Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bênh vực người nghèo tại Thượng đỉnh Mỹ Châu

Đức Thánh Cha kêu gọi các nước giàu đừng nghĩ rằng để cho người nghèo được hưởng những mảnh bánh vụn rơi từ bàn ăn của mình là đủ rồi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Châu kỳ 7, nhóm tại Thành Phố Panama trong hai ngày 10 và 11 tháng Tư với sự tham dự của 37 vị nguyên thủ quốc gia, trong đó lần đầu tiên có chủ tịch Raul Castro của Cuba và ông đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên đọc tại Hội nghị, qua đó ngài cầu xin Thiên Chúa cho Hội nghị, “nhờ sự chia sẻ các giá trị chung, đạt tới những quyết tâm cộng tác trong lãnh vực quốc gia hoặc miền, đương đầu thực tế với các vấn đề và truyền đạt niềm hy vọng”. Đức Thánh Cha cho biết ngài hoàn toàn đồng ý với chủ đề Hội nghị thượng đỉnh là “Thịnh vương trong công bằng: thách đố cộng tác tại Mỹ châu”. Ngài viết: “Tôi xác tín rằng sự sự chênh lệch, phân phối bất công sự giàu sang và tài nguyên, chính là nguồn mạch gây ra những xung đột và bạo lực nơi các dân tộc, vì nó giả thiết rằng sự tiến bộ của một số người được kiến tạo bằng sự nhất thiết hy sinh của những người khác, và để có thể sống xứng đáng, thì phải chiến đấu chống lại người khác. Sự sung túc đạt được như thế là điều bất công từ cội rễ và xúc phạm đến phẩm giá con người”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “thách đố lớn trên thế giới ngày nay là hoàn cầu hóa tình liên đới và tình huynh đệ thay vì thứ hoàn cầu hóa sự kỳ thị và dửng dưng, và bao lâu người ta chưa đạt được một sự phân phối đồng đầu các tài nguyên phong phú, thì sẽ không giải quyết được những tai ương trong xã hội chúng ta” (Xc Evangelii Gaudium 202).

Đức Thánh Cha ghi nhận trong nhưng năm gần đây nhiều nước đạt được sự tiến bộ kinh tế mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều nước khác ở trong tình trạng nghèo đói. Hơn nữa trong các nước đang lên, đa số dân không được hưởng sự tiến bộ kinh tế chung, và thường thường hố chia cách giữa người giàu và người nghèo trở nên sâu rộng hơn. Ngài phê bình lý thuyết sai lầm gọi là “những giọt nước rơi” và sự “tràn ra thuận lợi” (Xc Evangelii Gaudium 54): hy vọng những người nghèo nhặt được những mẩu bánh vụn rơi từ bàn ăn của người giàu, đó là điều sai lầm. Cần có những hoạt động trực tiếp bênh vực những người kém may mắn nhất, quan tâm tới những người bé bỏng nhất trong một gia đình, phải là ưu tiên của các chính quyền. Giáo Hội luôn bảo vệ sự thăng tiến con người cụ thể (Centesimus annus 46), chăm sóc các nhu cầu của họ và giúp họ cơ hội phát triển”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý vấn đề di cư. Sự chênh lệch quá lớn về cơ hội giữa một số nước khiến cho nhiều người buộc lòng phải rời bỏ quê hương, gia đình của mình, và họ dễ trở thành con mồi cho nạn buôn người và lao động như nô lệ, không được quyền lợi cũng chẳng được công lý... Đó là những tình trạng trong đó nếu chỉ duy trì luật lệ để bảo vệ các quyền căn bản của con người thì không đủ.. Trong những tình trạng ấy, luật lệ mà không có lòng từ bi thương xót, thì không đáp ứng công lý”

2. Đức Thượng Phụ Fouad Twal cử hành Lễ Phục Sinh lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần

Tối thứ Bẩy 11 tháng Tư, Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo nghi lễ Latinh Giêrusalem đã cử hành Lễ Vọng Phục sinh tại Jordan. Trước đó một tuần, lúc 7h30 sáng thứ Bẩy 30 tháng Ba, ngài đã cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Sống lại tại Giêrusalem.

Trong một bức thư gửi các linh mục Công Giáo, Hội đồng Giám mục Công Giáo của các đấng bản quyền tại Thánh Địa đã yêu cầu các linh mục cử hành Tam Nhật Vượt Qua vào cùng một ngày với các Giáo Hội Đông Phương theo lịch Julian.

Sự thống nhất mừng lễ Phục sinh ở nhiều khu vực đã được đặt ra vào tháng 10 năm 2012 bởi Hội đồng Giám mục Công Giáo của các đấng bản quyền tại Thánh Địa. Các vị đã đặt ra một thời hạn là hai năm để có sự chuyển tiếp.

