, nhiều giờ hơn ở Việt Nam.

Những phòng ngủ giống như những cái am xây rải rác trong khu rừng, quanh các hội trường, có sẵn điện, nước và toilet. Mỗi phòng 4 giường tầng cho 8 người. Khóa chúng tôi ít nên mỗi phòng chỉ có 4 người. Phòng tôi có anh Nhân, và tôi, người Việt, anh Tim Reley, Ian Dun người Úc. Chúng tôi sống với nhau thật thân thiết, luôn luôn nhắc nhở nhau. Các sinh hoạt không có hiệu lệnh, giờ giấc mọi người đều tự giác sao cho có mặt đúng lúc, đúng nơi. Lúc rảnh mấy anh em cùng phòng tụm nhau đấu láo. Tim, người Công Giáo rất vui tính và tận tình. Ian giống như người giữ giờ, lúc nào anh cũng nhắc nhở cả phòng : “mau mau lên, mau mau lên!” Có lần mới 5 giờ sáng - thường 8giờ mới dậy - anh đã kêu chúng tôi dậy đi lễ. Khăn gói quả mướp, chúng tôi ra văn phòng ngồi chờ mãi tới 8giờ xe bus mới đến đón. Khiếp !

Cách dạy của khóa học là gợi ý trước bằng một số tài liệu gởi cho mỗi học viên, tới lớp phát thêm tài liệu nữa, giảng khóa tổng quát bằng power point và sau đó trao đổi góp ý, làm bài là chính. Vì thế các buổi session vui và trôi đi rất mau, nhưng phải hiểu bài và có kiến thức mới có thể góp ý trao đổi và làm nhiều bài tại lớp được. Dĩ nhiên tất cả đều bằng tiếng Anh. Nếu vững Anh ngữ thì việc học của các ALT không có gì vất vả, lại còn thú vị là đàng khác, vì được tiếp cận với nhiều “tay lão luyện” có học vị cao, dầy kinh nghiệm về đời lẫn về đạo (HĐ).

Khi mới tới, ai cũng lo người Úc nói tiếng Anh rất khó bắt. Nhưng cám ơn Chúa kết quả của Ban điều hành khóa gởi cho Trưởng Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Ủy viên Đa Văn hóa của BĐH Hướng đạo Úc, bang Victoria : “Các Trưởng anh gởi đi học rất khá, những điều anh lo ngại đã không xẩy ra.” Chúng tôi ai ai cũng mừng húm! Tạ ơn Chúa đã dẫn chúng tôi đi và nâng đỡ anh chị em chúng tôi trong suốt khóa học.

Sau khi ra khỏi rừng Gilwell Park, chúng tôi vội vã về nhà anh chị Hà, nơi đón tiếp anh chị em chúng tôi khi tới Úc. Cha Xưa đi lo việc riêng xây nhà cửa chi đó cho giáo xứ của cha, tôi và mấy anh chị về nhà anh chị Thành, Bé và Giang để cùng đi Sydney với nhau. Ai cũng lo đi cho mau kẻo hết ngày. Chúng tôi được đưa đi thăm thắng cảnh Phillip Island, Nhà hát con sò, Gold Coast, Sunshine Coast...và nhiều nơi không thể nhớ hết .... nhất là đi shopping ở Footscray, Cabramatta...và ăn những “tô phở xe lửa”, mà tôi không thể quên hình cái tô và mùi thịt bò vừa thơm, vừa béo ngậy của Xứ Chuột túi. Nhớ có lần bà con đi lạc về nhà kêu í ới ...đau chân quá, đau chân quá! phải rong bộ suốt mấy dẫy phố mới về tới nhà. Hôm đó tôi đi tháp tùng cha Xưa nên thoát ...nạn. Sau ít ngày ở Sydney, chúng tôi bay qua Brisbane vào trọ nhà anh Ngọc, em của anh Huy trong đoàn. Chúng tôi được anh Ngọc dẫn đi thăm khắp nơi danh lam thắng cảnh ở Brisbane và đi chợ trời của Úc.

Nhìn lại chuyến đi, ngoài những kiến thức và chứng chỉ xác nhận khả năng học tập HĐ, chúng tôi rút ra nhiều bài học cho mình:

Dân Úc sống sống tự nhiên và nhường nhịn : ở nhà nhường nhau míếng ăn, miếng uống, chỗ ngủ, chỗ chơi, ra đường nhường bước cho chị, cho em, cho xe phía trước, lúc nào cũng thấy từ tốn và tứ tốn. Ở đây dường như không có cái “văn hóa tranh giành “ như bên mình.

Chúng tôi học nơi anh em HĐVN tại đây cái tình nghĩa huynh đệ chân tình : có anh em bỏ cả công ăn việc làm, lái xe đưa chúng tôi đi đây đó, đãi chúng tôi ăn và cho tiền... dằn túi. Anh em đón tiếp và lo cho chúng tôi đủ thứ đến tận răng. Tôi trộm nghĩ : không biết về nhà mình có đối đãi với anh em mình được như thế không.

Tôi học nơi anh em HĐ Úc cái khiêm tốn: Chẳng thấy ai khoe khoang này nọ, chẳng thấy ai vỗ ngực xưng tên...Huấn luyện viên khóa học dù là bậc thầy, có học vị tiến sĩ, là những giảng viên đại học nhưng cũng chẳng màng giới thiệu cho anh em. Sau này hỏi ra chúng tôi mới biết à ra thế! Và thán phục hết mình. Họ chỉ ghi lại trên tài liệu vỏn vẹn mấy từ chức danh trong HĐ. Thế thôi.

Tôi học nơi bạn sự chân tình và hay giúp đỡ : Bạn cùng phòng, bạn đồng đội chẳng hề kỳ thị, không lạ lẫm nhưng luôn quan tâm đến nhau, cố tạo cho chúng tôi-những người xa lạ- thấy không còn lạ xa, có khi chị đến hỏi han, chỉ vẽ tận tình, có khi anh đến làm quen, kể cho nghe những sinh hoạt HĐ vui vui ở Úc. Tôi gặp mấy anh em Đài, Hongkong nhất là New Genea hay cười và rất vồn vã mà chúng tôi có cảm tưởng như đã quen nhau từ lâu lắm rồi.

Ngày kết thúc khóa học, tiết trời núi rừng Gilwell hôm ấy khá lạnh, nhưng mọi người lại thấy ấm lên, cái ấm của tình huynh đệ sắp hòng xa lìa, cách trở. Mọi tâm tình, ý nghĩ, bài học, sinh hoạt trong suốt khóa như ùa về trong tâm trí các khóa sinh. Mọi người hồi hộp, rưng rưng dòng lệ đợi chờ lời phát biểu kết thúc và chia tay của Khóa trưởng. Tâm trí chúng tôi lúc này thực ngổn ngang, bồi hồi xúc động nhớ thầy, nhớ bạn, không biết bao giờ mới có ngày gặp lại sống những ngày thắm thiết ấy.

Ôi những người anh, những người bạn! Ôi núi rừng Gilwell thăm thẳm, tạm biệt Mi, tạm biệt mọi người! Cho ta gởi lại những giọt lệ nhớ thương, nghẹn ngào của giây phút giã từ. Hẹn một ngày sẽ gặp lại Mi. Đừng quên ta! Đừng quên ta! Hỡi Gilwell Park, Gembrook, ta mến thương Mi, nơi ta ôm ấp biết bao nhiêu là kỷ niệm! Giã từ, thôi giã từ!

Lm Trần Văn Hòa

Nhớ về đại gia đình anh chị Hà, gia đình cha Liêm, anh chị Bé, Giang, Thành, Nghiêm, Ngọc và....

Thân tặng và nhớ mãi các bạn Ngọc Xưa, Tuấn Huy, Bảo Nhân, Hoàng Oanh và Bạch Hoa tham dự khóa LT27 tại Úc 2015.