VĂN PHÒNG PHỐI KẾT TÔNG ĐỒ MỤC VỤ VIỆT NAM HẢI NGOẠI

Coordinating Office of the Apostolate for the Vietnamese in the Diaspora

Office Coordinateur de l’Apostolat pour les Vietnamiens de la Diaspora

Via Urbano VIII, 16 - 00120 CITTÀ DEL VATICANO

Tel. 06.698.82484 - Fax 06.698.82864 - E-mail: CIAM@PCN.NET

DỰ ÁN GỬI BAN ĐẠI DIỆN XIN GÓP Ý

SOẠN THẢO

CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ

HẬU HỘI NGỘ NIỀM TIN


Thừa hưởng gia tài thiêng liêng của cuộc “Hội Ngộ Niềm Tin”, nhất là niềm vui của sự hiệp nhất trong Đức Tin và trong tình thương yêu, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại được mời gọi cùng nhau dấn thân tiếp tục cuộc hành trình Đức Tin, đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha gửi toàn thể Giáo Hội qua Tông Thư "Bước Vào Thiên Niên Kỷ Mới” (Novo Millennio Ineunte), được gói ghém trong 2 chữ: Nên Thánh và Truyền Giáo.

I. MỤC ĐÍCH VÀ TINH THẦN

1. Mục đích

Thúc đẩy nên thánh và dấn thân truyền giáo: Mục đích của chương trình mục vụ là thúc đẩy các thành phần trong Cộng Đồng Dân Chúa sống kết hiệp mật thiết với Chúa và lấy Tin Mừng của Ngài soi sáng mọi khía cạnh của cuộc sống (nên thánh), làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường sống và loan báo Tin Mừng ra khắp thế giới (truyền giáo).

2. Tinh thần

- Trong tinh thần hiệp nhất

Hành trình nên thánh và dấn thân truyền giáo được thực hiện trong tinh thần hiệp nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội địa phương nơi sinh sống, với Giáo Hội Hoàn Vũ, và với Giáo Hội tại Việt Nam.

- Theo bản chất riêng biệt

Hành trình nên thánh và truyền giáo của người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại phải được thực hiện theo bản chất riêng biệt của mình được diễn tả qua 3 chữ:

Công Giáo”: lấy Chúa Giêsu là nền tảng, sống theo Tin Mừng của Ngài trong niềm hiệp thông với Giáo Hội Hoàn Vũ và thương yêu mọi người không phân biệt.

Việt Nam”: sống Đức Tin theo tâm tư và truyền thống của một người Việt Nam và giữ lòng thương yêu đối với Dân Tộc Việt Nam và Giáo Hội trên Quê Hương.

Hải Ngoại”: hội nhập vào Giáo Hội địa phương: ý thức mình là một thành phần của Giáo Hội địa phương, cộng tác tích cực vào các chương trình mục vụ của Giáo Hội địa phương nơi sinh sống, đem truyền thống sống đạo Việt Nam đóng góp để làm cho cuộc sống đạo của Giáo Hội địa phương thêm phong phú và đón nhận những truyền thống sống đạo của Giáo Hội địa phương để làm giầu có cho cuộc sống đạo của mình.

Vì vậy, trong các chương trình mục vụ, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại sẽ coi như phương châm các đường hướng mục vụ của Đức Thánh Cha cũng như các cơ quan của Tòa Thánh và của các Đấng Bản Quyền địa phương, áp dụng theo tâm thức và truyền thống sống đạo của người Việt Nam. Cách cụ thể, các chương trình Hậu HNNT sẽ được soạn thảo dựa theo các văn kiện của Tòa Thánh, đặc biệt tông thư “Bước Vào Thiên Niên Kỷ Mới” (Novo Millennio Ineunte) và các văn kiện của các Đấng Bản Quyền tại các gáio phận.

II. HÀNH TRÌNH THIÊNG LIÊNG VÀ DIỄN TIẾN THỰC HIỆN

1. Hành trình thiêng liêng áp dụng cho các thành phần

Hành trình NÊN THÁNH VÀ TRUYỀN GIÁO đòi hỏi những chương trình huấn luyện chiều sâu áp dụng cụ thể cho mọi thành phần Dân Chúa. Chương trình mục vụ sẽ chú trọng đặc biệt đến một số thành phần vì tầm mức ảnh hưởng đối với Cộng Đồng Dân Chúa và đối với xã hội:

a) Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ nam nữ, Chủng Sinh

b) Thành viên Hội Đồng Mục Vụ

c) Giáo lý viên

d) Giới Trẻ

e) Giới Trưởng Thành, đặc biệt chú ý đến gia đình

f) Phong Trào, Hội Đoàn

g) Giới Truyền Thông

h) Giới Văn Hóa, Nghệ Thuật

i) Giới Chính Trị, Xã Hội

j) Giới nghề nhiệp, đặc biệt Giới Thương Mại, Giới y tế (Bác Sĩ, Dược Sĩ, Y tá), Giới Luật Sư, Giới Kỹ Sư.

