Ngày 31-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 01/04: Chúa đã sống lại thật chăng? – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
01:23 31/03/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.

Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.

Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.

Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.

Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.”

Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Đó là lời Chúa
 
Nỗi sợ của ân sủng
Lm. Minh Anh
14:34 31/03/2024
NỖI SỢ CỦA ÂN SỦNG
“Các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng”.

Cha William thăm một cô gái sắp mổ mắt. Nỗi sợ phải mù ám ảnh cô! Cô nói với cha, “Ôi, Chúa đang lấy đi thị giác của con!”. Cha xứ nghiêng mình thì thầm, “Đừng để Ngài lấy nó! Hãy dâng nó cho Ngài!”. Khuôn mặt cô gái rạng rỡ, “Con ước ao được như vậy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nỗi sợ hãi xen chút vui mừng - dẫu ít ỏi - nơi cô gái trẻ đưa chúng ta về câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Các phụ nữ rời mộ Thầy, vừa “sợ hãi” vừa “vui mừng”. Thật thú vị, hai trạng thái đan xen! Làm sao một người vừa “sợ” lại vừa “vui?”. Chẳng phải sợ hãi luôn xói mòn niềm vui? Chẳng phải niềm vui không triệt tiêu được sợ hãi? Đặt mình vào tâm trạng của các cô, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là trải nghiệm một ‘nỗi sợ của ân sủng!’.

Làm sao có thể không sợ khi thi hài của một người chết nay hiện ra sừng sững trước mặt họ? Làm sao một ‘thây ma’ nay lên tiếng chào họ? Ấy thế, nỗi sợ tự nhiên được thế chỗ bởi niềm vui của ân sủng! “Chào chị em!” tiếng Latin là “Exsultet!”, có nghĩa là “Mừng vui lên!”. Đây cũng là lời Gabriel chào Đức Mẹ trong ngày truyền tin, “Mừng vui lên, đấng đầy ân sủng!”. Giờ đây, không phải là lời của sứ thần nhưng là lời của ‘Chúa các sứ thần’ - lời Đấng Phục Sinh - nói cho cả nhân loại biết rằng, nó đang được đầy ân sủng!

Đây không phải là một nỗi sợ thông thường; đúng hơn, một ‘nỗi sợ của ân sủng’ đầy tôn kính, kinh ngạc và choáng ngợp, gây sốc thánh thiện; và cùng lúc, ngập tràn niềm vui. Bỗng nhiên, một sự hiểu biết chợt đến khiến các cô đầy ắp hy vọng rằng, Thầy đã ra khỏi mồ! Trải nghiệm này cho phép họ tin chắc một điều gì đó rất phi thường vừa mới xảy ra.

Đây còn là một trải nghiệm đáng ao ước nơi bạn và tôi! Ngày Phục Sinh, ‘ngày Chúa biến đổi tôi’, ‘ngày Chúa đã làm ra’, ngày mà tôi hoan hỷ mừng kính trong tám ngày liên tiếp và cao điểm là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Vì thế, trong những ngày này, chúng ta sẽ cố gắng ‘cùng trải nghiệm một kinh nghiệm’ mà các phụ nữ thánh thiện ấy đã trải qua. Rằng, Chúa Giêsu không còn trong mộ và tôi cũng đã ‘ra khỏi mồ’ với Ngài. Hãy chìm sâu vào mầu nhiệm Phục Sinh; học biết nó đúng như ý nghĩa tràn đầy của nó! Ngài đã tiêu diệt tội lỗi, huỷ diệt cái chết, sự ác; đồng thời, đang huỷ diệt tội lỗi của tôi, ban cho tôi sự sống mới trong sức mạnh Phục Sinh của Ngài. Không thể tuyệt vời hơn!

Anh Chị em,

“Tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng”. Chúa Phục Sinh ước ao bạn và tôi có được trải nghiệm ấy mỗi ngày trong Lời Chúa, trong Thánh Thể, trong những con người, trong các biến cố. Ngài ‘đón đường’ từng người chúng ta, nói với mỗi người rằng, “Mừng vui lên!” vì cả vũ trụ này đang được đổi mới; và nhất là, ‘Con đang được đổi mới!’. Như các phụ nữ, bạn hãy cam kết một điều, chúng ta phải ‘ra khỏi nhà’, ‘ra khỏi mồ’, ra khỏi những gì thuộc tầm thấp, ra khỏi những ước muốn thế tục; nhờ đó, có thể nhận ra ‘Đấng đón đường’ đầy yêu thương, quyền năng. Được như thế, chúng ta mới thật sự trải nghiệm ‘nỗi sợ của ân sủng’ đáng ao ước mà Đấng Phục Sinh mang lại, cũng là Đấng sai đi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết ‘chìm sâu vào trong’ mầu nhiệm Phục Sinh; nhờ đó, con có thể ‘ra khỏi nhà’, ‘ra khỏi mồ’, được biến đổi và được sai đi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cái nhìn tổng quan hoàn cầu của Đức Giáo Hoàng đáng lưu ýmột phần vì những gì ngài đã không nói
Vũ Văn An
14:24 31/03/2024

John L. Allen Jr., chủ bút tạp chí mạng Crux, ngày 31 tháng 3 năm 2024, nhận định rằng Phép lành Urbi et Orbi vào Chúa nhật Phục sinh của Đức Thánh Cha, có nghĩa là “cho thành phố và thế giới,” thường được hiểu là một trong những tuyên bố chính sách đối ngoại hàng đầu trong năm của ngài, một kiểu đánh giá 365 độ về tình hình hoàn cầu.



Do đó, những vấn đề và điểm nóng nào mà một vị giáo hoàng chọn làm nổi bật – và, cũng thế, những vấn đề mà ngài chọn bỏ qua – được hiểu là một bản chụp X-quang của nghị trình ngoại giao và địa chính trị hiện nay của Vatican.

Với ý nghĩ đó, đâu là những điểm chính rút ra từ bài phát biểu Urbi et Orbi mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, được đọc hôm nay tại Quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn bằng chính giọng nói của ngài, bất chấp những khó khăn gần đây về hơi thở và cách nói liên quan đến bệnh viêm phế quản, và với dường như tràn đầy năng lực và nhấn mạnh?

Đầu tiên, ngài không tiết lộ bất cứ sáng kiến hay đề xuất ngoại giao mới đầy ấn tượng nào. Lần gần nhất mà ngài đưa ra là lời kêu gọi trao đổi tù nhân toàn diện giữa Nga và Ukraine, “tất cả vì lợi ích của mọi người”.

Vẫn còn phải xem đề xuất đó thực tế đến mức nào. Hiện tại, ước tính rằng Nga đang giam giữ khoảng 4,000 tù binh Ukraine, một nửa trong số đó đã bị bắt trong cuộc vây hãm Mariupol năm 2022. Mặc dù Ukraine chưa công bố con số chính thức về số tù binh Nga của mình nhưng các chuyên gia tin rằng hàng nghìn binh sĩ Nga đã bị bắt, hoặc đầu hàng.

Sau một cuộc hoán đổi lớn vào cuối tháng 1 với khoảng 200 tù binh chiến tranh của cả hai bên do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất làm trung gian, đã có hy vọng về một cuộc trao đổi lớn khác xung quanh ngày Lễ Phục sinh của Chính thống giáo, như đã xảy ra năm ngoái, và năm nay rơi vào ngày 5 tháng 5. Tuy nhiên, triển vọng cho một thỏa thuận như vậy có thể mờ nhạt trong bối cảnh các quan chức Ukraine gần đây phàn nàn rằng Moscow đang trì hoãn và cố đổ lỗi cho Kiev về sự chậm trễ.

Thứ hai, trong khi những nhận xét của Đức Phanxicô về cuộc xung đột Nga/Ukraine rõ ràng được tạo ra để có vẻ công bằng, tuy nhiên, ngài có thể một lần nữa khiến một số người Ukraine khó chịu khi lên án việc “tái vũ trang” vào thời điểm Tổng thống Volodymyr Zelensky đang thúc ép Mỹ phải thông qua một gói viện trợ 60 tỷ đôla Mỹ.

Zelensky cảnh cáo, nếu không có sự hỗ trợ đó, Ukraine có thể phải rút lui để bảo toàn đạn dược và việc trang bị thêm vũ khí mới là ưu tiên quốc tế cao nhất của nước này.

Trong những trường hợp khác, ngôn ngữ có vẻ làm giảm đi những nỗ lực như vậy của Đức Phanxicô có thể bị làm ngơ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người Ukraine đã đủ nghi ngờ về những nỗ lực của Đức Giáo Hoàng nhằm không né tránh Putin và Nga đến mức khó có thể coi lời hùng biện của ngài “hòa bình không bao giờ được tạo ra bằng vũ khí” là hoàn toàn trung lập hoặc ôn hòa.

Thứ ba, hơn bao giờ hết, thật đáng lưu ý đến các khu vực và dân tộc được Đức Thánh Cha bỏ qua cũng như những khu vực và dân tộc mà ngài nói đến.

Có thể đoán trước được, Đức Phanxicô tập chú vào Thánh địa và các Kitô hữu ở đây, lặp lại lời kêu gọi tiếp cận nhân đạo ở Dải Gaza và ngừng bắn ngay lập tức giữa người Israel và Hamas. Ngài cũng đề cập đến Syria, Lebanon, Armenia và Azerbaijan, Haiti, và một số cuộc xung đột ở châu Phi, bao gồm Sudan, vùng Sừng châu Phi, vùng Kivu của Cộng hòa Dân chủ Congo và tỉnh Cabo Delgado của Mozambique. Ngài cũng gửi lời kêu gọi đến những người Rohingya bị áp bức ở Myanmar, cầu nguyện để “mọi luận lý bạo lực có thể bị loại bỏ một cách dứt khoát”.

Có lẽ yếu tố tương đối mới duy nhất trong cuộc duyệt xét hoàn cầu của ngài là việc ngài đề cập đến Tây Balkan, nơi mà theo ngài, “những bước quan trọng đang được thực hiện nhằm hướng tới hội nhập vào dự án châu Âu”. Đó là ám chỉ đến các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh Châu Âu hiện đang được tiến hành với sự tham gia của các quốc gia như Montenegro, Bắc Macedonia và Albania, với hầu hết các nhà quan sát coi Montenegro là sự bổ sung tiếp theo có nhiều khả năng nhất.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến các vấn đề như buôn người, mất an ninh lương thực, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khủng bố.

Mặt khác, điều đáng chú ý là khi đề cập đến số phận của người Rohingya ở Myanmar, ngài không đề cập đến những điều kiện thử thách tương tự mà người thiểu số Uyghur ở gần Trung Quốc phải đối đầu. Cũng không có bất cứ lời kêu gọi giảm căng thẳng nào ở Biển Đông, mặc dù thực tế là Đài Loan gần đây đã tiến hành các vụ thử tên lửa để đáp trả các hành động xâm nhập “vùng xám” của Trung Quốc dường như nhằm củng cố các yêu sách của Bắc Kinh đối với hòn đảo này.

Trong một bỏ qua đáng chú ý tương tự, Đức Phanxicô đã không ám chỉ đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ấn Độ, kể cả ở bang Manipur, nơi mà phần lớn người dân tộc thiểu số là Kitô giáo đã trở thành đối tượng của các cuộc tấn công từ những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu, với hơn 300 nhà thờ được cho là đã bị phá hủy. Với cuộc bầu cử diễn ra vào tháng tới, đại diện của các nhóm thiểu số ở Ấn Độ, bao gồm cả cộng đồng Thiên chúa giáo, nói rằng họ lo ngại rằng chiến thắng áp đảo như dự kiến của Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông có thể đồng nghĩa với việc khí hậu Ấn Độ sẽ tiếp tục xấu đi trong thời gian tới đối với tự do tôn giáo.

Về lý do tại sao Đức Phanxicô không nói to điều này, luận lý có vẻ khá rõ ràng: Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số những nước đối thoại quan trọng nhất của Vatican vào lúc này, bao gồm cả thỏa thuận với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, và có sự do dự khi làm hoặc nói bất cứ điều gì có thể bị coi là khiêu khích.

Một hệ quả là mối lo ngại cũng dễ hiểu rằng những lời chỉ trích công khai có thể gây ra phản ứng ngược, từ đó khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn dưới danh nghĩa làm cho chúng tốt hơn.

Một luận lý tương tự có thể giúp giải thích tại sao Đức Thánh Cha không đề cập đến Nicaragua, nơi chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega đã cấm mọi cử hành tôn giáo ở ngoài trời nhân dịp Lễ Phục sinh trong năm thứ hai liên tiếp. Vợ của Ortega, Phó Tổng thống Rosario Murillo, đã công bố kế hoạch thay thế các cuộc rước tôn giáo bằng các sự kiện tôn vinh hệ tư tưởng Xã hội chủ nghĩa.

Có lẽ mối lo ngại là nếu Đức Giáo Hoàng tỏ ra rõ ràng lên án chế độ này thì cuộc đàn áp thực sự có thể trở nên dữ dội hơn.

Tuy nhiên, như có người phân tích nó, ấn tượng rõ ràng từ thông điệp Urbi et Orbi năm 2024 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một lần nữa, vị giáo hoàng này đang cố gắng bước một bước tế nhị, lên tiếng khi nhận thấy điều đó có thể hữu ích và cắn lưỡi khi, một cách cân bằng, sự thận trọng có vẻ như phần tốt hơn của lòng dũng cảm.

Tất nhiên, liệu các giáo hoàng có luôn đạt được sự cân bằng đó một cách thích hợp hay không là một vấn đề cần tranh luận một cách hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, người ta phải thừa nhận tính phức tạp của thao tác.
 
Sứ điệp Phục sinh Urbit et Orbi 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
14:37 31/03/2024


Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật 31 tháng Ba, trước hàng trăm ngàn tín hữu đứng chật quảng trường thánh Phêrô, thánh lễ Phục sinh đã được cử hành ngay trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Tiếp theo đó là sứ điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới cùng nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Trong sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi gởi đến dân thành Rôma và toàn thế giới, ngài nói:

Anh chị em thân mến, chúc mừng Lễ Phục Sinh!

Ngày nay trên khắp thế giới vang lên thông điệp được công bố cách đây hai ngàn năm từ Giêrusalem: “Chúa Giêsu Nazareth, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại!” (Mc 16:6).

