Bây giờ thì người ta hiểu một cách thấm thía tại sao Đức Hồng Y Karol Wojtyla lại bật khóc khi cả cơ mật viện bật lên tiếng vỗ tay vang dội, vào cuối vòng đầu phiếu thứ bẩy năm 1978. Ngài được bầu làm giáo hoàng với 90 phiếu của cơ mật viện (James Oram, The People’s Pope, tr.174). Cả công trường Thánh Phêrô nhẩy mừng vì tin ngài lên ngôi giáo hoàng, lấy hiệu là Gioan Phaolô II. Sau đó là cả thế giới Công Giáo. Trừ một người. Theo một tiểu sử khác, người đó là một trong các bằng hữu thân thiết nhất của ngài. Gần đây nhất, chính bào huynh George Ratzinger cũng chả hân hoan chi trước tin em mình là Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm giáo hoàng, kế vị Đức Gioan Phaolô II. Chính vì thế, người Công Giáo hoàn cầu lúc nào cũng cầu xin Chúa “gìn giữ người, thêm xuống sinh lực, và ban cho người đời nay hạnh phúc”. Nhưng bài hát ấy chỉ xin Chúa “đừng trao người cho ác tâm quân thù”, chứ không xin cho người được thoát ‘ác tâm’ bằng hữu.

Những tin tức mấy ngày gần đây dường như đang buộc ta phải thay đổi câu hát vừa rồi, hay ít nhất cũng thêm cả chữ ‘bằng hữu’ vào đó. Thực vậy, đọc thư của Đức Giáo Hoàng gửi các giám mục thế giới liên quan đến việc ngài hủy bỏ án tuyệt thông cho bốn giám mục thuộc Hội Thánh Piô X, do Tổng Giám Mục Marcel Lefèbre thành lập, người ta thấy ngài không “buồn” vì bị người Do Thái chỉ trích, khích bác, cho bằng bị chính người Công Giáo tấn công. Ngài viết: “Tôi thấy buồn là cả những người Công Giáo, những người trên hết có lẽ rành rẽ hơn về thực trạng của vấn đề, lại đi nghĩ rằng họ phải tấn công tôi với một thái độ hằn học công khai. Chính vì thế tôi lại càng phải cám ơn những bạn bè Do Thái, những người đã mau chóng giúp đánh tan sự hiểu lầm và tái lập bầu khí hữu nghị và tin cậy lẫn nhau vẫn hằng tồn tại trong thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và, tạ ơn Chúa, là vẫn tiếp tục trong triều Giáo Hoàng của tôi”.

Nói “buồn” là nói cho nhẹ. Bởi nếu chỉ buồn, thì Đức Giáo Hoàng đâu cần bận tâm tự tay viết một lá thư vô tiền khoáng hậu như thế. Nhiều người không ngần ngại dùng chữ “đau đớn” để mô tả tâm tư Đức Giáo Hoàng trong dịp này. Chính cha Lombardi, S.J., giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh, đã cho biết ĐTC đã theo dõi và sống vụ tha vạ này và những phản ứng theo đó trong đau khổ. Hãng tin CNA, khi đưa tin về lá thứ trên, viết như sau: “Ngỏ với các hiền huynh giám mục của mình, lá thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đọc hết sức giống như một lá thư riêng về một vấn đề từng làm ngài đau đớn rất nhiều”. Richard Owen, một bỉnh bút của tờ The Times, không mấy thiện cảm với Vatican, dù trước đây có làm việc cho Đài Phát Thanh Vatican, viết từ Rôma như sau: “Bức thư riêng đầy đau đớn và bất thường của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gửi các vị giám mục Công Giáo nhìn nhận rằng ngài đã không thấy trước những ‘rủi ro’ do việc hủy bỏ vạ tuyệt thông cho vị giám mục bác khước Nạn Diệt Chủng gây ra”.

Theo tin CNA, trong một bài báo vào ngày Thứ Năm vừa qua, giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano của Tòa Thánh là Giovanni Maria Vian giải thích như sau: Lá thư của Đức Giáo Hoàng “vô tiền khoáng hậu bởi vì không hề có một tiền lệ nào đối với cơn bão tố nổi lên sau khi công bố việc hủy vạ tuyệt thông vào ngày 24 tháng Giêng vừa qua”. Theo giáo sư Vian, việc công bố kia không phải là tình cờ mà trùng với ngày vọng kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vatican II, “vì ý định của Giám Mục Rôma… là tránh mối nguy ly giáo, bằng cử chỉ nhân từ lúc ban đầu, hoàn toàn phù hợp với Công Đồng và truyền thống của Giáo Hội”.

