Phe hữu tại Hoa Kỳ, trong những ngày gần đây, cực lực chỉ trích Đức Phanxicô về nội dung của tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” khi đề cập tới kinh tế. Có người gọi ngài là người theo chủ nghĩa Mác. Có người thậm chí còn bảo ngài đừng nên pha mình vào lãnh vực kinh tế là lãnh vực ngài không những không hiểu biết mà còn chẳng ăn uống gì tới thừa tác vụ của ngài cả. Họ khuyên ngài, trong lãnh vực này nên nhường bước cho những người Công Giáo như Michael Novak.

Điều nghịch thường là ngày 7 tháng Mười Hai vừa qua, Michael Novak, trên National Review Online (www.nationalreview.com), có một bài tựa là “Agreeing with Pope Francis: The exhortation looks very different read through the lens of Argentine experience” (Đồng Ý Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tông Huấn Có Dáng Rất Khác Khi Đọc Qua Lăng Kính Kinh Nghiệm Á Căn Đình”. Ta biết Novak là một người Hoa Kỳ cánh hữu, và vì thế, vẫn cho rằng hình thức tư bản của Hoa Kỳ “bao gồm” người nghèo hơn mọi quốc gia khác và giải quyết tốt nhất nền kinh tế chính trị, cực lực chỉ trích bất cứ ai nói ngược lại, kể cả tông huấn của một vị giáo hoàng. Nhưng ông đồng ý rằng tình yêu là nguyên tắc tối hậu của tư tưởng xã hội Công Giáo, một tư tưởng đặt người nghèo ở tâm điểm, không giúp đỡ người nghèo là không yêu mến Thiên Chúa. Một cách mặc nhiên, ông thừa nhận Đức Phanxicô đúng cả trong việc phê phán chủ nghĩa tư bản, trên quan điểm mục tử, vì ngài đâu có đứng trên quan điểm kinh tế chính trị, cũng không nói về kinh tế chính trị, mà nói về Niềm Vui Tin Mừng. Sau đây là bài nhận định của ông.


Đọc tông huấn mới của Đức GH Phanxicô sau các trình bày hết sức sai lạc về nó của GuardianReuters (cả hai đều thuộc phe tả của báo giới Anh), và đọc nó bằng lỗ tai ngôn ngữ Hoa Kỳ, thoạt đầu tôi rất ngỡ ngàng về việc có tới 5 hay 6 câu của nó sao mà phe phái và vô căn cứ về thực nghiệm đến thế.

Nhưng đọc tông huấn trong bản dịch tiếng Anh đầy đủ của nó, và đọc nó bằng con mắt của vị giáo sư – giám mục – giáo hoàng từng lớn lên ở Á Căn Đình này, tôi bắt đầu có cảm tình hơn với các câu chữ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô sử dụng.

Bởi một lẽ, tôi từng nghiên cứu cẩn thận các trước tác đầu tiên của Đức GH Gioan Phaolô II, tức các trước tác phát sinh từ kinh nghiệm sống lâu dài với chế độ cộng sản hà khắc, một chế độ tự cho mình là người hoàn toàn tranh đấu cho “bình đẳng” nhưng lại cưỡng chế việc kiểm soát hoàn toàn chính sách cai trị, kinh tế, và văn hoá bằng một nhà nước toàn trị và tàn ác. Từ 1940 (dưới sự chiếm đóng của Quốc Xã và Xô Viết) cho tới 1978 (khi ngài di chuyển về Vatican), Karol Wojtyla hầu như không có bất cứ một kinh nghiệm nào về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và chính sách cai trị dân chủ/cộng hòa. Để có thể hiểu được các ý niệm đứng đàng sau thứ kinh tế chính trị này, ngài đã phải thận trọng lắng nghe và học hỏi thứ ngữ vựng hoàn toàn khác biệt này.

Các kinh nghiệm buổi đầu của hai vị giáo hoàng này rất khác nhau. Thành thử, sau khi đã thuyết trình lâu năm tại Á Căn Đình và tại Chilê từ cuối thập niên 1970, tôi đọc toàn bộ tông huấn này bằng một lỗ tai từng có được các vang vọng của đời sống kinh tế và chính trị hàng ngày tại Á Căn Đình.

