1. Không theo bản văn soạn sẵn và không theo chương trình: Một điểm dừng chân bất ngờ khác tại Bỉ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đức Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn nổi tiếng vì đã bỏ qua các bản văn đã soạn sẵn khi phát biểu. Trong chuyến đi đến Bỉ này, ngài cũng nổi tiếng vì đã thêm những điều bất ngờ vào lịch trình đã chuẩn bị.
Vào ngày 27 tháng 9, ngài đã có một cuộc gặp gỡ dài với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, không nằm trong lịch trình chính thức của Vatican. Tuy nhiên, tuy thực ra, những cuộc họp này, thường diễn ra trong các chuyến công du của Đức Giáo Hoàng kể từ thời Đức Bênêđíctô XVI, nhưng không bao giờ nằm trong lịch trình chính thức, vì tôn trọng các nạn nhân. Cuộc gặp gỡ của ngài, mặc dù đã được mong đợi, nhưng đã kéo dài hơn dự kiến, vì Đức Thánh Cha đã dành khoảng hai giờ với khoảng hai chục nạn nhân. Aleteia sẽ có một báo cáo về sự kiện đó trong bản tin Chúa Nhật.
Một tiền “tip” hậu hĩnh cho nhân viên pha chế cà-phê
Như chúng tôi đã lưu ý trước đó, tại Luxembourg, Đức Giáo Hoàng đã mang đến nụ cười với bất ngờ đầu tiên của ngài cho chương trình, khi dừng chân uống cà phê espresso sau bữa trưa tại một quán cà phê gần dinh thự của tổng giám mục.
Theo báo cáo của COPE, Đức Giáo Hoàng không những mang đến bất ngờ lớn nhất trong đời cho nhân viên pha chế tại cửa hàng có tên Gruppetto mà còn để lại cho anh ta một khoản tiền “típ” hậu hĩnh.
Jassin, nhân viên pha chế, đã kể với tờ Le Quotidien của Luxembourg về việc một nhân viên bảo vệ đeo tai nghe đã vào cửa hàng. “Anh ta đến gần tôi và nói với tôi rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến bất cứ lúc nào và rằng ngài sẽ uống cà phê. Tôi nghĩ đó là một trò đùa, nhưng không! Ông ấy nghiêm chỉnh!”
Sau khi Đức Thánh Cha thưởng thức xong tách espresso, ngài đã để lại cho Jassin 100 euro, chúc mừng anh vì công việc của anh.
“Chúng tôi không có Giáo hoàng đến thăm cửa hàng của chúng tôi mỗi ngày”, Jassin cười. “Thật không thể tin được. Chà. Rõ ràng là tôi không ngờ điều này khi thức dậy sáng nay!”
“Khi nhìn thấy ngài, tôi phải hít một hơi thật sâu”, người pha chế cho biết, người phải đối mặt với nhiệm vụ lớn là pha chế cà phê cho Đức Giáo Hoàng. Nhưng ah cho hay Đức Giáo Hoàng “dễ gần gũi và thân thiện” và ngài đã chụp ảnh với những khách hàng khác trong cửa hàng.
Điểm dừng chân tiếp theo ngoài chương trình trong chuyến đi của Đức Giáo Hoàng là ngày 27 tháng 9, trong ngày đầu tiên trọn vẹn của ngài ở Bỉ.
Sau cuộc gặp với chính quyền dân sự, ngài đã có chuyến thăm bất ngờ đến Nhà Saint-Joseph, nơi chăm sóc những người cao tuổi gặp khó khăn về kinh tế.
Theo Vatican News, ngôi nhà này do các Nữ tu Dòng Tiểu muội Người nghèo điều hành. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành thời gian chào đón những người cao tuổi, các y tá làm việc tại đó và các nữ tu.
Vào ngày 28 tháng 9 này, Đức Giáo Hoàng đã thêm một sự kiện nữa vào chương trình: ăn sáng với người tị nạn và người nghèo.
Bữa ăn khá ấm cúng của ngài diễn ra tại Giáo xứ St. Giles. Giáo xứ này có một mục vụ mạnh mẽ dành cho người vô gia cư, bao gồm cả việc bán bia của riêng họ để gây quỹ cho các hoạt động.
Tất nhiên, họ đã tặng Đức Giáo Hoàng một ít.
Vatican News lưu ý rằng sau một bài phát biểu ngắn, Đức Giáo Hoàng đã tặng họ một bức tượng Thánh Lawrence Tử đạo với dòng chữ này: “Tôi rất vui khi thấy tình yêu thúc đẩy sự hiệp thông và sáng tạo ở đây. Các bạn thậm chí còn sản xuất bia! Tôi nghĩ rằng nó rất ngon. Tôi sẽ nói với các bạn vào chiều nay.”
Một khoảnh khắc để lên tiếng phản đối phá thai
Cuối cùng, sau cuộc gặp với các giám mục địa phương và cộng đồng Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dừng chân tại hầm mộ bên dưới Vương cung thánh đường Đức Mẹ Laeken, nơi có hài cốt của Vua và Hoàng hậu Bỉ. Ngài dừng lại để cầu nguyện trước lăng mộ của Vua Baudouin, hay 1951-1993.
Phát biểu với Vua Philippe và những người có mặt, Đức Giáo Hoàng ca ngợi lòng dũng cảm của cố quốc vương khi chọn tạm thời “từ bỏ ngôi vua để tránh ký một đạo luật giết người”, hợp pháp hóa phá thai vào năm 1990.
Ngài kêu gọi người Bỉ hướng đến ngài vào thời điểm luật hình sự đang được ban hành và bày tỏ hy vọng rằng quá trình phong chân phước cho Vua Baudouin sẽ được tiến triển, theo văn phòng báo chí Vatican.
2. Trong cuộc họp báo trên máy bay Đức Giáo Hoàng đề cập đến phụ nữ, chiến tranh Do Thái, Hamas, Hezbolla, vua Baudouin, phá thai
Elise Ann Allen của CruxNow, ngày 29 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng trên máy bay trở về Vatican từ Brussels, Bỉ, hôm Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gạt bỏ những lời chỉ trích về bài phát biểu của ngài về phụ nữ trong chuyến đi cuối tuần đến Bỉ, nhấn mạnh rằng việc nam tính hóa phụ nữ là “không phải của Kitô giáo” và là sản phẩm của “chủ nghĩa nữ quyền cường điệu”.
Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viện dẫn một ẩn dụ kinh điển của Á Căn Đình, ám chỉ đến điệu Tango, để ngụ ý rằng những gợi ý cho rằng ngài có quan điểm bảo thủ đối với phụ nữ hoặc vai trò của họ trong Giáo Hội Công Giáo là vô lý.
Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự có thể đã đổ thêm dầu vào lửa ở một thời điểm khác, khi nhắc đến cựu Quốc vương Baudouin của Bỉ, người đã từ chức trong một ngày vào năm 1990 thay vì ký luật hợp pháp hóa phá thai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi lòng dũng cảm của ông bằng cách nói rằng những gì ông đã làm đòi hỏi “một chính trị gia mặc quần”.
Trong các bình luận với các phóng viên trên máy bay của Đức Giáo Hoàng trở về từ Bỉ, Đức Phanxicô đã phản ứng lại sự chỉ trích về ngôn từ của ngài về phụ nữ trong phiên họp vào thứ Sáu tại Đại học Công Giáo Leuven, khi ngài nói rằng, “Những gì đặc trưng cho phụ nữ, những gì thực sự nữ tính, không được quy định bởi sự đồng thuận hay ý thức hệ, cũng giống như bản thân phẩm giá được bảo đảm không phải bởi luật lệ được viết trên giấy, mà bởi một luật lệ nguyên bản được viết trong trái tim chúng ta”.
Trường đại học đã công bố một bản tuyên bố ngay lập tức bày tỏ “sự không hiểu và không tán thành”, gọi lập trường của Đức Giáo Hoàng là “tất định và giản lược” và thúc giục nhà thờ thúc đẩy sự hòa nhập lớn hơn “mà không có bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào”.
Đáp lại vào hôm Chúa Nhật, Đức Phanxicô cho biết ngài thường lên tiếng về phẩm giá của phụ nữ và rằng “nam tính hóa Giáo hội, nam tính hóa phụ nữ là không phải nhân bản, không phải Kitô giáo”.
“Nữ tính có sức mạnh riêng của nó”, ngài nói rằng phụ nữ “quan trọng hơn nam giới vì Giáo hội là phụ nữ, là cô dâu của Chúa Kitô”.
“Nếu điều này, đối với những người phụ nữ đó, có vẻ bảo thủ, thì tôi là Carlo Gardel,” ngài nói, ám chỉ đến một nhạc sĩ Tango nổi tiếng người Á Căn Đình gốc Pháp, ám chỉ rằng ng thấy ý tưởng này vô lý.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài thấy trong những phản ứng tiêu cực “có một não trạng trì trệ không muốn nghe điều này được nói đến. Phụ nữ bình đẳng với đàn ông, họ bình đẳng.”
“Một chủ nghĩa nữ quyền cường điệu muốn thấy phụ nữ nam tính hóa, điều đó không hữu hiệu. Một điều là chủ nghĩa nam tính, điều đó không hiệu quả, điều kia là chủ nghĩa nữ quyền không hiệu quả. Điều hiệu quả là Giáo hội phụ nữ vốn vĩ đại hơn thừa tác vụ nam giới,” ngài nói.
Ở một lúc khác, ngài được hỏi về quyết định thúc đẩy quá trình phong chân phước cho Vua Baudouin.
“Nhà vua rất dũng cảm, vì khi đối đầu với luật giết hại, ông đã không ký và từ chức. Điều đó đòi hỏi lòng dũng cảm, bạn cần một chính trị gia mặc quần để làm điều này, bạn cần lòng dũng cảm”, ngài nói, trong một nhận xét có thể sẽ bị chỉ trích từ một số phía.
Ở một mặt trận khác, Đức Phanxicô cũng đề cập đến cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, với các phóng viên hỏi liệu ngài có cảm thấy Israel đã “đi quá xa” trong các cuộc tấn công mới nhất vào Hezbollah hay không.
Giơ tay lên mặt trong một cử chỉ rõ ràng cho thấy ngài đau lòng trước tình hình này, Đức Phanxicô cho biết ngài gọi điện đến giáo xứ Công Giáo ở Gaza hàng ngày, nơi có khoảng 600 người đang trú ẩn, và họ kể cho ngài nghe về “sự tàn ác xảy ra ở đó”.
“Phòng thủ”, ngài nói, “luôn phải tương xứng với cuộc tấn công. Khi có điều gì đó không tương xứng, điều đó khiến bạn thấy một xu hướng thống trị vượt ra ngoài đạo đức”.
“Một quốc gia mà với lực lượng của mình, tôi đang nói về bất cứ quốc gia nào, thực hiện những điều này theo cách cực kỳ như vậy, thì đây là những hành động vô đạo đức”, ngài nói, đồng thời nói rằng trong khi bản thân chiến tranh là vô đạo đức, thì các quy tắc của chiến tranh chỉ ra một đạo đức phải được “bảo vệ”.
Khi điều này không được thực hiện, ngài nói, thì rõ ràng là có “máu xấu trong những điều này”.
Những phát biểu của ngài được đưa ra sau khi quân đội Israel thực hiện hàng chục cuộc không kích trên khắp Li Băng vào cuối tuần nhằm vào Hezbollah, khiến 11 người thiệt mạng.
Israel đã ám sát thủ lĩnh của nhóm này là Hassan Nasrallah vào thứ Bảy và vào Chúa Nhật đã giết chết Nabil Kaouk, một quan chức cao cấp khác của Hezbollah, giáng một đòn mạnh vào nhóm này trong bối cảnh xung đột xuyên biên giới đang diễn ra dữ dội kể từ tháng 10 năm ngoái.
Hezbollah bắt đầu bắn hỏa tiễn vào Israel để liên đới với người dân Gaza, với số người chết trong cuộc trả đũa của Israel đối với cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 đã lên tới khoảng 41,000 người. Hezbollah đã đặt lệnh ngừng bắn ở Gaza như một điều kiện để chấm dứt các cuộc tấn công xuyên biên giới của mình.
