Lá thư Canada

TẾT CON RỒNG

Thời giờ thấm thoát thoi đưa, mới đó tết tây và nay đã bước sang 2024. Thế giới vẫn loạn lạc. Ông Nga vẫn tiếp tục đánh đàn em cũ Ukraine, không cho đàn em bỏ mình mà theo phương tây, Do Thái và Palestine cũng y chang. Lễ Giáng Sinh đã qua, ai cũng ao ước và chúc nhau thanh bình, mà thanh bình thì chưa thấy, chỉ thấy khói lửa mù mịt. Mở máy là thấy khói lửa.

Làng tôi bây giờ họp nhau không còn nói nhiều về chuyện đánh nhau nữa. Ông Nga và ông Do Thái và ông Hồi Giáo đánh nhau ra sao, mở máy là thấy liền, nghĩ mà sợ thiệt.

Mỗi lần làng tôi họp nhau là có bao nhiêu chuyện để nói để chia sẻ. Năm xưa thì gần Tết ta, làng mới dựng cây nêu, năm nay thì ông Từ Hòe cho dựng cây nêu ngay dịp lễ Giáng sinh, ông cho treo thêm cây thông và các đèn ngôi sao. Anh John là người tinh mắt nhất, anh đố mọi người đèn sao kiểu Bắc Kỳ và đèn sao kiểu Nam kỳ khác nhau chỗ nào. Các cụ có để ý việc này không? Ngôi sao Bắc Kỳ thì 2 bên có hình mặt phẳng 5 cạnh, còn sao Nam Kỳ là hai mũi nhọn. Năm nay làng tôi trồng cây nêu rất sớm, vừa để mừng lễ Giáng Sinh vừa để mừng Tết Con Rồng đang tới.

Ông Từ Hòe đố anh John về cái tên Con Rồng có gì đặc biệt. Anh John nghĩ một lúc rồi trả lời ngay: Tên mỗi năm là tên một con giáp, năm vừa qua là năm con mèo, năm mới là năm con rồng. Con rồng tiếng VN còn gọi là Long. Ông bà ta quý tên Long này lắm. Ngoài Bắc thì có Vịnh Hạ Long, trong Nam thì có sông Cửu Long, đầu nước và cuối nước đều có rồng canh giữ. Đúng là đất của Rồng.

Ông Từ Hòe nói thêm về các con vật biểu trưng của từng nước như Mỹ chọn Con Đại Bàng đầu bạc, Pháp chọn con gà trống, Bỉ chọn con sư tử, Thái Lan chọn con voi, Canada chọn con Hải Ly. Con hải ly Canada có công lớn lắm trong việc ngăn sông đắp đập. Tôi có viết một bài dài về công của con hải ly, lâu rồi.

Nhân nói tới Cửu Long, tôi chợt nhớ tới Hà Tiên và đất Nam kỳ, đây là tặng phẩm của sông Cửu Long. Hàng ngàn ngàn năm trước đây là miền biển rộng. Sông Cửu Long chở phù sa từ phía bắc xuống rồi lần lần biến miền đất này trở thành đồng ruộng. Thời tiền chiến người ta đã đào được những đồng tiền vàng La mã ở Óc Eo bên chân núi Ba Thê. Nên ta hiểu rằng thuở xa xưa đầu công nguyên biển đã vô tới Óc Eo. Tức là hồi đó các núi ở Hà Tiên còn nằm ngoài biển. Ở Hà Tiên, kỳ diệu thay, có đủ thứ hết, có một ít hương động của Lạng Sơn,, một ít ngọn đá chơi vơi của vịnh Hạ Long, có một ít núi vôi ở Ninh Bình, một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang, một ít chùa chiền Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Thuận Hóa, một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Long Hải... Theo sử thì 1736 Hà Tiên đã là một văn hiến lớn do Mạc Thiên Tích, con của Mạc Cửu, cầm đầu. Mạc Thiên Tích kế nghiệp cha, lập ra Chiêu Anh Các. Cha ông là người Trung Hoa, mẹ ông là người VN. Ông đa tài: trị nước, cầm quân, ngoại giao, văn nghệ. Ông rất trọng chữ nôm. Chiêu Anh Các của ông quy tụ được 36 văn sĩ trong đó có 6 vị là người Việt, 30 vị là người Hoa. Tiếc thay, nền văn học Hà Tiên bừng lên rực rỡ được 31 năm. 1771 Hà Tiên bị quân Xiêm chiếm, Chiêu Anh Các bị tan rã, sách vở bị tiêu tan, rồi Hà Tiên đã thiêm thiếp ngủ trong 150 năm trên bờ vịnh Thái Lan.

Mãi tới năm 1926 Hà Tiên mới sống trở lại với Đông Hồ. Ông là người miền Nam nhưng đã say mê văn chương Miền Bắc qua báo Nam Phong. Đông Hồ Lâm Tấn Phát đã viết cho Nam Phong, đã dùng giọng văn miền Bắc, bỏ hẳn lối lỏng lẻo và bình dân của Hồ Biểu Chánh. Mới 20 tuổi ông đã nổi tiếng với bài Phú Đông Hồ. Ông lập ra Trí Đức Học Xá để dạy tiếng Việt cho những người muốn học. Ông là một nhà văn đầu tiên trong Nam đã bắc cầu thành công cho sự thống nhất văn học dân tộc.

Thật hết sức ngạc nhiên, Mạc Thiên Tích quê Quảng Đông, Lâm Tấn Phát quê Phúc Kiến, cả hai đều qua Nam Việt cùng thời, cả hai đã yêu ngay quê thứ hai của mình và coi quê hương này là quê thứ nhất, cùng tận tâm phục vụ. Bà con với Lâm Tấn Phát là cụ Đông Hồ người cùng đến Hà Tiên một thời với Mạc Cửu. Vợ của Cụ Đông Hồ là nữ sĩ Mộng Tuyết. Về cuối đời hai cụ đã dọn lên Saigon và lập ra Yểm Yểm Thư Trang. Thời 1950 và 1960, khi mới di cư vào Nam tôi có đếm mua sách ở nơi này. Và nhà văn Đông Hồ được mời dạy Việt Văn ở Trướng Đại Học Văn Khoa Saigon môn văn chương VN, và ông đã chết ngay tại giảng đường giữa các môn sinh năm 1969. Đúng y như lời của Lương Khải Siêu:

Chiến sĩ tử y sa trường

Học giả tử y giảng tọa…

Cụ B.95 nghe thơ chữ nho thì giơ tay xin thôi vì cụ chả hiểu gì, cụ xin nghe chuyện thơ VN, xin nghe những thơ bình dân dễ hiểu. Bác Từ Hòe liền chiều ý cụ ngay. Ông nói ông sẽ không bàn chuyện các văn sĩ gốc Hoa nữa, ông xin đọc mấy câu thơ của Bút Tre, cái ông nhà thơ nổi tiếng về những mấy câu chọc cười bằng cách cố tình viết sai để châm biếm chế diễu, như

- Yêu thay chị nữ dân công

Đêm hôm khuya khoắt đem Lộn vào đây

Ông giả bộ muốn nói là chị em phu nữ dân công tải đạn mà đi lộn, mà đâu có lộn, ý ông là chị em ta đem cái khác cơ.

-Chị em phụ nữ giỏi thay

Bắn máy bay Mỹ rớt ngay cửa mình

VC xưa vẫn tuyên truyền là phụ nữ bộ đội giỏi vô cùng, chỉ dùng súng trường mà bắn rớt được máy bay Mỹ, máy bay rơi ngay trước cửa nhà mình. Ông không nói rõ cửa nhà mình mà lại xỏ xiên nói vắn tắt cửa mình.

Anh đi công tác Pờ Lây

Ku dài rằng rặc biết ngày nào ra

Ông cố tình viết sai tên Pleiku, ngắt chữ tầm bậy nên hóa ra có ý tầm bậy…

Bà Cụ B.95 lại lắc đầu, thơ gì mà khó hiểu. Cụ xin chuyện bình dân dễ hiểu. Liền có ngay. Ông Từ Hòe xin kể hai chuyện về đề tài các ông chồng bị tiếng oan:

-Ngày xưa các bà vợ khi đẻ thì rên la vì đau đớn nên khiếu nại với Trời: phụ nữ chúng con mang bầu đã khổ, đến khi đẻ thì còn đau khổ hơn, trong khi chồng chúng con thì luôn luôn sung sướng, sướng từ lúc ấy chúng con cho tới khi chúng con rặn đẻ, thật là bất công, vậy xin trời khi chúng con rặn đẻ thì chồng cũng phải chia sẻ cái đau của phụ nữ chúng con. Nghe có lý và Trời liền cho như vậy. Ngay sau đó tại thôn kia có chị Tèo rặn đẻ, bỗng ông hàng xóm rên la đau đớn to tiếng qúa sức.

- Một em bé đi ngang qua mặt một nhà tiên tri. Ông này rất nổi tiếng vì xưa nay ông nói cái gì cũng trúng hết. Thấy em bé đi ngang ông liền nói: Ta chia buồn với em vì chiều nay em sẽ mồ côi cha. Em bé liền chạy ngay về nhà nói với cha mình tin này. Ông bố nghe tin này thì buồn hết sức, bèn viết chúc thư rồi ngồi chờ chết. nhưng ngay sau đó thì ông hàng xóm tự nhiên lăn đùng ra chết…

Chị Ba Biên Hòa nghe xong hai chuyện rồi nói: Cả hai chuyện của Bác ý là chê đàn ông lăng nhăng nhưng cũng là chê phe liền bà còn lăng nhăng hơn nữa. Thôi thế là huề. Bây giờ xin cho phép tôi trở về mấy câu thơ của Bút Tre trên đây, xin bác Từ Hòe dịch ra tiếng Anh cho nhà tôi hiểu được hết cái ý hay của tiếng Việt.

Ông bồ chữ Từ Hòe liền lắc đầu: Tôi không thể dịch được. Xưa nay không ai dịch được trọn vẹn lời thơ và ý thơ. Nói gì đâu xa, có những câu nói trong tiếng Anh và tiếng Pháp, không dịch được nghĩa đen mà chỉ dịch được ý, chỉ có những câu nói tương đương. Mặt này tôi thấy nhiều câu tương đương hay hơn dịch nghĩa đen mà đúng vô cùng, như

- Travellers tell fine tales / À beau mentir qui vient de loin: đi xa về nhà tha hồ nói phét.

-Travel broadens the mind /Travelling forms a young: đi một ngày đàng học một sàng khôn

-To have chapter and verse: nói có sách mách có chứng

-The second word makes the quarrel: Nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng

-Bonté passe beauté: cái nết đánh chết cái đẹp

Tôi viết đến đây thì nhận được email của ngườ bạn thân. Ông chúc Tết tôi bằng một bài thơ ‘ Tạm biệt Năm Cũ’ của nhà thơ Minh Hồng. Bài thơ khá dài, hay cả ý cả lời. Xin phép Tác giả cho tôi được trích đoạn đầu và đoạn cuôi để chúc tết độc giả của tôi.

…Tôi gói ghém những muộn phiền năm cũ

Gửi chuyến tàu quá khứ ngược thời gian

Tôi góp nhặt những thương mến nồng nàn

Nhờ shipper chuyển giao vào năm mới

……..

Nguyện chúa Xuân là vườn mạch tất cả

Năm mới đã đến xin gửi ngàn lời chúc

Chúc tất cả mọi người luôn Bình An Hạnh Phúc An Khang

Nhà nhà ấm no mừng xuân đến ngập tràn

Mạnh Khỏe An Nhiên và Cát Tường Như Ý

Cả làng nghe xong bài thơ thì vổ tay râm ran. Ai cũng khen và thích bài thơ chúc tết này. Xin đa tạ nhà thơ Minh Hồng.

Nghe xong bài thơ, ông Từ Hòe vừa cười vừa nhìn mọi người: Tôi thấy bụng cồn cào, hình như Cụ B.95 và Chị Ba Biên Hòa đang mời chúng ta ra bàn ăn cỗ tết Con Rồng. Nguyên nói tới cỗ Tết năm nay thì ai cũng hăm hở liền. Các cụ có biết cỗ của làng tôi năm nay có những món gì không? Thưa nhiều lắm, cỗ Bắc cỗ Nam xen lẫn, đặc biệt có 4 món mà tôi thích hết sức, trong bàn tiệc năm mới của làng có 4 món cổ truyền này:

1. Món dưa hành, rất độc đáo: chua thì chua vừa phải, hăng thì cũng hăng vừa phải, mà dòn thì dòn lạ lùng. Từ trong vò lấy ra, hành được cắt rễ, bóc lớp vỏ ngoài và bỏ cái đuôi. Trông trắng ngần và tròn trịa như những viên ngọc tinh khiết.

2. Bát miến gà nóng bỏng trên có chùm trứng non, mấy miếng mề gà và vài miếng tiết luộc thái chỉ, chút lá răm lá ngò,

3. Đĩa bánh chưng. Chưa ăn đã thấy ngon quá sức. Đĩa bánh làm tôi nhớ câu đố ngày xưa còn bé:

Nhị vàng nhân trắng lá xanh,

Chung quanh trồng hành, giữa thả lợn con

Bánh chưng theo lối Bắc phải vuông góc và chín rền. Lâu nay làng tôi không gói bánh chưng nữa vì ở chợ VN bán rất nhiều và rất ngon.. Ngày xưa ông bà mình nấu thiếu lửa nên bánh thường bị hà bị hấy, bây giờ ở Canada này nhà hàng nấu bánh bằng bếp điện, bánh chín rất đều. Cụ Chánh bảo ngày xưa nấu bánh bằng củi phải mất 10 tiếng đồng hồ, khi vớt bánh ra còn phải ép với ván gõ lim và đè bằng cối đá. Nay thì cái bếp điện đã lo cho chúng ta hết. Ăn miếng bánh chưng ngày tết hôm nay như đem quê hương vào lòng.

4. Xong bánh chưng thì ăn tráng miệng bằng chè bà cốt. Món này nấu rất dễ. Lớp cháy của nồi xôi đem nấu với mật ong hay đường thẻ và gừng.

Hồi còn bé ăn cái gì cũng ngon hết sức, có lẽ hồi đó vị giác còn tinh nguyên, những đắng cay cuộc đời chưa làm tê dại khẩu vị của ta.

Trong bữa ăn chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện, nhất là những chuyện cười. Năm mới mà được sung sướng thế này thì sẽ may mắn cả năm.

Kính chúc các cụ Năm Mới Con Rồng mọi phước lành.