Luke Coppen, ngày 9 tháng 12 năm 2023, trên trang mạng The Pillar, cho biết: Trong bài phát biểu gần đây với các thành viên hội đồng tổng giáo phận Cologne, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki đã đưa ra một bức chân dung ảm đạm về Giáo Hội Công Giáo ở Đức.



Ngài nói, “Con đường đồng nghị” của đất nước đã được chứng minh là khác xa với tính đồng nghị, ít nhất là theo cách hiểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về thuật ngữ này. Ngài nói, thay vì lắng nghe một cách tôn trọng những ý kiến đối lập, những người tham gia đã giơ thẻ đỏ theo đúng nghĩa đen đối với những người mà họ không tán thành, khiến cho việc đối thoại thực sự là không thể thực hiện được.

Woelki nhận xét: “Tôi có ấn tượng rằng Giáo hội của chúng ta ở Đức đang bị phân cực hơn bao giờ hết. Trước đây đã có những căng thẳng, tất cả chúng ta đều biết điều đó. Nhưng bây giờ họ mạnh quá khiến tôi càng lo lắng hơn”.

Nhưng sự chia rẽ trong Giáo hội Đức sâu xa đến mức nào? Và liệu chúng có tệ hơn sự chia rẽ nội bộ của Công Giáo ở các quốc gia khác không?

Đồng nghị cái gì?

Để nắm bắt được tình hình hiện tại, cần xem xét ngắn gọn những diễn biến quan trọng nhất trong vài năm qua.

Vào năm 2019, các giám mục Đức và Ủy ban Trung ương giáo dân có ảnh hưởng của Công Giáo Đức (được biết đến với tên viết tắt tiếng Đức là ZdK) đã cùng tài trợ cho một sáng kiến mà họ gọi là der Synodale Weg (con đường hay con đường đồng nghị).

Trong ba năm tiếp theo, phương thức đồng nghị đã quy tụ các giám mục và chọn lọc giáo dân để thảo luận về những thay đổi căn bản đối với việc giảng dạy và thực hành của Giáo hội trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ làm mất tinh thần và việc rời hàng ngũ hàng loạt của người Công Giáo Đức.

Tại năm phiên họp đồng nghị từ năm 2020 đến năm 2023, những người tham gia đã đưa ra 150 trang nghị quyết kêu gọi, trong số nhiều điều, các nữ phó tế, xem xét lại luật độc thân linh mục, giáo dân thuyết giảng trong Thánh lễ, ban phép lành cho người đồng tính, sửa đổi Sách Giáo lý về đồng tính luyến ái và vai trò giáo dân lớn hơn trong việc lựa chọn giám mục.

Trong số những đề xuất táo bạo nhất của con đường đồng nghị là việc thành lập một “ủy ban đồng nghị” gồm các giám mục và giáo dân để đảm bảo việc các nghị quyết được ban hành trong các giáo phận ở Đức và dọn đường cho một cơ quan thường trực được gọi là “hội đồng đồng nghị” vào năm 2026.

Hội đồng đồng nghị đã được trình bày theo nghị quyết của con đường đồng nghị với tư cách là một “cơ quan cố vấn và ra quyết định” quốc gia sẽ “đưa ra các quyết định cơ bản có tầm quan trọng cấp giáo phận về kế hoạch mục vụ, quan điểm tương lai của Giáo hội và các vấn đề tài chính và ngân sách của Giáo hội” không được quyết định ở cấp giáo phận.”

Các viên chức Vatican cho biết vào tháng 1 rằng Giáo hội Đức không có thẩm quyền thành lập một hội đồng như vậy, mà theo họ là một “cơ cấu quản trị mới” sẽ “vượt trên thẩm quyền của hội đồng giám mục Đức và trên thực tế dường như sẽ thay thế nó."

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nghi ngờ về tính hợp pháp của cả ủy đồng nghị lẫn hội đồng đồng nghị trong một lá thư được công bố vào tháng 11 năm nay, trong đó ngài bày tỏ lo ngại rằng các thành phần trong Giáo hội Đức đang thực hiện các bước “để lèo lái nó ngày càng tránh xa khỏi con đường chung của Giáo Hội hoàn vũ.”