Giáo Hội sống lại nỗi kinh ngạc của những người phụ nữ đến mộ vào lúc bình minh ngày đầu tuần. Ngôi mộ của Chúa Giêsu đã được niêm phong bằng một tảng đá lớn. Ngày nay cũng vậy, những tảng đá lớn, những tảng đá nặng, đang chặn đứng những hy vọng của nhân loại: tảng đá chiến tranh, tảng đá khủng hoảng nhân đạo, tảng đá vi phạm nhân quyền, tảng đá buôn người, và cả những tảng đá khác nữa. Giống như các nữ môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta hỏi nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” (x. Mc 16:3).

Đây là khám phá đáng kinh ngạc của buổi sáng Phục sinh đó: tảng đá, tảng đá khổng lồ, đã bị lăn đi. Sự ngạc nhiên của các phụ nữ cũng là sự ngạc nhiên của chúng ta: ngôi mộ của Chúa Giêsu mở toang và trống rỗng! Từ đây, mọi thứ bắt đầu lại! Một con đường mới dẫn qua ngôi mộ trống đó: con đường mà không ai trong chúng ta, ngoại trừ Thiên Chúa, có thể mở ra: con đường sự sống giữa cái chết, con đường hòa bình giữa chiến tranh, con đường hòa giải giữa hận thù, con đường của tình huynh đệ giữa sự thù địch.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Kitô đã sống lại! Chỉ có Ngài mới có quyền năng để lăn đi những tảng đá chặn đường dẫn đến sự sống. Ngài, Đấng hằng sống, chính là con đường đó. Ngài là Con Đường: con đường dẫn đến sự sống, con đường hòa bình, hòa giải và tình huynh đệ. Ngài mở ra thông lộ đó, là điều mà con người không thể làm được, bởi vì chỉ có Ngài mới có thể xóa tội trần gian và tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Vì không có sự tha thứ của Thiên Chúa, hòn đá đó không thể được dời đi. Không có sự tha thứ tội lỗi thì không thể vượt qua được những rào cản thành kiến, những lời buộc tội lẫn nhau, vào não trạng cho rằng chúng ta luôn đúng và người khác sai. Chỉ có Chúa Kitô phục sinh, khi ban ơn tha tội cho chúng ta, mới mở đường cho một thế giới được đổi mới.

Chỉ có Chúa Giêsu mở ra trước mắt chúng ta những cánh cửa sự sống, những cánh cửa mà chúng ta liên tục đóng lại khi chiến tranh lan rộng khắp thế giới. Hôm nay, trước hết chúng ta muốn hướng mắt về Thành Thánh Giêrusalem, nơi chứng kiến mầu nhiệm Cuộc Khổ nạn, Cái chết và Phục sinh của Chúa Giêsu, cũng như tới tất cả các cộng đồng Kitô hữu ở Thánh địa.

Tôi đặc biệt nghĩ đến các nạn nhân của nhiều cuộc xung đột trên toàn thế giới, bắt đầu từ những cuộc xung đột ở Israel, Palestine và Ukraine. Xin Chúa Kitô phục sinh mở ra con đường hòa bình cho các dân tộc bị chiến tranh tàn phá ở những vùng đó. Khi kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôi bày tỏ hy vọng về một cuộc trao đổi chung tất cả các tù nhân giữa Nga và Ukraine: tất cả vì lợi ích của tất cả mọi người!

Tôi kêu gọi một lần nữa rằng việc tiếp cận viện trợ nhân đạo phải được bảo đảm cho Gaza và một lần nữa kêu gọi nhanh chóng thả các con tin bị bắt giữ vào ngày 7 tháng 10 vừa qua và ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza này.

Chúng ta đừng để những hành động thù địch hiện tại tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với dân thường, đến mức sức chịu đựng của họ đã đến giới hạn, và trên hết là đối với trẻ em. Chúng ta thấy bao nhiêu đau khổ trong đôi mắt của trẻ em: trẻ em ở những vùng đất đang có chiến tranh đã quên mất cách mỉm cười! Với đôi mắt đó, cáce m hỏi chúng ta: Tại sao? Tại sao tất cả cái chết này? Tại sao tất cả sự tàn phá này? Chiến tranh luôn là điều phi lý, chiến tranh luôn là sự thất bại! Chúng ta đừng để những làn gió chiến tranh đang mạnh lên thổi vào Âu Châu và Địa Trung Hải. Chúng ta đừng nhượng bộ luận lý của vũ khí và tái vũ trang. Hòa bình không bao giờ được thực hiện bằng vũ khí, mà bằng đôi bàn tay dang rộng và trái tim rộng mở.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên Syria, đất nước đã phải chịu hậu quả của một cuộc chiến tranh lâu dài và tàn khốc suốt 13 năm qua. Quá nhiều cái chết và mất tích, quá nhiều nghèo đói và tàn phá, đòi hỏi sự đáp ứng từ phía mọi người và cộng đồng quốc tế.

Hôm nay, suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng về Li Băng, nơi đã có lúc trải qua sự bế tắc về mặt thể chế và một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội ngày càng sâu sắc, giờ đây trở nên trầm trọng hơn bởi những hành động thù địch ở biên giới với Israel. Xin Chúa Phục sinh an ủi người dân Li Băng thân yêu và nâng đỡ toàn thể đất nước này trong ơn gọi trở thành một vùng đất gặp gỡ, chung sống và đa nguyên.

Tôi cũng đặc biệt nghĩ đến khu vực Tây Balkan, nơi đang thực hiện những bước quan trọng hướng tới việc hội nhập vào dự án Âu Châu. Ước gì những khác biệt về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo không phải là nguyên nhân gây chia rẽ, mà là nguồn phong phú cho toàn thể Âu Châu và cho toàn thế giới.

Tôi cũng khuyến khích các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan, để với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, họ có thể theo đuổi đối thoại, hỗ trợ những người phải di tản, tôn trọng những nơi thờ tự của các tôn giáo khác nhau và đạt được mục tiêu càng sớm càng tốt là một hiệp định hòa bình chung cuộc.

Xin Chúa Kitô phục sinh mở ra con đường hy vọng cho tất cả những người ở các nơi khác trên thế giới đang phải chịu đựng bạo lực, xung đột, mất an ninh lương thực và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xin Chúa ban niềm an ủi cho các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã thiệt mạng và cầu xin sự ăn năn và hoán cải của những thủ phạm gây ra những tội ác đó.

Xin Chúa phục sinh trợ giúp nhân dân Haiti, để sớm chấm dứt các hành vi bạo lực, tàn phá và đổ máu tại đất nước này, và để đất nước này có thể tiến lên trên con đường tiến tới dân chủ và tình huynh đệ.

Xin Chúa Kitô ban niềm an ủi và sức mạnh cho người Rohingya đang bị bao vây bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, và mở ra con đường hòa giải ở Miến Điện, nơi đã và được bị xâu xé trong nhiều năm qua bởi những xung đột nội bộ, để mọi luận lý bạo lực có thể được dứt khoát từ bỏ.

Xin Chúa mở ra những con đường hòa bình trên lục địa Phi Châu, đặc biệt cho các dân tộc đau khổ ở Sudan và toàn bộ vùng cận sa mạc Sahara, vùng Sừng Phi Châu, vùng Kivu ở Cộng hòa Dân chủ Congo và trong tỉnh này của Capo Delgado ở Mozambique, và chấm dứt tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến nhiều khu vực rộng lớn và gây ra nạn đói.

Xin Đấng Phục Sinh chiếu tỏa ánh sáng thiên nhan Người lên những người di cư và tất cả những người đang trải qua thời kỳ khó khăn về kinh tế, đồng thời ban cho họ niềm an ủi và niềm hy vọng trong lúc họ cần giúp đỡ. Xin Chúa Kitô hướng dẫn tất cả những người có thiện chí hiệp nhất trong tình liên đới, để cùng nhau giải quyết nhiều thách thức đang đè nặng lên những gia đình nghèo nhất trong việc tìm kiếm một cuộc sống và hạnh phúc tốt đẹp hơn.

Hôm nay, khi chúng ta cử hành sự sống được ban cho chúng ta qua sự phục sinh của Chúa Con, chúng ta hãy nhớ đến tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta: một tình yêu vượt qua mọi giới hạn và mọi nhược điểm. Thế nhưng ân sủng quý giá là cuộc sống lại bị khinh thường biết bao! Có bao nhiêu đứa trẻ thậm chí không thể được sinh ra? Có bao nhiêu người chết vì đói và không được chăm sóc thiết yếu hoặc là nạn nhân của lạm dụng và bạo lực? Có bao nhiêu sinh mạng bị biến thành đối tượng buôn bán cho hoạt động buôn bán ngày càng tăng của con người?

Anh chị em thân mến, vào ngày Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của cái chết, tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm chính trị hãy hết sức nỗ lực chống lại tai họa buôn người, bằng cách làm việc không mệt mỏi để phá bỏ các mạng lưới bóc lột và ngăn chặn nạn buôn người, mang lại tự do cho những người là nạn nhân của họ. Xin Chúa an ủi gia đình họ, nhất là những người đang nóng lòng chờ đợi tin tức về người thân của mình, và ban cho họ niềm an ủi và hy vọng.

Xin ánh sáng phục sinh soi sáng tâm trí chúng ta và hoán cải tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta nhận thức được giá trị của mỗi sự sống con người, giá trị này phải được đón nhận, bảo vệ và yêu thương.

Cầu tất cả mọi người một lễ Phục sinh hạnh phúc!

Bây giờ là nghi thức ban phép lành URBI ET ORBI cho Rôma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.

Xin quý vị và anh chị em cùng hiệp ý để đón nhận ơn toàn xá:

Mở đầu nghi thức, Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế, tuyên bố chủ ý của Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Ngài đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu.

Ngài đọc như sau:

Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngài đang giơ tay ban phép lành kèm ơn toàn xá.
 
Đức Giáo Hoàng: chỉ có Đấng Phục Sinh mới có thể loại bỏ những tảng đá chiến tranh và bất công.
Vũ Văn An
17:32 31/03/2024

Hãng tin AsiaNews ngày 31 tháng 3 tường trình rằng trong thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi, Đức Phanxicô kêu gọi trao đổi tù nhân chung giữa Nga và Ukraine, cùng với lệnh ngừng bắn và thả con tin ở Gaza. Ngài lưu ý rằng “con đường hòa giải giữa hận thù” bắt đầu từ ngôi mộ của Chúa Giêsu. Suy nghĩ của ngài cũng hướng về Myanmar, “đã bị xâu xé từ nhiều năm nay bởi những xung đột nội bộ” và đến những đứa trẻ chưa chào đời vì nạn phá thai. Xin Chúa Kitô, Đấng “đã giải thoát chúng ta” cũng gỡ bỏ “tảng đá buôn người” và giải thoát các nạn nhân của nó.



Vatican (AsiaNews) – Như mọi năm, hôm nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi truyền thống vào buổi trưa từ Hành lang Ban phép lành của Vương cung thánh đường Vatican sau khi chủ tế Thánh lễ trọng thể tại sân nhà thờ, trước hàng chục ngàn tín hữu tập trung tại quảng trường.

Trong bài diễn văn của ngài, Đức Giáo Hoàng kêu gọi thế giới ngày nay, đang bị gánh nặng bởi những tảng đá nặng nề của chiến tranh và những bi kịch khác bóp nghẹt mọi hy vọng, hãy quay trở lại và nhìn lên Đấng Phục Sinh, Đấng duy nhất có thể quét sạch chúng bằng quyền năng tha thứ của Người.

ĐTC Phanxicô giải thích: “Ngày nay cũng vậy, những viên đá lớn, những viên đá nặng nề, cản trở niềm hy vọng của nhân loại: viên đá chiến tranh, viên đá khủng hoảng nhân đạo, viên đá vi phạm nhân quyền, viên đá buôn người, và cả những viên đá khác”.

Tuy nhiên, điều được khám phá vào buổi sáng Phục Sinh là tảng đá lớn đã được lăn qua: ngôi mộ của Chúa Giêsu đã mở và trống rỗng. “Từ đây, mọi thứ bắt đầu lại!” Đức Phanxicô nói như thế.

“Một con đường mới dẫn qua ngôi mộ trống đó: con đường mà không ai trong chúng ta, ngoại trừ Thiên Chúa, có thể mở ra: con đường sự sống giữa cái chết, con đường hòa bình giữa chiến tranh, con đường hòa giải trong thế giới. giữa hận thù, con đường huynh đệ giữa thù địch.”

Đấng Phục Sinh “mở ra con đường đó, điều mà con người không thể làm được, bởi vì chỉ có Người xóa tội trần gian và tha tội cho chúng ta. Vì nếu không có sự tha thứ của Thiên Chúa thì hòn đá đó không thể dời đi được. Không có sự tha tội thì không thể vượt qua được những rào cản thành kiến, sự buộc tội lẫn nhau, sự cho rằng chúng ta luôn đúng và người khác sai. Chỉ có Chúa Kitô phục sinh, khi ban ơn tha tội cho chúng ta, mới mở đường cho một thế giới được đổi mới.”

Với suy nghĩ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quay lại nhìn thế giới trong lễ Phục sinh này một lần nữa, bắt đầu từ Giêrusalem, nơi cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, và hôm nay cũng là khuôn mặt của các nạn nhân của nhiều cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới.

“Xin Chúa Kitô phục sinh mở ra con đường hòa bình cho các dân tộc bị chiến tranh tàn phá ở những vùng đó. Khi kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôi bày tỏ hy vọng về một cuộc trao đổi chung tất cả tù nhân giữa Nga và Ukraine: tất cả vì lợi ích của tất cả mọi người!”

“Tôi kêu gọi một lần nữa rằng việc tiếp cận viện trợ nhân đạo phải được đảm bảo cho Gaza và một lần nữa kêu gọi thả nhanh chóng các con tin bị bắt giữ vào ngày 7 tháng 10 vừa qua và ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.”

“Chúng ta đừng cho phép những hành động thù địch hiện tại tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với dân thường, đến mức sức chịu đựng của họ đã đến giới hạn, và trên hết là đối với trẻ em. Chúng ta thấy bao nhiêu đau khổ trong đôi mắt của trẻ em: trẻ em ở những vùng đất đang có chiến tranh đã quên mất cách mỉm cười! Với đôi mắt đó, các em hỏi chúng ta: Tại sao? Tại sao tất cả cái chết này? Tại sao tất cả sự tàn phá này? Chiến tranh luôn là một điều phi lý; chiến tranh luôn là một thất bại!”

