Thăm viếng vùng nông thôn nghèo tại Caapora, Brasil

Caapora, Brasil - Thứ sáu, 19.7.2013, từ chiều thứ năm chúng tôi đã rời thành phố Recife để tiến sâu vào vùng nông thôn tên gọi là Caapora để gặp gỡ giới nông dân nghèo và những người vô gia cư, quãng đường dài 160 cây số cần đến hai tiếng rưỡi đi xe. Điều đầu tiên làm chúng tôi hoảng sợ là vẫn đề muỗi từng bầy bay vo vo bu quanh. Đàn muỗi huởng được bữa đại tiệc vì trời nóng nên mọi người chỉ mặc quần cộc và áo thun vì thế chân tay chẳng có gì để che chở trước bầy muỗi đói tấn công ào ạt. Trong thoáng chốc trên chân tay của tôi có thể đếm hơn được 50 vết muỗi chích. Theo chương trình chúng tôi ngủ lại 3 đêm ở nơi này. Ai cũng ngao ngán với bầy muỗi.

Xem Hình

Sáng thứ sáu phái đoàn chúng tôi gặp gỡ nhau lần đầu tiên giữa hai nhóm Đức với nhau, tổng cộng đến 35 người trẻ và được di chuyển bằng 3 chiếc xe buýt loại nhỏ. Càng tiến sâu vào vùng nông thôn thì con đường càng nhỏ hẹp dần và nhiều con đường đất lầy lội qua những trận mưa lớn. Còn đường dẫn qua những ruộng mía - không đúng phải gọi là đồi mía trùng trùng điệp điệp. Brasil không hổ danh một thời vô địch về sản xuất mía đường. Tiếp theo là những vùng trồng khoai mì, khoai lang và hàng dừa nước. Tận mắt mới thấy thượng đế hậu đãi rất đặc biệt người dân Brasil về ruộng đất mầu mỡ, người dân có thể nghèo nhưng chẳng bao giờ đói vì nơi nào cũng có thể trồng cấy ngô khoai.

Cho nhiều người, lần đầu tiên chúng tôi thưởng thức món khoai lang luộc ngọt lịm và cũng lần đầu tiên uống nước dừa được hái trực tiếp từ trên cây xuống, nước dừa cũng ngọt mát làm cho cơn khát buổi trưa nóng dễ dàng hạ xuống.

Vào đến vng nông thôn gặp gỡ người dân Brasil thật hiền lành chất phát, đời sống của họ không giầu nhưng lại hạnh phúc với thiên nhiên. Những căn nhà của họ thật đơn sơ với vách đất, có một khoảng mái trống để sinh hoạt hằng ngày ở đó. Trong vùng sâu này còn nhiều người mù chữ bởi thế các giáo lý viên của các giáo xứ ngoài việc dạy giáo lý còn kèm theo việc dạy chữ nữa. Một linh mục ở vùng nông thôn thật vất vả, địa bàn của các ngài rộng mênh mông, có đoạn đường dài hơn cả 50 cây số mới đến được một cộng đoàn khác, mỗi giáo xứ có trên 30.000 giáo dân là chuyện thường.

Tại địa điểm chúng tôi thăm viếng có 3 cha Dòng Phanxicô chăm sóc mục vụ, ngoài việc lo các bí tích thì các ngài đang đi tiên phong trong việc đòi quyền sở hữu ruộng đất hợp lý cho nông dân nghèo. Thời địa chủ bóc lột đã qua và ngày nay nông dân muốn có được chính đồng ruộng của mình - có thể là phần đất của cha ông họ mà người giầu có ngày xưa đã xâm chiếm bất hợp pháp. Vai trò của Giáo Hội đứng bên ngưòi nghèo tại các vùng sâu này thật quan trọng, đó là một trụ cột để cho nông dân dựa vào để đấu tranh. Các phái đoàn ngoại quốc đến đây thăm viếng như chúng tôi là muốn khích lệ tinh thần cho họ, giúp cho tiếng nói đòi công bằng được có giá trị thêm.

Viết đến đây phải kể thêm một chút về giúp đỡ của Giáo Hội Đức qua Adveniat, là một cơ quan Truyền Giáo của GH Đức khởi xướng từ năm 1961 để đặc biệt giúp cho các nước ở vùng Châu Mỹ La Tinh. Cuộc quyên góp hằng năm cho Adveniat được biết đến vào dịp Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh trong các nhà thờ Đức. Cho đến ngày nay Cơ Quan Adveniat đã hỗ trợ trên 200.000 dự án lớn nhỏ tại Châu Mỹ La Tinh để giúp đỡ Giáo Hội địa phương và giúp cho người nghèo có khả năng thoát nghèo. Biết bao công trình xây dựng nhà thờ, nhà xứ, chủng viện, dòng tu, nhà trẻ, trường học, trung tâm huấn nghệ, trạm xá y tế, nhà thương, trung tâm cai nghiện mà Adveniat đã làm được. Trong dịp ĐHGT-2013 Adveniat là những người trung gian tích cực giúp cho giới trẻ Đức thực hiện các công tác xã hội tại Brasil và đến được các vùng sâu xa như ngày hôm nay cho phái đoàn chúng tôi.

Sau khi ăn trưa do những người nông dân khoản đãi bằng những món ăn từ đồng ruộng họ tự cầy cấy trồng lên, chúng tôi tiếp tục đi đến một nơi đồng hoang, trên đó có đến 40 nóc gia, đúng ra chẳng phải là nhà mà chỉ lả một mái tranh rồi phủ kín tấm nhựa màu đen chung quanh lên để tránh gió mưa. Nơi đây có tất cả 160 người sinh sống (có nhiều trẻ em), họ được gọi là những nông dân chẳng có nhà lẫn chẳng có đất. Đúng thật là nông dân vô gia cư. Thân phận những người này còn thê thảm hơn những nông dân nghèo vì cuộc sống bấp bênh và không biết ngày mai ra sao nếu chủ đất mang cảnh sát đến đuổi họ đi. Họ là những người nghèo nhất từ tầng lớp nghèo. Họ không đói vì có thể canh tác ngay trên các mảnh đất chiếm cứ để có cái ăn. Các linh mục chăm sóc cho biết Giáo Hội tranh đấu để các con em của họ có thể đi đến trường học như những đứa trẻ khác, giúp về chăm sóc y tế, giúp luật sư trong các vấn đề kiện tụng, dĩ nhiên thường xuyên lo việc mục vụ cho họ.

Một ngày dài với cái nóng oi nồng và chung sống, lắng nghe nỗi niềm của người nông dân nghèo đã làm cho những người trẻ lắng đọng. Những người trẻ Âu Tây nhận ra rõ ràng là họ đang sống quá đầy đủ về vật chất và hy vọng những gì hôm nay họ đã chứng kiến tận mắt cảnh nghèo của người dân Brasil sẽ giúp họ định hướng tốt trong cuộc sống tương lai và qua đó có thể chia sẻ trong tình liên đới với người nghèo.

Nếu được như thế thì đó chính là một nét đẹp và đầy ý nghĩa của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Ghi nhanh trong đêm tại vùng núi rừng Caapora của Brasil với đàn muỗi háu ăn.

Hẹn các bạn trong buổi tường trình kế tiếp từ Brasil.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn