Ngày 04/04/24, tạp chí Aleteia đã cho đăng tải bài phỏng vấn của họ với nhà báo Tây Ban Nha Javier Martínez-Brocal về bối cảnh của cuộc phỏng vấn và chia sẻ những hiểu biết bản thân rút ra từ cuộc phỏng vấn của ông với Đức Giáo Hoàng.



Vào ngày 3 tháng 4 năm 2024, phóng viên người Tây Ban Nha Javier Martínez-Brocal đã công bố bằng tiếng Tây Ban Nha một cuốn sách phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô với tựa đề El Sucesor (“Người kế vị”), chưa được dịch sang tiếng Anh. Trong một loạt cuộc phỏng vấn được thực hiện từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn lại mối quan hệ của ngài với Đức Bênêđíctô XVI và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chiều sâu thần học và lòng trung thành của vị Giáo hoàng quá vãng.

Javier Martínez-Brocal, phóng viên tờ nhật báo ABC của Tây Ban Nha tại Rome, nói với I.MEDIA rằng ông nhìn nhận sự liên tục lịch sử giữa hai vị giáo hoàng.

Cuốn sách này có phải là một phản ứng trước bầu không khí chia rẽ hiện nay trong Giáo hội không?

Javier Martínez-Brocal: Đó thực sự là ý định của tôi. Tôi đề nghị với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này vì tôi có ấn tượng rằng ký ức về Đức Bênêđíctô XVI theo một cách nào đó đã bị “bắt cóc”, bị một bộ phận của Giáo hội chiếm đoạt. Một số người đã tin rằng nếu bạn thích Đức Bênêđíctô XVI, điều đó có nghĩa là bạn không thích Đức Phanxicô và ngược lại. Đối với tôi, điều này dường như là một diễn dịch vô ích.

Vì vậy, ý tưởng của cuốn sách là nhắc nhở chúng ta rằng mọi giáo hoàng đều là Người kế vị Thánh Phêrô, và do đó ngài là giáo hoàng của tất cả mọi người. Cả Giáo hoàng Bênêđictô lẫn Giáo hoàng Phanxicô đều không đến đây để theo đuổi lợi ích bản thân!

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: một vị giáo hoàng tự do hơn, đơn giản hơn

Trong các cuộc phỏng vấn này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến một số chi tiết đáng ngạc nhiên về sự kết thúc cuộc đời của Đức Bênêđíctô XVI, đặc biệt gợi ý rằng vị Giáo hoàng Hưu trí ốm yếu đã bị thư ký và các bác sĩ của ngài bảo vệ quá mức… Bằng cách nói thẳng về điều đó, có phải Đức Phanxicô muốn ngầm nói về chính ngài, về việc ngài tuyệt đối từ chối bị “giam cầm” theo nghi thức, ngay cả khi ngài đã đến cuối đời?

Martínez-Brocal: Quả thực, ngài làm mọi điều có thể để ngăn điều đó xảy ra. Khi tôi hỏi liệu ngài có để lại bất cứ hướng dẫn nào không, chẳng hạn như về việc đốt tài liệu bản thân của mình, ngài nói không, ngài sẽ tự lo việc đó!

Ngài không muốn bất cứ ai đưa ra quyết định nhân danh mình, và điều này đã rất rõ ràng kể từ đầu triều giáo hoàng. Đối với ngài, được bảo vệ có nghĩa là bị cầm tù. Đó cũng là lý do tại sao, về mặt giao tiếp, ngài không muốn có người phát ngôn hay người đại diện, mà thích duy trì liên lạc trực tiếp với các nhà báo.

Phải chăng các nghi thức sau cái chết của Đức Bênêđíctô XVI, đặc biệt là việc đặt thi hài tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, có đánh dấu sự kết thúc của một hình ảnh nào đó về vị giáo hoàng, với một sự trang trọng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn tránh xa?

Martínez-Brocal: Quả thực, ngài muốn dỡ bỏ mọi thứ liên quan đến chế độ quân chủ, triều đình… Ngài không muốn cơ thể mình bị phơi bầy. Ngài muốn được chôn cất như một Ki-tô hữu đơn giản, và như người kế vị Thánh Phêrô, người được chôn cất đơn giản.

Ngài muốn quay trở lại sự đơn giản nào đó và đảm bảo rằng hình ảnh của giáo hoàng được công nhận về đặc điểm thiêng liêng, không quá lố. Ngài cũng tìm cách trao nhiều tự do hơn cho những người kế vị: nỗ lực không ngừng để bảo vệ quyền tự do của mình cũng nhằm mục đích trao nhiều quyền tự do hơn cho những người đến sau ngài.

Ngài được bầu vào thời điểm Giáo hội đang quay cuồng với việc Đức Bênêđíctô XVI từ chức. Thông điệp mà ĐTC Phanxicô muốn truyền tải là các giáo hoàng thực sự có thể từ chức, nhưng các ngài không bị hoàn cảnh ép buộc phải từ chức.

Đức Bênêđíctô XVI không thể cai trị được nữa vì đoàn tùy tùng bảo vệ ngài quá mức. Với tính cách rất khiêm tốn, ngài không muốn gây rắc rối cho ai, muốn tuân theo mọi tiêu chuẩn, nhưng điều này cuối cùng đã khiến ngài không thể thực thi hết chức năng của mình.

Giữ sự tập chú vào Chúa Kitô

Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại tang lễ của người tiền nhiệm ngắn gọn một cách đáng ngạc nhiên… Ngài giải thích điều này như thế nào?

Martínez-Brocal: Bài giảng của ngài thực sự có vẻ lạnh lùng lúc đầu, giống như tại các lễ phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Nhưng ngài tin rằng các bài giảng nên tập trung vào các bản văn phụng vụ chứ không phải là những bài tán tụng, những bài điếu văn về những người tiền nhiệm. Đối với Thánh lễ an táng Đức Bênêđíctô XVI, ngài chỉ muốn cho thấy Kitô hữu này có thể giúp đỡ các Kitô hữu khác sống đức tin của họ như thế nào.

Vì vậy tôi nghĩ thật sai lầm khi hiểu nó là dấu hiệu xa cách. Ngược lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng ngài đang nói với các Kitô hữu trưởng thành, những người không cần phải nhắc họ rằng Đức Bênêđíctô XVI là ai, vì mọi người đều biết! Thay vào đó, ngài chỉ muốn hướng sự chú ý đến Chúa Giêsu, dựa trên những đoạn trích từ các bản văn của ĐHY Joseph Ratzinger.

Mối quan hệ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với ĐHY Ratzinger trước và sau năm 2005

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ những chi tiết quan trọng về mật nghị năm 2005. Liệu cuối cùng có việc Đức Hồng Y Bergoglio đã trực tiếp ủng hộ việc bầu chọn Đức Hồng Y Ratzinger không?

Martínez-Brocal: Trên chuyến bay trở về từ Brazil vào năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng ngài rất vui mừng với việc bầu chọn Đức Hồng Y Ratzinger vào năm 2005, nhưng ngài chưa bao giờ nói rõ rằng ngài đã bỏ phiếu cho vị này.

Bằng cách nói rõ ràng Trong cuộc phỏng vấn này, “Ngài là ứng cử viên của tôi,” Đức Phanxicô đã tiến một bước. Điều đó cho thấy rõ rằng ngài nghĩ đến tương lai của Giáo Hội Công Giáo. Nếu ngài đồng ý đáp trả một cách thuận lợi trước những thủ đoạn của những người muốn biến ngài thành “giáo hoàng” chống lại Ratzinger, thì sẽ không có triều giáo hoàng Bênêđíctô XVI, không có việc từ chức, sau cùng không có Giáo hoàng Phanxicô … Âm sắc của triều giáo hoàng của ngài thực sự có liên quan đến sự từ nhiệm của vị tiền nhiệm.

Ngài nhận ra rằng mình đang bị một nhóm lợi dụng và ngài không muốn chơi cùng với họ. Ngài rất nhạy cảm với vấn đề hợp nhất, và sẽ thật nhục nhã nếu ngài trở thành một công cụ gây chia rẽ. Và thái độ của ngài đã quyết định phần còn lại của lịch sử Giáo hội. Nếu Đức Hồng Y Bergoglio không ủng hộ Đức Hồng Y Ratzinger thì Đức Hồng Y Ratzinger đã rút lui, và một Hồng Y người Ý có tên chưa nổi bật trong các cuộc thăm dò có lẽ đã được chọn.

Mối quan hệ của các ngài trong triều giáo hoàng Đức Bênêđíctô XVI ra sao?

Martínez-Brocal: Trước năm 2005, Đức Hồng Y Bergoglio coi Đức Hồng Y Ratzinger là người trung thực nhất trong Giáo triều Rôma, và rất vui được gặp ngài tại Bộ Giáo lý Đức tin. Đức Hồng Y Bergoglio sau đó đã biết ơn Đức Bênêđíctô XVI vì đã kéo dài nhiệm kỳ của ngài sau sinh nhật lần thứ 75 của ngài vào năm 2011. Ngài coi quyết định này là một dấu hiệu của sự tin tưởng, vào thời điểm mà một phần Giáo triều đã có động thái chống lại ngài.

Một vài năm trước đó, cũng trái với lời khuyên của Giáo triều và Phủ Quốc vụ khanh, ngài đã thu xếp để Đức Bênêđíctô XVI đích thân tham dự cuộc họp Aparecida, đây là một cử chỉ mạnh mẽ. Tuy nhiên, vị Giáo hoàng người Đức đã không ký vào tài liệu cuối cùng, rõ ràng là do Rome dè dặt trong việc thúc đẩy các cộng đồng giáo hội cơ bản.

Tính liên tục của ngôi vị giáo hoàng

Đức Bênêđíctô XVI thường nhấn mạnh đến chủ đề “khoa giải thích liên tục” giữa các giáo hoàng trước và sau Công đồng. Đức Phanxicô giải thích chủ đề này như thế nào?

Martínez-Brocal: Tôi đặt tiêu đề cho cuốn sách này là Người Kế Vị, nghĩ về Đức Phanxicô như người kế vị Đức Bênêđíctô XVI, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng trên hết ngài là người kế vị Thánh Phêrô. Vai trò của Đức Giáo Hoàng là diễn dịch vào bối cảnh ngày nay mệnh lệnh được Chúa Giêsu ủy thác cho Thánh Phêrô gần 2000 năm trước.

Tình cờ, tôi đọc được một bài giáo lý rất hay của Đức Gioan Phaolô II về thừa tác vụ Phêrô, trong đó ngài giải thích rằng chìa khóa của Thánh Phêrô dùng để “mở chứ không phải đóng”. Tôi đã chia sẻ bản văn này với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người thực sự đánh giá cao hình ảnh này.

Tôi nghĩ sứ vụ của giáo hoàng là giúp nhân loại gặp gỡ Thiên Chúa, vì vậy điều này tạo ra một ranh giới liên tục, nhưng các phương pháp chắc chắn sẽ khác nhau ở các thời đại khác nhau. Chẳng hạn, ngay cả trong thời hiện đại, rõ ràng là Đức Phanxicô không thể hành động theo phong cách của Đức Phaolô VI. Thế giới đã thay đổi. Và yếu tố nổi bật nhất của sự gián đoạn đã xảy ra… Chính Đức Bênêđíctô XVI đã gây ra điều đó, bằng việc từ chức của mình, vì cho rằng mô hình giáo hoàng trọn đời không còn phù hợp nữa.

Cuốn sách này cung cấp một cái nhìn sâu sắc về sự phong phú về thần học và triết học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như những nguồn cảm hứng của ngài, bao gồm cả nền văn hóa Đức. Liệu chúng ta có thể nói rằng nhà thần học và triết học Romano Guardini (1885-1968), thường được Joseph Ratzinger trích dẫn và là người mà Jorge Mario Bergoglio đã bắt đầu viết luận đề về, đã tạo thành một cầu nối trí thức giữa Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô?

Martínez-Brocal: Đó là một điểm cần được xem xét kỹ lưỡng. Tôi chưa tìm thấy bất cứ đóng góp hay bài viết nào của Joseph Ratzinger về chủ đề chính xác của luận án mà Jorge Mario Bergoglio đã bắt đầu ở Đức, về Gegensatz [sự tương phản], khái niệm vượt qua “sự phân cực” trong tư tưởng của Romano Guardini. Nhưng cả hai đều có chung sự đánh giá cao đối với tác giả này. Có một gốc rễ trí thức chung.

Tôi tin rằng vào những năm 1980, Cha Bergoglio bắt đầu chú ý đến tư tưởng của Romano Guardini sau khi bản thân phải chịu đau khổ vì sự chia rẽ nội bộ trong Dòng Tên ở Argentina. Ngài tìm thấy nơi vị này một lối suy nghĩ mạch lạc về những sự đối lập “có tính chất thái cực”, nhằm thể hiện rõ ý tưởng cho rằng chúng ta có thể có những suy nghĩ khác nhau mà không bị phản đối.

Suy tư này giúp chúng ta nghĩ về các triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô theo khía cạnh bổ sung hơn là đối lập, và nó cũng giúp chúng ta tìm ra hướng đi của mình trong một thế giới ngày càng bị chia cắt và phân cực.