1. Khai mạc chiến dịch Lễ Hiện Xuống tại Đức

Chúa nhật 05 tháng Năm vừa qua, chiến dịch thường niên Lễ Hiện Xuống do tổ chức Renovabis phát động, để giúp Đông âu đã được khai mạc với thánh lễ tại nhà thờ chính tòa giáo phận Muenster, bắc Đức.

Chiến dịch năm nay có chủ đề là: “Để hòa bình tăng trưởng. Bạn tạo nên sự khác biệt”.

Thánh lễ do Đức Cha Felix Genn, Giám mục Giáo phận sở tại, chủ sự, với các giám mục Đông âu đồng tế, trong đó có Đức Cha Stanislas Szyrokoradiuk, Giám mục Giáo phận Odessa-Simferopol bên Ukraine.

Chiến dịch kéo dài hai tuần lễ, cho đến Lễ Hiện Xuống. Bắt đầu các giám mục khách từ Đông âu viếng thăm các trường học, nghị viện tiểu bang ở thành phố Dusseldorf và đền kỷ niệm Villa Ten Hompel ở Muenster. Tại đây, vào cuối tuần có chương trình văn hóa tôn giáo. Chiến dịch năm nay muốn nhấn mạnh rõ ràng lòng khao khát hòa bình nơi nhiều người.

Tổ chức Renovabis được thành lập cách đây ba mươi mốt năm để bày tỏ tình liên đới với các tín hữu Công Giáo ở Đông và Trung Âu, trong đó có 29 nước cựu cộng sản. Từ năm 1993 đến nay, tổ chức này đã tài trợ hơn 877 triệu Euro cho hơn 26.000 dự án tái thiết Giáo hội, xã hội dân sự, trường học, nhà xứ. Từ khi có cuộc tấn công của Nga ở Ukraine, Renovabis cũng tiến hành các công tác cứu trợ khẩn cấp. Ngoài ra, năm nay cũng có các hoạt động tương trợ trước tình trạng bất an tại Bosnia Herzegovina, Kosovo và Cộng hòa Moldavia.

2. Thêm một thánh đường Kitô ở Thổ Nhĩ Kỳ bị biến thành đền thờ Hồi giáo

Trong chiến dịch Hồi giáo hóa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Erdogan, thêm một thánh đường Kitô cổ kính bị biến thành đền thờ Hồi giáo.

Đó là nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Chora, ở phía đông bắc của trung tâm cổ thành Constantinople, nay là Istanbul. Thánh đường này trước kia là một Đan viện Kitô có từ thế kỷ thứ VI và sau được nới rộng với nhà thờ. Sau khi đế quốc Ottoman chiếm thành Constantinople năm 1453, thánh đường bị biến thành đền thờ Hồi giáo cho đến năm 1511. Các bức bích họa diễn tả Chúa Kitô nhập thể làm người như Đấng Cứu Thế bị lấy vôi trát lên trên, nhưng không bị phá hủy.

Sau Thế chiến thứ II, thánh đường được các chuyên gia người Mỹ tu bổ quy mô và từ năm 1945 bị nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ dùng làm bảo tàng viện. Tuy nhiên, quyết định này bị ngưng từ bốn năm nay.

Trang mạng “Chính thống Thời báo” (Orthodox Times) đưa tin: Tổng thống Erdogan đã muốn biến bảo tàng viện này, sau 79 năm sử dụng, thành “đền thờ Hồi giáo Kariye”. Tuy nhiên, các bích họa trong thánh đường không bị quét vôi hoặc vật liệu khác đè lên trên, nhưng sẽ được che phủ bằng một tấm thảm màu đỏ.

Hồi tháng Tám năm 2020, chính phủ của Tổng thống Erdogan tuyên bố hợp đồng năm 1958 về việc sử dụng thánh đường nổi tiếng Hagia Sophia như bảo tàng viện là vô hiệu lực, đồng thời biến thành đền thờ Hồi giáo. Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, mạnh mẽ phản đối.

Tuy hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, có từ khi Kemal Ataturk lập quốc, chính thức tuyên bố là trung lập về tôn giáo, nhưng các tôn giáo thiểu số, ngoại trừ Hồi giáo Sunnit, luôn bị kỳ thị. Ví dụ, họ không được nhà chức trách tôn giáo của chính phủ tài trợ.

3. Thế giới Chính thống giáo ở Âu Châu đang trong tình trạng hoang mang về luân lý

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Europe’s Orthodox world is in moral turmoil”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cách thủ đô Moldova một giờ lái xe, tại làng Bozeini, linh mục Chính thống giáo Tudor Roman đã thắp ba ngọn nến gần bàn thờ của một nhà thờ nhỏ ở nông thôn. Ông nói: “Tôi cầu xin Chúa tha thứ cho tội lỗi nghiêm trọng của Thượng phụ Kirill.”

Đối với nhiều linh mục Moldova, rõ ràng là nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa - người lãnh đạo của cả Giáo hội Chính thống Moldova – đã lầm đường lạc lối đi vào con đường tà ác.

Ở Nga, tôn giáo đã được sử dụng như một công cụ để biện minh cho cuộc chiến ở Ukraine. Và khi nhiều người được Chính Thống Giáo Nga thuyết phục rằng họ là một phần trong kế hoạch của Chúa, và do đó không nên sợ bị giết khi chiến đấu cho “thế giới Nga”, cái giá phải trả là hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu sinh mạng của người Ukraine và người Nga.

“Chớ giết người. Giáo hội Chính thống không thể dung túng cho hành vi giết người”, Cha Roman khẳng định.

Nhưng Kirill ngày càng trở nên cực đoan kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Trong một tuyên bố gần đây, như được nêu trong một tài liệu chính thức từ Thánh Công Đồng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, ông ta tuyên bố rằng Nga đang tiến hành một cuộc “Thánh chiến” ở Ukraine và lãnh thổ Ukraine nên được sáp nhập vào Nga.

Hiện tại, quan điểm của Chính Thống Giáo Nga coi “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine là một cuộc thánh chiến để bảo vệ thế giới Nga khỏi phương Tây tà ác. “Nga là người tạo ra, trụ cột và là người bảo vệ Thế giới Nga,” một tài liệu được thông qua vào cuối tháng 3 ghi nhận.

Nhưng các nhà thờ Chính thống Nga không chỉ được tìm thấy ở Nga mà còn tồn tại trên toàn thế giới. Và cũng giống như ở Moldova, nhà thờ ở Estonia đang trong tình trạng hoang mang về mặt đạo đức - và ở đó, tài liệu “Thánh chiến” đang trở thành cọng rơm cuối cùng.

Mặc dù ngày nay là một trong những quốc gia ít người mộ đạo trên thế giới, Chính thống giáo vẫn là giáo phái lớn nhất ở Estonia, do dân số Nga đáng kể của đất nước, chiếm khoảng 16% dân số. Số thành viên của Chính Thống Giáo Nga là hơn 100.000 người, trong khi Nhà thờ Nevsky - ngôi nhà thờ phượng chính - nằm ngay đối diện với Quốc hội Estonia ở trung tâm Tallinn.

Tuy nhiên, chính quyền hiện đang đặt câu hỏi liệu Chính Thống Giáo ở Estonia có đáng được chấp nhận hay không. “Nhà lãnh đạo tinh thần cao nhất của giáo hội họ đã tuyên bố thánh chiến chống lại phương Tây, bao gồm cả Estonia. Điều này tương đương với việc kích động khủng bố - nếu một giáo sĩ Hồi giáo thực hiện một hành động tương tự, liệu chúng ta có dung thứ được không? Chắc chắn là không,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ Estonia Lauri Läänemets cho biết.

Và ông nghi ngờ khả năng Kirill sẽ rút lui khỏi lập trường của mình. Ông nói thêm: “Ngược lại, họ ngày càng trở nên hung hãn hơn theo thời gian, khi người dân Nga được huy động đằng sau hành động gây hấn của chế độ Putin, điều này đòi hỏi phải biện minh cho hành động gây hấn ở Ukraine là phục vụ một ‘mục đích cao hơn’”.

Cha Pavel Borşevschi, một linh mục Chính thống giáo khác ở Moldova, đồng ý: “Đây là cách một nhóm cực đoan lên tiếng, chứ không phải là người lãnh đạo Giáo Hội”.

Moldova hiện là nơi có gần 1.000 nhà thờ Chính thống giáo Nga, với hơn 90% người dân Moldova được xác định là Kitô hữu Chính thống giáo. Thật vậy, Kirill về mặt chính thức vẫn là nhà lãnh đạo tinh thần cao nhất của nhà thờ St. Dumitru của Borşevschi ở Chișinău - tuy nhiên, “ Tên của Thượng phụ Kirill không được nhắc đến trong nhà thờ vào các ngày làm việc. Mọi người không thể chịu đựng được nữa khi Chính Thống Giáo Nga đã biến thành một tà phái “, Cha Borşevschi nói.

Vậy thì người ta có thể hỏi, tại sao Nhà thờ Thánh Dumitru vẫn tiếp tục nằm dưới sự lãnh đạo tôn giáo của Nga, cùng với toàn bộ Thủ đô Moldova?

“Chúng ta phải đoàn kết bất kể mọi chuyện. Đây là một trong những lời dạy của Chúa Kitô,” Cha Borşevschi nói. Thay vào đó, ngài hy vọng Đức Tổng Giám Mục Thủ đô Moldova sẽ dẫn đầu việc sáp nhập Giáo hội Chính thống Moldova với Giáo hội Chính thống Rumani.

Tuy nhiên, Cha Roman đã chọn không chờ đợi. “Khi chiến tranh ở Ukraine bắt đầu, chúng tôi đã nói: Thế là xong!”. Ngài đã tập hợp dân làng để chuyển lòng trung thành của họ từ giới lãnh đạo tôn giáo Nga sang Tòa Thượng phụ Rumani - một quyết định đã nhận được sự đồng tình rộng rãi.

Kể từ khi bùng nổ chiến tranh toàn diện ở Ukraine, hơn 60 nhà thờ ở Moldova đã thực hiện quá trình chuyển đổi tương tự. Và theo Cha Roman, còn nhiều người mong muốn được chuyển đổi nhưng đang bị áp lực phải phản đối xu hướng đó.Ngài nói: “Ví dụ, có người đến từ Thủ đô Moldova với giấy tờ và thông báo rằng bạn không còn quyền tiến hành các nghi lễ hoặc bạn không còn là linh mục của khu vực nữa”.

Về mặt chính thức, Giáo hội Chính thống Moldova vẫn cam kết duy trì dưới chế độ thượng phụ Nga, mặc dù Giáo hội này lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, Nhà thờ Chính thống Estonia dưới quyền Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cũng đang tìm cách tránh xa những tuyên bố ủng hộ chiến tranh của Kirill. Và đầu năm nay, cơ quan an ninh nước này coi nhà lãnh đạo nhà thờ Chính thống, Đức Tổng Giám Mục Eugene Reshetnikov, là mối đe dọa đối với an ninh của Estonia, dẫn đến thị thực cư trú của ông không được gia hạn.

Do đó, Läänemets tin rằng Giáo Hội không thể tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Kirill nữa và nhà nước hiện có kế hoạch thực hiện các bước pháp lý để thực hiện sự thay đổi đó.

Về vấn đề này, ông đưa ra hai lựa chọn: Hoặc là các nhà thờ Chính thống giáo ở Estonia tách mình ra khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa - như các nhà thờ ở Moldova hiện đang làm - hoặc nhà nước can thiệp vì lý do an ninh và chấm dứt các hoạt động của Giáo hội Chính thống Estonia dưới quyền Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa như một tổ chức.

Ví dụ, tại quốc gia láng giềng Latvia của Estonia, quốc hội địa phương đã thông qua một sửa đổi lập pháp vào năm ngoái, tuyên bố Giáo hội Chính thống Latvia độc lập với thẩm quyền của các Giáo Hội bên ngoài Latvia.

Tuy nhiên, sự thật vẫn là trong lĩnh vực tôn giáo, những quyết định như vậy không phải do các chính trị gia đưa ra. Và với tình hình hiện tại, Giáo hội Chính thống Estonia muốn tiếp tục dưới sự cai trị của Tòa Thượng phụ Nga bất chấp những tuyên bố ủng hộ chiến tranh của Thượng Phụ Kirill.

“Chúng tôi không chịu trách nhiệm về những lời của Thượng Phụ Kirill,” Đức Cha Daniel. Giám Mục của Tartu thuộc Giáo Hội Chính Thống Estonia cho biết. Ông bác bỏ tài liệu “Thánh chiến” là không liên quan.

Theo Đức Cha Daniel, Kirill chỉ đang “mắc sai lầm, giống như mọi người”. Và trong suy nghĩ của ngài, “việc thay đổi lòng trung thành với Giáo Hội vì mọi sai lầm không phải là giải pháp.”

Tuy nhiên, có một lựa chọn khác để xem xét.

Vào năm 2019, Thượng phụ Đại kết của Constantinople đã trao quyền tự quản cho Giáo hội Chính thống thống nhất Ukraine. Và Chủ tịch Quốc hội Estonia Lauri Hussar coi đây là một giải pháp khả thi cho các Giáo Hội ở Estonia – đó là đặt dưới thẩm quyền của Thượng phụ Constantinople.

Ông nói: “Cuối cùng, vấn đề này sẽ được giải quyết khi Ukraine thắng cuộc chiến này, khiến các Giáo Hội địa phương ở Estonia phải xem xét lại mối liên kết của họ”.

Source:Politico

4. Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật tử nhân lễ Phật đản

Bộ Đối thoại liên tôn của Tòa Thánh chúc mừng các tín hữu Phật giáo, nhân lễ Vesak và mời gọi các Kitô hữu và Phật tử cùng nhau thăng tiến hòa bình bằng nỗ lực cổ võ sự hòa giải và kiên cường.

Đối với các tín hữu Phật giáo Nguyên thủy, lễ Vesak mừng cuộc đản sinh, thành đạo và viên tịch của Đức Phật, năm nay vào ngày 23 tháng Năm tới đây và các tín hữu Phật giáo Đại thừa, như tại Việt Nam, đó là Lễ Phật Đản, năm nay được mừng vào ngày 22 tháng Năm sắp tới.

Sứ điệp của Đức Hồng Y Ayuso Guixot, người Tây Ban Nha, Bộ trưởng Bộ Liên tôn và Đức ông Tổng thư ký Indunil Kodithuwakku, người Sri Lanka mang tựa đề: “Kitô hữu và Phật tử: cùng nhau hợp tác để đạt hòa bình qua hòa giải và kiên cường”.

Sau những lời chúc mừng các Phật tử, Sứ điệp của Tòa Thánh trình bày vài suy tư về trách nhiệm chung của các tín hữu Kitô và Phật tử trong việc thăng tiến hòa bình, hòa giải và sự kiên cường, là những giá trị ăn rễ sâu nơi truyền thống của hai tôn giáo.

Hai vị lãnh đạo Kitô nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói tại Liên Hiệp Quốc, ngày 04 tháng Mười năm 1965: “Đừng bao giờ chiến tranh, đừng bao giờ chiến tranh nữa! Chính hòa bình mới hướng dẫn vận mệnh của các dân nước toàn nhân loại!” Lời kêu gọi này đã được lập lại tại nhiều cuộc gặp gỡ liên tôn trong những năm gần đây để lên án sự tàn phá do chiến tranh. Chúng ta cũng đã đề cập đến vấn đề này trong nhiều dịp, nhưng sự tiếp tục leo thang xung đột trên thế giới kêu gọi tái quan tâm đến vấn đề nghiêm trọng là hòa bình và suy tư sâu xa hơn về vai trò của chúng ta trong việc vượt thắng những chướng ngại trên con đường tăng trưởng hòa bình. Ngoài lời cầu nguyện, tình trạng hiện nay còn đòi chúng ta phải cố gắng rất nhiều. Thi hành phần nghĩa vụ của chúng ta là chấm dứt oán ghét và ước muốn báo thù đưa tới chiến tranh, và chữa lành những vết thương mà chiến tranh gây ra cho nhân loại và trái đất, căn nhà chung của chúng ta. Để được như vậy, chúng ta cần tăng cường quyết tâm làm việc cho hòa giải và kiên cường”.

Sứ điệp Tòa Thánh kêu gọi loại trừ căn cội sâu xa của xung đột và bạo lực, nếu không hòa bình lâu bền chỉ là ảo tưởng, nghĩa là nếu không có công bằng và công lý trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa.

“Giáo huấn cao quý trong các truyền thống của chúng ta và gương sống của những vị mà chúng ta tôn kính, chứng tỏ những ích lợi của hòa giải và kiên cường. Khi tìm kiếm tha thứ và những tương quan bị thương tổn được chữa lành, thì những người bị ghẻ lạnh sẽ được hòa giải và sự hòa hợp được khôi phục. Sự kiên cường tăng sức mạnh cho cá nhân và cộng đoàn phục hồi từ nghịch cảnh và chấn thương. Nó thăng tiến can cảm và hy vọng một tương lai sáng lạn hơn, vì nó biến đổi cả nạn nhân lẫn kẻ phạm lỗi và dẫn tới đời sống mới.”

Đức Phật dạy một sự khôn ngoan vượt thời gian, theo đó “Hận thù không bao giờ được xoa dịu bằng hận thù trên trần thế này, nó chỉ được thoa dịu bằng lòng nhân ái” (Pháp cú kinh, 5). Còn thánh Phaolô, phản ánh lời kêu gọi của Chúa Giêsu dạy hãy luôn luôn tha thứ (Mt 6,14), dạy các tín hữu Kitô hãy đón nhận sứ vụ hòa giải do Thiên Chúa khởi xướng trong Chúa Kitô” (2Cr 5,11-21).