Trong các cuộc viếng thăm Á Căn Đình của mình, tôi nhận thấy một phân rẽ hết sức rõ nét giữa giai cấp thượng trung lưu và giai cấp nghèo hơn hẳn bất cự sự phân rẽ nào tại Hoa Kỳ. Tại Á Căn Đình, tôi thấy rất ít nẻo đường để người nghèo theo đó thoát khỏi cảnh nghèo của họ. Tại Hoa Kỳ, nhiều người, hiện nay giầu có hay thuộc giai cấp trung lưu, trước đây từng đến (hay cha mẹ họ từng đến) Mỹ Châu này khố rách áo ôm, nhiều người trong chúng ta còn không nói được tiếng Anh, được đi học rất ít, và chủ yếu chỉ có kỹ năng tay chân. Nhưng trước mặt chúng ta trải dài nhiều nẻo đường đi lên. Như Hernando de Soto của Peru từng nhấn mạnh, Hoa Kỳ có thượng tôn pháp luật và các quyền tư hữu rõ ràng, dựa vào đó, người ta có thể an tâm xây dựng tương lai qua nhiều thế hệ.

Hầu như mọi người tôi quen biết lúc lớn lên đều trải nghiệm cảnh nghèo ở buổi đầu. Cha ông chúng ta có thể làm nghề may vá, thợ sắt, thư ký cửa tiệm, làm vườn, làm thợ sửa vặt, công nhân cổ xanh đủ loại, không có bảo hiểm xã hội, Medicaid, phiếu thực phẩm, phụ cấp nhà ở, hay những thứ tương tự. Nhưng họ chịu khó làm việc và phần nào đã có khả năng gửi con cái tới cao đẳng và đại học. Bây giờ thì con cái họ là bác sĩ, luật sư, giáo sư, chủ bút, chủ nhân tiểu thương khắp nước.

Trong cuốn Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (1776), Adam Smith so sánh lịch sử kinh tế của Châu Mỹ La Tinh với lịch sử kinh tế Bắc Mỹ. Ông nhận định rằng ở Châu Mỹ La Tinh vẫn còn nhiều định chế của một Âu Châu phong kiến: các chủ đất lớn, các đồn điền lớn, các nhân công đồn điền. Ở Bắc Mỹ, chỉ các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ mới có các đặc điểm này.

Ở khắp Châu Mỹ La Tinh, trong suốt gần hai thế kỷ cho tới lúc Smith viết tác phẩm trên, các quyền lực và giấy phép kinh tế đều được ban hành bởi các viên chức chính phủ tận mãi Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha xa xôi vạn dặm. Tại Cộng Hòa Dominican, chẳng hạn, một nông gia muốn lập một xưởng nấu sắt nhỏ phải đợi hàng tháng hay hàng năm mới có quyết định từ Tây Ban Nha. Buôn bán với giặc biển dễ dàng hơn nhiều. Trong khi ấy, tại các khu khai phá nói tiếng Anh ở Bắc Mỹ, một nông gia có thể lập một xưởng nấu sắt bất cứ lúc nào, không cần phải xin phép bất cứ ai. Thậm chí, cả sau khi một số nước giành được độc lập, thói quen chờ phép tắc của nhà nước vẫn còn nguyên tại đó như một tục lệ muôn đời bất biến.

Vả lại, kinh nghiệm trong thế giới nói tiếng Anh đã dẫn tới việc không tin tưởng vua chúa và các triều đình của họ, cũng như các vương bá sau này và giới qúy tộc nói chung, vì những người này không được ai coi là lưu tâm tới và phục vụ ích chung. Ngược lại, tại khắp thế giới nói tiếng La Tinh, thói quen ngược lại đã đâm rễ rất sâu. Ở đấy, các viên chức nhà nước thường xuyên được ủy thác việc chăm sóc ích chung, bất chấp thành tích dài thượt đủ các phản bội nhiệm vụ, các bột phát bạo tàn, và sử dụng tài nguyên kinh tế để làm giầu cho tầng lớp lãnh đạo nhà nước liên tiếp nhau. Ở Châu Mỹ La Tinh, khu vực tư có tính đa nguyên bị người ta ngờ vực, nhưng nhà nước thì được tín nhiệm.

Ngược lại, ở Hoa Kỳ, dưới một chính phủ bị giới hạn bởi luật lệ nghiêm khắc, quyền tư hữu cá nhân phát triển hầu như phổ quát (ngoại trừ dưới cái định chế nô lệ ác ôn, được coi như tội nguyên tổ tại Mỹ Châu), có sự hiện diện của nhiều tiểu xí nghiệp, và rất nhiều tiểu nông gia phồn thịnh. Smith mô tả việc tạo ra thịnh vượng tại Bắc Mỹ giống như vọt lên từ bên dưới, từ dưới đáy, nơi các thói quen tằn tiện đã dẫn tới nhiều đầu tư khôn ngoan vào đường rầy, vào kinh đào, và vào các doanh thương lớn lao khác.

Non 70 năm sau khi Smith viết tác phẩm trên, một người con của một nông trại tiền phong ở trung Illinois, Abraham Lincoln, đã hùng hồn nói tới các chứng cớ của một doanh thương hoàn cầu, thấy rõ trong các căn hộ ở khắp vùng thảo nguyên: thuốc lá, bông vải, hương liệu, rượu mạnh, đường, trà, đồ thủy tinh, đồ bằng bạc. Ông gán việc buôn bán đem lại giầu có này cho óc mạo hiểm của các thủy thủ Hoa Kỳ (như Tocqueville đã nhất trí).

Lincoln cũng viết về điều lệ cầu chứng và tác quyền trong hiến pháp Hoa Kỳ, là điều lệ bảo đảm quyền các nhà sáng chế được hưởng thành quả các sáng chế của họ bằng tiền bạc. Lincoln cho rằng cái điều lệ nhỏ nhoi này thực là một trong sáu đóng góp to lớn nhất cho tự do trong lịch sử thế giới. Ông nghĩ rằng điều cực kỳ quan yếu là giải phóng con người nhân bản ở khắp nơi khỏi lầm than và bạo chúa.

Cái câu duy nhất ấy, trong đó hạn từ “quyền” được sử dụng trong toàn bộ Hiến Pháp, đã phát động cho thế giới cả một mô thức kinh tế hoàn toàn mới, không dựa vào đất đai (như đã diễn ra cả hàng mấy ngàn năm trước) mà dựa vào ý tưởng sáng tạo, vào sáng chế,vào khám phá, đều là những điều đẩy nhanh cả một dòng thác cải tiến mới và sản phẩm mới làm phong phú cuộc sống của người dân thường. Các cải tiến này càng giúp đỡ được nhiều người bao nhiêu, càng làm cho tiền tác quyền (royalties) của người sáng chế cao hơn. Bằng cách phục vụ người khác, họ gặt hái được phần thưởng cho chính mình. Những phần thưởng này càng thăng tiến ích chung hơn.

Vị giáo hoàng người Ba Lan, Gioan Phaolô II, thừa nhận sự thay đổi xã hội lớn lao này trong Centesimus Annus (Năm Thứ Một Trăm, 1991). Đoạn 32 của văn kiện này mở đầu như thế này “Ở thời đại ta, cách riêng, có một hình thức sở hữu khác không kém phần quan trọng như đất đai: đó là sở hữu kỹ thuật, hiểu biết và kỹ năng. Sự thịnh vượng của các nước kỹ nghệ hóa đặt căn bản trên loại sở hữu này nhiều hơn trên các tài nguyên thiên nhiên”. Phần còn lại của đoạn này khá súc tích trong việc đào sâu các nguyên nhân của thịnh vượng và vai trò của con người và hiệp hội nhân bản trong đức tính liên đới, mà việc hoàn cầu hóa chính là biểu thức bên ngoài.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mau mắn thừa nhận rằng ngày nay “nhân tố có tính quyết định [trong sản xuất] càng ngày càng chính là con người, nghĩa là, kiến thức của họ, nhất là kiến thức khoa học, khả năng tổ chức rất liên quan và khắng khít với nhau của họ, cũng như khả năng nhận thấy nhu cầu của người khác và thỏa mãn các nhu cầu này.

Rồi trong đoạn 42, Đức Gioan Phaolô II định nghĩa chủ nghĩa tư bản lý tưởng của ngài một cách ngắn gọn như một hệ thống kinh tế phát sinh từ óc sáng tạo, dưới sự thượng tôn pháp luật, và “cốt lõi của nó là đạo đức và tôn giáo”. Mười năm trước đó, trong thông điệp xã hội đầu tiên của ngài, tựa là Laborem Exercens (Về Lao Công Con Người, 1981), khi trực tiếp bác bỏ ngôn ngữ Mácxít chính thống về lao công, Đức Gioan Phaolô II cũng đã dự phóng dự án “thần học sáng thế” để thay thế cho nền “thần học giải phóng”. Sau đó không lâu, ngài đạt tới ý niệm “vốn nhân bản” (human capital). Từng bước, tư duy của ngài vươn tới viễn kiến riêng về nền kinh tế tốt đẹp nhất đối với con người nhân bản, không hẳn hoàn hảo trong thung lũng nước mắt này, nhưng tốt đẹp hơn bất cứ nền kinh tế nào, cả Cộng Sản lẫn truyền thống. Đức Gioan Phaolô II coi nó như “mô thức cần được đề xuất cho các nước Thế Giới Thứ Ba đang đi tìm con đường tiến bộ về kinh tế và dân chính”.

Đầu thế kỷ 20, Á Căn Đình được xếp hàng 15 trong các nước kỹ nghệ hàng đầu, và càng ngày, nền thịnh vượng của họ càng phát sinh từ các sáng chế hiện đại hơn là từ đất đai cày cấy. Rồi một hình thức kinh tế chính trị có tính hủy hoại, lúc ấy lan tràn như một bệnh dịch phát xuất từ Âu Châu, tức chủ nghĩa phátxít mị dân với việc chính phủ kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế, đã làm đà tiến bộ của Á Căn Đình về kinh tế và chính trị khựng lại. Bất ổn về thượng tôn pháp luật đã phá nát óc sáng tạo về kinh tế. Lạm phát gia tốc lên tới cao độ không thể tưởng tượng được. (Đầu thập niên 1980, tôi mang từ Á Căn Đình về một tờ giấy bạc mệnh giá 1 triệu pesos Á Căn Đình, nhưng chỉ còn đáng giá 2 xu Mỹ lúc ấy).

Trong 3 thế hệ, rất ít tài nguyên quốc gia và cơ hội thăng tiến xã hội được dành cho người nghèo. Khả thể thăng tiến từ dưới đi lên đã và vẫn còn bất thường xuyên. Ngày nay, số phận người nghèo ở Á Căn Định vẫn bất động. Người nghèo nhận được rất ít huấn giáo bản thân để quay trở lại với óc sáng tạo và sáng kiến tự lập. Rất ít đạo luật, rất ít định chế cho vay cũng như các sắp xếp thực tiễn khác hỗ trợ họ trong việc vươn lên. Các năng lực nhân bàn bị cạn kiệt vì tinh thần lệ thuộc vào phúc lợi của nhà nước. Kết quả trông thấy là cả một xã hội phần lớn trì trệ, với rất ít cơ may để người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo của họ. Quả là một nỗi nhục nội tâm đối với người nghèo khi họ thấy mình hoàn toàn lệ thuộc, không tự tạo được một thành quả bản thân nào. Nếu đây là điều Đức Phanxicô tượng hình một cách đau đớn khi viết tông huấn này, thì đó chính là điều được con mắt nhiều nhà quan sát khác nhận thấy.

Chỉ một chữ “chủ nghĩa tư bản” mà thôi cũng đã có nhiều nghĩa rất khác nhau rồi, dựa trên các kinh nghiệm rất khác nhau. Tại nhiều quốc gia Châu Mỹ La Tinh, các lãnh tụ công ty ngày nay thường là cháu chắt của những chủ đất vĩ đại ngày trước. Trong số này, một số người có viễn kiến, có óc sáng chế, có sáng kiến bản thân tự tạo cơ sở riêng cho chính mình. Ấy thế nhưng cho tới nay, phần lớn người Hoa Kỳ không thể kể tên bất cứ món hàng nổi danh nào do Nam Mỹ sáng chế cả.

Đúng, trong một số lãnh vực mới, óc sáng tạo và sáng chế đang lớn mạnh tại Châu Mỹ La Tinh. Các máy phản lực Embraier của Ba Tây (được sử dụng trong đoàn máy bay của nhiều công ty vận chuyển Hoa Kỳ), chẳng hạn, là những nguyên phẩm hết sức hữu dụng. Tuy thế, hệ thống kinh tế của Á Căn Đình và của các nước Châu Mỹ La Tinh khác vẫn là một hệ thống thị trường truyền thống tĩnh tại, chứ chưa có tính tư bản chủ nghĩa trong sáng chế và trong óc làm ăn.

Bất cứ ai nhận định về các chủ đề kinh tế của Niềm Vui Tin Mừng nên ghi nhận từ đầu rằng điều Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh trong văn kiện này chưa nói đầy đủ trọn các quan điểm của ngài về nền kinh tế chính trị, mà chỉ nói lên quan tâm mục vụ của ngài mà thôi. Trong đoạn 51, Đức Phanxicô viết rằng: “Đức Giáo Hoàng không có nhiệm vụ trình bày một phân tích chi tiết và toàn diện về những thực tại đương thời, nhưng tôi mời gọi tất cả các cộng đồng ‘luôn luôn tỉnh táo để phân biệt các dấu chỉ của thời đại’. Đó là một nhiệm vụ quan trọng, bởi vì một số thực tại hiện nay, nếu không tìm ra những giải pháp tốt đẹp, có thể gây ra những tiến trình phi nhân bản là điều sau đó rất khó mà đảo ngược lại được. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng những gì có thể là hoa quả của Nước Thiên Chúa và những gì đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta không những chỉ nhận ra và giải thích những tác động của thần lành và thần dữ, - và đây là điều quyết định - nhưng chọn những tác động của thần lành và loại bỏ những tác động của thần dữ. Tôi bao hàm các phân tích khác nhau đã được đề ra trong các tài liệu khác của Huấn Quyền phổ quát, cũng như những điều mà các Giám Mục quốc gia và vùng đã đề nghị. Trong Tông Huấn này, tôi có ý chỉ bàn đến một cách ngắn gọn với nhãn quan mục vụ về một số khía cạnh của những thực tại có thể ngăn chặn hoặc làm suy yếu động lực canh tân truyền giáo của Hội Thánh, hoặc vì chúng có ảnh hưởng đến sự sống và nhân phẩm của dân Thiên Chúa, hoặc vì chúng cũng liên quan trực tiếp đến các cơ cấu của Hội Thánh và đến việc thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh”.

Nhưng có khoảng sáu "cú đấm" (swipes) của ngài có tính phe phái và thiên vị đến độ hình như vượt ra ngoài sự thanh thản và tinh thần đại lượng thông thường của ngài. Nói một cách chính xác, những kiểu nói có tính phe phái (partisan) này tự nhiên bị những cơ sở truyền thông như ReutersGuardian túm lấy. Trong số này, có “các lý thuyết nhỏ giọt” (trickle-down theories), “những bàn tay vô hình”, “thờ ngẫu thần tiền bạc”, “bất bình đẳng” và lòng tin vào nhà nước “được trao cho việc canh chừng ích chung”.

Mary Anastasia O’Grady, một trong các quan sát viên sắc sảo nhất về Châu Mỹ La Tinh hiện nay, nêu câu hỏi: nếu thế thì tại sao “phần lớn người nghèo cùng cực nhất hiện nay lại tập trung ở những nơi nhà nước chiếm một vai trò quá cỡ trong nền kinh tế chính vì dựa trên những cơ sở như thế?” Kể từ thời Max Weber, tư tưởng xã hội Công Giáo đã bị qui lỗi cho phần lớn sự nghèo khó tại các quốc gia Công Giáo. Đức Phanxicô vô tình đã thêm bằng chứng cho luận đề của Weber.

Đúng, ta sẽ công bình hơn nếu có được một sử gia kinh tế biết đặt mỗi chủ đề có tính nổ bùng và có tính phe phái này vào ngữ cảnh của nó, để giải thích mỗi chủ đề này có nghĩa gì đối với tác giả viết ra nó, ngược với cách dùng có tính phe phái của giới truyền thông ngày nay. Ở đây, tôi chỉ xin phép tập chú vào các thiếu sót của một trong các chủ trương vội vàng của Đức Giáo Hoàng mà thôi: ngài đã bất cẩn nhắc tới “các lý thuyết nhỏ giọt”. Thực ra sự lầm lẫn ở đây hình như đã bị cường điệu hóa bởi lối dịch nghèo nàn, như thấy rất rõ giữa bản dịch Anh Ngữ chính thức của Vatican và nguyên bản Tây Ban Nha của Đức Giáo Hoàng.

Nguyên bản Tây Ban Nha viết như sau: “En este contexto, algunos todavía defienden las teorías del “derrame,” que suponen que todo crecimiento económico, favorecido por la libertad de mercado, logra provocar por sí mismo mayor equidad e inclusión social en el mundo”.

Bản bất hạnh bằng tiếng Anh là “In this context, some people continue to defend trickle-down theories which assume that economic growth, encouraged by a free market, will inevitably succeed in bringing about greater justice and inclusiveness in the world” (trong ngữ cảnh này, một số người tiếp tục bênh vực các lý thuyết nhỏ giọt là các lý thuyết cho rằng phát triển kinh tế, được thị trường tự do khuyến khích, sẽ nhất thiết thành công trong việc tạo ra sự công bình và tính bao hàm lớn hơn trên thế giới).

Đầu tiên xin bạn đọc chú ý: chữ “nhỏ giọt” (trickle-down) không hề có trong nguyên bản Tây Ban Nha, như thể Đức Giáo Hoàng có ý nói tới khẩu hiệu xung trận của Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ chống lại Đảng Cộng Hòa Mỹ! Các thông dịch viên chuyên nghiệp tiếng Tây Ban Nha cho rằng lối dịch đúng của chữ derrame là “spillover” hay “overflow” (tràn ra từ cái gì đã đầy, dư tràn?). Thay vào đó, bản dịch tiếng Anh đã đưa vào đoạn này cả một ý nghĩa khác hẳn lẫn một cung giọng mới khó nghe. Chỉ những ai thù nghịch với chủ nghĩa tư bản và các cải cách thành công của Reagan, và với các chính sách của Đảng Cộng Hòa nói chung sau chính sách đi xuống của thời Carter, mới sử dụng kiểu nói châm chọc “nhỏ giọt” mà thôi, nhằm hí hoạ hóa điều thực sự xẩy ra dưới thời Reagan, tức chính sách đi lên đáng kể. Về phương diện này, xin xem bài của tôi tựa là “The Rich, the Poor, & the Reagan Administration” (Người Giầu, Người Nghèo và Chính Phủ Reagan).

Những ai nhấn mạnh tới các thành công của chủ nghĩa tư bản trong việc nâng người nghèo ra khỏi cảnh nghèo không sử dụng hạn từ này. Họ cho rằng chuyển động có tính cổ điển của các nền kinh tế tư bản là chuyển động đi lên dành cho người nghèo: tỷ lệ nhân dụng cao hơn, lương bổng cũng cao hơn, sáng kiến cá nhân và các thương sở mới có thể đo lường được, cơ may chưa từng có để người nghèo tiến lên, các di dân có thể thoát khỏi cảnh nghèo trong vòng chưa tới 10 năm, giai cấp “vô sản” lao công trở thành các thành viên vững vàng của giai cấp trung lưu, có thể sở hữu căn nhà riêng và hỗ trợ nền học vấn cao đẳng của con cái họ.

Niềm Vui Tin Mừng cho rằng không có chứng cớ thực nghiệm nào đối với niềm tin vào các thành quả kinh tế này. “Đó là một niềm tin thô thiển và ngây thơ vào tính tốt bụng của những người nắm giữ quyền lực kinh tế và vào cơ chế được thánh thiêng hóa của hệ thống kinh tế đương thịnh”. Ở Á Căn Đình và ở các hệ thống bất động khác vốn không có chính sách đi lên (upward mobility), nhận định này có thể hiểu được. Ở những quốc gia với nhiều thế hệ của chính sách đi lên đáng tin cậy, nó không đúng chút nào.

Chuyển động đi lên được một số hệ thống tư bản cổ vũ là một trải nghiệm, chứ không phải là “niềm tin thô thiển và ngây thơ”, của đại đa số người Hoa Kỳ. “Nhỏ giọt” không phải là một mô tả thích hợp cho những điều đang xẩy ra tại đây; đúng hơn, điều vốn được trải nghiệm xưa nay là sự giầu có “vọt lên từ bên dưới”. Chính xác đó là điều vẫn tiếp tục lôi cuốn hàng triệu di dân tới nền kinh tế của ta.

Ngoài ra, bản dịch tiếng Anh của Niềm Vui Tin Mừng nhấn mạnh rằng có những người tin rằng phát triển kinh tế sẽ nhất thiết tạo ra sự công bình và tính bao hàm lớn lao hơn (equidad e inclusión sociál). Nhưng bản tiếng Tây Ban Nha không sử dụng chữ ta có thể dịch đúng là “nhất thiết” (inevitable). Kiểu nói khiêm tốn hơn và chính xác hơn được sử dụng là por si mismo, hay “tự nó”. Không như bản dịch tiếng Anh, nguyên bản tiếng Tây Ban Nha viết đúng như thế này: Cần nhiều hơn phát triển kinh tế mới có thể làm cho một hệ thống trở nên “công bằng” (equitable). Ta cần có việc thượng tôn pháp luật, việc bảo vệ các quyền tự nhiên, và sự quan tâm kiểu Do Thái /Kitô Giáo đối với quả phụ, cô nhi, người đói khát, người bệnh tật, người ngồi tù, tóm lại, quan tâm một cách hữu hiệu đối với mọi con người yếu thế và khốn khó.

Bất chấp một số sai lạc rõ ràng, nhất là trong khu vực giải trí: âm nhạc thời thượng tục tĩu và khiêu dâm, các hình ảnh và chủ đề sa đoạ trong phim ảnh, hệ thống Hoa Kỳ luôn “bao hàm” người nghèo hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Có hai điều tôi đặc biệt trân quí trong Niềm Vui Tin Mừng. Toàn thể vũ trụ và trọn bộ sự sống con người đều là những ngọn lửa bùng lên từ sự sống bên trong của Đấng Tạo Hóa, từ caritas, tức tình yêu sáng tạo, hướng ra ngoài là chính Thiên Chúa. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI rất thông thái và nổi bật từng cho thấy qua thông điệp đầu tiên của ngài,tức Thông Điệp Deus Caritas Est, mọi sự có tính chủ yếu đối với sự sống con người đều bắt đầu từ trong caritas của Thiên Chúa. Qúy bạn hãy nghĩ điều này trong cuộc sống của mình: há tình yêu bạn dành cho người phối ngẫu, con cái thân yêu cũng như bạn thân của mình không phải là trải nghiệm “thần thánh” nhất qúy bạn từng biết đó sao?

Đó là một lý do tại sao tư tưởng xã hội Công Giáo bắt đầu từ trong caritas. Đó cũng là lý do tại sao người nghèo lại ở gần tâm điểm các quan tâm của Kitô Giáo đến thế, và cả trong việc thờ phượng của họ nữa.

Điểm thứ hai được tôi trân quí nhất chính là sự tập chú mà Niềm Vui Tin Mừng đã đặt vào nhiệm vụ thực tiễn chính yếu của thế hệ chúng ta: bẻ gẫy xiềng xích cuối cùng trói buộc cảnh nghèo xưa. Năm 1776, chỉ non tỉ người sống trên mặt đất. Đại đa số những người này nghèo, lại phải sống dưới các chính quyền bạo chúa. Chỉ hai thế kỷ sau, thế giới có hơn 7 tỉ người. Các khám phá và sáng chế y khoa dồn dập đã giúp tăng tuổi thọ trung bình lên hơn hai lần, giảm tử suất trẻ sơ sinh rất nhiều, và chữa lành hàng trăm thứ bệnh khác nhau. Nhờ tiến bộ kinh tế, sáu phần bẩy loài người đã thoát khỏi cảnh nghèo: hơn một tỉ từ năm 1950 tới năm 1980 và một tỉ nữa từ năm 1980. Còn một tỉ nữa vẫn còn sống trong xiềng xích này. Nhiệm vụ người Do Thái Giáo, người Kitô Giáo và mọi người nhân đạo là phá xiềng xích nghèo khổ cho số người còn lại này.

Bất cứ ta cầu gì trong việc thờ phượng ngày Chúa Nhật cũng chỉ có được thực chất của nó qua điều người Kitô hữu chúng ta làm trong đời sống hàng ngày để giúp đỡ người nghèo. Không tới giúp đỡ người nghèo, là ta không yêu mến Thiên Chúa.

Thánh Gioan, trong thư thứ nhất của ngài, từng viết rằng “Không ai từng trông thấy Thiên Chúa, nhưng nếu ta yêu mến nhau, thì Thiên Chúa sống trong ta, và tình yêu của Người nên trọn vẹn trong ta” (1Ga 4:12). Còn Chúa Giêsu thì dạy ta “Bất cứ các con làm gì cho một trong những anh chị em bé nhỏ này của Ta, là các con làm cho Ta” (Mt 25:40).

Tông huấn không hẳn là một văn kiện giáo huấn nhằm trình bày một luận điểm cẩn thận, đây là trách vụ của một thông điệp. Đúng hơn, nó giống một bài giảng hơn, một dịp phần nào không chính thức để Đức Giáo Hoàng trình bày viễn kiến của ngài như một mục tử, và trình bày nó như một lời mời gọi đạt tới một lòng đạo đức và sùng kính tận đáy lòng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất trổi vượt trong ngôn từ có tính bản vị này.

Trong tương lai, Đức Phanxicô sẽ trình bày đầy đủ hơn các luận điểm của ngài về một nền kinh tế chính trị tốt nhất có thể giúp người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo. Tôi chỉ có thể nghĩ rằng các tham khảo về đề tài này đã được bắt đầu rồi.

Tôi hy vọng các phụ tá của Đức Giáo Hoàng sẽ bắt đầu với câu kết luận do kinh nghiệm thúc đẩy, tiến bộ một cách hơi miễn cưỡng, nhưng trình bày một cách hữu lý ở số 42 thông điệp Centesimus Annus của Đức Gioan Phaolô II: “Có lẽ có thể nói được chăng là sau thất bại của Chủ Nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa tư bản là hệ thống xã hỗi chiến thắng và chủ nghĩa tư bản nên được coi là mục tiêu của các quốc gia hiện đang cố gắng tái thiết nền kinh tế và xã hội của họ? Phải chăng chủ nghĩa này là kiểu mẫu cần được đề xuất với các quốc gia của Thế Giới Đệ Tam đang tìm kiếm con đường tiến bộ thực sự về kinh tế và dân chính?”

Với câu hỏi này, Đức Gioan Phaolô trả lời cả có lẫn không. Ngài viết tiếp: “Câu trả lời hiển nhiên là phức tạp. Nếu hiểu ‘chủ nghĩa tư bản’ là một hệ thống kinh tế biết nhìn nhận vai trò nền tảng và tích cực của kinh doanh, của thị trường, của quyền tư hữu và trách nhiệm từ đó mà ra đối với các phương tiện sản xuất, cũng như óc sáng tạo nhân bản tự do trong lãnh vực kinh tế, thì câu trả lời chắc chắn là khẳng định, mặc dù có lẽ sẽ thích hợp hơn nếu gọi đây là “kinh tế kinh doanh”, “kinh tế thị trường” hay đơn thuần là “kinh tế tự do”. Nhưng nếu hiểu ‘chủ nghĩa tư bản’ là một hệ thống trong đó tự do trong lãnh vực kinh tế không bị qui định trong một khuôn khổ pháp chế mạnh mẽ biết đặt nó vào việc phục vụ tự do con người trong tính toàn bộ của nó, và coi nó như một khía cạnh đặc thù của tự do mà cốt lõi chính là tự do đạo đức và tôn giáo này, thì câu trả lời chắc chắn là phủ định.

“Giải pháp Mácxít đã thất bại, nhưng các thực tại chèn ép (marginalization) và bóc lột vẫn tồn tại trên thế giới, nhất là tại Thế Giới Đệ Tam, cũng như thực tại tha hóa con người, nhất là tại các nước tiến bộ hơn. Giáo Hội mạnh mẽ lên tiếng chống lại các hiện tượng này. Số rất đông người vẫn đang sống trong các điều kiện nghèo khổ lớn lao về vật chất và tinh thần. Việc sụp đổ của hệ thống Cộng Sản tại nhiều quốc gia chắc chắn sẽ loại bỏ một trở ngại đối với việc đương đầu với các vấn đề này một cách thoả đáng và thực tiễn, nhưng mang lại giải pháp mà thôi không đủ. Thực vậy, vẫn còn nguy cơ là ý thức hệ triệt để tư bản còn đang tràn lan sẽ bác bỏ không xem sét các vấn đề này, vì tiên thiên tin rằng bất cứ mưu toan nào nhằm giải quyết vấn đề cũng chắc chắn sẽ thất bại, và mù quáng ủy thác cách giải quyết chúng cho việc phát triển tự do các lực lượng của thị trường”.

Mặc dù phát triển kinh tế không hẳn là mục đích duy nhất của các xã hội tự do, nhưng các phúc lợi của nó về giáo dục, cải thiện y tế, triển nở tự do lương tâm, và việc tài trợ tư cho cuộc sống dân chính và nhiều hình thức nhân đạo không phải là không chủ yếu đối với ích chung.

Hơn nữa, không phải chỉ có các hệ thống thị trường mới đem lại chính sách đi lên, tiến bộ kinh tế cho mọi người và cơ hội kinh tế rộng mở. Á Căn Đình luôn luôn có nền kinh tế thị trường. Cũng vậy, hầu hết các dân tộc trong lịch sử nhân loại đều có nền kinh tế này. Giêrusalem thời Thánh Kinh từng trân trọng quyền tư hữu (“chớ lấy của người”, “chớ tham của người”), và sống còn nhờ một thị trường sinh động (như một giao diện thương mãi của ba lục địa). Nhưng trong suốt 1,800 năm sau Chúa Kitô, không một thị trường thế giới nào, hay tổng hợp của chúng, đã tạo ra được nhiều phát triển kinh tế. Các nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục tương đối tĩnh tại vì phải đương đầu với một chu kỳ tàn nhẫn gồm những năm “mập mạp” tiếp theo những năm “gầy yếu”. Trước khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện, các hệ thống thị trường truyền thống kinh qua nhiều trận đói kém và bệnh dịch giết người hàng loạt hầu như trong mọi thế hệ.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhìn ra thực tế lịch sử đó. Cái nhìn thấu suốt của ngài vẫn còn là kho báu đối với giáo huấn xã hội Công Giáo, và dĩ nhiên, nó đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý vì ngài dành trọn một tiết của Niềm Vui Tin Mừng cho chủ đề “Thực tại mạnh mẽ hơn ý niệm”.

Sau cùng, tôi muốn đưa ra một đánh cuộc: rất nhiều con người nhân bản hơn nữa sẽ thoát khỏi cảnh nghèo nhờ các phương pháp dân chủ và tư bản chủ nghĩa hơn hẳn bất cứ phương thế nào khác.

Chứng cớ thực nghiệm hết sức áp đảo nếu ta xét tới đà đi lên nhanh chóng của những nền kinh tế bị chiến tranh san bằng trong các năm 1946-1948, tức các nền kinh tế của Nhật và của Đức, và cả các nền kinh tế của Tân Gia Ba, Hồng Kông, Đài Loan, và Nam Hàn nữa, tất cả các nước này đều hướng về dân chủ và hình thức này hay hình thức nọ của chủ nghĩa tư bản. Nhưng cũng có chứng cớ từ phần lớn chúng ta tại Hoa Kỳ là những người có ông bà vốn là “những đồ phế thải đang thương” của quả địa cầu, thế mà nay, trong một thời gian ngắn, gia đình họ đã được kể vào số những người giấu có nhất thế giới. Chuyện ấy làm sao có thể có được? Nhờ hệ thống nào việc đó được thực hiện và đâu là các bí quyết có thể bắt chước được?

Những ai muốn thực tiễn và thành công trong việc bẻ gẫy các xiềng xích nghèo khó còn tồn đọng trên thế giới, nên học hỏi những gì đã thành đạt từ trước tới nay, ngay trước mắt ta.