1. Các tín hữu Công Giáo tại Bắc Arabia vui mừng vì Đức Thánh Cha viếng thăm

Đức Cha Aldo Berardi, Giám mục Giáo phận đại diện Tông tòa bắc Arabia, bày tỏ vui mừng của các tín hữu địa phương trước tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Dubai, từ ngày 01 đến ngày 03 tháng Mười Hai sắp tới, nhân Hội nghị Thượng đỉnh COP28 của Liên Hiệp Quốc về sự thay đổi khí hậu nhóm họp tại đây.

Đức Thánh Cha cho biết về cuộc viếng thăm của ngài trong cuộc phỏng vấn của chương trình TG1 của Ý truyền đi ngày 01 tháng Mười Một vừa qua, và được Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận sau đó.

Lúc sáng ngày 04 tháng Mười Một vừa qua, tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà Arabia, ở Awali, thuộc Bahrain, có nghi thức mở cửa Năm Thánh đặc biệt của hai giáo phận Đại diện Tông tòa Bắc và Nam Arabia, nhân kỷ niệm 1,500 năm thánh Areta và hơn 4.000 bạn chịu tử đạo, trong cuộc bách hại hồi năm 523 ở Najran, bán đảo Arabia trước thời Hồi giáo. Từ ngày 24 tháng Mười năm nay đến ngày 23 tháng Mười năm tới, các tín hữu có thể được ơn toàn xá do Đức Thánh Cha Phanxicô ban, qua Tòa ân giải Tối cao.

Lễ mở Năm Thánh này trùng vào lễ kỷ niệm một năm Đức Thánh Cha viếng thăm Bahrain, nhân dịp Diễn đàn đối thoại giữa các tôn giáo, tiếp nối cuộc viếng thăm của ngài hồi tháng Hai năm 2019, tại Abu Dhabi, để ký Văn kiện về Tình Huynh đệ nhân loại, với Đại Imam Al-Azhar AAl-Tayeb.

Vị chủ chăn của giáo phận đại diện Tông tòa Bắc Arabia, từ ngày 28 tháng Giêng năm nay, là Đức Cha Aldo Berardi, 59 tuổi, người Pháp, nguyên là Tổng đại diện của Dòng Chúa Ba Ngôi và những người nô lệ (O.SS.T). Ngài kế nhiệm Đức Cha Camillo Ballin, thuộc Dòng thánh Comboni, người Ý, qua đời năm 2020.

Cha Aldo Berardi sinh năm 1963 tại Pháp. Sau khi học triết và trải qua kinh nghiệm truyền giáo tại Madagascar, thầy trở về Pháp và gia nhập Dòng Chúa Ba Ngôi và những người nô lệ, rồi học thần học tại Montréal bên Canada, trước khi học và đậu cử nhân Thần học luân lý ở Học viện Alfonsianum ở Roma, sau đó thụ phong linh mục năm 1991.

Cha Berardi đã đảm nhận nhiều công tác trong dòng, học tiếng Arập và Hồi giáo ở Cairo, Ai Cập, và từng làm tuyên úy cho các tín hữu nước ngoài tại Vương quốc Bahrain, trước khi làm cha sở tại địa phận đại diện Tông tòa bắc Arabia. Từ năm 2019, cha là Tổng đại diện của dòng ở Roma.

Địa phận đại diện Tông Tòa Bắc Arabia, bao gồm các nước Bahrain, Qatar, Kuwait, và Arập Saudi, với khoảng hai triệu 700.000 tín hữu Công Giáo, đa số là các công nhân viên nước ngoài. Trụ sở của địa phận này được đặt tại Awali, Bahrain, nơi Đức Thánh Cha mới viếng thăm hồi tháng Mười Một năm ngoái (2022).

Toàn bán đảo Arabia có khoảng ba triệu rưỡi tín hữu Công Giáo, sống tại 7 quốc gia, nhưng chỉ có 120 linh mục. Việc hành đạo tại các nước này bị hạn chế rất nhiều, nhất là tại Arập Sauđi, chính quyền tại đây coi quốc gia này là “Thánh địa của Hồi giáo” nên cấm các tôn giáo khác không được hoạt động.

2. Đức Thánh Cha sẽ đi Dubai ba ngày, nhân hội nghị COP28

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi Dubai ba ngày, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Cop28 của Liên HIệp Quốc, về sự thay đổi khí hậu, tiến hành tại đây từ ngày 30 tháng Mười Một đến ngày 12 tháng Mười Hai năm nay.

Ngài cho biết như trên, trong cuộc phỏng vấn dài 45 phút dành cho chương trình TG1 thuộc Đài truyền hình RAI1 của Ý, truyền đi tối ngày 01 tháng Mười Một vừa qua.

Ký giả hỏi Đức Thánh Cha: “Tòa Thánh đã ký hiệp định Paris [về sự thay đổi khí hậu]. Ngài đã tố giác sự thiếu quan tâm của cộng đồng quốc tế, trước sự khẩn cấp về khí hậu. Ngài có e rằng Hội nghị Cop28, rốt cuộc sẽ kết thúc trong bế tắc hay không? Ngài có đi Dubai không?”

Đức Thánh Cha đáp: “Có, tôi sẽ đi Dubai. Tôi nghĩ là sẽ khởi hành vào ngày 01 tháng Mười Hai cho tới ngày 03 tháng Mười Hai. Tôi sẽ ở lại đó ba ngày. Tôi nhớ khi đi thăm Strasbourg, Nghị viện Âu châu, và Tổng thống Hollande của Pháp gửi bà Bộ trưởng môi trường Ségolène Royal tiếp tôi và bà hỏi tôi: ‘Ngài có đang chuẩn bị cái gì về môi trường hay không? Xin ngài hãy làm trước cuộc gặp gỡ ở Paris’. Tôi đã gọi một vài nhà khoa học đến đây, và họ làm việc mau lẹ, thông điệp “Laudato sì” được công bố trước Hội nghị [thượng đỉnh về khí hậu] ở Paris. Và Hội nghị ở Paris đã là hội nghị đẹp nhất. Sau Paris, tất cả đi thụt lùi và cần có can đảm để tiến bước trong lãnh vực này. Sau thông điệp “Laudato sì” có năm quan chức quan trọng trong lãnh vực dầu hỏa đã xin gặp. Tất cả đều gặp để biện minh... Cần có can đảm.... Chúng ta còn thời gian để dừng lại. Vấn đề này có liên hệ đến tương lai chúng ta. Tương lai con cháu chúng ta. Cần có một chút trách nhiệm...”

Dubai hiện có hơn ba triệu 560.000 dân cư, là thủ đô và cũng là thành phố đông dân nhất trong bảy tiểu vương quốc Arập, gọi là Emirate. Giáo Hội Công Giáo tại các tiểu quốc này có khoảng 900.000 tín hữu, thuộc giáo phận đại diện tông tòa Nam Arabia, với Tòa giám mục và nhà thờ chính tòa ở Abu Dhabi, nơi Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm từ ngày 03 đến ngày 05 tháng Hai năm 2019 và ký với đại diện Hồi giáo Sunnit Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại. Chuyến đi Dubai của Đức Thánh Cha sẽ là cuộc tông du thứ 45 của ngài tại nước ngoài.

Chiến tranh

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi đầu tiên về chiến tranh tại Trung Đông hiện nay, bắt đầu với các dân quân Hamas tấn công các Kibbutz của Israel và tàn sát... ngài đáp:

“Mỗi cuộc chiến tranh là một thất bại. Người ta không giải quyết được gì với chiến tranh. Nhưng tất cả đều có lợi với hòa bình, với đối thoại. Các dân quân đã vào các kibbutz, bắt giữ con tin. Họ giết người. Rồi có phản ứng. Người Israel tiến hành giải thoát các con tin ấy. Trong chiến tranh, cái tát này tạo nên cái tát khác. Một người mạnh và người khác càng mạnh hơn nữa và cứ thế tiếp tục. Chiến tranh là một thất bại. Tôi cảm thấy nó là một sự thất bại thêm. Hai dân tộc phải sống chung với nhau. Với một giải pháp khôn ngoan: hai dân tộc hai quốc gia. Như Hiệp định Oslo đề ra; hai quốc gia có ranh giới rõ ràng và Giêrusalem có một quy chế đặc biệt”.

Giáo xứ Công Giáo ở Gaza

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tình trạng giáo xứ Công Giáo ở Gaza mà ngài điện thoại thăm hỏi hằng ngày. Khi xảy ra chiến tranh, cha xứ giáo xứ Thánh Gia đang ở Bethlehem để mua thuốc men và bị kẹt không về được, và nay đang ở Giêrusalem. Hằng ngày, tôi gọi điện cho cha phó Yussuf người Ai Cập và cha ấy nói với tôi “Đây thực là điều kinh khủng. Mới đây họ đã dội bom nhà thương, nhưng họ còn tôn trọng chúng con ở trong giáo xứ, tại đây chúng con có 563 người, tất cả là tín hữu Kitô nhưng cũng có vài người Hồi giáo. Các trẻ em bị bệnh được các nữ tu của Mẹ Têrêsa săn sóc. Hiện thời, cám ơn Chúa, quân đội Israel tôn trọng giáo xứ ấy”.

Đức Thánh Cha cũng lấy làm tiếc vì trào lưu bài Do thái vẫn tiếp tục từ thời Thế chiến thứ hai, nó vẫn ngấm ngầm và nay lại bùng lên.

Vai trò phụ nữ

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha tái khẳng định lập trường không truyền chức cho phụ nữ, mặc dù tại Vatican đang ủy thác những chức vụ quan trong cho phụ nữ. Ngài nói: “Vấn đề truyền chức cho nữ giới là một vấn đề thần học, thừa tác vụ: nguyên lý Phêrô là nguyên lý quyền tài pháp và nguyên lý Maria là nguyên lý quan trọng hơn, vì Giáo hội là phụ nữ, Giáo hội là hiền thê chứ không phải là người nam. Cần có một thần học để hiểu điều đó và quyền bính của Giáo hội phụ nữ và của các phụ nữ trong Giáo hội thì mạnh hơn và quan trọng hơn quyền bính của các nam thừa tác viên. Mẹ Maria quan trọng hơn thánh Phêrô vì Giáo hội là phụ nữ. Nhưng nếu chúng ta muốn thu hẹp điều đó vào vấn đề chức năng (funzionalismo) thì chúng ta sẽ mất”.

Thượng Hội đồng Giám mục

Trả lời câu hỏi về Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua, Đức Thánh Cha đánh giá tích cực và nói: “Trong Thượng Hội đồng Giám mục. người ta nói về tất cả mọi vấn đề một cách tự do. Và điều này thật là đẹp và người ta đã thành công trong việc làm một văn kiện chung kết, cần được nghiên cứu trong phần thứ hai vào tháng Mười năm tới, giống như Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình, tiến hành qua hai giai đoạn. Tôi tin rằng chúng ta đạt tới sự thực hành tính đồng nghị mà thánh Phaolô VI đã muốn vào cuối Công đồng, vì ngài nhận thấy Giáo hội Tây phương đã đánh mất chiều kích đồng nghị mà Giáo hội Đông phương có”.

Độc thân linh mục

Trả lời câu hỏi về vấn đề độc thân linh mục, Đức Thánh Cha tái khẳng định đó là một nhân luật chứ không phải là một luật tự nhiên: các linh mục trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương vẫn lập gia đình; trái lại, ở Tây phương, luật độc thân là một kỷ luật từ thế kỷ XII. Đó là một luật có thể bãi bỏ, không có vấn đề, nhưng tôi nghĩ việc bãi bỏ như vậy không có lợi...”.

3. Putin phản ứng trước các cáo buộc cho rằng quân Nga đang tận diệt đạo Công Giáo ở các lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm.

Các giám mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Latinh và Đông phương tại Ukraine và trên thế giới đã có cuộc thảo luận với chủ đề “Niềm tin dưới lửa trong cuộc chiến của Nga với Ukraine” do Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức tại Washington, DC, từ hôm thứ Hai 30 Tháng Mười.

Các Giám Mục đã cáo buộc Nga cướp bóc và bắt bớ các linh mục Công Giáo trong các lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm. Cho đến nay, khắp tất cả các lãnh thổ bị Nga tạm chiếm không còn một giáo xứ nào hoạt động, không còn một linh mục nào hoạt động.

Đáp lại trước các chỉ trích này, Tass đưa tin hôm Thứ Sáu, Vladimir Putin cho biết Nga đang bảo vệ văn hóa và lịch sử của mình tại các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine mà nước này tuyên bố đã sáp nhập từ cuối năm ngoái.

Putin nói:

“Tại sao chúng ta lại tôn kính Alexander Nevsky như một vị thánh? Chính vì sự lựa chọn này - ngài đã nghĩ đến việc bảo tồn người dân Nga, và sau đó là tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ đất nước rộng lớn của chúng ta. Theo nhiều cách, điều tương tự đang xảy ra ngày nay khi chúng ta nói rằng chúng ta bảo vệ các giá trị đạo đức, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của chúng ta, bao gồm cả việc giúp đỡ anh chị em của chúng ta ở Donbass và Novorossiya làm điều này.”

Novorossiya là tên lịch sử của vùng đất phía nam Ukraine bao gồm Crimea. Alexander Yaroslavich Nevsky sinh ngày 13 Tháng Năm, 1221, và qua đời ngày 14 Tháng Mười Một, 1263, là một nhân vật quan trọng của thế kỷ 13 trong lịch sử nước Nga. Ông được Chính Thống Giáo phong thánh vào năm 1547, và được xem là người có hoài bão mở rộng Chính Thống Giáo.