Còn 2 năm nữa mới hết nhiệm kỳ Tổng Thống nhưng cuộc tranh cử đã bắt đầu sôi nổi rồi.

Thứ Hai hôm nay, vị thượng nghị sĩ 'mới toanh'cuả Tiểu Bang Texas chính thức tuyên bố làm ứng viên. Chưa có ai bắt đầu sớm như vậy, người ta thường phải thực hiện nhiều gian đoạn như 'khám phá', 'thăm dò', 'tìm hậu thuẫn' rồi mới tuyên bố tranh cử, nhưng ông Ted Cruz quyết định đốt giai đoạn, mở màn cho một thể thức mới, khác hẳn với quá khứ thông thường.



Ông ta đặt hy vọng vào một nguyên tắc: 'cuả Lạ là cuả Quí'. Ông đã từng 'không thành công thì cũng thành nhân' với một chiến thuật 'lạ đời' kiểu đó, lúc đó là vào năm 2013 khi mới tập tễnh bước lên thượng viện, ông đơn thương độc mã 'filibuster' (đọc diễn văn 'miên man bất tận') để chống Obamacare. Tuy ông phải rời diễn đàn vì hết hơi kiệt sức sau 21 giờ đứng lì trên đó mà không có ai khác giúp sức, nhưng đổi lại, ông được người ta chú ý.

Xin đừng vội coi thường ông, nền chính trị ở Hoa Kỳ mới đây đã có nhiều 'đột ứng bất ngờ'. Trường hợp của vị Tổng Thống đương nhiệm chẳng phải là một thí dụ điển hình đó sao?

Nhưng hãy tạm xếp ông Ted Cruz vào một bên để sẽ bàn sau. Vì là người Công Giáo, chúng ta cũng nên biết về những nhân vật 'mệnh danh là Công Giáo' có nhiều khả năng.

Danh sách những ứng viên Công Giáo thì khá đông. Về phiá đảng Cộng Hoà đếm được 4 vị, cả 4 đều sáng giá. Còn về phiá đảng Dân Chủ thì đã có ông Phó Tổng Thống Joe Biden mà ai cũng đã biết.

Nếu như lịch sử là một bánh xe xoay vần trở lại mãi, thì xét rằng cứ 8 năm ở Mỹ, chiếc ghế Tổng Thống sẽ thay đảng. Cho nên dựa vào số ứng viên 'có mặt có mũi' cuả Cộng Hoà, người ta hy vọng sẽ có một vị Tổng Thống Công Giáo thứ hai, sau vị thứ nhất là J.F. Kennedy.

Nhưng người Công Giáo đừng vội mừng. Lấy kinh nghiệm thời Kennedy, tuy ông này vẫn là niềm tự hào cuả người Công Giáo Hoa Kỳ vì ông đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới là người Công Giáo không còn có cái mặc cảm, và cũng không còn bị coi, là một công dân hạng hai nữa, nhưng chính sách cuả ông đã là một hệ lụy thê thảm cho Công Giáo. Ông cực lực, và rất hãnh diện về việc này, là không thiết lập ngoại giao với Toà Thánh (phải đợi cho đến năm 1984 dưới thời cuả Ronald Reagan) và cúp hết mọi tài trợ cho các trường Công Giáo từ đó.

Liệu một vị Tổng Thống Công Giáo thứ hai sẽ lại 'tặng' cho Giáo Hội những 'cú đá giò lái' ngoạn mục như thế chăng? Nhìn vào phong cách và lời tuyên bố cuả 5 vị 'ứng viên Công Giáo' ngày nay, người ta lo sợ rằng cơn 'hoạn nạn' sẽ khó mà tránh khỏi.

Trước khi phân tích từng 'vị' bằng một bài viết riêng, chúng ta hãy thoáng nhìn qua những lập luận cuả họ mỗi khi một vần đề tôn giáo nổi lên.

Hai ông Joe Biden (Phó Tổng Thống) và Paul Ryan (Dân Biểu, chủ tịch ban Ngân Sách Hạ Viện) sẽ được bàn trước, không phải vì họ là những ứng viên sáng giá nhất, nhưng vì hai ông đã từng là ứng viên phó TT kỳ bầu cử lần cuối.

