GIÁO XỨ PHÚ LONG SỨC SỐNG MẠNH MẼ CỦA ĐỨC TIN



Tạ ơn Thiên Chúa nhân kỷ niệm tròn một năm nhà thờ thánh Giuse Phú Long, chúng tôi không chỉ nhìn thấy tiềm năng của một giáo xứ rồng bay vừa sinh động, vừa dồi dào về vật chất mà sự phát triển kinh tế ưu đãi, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi nhìn thấy sức mạnh và sự sống của đức tin, của lòng yêu mến Chúa vốn đã mãnh liệt, sẽ còn vươn lên và vươn lên khỏe khoắn.

GIÁO XỨ PHÚ LONG

MỘT SỨC SỐNG MẠNH MẼ CỦA ĐỨC TIN

Hôm nay, thứ hai 21.5.2007, chúng tôi trở lại thăm giáo xứ thánh Giuse Phú Long hạt Phú Cường, giáo phận Phú Cường, nhân kỷ niệm trọn một năm cung hiến nhà thờ Phú Long (21.5.2006 – 21.5.2007). Thánh lễ đồng tế do cha Hạt Trưởng hạt Phú Cường Tôma Phan Minh Chánh chủ sự cùng một số linh mục lân cận, để long trọng tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã đoái thương đến một giáo xứ dù non trẻ, vẫn thể hiện một sức sống đức tin mạnh mẽ. Theo lời kể của cha chính xứ Phú Long, chúng ta cùng nhìn lại suốt quá trình hình thành giáo xứ từ mấy chục năm qua, và những gì đang diễn ra trong hiện tại, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy ngay sức sống mạnh mẽ của đức tin nơi cộng đoàn này:

1. Quá trình hình thành giáo xứ Phú Long.

Giáo xứ Phú Long nói chung, ngôi nhà thờ Phú Long nói riêng, được hình thành trong hòan cảnh hết sức đặc biệt. Năm 1970, giáo dân từ nhiều nơi về chợ Lái Thiêu buôn bán. Để đáp ứng nhu cầu về phượng tự của bà con tiểu thương Công giáo, cha Vincentê Trần Minh Khang, lúc đó là cha Chánh xứ giáo xứ Lái Thiêu, đã mua lại một rạp hát gần chợ Lái Thiêu và sửa chữa thành nhà nguyện để dâng thánh lễ Chúa nhật hàng tuần.

Đúng dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15.8.1974, nhà nguyện này được Đức cố Giám mục Giuse Phạm Văn Thiên làm phép và nâng lên thành nhà thờ họ đạo Tân Thới mang thánh hiệu Giuse, trực thuộc giáo xứ Lái Thiêu. Do thời gian gần đây, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển về kinh tế. Họ đạo Tân Thới lại nằm trọn trên địa bàn kinh tế trọng điểm của huyện, bao gồm cả thị trấn Lái Thiêu, Vĩnh Phú, Bình Hòa, Đồng An phát triển mạnh cả về công nghiệp, buôn bán, tiểu thủ công nghiệp, lẫn nông nghiệp. Khu vực họ đạo Tân Thới trở thành khu vực thu hút nhiều nhân sự. Vì thế, cùng với việc tăng vọt dân số, người Công giáo nhiều nơi cũng đổ về hoặc định cư, hoặc bán định cư, hoặc chỉ cư ngụ tạm thời theo từng giai đoạn lễ - tết trong năm để làm ăn sinh sống. Đặc biệt, các bạn trẻ đến từ nhiều miền đất nước đang làm công nhân tại các xí nghiệp, các khu công nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn của giáo xứ hoặc lân cận giáo xứ gần như là thành phần chủ chốt của giáo xứ Phú Long hiện nay. Vì sự lớn mạnh như thế, sau 30 năm thành lập, ngày 17.6.2005, họ đạo Tân Thới được Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú Cường nâng lên hàng giáo xứ và đổi tên thành giáo xứ Phú Long.

Ngôi nhà thờ Tân Thới trước đây đã trở nên chật chội và xuống cấp. Hơn nữa, nhà thờ ở gần chợ Lái Thiêu và bị lấn chiếm nhiều, vì thế quá ồn ào và không còn khuôn viên riêng để sinh hoạt đạo đức. Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ đã cho dời nhà thờ Phú Long về Trung Tâm Hưu Dưỡng của các linh mục giáo phận Phú Cường, trước đây là trung tâm Bác Ái Lái Thiêu, và giao cho Cha Hạt Trưởng hạt Phú Cường Tôma Phan Minh Chánh, đang làm chánh xứ giáo xứ Lái Thiêu lo việc xây cất nhà thờ Phú Long. Ngày 21.5.2006, chính Đức Cha Phêrô đã chủ sự thánh lễ khánh thành và thánh hiến nhà thờ, thánh hiến bàn thờ mới. Như vậy, mảnh đất mà nhà thờ Phú Long đang tọa lạc, đã từng mang những sứ mạng lớn: Trung tâm bác ái, Trung tâm nghỉ dưỡng và bây giờ là trung tâm tế tự và thờ phượng của mọi tầng lớp giáo dân trong và ngoài giáo xứ Phú Long.

