Thời Đức Phaolô VI, Vatican áp dụng triệt để chính sách hòa dịu với khối Cộng sản Đông Âu (Ospolitik) và Tòa Thánh cũng áp dụng cùng một chính sách ấy vào chính trường Đông Dương, đặc biệt là chính trường Việt Nam. Việc áp dụng này là một trong những nhân tố khiến nhiều người, cho tới tận nay, vẫn nghĩ Vatican “không hiểu gì về Việt Nam”. Và nhân cơ hội, bộ máy ngoại giao của Vatican đang áp dụng triệt để cùng một chính sách trong việc bắt tay với Trung Quốc gây ngỡ ngàng cho nhiều người Công Giáo Trung Hoa, chúng tôi mở lại phần nào một số yếu tố trong câu truyện này, một phần cũng là vì đọc được một bài viết mới đây của Ông Trần Vinh.

Thực vậy, trên tập Kỷ Yếu phát hành trực tuyến hồi tháng Sáu năm 2017 của Các Cựu Sinh Viên Công Giáo các Đại Học Nam Việt Nam trước năm 1975, Ông Trần Vinh có bài “Tòa Thánh Chỉ là Tòa Thánh”, trong đó, ông nhận định: Việt Nam là “một nước nhỏ, nên không được Vatican đếm xỉa…”. Theo ông Trần Vinh, việc không hiểu gì về Việt Nam đã khiến Vatican vô tình góp phần vào việc kết liễu nền đệ nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ít nhất, theo ông, “Vatican là một trong những thế lực đầu tiên trách cứ Tổng Thống Ngô Đình Diệm”.

Vì sự kiện trách cứ trên không diễn ra thời Đức Phaolô VI, nên chúng tôi không lạm bàn ở đây. Chỉ xin nói đến các can thiệp của Đức Phaolô VI từ năm 1965, lúc người Mỹ trực tiếp can thiệp vào Việt Nam và cường độ chiến tranh bắt đầu gia tăng thảm khốc khiến 1 vị giáo hoàng như Đức Phaolô VI không thể nào đứng ngoài cuộc. Chỉ có điều, ngài đã mang trọn phương thức Ospolitik áp dụng vào Việt Nam.

Theo Ông Trần Vinh, năm 1965, lúc người Mỷ ồ ạt đổ quân vào Nam Việt Nam cũng là lúc “nhóm chủ bại tại Hoa Kỳ dần dần thắng thế” khiến Ông Johnson “bắt đầu đi tìm giải pháp chính trị”. Tháng 10-1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tới đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc và kêu gọi “… không bao giờ để xẩy ra chiến tranh nữa và thế giới nồng nhiệt đón nhận thiện chí yêu chuộng hoà bình của ngài. Ông Johnson mau lẹ nắm bắt lấy cơ hội, bèn yêu cầu ngài làm trung gian bắc nhịp cầu tiếp xúc với Cộng Sản Bắc Việt. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhận lời.

Từ 1965 tới 1968, hai vị đã trực tiếp gặp nhau 2 lần: lần đầu tại New York (1965), lần sau, tại Vatican (1967). Ngoài ra, Ông Johnson còn gửi cho ngài 3 lá thư và phái Đại sứ Cabot Lodge (1966) và Phó Tổng Thống Humphrey (năm 1967) qua gặp Đức Phaolô VI.

Trong thư gửi cho các giám mục Việt Nam năm 1966, Đức Phaolô VI chính thức loan báo vai trò trung gian nói trên của ngài và đoan hứa “Ta sẵn sàng hợp tác vô giới hạn”. Cùng năm, ngài phái Tổng Giám Mục Sergio Pignedoli tới Sài Gòn để truyền đạt quan niệm Ospolitik và đường lối tìm kiếm hoà bình cho Việt Nam của ngài: “ Nhân danh Thiên Chúa, xin hãy dừng lại! Hãy gặp nhau, hãy đi đến bàn hội nghị, hãy thành thật thương thuyết. Chính ngay bây giờ hãy giải quyết các mối bất hoà tranh chấp, dầu phải chịu chút ít thiệt thòi, vì thế nào rồi cũng phải hoà giải, nhưng có lẽ với nhiều tai hại tàn khốc khủng khiếp mà hiện nay không ai lường được”.