Bởi vì định mệnh đã trói buộc họ lại với nhau trong cuộc tranh cử vừa qua, chúng ta không thể bàn về một người mà không nhắc đến người kia.

Joe Biden và Paul Ryan, hay là lập luận về vấn đề Phá Thai và An Sinh Xã Hội:



Cuộc tranh biện trên TV ngày 11 tháng 10 năm 2012 lần đầu tiên cho thấy 2 ứng viên Công Giáo đối đầu với nhau trên diễn đàn cuả quốc gia. Cả hai đều thành đạt rực rỡ, đều nổi tiếng thông minh, và đều 'bô bô tuyên xưng' mình là người Công Giáo 'gốc'. Thật là một tiến bộ so với thời Kennedy, năm 1960, khi ông phải trấn an các mục sư Tin Lành ở Houston, là tuy là người Công Giáo, ông sẽ không nhận lệnh từ một vị Giáo Hoàng.

Nhưng hình như cái 'Công Giáo' mà cả hai tuyên xưng đều có vẻ 'bất ổn' làm sao ấy.

Joe Biden và vấn đề phá thai.

Về vấn đề Phá Thai, ông Joe Biden nói:

"Về vấn đề phá thai, tôi chấp nhận quan điểm cuả Giáo Hội là cuộc sống bắt đầu từ lúc thụ thai. Đó là phán đoán riêng của Giáo Hội. Tôi chấp nhận nó trong cuộc sống cá nhân của tôi. Nhưng tôi từ chối áp đặt nó trên các Kitô hữu mộ đạo khác, cũng như trên các người Hồi giáo và người Do Thái - Tôi từ chối áp đặt nó trên người khác."

Ông ta tìm cách xoay vấn đề chung quanh chữ "không áp đặt lên người khác", là điều mà Giáo Hội cũng không bao giờ đòi hỏi. Vấn đề chính cuả ông, là ông ủng hộ và hậu thuẫn cho các tổ chức phá thai. Chúng ta biết rằng những ủng hộ đó và thêm vào sự ủng hộ hôn nhân đồng tính cấp Liên bang đã làm cho trên 200 cơ sở tìm cha mẹ nuôi cuả Công Giáo phải đóng cửa, nhiều nhà thương và trường đại học Công Giáo cũng đang bị đe doạ bị phạt.



Paul Ryan và ngân sách:

Còn về ông Paul Ryan? thì đó là vấn đề ngân sách chính đáng. Giáo Hội kêu gọi phải giúp đỡ người nghèo và những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Paul Ryan với tư cách là chủ tịch ủy ban ngân sách Hạ Viện đã 'cắt' hầu hết các chương trình xã hội trên trong bản thảo về ngân sách năm 2012, làm cho Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ phải chính thức 4 lần viết thư phản đối lên Quốc Hội rằng đây là một ngân sách 'bất chính' (unjust).

Lập luận cuả Ryan như sau:

"Đối với tôi, nguyên tắc bổ trợ (cuả nền Xã Hội Học Công Giáo), mà thực sự Liên Bang Hoa Kỳ cũng đang thực hiện, là những đơn vị cộng đồng gần gũi với người dân nhất thì điều chỉnh những công việc được thành công tốt nhất. Một xã hội dân sự đặt nền tảng trên nguyên tắc bổ trợ là nhờ việc thông qua các tổ chức dân sự, thông qua các nhà thờ, thông qua các tổ chức từ thiện, thông qua tất cả các các nhóm khác nhau, những nơi mà chúng ta tương tác với nhau như một cộng đồng, mà mưu tìm lợi ích chung. Nhờ việc không dùng một chính quyền lớn áp đảo các xã hội dân sự, nhưng chỉ làm cho chúng có đủ không gian để tương tác với nhau, sẽ chăm sóc cho những người bị thất bại trong cộng đồng của chúng ta."

"Những nguyên tắc đó là rất, rất quan trọng," Ryan nói. "Và sự lựa chọn hay nhất cho người nghèo, một trong những nguyên lý cơ bản của giáo huấn xã hội Công Giáo, là không giữ người nghèo nghèo mãi, không làm cho họ phụ thuộc vào chính quyền để không bị mắc kẹt tại một trạm nào đó trong cuộc sống của họ; giúp mọi người thoát khỏi đói nghèo, trở thành độc lập."