Theo luận lý này, ngài kêu gọi mọi người đừng bỏ cuộc và cúi đầu trước những làn gió chiến tranh ngày càng mạnh mẽ đang thổi qua Châu Âu và Địa Trung Hải.

Ngài cảnh cáo: “Chúng ta đừng nhượng bộ luận lý vũ khí và tái vũ trang. Hòa bình không bao giờ được tạo nên bằng cánh tay mà bằng đôi bàn tay dang rộng và trái tim rộng mở.”

Thế nhưng, thân xác vinh hiển của Đấng Phục Sinh còn mang nhiều vết thương khác. Đức Phanxicô trích dẫn Syria, hiện đã bị lãng quên sau 13 năm chiến tranh. “Có quá nhiều cái chết và mất tích, quá nhiều nghèo đói và tàn phá, đòi hỏi sự phản ứng từ phía mọi người và cộng đồng quốc tế.”

Sau đó, ngài chuyển sang Lebanon, nơi đang có cuộc khủng hoảng về thể chế cả về kinh tế và xã hội, “hiện đang trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thù địch ở biên giới với Israel”.

Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan, “để, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, họ có thể theo đuổi đối thoại, hỗ trợ những người phải di dời, tôn trọng những nơi thờ phượng của các tôn giáo khác nhau và đạt được một hiệp định hòa bình dứt khoát càng sớm càng tốt.”

Đức Thánh Cha cũng cầu xin Chúa ban niềm hy vọng cho tất cả những người “ở các nơi khác nhau trên thế giới đang phải chịu đựng bạo lực, xung đột, mất an ninh lương thực và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.

Khi kêu gọi Đấng Phục Sinh, ngài nói: “Xin Chúa ban niềm an ủi cho các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã thiệt mạng và cầu xin sự ăn năn và hoán cải của những thủ phạm gây ra những tội ác đó”.

Chuyển sang châu Á, Đức Phanxicô đề cập đến những vết thương của Myanmar. Với Đấng đã chiến thắng cái chết, ngài xin Chúa “ban niềm an ủi và sức mạnh cho người Rohingya, đang bị bao vây bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, và mở ra con đường hòa giải ở Myanmar, vốn bị xâu xé trong nhiều năm bởi các cuộc xung đột nội bộ, để mọi luận lý bạo lực có thể bị từ bỏ một cách dứt khoát.”

Khi khuyến khích các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Tây Balkan, ngài cũng không quên Haiti, một lần nữa phải quỳ gối vì bạo lực, cũng như nhiều vết thương trên lục địa Châu Phi, từ Sudan đến Cape Delgado của Mozambique, cũng như các cộng đồng đang đau khổ vì hạn hán.

Đối với Đấng Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng đã giao phó những người di cư và những người đang trải qua thời kỳ khó khăn về kinh tế. “Xin Chúa Kitô hướng dẫn mọi người có thiện chí hiệp nhất trong tình liên đới”.

Vào ngày tôn vinh sự sống, suy nghĩ của ngài cũng hướng về tất cả những tình huống trong đó món quà quý giá của sự sống bị khinh thường. “Có bao nhiêu đứa trẻ thậm chí không thể được sinh ra? Có bao nhiêu người chết vì đói và không được chăm sóc thiết yếu hoặc là nạn nhân của lạm dụng và bạo lực? Có bao nhiêu sinh mạng bị biến thành đối tượng buôn bán cho hoạt động buôn bán người ngày càng tăng?”

“Vào ngày mà Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của cái chết, tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm chính trị hãy hết sức nỗ lực chống lại tai họa buôn người, bằng cách làm việc không mệt mỏi để phá bỏ các mạng lưới bóc lột và mang lại tự do cho những người là nạn nhân của chúng.”

Cuối cùng, “Xin ánh sáng phục sinh soi sáng tâm trí chúng ta và hoán cải tâm hồn chúng ta, đồng thời giúp chúng ta nhận thức được giá trị của mỗi mạng sống con người, giá trị này phải được đón nhận, bảo vệ và yêu thương”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh – Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney, Australia
Khanh Lai
18:27 31/03/2024
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh – Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney, Australia

Xem hình ảnh

Đức tin Công Giáo thể hiện thật phong phú qua các truyền thống và qua lịch sử. Tất cả những điều ấy diễn tả lại trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh trang trọng.
Vọng Phục Sinh là một Thánh lễ được cử hành trang trọng nhất trong các nghi thức Phụng vụ. Thánh lễ Vọng Phục Sinh có đầy đủ ý nghĩa và các biểu tượng trong sự kiên công bố Tin Mừng Phục sinh của Chúa Kitô với lời hứa cho chúng ta cuộc sống đời đời.

Thánh lễ Vọng Phục Sinh của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney bắt đầu từ chiều thứ Bảy ngày 30/3/2024 lúc 7.30pm, tại Mt Joseph Catholic College, số 273 Horsley Rd, Milperra.
Đại Lễ Vọng Phục Sinh gồm 4 phần: Làm Phép Lửa Mới và Thắp Nến Phục sinh, Phụng Vụ Lời Chúa, Phụng Vụ Thánh Tẩy, và Phụng Vụ Thánh Thể.
Làm Phép Lửa Mới và Thắp Nến Phục sinh.

Bóng tối bao phủ cả sân trường. Lm. Paul Chu Văn Chi Tuyên úy cộng đồng và là điều hợp viên Thánh Lễ hôm nay, Lm. Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Tuyết Tuyên úy Cộng đồng và giảng thuyết. Lm. Phêrô Trần Văn Trợ Tuyên úy cộng đồng trong vai trò Chủ tế Thánh lễ hôm nay. Từ cuối sân trường đoàn phụng vụ và quý Cha Đồng tế làm phép Lửa Mới và thắp lên ngọn nến Phục sinh năm 2024. Đoàn Phụng Vụ tiến lên lễ đài. Đoàn dừng lại 3 lần, mỗi lần tung hô lớn: “Ánh sáng Chúa Kitô.” Và mọi người đáp lại: “Tạ ơn Chúa.”
Ánh Sáng Chúa Kitô được chuyền cho mọi người. Ánh sáng bao trùm cả sân trường học và lan tỏa khắp không gian với ngàn ngàn ngọn nến trong tay mỗi người giáo dân.
Ngọn nến Phục sinh được đặt trang trọng trên Lễ Đài. Giọng của Lm. Paul Văn Chi vang lên với Bài Ca “Exsultet,” Cổ Truyền để Công bố Tin Mừng Phục sinh. Sau đó, Cộng Đồng tham dự phần Phụng Vụ Lời Chúa.

Giáo Hội mời gọi tin tưởng vào Lời Chúa phán trong Kinh Thánh. Trong Phụng Vụ Lời Chúa đêm nay, Giáo Hội suy niệm những kỳ công Người đã làm cho Dân Người ngay từ Khởi Nguyên Sáng Thế, trải qua Thời Kỳ Xuất Hành, đến đời các Tiên Tri loan báo Thời Đại Cứu Thế, và Triều Đại Cứu Thế tiến tới tột đỉnh là sự kiện Chúa Giêsu Kitô chịu chết và sống lại để cứu độ trần gian. Lịch Sử Ơn Cứu Độ được diễn tả qua 3 bài đọc Cựu Ước: Bài Trích Sách Sáng Thế, Bài trích sách Xuất Hành, và Bài trích sách Tiên tri Ezêkiel.

Phụng Vụ Lời Chúa.

Sau Bài Đọc Tiên Tri Ezekiel, cha Chủ tế Xướng Kinh Vinh Danh, những tiếng chuông, chiêng trống và tiếng đàn reo vang mừng Chúa sống lại. “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời…” Cả cộng đoàn cùng cất tiếng hát ca tụng Thiên Chúa.
Cha Chủ tế đọc lời nguyện Thánh Lễ. Sau Bài Thánh Thư, Linh Mục xướng 3 lần Alleluia và cộng đoàn đáp lại Alleluia. Phúc Âm và giảng thuyết hôm nay do Lm FX Nguyễn Văn Tuyết, ngài đã khẳng định sự sống lại của Chúa Giêsu đã mang lại những hồng ân đổi mới nơi các Tông Đồ, các Thánh Nhân, và hàng trăm ngàn các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Cha Chủ tế Phêrô Trần Văn Trợ cử hành nghi thức lặp lại Lời Hứa khi chịu Phép Rửa Tội và rảy Nước Thánh cho Cộng đoàn dân Chúa bằng cành lá dừa. Ca đoàn và cộng Đoàn đồng hát bài: “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra…” Sau đó, phần Lời Nguyện Giáo Dân Đêm Vọng Phục Sinh với 4 lời nguyện.

Đại Lễ Vọng Phục Sinh tiếp tục với phần Rước Lễ và Ca đoàn hát Ca Hiệp Lễ. Sau Lời Nguyện Hiệp Lễ, Ông Chủ Tịch Cộng Đồng Đaminh Nguyễn Ngọc Khiêm chúc mừng Phục Sinh cho Cộng Đồng dân Chúa… Tiếp theo là Phép Lành Trọng Thể…Ban Tuyên Úy chúc mừng Phục Sinh cho Cộng Đồng dân Chúa trong niềm vui hân hoan…

Kết thúc Thánh Lễ với lời chúc cho nhau một mùa Phục sinh vui tươi và tràn đầy ơn Chúa, mọi người ra về trong hân hoan mừng Chúa sống lại với câu kết thúc: “Tạ ơn Chúa, Alleluia, alleluia!”

Khanh Lai tường trình

 
Thánh Lễ Phục Sinh và Rửa Tội Tân Tòng tại Giáo Đoàn Revesby, Sydney, Australia
Khanh Lai
21:41 31/03/2024
Thánh Lễ Phục Sinh và Rửa Tội Tân Tòng tại Giáo Đoàn Revesby, Sydney, Australia

Xem hình ảnh

Sáng nay tại Giáo đoàn Revesby, Lm. Paul Văn Chi Tuyên Úy Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney đã Rửa Tội cho 10 anh chị em Tân Tòng. Hôm nay, không những chúng ta mừng sự Phục sinh của Chúa Kitô, nhưng đồng thời cũng đón mừng những Tân Tòng vào Giáo Hội, cùng với 1.4 tỷ người Công Giáo trên toàn cầu.

Ngay khi nhập Lễ, Cha Chủ Tế rảy nước Thánh trong Đại Lễ Phục Sinh cho Cộng Đoàn dân Chúa với bài ca truyền thống “Tôi đã thấy nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra…”
Sau Phần Phụng Vụ Lời Chúa và giảng thuyết, Cha Chủ Tế cử hành Nghi Thức Rửa Tội cho Tân Tòng với sự kiện cả Cộng Đồng dân Chúa Tuyên Xưng Đức Tin…
Sau đó, anh chị em Tân Tòng được mời gọi đến Giếng Rửa Tội trước Bàn Thờ. Cha Chủ Tế Rửa Tội với công thức Rửa Tội của Giáo Hội.

Nước Rửa Tội gợi lại phép rửa của Chúa Giêsu bởi Gioan Tẩy Giả ở sông Jorđan. Nước là biểu tượng của sự thanh tẩy và đổi mới khi chúng ta bắt đầu một cuộc sống mới trong Chúa Kitô, chúng ta được rửa sạch tội lỗi.
Sau đó, Cha Chủ Tế trao Tấm áo trắng là biểu tượng về sự chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
Ngài trao cho Tân Tòng Cây nến Rửa Tội được thắp sáng từ cây nến Phục sinh như một dấu hiệu ánh sáng của Chúa Kitô trên thế giới. Khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta nhận được ánh sáng của Chúa Kitô và được kêu gọi chia sẻ ánh sáng này với thế giới.
Cha Chủ Tế sau khi Rửa Tội, đã ban Bí Tích Thêm Sức cho 10 anh chị em Tân Tòng. Cha Chủ Tế và Cộng Đồng dân Chúa cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tân Tòng. Người đỡ đầu đặt tay trên vai người Tân Tòng đón nhận Chúa Thánh Thần qua Bí Tích Thêm Sức…

Sau Nghi Thức Rửa Tội, Thánh lễ tiếp tục. Cộng Đồng dân Chúa cùng anh chị em Tân Tòng dâng lên Thiên Chúa Thánh Lễ hy tế của ơn cứu rỗi trong Đại Lễ Phục Sinh hôm nay.
Niềm hân hoan Phục Sinh vang vọng trong từng tâm hồn và trên toàn thế giới. Alleluia!

Khanh Lai tường trình
 
VietCatholic TV
Quá sợ F-16, phòng không Nga bắn nhầm thêm 1 chiếc SU-27. Ba Lan cảnh báo chiến tranh đã ló dạng
VietCatholic Media
01:27 31/03/2024


1. Kyiv cho biết Nga vừa bắn hạ thêm chiến đấu cơ Su-27 của mình trên Hắc Hải

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Shoots Down Its Own Su-27 Fighter Jet Over Black Sea: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng Nga đã vô tình bắn rơi thêm một trong những chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 của họ trên Crimea.

Hôm Thứ Bẩy, 30 Tháng Ba, phát ngôn nhân Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk cho biết trên truyền hình Ukraine rằng tình trạng “sẵn sàng chiến đấu” tăng cao là nguyên nhân gây ra các vụ hỏa lực thân thiện trên bán đảo bị tạm chiếm.

Giữa tuần này, lãnh đạo do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm ở Sevastopol, Mikhail Razvozhayev, đã nói rằng một chiến đấu cơ của Nga đã “rơi” ngoài khơi bờ biển Crimea mà không nêu rõ nguyên nhân và phi công đã nhảy ra ngoài an toàn và được lực lượng cấp cứu vớt.

Các kênh Telegram của Nga đã chia sẻ đoạn phim được cho là chiếc máy bay SU-35 bốc cháy khi rơi xuống và chiếc dù của phi công bị đẩy ra ngoài.

Sau đó, Tư Lệnh lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleshchuk, cho biết 2 chiếc Su-27 của Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trong đó có một chiếc mà kênh Crimea Wind Telegram khẳng định đã vô tình bị lực lượng Nga bắn hạ sau khi cất cánh từ phi trường quân sự Belbek.

Thiếu Tá Pletenchuk nói với đài truyền hình Ukraine hôm thứ Bẩy 30 Tháng Ba: “Chúng tôi xác nhận rằng thêm một chiếc SU-27 thuộc về Liên bang Nga đã bị chính lực lượng của họ phá hủy.”

“Họ đang trong tình trạng cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Yếu tố con người đang tác động - một trong những người điều khiển máy bay mong muốn nhận được huy chương và không buồn tìm hiểu xem đó là máy bay của ai,” ông nói thêm.

Trong hai tháng qua, Không quân Nga đã phải chịu tổn thất máy bay đặc biệt nặng nề, bao gồm hơn chục chiến đấu cơ như máy bay ném bom chiến đấu Su-34, chiến đấu cơ Su-35 và máy bay do thám quân sự A-50 hiếm.

Trong khi đó, Ukraine đang kỳ vọng vào việc tăng cường năng lực hàng không của mình khi thông báo rằng các chiến đấu cơ F-16 đầu tiên do các đồng minh cung cấp sẽ đi vào hoạt động trong vòng vài tháng tới.

Sau khi Hoa Kỳ chấp thuận sử dụng các máy bay do Mỹ sản xuất, liên minh các nước đã cam kết cung cấp các máy bay phản lực thế hệ thứ tư có công nghệ tiến bộ hơn so với các máy bay MiG và Sukhoi thời Liên Xô mà Kyiv hiện đang dựa vào.

Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder hôm thứ Sáu đã công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 107 triệu Mỹ Kim để bảo trì và hỗ trợ các máy bay phản lực.

Đan Mạch cho biết Ukraine có thể nhận được chiến đấu cơ F-16 của họ “vào mùa hè này” và The Telegraph ước tính rằng Kyiv có thể nhận tới 60 chiếc máy bay F-16.

Khi được hỏi về việc Ukraine nhận máy bay từ các đồng minh, Putin cho biết trong tuần này rằng chúng sẽ là “mục tiêu hợp pháp” đối với các phi công Nga ngay cả trên “phi trường của các nước thứ ba”.

“Chúng tôi sẽ phá hủy máy bay của họ giống như cách chúng tôi phá hủy xe tăng của họ” và các thiết bị khác, ông nói tại Trung tâm Hàng không Quân đội 344 ở Torzhok, cách Mạc Tư Khoa 260 km về phía tây bắc, mặc dù ông bác bỏ suy đoán cho rằng Nga sẽ tấn công các thành viên NATO là “vô lý.”

2. Zelenskiy nói các nhà máy thủy điện bị Nga tấn công trong đêm

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu cho biết các nhà máy thủy điện Kaniv và Dnister của Ukraine đã bị tấn công trong các cuộc tấn công qua đêm của Nga.

“Quốc gia khủng bố muốn lặp lại thảm họa môi trường ở vùng Kherson. Nhưng bây giờ không chỉ Ukraine mà cả Moldova cũng đang bị đe dọa”, ông Zelenskiy nói trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

3. Donald Tusk của Ba Lan cảnh báo chiến tranh đang ló dạng ở Âu Châu

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “War looms for Europe, warns Poland’s Donald Tusk”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cảnh báo rằng Âu Châu đang ở “thời kỳ tiền chiến tranh” nhưng vẫn còn “một chặng đường dài phía trước” phải chuẩn bị để có thể sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa phía trước.

“Tôi không muốn làm ai sợ hãi, nhưng chiến tranh không còn là khái niệm xa xưa nữa,” Tusk nói trong một cuộc phỏng vấn với một số cơ quan truyền thông Âu Châu. “Đó là sự thật, thực tế là nó đã bắt đầu từ hơn hai năm trước.”

Tusk cho biết điều đáng lo ngại nhất hiện nay là “bất kỳ kịch bản nào cũng có thể xảy ra”, đồng thời nói thêm rằng Âu Châu chưa phải đối mặt với tình huống như thế này kể từ năm 1945.

Ông nói: “Tôi biết điều này nghe có vẻ tàn khốc, đặc biệt đối với những người thuộc thế hệ trẻ, nhưng về mặt tinh thần, chúng ta phải làm quen với sự xuất hiện của một kỷ nguyên mới”. “Thời tiền chiến. Tôi không phóng đại. Điều này ngày càng trở nên rõ ràng hơn mỗi ngày.”

Trong bối cảnh Nga đang tiến hành xâm lược toàn diện vào Ukraine, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, các đồng minh phương Tây và các quan chức quân sự hàng đầu ngày càng lo lắng về nguy cơ bạo lực lan rộng – mặc dù Putin liên tục phủ nhận mọi ý định tấn công NATO.

Tuần trước, một hỏa tiễn của Nga đã bay vào không phận Ba Lan, khiến Warsaw phải kích hoạt chiến đấu cơ F-16, điều mà Tusk gọi là “sự việc đáng lo ngại”.

Nhưng trong khi tình trạng hỗn loạn đang đến gần, Tusk cảnh báo rằng Âu Châu chưa sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa.

“Chúng ta phải sẵn sàng. Âu Châu vẫn còn một chặng đường dài phía trước”, ông nói. Ông nói thêm rằng bước đầu tiên là các nước phải đáp ứng mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng.

Ông nói: “Hôm nay chúng ta phải chi nhiều nhất có thể để mua thiết bị và đạn dược cho Ukraine, vì chúng ta đang sống trong thời điểm quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai”. “Hai năm tới sẽ quyết định mọi thứ. Nếu chúng ta không thể hỗ trợ Ukraine đủ trang thiết bị và đạn dược, nếu Ukraine thua, không ai ở Âu Châu có thể cảm thấy an toàn”.

Đồng thời, Tusk hoan nghênh việc điều chỉnh thái độ đã khiến một số nhà lãnh đạo Âu Châu, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ hơn.

Ông nói: “Khi tôi làm thủ tướng lần đầu tiên từ năm 2007 đến năm 2011, không ai ngoại trừ các nước vùng Baltic chú ý đến những cảnh báo của tôi rằng Nga có thể là một mối đe dọa”. “Bây giờ, tôi không thấy hài lòng chút nào, khi phải quan sát những thay đổi đang diễn ra ở tất cả các thủ đô ở Âu Châu.”

Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào cuối năm nay, các nhà lãnh đạo Âu Châu ngày càng lo ngại về khả năng Donald Trump tiếp tục làm tổng thống nữa, lo sợ ông sẽ rút khỏi NATO và cản trở việc hỗ trợ thêm cho Kyiv. Nhưng đối với Tusk, vai trò của Âu Châu vẫn không thay đổi bất kể ai là người tiếp theo trong Tòa Bạch Ốc.

“Cho dù Tổng thống Joe Biden hay Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, thì Âu Châu cần phải làm nhiều hơn nữa trong vấn đề phòng thủ,” ông Tusk nói.

4. Nghị viện Âu Châu hôm thứ Sáu đã chịu áp lực phải điều tra một mạng lưới do Nga tài trợ, có ảnh hưởng trên khắp Âu Châu và có sự tham gia của các nhà lập pháp Liên Hiệp Âu Châu.

Cộng hòa Tiệp hôm thứ Tư cho biết các điệp viên của họ đã phát hiện ra mạng lưới này đã phát tán tuyên truyền của Nga thông qua trang tin tức Tiếng nói Âu Châu có trụ sở tại Praha.

Đảng Xanh cho rằng cần phải có một cuộc điều tra “nhanh chóng và kỹ lưỡng”.

Terry Reintke, một trong những ứng cử viên hàng đầu của Đảng Xanh, cho biết: “Đây là cách Putin đang cố gắng thoát khỏi cuộc chiến ở Ukraine… Đó là một cuộc tấn công trực tiếp vào chính cơ cấu nền dân chủ của chúng ta” và cuộc bầu cử Âu Châu vào tháng sáu.

Bà nói thêm trong một tuyên bố: “Các chính trị gia nhận tiền từ Nga phải bị trừng phạt nghiêm khắc, cả về mặt chính trị và pháp lý”.

5. Hệ thống pháo hoàn toàn mới của Nga bị đập tan thành từng mảnh

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Brand New Artillery System Smashed to Smithereens”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xuất hiện cho thấy khoảnh khắc lực lượng Ukraine phá hủy một trong những hệ thống pháo tự hành mới nhất của Nga.

Serhii Sternenko, một nhà hoạt động xã hội Ukraine cho biết trên kênh Telegram của mình: “Pháo tự hành 2S40 Floks mới nhất của Nga đã bị phá hủy”, đồng thời chia sẻ đoạn clip dài một phút về loại vũ khí này được Nga bổ sung vào kho vũ khí của mình vào tháng 10 năm 2023.

Theo quân đội, 2S40 Floks là hệ thống súng cối tự hành 120 ly bánh lốp của Nga, kết hợp khả năng sử dụng làm súng cối và pháo, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ hỏa lực chống lại các mục tiêu cố định và di chuyển bằng đạn súng cối và đạn có độ chính xác cao. trang web Công nhận quân đội.

Sternenko cho biết hệ thống pháo binh đã bị phá hủy gần thành phố Bakhmut của Ukraine, nơi đã chứng kiến một số cuộc đụng độ ác liệt nhất trong cuộc xung đột.

Hôm thứ Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov đã công bố đoạn phim cho thấy RBU-6000 Smerch-2 của Nga, bệ phóng hỏa tiễn chống ngầm cỡ nòng 213 ly thời Liên Xô, bị tấn công và tấn công, gây ra vụ nổ, hỏa hoạn và những đám khói lớn.

Ông cho biết: “Sự phối hợp của Lữ đoàn pháo binh số 45 và Lữ đoàn Dù số 80: Bệ phóng hỏa tiễn RBU-6000 Smerch-2 đã bị phá hủy”.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, nơi đưa ra ước tính về tổn thất về quân đội và trang thiết bị của Nga, cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Sáu rằng Mạc Tư Khoa đã mất 28 hệ thống pháo binh, 8 xe tăng, 27 xe thiết giáp, 50 phương tiện và thùng nhiên liệu, 6 hệ thống phòng không. hệ thống và năm hỏa tiễn hành trình trong một ngày trong cuộc chiến đang diễn ra.

Kyiv cũng cho biết Nga đã mất 820 binh sĩ trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 440.790.

6. Các hãng hàng không báo cáo việc gây nhiễu tín hiệu GPS: Nga phải nhận trách nhiệm

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Airlines report GPS signal jamming: Russia gets the blame”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các máy bay bay qua khu vực Baltic đang báo cáo số lượng tín hiệu GPS bị mất hoặc bị giả mạo ngày càng tăng - và Nga được coi là thủ phạm nhiều khả năng nhất.

Các đợt mất sóng - được gọi là gây nhiễu GPS - đã xảy ra thường xuyên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2022. Tình trạng gây nhiễu dường như tập trung xung quanh vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga - một khu vực quân sự quan trọng đối với Mạc Tư Khoa.

Dana Goward, chủ tịch Tổ chức định giờ và điều hướng linh hoạt có trụ sở tại Hoa Kỳ, một nhóm vận động hành lang cho người dùng GPS, cho biết: “Nga thường xuyên tấn công máy bay, hành khách và lãnh thổ có chủ quyền của các nước NATO”.

“Đó là một mối đe dọa thực sự,” Goward cảnh báo. Ông nói: “Có một trường hợp vô tình gây nhiễu mà chúng tôi biết gần như dẫn đến việc một máy bay chở khách va vào một ngọn núi,” ông nói, đề cập đến một trường hợp được NASA báo cáo vào năm 2019.

Cơ quan An toàn Hàng không Liên Hiệp Âu Châu, gọi tắt là EASA, đang xem xét vấn đề này, nhưng cho đến nay các nhà quản lý nói rằng các vấn đề về GPS không phải là mối nguy hiểm đối với các chuyến bay.

Các trường hợp can thiệp do phi công báo cáo “đã gia tăng đều đặn kể từ tháng 1 năm 2022”. Vấn đề dường như đang trở nên tồi tệ hơn.

“Trong hai tháng đầu năm 2024, EVAAIR ghi nhận số lượng báo cáo ngừng hoạt động GPS tăng cao. Theo số liệu tuyệt đối, chúng tôi đã nhận được 985 vụ ngừng hoạt động GPS so với 1.371 vụ trong cả năm 2023,” Eurocontrol cho biết và nói thêm rằng số sự việc trong hai tháng đầu năm nay nhiều hơn gần bảy lần so với hai tháng đầu năm 2023.

Vào tối Chúa Nhật, một hồ sơ tình báo nguồn mở trên X,, có tên là Markus Jonsson nói rằng việc gây nhiễu GPS ở khu vực Baltic đã diễn ra “trong 47 giờ liên tục, khiến đây là lần hoạt động dài nhất từ trước đến nay” ảnh hưởng nghiêm trọng đến “1.614 máy bay”, nhưng con số thực tế có thể cao hơn.

EASA chưa thể xác nhận nguồn gốc của sự can thiệp từ Nga hay liệu việc gây nhiễu có phải là cố ý hay không.

“Do các địa điểm bị ảnh hưởng, rất có thể hoạt động này có liên quan đến xung đột và ảnh hưởng đến hàng không dân dụng là tác dụng phụ. Tuy nhiên EASA không thể nói ai chịu trách nhiệm”, phát ngôn nhân Janet Northcote của EASA cho biết.

Nhưng Goward gọi những sự việc này là “hoàn toàn có chủ ý”, đồng thời nói thêm: “Khu vực chiến tranh ở Ukraine quá xa để sự can thiệp vào vùng Baltic có thể lan tỏa”.

EASA và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, gọi tắt là IATA, đã tổ chức một hội thảo chung vào Tháng Giêng về chủ đề này. Vào thời điểm đó, Quyền Giám đốc điều hành EASA Luc Tytgat cho biết cơ quan này đã chứng kiến “sự gia tăng mạnh mẽ các cuộc tấn công vào các hệ thống này, gây ra rủi ro về an toàn”.

Tuy nhiên, Northcote, phát biểu trong tuần này, cho biết: “Hiện tại, tình hình không được coi là không an toàn,” đồng thời nói thêm: “Hơn nữa, nhận thức của các phi hành đoàn đã được cải thiện đáng kể nhờ các hành động thúc đẩy an toàn đa dạng từ các hãng hàng không, nhà sản xuất máy bay và cơ quan quản lý.”

Việc gây nhiễu được coi là rất dễ thực hiện vì chỉ cần một tín hiệu rất yếu để làm cho bộ thu GPS trở nên tối và bạn có thể mua trực tuyến các công cụ có khả năng gây nhiễu tín hiệu.

Một cách hack khác có tên là giả mạo hiển thị sai vị trí của máy bay.

“Giả mạo khó hơn một chút so với gây nhiễu,” nhưng với các công cụ phù hợp “một người có sở thích hợp lý có thể làm được điều đó. Gần đây, chúng tôi đã chứng kiến những chiếc máy bay giả mạo gần như vô tình bay vào không phận Iran mà không được phép”, điều này “có thể dẫn đến một vụ bắn hạ”, Goward nói.

Jenni Kiiski, phát ngôn nhân của Finnair, một trong những hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc gây nhiễu GPS, cho biết: “Các khu vực điển hình bị nhiễu GPS đã được báo cáo bao gồm khu vực Baltic và Kaliningrad, xung quanh Hắc Hải, Biển Caspian cũng như phía đông Địa Trung Hải”. Bà cho biết nhiều chuyến bay của hãng đi về phía nam từ Helsinki qua Biển Baltic và đi qua gần Kaliningrad.

AirBaltic của Latvia cũng báo cáo vấn đề tương tự.

Janis Kristops, giám đốc an toàn của hãng cho biết: “Phải thừa nhận rằng các đường bay đến các điểm đến riêng lẻ của airBaltic cũng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này”.

Khi nhiễu GPS làm gián đoạn các chuyến bay của airBaltic, “tuyến đường được thực hiện và vị trí hiển thị trên màn hình nhỏ trong cabin mà hành khách có thể nhìn thấy, cũng như có thể trên trang web Flightradar24, trong những trường hợp đặc biệt, có thể khác với tuyến đường thực tế,” Kristops cho biết.

Đây không chỉ là vấn đề máy bay dân sự.

Vào giữa tháng 3, một chiếc máy bay quân sự chở Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps đã bị GPS gây nhiễu trên đường trở về từ Ba Lan.

Sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7 tháng 10, Israel đã gây nhiễu và giả mạo tín hiệu GPS ở biên giới với Li Băng để bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Hezbollah. Gần đây, việc gây nhiễu của Israel đã gây ra vấn đề cho hàng không dân dụng Li Băng, với các báo cáo về việc các máy bay hướng tới Beirut buộc phải quay trở lại vì mất tín hiệu.

Stuart Fox, giám đốc an toàn hoạt động kỹ thuật và chuyến bay tại IATA, cho biết mặc dù việc gây nhiễu có thể gây lo ngại nhưng nó không gây ra rủi ro an toàn đáng kể. “Một chiếc máy bay có thể định hướng toàn cầu một cách an toàn mà không cần GPS.”

“Tôi bắt đầu bay vào cuối những năm 80 khi chưa có GPS và chúng tôi thường bay trên toàn cầu,” ông nói và cho biết thêm rằng máy bay hiện đại tích hợp nhiều nguồn điều hướng khác nhau. “Khi ở trên đất liền, nó sử dụng các nguồn dẫn đường trên mặt đất; khi nó bay qua đại dương, nó sử dụng hệ quy chiếu quán tính.”

Phi công vẫn có thể tìm đường mà không cần GPS, Goward thừa nhận, nhưng việc hệ thống không hoạt động bình thường “khiến khối lượng công việc của phi công và kiểm soát viên không lưu tăng lên và khả năng xảy ra sai sót cũng tăng lên”.

Việc gây nhiễu GPS dường như có liên quan đến các vấn đề chính trị và quân sự - làm tăng thêm sự nghi ngờ rằng Nga có liên quan.

Goward liên kết tình trạng gây nhiễu gần đây nhất ở vùng Baltic với “Thụy Điển đang tiếp cận và trở thành thành viên của NATO, và trực tiếp hơn với việc hệ thống chống hỏa tiễn Aegis của Mỹ đang được lắp đặt và kích hoạt ở miền bắc Ba Lan”.

Ông cho biết hệ thống của Ba Lan đã đi vào hoạt động vào ngày 15 tháng 12. “Sự can thiệp bắt đầu cùng ngày dọc theo biên giới phía bắc Ba Lan và thông qua Khe Suwałki chiến lược,” ông nói thêm, đề cập đến phần lãnh thổ hẹp của Ba Lan và Lithuania ngăn cách Kaliningrad với đồng minh Belarus của Nga.

Khi được hỏi liệu EASA có áp dụng các hạn chế an toàn đối với giao thông hàng không thương mại hay không, Northcote cho biết: “EASA không áp đặt những hạn chế như vậy, vì nói chung đây là trách nhiệm của nhà nước “. rằng không có tình huống không an toàn nào phát triển.”

Tín hiệu GPS không đáng tin cậy có thể gây ra những tác động khác ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như người dùng ứng dụng hẹn hò từ cả hai phía của cuộc xung đột được đối sánh như thể họ ở cùng một địa điểm.

7. Thành viên NATO Rumani tìm thấy 'mảnh vỡ máy bay không người lái' tại trang trại gần biên giới Ukraine

Thành viên NATO Rumani cho biết họ đã tìm thấy những mảnh vỡ của máy bay không người lái tại một trang trại gần sông Danube và biên giới với Ukraine vào cuối ngày thứ Năm.

Nga đã tấn công các mục tiêu ở miền Tây và miền Trung Ukraine bằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái được tiến hành vào ban đêm.

Bộ Quốc phòng Rumani cho biết trong một tuyên bố hôm Thứ Bẩy, 30 Tháng Ba: “Vào tối ngày 28 tháng 3 năm 2024, các mảnh vỡ dường như đến từ một thiết bị trên không (máy bay không người lái) đã được xác định trên một vùng đất nông nghiệp ở Insula Mare a Brailei”.

“Bộ Quốc phòng cùng với các cơ quan chuyên môn trong Hệ thống Phòng thủ Quốc gia, trật tự công cộng và an ninh quốc gia đang tiến hành điều tra vụ việc.”

NATO có cam kết phòng thủ chung nếu một trong các thành viên của mình bị tấn công, nhưng liên minh Đại Tây Dương và các quan chức Rumani cho biết sau những sự việc tương tự như vậy trong quá khứ rằng họ không tìm thấy bằng chứng nào về bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhắm vào Rumani.

8. Cuộc tấn công hỏa tiễn 'tiêu thổ' của Nga làm hư hại các nhà máy điện ở Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian ‘scorched earth’ missile attack damages power plants in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Sáu Tuần Thánh 29 Tháng Ba, Putin đã phóng 99 hỏa tiễn và máy bay không người lái trong cuộc tấn công lớn thứ tư nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong 10 ngày qua.

Công ty năng lượng DTEK của Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng ba nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đã bị hư hại nghiêm trọng.

Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink than thở: “Cả đêm, Nga đã phóng hỏa tiễn và máy bay không người lái một cách tàn nhẫn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine - giờ đây toàn bộ Ukraine đang trong tình trạng báo động trên không”. “Sự trợ giúp của chúng ta là cần thiết ngay bây giờ.”

Trong một tuyên bố, Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã có thể bắn hạ 84 trong số 99 hỏa tiễn và máy bay không người lái mà Nga bắn vào Ukraine vào đêm thứ Sáu.

Cuộc tấn công có sự tham gia của 60 máy bay không người lái và 39 hỏa tiễn các loại khác nhau, trong đó có ba hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal siêu thanh. Hỏa tiễn có nguồn gốc từ các khu vực Ryazan, Kursk và Belgorod của Nga cũng như từ Bán đảo Crimea bị tạm chiếm.

“Đối phương đã tấn công các cơ sở năng lượng ở các vùng Dnipropetrovsk, Cherkasy, Kirovohrad và Ivano-Frankivsk. Các nhà máy nhiệt điện và trạm biến áp bị hư hại, khiến các dịch vụ tiện ích, ngành công nghiệp địa phương và người dân không có điện”, Bộ Năng lượng Ukraine viết.

Công ty năng lượng nhà nước Ukrenergo cho biết tình trạng thiếu điện là do xung đột ở các khu vực Vinnytsia, Donetsk, Kharkiv và Kherson.

Giám đốc điều hành DTEK Dmytro Sakharuk cho biết tại một hội nghị ở Kyiv hôm thứ Năm rằng năm nay, các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng đã trở nên chính xác và nguy hiểm hơn.

Sakharuk nói: “Độ chính xác của hỏa tiễn gây ấn tượng mạnh. Ông nói, nếu trước đó họ hạ cánh cách mục tiêu 100 đến 200 mét thì gần đây khoảng cách này là khoảng 1 mét.

“Thiệt hại là rất lớn. Không mái nhà, không thiết bị, chỉ là một cánh đồng trống trải còn sót lại tại cơ sở của chúng tôi sau cuộc tấn công… mặt đất cháy xém”, ông nói thêm.

9. Nga hôm thứ Sáu cho biết các cường quốc cần một đường lối mới với Bắc Hàn, cáo buộc Mỹ và các đồng minh làm gia tăng căng thẳng quân sự ở Á Châu và tìm cách “bóp nghẹt” quốc gia ẩn dật này.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã cho biết như trên.

Kể từ khi Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào Ukraine vào năm 2022, Mạc Tư Khoa đã nỗ lực hết sức để thể hiện sự phục hưng trong mối quan hệ của mình - bao gồm cả quan hệ quân sự - với Bình Nhưỡng.

Washington cho biết Bắc Hàn đã cung cấp cho Nga các hỏa tiễn mà nước này đang sử dụng để chống lại Ukraine, những khẳng định này đã bị Điện Cẩm Linh và Bình Nhưỡng bác bỏ.

Đối với Putin, người cho rằng Nga đang mắc kẹt trong một cuộc chiến hiện hữu với phương Tây về vấn đề Ukraine, việc tán tỉnh ông Kim cho phép ông chọc tức Washington và các đồng minh Á Châu của họ trong khi bảo đảm nguồn cung cấp pháo binh dồi dào cho cuộc chiến Ukraine.
 
Điệp viên CIA trên đất Nga: Putin đang yếu, cứu Kyiv là cứu thế giới. Tổng Tư Lệnh Ukraine cảnh báo
VietCatholic Media
15:00 31/03/2024

1. Tư lệnh quân đội Ukraine đưa ra cảnh báo 'nghiêm trọng' cho Nga về cuộc tấn công mới

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's Army Chief Issues 'Fatal' Warning to Russia Over New Offensive”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tư lệnh quân đội Ukraine đã cảnh báo Nga không nên tiến hành một cuộc tấn công mới vào thành phố Kharkiv.

Oleksandr Syrskyi, tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, đã đưa ra cảnh báo trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Ukraine Ukrinform, trả lời các báo cáo rằng Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị lực lượng để chiếm giữ thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm gần biên giới Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo trong tuần này về một cuộc tấn công sắp xảy ra của Nga có thể bắt đầu vào cuối tháng 5 hoặc tháng 6.

Syrskyi, người được bổ nhiệm Tổng Tư Lệnh quân Ukraine vào tháng Hai, cho biết: “Chúng tôi không thể bỏ qua bất kỳ thông tin nào về việc đối phương chuẩn bị cho các hành động tấn công, vì vậy chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp để ứng phó với khả năng đó theo cách phù hợp”.

Tư lệnh quân đội cho biết các lực lượng của Kyiv đang chuẩn bị “củng cố lãnh thổ và vị trí của chúng tôi, lắp đặt một hệ thống rào chắn toàn diện và lên kế hoạch hành động cho quân đội của chúng tôi trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công như vậy”.

“Chúng tôi đã có kinh nghiệm hoạt động chiến đấu ở tỉnh Kharkiv”. Syrskyi cho biết: “Chúng tôi đã tính toán được hành động của đối phương và giải phóng một phần lớn tỉnh Kharkiv”, đề cập đến một cuộc tấn công chớp nhoáng đã giải phóng nhiều khu vực ở Kharkiv vào mùa thu năm 2022.

“Lúc đó mặt trận Nga đã sụp đổ đáng kể. Nếu người Nga đến đó một lần nữa, Kharkiv sẽ trở thành một thành phố chết người đối với họ”, Syrskyi cảnh báo.

Đầu tuần này, các nguồn tin trong số “tinh hoa Nga” và các quan chức an ninh cao cấp nói với hãng tin độc lập Meduza của Nga rằng nỗ lực của Nga nhằm chiếm Kharkiv là “một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra”.

Dẫn nguồn tin thân cận với Điện Cẩm Linh và một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Nga, hãng tin độc lập Verstka của Nga hôm 22/3 cho biết Nga có thể đang lên kế hoạch tuyển mộ hàng chục ngàn binh sĩ vào quân đội như một phần của “cuộc điều động bí mật” với mục đích cuối cùng là bao vây Kharkiv.

Syrskyi cho biết trong cuộc phỏng vấn với Ukrinform rằng mặc dù Ukraine rất biết ơn các đồng minh phương Tây về sự hỗ trợ quân sự nhưng “chúng tôi sẽ càng biết ơn hơn nếu sự giúp đỡ này đến nhanh chóng và đủ số lượng”.

Ông nói: “Điều đáng phải thừa nhận là: Chúng tôi không thể đạt được thành công lớn hơn trong cuộc tấn công Kharkiv vì chúng tôi không có đủ nguồn lực”. “Việc thiếu nguồn lực và số lượng đạn dược cần thiết đã tạo cơ hội cho người Nga đào sâu vào lòng đất ở phía nam Ukraine, ở vùng Zaporizhzhia, và cuộc tấn công vào các vị trí này mà không có sự hỗ trợ từ trên không hiệu quả sẽ khiến chúng tôi thiệt hại về người và thiết bị.”

Ông nói tiếp: “Trường hợp cuối cùng là Avdiivka. Chúng tôi chắc chắn sẽ duy trì được những vị trí này nếu có đủ số lượng vũ khí phòng không và đạn pháo”.

Lực lượng Ukraine đã rút khỏi thành phố pháo đài Avdiivka, nằm ở phía đông khu vực Donetsk, vào tháng 2 sau trận chiến kéo dài nhiều tháng.

