Ngày 18-02-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:32 18/02/2010
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, năm C

Lc 4, 1-13

Hôm nay Giáo Hội lại đưa chúng ta đi vào những ngày Chúa nhật mùa chay. Quả thực, mùa chay là mùa sám hối ăn năn, mùa trở về với chính mình và ngước mắt lên Thiên Chúa bởi vì con người chúng ta quá yếu đuối hay sa ngã và hay phản bội. Nhìn lên Chúa để thấy chúng ta còn quá nhiều khiếm khuyết cần phải được Chúa tha thứ và yêu thương. Do đó, Chúa nhật thứ I mùa chay, năm C muốn dạy chúng ta rằng đã là con người thì luôn còn yếu đuối, luôn còn thử thách. Thử thách để chúng ta biết phải chọn lựa thế nào ? Những bài đọc Sách Thánh Chúa nhật hôm nay sẽ định hướng cho chúng ta hiểu phải làm gì ?

Đọc đoạn Tin Mừng của thánh Luca 4,1-13 chúng ta nhận ra một điều thật lạ lùng:tại sao Thần khí của Chúa lại đưa Chúa Giêsu vào sa mạc để chịu ma quỉ cám dỗ? Đức Giêsu mà lại chịu cám dỗ được chăng ? Đó là vấn nạn. Đó là thắc mắc của con người muôn thuở. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể suy nghĩ và trả lời được. Chúa đã chấp nhận làm người dù Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn có thể bị thử thách vì Ngài là người. Thử thách có nghĩa là đặt con người vào trạng huống phải tự chọn lựa. Ở đây, sa mạc không xa là bao bởi vì từ Giêrusalem cứ theo hướng mặt trời lặn khoảng nửa giờ đã tới sa mạc Giuđa. Đức Giêsu Kitô đã bỏ các bãi cỏ xanh, bờ cát của dòng sông Giorđăng, rồi đi bộ một thời gian ngắn là đã tới sa mạc. Chúa Giêsu đã vào sa mạc theo sự hướng dẫn, thúc bách của Thần khí Thiên Chúa. Tin Mừng cho chúng ta hiểu những mưu mô quỉ quyệt của ma quỉ. Chúng bầy ra những chước cám dỗ, những thử thách để buộc Chúa Giêsu phải chọn lựa. Hoặc là chấp nhận để phản bội Thiên Chúa Cha hoặc là khước từ để luôn là người tôi trung của Chúa Cha. Ma quỉ đã đánh vào Chúa Giêsu về nhiều phương diện. Cái đói, tiền tài, sa hoa, danh vọng, phú quí. Những cám dỗ, những thử thách ấy là những cạm bẫy thực tế hằng ngày của con người. Chúa Giêsu đã dạy cho ma quỉ bài học vô giá. Đói, khát, phú quí, bả phù hoa, danh vọng chỉ là những hào quang tạm thời, mau qua. Cái chính yếu đó là tình yêu, sự trung thành Chúa Giêsu dành cho Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã toàn thắng tất cả những thử thách ấy với tất cả sự cương quyết, can đảm của Ngài. Ngài đã đẩy lui ma quỉ và Tin Mừng cho hay:” Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ, ma quỉ bỏ Người mà đi, chờ đợi thời cơ “.

Sa mạc là nơi thanh vắng. Sa mạc là nơi con người âm thầm gặp gỡ Đấng hằng sống. Nhưng sa mạc cũng là nơi ma quỉ bầy ra trăm nghìn mưu chước cám dỗ, thử thách và cạm bẫy. Tuy nhiên, sa mạc cũng là nơi con người lựa chọn giữa cái sống và cái chết, giữa hạnh phúc và bất hạnh. Nếu được Thần khí của Thiên Chúa dẫn đưa, và hướng dẫn thì sa mạc là nơi để lựa chọn giữa cái thiện và cái ác.

Sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật hôm nay nhắc lại việc Chúa Giêsu bị thử thách nơi sa mạc để giúp chúng ta hiểu sự đau khổ và thập giá Ngài sẽ phải chịu để cứu độ loài người, cứu vớt con người. Chúa Giêsu đã chiến thắng để nêu gương cho chúng ta và mời gọi chúng ta hãy mạnh dạn, bước theo con đường của Người đã đi qua để được ơn cứu độ.

Chúa dạy chúng ta những gì ma quỉ đã cám dỗ, thử thách Chúa thì chúng không ngừng cám dỗ chúng ta. Ma quỉ xúi giục chúng ta muốn khoái lạc. Chúng lôi kéo chúng con tìm danh lợi lạc thú theo ý riêng tư của chúng ta. Chúng thúc đẩy chúng ta tham lam ích kỷ mà quên đi việc thực hành những điều răn Chúa. Theo gương Chúa chúng ta dứt khoát đẩy lùi những thử thách, cám dỗ của ma quỉ và nhất mức tin theo Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm của chúng con và xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương Chúa để chúng luôn một mực trung tín với Chúa và Lời của Chúa. Amen.
 
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ
Lm. Jude Siciliano, OP
06:39 18/02/2010
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C

Đnl 26:4-10; Rm 10: 8-13; Lc 4: 1-13

Bắt đầu mùa chay, chúng ta cần nhớ lại Thiên Chúa là ai, và Thiên Chúa đã làm những gì cho chúng ta. Trong sách Đệ Nhị Luật đọc ngày hôm nay, ông Mô-sê nhân dịp Lễ mừng mùa gặt để kêu gọi dân chúng nhớ lại Thiên Chúa đã làm những gì cho họ. Và yêu cầu họ lặp đi lặp lại lời nguyện đó để họ thuộc làu. Vì thế, ông Mô-sê kêu gọi dân chúng Israel nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho họ. Ông ta ghi những điều đó thành một bài kinh của đạo Do Thái: Họ nhớ lại những ngày bị tù đày ở Ai Cập, sự cứu thoát ra khỏi tù đày để đi vào Đất Chúa Hứa. Thiên Chúa là Đấng cứu thoát dân Israel và qua Chúa Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa đó là Đấng cứu thoát chúng ta. Chúng ta cũng theo lời chỉ dẫn của Mô-sê để nhớ đến Thiên Chúa trong mùa chay. Thiên Chúa đã cứu thoát chúng ta vượt qua tù tội để trở về sự sống, như việc vượt qua sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô.

Hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau để mừng mùa gặt mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Cũng như tổ tiên, chúng ta hãy nhớ lại Thiên Chúa đã bước chân vào lịch sử loài người, nhìn thấy chúng ta bị vây hãm trong tội lỗi. Cũng như Thiên Chúa đã làm cho dân israel, Ngài đã thật sự dự phần vào việc cứu thoát, giải vây chúng ta qua việc kết hiệp chúng ta vào Chúa Kitô. Khi là thần phần thân thể của Ngài, chúng ta được ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong chúng ta.

Trong lễ mùa gặt hôm nay, chúng ta nhớ lại công việc lớn lao Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Hôm nay chúng ta mang đến bàn thờ những hoa quả mùa gặt là bánh và rượu. Bánh và rượu tượng trung sự cố gắng của chúng ta để tuân theo ý Thiên Chúa để gây dựng nước trời. Của lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa, ước mong mổi sự hiến dâng ấy giúp chúng ta tiếp tục chấp nhận những thử thách của đời sống người Kitô Hữu.

Năm nay chúng ta đọc phúc âm Thánh Luca trong phụng vụ. Trong những tuần sắp tới, nếu chúng ta chăm chỉ và nhớ lại câu chuyện hôm nay, chúng ta sẽ nghe những sự cám dỗ lặp đi lặp lại trong suốt đời sống Chúa Giêsu (Thánh Luca viết: “Sau khi đã xoay hết cách dể cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ thời cơ khác”). Chúa Giêsu bị cám dỗ do bởi Ngài tự lo cho Ngài, và để tránh khỏi đau đớn hay đói khát (“ông truyền cho hòn đá này nên bánh đi”)

Ma quỷ đề nghị Chúa Giêsu dùng quyền phép mình để phục vụ cho mình. Và sau này, khi có thử thách về quyền năng và nhân tính của Chúa Giêsu, Ngài sẽ bị cám dỗ để làm những phép lạ để đối kháng những kẻ chống lại Ngài (“ông hãy gieo mình xuống đi”). Hoặc để lôi kéo quần chúng theo Ngài, quỷ sẽ cám dỗ Chúa Giêsu làm phép biến đá thành bánh để cho những người đói ăn. Sau khi Chúa Giêsu làm những việc lớn lao, như làm bánh và cá hóa nhiều, dân chúng sẽ kéo nhau tìm đến Ngài để đưa Ngài lên làm vua. Và đây cũng là nhắc lại một cám dỗ khác (“nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”)

Trong phúc âm Thánh Luca, Chúa Giêsu đang trên đường đến thành Giê-ru-sa-lem. Ngài nói với các môn đệ là Ngài sẽ bị thử thách, sẽ chịu đau khổ và rồi sẽ chết. Phêrô không chịu nghe Chúa Giêsu nói như vậy nên Chúa Giêsu gọi ông là satan. Phêrô là một sự cám dỗ lôi kéo Chúa Giêsu từ bỏ nhiệm vụ của Ngài. Các Tư Tế và Biệt Phái là cám dỗ như cám dỗ của quỷ; các ông muốn Chúa Giêsu cho họ dấu chỉ quyền uy của Ngài (biến đá thành bánh? Hay tự gieo mình xuống vực sâu mà không hề hấn gì?) Đấy là những cám dỗ thật sự liên tục bám theo suốt quãng đời Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu để cám dỗ thắng thì Ngài có thể để những người chưa tin trở lại tin vào Ngài.

Chúng Giêsu không muốn những người theo Ngài như những kẻ cám dỗ nói trên. Họ là những người tin tưởng và sức mạnh của Ngài để làm những việc lớn lao mỗi khi cần đến. Và rồi họ sẽ không bao giờ chấm dứt những đòi hỏi đó. Họ sẽ nói “đây, còn những việc này chúng tôi cần Ngài làm đi để chúng tôi tin tưởng vào Ngài”. Họ là những người không tin vào sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài mời gọi chúng ta tin vào Ngài, chứ không tin vào những hiện thực thoáng qua.

Lẽ cố nhiên có những vấn đề quan trọng cần được giải quyết. Như khi chúng ta cầu nguyện cho bệnh nhân; cho một em bị ghiền ma túy; cho một đôi hôn nhân sắp đổ vỡ; xin tìm được việc làm sau nhiều tháng thất nghiệp… Khi không tìm được cách giải quyết chúng ta bị cám dỗ làm cho xuôi tay. Chúng ta thường nghĩ là nếu chúng ta tin tưởng thì lời cầu xin của chúng ta sẽ được chấp nhận phải không? Vậy thử hỏi đức tin của chúng ta có đủ mạnh không? Có phải vì đức tin của chúng ta chưa đủ mạnh; nên làm cho chúng ta không nghe thấy tiếng Chúa Giêsu trong lúc chúng ta cầu nguyện?

Chúng Giêsu đã bị cám dỗ để xuôi tay thối lui như chúng ta. Thiên Chúa ở đâu khi Chúa Giêsu gặp những người chống đối lời rao giảng của Ngài? Sao Thiên Chúa không trả lời Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện trong vườn cây dầu trước khi Ngài bị bắt, hay khi Ngài đang ở trên cây thập giá? Hình như Chúa Giêsu cũng phải trải qua những cám dỗ mà chúng ta phải chịu là hy vọng đối kháng lại hy vọng.

Phúc âm Thánh Luca dùng trong năm C, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu không để cám dỗ lôi kéo Ngài dùng quyền lực Thiên Chúa để sửa chữa thất bại, hay để lôi kéo dân chúng theo Ngài. Chúa Giêsu thật sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài phó mình cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa không bỏ rơi Ngài. Thiên Chúa ở cùng Ngài, nâng đỡ Ngài khi Ngài chịu khổ hình và cứu Ngài qua khỏi sự chết.

Bắt đầu mùa chay này chúng ta cần nhớ lại. Chúng ta không tránh khỏi sự đau khổ, tài hoa, thất bại, chán nản, và sự cám dỗ mất niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta hãy theo gương Chúa Giêsu là luôn dặt niềm tin vào Thiên Chúa mỗi khi chúng ta bị cám dỗ xa cách Chúa, sự tin tưởng vào Chúa Giêsu sẽ nâng đỡ chúng ta. Chúng ta sẽ hy vọng ngược lại là qua tình thương yêu đối với Thiên Chúa chúng ta sẽ đạt đến thành quả cuối cùng. Sự cám dỗ và sự chiến thắng cám dỗ của Chúa Giêsu là nguồn sinh lực cho chúng ta noi theo. Vì Chúa Giêsu mà chúng ta tin, chúng ta không tin vào sức lực của chúng ta mà tin vào quyền lực của Ngài.

Thánh Luca nhắc chúng ta là “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần… và được Thánh Thần dẫn vào hoang địa”. Trong sách Công Vụ Tông Đồ do Thánh Luca viết về ngày Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ. Đó là cách Thánh Luca nhắc cho chúng ta nhớ lại; như xưa Mô-sê đã nhắc nhở dân Israel; là những Kitô Hữu sẽ phải chịu những gì khi trở về Giê-ru-sa-lem. Chúng ta sẽ được Thần Khí Chúa Giêsu nâng đỡ chúng ta để chịu cám dỗ trong sa mạc. Thánh Thần Chúa đồng hành với chúng ta sẽ gìn giữ chúng ta trung kiên với Chúa Kitô là Đấng đã gọi chúng ta theo Ngài.

Xuyên suốt phúc âm Thánh Luca chúng ta sẽ thấy sức mạnh của Thánh Thần: Từ ngày Chúa Giêsu sinh ra (Lc: 1:35 “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà”); lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa (3:22 “và Thánh Thần ngự xuống trên Người”); khi Ngài giảng dạy trong đền thờ (4:18-30 “Thần Khí Chúa ngự trên tôi”); khi Ngài được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa v.v… Hôm nay Chúa Giêsu thắng quỷ cám dỗ vì Thần Khí Chúa ngự trên Ngài. Nhưng còn một lý do khách vều quyền lực của Chúa Giêsu là: Chúa Giêsu luôn luôn dùng Kinh Thánh (4:4,8,12 “đã có lời chép rằng”). Suốt trong lịch sử có những người dùng lời Kinh Thánh không phải để dẫn chứng việc buộc tội, việc trừng phạt, và việc loại trừ họ. Nhưng, trong phúc âm Thánh Luca, những việc quan trọng được nêu ra như việc Chúa sinh ra, sự chết và sự sống lại của Ngài đều được loan báo là “theo lời chép của Kinh Thánh” (như chuyện hai môn đệ trên đường Emmau (24:27, 44-49) “Người giải thích những gì liên quan đến Người trong tất cả sách thánh” “Có lời Kinh Thánh chép rằng”). Thánh Luca khuyên giáo dân là, với Thánh Thần và Kinh Thánh chúng ta sẽ không chịu thua sự cám dỗ trong việc trở nên môn đệ Chúa Giêsu, và những việc lớn lao mà Thiên Chúa làm là để nâng đỡ chúng ta trên đường chúng ta đi theo Chúa Kitô lên Giê-ru-sa-lem.

Lm Fx. Trọng Yên, OP chuyển
 
Chúa Nhật I mùa chay: Thanh Luyện
Lm. Jb. Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R
08:56 18/02/2010
THANH LUYỆN: Chúa nhật I mùa Chay – C (Lc 4, 1-13)

DẪN

Mùa Chay vốn là mùa luyện tập thiêng liêng.

Chính Đức Giê-su trong thân phận con người cũng đã trải qua hành trình này khi sống 40 ngày chay tịnh trong sa mạc (x. Lc 4, 1-13).

Ngày nay, hành trình thanh luyện ấy cũng đang diễn ra hàng ngày nơi cuộc sống người ta.

I. NHỮNG CƠN CÁM DỖ

1. Vật chất

Bước thứ nhất, ma quỷ cám dỗ cơn đói khát vật chất khi nói với Đức Giê-su: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Lc 4, 3).

Ma quỉ tấn công bản năng sinh tồn, một bản năng gắn liền với nhu cầu căn bản, chính đáng của con người.

Chúa đã trả lời ma quỉ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4, 4).

2. Quyền lực

Khi người ta đã bị mê mẩn trong cái bẫy nhu cầu, ma quỉ tấn công bước thứ hai, cám dỗ quyền lực:

“Quỷ đem Đức Giê-su lên cao và trong giây lát chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: tôi sẽ cho ông tòan quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn trao cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả thuộc về tôi” (Lc 4, 5-7).

Ma quỷ đã tấn công lòng tham vọng của con người. Tham vọng quyền lực đã từng làm cho người ta mất đi nhân tính, khiếnh họ khom lưng luồn cúi, hoặc hủy diệt người khác để vươn lên.

Chúa Giê-su đã trả lời cho ma quỉ: “Người phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ lạy một mình Người mà thôi” (Lc 4, 8).

3. Tình cảm

Bước thứ ba, ma quỉ tiếp tục tấn công vào cái “tôi” của con người:

“Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Lc 4, 10-11).

Ma quỉ đã tấn công vào lòng tự trọng của con người. Nơi mỗi con người đều có lòng tự trọng. Chính lòng tự trọng sẽ điều khiển hành vi của người. Từ đó dẫn đến những hậu quả tốt hoặc xấu.

Chúa Giê-su đã trả lời ma quỉ: “Người chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4, 12).

II. HẬU QUẢ NGUY HẠI

1. Vật chất

Vật chất là tài sản Chúa ban để phục vụ sự sống của con người đúng phẩm giá làm người và làm con Chúa.

Vì là nhu cầu chính đáng nên người ta dễ bị mắc lừa mà biện minh cho những ham mê vật chất.

- Không ít người xem vật chất như thể cùng đích phải đoạt được bằng mọi giá. Vì vật chất, họ đã: bỏ dâng lễ Chúa Nhật, không đọc kinh…thậm chí bỏ cả đạo để mong được vật chất.

- Không ít người vì vật chất mà đã chém giết, loại trừ nhau không thương tiếc; anh em huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt.

- Không ít người vì vật chất đã bất chấp mọi thủ đoạn dã man: buôn bán phụ nữ trẻ em, buôn bán các lọai ma túy, tổ chức bài bạc… phá hoại hạnh phúc nhiều người.

2. Quyền lực

Trước tòa án Philatô, Chúa Giê-su đã khẳng định quyền lực do Chúa ban (x.Ga19, 11) để người ta dùng mà phục vụ, chứ không tự con người mà có.

Khi lạm dụng quyền lực:

- Trong các tông đồ của Chúa cũng đã xảy ra những trận tranh dành làm mất đi vẻ đẹp của đoàn tông đồ.

- Không ít người mất tính người khiến cho thế giới biết bao lần xảy ra những trận thảm sát diệt chủng.

- Có nơi người ta tranh dành chức tước, dã tâm thanh toán lẫn nhau, bất chấp tình máu mủ ruột thịt.

- Có người đã chối Chúa, không dám viết trong lý lịch mình là người Công Giáo.

2. Tình cảm

Tình cảm thể hiện rõ nét nơi cái “tôi” của con người. Nơi mỗi con người đều có lòng tự trọng. Nhờ lòng tự trọng người ta đã vươn lên vượt khó. Có người từ kẻ bần hàn đã thành danh và thàng công vượt bực.

Tuy nhiên, nếu không tự chủ thì một khi lòng tự trọng bị xúc phạm, người ta khó có thể kìm chế dục vọng.

Chính ông bà Adong Evà đã mắc phải cơn cám dỗ này nên đã không sống tâm tình con hiếu thảo với Chúa, muốn hơn Chúa, chống lại Chúa.

Lịch sử chứng kiến, cũng vì muốn chứng tỏ mình nên nhiều vị vua chúa đã giết chết không biết là bao nhiêu mạng người.

Cũng vì muốn chứng tỏ mình, nên nhiều bạn trẻ đã lao mình vào những trò chơi ngông cuồng cảm giác mạnh như: đua xe tốc độ, lao mình từ độ cao xuống vực thẳm, tổ chức băng đảng chém giết, bỏ nhà đi bụi, gây náo loạn mất trật tự, làm phiền toái bao người.

Không ít người vì tiếng gọi của tình cảm đã dễ dàng bỏ Chúa để chạy theo người tình. Thậm chí còn vi phạm luật vợ chồng, phát nát hạnh phúc gia đình người khác.

III. THANH LUYỆN

1. Sống Lời Chúa

Nơi hoang địa sau 40 ngày chay tịnh Chúa Giê-su đã chiến thắng Satan bằng Lời Thiên Chúa:

- Vật chất: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4, 4).

- Tình cảm: “Người chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4, 12).

- Quyền lực: Người phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ lạy một mình Người mà thôi” (Lc 4, 8).

Theo gương Chúa Giê-su, người tín hữu quyết tâm sống lời Chúa, với những việc cụ thể:

- Đón nhận lời Chúa với tâm hồn vui mừng, tạ ơn, và ước muốn được dạy dỗ…

- Mỗi người phải thuộc ít nhất một câu Kinh Thánh, đồng thời dấn thân quyết liệt theo đòi buộc của câu ấy.

-Nghe lời rao giảng của Hội Thánh, học hỏi để biết lời Chúa chính xác.

2. Trông cậy sức mạnh cộng đoàn

- Thông tin: Gia đình, xã hội về những kỹ năng sống.

- Tiếp cận: Những dịch vụ giáo dục, y tế, pháp lý, giải trí lành mạnh…

- Sinh hoạt: Khiêm tốn đón nhận những lời chỉ dạy góp ý, sống trong môi trường an toàn và được hỗ trợ.

- Tôn giáo: Làm chương trình sống mùa Chay: tăng cường hy sinh, cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái, tĩnh tâm của giáo xứ…

3. Có chương trình sống

- Không đùa giỡn với cơn cám dỗ, những tệ nạn…

- Không liều mình tham gia vào những thú tiêu khiển nguy hiểm: nghiện ngập, đua xe, quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân,…

- Sáng tạo: Không đầu hàng trước khó khăn, đặt ra những kế hoạch nhỏ rồi giải quyết từng phần, tập trung giải quyết vấn đề không quá lo lắng về những trục trặc có thể xảy ra.

- Nhận thức giá trị bản thân, và biết chọn lọc thông tin (điểm mạnh, điểm yếu, ý thức giới,…). Hạnh phúc sẽ đến bởi chính thái độ của mỗi người trước cuộc sống.

KẾT

Mùa Chay là mùa luyện tập thiêng liêng.

Theo Đức Giê-su người ta cũng đã trải qua những cám dỗ: vật chất, tình cảm, quyền lực.

Thanh luyện, sống Lời Chúa, nỗ lực khắc khổ, cùng Chúa Giê-su người tín hữu chiến đấu và sẽ chiến thắng.
 