Nghe cũng hay đó chứ? Nhất là việc được thấy một người Công Giáo có chức quyền mà chăm chỉ áp dụng các nguyên tắc đaọ lý Công Giáo vào cuộc sống. Chính đức Hồng Y Dolan cuả New York cũng phải khen: "Các nguyên tắc của giáo huấn xã hội Công Giáo đó chứa đựng một vài sự thật cần được áp dụng", Nhưng ngài cũng khuyên thêm rằng mỗi ứng dụng cần phải được "phán xét một cách thận trọng."

Sự Thận trọng noí trên được 60 nhà thần học, linh mục, tu sĩ, giáo sư đại học và lãnh đạo xã hội Công Giáo nổi danh làm sáng tỏ bằng việc phát hành một tuyên ngôn ngày 13 tháng 4 2012 bác bỏ "những đề nghị triệt để về ngân sách cuả Ryan đã xuyên tạc việc giảng dạy cuả Giáo Hội."

"Nếu Dân Biểu Ryan cho rằng một ngân sách dựa vào các giá trị Công Giáo mà lại lấy đi thực phẩm và sự chăm sóc sức khỏe cuả hàng triệu người dễ bị tổn thương, thì có lẽ ông cũng tin rằng Chúa Giêsu là một đảng viên cuả Tea Party chỉ biết giảng dạy cho người nghèo rằng họ không được lười biếng nữa và phải làm việc chăm chỉ hơn. Đây là một ngân sách làm đảo ngược những giáo huấn cuả Giáo Hội cuả nhiều thế kỷ..."

Bản tuyên ngôn nói rõ hơn: "Đơn giản hơn, ngân sách này không thể bảo vệ được về mặt đạo đức vì nó phản bội các nguyên tắc Công Giáo khác về bác ái, về việc đánh thuế cách chính đáng và về việc hướng tới lợi ích chung. Một ngân sách quay lưng lại với những người nghèo đói, người già và người bệnh tật trong khi đó lại giảm thuế cho một số ít người giàu thì không thể biện minh được về mặt Kitô giáo. "

Ông Ryan còn rất trẻ và rất thông minh, lại rất cần mẫn, con đường hoạn lộ cuả ông sẽ dài lắm, chúng ta chắc chắn chưa hết nghe nói về ông dù cho ông đã tuyên bố không tìm việc ứng cử TT vào kỳ tới.

Còn các 'ứng viên Công Giáo' khác? Nói rõ hơn là 3 vị đang bận rộn với công việc "thăm dò" là Santorum, Rubio, và cựu Thống đốc Jeb Bush?



Trường hợp Santorum:

Trong cuộc bầu cử vừa qua ông Santorum đã tranh cử hoàn toàn với một 'cương lĩnh' rập khuôn theo quan điểm cuả Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ và ông đã thua. Người ta còn chờ xem ông sẽ chạy đua với một 'cương lĩnh' nào khác không.

Ông là một người hâm mộ thánh Josemaria Escriva, người sáng lập ra Opus Dei và thường lập lại những lời cuả Thánh nhân, nhưng ông không gia nhập Opus Dei. Trong những lần tranh cãi trên Thượng Viện về vấn đề phá thai, có lần ông đã nói: "Một người Công Giáo Tốt thì không do dự phục vụ xã hội một cách trung thành trong việc công khai đấu tranh cho sự thật tuyệt đối. Thánh Josemaria đã noí như vậy"

'' Miễn là bạn tiến thẳng tới mục tiêu, miễn là đầu và trái tim của bạn say sưa với Thiên Chúa, thì tại sao lo lắng.. . ? " ông nói trên diễn đàn, lập lại lời cuả thánh Escriva.

Nhưng như thế không có nghĩa là ông không có những giây phút khó chịu với Giáo Hội khi những điều xảy ra không phù hợp với những lý tưởng triệt để cuả ông. Mới đây ông đã gay gắt 'đặt vấn đề' với một lời tuyên bố cuả Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài bay về từ Philippines. ĐTC nói: "Là một người Công Giáo tốt không có nghĩa là phải đẻ con 'như thỏ'".

