Halloween: Thư gửi thần chết
Thưa vị thần đáng sợ,
Mọi người thường nhắc đến thần với tâm trạng khác nhau. Dù muốn dù không, bất cứ ai cũng phải bước qua trạm ga của thần, phải đối diện với thần một lần trong đời – lần đầu cũng là lần cuối. Chẳng hiểu vì sao, chỉ phải gặp một lần duy nhất ấy thôi nhưng thần luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho con người mọi nơi mọi lúc. Có lẽ mọi người sợ thần là vì thần có chiếc lưỡi hái sắt bén, có thể kề vào cổ người ta, và kết thúc cuộc đời họ ngay lập tức mà chẳng cần thưa gửi, hỏi han hay báo trước. Nhân tháng Hội thánh Công Giáo cầu nguyện cho các linh hồn, tôi muốn viết vài điều nho nhỏ để chia sẻ với thần.
Chúng tôi sợ thần vì chúng tôi không muốn chấm dứt mọi sự, chẳng muốn chấp nhận định mệnh đau thương. Dù biết rằng ai cũng phải qua bến bờ ấy nhưng sự nhắm mắt xuôi tay của người thân, ai lại chẳng u sầu rơi lệ, ai lại chẳng buông lời trách móc sự vô tình của thần. Hôm qua, tôi tham dự lễ tang của cựu sinh viên mà lẽ ra thần chưa thể đến thăm. Cô ấy là con người tài năng, đạo hạnh và cầu tiến. Bạn bè và đồng nghiệp, ai ai cũng yêu mến cô ấy. Bỗng một ngày cô đã vô tình gặp thần trong một tai nạn giao thông. Sự ra đi của cô ấy đã để lại cho người thân, bạn bè nhiều luyến tiếc, nhớ thương. Tôi thầm trách thần đã phũ phàng cướp đi tuổi thanh xuân của một kiếp người! Đành rằng ai cũng bị thần viếng thăm, nhưng chua xót thay khi thần thăm viếng quá bất ngờ. Thần chưa hẹn đã đến, không chờ lại gặp! Nỗi ám ảnh về giờ phút hấp hối, về giây phút đụng chạm đến cái giới hạn nhất của phận người, khiến tôi xem thần là một vị thần ác độc và tàn nhẫn. Ác độc vì thần nỡ cướp mất mạng sống của người thân, chiếm đoạt mạng sống của tôi mà chẳng chút thương tiếc. Tàn nhẫn vì thần chẳng chừa người già, không tha em nhỏ, chẳng đợi người ta ăn năn, không chờ người ta trăn chối. Nếu được ước một điều, tôi mong rằng thần đừng hiện diện trên cõi đời này, hoặc ít ra thần đừng cướp đi những sinh mạng còn đang tuổi khôn, tuổi lớn. Nhưng chính vì ước nguyện ấy vẫn mãi là ảo tưởng, nên hoá ra tôi vẫn còn sợ và chưa sẵn sàng chấp nhận thần.
Tuy thần thật đáng sợ và lạnh lùng, nhưng vẫn còn đó nhiều người chẳng mấy quan tâm đến thần. Thần biết đấy! Con người thời nay có quá nhiều mối bận tâm đến nỗi quên mất một ngày nào đó thần sẽ đến viếng thăm. Nếu ta bảo họ không sợ thần, thì e là chẳng đúng. Cuộc sống quá bộn bề với miếng cơm manh áo, khiến con người dễ lãng quên thần. Ngoài ra còn nhiều người lao mình như con thiêu thân trong lối sống hưởng thụ: hút chích, nghiện ngập, ngang tàng, thủ đoạn, trác táng và bạo tàn … đã tiêu hao hết thời giờ và năng lượng của họ rồi, khiến họ chẳng còn nghĩ đến cùng đích của mình. Hoá ra không sợ thần hoặc dửng dưng trước tử thần có khi còn nguy hiểm và đáng quan ngại hơn nhiều!
Nhưng thưa thần, trong nỗi hoảng sợ này, người ta không hoàn toàn chắp tay để thần dẫn vào sân ga vô vọng của thần đâu. Từ cổ chí kim, nhân loại vẫn hằng đau đáu truy tìm một lời giải đáp cho vấn nạn: “sau khi thần chết đến, con người sẽ đi về đâu?”. Các Phật tử tin rằng “nếu người ta ăn ngay ở lành, sống từ bi hỉ xả, thì sau khi chết hồn thiêng của họ sẽ được đi về cõi cực lạc”. Còn người Công Giáo chúng tôi xác tín rằng “sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi”. Để cuộc đổi thay trở nên trọn vẹn, mỗi người chúng tôi tha thiết sống “mến Chúa và yêu người” trong từng giây phút. Vả lại mỗi ngày phải đối diện với quãng đời còn lại ấy, tôi càng cần chuẩn bị hành trang cho chuyến đi của mình được yên lành và thanh thản hơn. Do vậy, tỉnh thức để chờ mong Thiên Chúa rước vào Vương Quốc hằng sống của Người là thái độ đáng quan tâm đấy, thưa thần!