2. Các giai đoạn thực hiện

Các chương trình mục vụ cần phải thực hiện từ địa phương tới bình diện tất cả Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại.

Diễn tiến thực hiện chương trình mục vụ Hậu HNNT được chia ra theo các giai đoạn như sau:

a) Giai đoạn I: Văn Phòng Phối Kết liên lạc với những người đã được các Vị Đại Diện Mục Vụ tại các quốc gia giới thiệu để thành lập các Ủy Ban cho mỗi thành phần (Giới), với nhiệm vụ: thu tập và bổ túc tài liệu đã có (văn kiện của Tòa Thánh, của các Giáo Hội Địa Phương, các bài suy tư, các kinh nghiệm sống) để cung cấp cho các địa phương; tiếp tục liên lạc với Giới của mình để bổ túc và kiện toàn chương trình mục vụ cho Giới đã được đề nghị trong chương trình mục vụ chung; cộng tác với các vị phụ trách mục vụ tổ chức các khóa học hỏi và tổ chức Đại Hội của Giới trên bình diện Cộng Đồng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại.

b) Giai đoạn II: thực hiện tại địa phương chương trình mục vụ đã được đề nghị.

c) Giai đoạn III: Đại Hội cho mỗi Giới trên bình diện Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại vào quãng giữa hành trình tiến tới Hội Ngộ Niềm Tin II. Mục đích để thúc đẩy các địa phương dấn thân thực hiện chương trình mục vụ; rút kinh nghiệm để kiện toàn chương trình mục vụ; gây tinh thần hiệp thông và tình liên đới cộng tác của Giới trong tất cả Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại.

d) Giai đoạn IV: Đại Hội Thế Giới của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại (Hội Ngộ Niềm Tin II)

III. CÔNG TÁC CỤ THỂ

Một vài công tác đã được nhiều người đề nghị từ lâu với Văn Phòng Phối Kết, nay xin đề nghị như những công tác cụ thể của chương trình mục vụ Hậu HNNTø, vì nếu được thực hiện với tinh thần đức tin và không thay thế, nhưng diễn tả cụ thể hành trình thiêng liêng, những công tác này sẽ là dấu hiệu khích lệ tinh thần hiệp nhất và truyền giáo của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại và diễn tả tình thương yêu đối với Giáo Hội tại Quê Nhà.

1. Đáp ứng nhu cầu mục vụ của các cộng đoàn nhỏ

Hiện nay, tại một số quốc gia có những cộng đoàn nhỏ (chẳng hạn ở Nga, Phần Lan, Tiệp...) không có linh mục Việt Nam. Giáo dân ở những nơi này khao khát được tham dự Thánh Lễ, chịu các phép bí tích và học hỏi giáo lý bằng tiếng Việt. Trong khi chờ đợi có linh mục Việt Nam lãnh trách nhiệm lâu dài cho các cộng đoàn, nếu có linh mục người Việt đến thăm viếng trong một thời gian ngắn để dâng Thánh Lễ và cho chịu các phép bí tích, nhất là bí tích Hòa Giải, cũng là niềm an ủi lớn lao cho các giáo dân.

Văn Phòng Phối Kết sẽ liên lạc và kêu gọi các cha tại các quốc gia Âu Mỹ, nhất là những vị có thời gian nghỉ dài hạn, sắp xếp thời giờ đến giúp các cộng đoàn nhỏ bé này trong vòng một vài tuần.

2. Ngày Giáo Hội Việt Nam

Người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại trong các sinh hoạt tôn giáo, theo Giáo Luật, tùy thuộc Đáng Bản Quyền địa phương nơi sinh sống, nhưng trong tâm tình, thì luôn hướng về gia đình, Giáo Hội và đồng bào trên quê hương Việt Nam. Như có một sợi giây vô hình liên kết người Công Giáo Việt Nam sống tại hải ngoại với Giáo Hội và đồng bào tại Quê Hương.

Để nói lên tâm tình quí mến và hiệp thông với Giáo Hội tại quê nhà của chung Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, nhiều người đề nghị thiết lập NGÀY GIÁO HỘI VIỆT NAM:

- Trong dịp Ngày Giáo Hội Việt Nam, tất cả Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại hiệp nhất một lòng một trí cầu nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam, đồng thời cùng nhau đóng góp, trợ lực cho các nhu cầu chung của Giáo Hội tại Quê Hương. Tại mỗi địa phương, nếu cần thiết, xin các vị hữu trách trực tiếp xin phép Đấng Bản Quyền. Quyên góp được bao nhiêu cũng được, nhưng cần thiết là phải diễn tả đức tin và lòng kính trọng thương yêu.