Ông Santorum đã không thể giữ mồm giữ miệng được, ông nói:

"Vâng, nghĩa là, đôi khi rất khó để mà nghe Đức Giáo Hoàng và một số những điều ngài nói một cách tự phát, và điều này là một trong số đó," Santorum nói với Hugh Hewitt. "Và tôi sẽ, tôi sẽ luôn noí rằng Đức Thánh Cha là người lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo, và khi Ngài nói như là một vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo, thì tôi chắc chắn sẽ chú ý. Nhưng khi ngài nói trong một cuộc phỏng vấn, đó là ngài đưa ra ý kiến ​​của riêng mình, mà tôi chắc chắn sẽ lắng nghe, nhưng từ quan điểm của tôi, điều đó không phản cái ý niệm là con người không nên sinh sôi nẩy nở nữa, và mọi người phải sẵn sáng đón nhận sự sống như là một giá trị cốt lõi của đức tin và của Giáo Hội Công Giáo. Và tôi không biết những gì Đức Giáo Hoàng có ý nhắm tới khi đề cập đến vấn đề đó. Có lẽ ngài muốn nói cho người dân trong thế giới thứ ba, nhưng vấn đề trong hầu hết thế giới Công Giáo chắc chắn không phải là vấn đề sinh sản. Tôi muốn nói là, đặc biệt ở châu Âu có tỷ lệ sinh bạn thối lui, chỉ có hơn số 1 cho mỗi hai người. Vì vậy, đây không phải là một vấn đề toàn cầu, và tôi không biết Đức Giáo Hoàng muốn đề cập đến việc gì. "



Trường hợp Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio:

Cũng thế, ông Rubio cũng nhẩy nhỏm lên khi nghe tin ĐTC thành công trong việc hàn gắn ngoại giao giữa Cuba và Hoa Kỳ.

"Đức Thánh Cha mong muốn thể hiện lời chúc mừng nồng nhiệt của mình cho các quyết định lịch sử giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Cuba để thiết lập quan hệ ngoại giao, với mục đích khắc phục, vì lợi ích của công dân hai nước, mọi khó khăn trong quá trình lịch sử ", Vatican cho biết trong một tuyên bố.

Thương Nghị Sĩ Rubio, con của người nhập cư từ Cuba, lớn lên ở Florida, đã làm một việc bất thường là lên lớp cho ĐGH như sau:

"Theo sự hiểu biết của tôi thì ảnh hưởng của Đức Thánh Cha thể hiện trên việc giải thoát cho ông [Alan] Gross, tôi không chỉ trích về việc đó. Như tôi đã nói, tôi cảm thấy hạnh phúc khi thấy ngài đứng về phiá nhân dân Cuba [sic]. Nhưng tôi cũng sẽ hỏi Ngài hãy đảm đương thêm sự nghiệp tranh đấu cho tự do và dân chủ, là rất quan trọng đối với một dân tộc được tự do - một dân tộc thật sự được tự do".

Người ta biết ông Rubio từng thay đạo như thay áo, ông được rửa tội trong đạo Công Giáo, rồi bỏ đạo theo phái Mormon, rồi bỏ Mormon trở lại Công Giáo, rồi mới đây người ta thấy ông đi lễ Tin Lành Baptist, rồi lại đi lễ Công Giaó vv và vv. Thôi hãy cứ coi ông là Công Giáo theo như tiểu sử chính thức cuả ông đã công bố.



Trường hợp cựu thống đốc Jeb Bush:

Còn ông Jeb Bush? ông chính thức theo Công Giáo là đạo cuả bà vợ và có vẻ ông rất thành thật.

Việc theo đạo cuả các bà vợ có thể là một truyền thống cuả gia đình Bush chăng? Ông cố ngoại (great-grandfather) tên là George Herbert Walker từng là một người Công Giáo và ra trường từ một trường dòng Tên. Khi ông này lấy vợ có đạo Presbyterian (Phái trưởng lão) thì gia nhập Giáo Hội cuả vợ. Đến lượt ông George Bush, cựu Tổng Thống và thường được gọi là Bush Cha, thì theo phái Episcopal (Tân Giáo, tức là Anh Giáo bên ngoài nước Anh) cuả bà vợ Barbara. Rồi đến ông anh George W. Bush, cũng làm tổng thống và thường được gọi là Bush Con, thì theo đạo United Methodist cuả bà vợ Laura.