Đành rằng chúng tôi mang trong mình nỗi sợ thần như định mệnh của kiếp người, nhưng chúng tôi vui mừng vì Đấng đã chiến thắng thần, đã bảo đảm cho chúng tôi được hưởng cuộc sống trường sinh bất tử và dẫn đưa chúng tôi vào chốn bình yên. Nơi đó không còn bóng dáng của thần, chẳng còn sân ga của tuyệt vọng. Bởi vậy, chúng tôi chuẩn bị đối diện với thần bằng một niềm tin vĩ đại vào Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương đón mời chúng tôi vào Thiên Đàng. Nơi đó nước mắt sẽ nhường chỗ cho nụ cười và niềm vui sẽ thay vào đau khổ. Vì “Người là Sự Sống và là Sự Sống Lại. Ai tin Người thì dù có chết cũng sẽ sống“. Tin vào Người đích thực là một trợ lực lớn lao giúp chúng tôi không còn sợ hãi khi nhắc đến thần nữa. Khi ấy, “đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”.
Thưa thần chết,
Chuyến tàu mà thần đưa chúng tôi đến không dẫn chúng tôi xuống hố sâu nhưng đưa chúng tôi đếp gặp Thầy Giêsu nơi một chân trời tươi sáng, một Thế Giới vĩnh hằng. Lưu tâm đến sự chết với ước vọng vươn đến sự sống là điều đáng quý cho chúng tôi. Lưỡi hái của thần vẫn còn đó, nhưng tình yêu và niềm tín thác vào Chúa Giêsu sẽ giúp chúng tôi vượt qua sân ga u ám của thần. Trong niềm tin ấy, mỗi lần nghĩ đến thần, chúng tôi đã chuyển nỗi sợ thành niềm hân hoan, vì biết chắc rằng đây là lúc chúng tôi được hưởng phúc vinh đời đời, cùng với Đấng là khởi nguyên và là cùng đích của chúng tôi.
Thủ Đức, 28.10.2014
Phạm Đình Ngọc, S.J.
Thưa vị thần đáng sợ,
Mọi người thường nhắc đến thần với tâm trạng khác nhau. Dù muốn dù không, bất cứ ai cũng phải bước qua trạm ga của thần, phải đối diện với thần một lần trong đời – lần đầu cũng là lần cuối. Chẳng hiểu vì sao, chỉ phải gặp một lần duy nhất ấy thôi nhưng thần luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho con người mọi nơi mọi lúc. Có lẽ mọi người sợ thần là vì thần có chiếc lưỡi hái sắt bén, có thể kề vào cổ người ta, và kết thúc cuộc đời họ ngay lập tức mà chẳng cần thưa gửi, hỏi han hay báo trước. Nhân tháng Hội thánh Công Giáo cầu nguyện cho các linh hồn, tôi muốn viết vài điều nho nhỏ để chia sẻ với thần.
Chúng tôi sợ thần vì chúng tôi không muốn chấm dứt mọi sự, chẳng muốn chấp nhận định mệnh đau thương. Dù biết rằng ai cũng phải qua bến bờ ấy nhưng sự nhắm mắt xuôi tay của người thân, ai lại chẳng u sầu rơi lệ, ai lại chẳng buông lời trách móc sự vô tình của thần. Hôm qua, tôi tham dự lễ tang của cựu sinh viên mà lẽ ra thần chưa thể đến thăm. Cô ấy là con người tài năng, đạo hạnh và cầu tiến. Bạn bè và đồng nghiệp, ai ai cũng yêu mến cô ấy. Bỗng một ngày cô đã vô tình gặp thần trong một tai nạn giao thông. Sự ra đi của cô ấy đã để lại cho người thân, bạn bè nhiều luyến tiếc, nhớ thương. Tôi thầm trách thần đã phũ phàng cướp đi tuổi thanh xuân của một kiếp người! Đành rằng ai cũng bị thần viếng thăm, nhưng chua xót thay khi thần thăm viếng quá bất ngờ. Thần chưa hẹn đã đến, không chờ lại gặp! Nỗi ám ảnh về giờ phút hấp hối, về giây phút đụng chạm đến cái giới hạn nhất của phận người, khiến tôi xem thần là một vị thần ác độc và tàn nhẫn. Ác độc vì thần nỡ cướp mất mạng sống của người thân, chiếm đoạt mạng sống của tôi mà chẳng chút thương tiếc. Tàn nhẫn vì thần chẳng chừa người già, không tha em nhỏ, chẳng đợi người ta ăn năn, không chờ người ta trăn chối. Nếu được ước một điều, tôi mong rằng thần đừng hiện diện trên cõi đời này, hoặc ít ra thần đừng cướp đi những sinh mạng còn đang tuổi khôn, tuổi lớn. Nhưng chính vì ước nguyện ấy vẫn mãi là ảo tưởng, nên hoá ra tôi vẫn còn sợ và chưa sẵn sàng chấp nhận thần.
