Đức Thánh Cha Phanxicô vừa bổ nhiệm Đức Cha Anthony Fisher, giám mục Parramatta, làm TGM Sydney thay thế Đức HY George Pell hiện phụ trách Văn Phòng Kinh Tế của Tòa Thánh.

Sinh năm 1960, Đức Cha Fisher vốn làm việc cho một công ty luật trước khi gia nhập Dòng Đaminh, lúc 25 tuổi. Ngài khấn trọn đời năm 1987 và được thụ phong linh mục năm 1991. Ngài có tiến sĩ triết học về đạo đức sinh học tại Đại Học Oxford năm 1995.

Làm linh mục, ngài dạy tại Đại Học Công Giáo Úc và năm 2000, ngài trở thành giám đốc thành lập của Viện Gioan Phaolô II về Hôn Nhân Và Gia Đình tại Melbourne.

Sau đó, ngài là thành viên của Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về Sự Sống và làm tuyên úy cho quốc hội Victoria từ năm 1997 tới năm 2000. Đức Cha Fisher dấn thân nhiều vào các công trình phục vụ giới trẻ và là phối trí viên của Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 tại Sydney, tháng Bẩy năm 2008.

Năm 2003, ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Sydney và từ năm 2010, ngài là Giám Mục Parramatta. Được coi như người thân cận của Đức HY Pell, việc bổ nhiệm ngài lần này đã được nhiều người mong chờ.

Anh chị em tôi nghĩ tôi điên

Nhân cơ hội này Catholic World News có cho đăng lại một bài báo trên tờ Sydney Morning Herald năm 2007 nói về cuộc gặp gỡ giữa Đức HY Pell, Đức Cha Fisher và Bác Sĩ Philip Nitschke, người được công luận Úc gọi là Bác Sĩ Tử Thần, vì ông là người nhiệt tâm tranh đấu cho quyền an tử. Bài báo gọi Đức Cha Fisher là vị giám mục được tăng áp (turbocharged bishop) với 20 năm “gió lốc” và đường bay chưa có dấu hiệu gì là bình ổn cả.

Cuộc gặp mặt trên diễn ra trong một buổi chiều dùng trà, trong đó ba vị nhâm nhi trà ấm với bánh bích quy. Vị giám mục trẻ, một ngôi sao đang lên của Vatican, một vận động viên đạo đức học, một kẻ yêu nhạc kịch và là một tay nấu bánh bông lan trái cây có tiếng, không muốn nói chuyện làm ăn, nên họ quay qua nói về môn túc cầu bầu dục kiểu Úc (AFL). Một việc mà Nitschke hết sức lấy làm lạ: họ gặp nhau tại một căn phòng phụ sau cuộc tranh luận về chủ đề “An tử: đồng ý hay không”. Sau này, Nitschke nhận định: “tôi nghĩ chắc họ cho rằng mời tôi uống trà là một chuyện lịch sự cần làm”.

Trong cuộc tranh luận nẩy lửa tại Đại Sảnh của ĐH Sydney nói trên, Đức Cha Fisher, người từng mài dũa kỹ thuật của mình tại Trung Học Thánh Inhaxiô ở Riverview ngày nào, nơi tranh biện là một môn thể thao “chém giết” (blood sport), đưa ra luận điểm: “Vấn đề ở đây thực ra không phải là đặt bà nội ra khỏi cơn cùng quẫn của bà mà là đặt bà ra khỏi cơn cùng quẫn của ta”. Đối với Gloria và Colin, mẹ và cha ngài, thì ĐC Fisher đã thắng vẻ vang hôm đó…

21 năm trước đó, vào một ngày lạnh lẽo của mùa thu Canberra, Tony Fisher, lúc ấy 26 tuổi, đang bách bộ trong tu viện trống vắng và hoàn toàn yên tĩnh của các tu sĩ Đaminh. Sau lưng ngài là quyết định rời bỏ công ty Clayton Utz, nơi ngài làm việc trong tư cách một luật sư trẻ của dự án tái thiết Queen Victoria Building. Còn trước mắt là chức linh mục.

Năm 1985, ngài thành thực nói về quyết định từ bỏ cơ hội, từ bỏ tự do và sự giầu có của thế tục. Quyết định làm linh mục khiến cha mẹ ngài hết sức hân hoan nhưng “các anh chị em tôi nghĩ là tôi điên”.