Cho vinh danh Chúa - Chúa Nhật Thứ 1 Mùa Chay
Pm. Cao Huy Hoàng
19:35 18/02/2010
Trong những ngày chuẩn bị Đón Xuân Canh Dần, anh em Lâm Gia- Chủng viện Lâm Bích, đã có nhiều việc lành đáng kể: nhận những khoản bác ái của anh em rồi mua sắm quà tết và trực tiếp đem đến cho những người nghèo những vùng sâu vùng xa. Một công việc đem lại nhiều niềm vui cho cả người cho, người chuyển, và người nhận. Tất cả đã chia sẻ cho nhau những niềm vui ấy trong những ngày đầu Xuân, niềm vui của lòng dâng hiến, niềm vui của Đức Bác Áii.

Niềm vui ấy vẫn còn râm ran, còn tản mạn trong anh em cho đến ngày Vào Chay. Nhưng, để niềm vui thánh thiện hơn, Thầy Sáu Liệu gửi đến anh em mấy lời dặn của Ông Nội – cách vẫn thường gọi Đức Hồng Y Phanxicô trong Lâm Gia:

“Trong chương 31, Bác ái, đồng phục của người Kitô hữu, của cuốn Đường Hy Vọng, số 774 và 786, Nội đã viết như thế này:

“Các việc từ thiện, xã hội rất cần và rất tốt, nhưng với thời đại nguyên tử, chúng ta nói được rằng, chúng ta chưa yêu thương đích thực khi chúng ta chưa dấn thân đòi hỏi, sáng tạo, biến đổi những cơ cấu ngăn chặn sự giải phóng con người, để làm cho con người sống "người hơn”.

“Nếu các công việc từ thiện xã hội của con không phải vì Chúa, thì con chỉ là nhân viên của một chi nhánh Hồng Thập Tự”

Thật là một nhắc nhở chính đáng, gợi lên nơi mỗi người một suy gẫm trong mùa chay Thánh nầy: dành tất cả cho Thiên Chúa.

Có thể mỗi người chúng ta đang vào mùa chay với bao dự tính, nhưng thiết nghĩ, không thể quên một dự tính quan trọng là “tất cả vì vinh danh Thiên Chúa”.

Chị Chiara Lubich chia sẻ:

“Vào thời Đức Giêsu, "làm việc lành phúc đức" nghĩa là thực hiện một số việc thực hành tôn giáo: cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Đức Giêsu bảo rằng bạn hãy làm những việc thờ phượng hoặc bác ái này vì Thiên Chúa, chứ không phải để kiếm chác lời khen của người khác. Như Đức Giêsu đã nói: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng (Mt 6,1)”

Những gợi ý trên hy vọng sẽ giúp bạn và tôi ngộ ra được điều lý thú trong Lời Chúa CN 1 Chay nầy: Chúa Giêsu chịu cám dỗ và Ngài đã chiến thắng những cơn cám dỗ, vì Ngài đã không sống cho chính mình, nhưng sống cho Vinh Danh Thiên Chúa.

“Sau khi đã ăn chay 40 đêm ngày, ngài thấy đói. Satan đến gần và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy biến những viên đá này thành bánh đi” (Mt 4:3).."Satan đưa ngài lên đỉnh cao của đền thờ, hắn nói với ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi. Vì có lời Thánh Kinh chép rằng ‘Ngài sẽ truyền cho các thiên thần nâng đỡ ông, để chân ông không vấp phải đá” (Mt 4:6). Cuối cùng, khi đưa ngài lên đỉnh núi, cho thấy tất cả vinh quang trần thế, hắn nói với ngài: “Nếu ông sấp mình thờ lạy ta, thì tất cả thuộc về ông” (Mt 4:9).

Cả ba câu trả lời của Chúa Giêsu đều cho thấy Ngài đang qui về Thiên Chúa, và nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, Ngài chiến thắng cám dỗ:

-"Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”

-Đức Giê-su đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."

-"Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."

Phân tích ba cám dỗ của Satan dành cho Chúa Giêsu, có thê thấy, tất cả cám dỗ đều tập trung vào một chủ điểm: hãy lo cho chính mình, hãy khẳng định chính mình, hãy tìm vinh quang cho chính mình.

Cũng vậy, trong đời sống chúng ta, những cơn cám dỗ không ngoài mục đích kéo chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Thật dễ chấp nhận, buông xuôi, và sa chước cám dỗ, vì đây là một thực tế khá sinh động trong cuộc sống trần thế:

-Tìm lo tư lợi cho chính mình mà quên lợi ích của tha nhân của cộng đồng, nhất là của những người nghèo khổ, túng thiếu bệnh hoạn tật nguyền, đau khổ.

-Khẳng định chính mình có quyền lực mà bỏ qua những nguyện vọng chính đáng của những kẻ thấp bé, hoặc còn hơn thế nữa, chà đạp tất cả nhân phẩm, công lý, sự thật để củng cố địa vị của mình.

-Tìm vinh quang cho mình mặc dầu vẫn biết thứ vinh quang ấy là một bã phù vân nay còn mai mất.

Và Chúa Giêsu đã chiến thắng vì sống cho Vinh Danh Thiên Chúa.

Mùa chay Thánh đang mời gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa là hãy sống hãy làm việc, tất cả cho vinh danh Thiên Chúa.

Tiên tri Daniel, cũng nhắc nhở chúng ta tất cả cho vinh danh Chúa: “Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con.’ “Anh (em) sẽ đặt lễ vật trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) rồi anh (em) phủ phục trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em).” (Đnl 26,10)

Thánh Phaolô, cụ thể hơn, mời gọi chúng ta qui về Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, qua cuộc thương khó và phục sinh của Người: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10, 9)

Như một lời cảnh báo trước những tấn công muôn hình vạn trạng của virut thời đại điện toán, Lời Chúa Giêsu, Tiên tri Daniel, Thánh Phaolô, đã nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác cao độ trước cơn cám dỗ qui về mình. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta chiến thắng những cơn cám dỗ bằng cách hãy qui về Thiên Chúa mọi tâm tư, tình cảm, ý nghĩ và mục đích công việc của chúng ta trên đời, trong hành trình Đức Tin.

Lạy Chúa, con hiện hữu là nhờ Chúa, và chỉ có Chúa, sự hiện hữu của con mới thật sự có giá trị. Xin cho con luôn sống và làm việc tất cả vì vinh danh Chúa.
 
Hành trình đi vào đất hứa
LM. Trần Bình Trọng
21:00 18/02/2010
HÀNH TRÌNH ÐI VÀO ÐẤT NƯỚC HỨA

Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm C
Ðnl 26:4-10; Rm 10:8-13; Lc 4:1-13


Mùa chay là thời gian người tín hữu kiểm điểm lại mối liên hệ trước mặt Chúa và xét lại mối tương quan giá trị của mỗi người: những gì là quan trọng trước mặt Chúa và quan trọng hơn trong cuộc sống người tín hữu. Mùa chay kéo dài bốn mươi ngày, nhắc nhở cho người tín hữu 40 năm trường dân Chúa đi qua sa mạc để vào đất hứa. Thời gian 40 ngày còn nhắc nhở cho người tín hữu việc ăn chay cầu nguyện 40 ngày của một số ngôn sứ. Ðể sửa soạn cho giao ước Sinai, ông Môsê đã ăn chay 40 ngày đêm để nhận lãnh bia đá giao ước (Xh 34:28; Ðnl 9:9). Ngôn sứ Êlia đã ăn chay 40 ngày trên đường lên núi Khô-rếp (1V 19:8). Truyền thống Kitô giáo cho rằng ông Gioan Tiền hô cũng ăn chay 40 ngày trước khi ông xuất hiện từ hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối, dọn đường cho Ðấng cứu thế đến. Chính Chúa Giêsu cũng đã ăn chay 40 ngày trong hoang địa trước khi bắt đầu cuộc sống công khai (Mt 4:2; Mc 1:13; Lk 4:2).

Trước khi đi vào miền đất hứa, dân Chúa phải lang thang qua sa mạc 40 năm trường. Họ được nhắc nhở để ghi nhớ những kì công Chúa đã làm cho họ: giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập và làm giao ước với họ trên núi Sinai. Trong sa mạc, họ gặp nhiều cám dỗ, thử thách và thường họ sa ngã, vấp phạm. Họ phàn nàn, kêu trách Chúa. Họ thách thức Chúa biểu lộ quyền năng để cứu họ. Họ chối bỏ Chúa để đi thờ các thần ngoại lai. Họ còn đúc bò vàng để thờ (St 32:4, 8; Đnl 9:16; 2V 17:16; Nkm 9:18). Họ phản bội Chúa. Và mỗi lần họ ăn năn sám hối thì Chúa lại giang tay đón nhận họ trở về.

Phúc âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa bốn mươi ngày và chịu ma quỉ cám dỗ về ba phương diện: mê ăn, vinh hoa lợi lộc và kiêu ngạo (Lc 4:1-13). Theo phương diện là người, Chúa Giêsu cũng bị ma quỉ cám dỗ. Và Chúa đã toàn thắng cám dỗ nhờ việc ăn chay, cầu nguyện để được trung thành với sứ mệnh mà Thiên Chúa Cha trao phó.

Qua Bí tích Rửa tội, người tín hữu được trở nên dân tộc mới được chọn. Chúa Giêsu cũng đưa dẫn ta tới miền đất nước hứa, nước mà Chúa bảo ông Nicôđêmô chỉ có những người sinh lại bởi nước và Thánh Thần mới được vào (Ga 3:5), và nước mà Chúa đã hứa với người trộm lành (Lc 23:43). Tuy nhiên trước đó ta phải trải qua sa mạc thế gian. Ta cũng phải chịu cám dỗ và thử thách. Theo quan niệm Kitô giáo, thì cám dỗ là mưu chước của ma quỉ. Chúa để cho cám dỗ xẩy đến với những người được kêu gọi. Khi những ước muốn và nguyện vọng của ta không được toại nguyện, ta phàn nàn, kêu trách Chúa. Cám dỗ là thước đo tự do lựa chọn của mỗi người.

Trước những cám dỗ thử thách, ta có thể lựa chọn hoặc ưng thuận hay chống trả. Nếu không có tự do lưạ chọn, thì loài người không có trách nhiệm. Cám dỗ thường là mưu chước của Satan. Tuy nhiên dỗ cũng là triệu chứng nói lên yếu điểm của mỗi người. Mỗi người có những yếu điểm khác nhau: có người ham danh, người ham lợi, người ham thú vui. Vì thế ma quỉ thường lợi dụng những yếu điểm của mỗi người để tấn công. Và ma quỉ còn dùng chiến thuật du kích để tấn công nữa, nghĩa là đối tượng mà ma quỉ dùng để cám dỗ không phải là trực tiếp, nhưng là gián tiếp. Vì thế ta phải tỉnh táo nhận định. Ðể có thể trung thành, ta phải kêu cầu danh Chúa như thánh Phaolô dạy tín hữu Rôma: Tất cả những ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu thoát (Rm 10:13) và tuyên xưng đức tin vào Chúa như ông Môsê dạy dân chúng trong Cựu ước (Ðnl 26:5-10).

Mùa Chay là mùa ăn năn đền tội, là thời gian ăn chay, kiêng thịt, hi sinh, hãm mình và làm việc lành phúc đức. Màu sắc phụng vụ trong mùa chay là màu tím tượng trưng cho tâm tình ăn năn, sám hối. Lợi điểm của việc ăn chay là để không những giữ gìn sức khoẻ phần xác, nhưng còn để gia tăng sức mạnh thiêng liêng, hầu chống trả cám dỗ. Nếu người ta kiêng ăn uống chỉ nhằm giữ gìn sức khoẻ phần xác mà thôi, như để khỏi mập, khỏi cao máu, hay làm giảm chất béo cholestorol, thì việc kiêng ăn uống không có giá trị thiêng liêng, vì thiếu động lực tôn giáo thúc đẩy. Vì vậy muốn có giá trị thiêng liêng, người ta phải đem động lực tôn giáo vào việc kiêng cữ đồ ăn thức uống. Thiết tưởng đời nay, người ta cũng cần xét lại việc kiêng cữ đồ ăn thức uống. Sống trong một vài xã hội hiện tại và hiện đại, người ta thấy thịt thà quá dư thừa. Vì thế được dịp ăn cá cũng là tốt cho sức khoẻ phần xác. Vả lại những người thích ăn cá thì việc kiêng thịt cũng không hẳn là viêc hãm mình. Có những người kiêng thịt mà lại đi ăn tôm hùm chẳng hạn, thì chắc hẳn phải đặt lại vấn đề hãm mình vì tôm hùm vừa ngon miệng lại vừa mắc tiền.

Ngoài luật đòi hỏi người tín hữu ăn chay kiêng thịt mà đời nay có tính cách đơn giản, Giáo hội mong muốn người tín hữu tự nguyện ăn chay kiêng thịt thêm nữa. Ngoài ra Giáo hội còn mong muốn người tín hữu, không những kiêng thịt, mà còn kiêng miệng lưỡi, lỗ tai và con mắt để chỉ nói, chỉ nghe, chỉ nhìn xem những gì đáng nói, đáng nghe và đáng xem, những gì làm đẹp lòng Chúa. Trong mùa Chay người tín hữu nhớ lại những thất bại, những yếu đuối, những lỗi lầm trong quá khứ và ăn chay đền tội để xin Chúa nhân lành tha thứ và để sửa soạn tâm hồn mừng lễ Phục sinh. Người tín hữu ăn chay, hi sinh, hãm mình, đền tội.. không phải như là việc gì phải làm một cách bất đắc dĩ. Người tín hữu làm những việc trên và tất cả mọi việc vì lòng yêu mến Chúa. Và đó là sự khác việc lớn. Và khi người tín hữu làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, tình yêu Chúa sẽ giúp biến đổi tâm hồn và đời sống trên đường đi vào cõi siêu việt.

Lời cầu nguyện xin cho được trung thành vói lời giao ước khi chịu Phép Rửa tội:

Lạy Chúa, cũng như dân trong Cựu ước
gặp nhiều cám dỗ trên đường đi về đất hứa,
chúng con cũng chịu cám dỗ, thử thách về đức tin.
Xin ban cho con được trung thành
với lời giao ước con đã làm qua Bí tích Rửa tội.
Xin dạy con biết dùng việc ăn chay, cầu nguyện
hi sinh, hãm mình, bác ái trong mùa Chay thánh này
để làm tăng cường sức mạnh thiêng liêng
hầu có thể chống trả cám dỗ. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu phải “thành tâm” hoán cải
Bùi Hữu Thư
06:35 18/02/2010
Đây là một quyết định có tính cách luân lý, nhưng sự thực là về đức tin

Rôma, Thứ Tư 17, tháng 2, 2010 (El Mundo Visto Desde Roma).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói ngày thứ Hai là việc trở về của mỗi người “có nghĩa là sự thay đổi lối sống không chỉ như một điều chỉnh nhỏ nhặt, nhưng là một sự đổi hướng đi ngược lại hoàn toàn,” và mời gọi các tín hữu “hãy coi việc này hết sức quan trọng” trong Mùa Chay này.

Ngài nói, "Hoán cải là đi ngược lại,” ngài yêu cầu cử tọa hãy bỏ “lối sống hời hợt bề ngoài” dẫn đưa đến tình trạng “đạo đức tầm thường,” và hướng về tột đỉnh của đời sống Kitô.”

Đức Thánh Cha dành bài giáo lý hôm nay cho buổi triều kiến chung với các khách hành hương tụ tập tại Sảnh Đường Phaolô VI, để giảng về ý nghĩa của hai công thức được dùng trong nghi thức phụng vụ của việc xức tro, khởi đầu cho sự thống hối vào Mùa Chay.

Câu thứ nhất: “Hãy xám hối và tin vào Tin Mừng,” Đức Thánh Cha nói, “hoán cải” là “điều phải coi là hết sức quan trọng.”

Thực vậy, "Lời mời gọi hoán cải, lột trần và phơi bầy lối sống bề mặt hời hợt của chúng ta."

Ngài nói, "Hoán cải là đi ngược giòng, từ lối sống ‘hiện thời’ nông cạn, mơ hồ và giả tạo, thường lôi kéo chúng ta, chế ngự chúng ta và làm cho chúng ta trở thành nô lệ cho sự dữ hay ít ra cũng bị tù đầy cho những đồi trụy về luân lý.”

Tuy nhiên, với sự hoán cải, “chúng ta được hướng về cao điểm của đời sống Kitô, chúng ta tin tưởng vào Phúc Âm hằng sống chính là Đức Kitô. Người chính là cùng đích và là ý nghĩa sâu xa nhất của sự hoán cải. Đức Thánh Cha tiếp, “Hoán cải không chỉ là một quyết định về luân lý, là cải tổ lối sống, nhưng là một quyết định về đức tin giúp chúng ta hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu hằng sống và cụ thể."

"Đó là ‘xin vâng’ trọn vẹn và trao gửi sự hiện hữu của mình cho Phúc Âm, là đáp lời Chúa Kitô cách 'nhưng không', vì Người là Đấng đã ban cho chúng ta con đường, sự thật và sự sống, là những gì giải phóng chúng ta và cứu độ chúng ta.

Đức Thánh Cha trích dẫn sứ điệp Mùa Chay của ngài, và nói “mỗi người phải khiêm nhường chấp nhận rằng mình cần Chúa giúp cho được giải phóng khỏi ‘cái tôi’, để cho mình được tự do vâng theo ý Người. Nhờ tình yêu Đức Kitô, chúng ta được đạt tới sự công chính ‘lớn lao nhất’, đó là tình yêu.”

Về công thức thứ hai, “Hỡi mình hãy nhớ mình là bụi tro, một mai mình sẽ trở về bụi tro,” Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta về sự mỏng dòn, và cả cái chết của chúng ta, là hình thức chung cuộc.

"Trước sự hãi sợ cái chết, và hơn nữa trong bối cảnh của một văn hóa thường kiềm chế thực tại và kinh nghiệm con người về cái chết, nghi thức phụng vụ Mùa Chay, một mặt nhắc chúng ta là cái chết mời gọi chúng ta trở về với thực tại và sự khôn ngoan, mặt khác lại khuyến khích chúng ta tiếp tục sống với tin mừng là Đức Tin Kitô giải phóng chúng ta khỏi chính thực tại của cái chết."

Đức Thánh Cha nói, "Con người là bụi tro và sẽ trở về tro bụi, nhưng bụi tro này rất quý giá trước mắt Thiên Chúa.”

"Chúa Giêsu tự nguyện chia sẻ với định mệnh mỏng dòn của mỗi con người, đặc biệt là qua cái chết của Người trên Thập Giá, nhưng cái chết của Người, tràn đầy tình yêu cho Chúa Cha và cho nhân loại, chính là con đường của sự Phục Sinh vinh hiển.”

Cử chỉ xức tro nhỏ nhoi “bầy tỏ sự phong phú độc đáo của ý nghĩa của nó: đây là lời gọi tham dự hành trình Mùa Chay như một sự nhận chìm sâu để ý thức nhiều hơn và mạnh mẽ hơn về mầu nhiệm của Chúa Kitô tử nạn và Phục Sinh.”
 
77 ngàn người đã ký thỉnh nguyện thư ủng hộ việc phát hành tem thư tôn vinh Mẹ Teresa
Phụng Nghi
07:42 18/02/2010
CHICAGO (Zenith.org) - Một số người Mỹ vô thần đang chống đối dự án của bưu điện Hoa kỳ sẽ phát hành tem thư tôn vinh Chân phước Teresa Calcutta, thường được gọi là Mẹ Teresa. Hàng ngàn người Công giáo đã phản ứng lại, cho việc chống đối đó là hành động kỳ thị tôn giáo.

Hôm thứ Ba vừa qua, tổ chức CatholicVoteAction.org đã phổ biến một thông báo cho báo chí, kêu gọi người Mỹ gia nhập nhóm gần 78 ngàn người đã ký tên trên một thỉnh nguyện thư ủng hộ việc phát hành con tem tôn vinh Mẹ Teresa.

Thỉnh nguyện thư, gửi cho ông Giám đốc Bưu điện Hoa kỳ Jack Potter, khẳng định: “Chúng tôi thật bàng hoàng và buồn bã khi được biết có những nhóm người vô thần đang vận động để ngăn chặn [Sở Bưu diện Hoa kỳ] không cho phát hành một tem thư mới nhằm tôn vinh Mẹ Teresa.”

Bản thỉnh nguyện thúc giục ông Potter “duy trì quyết định sẽ phát hành con tem vào ngày 26 tháng 8 sắp tới, và loại bỏ những cuộc tấn công mù quáng nhằm nhục mạ vị nữ tu vì đầy niềm tin, đã cống hiến cả cuộc đời để chăm sóc cho người già nua và thiếu thốn trong thế giới chúng ta.”

Brian Burch, chủ tịch nhóm hoạt động nói trên, tuyên bố: “Chúng tôi mong muốn vị Tổng giám đốc Bưu điện biết cho rằng hàng triệu người Mỹ đã ủng hộ quyết định của Bưu điện phát hành một tem thư mới tôn vinh Mẹ Teresa.”

“Tuy chúng tôi hài lòng vì ông Tổng giám đốc Bưu điện Potter cho đến nay đã bảo vệ quyết định đó, nhưng chúng tôi tiếp tục chống đối lại những người đang tìm cách phỉ báng người nữ tu đầy đức tin này.”

Ông Burch cho biết rằng sở bưu điện có chính sách cấm phát hành những tem thư nhằm “tôn vinh các tổ chức hay cá nhân thuộc tôn giáo nào mà các thành quả chính có liên hệ trực tiếp với các hoạt động kinh doanh hay niềm tin tôn giáo.”

Tuy nhiên, ông khẳng định rằng chính sách này không nên loại bỏ ra ngoài những nhân vật tôn giáo nào lừng danh vì những cống hiến cho thế giới.

Nhóm hành động nói trên cho biết rằng trong quá khứ, các nhân vật tôn giáo cũng đã được vinh danh bằng tem thư tưởng niệm, như John Witherspoon năm 1976, Mục sư Martin Luther King, Jr. năm 1979 và 1999, Martin Luther năm 1983, and Linh mục Edward Flanagan năm 1986.

Xứng đáng



Ông Burch phát biểu: “Mẹ Teresa hãnh diện là một người Công giáo Roma, và đức tin tôn giáo của Mẹ quả đã linh hứng cho Mẹ làm được những việc bác ái. Tuy nhiên, sự nghiệp phục vụ cho thế giới của Mẹ đã được cả toàn cầu công nhận là xứng đáng được biểu dương.”

“Sự kiện Mẹ là một nữ tu Công giáo không nên được coi là yếu tố làm cho Mẹ bị loại bỏ không được nhận những vinh dự vì các hành động bác ái và hoà bình rất đáng ngạc nhiên của Mẹ. Làm thế sẽ tạo thành một hình thức kỳ thị tôn giáo thô bạo.”

Tổ chức Freedom From Religion Foundation đang lãnh đạo phong trào chống đối việc phát hành tem thư Mẹ Teresa, cho rằng nữ tu này đã một “khía cạnh đen tối”, như lời trong bản thông cáo của họ cho biết.

Ông Burch khẳng định rằng “lý do thật sự gây nên nỗi bất bình của những người này dường như là vì công cuộc bảo vệ của Mẹ Teresa đối với nền luân lý tính dục và phẩm giá của mọi cuộc sống con người.”

Ông giải thích là tổ chức nói trên đã kết án vị nữ tu này vì đã phát biểu một “tràng đả kích nạn phá thai” khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 1979.

Nhóm hành động đã chỉ ra cho biết có nhiều lý do tại sao nên tôn vinh Mẹ Teresa.

Lời trong thỉnh nguyện thư viết: “Bằng tình yêu thương và lòng bác ái, Mẹ Teresa đã chăm sóc cho hàng chục ngàn người không phân biệt tình trạng đói nghèo, chủng tộc, giới tính hay tôn giáo. Mẹ đã chăm sóc cho họ vì họ là những con người, và nay còn tiếp tục linh hứng cho cả hàng triệu người cả sau khi đã qua đời.”

Có thể ký thỉnh nguyện thư tại: www.stampoutbigotry.com

Số người ký tên hiện nay đã trên 79 ngàn, và còn đang tiếp tục gia tăng.
 
Chiến dịch kêu gọi người Công Giáo quay trở lại với Giáo Hội.
Lưu Hiền Đức
15:42 18/02/2010
Chiến dịch kêu gọi người Công Giáo quay trở lại với Giáo Hội.

Tổng Giáo Phận Seattle vừa bắt đầu cho đăng các đoạn phim ngắn nhằm kêu gọi người gốc Công Giáo đã bỏ đạo, cải đạo sang đạo khác, hoặc không còn sinh hoạt với Giáo Hội quay lại với Giáo Hội. Điểm đặc biệt của chiến dịch năm nay không nhằm lôi kéo người ta quay lại với Giáo Hội Công Giáo hoặc giành giật họ từ các Giáo Hội khác nhưng thay vào đó là các đoạn phim quảng cáo chiếu những sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo như cảnh các cha rửa tội cho các em nhỏ, cảnh cách linh mục đang dâng lễ, cảnh các linh mục chào hỏi người đi lễ, cảnh các nữ tu cùng chơi bóng với các em nhỏ bên ngoài viện mồ côi. Ông Tom Peterson, một người Công Giáo và cũng một chuyên gia về quảng cáo đã khởi xướng ý tưởng của chiến dịch này.

Chiến dịch này chủ trương nhắm vào những người từng có đạo Công Giáo nhưng vì lý do này lý do khác đã bỏ đạo, thờ ơ, hoặc cải đạo sang các tôn giáo khác. Các đoạn phim trình bày lịch sử của đạo Công Giáo, những việc tốt đã làm được và nhất là sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người.

Seattle là một trong mười lăm giáo phận thực hiện chiến dịch này. Ở TGP Seattle có khoảng sáu trăm ngàn người Công Giáo hiện đang giữ đạo, và có gần bốn trăm ngàn người Công Giáo đã không còn giữ đạo. Theo thăm dò mới đây, có nhiều lý do người Công Giáo xa rời Giáo Hội như: bất mãn với các bê bối tình dục của các linh mục, chưa tìm được sự liên kết giữa Kinh Thánh và đời sống, sự khắt khe của Giáo Hội về vấn đề đồng tính và phong chức linh mục cho phụ nữ, v..v... Nhưng kết quả bất ngờ của thống kê cho thấy, đại đa số người Công Giáo bỏ đạo là vì lý do quá bận rộn với cuộc sống hàng ngày.

Các giáo xứ cũng đã quyên góp gần nửa triệu Mỹ Kim cho chiến dịch này cũng như huấn luyện nhân viên để chuẩn bị tiếp đón một số lượng rất lớn những người quay trở lại với Giáo Hội sau chiến dịch này. Tại Phoenix và Corpus Christi, báo cáo cho thấy số lượng người đi lễ đã tăng hơn 15 phần trăm.

Cha Jim Lee, chánh xứ St. Michael tại Olympia, tiểu bang Washington có sáng kiến rất đơn giản và ít tốn kém mà ai cũng có thể thực hiện được. Ngài kêu gọi giáo dân trong giáo xứ hãy mở miệng cười với tất cả mọi người mình gặp trong nhà thờ, chào hỏi người bên cạnh, người ngồi ghế trước, ghế sau; và mở miệng cười với mọi người ở nơi làm việc, hàng xóm, ở chợ. Ngài mong mỗi giáo dân hãy trở thành nơi nương tựa, nơi tâm sự cho đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè khi họ cần đến mình. Nếu có thể được, giáo dân có thể mời họ đến nhà thờ dự lễ hoặc tham gia các sinh hoạt khác trong giáo xứ. Nhà thờ St. Michael hiện vẫn mở cửa hàng đêm cho các người vô gia cư đến trú lạnh trong mùa đông. Nhà thờ còn chuẩn bị bữa tối, cung cấp quần áo, mùng mền, vớ sạch, và nhận giặt đồ cũ cho họ.

Đọc thêm chi tiết tại www.CatholicsComeHome.org
 
Tổng thống Barack Obama tiếp đón Đức Đalai Lạtma: một tín hiệu gián tiếp cho Bắc Kinh
Hà Long
17:49 18/02/2010
Tổng thống Barack Obama tiếp đón Đức Đalai Lạtma: một tín hiệu gián tiếp cho Bắc Kinh

Washington, 18/2/2010 - Từ nhiều ngày qua chính quyền cộng sản Tàu tại Bắc Kinh đã rùm beng tuyên truyền, phản đối, tẩy chay hàng Mỹ, trừng phạt kinh tế cho buổi tổng thống Barack Obama tiếp đón Đức Đalai Lạtma tại Tòa Bạch Ốc. Câu chuyện gay cấn như trong những kịch bản kiếm hiệp của những ác ma muốn xưng bá võ lâm và sẵn sàng tiêu diệt những kẻ không theo tức là chống đối mình. Cảnh tác yêu tác quái của cộng sản Tàu đã thành công hơn một năm nay từ khi tổng thống Barack Obama nhậm chức và ông Obama đã một lần cúi đầu vâng lệnh theo chỉ thị của Tàu vào năm 2009 không được tiếp đón Đức Đalai Lạtma. Chúng ta nhớ lại cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu ở thủ đô Copenhagen (từ ngày 7 tới 18/12) để muốn đạt tới một thỏa hiệp chung, nhất là cần đến sự tham gia của cộng sản Tàu cho nên tổng thống Obama từ chối gặp gỡ Đức Đalai Lạtma. Kết qủa của cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu kết thúc với nhiều thất vọng, điều này ai cũng biết rõ ràng đến từ thái độ bất hợp tác của Tàu, ngoài ra Tàu còn lôi kéo các nước nghèo vào cuộc chung với họ. Cay đắng với bài học thảm thương như thế, Barack Obama bây giờ - người bất chấp cảnh báo rõ ràng từ Bắc Kinh đã tiếp đón lần đầu tiên vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, Đức Đalai Lạtma.

Đầu tiên gào thét cho quan hệ hữu nghị với cộng sản Tàu

Khi tổng thống Barack Obama vào cuối mùa hè 2009 trong một hội nghị kinh tế giữa Mỹ và Tàu đã phát biểu quan trọng về mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, ông đã đề cập đến từ ngữ „hợp tác“ đến 8 lần và nhiều lần mời gọi những người cầm quyền ở Bắc Kinh về sự hợp tác bình đẳng.

Tiếp đến ông Obama đã gửi một tín hiệu rõ ràng khác theo hướng thân thiện với Bắc Kinh: cuối năm 2009 Washington không có thời gian đón tiếp Đức Đalai Lạtma. Sứ điệp này được các nhà lãnh đạo Tàu đón nhận với sự đắc thắng. Nhưng ngược lại Obama tạo ra các kẻ chống đối từ các tổ chức nhân quyền thế giới và và phe đối lập Đảng Cộng Hòa tại quốc hội Mỹ. Chưa hết, trong một diễn văn nữ ngoại trưởng Hillary Clinton nói rằng sự thâm hụt về tự do nhân quyền không ngăn trở mối quan hệ tốt giữa hai quốc gia.

Ông Obama tự mình đã đi đến Bắc Kinh vào cuối tháng 11/2009 và dẫn đầu các cuộc thảo luận thân thiện với đảng cộng sản Tàu và các lãnh đạo nhà nước. Không từ bỏ mọi cơ hội ông Obama tìm nhiều hình thức để tạo ra mối quan hệ tốt giữa Mỹ - Tàu: "Triển vọng của tôi dựa vào thực tế là Hoa Kỳ và Tàu có lợi ích chung," ông nói. "Nếu chúng ta sử dụng những lợi ích hợp tác thì người dân của hai nước chúng ta được hưởng lợi từ nó và cả thế giới sẽ trở nên tốt hơn sau đó." Cả năm vừa qua người ta luôn luôn có ấn tượng rằng vị tổng thống mới của Mỹ và chính phủ của ông cố gắng gào thét cho quan hệ hữu nghị với Tàu.

Tuy nhiên, hơn một năm sau ngày nhậm chức của tổng thống Barack Obama cho thấy thành quả quan hệ với Tàu như con số không. Bắc Kinh chẳng tiến hơn được một milimét trong quan hệ chính trị quốc tế. Đề xuất khiêm tốn của ông Obama tại cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu bị Tàu chê bai. Biện pháp trừng phạt Iran về nâng tần xuất các nhà máy hạt nhân thì Washington vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các cuộc đàm phán với Bắc Hàn chẳng có triển vọng vì Bắc kinh luôn đưa tay bao che đứa đàn em nghèo đói này.

... Bây giờ trở về hiện thực với chính sách châm chích

Những phản ứng tiêu cực và không hữu ích từ Bắc Kinh đã làm cho ông Obama có cái nhìn thực tế hơn và do đó Obama quay trở lại với các chính sách đã được thực hành nơi những vị tiền nhiệm của ông: từ việc chỉ trích cộng sản Tàu về tự do nhân quyền, đến đòi hỏi đánh giá lại đồng tiền Nhân Dân Tệ và tự vệ chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ của Tàu với mức thuế trừng phạt nếu cần thiết cho kinh tế Mỹ. Mười phần trăm tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ, gần 10% tăng trưởng ở Tàu - hai con số đối ngược này đang khuấy lên một nỗi sợ hãi cho người dân Mỹ. "Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một vị trí thứ hai cho nước Mỹ," ông đã nhấn mạnh trong bài phát biểu chính sách của ông vào tháng giêng với ánh mắt hướng về cộng sản Bắc Kinh.

Các hành động cụ thể để chống trả Mỹ tiến một bước đột phá với Đài Loan bằng các cuộc ký kết bán vũ khí với số tiền 6,4 tỷ đôla nhằm duy trì cán cân lực lượng quân sự trong vùng eo biển Đài Loan cũng như muốn giảm tỏa sự kiềm chế của Bắc Kinh.

Và hôm nay, 18/2/2010 tổng thống Barack Obama đi bước đầu tiên bằng việc tiếp đón Đức Đalai Lạtma tại Tòa Bạch Ốc, đó là một thông điệp rõ ràng gửi tới Bắc Kinh: nhượng bộ chính trị từ Washington sẽ chỉ tồn tại nếu cộng sản Tàu chấp nhận giải quyết các vấn đề về chính trị. Trong lúc này những chờ đợi từ Mỹ vẫn chưa được đáp trả.

Trong cuộc gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc, theo hãng thông tấn xã AFP cho biết tổng thống Barack Obama hỗ trợ cho việc bảo vệ văn hóa Tây Tạng và tôn trọng nhân quyền tại đây. Tổng thống Mỹ nói với Đức Đalai Lạtma: "Duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ của bản sắc độc đáo tôn giáo của người Tây Tạng cũng như về văn hóa và căn tính ngôn ngữ", điều này được ghi trên văn bản của Nhà Trắng.

Sự ủng hộ của ông Obama cũng áp dụng "để bảo vệ nhân quyền cho người Tây Tạng đang sinh sống ở Tàu", điều này được thêm vào trong bản tuyên bố. Tổng thống Obama đã tuyên dương „sự dấn thân của Đức Đalai Lạtma cho cuộc đấu tranh bất bạo động và đối thoại." Đức Đalai Lạtma cho biết là Ngài "rất hài lòng" về khoảng 45 phút gặp gỡ và trao đổi. "Tổng thống đã cam kết sự hỗ trợ của mình", vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng nói tiếp theo.

Cùng chung lợi ích, mặc dù vấn đề Đalai Lạtma

Tuy nhiên, trong chiến lược ngắn hạn sẽ không dẫn đến các cuộc xung đột lớn giữa Mỹ và Tàu, theo sự nhận xét của Kenneth Lieberthal thuộc Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, vì với các vấn đề toàn cầu các quốc gia bày tỏ mối quan tâm giống nhau: "Ba vấn đề chính của toàn cầu: khủng hoảng kinh tế - tài chính, việc thay đổi khí hậu và sản xuất vũ khí hạt nhân, nghĩa là chủ yếu thảo luận về những phát triển hạt nhân ở Bắc Hàn, Iran và Pakistan."

Đặc biệt trong chính sách tài chính cộng sản Bắc Kinh có thể đã không quan tâm đến sự tuột dốc của nền kinh tế Mỹ. Lý do: Tàu đã từ lâu trở thành một ngân hàng lớn quan trọng cho Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã mua trái phiếu của chính phủ Mỹ với trị giá gần một nghìn tỷ đô la. Trong chính sách tài chính, hai nước Mỹ-Tàu từ lâu đã phụ thuộc vào nhau rất nhiều.

Theo cách nhìn của cựu bộ trưởng ngoại giao Kissinger: Mỹ-Tàu là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ thứ 21: Siêu cường cũ đối mặt với siêu cường đang lên. Không người nào mong đợi cuộc va chạm lớn giữa hai siêu cường này. Nhưng đó sẽ là sự ấu trĩ nếu chỉ vui mừng với sự lớn mạnh của cộng sản Tàu và từ đó với niềm hy vọng buộc anh ta một mình gánh vác lấy trách nhiệm lớn hơn cho thế giới. Quan hệ của cộng sản Tàu với Hoa Kỳ rất là phức tạp và sẽ vẫn phức tạp: Hợp tác ở đây kể từ lúc phân tranh quyền lợi, có lúc trở thành kẻ thù, tuy nhiên không đối đầu. Nếu cộng sản Tàu yêu cầu tôn trọng và có lòng tự trọng, thì cũng mong rằng Tàu phải thực hiện ngược lại đúng như vậy. Tổng thống Barack Obama tiếp đón Đức Đalai Lạtma không phải để khiêu khích Trung Quốc, nhưng vì nó phản ánh sự thuyết phục riêng của ông ta.

Việc đón tiếp Đức Đalai Lạtma tại Tòa Bạch Ốc không có giới báo chí và truyền hình, thật đáng tiếc cho hai vị lãnh tụ đã nhận được giải Nobel Hòa Bình thế giới. Ngoài ra cuộc tiếp đón được diễn ra trong phòng „Map Room“, nơi dành cho các cuộc tiếp đón cá nhân chứ không ở trong phòng „Oval Office“, nơi tổng thống nói chuyện với các vị nguyên thủ quốc gia. Có lẽ đó là điều an ủi cần thiết nhất cho cộng sản Tàu trong vấn đề nóng bỏng Tây Tạng.

Hà Long
 
Luật ''hôn nhân'' đồng tính cuả DC dồn Catholic Charities phải đóng cửa chương trình con nuôi
Trần Mạnh Trác
19:26 18/02/2010
Washington DC, ngày 17 tháng 2 năm 2010 (CNA). - Cơ quan Catholic Charities của Tổng Giáo Phận Washington ngày hôm nay đã ra thông báo đóng cửa chương trình nuôi trẻ và cho nhận con nuôi (foster care and public adoption program). Chính quyền District of Columbia cho biết tổ chức từ thiện này sẽ không đủ điều kiện lãnh nhận dịch vụ vì những luật mới công nhận "hôn nhân" đồng tính.

"Mặc dù Catholic Charities có lịch sử dài 80 năm cung cấp với phẩm chất cao những dịch vụ giúp cho những thành phần dễ bị tổn thương ở thủ đô, Chính phủ DC thông báo rằng cơ quan Catholic Charities sẽ không đủ điều kiện là một nhà chăm sóc con nuôi vì luật hôn nhân đồng tính cuả DC sắp được thi hành, " theo thông cáo cuả Catholic Charities.

Chi nhánh của Catholic Charities đã chuyển những chương trình này qua Trung tâm Quốc gia Trẻ em và Gia đình (NCCF) ngày 1 tháng Hai. Quá trình chuyển đổi này gồm có bảy nhân viên, 43 trẻ em và gia đình, và 35 gia đình con nuôi. Quá trình chuyển đổi được thực hiện cho trùng hợp với ngày hết hạn hợp đồng hiện tại giữa Catholic Charities và chương trình Child and Family Services Agency (CFSA) cuả DC.

"Chương trình con nuôi là một phần quan trọng đối với chúng tôi qua nhiều thập kỷ. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để có thể tiếp tục các dịch vụ này tại thành phố," theo lời ông Ed Orzechowski, chủ tịch và giám đốc điều hành của Catholic Charities DC

"Chúng tôi rất tiếc là những nỗ lực của chúng tôi đã không thành công."

Orzechowski bày tỏ lòng biết ơn đến các nhân viên và gia đình đã tham gia vào chương trình con nuôi.

Hội đồng thành phố DC ra luật công nhận "hôn nhân" đồng tính, đòi hỏi các thực thể tôn giáo đang phục vụ công chúng phải cung cấp dịch vụ cho các cặp vợ chồng đồng tính, ngay cả khi làm như vậy thì vi phạm niềm tin tôn giáo của họ. Việc miễn giảm chỉ được phép khi làm phép hôn phối hoặc liên hệ đến những thực thể không phục vụ cho công chúng.

Các giáo phận và các chuyên gia pháp lý chỉ trích sự miễn trừ là quá hẹp.

Pháp luật DC bây giờ cũng đòi hỏi các đối tác với thành phố phải cung cấp lợi ích (benefits) cho các cặp vợ chồng đồng tính. Điều này cũng đặt ra một vấn đề cho Catholic Charities, mặc dù Washington Post báo cáo rằng nhiều tổ chức đã lạc quan là có thể cấu trúc lợi ích một cách nào đó để cho phép họ duy trì quan hệ đối tác với thành phố.

Bill Donohue, chủ tịch Liên Minh Công Giáo phê phán hành động của thành phố.

"Đức Tổng Giám mục Donald Wuerl là một người trọng nguyên tắc vạ̀ khôn ngoan: ngài không muốn kết thúc chương trình chăm sóc con nuôi, nhưng trên thực tế ngài không có lựa chọn nào khác," Donohue cho biết hôm thứ Tư. " lập pháp thành phố có thể cung cấp các loại miễn trừ tôn giáo để đảm bảo các dịch vụ được tiếp nối, nhưng thay vào đó họ đã tìm cách để tạo ra một tình hình tiến thóai lưỡng nan (Catch-22) cho giáo phận.

"Chắc chắn họ biết rằng Tổng giám mục Wuerl là sẽ không thể đàm phán lời dạy Công giáo về hôn nhân, nhưng mà họ bất cần. Những kẻ thua thiệt thực sự là những người đang được Giáo Hội Công Giáo phục vụ. "

Những người cho rằng Giáo Hội Công Giáo bỏ rơi con trẻ, Donohue tuyên bố, là "gian dối."

"Đức Tổng Giám Mục Wuerl không thể để cho nhà nước chà đạp (roughshod) giáo lý Công giáo, và đó là lý do tại sao ngài bị buộc phải bỏ các chương trình chăm sóc con nuôi."

Được biết Catholic Charities của Boston cũng bị buộc phải đóng cửa dịch vụ nhận con nuôi trong năm 2006 vì không thể cho con nuôi cho các cặp vợ chồng đồng tính, như luật pháp tiểu bang đòi hỏi. Những luật như thế cũng đã buộc các cơ quan Công Giáo ở Anh phải đóng cửa hoặc tách rời khỏi Giáo Hội.
 
Giáo Hội thánh thiện
Vũ Văn An
21:12 18/02/2010
Kinh Tin Kính tuyên xưng rằng Giáo Hội thánh thiện. Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II từng đại diện cũng một Giáo Hội ấy để long trọng nhìn nhận nhiều lỗi lầm đối với Chúa và anh em đồng loại. Và tuần này, các vụ giáo sĩ tại Ái Nhĩ Lan lạm dụng tình dục trẻ em lại được báo chí thế giới rầm rộ đề cập tới, khiến người ta tự hỏi: thực ra câu tuyên xưng trên có nghĩa gì? Người thiện tâm nhất cũng phải nhìn nhận vấn đề này phức tạp hơn người ta tưởng rất nhiều.

Gần đây, linh mục Miguel De Salis người Bồ Đào Nha, hiện là giáo sư tại Đại Học Giáo Hoàng Holy Cross tại Rôma, có cho xuất bản một tác phẩm bàn về vấn đề trên, tựa là “Concittadini dei santi e familiari di Dio. Studio storico-teologico sulla santità della Chiesa" (Đồng Công Dân Các Thánh và Thân Nhân Thiên Chúa: Nghiên Cứu Lịch Sử và Thần Học về Sự Thánh Thiện Của Giáo Hội). Và tuần qua, ngài có dành cho hãng tin Zenit một cuộc phỏng vấn.

Theo lời tựa của Đức Hồng Y José Saraiva Martins, cựu tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh, thánh thiện được định nghĩa là hồng ân của Chúa và đáp trả của con người. Cái hồng ân ấy hình như đang thiếu trong Giáo Hội Công Giáo của Thế Kỷ 21? Cha Salis không nghĩ vậy. Vì cả hồng ân của Chúa lẫn đáp trả của con người đều không thiếu. Chỉ cần nghĩ tới những vết mùi thánh thiện mà những nhân vật như Mẹ Têrêxa, Cha Piô, Maximilian Kolbe, Piergiorgio Frassati, Gioan Phaolô II và nhiều vị khác để lại cũng đủ thấy điều ấy. Ấy mới chỉ kể tới một ít vị từng ghi dấu lịch sử trong những năm gần đây.

