Một vài gợi ý cho ĐÊM CANH THỨC để bước vào năm Đời sống thánh hiến

Đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ (Hát: Phút than thở- Tuyển tập Thánh Ca I, tr. 369- Lưu ý: câu 3 cầu cho Tu sĩ)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn năm 2015 là năm của Đời sống thánh hiến trong bối cảnh 50 năm sau Công đồng Vatican II, đặc biệt là kỷ niệm 50 năm công bố sắc lệnh ”Đức Ái trọn hảo” (Perfectae Caritatis) của Công đồng về việc canh tân đời sống thánh hiến. Đây là một hồng ân lớn lao cho những người sống đời thánh hiến, là dịp để mỗi cộng đoàn tu và mỗi tu sĩ:

- Nhìn lại quá khứ với tâm tình tạ ơn Chúa và thống hối về những yếu đuối, lỗi lầm;

- Hướng về tương lai với niềm hy vọng;

- Sống đời thánh hiến với lòng nhiệt huyết, tiếp tục Phúc âm hóa ơn gọi thánh hiến để làm chứng về vẻ đẹp bước theo Chúa Kitô qua những hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến.

1) Tâm tình tạ ơn và sám hối

a) Tạ ơn

Gầ
n 1 triệu người đang sống đời thánh hiến trong Giáo Hội, gấp đôi tổng số linh mục. Đây thực sự là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho Giáo Hội.

- Tạ ơn vì Chúa đã tuyển chọn và thánh hiến:

Sự thánh hiến của tu sĩ được thể hiện qua việc tuyên khấn ba Lời khuyên Phúc Âm: Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tuyển chọn và thánh hiến họ để họ trở thành sở hữu của Ngài. Nhận thức được điều đó, họ hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa với một trái tim không chia sẻ. Họ được thánh hiến cho Thiên Chúa, hoàn toàn trao hiến mình cho Thiên Chúa bằng cách dâng lên Ngài một tình yêu trọn vẹn nhất (x. LG 44) Giá trị của đời tu được đo lường ở mức độ tình yêu ấy. “Đời sống tu trì, xét như là sự thánh hiến của cả con người, biểu lộ trong Giáo Hội cuộc kết hôn huyền diệu do Thiên Chúa thiết lập, là dấu chỉ của đời sống mai hậu. Như thế, tu sĩ hoàn tất sự dâng hiến trọn vẹn như là một hy tế dâng cho Thiên Chúa. Nhờ đó, tất cả cuộc sống của mình trở thành việc thờ phượng liên lỉ trong đức ái.” (Can 607 §1)

Thánh hiến là thông dự vào sự thánh thiện của Chúa. Hậu quả quan trọng nhất của thánh hiến là nên thánh: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh.”(Lv 11, 44- 45; 19, 2; 20, 7-8. 26)

Mẫu gương tuyệt đối của tu sĩ là Chúa Kitô, Đấng đã hiến trọn đời để sống cho tình yêu Thiên Chúa. Qua các lời khấn, người tu sĩ bắt chước mẫu gương ấy để dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II gọi đó là một sự thánh hiến mới, vì nó đòi hỏi một ý thức mới, một sự quyết tâm mới, tình yêu và ơn gọi mới, một sự cải hoán mới (x. RD 7) Đời sống thánh hiến được ví như “giao ước hôn nhân với Chúa” (RD 8; x. LG 44, PC 1; EE 5), Đấng đáng yêu trên hết mọi sự.

Tông huấn Vita Consecrata cũng trình bày Đức Maria như là mẫu gương của đời sống thánh hiến:

+ Mẫu gương tuyệt vời của việc thánh hiến hoàn hảo, vì Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và hiến thân trọn vẹn cho Ngài (số 28)

+ Mẫu gương trong việc bước theo Chúa Kitô (số 28)

+ Mẫu gương trong việc thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua: can trường trước thử thách khi đứng gần thập giá Chúa Giêsu (x. Ga 19, 25- 27) (số 23)

+ Mẫu gương của một tình yêu phong nhiêu đặc biệt, góp phần vào việc sinh ra và tăng triển sự sống thần linh trong các tâm hồn (số 34).

Ngoài ra, Đức Maria còn là Mẹ của các người tận hiến, cầu bầu cho họ trung thành với ơn gọi và trợ giúp họ rất hữu hiệu để tiến tới trong việc đáp trả và sống sung mãn ơn gọi của mình. Vì thế, tông huấn kết thúc với lời khẩn cầu Đức Trinh nữ Maria (số 112).

Noi gương Đức Maria, chúng ta hãy hân hoan đáp lại lời mời gọi của tình yêu bằng tiếng XIN VÂNG trung thành. Đức Maria đã ngợi khen Chúa và thần trí Mẹ hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa (Lc 1, 46- 55).

Thinh lặng …

Hát (Bao la tình Chúa, Tuyển tập Thánh Ca I, tr. 206; hoặc :Tâm tình hiến dâng…)

- Tạ ơn vì được Chúa thánh hiến và sai đi:

Chúa Giêsu gọi các môn đệ để họ ở với Ngài và để được Ngài sai đi (Đọc Tin mừng: Mc 3, 13- 19). Sự thánh hiến bao hàm sứ mệnh, vì việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cũng có nghĩa là tham gia vào sứ mệnh của Ngài. Và sứ mệnh lại dẫn đến thánh hiến, vì việc truyền giáo của đời sống thánh hiến thiết yếu ở chứng tá của chính sự tận hiến (VC 76). Chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là sự thánh thiện (VC 32 - 35). Chứng tá của tình yêu thánh hiến hệ tại ở việc sống thân mật với Thiên Chúa, cảm nghiệm được tình yêu sâu thẳm của Ngài và cố gắng đáp lại tình yêu đó bằng đời sống noi gương Chúa Kitô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục một cách triệt để. Việc họa lại nếp sống của Chúa Kitô làm cho Chúa Kitô luôn sống động trong cuộc sống. Hai chiều kích thánh hiến và sứ mệnh được gắn chặt với nhau, bổ túc cho nhau và đan quyện vào nhau, tạo nên căn tính của đời sống thánh hiến. Không thể hiểu cái này nếu không có cái kia. Người tận hiến không thể yêu Chúa, mà lại không yêu người thân cận (x. Mt 22, 34-40; 1Ga 4, 20-21). Sự thánh hiến, trước tất cả, là hành động của Chúa Cha; bước theo Chúa Kitô trên con đường đến với Chúa Cha và phục vụ kế hoạch cứu độ của Chúa Cha; Chúa Thánh Thần, nguồn gốc mọi đặc sủng, cụ thể hóa sứ mệnh của đời sống thánh hiến trong những tình huống lịch sử của nhân loại.

- Tạ ơn Chúa vì ơn đoàn sủng Chúa đã ban cho Hội dòng để phục vụ Chúa và Giáo Hội…

Thinh lặng …

Hát: Thần khí Chúa đã sai tôi đi…

b) Sám hối và xin ơn tha thứ

“Ngày nay, chúng ta có thể nhận thấy nơi nhiều người làm mục vụ, kể cả những người được thánh hiến, một bận tâm quá đáng về tự do cá nhân và giải trí của mình, khiến họ sống những nhiệm vụ của họ như là một phần phụ thuộc đơn giản của đời sống, như thể chúng không phải là một phần của căn tính của họ. Đồng thời, đời sống tâm linh được đồng hóa với những giây phút tôn giáo cung cấp một ít an ủi, nhưng không nuôi nấng được việc gặp gỡ với những người khác, tham gia vào thế giới, đam mê truyền giáo. Do đó, người ta có thể tìm thấy ở nhiều người làm việc truyền giáo, mặc dù họ có cầu nguyện, một nhấn mạnh đến chủ nghĩa cá nhân, một cuộc khủng hoảng căn tính và suy giảm nhiệt tình. Đây là ba tệ nạn tự nuôi nhau.” (Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng, số 78)

“Tôi cảm thấy rất đau lòng khi khám phá ra rằng làm sao trong một số cộng đồng Kitô hữu và thậm chí giữa những người được thánh hiến, còn có chỗ cho các hình thức khác nhau của hận thù, chia rẽ, vu khống, nói xấu, trả thù, ghen ghét, mong muốn áp đặt ý tưởng của mình với bất cứ giá nào, để đàn áp tương tự như một cuộc tróc nã phù thủy không thương xót. Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai với những hành vi như thế?” (Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng, số 100)

“Ở nhiều nơi ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến đang trở nên khan hiếm. Thường trong những cộng đồng này điều ấy xảy ra vì thiếu vắng một lòng nhiệt thành tông đồ hay lây, và vì lý do này mà không còn sự hăng say và hấp dẫn. Nơi nào có sự sống, sự nhiệt tình, mong ước đem Đức Kitô đến cho người khác, thì nơi đó ơn gọi đích thực phát sinh.” (Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng, số 107)

Hội dòng và mỗi cá nhân chúng ta đã:

- sống Ba Lời khuyên Phúc âm một cách triệt để để làm chứng cho Chúa chưa? Thinh lặng để xét mình….

