THOÁNG TẢN MẠN VỀ ĐỜI THÁNH HIẾN
Giáo Hội Công Giáo đã bước vào năm thánh hóa đời thánh hiến và Giáo Hội Công Giáo Việt nam cũng đã khai mở năm tân Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn giáo xứ và cộng đoàn đời sống thánh hiến. Thử hỏi rằng đời sống tận hiến tu trì, cách riêng trong Công Giáo còn có vai trò và ý nghĩa nào đối với nhân loại hôm nay?
Người ta vốn hiểu một cách phổ thông: tu là sửa. Đi tu là chọn con đường sửa mình. Sửa mình để làm nền tảng cho những hoạt động lớn lao hơn. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Sửa mình để rồi mưu ích cho tha nhân, cho xã hội. Anh em Phật tử thì chọn con đường đi tu để giác ngộ, cách riêng với phái Đại Thừa thì giác ngã để giác tha… Theo nhãn quan Kitô giáo đi tu là chọn một con đường, một cách thế theo sát Đức Kitô hơn trên con đường sống đức ái, là phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cách triệt đễ và hữu hiệu hơn. Và con đường tu sĩ tự nguyện chọn theo sát Đức Kitô hơn đó là các lời khuyên Phúc Âm: Vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh.
Đức vâng phục của chúng ta có trở nên một nguyên cớ để người ta cho mình là thiếu trách nhiệm, là chưa trưởng thành? Phải chăng có đó khá nhiều tu sĩ sống thiếu bản lĩnh, sống không có lập trường, sai đâu thì đánh đó? Họ nại cớ vâng phục để rồi luời biếng suy nghĩ về chương trình hành động, nại cớ vâng phục để rồi hành động một cách thiếu tinh thần trách nhiệm? Sự đơn sơ phó thác phải chăng đã có lúc trở thành tấm màn che đậy một tinh thần, một thái độ ấu trĩ?
Nếu giả như điều này là hiện thực thì không duy chỉ có phần lỗi của các tu sĩ bề dưới mà còn có phần lỗi lớn của các vị đứng đầu tập thể lớn nhỏ. Chúng ta đã từng lầm tưởng và có thể đang in trí rằng: ý bề trên là ý Chúa. Đã là ý chúa thì không thể sai lầm. Đã là ý Chúa thì phải nhất nhất tuân hành, không một ý kiến phản hồi hay góp ý. Chưa kể đến chuyện nếu dám to gan “thắc mắc” trước ý bề trên thì dễ bị quy chụp là chống đối, lỗi đức vâng lời. Chúa thường hướng dẫn chúng ta qua bề trên. Nhưng xin đừng đồng nhất ý bề trên là ý Chúa. Nếu vậy thì đâu có chuyện Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất nhiều lần lên tiếng xin lỗi. Phận bề dưới, chúng ta cần tìm và đón nhận ý Chúa qua ý bề trên. “Điều ấy xảy đến thế nào được vì tôi không biết đến chuyện phu thê!” (Lc 1,34). Đức Maria, Mẹ chúng ta quả là to gan khi dám cật vấn cả Thiên sứ. Ngay trong một cộng đoàn nhỏ bé, thử hỏi chúng ta có thực tâm đem việc chung ra thảo luận hay không? Ngoại trừ các em thỉnh sinh, các em thanh tuyển, thiết tưởng rằng tuổi đời của các khấn sinh, dù là khấn tạm hiện nay không thể nói là còn non nớt. Thực tế đang còn đó nhiều vị đã vĩnh khấn, đã lãnh nhận thiên chức linh mục mà vẫn bị xem như là chưa trưởng thành!
Đức khó nghèo của chúng ta đã trở nên dấu chỉ khả tín về Thầy Chí Thánh, Đấng tự nguyện trở nên nghèo khó để cho muôn dân được nên phong phú và giàu có chưa? (x.2Cr 8,9). Cái chuyện “khó mà nghèo” dù là chuyện khôi hài vỉa hè nhưng cũng đủ nói lên hiện trạng của đời tu, nhất là hiện nay. Thậm chí có người dám hóm hỉnh rằng cả Đức Chúa Trời Ba Ngôi cũng không biết dòng Tên vâng phục ai? Dòng Đaminh, Dòng Chúa Cứu Thế thuyết giảng chuyện gì và dòng Phanxicô có bao nhiêu tiền?