Tất nhiên những biến cố gần đây khiến ta đôi lúc gần như không nhận ra những vết mùi thánh thiện trong lòng Giáo Hội. Bởi các tin tức báo chí thường trưng bày cho ta những vết thương, mà khi đã bị thương, con người thật khó mà hiểu được các bộ phận khác trong cơ thể vẫn lành mạnh; lúc ấy, mọi sự như hư hỏng hết, mất hết rồi. Đàng khác, ta biết rằng mọi Kitô hữu trên trần gian đều phải hàng ngày hồi tâm quay đầu trở lại, và một thanh tẩy nào đó lúc nào cũng cần thiết để ta có thể nhận ra sự thánh thiện.

Trong hiến chế “Lumen Gentium”, số 8, Công Đồng Vatican II nhắc ta nhớ rằng “Giáo Hội, người vốn ôm kẻ tội lỗi trong lòng, cùng một lúc vừa thánh thiện vừa luôn luôn cần được thanh tẩy, luôn dấn bước trên nẻo đường thống hối và canh tân”.

Nói thế hình như ta muốn biện minh cho tội lỗi? Cha Salis bảo: không hẳn thế. Mọi tội lỗi đều là một hành vi chống lại Thiên Chúa và chống lại Giáo Hội. Lẽ dĩ nhiên, chỉ cần một trường hợp lạm dụng cũng đủ là một hành vi trầm trọng hoàn toàn đi ngược lại Phúc Âm rồi, một bạo hành khủng khiếp chống lại một con trẻ của Thiên Chúa. Ta không nên sợ sự thật. Đức tin của ta đặt nền tảng nơi Chúa Kitô, chứ không nơi con người hay trên sự kiện có một đời sống trong đó tội lỗi người khác không được cảm nhận bao nhiêu.

Nhưng vấn đề ở đây là người ta tố cáo một số các vị mục tử của Giáo Hội không chịu kịp thời can thiệp để ngăn chặn các trường hợp lạm dụng? Cha Salis trích dẫn số 827 của Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Số này dạy rằng: “Mọi chi thể trong Giáo Hội, kể cả các thừa tác viên, phải nhìn nhận rằng mình đều là người có tội. Trong mọi con người, cỏ lùng tội lỗi luôn lẫn lộn với cây lúa mì tốt lành của Phúc Âm cho tới ngày tận thế. Bởi thế, Giáo Hội gom lại cả những kẻ tội lỗi từng được ơn cứu rỗi của Chúa Kitô tiếp nhận và đang trên đường tiến tới thánh thiện”. Như lịch sử vốn chứng minh, những người tạo thành Giáo Hội rất có thể hành động một cách trái với Phúc Âm, nhưng cũng có rất nhiều mục tử (nên nhớ, Giáo Hội có hơn 5,000 giám mục), đang phục vụ tín hữu của mình một cách quên mình, đầy đại lượng. Chỉ cần nhắc tới các vị giám mục bị cầm tù tại Trung Hoa, tại Việt Nam, và tại nhiều nơi khác trên thế giới. Về điều này khó mà kể cho hết, xin để Chúa tính sổ. Cha Salis tin rằng điều ấy khiến ta đừng nản lòng.

Đối diện với kinh nghiệm đầy mâu thuẫn giữa thánh thiện và tội lỗi trong Giáo Hội, quả là thích hợp nếu ta xem lại một vài kinh nghiệm tương tự vốn có trong lịch sử Giáo Hội và cố gắng tìm hiểu chúng, trước khi đưa ra câu trả lời mới. Ta hãy nhìn lại và nhìn quanh ta. Hẳn sẽ ngạc nhiên thấy ngay điều này: Thiên Chúa vẫn tiếp tục cư ngụ giữa chúng ta bất chấp mọi chuyện. Điều này có hai hệ quả nền tảng. Hệ quả thứ nhất: niềm hy vọng của ta không ngây thơ mà cũng không vô ý vô tứ, nhưng bắt rễ từ niềm tin vững vàng vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Hệ quả thứ hai là trách nhiệm của mọi tín hữu trong Giáo Hội, dựa vào ơn gọi của Thiên Chúa, phải cộng tác vào việc truyền giáo. Nói cách khác, đứng trước tội lỗi của người khác, ta cần phải đáp ứng bằng sự thánh thiện, chứ không bằng cách phạm tội như họ. Và không ai nói rằng đáp ứng thánh thiện luôn luôn phải có tính thụ động. Vẫn có chỗ dành cho tính sáng tạo: các thánh là người có óc sáng tạo.

Vậy là Giáo Hội thực sự thánh thiện? Đối với câu hỏi này, Cha Salis cho rằng theo truyền thống, sự thánh thiện của Giáo Hội được giải thích bằng cách phân biệt hai phương diện. Phương diện thứ nhất là những điều thánh thiện một cách khách quan trong Giáo Hội, tức các bí tích, Lời Chúa, sự hiện diện của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần, luật luân lý và mọi ơn phúc Chúa ban cho Giáo Hội để Giáo Hội thực thi sứ vụ mà Người đã ủy thác cho Giáo Hội. Phương diện thứ hai bao gồm các hoa trái của thánh thiện mà ơn Chúa đã phát sinh ra, tức là các thánh và cuộc sống thường sủng hiện nay trên trái đất.

Thời nay, sẽ luôn luôn có xáo trộn trong đời sống Giáo Hội và đối với người có óc sáng tạo, sẽ luôn luôn có thách thức. Những thách thức này đòi có hành động, mưu trí và thì giờ. Trên thế gian này, đời sống Kitô hữu luôn có thánh giá cạnh bên, nó là cửa dẫn ta vào thiên đàng và đất hứa. Xin đơn cử một điển hình: sau khi nghiên cứu lịch sử Giáo Hội sơ khai, Đấng Đáng Kính Newman nói rằng phía sau mọi Công Đồng luôn luôn là một mù mờ vĩ đại. Ngày nay cũng thế, đang mù mờ hết sức, có lẽ vì sự mù mờ này được báo chí quảng bá rộng rãi.

Đối với tác phong thiếu thích đáng của một số giáo sĩ, cha Salis cho hay: con số các linh mục trên thế giới hiện nay lên tới 400,000 người. Các ngài cử hành Thánh Lễ, dạy giáo lý, chăm sóc người bệnh, giúp đỡ các gia đình. Sự tốt hình như không ồn ào và khoe mình trên báo chí; trái lại sự xấu thì rất ồn ào và bao giờ cũng khoe mình trên báo chí. Chỉ cần lưu ý tới con số các linh mục mới chết gần đây vì đã dấn thân cho người nghèo hay con số các linh mục đang chịu bách hại vì đức tin và vì bảo vệ nhân quyền. Mặt khác, ta cần hiểu rằng đôi khi tin tức được trình bày nhằm mục đích lôi kéo chú ý của ta, khiến ta khỏi chú ý tới những tố giác khác. Chứ thực ra ở thời khắc bị thế tục hóa mạnh mẽ như ngày nay, mức độ xấu xa trong tác phong của giáo sĩ cũng chỉ bằng, hoặc thấp hơn, mức độ của các công dân khác trong các xã hội Tây Phương mà thôi. Điều ấy không hẳn khiến ta phải bỏ qua sự kiện có những trường hợp nghiêm trọng nhưng đã không được xử lý một cách đúng đắn. Chính vì thế hàng giáo phẩm đã lưu ý và cương quyết giải quyết vấn đề và lên tiếng xin lỗi.

Nhưng phải chăng ở đấy người ta thấy bóng dáng của một tác phong mâu thuẫn? Theo cha Salis, điều ấy tất nhiên. Khi người ta thấy có sự trái ngược giữa điều một tín hữu Kitô giáo làm và điều anh ta nói anh ta sẽ làm, thì họ phải coi đó là mâu thuẫn thôi. Trong những trường hợp như thế, thì một tín hữu giáo dân cũng mâu thuẫn y như một vị trong hàng giáo phẩm hay tu sĩ. Tự do nhân bản có thể điều hướng cho sự thiện cũng như cho sự ác, cả nơi mọi người chúng ta từng tạo thành Giáo Hội, bất luận là linh mục hay không. Điều ấy không nên làm ta ngạc nhiên, nếu ta biết tin vào Chúa chứ không tin vào tác phong nơi những người của Chúa. Đồng thời, ta không nên nhân nhượng hay trở thành quen thuộc đối với việc thôi thúc phạm tội, vì Chúa đã kêu gọi mọi người chúng ta dùng đời sống mình mà thông truyền tình yêu Người vốn dành cho mọi người. Trong yếu tính, khi giáp mặt với các tác phong mâu thuẫn hay thôi thúc phạm tội, ta không được thất vọng, lãnh đạm, phán đoán vội vàng hay giận dữ. Đúng hơn, theo gương Chúa Kitô và với ơn thánh của Người, ta phải đáp ứng bằng thánh thiện và hồi tâm.
 
Cuộc tĩnh tâm của Đức Thánh Cha chú trọng đến “tâm hồn biết lắng nghe”
Nguyễn Hoàng Thương
22:59 18/02/2010
Cuộc tĩnh tâm của Đức Thánh Cha chú trọng đến “tâm hồn biết lắng nghe”

Vatican (ZENIT) Cuộc tĩnh tâm năm nay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ đặt trọng tâm vào đoạn trích: “Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn biết lắng nghe” trong Sách Các Vua quyển thứ Nhất (chương 3, câu 9).

Cha Enrico dal Covolo, sdb., được chọn giảng thuyết cho cuộc cấm phòng kéo dài 7 ngày bắt đầu từ ngày Chúa Nhật 21/2/2010. Cha dal Covolo, 59 tuổi, là Tổng cáo thỉnh Dòng Don Bosco và là giáo sư về văn học Kitô giáo cổ ở Đại Học Giáo Hoàng Salêdiêng. Ngài cũng là thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Sử Học, từ năm 2002, là cố vấn cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Mười bảy bài suy niệm do cha dal Covolo giảng sẽ tập trung vào ơn gọi linh mục, khi Giáo Hội đang tiếp tục cử hành Năm Linh Mục. Mỗi ngày cấm phòng sẽ bao gồm việc cử hành Phụng Vụ các Giờ Kinh, giảng phòng và chầu Thánh Thể. Thứ Hai, trọn ngày đầu tiên và là ngày Lễ Kính Tòa Thánh Phêrô (22/2), sẽ được dành trọn cho việc cầu cho ơn gọi linh mục.

Một số chủ đề suy niệm trong các buổi tĩnh tâm sẽ gồm: lectio divina, lắng nghe về các Nghị phụ của Giáo Hội; lịch sử Kinh Thánh về ơn gọi: cám dỗ, hoài nghi và đối kháng cũng là hình thức của lịch sử chúng ta; luôn là tội nhân và luôn luôn tha thứ (x. Lc 7,36-50 và Gl 5,1;13-25); lịch sử ơn gọi của các môn đệ đầu tiên (x. Ga 1,35-51); và Truyền Tin.

Ngoài ra, nhà giảng thuyết Salêdiêng cũng sẽ đưa ra “những khôn mặt lớn linh mục”, gồm một số nghị phụ của Giáo Hội, Đấng Đáng Kính Giuseppe Quadrio, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II, tiểu thuyết của Georges Bernanos “Nhật Ký của một Linh Mục miền Thôn Dã” và dĩ nhiên là về vị bổn mạng của Năm Linh Mục, Thánh Gioan Maria Vianney.

Trong suốt tuần tới, mọi cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha sẽ hoãn lại, gồm cả cuộc tiếp kiến chung vào thứ tư 24/02/2010.
 
Top Stories
PHILIPPINES: Les responsables de l’Eglise catholique déplorent que les candidats à l’élection présidentielle n’abordent pas les vrais problèmes du pays
Eglises d'Asie
10:37 18/02/2010
PHILIPPINES: Les responsables de l’Eglise catholique déplorent que les candidats à l’élection présidentielle n’abordent pas les vrais problèmes du pays

18 février 2010 (Eglises d’Asie) – Que ce soit à l’occasion de rencontres œcuméniques ou lors de messages lus pour le Mercredi des cendres, différents responsables de l’Eglise catholique ont déploré l’absence d’intérêt pour les véritables problèmes des Philippines dont font preuve les principaux candidats à l’élection présidentielle, qui aura lieu le 10 mai prochain.

Mgr Deogracias Iniguez est l’évêque du diocèse de Kalookan, ville de la conurbation urbaine de Manille. Il est aussi le secrétaire de la « Plateforme œcuménique pour la paix aux Philippines » (PEPP), une initiative née en 2002 pour aider à faire émerger des solutions aux conflits qui émaillent la vie politique et sociale des Philippines et dans laquelle le gouvernement norvégien intervient comme facilitateur. Le 18 février, dans le sud philippin, à Davao City, où le PEPP tenait son congrès annuel, Mgr Iniguez a dénoncé l’indifférence du personnel politique philippin à la question de la paix dans le pays. « La paix devrait être le souci numéro un de la présidente », a-t-il affirmé, soulignant combien il était nécessaire que les divers conflits armés de plus ou moins basse intensité qui émaillent la vie des Philippins trouvent des réponses globales, impliquant tous les acteurs concernés, notamment sur le terrain.

Plus directe dans son propos, Ofel Cantor, membre du secrétariat de la PEPP, a mis en cause les trois principaux candidats à l’élection présidentielle: le candidat de l’administration sortante, Gilbert Teodoro Jr., ainsi que ses deux grands rivaux, Benigno Aquino III et Manuel Villar Jr. « Ils sont venus à Davao; ils ont rencontré les responsables des Eglises, mais ils se sont montrés plus intéressés à aller à la pêche aux voix qu’à se pencher sur l’élaboration d’un plan de paix », a-t-elle expliqué, précisant que lorsque les membres du PEPP ont demandé à être entendus par les candidats pour les interroger sur ce qu’ils avaient à dire au sujet des différents mouvements armés qui sont actifs dans le pays, notamment dans le sud philippin, la réponse fournie par les staffs de campagne des hommes politiques a été: « Ils n’ont pas le temps de vous parler à propos des programmes de paix. »

La PEPP, dont la devise est: « L’audace de l’espérance », souhaiterait pourtant que le personnel politique apporte des réponses aux problèmes posés par ces mouvements, notamment l’insurrection communiste. Mgr Iniguez a précisé à l’agence Ucanews (1) que la question musulmane était loin d’être réglée mais qu’elle faisait l’objet de l’attention soutenue de Manille, le gouvernement ayant repris les négociations avec le MILF (Front moro de libération islamique). En revanche, la rébellion communiste, lancée en 1969 par la Nouvelle armée du peuple (NPA), branche armée du Parti communiste des Philippines (CPP), d’obédience maoïste, demeure active sans pour autant mobiliser l’attention du gouvernement. En 1986, la président Corazon Aquino avait initié des pourparlers, notamment avec le Front démocratique national (NDF), organisation liée au CPP. A plusieurs reprises, des évêques et des prêtres catholiques avaient servi de médiateurs dans les négociations et, en 1998, un accord avait même été passé au sujet des droits de l’homme, les deux parties s’engageant à les respecter dans les heurts armés les opposant. Malgré de nouveaux contacts en 2004 en vue de négocier des réformes socio-économiques, les pourparlers ont été rompus. Depuis 1969, on estime que les combats liés à l’insurrection communiste ont fait 40 000 morts.

A Manille, à l’occasion du Mercredi des cendres, le cardinal Gaudencio Rosales avait choisi de ne pas interpeller directement les responsables politiques du pays, mais, en cette période pré-électorale, le propos du message qu’il a rendu public était très certainement politique. Il a dénoncé le scandale de la faim aux Philippines. Citant le discours du pape Benoît XVI au Sommet mondial pour la sécurité alimentaire, à Rome en 2009, (« La faim est le signe le plus cruel et le plus concret de la pauvreté »), le cardinal a appelé les catholiques de son archidiocèse à jeûner pour contribuer à nourrir les enfants souffrant de dénutrition ou de malnutrition aux Philippines.

Les études disponibles indiquent qu’au dernier trimestre de l’année 2009, un quart des foyers philippins ont connu la faim, à un moment ou à un autre. « Cela coûte 10 pesos (16 centimes d’euros) par jour ou 2 400 pesos (38 euros) par an de nourrir un enfant qui a faim », a déclaré le cardinal, qui a recommandé que les sommes épargnées par les catholiques durant le temps du Carême soient consacrées à l’alimentation des plus pauvres. « Nous vous demandons d’aider Hapag-Asa (‘la table de l’espérance’) pour nourrir les enfants de nos paroisses qui ont faim ou sont mal nourris. » Hapag-Asa, créée en juillet 2005 par le cardinal Rosales et treize autres évêques philippins dans le but d’aider les plus pauvres à nourrir leurs enfants, a aidé 500 000 enfants ces quatre dernières années.

(1) Ucanews, 18 février 2010.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sydney những ngày xuân Canh Dần hiệp thông cầu nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam
Lm Văn Chi
06:51 18/02/2010
Từ những ngày nghe tin Đồng Chiêm bị đàn áp, người dân Việt Nam nói chung tại Sydney đã không khỏi bồi hồi xúc động, cảm thông và chia sẻ với đồng bào tại Đồng Chiêm, đặc biệt Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại đây đã hiệp thông và cầu nguyện cho Giáo Xứ Đồng Chiêm nói riêng và Giáo Hội cũng như Quê Hương Việt Nam sớm được hưởng nền Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền nói chung. Ngoài Đồng Chiêm ra, còn khá nhiều những đau thương tại Tam Toà, Loan Lý, Bầu Sen, Toà Khâm Sứ, Thái Hà...Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam nóí riêng, cũng như Cộng Đồng Người Việt Tự Do nói chung tại Sydney cũng đã đồng lòng hiệp thông và chia sẻ qua nhiều phương thức tổ chức khác nhau. Điểm qua các báo chí cũng như các cơ quan truyền thông tại Sydney cũng đồng quan điểm một lòng hiệp thông và cầu nguyện hướng về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

Đặc biệt là Đêm Giao Thừa Canh Dần và Ngày Tết Nguyên Đán đón xuân Canh Dần. Mặc dù trời mưa nặng hạt, rất đông người Công Giáo Việt Nam đội mưa để dâng Thánh Lễ Giáo Thừa tại Paul Keating Park Bankstown. Cảm động biết bao nhiêu khi thấy cả một rừng ô dù che mưa và giáo dân đứng tham dự Thánh Lễ sốt sắng dưới mưa. Ban Tuyên Uý và Hội Đồng Mục Vụ cũng như những trái tim góp lại để cầu cho Năm Mới Canh Dần được bình an. Đặc biệt Thánh Lễ đã cầu nguyện sốt sắng hướng về Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam. Bàn Thờ Tổ Quốc và Tổ Tiên trang trọng được Quý Cha Dâng Hương tưởng nhớ và cầu nguyện.

Lang thang trong những ngày đầu năm Canh Dần tại các Giáo Đoàn của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney, với những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng về tâm tình những Ngày Đầu Xuân Canh Dần, không ai là không nhớ tới và cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

Sáng Mùng Một Tết, lúc 11 giờ, Giáo Đoàn Thánh Anrê Phú Yên Revesby Mừng Xuân Canh Dần thật trang trọng và sốt sắng. Quý Cha Paul Văn Chi, Geoffrey Plant, Canut Nguyễn Thái Hoạch, Phêrô Mai Đào Hiền cùng đồng tế. Khai mạc Thánh Lễ mừng xuân và tưởng nhớ về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam với nghi thức dâng hương trước Bàn Thờ Tổ Quốc và Tổ Tiên cùng với Ông Trưởng Ban Mục Vụ Giuse Phạm Duy Hương và MC điều hợp Trần Văn Hoà. Cha Xứ Geoffrey cũng nghiêm trang tay rưng rưng cầm nén nhang dâng hương cùng với Quý Cha Việt Nam thật cảm động. Ngài hiểu được những người Việt Nam Tỵ Nạn đã đau khổ, và Giáo Hội Việt Nam còn đang đau khổ vì những bách hại, nên Ngài cùng hiệp lời cầu xin cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam. Số người tham dự chật kín Nhà Thờ với khoảng 700 người tham dự. Nghi thức dâng hương cho Tổ Quốc và Tổ Tiên cùng với những tiếng pháo xuân nổ dòn làm mỗi người chạnh nhớ đến Dân Tộc và Quê Hương Việt Nam.

Tôi có cơ hội phỏng vấn anh Phạm Duy Hương, trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Revesby:

- Anh cảm thấy thế nào khi tham dự Thánh Lễ Tân Niên với nghi thức Tưởng Nhớ và cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam?

- Thưa Cha, cùng với cả Giáo Đoàn, chúng con trong Thánh Lễ và Nghi Thức Dâng Hương đã cùng đồng lòng hướng tâm hồn về Quê Hương, về Giáo Hội Việt Nam. Trong Ngày Này, Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam cũng đang cử hành Thánh Lễ và Nghi Thức đón Xuân Canh Dần, chúng con cùng hiệp thông và cầu nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam.

- Anh thấy Giáo Dân trong Giáo Đoàn và cá nhân anh hiệp thông và cầu nguyện thế nào cho Việt Nam?

- Cha thấy đó, chúng con đã bỏ phiếu bằng chân để đến tham dự Thánh Lễ và Nghi Thức Tưởng Nhớ Hiệp Thông và Cầu Nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam trong Ngày Mùng Một Tết Canh Dần. Chúng con cầu nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam được sớm hưởng một cuộc đời tự do thật sự trong nền công lý và nhân quyền cũng như Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam ngay trong Lời Nguyện Giáo Dân đầu năm mới.

Ngày đầu Xuân, điện thoại thăm anh Giuse Trần Thanh Tịnh, Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Simon Phan Đắc Hoà Bankstown và nay Thánh Lễ đã di chuyển về Nhà Thờ George Hall. Ngày Mùng Một Tết vào lúc 3 giờ chiều Chúa Nhật, Cha Phêrô Nguyễn Khoa Toàn và Thầy Phó Tế Phêrô Đặng Đình Nên dâng lễ với Giáo Đoàn cùng với Nghi Thức Dâng Hương và Tưởng Nhớ đến Quê Hương và Tổ Tiên cũng như Giáo Hội Việt Nam.

- Giáo Dân tham dự đông lắm phải không anh Tịnh?

- Vâng thưa Cha khá đông người tham dự Thánh Lễ, khoảng trên 300 người và rất sốt sắng.

- Anh Tịnh và Giáo Dân chúng con có cảm tưởng gì khi tham dự Thánh Lễ và Nghi Thức Dâng Hương Tổ Quốc và Tổ Tiên?

- Lòng chúng con xúc động để tưởng nhớ và cầu nguyện hiệp thông với Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam.

- Con mong ước và cầu nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam thế nào?

- Chúng con cầu nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam được thật sự hưởng nền Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền trong cuộc sống.

