2.3 Thánh vịnh

17. Thánh vịnh là một tập hợp các lời cầu nguyện phát xuất từ trải nghiệm bản thân và cộng đồng về sự hiện diện và hành động của Chúa. Các Thánh vịnh diễn tả lời cầu nguyện của Israel vào những thời kỳ khác nhau trong lịch sử của họ: vào thời hoàng gia và sau đó, trong thời lưu đày, lúc chính Thiên Chúa ngày càng được nhìn nhận là vua của Israel, và cuối cùng, sau lưu đầy vào thời đền thờ thứ hai. Mọi thánh vịnh tạo nên một bằng chứng về mối liên hệ sống động và mạnh mẽ với Thiên Chúa, và trên cơ sở đó có thể quả quyết rằng mọi thánh vịnh đều phát xuất từ Thiên Chúa và được Thiên Chúa linh hứng. Tùy theo điều chính các bản văn phát biểu, chúng ta có thể dựng lại, tuy không cho là rốt ráo, ít nhất ba loại biểu thức của mối liên hệ này:

a/ Cảm nghiệm sự can thiệp của Chúa vào đời sống tín hữu.

b / Cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong đền thánh

c / Cảm nghiệm chính Thiên Chúa, nguồn gốc mọi khôn ngoan.

Ba loại liên hệ với Thiên Chúa được sống dựa trên giao ước Sinai, bao gồm lời hứa Thiên Chúa sẽ hiện diện tích cực trong đời sống hàng ngày của dân và trong đền thờ.

a. Cảm nghiệm sự can thiệp của Chúa vào đời sống tín hữu

Những người cầu nguyện cảm nghiệm được sự giúp đỡ mạnh mẽ của Thiên Chúa theo hai cách: đó có thể là một đáp ứng đối với lời kêu cầu của họ, hoặc có thể tỏ hiện trong những điều kỳ diệu mà Người là tác giả.

Về đáp ứng của Thiên Chúa đối với lời cầu nguyện, trong khá nhiều thí dụ khả hữu, ta hãy trích dẫn Thánh vịnh 30 (1): 10-13: "Con kêu lên Chúa, lạy Chúa, con khẩn cầu Thiên Chúa của con (...) Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ! Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy Chúa là Thiên Chúa con, xin tạ ơn Ngài”.

Một cảm nghiệm bản thân, và đồng thời cộng đồng, về Chúa, Đấng cứu rỗi là sức linh hứng của các Thánh vịnh cầu khẩn và ngợi khen. Cảm nghiệm này thường được chỉ định, nếu không được thuật lại, ở đầu (xem Tv 18:5-7; 30:2), ở cuối (xem Tv 142:6-8) hoặc ở giữa Thánh vịnh (xem Tv 22: 22; 85: 7-9). Nửa chừng giữa sự cầu xin và ngợi khen của con người, ta thấy Lời (diễn tả lời hứa và hành động) của Thiên Chúa (Tv 30:12). Sau khi nhận ra nó, thánh vịnh gia cảm thấy được linh hứng để nói nó cho người khác. Do đó, Lời này được tiếp nhận và cầu nguyện không chỉ bởi một cá nhân, mà bởi toàn dân.

Những người cầu nguyện chú ý đến các kỳ công của Chúa, bởi vì Chúa nói với họ, cũng như với toàn dân qua những công trình vĩ đại mà Người đã thực hiện trong suốt diễn trình sáng tạo và trong lịch sử Israel. Tv 19:2-5 nhắc tới các điều kỳ diệu của sáng thế và mô tả "ngôn ngữ" của chúng:

"Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển”. Chỉ có người cầu nguyện mới hiểu thứ ngôn ngữ nói về "vinh quang của Thiên Chúa" này (xem Tv 147:15-20), và diễn đạt nó bằng lời nói của mình.

Thánh vịnh 105 nhắc nhớ các công trình của Thiên Chúa trong lịch sử Israel và khuyên nhủ mỗi cá nhân, cũng như toàn dân trong tính toàn thể của họ: v. 5: "Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán ra”. Các Thánh vịnh lịch sử ghi lại "những kỳ công" do Thiên Chúa thực hiện, đồng thời là "những phán đoán từ miệng Người". Lời lẽ của các Thánh vịnh này, được lên công thức bằng ngôn từ con người, được linh hứng từ các công trình vĩ đại của Chúa. Tiếng nói này của Chúa tiếp tục vang lên trong "ngày hôm nay" của người cầu nguyện và của dân. Cần khẩn cấp lắng nghe tiếng nói này.

b/ Cảm nghiệm sự hiện diện mạnh mẽ của Chúa trong đền thánh

18. Chúng ta hãy lấy các thánh vịnh 17 và 50 làm thí dụ. Trong bản văn đầu tiên, cảm nghiệm về Thiên Chúa linh hứng cho một người bị buộc tội sai lầm dâng lời cầu nguyện tin tưởng vô điều kiện vào Thiên Chúa; trong bản văn thứ hai, cảm nghiệm này làm người ta nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa tố cáo hành vi sai lầm của dân.