- xây dựng được đời sống cộng đoàn hiệp nhất yêu thương chưa? Thinh lặng để xét mình….

- duy trì và phát triển ơn đoàn sủng (nhiệt thành thi hành sứ vụ theo ơn đoàn sủng của dòng) và sống linh đạo của mình chưa? Thinh lặng để xét mình….

Xin lỗi Chúa và xin Chúa thứ tha….

Hát: Tâm tình sám hối

2) Hướng về tương lai với niềm hy vọng

- Nhiều dòng tu ở Âu châu đang giảm sút ơn gọi trầm trọng. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, lý do giảm sút ơn gọi là: sự gia tăng chủ nghĩa cá nhân, sự khủng hoảng căn tính và sự giảm sút lòng nhiệt thánh tông đồ. Khoảng 2.624 linh mục và tu sĩ thánh hiến rời bỏ ơn gọi thánh hiến mỗi năm trong thời gian 4 năm từ 2008- 2012.

- Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II cũng đã nói về cuộc khủng hoảng này trong Tông huấn Vita Consecrata. Ngài coi cuộc khủng hoảng về ơn gọi này là do lối sống “buông thả” của nhiều tu sĩ và coi đó như là “những cám dỗ” cần phải vượt qua (số 2, 13, 38, 43b, 46b, 70) và phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa (số 70, 110a). Bởi đó, tông huấn mang một giọng văn tích cực: tạ ơn Chúa vì những hồng ân Ngài đã ban cho Giáo Hội qua đời sống thánh hiến, khuyến khích các người tận hiến can đảm hướng đến tương lai để sống trọn vẹn sự dâng hiến của mình cho Thiên Chúa. Đây là thời điểm thuận tiện để tăng trưởng trong chiều sâu và hy vọng, với xác tín rằng Đời Sống Thánh Hiến không bao giờ có thể biến mất khỏi Giáo Hội.

- Lá thư luân lưu của Bộ tu sĩ đề ngày 2/2/2014 với nội dung “Anh chị em hãy vui mừng lên”. Những từ ngữ này thường trở lại trong những giai đoạn khủng hoảng, đau buồn, khó khăn để nài xin quyền năng Thiên Chúa ban cho đời sống được ý nghĩa và trọn vẹn, biến đổi con người và ban tia sáng mới của hy vọng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi muốn nói một lời với anh chị em, đó là vui mừng. Ở đâu có những người thánh hiến, ở đó luôn có niềm vui mừng”

Thinh lặng…

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho có nhiều người quảng đại dâng mình cho Chúa để danh Chúa càng ngày càng cả sáng, nước Chúa được hiển trị trên quê hương đất nước chúng ta….

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Hội dòng cũng như mỗi cá nhân chúng ta biết quí trọng ơn gọi của mình, cảm nghiệm được niềm vui trong đời tận hiến và luôn biết phó thác cuộc đời trong vòng tay yêu thương của Chúa……

Hát: Chúa là con đường- Tuyển tập Thánh Ca I, tr. 234- 235)

3) Sống đời thánh hiến với lòng nhiệt huyết, tiếp tục Phúc âm hóa ơn gọi thánh hiến để làm chứng về vẻ đẹp bước theo Chúa Kitô qua những hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến.

- Nền văn hóa hiện nay thường dễ bị tục hóa, nhưng lại rất dễ nhạy cảm với ngôn ngữ của các dấu chỉ (VC 25). Việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm biến những người tận hiến trở thành dấu chỉ ngôn sứ cho cộng đoàn anh/chị em họ và cho thế gian (VC 15). Nhờ đoàn sủng của họ, những người tận hiến trở thành dấu chỉ của Thánh Thần hướng về một tương lai mới mẻ trong niềm tin và hy vọng. Sự mong đợi cánh chung này trở thành sứ mệnh để cho triều đại nước Thiên Chúa có thể hiện diện ngay từ bây giờ, qua việc thiết lập tinh thần các mối phúc, có khả năng khơi lên trong xã hội loài người lòng khát khao đích thực về công bằng, hòa bình, tình liên đới và sự khoan dung (VC 27).