Vẫn có đó nhiều tu sĩ an tâm vì vật sở hữu không nhiều, nhưng lại đang được sử dụng quá nhiều phương tiện vật chất mà cả người trung lưu có mơ cũng chẳng được. Ngay cả bà con tín hữu trong đạo cũng mang tâm thức rằng các cha nhiều tiền, các thầy, các sơ thì thiếu gì tiền! Hội Thánh vốn tự xưng là tập thể những người nghèo và sống ưu tiên cho người nghèo thế mà thực tế thì sao đây? Tu sĩ chúng ta sống đức nghèo khó như thế nào? Có người nại đến Tin Mừng Matthêu để chỉ hài lòng về sự khó nghèo trong tinh thần. Nhưng xin đừng quên Tin mừng Luca nói rõ về sự khó nghèo toàn diện (x.Mt 5,3; Lc 6,20).
Nào chúng ta nói đến Đức Khiết tịnh. Đây quả là một ưu phẩm của giới tu trì trước mặt người thế gian. Hy sinh cảnh sống ấm êm của đời hôn nhân gia đình quả là một hiến dâng quảng đại. Để đề cao công lao và nhân đức của một lãnh tụ nào đó người ta thường tuyệt đối hóa sự hy sinh này. Tuy nhiên vẫn còn đó cái dấu hỏi ngầm rằng họ có thể vượt qua sự đòi hỏi bình thường kiếp nhân sinh chăng? Chúng ta cần thú nhận sự hạn chế của bản thân trong kiếp người. Không một ai có thể tự hào mình đã, đang và sẽ lướt thắng mọi chước cám dỗ lỗi đức khiết tịnh cách này cách khác. Là tu sĩ, phải chăng chúng ta nên có một cái nhìn đúng đắn về lời khấn khiết tịnh. Vô tri thì bất mộ. Cũng có thể nói thêm: vô tri thì bất khả hành.
Ta giữ đức vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh không phải là vì chính sự khiết tịnh, khó nghèo hay vâng phục, mà là để theo sát Đức Kitô trên con đường sống đức ái trọn hảo. Không gì hơn, hãy xét xem Đức Giêsu sống vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh để yêu mến Cha và yêu thương nhân loại như thế nào.
- Chúa Giêsu không ngồi chờ Cha phán mà nỗ lực tìm kiếm thánh ý Cha hằng ngày. Nguời tìm kiếm thánh ý Cha bằng những giờ cầu nguyện liên lỉ từ sáng sớm hay đêm về ở các nơi thanh vắng. Người tìm kiếm thánh ý Cha qua việc tiếp xúc với tha nhân. Chẳng hạn qua sự kiên trì và khiêm hạ của người mẹ xứ Canaan có đứa con gái bị quỷ ám (x.Mt 15,21-28; Mc 7,24-30), qua thái độ quảng đại dâng hiến của bà góa nghèo ở Đền thờ Giêrusalem (x.Lc 21,1-4; Mc 41-42), qua niềm tin kiên vững của viên đại đội trưởng (x.Mt 8,5-13; Lc 7,1-10). Biết được ý Cha trên trời thì không đợi Cha sai bảo, Người tích cực thực hiện cho dù nhiều khi phải trả với giá đau thương. Và Người đã nhận ra con đường Người đi là “Hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), để thế gian qua Người mà tin vào tình yêu của Cha trên trời hầu được cứu độ (x. Ga 3,16-18).
- Chúa Giêsu tự nguyện làm kẻ “không có chỗ gối đầu” không phải để coi thường vật chất của cải, nhưng để có điều kiện đến với nhiều người, đến với người bất hạnh, cô thế cô thân trong sự đồng cảm, đồng thân, đồng phận. Đức khó nghèo của Người hiển sáng khi người tự nguyện nên đồng hàng với tội nhân để nâng tội nhân lên từ đáy sâu bùn lầy tội lỗi. Người không chỉ khó nghèo trong sở hữu, trong sử dụng mà đặc biệt là trong hiện hữu. Thánh Phaolô Tông Đồ đã triển khai ý tưởng này trong bài ca tự hủy gửi giáo đoàn Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…” (Pl 2, 6-11).
