1. Đức Hồng Y Fridolin lên tiếng về đảo chánh tại Niger

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng giám mục Giáo phận Kinshasa, thủ đô Cộng hòa dân chủ Congo, nhận định rằng vụ đảo chánh ở nước Niger bên Phi châu, không nhất thiết là vấn đề. Vấn đề hệ trọng hơn chính là sự coi rẻ dân chúng và thái độ ích kỷ.

Đức Hồng Y Besungu cũng là thành viên Hội đồng chín Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha. Tuyên bố với Đài Vatican, truyền đi hôm 31 tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng Y nói: “Vấn đề tại Phi châu, không nhất thiết là đảo chánh. Vì người ta lên cầm quyền, hoặc bằng cách sử dụng bạo lực, hoặc theo thể thức dân chủ, nhưng rốt cục họ chỉ nghĩ đến mình và các lợi lộc của họ. Dĩ nhiên, đảo chánh không phải là cách thức tôn trọng, coi nhẹ và không thi hành ý muốn của nhân dân. Nhưng ngoài khía cạnh đó, chúng tôi nhận thấy rằng tất cả những người lên cầm quyền, hoặc bằng cách đảo chánh, hoặc trong một danh sách ứng cử viên hay qua một cuộc bầu cử dân chủ, sau cùng, hầu như tất cả đều hành động giống nhau. Họ như những kẻ săn mồi, chỉ quan tâm đến tương lai của bản thân, đến túi tiền và lợi lộc của gia đình họ”.

Đức Hồng Y Besungu nói thêm rằng: “Giáo hội lên án những vụ đảo chánh, nhưng điều này vẫn chưa đủ, vì vấn đề là nhân dân vẫn chưa được coi trọng. Chúng tôi nói rằng điều đang xảy ra ở nước Niger, chỉ là sự nối tiếp những gì đã xảy ra tại một vài nước khác và chúng tôi sợ rằng nay mai lại có thêm những cuộc đảo chánh ở các nước khác. Trong tất cả những vụ như thế, người dân bị làm ngơ không biết tới, chính nhân dân, xét cho cùng là những người bị thiệt thòi nhiều nhất”.

Trong đêm 26 rạng ngày 27 tháng Bảy vừa qua, đại tá Amadou Abdramane đã bắt giam Tổng thống Mohamed Bazoum, được bầu lên hồi năm 2021. Người ta chưa rõ vai trò của Nga trong vụ này. Trong vụ biểu tình của dân chúng, hôm Chúa nhật, ngày 30 tháng Bảy tại thủ đô Niamey, Đại sứ quán Pháp bị tấn công. Trong đám đông, có những người hoan hô Tổng thống Putin, đả đảo nước Pháp, và trương cao cờ Nga. Cộng đồng quốc tế, nhất là các đại diện cộng đồng kinh tế Tây Phi gọi là ECOWAS, lên án cuộc đảo chánh và kêu gọi trừng phạt kinh tế đối với Niger.

2. Đức Hồng Y Sako kêu gọi Tổng thống Iraq

Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, Thượng phụ Giáo chủ Công Giáo Canđê kêu gọi Tổng thống Iraq và chính phủ nước này tôn trọng phẩm giá của ngài và vai trò Giáo Hội Công Giáo trong đời sống quốc gia, bảo tồn các quyền và tài sản của các Kitô hữu, đứng trước những tham vọng đáng nghi ngờ của các đảng phái muốn thống trị.

Hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý cho biết Đức Hồng Y Sako viết như trên, sau khi Tổng thống đương kim Abdul Latif Rashid đưa ra quyết định hôm 10 tháng Bảy vừa qua, thu hồi nghị định số 147 của tổng thống tiền nhiệm Jalal Talabani, để không công nhận Đức Thượng phụ Sako là Thủ lãnh của Giáo Hội Công Giáo Canđê nữa, và vì thế không còn ngài là vị trách nhiệm và gìn giữ tài sản của Giáo hội.

Đức Hồng Y Sako khẳng định rằng quyết định trên đây của Tổng thống Rashid là một hành động “khiêu khích nhắm vào các Kitô hữu ở Iraq và mở đường cho những quyết định bất công. Vì thế, vấn đề này đòi phải có nhận thức và khôn ngoan của Phủ Tổng thống và chính phủ Iraq để chữa lành và qua đó, đạt tới một thỏa thuận với Giáo hội. Cần tìm ra một công thức có thể chấp nhận được để bảo tồn phẩm giá của Giáo hội, chống lại các tham vọng của các phe phái”.

Đức Hồng Y Sako nói rằng quyết định của Tổng thống che đậy những thủ đoạn chính trị của Ryan al-Kildani, thủ lãnh Lữ đoàn Babylon, gồm các dân quân võ trang thân Iran, và có bốn đại biểu tại quốc hội trên tổng số năm đại biểu Kitô dành cho các công dân Kitô thiểu số; thủ đoạn đó nhắm làm mất uy tín của Giáo hội và qua đó có thể chiếm đoạt các tài sản của Giáo hội.

Đức Hồng Y nhận định rằng: “Các tín hữu Kitô không phải là một món hàng để mua bán, đó là điều mà mọi người phải hiểu. Giáo hội tiếp tục là tiếng nói sự thật và là một nâng đỡ cho những người bị áp bức”. Đức Hồng Y Sako cũng cho biết sở dĩ ngài chọn đến cư ngụ tại thành Erbil ở miền bắc Iraq là để phản đối chống lại một quyết định bất công, chứ không phải vì sợ hãi hoặc trốn chạy. “Tôi sẽ không trở lại thủ đô Baghdad cho đến khi nào vị thế của tôi được tái lập và Lữ đoàn Babylon bị đặt trong tình trạng không thể gây hại nữa”.

Theo Đức Hồng Y, Tổng thống Iraq không thể vội vã ban hành nghị định, theo lời yêu cầu của bốn đại biểu thuộc lữ đoàn Babylon, những người đó không đại diện cho các tín hữu Kitô. Tổng thống cần khôn ngoan và công bằng, tham khảo ý kiến các luật gia chân chính chứ không phải những người chỉ muốn tiến thân trên con đường sự nghiệp. Quyết định thu hồi sắc lệnh của tổng thống trước đây là một biện pháp nguy hiểm, xâu xé cơ cấu quốc gia và tạo nên hỗn loạn”.

3. 20.000 thành viên Phong trào Công Giáo tiến hành dự Ngày Quốc tế Giới trẻ

Hơn 20.000 thành viên Phong trào Công Giáo tiến hành từ nhiều nước đến tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ Lần thứ 37, tiến hành tại Lisbon, Bồ Đào Nha, từ ngày 01 tháng Tám đến ngày 06 tháng Tám tới đây, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Họ cùng đi với các phái đoàn mục vụ giới trẻ thuộc các giáo phận liên hệ hoặc đi chung với các nhóm trong giáo xứ của họ. Họ hẹn nhau tại quầy của Ban điều hợp giới trẻ thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành, được dựng lên tại Công viên Vasco da Gama thuộc quận Belém ở Lisbon. Tại đây, có một số bạn trẻ thiện nguyện thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành Tây Ban Nha, Ý và Á Căn Đình giữ nhiệm vụ đón tiếp và hướng dẫn các thành viên từ các nơi. Tại đây, cũng có hình của chân phước Pier Giorgio Frassati, “thanh niên Bát Phúc” người Ý, được chọn vào số các vị Bổn mạng của Ngày Quốc tế Giới trẻ thứ 37 này.

Tại quầy này, các bạn trẻ Công Giáo tiến hành các nước có thể gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm về việc sống ơn gọi giáo dân trong các Giáo hội địa phương. Cũng có một buổi canh thức cầu nguyện và tôn kính thánh tích của chân phước Frassati, tại nhà thờ Đức Mẹ Fatima ở Lisbon, vào những ngày và giờ khác nhau, như đã được thông báo trong chương trình cho các bạn trẻ thành viên.

Phong trào Công Giáo tiến hành là một hiệp hội giáo dân cộng tác với hàng giáo phẩm. Đặc biệt tại Ý, Phong trào này được thành lập năm 1867, tức là cách đây 157 năm. Phong trào này được phân chia thành nhiều ngành: thiếu nhi, thiếu niên, người lớn. Tại các nước khác, Phong trào này có nhiều tên khác nhau.