- Trong thế giới hiện nay, dấu vết về Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa, nên cần có một chứng tá ngôn sứ mãnh liệt từ phía những người được thánh hiến. Đặc biệt, người tu sĩ ngày nay cần có câu trả lời ngôn sứ cho ba thách thức của xã hội đương thời: nền văn hóa hưởng thụ phá bỏ mọi qui luật luân lý khách quan của tính dục, chủ nghĩa vật chất ích kỷ, và những quan niệm lệch lạc về tự do. Qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm, họ trả lời bằng thái độ và hành động ngôn sứ trong việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, như chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận con người; trong việc bước theo Chúa Kitô nghèo khó, làm chứng cho Thiên Chúa, kho tàng đích thực của trái tim con người, và luôn sống trong sự liên kết với người nghèo, chia sẻ điều kiện sống của những người cùng khốn nhất; và trong việc tuân phục thánh ý Chúa Cha, để cùng nhau tiến bước trong sự hiệp thông huynh đệ (VC 85- 92).

- Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn là dấu chỉ rõ ràng sự hiệp thông của Giáo Hội (VC 42a). Những người tận hiến là những chuyên gia về sự hiệp thông (VC 46a), trở thành men hiệp thông truyền giáo (VC 47a) và mở rộng sự hiệp thông tới toàn thể nhân loại (VC 51). Thật vậy, “Giáo Hội ký thác cho các cộng đoàn sống đời thánh hiến một nhiệm vụ đặc biệt: phát triển linh đạo hiệp thông trước tiên trong chính cộng đoàn của họ, sau đó trong cộng đồng Giáo Hội và ngoài Giáo Hội, bằng cách kiên trì theo đuổi cuộc đối thoại bác ái, nhất là tại những nơi mà nhân loại ngày nay đang bị xâu xé bởi hận thù chủng tộc hay bạo lực man rợ.” (VC 51a) Đời sống huynh đệ tuyên xưng Chúa Cha, Đấng muốn cho mọi người thành một gia đình duy nhất; tuyên xưng Chúa Con Nhập Thể, Đấng muốn qui tụ những người được cứu chuộc; tuyên xưng Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất trong Giáo Hội (VC 21f).

Thinh lặng …

- Thi hành sứ vụ theo ơn đoàn sủng của dòng:

“Các Bề trên và các phần tử hãy trung thành duy trì sứ mệnh và các công tác riêng của dòng. Tuy nhiên, họ hãy biết thích ứng chúng cách khôn ngoan chiếu theo nhu cầu của thời thế và địa phương, kể cả bằng việc sử dụng các phương tiện mới mẻ và thích ứng.” (Can 677 §1).

Dù nhu cầu mục vụ cấp bách thế nào đi nữa, chúng ta luôn phải nhớ rằng sự đóng góp tốt nhất mà một hội dòng có thể đem lại cho Giáo Hội là sự trung thành với đoàn sủng của họ. Hội dòng càng hiện diện theo đoàn sủng của mình, càng đem lại nhiều hoa trái (x. FLC 61; MR 49- 50).

Các đặc sủng sản sinh những hình thức sống khác nhau mà chúng nhập thể Tin Mừng vào trong những môi trường sống. Chúng thúc đẩy các hội dòng đảm nhận những sứ mệnh khác nhau. Do vậy, các hội dòng cần mở ra và ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Thần khí. Kết hợp mật thiết với Ngài chính là nguồn đổi mới và thích nghi thật sự của tất cả các cộng đoàn tu trì trong bối cảnh hiện nay.

Thinh lặng …

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Hội dòng cũng như mỗi cá nhân chúng ta có đầy lòng nhiệt huyết trong việc làm chứng cho Chúa qua Ba Lời khuyên Phúc Âm, qua sứ vụ đặc thù của Hội dòng……

Hát: Lạy Chúa, Chúa sai con đi….