2. Những gì đang diễn ra.

Chính nhờ sức sống mạnh mẽ của đức tin, mà một năm qua, kể từ ngày nhà thờ được cung hiến, nơi cộng đoàn dân Chúa Phú Long đã có nhiều biến đổi theo chiều hướng tích cực. Bằng chứng là, dù thánh lễ tạ ơn kỷ niệm cung hiến nhà thờ được cử hành sớm, mới 5 giờ sáng, nhà thờ vẫn đông đảo giáo dân. Còn nhiều những bằng chứng khác cho thấy sự biến đổi nơi cộng đoàn này như: Hơn ba tháng sau ngày cung hiến nhà thờ, ngày 29.8.2006, cộng đoàn Phú Long lần đầu tiên hân hạnh tiếp đón cha xứ Gioan Baotixita Nguyễn Minh Hùng, một linh mục trẻ trung, về làm chánh xứ tiên khởi. Cha GB Hùng cho chúng tôi biết thêm: Do giáo xứ còn mới mẻ, vì thế, ngôi nhà thờ là nơi khang trang nhất dành cho việc phụng tự, vẫn còn rất nhiều thiếu thốn từ nhân sự đến cơ sở vật chất, từ trong đến ngoài nhà thờ, từ sân bãi đến đường vào nhà thờ, từ những ao vũng dơ bẩn đến những rào dậu, Từ phòng học giáo lý đến nhà vệ sinh… tất cả đều phải bắt đầu gầy dựng, tân tạo. Chính nhờ lòng tin mạnh mẽ của mọi thành phần dân Chúa mà tám tháng qua, kể từ khi cha GB Nguyễn Minh Hùng về đến nay, từng anh chị em giáo dân, từng gia đình, nhất là những thành viên nồng cốt trong Ban Đại diện giáo xứ đã không ngừng chung tay xây dựng giáo xứ như:

a. Về mặt tinh thần, bắt đầu tháng 10.2006, cha GB Hùng cùng các trưởng, phó của các xóm đạo đi thăm và khích lệ việc sống đạo nơi các gia đình trong giáo xứ. Giáo xứ cũng bắt đầu gầy dựng lại các khối giáo lý từ căn bản đến nâng cao như giáo lý cho giáo lý viên, giáo lý cho người lớn, giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân. Giáo xứ tuyển lựa thêm giáo lý viên, động viên những cộng đoàn dòng tu lân cận giúp đỡ trong việc hướng dẫn giáo lý và những công tác khác. Vì số giáo dân càng ngày càng tăng, kể từ tháng 11.2006, mỗi ngày Chúa nhật, giáo xứ phải tổ chức đến ba thánh lễ (không tính lễ chiều thứ bảy). Đặc biệt thánh lễ lúc 19 giờ 30 tối Chúa nhật hàng tuần được mệnh danh “thánh lễ công nhân”, là thánh lễ đáp ứng nhu cầu về giờ giấc cho nhiều anh chị em buôn bán về trễ, nhất là các bạn trẻ tăng ca trễ… Đầu tháng 12.2006, đại diện toàn thể giáo xứ, Cha GB Hùng đã gởi đến mọi thành phần dân Chúa lá thư ngỏ đầu tiên, mời gọi tất cả mọi người hãy sống đức tin, hãy cầu nguyện nhiều hơn nữa, hãy luôn nhắc nhở nhau chu tòan việc sống đạo, hãy đoàn kết trong tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng giáo xứ.