- Chúa Giêsu đã sống khiết tịnh khi tích cực đón nhận mọi người, mọi giới làm anh chị em của mình, làm bạn hữu của mình. Sự khiết tịnh của Người được tỏ bày bằng việc Người đón nhận mà không giữ riêng cho mình nhưng dâng lại tất cả cho Chúa Cha. Sự khiết tịnh của Người thể hiện bằng việc Người làm cho những người mà Người yêu mến được triển nở và sinh hoa kết trái dồi dào. Sự khiết tịnh của Người lên đến đỉnh cao khi Người tự nguyện ra đi để cho những người mà Người yêu mến được ích lợi hơn. “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16,7). Một tình yêu đượm đức khiết tịnh là khi ta làm cho người mình yêu nên đáng yêu hơn, được nhiều người yêu mến hơn và có khả năng yêu mến nhiều người khác hơn. Một điều dường như tưởng là khôn ngoan của những vị có trách nhiệm đó là gìn giữ các thành viên dưới mình cách độc quyền. Sự độc quyền ngay cả trong tình yêu cũng là lỗi đức khiết tịnh đó. Và một trong những biểu hiện bên ngoài đó là thấy khó chịu khi một thành viên nào đó được người khác yêu thương hơn mình. Thế là lấy sự khôn ngoan ra để ngăn cản, để la lối, để chỉ trích…
Điểm tới của các lời khuyên Phúc Âm đó là Đức ái. Tu sĩ nam nữ tự nguyện theo sát Đức Kitô để sống yêu thương cách cụ thể, hữu hiệu và đích thực hơn. Tình yêu này bắt nguồn từ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tuy là Ba Ngôi riêng biệt, khác biệt, nhưng cùng một bản tính, cùng một vinh quang, danh dự và uy quyền nên chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Mầu nhiệm khôn dò này mời gọi chúng ta sống tình yêu thương cách cụ thể và thiết thực ngay từ chính cộng đoàn của mình. Chính vì thế mà bất cứ Hội Dòng nào cũng đề cao tính cộng đoàn.
Cộng đoàn là nơi các tu sĩ thể hiện tình yêu cách rõ nét. Cùng với cộng đoàn và trong cộng đoàn, các tu sĩ ngày một hoàn thiện trên con đường sống đức ái. Tuy nhiên cộng đoàn ở đây không phải là cộng đoàn khép kín nhưng phải là cộng đoàn mở. Tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu trọn hảo. Và Tình yêu ấy đã mở ra với các loài thụ tạo, cách riêng với loài người, hình ảnh của chính Thiên Chúa. Để phản ánh phần nào tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, xin đề xuất một vài gợi ý:
Cần thường xuyên củng cố và tăng cường tình liên đới và hiệp nhất giữa các thành viên trong các cộng đoàn dòng tu. Đặc biệt cần lưu tâm đến những thành viên kém may mắn, hoặc bị hạn chế mặt này mặt kia. Tôi thường nửa thật nửa đùa với quý tu sĩ khi có dịp nói chuyện rằng: Đời đã đủ cảnh khổ rồi. Xin đừng hành khổ nhau. Và chúng ta cũng đừng quên người ta sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô bằng chính đời sống yêu thương, liên đới, hiệp nhất giữa chúng ta (x.Ga 13,35).
Khi có một công việc tốt lành nào đó, chúng ta nên tạo dịp để có nhiều thành viên tham gia, góp phần. Xin đừng để bất cứ một ai trong cộng đoàn mang mặc cảm mình là người bất tài và vô dụng. “Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng” (St. Exupéry). Nhất là khi cùng nhau hướng về một điều thiện hảo nào đó thì sự hiệp nhất sẽ hình thành và được củng cố.
Hiệp thông, cộng tác trong tinh thần liên đới với các thành viên khác dòng. Đây là một vấn đề gai góc khó vượt qua. Xưa cũng như nay, đã có đó tình trạng đố kỵ giữa các hội dòng trong việc mục vụ cũng như truyền giáo. Lịch sử Hội Thánh Việt Nam đã từng ghi lại hiện thực này. Chuyện hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ, phải chăng cũng vương vấn trong đời sống các dòng tu?
Xin được nhắc lại chân lý rút ra từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, nguyên lý và cứu cánh của mọi vật, mọi loài, của đời người, cách riêng của đời tận hiến đó là không một điều tốt đẹp nào là thành quả công lao của riêng một ai. Như thế, nếu có sự độc quyền trong việc tốt, điều lành thì điều ấy, việc ấy không tốt và cũng chẳng lành. Chước cám dỗ độc quyền, độc tôn, tự cho mình là bất khả thay thế luôn là chước cám dỗ khó cưỡng khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô dịp cuối năm 2014 vừa qua đã đặc biệt lưu ý giáo triều Roma và Ngài đã đưa nó thành căn bệnh hàng đầu trong 15 căn bệnh mà những người có quyền chức thường vương phải.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giáo Hội Công Giáo đã bước vào năm thánh hóa đời thánh hiến và Giáo Hội Công Giáo Việt nam cũng đã khai mở năm tân Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn giáo xứ và cộng đoàn đời sống thánh hiến. Thử hỏi rằng đời sống tận hiến tu trì, cách riêng trong Công Giáo còn có vai trò và ý nghĩa nào đối với nhân loại hôm nay?