4) Phục vụ Giáo Hội địa phương:

Đời sống thánh hiến nằm trong bản chất thánh thiện của Giáo Hội. Giáo Hội có sứ mệnh chuyển thông Chúa Kitô cho nhân loại: không chỉ thông truyền những lời giảng, nhưng còn cả nếp sống của Ngài nữa. Do đó, đời sống thánh hiến, xét theo bản tính (họa lại nếp sống của Chúa Kitô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục), gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội (VC 3, 29), thuộc về cơ cấu thần thiêng của Giáo Hội (VC 30- 31). Đời sống thánh hiến họa lại nếp sống của Chúa Kitô trinh sạch, khó nghèo và vâng phục- nếp sống biểu lộ tình con thảo của Ngài với Chúa Cha (VC 1a, 16, 18, 21...), nên nó có vị trí ưu việt trong Hội thánh, là một ân huệ qúi báu và cần thiết cho hiện tại và tương lai của dân Thiên Chúa (VC 3, 18, 32, x. 105). Giáo Hội cần họ để họa lại nếp sống của Con Thiên Chúa. Thêm vào đó, đời sống thánh hiến còn biểu lộ mối tình duy nhất của Giáo Hội dành cho Đức Lang Quân (VC 3, 34). Như thế, đời sống thánh hiến gắn liền với sứ mệnh (VC 1, 25) và cánh chung của toàn thể Giáo Hội (VC 26).

Nhờ có sự đóng góp của các tu sĩ mà Tin mừng có thể được biết đến rộng rãi như ngày nay, Giáo Hội mới được cắm sâu vào nhiều nơi trên thế giới và bộ mặt Giáo Hội được tươi thắm tại các Giáo Hội còn non trẻ (x. VC 47).

Mọi hội dòng được thành lập là để phục vụ Giáo Hội, làm cho Giáo Hội thêm phong phú qua đặc tính và sứ vụ riêng biệt của mình (MR 14b). Khi được thiết lập, hội dòng đương nhiên trở thành pháp nhân công trong Hội thánh. Họ hoạt động nhân danh Hội thánh để đạt được mục đích nhằm tới lợi ích chung của Hội thánh (x. PC 8; Can 116, §1; 675, §3). Đặc sủng của họ không chỉ được ban tặng cho riêng họ, nhưng còn là một ân huệ cho đời sống và sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội (x. LG 43, 44; PC 5).

“Các Giám mục được yêu cầu đón tiếp và trân trọng các đoàn sủng của các hội dòng, dành cho chúng một chỗ trong kế hoạch mục vụ của giáo phận. Các ngài phải đặc biệt quan tâm đến các hội dòng thuộc quyền giáo phận, được trao phó cho các ngài chăm sóc đặc biệt. Một giáo phận không có đời sống thánh hiến sẽ thiếu nhiều ơn huệ thiêng liêng, thiếu những nơi dành riêng cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, thiếu các hoạt động tông đồ và những phương thức mục vụ chuyên biệt; hơn nữa, giáo phận đó có thể suy yếu đi rất nhiều, vì thiếu vắng tinh thần truyền giáo vốn là đặc điểm của hầu hết các hội dòng (x. AG 18 ). Vì thế, cần biết đón nhận, với lòng tri ân và quảng đại, hồng ân của đời sống thánh hiến mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội địa phương.” (VC 48)

- Trong năm Đời sống thánh hiến 2015, Bộ Tu sĩ sẽ tu chính và cập nhật cùng với Bộ Giám mục về Văn kiện “Mutuae Relationes”: Những quan hệ hỗ tương giữa các Giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội. Đây chính là ý định của Đức Thánh Cha Phanxicô, muốn duyệt lại văn kiện này để thăng tiến sự quí trọng đối với đoàn sủng của mỗi dòng. Trong cuộc gặp với 120 BTTQ nam ngày 29/11/2013, ngài nói: “Văn kiện Mutuae Relationes hồi đó là hữu ích, nhưng nay đã lỗi thời rồi. Các đoàn sủng của các dòng tu khác nhau cần được tôn trọng và thăng tiến, vì các dòng là những thực tại cần thiết trong Giáo Hội địa phương”.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho việc tu chính Văn kiện này đạt kết quả tốt đẹp để việc cộng tác giữa Giám mục và các dòng tu mang lại nhiều hoa trái và để mỗi hội dòng cũng như mỗi tu sĩ chúng ta luôn gắn bó với Giáo Hội, phục vụ Giáo Hội một cách nhiệt thành qua ơn đoàn sủng của dòng mình.

Hát: Lạy Chúa, xin thánh hiến con…

Tiếp tục Chầu Thánh Thể: Cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, phép lành kết thúc