- Tất cả số tiền quyên góp trong dịp này sẽ được Văn Phòng Phối Kết gửi về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để lo cho các nhu cầu chung (các Ủy Ban của HĐGM, các thí điểm truyền giáo tại Việt Nam hay bất cứ nhu cầu chung nào tùy theo HĐGM quyết định).

3. Trợ giúp việc huấn luyện nhân sự các xứ truyền giáo

Một trong những nhu cầu cấp bách của các xứ truyền giáo là huấn luyện một thế hệ linh mục, tu sĩ và giáo dân được chuẩn bị về tinh thần và trí thức, có khả năng nhận thức và đáp ứng các nhu cầu của thời đại.

Tuy người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại đã cộng tác trong các chương trình truyền giáo của Giáo Hội địa phương, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại muốn thúc đẩy thêm về tinh thần truyền giáo, cộng tác đáp ứng nhu cầu cấp bách và lớn lao nói trên của các xứ truyền giáo. Do đó, Văn Phòng Phối Kết hay Ủy Ban Truyền Giáo sẽ được thành lập, mỗi năm sẽ kêu gọi quyên góp một lần. Số tiền quyên góp được sẽ gửi giúp một số (nhiều ít tùy theo số tiền quyên góp) giáo phận truyền giáo không phải Việt Nam. Cũng như đối với Giáo Hội tại Việt Nam, số lượng quyên góp tuy cũng quan trọng, nhưng điều thiết yếu là tiền quyên góp phải nói lên đức tin và tinh thần truyền giáo. Lúc đó, đồng tiền sẽ không còn phải là đồng tiền mà là những giọt nước của lòng bác ái có sức thông truyền tình yêu của Thiên Chúa, sưởi ấm tâm hồn và xây đắp cuộc đời.

4. Trung tâm Mục Vụ, Văn Hóa Việt Nam tại Roma

Trung tâm Mục Vụ Văn Hóa Việt Nam tại Roma có mục đích đáp ứng một số nhu cầu sau đây:

a) Nghiên cứu về cuộc tiếp xúc giữa nền văn hóa Việt Nam vàtruyền thống sống đạo của người công giáo Việt Nam với các nền văn hóa và cách sống đạo tại các địa phương: ảnh hưởng trên đời sống đức tin của người công giáo Việt Nam và của dân chúng cũng như các giáo hữu địa phương.

b) Giới thiệu với Quốc Tế và truyền đạt cho các Thế Hệ Trẻ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại nền văn hóa Việt Nam và truyền thồng sống đạo của người công giáo Việt Nam;

c) Tạo cơ hội gặp gỡ và trao đổi giữa giới văn học công giáo Việt Nam với giới văn học Việt Nam ngoài công giáo và với các giới văn học thế giớiø.

d) Có nơi sinh hoạt cho các nhu cầu mục vụ chung của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại.

e) Mục vụ hành hương Giáo Đô: tổ chức các cuộc hành hương tu đức tại Giáo Đô để anh chị em trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại có dịp tiếp cận với các di tích thánh và các cơ quan của Giáo Hội để bổ dưỡng tinh thần, thêm xác tín về Đức Tin, tăng thêm tinh thần hiệp thông với Giáo Hội Hoàn Vũ và tinh thần truyền giáo.

f) Tạo điều kiện cho các linh mục, tu sĩ hay giáo dân do các Đức Cha Việt Nam gửi sang Roma một thời gian ngắn để nghiên cứu hay tiếp xúc với các di tích thánh của Giáo Hội.

NB. 1) Trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại hiện đã có một số sáng kiến đáp ứng một vài nhu cầu trên nay. Trung tâm có nhiệm vụ khích lệ các chương trình đang hoạt động và qui tụ, nối kết để đưa ra những sáng kiến mới.

2) Trung Tâm Mục Vụ, Văn Hóa Việt Nam nằm trong sinh hoạt của Văn Phòng Phối Kết, trực thuộc Bộ Truyền Giáo.

3) Để thực hiện Trung Tâm MVVHVN, sẽ thành lập Hội Đồng Quản Trị.