Lúc đó, mới chỉ là một tập sinh Đaminh non trẻ, ngài không hề bao giờ có ý niệm 20 năm sau sẽ leo lên gần tới đỉnh: cố vấn của giáo hoàng; người được Đức HY Pell gọi điện thoại bất cứ lúc nào về những vấn đề tổng quát của sự sống và đạo đức học; một trong những giám mục Úc trẻ nhất, phối trí viên Ngày Giới Trẻ Thế Giới, một ngày hội chẳng kém gì ngày hội Thế Vận…

Làm sao mà nhanh thế? Để bắt đầu, Fisher được Giáo Hội gửi đi học triết học tại Oxford. Sau đó, được chỉ định làm việc tại Melbourne, nơi ngài là giám đốc thành lập của Viện Gioan Phaolô II về Hôn Nhân và Gia Đình. Ổn định trong cơ cấu quản trị với ít vị ở trên mình, hàng năm ngài qua văn phòng chính ở Ý nhiều lần.

Khách hàng, phí tổn và thỏa hiệp, mà các luật sự quá quen thuộc, không ô nhiễm thế giới của Fisher. Ngài trở thành Tuyên Úy của Quốc Hội Victoria và là một cố vấn, ít khi công khai, cho nhiều chính trị gia ở cả Úc lẫn Anh. Không thể ghi điểm công việc của ngài căn cứ vào các định mức làm việc thường lệ hoặc bất cứ cách đo lường sổi nào về quản trị. Ngài sống một mình trong một căn nhà thanh bình từ đó nhìn thấy chân trời bất tận của Cảng Sydney và ngài được đánh giá qua những gì ngài nghĩ, nói và viết. Ngài xử lý các buổi hẹn trên một điện thoại thông minh Blackberry; học thuộc lòng tiếng Ý trên một máy MP3; vào ngày Lễ Thánh Đaminh tổ phụ, ngài biến thành một đầu bếp và mời hàng tá bạn bè; những lúc rảnh rỗi, ngài ra bãi biển, có ba vết thẹo ung thư da làm chứng.

Câu hỏi đương nhiên được đặt ra: có phải do hy sinh? Hy sinh gì? Đức Cha Fisher, nay (2007) đã 47 tuổi cho hay: “có khá nhiều thử thách, nhưng tôi không muốn huênh hoang cho rằng chúng là bất cứ điều gì giống như người ta vẫn kinh qua trong những vụ tan vỡ các liên hệ lớn hay làm ăn thất bại, hoặc trầm cảm hay chết chóc”.

Vẫn còn trẻ đến độ Đức HY Pell thường chế nhạo ngài về mái tóc thò ra ngoài mũ giám mục khi hành lễ, nhưng Đức Cha Fisher không phải là người non dại. Ngài cũng chẳng kém sắt đá bao nhiêu so với tổng trưởng y tế Tony Abbott (nay là Thủ Tướng Úc), người học trên ngài vài lớp ở Riverview.

"Một điều về Tony, mà tôi chưa bao giờ cho anh ta hay, là anh ta gây ảnh hưởng trên tôi vì anh ta là một trong những thể tháo gia vĩ đại, một người mà bọn con trai phải ngưỡng mộ, và anh ta tham dự Thánh Lễ ở nhà nguyện mỗi ngày, một điều khiến những loại trí thức ít nổi như tôi cũng không ngại thực hiện”.

Đức HY Pell thích được ĐC Fisher hợp tác. Trong cuộc bỏ phiếu theo lương tâm về tế bào gốc giữa năm 2007, một cuộc bỏ phiếu gây chia rẽ tại Quốc HỘi New South Wales và đã khiến người ta bàn tới việc tuyệt thông một số chính trị gia Công Giáo, hai vị đã cùng hành động với nhau về chính trị.

Đức Cha Fisher hiện diện cùng với Đức HY Pell trong những cuộc công phá chính của ngài và ít nhất cũng là người kiểm soát sự kiện, thậm chí còn có thể là tác giả, của một bản tuyên bố của Đức HY, được đăng trên trang đầu tờ Herald vào lúc cao điểm của cuộc tranh luận. Bản tuyên bố này cảnh cáo các chính trị gia rằng họ không nên mong được thưởng “mà còn có thể bị trừng phạt” vì đã đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội.