Ông Jeb Bush được rửa tội theo phái Episcopal (Tân Giáo). Khi là một học sinh (exchange student) đi du học bên Mexico đã gặp bà Columba Garnica Gallo là một thiếu nữ Công Giáo mộ đạo dù cho cha mẹ cuả bà ly dị nhau. Họ lấy nhau theo nghi lễ Công Giáo tại Trung Tâm SV Công Giáo cuả trường University of Texas (1974). Ông quyết định theo đạo Công Giáo sau khi tranh cử chúc Thống đốc và bị thất bại (1995).

Ông có vẻ được lòng nhiều giám mục ở Hoa Kỳ, mặc dù trong thời gian ông làm Thống đốc ông đã cho xử tử nhiều tội nhân hơn ai hết. Sự được lòng ấy có lẽ phần nào nhờ vào thái độ chân thành cuả ông.

Một lần kia, Hội đồng các Giám Mục cuả Florida kêu gọi ông không nên gắn kẽm gai chung quanh phòng cuả các tử tội (để tránh việc họ ném đồ ra ngoài) vì như thế là 'tàn bạo'. Ông viết thư trả lời:

"Tôi chân thành cảm ơn Hội đồng giám mục về việc chân thành muốn thăng tiến các chính sách công cộng để làm sao cho phù hợp với lời dạy của Chúa chúng ta," ông viết trong một email tới Đức Giám Mục Robert N. Lynch của St. Petersburg. "Tôi hy vọng DGM cũng biết rằng tôi cố gắng làm như vậy. Nhưng những lúc hiếm hoi khi mà chúng ta không đồng ý với nhau, thì nó làm cho tôi rất, rất khó sử. Tuy nói như thế, tôi sẽ tiếp tục làm những gì tôi cho là đúng. "

....

Những đụng độ với Giáo Hội như thế vẫn tương đối chỉ là nhỏ so với những gì sẽ phải xảy ra khi Đức Giáo Hoàng sang thăm Hoa Kỳ vào mùa thu tới, ngay giữa lúc đảng Cộng Hoà quyết định ai sẽ giành được chiến thắng trong việc đề cử.

Trong dịp này Đức Giáo Hoàng sẽ thúc đẩy thông điệp người Công Giáo có bổn phận phải cố gắng giảm thiểu sự nóng lên cuả hoàn cầu.

Trong khi 62 phần trăm "đảng Cộng hòa" cho biết họ ủng hộ những hành động kềm hãm khí thải nhà kính, nhưng rất ít người trong số họ nghĩ rằng chính phủ nên làm một điều gì đó cho việc này.

"Vâng, giáo hoàng này chắc chắn có những ưu tiên của mình," nhà bảo thủ talk show Rush Limbaugh diễu cợt nói. "Biến đổi khí hậu ư? là điều lớn nhất đối với đạo Công Giáo và Kitô giáo? Bạn có tin được không? "

Về phần ông Bush, năm ngoái ông tuyên bố mình "hoài nghi" về việc con người gây ra biến đổi khí hậu, và do đó đã lên tiếng chống lại những quy định của chính phủ không cho phép khoan dầu trên đất công.

Ông Rubio thì rõ ràng hơn, ông không đồng ý với đức Phanxicô về sự nóng lên toàn cầu.

"Tôi không tin rằng các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi lớn đến khí hậu của chúng ta theo cách mà các nhà khoa học diễn tả," Rubio cho biết. "Và tôi không tin các dự luật mà họ đề nghị sẽ làm được bất cứ điều gì về nó. Ngoại trừ việc đó sẽ phá hủy nền kinh tế của chúng ta. "

Còn Santorum? ông cho biết những gì ông thấy về nhiệt độ tăng cao "trong 10 hoặc 20 năm qua" là "không nên làm gì cả."