Từ Iraq, Đức Cha Amel Shamon Nona, TGM Mosul, có lá thư sau gửi Kitô hữu Tây Phương:

Làm thế nào sống được đức tin của ta trong những lúc hết sức khó khăn? Ta có thể làm gì cho những người chịu bách hại vì đức tin của họ? Hỏi những câu hỏi này trước hết là tự hỏi xem đức tin của ta nghĩa là gì. Để có khả năng nói về thời bách hại, Kitô hữu phải thực sự biết chính đức tin của mình.

Năm 2010, khi tôi được chỉ định làm giám mục Nghi Lễ Canđê của Mosul, tôi biết tôi sẽ tới một thành phố đang đương đầu với một tình thế hết sức gay cấn về phương diện an ninh. Nhiều Kitô hữu từng bị sát hại ở đây, và nhiều người khác bị bó buộc phải rời khỏi giáo phận. Bạo lực kinh hoàng từng lấy mạng sống của một linh mục, cũng như của một giám mục, người tiền nhiệm của tôi: cả hai vị đều bị giết một cách cực kỳ kinh dị.

Tôi tới Mosul ngày 16 tháng Giêng năm 2010. Ngay ngày hôm sau, một loạt các vụ sát hại Kitô hữu để trả đũa đã khởi diễn, bắt đầu là vụ sát hại người cha một thanh niên lúc ấy đang cầu nguyện với tôi tại nhà thờ. Trong suốt hơn mười ngày sau, các người cực đoan tiếp tục sát hại, mỗi ngày một hay hai mạng người. Các tín hữu phải bỏ chạy tới các thị trấn và làng mạc nhỏ hay các tu viện gần đấy để lánh nạn,

Từ đó đến nay, khoảng nửa số tín hữu này đã trở lại quê hương. Có thể làm gì cho số người này? Có thể làm gì cho những người sống cuộc sống khó khăn đầy bách hại này?

Những câu hỏi ấy dằn vặt tôi hoài, buộc tôi phải nghĩ tới con đường đúng đắn cần theo để có thế chu toàn sứ mệnh phục vụ của mình. Tôi tìm ra câu trả lời ngay trong khẩu hiệu giám mục của tôi, tức lòng hy vọng. Tôi đi tới kết luận: trong thời khủng hoảng và bách hại, ta phải luôn tràn trề hy vọng. Và thế là tôi quyết định ở lại thành phố, củng cố niềm hy vọng của mình để có thể đem hy vọng lại cho rất nhiều tín hữu chịu bách hại nhưng kiên quyết tiếp tục ở lại đây.

Điều đó đã đủ chưa? Thưa chưa. Tiếp tục ở lại với các tín hữu trong niềm hy vọng là một khởi điểm chủ yếu, nhưng không đủ - Còn cần một điều gì hơn thế nữa. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng lòng hy vọng tức đức cậy được nối kết với đức ái, và đức ái được nối kết với đức tin. Nhưng phải làm gì để xây đắp đức tin này? Tôi bắt đầu tự hỏi các tín hữu của chúng tôi làm thế nào sống thực lòng tin của họ, làm thế nào họ thực hành được đức tin ấy trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Tôi hiểu ra rằng đứng trước đau khổ và bách hại, hiểu biết thực sự đức tin của ta và nguyên nhân cuộc bách hại ta có tầm quan trọng nền tảng, hơn bất cứ điều gì khác.

Nhờ đào sâu ý thức ta về căn tính Kitô hữu, ta sẽ khám phá ra nhiều cách để đem ý nghĩa lại cho cuộc sống bị bách hại và tìm được sức mạnh để chịu đựng nó. Biết rằng mình có thể bị giết bất cứ lúc nào, ở trong nhà, ở ngoài phố, ở sở làm, nhưng bất chấp các điều này, vẫn duy trì một đức tin sống động và tích cực, thì đó quả là một thách đố thực sự.

Từ giây phút biết mình đang chờ cái chết, dưới sự đe dọa của một ai đó sẵn sàng bắn ta bất cứ lúc nào, ta cần biết mình phải sống tốt ra sao. Thách đố lớn nhất trong việc đối diện với cái chết vì đức tin của mình là tiếp tục biết đức tin này cách sao đó để sống nó cách kiên cường và trọn vẹn, dù khoảng phân cách ta với sự chết hết sức vắn vỏi.

Mục tiêu của tôi là củng cố sự kiện này: đức tin Kitô Giáo không phải là một điều trừu tượng, một lý thuyết thuần lý, xa vời cuộc sống thực sự, cuộc sống hàng ngày, nhưng là một phương tiện để khám phá ra ý nghĩa sâu xa nhất của nó, biểu thức cao cả nhất của nó như đã được mạc khải trong Mầu Nhiệm Nhập Thể. Khi cá nhân khám phá ra khả thể này, họ tuyệt đối sẵn sàng chịu đựng bất cứ sự gì và làm mọi sự để bảo tồn khả thể này, cho dù có vì thế mà phải chết đi chăng nữa.

Nhiều người hiện sống trong tự do, không bị bách hại, tại các quốc gia không gặp vấn đề như đất nước chúng tôi, hỏi tôi họ có thể làm gì cho chúng tôi, họ có thể giúp chúng tôi cách nào trong tình huống hiện nay. Trước hết, bất cứ ai muốn làm một điều gì đó cho chúng tôi thì hãy cố gắng sống thực đức tin của mình cách sâu sắc hơn, đem đời sống đức tin ra thực hành hàng ngày. Đối với chúng tôi, tặng phẩm lớn nhất là biết ý thức rằng tình huống của chúng tôi đang giúp người khác sống thực đức tin của họ một cách mạnh mẽ, vui tươi và trung thành nhiều hơn.

Mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày; vui tươi trong mọi sự ta gặp trên hành trình cuộc sống; tin tưởng rằng đức tin Kitô Giáo sẽ giải đáp mọi vấn nạn căn bản của đời người, cũng như sẽ giúp ta đương đầu với mọi biến cố tương đối nhỏ ta gặp dọc đường. Phải coi điều này như mục tiêu trổi vượt của mọi người chúng ta. Biết rằng hiện vẫn có nhiều người trên thế giới đang bị bách hại vì đức tin của họ nên là một cảnh báo đối với tất cả qúy bạn hiện đang sống trong tự do để qúy bạn trở nên các Kitô hữu tốt hơn, mạnh mẽ hơn, và là một thúc đẩy để các bạn minh chứng đức tin của mình khi đối đầu với các khó khăn do xã hội của qúy bạn gây ra, cũng như nhìn nhận rằng cả qúy bạn nữa cũng đang phải đương đầu với một mức độ bách hại vì đức tin nào đó dù là ở Tây Phương.

Bất cứ ai muốn đáp ứng tình thế khẩn trương này có thể ra tay giúp đỡ những người đang bị bách hại cả về vật chất lẫn thiêng liêng. Xin giúp đem tình huống của chúng tôi ra dư luận thế giới, qúy bạn là tiếng nói của chúng tôi. Về thiêng liêng, quý bạn có thể giúp đỡ chúng tôi bằng cách biến cuộc sống và các đau khổ của chúng tôi thành một thúc đẩy đối với việc cổ vũ sự hợp nhất giữa mọi Kitô hữu. Điều đem lại sức mạnh hơn cả mà qúy bạn có thể làm được để đáp ứng tình huống của chúng tôi là tái khám phá và rèn đúc hợp nhất, như một cá nhân và như một cộng đồng, và làm việc cho ích lợi của chính xã hội qúy bạn. Các xã hội này đang cần các chứng tá Kitô hữu biết sống thực đức tin của mình một cách mạnh mẽ và vui tươi và nhờ thế đem lại cho người khác lòng can đảm sống đức tin của họ.