Đức Phanxicô cũng đã đề cập đến vấn đề này trong bài phát biểu khi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật, nói rằng Li Băng, nơi mà ngài luôn ca ngợi như thông điệp khu vực về lòng khoan dung và chung sống hòa bình, giờ đây là “một thông điệp đau khổ”.
“Cuộc chiến này gây ra những tác động tàn khốc đối với người dân. Rất nhiều, quá nhiều người tiếp tục chết ngày này qua ngày khác ở Trung Đông”, ngài nói và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Khi được hỏi về vụ tai tiếng giáo sĩ lạm dụng và cuộc gặp gỡ của ngai với những người sống sót ở Bỉ, trong đó họ trình bày cho ngài một danh sách các yêu cầu, Đức Phanxicô cho biết việc lắng nghe nạn nhân bị lạm dụng là “một nghĩa vụ”.
Bất kể tỷ lệ phần trăm về lạm dụng trong gia đình hoặc các định chế giáo dục so với Giáo hội là bao nhiêu, “Điều đó không quan trọng với tôi. Tôi chỉ đề cập tới những gì trong Giáo hội”, ngài nói.
“Chúng ta có trách nhiệm lắng nghe những người bị lạm dụng và chăm sóc họ. Một số người cần được điều trị tâm lý để giúp giải quyết vấn đề này”, ngài nói, đồng thời nói rằng không chỉ nạn nhân phải được chăm sóc mà thủ phạm cũng phải bị trừng phạt.
“Lạm dụng không phải là tội lỗi có ngày hôm nay và có thể ngày mai không, đó là một khuynh hướng, đó là một căn bệnh tâm lý và vì lý do này, chúng ta phải đưa họ đi điều trị”, ngài nói. “Bạn không thể để một kẻ lạm dụng tự do trong cuộc sống bình thường với trách nhiệm trong các giáo xứ và trường học”.
Ngài lưu ý rằng một số giám mục, sau khi một linh mục bị buộc tội và kết án, giao cho họ một nhiệm vụ làm việc trong thư viện, xa giáo xứ và xa trẻ em.
“Chúng ta phải tiến hành việc này”, ngài nói, thêm rằng sự xấu hổ của Giáo hội “là che đậy. Chúng ta không được che đậy”.
Ngài cũng đề cập đến vấn đề phá thai, nói rằng phụ nữ “có quyền được sống, sống đời họ và quyền được sống của con cái họ”.
Như đã từng làm trong quá khứ, ngài gọi phá thai là “giết người”, nói rằng “bạn đang giết một con người” và gọi những bác sĩ thực hiện phá thai là “sát thủ”.
“Phụ nữ có quyền bảo vệ sự sống. Một điều nữa là các phương pháp chống thụ thai, đây là vấn đề khác, đừng nhầm lẫn chúng. Hiện tại, tôi chỉ nói về phá thai. Bạn không thể tranh luận về điều này. Tôi xin lỗi, nhưng đó là sự thật”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm Luxembourg và Bỉ từ ngày 26 đến 29 tháng 9, chủ yếu là để kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Leuven và Louvain, có từ năm 1425, khi một trường đại học duy nhất ở nơi ngày nay là Bỉ được Đức Giáo Hoàng Martin V thành lập.
Tuy nhiên, họ đã tách ra vào những năm 1960, dẫn đến việc thành lập hai trường đại học riêng biệt: KU Leuven nói tiếng Hòa Lan và Université Catholique de Louvain, gọi tắt là UCL nói tiếng Pháp.
3. Các giám mục Đức không đồng thuận về việc truyền chức cho phụ nữ
Các giám mục Đức tham dự Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới tại Roma, không có lập trường đồng thuận về vấn đề có nên truyền chức phó tế và linh mục cho phụ nữ hay không. Có những vị đặt hy vọng nơi Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng Mười tới đây tại Rôma, nơi bàn thảo về những vấn đề quan trọng cho tương lai của Giáo hội.
Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, hôm 24 tháng Chín vừa qua, bên lề khóa họp mùa thu của Hội đồng Giám mục Đức, tiến hành ở thành phố Fulda, từ 23 đến ngày 26 tháng Chín này, 5 giám mục đại biểu của Hội đồng Giám mục Đức cho biết, trong Đại hội của các giám mục Đức tại thành phố này, cũng nói về vấn đề trong tương lai các Hội đồng Giám mục có thể có tự do quyết định về vấn đề truyền chức thánh cho phụ nữ hay không.
Đức Cha Franz-Josef Overbeck, khét tiếng là cấp tiến, cho biết đứng trước những khác biệt về văn hóa và xã hội trong các Giáo hội địa phương, có thể có những qui luật khác biệt về sự bình đẳng hóa phụ nữ. Vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới có thể cho các Hội đồng Giám mục quốc gia quyền tự do quyết định về vấn đề truyền chức cho phụ nữ. Tuy nhiên, Đức Cha nói thêm ngay rằng: “đề nghị này có thể là quá sớm hiện nay. Nó chỉ có thể khi người ta thấy rõ đây sẽ không phải là một sự mâu thuẫn phá vỡ tình hiệp nhất của Giáo hội”.
Nhiều người đánh giá lập luận của Đức Cha Franz-Josef Overbeck là xu hướng tùng phục tinh thần thời đại dưới chiêu bài văn hóa. Thử hỏi, trong thế giới ngày nay vẫn không thiếu các xã hội chấp nhận đa phu đa thê, phải chăng Giáo Hội tại các nước như thế cũng được phép tách biệt với Giáo Hội hoàn vũ khi cúi đầu uốn nắn giáo lý cho đồng điệu với các xã hội như vậy sao.
Một đại biểu khác là Đức Cha Georg Baetzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, cũng thuộc khuynh hướng cấp tiến một cách cực đoan, nhận định rằng sự tham gia của phụ nữ vào mọi lãnh vực và cấp độ của đời sống Giáo hội, là vấn đề quan trọng quyết định đối với tương lai của Giáo Hội Công Giáo. Ngài nói: “Tôi rất mong muốn các phụ nữ có thể được chịu chức phó tế”. Vấn đề này trong tương lai phải được địa phương quyết định, trong tinh thần tản quyền về địa phương.
Đức Cha Bertram Meier, Giám mục Giáo phận Augsburg, cũng là đại biểu, có một lập trường khác. Theo Đức Cha, vấn đề cho phụ nữ chịu chức phó tế hoặc linh mục, hiện nay là điều không có thể, vì Tông thư “Ordinatio Sacerdotalis”, Truyền chức linh mục, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có tính chất bó buộc, vẫn còn hiệu lực. Trong văn kiện đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo hội không có năng quyền truyền chức cho phụ nữ.
Về Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Cha Meier nhận định rằng xác tín nòng cốt của Tiến trình Công nghị thế giới là Giáo hội không được điều khiển bằng những quyết định đơn độc, do những người được quyền từ trên xuống dưới. Đúng hơn là sự tham gia, minh bạch và cởi mở, trách nhiệm trong các quyết định.
Đại biểu thứ tư của các giám mục Đức, là Đức Cha Felix Genn, Giám mục Giáo phận Muenster, cho giới báo chí biết rằng ngài muốn làm sao để Thượng Hội đồng Giám mục có một hướng đi rõ ràng. “Các vấn đề nêu lên cần có những câu trả lời. Một cuộc thảo luận minh bạch là điều quan trọng, kể cả những vấn đề được chuyển cho các nhóm nghiên cứu, như vấn đề bình quyền của phụ nữ. Đức Cha Genn là điều hợp viên của một trong mười nhóm được ủy thác nghiên cứu về những vấn đề các quyền và việc bầu các giám mục.
Sau cùng, Đức Cha Stefan Oster, Dòng Don Bosco, Giám mục Giáo phận Passau, vốn bênh vực đạo lý và kỷ luật truyền thống của Giáo hội, thì nhắc lại cơ cấu phẩm trật căn bản của Giáo hội, dành quyền quyết định nòng cốt cho Đức Giáo Hoàng và các giám mục. Vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sẽ thảo luận về “sự hội nhập của Giáo hội hiệp hành và đồng thời là Giáo hội phẩm trật”. Điều chủ yếu là một cuộc khởi hành mới và một đường lối mới “cùng với nhau là Giáo hội”.
4. Đức Thánh Cha kêu gọi các tôn giáo tích cực xây dựng hòa bình
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tôn giáo và những người thiện chí, góp phần xây dựng hòa bình, giữa lúc chiến tranh và xung đột đang lan tràn tại nhiều nơi trên thế giới. Ngài cũng mời gọi các vị trách nhiệm chính trị hãy làm cho khí giới im tiếng, và các tín hữu hãy làm gia tăng tình huynh đệ trên thế giới.
Lời kêu gọi trên đây của Đức Thánh Cha được công bố, trong buổi kết thúc Cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ 38, về hòa bình, do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại Paris, thủ đô Pháp, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng Chín vừa qua, với chủ đề: “Tưởng tượng hòa bình”.
Cộng đồng thánh Egidio ở Roma vẫn tổ chức hằng năm các cuộc gặp gỡ như vậy, nối tiếp tinh thần cuộc gặp gỡ đầu tiên do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II triệu tập, ngày 27 tháng Mười năm 1986, ở Assisi. Năm ngoái, hay 2023, cuộc gặp gỡ đã tiến hành ở Berlin, bên Đức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Chín, với chủ đề “Táo bạo xây dựng hòa bình”.
Đề tài cuộc gặp gỡ năm nay phản ánh ý tưởng cơ bản, đó là không cam chịu đối với chiến tranh. Tham dự có 150 vị lãnh đạo các tôn giáo, chính trị, văn hóa, xã hội cùng với 4.000 người khác, trong 20 diễn đàn về các đề tài khác nhau, tại Trung tâm Hội nghị (Palais des Congrès), ở Paris.
Ban chiều ngày 24 tháng Chín, các tham dự viên đã cử hành các buổi cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo của mình, tại các nhà thờ và địa điểm khác nhau, trước khi tựu về Quảng trường nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris để dự nghi thức kết thúc.
Trong dịp này, Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được công bố, qua đó sau khi ca ngợi sáng kiến, sự kiên trì và những cố gắng của Cộng đồng thánh Egidio trong việc tổ chức hàng năm các cuộc gặp gỡ hòa bình này, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Cuộc gặp gỡ này thúc đẩy tất cả các tín hữu tái khám ơn gọi để làm tăng trưởng ngày nay tình huynh đệ giữa các dân tộc. Quá nhiều khi trong quá khứ, các tôn giáo đã bị lạm dụng để nuôi dưỡng các xung đột và chiến tranh. Một nguy hiểm ngày nay vẫn đang trình rập”.
“Tôi tái đề nghị với tất cả mọi người xác tín đã liên kết tôi với Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb, đó là: “Các tôn giáo không bao giờ thúc đẩy chiến tranh và không xúi giục những tâm tình oán ghét, đố kỵ, cực đoan, và cũng chẳng mời gọi bạo lực hoặc đổ máu. Những tai ương này là kết quả của sự sai trệch khỏi giáo huấn của các tôn giáo, lạm dụng các tôn giáo vào lãnh vực chính trị và những giải thích sai lầm của những nhóm người có tôn giáo, trong một số giai đoạn lịch sử, đã lạm dụng ảnh hưởng tâm tình tôn giáo trong tâm hồn con người”. Chúng ta phải đẩy xa khỏi tôn giáo cám dỗ trở thành một dụng cụ nuôi dưỡng quốc gia chủ nghĩa, óc duy bộ tộc, dân túy. Các cuộc chiến tranh trở nên khốc liệt hơn. Khốn cho kẻ tìm cách lôi kéo Thiên Chúa tham phần vào các cuộc chiến tranh!”
Tại buổi lễ kết thúc, trước khi sứ điệp của Đức Thánh Cha được công bố, có phần trình bày chứng từ từ một số nước đang có chiến tranh, và công bố lời kêu gọi hòa bình gửi đến các vị trách nhiệm chính trị quốc tế.