Ông Trần Vinh cho hay: “Trong thực tế, người ta bảo rằng, khi ‘làm việc’ với các giám mục Việt Nam, vị đặc sứ Vatican đã khuyến cáo các vị giám mục Miền Nam phải thích nghi với tình hình, phải tìm cách tách ra khỏi con đường bế tắc của… chế độ Sài Gòn.Vị đặc sứ nói Vatican không đồng tình với những cuộc xuống đường mang màu sắc đối kháng tôn giáo và biểu thị liên hệ gắn bó với nền Đệ Nhất Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đồng thời, ngài lưu ý Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải theo tinh thần yêu chuộng hoà bình của Công Đồng Vatican II và ủng hộ công cuộc vận động hoà bình cho Việt Nam của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thay vì tiếp tục hận thù và đeo đuổi chiến tranh”.

Việc làm trung gian của Đức Phaolô VI, theo Cha Pablo (Pope Paul VI and President Lyndon Johnson during the Vietnam War, July 8, 2010) đã đem Hà Nội tới bàn thương thuyết. Thực vậy, theo vị linh mục này: 4 tháng sau khi Ông Johnson tới Vatican, “năm 1968, Vatican chứng tỏ có ảnh hưởng trong việc đem Hà Nội tới Paris để bắt đầu thương thuyết hòa bình”.

Thực vậy, Đức Phaolô VI sử dụng 1 phái đoàn của Cộng Sản Ý tới Việt Nam để tiếp xúc với Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 11 năm 1966. Ngài đề nghị với Ông Hồ lấy Vatican làm địa điểm đàm phán hòa bình với Hoa Kỳ. Phản ứng của Ông Hồ khởi đầu tích cực, nhưng sau đó bác bỏ khả thể đàm phán khi, ngày 13 tháng 12, Hoa Kỳ ném bom Hà Nội “cách không phân biệt”. Không nản, ngài tiếp tục cuộc đối thoại dù bất lợi ở điểm không có liên hệ ngoại giao với cả hai bên!

Trong cuộc gặp gỡ với Humphrey tháng Tư năm 1967, ngài cho hay: việc ném bom Hà Nội xâm hại tư thế tinh thần của Hoa Kỳ và tỏ ra vô hiệu vì Hà Nội khước từ đàm phán. Ngài cũng cho Humphrey hay: đa số các nước Âu Châu coi Hoa Kỳ là kẻ gây hấn dù ngài không cho là như thế. Ngài cũng nói thế với Johnson khi ông này tới Vatican vào tháng Mười Hai cùng năm, nhất là Hoa Kỳ cần chấm dứt việc ném bom Bắc Việt Nam. Ngài cũng khuyên Ông nên biến chiến tranh thành một cuộc chiến phòng thủ hơn là một cuộc chiến tấn công.

Năm 1968, Đức Phaolô gửi lời mời ngoại giao tới Hoa Kỳ và Hà Nội để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Thư này đã thúc đẩy Hà Nội chọn Paris làm nơi đàm phán vào ngày 10 tháng Năm hay một vài ngày sau đó.

Trong một bài thuyết trình tựa là “A Century of Papal Representation in the United States”, tại Đại Học Seton Hall năm 1992, người sau này là Đức Hồng Y Timothy M. Dolan, cho biết thêm chi tiết sau đây: Đức Cha Paul Marcinkus, người sau này giữ vai trò quan trọng trong việc quản trị tài chánh của Tòa Thánh, đã đích thân mang tới cho Ông Johnson lá thư của Đức Phaolô yêu cầu ngưng bắn và ngưng ném bom như một điều kiện để ngài thuyết phục Hà Nội chịu đàm phán.

Joseph McAuley, trong bài “Pope and President, Paul VI and Lyndon B. Johnson: Christmas on the Tiber, Texas Style” đăng trên tạp chí America tháng Chín, 2015, thuật lại chuyến viếng thăm Đức Phaolô VI tại Vatican.

Theo tác giả trên, quyết định tới Vatican của Johnson được giữ hoàn toàn bí mật: không ai được biết, ngay cả đoàn báo chí của Tòa Bạch Ốc. Johnson nói với viên phụ tá: “không được nói cho bất cứ ai”.

Về phần Đức Phaolô VI, lúc đó, vừa mổ tuyến tiền liệt và đang dưỡng sức, nên đâu có hứng chi tiếp khách, nhất là sắp tới Lễ Giáng Sinh (chỉ còn 2 ngày nữa). Máy bay chở Johnson đáp xuống phi trường Rôma, từ đó, Ông Johnson đáp trực thăng trực chỉ Vatican, dù trước đó, viên phi công không biết Vườn Vatican nằm ở chỗ nào!