Cùng tuần đó, tại Cao Đẳng Campion, Đức Cha Fisher tuyên bố thêm: “nại tới lương tâm đã trở thành nại tới một thứ thẻ ‘tự do ra khỏi luân lý’” và mô tả các chiến thuật của thủ hiến Morris Jemma là “buồn nôn về luân lý”.

Sau đó, ngài tuyên bố: “tôi không chờ mong có những người Công Giáo làm chủ mọi chuyện, nhưng quả là kỳ cục nếu ta phải trở lại trường hợp trong đó người Công Giáo bị loại ra ngoài hay người Kitô hữu bị loại ra ngoài. Tôi muốn thấy họ là thành phần của cuộc tranh luận quyết liệt đang diễn ra tại phòng nội các hay ở những nơi khác và ở đó họ đưa ra một tầm nhìn tôn giáo”

Điều làm ngài hài lòng không ít là trong một khoảng thời gian không lâu, thời Keating, “chúng ta có một thủ tướng, một tổng toàn quyền và một chánh án tối cao cùng một lúc”.

Điều lạ là Đức Cha Fisher không thuộc Dòng Tên. Dù được gửi học tại một trong những ngôi trường tốt nhất của dòng này ở Sydney vì mẹ ngài rất ngưỡng mộ các học trò rất lịch thiệp tốt nghiệp từ trường này, nhưng thay vì dính bén với thứ triết lý tự lập và mạo hiểm của dòng Tên, ngài đã chọn thứ triết lý khác.

Vị phối trí viên về giáo dục tôn giáo tại Riverview và là giám đốc phụng vụ và thánh nhạc, Cha Thomas O’Donovan, người từng dạy Đức Cha Fisher và là cố vấn và cha giải tội của ngài trong mấy năm sau này, cũng thắc mắc về việc này. Cậu sinh viên Fisher đã chọn dòng Đaminh, một dòng chuyên giảng thuyết và giảng dạy, sống cộng đoàn, yêu đời và thường không được chọn giữ chức vụ cao trong Giáo Hội.

Ngài nhận định rằng “bất kể nó có phản ảnh việc tôi được lớn lên trong một gia đình lớn hay vì những điều khác thuộc tính tình của tôi, nhưng đối với tôi, cộng đồng rất quan trọng. Tôi muốn sống với một nhóm người sẵn sàng cầu nguyện với tôi, khích lệ tôi và có mặt ở đó khi tôi trở về nhà vào ban đêm từ bất cứ công việc nào”.

Dòng Daminh cũng không “kiểm duyệt” khiếu thưởng thức đồ ăn của ngài: “bò béo, bột mì, rượu nho trong bình da, hạt mù tạt và rau thơm, toàn bộ sách nấu nướng của Trung Đông xưa đều có sẵn trong Tân Ước”. Ngài bảo: “nếu nghĩ rằng muốn làm một Kitô hữu thánh thiện thực sự mà phải ghét thức ăn, thức uống và bạn bè để ngồi đó thừ mặt ra, thì theo tôi, đó không phải là Kitô hữu chi cả”.

Nét đẹp bà mẹ

Đức Cha Fisher thừa hưởng được nét da đẹp của ngài từ bà Gloria, mẹ ngài, người có gốc gác ở vùng Basque, Tây Ban Nha. Bà tới Úc lúc còn thiếu niên, qua ngả Trung Hoa, nơi thân phụ bà, một cầu thủ môn thể thao quốc gia jai-alai, được tuyển dụng làm việc cho một nhóm được các ông vua cờ bạc tại Thượng Hải tài trợ trong thập niên 1940. Sau khi Cộng Sản cầm quyền tại Trung Hoa, môn jai-alai bị cấm, nên gia đình phải chạy qua Phi Luật Tân, nơi Gloria ghi danh tại một trường quốc tế và học tiếng Anh, giọng Mỹ.

Làm thế nào một người trầm tĩnh, có óc thực tiễn, tốt nghiệp ngành dược như Colin Fiasher, thân phụ ngài, lại để mắt xanh tới cô thiếu nữ xa lạ này là điều không ai biết. Nhưng theo Đức Cha Fisher: “khi các ngài lấy nhau, ba tôi là một người Úc đặc sệt, chuyên nướng thịt bò và phết vegemite vào bánh mì nướng. Má tôi phải văn minh hóa người. Má dạy ba tôi về rượu nho, chẳng hạn, lúc ông cụ chưa biết uống nó, nhưng nay, người tham gia một trong những hội nếm rượu nho thời thượng nhất xứ, thành thạo đến có thể nhắm mắt cho hay rượu ấy phát xuất từ phía nào của ngọn núi.