Ngày 9.1.2007, giáo xứ đã long trọng cử hành ngày truyền thống đầu tiên của giáo xứ. Giáo xứ không ngừng kêu gọi đọc kinh chung trong gia đình, nhất là khích lệ việc đọc kinh, lần chuỗi liên gia đình trong càng xóm đạo. Mỗi tháng giáo xứ phân phát rộng rãi tài liệu suy niệm Lời Chúa do Tòa Giám mục Phú Cường phổ biến. Một số hội đoàn, ca đoàn có dấu hiệu tan rã, hoặc thiếu người lãnh đạo, giáo xứ lo củng cố và gầy dựng lại. Hiện nay giáo xứ có ba ca đoàn, ba hội đoàn vẫn đều đặn sinh hoạt. Giáo xứ tổ chức chầu Thánh Thể mỗi thứ năm hàng tuần, mỗi Chúa nhật đầu tháng. Giáo xứ tiếp tục giữ lại truyền thống dâng thánh lễ kính Đức Mẹ Phatima vào lúc 12 giờ trưa mỗi ngày 13 trong các tháng. Trong thời gian qua, nhất là vào các mùa đặc biệt như mùa Vọng, mùa Chay, giáo xứ liên tục phát động phong trào sống bác ái và xây nhà tình thương… Giáo xứ đã nhiều lần tổ chức kiệu Đức Mẹ, kiệu thánh giá, hát thánh ca, cung nghinh Tượng Chúa là Vua, cung nghinh xương thánh Tử Đạo, dâng hoa, tĩnh tâm, liên tục kêu gọi xưng tội rước lễ, tham dự thánh lễ. Giáo xứ cũng đã “gỡ rối” cho nhiều cặp vợ chồng khác tôn giáo. Một số anh chị em còn thờ ơ với việc giữ đạo được giáo xứ khuyên bảo và nâng đỡ đức tin bằng những lời động viên khích lệ… Hàng tháng giáo xứ đến nhà thăm và trao Mình Chúa cho những người già, người đau bệnh. Nếu gia đình nào trong giáo xứ gặp phải những mất mát, khó khăn, giáo xứ quan tâm chia sẻ và động viên. Giáo xứ thường xuyên kêu gọi anh chị em giáo dân viếng Thánh Thể, viếng đài Đức Mẹ, đài thánh Giuse…

2. Về vật chất, Trong tám tháng qua, do chính anh chị em trong giáo xứ tự nguyện, hoặc do một số bạn trẻ công nhân đang làm việc và sinh sống trên địa bàn giáo xứ, cũng như nhiều anh chị em thuộc các giáo xứ lân cận như Tân Quy (thuộc giáo phận Sài Gòn), Lái Thiêu, Bình Hòa, Búng giúp đỡ vật chất, và dâng công mỗi tuần, mà ngày 20.10.2006, giáo xứ đã làm hàng rào để giữ lại phần đất ở phía đầu nhà thờ. Tháng 11.2006, giáo xứ phát động phong trào trồng cây, đã trồng một số cây xanh lớn nhỏ xung quanh nhà thờ. Cùng thời gian này, giáo xứ sửa lại hai phòng của nhà hưu và hai phòng của nhà kho thuộc nhà hưu đã xuống cấp trầm trọng thành phòng học giáo lý. Giáo xứ đã làm phép và khánh thành đài Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày 8.12.2006. Ngày 21.2.2007, dịp lễ Tro, giáo xứ khánh thành đài Thánh Giá. Một tháng sau, ngày 19.3.2007, giáo xứ khánh thành đài thánh Giuse và đặt tượng thánh Giuse Thợ, bổn mạng nhà thờ lên tháp nhà thờ Phú Long. Ngay trong thời điểm giáo xứ kỷ niệm một năm ngày cung hiến nhà thờ, giáo xứ Phú Long vừa mới di dời tượng thiên thần Micae trong khuôn viên nhà hưu ra phía công viên nhà thờ, được coi là nơi xứng đáng hơn. Công viên nhà thờ, nằm ngay trục nãg ba, ngay phía đầu đường đi vào nhà thờ Phú Long cũng vừa hoàn thành khoảng 80 %. Trong tám tháng qua, giáo xứ cũng từng bước làm lại cổng nhà thờ, vì cổng cũ đã bị sập, lắp đặt đường dẫn nước để tưới cây, lắp đặt nhiều đèn trang trí và đèn chiếu sáng từ bên trong, lẫn bên ngoài nhà thờ…

Để kết thúc những gì vừa mới chia sẻ với chúng tôi, cha Gioan Baotixita Nguyễn Minh Hùng đã nói trong sự xác tín thật cảm động: “Chúng tôi không thể nói hết lòng Chúa yêu thương chúng tôi. Chúa đã làm những phép lạ cả thể trên giáo xứ này. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi, với một giáo xứ mà nhân sự hiếm hoi, lần đầu tiên mới có cha sở, với bốn triệu đồng trong tay trong ngày khởi công làm việc, chỉ trong vòng tám tháng, đã cĩóđược tất cả những gì mà anh đang nghe và thấy. Hình như giáo xứ càng nghèo, tình thương của Chúa và của mỗi người trong giáo xứ càng giàu. Lời cảm tạ mà hôm nay chúng tôi dâng lên Chúa là lời cảm tạ bằng tất cả niềm tín thác của chúng tôi trong tay Chúa. Chúng tôi tin vững vàng rằng, tất cả là hồng ân”.

Dâng thánh lễ trọng thể tạ ơn Thiên Chúa nhân kỷ niệm tròn một năm nhà thờ thánh Giuse Phú Long. Chúng tôi không chỉ nhìn thấy tiềm năng của một giáo xứ rồng bay vừa sinh động, vừa dồi dào về vật chất mà sự phát triển kinh tế ưu đãi, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi nhìn thấy sức mạnh và sự sống của đức tin, của lòng yêu mến Chúa vốn đã mãnh liệt, sẽ còn vươn lên và vươn lên khỏe khoắn.