Tôi đến Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta vào lúc 3.30 chiều Chúa Nhật Mùng Một Tết. Cabramatta được mệnh danh là Thủ Đô Người Việt Nam tại Úc Đại Lợi. Người Việt Nam cư trú tại vùng này đông nhất. Phố Xá Cabramatta tràn ngập đồ Tết Việt Nam. Người Việt Nam cũng như những người Việt gốc Hoa tấp nập đi sắm tết. Thánh Đường Sacred Heart ngày Mùng Một Tết nhộn nhịp khác thường. Quý Cô và Quý Bà mặc áo dài đẹp hơn. Đặc biệt các em bé mặc những áo cổ truyền với khăn đống rất đẹp do cha mẹ mua sắm cho các em.

Nhà Thờ chật ních những người Giáo Dân tham dự Lễ Tết Việt Nam khoảng chừng 700 người tham dự. Bàn Thờ Tổ Quốc và Tổ Tiên lung linh ánh nến với mai vang khoe sắc, điểm thêm tràng pháo xuân đẹp mắt. Khai mạc Thánh Lễ với 3 hồi chín tiếng chiên trống cổ truyền. Đoàn Phụng Vụ tiến lên với y phục truyền thống. Cha Chủ Tế Paul Văn Chi và Đoàn Phụng Vụ tiến lên dâng hương Chúa Xuân, sau đó, tiến sang Bàn Thờ Tổ Quốc Tổ Tiên để dâng hương chúc xuân.

Tôi điện thoại hỏi thăm anh Phaolô Hà Pi Liến, trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn:

- Mừng Xuân Mới Canh Dần Giáo Đoàn đã gửi tặng bà con Giáo Dân bao nhiêu Lộc Thánh và gói quà Xuân Canh Dần?

- Thưa Cha, Ban Mục Vụ chúng con lì xì cho Giáo Dân khoảng 600 Lộc Thánh và trên 300 phần quà cho các em dịp đầu Xuân Canh Dần.

- Trong Nghi Lễ Dâng Hương trước Bàn Thờ Tổ Quốc và Tổ Tiên, anh có cảm tưởng gì?

- Con cảm thấy thật sự xúc động khi tưởng nhớ đến Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Con và Giáo Dân cùng cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam được vui hưởng thái bình trong tự do chân chính. Chúng con cùng cầu nguyện cho người dân Việt Nam được hưởng nền tự do và nhân quuyền. Giáo Hội Việt Nam được sống trong tự do Tôn Giáo và không bị áp bức.

Chị Maria Trương Thị Điểm cũng cùng một quan điểm, chị nói trong tâm tình người Việt Nam:

- Khi tham dự Thánh Lễ Mừng Xuân, chúng con bồi hồi cảm xúc nhớ đến Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Chúng con cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam được hưởng hạnh phúc trong yêu thương và nền hoà bình công lý thực sự.

Thánh Lễ Mừng Tân Niên tại Giáo Đoàn Micae Nguyễn Huy Mỹ Mt Pritchard rất sinh động, do Cha Phêrô Dương Thanh Liêm Chủ tế. Đoàn Phụng Vụ mặc áo truyền thống Dâng Hương lên Chúa Xuân và dâng hương Bàn Thờ Tổ Quốc và Tổ Tiên. Tiếng trống chiêng ngân vang khai mào Mùa Xuân Mới hùng tráng và trang nghiêm.

Tôi hỏi thăm anh Đaminh Nguyễn Thiên Thiện, trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Mt Pritchard.

- Trong Thánh Lễ Mừng Xuân Canh Dần tại Giáo Đoàn, anh cảm thấy thế nào?

- Giáo Đoàn chúng con Giáo Dân tham dự Thánh Lễ đông lắm. Chúng con đã cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

- Theo anh nghĩ, chúng ta phải làm gì cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam?

- Những Ngày Đầu Xuân này, chúng con cầu nguyện rất nhiều trong tâm tình hiệp thông với Quê Hương và Gíáo Hội Việt Nam. Chúng con nghĩ, người Việt Nam hải ngoại và nhất là chúng con phải làm điều gì tốt nhất cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam lúc này. Ngày Mùng Hai Tết, chúng con kính nhớ Tổ Tiên với tiếng pháo mừng xuân chúc tết Tổ Tiên và mọi người.

Giáo Đoàn Fatima Miller, vùng xa xôi phía tây của Sydney, đã cùng họp nhau và chuẩn bị chu đáo cho Ngày Lễ Tân Niên. Bàn Thờ Tổ Quốc và Tổ Tiên được trang trí uy nghiêm và với những Lộc Thánh Đầu Năm Mới. Đoàn Phụng Vụ Lễ Nghi khá hăng say để sắm sửa những bộ áo truyền thống Việt Nam. Thánh Lễ Mừng Tân Niên Canh Dần được cử hành lúc 11 giờ sáng do Cha Phêrô Nguyễn Khoa Toàn và Thầy Phó Tế Phêrô Đặng Đình Nên. Thánh Lễ rất trang nghiêm sốt sắng với 3 hồi chin tiếng chiêng trống khai mạc trang trọng.

Tôi điện thoại cho anh Giuse Nguyễn Văn Đáng, trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Miller.

- Giáo Đoàn chúng con Mừng Lễ Xuân Canh Dần thế nào?

- Trong Thánh Lễ Tân Niên Canh Dần, Giáo Đoàn chúng con rất đông người tham dự và chúng con đã cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

- Anh Đáng thấy tâm hồn mình thế nào khi tham dự Thánh Lễ Tân Niên?

- Chúng con nhớ về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam trong tâm tình hiệp thông và cầu nguyện. Chúng con cũng đã lập Bàn Thờ Tổ Quốc và Tổ Tiên để mọi người cùng tưởng nhớ và cầu nguyện khi chúng con đại diện Giáo Dân cùng dâng hương với Cha Chủ Tế, để nói lên tinh thần đồng hành cùng hiệp thông và cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

Tôi cũng hỏi chị Vương Thị Trúc Loan, một Phụ Nữ Việt Nam tại Miller:

- Khi nghe tin những áp bức tại Đồng Chiêm, Loan Lý, Tam Toà, Bầu Sen chị có cảm tưởng thế nào?

- Chúng con rất buồn khi nghe tin những áp bức tại Đồng Chiêm, Loan Lý, Tam Toà...Chúng con hiệp thông và cầu nguyện cho các nơi đó nói riêng và Quê Hương cũng như Giáo Hội Việt Nam nói chung được sống trong hoà bình và tự do công lý.

- Thánh Lễ Tân Niên tại Miller chị và Giáo Dân đã cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam thế nào?

- Chúng con đã sốt sắng cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam được hưởng nền hoà bình trong nhân quyền và tự do, đặc biệt nền tự do Tôn Giáo.

Marrickville, một Giáo Đoàn gần City Sydney, với tên gọi Giáo Đoàn Đaminh Vũ Đình Tước. Ngày Tân Niên Canh Dần, Giáo Đoàn tụ tập về Thánh Đường St Brigid’s Marrickville để đón mừng Năm Mới. Bàn Thờ Tổ Quốc và Tổ Tiên trang trọng. Cây Mùa xuân được trang trí với những Lộc Thánh đầy mầu sắc xuân. Cha Canut Nguyễn Thái Hoạch chủ tế trong Thánh Lễ Tân Niên mừng xuân mới với khoảng 500 Giáo Dân tham dự.

- Anh Sâm và Giáo Đoàn Thánh Đaminh Vũ Đình Tước Marrickville mừng xuân Canh Dần thế nào?

- Thưa Cha, rất đông Giáo Dân đến tham dự Thánh Lễ Mừng Xuân Canh Dần. Chúng con đã nhớ tới và cầu nguyện thật nhiều cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

- Anh có tâm sự gì về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam?

- Chúng con cảm thấy thật buồn cho Quê Hương Việt Nam khi nghe tin Hoàng Sa, Trường Sa và các đất đai Quê Hương bị mất vào tay Trung Quốc. Chúng con thấy thương Giáo Hội Việt Nam bị áp bức qua những sự kiện Đồng Chiêm, Loan Lý...

- Anh và Giáo Dân đã cầu nguyện gì cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam?

- Chúng con đã cầu nguyện nhiều để xin Thiên Chúa ban cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam được hưởng Tự Do và Nhân Quyền trong công lý. Chúng con mong ước cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam được sớm hưởng một mùa xuân đấy đủ ý nghĩa trong Tự Do, trong tình yêu Quê Hương và Dân Tộc trọn vẹn.

Lang thang trong vùng Lakemba, Giáo Đoàn Chúa Kitô Vua, một trong những Giáo Đoàn lâu đời nhất từ hồi Cha Cố Đominicô Nguyễn Văn Đồi phụ trách. Giáo Đoàn Lakemba là nơi thường xuyên tổ chức những Thánh Lễ đặc biệt của cả Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney trong thập niên 1990. Những Thánh Lễ Cộng Đồng đầu tiên như Lễ Giáng Sinh, Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Thánh Lễ Giao Thừa đón xuân hằng năm, Đại Lễ Phục Sinh...đều được tổ chức tại trường St John Lakemba hay tại Wiley Park. Tại Giáo Đoàn này, Thánh Lễ Tân Niên được cử hành trang nghiêm và sốt sắng do Cha Phêrô Nguyễn Khoa Toàn và Thầy Phó Tế Phêrô Đặng Đình Nên với khoảng 350 Giáo Dân tham dự. Khai mạc với nghi thức dâng hương chúc xuân Chúa và Tổ Tiên.

Anh Giuse Nguyễn Ngọc Sinh, trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn tâm sự:

- Giáo Đoàn chúng con đã dâng Lễ Tân Niên để cầu nguyện thật nhiều cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

- Trong tâm tình của một người Công Giáo Việt Nam xa xứ, anh Sinh có tâm tình gì khi dâng Thánh Lễ Tân Niên Canh Dần?

- Thưa Cha, chúng con đã cầu nguyện và hiệp thông rất nhiều, để nhớ về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Chúng con ước mơ Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam được hưởng một Mùa Xuân yêu thương trong Tự Do và Nhân Quyền. Chúng con mong mỏi và cầu nguyện cho người dân Việt Nam được hưởng quyền làm người giống như tại xã hội Úc Châu này.

Giáo Đoàn Giuse Lê Đăng Thị Fairfield West, mặc dù không có Thánh Lễ Tân Niên, vì gần với Giáo Đoàn Cabramatta và Mt Pritchard, nhưng Giáo Dân cũng đã cầu nguyện rất nhiều cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam trong những Thánh Lễ cuối năm. Tôi gặp bác Gioan Trần Đình Hy, truởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn. Bác tâm sự:

- Đêm Giao Thừa ngày Thứ Bảy khi tham dự Thánh Lễ Giao Thừa tại Paul Keating Park, chúng con đã cầu nguyện và hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam. Chúng con cũng đã cầu nguyện rất nhiều cho Quê Hương Việt Nam.

- Khi tham dự Thánh Lễ Đầu Năm Canh Dần, bác có cảm tưởng gì?

- Khi tham dự Thánh Lễ Đầu Xuân Canh Dần, lòng chúng con tràn ngập xúc động nhớ về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Tâm tình của chúng con, những người Việt Nam Tỵ Nạn luôn hướng về và cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam đưoợc sớm hưởng Tự Do Công Lý và Nhân Quyền thật sự.

Những Ngày đầu Xuân Canh Dần, gặp gỡ anh Giuse Trần Văn Hoà tại Bankstown, anh là Phó Điều Hợp của Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình, anh Hoà Tâm sự:

- Những ngày đầu năm mới, tổ chức các Thánh Lễ Tân Niên với cung cách truyền thống Việt Nam rất cần, để những người trẻ Việt Nam cùng nhớ đến Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Nếu không tổ chức, con cháu chúng ta sẽ mất đi những ý niệm về Quê Hương về Dân Tộc, về Giáo Hội Việt Nam.

- Khi tham dự Thánh Lễ Tân Niên, anh có cảm tưởng gì?

- Chúng con rất nhớ đến Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Chúng con đã cầu nguyện rất nhiều cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Đặc biệt, chúng con hiệp thông và cầu nguyện rất nhiều cho Đồng Chiêm, Loan Lý ruột thịt, gắn liền với chúng con và gắn liền với Quê Hương. Chúng con cầu nguyện tha thiết cho Quê Hương và Dân Tộc cũng như Giáo Hội Việt Nam được mau hưởng Tự Do và Nhân Quyền trong yêu thương thật sự...

Những Ngày Đầu Năm Mới Canh Dần, ý xuân và niềm vui tràn ngập trong tâm hồn những người Việt Nam sống xa Quê Hương tại vùng Sydney. Ai nấy lúc nào cũng hướng về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Mọi người đều có một mơ ước: Cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam trong những ngày Đầu Năm Canh Dần, để Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam sớm hưởng nền Tự Do trong Công Lý và được sống trong hạnh phúc của những quyền căn bản trong Nhân Quyền.

Uớc mơ và lời cầu nguyện đầu xuân Canh Dần dâng lên Thiên Chúa yêu thương và Mẹ Maria dịu hiền của mọi người Việt Nam trên toàn thế giới, chắc chắn sẽ mang lại hồng phúc cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, và Thiên Chúa toàn năng, qua sự bầu cử của Mẹ Maria, Mẹ Việt Nam, sẽ thực hiện điều tốt nhất cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Chúng con mong ước diều đó nhiều lắm.

Sydney ngày mùng 3 tết Canh dần 16.2.2010.

Hình ành: Diệp Hải Dung, Dương Quang, Đức Hiền, Ngọc Chính, Trần Hùng.
 
Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Gioakim Nguyễn Quang Mỹ
GP Hải Phòng
13:04 18/02/2010
Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Gioakim Nguyễn Quang Mỹ

Cha Gioakim NGUYỄN QUANG MỸ (1910-1977)

Cha Gioakim Nguyễn Quang Mỹ (còn gọi là cha Kim) sinh năm 1910 tại giáo họ Lạng Am, thuộc xứ Nam Am, giáo phận Hải Phòng. Ngài là một linh mục đã trải qua nhiều đau thương nhưng vẫn luôn nhiệt thành và mẫu mực trong đời mục tử.

Sau khi được thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Đông Khê (Đông Triều, Quảng Ninh). Trong thời kháng chiến, ngài bị chính quyền Việt Minh bắt giam 5 năm (1949-1954). Sau cuộc di cư năm 1954, Đức Giám mục Hải Phòng là Đức cha Giuse Trương Cao Đại và một phần lớn linh mục đã di cư, giáo phận chỉ còn lại 13 linh mục đã già yếu. Phần cha Gioakim Mỹ, sau khi ra tù, đã về làm mục vụ tại xứ Kẻ Sặt, vì lúc đó linh mục chính xứ Kẻ Sặt đã di cư vào miền Nam.

Linh mục Gioakim được mọi người ca tụng như một vị chủ chăn hiền từ, hy sinh tận tuỵ phục vụ đàn chiên. Công việc mục vụ của ngài trải dài trên một nửa tỉnh Hải Dương hiện nay, tức là gồm các giáo xứ: Kẻ Sặt, Đào Xá, Bùi Xá, Phú Lộc, Đồng Bình, Đồng Vạn, Bùi Hòa, Từ Xá, Phương Quan, Ba Đông, Kẻ Bượi. Với phương tiện lúc bấy giờ chỉ là một chiếc xe đạp cũ, cha Gioakim vẫn nhiệt thành trong công việc. Ngài thường xuyên di chuyển từ xứ này tới xứ khác trong suốt tuần để “làm phúc”.

Nhưng những gian lao khốn khó nhất mà cha Gioakim đã phải chịu là những cáo buộc trong thời cải cách ruộng đất năm 1955. Theo “chỉ tiêu” của Nhà Nước, nhiều làng xã đã có những người dân lành bị kết án “địa chủ”, bị đấu tố và xử bắn công khai cho dân khiếp sợ. Cha Gioakim đã bị đấu tố, nhục mạ và vu khống đủ mọi điều xấu xa. Ngài bị cấm không được tiếp xúc với giáo dân. Có người giáo dân trong làng Kẻ Sặt đã bị cán bộ cải cách mua chuộc và dàn dựng để vu khống cho ngài. Vào thời điểm “nhất đội nhì trời” này, những liên lạc với người bị quy tội địa chủ hoặc các cha các thày, có thể là nguyên nhân của mọi vu khống và tố giác. Người ta nghi ngờ nhau, ngay cả giữa các thành viên trong cùng một gia đình hay những người sống cùng một xóm. Có nhiều người thương muốn giúp đỡ cha Gioakim, phải âm thầm mang cá kho, gạo hoặc thức ăn để ở tòa giải tội, để ngài mang về nhà xứ. Sau này, kể lại những kinh nghiệm đau thương của giai đoạn cải cách ruộng đất, ngài thường gọi đó là “thời của hỏa ngục và ma quỷ”.

Cha Gioakim cũng lo lắng cho việc vun trồng ơn gọi linh mục cho tương lai. Ngài nuôi rất nhiều các chú giúp lễ, nhưng vào thời đó không có chủng viện, nên các chú giúp lễ khi lớn lên không còn lựa chọn nào khác là về sống bậc gia đình. Trong số những con cái thiêng liêng của cha già Gioakim, có cha Giuse Phạm Văn Dương (đã qua đời năm 2001) và Đức cha Giuse, Giám mục Hải Phòng hiện nay. Những cậu giúp lễ, những cô ca đoàn thời cha Gioakim xưa kia, hiện nay vẫn quy tụ với nhau thành hội đoàn, với thao thức lưu giữ những kỷ niệm và gương sáng của ngài.

Vào năm 1976, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo đau nặng, các linh mục trong giáo phận đã mời cha Gioakim về Tòa Giám mục với tư cách là linh mục niên trưởng, để điều hành giáo phận trong khi Đức cha Phêrô Maria đau bệnh. Sau 21 năm phục vụ giáo xứ Kẻ Sặt, cha già Gioakim đã về Hải Phòng tháng 06 năm 1977. Ngày 18-8-1977, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo qua đời. Sau đó, cha Gioakim cũng ốm đau bệnh tật triền miên và ngài đã yên nghỉ trong Chúa ngày 23-11-1977, tại bệnh viện Việt-Tiệp Hải Phòng. Thi hài của ngài được an táng tại nghĩa trang Kẻ Sặt, giữa những người giáo dân mà ngài đã suốt đời hy sinh tận tâm để phục vụ.

Linh mục Gioakim Nguyễn Quang Mỹ là nhân chứng cho những khó khăn khốc liệt một thời của Giáo Hội miền Bắc. Ngài cũng là tấm gương hy sinh đối với các linh mục trong sự nhiệt tâm phục vụ các linh hồn. Ước mong việc nhắc lại cuộc đời và sự nghiệp của ngài nhân Năm Linh mục sẽ giúp cho các linh mục hôm nay thêm lòng nhiệt thành tận tuỵ phục vụ các linh hồn.
 
Cộng Đồng Công Giáio Việt Nam Seatle đón xuân Canh Dần
Nguyễn An Quý
14:05 18/02/2010
Cộng Đồng Công giáo Việt Nam Seattle đón Xuân Canh Dần.

Seattle- Người Việt hải ngoại năm nay đón xuân khá thoải mái cho dù cơn suy thoái kinh tế chung của thế giới chưa thoát khỏi cảnh bế tắt, nhất là tại Hoa Kỳ. Thoải mái là ở chỗ ngày đầu Xuân năm nay được rơi đúng vào những ngày cuối tuần, thứ bảy ba mươi Tết và Chúa nhật mồng một Tết, tại Hoa Kỳ lại có thêm ngày nghỉ lễ Presidents’Day vào ngày thứ hai nữa, nên đồng hương vui chơi ba ngày Tết thỏa thích chẳng thua gì Việt Nam. Không biết đó có phải là lý do để Cộng Đồng Công giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle có cơ hội tổ chức đón Xuân Canh Dần một cách đặc biệt hơn mọi năm?

Xem hình Cộng Đồng Công Giáo Seatle mừng xuân

Theo kế hoạch, Thánh lễ Minh Niên đón Xuân canh Dần của xứ đạo Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle được cử hành tại trường học Asa Mercer lúc 10 giờ sáng Chúa nhựt ngày 14 tháng 02 năm 2010, và sau đó là chương trình văn nghệ đón xuân với sự góp mặt của ca sĩ Hoàng Oanh, Quang Thành và nhà ảo thuật gia Aaron Wheeler người Hoa Kỳ, cùng một số các đoàn thể thuộc Cộng Đồng Công Giáo Seattle giúp vui cho đến chiều tối.

Thành phố Cao Nguyên Tình Xanh năm nay lại được cái may mắn là chưa phải trải qua những ngày tuyết phủ, nên khỏi cảnh đường sá trơn trợt khi tuyết đóng băng, và hôm nay ngày Mồng Một Tết trời cũng thương cho cái xứ hiền hoà, thơ mộng này nên chỉ cho mưa rơi nhè nhẹ vào buổi sáng và trời cũng không mấy lạnh, vì thế nhiều giáo dân cũng như nhiều đồng hương khác tôn giáo đều hăng hái đến chung vui đón Xuân cùng với Cộng Đoông Công Giáo Việt Nam nơi đây rất đông đảo.

Mới 9 giờ sáng, chỗ đậu xe trong khu vực trường Asa Mercer đã đầy kín, có nhiều đồng hương thường hay lo xa nên mỗi khi có những ngày hội như thế này thì họ đã đi sớm để chiếm chỗ đậu xe tốt. Tôi bước vào khu vực nhà bếp, nhìn thấy cả một khu vực chất đầy các hộp đựng thức ăn đã được các anh chị Legio Maria, và một số các ông các bà cùng phụ giúp nhau bỏ thức ăn vào hộp thật chu đáo. Được biết, chương trình vui xuân kéo dài đến chiều tối, nên Ban Tổ chức đã chuẩn bị phần ăn trưa đơn giản để cung cấp cho toàn thể những đồng hương đến tham dự.

Khoảng 9 giờ 30, hội trường đã đầy kín các ghế ngồi. Thông thường, mỗi khi có một tổ chức nào đó mời gọi đồng hương đến tham dự một buổi lễ hay cuộc hội họp, thì phải đợi khách đến đông mới khai mạc, nhưng hôm nay chưa đến giờ khai mạc mà từ hội trường cho đến các hành lang chung quanh, đều đã đầy kín, kể cả các lối lối ra vào, ước lượng vào khoảng trên ba ngàn đồng hương tham dự.

