VATICAN (CNA) - Đức Thánh Cha Pius XII đã tạo nên sự quan tâm và xem xét tỉ mỉ của rất nhiều người trong suốt nhiều thập niên qua. Đức Giáo hoàng Benedict XVI hôm nay trong bài phát biểu trước Tổ chức Dọn Đường (Pave the Way Foundation) tại Castel Gandolfo đã nhấn mạnh đến những nghiên cứu về các nỗ lực của Đức cố Giáo hoàng Pius XII trong việc cứu người Do Thái khỏi chế độ phát xít đế quốc xã.

Trưa nay tại dinh thự mùa hè Giáo hoàng, ông Gary Krupp, chủ tịch Tổ chức Dọn Đường và các thành viên của tổ chức này đã được Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp kiến.

Ông Krupp và vợ ông là người Do Thái, cũng là người sáng lập Tổ chức Dọn Đường để chống lại việc bất khoan dung và kỳ thị tôn giáo bằng các phương tiện kỹ thuật, văn hóa, giáo dục. Như là một phần của nỗ lực trên, Pave the Way đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học nhằm nghiên cứu chuyên sâu và kỹ lưỡng những tài liệu về cuộc đời, những công việc mục vụ và những việc làm nhân đạo của Đức Pius XII.

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Đức Pius XII qua đời (09/10/1958), ĐTC Benedict XVI ghi nhận rằng mặc dù "rất nhiều điều được viết về Đức Pius XII trong 5 thập niên qua...thế nhưng không phải tất cả những khía cạnh chân thực trong hoạt động mục vụ ấy của ngài đã được nghiên cứu dưới ánh sáng đúng đắn."

Mục đích của cuộc hội thảo chính là duyệt xét những thiếu sót đó qua việc "thực hiện một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy đủ tài liệu dẫn chứng về những can thiệp của Đức Pius XII, đặc biệt là những hành động giúp đỡ người Do Thái đã bao năm là mục tiêu săn tìm trên khắp châu Âu bởi kế hoạch dã man của những kẻ muốn tiêu diệt họ khỏi mặt đất."

Đức Giáo hoàng nhận xét: "Khi người ta đến gần với vị Giáo hoàng khả kính này, bỏ qua mọi thành kiến về ý thức hệ và để chính bản thân được đánh động bởi những đức tính thiêng liêng và nhân bản cao quý của ngài, người ta sẽ bị thu hút bởi gương sống của ngài và sự phong phú trong những giáo huấn của ngài. Người ta cũng có thể ngưỡng mộ sự khôn ngoan và tính kiên trì trong công việc mục vụ của ngài, chính những đức tính ấy đã hướng dẫn ngài trong suốt nhiều năm trên cương vị của mình, nhất là trong việc cung cấp những trợ giúp cho người Do Thái.”

ĐTC Benedict XVI cảm ơn Tổ chức đã "trưng dẫn ra hàng loạt những văn kiện và tài liệu xác thực mà họ tập họp được từ các học giả nghiên cứu và những nhân vật lỗi lạc đáng tin cậy," Ngài nói tiếp: "Hội thảo của các bạn đặc biệt cung ứng cho quần chúng dư luận khả năng nhận thức đầy đủ những hoạt động và thành quả mà Đức Pius XII đã làm cho người Do Thái để cứu họ khỏi bị bách hại bởi chế độ Nazi, phát xít."

ĐTC nhắc lại sự kiện ngày 29-11-1945, Đức Piô 12 đã gặp 80 đại biểu của những người đã sống sót trong các trại tập trung của Đức quốc xã, trong một buổi tiếp kiến đặc biệt dành cho họ tại Vatican. Họ muốn đến để đích thân cám ơn Đức Cố Giáo Hoàng vì lòng quảng đại đối với họ trong thời kỳ bách hại kinh khủng của chế độ quốc xã - phát xít”.

Một trong nhiều khía cạnh của cuộc hội thảo mà ĐTC Benedict XVI muốn cảm ơn đó là hội thảo đã "chú ý đến những can thiệp của Đức Pius XII cách thầm lặng và bí mật vì những khó khăn mà hoàn cảnh lịch sử lúc ấy đòi buộc, chỉ bằng cách ấy ngài mới có thể tránh cho người Do Thái khỏi nạn diệt chủng và cứu thoát một số đông họ khỏi những điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Sự cống hiến đáng trân trọng ấy của ngài đã được công nhận và đánh giá cao trong suốt và sau khi nhiều cá nhân cũng như các cộng đồng Do Thái đích thân đến cảm ơn ngài vì những gì ngài đã làm cho họ."

Một biến cố đáng ghi nhớ đã được ĐTC Benedict XVI gợi lại: "Vào ngày 29/11/1945, Đức Pius XII đã gặp 80 đại biểu còn sống sót trong các trại tập trung Đức Quốc Xã với một cuộc tiếp kiến đặc biệt dành cho họ tại Vatican, họ muốn đến để cảm ơn ngài cách riêng vì lòng quảng đại của ngài dành cho họ trong thời kỳ đen tối mà họ bị bách hại dưới chế độ đế quốc xã phát xít."

Đức Thánh Cha cảm ơn Tổ chức Dọn Đường "vì các hoạt động hiện nay trong việc tăng tiến các mối quan hệ và đối thoại giữa các tôn giáo như những chứng nhân của hòa bình, bác ái và hòa giải."

Ngài kết thúc: "Hy vọng lớn của tôi rằng năm nay, năm đánh dấu 50 năm vị tiền nhiệm đáng kính của tôi qua đời cũng sẽ là năm mở ra những cơ hội để mọi người có thể nghiên cứu chuyên sâu về nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc đời và sự nghiệp Đức Pius XII, từ đó đi đến hiểu biết sự thật lịch sử bao trùm những thành kiến hiện tại còn đang lưu truyền."