Ngành dệt may Việt Nam đang phải đối phó với những thách thức và cơ hội gì trong khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập tổ chức mậu dịch thế giới WTO?

Việt Nam ký thoả thuận về dệt may với Mỹ vào cuối tháng Tư năm nay, cho phép các công ty dệt may VN xuất khẩu vào Mỹ qua hệ thống hạn ngạch trị giá 1.7 tỉ đôla/năm kể từ tháng 5/2003.

Thế nhưng, trước khả năng người ta sẽ bãi bỏ hiệp định dệt may MFA, tức là bỏ đi cơ chế hạn ngạch dệt may đối với các nước sản xuất, vào năm 2005, và trước cơ hội VN mong muốn gia nhập WTO vào năm 2005, thì đang có những thách thức gì được đặt ra?

Đây là câu hỏi được đặt ra cho tiến sĩ John Thoburn từ trường Đại học East Anglia của Anh, một chuyên gia nghiên cứu nhiều về ngành dệt may Việt Nam, và được ông cho biết:

John Thoburn: Về thách thức thì ngành dệt may VN phải đương đầu với rất nhiều, mà tôi nghĩ là WTO mới chỉ là một trong số đó thôi. Tôi nghĩ là chúng ta nên nhìn rộng hơn tới toàn bộ những thách thức cho ngành dệt may VN, mà theo tôi, VN hiện phải đương đầu với bốn thách thức lớn.

Thứ nhất là sau năm 2004 thì những sắp đặt của hiệp định dệt may MFA sẽ bị bãi bỏ, tức là những hạn chế định lượng về quota xuất khẩu hàng dệt may sẽ được bãi bỏ đối với các nước sản xuất, như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn.

Thách thức thứ ba là ngày càng có áp lực gia tăng lên các nhà sản xuất hàng dệt may, đòi hỏi họ phải đáp ứng những chuẩn mực về lao động và môi trường.

Và áp lực thứ tư đối với tất cả những nhà xuất khẩu hàng dệt may là các khách hàng quốc tế ngày càng gây áp lực đối với họ, đòi phải có sản phẩm rẻ hơn, mà chất lượng lại cao hơn, sản xuất nhanh hơn.

Như thế ngành may mặc thế giới nói chung trở nên có sức cạnh tranh cao hơn bao giờ hết. VN thì có những thách thức của chính mình, mà một trong những thách thức đó là có đến một nửa lượng hàng dệt may của Việt Nam đều do các công ty quốc doanh sản xuất, mà những công ty này vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại.

Còn xét về thách thức của WTO đặt ra đối với ngành dệt may thì tôi cho rằng một trong những thách thức lớn là người ta sẽ đòi hỏi VN phải mở cửa thị trường hơn nữa, mặc dù theo yêu cầu của khu vực mậu dịch tự do Asean thì Vietnam vốn đã phải mở cửa thị trường rồi.

BBC:Về chuyện cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước để chuẩn bị cho WTO thì còn những vướng mắc gì?

John Thoburn:Từ đầu những năm 90 thì việc tái cơ cấu này đã được thực hiện, với việc nâng cấp trang thiết bị và rất nhiều các biện pháp cải cách. Thế nhưng tôi nghĩ người ta vẫn cần phải có thêm nhiều cải cách mạnh hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu của những người mua, với những đòi hỏi cụ thể về dệt may.vv.

Thực ra tại VN thì trong khi công việc trong ngành dệt có giảm nhưng công việc tại ngành may lại gia tăng; thế nên cho dù các công ty quốc doanh phải tái cơ cấu lại thì kết quả chung cuộc vẫn là tích cực.

BBC:Giả sử VN gia nhập được WTO vào năm 2005 như đã định thì ngành dệt may có khả năng đương đầu với sự cạnh tranh quốc tế hay không?

John Thoburn:Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất khó khăn. Từ nay đến năm 2005, khi hiệp định dệt may hết hiệu lực và khả năng có gia nhập WTO hay không, thì dệt may VN vẫn có một khoảng thời gian tạm thư thái. Một số những công ty mua mà tôi đã có dịp trò chuyện tại Hongkong và Anh Quốc cho biết họ chỉ muốn mua các mặt hàng “nhạy cảm về quota” từ VN mà họ thấy khó và đắt khi mua từ Trung Quốc với các hạn định về quota.

Thế nhưng đó chỉ là tạm thời, khi mà ngưòi ta bỏ đi các hạn định thì Trung Quốc sẽ là một đối thủ cạnh tranh kinh khủng trên thị trường thế giới, và khi đó, VN phải nâng cao năng suất của mình. Giá cả nhân công tại VN hiện nay thì có rẻ hơn của TQ một chút, thế nhưng phải nâng cao năng suất hơn nữa, và phải làm sao cho các công ty tư nhân được hưởng quota dễ dàng hơn.

BBC: Đối với sự cạnh tranh khổng lồ từ Trung Quốc như ông vừa mới nói thì có cách gì làm cho ngành dệt may VN thoát khỏi cái bóng lớn này để tìm ra được đường phát triển không?

John Thoburn: Ngoài những điều mà tôi đã nói thì có một khía cạnh tích cực là hàng dệt may VN đã xuất khẩu rất nhiều vào thị trường Nhật Bản, như áo sơmi, quần…v.v.. nơi không có sự hạn chế về quota xuất khẩu, và tại đây thì VN đã gia tăng được một thị phần đáng kể, và các công ty quốc doanh cũng đã có quan hệ tốt với những người mua tại đây.

BBC:Thế nhưng trong một phân tích, ông có nói lợi thế cạnh tranh của VN chỉ là tạm thời chứ không phải trong một tương lai lâu dài?

John Thoburn: À, đó là vì đối với thị trường Mỹ và châu Âu, Việt Nam gần đây có lợi thế hơn khi so sánh hạn ngạch quota mà Trung Quốc phải chịu, và với thị trường Nhật Bản thì VN không phải cạnh tranh với đối thủ này.

Thế nhưng, như tôi đã nói, đến năm 2005, thì sự cạnh tranh sẽ mở rộng, không chỉ riêng với TQ, vốn đã là đối thủ vô cùng lớn, mà còn với các đối thủ gần Mỹ, như Mexico, hay đối thủ cạnh tranh gần châu Âu, như Thổ Nhĩ Kỳ.

BBC: Thế nhìn chung thì khi VN gia nhập WTO thì ông có nghĩ là ngành dệt may sẽ giành được nhiều kết quả tốt không?

John Thoburn: Cá nhân mà nói thì tôi không nghĩ rằng WTO là một nhân tố tác động tới chuyện xuất khẩu dệt may của VN đâu, mà tôi vẫn thấy tác động lớn nhất là việc huỷ bỏ hiệp định dệt may vào năm 2005 như tôi đã nói.

WTO có nghĩa là sẽ có thêm nhiều thách thức hơn đối với ngay thị trường nội địa, thế nhưng tôi thấy ngành dệt may của VN từ trước đến nay vẫn luôn cho thấy có sự linh hoạt, với việc cơ cấu lại các công ty quốc doanh, xuất khẩu sang Nhật Bản và cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ lớn...

Thế nên cho dù có nhiều đe doạ, tôi vẫn hi vọng là VN sẽ gặt hái được thành quả tốt trong tương lai.(BBC)