Theo ký giả Elise Harris của tạp chí Crux (https://cruxnow.com/church-in-asia/2019/12/experts-say-formal-vatican-china-ties-are-a-distant-hope/), cuối tuần qua, Đức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, viện trưởng Hàn Lâm viện Khoa học của Tòa Thánh, khiến nhiều người cau mày khi ngài cho rằng bước kết tiếp đối với Vatican và Trung Quốc là thiết lập các liên hệ ngoại giao chính thức và đề cập đến chuyến đi có thể có của Đức Giáo Hoàng tới Trung Hoa.



Nhận định trên được tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Global Times), một tờ báo do Nhà nước Trung Hoa điều hành, tường trình, khi vị giáo phẩm tới thăm nước đông dân nhất thế giới này.

Các nhận định của Đức Cha Sorondo được chính phủ Trung Quốc nhiệt liệt hoan nghinh. Họ nói rằng họ mong đợi “các trao đổi hỗ tương” với Vatican.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về Á Châu sự vụ nói rằng dù các liên hệ chính thức với Trung Quốc là điều Vatican, đặc biệt dưới thời Đức Phanxicô, hết sức hy vọng muốn có, nhưng khó có thể xẩy ra nay mai.

Cha Bernardo Cervellera, chủ nhiệm Asia News và là một chuyên gia về Trung Hoa sự vụ, nói với Crux: “điều Đức Cha Sorondo nói có tính hy vọng nhiều hơn là thực tại”. Theo Cha, đây là một nhận định “vì lịch thiệp” nhưng “xem ra không có nhiều dấu hiệu” cho thấy bất cứ điều gì sắp sửa xẩy ra nay mai.

Để các mối liên hệ chính thức được thiết lập, Cervellera cho biết có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết, bao gồm cả việc phác thảo chức năng của Hiệp hội Yêu nước Trung Quốc – 1 hiệp hội đang giám sát Giáo Hội Công Giáo chính thức Trung Quốc, được chính phủ hậu thuẫn - và vai trò của điều gọi là Giáo Hội “hầm trú”, vẫn cam kết trung thành với Rôma chứ không trung thành với Hiệp hội Yêu nước.

Cha nói, cũng cần phải thảo luận về cách cho phép các nhà thờ có không gian để tăng trưởng và khai triển các dự án nhằm xây dựng công lý và hòa bình; cha nói thêm rằng ngài tin Đức Cha Sorondo “đã thúc đẩy Trung Quốc bước thêm vài bước nữa”.

Tương tự như vậy, Paolo Affatato, người đứng đầu văn phòng châu Á của Fides News, nói rằng theo quan điểm cá nhân của Ông, “Tôi không thấy (các liên hệ ngoại giao) là điều sắp xẩy ra”.

Nhìn nhận đã có một số “dấu hiệu đáng khích lệ” trong mối liên hệ giữa Vatican và Trung Quốc, Affatato nhấn mạnh rằng dù các liên hệ ngoại giao có thể chưa diễn ra nay mai, nhưng những gì đang xảy ra là một phần “của diễn trình mà nếu nó càng tiến bước, chúng ta càng có thể nói tới các liên hệ ngoại giao nhiều hơn”.

Ông cho hay “Người ta không nên nhìn quá xa về phía trước”; ông nói thêm rằng hiện có rất nhiều thiện chí trong diễn trình, nhưng việc thực sự cho thấy tiến bộ sẽ phát xuất từ phẩm chất cuộc sống hàng ngày của người Công Giáo ở Trung Quốc, điều mà theo Ông Affatato sẽ được hoàn thành trong “những bước nhỏ”, nhưng ông tin là đang được cải thiện.

Theo Thời báo Hoàn cầu, Đức Cha Sorondo hiện đang viếng thăm Trung Quốc để tham dự một hội nghị hiến tặng và cấy ghép nội tạng ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc: tại đây, ngài nói rằng, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu mến và tin tưởng Trung Quốc; và Trung Quốc tin tưởng Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Ngài nói thêm “Trong tính năng động này, bước tiếp theo là đạt được [một thỏa thuận về việc thiết lập] liên hệ ngoại giao”; ngài bày tỏ sự lạc quan về một chuyến viếng thăm Trung Quốc có thể có của Đức Phanxicô và viếng thăm Vatican của các nhà cầm quyền Trung Quốc.
Mặc dù những gì ngài nói không hoàn toàn nằm ngoài lãnh vực khả thể trong tương lai, Đức Cha Sorondo đã gây xôn xao nơi các chuyên gia vào năm ngoái vì đã tỏ ra tô vẽ một bức tranh sai lạc về Trung Quốc, khi, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Vatican Insider, đã cho rằng Trung Quốc không có vấn đề nghiêm trọng nào về nghèo đói và nhấn mạnh rằng chính phủ nước này là một nhà lãnh đạo trong việc bảo vệ nhân quyền.

Kể từ khi Đức Phanxicô được bầu năm 2013, Đức Cha Sorondo đã có một sở trường gây tranh cãi và đôi khi tỏ ra có óc bè phái trong vai trò của ngài tại các hàn lâm viện giáo hoàng, khi mời Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bernie Sanders và các đảng viên Đảng Dân chủ khác đến dự các hội nghị khác nhau tại Vatican.

Đức Phanxicô thường nói lên mong muốn đến thăm Trung Quốc; gần đây nhất là trên đường trở về từ Nhật Bản, ngài nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo trên chuyến bay rằng “tôi yêu mến Trung Quốc” và ngài muốn đến thăm Bắc Kinh.

Đức Phanxicô tỏ ra tránh né một câu hỏi về các cuộc biểu tình đã làm tê liệt Hồng Kông trong sáu tháng qua, bằng cách nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình xảy ra ở các quốc gia khác trên khắp thế giới, kể cả Châu Mỹ Latinh.

Đức Phanxicô nói, “Tôi yêu cầu hòa bình ở những quốc gia đang có vấn đề này”, và ngài thúc giục đối thoại.

Theo Ông Affatato, các nỗ lực của Đức Phanxicô trong việc lôi kéo Trung Quốc đang xây dựng trên công trình của các vị tiền nhiệm của ngài, một công trình “đang mang lại các thành quả tích cực”, dựa vào sinh hoạt Công Giáo ở Trung Quốc, mà theo ông đang được cải thiện.

Tuy nhiên, Cha Cervellera có một cái nhìn bi quan hơn về tình hình; ngài nói rằng “không có gì thay đổi” kể từ khi Vatican và Trung Quốc đạt được thỏa thuận bí mật về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm ngoái.

Thay vào đó, ngài nói “tình hình đối với người Công Giáo đã trở nên tồi tệ hơn”, nhưng ngài thừa nhận rằng các chuyến viếng thăm chính thức Vatican của các viên chức Trung Quốc là điều có thể có, bởi vì Vatican “luôn chào đón bất cứ ai”.

Theo ngài, vấn đề ở đây, là Trung Quốc vẫn phải đối đầu với sự chia rẽ nội bộ về việc phải tương tác ra sao với Đức Phanxicô, với một số người nói rằng Giáo Hội Công Giáo có thể tồn tại miễn là nó được kiểm soát, và những người khác nói rằng cần phải loại bỏ nó hoàn toàn.
Cha Cervera nói, “tính năng động này có thể tạo thêm nhiều chia rẽ hơn nữa”; cha nói thêm rằng Đức Phanxicô muốn mời các viên chức Trung Quốc đến Vatican. Trong lúc này, “ngài có thể mời họ không phải trong tư cách đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, mà là đứng đầu Vatican”.

Cả Ông Affatato lẫn Cha Cervellera đều nói rằng họ tin việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila gần đây làm người đứng đầu thánh bộ truyền giáo của Vatican có thể giúp các cuộc đàm phán với Trung Hoa lục địa.

Đức Hồng Y Tagle, 62 tuổi, là tân bộ trưởng mới của Thánh Bộ Truyền giảng Tin mừng của Vatican, cũng được gọi là Propagande Fidei, và cũng là người đứng đầu tổ chức từ thiện giáo hoàng quốc tế, Caritas Internationalis. Ông ngoại của ngài di cư từ Trung Quốc đến Phi Luật Tân khi còn nhỏ.

Ông Affatato cho biết ông tin rằng trong vai trò mới của mình, Đức Hồng Y Tagle “có thể giúp đỡ trong việc tạo thuận lợi” cho vấn đề Trung Quốc của Vatican. Theo ông, cuộc bổ nhiệm này có thể cung cấp “nhiều cánh cửa mở rộng hơn”, xét về nguồn gốc của Đức Hồng Y Tagle, và kiến thức của ngài về các vấn đề mà lục địa châu Á đang phải đương đầu; một trong các vấn đề này là Kitô giáo, dù tập trung cao độ ở một số khu vực, nhưng vẫn là một thiểu số.

Ông chp hay, “theo chiều hướng này, một Hồng Y châu Á hướng dẫn văn phòng truyền giáo... cũng có thể nắm bắt được thực tế Trung Quốc”.

Tương tự như vậy, Cha Cervellera bày tỏ niềm tin rằng Đức Hồng Y Tagle có thể giúp thúc đẩy các liên hệ với Trung Quốc, “không phải vì dòng máu Trung Quốc, mà vì trí thông minh và thái độ của ngài”.

Cha nói, “Việc truyền giáo ở châu Á có tầm quan trọng của nó trong thế giới giáo hội”; ngài nói thêm rằng theo quan điểm của ngài, Đức Hồng Y Tagle không những có khả năng, mà còn có kinh nghiệm làm cho sự việc diễn ra.