"Cuối cùng, ba tôi đã thắng cuộc đua nấu ăn của tạp chí Women's Weekly. Tôi lớn lên trong một gia đình nơi việc con trai nấu nướng được coi là hoàn toàn đáng kính và theo tôi, ngoài má ra, các con trai là những tay đầu bếp cừ khôi nhất trong gia đình”.

Trong vòng 6 năm, hai ông bà Fisher có 5 người con. Nhưng với Anthony, người con lớn nhất, thì như thể một thiên thần đã sa xuống giữa họ. Cha mẹ cậu cho hay: Ngay từ đầu, cậu đã tốt lành và có trực giác, có tinh thần trách nhiệm, biết vâng lời. Về phần mình, Đức Cha Fisher hết lòng kính trọng và ngưỡng phục cha mẹ và hiều thấu các cam kết của các ngài. “Tôi nhớ một hôm, khi tôi còn nhỏ, ngắm mẹ xử lý với chúng tôi, và tự nghĩ: ‘mẹ quả rất hay về việc này’. Có lẽ đó là ý nghĩ trước nhất của tôi”.

Ngài cũng còn nhớ đã bắt chước mẹ ra sao. “Mỗi tối, mẹ đều yêu cầu tôi gọi mọi người vào dùng bữa, thế là tôi ra ngoài hô to: ‘bày trẻ!’ y như một người lớn”.

Một tâm tư quan trọng khác đối với ngài là gia đình Fisher khá an toàn và luôn luôn thăng tiến, luôn tiến trước sức tăng trưởng của thành phố. Cha ngài, lúc ấy có một tiệm dược phẩm ở Lakemba, sau mở rộng để bao gồm một quày bán báo, làm việc rất chăm chỉ và quản trị khéo. Sau đó, gia đình chuyển tới Longeville và sau đó, đã mua một nơi rộng rãi tại Manly đầy ánh sáng và sóng nước.

Ngài nhận định: “tôi nghĩ tôi xuất thân từ một gia đình tầm thường, nhưng có được một gia đình như thế là điều tốt. Tôi có được một khởi đầu rất tốt ở trong đời nhờ có được những người yêu tôi và dấn thân cho tôi lúc tôi còn con nít và tôi muốn điều này xẩy ra cho mọi người Úc nói chung trong tương lai”.

Ngài nhắc lại giây phút quyết định làm linh mục. Lúc ấy đã nghỉ việc luật sư được ít tháng, từ Âu Châu gọi về nhà giữa lúc mọi người đang hội hè ăn uống, cha mẹ vui hết cỡ. Nhưng bà Gloria cho hay: “các đứa con khác của chúng tôi thì khóc, tất cả đều khóc”.

Vấn đề lạm dụng tình dục

Richard Blackburn của Sydney Morning Herald, tường thuật việc bổ nhiệm mới này, nhấn mạnh tới thái độ của Đức Cha Fisher trước nạn giáo sĩ và tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, một thái độ, theo ông, có tính hòa giải hơn là thái độ của vị tiền nhiệm, George Pell. Sau các tuyên bố gây chỉ trích của Đức HY Pell vào tháng rồi tại Ủy Ban Hoàng Gia về Các Đáp Ứng Của Các Định Chế Đối Với Nạn Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em, Đức Cha Fisher cho rằng Giáo Hội cần làm nhiều hơn nữa đối với các nạn nhân của lạm dụng tình dục: “các nạn nhân bị lạm dụng và mọi người trẻ phải được đặt lên trước nhất, không viện cớ, không che đậy gì cả. Giáo Hội phải làm tốt hơn nữa trong lãnh vực này và tôi cam kết đóng một vai trò lãnh đạo trong việc lấy lại niềm tin của cộng đồng và của chính các thành viên của chúng tôi...

“Giáo Hội Công Giáo tại Úc đang kinh qua một thời kỳ bị công chúng dò xét và tự vấn lương tâm. Tôi hy vọng nó sẽ từ thời kỳ này tái xuất hiện một cách trong trắng, khiêm nhường hơn, biết cảm thương nhiều hơn và được tái sinh về tâm linh.

