Những gì có thể là sự kiện công cộng lớn nhất mà Rome từng chứng kiến đã diễn ra sáng Chúa Nhật 27 tháng Tư, 2014, khi hai cố Giáo Hoàng John thứ 23 và John Paul Đệ Nhị gia nhập hàng ngũ của các vị Thánh được tôn kính bởi người Công Giáo trên toàn thế giới. Ý nghĩa lịch sử của sự kiện phong thánh cho hai vị Giáo hoàng lại càng tăng thêm bội phần khi lễ phong hiển thánh được cử hành bởi hai vị Giáo hoàng, vị đương nhiệm được giáo dân yêu mến, Giáo Hoàng Francis và người đã về hưu trí, ít xuất hiện trước công chúng, Giáo hoàng Benedict thứ 16.

Xem video phóng sự

Từ sáng sớm đã có mặt tại chỗ dành riêng trên Balcon Đền thờ
Các Ký già và các đài truyền hình lớn đều có mặt ở đây
Quang cảnh Thánh lễ nhìn từ chỗ chúng tôi xuống
Cùng tường trình phóng sự với LM Văn Chi
Từ khoảng 4 giờ sáng, ánh đèn đường màu vàng le lói còn soi rọi trên những con đường vẫn chìm trong màn đêm, hàng ngàn người thuộc từng nhóm đại diện nhiều khu vực, mà đa số là từ Ba Lan, đã lũ lượt đi bộ trên những con đường đá gồ ghề để tiến vào quảng trường St. Peter. Tiếng chân người bước dồn trong bóng đêm và tiếng hát quân hành những bản nhạc Ba Lan cùng nhạc Ý vang vang trong không gian đem lại sự nô nức cho hầu hết mọi người. Trong con số gần 1 triệu người qui tụ về Vatican City để chứng kiến sự kiện này, gần một phần ba là người dân Ba Lan, nơi sinh quán của cố giáo hoàng John Paul Đệ Nhị. Phần còn lại bao gồm nhiều sắc dân trên thế giới, cũng có rất nhiều người đến từ miền bắc nước Ý, nơi sinh quán của cố giáo hoàng John thứ 23. Có rất nhiều người đã thức trắng đêm hôm trước để cầu nguyện tại các nhà nguyện hoặc các nhà thờ trong nội thành Rome, chờ đến lúc khởi hành vào quảng trường St. Peter. Các nhà thờ quanh Rome mở cửa đón đoàn người hành hương cũng một phần vì không còn một khách sạn, quán trọ, hay tu viện nào còn chỗ chứa khách trọ nữa.

An ninh được thắt chặt nghiêm ngặt tại các lối vào quảng trường với những trạm kiểm soát giống như các phi trường quốc tế. Các con đường chính dẫn vào quảng trường đều bị phong tỏa và canh gác bởi hàng đoàn cảnh sát viên, nhân viên an ninh và những người giữ trật tự cũng như chỉ đường. Đối với Thanh Thảo, việc phải đi bộ mệt nghỉ quanh các con đường bị phong tỏa không khác chi những lần Thanh Thảo đã phải trải qua khi đi làm phóng sự Đại Hội Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trong kỳ bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ hồi năm 2012. Điểm khác biệt là mặt đường đá đóng bằng những thanh đá dọc gập ghềnh tại Rome làm những bước chân người nặng nề hơn nhưng lại tạo ra những thanh âm rất riêng biệt, như trong các phim cổ về thành Rome. Chưa kể cảm nghĩ về thời gian tính là mình đang bước trên những con đường không thay đổi mà người dân tứ xứ đã từng đi qua trong khoảng 2,000 năm nay tuy rằng nhiều biến cố đã diễn ra tại đây và hoàn cảnh sống của loài người đã đổi thay về mọi khía cạnh. Trong tiếng chân người, Thanh Thảo chợt nghĩ đến bốn câu thơ trích trong bài Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan “…Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn cau mặt với tang thương…”

Đến quảng trường, đoàn khách hành hương phải chờ tại các cổng đông chật người và họ lại hô những khẩu hiệu và hát những bản nhạc Ba Lan và nhạc Ý, ca ngợi hai vị thánh sắp được công nhận của quê hương họ. Tuy vậy, những người thuộc các sắc dân khác cũng cùng đứng nghe và mỉm cười đồng tình trong không khí hào hứng của một sự kiện lịch sử sắp diễn ra. Đoàn phóng viên từ các hãng thông tấn lớn như AP và các công ty truyền thông khác như Thanh Thảo tuy có thẻ báo chí của tòa thánh Vatican, mà vẫn phải đứng xếp hàng chờ đến 5 giờ rưỡi sáng mới được bước vào vị trí, tận trên balcony cao nhìn xuống quảng trường St. Peter. Chúng tôi vào được quảng trường khi hừng đông chưa ló dạng. Chưa đến 6 giờ sáng, trong tiết trời se lạnh và có vẻ sắp mưa, chúng tôi đã chuẩn bị xong máy móc, dụng cụ, máy điện toán và cả dù che mưa, để chuẩn bị thu hình sự kiện lịch sử này.

Quá trình phong thánh đối với rất nhiều người, kể cả người Công Giáo, là một sự việc phức tạp. Để tóm gọn, quá trình phong thánh bao gồm nhiều giai đoạn, tuy phần chót và khó khăn nhất, là việc xác minh 2 phép lạ mà một vị Thánh được đề cử đã thực hiện sau khi họ qua đời. Theo truyền thống Công Giáo, việc phong thánh chỉ bắt đầu 5 năm sau khi vị Thánh được đề cử từ trần. Tuy nhiên, trường hợp của Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị là một trường hợp đặc biệt, có thể kể là nhiệm màu. Vì giáo hoàng John Paul đệ nhị đã làm rất nhiều phép lạ cho nhiều người trên khắp thế giới nên trường hợp phong thánh của ngài đã được cứu xét chỉ vài tuần lễ sau khi ngài từ trần, với 2 phép lạ đã được tòa Thánh Vatican xác nhận. Một phép lạ xảy đến cho 1 nữ tu người Pháp tên Marie Simon-Pierre khi cô được chữa khỏi bệnh Parkinson, đã được công nhận vào năm 2011. Phép lạ thứ nhì được thực hiện cho một phụ nữ người Costa Rica tên Floribeth Mora Diaz sau khi cô được chữa lành chứng Brain Aneurism, tức bệnh phình động mạch máu não, chỉ còn chờ chết. Bên cạnh những phép lạ cá nhân, Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị còn là vị Giáo hoàng tông du thế giới nhiều nhất và được kể là người đã giúp lật đổ chế độ Cộng Sản mà không cần đổ máu tại Âu châu, khởi đầu bằng vụ phá sập “bức tường ô nhục” chia đôi nước Đức thành hai miền Đông, Tây. Sự kiện lịch sử này đã mở màn cho kỷ nguyên mới của nước Đức, để trở thành quốc gia hùng mạnh nhất khối Liên Âu hiện nay.



Giáo Hoàng John thứ 23 cũng được phong thánh trong một trường hợp đặc biệt vì ngài mới chỉ được tòa thánh Vatican công nhận thực hiện 1 phép lạ vào năm 1966 khi chữa lành bệnh ung thư cho một nữ tu người Ý tên Catherine Capitani. Tuy nhiên Giáo Hoàng đương nhiệm Francis đã quyết định phá lệ và phong Thánh cho cố Giáo Hoàng John thứ 23 vì nhiều điều hữu ích ngài đã làm cho Giáo Hội Công Giáo và cho nhân loại, thể hiện qua sáng kiến khởi xướng Công Đồng Vatican thứ nhì, một sự kiện canh tân Giáo Hội Công Giáo La Mã mà vài điểm quan trọng chính bao gồm: các nghi lễ phụng vụ được phép cử hành bằng tiếng bản xứ, nâng cao ý thức nhân quyền và vai trò của phụ nữ trong xã hội, kêu gọi xóa bỏ chế độ nô lệ và nâng đỡ các quốc gia nghèo. Một thành tích đáng lưu ý khác của Giáo Hoàng John thứ 23 là thu hẹp khoảng cách giữa người Công Giáo và người Do Thái giáo.

Vào lúc 10 giờ sáng, tiếng chuông từ St. Peter’s Basilica, tức Đền Thánh Phê-rô, đã vang vọng khắp quảng trường. Thanh âm thánh thiện của tiếng chuông ngân vang dài nhiều phút trong khi đoàn Giám Mục, Hồng Y và Đức Giáo Hoàng đương nhiệm Francis, người được hàng tỉ người trên thế giới mến chuộng, dần bước trên thảm đỏ từ trong Đền thánh Phê-rô ra khán đài được đặt trên các bậc thềm ngoài đền thánh. Lẫn trong tiếng chuông ngân là tiếng xướng đọc Kinh Cầu Các Thánh khiến lòng người cũng cảm thấy muốn sống đời hướng thiện. Nhiều phóng viên các công ty truyền thông khác đứng gần Thanh Thảo đã bàn về điều có thể chính Giáo Hoàng Francis đương nhiệm cũng sẽ mau chóng được phong Thánh sau này vì những cải cách ngài đang thực hiện cho Giáo Hội trong nỗ lực đến gần hơn với giáo dân bằng lối sống vô cùng đơn giản, bằng sự thân thiện với mọi người và bằng ý chí quyết thay đổi lề lối Giáo Hội đã cũ cả gần hai ngàn năm sao cho minh bạch hơn về tài chính, công bằng hơn về xã hội và nhất là hợp thời hơn với cuộc sống loài người trong thế kỷ thứ 21.

Thật vậy, nếu cố Giáo hoàng John Paul Đệ Nhị là người đã phong hiển thánh cho nhiều người nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo La Mã, trong số đó có 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, thì Giáo Hoàng Francis lại được biết đến với việc lập ra nhiều tiền lệ trong lịch sử Giáo Hội. Việc phong thánh hai vị giáo hoàng trong cùng một ngày là điều chưa bao giờ xảy ra trong Giáo Hội Công Giáo La Mã. Nhưng tiền lệ này còn tăng phần long trọng hơn khi có đến hai vị giáo hoàng đồng chủ tọa lễ phong hiển thánh, trong đó Giáo hoàng John Paul Đệ Nhị, là một người cùng thời với cả hai vị Giáo Hoàng, một điều cũng chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Giáo Hội. Đây được cho là một trong những nỗ lực hiệp nhất Giáo Hội của Giáo hoàng Francis. Trong thông điệp gửi tín hữu nhân lễ phong hiển thánh ngày Chúa Nhật 27 tháng Tư năm 2014, Giáo hoàng Francis đã nhấn mạnh đến nỗ lực đưa Giáo Hội trở lại nền tảng của nó, bao gồm tình yêu, lòng thương xót và sự quan trọng của gia đình trong một xã hội bình ổn, là những điều quan trọng mà hai vị Giáo hoàng được phong thánh đã luôn cố gắng thực hiện lúc còn sinh thời.

Hai Giáo Hoàng được phong thánh đều có chủ trương sống đời bình dị, đơn sơ và phục vụ nhân loại. Đó là những quan niệm có tính cách phổ quát và là vài trong nhiều lý do họ được phong hiển thánh trong ngày Chúa Nhật 27 tháng Tư, năm 2014. Có lẽ đó cũng chính là lý do gần một triệu giáo dân và giới lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có hoàng gia Tây Ban Nha…đã không quản ngại mưa phùn, gió bấc, tụ hội về quảng trường St. Peter để được chứng kiến tận mắt và cùng cảm nghiệm giây phút lịch sử mà Giáo Hội đón mừng hai vị Thánh mới, Thánh Giáo Hoàng John thứ 23 và Thánh Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị.

Trong cơn mưa phùn nhẹ, những nghi thức phong thánh đã được long trọng cử hành, trong đó bao gồm phần đọc sơ lược tiểu sử của hai cố giáo hoàng. Lúc hai vị giáo hoàng sống cùng tuyên hiển thánh hai cố giáo hoàng là lúc tiếng người reo hò vui mừng đã vang dội quảng trường St. Peter. Mọi người cùng hân hoan dự thánh lễ đại trào diễn ra ngay sau đó mặc dù trời vẫn mưa và gió vẫn tăng thêm cảm giác buốt giá đến cho người tham dự, đặc biệt là những phóng viên đứng tít trên bao lơn của đền thánh như Thanh Thảo. Tuy nhiên, trong không khí tưng bừng nhưng thánh thiện tại quảng trường St. Peter sáng Chúa Nhật 27 tháng Tư, 2014, Thanh Thảo cảm thấy mình vô cùng may mắn có dịp chứng kiến và cảm nhận niềm vui mừng lớn lao của Giáo Hội Công Giáo này. Phải chăng, nhu cầu được cùng chia sẻ cảm xúc vui, buồn.. với đồng loại của loài người là lý do khiến những sự kiện đặc biệt như lễ phong thánh hai vị giáo hoàng mới nhất của Giáo Hội đã thu hút hàng triệu người đến dự và hàng tỉ người theo dõi diễn tiến tại nhà? Nhu cầu này đã được thể hiện trước mắt Thanh Thảo và sẽ mãi để lại một kỷ niệm khó quên trong lòng Thanh Thảo trên đường đi bộ nhiều cây số vì đường vẫn còn bị phong tỏa để trở về khách sạn chuẩn bị viết bài này nhằm chia sẻ với quí độc giả khắp nơi. Quí vị có thể đón xem thêm phim tài liệu đặc biệt do LM Văn Chi và Thanh Thảo thực hiện về buổi lễ phong thánh này trên VietCatholic TV và Đài truyền hính Vietface TV.