Tuy thần thật đáng sợ và lạnh lùng, nhưng vẫn còn đó nhiều người chẳng mấy quan tâm đến thần. Thần biết đấy! Con người thời nay có quá nhiều mối bận tâm đến nỗi quên mất một ngày nào đó thần sẽ đến viếng thăm. Nếu ta bảo họ không sợ thần, thì e là chẳng đúng. Cuộc sống quá bộn bề với miếng cơm manh áo, khiến con người dễ lãng quên thần. Ngoài ra còn nhiều người lao mình như con thiêu thân trong lối sống hưởng thụ: hút chích, nghiện ngập, ngang tàng, thủ đoạn, trác táng và bạo tàn … đã tiêu hao hết thời giờ và năng lượng của họ rồi, khiến họ chẳng còn nghĩ đến cùng đích của mình. Hoá ra không sợ thần hoặc dửng dưng trước tử thần có khi còn nguy hiểm và đáng quan ngại hơn nhiều!
Nhưng thưa thần, trong nỗi hoảng sợ này, người ta không hoàn toàn chắp tay để thần dẫn vào sân ga vô vọng của thần đâu. Từ cổ chí kim, nhân loại vẫn hằng đau đáu truy tìm một lời giải đáp cho vấn nạn: “sau khi thần chết đến, con người sẽ đi về đâu?”. Các Phật tử tin rằng “nếu người ta ăn ngay ở lành, sống từ bi hỉ xả, thì sau khi chết hồn thiêng của họ sẽ được đi về cõi cực lạc”. Còn người Công Giáo chúng tôi xác tín rằng “sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi”. Để cuộc đổi thay trở nên trọn vẹn, mỗi người chúng tôi tha thiết sống “mến Chúa và yêu người” trong từng giây phút. Vả lại mỗi ngày phải đối diện với quãng đời còn lại ấy, tôi càng cần chuẩn bị hành trang cho chuyến đi của mình được yên lành và thanh thản hơn. Do vậy, tỉnh thức để chờ mong Thiên Chúa rước vào Vương Quốc hằng sống của Người là thái độ đáng quan tâm đấy, thưa thần!
Đành rằng chúng tôi mang trong mình nỗi sợ thần như định mệnh của kiếp người, nhưng chúng tôi vui mừng vì Đấng đã chiến thắng thần, đã bảo đảm cho chúng tôi được hưởng cuộc sống trường sinh bất tử và dẫn đưa chúng tôi vào chốn bình yên. Nơi đó không còn bóng dáng của thần, chẳng còn sân ga của tuyệt vọng. Bởi vậy, chúng tôi chuẩn bị đối diện với thần bằng một niềm tin vĩ đại vào Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương đón mời chúng tôi vào Thiên Đàng. Nơi đó nước mắt sẽ nhường chỗ cho nụ cười và niềm vui sẽ thay vào đau khổ. Vì “Người là Sự Sống và là Sự Sống Lại. Ai tin Người thì dù có chết cũng sẽ sống“. Tin vào Người đích thực là một trợ lực lớn lao giúp chúng tôi không còn sợ hãi khi nhắc đến thần nữa. Khi ấy, “đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”.
Thưa thần chết,
Chuyến tàu mà thần đưa chúng tôi đến không dẫn chúng tôi xuống hố sâu nhưng đưa chúng tôi đếp gặp Thầy Giêsu nơi một chân trời tươi sáng, một Thế Giới vĩnh hằng. Lưu tâm đến sự chết với ước vọng vươn đến sự sống là điều đáng quý cho chúng tôi. Lưỡi hái của thần vẫn còn đó, nhưng tình yêu và niềm tín thác vào Chúa Giêsu sẽ giúp chúng tôi vượt qua sân ga u ám của thần. Trong niềm tin ấy, mỗi lần nghĩ đến thần, chúng tôi đã chuyển nỗi sợ thành niềm hân hoan, vì biết chắc rằng đây là lúc chúng tôi được hưởng phúc vinh đời đời, cùng với Đấng là khởi nguyên và là cùng đích của chúng tôi.
Thủ Đức, 28.10.2014
Phạm Đình Ngọc, S.J.