1. Tin Vui: Sau cả ngày cầu nguyện nhiệt thành, cuối cùng Phép lạ Máu Thánh Gennaro đã xảy ra lúc 17:40
Trong bối cảnh chiến tranh dữ dội ở Ukraine, lạm phát lan tràn và những biến động chính trị tại Ý và rộng khắp Âu Châu, nhiều người đã dán mắt vào các phương tiện truyền thông để theo dõi buổi truyền hình trực tiếp các cử hành tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Napoli.
Theo truyền thông địa phương, Đức Ông Vincenzo de Gregorio, Giám Đốc Nhà nguyện Thánh Gennaro, đã mở một chiếc két sắt chứa thánh tích vào lúc 9 giờ sáng ngày 16 tháng 12, theo giờ địa phương, tức là 2 giờ chiều giờ Việt Nam cùng ngày.
Cuối thánh lễ được kênh truyền hình Canale 21 của Ý truyền hình trực tiếp, máu được kiểm tra lại nhưng vẫn đặc, không có bất kỳ dấu chỉ hóa lỏng nào, một giọt cũng không có. Vị chủ tế thúc giục cộng đoàn tăng cường cầu nguyện, nhưng đừng sợ hãi. Nhiều người tỏ ra mất bình tĩnh nhưng đa số đã tiếp tục cầu nguyện trong suốt cả ngày để phép lạ xảy ra.
Tờ Il Messaggero cho biết cuối cùng phép lạ đã diễn ra mang đến một niềm hân hoan cho người dân Ý. Trích thuật tuyên bố từ tổng giáo phận Napoli, tờ báo cho biết như sau:
“Sau cả ngày cầu nguyện và liên tục khẩn thiết ca hát những bài hát cổ, 'những người thân' của Thánh Gennaro, là những người từ sáng sớm đã cầu nguyện để làm tan cục máu đông, đã chứng kiến phép lạ của Thánh Gennaro diễn ra lúc 5:40 chiều hôm nay”.
Theo truyền thống, phép lạ Máu Thánh Gennaro hóa lỏng xảy ra ít nhất ba lần một năm: ngày 19 tháng 9, là ngày lễ của vị thánh; kế đó là ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5; và sau cùng ngày 16 tháng 12, kỷ niệm Napoli được cứu khỏi vụ phun trào năm 1631 của Núi Vesuvius gần đó.
Máu Thánh Gennaro, vị giám mục sống ở thế kỷ thứ ba, đựng trong một lọ kín hình tròn, hóa lỏng trong cả tháng 5 và tháng 9 năm nay, nhưng không thay đổi trạng thái vào tháng 12 năm 2020.
Khi phép lạ xảy ra, khối màu đỏ đã khô tích tụ ở một bên của lọ máu trở thành máu lỏng như bình thường, bao phủ toàn bộ tấm kính. Trong truyền thuyết địa phương, việc máu không hóa lỏng báo hiệu chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc các thảm họa khác.
Nhiều cư dân của Napoli tin rằng việc máu của Thánh Gennaro không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Napoli làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.
Vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.
Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennaro. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.
Ngài nói:
“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy Thánh Gennaro thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.
Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:
“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”
Source:Catholic News Agency
2. Đức Thượng phụ Pizzaballa: Tình trạng tệ hại nhất của Gaza đã qua
Theo Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công Giáo Latinh tại Giêrusalem, tình trạng tệ hại nhất trong chiến tranh tại miền Gaza đã qua rồi và Đức Hồng Y tuyên bố vẫn giữ hy vọng đối với tương lai của các tín hữu Kitô trong vùng, mặc dù không có giải pháp ngắn hạn nào dường như có thể được trù định tại Thánh địa.
Đức Thượng phụ Pizzaballa bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc viếng thăm trụ sở ở Đức của Tổ chức bác ái trợ giúp các Giáo hội đau khổ.
Theo Đức Hồng Y, sự chấm dứt đụng độ quân sự không phải là là chấm dứt chiến tranh. “Khi cuộc hành quân ở Gaza chấm dứt, cuộc sống tại Gaza sẽ như thế nào? Ai sẽ ở lại? Sẽ phải mất nhiều năm để tái thiết lãnh thổ này, khi ấy tương lai của dân chúng sẽ ra sao?
Trong cuộc trao đổi tại Đức, Đức Hồng Y Pizzaballa tỏ ra lo âu vì mức độ oán ghét và môi trường khinh rẻ. Ngài nói: “Chúng tôi đã chịu những cuộc chiến tranh khác, nhưng có một cuộc chiến trước và sau ngày 07 tháng Mười năm ngoái, vì loại bạo lực này đã xảy ra và ảnh hưởng xúc cảm của nó trên hai dân tộc rất lớn lao. Nếu các biến cố ấy giống như một Shoa, một cuộc diệt chủng đối với người Israel, thì đối với người Palestine, những gì xảy ra từ ngày đó là một “nakba” mới, một toán tính mới nhắm trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ của họ”. Làm thế nào tái thiết trong những hoàn cảnh ấy các tương quan giữa người Israel và Palestine?
Đối với Đức Hồng Y Pizzaballa, các tín hữu Kitô chỉ chiếm 1,5% dân số tại Thánh địa. Họ có thể góp phần một cách đặc biệt vào việc tái thiết. Ngài nói: “Chúng tôi rất bé nhỏ và không có tầm quan trọng nào về chính trị, chúng tôi được tự do tiếp xúc với mọi người, để liên kết họ với nhau.
Tương quan giữa các cộng đoàn Kitô
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo do Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tổ chức, Đức Hồng Y Pizzaballa nhìn nhận các cộng đồng Kitô khác nhau ở Thánh địa cũng phải chịu những căng thẳng. Các tín hữu Kitô nói tiếng Arập chiếm đa số, bên cạnh một cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ nói tiếng Do thái, và những người tị nạn và xin tị nạn. Đức Hồng Y nói:
“Trong cuộc chiến tranh này, trong khi nhiều người cố gắng để tạo phân rẽ, thì chúng tôi cố gắng để tiếp tục hiệp nhất. Đó không phải là điều dễ dàng Sau chiến tranh, chúng tôi phải nói về những khác biệt và sự hiệp nhất của chúng tôi. Chúng tôi phải lớn lên trong những tương quan với nhau và duy trì một mối quan hệ sâu xa và nghiêm chỉnh với nhau”.
Đối với Đức Hồng Y Thượng phụ, điều thiết yếu là các tín hữu Kitô tại Thánh địa, mặc dù tình trạng trầm trọng về chính trị và kinh tế, phải đoàn kết với nhau, để giữ cho ký ức về Chúa Giêsu trên quê hương của Chúa được sinh động. Hy vọng hệ tại điều đó chứ không phải trong một giả thuyết một giải pháp chính trị. “Hy vọng là một thái độ đối với cuộc sống Khi ta sống trong đức tin, thì ta có khả năng nhìn sự việc một cách siêu việt, đi xa hơn thực tại đen tối”.
Sau cùng, Đức Hồng Y nói: “Khắp nơi, ở Gaza, Cisjordani, Giêrusalem hoặc Israel, tôi thấy có những người tuyệt vời sẵn sàng làm cái gì đó cho tha nhân. Tại những nơi nào có những hành vi yêu thương vô vị lợi, thì có hy vọng, vì điều này có nghĩa là cái gì đó có thể thay đổi tại nơi chúng ta đang sống, và điều này an ủi khích lệ tôi”.
3. Khi ngài bước sang tuổi 88, 8 + 8 = 16 điều đáng lưu ý về Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Almudena Martínez-Bordiú của hãng tin ACI Prensa, đối tác Tây Ban Nha của hãng tin CNA, ngày 17 tháng 12 năm 2024, đặt câu hỏi: Bạn có biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng là một nhân viên bảo vệ hộp đêm, bộ phim yêu thích của ngài là “La Strada” của Federico Fellini và ngài không xem tivi không? Nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của ngài, những sự thật đáng lưu ý này và những sự thật đáng lưu ý khác về Đức Giáo Hoàng Phanxicô được nêu bật dưới đây.
1. Ngài đã khám phá ra ơn gọi của mình như thế nào?
Vào ngày lễ Thánh Mát-thêu Tông đồ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khám phá ra ơn gọi làm linh mục của mình sau khi đi xưng tội lúc ngài mới 16 tuổi. Sự việc xảy ra vào ngày 21 tháng 9 năm 1953. Đó là Ngày sinh viên ở Á Căn Đình, trùng với ngày mùa xuân bắt đầu ở Nam bán cầu và được tổ chức bằng một bữa tiệc lớn.
“Trước khi đến dự tiệc, tôi đi ngang qua giáo xứ mà tôi vẫn tham dự và tôi thấy một linh mục mà tôi không quen và tôi cảm thấy cần phải đi xưng tội. Đối với tôi, đây là một trải nghiệm gặp gỡ: Tôi thấy Một Người đang đợi tôi.”
“Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, tôi không nhớ, tôi không biết tại sao vị linh mục đó lại ở đó, người mà tôi không quen, tại sao tôi lại cảm thấy muốn đi xưng tội, nhưng sự thật là Có Người đang đợi tôi. Người đã đợi tôi rất lâu. Sau khi xưng tội, tôi cảm thấy có điều gì đó đã thay đổi,” Đức Thánh Cha chia sẻ.
Ngài nói rằng sau lần xưng tội đó, ngài không còn là chính mình nữa: “Tôi đã nghe thấy một điều gì đó giống như một giọng nói, một tiếng gọi: Tôi tin rằng mình phải trở thành một linh mục.”
2. Món ăn yêu thích của ngài là gì?
Ngày 19 tháng 11 năm 2022 là một trong những dịp hiếm hoi mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô rời Vatican mà không có chương trình chính thức. Lý do là gì? Một cuộc đoàn tụ gia đình ở Asti, thành phố của Ý nơi người em họ Daniela di Tiglione của ngài đang sống, người đang kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của mình.
Vào dịp đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có thể thưởng thức món ăn yêu thích của mình: Bagna Cauda, một món ăn đặc trưng của vùng Piedmont được chế biến từ cá cơm, dầu và tỏi và được dùng làm nước sốt cho rau.
3. Niềm đam mê điệu tango
Trước khi được thụ phong linh mục, đặc biệt là khi còn trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất thích điệu tango, một trong những điệu nhảy mang tính biểu tượng nhất của Á Căn Đình. Ngài cũng thích diệu milonga, một điệu nhảy đặc trưng khác của quê hương ngài.
4. Ngài từng là vệ sĩ trong hộp đêm.
Giống như bất cứ thanh niên nào, Jorge Bergoglio đã làm nhiều công việc khác nhau để kiếm được đồng lương đầu tiên. Mặc dù công việc đầu tiên của ngài là lau sàn nhà của công ty sản xuất tất [vớ] nơi cha ngài làm việc, nhưng vào năm 2013, ngài đã thú nhận với một nhóm thanh niên rằng ngài cũng từng là vệ sĩ tại một hộp đêm. Nhờ kinh nghiệm đó, ngài bắt đầu “hướng dẫn những người vỡ mộng đến với Giáo hội”.
5. Ngài bị mất một lá phổi.
Khi 21 tuổi, ngài đã phải cắt bỏ một lá phổi do nhiễm trùng, khiến ngài gặp một số khó khăn về hô hấp trong những năm gần đây.
6. Ngài chỉ từ chối tha thứ một lần.
Trong hơn một lần, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích các linh mục tha thứ “mọi thứ” trong tòa giải tội và “không tra tấn” các tín hữu trong tòa giải tội.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý vào tháng Giêng, ngài tuyên bố rằng trong hơn 50 năm làm linh mục, ngài chỉ từ chối tha thứ một lần, “vì sự giả tạo của con người”.
7. Lời cầu nguyện ngài đọc mỗi ngày để giữ được sự hài hước của mình
Trong nhiều dịp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi khiếu hài hước và nhấn mạnh rằng nỗi buồn không phải là thiên hướng của Kitô hữu. Ngài thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng “dấu hiệu của một Kitô hữu” là niềm vui chứ không phải là người khó tính.
Để có được sự hài hước, ngài đọc một lời cầu nguyện của Thánh Thomas More mỗi ngày, một lời cầu nguyện mà ngài đã nhắc đến trong nhiều lần xuất hiện trước công chúng, gần đây nhất là với tổng thống Pháp, Emmanuel Macron.
“Lạy Chúa, xin ban cho con khiếu hài hước. Xin ban cho con ân sủng để hiểu được một câu chuyện cười, để khám phá ra một chút niềm vui trong cuộc sống và có thể chia sẻ nó với những người khác”, Đức Thánh Cha cầu nguyện mỗi ngày.
8. Thánh Giuse, sự giúp đỡ của ngài trong những khó khăn
Có một hình ảnh của Thánh Giuse mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất thích, cho thấy vị thánh “im lặng” đang nằm ngủ.
Trong chuyến tông du Philippines, Đức Giáo Hoàng đã gọi Thánh Giuse là “một người đàn ông mạnh mẽ của sự im lặng” và nói rằng ngài giữ bức tượng nhỏ này trên bàn làm việc của mình. “Ngay cả khi ngài ngủ, ngài vẫn chăm sóc Giáo hội”, ngài nói.
“Khi tôi gặp vấn đề, khó khăn, tôi viết một tờ giấy nhỏ và đặt dưới chân Thánh Giuse để ngài có thể mơ về nó. Nói cách khác, tôi nói với ngài: Hãy cầu nguyện cho vấn đề này!” Đức Thánh Cha thú nhận.
9. Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngủ trưa.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường đi ngủ lúc 9 giờ tối và thức dậy vào khoảng 4 giờ sáng. Ngài ngủ khoảng sáu giờ một ngày, vì ngài thường đọc sách trong một giờ sau khi vào giường, cho đến 10 giờ tối.
“Sau đó tôi cần ngủ trưa. Tôi phải ngủ từ 40 phút đến một giờ. Tôi cởi giày và nằm xuống giường. Và tôi cũng ngủ rất sâu và thức dậy một mình. Vào những ngày tôi không ngủ trưa, tôi nhận ra điều đó,” ngài nói.
10. Đội bóng đá yêu thích của ngài là đội nào?
Mặc dù không còn sống ở Á Căn Đình, Đức Giáo Hoàng Phnaxicô vẫn tiếp tục ủng hộ đội San Lorenzo de Almagro của Buenos Aires. Ngài luôn cập nhật thông tin nhờ một Đội cận vệ Thụy Sĩ thông báo cho ngài về tin tức của đội mỗi tuần, vì Đức Giáo Hoàng không xem các trận đấu.
Trên thực tế, trong một buổi tiếp kiến tại Vatican vào tháng 9, một phái đoàn từ câu lạc bộ San Lorenzo đã xin Đức Thánh Cha ban phước để đặt tên sân vận động tiếp theo của câu lạc bộ theo tên ngài.
11. Ngày ngài được cứu sống
Ở tuổi 44, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bị hoại tử túi mật, một biến chứng nghiêm trọng xảy ra khi mô của cơ quan tiêu hóa này bị hoại tử do lưu lượng máu bị gián đoạn.
“Tôi cảm thấy như mình sắp chết”, Đức Thánh Cha nói, ám chỉ đến đêm năm 1980 khi ngài được phẫu thuật bởi Tiến sĩ Juan Carlos Parodi, một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng người Á Căn Đình đã cứu mạng cha Jorge Mario Bergoglio khi đó. Năm 2014, 34 năm sau, hai người đã có một cuộc gặp riêng tại Vatican.
12. Ngài muốn được chôn cất ở đâu?
Không giống như nhiều giáo hoàng khác trong suốt lịch sử của Giáo hội, những người có quan tài nằm trong các hầm mộ của Vatican trong các hang động dưới Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha tiết lộ rằng ngài đã chuẩn bị lăng mộ của mình tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rôma do lòng sùng kính lớn lao mà ngài dành cho Đức Trinh Nữ Salus Populi Romani (đấng phù hộ người dân Rôma), người mà ngài đã làm một lời hứa.
Ngoài ra, vào tháng 12 năm 2022, Đức Giáo Hoàng đã trả lời phỏng vấn trong đó ngài tuyên bố rằng ngài đã ký đơn từ chức trong trường hợp sức khỏe không cho phép ngài tiếp tục thực hiện sứ vụ của mình.
13. Bộ phim yêu thích của ngài là bộ phim gì?
“La Strada” của Federico Fellini, người chiếm giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1957.
14. Ngài không xem tivi vì đã hứa với Đức Mẹ Núi Carmel.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài đã không xem tivi kể từ ngày 15 tháng 7 năm 1990, khi ngài hứa với Đức Mẹ Núi Carmel rằng ngài sẽ không xem tivi nữa. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời hứa này vì ngài “cảm thấy rằng Chúa đang yêu cầu tôi làm điều đó”.
15. Ngài đã đi trị liệu ở tuổi 42.
Trong cuộc phỏng vấn về cuốn sách “Chính trị và Xã hội” của người Pháp Dominique Wolton, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kể lại rằng, khi ngài còn là giám tỉnh của Dòng Tên ở Á Căn Đình, ngài đã đi trị liệu trong sáu tháng với một nhà tâm lý học người Do Thái. “Bà ấy rất tốt, rất chuyên nghiệp”, Đức Thánh Cha nói.
16. Một vị giáo hoàng ‘ẩn danh’ trên đường phố Rôma
Vào năm 2013, năm ngài được bầu làm giám mục Rôma, một nguồn tin từ Vatican đã thông báo với tờ Huffington Post rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra ngoài vào ban đêm trong trang phục của một linh mục để bố thí và giúp đỡ người nghèo trên đường phố Rôma.