1. Dòng nữ duy nhất đón nhận các nữ tu bị Down

Trong Giáo hội, hiện có một dòng nữ duy nhất đón nhận các phụ nữ bị hiệu chứng Down cũng như các phụ nữ lành mạnh.

Đó là Dòng Tiểu muội Môn đệ Chiên Con (Petites Soeurs Disciples de l’Agneau) chuyên sống đời chiêm niệm, và tọa lạc tại làng Le Blanc, tỉnh Indre, cách thủ đô Paris của Pháp 360 cây số về hướng tây nam.

Nguồn gốc dòng này bắt đầu từ năm 1985, khi một thiếu nữ bị hiệu chứng Down, nay là nữ tu Veronica, đến gặp Mẹ Line. Chị cảm thấy được ơn kêu gọi trở thành nữ tu, chị đi gõ cửa nhiều nhà dòng, nhưng đều bị từ chối.

Qua những tiếp xúc, mẹ bề trên Line nhìn nhận chị Veronia có ơn gọi thực sự và hai người bắt đầu sống chung với nhau với hy vọng có thêm các thiếu nữ khác, với hiệu chứng Down cảm thấy ơn gọi tu trì đến gia nhập cộng đoàn.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo CNA ở Mỹ, truyền đi ngày 12 tháng Mười Một vừa qua, Mẹ Line nói rằng thời đó Giáo hội và các cộng đoàn dòng tu không hiểu “làm sao một người bị hiệu chứng Down - nói theo danh từ nôm na là bị “bệnh khờ” - lại có thể được ơn gọi sống đời tu trì. Nhưng Mẹ Line là người đã học tâm lý và đã giảng dạy giáo lý trong nhiều năm, Mẹ thấy rằng những người bị tật Down mà mẹ làm việc với họ, rất có xu hướng về đời tâm linh”. Trong thời gian sau đó, có thêm các thiếu nữ bị Down xin gia nhập cộng đoàn và Giáo hội nhận thấy nhu cầu hiện hữu của cộng đoàn này.

Năm 1999, các Tiểu Muội được thành lập như một dòng tu chiêm niệm do sắc lệnh của Đức Cha Pierre Plateau, Tổng giám mục giáo phận Bourges sở tại. Bốn năm sau, cộng đoàn di chuyển đến làng Le Blanc, thuộc tỉnh Indre. Cộng đoàn có bảy nữ tu có hiệu chứng Down cùng với Mẹ Line và nữ tu Florence, sống ơn gọi trong một nhà dòng ở miền quê, giữa một công viên chung quanh có rừng cây, quang cảnh rất thích hợp cho đời sống chiêm niệm. Các chị đón nhận câu nói của Mẹ Têrêsa Calcutta như khẩu hiệu: “Làm những việc nhỏ với tình yêu lớn”. Mẹ Line nói: “Chúng tôi theo bước của Mẹ Têrêsa. Chúng tôi sẽ không bao giờ là những nhà thần học lớn. Đời sống của chúng tôi rất đơn giản, và giống như đời sống âm thầm của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse ở Nazareth”.

Các Tiểu Muội sinh hoạt hằng ngày theo nhịp kinh nguyện, việc phụng tự và lao tác. Mẹ Line nói: “Điều rất quan trọng đối với các Tiểu Muội là luôn “bận rộn”. Các chị cũng dành thời giờ để canh tác vườn tược, trồng rau, đan các khăn choàng cổ và làm các chiếc sắc, đồng thời sản xuất trà bằng những cây cỏ thuốc, để bán tại những cửa hàng đặc biệt nơi các nữ tu bán sản phẩm của đan viện.

Dòng này cũng được biết đến tại Mỹ nhờ một bài báo của ký giả William Mc Gurn viết và đăng ngày 23 tháng Mười Hai năm 2019 trên tờ Wall Street Journal, tờ báo nổi tiếng chuyên về tài chánh.

2. Dân Armeni cảm thấy lẻ loi trước cuộc tấn công và xâm lăng của Azerbaijan ở miền Nagorno Karabakh.

Đức Thượng phụ Raphael Bedros Giáo hội Minassian, của Giáo Hội Công Giáo Armeni ở Beirut, Liban, than rằng dân Armeni cảm thấy bị lẻ loi trước cuộc tấn công và xâm lăng của Azerbaijan ở miền Nagorno Karabakh.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ National Catholic Register ở Mỹ, nhân dịp khánh thành giáo xứ Armeni ở Budapest, với sự tài trợ của nước này, Đức Thượng phụ nói: “Chúng tôi đã hy vọng nơi câu trả lời của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xâm lăng của Azerbaijan ở miền Nagorno, nhưng hiện nay chúng tôi cảm thấy bị lẻ loi. Có một sự oán ghét thực sự chống các Kitô hữu, trái với hình ảnh nhân đạo mà các báo chí địa phương trình bày”.

Đức Thượng phụ Raphael cũng tố giác rằng “những kẻ xâm lăng đang cố gắng tàn phá mọi vết tích văn hóa Armeni, những dấu hiệu sự hiện diện của các Kitô hữu Arméni tại Nagorno”. Trong tình trạng này, người Armeni cảm thấy bị người Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đe dọa, và ký ức về cuộc diệt chủng hồi năm 1915 lại tái xuất hiện”.

Đức Thượng phụ cho biết mặc dù những ngày qua có vẻ là an bình, nhưng biên giới vẫn không an toàn. Những vụ chạm súng gần đây nhất xảy ra hồi tháng Chín năm nay, nhiều làng của người Armeni đã bị pháo kích.

Vùng Nagorno Karabakh thuộc lãnh thổ của Armeni với hầu hết dân cư là người Armeni, nhưng lại nằm gọn trong lãnh thổ của Azerbaijan. Xung đột giữa hai nước bùng nổ hồi cuối thập niên 1980. Mùa thu năm 2020, xung đột lại tái diễn. Azerbaijan với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chiếm phần lớn miền Nagorno Karabakh. 2.000 lính Nga được gửi đến như lính bảo hòa, nhưng nay, sự hiện diện của quân Nga kể như không còn với chiến tranh tại Ukraine.