Lễ đài là sân khấu của hội trường được trang trí bằng một tấm phông rộng lớn, trình bày khá mỹ thuật với chủ đề: “Xuân Khơi Nguồn”. Nhìn vào vài con thuyền lờ mờ giữa dòng nước xa xa được người họa sĩ phát hoạ trên tấm phông, như một gợi nhớ để mỗi người khi nghĩ lại cảnh hãi hùng với con thuyền lênh đênh trên biển cả vượt đại dương khi đi tìm lẻ sống của sự tự do. “Xuân Khơi Nguồn” cũng là chủ điểm mà Cộng Động Công Giáo Việt Nam Seattle đang gợi nhớ để đánh dấu kỷ niệm 35 năm thành lập Cộng Đồng, 35 năm ly hương, 35 năm đau buồn khi miền Nam lọt vào tay cộng sản và 35 năm những người Công giáo Việt Nam đến đây lập nghiệp kẻ trước người sau và đã gầy dựng được một Cộng đồng Đức tin mang truyền thống Việt Nam khá vững mạnh. Dù hôm nay ngôi Thánh Đường chưa được đáp ứng đúng nhu cầu của sự lớn mạnh, nhưng cũng được hoàn toàn độc lập tự chủ khi sử dụng vào việc phụng vụ của một Cộng Đồng Đức tin theo truyền thống Việt Nam.

Đúng 10 giờ Thánh Lễ Minh Niên mừng Xuân Canh Dần bắt đầu, ông Phạm Ngọc Tuyền chủ tịch Uỷ Ban Thường Vụ Cộng Đồng đã ngỏ lời chào mừng toàn thể dân Chúa đến tham dự Thánh lễ Tân niên. Nghi đoàn cung nghinh Thánh Giá từ phía trước hội trường tiến lên lễ đài, dẫn đầu là đội trống của các em Thiếu nhi thuộc Cộng Đoàn Thánh Tâm gồm 24 em trong y phục màu trắng rất đẹp bước đi với tiêếg trống nhịp nhàng, tiếp đến theo thứ tự Thánh giá nến cao, các em thiếu nhi đồng phục, các cụ ông, cụ bà trong bộ Quốc Phục áo dài khăn đóng, đoàn dâng lễ vật gồm các vị đại diện cho 3 miền Trung Nam Bắc mặc sắc phục riêng cho từng miền, các em giúp lễ và sau cùng là Linh mục Đoàn gồm các linh mục trong Cộng Đồng như cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân, cha Quản xứ Hoàng Phượng Chủ tế Thánh Lễ, cha khách người Mỹ Paul Wicker, cha khách Nguyễn Văn Hiệp, thầy sáu phó tế Nguyễn Đức Mậu. Mở đầu Thánh Lễ, Cha Chủ tế chào mừng và ân cần giới thiệu từng linh mục, cũng như các tu sĩ nam nữ hiện diện trong Thánh lễ với Cộng Đoàn dâng lễ tại Hội trường. Trên lễ đài, gần 100 ca viên của các Ca đoàn hợp lại thành Ca Đoàn Tổng hợp hát lễ hôm nay.

Cha Chủ tế đã chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ, xin tóm gọn vài ý chính của phần chia sẻ Lời Chúa của cha Chủ tế, mở đầu phần chia sẻ, ngài nói: “Theo truyền thống tốt đẹp của Dân tộc Việt Nam trong ngày đầu xuân, đặc biệt người Công giáo Việt Nam thường có thói quen: ngày mồng một Tết đến nhà thờ để tạ ơn Chúa. Hôm nay ngày đầu xuân quý ông bà và anh chị em cũng đến đây để dâng lời tạ ơn về những hồng phúc mà Chúa đã ban cho mỗi người, mỗi gia trong năm qua…Lời Chúa hôm nay theo phụng vụ của Giáo Hội Việt Nam trong Bài Đọc I trích sách Tiên tri Isaia, nói về trời mới đất mới, phải chăng đã gợi cho chúng ta những điều tốt đệp mà mọi người mơ ước dâng lên Chúa trong năm mới. Bài Đọc II trích thư của Thánh Phaolô Tông gởi tín hữu Philipphê, mở đầu Thánh Phaolô nói: Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên.. Vâng, Quý ông bà và anh chị em cũng hãy vui lên trong năm mới…, “

Cha chủ tế nói tiếp: “Bài Tin mừng hôm nay theo Thánh Matthêu đã nhấn mạnh đến lời của Chúa là đừng áy náy và đừng quá lo lắng cho đời sống vật chất, tin mừng nói: Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy…”

Phần trích dẫn Lời Chúa trong phụng vụ Thánh lễ của ngày đầu năm mà cha Chủ tế vừa nhấn mạnh đã làm tăng thêm ý nghĩa của ngày Tết theo đường hướng sống đạo của Giáo Hội Việt Nam trong ngày đầu xuân để tiến vào năm mới.

Sau phần lời nguyện giáo dân là giây phút thiêng liêng nhiệm mầu và đầy cảm động, đó là nghi thức Dâng Của Lễ. Đoàn Dâng Của Lễ gồm các vi đại diện 3 miền Bắc Trung Nam, mỗi miền có 2 vị gồm 1 nam và 1 nữ đều mặc sắc phục của từng miền. Ca Đoàn Tổng Hợp hát bài ca: Thắp Nén Hương Xuân. Khi ca đoàn chấm dứt bài hát thì đoàn dâng của lễ tiến lên dâng lễ vật với lời diển nguyện dâng lên Chúa do chị Ngọc Bền làm MC đọc với giọng đọc êm dịu theo cung điệu diển đạt hết sức cảm động. Xin giới thiệu vài chi tiết về phần Dâng Của Lễ:

- Hai vị đại diện miền Bắc, nam mặc áo chùng thâm, nữ mặc áo tứ thân với lễ vật g2ôm bánh chưng, bánh tét và rượu tiến lên dâng của lễ cùng với lời diển nguyện của chị Ngọc Bền: Chúng con xin dâng lên bánh chưng và rượu ngon theo tục lệ cổ truyền của dân tộc Việt Nam vui mừng khi Tết đến. Xin dâng lên Chúa quê hương miền Bắc là hạt giống của Giáo Hội Việt Nam, với biết bao anh hùng tử đạo, nhưng đến nay vẫn còn những chịu áp bức bất công, tiêu biểu là Thái Hà, Toà Khâm Sứ, Tam Toà và Đồng Chiêm. Xin Chúa cứu giúp các giáo xứ, và dân Chúa đang bị bách hại, bị hành hung vì danh Chúa trên chính quê hương mình.

- Hai vị đại diện miền Nam, nam mặc veston, nữ mặc dài, khăn quàng lụa, tóc búi cao với, lễ vật gồm hoa, quả tiến lên dâng của lễ. MC đọc lời diển nguyện: Chúng con xin dâng lên Chúa những hoa thơm và trái ngọt từ miền Nam trù phú, ruộng lúa tốt tươi Xin Chúa cho công lý và hoà bình chính trực sớm đơm hoa, kết trái trên mảnh đất đầy tình người, sống đơn sơ, và chân thật, xin cho mọi người dân Việt được tự do phát triển, mở rộng với sự chân thành, công minh, và vui sống an hoà trên miền đất trù phú mà Chúa đã thương ban.

- Hai vị đại diện miền Trung, nam mặc áo thụng xanh, khăn đóng, nữ mặc áo dài đội khăn xếp hoàng hậu với lễ vật gồm Bánh và Rượu lễ tiến lên dâng của lễ. MC đọc lời diển nguyện: Miền Trung chúng con với mảnh đất cày lên sỏi đá đã viết nên trang sử oai hùng cho Giáo Hội Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn. Địa linh nhân kiệt một niềm sắt son bảo vệ Đức Tin, dân lành lao động cần cù, nhọc nhằn vất vả như nho ép thành rượu Thánh, lúa miến thành bánh Thánh dâng lên Chúa. Xin Chúa cho mưa thuận gió hoà, bớt cảnh thiên tai, bảo lụt, hầu đời sống dân lành được cơm no, áo ấm, an bình và hạnh phúc.

- Hai vị đại diện Cộng đồng, nam mặc veston, nữ mặc áo dài, tiến lên dâng của lễ với lễ vật gồm những đồng tiền mà giáo dân đã dâng cúng trong Thánh Lễ. MC đọc lời diển nguyện: Chúng con xin dâng lên Chúa, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Seattle với những người con của Chúa từ ba miền Bắc, Trung, Nam đang đón xuân tha hương, nhưng trong lòng luôn vương vấn tiếng chuông nhà thờ nơi làng xưa đất cũ. 35 năm rồi đấy, những ước mơ vẫn còn kéo dài. Mơ ước cho cộng đồng mỗi ngày được phát triển rộng lớn hơn về mọi mặt. Lạy Chúa, của lễ chúng con dâng hôm nay là sự đóng góp chân thành của từng cụ già đến những em bé, với bao khó nhọc, lao công dành dụm chắt chiu của từng người trong chúng con. Xin Chúa mở rộng lòng chúng con để chúng con luôn sẵn sàng hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng trong khả năng của mỗi người chúng con.

Buổi dâng của lễ đầy cảm động dâng lên Chúa với nguyện ước của toàn thể dân Chúa thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam là những giáo dân đang cư ngụ trải dài từ Bắc đến Nam chung quanh thành phố Seattle. Thánh Lễ kết thúc lúc 12 giờ trưa, sau đó là phần báo cáo tài chánh và hướng phát triển cộng đồng, đặc biệt năm nay là năm kỷ niệm 35 năm thành lập Cộng Động Công giáo Việt Nam tại đây, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân dịp này cũng ưu ái ban Phép Lành Toà Thánh cho Cộng Đồng.

Chương trình kéo dài đến chiều, nên toàn thể giáo dân tham dự được ăn trưa đơn giản để tiếp tục thưởng thức chương trình văn nghệ.

Vào khoảng 1 giờ 30 chương trình văn nghệ bắt đầu. Khai mạc phần văn nghệ là nghị thức Lễ Chào Cờ và phút Mặc niệm trọng thể.

Chương trình văn nghệ do ca sĩ Hoàng Oanh và Quang Thành trình diển khá sôi động, nhiều tiết mục của các em thiếu nhi đóng góp khá lôi cuốn khán giả, nhất là những trò ảo thuật của ảo thuật gia Aaron Weeler làm say mê người tham dự, cộng thêm các màn biểu diển võ thuật của 2 em thiếu nhi đã tạo thêm thú vị của buổi văn nghệ mừng xuân.

Một ngày vui Xuân đầy ý nghĩa đã tạo tình thân thương giữa những người đồng hương không phân biệt tôn giáo nơi đất khách quê người được chấm dứt vào khoảng 5 giờ 30 sau cuộc xổ số Vui Xuân.

Nguyễn An Quý.
 
Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang Boston mừng xuân Canh Dần
David Mai
15:56 18/02/2010
Xuân đến xuân đi xuân lại đến,

Yêu xuân rồi xin giữ lại hồn Xuân.


Cộng Đoàn Mẹ Lavang Boston luôn luôn giữ truyền thống và văn hóa Việt-nam. Do đó Cộng đoàn lại được phép cha Antôn Lê-Văn-Hoàng cho tổ chức mừng Xuân thật long trọng có các cha khách cùng đồng tế. Đặc biệt có Cha Mỹ cùng chia sẻ truyền thống người Việt-nam chúng ta. Ngài đã thắp nhang và lạy bànthờ Tổ Tiên, sau cùng Ngài cũng đi từng hàng ghế để lì xì các tín hữu tham dự Thánh lễ.

Xem hình cộng đoàn Lavang Boston mừng xuân Canh Dần

Mọi người đến tham dự thánh lễ quá đông cho nên nhà thờ không còn chỗ ngồi. Sau thánh lễ là bữa tiệc mừng Xuân, kèm vào đó là buổi Văn nghệ hát cho nhau nghe do chính các đoàn thể đóng góp như Thiếu nhi múa lân, Thanh niên và Ca đoàn hợp ca, Liên minh Thánh-Tâm trong Sớ taó quân, Lêgiô Maria cũng không kém trong những bài nhạc xuân tình tứ đầy áp tình ngưòi, Liên nhóm Cursillo trong vở kịch kẻ ăn xin đã được nhiều người ủng hộ và lì xì. vv…. .

Thật là vui nhộn đầy ắp tình người trong yêu thương và đoàn kết.
 
Giáo xứ Bình Chính, Ninh Thuận vui xuân Canh Dần
Lê Vang
17:57 18/02/2010
Khởi đầu những ngày đầu Năm Canh Dần và Giáo Hội bắt đầu bước vào 40 ngày Chay Thánh. Giáo Xứ Bình Chính Năm nay, thật là sung sướng và vui mừng được Cha Giuse Nguyễn Thường là con cái của Giáo Xứ về quê ăn tết và cùng với Cha Quản Xứ dâng Thánh Lễ đồng tế vào ngày mồng Một, mồng Hai, ngày mồng Ba và ngày thứ tư Lễ Tro.

Xem hình giáo xứ Bình Chính vui xuân Canh Dần

Ngày mồng một, Cha Thường và cùng với Cha Quản Xứ đã dâng lời cầu nguyện cho Ông Bà Anh Chị Em trong và ngoài Giáo Xứ cũng như những An Nhân được An Bình – Hạnh Phúc trong Năm Mới. Ngày mồng hai Quý Cha đã dâng Thánh Lễ tại Nghĩa Trang Bình Chính cầu nguyện cho Quý Cha, Quý Thầy, Quý Soeurs, Quý An Nhân, Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ Anh Chị Em đã qua đời. Mồng ba tết dâng lễ cầu xin Chúa chúc phúc cho công việc làm ăn và việc học tập của sinh viên học sinh.

Đặc biệt năm nay, Cha Quản Xứ đã tổ chức hai đêm Hội Chợ Am Thực, Hát Cho Nhau Nghe những khúc ca mùa xuân, các gian hàng trò chơi và quay số trúng thưởng Giải Đặc Biệt là một chiếc xe Honda hiệu Super dream và chủ nhân may mắn đêm xổ số là Anh Thiện con nhà ông bà Trữ.

Suốt hai đêm mồng hai và mồng ba bầu khí rất vui vẻ, phấn khởi của ba ngày tết đã làm cho bà con rất hạnh phúc và sung sướng. Bởi lâu lắm rồi Giáo Xứ Bình Chính mới có một cái tết vui vẻ và sôi động như vậy.
 
Thông Báo
Ái tín: Lm Giuse Dương Đức Toại qua đời
Tòa TGM Huế
09:07 18/02/2010
AI TÍN

Tòa Tổng Giám Mục Huế trân trọng báo tin:

Cố linh mục Giuse DƯƠNG ĐỨC TOẠI


Sinh ngày 13 tháng 06 năm 1941, tại An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị.

Đã qua đời lúc 16 giờ 15, ngày 17 tháng 02 năm 2010, tại Bệnh viện Trung Ương, Huế.

Hưởng thọ 69 tuổi.

- Nhập quan lúc 15 giờ 00 ngày 18 tháng 02 năm 2010 tại Nhà Chung, Huế.

- Di quan lên Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam lúc 5 giờ 00 sáng thứ bảy, ngày 20 tháng 02 năm 2010, sau đó Thánh lễ An táng.

- An táng tại Nghĩa trang Linh mục, Thiên Thai - Huế.

Xin mọi thành phần Dân Chúa hiệp ý cầu nguyện cho cố linh mục Giuse được hưởng Nhan Thánh Chúa.


Kính báo
Tòa Tổng Giám Mục Huế


TIỂU SỬ CỐ LINH MỤC GIUSE DƯƠNG ĐỨC TOẠI

(1941 - 1968 - 2010)


- Ngày 13.06.1941: Sinh tại An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị.

- Năm 1951: Tiểu Chủng Viện An Ninh, Quảng Trị.

- Năm 1953 - 1956: Tiểu Chủng Viện Phú Xuân, Huế.

- Năm 1957 - 1960: Học trường Thiên Hựu, Huế.

- Năm 1961: Đại Chủng Viện Thị Nghè, Sài Gòn.

- Năm 1962: Đại Chủng Viện Huế.

- Ngày 22.08.1968: Thụ phong Linh mục.

- Năm 1968 - 1969: Phó xứ Tân Thuận.

- Năm 1969 - 1972: Giáo sư trường Thiên Hựu, Huế.

- Năm 1972 - 1975: Quản xứ Quy Lai.

- Năm 1975 - 1995: Quản xứ Thạch Bình.

- Tháng 3/1995 - 2006: Quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang.

- Tháng 4/2006 - nay: Đặc trách Ban Bác ái - Xã hội Giáo phận.

- 14 giờ 30 ngày 17.02.2010: Lâm trọng bệnh chuyển đến Bệnh viện Trung Ương, Huế.

- 16 giờ 15 cùng ngày: Tạ thế tại Bệnh viện và đưa về Nhà Chung, Huế.

Hưởng thọ 69 tuổi.

- Nhập quan lúc 15 giờ 00 ngày 18 tháng 02 năm 2010 tại Nhà Chung, Huế.

- Di quan lên Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam lúc 5 giờ 00 sáng thứ bảy, ngày 20 tháng 02 năm 2010, sau đó Thánh lễ An táng.

- An táng tại Nghĩa trang Linh mục, Thiên Thai - Huế.

Xin mọi thành phần Dân Chúa hiệp ý cầu nguyện cho cố linh mục Giuse được hưởng Nhan Thánh Chúa.


Kính báo
Tòa Tổng Giám Mục Huế
 
Văn Hóa
Lá dừa Mùa Chay
Nguyễn Trung Tây, SVD
03:53 18/02/2010
Lá dừa Mùa Chay
Bóng đổ trên tường, Ảnh NTT




Em đau, một mình em chịu. Em khóc, một mình em hay. Nếu em nhắm mắt lại chết đi, vẫn chỉ một mình mình đi. Sáng sáng em thấy cảnh đời vẫn nhộn nhịp tấp nập bên khung cửa. Mặt trời vẫn rộn ràng, chim vẫn hót líu lo, xe bus vẫn dừng lại ngay trước cửa trạm. Tự nhiên em thấy tiếc cho một quãng thời gian


Mùa hè Úc Châu, xoài Darwin bán khắp nơi. Ăn xoài xong, tôi ơ hờ quẳng bỏ hột xoài. Bẵng đi một tháng, tôi nhìn thấy hột xoài vẫn nằm lẻ loi ngoài sân vườn. Nhìn hột xoài mốc meo, tôi không còn nhận ra hình dạng trái xoài Darwin to tròn thơm ngát ngày nào. Xót xa cho phận xoài, tôi cúi xuống đào lỗ làm đám tang chôn hột xoài. Rồi quên đi.

Thứ Ba trước ngày thứ Tư Lễ Tro, cha Giám Đốc chủng viện hỏi tôi còn giữ lại những lá dừa Lễ Lá năm ngoái hay không? Cha nhờ tôi đốt lá dừa lấy tro cho ngày Lễ Tro. Tôi đi vô phòng, cầm những lá dừa năm ngoái mang ra sân vườn. Nhìn những cánh lá khô quắt cong queo trên tay, tôi thấy lại lá dừa xanh năm ngoái. Hôm đó tôi mặc áo đỏ Lễ Lá vẩy nước phép lên những cành lá dừa xanh màu lá mạ. Màu xanh năm ngoái tươi vui giờ này đổi sang màu lá úa. Sợi lá dầy cứng năm xưa giờ này gầy ốm khẳng khiu. Nhìn đến là thương cho một kiếp thảo sinh. Tự nhiên tôi mơ ước nếu lá dừa đừng biến đổi màu sắc và hình thể. Tự dưng tôi thương tiếc cho đời lá ngắn ngủi. Bỗng nhiên tôi ngần ngại không muốn nổi lửa đốt lá dừa cháy ra tro.

Cách đây mấy tháng vào lúc nửa đêm bạn tôi gọi điện thoại báo tin thân phụ vừa qua đời. Bác trai tôi vẫn thường xuyên ghé vào thăm hỏi. Bác sinh ra tại phố Hàng Đào Hà Nội, di cư vào Ông Tạ Sài Gòn, sinh viên Sĩ Quan Đà Lạt, bay sang California tu nghiệp hai năm, tham dự hội chợ quốc tế Osaka tại Nhật rồi ở lại tu nghiệp thêm một năm, sau năm 75 quay lại về Bắc cải tạo Hoàng Liên Sơn mười năm, tái định cư tại Melbourne Úc Châu năm 90. Có lần tôi nói,

— Bác sinh ra bọc vải điều, lại có sao Thiên Mã. Cho nên bác đi từ Bắc vào Nam, bốn vùng chiến thuật dấu giầy ghi đậm. Mỹ bác cũng biết. Nhật bác cũng rành. Giờ lại đi Úc. Nhất bác.

— Ừ, bác thấy mình đi cũng nhiều thật. Mà lần nào cũng đi xa.

Nghĩ ngợi khoảng một giây, bác lại nói,

— Không biết lần này thì sao?

Tôi nhận ra ánh mắt bác đăm chiêu,

— Nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình đúng là tro bụi…

Bác như đang nói với chính mình,

— Hành trình một đời người cũng đã xong. Hành lý cũng đã gọn gàng!

Tự nhiên bác buông lời gọn, âm tươi,

— Lần này thì lại đi…

Tháng trước tôi ghé vào bệnh viện thăm chồng cô em họ. Nhìn người nằm trên giường bệnh, tôi không nhận ra được khuôn mặt quen thuộc. Những sợi tóc đen dầy cứng giờ đã rụng hết, trơ lại bên trên vầng trán cao khoảng trống mênh mông. Màu da tuổi ba mươi giờ này không còn hồng hào nhưng bủng beo tai tái bởi căn bệnh hiểm nghèo. Dọc theo hai bên cánh tay bệnh nhân cắm sâu những ống chích, một bên dây máu đỏ và thuốc truyền vào, một bên dây nước biển. Tôi ngồi xuống bên giường bệnh muốn lắng nghe nhiều hơn. Nhưng bởi thuốc và bệnh, người bệnh cũng kiệt sức không nói nhiều. Tôi cầm quyển kinh, lúng túng chọn bài Phúc Âm. Cuối cùng, tôi chọn Tám Mối Phúc Thật,

— Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Matt 5:5).

Sáng Chúa Nhật thánh lễ xong, tôi mang Mình Thánh Chúa đến tư gia cho cụ. Đầu giường nơi cụ nằm có tấm hình cụ ông và cụ bà thời còn trẻ. Trong hình, cụ quấn khăn nhung đen, cần cổ cao thon tròn đều kiềng vàng, má lúm đồng tiền để lộ hàm răng trắng đều, đôi mắt mở lớn long lanh, nhìn đẹp quá. Thấy tôi chăm chú nhìn bức hình, cụ nói,

— Cái hình thời mới di cư vào Nam đấy mà. Khi đó tôi sinh được cháu đầu lòng mới non một tháng. Đấy, cái đứa bé đang ẵm trên tay là nó đấy.

Nói chuyện một hồi, tôi mới biết “cháu đầu lòng mới non một tháng” giờ cũng đã có cháu nội,

— Đây hình mấy đứa chắt nội… Thằng nào giờ cũng lớn tướng cả rồi.