Người ta vốn hiểu một cách phổ thông: tu là sửa. Đi tu là chọn con đường sửa mình. Sửa mình để làm nền tảng cho những hoạt động lớn lao hơn. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Sửa mình để rồi mưu ích cho tha nhân, cho xã hội. Anh em Phật tử thì chọn con đường đi tu để giác ngộ, cách riêng với phái Đại Thừa thì giác ngã để giác tha… Theo nhãn quan Kitô giáo đi tu là chọn một con đường, một cách thế theo sát Đức Kitô hơn trên con đường sống đức ái, là phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cách triệt đễ và hữu hiệu hơn. Và con đường tu sĩ tự nguyện chọn theo sát Đức Kitô hơn đó là các lời khuyên Phúc Âm: Vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh.
Đức vâng phục của chúng ta có trở nên một nguyên cớ để người ta cho mình là thiếu trách nhiệm, là chưa trưởng thành? Phải chăng có đó khá nhiều tu sĩ sống thiếu bản lĩnh, sống không có lập trường, sai đâu thì đánh đó? Họ nại cớ vâng phục để rồi luời biếng suy nghĩ về chương trình hành động, nại cớ vâng phục để rồi hành động một cách thiếu tinh thần trách nhiệm? Sự đơn sơ phó thác phải chăng đã có lúc trở thành tấm màn che đậy một tinh thần, một thái độ ấu trĩ?
Nếu giả như điều này là hiện thực thì không duy chỉ có phần lỗi của các tu sĩ bề dưới mà còn có phần lỗi lớn của các vị đứng đầu tập thể lớn nhỏ. Chúng ta đã từng lầm tưởng và có thể đang in trí rằng: ý bề trên là ý Chúa. Đã là ý chúa thì không thể sai lầm. Đã là ý Chúa thì phải nhất nhất tuân hành, không một ý kiến phản hồi hay góp ý. Chưa kể đến chuyện nếu dám to gan “thắc mắc” trước ý bề trên thì dễ bị quy chụp là chống đối, lỗi đức vâng lời. Chúa thường hướng dẫn chúng ta qua bề trên. Nhưng xin đừng đồng nhất ý bề trên là ý Chúa. Nếu vậy thì đâu có chuyện Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất nhiều lần lên tiếng xin lỗi. Phận bề dưới, chúng ta cần tìm và đón nhận ý Chúa qua ý bề trên. “Điều ấy xảy đến thế nào được vì tôi không biết đến chuyện phu thê!” (Lc 1,34). Đức Maria, Mẹ chúng ta quả là to gan khi dám cật vấn cả Thiên sứ. Ngay trong một cộng đoàn nhỏ bé, thử hỏi chúng ta có thực tâm đem việc chung ra thảo luận hay không? Ngoại trừ các em thỉnh sinh, các em thanh tuyển, thiết tưởng rằng tuổi đời của các khấn sinh, dù là khấn tạm hiện nay không thể nói là còn non nớt. Thực tế đang còn đó nhiều vị đã vĩnh khấn, đã lãnh nhận thiên chức linh mục mà vẫn bị xem như là chưa trưởng thành!
Đức khó nghèo của chúng ta đã trở nên dấu chỉ khả tín về Thầy Chí Thánh, Đấng tự nguyện trở nên nghèo khó để cho muôn dân được nên phong phú và giàu có chưa? (x.2Cr 8,9). Cái chuyện “khó mà nghèo” dù là chuyện khôi hài vỉa hè nhưng cũng đủ nói lên hiện trạng của đời tu, nhất là hiện nay. Thậm chí có người dám hóm hỉnh rằng cả Đức Chúa Trời Ba Ngôi cũng không biết dòng Tên vâng phục ai? Dòng Đaminh, Dòng Chúa Cứu Thế thuyết giảng chuyện gì và dòng Phanxicô có bao nhiêu tiền?
