Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong các bài giáo lý, chúng ta thường xuyên lưu ý rằng chúng ta không tự mình trở thành Kitô hữu, nhưng nhờ được sinh ra và nuôi dưỡng trong niềm tin ở giữa Dân Chúa, đó là Giáo Hội. Giáo Hội là một người mẹ thực sự đã cho chúng ta sống trong Chúa Kitô, và trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần, đưa chúng ta vào một cuộc sống chung với anh chị em của chúng ta.
Mẫu gương của tình mẫu tữ đối với Giáo Hội là Đức Trinh Nữ Maria, Đấng khi thời gian viên mãn đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và đã sinh ra Con Thiên Chúa. Tình mẫu tử của Đức Mẹ vẫn được tiếp tục qua Giáo Hội vì Giáo Hội sinh ra những người con nam nữ thông qua Bí Tích Rửa Tội, và nuôi dưỡng họ bằng Lời Chúa.
Thực ra, Chúa Giêsu đã ban Tin Mừng cho Giáo Hội để mang lại sự sống mới bằng cách quảng đại công bố lời Ngài và chinh phục những người nam nữ khác cho Thiên Chúa là Cha của chúng ta.
Là một người mẹ, Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta trong suốt cuộc đời, chiếu sáng con đường của chúng ta với ánh sáng của Tin Mừng và dưỡng nuôi chúng ta với các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Với dưỡng chất này, chúng ta biết phân định và thận trọng chống lại những điều ác, dối trá, và vượt qua những thời điểm khó khăn của cuộc sống với lòng can đảm và hy vọng.
Đây là Giáo Hội: một người mẹ có con tim dịu dàng với con mình. Và vì chúng ta là Giáo Hội, chúng ta được kêu gọi sống cùng một tinh thần, cùng thái độ của bà mẹ này đối với anh chị em chúng ta, bằng cách chào đón, tha thứ và linh hứng niềm cậy trông và hy vọng.
2. Căn tính Kitô không đến từ các bằng cấp thần học nhưng từ Thánh Thần Thiên Chúa
Trong thánh lễ sáng thứ Ba 2 tháng 9 tại Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về căn tính Kitô giáo.
Đức Thánh Cha nói rằng sức thuyết phục của căn tính Kitô giáo không đến từ một người hiểu biết về thần học, nhưng là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em có thể có năm bằng cấp thần học, nhưng không có Thánh Linh của Thiên Chúa! Có thể anh chị em là một nhà thần học tuyệt vời đấy, nhưng anh chị em không phải là một Kitô hữu bởi vì anh chị em không có Thánh Linh Thiên Chúa! Chính Ngài mang đến sức thuyết phục, chính Ngài mang ban cho ta căn tính Kitô, qua việc sự xức dầu của Thánh Thần".
Ngài nói thêm:
"Lời giảng dạy đầy thẩm quyền của Chúa Giêsu - và sức thuyết phục của các Kitô hữu chúng ta - xuất phát từ khả năng hiểu được những điều của Thánh Linh, và nói được ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần. Từ việc xức dầu này của Chúa Thánh Thần mà thường xuyên chúng ta thấy ở giữa các tín hữu có những người bà già đơn sơ có thể thậm chí chưa học hết tiểu học, nhưng có thể nói với chúng ta hùng hồn hơn so với bất kỳ nhà thần học nào, bởi vì họ có Thánh Linh của Chúa Kitô.”
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình bằng cách yêu cầu những người có mặt cầu xin Chúa Thánh Thần xức dầu cho mình để có thể suy nghĩ, cảm nhận và nói như Chúa Kitô.
3. Câu chuyện đi tìm con chiên lạc và đồng tiền bị rơi.
Từ đầu đến cuối Sách Tin Mừng Luca vang dội lời ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa, từ bài ca Magnificat của Đức Mẹ, đến bài ca của ông Dakharia, đến khi Chúa lên trời và “các môn đệ trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và luôn ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Riêng chương 15 thì bài tụng ca lòng thương xót được diễn tả bằng ba dụ ngôn đứa con hoang đàng, đi tìm con chiên lạc và đồng tiền bị rơi.