Mãi sau này, mới có tường trình cho hay cuộc hội ngộ khá căng thẳng. Ký giả Wilton Wynne của Time thuật lại trong hồi ký về Vatican của ông rằng Đức Giáo Hoàng bị khích động, “đã đập bàn” và “la hét” Ông Johnson về Việt Nam.

Cứ xem như trên, thì rõ ràng Tòa Thánh lúc ấy coi trọng Hà Nội hơn Sài Gòn. Hà Nội được ngài vận động ngồi vào bàn đàm phán với bảo đảm sẽ thông tri cho Hoa Kỳ các đòi hỏi tiên quyết (ngưng ném bom) của họ. Sài Gòn thì không thấy nói tới tiếp xúc nào với nhà cầm quyền, mà chỉ là vận động để tín hữu của ngài đừng theo quan điểm của nhà cầm quyền và bằng lòng chịu chút thiệt thòi, nếu có, miễn là chấm dứt chiến tranh.

Ông Trần Vinh thì cung cấp thêm một số chi tiết cho thấy thái độ trên của Đức Phaolô VI:

“Trung tuần tháng 9, 1970, khi đi thăm Á châu, Đức Giáo Hoàng không tới thăm Đài Loan và Nam Việt Nam là 2 nước chống Cộng, mặc dù Việt Nam có số tín hữu đông thứ nhì ở Á châu. Và khi bay qua lãnh thổ Việt Nam ngài đã chọn ngay tại vĩ tuyến 17 là lằn ranh phân chia Bắc Nam để gửi thông điệp cho cả Sài Gòn lẫn Hà Nội. Ngày 14-02-1973, Đức Giáo Hoàng chính thức tiếp Xuân Thủy là trưởng phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt tại Hoà Đàm Paris và Ngài gọi đó là ‘ngày đáng ghi nhớ’. Rồi 3 tháng sau, ngày 12-5-1973, Ngài lại tiếp Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hiếu của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Trước đó, vào tháng 2 năm 1971, Nguyễn Thị Bình, bộ trưởng ngoại giao của Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam kiêm trưởng phái đoàn của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam tại Hoà Đàm Paris, đã tới Vatican và được giới chức cao cấp Vatican tiếp đón. Đầu tháng 4-1973, trong chuyến công du sau khi Hiệp Định Paris ra đời (đi Hoa Kỳ, Anh, Tây Đức, Ý, Vatican, Đại Hàn và Đài Loan), Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiếp kiến lâu 1 giờ. Nhân dịp, tổng thống trình lên ngài danh sách 37 ngàn tù binh Cộng Sản để chứng minh Việt Nam Cộng Hòa không hề giam giữ tới ‘300 ngàn tù chính trị’ theo luận điệu dối trá của Cộng Sản và các phần tử thân Cộng (như nhóm báo CHỌN của Linh Mục Trương Bá Cần và ĐỨNG DẬY của Linh Mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan…). Mới đây, qua điện thoại, nhà báo Vũ Ánh (trước 30-4-1975, là chánh sở thời sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia; hiện làm cho Viet Herald, Nam California) kể lại cho tôi nghe chuyện ông được tháp tùng chuyến đi này của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy không được tới gần, nhưng ông đã tận mắt nhìn thấy tổng thống bắt tay, hôn nhẫn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và được ngài mời ngồi xuống để đàm đạo, và khi ra về ‘dáng mặt tổng thống có vẻ đăm chiêu, buồn bã’. Không ai biết hết lí do tại sao Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu buồn, nhưng chắc là có chuyện tổng thống phải thanh minh với Đức Giáo Hoàng về vụ 300 ngàn tù chính trị ‘ma’ do các kí giả thân Cộng Âu Mĩ vào hùa với Cộng Sản Bắc Việt cùng bọn tay sai bịa đặt ra”.

Theo ông Trần Vinh, “quân dân Miền Nam chiến đấu vừa để chống hoạ Cộng Sản vừa để bảo vệ bờ cõi đất nước. Thế mà Đức Phaolô VI, vì quan điểm hoà bình vô điều kiện của mình, đã không nhắc tới chính nghĩa chiến đấu tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa. Thay vì phải tích cực cổ vũ, vận động thế nào để Cộng Sản Bắc Việt phải từ bỏ tham vọng, từ bỏ âm mưu xâm lấn Miền Nam tự do thì ngài lại kêu gọi mỗi bên phải nhường nhịn, “dầu phải chịu chút ít thiệt thòi”. Đức Giáo Hoàng và đa số các nhà đạo đức Âu Mĩ chưa đủ kinh nghiệm để nhận ra điểm chết người này: đối với bọn Cộng Sản quỷ quyệt, nhường nhịn có nghĩa là sẽ mất trắng! Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có thiện chí tìm kiếm hoà bình. Nhưng vì không nắm rõ nguyên nhân chính yếu của cuộc chiến; không hiểu đúng mức bản chất độc ác, xảo quyệt của Cộng Sản Bắc Việt; không nắm được ý đồ muốn tháo chạy của người Mĩ và không có viễn kiến về hậu quả tai hại thế nào cho dân tộc Việt Nam khi Cộng Sản Bắc Việt thôn tính toàn cõi Việt Nam cho nên vị giáo hoàng đạo đức, tốt lành đã bị lợi dụng cho một trò chơi chính trị lật lọng, dối trá, bẩn thỉu. Những cuộc tiếp đón các viên chức cao cấp của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam tại Vatican, cho thấy Vatican cũng đã bị Cộng Sản Bắc Việt ‘bịp’ như họ đã ‘bịp’ được dư luận và nhiều chính phủ các nước Âu Mĩ lúc đó”.

Ông Trần Minh nhận định: “Vatican vô tình khởi đầu tiến trình dẫn dắt cho Hoa Kỳ và Cộng Sản Bắc Việt tiếp xúc, gặp gỡ để rồi Hoa Kỳ âm mưu bán đứng Miền Nam cho Cộng Sản Bắc Việt. Cái Hiệp Định Paris 1973 nói là để chấm dứt chiến tranh, thực chất chỉ là để cho “đồng minh (Mĩ) tháo chạy”, đồng thời nó trói tay Việt Nam Cộng Hòa lại để cho Cộng Sản Bắc Việt dễ dàng thâu tóm toàn cõi đất nước... Trong sứ mạng tôn giáo, Vatican luôn luôn cổ vũ và tìm kiếm hoà bình cho nhân loại. Song thiện ý là một chuyện, phương cách thi hành và hiệu quả đạt được lại là một vấn đề khác. Đức Giáo Hoàng ở trên cao quá, việc thế sự nằm trong tay vị quốc vụ khanh và bộ ngoại giao Vatican. Dù nói thế nào, các vị này cũng vẫn chỉ là những con người đang sống ở thế gian này. Riêng trường hợp Việt Nam, dường như các viên chức cao cấp của Vatican, trong tư thế của những chính khách mặc áo dòng, đã từng ảnh hưởng vào chính tình phức tạp ở Miền Nam Việt Nam và nhất là đã nhúng tay vào việc tìm kiếm một thứ hoà bình bánh vẽ không có cái nhân công lí cho Việt Nam”.

Dĩ nhiên, việc Miền Nam mất vào tay Cộng Sản có nhiều nguyên nhân phức tạp. Nhưng nhiều người Công Giáo hồi đó và cả bây giờ không khỏi có cùng những cảm nghĩ như Ông Trần Vinh, khi nói đến sự đóng góp của triều giáo hoàng Phaolô VI. Người viết bài này hồi ấy cũng có cùng một tâm trạng nên đã có một bài viết khá dài phân tích thái độ của Đức Phaolô VI đối với Việt Nam Cộng Hòa nói chung và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói riêng, nhân chuyến Tổng Thống tới yết kiến ngài tại Vatican. Bài báo ấy đã không được đăng trên Nguyệt San Cao Đẳng Quốc Phòng. Chủ Nhiệm Nguyệt San là Đại Tá Quang và chủ bút Tập San là Đại Úy Tâm (tức nhà văn kiêm thi sĩ Thanh Tâm Tuyền) gọi điện thoại cho người viết lúc ấy đang phục vụ tại Phủ Thủ Tướng, nói rằng phải sửa lại thế nào để tránh việc Tổng Thống bị Đức Phaolô VI cư sử lạnh nhạt. Sửa như thế là bôi bỏ hết ý hướng chính của bài báo. Nên đôi bên đồng ý không đăng tải bài viết. Rất tiếc bài viết khá dài ấy nay đã bị thất lạc sau gần 46 năm.