IV. GÓP Ý SOẠN THẢO CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ HẬU HNNT

Để soạn thảo và thực hiện chương trình mục vụ theo mục đích và tinh thần trên đây, cần có sự góp ý và cộng tác rộng rãi của mọi thành phần Dân Chúa. Xin Ban Đại Diện tham khảo ý kiến rộng rãi trong phạm vi hoạt động của mình. Với những góp ý của các địa phương, Chương Trình Mục Vụ sẽ phản ảnh trung thực hoàn cảnh đa dạng, đáp ứng các nhu cầu cụ thể của các địa phương và nói lên tinh thần hiệp nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt nam Hải Ngoại. Để việc góp ý được dễ dàng, xin trả lời theo các câu hỏi đề nghị dưới đây:

Phần I: Mục đích và tinh thần

1. Những yếu tố về mục đích và tinh thần nói trong Bản Dự Thảo đã đầy đủ hay còn phải thêm bớt gì?

Phần II: Hành trình thiêng liêng và diễn tiến thức hiện

Hành trình thiêng liêng áp dụng cho các thành phần

2. Ngoài các 10 giới (thành phần) trên đây, có thành phần nào khác cần được chú ý đặc biệt trong chương trình mục vụ không?

3. Tại địa phương của ngài, có những phong trào, hội đoàn nào đang hoạt động và tinh thần sống đạo và truyền giáo ra sao?

4. Xin cho biết chương trình mục vụ chung và các sáng kiến mục vụ áp dụng cho từng giới hiện đang thi hành tại địa phương (Các vị trong các Ngành Mục Vụ chuyên biệt, xin để ý đặc biệt đến chương trình mục vụ trong Ngành của mình).

5. Trong viễn tượng nên thánh và truyền giáo, đâu là những vấn đề và những nhu cầu đặc biệt cần để ý trong chương trình chung và trong các chương trình áp dụng cho từng giới?

6. Làm thế nào để cộng đoàn hay phong trào hội đoàn là nơi an bình và hiệp nhất, đón nhận mọi người?

7. Tinh thần truyền giáo: cộng đoàn hay phong trào, hội đoàn của ngài có ý thức về bổn phận làm chứng nhân, và có sáng kiến gì về việc truyền giáo và tinh thần đối thoại trong mối liên hệ với đồng bào Việt Nam ngoài công giáo?

8. Đối với Giáo Hội địa phương, Cộng đoàn hay phong trào, hội đoàn của ngài đã đóng góp gì cho Giáo Hội địa phương (truyền thống sống đạo, văn hóa, cộng tác tích cực trong các chương trình mục vụ...) và đã học hỏi được gì (văn hóa, truyền thống sống đạo) để làm cho đời sống đức tin được thêm phong phú?

9. Đối với Giáo Hội và đồng bào tại Việt Nam: hiện có những sáng kiến gì? Cần phải có sáng kiến gì thêm để tỏ lòng mến yêu và tình liên đới? Cần có tinh thần và nguyên tắc nào hướng dẫn các sáng kiến?

10. Cộng đoàn hay phong trào, cộng đoàn của ngài trông chờ gì nơi chương trình chung và ngược lại, có thể đóng góp gì cho chương trình chung?

Các giai đoạn thực hiện

11. Tại địa phương của ngài, có các văn kiện nào của Đấng Bản Quyền liên quan đến hành trình nên thánh và truyền giáo, áp dụng chung cho mọi thành phần hay cụ thể cho từng giới?

12. Nhân sự: xin giới thiệu các vị có tài đức và lòng nhiệt thành cộng tác thực hiện chương trình mục vụ (chung và từng giới).

13. Thời gian thực hiện Chương Trình Mục Vụ Hậu HNNT: thời gian bao lâu và kết thúc dịp nào?

- Năm 2008: kỷ niệm 20 năm phong Thánh 117 Vị Tử Đạo (chương trình Ngũ Niên)?

- Năm 2010: kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (24/11/1960)?

- Năm 2013: kỷ niệm 25 năm phong Thánh 117 Vị Tử Đạo (19/06/1988)?

14. Nhắm đến ngày Bế mạc như cao điểm của hành trình thiêng liêng, ngoài những cố gắng nhắm phát huy tinh thần, có nên đề nghị một công tác gì cụ thể không, chẳng hạn cổ võ để có một số ơn gọi truyền giáo và mỗi giới có một số người chuẩn bị để tuyên thệ dấn thân hoạt động tông đồ, hoặc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại chịu trách nhiệm hỗ trợ một thí điểm truyền giáo...?

15. Làm thế nào để thông truyền chương trình mục vụ Hậu HNNT cách rộng rãi và lôi kéo các cộng đoàn và mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau hiệp lực soạn thảo và thi hành?

Phần III: Công tác cụ thể

16. Xin cho ý kiến về các công tác cụ thể đề nghị trên đây. Riêng về Ngày Giáo Hội Việt Nam, xin cho biết thời điểm và cách thức thực hiện nào thuận tiện nhất? Về thời điểm, có thể nghĩ đến dịp Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam? Tháng Năm? Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (8 tháng 12)?

17. Văn Phòng Phối Kết rất giới hạn về nhân lực và phương tiện, các cộng đoàn, các phong trào hội đoàn, các dòng tu có thể trợ giúp cách nào để Văn Phòng Phối Kết có thể đáp ứng những nhu cầu chung?