Trong khi đó, các nhân vật Công Giáo hàng đầu của Đức nhấn mạnh rằng kế hoạch cho con đường đồng nghị phải được tiếp nối bằng Ủy ban đồng nghị và sau đó hội đồng đồng nghị vẫn nguyên vẹn, bất cứ tín hiệu ngược lại nào đến từ Rome.

Vết nứt trong hội đồng Giám Mục Đức

Như Đức Hồng Y Woelki đã nói, nếu sự phân cực của Giáo hội Đức đã rõ ràng trong quá trình tiến hành đồng nghị, thì bây giờ người ta cho rằng điều đó thậm chí còn rõ ràng hơn với ủy ban đồng nghị.

Sau khi con đường đồng nghị kết thúc vào tháng 3, các nhà tổ chức đã tìm kiếm nguồn tài chính cho ủy ban. Nhưng nguồn tài trợ rõ ràng – Hiệp hội các Giáo phận Đức (VDD), một thực thể pháp lý của hội đồng giám mục – đòi hỏi phải có sự đồng thuận nhất trí của các giám mục.

Vào tháng 6, bốn trong số 27 giám mục giáo phận của Đức đã phủ quyết động thái này, khiến ủy ban đồng nghị phải vật lộn để đảm bảo sự ủng hộ cho đến cuộc họp đầu tiên vào tháng 11. (Nó có thể được tài trợ bởi một hiệp hội được bảo lãnh bởi các giáo phận Munich-Freising, Münster, Limburg và Würzburg.)

Bốn vị phản đối - Đức Hồng Y Woelki của Cologne, Giám mục Rudolf Voderholzer của Regensburg, Giám mục Stefan Oster của Passau, và Giám mục Gregor Maria Hanke của Eich-stätt - cũng từ chối thẳng thừng tham gia vào ủy ban đồng nghị.

Việc rút lui của các giám mục đã đặt ra một thách thức đối với tính hợp pháp của ủy ban. Rốt cuộc, cơ quan này được cho là có 74 thành viên: 27 giám mục giáo phận, 27 đại biểu được ZdK lựa chọn và 20 đại biểu được bầu chọn bởi những người tham gia con đường đồng nghị.

Nhưng cơ quan không còn có sự cân bằng về số lượng giữa các giám mục và các thành viên ZdK. Và cuộc họp đầu tiên cho thấy ZdK chiếm thế thượng phong. Cơ quan này đã loại bỏ tiêu chuẩn của đường lối đồng nghị định rằng các nghị quyết chỉ có hiệu lực khi có sự ủng hộ của 2/3 số giám mục, bằng cách ủng hộ quy tắc đa số 2/3 đơn giản. Điều này có nghĩa là 23 giám mục còn lại sẽ không thể tạo thành thiểu số cản trở.

Tổng cộng, 8 trong số 27 giám mục Đức đã không tham gia phiên họp đầu tiên của ủy ban. Bốn vị còn lại đã có những cam kết trước đó, nhưng điều đáng chú ý là họ không dành ưu tiên cho cuộc họp - một dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy ủy ban đang mệt mỏi hoặc các Giám Mục đang thờ ơ.

Các câu hỏi về tính hợp pháp

Chủ tịch hội đồng giám mục, Đức Cha Georg Bätzing và chủ tịch ZdK Irme Stetter-Karp đã bày tỏ sự lạc quan vào cuối cuộc họp khai mạc ủy ban đồng nghị. Nhưng những câu hỏi về tính hợp pháp của nó vẫn không biến mất.

Trong một bài suy tư dài 3,500 từ về tiến trình cải cách ở Đức, được công bố trên trang web của mình vào ngày 3 tháng 12, Đức Giám Mục Stefan Oster đã giải thích lý do tại sao ngài không muốn tham gia vào ủy ban đồng nghị. Vị giám mục của Passau ở Bavaria đã trình bày một giải trình tương tự về con đường đồng nghị với Đức Hồng Y Woelki, nói rằng nó được đánh dấu bằng “sự xúc động mạnh mẽ, những lời lăng mạ mang tính bút chiến và sự gián đoạn các bài phát biểu của các đại diện của các nhóm thiểu số bảo thủ”.

Đức Cha Oster gợi ý rằng việc rút lui của một số thành viên có tư tưởng bảo thủ khỏi con đường đồng nghị trước khi nó kết thúc, kết hợp với kết quả bầu cử 20 thành viên vào ủy ban đồng nghị, cho thấy “nhóm thiểu số có định hướng mạnh mẽ hơn đối với Huấn quyền và mong muốn một định hướng cải cách khác với xu hướng chủ đạo về cơ bản sẽ không còn được đại diện” trong cơ quan mới. Đức Cha Oster cũng lưu ý rằng ủy ban đồng nghị đã thông qua các quy chế và quy tắc thủ tục tại cuộc họp đầu tiên. Ngài viết: “Những tuyên bố này nói rằng hội đồng giám mục Đức, cùng với ZdK, chịu trách nhiệm về ủy ban đồng nghị. Ít nhất tôi muốn hỏi liệu điều này có đúng về mặt pháp lý hay không, vì trước đây Hội đồng Giám mục Đức chỉ là nhà tài trợ cho một mục đích chung nếu nó liên kết với Hiệp hội các Giáo phận Đức, nơi cung cấp các nguồn nhân sự và tài chính.”

“Vì vậy, nếu bốn giáo phận không tham gia vào việc tài trợ cho ủy ban đồng nghị và do đó Hiệp hội các Giáo phận Đức cũng không phải là nhà tài trợ của nó, thì làm sao ‘hội đồng giám mục Đức’ nói chung có thể là nhà tài trợ? Dựa trên cơ sở pháp lý nào?”

“Hơn nữa,” ngài nói tiếp. “Tôi được thông báo nhiều lần rằng tôi nghiễm nhiên là thành viên hoặc có ‘quyền trở thành thành viên’ của ủy ban đồng nghị do chức vụ giám mục giáo phận của tôi. Tuy nhiên, tôi đã tuyên bố rõ ràng rằng tôi không coi mình là thành viên cũng như không thực hiện ‘quyền’ được cấp cho tôi này (trên cơ sở pháp lý nào?).”

“Do đó, ‘quyền’ được cấp này đối với tôi dường như giống một sự chiếm đoạt hơn để duy trì tuyên bố rằng toàn thể hội đồng giám mục Đức thực sự là cơ quan chịu trách nhiệm về ủy ban đồng nghị. Theo ý kiến của tôi thì không, trừ khi ít nhất tất cả các giám mục giáo phận đều sẵn sàng đảm nhận việc tài trợ này.”

Để mắt đến Augsburg

Dubia [Nghi vấn] của Oster về ủy ban đồng nghị có thể được giải đáp vào tháng 2, khi các giám mục Đức tổ chức đại hội toàn thể tiếp theo, tại Augsburg (một thành phố người ta đã dùng tên của nó đặt tên cho một trong những tài liệu quan trọng nhất của cuộc Cải cách Thệ Phản). Ở đó, các giám mục dự kiến sẽ được yêu cầu phê chuẩn các quy chế của ủy ban đồng nghị, sau khi họ phê chuẩn tại cuộc họp toàn thể của ZdK vào tháng 11.

Phần lớn các giám mục Đức có thể sẽ ủng hộ các đạo luật. Rốt cuộc, họ đã làm như vậy với tư cách là thành viên của ủy ban đồng nghị. Nhưng thiểu số chắc chắn sẽ phản đối bước đi này.

Nhóm thiểu số có thể sẽ phản đối bất cứ tuyên bố nào nói rằng “hội đồng giám mục đã phê chuẩn quy chế của ủy ban đồng nghị”. Có lẽ, như họ đã làm trước đây liên quan đến hội đồng đồng nghị, họ sẽ yêu cầu Rome phân xử.

Nếu vậy, ủy ban sẽ phải đối mặt với một thử thách thực sự về tính hợp pháp của nó ngay khi nó vừa mới bắt đầu hoạt động.