Nhìn hình cụ ngày xưa, tôi không cầm được, bật miệng khen,

— Cụ đẹp quá…

Cụ cười móm mém hai hàm răng,

— Cha nói, thì cũng là một thời hoa khôi trong xóm giáo nhà ta. Nhưng thôi, cũng chỉ là thế gian…

Vâng, thôi, cũng chỉ là thế gian, phận người cũng như phận lá, nhân sinh cũng như thảo sinh, tất cả cũng chỉ là bụi tro rồi sẽ quay về bụi tro. Tôi thôi tiếc xót cho một đời lá dừa, nhưng quyết định nổi lửa đốt lá. Ngọn lửa bừng bừng đốt cháy đổi màu lá úa sang màu nâu, rồi là xám tro, rồi đen tuyền, màu của đất lành dưỡng nuôi.

Thân phụ bạn tôi nhắm mắt lại. Theo lời yêu cầu của người chết, bạn tôi thiêu xác thân phụ. Sau nghi thức làm phép linh cửu tại nghĩa trang, nhân viên nhà quàn chuyển áo quan xuống lò đốt. Tôi đứng cạnh bạn chứng kiến ngọn lửa lem lẻm đốt cháy linh cửu. Gỗ quan cháy để lộ ra xác người bên trong cong oằn dưới ngọn lửa tưởng như người chết sống dậy dãy dụa đớn đau. Bạn tôi không cầm được nước mắt, ngã gục vào vai tôi khóc nức nở. Chúng tôi quyết định bỏ về. Hôm sau quay lại chỉ để nhận được hũ tro.

Tôi hốt tro đen của lá dừa vô chén. Mang vô nhà nguyện, tôi đặt chén tro giữa cung thánh, chuẩn bị cho nghi thức Lễ Tro ngày mai. Nhìn tro lá dừa, tôi nghĩ tới hũ tro thân phụ người bạn và hũ tro tương lai thật gần của chồng cô em họ. Ngày hôm qua, gia đình nước mắt ngắn dài bàn chuyện hậu sự cho người thân ba mươi tuổi. Mọi người quyết định hỏa táng xác người thân. Tôi ngồi bên giường bệnh, tiếp tục đọc Tám Mối Phúc Thật,

— Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp (Matt 5:4)…

Người bệnh hôm nay rất tỉnh,

— Xin cha cầu nguyện cho em…

Tôi lúng túng chọn lựa chữ nghĩa,

— Anh sẽ làm lễ… cầu bình an cho chú…

Tôi ngần ngại,

— Cho anh hỏi một câu có được không?

— Cha cứ hỏi…

— Anh cầu nguyện cho chú, nhưng chú có cầu nguyện cho mình hay không?

Người bệnh nói liền,

— Có chứ. Em cầu nguyện với Chúa nếu cho em làm lại, em sẽ sống khác…

— Khác như thế nào?

— Em sẽ thiết tha với cuộc sống nhiều hơn. Cha ơi, ba mươi năm trôi qua nhanh quá!

Ba mươi năm qua trôi nhanh thật. Tuổi ba mươi, có mấy người nghĩ hành trình trần thế sẽ chấm dứt, hành lý phải gọn gàng cho một chuyến đi xa.

Chiều ngày thứ Tư lễ Tro, tôi lại ghé vào nhà cụ, mang theo Mình Thánh Chúa để cụ rước lương thực thiêng liêng. Cụ nhìn tôi cười trơ hai lợi răng,

— Vất vả cha quá!

— Vậy là bác “nợ” cháu một lời kinh rồi nhé.

— Việc gì cứ phải một lời kinh. Tôi là tôi đọc cho cha ba tràng chuỗi mỗi ngày đấy.

— Cám ơn bác.

Tôi xức dấu thánh giá tro lên đầu cụ,

— Hãy nhớ mình là bụi tro…

Rồi tôi cho cụ rước lễ,

— Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con. Nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.

— Amen.

— Mình Thánh Chúa Kitô,

— Amen.

Chuyện qua chuyện lại, cụ lật từng trang sách thời tây càn ngoài Bắc kể cho tôi nghe,

— Mỗi lần tây càn tổng bên cạnh, thầy u vội vàng đẩy tôi vào sâu trong hầm dưới sàn cung thánh nhà thờ họ giáo. Sống dưới chân Chúa có lần tới cả tuần lễ. Làm thân con gái thời loạn, thật khổ…

Tôi hỏi cụ,

— Tám mươi năm rồi, từ Bắc vô Nam, từ Nam qua Úc, bác có lời hay ý đẹp nào muốn truyền lại cho con cháu hay không?

Cụ mắng yêu tôi,

— Cha đến là khéo nói...

Nhìn thấy tôi ánh mắt thiết tha và thật thà, cụ chép miệng,

— Nhưng thôi, cha hỏi thì nói. Tám mươi năm rồi, tôi vẫn không có điều gì hối tiếc. Của thế gian thì thôi giả lại cho thế gian. Linh hồn của Chúa thì thôi giả lại cho Chúa. Cha thấy, mới tháng trước con cháu mừng sinh nhật linh đình lắm, hành trình tám mươi năm rồi, hành lý giờ đã gói ghém cẩn thận đâu ra đấy. Giá ngày mai Chúa có cất đi, tôi vẫn sẵn sàng. Còn cha, hành lý của cha đã bọc gói tới đâu rồi?

Tôi bước ra ngoài xe, tự hỏi nếu ngày hôm nay Chúa gọi tôi về, hành lý tu sĩ tôi đã sẵn sàng hay chưa?

Nhà dòng Ngôi Lời có phong tục xướng tên cha, hoặc thầy, hoặc nữ tu thuộc đại gia đình Ngôi Lời vào ngày lễ giỗ.

— Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho linh hồn Cha Kevin, Thầy Sáu John, Sơ Mary…

Có những người tôi biết mặt, biết rõ.

Cha Kevin lớn tuổi, tính tình vui vẻ, bao dung. Gặp ai cũng cười mở miệng hỏi thăm. Nói chuyện với cha Kevin thì cười không dứt, bởi ngài có biệt tài kể chuyện tiếu lâm. Thế đấy! Buổi chiều vẫn thấy cha ngồi ăn cơm tối. Buổi tối trôi qua. Sáng không thấy cha đi lễ. Gọi điện thoại ngài không trả lời, ngoài lời nhắn văng vẳng từ trong máy. Mở cửa bước vào phòng chỉ để thấy cha Kevin nhắm mắt ngủ yên trên giường, chấm dứt hành trình bẩy mươi hai năm. Một người yêu đời, yêu người, luôn luôn rộng rãi với nhân gian qua nụ cười ân sủng, tôi tin cha Kevin hành lý ngài đã sẵn sàng.

Thầy Sáu John trẻ măng, đụng xe, mang vào bệnh viện, hai tuần sau nhắm mắt từ trần. Từ khi đụng xe cho tới khi mất đi, thầy Sáu John không bao giờ tỉnh lại. Cái tang của thầy Sáu John là một cái sốc dữ dội cho mọi người. Mọi người tham dự tang lễ hoặc sụt sùi hoặc nức nở thương tiếc cho một đời tu sĩ quá ngắn. Chỉ còn mấy tháng nữa thôi, thầy Sáu sẽ bước lên cung thánh. Nhưng chỉ bởi lơ đãng, một mạng người bị bôi xóa để lại bao nhiêu thương tiếc cho người còn sống. Hành trình hai mươi tám năm của thầy Sáu chấm dứt khi xe lật tung, quay mấy vòng trước khi đâm đầu vào lề đường xa lộ. Tôi không biết hành lý thầy Sáu John đã sẵn sàng hay chưa. Nhưng lần ghé thăm thầy trong phòng Cấp Cứu, tôi không thấy trên khuôn mặt nét đau đớn. Thầy nằm đó trên giường bệnh, đôi mắt nhắm lại như người đang ngủ mơ, một giấc mơ về cõi trời nơi đó thầy Sáu với hành lý gọn gàng đang bước tới.

Sơ Mary của tuổi năm mươi thì đặc biệt hơn. Có lần sơ kể tôi nghe,

— Lần đó thật là vớ vẩn, chẳng đâu vào với đâu. Hôm đó thứ Tư ăn chay. Buổi tối, đang dậy Giáo lý Lớp Tân tòng, tự nhiên toát mồ hôi, người lạnh toát, lao đao xiêu vẹo trên đôi bàn chân. Nhìn xuống lớp học, miệng muốn kêu cứu nhưng thở không ra… Thế là ngã té bất tỉnh… Mở mắt ra, thấy mình nằm trong phòng Cấp Cứu. Tưởng bị tim? Hóa ra tại người thiếu nước...

Sơ nói nho nhỏ vào tai tôi,

— Cũng tại hôm đó thứ Tư ăn Chay, Sơ lại không ăn không uống chi nguyên cả ngày. Hèn chi quỵ ngã! Lúc đang nằm trên băng ca xe cấp cứu, Sơ lại lẩn thẩn nghĩ ngợi nếu còn được sống để trở về với cõi trần gian, mình sẽ sống khác, sống thiết tha với mọi người và với mình nhiều hơn…

Vẫn lại cụm từ sống thiết tha mà tôi đã nghe từ miệng chồng cô em…

Yêu người Phi Châu, Sơ Mary xin đổi sang Sudan làm việc với người thổ dân. Trong một lần mắc kẹt giữa hai lằn đạn. Sơ nằm xuống kết thúc hành trình năm mươi năm. Nhà dòng đốt xác Sơ ra tro rải từ trên núi xuống đồng bằng theo lời yêu cầu của người nữ tu Dòng Chúa Thánh Linh. Tôi nhớ hôm tiễn Sơ tại phi trường bay sang Sudan, tôi thấy Sơ chỉ xách theo một vali hành lý. Sơ Mary lúc nào cũng vậy, hành lý nữ tu gọn gàng và sẵn sàng. Nhớ tới Sơ Mary, tôi hay đọc câu kinh,

— Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Matt 5:7)

Có lần chị tôi gọi điện thoại tới. Bà ấy than thở đứa con gái hư hỏng mất nết! Tôi buột miệng hỏi,

— Nó hư làm sao?

— Chị bảo nó học bác sĩ, nó cãi lại mẹ bỏ đi học ngành khác. Mà tưởng học ngành chi béo bổ, hóa ra nó đâm đầu vào ngành báo chí. Mà cậu biết rồi, con bé học giỏi nhất trường, năm nào cũng mang về bằng khen hạng nhất toàn trường. Con với cái, rõ là khổ!

Tiền điện thoại viễn liên không rẻ, nhưng tôi cứ phải tiếp tục nghe điệp khúc “học bác sĩ”, “cãi lại mẹ”, “ học báo chí”, “ơi là khổ” hơn cả tiếng đồng hồ. Tự nhiên tôi cũng thấy thật tình là khổ cho bà chị và cho mình,

— Chị ơi, con chị nó có hành lý của riêng nó. Còn chị, chị đã chuẩn bị hành lý cho mình hay chưa?

— Hành lý? Cậu nói hành lý nào?

Như một phép lạ, người bệnh ba mươi tuổi hồi sinh. Sau một lần giải phẫu theo triết lý còn nước còn tát, cơn bệnh hiểm nghèo bị đẩy lui. Nhận được tin mừng, tôi ghé vào bệnh viện. Người vợ đứng ngay bên giường bệnh nghẹn ngào nói,

— Cô em ruột của anh ấy đang đi hành hương đất thánh. Ngày nào cũng gọi điện thoại về. Em nhờ cô ấy cầu nguyện cho. Cô ấy còn ghé vào cả chỗ Bức Tường Than Khóc nữa. Bệnh của nhà em chỉ có Chúa chữa. Thật đúng là phép lạ!

Tôi ngồi xuống bên cạnh giường người vừa nhận được phép lạ. Tôi lại giở cuốn kinh, đọc lại lời Tám Mối Phúc Thật,

— Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Matt 5:5).

Đọc kinh xong, thấy người hồi phục mắt nhắm lại như thiu thiu ngủ, tôi yên lặng đứng dậy, tính đi về. Nhưng người bệnh đã mở mắt ra, thần sắc rạng rỡ nhìn tôi nhoẻn miệng cười,

— Cám ơn cha đã cầu nguyện cho em…

— Cám ơn Chúa thì đúng nhất… Nhưng cũng đừng có quên, chính chú cũng đã cầu nguyện cho mình.

— Cha nói đúng, hồi xưa em mở miệng ra là nhờ vả người khác cầu nguyện. Riêng mình thì chẳng bao giờ chịu mở miệng cầu nguyện với Chúa.

— Anh nhớ có lần chú nói nếu Chúa cho cơ hội làm lại…

— Em nhớ chứ, em đã cầu nguyện với Chúa nếu cho con sống lại, con sẽ sống khác, sống thiết tha với đời và với mình hơn…

— Anh không hiểu sống thiết tha là sống như thế nào?

Người hồi phục nhìn lên trần nhà rồi nhìn qua khung cửa,

— Hồi trước em chỉ nghĩ tới tiền. Em muốn có thật nhiều tiền để vợ con hạnh phúc, thiên hạ phải nể phục, bởi em tin tưởng vào triết lý, “Miệng kẻ sang có gang có thép!”. Nhưng hai tháng vừa rồi nằm trên giường bệnh, ngày nào em cũng chỉ thấy bóng em một mình đổ dài trên vách tường. Em đau, một mình em chịu. Em khóc, một mình em hay. Nếu em nhắm mắt lại chết đi, vẫn chỉ một mình mình đi. Sáng sáng em thấy cảnh đời vẫn nhộn nhịp tấp nập bên khung cửa. Mặt trời vẫn rộn ràng, chim vẫn hót líu lo, xe bus vẫn dừng lại ngay trước cửa trạm. Tự nhiên em thấy tiếc cho một quãng thời gian ba mươi năm dài em sống không thiết tha với cuộc đời và với mình.

Người hồi phục kết luận,

— Giờ đã sống lại, em cũng sẽ làm lại hành lý cuộc đời.

Tôi nhận ra đôi mắt của người hồi phục long lanh nước mắt.

Trời mùa hè Úc Châu tiếp tục thiêu đốt cư dân tiểu bang Victoria. Chiều hôm nay, bầu khí oi nồng ẩm thấp gọi mời tôi rời bỏ văn phòng bước ra sân vườn. Nhìn xuống, tôi khám phá ra lần đốt lá dừa lấy tro, mình đã làm rớt một cành lá dừa xuống đất. 40 ngày mùa Chay vừa qua, lá dừa bị bỏ quên vẫn nằm im lìm trên sân vườn, vẫn khô quắn cong queo. Tôi cúi xuống nhặt lên cành lá. Thật bất ngờ, tôi nhìn thấy cây xoài xanh non bé tí ti nhú cao được hơn một gang tay. Gió hè oi nồng thổi nhẹ rung rinh ba chiếc lá non mà tưởng như cây xoài bé con đang giơ tay vẫy chào. Nhìn cây xoài bé tí, tôi không nhận ra hình dạng của hột xoài mốc đen ngày nào. Nhìn cây xoài xanh non, tôi nhận ra trái xoài ngày nào đã đi hết hành trình thảo mộc. Bây giờ cây xoài con mới mở ra ba cánh lá lại đang chập chững những bước đi mới cho một cuộc hành trình mới.

Tôi nhìn lá dừa còn sót lại. Lá dừa đã đi hết hành trình thảo mộc. Giờ này lá dừa cũng đã sẵn sàng hành lý để được hóa thân. Tôi lại nổi lửa đốt lá dừa ra bụi tro. Lần này tôi không mang tro vô nhà nguyện nữa, nhưng rắc chung quanh gốc cây xoài con làm chất màu nuôi dưỡng cây non… Tôi vô nhà nguyện. Quỳ dưới cung thánh, tôi ngẩng lên nhìn Chúa chết lặng lẽ trên cây thập giá. Qua mái vòm trên cung thánh, nắng hè hoàng hôn tiếp tục xiên xiên chiếu sáng một khoảng thân xác loang lổ máu đỏ của Chúa. Chúa trên cây thập giá đã đi hết hành trình ba mươi ba năm. Hành lý Ngài lúc nào mà chẳng gọn gàng, cho nên có tới ba lần Chúa đã tiên đoán trước về cuộc tử nạn của mình. Hôm nay thứ Sáu Tuần Thánh. Chiều nay xác Ngài được tháo xuống, chôn sâu trong mộ. Lung linh trong tia nắng chiều tàn của ngày tử nạn trên đồi Golgotha, tôi nhận ra hình ảnh Phục Sinh của ngôi mộ trống. Tôi lật Phúc Âm thánh sử Mátthêu, đọc tiếp,

Sau ngày Sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mađalêna và một bà Maria khác, đi viếng mộ. Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã sống dậy như Người đã nói” (Matt 28:1-6).

Đến bây giờ tôi mới hiểu, bởi Đức Giêsu đã chết đi, chôn trong mộ, hạt giống đức tin mới bắt đầu nứt vỏ nẩy ra một mầm sống mới, mầm sống Giáo hội. Hai ngàn năm rồi mầm sống Giáo hội tiếp tục vươn cao hóa ra cây Giáo hội ngàn đời xanh tươi. Tự nhiên tôi lại nhớ tới trái xoài Darwin ngọt ngào, hột xoài mốc meo, và cây xoài xanh non ba lá trong sân vườn chủng viện. Ơn trời đổ xuống, tôi cảm nghiệm nhiều hơn về khái niệm và ý nghĩa của Mùa Chay và Mùa Phục Sinh.

www.nguyentrungtay.com
 
Chuyện phiếm: Chuyện làng tôi đầu năm Cọp
Trà Lũ
19:31 18/02/2010
Chuyện phiếm: Chuyện làng tôi đầu năm Cọp

Ông bạn viễn cư Từ Hoè của làng tôi nghe tin Cha Nguyễn Mạnh Hiếu được phong làm giám mục Canada thì sung sướng lắm và rất muốn về Toronto dự lễ phong chức, nhưng về không được vì công việc làm ăn. Ông tiếc hùi hụi. Tôi an ủi rằng tôi sẽ mua cho ông một bộ phim nhưng ông không chịu. Ông bắt tôi phải tả buổi lễ trên giấy để ông còn đọc và đem về cho chú em kết nghĩa. Ông bảo vừa xem phim vừa đọc bài viết trên giấy, mới sướng. Thế là tôi phải chiều ý ông bạn vàng. Và đây là đoạn tôi ghi cho ông, xin chép lại để các cụ phương xa cùng đọc cho vui. Tôi viết thế này:

Chúng tôi biết tin Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu được Tòa Thánh Roma chọn làm giám mục Toronto ngay từ đầu tháng 11. Ai cũng náo nức chờ mong ngày lễ phong chức. Ngày đó đã đến hôm qua, 13.I.2010, lúc 3 giờ chiều. Thời tiết Toronto tuần trước rất lạnh, nhiều gió nhiều tuyết. Nhưng chiều ngày đại lễ thì trời ấm hẳn lên, hết gió, hết tuyết. Cụ Chánh trong làng bảo đây là điềm lành.

Lễ phong chức được diễn ra tại Nhà Thờ St. Michael, nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Toronto, ngay trung tâm thành phố. Ngôi nhà thờ lịch sử này đã trên 100 tuổi, sức chứa 1100 chỗ. Giáo dân VN được dành 400 ghế, và được ưu đãi xếp ngồi ngay giữa lòng nhà thờ, đối diện với 400 ghế dành cho các linh mục Canada, còn các dòng tu nam nữ và khách mời da trắng phải ngồi hai bên hông. Phóng viên các đài truyền hình, truyền thanh và báo chí được xếp chỗ bên các hàng cột lớn của giáo đường.

Tôi đã từng dự nhiều buổi lễ phong chức linh mục, nhưng chưa hề dự một lễ phong chức giám mục bao giờ, nên cảm thấy rất hứng khởi và sôi nổi trong lòng. Buổi lễ bắt đầu đúng 3 giờ, như đã ghi trên giấy mời. Đúng là giờ Canada. Canada số một. Mở đầu là đoàn các linh mục mang lễ phục trắng, những gần 400 vị. Các ngài về từ khắp nơi, trong số này có tới 20 linh mục VN. Rồi giám mục đoàn, hơn 30 vị. Trong đoàn giám mục này người ta nhận thấy có hai vị mang lễ phục Giáo Hội Đông Phương. Cuối cùng là giám mục tân cử Nguyễn Mạnh Hiếu và vị chủ tế là Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins.

Buổi lễ đã diễn ra trong bầu không khí rất trang nghiêm và sốt sắng. Ca đoàn nổi tiếng St. Michael Choir của Nhà Thờ Chính Toà đã phụ trách phần âm nhạc. Đầu lễ là phần chào mừng của Đức Cha chủ tịch hội đồng giám mục Canada, và Sứ thần Tòa Thánh. Vị sứ thần này đã đọc thư chúc mừng của Đức Thánh Cha Benedict 16, rồi sứ thần bày tỏ sự vui mừng được bắt tay vị tân giám mục có gốc lịch sử oai hùng, gốc VN một cội nguồn văn hóa lớn, gốc con cháu 4 đời của một thánh tử đạo VN, và gốc một thuyền nhân tỵ nạn. Sau các lời chào mừng là phần thánh lễ. Lễ nghi bằng Anh ngữ. Riêng phần thánh thư đã được một nữ lưu khăn đống áo dài tiến lên bàn thờ đọc bằng tiếng VN. Lễ nghi phong chức diễn ra sau phần Phúc Âm. Vị chủ tế đọc lời cầu xin và chúc lành, rồi xức dầu thánh và đặt tay trên đầu vị thụ phong. Rồi tất cả các giám mục đã lần lượt đến để tay trên đầu vị tân chức và đọc lời chúc phúc. Sau khi được vị chủ phong đội mũ giám mục và trao gậy chủ chăn, Đức Giám Mục Hiếu đã đi khắp nhà thờ để ban phép lành cho mọi người.

Thánh lễ đã kéo dài trong 2 giờ đồng hồ, và kết thúc bằng những tràng pháo tay dài bất tận. Lúc đó mọi người mới có dịp chào hỏi những ngươi chung quanh. Đây là lúc tôi được gặp nhiều người và biết thêm được nhiều tin về vị tân giám mục.

