Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha phê bình những Kitô hữu cảm thấy hổ thẹn khi ngợi khen Chúa

Người ta có thể hào hứng reo hò khi đội bóng phe nhà làm bàn nhưng lại lấy làm hổ thẹn khi ngợi khen Chúa. Đôi khi có cả những tín hữu Kitô tỏ ra khinh thường những người bột phát nồng nhiệt ngợi khen Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nêu ra những nhận xét trên trong thánh lễ sáng 28 tháng Giêng tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta khi ngài trình bày những suy tư trên bài Trích Sách Samuel quyển thứ Nhất trong đó mô tả sự hân hoan của Vua Đa-vít sau khi chiếm lại được hòm bia Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

“Có người nói: nhưng thưa cha chuyện ngợi khen Chúa bột phát như thế là dành cho những nhóm Canh Tân trong Thánh Linh, không phải dành cho mọi Kitô hữu. Không phải như thế: lời chúc tụng Chúa là một kinh nguyện Kitô giáo, dành cho tất cả chúng ta trong Thánh lễ, mỗi ngày, khi chúng ta hát Thánh, Thánh, Thánh ... Đây là một lời vinh tụng ca trong đó chúng ta ca ngợi Thiên Chúa vì sự vĩ đại của Ngài, vì Ngài là cao cả. Chúng ta ca tụng Ngài, bởi vì chúng ta hạnh phúc trước sự tuyệt vời của Ngài”.

"Có người lại nói: nhưng thưa cha để chúc tụng Chúa con không thể làm thế được...con phải ...Lạ lùng thật, anh chị em có thể hét lên khi đội banh của mình ghi bàn nhưng lại không thể hát khen ca ngợi Chúa à? Không thể thoát ra khỏi những khuôn sáo để hân hoan ca khen Ngài sao? Ca ngợi Thiên Chúa phải là một điều hoàn toàn nhưng không. Chúng ta ngợi khen Chúa không phải chỉ để xin Ngài điều gì hay để bày tỏ lòng biết ơn về những điều Ngài đã ban cho chúng ta. Chúng ta chỉ muốn chúc tụng Ngài”.

"Đây là một câu hỏi chúng ta cần đặt ra cho mình ngày hôm nay: Tôi ngợi khen Chúa như thế nào trong lời cầu nguyện của mình? Tôi có biết làm thế nào để ngợi khen Chúa không? Tôi có biết ngợi khen Chúa khi tôi đọc kinh Vinh Danh hay kinh Thánh, Thánh, Thánh không? Tôi có toàn tâm toàn trí khi đọc những kinh ấy, hay chỉ đơn thuần là những lời trên môi miệng? Câu chuyện vua Đa-vít nhảy múa, và bà Sarah nhảy mừng nói với tôi những điều gì? Khi Đa-vít vào thành một điều khác đã xảy đến: đó là một lễ hội"

"Tôi tự hỏi biết bao lần, trong lòng mình, chúng ta đã coi thường những người tốt, là những người người ngợi khen Chúa một cách tự nhiên. Có phải họ tán tụng Chúa không theo một thứ văn hóa hay một khuôn sáo nào hết mà chúng ta có thể khinh thường họ? Kinh Thánh nói rằng, chính vì điều này, mà bà Michal phải lâm vào cảnh hiếm muộn suốt đời mình. Lời Chúa muốn nói lên điều này: đó là niềm vui, trong lời tán tụng Chúa, làm cho chúng ta tốt đẹp. Sarah đã nhảy mừng vì ở tuổi chín mươi mà vẫn có thể sinh con. Những người nam nữ ca ngợi Chúa, chúc tụng Ngài, những người đọc kinh Vinh Danh với đầy niềm vui và những người hân hoan trong lòng khi hát kinh Thánh, Thánh, Thánh là những người Chúa cho sinh nhiều hoa trái."

2. Đức Thánh Cha phê bình những tín hữu tách rời khỏi Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô phê bình lập trường của những tín hữu nói mình tin Chúa Kitô nhưng phủ nhận Giáo Hội.

Trong bài giảng thánh lễ sáng 30 tháng Giêng tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta ở nội thành Vatican, Đức Thánh Cha đã diễn giải bài đọc thứ Nhất nói về vua Đa-vít, người thân thưa với Chúa như con nói chuyện với cha, một người có cảm thức mạnh mẽ mình thuộc về Dân Chúa. Từ đó, Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa việc thuộc về Giáo Hội, và sự đồng cảm của chúng ta với Giáo Hội và trong Giáo Hội.

Kitô hữu không phải là người đã chịu phép rửa tội rồi đi theo con đường riêng của mình. Thành quả đầu tiên của bí tích rửa tội là làm cho chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về Dân Chúa. Không thể hiểu được một Kitô hữu mà không thuộc về Giáo Hội. Vì thế, vị Đại Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã nói rằng có một sự tách biệt vô lý khi một người nói mình yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Giáo Hội; nghe Chúa Kitô mà không nghe Giáo Hội, ở với Chúa Kitô mà lại ở ngoài lề Giáo Hội. Đó là điều không thể có được. Chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng trong Giáo Hội và chúng ta thực thi sự thánh thiện trong Giáo Hội, con đường của chúng ta ở trong Giáo Hội, chẳng vậy thì đó chỉ là một sự tưởng tượng, một sự phân cách vô nghĩa lý.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới 3 cột trụ của sự thuộc về Giáo Hội và đồng cảm với Giáo Hội, đó là: khiêm nhường, trung thành và cầu nguyện cho Giáo Hội.

Ngài giải thích rằng:

“Một người không khiêm nhường, thì không thể đồng cảm với Giáo Hội. Đó là điều chúng ta thấy nơi vua Đa-vít. Người nói: ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con là ai, nhà con có là gì đâu?’ Với ý thức rằng lịch sử cứu độ không bắt đầu với tôi và sẽ không chấm dứt khi tôi chết đi. Cũng vậy, lịch sử Giáo Hội bắt đầu trước chúng ta, và sẽ tiếp tục sau chúng ta. Khiêm nhường là ý thức rằng chúng ta là một phần nhỏ của một đại dân tộc, đang tiến bước trên con đường của Chúa”.

Cột trụ thứ hai là trung thành, gắn liền với lòng vâng phục. “Trung thành với Giáo Hội, với giáo huấn của Giáo Hội, trung thành với đạo lý của Hội Thánh và bảo tồn giáo lý ấy. Đức Phaolô Đệ Lục nhắc nhở rằng chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng như một hồng ân và chúng ta phải thông truyền sứ điệp ấy như một hồng ân, một món quà, chứ không phải như một cái gì của chúng ta. Trung thành trong sự thông truyền đạo lý của Hội Thánh. Tin Mừng không phải là của chúng ta, nhưng là của Chúa Giêsu, và chúng ta không được trở thành chủ nhân ông của Tin Mừng, chủ nhân của đạo lý đã nhận lãnh để sử dụng theo ý riêng của chúng ta”.

Sau cùng, cột trụ thứ ba là cầu nguyện cho Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói: “Trong thánh lễ hằng ngày, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Hội Thánh ở mọi nơi trên thế giới. Đó là một sứ vụ đặc biệt”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường này, để đào sâu cảm thức chúng ta thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội”

3. Thật là nguy hiểm khi chúng ta đánh mất ý thức về tội lỗi

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu 31 tháng Giêng, tức là ngày Mùng Một Tết Giáp Ngọ, tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta, Đức Thánh Cha đã cảnh cáo các tín hữu về nguy cơ đánh mất ý thức về tội lỗi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng ngày nay quá thường khi những tội lỗi nghiêm trọng như tội ngoại tình được xem chỉ đơn giản như là một "vấn đề cần được giải quyết."

Đó là những gì xảy ra trong bài đọc hôm nay trong đó Vua Đa-vít si mê Bathsheba, vợ của U-ri, là một trong những tướng lĩnh của nhà vua. Đi sâu vào câu chuyện này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói Vua Đa-vít đã chiếm đoạt người phụ nữ này và sai chồng cô ra tiền tuyến nơi đó vị tướng này đã bị giết chết.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng :

“Vua Đa-vít vừa phạm tội ngoại tình lại phạm thêm tội giết người. Tuy nhiên, đứng trước hai tội lỗi nghiêm trọng này, nhà vua chẳng chút áy náy.

Đa-vít không cảm thấy băn khoăn và không cầu xin sự tha thứ. Ông chỉ nghĩ đến chuyện làm thế nào để có thể giải quyết vấn đề một cách êm xuôi.

Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta. Một trong những dấu hiệu cho thấy ý thức về Nước Thiên Chúa đang bị suy giảm trong lòng ta là chúng ta mất đi cảm thức tội lỗi.

Khi người ta mất ý thức về Nước Trời, lúc đó nổi lên một "tầm nhìn nhân học toàn năng", tức là một nhân sinh quan sai lạc dẫn chúng ta đến chỗ tin tưởng mù quáng rằng chúng ta "có thể làm bất cứ điều gì".

Đức Giáo Hoàng cảnh báo bất cứ ai, ngay cả chính ngài, cũng có thể rơi vào tình trạng mất đi cảm thức tội lỗi. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng việc cầu nguyện hàng ngày có thể chống lại những bất công gây ra từ sự kiêu ngạo của con người và gìn giữ chúng ta khỏi trở thành nạn nhân của "sự tầm thường hóa Kitô giáo" và những "tội lỗi không được nhìn nhận"

4. Hãy học biết cách tín thác vào Chúa lúc thịnh vượng cũng như khi gian truân

Trong thánh lễ sáng thứ Hai 03 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục những suy tư của ngài về vua Đa-vít, người trong bài đọc hôm nay đã phải chạy trốn, vì hoàng tử Absalom là con ruột nhà vua đã phản bội. Đa-vít đau đớn trong lòng bởi vì ngay cả những thường dân cũng chống lại ông.

Trước tình cảnh này, Đa-vít, trong tư cách là một nhà cai trị, hiểu rõ rằng bất kỳ cuộc chiến nào để dập tắt cuộc nổi dậy sẽ rất khó khăn, và nhiều người sẽ phải chết. Vì vậy, thay vì chiến đấu chống lại con mình, Đa-vít quyết định lánh nạn để đảm bảo an toàn cho người dân và các thành phố.

Đức Thánh Cha nhận xét:

"Đa-vít là một người yêu mến Thiên Chúa và dân của ông. Một người biết mình là kẻ có tội, biết hối cải và ăn năn. Ông là một người biết tín thác nơi Thiên Chúa."

Để kết luận, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy học biết cách tín thác vào Chúa lúc thịnh vượng cũng như khi gian truân.

5. Cũng giống như bất kỳ người cha nào, Thiên Chúa khóc thương con cái của Ngài

Trong Thánh lễ sáng thứ Ba 4 tháng Hai tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Thiên Chúa là một người cha khóc thương con cái Ngài và không bao giờ từ bỏ họ, thậm chí với những đứa con nổi loạn nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra ví dụ của vua Đa-vít, người đã khóc thương hoàng tử Absalom khi vị hoàng tử thứ Ba này qua đời. Ngài cũng đề cập đến chuyện ông Giai-rô, người đứng đầu một hội đường Do Thái đã khóc với Chúa Giêsu sau khi mất con gái mình.

Đức Thánh Cha nói:

"Với hai hình ảnh này chúng ta hãy nói: ‘Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha Toàn Năng’ và hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần, vì chỉ có Ngài, chính Chúa Thánh Thần, là Đấng dạy chúng ta nói ‘Abba , Lạy Cha!’ Đó thật là một ân sủng tuyệt vời để thân thưa cùng Chúa Cha với lòng chân thành từ con tim của chúng ta. Hãy cầu xin Ngài ân sủng này."

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm đó rằng Chúa chờ đợi con cái của Ngài giống như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng chờ đợi con mình, bất kể những hành vi hoang đàng của nó.

Ngài kết luận rằng, các linh mục và giám mục nên có một tấm lòng phụ tử như thế.