1. Giáo hội Papua New Guinea háo hức chờ đón Đức Thánh Cha viếng thăm

Đức Cha Francis Meli, Giám mục Giáo phận Vanimo, ở Papua New Guinea cho biết giáo phận “vùng sâu vùng xa” của ngài rất vui mừng và nóng lòng chờ đợi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, từ ngày 06 tháng Chín tới đây.

Papua New Guinea đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm lần đầu tiên cách đây 29 năm, từ ngày 16 đến ngày 18 tháng Giêng năm 1995, nhưng ngài chỉ dừng lại ở thủ đô Port Moresby. Lần này, ngoài thủ đô, Đức Thánh Cha Phanxicô còn bay lên Vanimo, một thị trấn có 11.200 dân cư, cách đó một ngàn cây số, về hướng tây bắc, giáp giới với Indonesia, để viếng thăm cộng đồng Công Giáo địa phương.

Theo Niên giám Tòa Thánh, năm 2023, Giáo phận Vanimo rộng 22.000 cây số vuông, bằng hai lần tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 124.000 người, trong đó 41.000 là tín hữu Công Giáo, thuộc 23 giáo xứ và 85 giáo họ. Cả giáo phận chỉ có sáu linh mục giáo phận và mười bảy linh mục dòng, với hai mươi bốn nữ tu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng CruxNow ở Mỹ, truyền đi ngày 15 tháng Tám vừa qua, Đức Cha Meli cho biết cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là một niềm vui lớn lao cho toàn dân Papua New Guinea. Vanimo chỉ là một nơi rất nhỏ và xa xăm, một giáo phận rất xa thủ đô Port Moresby, thiếu thốn nhiều dịch vụ trong tỉnh này. Cơ cấu hạ tầng rất yếu, đường xấu và không có cầu cống, khiến cho việc vượt qua các sông ngòi khó khăn, nhất là khi trời mưa lớn. Đức Cha cũng nói rằng “phần lớn người dân của chúng tôi sống ở vùng sâu vùng xa, vì thế thật là một điều rất ý nghĩa việc Đức Thánh Cha đến thăm nơi hẻo lánh này để thấy thực sự dân Papua New Guinea như thế nào, cách thức họ làm việc, nơi họ sinh sống và lối sống của họ”.

Đức Cha Meli kể rằng: “khi đến đây lần đầu, tôi đã bị sốc! Vì tôi đến từ một vùng có các cơ cấu hạ tầng tốt.”

Phần lớn dân chúng theo Kitô giáo, Công Giáo và Tin lành và có 10% còn theo các tôn giáo bộ lạc. Các thừa sai Công Giáo đến từ hơn mười quốc gia, trong đó có các nữ tu người Á Căn Đình và một nhóm linh mục thuộc Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, cũng từ Á Căn Đình. Họ sẽ được gặp riêng Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm. Đức Cha cho biết một trong những dự án quan trọng nhất của Giáo phận Vanimo là thiết lập một trung tâm giúp đỡ các phụ nữ và thiếu nữ bị lạm dụng: đó là Trung tâm Lujan, dành cho các thiếu nữ và cũng có những nhà cho các phụ nữ. Họ là nạn nhân bị lạm dụng đủ loại: tâm lý, thể lý, cảm xúc và tính dục. Các nữ tu chăm sóc và coi các trẻ nữ ấy như thể con cái của mình.

Sau cùng, theo Đức Cha Meli có một vài cộng đồng Kitô Tin lành thù nghịch với Công Giáo và ngài hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ giúp mang lại sự hiệp nhất với các cộng đoàn Kitô khác.

2. Đức Hồng Y Tổng quyền Dòng Don Bosco từ nhiệm chức vụ Tổng quyền

Hôm 16 tháng Tám vừa qua, Đức Hồng Y Ángel Fernández Artime, chính thức từ nhiệm Bề trên Tổng quyền Dòng Salêdiêng Don Bosco, và cha Stefano Martoglio, người Ý, đương kim Tổng đại diện của dòng, đảm nhận nhiệm vụ cai quản dòng cho tới Tổng tu nghị sắp tới, để bầu vị Tổng quyền mới.

Đức Hồng Y Artimez ký giấy từ nhiệm vào cuối Công nghị giới trẻ Salêdiêng, diễn ra trong tuần này tại Torino, kỷ niệm 200 năm giấc mơ của thánh Gioan Bosco năm lên chín tuổi. Tham dự Công nghị, có 300 người trẻ, đại diện Phong trào giới trẻ Don Bosco.

Đức Hồng Y Artimez người Tây Ban Nha, năm nay 64 tuổi (1960), thụ phong linh mục năm 1987, khi được 27 tuổi. Năm 2009, cha được bổ nhiệm làm Bề trên Tỉnh dòng Don Bosco nam Á Căn Đình. Với nhiệm vụ này, ngài đã quen biết và làm việc với Đức Tổng Giám Mục Jorge Mario Bergoglio của Giáo phận thủ đô Buenos Aires, nay là Đức Thánh Cha Phanxicô.

Năm 2013, cha Artimez được bổ nhiệm làm Bề trên Tỉnh dòng Đức Mẹ Phù Hộ, ở miền nam Tây Ban Nha, với trụ sở ở thành phố Sevilla, nhưng chỉ một năm sau, ngày 25 tháng Ba năm 2014, cha được bầu làm Bề trên Tổng quyền của dòng. Khi ấy, cha là người Tây Ban Nha đầu tiên được chọn vào nhiệm vụ này.

Mãn nhiệm kỳ sáu năm, ngày 11 tháng Ba năm 2020, cha Artimez được tái cử Bề trên Tổng quyền.

Ngày 30 tháng Chín năm ngoái, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm cha Artimez làm Hồng Y, nhưng yêu cầu cha tiếp tục nhiệm vụ Tổng quyền cho đến khi được giao phó nhiệm vụ mới.

Tổng tu nghị thứ 29 của Dòng Don Bosco dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng Hai năm tới, 2025, với sự tham dự của các đại biểu đến từ các nơi trên thế giới, để bầu chọn cha Bề trên Tổng quyền mới cùng với Hội đồng Tổng cố vấn của dòng.

Có vài báo chí đồn đoán rằng có thể Đức Hồng Y Artimez sẽ được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ các Dòng tu, kế nhiệm Đức Hồng Y João Braz de Aviz người Brazil, 77 tuổi (1947), làm Tổng trưởng Bộ này từ 13 năm qua (2011), và đã xin Đức Thánh Cha cho từ nhiệm.

Dòng Don Bosco là dòng nam đông thứ hai trong Giáo Hội Công Giáo, với 14.143 tu sĩ, sau Dòng Tên có 14.439 tu sĩ. Trước đây, Dòng Phanxicô đứng thứ hai sau dòng Tên, nhưng nay giảm xuống còn 12.186 tu sĩ (Niên giám 2023).

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Chúa Nhật, 18 Tháng Tám, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 20 Mùa Quanh Năm. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Chúa Nhật vui vẻ!

Hôm nay, Tin Mừng kể cho chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng nói rất đơn giản: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6:51). Trước đám đông, Con Thiên Chúa tự nhận mình bằng lương thực thông thường và tầm thường nhất - bánh: “Ta là bánh”. Trong số những người đang lắng nghe Ngài, một số bắt đầu tranh cãi với nhau (x. câu 52): làm sao Chúa Giêsu có thể cho chúng ta ăn thịt của Ngài? Ngay cả ngày nay, chúng ta cũng tự hỏi mình câu hỏi này nhưng với sự ngạc nhiên và biết ơn. Đây là hai thái độ cần suy ngẫm: ngạc nhiên và biết ơn trước phép lạ Thánh Thể.

Thứ nhất: ngạc nhiên, vì những lời của Chúa Giêsu làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng Chúa Giêsu luôn làm chúng ta ngạc nhiên, luôn luôn! Hôm nay cũng vậy, trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Bánh từ trời là một món quà vượt quá mọi sự mong đợi. Những ai không nắm bắt được đường lối của Chúa Giêsu vẫn còn nghi ngờ: việc ăn thịt người khác dường như là điều không thể, thậm chí vô nhân đạo (x. câu 54). Tuy nhiên, thịt và máu là nhân tính của Đấng Cứu Thế, chính sự sống của Ngài được hiến dâng làm lương thực cho chúng ta.

Và điều này đưa chúng ta đến thái độ thứ hai: lòng biết ơn. Đầu tiên: ngạc nhiên. Bây giờ, hãy biết ơn vì chúng ta nhận ra Chúa Giêsu nơi Ngài hiện diện với chúng ta và với chúng ta. Chính Ngài làm bánh cho chúng ta. “Ai ăn thịt Ta thì vẫn ở trong Ta và Ta ở trong người ấy” (x. câu 56). Chúa Kitô, với nhân tính đích thực, biết rõ rằng người ta phải ăn để sống. Nhưng Ngài cũng biết rằng điều này là chưa đủ. Sau khi bánh trần thế được hóa ra nhiều (x. Ga 6,1-14), Người chuẩn bị một món quà còn lớn lao hơn nữa: Chính Người trở thành của ăn đích thực và thức uống đích thực (x. câu 55). Cảm ơn Chúa Giêsu! Chúng ta hãy nói “Cám ơn, cảm ơn” bằng cả tấm lòng.

Bánh từ trời đến từ Chúa Cha, chính là Chúa Con đã trở nên xác phàm vì chúng ta. Thức ăn này còn hơn cả cần thiết vì nó thỏa mãn cơn đói hy vọng, cơn đói chân lý và cơn đói ơn cứu rỗi mà tất cả chúng ta đều cảm thấy không phải trong bụng mà trong trái tim mình. Mỗi người chúng ta đều cần Bí tích Thánh Thể!

Chúa Giêsu quan tâm đến nhu cầu lớn nhất: Ngài cứu chúng ta, nuôi dưỡng cuộc sống của chúng ta bằng chính cuộc sống của Ngài và Ngài sẽ làm điều này mãi mãi. Và chính nhờ Người mà chúng ta có thể sống hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Do đó, bánh hằng sống và chân thật không phải là một điều gì huyền diệu, không. Đó không phải là điều có thể giải quyết ngay lập tức mọi vấn đề, nhưng chính Mình Thánh Chúa Kitô, mang lại niềm hy vọng cho người nghèo và chiến thắng tính kiêu ngạo của những kẻ ăn uống say sưa gây hại cho chính họ.

Vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có đói khát ơn cứu độ không chỉ cho tôi mà còn cho tất cả anh chị em tôi không? Khi tôi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, là phép lạ của lòng thương xót, tôi có kính sợ Mình Thánh Chúa, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta không?

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta đón nhận hồng ân thiên đàng nơi dấu chỉ bánh này.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, tại Uvira, Cộng hòa Dân chủ Congo, các nhà truyền giáo người Ý gồm Phanxicô Xavier Luigi Carrara, Giovanni Didoné và Vittorio Faccin, cùng với Albert Joubert, một linh mục người Congo, đã được phong chân phước. Họ đã bị giết tại đất nước này vào ngày 28 tháng 11 năm 1964. Cuộc tử đạo của họ đã tôn vinh một cuộc đời dành cho Chúa và cho anh chị em của họ. Ước gì gương sáng và sự chuyển cầu của họ thúc đẩy những con đường hòa giải và hòa bình vì lợi ích của nhân dân Congo. Một tràng pháo tay dành cho tân Chân phước!

Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện để có thể tìm thấy những con đường hòa bình ở Trung Đông – Palestine, Israel – cũng như ở Ukraine, Miến Điện, và mọi khu vực bị chiến tranh tàn phá, thông qua đối thoại và đàm phán, kiềm chế các hành động và phản ứng bạo lực.

Tôi chào tất cả anh chị em, các tín hữu Rôma thân mến và những người hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào những người đến từ bang São Paulo ở Brazil; và cả các Nữ tu Thánh Elizabeth.

Tôi gửi lời chào và phép lành đến các phụ nữ và trẻ em gái quy tụ tại Đền thánh Đức Mẹ Piekary Śląskie ở Ba Lan, và tôi khuyến khích họ vui vẻ làm chứng cho Tin Mừng trong gia đình và xã hội của họ. Và tôi chào các bạn trẻ Immacolata.

Tôi chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.