2. Mặt trận phía Đông. Putin giống như Stalin có thể nhanh chóng tiến hành một cuộc xâm lược vùng Baltic và gây ra một cuộc chiến mới ở Âu Châu, các đại sứ cảnh báo

Tờ The Sun có trụ sở ở London đưa ra cảnh báo trên trong bài tường trình nhan đề “EASTERN FRONT Stalin-like Putin could very quickly launch an invasion of the Baltics and bring a new war to Europe, warns ambassadors”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các đại sứ tại Anh đến từ vùng Baltic đã cảnh báo rằng VLADIMIR Putin có thể nhanh chóng tiến hành một cuộc xâm lược vùng Baltic và gây ra một cuộc chiến tranh mới ở Âu Châu.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Estonia, Latvia và Lithuania tại Vương Quốc Anh lo ngại nhà độc tài Putin giống Joseph Stalin có thể “nhanh chóng xoay trục” từ Ukraine để xâm lược ba quốc gia này.

Các nhà lãnh đạo của bộ ba vùng Baltic của NATO đã tuyên bố rằng việc Putin phá hủy Ukraine đang gợi lên “những ký ức đen tối nhất” của họ về sự xâm lược dưới thời nhà cách mạng Liên Xô cũ.

Estonia, Latvia và Lithuania gia nhập NATO vào năm 2004 để bảo đảm họ nhận được những bảo đảm an ninh chính thức cần thiết nhằm chống lại các mối đe dọa từ Nga trong tương lai.

Diễn biến này xảy ra sau khi Liên Xô bị giải thể vào ngày 26 tháng 12 năm 1991, khôi phục nền độc lập của họ trong quá trình này.

Nhưng mặc dù ba quốc gia được hưởng “an ninh tập thể mạnh mẽ” hơn bao giờ hết, các đại sứ nói rằng họ chưa bao giờ “đối mặt với một mối đe dọa đáng sợ hơn”.

Đại sứ Estonia Viljar Lubi, đại sứ Latvia Ivita Burmistre và đại biện lâm thời Lithuania Lina Zigmantaite, đã bày tỏ lo ngại của họ nhân dịp kỷ niệm 20 năm nước họ gia nhập NATO.

Khi chỉ trích các quốc gia Âu Châu khác đang hạ thấp nguy cơ từ Nga, họ nói với Telegraph: “Những cảnh báo của chúng tôi về mối đe dọa tiềm ẩn và ngày càng tăng từ phương Đông đã bị một số thủ đô đồng minh loại bỏ quá dễ dàng.

“Khi đó chúng tôi biết cũng như ngày nay chúng tôi biết rằng chỉ có phòng thủ tập thể mới có thể bảo đảm an ninh ở Âu Châu.

“Chúng ta đã thiếu điều này vào những năm 1930 và phải trả giá đắt; một thứ mà người Ukraine hiện đang phải trả.”

Putin cho đến nay có thể đã thất bại trong việc giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài hai năm chống lại Ukraine nhưng những hành động tàn bạo chống lại phe đối lập và dân thường của Nga đã đủ để các đại sứ Baltic phải hành động.

Những “sự dày vò” mà Ukraine hiện đang phải trải qua dưới hình thức “trục xuất, tra tấn, bắt cóc trẻ em” và “xóa bỏ văn hóa” đã đánh thức “những ký ức và nỗi sợ hãi đen tối nhất” của đất nước họ.

Nhắc lại những lo ngại này, các đại sứ cho biết: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng nền kinh tế chiến tranh và quân đội thiện chiến của Nga có thể chuyển hướng nhanh chóng từ nam sang tây.

“Chúng tôi đồng ý với các đánh giá tình báo rằng một thách thức chiến lược rõ ràng đối với khả năng phòng thủ và răn đe của chúng tôi có thể xảy ra chỉ trong vòng ba năm hoặc thậm chí ít hơn.

“Chúng tôi ở phía đông Biển Baltic có rất ít biên giới tự nhiên và không có nơi nào để rút lui.”

Estonia, Latvia và Lithuania đã phải hứng chịu “các cuộc tấn công hỗn hợp” như chiến tranh mạng “hàng ngày”.

Kết quả là, các nhà lãnh đạo khẳng định họ phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

“ Trong những trường hợp này, sự nhầm lẫn đồng nghĩa với thất bại”.

“Do đó, chúng tôi - và các đồng minh của chúng tôi - cần sẵn sàng phản ứng nhanh chóng, thuyết phục và hiệu quả trước mọi loại mối đe dọa”.

Hiện tại, họ kêu gọi NATO “ra quyết định nhanh hơn” để giúp ngăn chặn Nga, kêu gọi tất cả các thành viên “đầu tư vào lực lượng và trang thiết bị để biến các kế hoạch phòng thủ mới của liên minh thành hiện thực”.

Các đại sứ cho biết các nước vùng Baltic hiện đã hoạt động mạnh mẽ hơn để bảo đảm rằng họ “sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất và từng linh hồn” của quốc gia mình.

Tuy nhiên, nếu họ muốn ngăn chặn mối đe dọa từ Nga, “NATO cũng phải làm như vậy”, họ nói.

Bộ Quốc phòng Estonia đã thông báo rằng một thỏa thuận đã được ký kết nhằm xây dựng một loạt hầm trú ẩn ở biên giới với Nga và Belarus để bảo vệ lực lượng của họ trong trường hợp bị tấn công.

Ba thành viên NATO và Liên Hiệp Âu Châu đã ký một thỏa thuận về việc xây dựng “các cơ sở phòng thủ chống di động”.

Nó xuất hiện sau khi một báo cáo quân sự bị rò rỉ tiết lộ kế hoạch từng bước của nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh nhằm đưa phương Tây đến bờ vực của Thế chiến 3 - sẽ bắt đầu sau vài tuần nữa.

Để chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ Mạc Tư Khoa, Estonia đang lên kế hoạch xây dựng 600 hầm bê tông với các đường dây phân phối – trị giá hơn 55 triệu bảng Anh – ở phía biên giới với Nga.

Mỗi hầm trú ẩn sẽ được thiết kế để chứa 10 binh sĩ trong thời gian dài - và cũng sẽ có thiết bị hỗ trợ sự sống.

Theo bản phác thảo do Bộ Estonia cung cấp, nhiều loại hầm trú ẩn sẽ bao gồm các chiến hào hình chữ T, được ngụy trang bằng tán lá.

Những chiến hào này được thiết kế để chịu được đạn 152ly cũng như hỏa lực trực tiếp của đối phương.

Ngoài mê cung hầm trú ẩn, các rào chắn xe tăng, rào chắn, bãi mìn và dây thép gai “răng rồng” cũng sẽ được dự trữ để lắp đặt nếu cần.

Trong khi Ukraine đã cố gắng chống chọi với cuộc tấn công dữ dội của Mạc Tư Khoa trong nhiều năm, có khả năng ba quốc gia vùng Baltic nhỏ này sẽ bị tràn ngập trong vòng vài ngày tới.

Và nếu Putin tấn công ba nước NATO, các đồng minh của hiệp ước phòng thủ sẽ buộc phải hành động quân sự với nhà nước Nga - bao gồm cả Anh và Mỹ.

3. Các công tố viên Nga đã yêu cầu Bộ tư pháp xem xét việc đưa Alla Pugacheva, nữ hoàng nhạc pop Liên Xô, vào danh sách “đặc vụ nước ngoài”, một động thái sẽ chính thức chỉ định ngôi sao nổi tiếng nhất nước Nga là đối phương của Điện Cẩm Linh.

Pugacheva, được biết đến qua nhiều thế hệ nhờ những bản nhạc hàng đầu như bài hát “Million Scarlet Roses” năm 1982 và bộ phim “The Woman who Sings” năm 1978, đã bày tỏ sự ghê tởm với cuộc chiến Ukraine.

Vào năm 2022, bà cho biết chiến tranh đã giết chết binh lính vì những mục đích viển vông, tạo gánh nặng cho người dân thường và biến nước Nga thành một kẻ bị ruồng bỏ. Đầu tháng này, người ca sĩ 74 tuổi nói rằng sẽ không có người bình thường nào quay trở lại Nga. Cô ấy hiện đang ở nước ngoài.

Vitaly Borodin, một nhà hoạt động đứng đầu một nhóm chống tham nhũng và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình nhà nước, đã đệ trình yêu cầu chính thức công nhận Pugacheva là đặc vụ nước ngoài.

Sau đó Borodin công bố một lá thư từ văn phòng tổng công tố cho thấy rằng bộ tư pháp đã yêu cầu xem xét điều đó.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết ông chưa nghe thấy tuyên bố chính thức nào về vấn đề này. Pugacheva, được cho là đang ở Síp, không bình luận ngay lập tức.

4. Danilov sẽ trở thành đại sứ mới của Ukraine tại Moldova

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã phê chuẩn việc ứng cử cựu Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Oleksiy Danilov làm đại sứ Ukraine tại Moldova.

Nguyên thủ quốc gia đã thông báo điều này trong bài phát biểu video buổi tối của mình, Ukrinform đưa tin.

“Oleksiy Danilov sẽ tiếp tục làm việc trong lĩnh vực ngoại giao, và đặc biệt hơn, tôi đã chấp thuận việc ứng cử của ông ấy làm Đại sứ mới của nhà nước chúng tôi tại Cộng hòa Moldova,” Zelenskiy nói.

Ông lưu ý rằng Danilov đã nói với ông về tầm nhìn này về công việc tương lai của ông đối với Ukraine.

“Đối với chúng tôi, Moldova là một quốc gia cực kỳ quan trọng - cả về những thách thức an ninh trong khu vực và về hợp tác song phương của chúng tôi”, ông Zelenskiy nói.

Như đã đưa tin, trước đó Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cách chức Mark Shevchenko khỏi chức vụ Đại sứ Ukraine tại Cộng hòa Moldova.

Vào ngày 26 tháng 3, Oleksiy Danilov bị cách chức Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia mà ông đã giữ chức vụ này từ tháng 10 năm 2019.

Nga mạnh hơn lực lượng Ukraine gấp sáu lần trên tiền tuyến, tổng tư lệnh nói

Tổng tư lệnh mới được bổ nhiệm của Ukraine Oleksandr Syrsky cho biết trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi được công bố hôm thứ Sáu rằng Nga đang mạnh hơn lực lượng Ukraine gấp sáu lần trên tiền tuyến, gây tổn thất về binh lính và vị trí.

Syrsky nói với hãng tin Ukrinform: “Vài ngày trước, lợi thế của đối phương về số lượng đạn dược bắn là khoảng 6 trên 1”.

Ông cảnh báo: “Các lực lượng phòng thủ hiện đang thực hiện nhiệm vụ dọc toàn bộ chiến tuyến rộng lớn, với rất ít hoặc không có vũ khí và đạn dược”, đồng thời cho biết tình hình đang “căng thẳng” ở một số khu vực.

Syrsky đảm nhận vị trí tổng tư lệnh vào tháng 2 sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sa thải người tiền nhiệm nổi tiếng của ông, Valery Zaluzhny.

5. Cựu nhân viên CIA nhận định Putin 'Bây giờ đang yếu'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin 'Is Weak Now'—Former CIA Worker”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một cựu sĩ quan CIA đã kêu gọi các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp thêm sự hỗ trợ quân sự cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này trong cuộc xung đột đang diễn ra, đồng thời nói rằng Putin “hiện đang yếu”.

John Sipher, người đã làm việc trong Cơ quan Bí mật Quốc gia của Cục Tình báo Trung ương, gọi tắt là CIA, trong 28 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2014, đã đưa ra lời kêu gọi của mình trên X,, vào hôm thứ Năm, khi gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Hoa Kỳ mà Tổng thống Joe Biden yêu cầu vẫn bị đình trệ tại Hạ viện.

“Ôi Chúa tôi. Chúng ta có cơ hội lịch sử để đánh bại đối phương đã gây chiến với chúng ta trong nhiều năm”, ông viết. “Putin đang phá hủy mọi thứ quan trọng đối với chúng ta. Bây giờ ông ta đang yếu đuối. Đừng rụt rè nữa và hành động như một siêu cường đi.”

Sipher nói thêm: “Hãy cho Ukraine những gì họ cần để giành chiến thắng!”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Năm cho biết việc Quốc hội nhanh chóng chuyển viện trợ của Mỹ cho Ukraine là “rất quan trọng”.

Ông nói trên X. “Chúng tôi thừa nhận rằng có nhiều quan điểm khác nhau tại Hạ viện về cách tiến hành, nhưng điều quan trọng là coi vấn đề viện trợ cho Ukraine là yếu tố thống nhất”.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, được công bố hôm thứ Năm, rằng Ukraine cần “sự giúp đỡ ngay bây giờ”, cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra của Nga và khả năng xung đột bùng phát trên đất NATO nếu ông Putin không dừng lại.

Ông nói Ukraine cần thêm đạn pháo và hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot của Mỹ.

“Hàng chục tỷ vẫn còn ở Mỹ,” Zelenskiy nói. “Thành thật mà nói, số tiền được Quốc hội, chính quyền phân bổ, trong phần lớn các trường hợp, 80% số tiền này—à, ít nhất là hơn 75%—ở lại Hoa Kỳ. Số đạn dược này đang đến với chúng tôi, nhưng quá trình sản xuất đang diễn ra ở đó, tiền vẫn ở Mỹ và thuế vẫn ở Mỹ”

“Đúng, đó là một sự hỗ trợ to lớn đang đến với chúng tôi, nhưng chúng tôi cần nó,” ông nói thêm.

Các quan chức Mỹ cảnh báo tình trạng thiếu đạn dược hiện tại của Ukraine có thể trở nên “thảm khốc” vào cuối tháng 3.

Hai quan chức Mỹ đã đưa ra đánh giá này trong một cuộc phỏng vấn với ABC News vào cuối tháng trước, phát biểu với điều kiện giấu tên.

“Thời điểm bắt đầu ngay bây giờ và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong suốt mùa xuân và mùa hè. Vì vậy, khoảng thời gian mà chúng ta đang bước vào là khoảng thời gian quan trọng”, một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ nói với mạng lưới.