Vị tân chức hiện là giám mục Canada trẻ nhất, mới 43 tuổi. Giám mục đoàn Canada hiện có 84 vị, Đức Cha Hiếu là giám mục thứ 84. Ngài sinh năm 1968 ở Saigon, vượt biên năm 1983, được tàu Nhật Bản vớt và đưa về Nhật. Ngài được nhận vào Canada năm 1985. Ngài đã không ở với ông bác ruột là người bảo trợ mà sống ở nhà thờ với Cha Phạm Hoàng Bá lúc đó là quản nhiệm cộng đoàn Công Giáo VN Toronto. Ngài đã cảm thấy có ơn gọi làm linh mục từ ngày vượt biên. Chú Hiếu 17 tuổi đã học lớp 11 và 12 ở Toronto, và đã đậu thủ khoa trong lễ tốt nghiệp trung học. Rồi chú lên đại học ngành điện. Sau 4 năm chú Hiếu đậu kỹ sư. Sau đó chú không hành nghề kỹ sư nhưng đã vào Đại Chủng Viện Toronto. Ngài đậu Cử nhân thần học và được phong linh mục năm 1998 lúc vừa tròn 30 tuổi, như tuổi Chúa Giêsu ngày xưa khi vào đời giảng đạo. Cha Hiếu được bổ nhiệm làm phó xứ, rồi chánh xứ. Nhiệm sở cuối cùng là giáo xứ St. Cecilia của người Canada da trắng và Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo VN của giáo dân VN. Giáo quyền đã nhìn thấy sự đạo đức thánh thiện và sự thông thái của ngài nên sau đó đã cử ngài về làm việc tại Toà Tổng Giám Mục rồi cử ngài đi du học Roma. Ngài đậu bằng cao học thần học và giáo luật. Khi về lại Canada, Ngài giữ rất nhiều chức vụ quan trọng, như là thành viên trong ban đại diện của linh mục đoàn gồm 800 linh mục, làm Curia moderator một chức như tổng quản trị. Sau khi giữ chức phó chưởng ấn 3 tháng, ngài được đề cử chức chưởng ấn, chancellor. Ngài giữ chức này mới 3 tháng thì được nâng lên chức giám mục. Tính ra, ngài mới làm linh mục 12 năm. Được biết Tổng Giáo Phận Toronto có hơn 1 triệu tín hữu, 225 giáo xứ, chia làm 4 miền, mỗi miền có một giám mục phụ tá trông coi. Tân Giám Mục Hiếu sẽ coi miền đông Toronto và sẽ giúp thêm Đức Tổng Giám Mục Collins điều hành văn phòng trung ương.

Trong buổi tiếp tân, tôi được dịp nói chuyện với nhiều người. Ai cũng ca tụng Đức tân Giám mục Hiếu là con ngươi đạo đức, thánh thiện, khiêm nhường, học giỏi và có tài lãnh đạo. Ngài có vóc dáng người VN trung bình, tiếng nói nhỏ nhẹ. Trong lễ phong chức, tôi thấy ngài chỉ đứng tới vai của vị chủ tế.

Hội đồng Giám Mục Canada có trên 80 vi, toàn da trắng. Đức Cha Hiếu là vị giám mục đầu tiên da vàng. Canada có khoảng 100 sắc dân thiểu số, trong đó dân da vàng Nhật Bản, Phi Luât Tân, Đại Hàn, Trung Hoa, Lào, Cao Mên, và dân Trung Đông rất đông. Dân VN tại Canada có khoảng 200 ngàn, trong đó giáo dân Công Giáo VN có khoảng 35 ngàn, thế mà Đức Cha Hiếu gốc dân VN thuyền nhân tỵ nạn được chọn làm giám mục đại diện cho các sắc dân thiểu số. Nào còn gì vinh quang và đáng hãnh diện hơn!

Một ông bạn thân đã ghé vào tai tôi nói nhỏ câu này: Cái gốc dân Nam Định nó vĩ đại lắm. Trà Lũ và Ninh Cường là 2 làng ở huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, là nơi đầu tiên ở VN tiếp nhận đạo Công Giáo năm 1533. Sử Triều Nguyễn có ghi rõ ràng biến cố này. Ngoài ra, Nam Định là một trong những nơi có nhiều thánh tử đạo nhất VN thời các vua Triều Nguyễn cấm đạo. Giáo Hội xưa nay vẫn dạy rằng: Máu các thánh tử đạo là những hạt giống sinh ra nhiều hoa trái tốt đẹp. Quả đúng vậy. Cái gốc lớn Nam Định đã sinh ra những cây đại thụ. Hiện nay ở hải ngoại mới có 2 giám mục VN, đó là Đức Cha Mai Thanh Lương bên Hoa Kỳ, nay có Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu ở Canada, cả hai vị đều có cha mẹ gốc Nam Định. Rõ ràng địa linh sinh nhân kiệt.

Một ông bạn khác cũng nói: Tôi không theo Công Giáo, nhưng tôi rất hãnh diện và sung sướng về việc Ngài Nguyễn Mạnh Hiếu được phong chức giám mục. Lâu nay qua truyền thông chúng ta được biết rất nhiều người VN ở hải ngoại đã nổi danh thế giới trong các lãnh vực khoa học, ngoại giao, kinh tế, chính trị, tôi cũng tưởng chỉ có thế, ai ngờ trong lãnh vực tôn giáo, người VN chúng ta cũng có những ngôi sao sáng ngời. Đức Cha Hiếu là một tin vui lớn. Đồng bào ơi, chúng ta hãy tự hào là người Việt Nam.

Hai ông bạn tôi nói đúng qúa chứ, phải không cơ ? Tối ngày lễ, sau khi được dự lễ phong chức, ăn tiệc, nói chuyện với nhiều người, và nhất là được bắt tay Đức Cha tân phong, tôi đã ngủ rất ngon. Chưa bao giờ ngon như vậy. Tạ ơn Chúa và tạ ơn tổ tiên đã cho con làm người Việt Nam.

Lúc đọc xong bài tôi viêt trên đây, ông Từ Hoè vừa cười vừa nói: Bạn viết trúng ý tôi qúa. Cái chú em kết nghĩa của tôi mà đọc xong thì chắc chú ấy sẽ sướng ngất. Bạn có biết tại sao không ? Thưa, vì chú ấy sinh ở Nam Định, cùng quê với tân giám mục. Xưa nay chú ấy vẫn tự hào chú cùng quê với cụ Tú Xương. Nay thì chú sẽ còn tự hào hơn nữa vì quê Nam Định không những đẻ ra nhà văn lớn Trần Tế Xương mà còn đẻ ra hai giám mục, một bên Mỹ một bên Canada. Kỳ này về tôi sẽ cho chú ấy bộ phim ngày lễ va bài viết của bác.

Các cụ phương xa có biết không, buổi lễ phong chức tân Giám Mục Hiếu được trực tiếp truyền hình trên các đài lớn của Canada, và sau lễ 3 ngày thì các đài rao bán bộ phim DVD ngay. Ông Từ Hoè có bộ phim phong chức là thế.

Chuyện Đức Cha Hiếu đưa các cụ đi xa qúa rồi. Canada còn nhiều chuyện hay khác nữa. Chuyện nóng nhất khi tôi viết bài này là lễ khai mạc ‘Thế Vận Hội Mùa Đông 21’ ở Vancouver miền tây Canada. Xứ này là xứ thể thao, chơi thể thao cả mùa hè cả mùa đông. Canada đất rộng, giầu có nên đã được tổ chức thế vận hội những 3 lần. Lần đầu tiên là Thế Vận Hội mùa hè năm 1976 tại Montreal, miền Québec. Tiếp theo là Thế Vận Hội mùa đông năm 1988 ở Calgary miền tây. Và thứ ba là năm 2010 này ở Vancouver cũng miền tây. Canada đã chuẩn bị mọi thứ cho thế vận hội từ mấy năm nay. Ngọn lửa thiêng đã được đốt lên từ Hy Lạp ngày 22 tháng 10 năm qua. Đuốc thế vận hội đã được rước khắp nơi, qua 255 thành phố trên thế giới. Lễ khai mạc vào ngày 12 tháng Hai, tức là trước ngày Tết Canh Dần của ta 2 ngày. Các cụ có biết biểu hiệu của thế vận hội này ra sao không ? Thưa đó là hình một cái cổng đá đứng trên 5 vòng tròn tượng trưng 5 châu. Cái cổng đá là một kiến trúc của người Da Đỏ. Người Da Đỏ thường dựng cái cổng này để đánh dấu chặng đường hay để tôn kính tổ tiên. Cụ nào mê trượt tuyết, mê đánh banh trên tuyết, xin mời đến Vancouver dịp tết này nha. Cụ sẽ hỏi tôi Vancouver ở đâu ư? Thưa nó ở bên trên Seattle thuộc tiểu bang Washington miền tây Hoa Kỳ, nơi mà những năm xưa các cụ ở California ưa lái xe lên mua trái cây nhãn, vải, chôm chôm ấy mà.

Ngoài việc tổ chức Thế Vận Hội trên đây, năm 2010 này Canada được thế giới uỷ cho tổ chức hai đại hội lơn, đó là các cuộc họp của khối nhà giầu G8 và G20 để lo ổn định kinh tế thế giới và lo việc bảo vệ môi sinh toàn cầu.

Tin nóng tiếp theo là cả nước Canada đang ào ạt cứu trợ các nạn nhân động đất ở Haiti. Xứ Canada này sở dĩ được giàu có, thịnh vượng, và nhiều phước lành nhất thế giới có lẽ là vì người dân có lòng bái ái đặc biệt. Đâu có tai nạn là nơi đó có bàn tay giúp đỡ của Canada. Nói gì đâu xa, lấy ngay nước Việt Nam của chúng ta r a mà coi: Năm 1954 Việt Nam chia đôi đất nước, Canada đã tham gia uỷ ban kiểm soát đình chiến, giúp cho nhiều đồng bào thoát vòng cản của Việt Minh để xuống tàu chạy vào miền Nam. Sau năm 1975, cao trào thuyền nhân tỵ nạn VN lên cao. Nếu xét theo tỷ lệ đầu người, Canada là nước nhận tỵ nạn VN nhiều nhất thế giới. Trước năm 1975, Canada có khoảng 200 người VN, đa số là những du học sinh củaVNCH, bây giờ có khoảng 200.000 người mà đa số là thuyền nhân tỵ nạn.

Theo tin mới nhất thì đầu tháng Hai này, nhiều ngoại trưởng những nước lớn sẽ nhóm họp ở Montréal thuộc Canada để phối hợp sự cứu trợ toàn cầu cho Haiti.

Hiện nay, các cơ sở công tư đều có ban cứu trợ. Nhà thờ các giáo phái, cả các chùa nữa, đâu đâu cũng có các ban cứu trợ. Hiện Canada đã mang sang Haiti một ngàn binh sĩ để giúp an ninh và thiết lập các bệnh viện dã chiến. Tôi thấy trên truyền hình nhiều người Canada đã ôm các trẻ em bị thương và vô thừa nhận về Canada săn sóc. Bộ Di Trú vừa cho biết sẽ dễ dãi trong việc xét các đơn của người Haiti trước đây xin định cư ở Canada Một trong những lý do khiến Canada hăng say cứu giúp Haiti là vì bà Toàn quyền Michael Jean là người gốc Haiti. Các cụ biết truyện này chứ. Canada xưa nay vẫn ở trong Khối Liên Hiệp Anh, vẫn nhận nữ hoàng Anh làm quốc trưởng. Vì nữ hoàng ở xa, nên bà đã chọn một vị đại diện cho bà ở Canada này, gọi là Toàn Quyền, Governor. Hiện nay vị Toàn Quyền là bà Jean người da mầu chính gốc Haiti. Bà Jean được chọn vì bà mang quốc tịch Canada và có chồng là người da trắng Canada. Các cụ phương xa đã thán phục Canada chưa ?

Nghe tôi nói đến đây thì ông già ODP nhìn tôi rồi cười hà hà. Ông bảo sở dĩ Bà Michael Jean được chọn làm quan toàn quyền là vì người ta đưa bà về nguồn mà thôi. Cả làng ngơ ngác không hiểu gì cả. Ai cũng xin ông nói rõ thêm. Ông nhìn tôi, vừa cười vừa nói tiếp: Theo lịch sử thì thổ dân nguyên thủy ở Haiti là người Taino Indian tức dân Da Đỏ nói tiếng Arawakan. Mà tất cả người Da Đỏ ở Mỹ Châu này thuộc dòng giống da đỏ phát xuất từ Canada. Mà theo cụ Trà Lũ đây thì người Da Đỏ ở Canada có gốc từ Việt Nam. Đó là con cháu của nhóm 50 con của Mẹ Âu Cơ ngày xưa đã theo mẹ lên núi. Lên núi đây là lên hướng bắc. Lên tận cùng hướng bắc hết đường thì quay sang phía tây gặp eo biển Bering. Từ Bering đoàn con của mẹ Âu Cơ đã tiến xuống phía nam và gặp giải đất bây giờ là Canada. Rồi đoàn Da Đỏ sinh sôi nảy nở, rồi tiến xuống phía nam là Hoa Kỳ, di chút nữa là xuống tới Haiti, rồi Nam Mỹ. Đoàn con mẹ Âu Cơ đã đi một đoạn đường thiên lý, sương nắng gió bụi đã làm nét mặt da vàng biến đổi đi nhiều, nhưng nét chính vẫn còn phảng phất nét Việt Nam.

Nhấp một hớp trà rồi ông ODP giảng tiếp: Tôi nói dài dòng như vậy để cả làng nắm vững lý lịch và gốc gác người Da Đỏ. Xin trở lại bà toàn quyền Michael Jean của Canada. Bà có gốc da đỏ Taino Indian, nên bà làm quan toàn quyền ở Canada, đất nguồn cội Da Đỏ là đúng qúa rồi, ý tôi nói ở trên là vậy. Đa số người Haiti có mầu da nâu đen. Sở dĩ có mầu như thế là vì hồi thế kỷ 15 người Tây Ban Nha cai trị Haiti đã bắt dân Phi Châu làm nô lệ và đã đem một số nô lệ Phi châu da đen sang Haiti. Do đó sự pha giống đã xảy ra. Bà tòan quyền Jean tuy da nâu đen nhưng có nét đẹp tây phương, chắc dòng họ của bà ngày xưa đã pha giống với người da trắng. Nhưng thôi, chuyện pha giống, chuyện Da Đỏ dài vô cùng, xin tạm ngưng ở đây.

Tôi chưa kể chuyện ông Từ Hoè đãi làng món hổ. Cái ông này gớm lắm, nhiều chước lắm, đúng y như lời hội viên Cao Xuân đã nói từ trước. ÔngTừ Hoè phụ trách nấu ăn ngày tết và năm con nào thì ông cho làng ăn món con đó. Năm ngoái là năm con trâu nên ông đã cho làng ăn món thịt trâu xào rau cần và ăn bánh sữa trâu theo kiểu người Ý. Năm nay là năm con cọp, ai cũng hồi hộp chờ món cọp và trong bụng ai cũng biết là chắc chắn ông Từ Hoè không thể có thịt cọp được. Đến bữa ăn, các món ăn ngày tết, thịt cá bánh chưng dưa hành được bày ra, nhưng không hề có món cọp. Đang lúc mọi người hồi hộp chờ đợi thì ông Từ Hoè mang ra một chai rượu. Ông cười ha hả rồi nói: Thưa cả làng, năm nay là năm con cọp. Tôi không mua được thịt cọp nhưng có món xương cọp ngâm rươu, xin mời cả làng uống khai vị. Cả làng ồ lên một tiếng lớn. À ra thế. Cô Cao Xuân lên tiếng: Biết ngay mà, tôi đã nói với mọi người từ lâu là cái bác Từ Hoè này nhiều chước lắm. Năm cọp không được ăn thịt cọp nhưng được uống rươu xương cọp, tức cao hổ cốt thì cũng qúa đã rồi. Xin bái phục quan bác !

Ông Từ Hoè được người đẹp xứ Huế khen thì thích lắm, ông cao hứng nói luôn: Hôm nay xin mời cả làng uống rượu cọp, ngày mai tôi xin nấu món bò Huế thay cho món thịt cọp. Xin bảo đảm ngon nhức răng. Món bún bò Huế của tôi chỉ thua món bún bò Huế của Mệ Lựu có chút xíu thôi. Hai hội viên gốc Huế là Cao Xuân và Tôn Nữ tròn xoe mắt kinh ngạc: Bác cũng biết Mệ Lựu sao ? Ông Từ Hoè thích chí cười vang: Ai ở Huế lâu mà không nghe tiếng bún bò Huế Mệ Lựu. Ngày xưa tôi đóng quân ở đó mà, xém lấy vợ Huế đó nha. Mệ Lựu nấu món này ngon nhất đất Thần Kinh và được chấm điểm là ‘ Thập Toàn’ mà. Cả làng lại ngơ ngác, thập toàn là cái chi vậy hè ? Để tỏ ra mình biết rõ ngọn ngành, ông Từ Hoè đáp ngay: Đó là 10 điều toàn bích của tô bún: ngọt ngào, thơm tho, đậm đà, bổ dưỡng, tinh khiết, bắt mắt, khéo chọn, khéo tay, khéo nấu và khéo bày.

Cả làng xuýt xoa khen tô bún bò Huế ngon, mới nghe tả mà đã thấy ngon qúa sức. Rồi Cụ B.95 lên tiếng: Đang tết con cọp mà sao bữa nay các bác không nói chuyện cọp mà lại nói chuyện bún bò xứ Huế là sao vậy ? Thấy chưa ai giải thích được việc này, anh H.O. giơ tay xin phát biểu: Cả làng đi xa đề tài cọp tại vì ly rược hổ cốt mạnh qúa và bổ qúa. Cháu xin trở về con cọp. Xin kể chuyện bia con cọp, bia 33 của hãng BGI ở Saigon năm xưa. Gọi nó là 33 vì dung lượng chai bia chỉ có 0.33 lít. Khi lính Mỹ đến Saigon thì vừa uống bia Mỹ là Budwiser, vừa uống bia địa phương là 33 Con Cọp. Các chú Mỹ thấy bia 33 của Saigon ngon hơn Budwiser. Các chú mê luôn. Và thay vì gọi tên bia 33 thì các chú gọi là Tiger’s Piss, nghĩa đen là ‘ nước đái con cọp’. Bậy thế, láo thế và cũng tếu đến thế là cùng.

Rồi anh John cũng xin góp chuyện. Anh bảo trong các chuyện bình dân của VN anh thích nhất chuyện con cọp đòi xem trí khôn của loài người. Chuyện này rất ngắn gọn, đơn sơ, dễ hiểu, được viết trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa cho trẻ em mới biết đọc biết viết. Chuyên đơn sơ mà mang một triết lý cao sâu. Rằng thời hồng hoang loài người và loài vật cùng chung một tiếng nói. Một hôm con cọp đi qua cánh đồng, nó thấy con trâu vất vả kéo cầy, đôi lúc còn bị thằng người quất roi, con cọp liền nói khích con trâu: Ngươi to lớn khoẻ mạnh như vậy, cớ sao ngươi lại phải chịu phép một thằng người bé nhỏ hơn ngươi làm vậy ? Con trâu đáp ngay: Nó bé nhỏ nhưng nó hơn tao cái trí khôn. Con cọp liền quay vào bác nông phu xin xem trí khôn. Bác nông phu liền bảo: trí khôn tao để ở nhà. Con cọp liền xin bác về lấy cho xem, bác trả lời là bác rất sẵn lòng nhưng bác chỉ sợ khi bác về nhà nó sẽ ăn thịt con trâu của bác. Bác bảo: ‘ Muốn cho tao an lòng thì mày hãy để tao trói mày vào gốc cây cho chắc ăn, rồi tao sẽ về nhà lấy trí khôn ra đây cho mày xem ‘. Con cọp nghe bùi tai liền chịu cho bác thợ cầy trói chặt nó vào một gốc cây. Trói xong thì bác mới cười ha hả, bác lấy bắp cầy đánh cho chú cọp một trận tơi bời, vừa đánh bác vừa nói: đây, trí khôn của tao đây.

Rồi anh John kết: Tôi kể câu chuyện này cho các trẻ em Canada, đứa nào cũng thích hết. Con cọp được phong là ‘chúa sơn lâm’ là vì trên trán con cọp, qúy vị nhìn kỹ mà coi, thường có 3 vêt ngang và một vệt dọc màu đen, đó là chữ Vương trong Hán tự. Vương là vua. Rõ ràng nó có số làm vua. Thế nhưng nó không thông minh bằng con người, con người ở trên nó. Câu chuyện trên đây đã chứng việc này. Cũng như trong Kinh Thánh khi Chúa tạo lập vũ trụ muôn loài, Chúa có nói với ông tổ Adam là Chúa cho ông cai tri muôn loài. Chuyện Việt Nam này đã nói đúng sách Kinh Thánh của người Thiên Chúa Giáo.

Ai cũng khen anh John này thâm thúy.

Trong bữa ăn có món giò heo nấu giả cầy do cụ B.95 nấu. Cụ bảo món thịt heo nấu giả cầy này mà có mẻ và củ chuối nữa thì tuyệt vời. Nghe Cụ B.95 Bắc Kỳ chính cống nói ‘thịt heo’ thì Chị Ba Biên Hoà cười ha ha, rất sảng khoái. Chị bảo: Xin ca ngợi Bác đã tinh thông tiếng Nam Kỳ của bọn cháu. Năm 1995 khi mới sang đây Bác toàn nói ‘thịt lợn’ không hà. Cháu đố Bác biết con lợn Bắc Kỳ khác con heo Nam Kỳ ở chỗ nào ? Cụ B.95 liền quay ngay vào ông Từ Hoè: Bác Hoè ơi, bác cứu tôi với. Cô Ba hỏi lão già nhà quê này một câu khó qúa.

Ông Từ Hoè đáp ngay: Xin tuân lệnh Lão Bà. Xin trả lời Chị Ba như sau: Con ủn ỉn đó ngoài Bắc gọi là con lợn, trong Nam gọi là con heo. Cô gái kia mập phì thì ngoài Bắc chê là ‘béo như lợn’, trong Nam chê là ‘mập như heo’. Nhưng người Bắc lại thích ‘nói toạc móng heo’, còn người Nam lại thích ‘bánh da lợn’. Phim ‘Hiệp Sĩ Lợn’ là phim con lợn đóng vai chính và là phim hay cho các em thiếu nhi, còn ‘phim con heo’ thì không phải con heo đóng vai chính mà con khác đóng, kỳ lắm, các em thiếu nhi và người lớn không nên coi.

Nghe đến đây thì cả làng cười ầm lên.

Đầu năm con cọp, làng tôi đang bàn chuyện cọp, rồi bàn lan sang chuyện heo, vui như vậy đó. Kính chúc các cụ năm mới vui vẻ và đầy tiếng cười.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nha Trang Phố Biển Chào Xuân
Hồng Thị Vinh
23:09 18/02/2010

NHA TRANG PHỐ BIỂN CHÀO XUÂN



Ảnh của Hồng Thị Vinh (Hình chụp tại Nha Trang)

Đèn treo hoa kết khắp đường

Quê hương rộn rã tưng bừng đón xuân

Sóng reo bờ cát chập chùng

Nha Trang biển hẹn đón người muôn phương

(Hồng Thị Vinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News