Việc mừng lễ Phục sinh tại Giêrusalem và Bethlehem vẫn không thay đổi. Lịch Gregorian vẫn được tiếp tục áp dụng vì phải tôn trọng những hạn chế được áp đặt trong Thành Thánh từ thoả ước Nguyên Trạng, và thực tế là dòng người hành hương từ khắp nơi trên thế giới vẫn mừng lễ Phục sinh tại chính nơi Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn theo lịch Gregorian.

Tưởng cũng nên biêt Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Chúa Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

3. Bất chấp lễ Phục sinh và thỏa hiệp ngưng bắn phiến quân thân Nga vẫn bắn phá bừa bãi

Thoả hiệp ngưng bắn được ký kết tại Minsk và bắt đầu có hiệu lực vào lúc 0 giờ ngày 15 tháng Hai dường như đã thất bại. Tại khu vực Spartak, nhiều nhà cửa của thường dân vô tội đã trúng hoả tiễn của phiến quân thân Nga ngay cả trong Tam Nhật Vượt Qua của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và Chính Thống Giáo được cử hành một tuần sau lịch Phụng Vụ của Công Giáo nghi lễ La Tinh.

Thiếu tá Alexandre Lentsov nói:

“Có những vi phạm ngưng bắn trầm trọng tại Spartak - người ta sử dụng súng cối 82 mm trong khu vực gần trạm radar của sân bay, cả pháo 120 ly và xe tăng cũng được sử dụng.”

Aliona, cư dân Spartak, đã phải di tản nói:

“Bây giờ chúng tôi sống nhờ bạn bè ở Donetsk, nhà cửa của chúng tôi đã bị phá hủy”

4. Quan ngại của người dân Kenya về tình trạng an ninh sau vụ khủng bố tại trường đại học Garrisa

Các đám tang cho những sinh viên thiệt mạng trong vụ thảm sát tại trường đại học Garrisa nơi quân khủng bố Hồi Giáo Al Shabab đã sát hại gần 150 người, đa số là các sinh viên Kitô giáo, đã bắt đầu diễn ra từ hôm thứ Sáu 10 tháng Tư.

Cho đến nay, một số phụ huynh vẫn còn phải chờ đợi để được nhận lại thi hài những người thân yêu của họ. Các phương tiện truyền thông Kenya cho rằng chính quyền muốn dấu con số thật sự những người bị giết vì còn một số đông những sinh viên bị cho là “mất tích”.

Eva Njoau bạn của một sinh viên bị giết đang tham dự đám tang nói:

“Tôi cảm thấy nếu chính phủ đã có một số hành động cụ thể, như triển khai cảnh sát trong tuần lễ đó ở mỗi trường đại học, thì bây giờ đây chúng ta sẽ không phải đem Jojo đi chôn. Và tôi vẫn buồn vì Jojo không phải là ở đây để giải thích cho chúng ta về câu chuyện này. Còn bao nhiêu mạng sống nữa sẽ mất đi trong cùng một câu chuyện khủng bố như thế này? Đây không phải là lần đầu tiên.”

Philip Kago, chú của một sinh viên bị giết nói:

“Khủng bố đã tấn công trong quá khứ, Al Shabab vẫn đến đây hà rầm như vào chốn không người. Tôi kêu gọi tất cả các bạn hãy làm một điều đáng trân trọng: Đừng chết trên đầu gối của mình, hãy chết cho oanh liệt hơn”

5. Cách thức mừng lễ Phục sinh của người Chính Thống Giáo Ethiopia

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Có những khác biệt rất lớn trong cách thức chúng ta cử hành Mùa Chay, Tam Nhật Vượt Qua và Lễ Phục sinh so với anh chị em Chính Thống Giáo.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây thu được tại một nhà thờ Chính Thống Giáo tại Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia vào lúc 3 giờ sáng.

Vâng, 3 giờ sáng. Và Kibir Mulu, một tín hữu Chính Thống Giáo Ethiopia giải thích như sau:

“Chúng tôi đã chay tịnh trong hai tháng qua và hôm nay sẽ kết thúc lúc 3:30 sáng, và đó là lý do tại sao chúng tôi ở lại cho đến khi 3:30 sáng trong nhà thờ này.”

Yohannes Moges, một tín hữu khác giải thích thêm như sau”

“Là một tín hữu Chính thống lớn lên ở đây, tôi thấy lễ Phục sinh là một phần quan trọng trong nền văn hóa của mình. Người Ethiopia chúng tôi có xu hướng gia đình. Chúng tôi dâng lễ chung với nhau mỗi năm. Vì vậy đây là phong tục đối với tôi. Đây là lần thứ 20 tôi đã mừng lễ Phục sinh. Tôi thường thích đến nhà thờ này này vì tôi sống quanh đây. Bạn có thể nhìn thấy bầu không khí khá thiêng liêng tại đây vì thế tôi thường đến đây.”