6. Tổng Tư Lệnh quân Ukraine cảnh báo: Hoả lực Nga mạnh hơn lực lượng Ukraine gấp sáu lần trên tiền tuyến

Tổng tư lệnh mới được bổ nhiệm của Ukraine Oleksandr Syrsky cho biết trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi được công bố hôm thứ Sáu rằng Nga đang mạnh hơn lực lượng Ukraine gấp sáu lần trên tiền tuyến, gây tổn thất về binh lính và vị trí.

Syrsky nói với hãng tin Ukrinform: “Vài ngày trước, lợi thế của đối phương về số lượng đạn dược bắn là khoảng 6 trên 1”.

Ông cảnh báo: “Các lực lượng phòng thủ hiện đang thực hiện nhiệm vụ dọc toàn bộ chiến tuyến rộng lớn, với rất ít hoặc không có vũ khí và đạn dược”, đồng thời cho biết tình hình đang “căng thẳng” ở một số khu vực.

Syrsky đảm nhận vị trí tổng tư lệnh vào tháng 2 sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cách chức người tiền nhiệm nổi tiếng của ông, Valery Zaluzhny.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến việc Nga tiếp tục giành được các chiến thắng trong bối cảnh viện trợ dành cho Ukraine bị ngăn chặn tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Lực lượng Nga duy trì đà tiến dần dần về phía tây Avdiivka. Vào cuối tháng 3 năm 2024, họ gần như chắc chắn đã nắm quyền kiểm soát hai ngôi làng – Tonenke và Orlivka – và đang tiếp tục tranh giành những ngôi làng khác trong khu vực. Nga tiếp tục tấn công dọc theo một số điểm khác trên tiền tuyến nhưng không đạt được nhiều tiến triển trong những tuần gần đây.

Nga duy trì lợi thế đáng kể về số lượng trong cuộc xung đột, áp đảo Ukraine về số lượng đạn dược và thiết bị. Có khả năng họ sẽ tuyển thêm khoảng 30.000 nhân sự mỗi tháng và rất có thể sẽ tiếp tục gánh chịu tổn thất cũng như tiếp tục các cuộc tấn công nhằm làm suy yếu lực lượng Ukraine.

Trong một diễn biến đáng quan ngại Tổng Tư Lệnh quân Ukraine cho biết Nga mạnh hơn lực lượng Ukraine gấp sáu lần trên tiền tuyến.

Tổng tư lệnh mới được bổ nhiệm của Ukraine Oleksandr Syrsky cho biết trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi được công bố hôm thứ Sáu rằng Nga đang mạnh hơn lực lượng Ukraine gấp sáu lần trên tiền tuyến, gây tổn thất về binh lính và vị trí.

Syrsky nói với hãng tin Ukrinform: “Vài ngày trước, lợi thế của đối phương về số lượng đạn dược bắn là khoảng 6 trên 1”.

Ông cảnh báo: “Các lực lượng phòng thủ hiện đang thực hiện nhiệm vụ dọc toàn bộ chiến tuyến rộng lớn, với rất ít hoặc không có vũ khí và đạn dược”, đồng thời cho biết tình hình đang “căng thẳng” ở một số khu vực.

Syrsky đảm nhận vị trí tổng tư lệnh vào tháng 2 sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cách chức người tiền nhiệm nổi tiếng của ông, Valery Zaluzhny.

8. Quốc gia NATO điều chiến đấu cơ khi hỏa tiễn Nga trút xuống Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Nation Scrambles Fighter Jets As Russian Missiles Rain Down on Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ba Lan đã điều động chiến đấu cơ để bảo vệ không phận của mình hôm Thứ Sáu Tuần Thánh 29 Tháng Ba, khi Ukraine bị tấn công bởi một loạt hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.

Lực lượng Không quân Ba Lan cho biết trong một tuyên bố trên X, trước đây gọi là Twitter, rằng các máy bay phản lực đã được phóng lên trong bối cảnh “hoạt động hàng không tầm xa căng thẳng” và các cuộc tấn công hỏa tiễn từ Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Chỉ vài ngày trước đó, vào ngày 24/3, một hỏa tiễn hành trình của Nga bắn vào miền Tây Ukraine đã đi vào không phận Ba Lan, thành viên NATO, quân đội Warsaw cho biết.

“Tất cả các thủ tục cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho không phận Ba Lan đã được kích hoạt và Bộ chỉ huy tác chiến của Không quân Ba Lan đang theo dõi tình hình liên tục”, bài đăng của Lực lượng Không quân Ba Lan trên X cho biết hôm thứ Sáu.

“Xin lưu ý rằng máy bay của Ba Lan và đồng minh hoạt động trong không phận Ba Lan, điều này có thể dẫn đến mức độ tiếng ồn tăng lên, đặc biệt là ở khu vực phía đông nam đất nước.”

Mạc Tư Khoa đã phát động một cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn vào Ukraine bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái vào đầu giờ thứ Sáu.

Không quân Ukraine cho biết trên Telegram rằng Nga đã phóng 99 hỏa tiễn và máy bay không người lái, bao gồm máy bay không người lái Shahed, hỏa tiễn đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal, hỏa tiễn đạn đạo Iskander-136, hỏa tiễn máy bay dẫn đường Kh-59, 4 hỏa tiễn hành trình Iskander-K và 21 hỏa tiễn Kh-101/ Hỏa tiễn hành trình Kh-555.

Lực lượng không quân cho biết: “Đối phương đã tiến hành một cuộc không kích bằng hỏa tiễn mạnh mẽ nhằm vào các cơ sở thuộc ngành nhiên liệu và năng lượng của Ukraine, sử dụng nhiều loại hỏa tiễn và tấn công bằng máy bay không người lái)”. 99 hỏa tiễn đã được Nga phóng đi.

“Tôn vinh và ca ngợi tất cả những người bảo vệ Ukraine khỏi sự khủng bố của Nga. Cảm ơn những nỗ lực chiến đấu của các bạn. Cảm ơn các bạn vì kết quả này!”

Nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukraine Ukrenergo cho biết mục tiêu tấn công của Nga là các cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Nhà chức trách cho biết các nhà máy nhiệt điện và thủy điện ở khu vực miền Trung và miền Tây Ukraine đã bị hư hại, trong khi tình trạng mất điện được báo cáo ở khu vực Dnipropetrovsk và Kharkiv.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết các cơ sở điện ở khu vực Dnipropetrovsk, Poltava và Cherkasy đã trở thành mục tiêu.

Ông nói: “Các cơ sở sản xuất điện đã bị máy bay không người lái và hỏa tiễn tấn công.

Vào ngày 24 tháng 3, Ba Lan cho biết một hỏa tiễn của Nga đã bay vào không phận Ba Lan gần thị trấn phía đông Oserdów, gần biên giới đất nước với Ukraine, ngay trước 4:30 sáng giờ địa phương, và rằng nó đã ở trong không phận NATO trong 39 giây.

Quân đội Ba Lan cho biết trong một tuyên bố trên X vào thời điểm đó: “Trong số những thứ khác, hàng không Ba Lan và đồng minh đã được kích hoạt”. Điều này “có thể dẫn đến mức độ tiếng ồn tăng lên, đặc biệt là ở phía đông nam đất nước”.

9. Ukraine nhận được 1,5 tỷ Mỹ Kim tài trợ theo chương trình của Ngân hàng Thế giới

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hôm thứ Sáu cho biết Ukraine đã nhận được khoản tài trợ trị giá 1,5 tỷ Mỹ Kim theo chương trình của Ngân hàng Thế giới, giúp nước này thanh toán ngân sách và chi tiêu xã hội khi nước này tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga.

Ukraine phụ thuộc vào viện trợ tài chính từ các đối tác phương Tây nhưng nguồn tài chính nước ngoài đã giảm trong hai tháng đầu năm nay và gói viện trợ của Mỹ đã bị đảng Cộng hòa tại Quốc hội chặn trong nhiều tháng.

Shmyhal cho biết, khối viện trợ mới của Ngân hàng Thế giới được tài trợ bởi Anh và Nhật Bản.

“984 triệu đô la đến từ Nhật Bản và 516 triệu đô la từ Vương quốc Anh. Khoản tiền này sẽ chi trả cho chi tiêu ngân sách cho các nhu cầu xã hội và nhân đạo cũng như tái thiết”, ông viết trên X.

10. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Putin đang gặp khó khăn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin's Oil Industry Is in Trouble”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các trung tâm dầu mỏ và nhà máy lọc dầu của Nga đang gây nguy hiểm cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Vladimir Putin - nền tảng của nền kinh tế đất nước ông - những diễn biến gần đây cho thấy.

Số liệu cho thấy sản lượng xăng ở Nga đã giảm sau một loạt cuộc tấn công của Kyiv nhằm vào các nhà máy lọc dầu của nước này. Rosstat, Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga, cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 24 tháng 3, sản lượng xăng động cơ của quốc gia này đã giảm khoảng 7,4% xuống còn 754.600 tấn so với tuần trước, khi sản lượng ở mức 815.300 tấn, truyền thông địa phương đưa tin.

Để giải quyết nguy cơ thiếu hụt ở thị trường nội địa khi các nhà máy lọc dầu của Nga tiến hành sửa chữa khẩn cấp trên diện rộng, Mạc Tư Khoa đã chuyển sang đồng minh và nước láng giềng quan trọng của mình là Belarus để được giúp đỡ, Reuters đưa tin hôm thứ Tư.

Bốn nguồn tin công nghiệp và thương mại nói với hãng tin này rằng Nga, một trong những nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, đã tăng nhập khẩu xăng từ Belarus, đạt gần 3.000 tấn trong nửa đầu tháng 3. Con số này so với tháng 2, khi Nga nhập khẩu 590 tấn và tháng 1, khi không nhập khẩu.

Những diễn biến gần đây cho thấy các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các trung tâm dầu mỏ và nhà máy lọc dầu của Nga đang gây nguy hiểm cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Vladimir Putin – vì đó là nền tảng của nền kinh tế đất nước ông.

Mạc Tư Khoa phụ thuộc vào ngành xuất khẩu dầu mỏ và năng lượng, chiếm khoảng 30% nguồn thu ngân sách của đất nước và rất quan trọng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Theo Statista, Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chiếm hơn 12% sản lượng dầu thô toàn cầu.

Ngành năng lượng của nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine. Trong khi đó, kể từ ngày 1/3, Nga sẽ cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng nhằm bù đắp giá nhiên liệu tăng vọt trong nước.

Kyiv đã tăng cường tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga bắt đầu từ năm nay. Vào ngày 18 Tháng Giêng, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một cảng dầu ở St. Petersburg, cách biên giới Ukraine khoảng 620 dặm.

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khác của họ, gần St. Petersburg vào ngày 21 Tháng Giêng, đã tấn công một nhà máy xuất khẩu khí đốt lớn—nhà máy ngưng tụ khí Novatek PJSC ở cảng Ust-Luga—gây ra một đám cháy lớn và làm ngừng cung cấp nhiên liệu. Tờ Kyiv Post đưa tin Ust-Luga là cảng Baltic lớn nhất của Nga và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó.

Đầu tháng này, Bloomberg đưa tin rằng các nhà máy lọc dầu buộc phải ngừng hoạt động trong khoảng thời gian một tuần chịu trách nhiệm chung cho 12% công suất lọc dầu quốc gia của Nga. Reuters ước tính con số này hiện đã tăng lên 14%.

Reuters hôm thứ Năm dẫn hai nguồn tin trong ngành cho biết trung tâm dầu mỏ mới nhất đã ngừng hoạt động do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine là nhà máy lọc dầu cỡ trung Kuibyshev thuộc sở hữu của Rosneft, gần thành phố Samara trên sông Volga. Cơ sở này đã bị tấn công vào tuần trước.

Sergey Vakulenko, một học giả không thường trú tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia, đã đánh giá vào tháng 1 rằng hậu quả sẽ “nghiêm trọng” đối với ngành dầu mỏ của Nga “nếu chúng ta chứng kiến sự khởi đầu của làn sóng tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở miền Tây nước Nga”.

“Dù thế nào đi nữa, khả năng phục hồi và sự khéo léo dự trữ của Nga có vẻ sẽ bị thử thách nghiêm trọng. Tốc độ và phẩm chất sửa chữa tại Kstovo, Ust-Luga và Tuapse sẽ là những chỉ số chính cho thấy sự sẵn sàng của Mạc Tư Khoa”, Vakulenko nói.

Nhà lãnh đạo SBU, Vasyl Malyuk, tuyên bố trong tuần này rằng họ đứng đằng sau tất cả các cuộc tấn công vào các trung tâm dầu mỏ của Nga và chúng sẽ tiếp tục, gây ra nhiều rắc rối hơn cho nhà lãnh đạo Nga phía trước.

11. Tướng hàng đầu của Kyiv nhận định rằng: Quân đội Ukraine sẽ cần huy động ít người hơn dự kiến ban đầu để chống lại cuộc xâm lược kéo dài hơn hai năm qua của Nga

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tháng 12 rằng quân đội của ông đã đề xuất huy động thêm tới 500.000 người Ukraine vào lực lượng vũ trang khi Nga tăng cường các cuộc tấn công dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km.

Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi, người được bổ nhiệm vào tháng trước, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine hôm thứ Sáu rằng con số này đã “giảm đáng kể” sau khi xem xét các nguồn lực.

Ông không đưa ra một con số mới. Ông nói với hãng tin Ukrinform: “Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có đủ người có khả năng bảo vệ quê hương của họ”. “Tôi đang nói không chỉ về những người được huy động mà còn về những chiến binh tình nguyện.”

12. Putin là 'mối đe dọa nghiêm trọng' đối với Đông NATO, cựu quan chức quốc phòng cảnh báo

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Is 'Serious Threat' to Eastern NATO, Ex-Defense Official Warns”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Nga đặt ra “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với các nước phía đông NATO sau khi Putin đưa ra cảnh báo về máy bay F-16 ở Ukraine hôm thứ Tư.

Vào tháng 8, Washington đã ủy quyền cho các đồng minh của mình cung cấp cho Ukraine các máy bay do Mỹ sản xuất, được trang bị hệ thống điện tử hàng không và radar hiện đại hơn nhằm trao thêm khả năng cho Không quân Ukraine, vốn dựa vào các máy bay phản lực MiG và Sukhoi thời Liên Xô.

Một nhóm gồm 14 quốc gia đã cam kết cung cấp F-16 và giúp Ukraine huấn luyện. Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, cho biết hôm thứ Tư rằng các máy bay sẽ đến trong những tháng tới, theo Reuters.