Nhận định về việc được trở lại TGP Sydney, ngài cho hay: “tôi rất phấn khích khi được trở lại TGP Sydney và được xây dựng trên các nền tảng do vị tiền nhiệm của tôi là Đức HY George Pell để lại. Sydney là một thành phố sinh động, luôn thăng tiến với rất nhiều tiềm năng trở thành một trong các thành phố, và một cộng đồng đức tin lớn nhất thế giới”.

Tổng Giám Mục Dòng đầu tiên của Úc

Tess Livingstone của tờ The Australian, thì cho rằng Đức Cha Anthony Fisher, Dòng Đa Minh, là vị tổng giám mục đầu tiên của Úc xuất thân từ một dòng tu, Dòng Đaminh, kể từ thời Đức TGM Roger Bede Vaughan, một tu sĩ dòng Bênêđíctô, năm 1877.

Ngài tự hào về bối cảnh đa văn hóa của chính ngài: mẹ ngài là người Tây Ban Nha, từng sống ở Trung Hoa, Phi Luật Tân; bản thân ngài lớn lên tại Lakemba, nơi thân phụ ngài có một tiệm dược phẩm, và là nơi đông di dân gốc Việt và Hồi Giáo. Ngài nói: “giống nhiều người ở Parramatta và Sydney, tôi xuất thân từ một bối cảnh đa văn hóa”.

Tối qua, Đức Cha Fisher xin “mọi người Công Giáo và những người có thiện chí khác cầu nguyện để tôi trở thành một người chăn chiên tốt lành theo lòng Chúa Giêsu Kitô”.

Thánh chiến

Được loan báo vào đúng ngày có quyết định dẹp tan các âm mưu giết người của những kẻ chủ trương thánh chiến, việc bổ nhiệm Đức Cha Fisher nhắc ta nhớ tới vai trò của một tu sĩ Đaminh khác là Đức Piô V, người đã tổ chức một liên minh Kitô Giáo chống lại đoàn tầu chiến Hồi Giáo trong trận đánh Lepanto tháng Mười năm 1571.

Đức Cha Fisher nói rằng các va chạm giữa các nền văn minh vốn là các đặc điểm của lịch sử. Trong môi trường hiện nay, các Giáo Hội tại Úc có một vai trò quan trọng cần thủ diễn trong việc khuyến khích sự chừng mực và đứng đắn.

Tháng Tám vừa qua, lúc còn là GM Parramatta, Đức Cha Fisher tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội ngần ngại không lên tiếng vì sợ đổ thêm dầu vào lửa. “Nhưng, là những đồng Kitô hữu và đồng nhân chủng, chúng tôi không thể làm ngơ trước cuộc bách hại và thanh trừng tôn giáo này”. Ngài nói thêm: “tình huống đang tồi tệ cực kỳ nhanh chóng. Đây gần như là một trường hợp cổ điển để việc can thiệp thuộc một loại nào đó, như không kích của Hoa Kỳ vào những kẻ quá khích, cần thực hiện để bảo vệ người vô tội”.

Ngài sẽ nhậm chức TGM Sydney vào giữa tháng Mười Một. Ngài đồng ý với quan điểm của Đức Phanxicô khi cho rằng giám mục tốt là giám mục “bùn dính giầy” và có “mùi chiên”. Ngài tin rằng ngài có một “thế thân đôi chút chiêm niệm hơn” vị tiền nhiệm của mình.

Đài SBS, dựa vào bản tin AAP, thì cho rằng Đức tân TGM cam kết rằng “Lạm dụng tình dục sẽ không thề xẩy ra nữa”.

Về TGP mới, ngài cho rằng “Giáo Hội tại Sydney được diễm phúc có được các gia đình mạnh mẽ, các nhóm sắc tộc và tuổi trẻ. Úc là một quốc gia gồm những người di dân, ta cần chứng tỏ rằng ta có thể sống chung với nhau và cùng nhau xây dựng quốc gia. Giáo Hội có một vai trò để đóng trong việc hợp tác thân hữu”.

Từng là phối trí viên của Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008, ngài hy vọng mở rộng được mối liên hệ tốt đẹp với người trẻ Công Giáo trong vai trò tổng giám mục: “Tôi rất tin tưởng rằng người trẻ của chúng ta, khi có được kỹ năng và được hỗ trợ thích đáng sẽ thực hiện được những việc lớn lao”.