Giáo sư Vian cũng nhấn mạnh rằng trong nhiều cuộc tấn kích chống lại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, giới truyền thông đã bẻ cong một cách bất trung thực hành động của Đức Giáo Hoàng đúng lúc trùng hợp với các tuyên bố bác khước Nạn Diệt Chủng của một trong các vị giám mục có liên hệ tới vụ việc này.

Rất có thể, đây chỉ là nhận định riêng của Giáo Sư Vian. Thư của Đức Giáo Hoàng gửi các giám mục thế giới không trực tiếp nói đến vai trò của truyền thông. Đúng như nhận định của Cha Lombardi, S.J., Đức Giáo Hoàng đủ khiêm nhường để nhìn nhận các thiếu sót trong vụ việc này. Trong bức thư trên, Đức Giáo Hoàng từng viết: “tôi không biết nói gì hơn là hối tiếc sâu xa”. Chính Giáo Sư Vian, trong bài báo trên, cũng cho hay: Đức Thánh Cha không tránh né các vấn đề khó khăn, như nhu cầu cần cải thiện cách xử lý các vụ việc như thế và cách các văn phòng của Vatican giải thích sự việc”.

Lòng khiêm nhường của ‘học giả’ Ratzinger không chỗ nào rõ bằng việc ngài tỏ ý sẵn sàng học hỏi Liên Mạng. Ngài viết: “Tôi được báo cho biết rằng việc tham khảo các thông tin trên Internet có lẽ đã làm cho vấn đề được thấu hiểu sớm hơn. Tôi học được bài học này là trong tương lai Tòa Thánh chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến nguồn tin này”.

Nói đến giải thích, giống như cha Lombardi từng nói trước đây, lúc cuộc tranh luận nổ ra, tiếp theo vụ giải vạ tuyệt thông, Đức Giáo Hoàng chính thức nhìn nhận sai lầm thứ hai “

mà tôi chân thành hối tiếc đó là phạm vi và những giới hạn đưa ra trong quyết định tha vạ ngày 21/1/2009 đã không được giải thích minh bạch và thỏa đáng vào thời điểm đặc cách này được công bố”.

Do đó mà nhân dịp này, lá thư của Đức Giáo Hoàng đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Theo Giáo Sư Vian, trọng tâm của vấn đề liên quan đến nhóm Lefèbre là “sự phân biệt giữa kỷ luật và tín lý”. Theo GS Vian, trên bình diện kỷ luật, Đức Giáo Hoàng bỏ vạ tuyệt thông nhưng trên bình diện tín lý, ngài hết sức cương quyết: huấn quyền của Giáo Hội không thể bị “đông lạnh vào năm 1962” nghĩa là trước Công Đồng Vatican II.

Về việc này, bề trên cả của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X là giám mục Bernard Fellay, trong lá thư đề ngày 13 tháng Ba vừa qua, đã viết như sau: “Không hề muốn ngưng trệ Thánh Truyền vào năm 1962, chúng tôi chỉ muốn xem sét Công Đồng Vatican II và huấn quyền thời hậu Công Đồng dưới ánh sáng Thánh Truyền trên, một Thánh Truyền vốn được Thánh Vincent thành Lérins định nghĩa là ‘được mọi nơi, mọi thời và mọi người tin theo’ (Commonitorium) không gián đoạn và trong một triển khai hoàn toàn đồng bộ (homogeneous). Nhờ thế, chúng tôi sẽ có khả năng đóng góp cách hữu hiệu vào việc phúc âm hóa mà Chúa Cứu Thế mong muốn (xem Mt 28:19-20). Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X đảm bảo với Đức Bênêđíctô XVI rằng mình sẽ cương quyết tham dự các thảo luận về tín lý xét là cần thiết theo Sắc Lệnh ngày 21 tháng Giêng”.