Vẫn có đó nhiều tu sĩ an tâm vì vật sở hữu không nhiều, nhưng lại đang được sử dụng quá nhiều phương tiện vật chất mà cả người trung lưu có mơ cũng chẳng được. Ngay cả bà con tín hữu trong đạo cũng mang tâm thức rằng các cha nhiều tiền, các thầy, các sơ thì thiếu gì tiền! Hội Thánh vốn tự xưng là tập thể những người nghèo và sống ưu tiên cho người nghèo thế mà thực tế thì sao đây? Tu sĩ chúng ta sống đức nghèo khó như thế nào? Có người nại đến Tin Mừng Matthêu để chỉ hài lòng về sự khó nghèo trong tinh thần. Nhưng xin đừng quên Tin mừng Luca nói rõ về sự khó nghèo toàn diện (x.Mt 5,3; Lc 6,20).
Nào chúng ta nói đến Đức Khiết tịnh. Đây quả là một ưu phẩm của giới tu trì trước mặt người thế gian. Hy sinh cảnh sống ấm êm của đời hôn nhân gia đình quả là một hiến dâng quảng đại. Để đề cao công lao và nhân đức của một lãnh tụ nào đó người ta thường tuyệt đối hóa sự hy sinh này. Tuy nhiên vẫn còn đó cái dấu hỏi ngầm rằng họ có thể vượt qua sự đòi hỏi bình thường kiếp nhân sinh chăng? Chúng ta cần thú nhận sự hạn chế của bản thân trong kiếp người. Không một ai có thể tự hào mình đã, đang và sẽ lướt thắng mọi chước cám dỗ lỗi đức khiết tịnh cách này cách khác. Là tu sĩ, phải chăng chúng ta nên có một cái nhìn đúng đắn về lời khấn khiết tịnh. Vô tri thì bất mộ. Cũng có thể nói thêm: vô tri thì bất khả hành.
Ta giữ đức vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh không phải là vì chính sự khiết tịnh, khó nghèo hay vâng phục, mà là để theo sát Đức Kitô trên con đường sống đức ái trọn hảo. Không gì hơn, hãy xét xem Đức Giêsu sống vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh để yêu mến Cha và yêu thương nhân loại như thế nào.
- Chúa Giêsu không ngồi chờ Cha phán mà nỗ lực tìm kiếm thánh ý Cha hằng ngày. Nguời tìm kiếm thánh ý Cha bằng những giờ cầu nguyện liên lỉ từ sáng sớm hay đêm về ở các nơi thanh vắng. Người tìm kiếm thánh ý Cha qua việc tiếp xúc với tha nhân. Chẳng hạn qua sự kiên trì và khiêm hạ của người mẹ xứ Canaan có đứa con gái bị quỷ ám (x.Mt 15,21-28; Mc 7,24-30), qua thái độ quảng đại dâng hiến của bà góa nghèo ở Đền thờ Giêrusalem (x.Lc 21,1-4; Mc 41-42), qua niềm tin kiên vững của viên đại đội trưởng (x.Mt 8,5-13; Lc 7,1-10). Biết được ý Cha trên trời thì không đợi Cha sai bảo, Người tích cực thực hiện cho dù nhiều khi phải trả với giá đau thương. Và Người đã nhận ra con đường Người đi là “Hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), để thế gian qua Người mà tin vào tình yêu của Cha trên trời hầu được cứu độ (x. Ga 3,16-18).
- Chúa Giêsu tự nguyện làm kẻ “không có chỗ gối đầu” không phải để coi thường vật chất của cải, nhưng để có điều kiện đến với nhiều người, đến với người bất hạnh, cô thế cô thân trong sự đồng cảm, đồng thân, đồng phận. Đức khó nghèo của Người hiển sáng khi người tự nguyện nên đồng hàng với tội nhân để nâng tội nhân lên từ đáy sâu bùn lầy tội lỗi. Người không chỉ khó nghèo trong sở hữu, trong sử dụng mà đặc biệt là trong hiện hữu. Thánh Phaolô Tông Đồ đã triển khai ý tưởng này trong bài ca tự hủy gửi giáo đoàn Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…” (Pl 2, 6-11).
