Vụ Phong Thánh – Một Tấm Gương Kiên Cường: Không Hổ Thẹn Là Con Cháu CTTĐ VN

Giáo dân Viêt Nam khắp nới trên thế giới hân hoan đón mừng năm thánh, nhân kỷ niệm 30 năm phong thánh của 117 vị thánh tử đạo Việt Nam. Có được ngày hôm nay chúng ta phải cúi đầu cảm tạ khí phách can trường, đức tin mãnh liệt của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói riêng, của giáo dân VN nói chung, đã dám đứng lên đối dầu với nhà cầm quyền Cộng sản thời đó. Trong khi nhà nước với tất cả phương tiện, đã tìm đủ cách để ngăn cản cuộc phong thánh này, các vị lãnh đạo Công Giáo chỉ có trong tay đức tin, tính cương trực và lòng quả cảm đã không bị khuất phục. Đây quả thực là cuộc đối đầu không cân bằng, nhưng chính nghĩa đã toàn thắng.

Việc Chống Đối Của Nhà Cầm Quyền CS VN

Những người lảnh đạo đảng Cộng sản VN có lẽ do bụng dạ hẹp hòi, tâm lý nhìn đâu cũng thấy kẻ thù đã coi quyết định phong thánh của Vatican như một hành động chống chế độ cộng sản, nhà cầm quyền đã có những phản ứng mạnh mẽ, đã quyết tâm dẹp vụ phong thánh cho bằng được.

- Ngày 18/9/1987, Ban Tôn giáo Chính phủ đã triệu tập Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam để phê phán vụ phong Thánh và bàn biện pháp xử lý tình hình phức tạp. Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Tôn giáo cho rằng việc phong thánh “là một sáng kiến mới của Tòa Thánh nhằm chống lại chế độ cộng sản Việt Nam.”

- Ngày 12/10/1987 Ban Tôn giáo một lần nữa gởi công văn cho Ủy ban Nhân dân và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành trong cả nước, với những nhận định ấu trĩ: “Quyết định của Vatican là một việc làm có dụng ý chính trị xấu và xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, kích động tâm lý cuồng tín “tử vì đạo” … gây chia rẽ giáo, lương; làm tổn hại đoàn kết dân tộc.”

- Nhiều cây bút sắc bén nhất của chế độ như Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khắc Viện… đã được huy động để viết bài chống phá và xuyên tạc sự thật lịch sử việc phong thánh của Giáo Hội Công Giáo. Trần-Bạch-Đằng có bài đăng trên báo Công Giáo và Dân tộc, số ra ngày Chúa Nhật 28/2/88 với tựa đề: “Người ngoại đạo lại nói về phong thánh”. Trong đó có đoạn: “Chọn ngày 19/6 làm Lễ Phong thánh, đúng như anh Nguyễn-Ngọc-Lan đã từng viết một cách sáng tạo trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta: Chống nước để cứu Mỹ. Bây giờ không phải cứu Mỹ mà hà hơi cho những mưu toan về “sự bảo vệ nền văn minh Kitô giáo.”

- Nguyễn Khắc Viện được kể là người chống phá điên cuồng và hung hăng nhất, dùng thủ đoạn “chụp mũ” với bài: “Chết vì đạo, chết cho ai?” (1) Mở đầu ông cho rằng “Tôi vẫn cảnh giác cao độ với những mưu đồ xuất phát từ phương Tây mong lợi dụng đạo Ki tô để phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta.” Và kết luận: “Rõ ràng việc phong thánh này là một đòn hiểm đối với khối đoàn kết dân tộc của chúng ta.”

- Ngoài những tay viết chuyên nghiệp của đảng còn có những thành viên của cái gọi là Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước, một bộ phận cuả Mặt Trận Tổ Quốc, cơ sở ngoại vi cuả ĐCS VN. Đứng đầu UBĐK là “Tứ Nhân Bang” (2), lấy tờ báo Công Giáo và Dân tộc là cứ địa. Đây là những người đội lốt linh mục nhưng đã bán linh hồn cho CS, nhóm này luôn “theo đóm ăn tàn, cắn quàng kiếm điểm”! Họ chẳng những hăng say mà còn điên cuồng chống phá sự kiện phong thánh trọng đại này. Tại nhiều nơi, đặc biệt là tại thành phố Sài Gòn, Mặt trận Tổ quốc, với sự hỗ trợ của Ủy ban Đoàn kết, đã tổ chức những buổi tập hợp các linh mục, tu sĩ, giáo dân trong các quận, huyện và thành phố để phổ biến đường lối của đảng và để chống phá Giáo hội. Trong những buổi tập hợp này họ thường yêu cầu mọi người ký vào “Thỉnh Nguyện Thư Việt Nam” để yêu cầu Đức Giáo Hoàng và Giáo hội ngưng việc phong thánh! Và còn tuyên truyền láo lếu rằng tòa thánh chọn ngày 19 tháng 6 để phong thánh cũng là để gián tiếp vinh danh … quân lực VNCH!

