Theo E.J. Dionne Jr., người viết chuyên mục của Washington Post (ngày 8 tháng 10 năm 2023), Phiên họp mà Đức Giáo Hoàng Phaxicô khai mạc ở Rome tuần trước là cấp tiến, mặc dù không theo nghĩa mà những người chỉ trích cánh hữu của ngài nghĩ. Mục đích của nó hoàn toàn mang tính cách mạng cho thời đại chúng ta: ngài đang cố gắng làm cho các phe xung đột của Giáo Hội Công Giáo lắng nghe nhau.



Cái tên khó hiểu của cuộc họp - “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” – nghe như câu chuyện đùa dỡn cũ về “Phân bộ của phân bộ thải người” [department of redundancy de-partment]. Tính đồng nghị là một từ rất mang tính tôn giáo mà việc kiểm tra chính tả có vấn đề và ngay cả những người Công Giáo sùng đạo cũng hiếm khi hiểu thấu.

Nhưng tính đồng nghị, được định nghĩa là cùng nhau tham vấn, lắng nghe và nghị bàn (Đức Phanxicô thì thích dùng chữ “gặp gỡ”), chính là mục đích của cuộc họp. Nó không chỉ liên quan đến các Hồng Y và giám mục mà còn cả các linh mục và giáo dân, kể cả phụ nữ – một bước tiến lớn đối với một giáo hội dành đặc quyền cho nam giới.

Thượng hội đồng có nguồn gốc từ Công đồng Vatican II vào những năm 1960, công đồng đã mở cửa giáo hội với thế giới, tán dương cách tiếp cận đồng nghị và định nghĩa giáo hội không phải theo một số cơ cấu giáo hội mà như “dân Chúa”.

Ngày nay, “dân Chúa” Công Giáo bị chia rẽ gay gắt, không khác gì nhiều truyền thống đức tin và toàn thể quốc gia khác. Điều này làm Đức Phanxicô thất vọng, ngài cho rằng “niềm vui Tin Mừng” là đủ cho mọi phe phái. Ngài hy vọng rằng việc cùng nhau lý luận có thể nhắc nhở họ về điều này.

Các ý kiến về đức tin và tôn giáo

“Tôi nghĩ ngài muốn tạo điều kiện cho giáo hội có một tương lai,” một viên chức Công Giáo có liên hệ tới việc lập kế hoạch cho thượng hội đồng giấu tên cho biết, “và nếu muốn có tương lai, giáo hội phải học cách hòa hợp với chính nó và với cả người ngoài nữa.”

Tài liệu chuẩn bị cho thượng hội đồng nói về một mệnh lệnh “phải quản lý căng thẳng mà không bị chúng đè bẹp” (một ý tưởng có thể đang hấp dẫn ngay bây giờ tại Quốc hội Hoa Kỳ). Viên chức này nói thêm về Thượng Hội đồng: “Nếu thành công, nó có thể thay đổi cách thức mà người Công Giáo giải quyết những khác biệt của chính họ, và đó có thể là một hồng phúc cho nền văn hóa rộng lớn hơn”.

Những kết thúc có hậu như vậy rất hiếm trong thế giới không hoàn hảo này, và Giáo Hội vẫn đang phải đối mặt với hậu quả từ các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục, những cuộc đào tẩu quy mô lớn trong giới trẻ và những ưu tiên khác nhau ở miền Bắc và miền Nam hoàn cầu. Tầm nhìn cởi mở của Đức Phanxicô tự nó là một thách thức đối với những người theo chủ nghĩa truyền thống, những người cho rằng tín lý của Giáo hội là bất biến và nhiệm vụ của Giáo hội là giữ vững và tiếp tục công bố tín lý đó.

Nhiều người Công Giáo tiến bộ - mà tôi là một với họ - hy vọng một tiến trình kéo dài ba năm bắt đầu bằng các cuộc tham vấn giữa những người Công Giáo trên khắp thế giới có thể đạt đến đỉnh cao ở Công đồng Vatican III và một đợt cải cách lớn mới. Trong số đó: mở chức linh mục cho phụ nữ và nam giới đã kết hôn, sự thay đổi trong cách tiếp cận tín lý của Giáo Hội đối với người LGBTQ+ và những người đã ly hôn, và nhấn mạnh hơn đến công bằng xã hội và các mối quan tâm về môi trường.

Nhưng giấc mơ của những người cấp tiến lại là cơn ác mộng của những người bảo thủ trong Giáo hội, như những người chỉ trích Đức Phanxicô đã đưa ra một tuyên bố trước thềm Thượng hội đồng, trong đó năm vị Hồng Y giải thích một loạt câu hỏi đầy hoài nghi mà họ đã đặt ra cho Đức Giáo Hoàng vào mùa hè này. Những người theo chủ nghĩa truyền thống cho rằng những tuyên bố của “các vị giáo phẩm có địa vị cao” là “công khai trái ngược với tín lý và kỷ luật thường xuyên của Giáo hội” và có thể “gây ra sự nhầm lẫn lớn và khiến các tín hữu rơi vào sai lầm”.

Các vị giáo hoàng không phải lúc nào cũng trả lời những câu hỏi như vậy (được gọi là “dubia”), nhưng Đức Phanxicô đã trả lời. Ngài đưa ra một bản tóm tắt cổ điển về quan điểm cho rằng không có gì sai khi một truyền thống vẫn tồn tại bằng cách đáp ứng những hiểu biết và hoàn cảnh mới. Ngài viết: “Giáo hội phải khiêm tốn và nhận ra rằng mình không bao giờ cạn kiệt sự phong phú khôn dò của mình và cần phải phát triển trong sự hiểu biết của mình”. Ngài nói thêm: “Mọi xu hướng thần học đều có những rủi ro nhưng cũng có những cơ hội”.

Trong ngắn hạn, thượng hội đồng khó có thể đáp ứng được những hy vọng cấp tiến hoặc biện minh cho những lo ngại bảo thủ. Nhưng điều này sẽ không làm yên lòng những người chỉ trích Đức Phanxicô, bởi vì định nghĩa của ngài về nhiệm vụ trung tâm của giáo hội khác với những quy định của những người tiền nhiệm, các Giáo hoàng Bênêđíctô XVI và Gioan Phaolô II.

Cathy Kaveny, giáo sư luật và thần học tại Đại học Boston, cho biết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô cố gắng đưa chúng ta ra khỏi tư duy chiến tranh văn hóa. Đức Gioan Phaolô và Đức Bênêđíctô thì giải quyết vấn đề thuyết tương đối. Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng vấn đề thực sự là chủ nghĩa hư vô, tức quan điểm cho rằng không có gì và không ai có giá trị. Điều vượt qua chủ nghĩa hư vô không phải là một cuộc tranh cãi mà là cuộc gặp gỡ bản thân cho thấy giá trị của con người và cộng đồng mà họ cùng nhau xây dựng.”

Cách tiếp cận của Đức Giáo Hoàng đối với các vấn đề LGBTQ+ phù hợp với mô hình này. Linh mục David Hollenbach, một nhà thần học đạo đức tại Đại học Georgetown (nơi tôi dạy), cho biết: “Ngài chỉ trích nền thần học không bắt nguồn từ những mối quan tâm mục vụ”. Như Đức Phanxicô đã viết trong thư trả lời các Hồng Y bảo thủ, “chúng ta không thể là những thẩm phán chỉ biết phủ nhận, bác bỏ và loại trừ.”

Thượng hội đồng sẽ họp cho đến cuối tháng và sẽ có một phiên họp khác vào năm tới. Rất nhiều điều có thể xảy ra, hoặc mọi người có thể tiếp tục nói chuyện. Trong bài giảng khai mạc Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô kêu gọi những người tham dự hãy “mở lòng đón nhận những điều ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần”. Trước những căng thẳng mà Đức Giáo Hoàng đang cố gắng xoa dịu, Chúa Thánh Thần có rất nhiều việc phải làm.