- Chúa Giêsu đã sống khiết tịnh khi tích cực đón nhận mọi người, mọi giới làm anh chị em của mình, làm bạn hữu của mình. Sự khiết tịnh của Người được tỏ bày bằng việc Người đón nhận mà không giữ riêng cho mình nhưng dâng lại tất cả cho Chúa Cha. Sự khiết tịnh của Người thể hiện bằng việc Người làm cho những người mà Người yêu mến được triển nở và sinh hoa kết trái dồi dào. Sự khiết tịnh của Người lên đến đỉnh cao khi Người tự nguyện ra đi để cho những người mà Người yêu mến được ích lợi hơn. “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16,7). Một tình yêu đượm đức khiết tịnh là khi ta làm cho người mình yêu nên đáng yêu hơn, được nhiều người yêu mến hơn và có khả năng yêu mến nhiều người khác hơn. Một điều dường như tưởng là khôn ngoan của những vị có trách nhiệm đó là gìn giữ các thành viên dưới mình cách độc quyền. Sự độc quyền ngay cả trong tình yêu cũng là lỗi đức khiết tịnh đó. Và một trong những biểu hiện bên ngoài đó là thấy khó chịu khi một thành viên nào đó được người khác yêu thương hơn mình. Thế là lấy sự khôn ngoan ra để ngăn cản, để la lối, để chỉ trích…
Điểm tới của các lời khuyên Phúc Âm đó là Đức ái. Tu sĩ nam nữ tự nguyện theo sát Đức Kitô để sống yêu thương cách cụ thể, hữu hiệu và đích thực hơn. Tình yêu này bắt nguồn từ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tuy là Ba Ngôi riêng biệt, khác biệt, nhưng cùng một bản tính, cùng một vinh quang, danh dự và uy quyền nên chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Mầu nhiệm khôn dò này mời gọi chúng ta sống tình yêu thương cách cụ thể và thiết thực ngay từ chính cộng đoàn của mình. Chính vì thế mà bất cứ Hội Dòng nào cũng đề cao tính cộng đoàn.
Cộng đoàn là nơi các tu sĩ thể hiện tình yêu cách rõ nét. Cùng với cộng đoàn và trong cộng đoàn, các tu sĩ ngày một hoàn thiện trên con đường sống đức ái. Tuy nhiên cộng đoàn ở đây không phải là cộng đoàn khép kín nhưng phải là cộng đoàn mở. Tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu trọn hảo. Và Tình yêu ấy đã mở ra với các loài thụ tạo, cách riêng với loài người, hình ảnh của chính Thiên Chúa. Để phản ánh phần nào tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, xin đề xuất một vài gợi ý:
Cần thường xuyên củng cố và tăng cường tình liên đới và hiệp nhất giữa các thành viên trong các cộng đoàn dòng tu. Đặc biệt cần lưu tâm đến những thành viên kém may mắn, hoặc bị hạn chế mặt này mặt kia. Tôi thường nửa thật nửa đùa với quý tu sĩ khi có dịp nói chuyện rằng: Đời đã đủ cảnh khổ rồi. Xin đừng hành khổ nhau. Và chúng ta cũng đừng quên người ta sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô bằng chính đời sống yêu thương, liên đới, hiệp nhất giữa chúng ta (x.Ga 13,35).
Khi có một công việc tốt lành nào đó, chúng ta nên tạo dịp để có nhiều thành viên tham gia, góp phần. Xin đừng để bất cứ một ai trong cộng đoàn mang mặc cảm mình là người bất tài và vô dụng. “Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng” (St. Exupéry). Nhất là khi cùng nhau hướng về một điều thiện hảo nào đó thì sự hiệp nhất sẽ hình thành và được củng cố.
Hiệp thông, cộng tác trong tinh thần liên đới với các thành viên khác dòng. Đây là một vấn đề gai góc khó vượt qua. Xưa cũng như nay, đã có đó tình trạng đố kỵ giữa các hội dòng trong việc mục vụ cũng như truyền giáo. Lịch sử Hội Thánh Việt Nam đã từng ghi lại hiện thực này. Chuyện hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ, phải chăng cũng vương vấn trong đời sống các dòng tu?
Xin được nhắc lại chân lý rút ra từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, nguyên lý và cứu cánh của mọi vật, mọi loài, của đời người, cách riêng của đời tận hiến đó là không một điều tốt đẹp nào là thành quả công lao của riêng một ai. Như thế, nếu có sự độc quyền trong việc tốt, điều lành thì điều ấy, việc ấy không tốt và cũng chẳng lành. Chước cám dỗ độc quyền, độc tôn, tự cho mình là bất khả thay thế luôn là chước cám dỗ khó cưỡng khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô dịp cuối năm 2014 vừa qua đã đặc biệt lưu ý giáo triều Roma và Ngài đã đưa nó thành căn bệnh hàng đầu trong 15 căn bệnh mà những người có quyền chức thường vương phải.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa