Trong chương trình thời sự tối ngày 26/03/2013, VTV1 có một phóng sự về ‘Chức sắc tôn giáo góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992’, trong đó có dòng chữ chú thích ‘Linh mục Nguyễn Quốc Hiếu, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Bắc Ninh’.

Nhưng ai ngày sau đó, Văn phòng Tòa giám mục Bắc Ninh đã chính thức thông báo rằng Giáo phận Bắc Ninh không có linh mục nào tên là Nguyễn Quốc Hiếu.

Tại sao một đài truyền hình quốc gia, được phát sóng trên cả nước và lại vào một giờ cao điểm có thể ngụy tạo một chuyện như thế?

Chắc chắn khi bịa đặt như vậy những người làm phóng sự đó cũng như giới lãnh đạo VTV1 biết rằng họ đã vi phạm một nguyên tắc căn bản nhất, một tiêu chí quan trọng nhất của nghề báo đó là đưa tin đúng sự thật.

Chắc chắn họ cũng ý thức rằng những trò dối trá như vậy xúc phạm nặng nề người xem – trong đó có những người Công giáo, đặc biệt Đức Giám mục, linh mục và giáo dân Giáo phận Bắc Ninh.

Là những người làm truyền thông, chắc chắn họ cũng hiểu rằng trong thời đại internet, họ không còn độc quyền phân phát, ban bố thông tin hay muốn nói gì thì nói. Dù không được phép có truyền hình hay báo giấy, nhưng nhiều cá nhân, tổ chức đã có trang web riêng của mình. Chỉ cần Giáo phận Bắc Ninh ra một thông báo và đưa lên trang web của mình hay được một trang web nào đó đăng tải cả thế giới nhận ra dối trá ấy.

Và quan trọng hơn hết, họ hiểu rằng khi những dối trá của mình bị lật tẩy, họ sẽ càng bị dư luận coi thường, khinh bỉ. Chính những trò hề, giả dối ấy làm cho người dân nói chung và người Công giáo khinh thường họ.

Trong thời gian gần đây trên các diễn đàn xã hội, có không ít những bài viết, bình luận về việc cắt xén hay giả mạo của Đài truyền hình Việt Nam. Những bình luận, bài viết ấy thường đề cập đến việc bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt tại UBND Thành phố Hà Nội bị cắt xén và cho rằng họ không cảm thấy ngạc nhiên khi VTV1 có những trò hề như vậy. Có người con nói rằng kể từ vụ ấy, họ không còn xem chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam.

Nhưng tại sao dù biết rõ những hậu quả của sự ngụy tạo ấy VTV1 vẫn cố tình làm như vậy?

Có thể nói, chính quyền Việt Nam – hay nói đúng hơn một số lãnh đạo trong đảng Cộng sản Việt Nam – đang lúng túng và lo sợ trước hàng loạt những góp ý, phản đối Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trong số những góp ý, có Bản kiến nghị của 72 nhân sỹ, trí thức và Tuyên bố Công dân Tự do – hai bản kiến nghị được hàng ngàn người ký ủng hộ.

Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã có một Bản nhận định và góp ý, trong đó các Giám mục Việt Nam đã thẳng thắn nêu rõ nêu những bất cập, phi lý tại Việt Nam – những điều được thể hiện ngay trong Hiến pháp.

Hơn nữa, các Giám mục cũng nhấn mạnh rằng chính những mâu thuẫn và phi lý ấy là ‘lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt và kêu gọi phải có những thay đổi căn bản về ‘quyền con người’, ‘quyền làm chủ của nhân dân’, và về việc ‘thi hành quyền bính chính trị’ trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này.

Đây là lần đầu tiên Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức, công khai, thẳng thắn và mạnh mẽ đưa ra một nhận định và góp ý như vậy. Đó cũng là lý do, hàng triệu người Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước vui mừng, hưởng ứng Bản nhận định, góp ý ấy.

Phải chăng vì lo lắng trước làn sóng góp ý, ủng hộ ấy, giới lãnh đạo Việt Nam đã cho VTV1 và một số báo khác của Việt Nam vào cuộc và dùng nhiều hình thức, thủ đoạn như ngụy tạo linh mục, để đánh phá, chia rẽ những tiếng nói, góp ý ấy của các nhân sỹ, trí thức và của Giáo hội?

Nếu đúng vậy thì những hình thức, chiêu bài đó là lợi bất cập hại.

Thay vì giúp bảo vệ chế độ hay dập tắt những tiếng nói đối lập, những thủ đoạn ấy làm mất uy tín, thanh danh của chế độ và tạo thêm lý do để người dân lên tiếng chỉ trích hay coi thường chế độ. Như Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng có câu nói nổi tiếng khi bình luận về vụ án của Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, ‘không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ’.

Thiết nghĩ, nếu biết tiếp thu, lắng nghe những tiếng nói, góp ý của các nhân sỹ, trí thức và những ai muốn Việt Nam tốt đẹp, dân chủ, tự do, giàu mạnh – thay vì tìm cách đánh phá, chia rẽ hay đàn áp những tiếng nói ấy hoặc cho báo chí của mình dùng những thủ đoạn như vậy để ‘tuyên truyền’ – đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được người dân quý mến, tin tưởng – hay ít ra bớt hoặc không bị khinh thường, chỉ trích, chống đối.

Những thay đổi của giới quân sự Miến Điện trong hơn hai năm qua cho thấy một chế độ có thể có chính danh tiếp tục nắm quyền, không sợ người dân đứng lên phản đối hay bị lật đổ nếu biết đứng về phía người dân, biết dựa vào dân thay vì đàn áp dân hay dùng mọi thủ đoạn để nắm quyền, để cai trị.