Trong một chương trình trước đây, Như Ý đã trình bày câu chuyện đứa con hoang đàng. Trong chương trình này, Như Ý xin thuật hầu quý vị và anh chị em hai câu chuyện còn lại.
Khi thấy đông đảo những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người, thì những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư mới lẩm bẩm với nhau rằng "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng".
Ðức Giêsu biết thế nên mới kể cho họ dụ ngôn này:
Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất sao?
Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó".
Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được hay sao?
Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm đuợc đồng quan tôi đã đánh mất".
Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối".
4. Hãy là men giữa đời
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 31 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu và tất cả mọi người thiện chí hãy chăm sóc thiên nhiên nhiều hơn. Lời kêu gọi này đã được đưa ra để đánh dấu ngày các Giám Mục Ý kêu gọi 'Bảo vệ Các Kỳ Công Sáng Tạo của Thiên Chúa’.
Đức Thánh Cha nói: "Tôi hy vọng tất cả mọi người - các tổ chức, hiệp hội và công dân - sẽ tăng cường những nỗ lực của họ, để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân bằng cách tôn trọng môi trường và thiên nhiên."
Trong bài huấn đức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài trên bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 22 Mùa Thường Niên, trong đó Thánh Matthêu kể lại phản ứng của Thánh Phêrô khi Chúa Kitô mạc khải cho các môn đệ của Ngài về cuộc thương khó, cái chết và sự Phục Sinh của Ngài (Mt 16: 21-27).
Đức Thánh Cha giải thích:
"Đây là một thời điểm quan trọng, trong đó bộc lộ rõ ràng sự tương phản giữa cách thức suy nghĩ của Chúa Giêsu và của các môn đệ Ngài, đặc biệt là của Phêrô. Nhà lãnh đạo của nhóm mười hai đã ngăn cản Thầy, khi nghĩ một cách sai lầm rằng Chúa không thể nào kết thúc đời mình một cách ô nhục như vậy.”
"Chúa Giêsu, quở trách Phêrô nặng nề bởi vì tư tưởng của ông không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người – và ông vô tình không nhận ra đó là một phần của Satan, của cám dỗ."
Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Phaolô, người đã nói với chúng ta trong thư gửi cho các Kitô hữu thành Rôma, cũng nhấn mạnh một cách nhất quán như thế: "Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12:. 2).
Ngài nói tiếp:
"Trong thực tế, chúng ta những Kitô hữu sống trên thế giới này, hội nhập hoàn toàn vào thực tại xã hội và văn hóa của thời đại chúng ta. Điều này là đúng, nhưng điều này cũng mang đến những nguy cơ khiến chúng ta có thể trở thành 'phàm tục' đến mức trở thành 'muối bị mất hương vị của nó’ (x Mt 5:13)"
"Chúng ta phải nghĩ ngược lại: khi sức mạnh của Tin Mừng vẫn còn sống động nơi các Kitô hữu, Tin Mừng có thể biến đổi ‘những tiêu chuẩn đánh giá của nhân loại, cách thức con người xác định những giá trị, sở thích, dòng tư tưởng, nguồn cảm hứng và các mô hình của cuộc sống, trái ngược với Lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Ngài.’ (Evangelii nuntiandi, 19).”
Đây là một chủ đề mà Đức Thánh Cha đã đưa ra trong lời chúc mừng của ngài gởi đến các nghị sĩ Công Giáo đang tham dự hội nghị lần thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế tại Frascati bên ngoài thành Rôma.
Đức Thánh Cha viết cho các tham dự viên hội nghị rằng:
"Tôi khuyến khích anh chị em sống một cách tế nhị vai trò các đại diện nhân dân sao cho phù hợp với các giá trị Tin Mừng,".
5. Chính Chúa Giêsu là sức mạnh của Tin Mừng, chứ không phải những lời nói hùng hồn của thuật tu từ
Chúng ta cần phải loan báo Tin Mừng với lòng khiêm tốn không phải với những lời lẽ khôn ngoan “bởi vì chính Chúa Giêsu là sức mạnh của Lời Chúa, và chỉ có những người có trái tim rộng mở mới có thể tiếp nhận Ngài”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời khuyên trên vào sáng thứ Hai, khi ngài trở lại với công việc hàng ngày sau kỳ nghỉ hè.
Bình luận về các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thánh Phaolô đã nhắc nhở các tín hữu Côrintô đừng rao giảng Tin Mừng dựa trên các từ ngữ có sức thuyết phục của sự khôn ngoan loài người.
Thánh Phaolô nói:
“Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Ðức Giêsu Kitô, mà là Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lời lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha nói:
“Đây là những gì sẽ xảy ra với Chúa Giêsu, khi Ngài nhận xét về Kinh Thánh trong hội đường Nazareth, nơi Ngài lớn lên. Đồng bào của Ngài, ban đầu, ngưỡng mộ Ngài vì những lời lẽ của Ngài nhưng sau đó trở nên tức giận và cố gắng để giết Ngài.”
“Họ đã đi từ thái cực này sang thái cực khác bởi vì Lời Chúa khác với lời lẽ con người. Thực ra, Thiên Chúa nói với chúng ta qua Chúa Con, nghĩa là, Lời Chúa là chính là Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu Kitô là sức mạnh của Lời Chúa.”
“Làm thế nào để chúng ta nhận được Lời Chúa? Làm thế nào để tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội cho chúng ta biết Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Kinh, trong Lời của Ngài. Đây là lý do tại sao điều rất quan trọng là hàng ngày chúng ta phải đọc một đoạn Tin Mừng”
“Tại sao, để học hỏi chăng? Không phải! Chính là để tìm Chúa Giêsu, vì chính Chúa Giêsu hiện diện ngay trong Lời Ngài, trong Tin Mừng. Mỗi lần tôi đọc Phúc Âm, tôi gặp gỡ Chúa Giêsu. Tuy nhiên, làm thế nào để nhận được Lời Ngài? Hãy cứ đón nhận Lời Ngài như đón nhận chính Chúa Giêsu, nghĩa là với con tim rộng mở, với một tấm lòng khiêm tốn, với tinh thần của Tám Mối Phúc Thật. Bởi vì đó là cách Chúa Giêsu hiện đến, trong sự khiêm nhường. Ngài đã đến với chúng ta trong khó nghèo.”
“Ngài là sức mạnh. Ngài là Lời của Thiên Chúa vì Ngài được xức dầu bởi Thánh Thần. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta muốn lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, chúng ta phải cầu nguyện và xin Chúa Thánh Thần xức dầu con tim chúng ta với Tám Mối Phúc Thật để chúng ta có một con tim như con tim của Tám Mối Phúc Thật ".
"Ngày hôm nay chúng ta phải tự hỏi mình, tôi đón nhận Lời Chúa như thế nào? Có phải vì điều gì đó làm tôi hứng thú hay vì vị linh mục giảng hôm nay nói hay quá, cha thiệt là tài tình! Hay tôi đón nhận Lời Chúa đơn giản chỉ vì đó là Chúa Giêsu, là Lời sống động của Ngài? Liệu tôi có thể chú ý đến câu hỏi này không? Liệu tôi có dám mua một cuốn Phúc Âm không? Loại rẻ tiền cũng được chứ sao? Hãy mua một cuốn Phúc Âm và bỏ vào trong túi và lấy ra đọc trong ngày bất cứ khi nào có thể để tìm thấy Chúa Giêsu trong đó. Hai câu hỏi nói trên mang lại những ơn ích cho chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta.”