Khi đến thăm Trung tâm Tuyển dụng Chiến đấu và Đào tạo lại Phi công Hàng không Lục quân số 344, ông Putin đã được hỏi về máy bay F-16 và liệu Nga có được “cho phép tấn công những mục tiêu này tại các phi trường của NATO hay không”.

“Đầu tiên, nếu họ cung cấp F-16, họ đang nói về điều này và có vẻ như họ đang đào tạo phi công; tôi tin rằng bạn nhận ra điều này không giống những người khác nhưng giỏi hơn những người khác, điều này sẽ không thay đổi tình hình trên chiến trường. Chúng ta sẽ phá hủy máy bay của họ giống như chúng ta đang phá hủy xe tăng, xe thiết giáp và các thiết bị khác của họ, bao gồm cả hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt”, ông nói.

Putin nhấn mạnh rằng: “Tất nhiên, chúng ta sẽ coi chúng là mục tiêu hợp pháp nếu chúng hoạt động từ phi trường của các nước thứ ba, bất kể chúng ở đâu. Máy bay F-16 cũng có thể mang vũ khí hạt nhân và chúng ta cũng sẽ phải lưu ý điều này khi tổ chức các hoạt động chiến đấu của mình”.

Elbridge Colby, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, đã nói với X, hôm thứ Năm, rằng: “Chúng ta không nên tin lời Putin. Hãy tránh xa những điều ông ta nói. Tôi tin rằng Nga là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Đông NATO”.

Colby nói tiếp: “Nhưng điều đáng chú ý là Mạc Tư Khoa tránh hành động gây hấn chống lại NATO trong khi Trung Quốc công khai bảo lưu quyền hành động quân sự chống lại Đài Loan”.

Anton Gerashchenko, cựu cố vấn cho Bộ trưởng nội vụ Ukraine, cũng đăng trên X về cảnh báo F-16 của Putin: “Putin nói rằng Nga sẽ bắn hạ máy bay F-16 nếu chúng được sử dụng từ phi trường của nước thứ ba để nhắm vào Nga.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn không được khuyến khích tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga để bảo vệ chính mình”, ông Gerashchenko nói.

Rajan Menon, chuyên gia về xung đột quân sự của Nga từ tổ chức nghiên cứu Ưu tiên Quốc phòng, nói với Newsweek qua email hôm thứ Năm: “Đó thuần túy là một màn kịch. Putin biết rất rõ rằng không quốc gia NATO nào cho phép Ukraine sử dụng các căn cứ không quân của mình để triển khai F-16 thực hiện nhiệm vụ tấn công lực lượng Nga. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu Ukraine làm điều đó, vì ngay cả khi nhìn lướt qua trên bản đồ cũng có thể thấy rõ”.

Trong cùng chuyến thăm hôm thứ Tư, Putin đã được hỏi về chi tiêu quốc phòng ở các quốc gia khác: “Theo thông tin của chúng tôi, chi tiêu quốc phòng của chúng tôi lên tới 3,5% GDP”, Putin trả lời khi thảo luận về năm 2022.

Putin nói tiếp: “Nhưng sự khác biệt còn đáng chú ý hơn ở những con số tuyệt đối. Vào năm 2022, chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ lên tới 811 tỷ Mỹ Kim, nếu tôi nhớ không nhầm thì Nga đã chi 72 tỷ Mỹ Kim. Sự khác biệt là hơn mười lần. Chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ chiếm khoảng 40% con số toàn cầu, hay chính xác hơn là 39%, trong khi Nga chiếm 3,5%. Xem xét sự khác biệt này, liệu chúng ta có dự định chiến đấu với NATO không? Thật vô nghĩa.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt 768,2 tỷ Mỹ Kim chi tiêu quân sự vào năm 2022 bằng cách ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia, hãng tin AP đưa tin.
 
Sứ điệp Phục sinh Urbit et Orbi 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô, phép lành kèm Ơn Toàn Xá
VietCatholic Media
17:35 31/03/2024

Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật 31 tháng Ba, trước hàng trăm ngàn tín hữu đứng chật quảng trường thánh Phêrô, thánh lễ Phục sinh đã được cử hành ngay trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Tiếp theo đó là sứ điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới cùng nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Trong sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi gởi đến dân thành Rôma và toàn thế giới, ngài nói:

Anh chị em thân mến, chúc mừng Lễ Phục Sinh!

Ngày nay trên khắp thế giới vang lên thông điệp được công bố cách đây hai ngàn năm từ Giêrusalem: “Chúa Giêsu Nazareth, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại!” (Mc 16:6).

Giáo Hội sống lại nỗi kinh ngạc của những người phụ nữ đến mộ vào lúc bình minh ngày đầu tuần. Ngôi mộ của Chúa Giêsu đã được niêm phong bằng một tảng đá lớn. Ngày nay cũng vậy, những tảng đá lớn, những tảng đá nặng, đang chặn đứng những hy vọng của nhân loại: tảng đá chiến tranh, tảng đá khủng hoảng nhân đạo, tảng đá vi phạm nhân quyền, tảng đá buôn người, và cả những tảng đá khác nữa. Giống như các nữ môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta hỏi nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” (x. Mc 16:3).

Đây là khám phá đáng kinh ngạc của buổi sáng Phục sinh đó: tảng đá, tảng đá khổng lồ, đã bị lăn đi. Sự ngạc nhiên của các phụ nữ cũng là sự ngạc nhiên của chúng ta: ngôi mộ của Chúa Giêsu mở toang và trống rỗng! Từ đây, mọi thứ bắt đầu lại! Một con đường mới dẫn qua ngôi mộ trống đó: con đường mà không ai trong chúng ta, ngoại trừ Thiên Chúa, có thể mở ra: con đường sự sống giữa cái chết, con đường hòa bình giữa chiến tranh, con đường hòa giải giữa hận thù, con đường của tình huynh đệ giữa sự thù địch.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Kitô đã sống lại! Chỉ có Ngài mới có quyền năng để lăn đi những tảng đá chặn đường dẫn đến sự sống. Ngài, Đấng hằng sống, chính là con đường đó. Ngài là Con Đường: con đường dẫn đến sự sống, con đường hòa bình, hòa giải và tình huynh đệ. Ngài mở ra thông lộ đó, là điều mà con người không thể làm được, bởi vì chỉ có Ngài mới có thể xóa tội trần gian và tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Vì không có sự tha thứ của Thiên Chúa, hòn đá đó không thể được dời đi. Không có sự tha thứ tội lỗi thì không thể vượt qua được những rào cản thành kiến, những lời buộc tội lẫn nhau, vào não trạng cho rằng chúng ta luôn đúng và người khác sai. Chỉ có Chúa Kitô phục sinh, khi ban ơn tha tội cho chúng ta, mới mở đường cho một thế giới được đổi mới.

Chỉ có Chúa Giêsu mở ra trước mắt chúng ta những cánh cửa sự sống, những cánh cửa mà chúng ta liên tục đóng lại khi chiến tranh lan rộng khắp thế giới. Hôm nay, trước hết chúng ta muốn hướng mắt về Thành Thánh Giêrusalem, nơi chứng kiến mầu nhiệm Cuộc Khổ nạn, Cái chết và Phục sinh của Chúa Giêsu, cũng như tới tất cả các cộng đồng Kitô hữu ở Thánh địa.

Tôi đặc biệt nghĩ đến các nạn nhân của nhiều cuộc xung đột trên toàn thế giới, bắt đầu từ những cuộc xung đột ở Israel, Palestine và Ukraine. Xin Chúa Kitô phục sinh mở ra con đường hòa bình cho các dân tộc bị chiến tranh tàn phá ở những vùng đó. Khi kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôi bày tỏ hy vọng về một cuộc trao đổi chung tất cả các tù nhân giữa Nga và Ukraine: tất cả vì lợi ích của tất cả mọi người!

Tôi kêu gọi một lần nữa rằng việc tiếp cận viện trợ nhân đạo phải được bảo đảm cho Gaza và một lần nữa kêu gọi nhanh chóng thả các con tin bị bắt giữ vào ngày 7 tháng 10 vừa qua và ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza này.

Chúng ta đừng để những hành động thù địch hiện tại tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với dân thường, đến mức sức chịu đựng của họ đã đến giới hạn, và trên hết là đối với trẻ em. Chúng ta thấy bao nhiêu đau khổ trong đôi mắt của trẻ em: trẻ em ở những vùng đất đang có chiến tranh đã quên mất cách mỉm cười! Với đôi mắt đó, cáce m hỏi chúng ta: Tại sao? Tại sao tất cả cái chết này? Tại sao tất cả sự tàn phá này? Chiến tranh luôn là điều phi lý, chiến tranh luôn là sự thất bại! Chúng ta đừng để những làn gió chiến tranh đang mạnh lên thổi vào Âu Châu và Địa Trung Hải. Chúng ta đừng nhượng bộ luận lý của vũ khí và tái vũ trang. Hòa bình không bao giờ được thực hiện bằng vũ khí, mà bằng đôi bàn tay dang rộng và trái tim rộng mở.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên Syria, đất nước đã phải chịu hậu quả của một cuộc chiến tranh lâu dài và tàn khốc suốt 13 năm qua. Quá nhiều cái chết và mất tích, quá nhiều nghèo đói và tàn phá, đòi hỏi sự đáp ứng từ phía mọi người và cộng đồng quốc tế.

Hôm nay, suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng về Li Băng, nơi đã có lúc trải qua sự bế tắc về mặt thể chế và một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội ngày càng sâu sắc, giờ đây trở nên trầm trọng hơn bởi những hành động thù địch ở biên giới với Israel. Xin Chúa Phục sinh an ủi người dân Li Băng thân yêu và nâng đỡ toàn thể đất nước này trong ơn gọi trở thành một vùng đất gặp gỡ, chung sống và đa nguyên.

Tôi cũng đặc biệt nghĩ đến khu vực Tây Balkan, nơi đang thực hiện những bước quan trọng hướng tới việc hội nhập vào dự án Âu Châu. Ước gì những khác biệt về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo không phải là nguyên nhân gây chia rẽ, mà là nguồn phong phú cho toàn thể Âu Châu và cho toàn thế giới.

Tôi cũng khuyến khích các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan, để với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, họ có thể theo đuổi đối thoại, hỗ trợ những người phải di tản, tôn trọng những nơi thờ tự của các tôn giáo khác nhau và đạt được mục tiêu càng sớm càng tốt là một hiệp định hòa bình chung cuộc.

Xin Chúa Kitô phục sinh mở ra con đường hy vọng cho tất cả những người ở các nơi khác trên thế giới đang phải chịu đựng bạo lực, xung đột, mất an ninh lương thực và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xin Chúa ban niềm an ủi cho các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã thiệt mạng và cầu xin sự ăn năn và hoán cải của những thủ phạm gây ra những tội ác đó.

Xin Chúa phục sinh trợ giúp nhân dân Haiti, để sớm chấm dứt các hành vi bạo lực, tàn phá và đổ máu tại đất nước này, và để đất nước này có thể tiến lên trên con đường tiến tới dân chủ và tình huynh đệ.

Xin Chúa Kitô ban niềm an ủi và sức mạnh cho người Rohingya đang bị bao vây bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, và mở ra con đường hòa giải ở Miến Điện, nơi đã và được bị xâu xé trong nhiều năm qua bởi những xung đột nội bộ, để mọi luận lý bạo lực có thể được dứt khoát từ bỏ.

Xin Chúa mở ra những con đường hòa bình trên lục địa Phi Châu, đặc biệt cho các dân tộc đau khổ ở Sudan và toàn bộ vùng cận sa mạc Sahara, vùng Sừng Phi Châu, vùng Kivu ở Cộng hòa Dân chủ Congo và trong tỉnh này của Capo Delgado ở Mozambique, và chấm dứt tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến nhiều khu vực rộng lớn và gây ra nạn đói.

Xin Đấng Phục Sinh chiếu tỏa ánh sáng thiên nhan Người lên những người di cư và tất cả những người đang trải qua thời kỳ khó khăn về kinh tế, đồng thời ban cho họ niềm an ủi và niềm hy vọng trong lúc họ cần giúp đỡ. Xin Chúa Kitô hướng dẫn tất cả những người có thiện chí hiệp nhất trong tình liên đới, để cùng nhau giải quyết nhiều thách thức đang đè nặng lên những gia đình nghèo nhất trong việc tìm kiếm một cuộc sống và hạnh phúc tốt đẹp hơn.

Hôm nay, khi chúng ta cử hành sự sống được ban cho chúng ta qua sự phục sinh của Chúa Con, chúng ta hãy nhớ đến tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta: một tình yêu vượt qua mọi giới hạn và mọi nhược điểm. Thế nhưng ân sủng quý giá là cuộc sống lại bị khinh thường biết bao! Có bao nhiêu đứa trẻ thậm chí không thể được sinh ra? Có bao nhiêu người chết vì đói và không được chăm sóc thiết yếu hoặc là nạn nhân của lạm dụng và bạo lực? Có bao nhiêu sinh mạng bị biến thành đối tượng buôn bán cho hoạt động buôn bán ngày càng tăng của con người?

Anh chị em thân mến, vào ngày Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của cái chết, tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm chính trị hãy hết sức nỗ lực chống lại tai họa buôn người, bằng cách làm việc không mệt mỏi để phá bỏ các mạng lưới bóc lột và ngăn chặn nạn buôn người, mang lại tự do cho những người là nạn nhân của họ. Xin Chúa an ủi gia đình họ, nhất là những người đang nóng lòng chờ đợi tin tức về người thân của mình, và ban cho họ niềm an ủi và hy vọng.

Xin ánh sáng phục sinh soi sáng tâm trí chúng ta và hoán cải tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta nhận thức được giá trị của mỗi sự sống con người, giá trị này phải được đón nhận, bảo vệ và yêu thương.

Cầu tất cả mọi người một lễ Phục sinh hạnh phúc!

Bây giờ là nghi thức ban phép lành URBI ET ORBI cho Rôma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.

Xin quý vị và anh chị em cùng hiệp ý để đón nhận ơn toàn xá:

Mở đầu nghi thức, Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế, tuyên bố chủ ý của Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Ngài đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu.

Ngài đọc như sau:

Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngài đang giơ tay ban phép lành kèm ơn toàn xá.