Nói như thế đủ thấy con đường trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội của Huynh Đoàn này còn rất dài. Vì một trong những đòi hỏi căn bản là họ phải nhìn nhận thẩm quyền của Công Đồng Vatican II, điều mà Huynh Đoàn này, cho đến nay, vẫn chưa sẵn sàng. Tưởng cũng nên nhấn mạnh: một trong các lý do khiến hai Hội Đồng Giám Mục Đức và Thụy Sĩ lớn tiếng phản đối vụ việc hủy bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục theo phe Lefèbre chính là vấn đề phe này không nhìn nhận Công Đồng Vatican II. Theo tờ The Tablet của Anh, tuần rồi các giám mục Đức tuyên bố rằng Hội Thánh Piô X tự “tách mình” ra khỏi Giáo Hội Công Giáo qua việc không nhìn nhận (CĐ) Vatican II trong toàn vẹn tính của nó. Đức Cha Robert Zollitsch, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức nói rằng: Nếu các giám mục này tiếp tục phong chức cho các linh mục, là họ ‘tuyên chiến với Giáo Hội’. Trong khi đó, hai thành viên của Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ đã tham dự một cuộc biểu tình của 1,500 người tại Lucerne chống lại “việc hỗ trợ một chiều đối với Hội Thánh Piô X phản động” và để ủng hộ một Giáo Hội biết tôn trọng Vatican II trong toàn vẹn tính của nó.

Thực ra, không hiểu thuật ngữ “Vatican II trong toàn vẹn tính” có nghĩa gì? Chắc chắn không phải là mang trọn mọi giáo huấn của Công Đồng ấy ra thi hành. Công Đồng nào cũng phản ảnh một thời đại nào đó trong lịch sử Giáo Hội. Một trăm năm sau, hai ba trăm năm sau, hoàn cảnh lịch sử có thể lại đòi một Công Đồng khác. Chúa Thánh Thần đâu bị trói tay vào lịch sử! Vào năm 1962 hay sau năm 1962! Điều quan trọng là tinh thần của Công Đồng ấy.

Có lẽ chính trong chiều hướng ấy mà sau khi nhấn mạnh rằng nhóm Lefèbre không được đông lạnh huấn quyền vào năm 1962, Đức Bênêđíctô XVI cũng đã chỉ trích những ai “ xem mình như những nhà bảo vệ hăng hái của Công Đồng cũng cần phải được nhắc nhở rằng Công Đồng Vatican II chấp nhận toàn bộ lịch sử tín lý của Giáo Hội. Ai muốn vâng lời Công Đồng phải chấp nhận đức tin đã được tuyên xưng qua hàng bao thế kỷ, và không thể chặt bỏ những căn cội của một cây từ đó cây này kín múc sức sống của nó’. Nói tóm lại là phải nhìn nhận "toàn bộ lịch sử tín lý của Giáo Hội”, như cái hiểu của tờ The Tablet.

Nhưng ngay cả tinh thần của Vatican II, Nhóm Lefèbre cũng chưa sẵn sàng đi theo. Đức Giáo Hoàng hiểu rõ như vậy, nhưng ngài vẫn quyết định chìa bàn tay ra bắt tay họ. Nói như trong Thư, thì ngài “lặng lẽ đưa cánh tay ra cho người anh em mình”. Lặng lẽ thôi, nhưng thật can đảm, giống Chúa Kitô xưa đã dám đụng đến cùi hủi, một hành vi đầy tởm gớm. Đức Giáo Hoàng dám làm thế là để loại bỏ các hàng rào mà con người đã tạo ra, giống các hàng rào ngày xưa Pharisiêu và cả hệ thống luật lệ của họ tạo ra để tha hóa dân Chúa. Quả là đáng lưu ý, vì dù Đức Giáo Hoàng không nói rõ, nhưng những người chống đối hành vi bác ái của Đức Giáo Hoàng, giống hệt nhóm Pharisiêu này. Ngài viết: “Đôi khi người ta có ấn tượng là xã hội chúng ta cần đến ít nhất là một nhóm để người ta có thể điềm nhiên tấn công và thù ghét không thương tiếc. Và người nào dám đến gần họ - trong trường hợp này là Đức Giáo Hoàng - cũng mất đi quyền được bao dung; cả ngài cũng bị đối xử một cách thù hận không ngần ngại hay dè dặt”.

Chúa Kitô đau lòng về sự cứng đầu của Pharisiêu thế nào, thì Đức Giáo Hoàng cũng đang đau lòng về sự cố chấp của những người Công Giáo “bảo hoàng hơn vua”, trong đó, buồn thay, có khá nhiều vị trong giám mục đoàn, vốn là hiền huynh của ngài. Lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, vì thế, thật cần thiết vào lúc này.