Nhà Nước CS VN Không Ngăn Cản Được

Trong sự chống đối việc phong thánh, nhà cầm quyền CS đã thất bại hoàn toàn trên cả “ba mũi giáp công”. 1) Bằng chiến dịch báo chí tham luận 2) Bằng áp lực với HĐGM VN 3) Bằng hiệu triệu ký tên vào bản “Thỉnh Nguyện Thư VN”. (3)

- Trong chiến dịch báo chí tham luận, những bài viết của Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khắc Viện, của “Tứ Nhân Bang”, … đã làm dấy lên làn sóng phẫn nội trong cộng đồng Công Giáo trong cũng như ngoài nước. Mọi ngườii đều cho rằng ông Viện, ông Đằng, … có quyền không tin đạo Công Giáo nhưng không có quyền xuyên tạc, xúc phạm đến những người đã dám đổ máu mình ra để làm chứng cho niềm tin của mình. Ngoài ra một số linh mục như Thanh Lãng, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Ngô Văn Ân, … cũng có những bài viết, tham luận sắc sảo nhằm bác bỏ những lập luận không đúng sự thật lịch sử của những người đã bẻ cong ngoài bút nêu trên.

- Nhà cầm quyền cũng không làm áp lực được với HĐGM. Ngày 2 tháng 3, 1988 UBTG yêu cầu HĐGM phải họp bất thường để “chủ động”, nhưng các ngài đã họp để cầu nguyện và phát biểu: Việc của Tòa thánh thì Tòa thánh làm, nên không còn gì để “chủ động” (3). Ngày 10 tháng 3, 1988 Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn “bị” mời tham dự buổi hội thảo của Ủy ban Khoa học – Xã hội VN. Trong phiên họp rất nhiều luận điệu khó nghe ngược đời được đưa ra nhưng ngài vẫn bình thản một mực trả lời: “Khoa lịch sử tôi không được rành như quý vị, nhưng tôi biết đây là việc làm của tòa thánh.”

- Chiến dịch ký tên vào thỉnh nguyện thư xin hủy bỏ việc phong thánh. Thực ra đây là sản phẩm lập công của cái gọi là “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước” hay “Công Giáo quốc doanh”. Nhưng không may cho nhóm này vì trước đó chính Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, thay mặt HĐGM VN nói riêng, giáo dân VN nói chung nộp thỉnh nguyện thư xin phong thánh cho các thánh TĐVN, nay lại dâng thỉnh nguyện thu xin bãi bỏ thì ai cũng thấy ngay là vì áp lực của nhà cầm quyền CS. Không lẽ cái đuôi chuột “tự do tôn giáo tại VN chỉ có trên giấy tờ” để lòi ra cho thế giới thấy sao? Chính điểm này đã làm cho chiến dịch kiếm chữ ký bị chết yểu, không dám thi hành nữa.

Thực ra đời sống èo ọt, sống dở chết dở của quái thai “Ủy ban Đoàn kết Công Giáo Yêu Nước” đã làm nhà cầm quyền CS vô cùng nhức nhối, vì họ vẫn mong nó trở thành mô hình Công Giáo tự trị như của Trung cộng, nhưng giấc mơ hoang tưởng này đã không bao giờ thành hiện thực. Tạ ơn Chúa. (4)

Phong Thánh Cho 117 Vị Thánh Tử Đạo Tại VN – Công Đoạn Cuối

Trái với luận điệu tuyên truyền của nhà nước CS VN khi cho rằng việc phong thánh là một sáng kiến của Vatican nhằm chống lại họ, việc phong thánh cho 117 vị thánh tử đạo tại VN, thực ra, là công đoạn cuối cùng của một tiến trình đã được Giáo hội thực hiện từ gần một thế kỷ. Khởi đầu bằng cuộc phong chân phước ngày 27 tháng 5, 1900 và ba lần liên tiếp sau đó (vào năm 1906, 1909 và 1951). Giáo hội đã chọn phong chân phước cho 117 vị trong tổng số 1285 vị được giáo hội Việt Nam đệ trình (5).

Vào tháng 11, 1985 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập hàng giáo phẩm VN, và giáo hội Đại Hàn đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 109 vị tử đạo - ngày 6/5/1984, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn trình Thỉnh Nguyện thư của HĐGMVN xin Đức Thánh Cha đẩy mạnh việc phong thánh cho các vị tử đạo tại Việt Nam. Để hỗ trợ giáo hội CG VN, bốn Thỉnh Nguyện thư khác từ Dòng Đaminh, Hội Thừa sai Paris, HĐGM Phi Luật Tân, HĐGM Tây Ban Nha cũng đệ trình và được Thánh bộ phong Thánh của Giáo hội chấp nhận. Cuối tháng 5, 1987 Cơ Mật Viện dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã bỏ phiếu chấp thuận việc phong Thánh cho 117 Thánh tử đạo VN.

Một nghịch lý đáng buồn là trong khi đại lễ Phong Thánh cho 117 vị chân phước Việt Nam, một Đại lễ Phong Thánh lớn nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ - cho đến thời điểm đó (6) được tiến hành trọng thể, cả thế giới vui mừng hân hoan chào đón. Khắp nơi tuôn đổ về Vatican, chỉ có những người con cháu CTTĐVN bị gông cùm trong đất nước CS là không thể có mặt! Không biết điều mà người ta cứ ra rả tuyên truyền: “Quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được bảo đảm.” nằm ở chỗ nào?

Trong niềm hân hoan đón mừng Năm Thánh, kỷ niệm 30 năm phong thánh cho CTTĐVN, chúng ta nghiêng mình kính phục những tấm gương anh dũng, kiên cường của các thánh tử vì đạo, đã mang chính mạng sống để minh chứng cho đức tin, chúng ta cũng không quên tưởng nhớ những tấm gương kiên cường của HĐGMVN nói riêng của giáo dân VN nói chung, trước đây 30 năm đã không run sợ trước cường quyền, đã không vì áp lực mà lùi bước hay biến chất. Như lời nhắn nhủ của Thánh Giáo Hoàng Giaon Phaolô II trong lễ phong thánh tại Rôma, ngày 19 tháng 6, 1988: “Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng ta có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô”.

Phạm Mạnh Tuấn

(Tháng 9, Năm Thánh mừng kỷ niệm 30 năm phong thánh cho CTTĐ tại VN)

_________________________________________________

(1) Trường hợp Nguyễn Khắc Viện: Cha ông là cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, là đại thần triều Nguyễn, nguyên Thượng thư Bộ Lễ, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa… Năm 1942, cụ từ quan về quê dạy học. Sau năm 1945, cụ tham gia Việt Minh, từng làm Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Liên Việt. Trong cuộc Cải cách ruộng đất năm 1954, mà đảng CS gọi là cuộc cách mạng “long trời lở đất”, cụ bị chính con mình (bắt chước Trường Chinh) quy địa chủ, tịch thu hết tài sản, bị bắt giam. Vì không chịu nổi sự hà khắc của nhà tù cs, cụ đã tự vẫn. Người ta tự hỏi có bao giờ ông Viện đặt câu hỏi cha mình chết vì ai, chết cho ai (?).

(2) Cái gọi là UBĐKTG Yêu Nước khởi đầu năm 1983 có 500 linh mục tham dự, đến năm 1990 chỉ còn 13 người! Trong đó dĩ nhiên vẫn còn “Tứ Nhân Bang” hay “Lũ Bốn Tên”, tên gọi giáo dân VN đặt cho 4 người đội lốt linh mục nhưng đã làm tay sai đắc lực cho CS gồm: Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Vương Đình Bích.

(3) Sách: Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam của Lm Bùi Đức Sinh, ấn bản năm 2000 – Trang 61-62.

(4) Ngày 23 tháng 6, 1990 trong một phiên họp tại Biên Hòa, Mai Chí Thọ một tên tướng công an vô cùng hắc ám, lúc đó đang làm Tổng trưởng bộ Nội vụ, mặt hầm hầm bước vào phòng họp, chỉ mặt đức cha Nguyễn Minh Nhật, chủ tịch HĐGMVN đương thời và một số lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, hắn lên lớp các ngài bằng một câu Kinh Thánh: “Sức mạnh cánh tay Người làm cho tan nát lũ kiêu căng, hạ bệ kẻ quyền hành”. Gần hết phiên họp, khi không thấy một vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nào lên tiếng ủng hộ quái thai UBĐKCG, tên tướng công an hậm hực nói: “Nếu các vị không đi với chúng tôi thì có nghĩa là quí vị không đoàn kết với chúng tôi.” Và đột nhiên hắn đập bàn cao giọng: “Mà cũng có nghĩa là chống chúng tôi, không thể có nghĩa nào khác.”

Mai Chí Thọ kết luận phiên họp với lời đe dọa: “Không ai trong quý vị từng thấy sự kháng cự đối với chế độ của những người Cộng sản, vì vậy đừng suy nghĩ về chuyện đó. Quên chuyện đó đi. Giữa quý vị - những người trí thức sáng suốt - và tôi, tôi xin nói với quý vị sự thật!” - Tờ New York Times ngày 21 tháng 5 năm 2014 đăng lại lời tuyên bố của Thọ: “… None of you ever see resistance to the Communist regime, so don't think about it. Forget it. Between you - the bright intellectuals - and me, I tell you the truth."

(5) Trong hai Thỉnh nguyện thư 14/11/1917 và 21/1/1975 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã gởi Toà thánh xin cứu xét việc Phong Thánh cho 1285 vị. Tòa thánh đã chọn 117 vị trong số này. Những vị này lai lịch đều được ghi nhận và kiểm chứng rõ ràng, rất nhiều vị đã có nhiều “dấu lạ” và được tôn kính từ lâu - tương tự như Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và cha Trương Bửu Diệp ngày nay.

(6) Ngày Chúa Nhật, 1 tháng 10, 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II tôn phong 120 vị Tử Đạo Trung Hoa lên bậc Hiển Thánh.