Trong Thánh vịnh 17, câu cuối cùng bày tỏ niềm hy vọng gần như chắc chắn: "Về phần con, sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Ngài, khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh nhan Ngài” (c.15). Hai lời cầu nguyện khác của những người bị bách hại kết thúc cách tương tự: Tv 11:7 - "những kẻ sống ngay lành sẽ được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa”; và Thánh vịnh 27, trong câu áp chót (câu 13) - "Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống” (xem câu 4: 8-9). Kiểu nói "Thánh nhan Chúa" có nghĩa là chính Thiên Chúa, Ngôi vị Thiên Chúa theo thực tại chân thực và hoàn hảo của Người. Do đó, kiểu nói "nhìn thấy thánh nhan Thiên Chúa" có nghĩa là cuộc gặp gỡ mãnh liệt, thực chất và có tính bản thân với Thiên Chúa, không qua trung gian giác quan thị giác, nhưng trong "thị kiến" đức tin. Niềm hy vọng không thể lay chuyển có được cảm nghiệm này về Thiên Chúa ("Tôi sẽ thấy" trong tương lai) và nhận thức về Thiên Chúa, Đấng tự bày tỏ Người ra, là nền tảng của toàn bộ lời cầu nguyện.

Thánh vịnh 50 đề cập đến cảm nghiệm thần hiện (théophanie) trong phụng vụ ở Đền thờ. Với việc xuất hiện của Thiên Chúa giao ước (Tv 50:5), đã tái tạo các hiện tượng của Sinai, lửa hồng thiêu đốt, bạo vũ cuồng phong (Tv 50:3). Sự tỏ mình của chính Thiên Chúa và mối liên hệ của Người với Israel (50:7: "Ta là Thượng Đế, là Chúa ngươi thờ” dẫn đến lời buộc tội chống lại dân: "Ta đặt điều này dưới con mắt ngươi, và Ta buộc tội ngươi" (Tv 50:21). Thiên Chúa chỉ trích hành vi của dân hai cách: mối liên hệ của họ với Thiên Chúa chỉ tập trung vào các lễ hy sinh (Tv 50: 8-13), và mối liên hệ với người lân cận trái ngược 180 độ với các điều răn của giao ước (Tv 50:16-22 ). Thiên Chúa đòi lời ngợi khen, lời cầu nguyện trong nỗi xao xuyến âu lo (Tv 50:14-15.23) và sự chính trực đối với người lân cận (Tv 50:23). Do đó, Thánh vịnh 50, ở tâm điểm sách Thánh vịnh, lặp lại các công thức tiên tri: không những nó làm cho Chúa lên tiếng, mà còn trình bày tất cả lời khẩn cầu và tất cả hành động ngợi khen cũng như vâng lời lệnh truyền của Thiên Chúa. Do đó, mọi lời cầu nguyện đều được Thiên Chúa "linh hứng".

c/ Cảm nghiệm chính Thiên Chúa, nguồn khôn ngoan

19. Khôn ngoan và trí hiểu là những thuộc tính thần thiêng (xem Tv 136:5; 147:5). Chính Người là Đấng truyền đạt các thuộc tính này ("Trong bí nhiệm, Ngài dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan": Tv 51:8), khiến con người ra khôn ngoan, nghĩa là có khả năng thấy mọi sự như Thiên Chúa thấy chúng. Đavít từng sở hữu sự khôn ngoan và trí hiểu như vậy từ lúc Thiên Chúa gọi ông làm Vua Israel (xem Tv 78:72).

Kính sợ Thiên Chúa là điều kiện cần thiết để được Thiên Chúa "dạy dỗ" và để nhận được sự khôn ngoan. Trong phần đầu của Thánh vịnh 25, người cầu nguyện ngông khừng xin được Chúa dạy dỗ (câu 4-5: " Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con”, dựa vào việc Thiên Chúa sẵn lòng để ban sự khôn ngoan (xem câu 8-9). Sự kính sợ Thiên Chúa là thái độ không thể thiếu để hưởng được sự giáo huấn đặc biệt của Thiên Chúa: " Phàm ai kính sợ Thiên Chúa, Người chỉ cho thấy đường phải chọn" (Tv 25:12). Những người kính sợ Thiên Chúa không chỉ nhận được giáo huấn về con đường phải theo, mà như Thánh vịnh 25 giải thích, họ còn nhận được sự soi sáng sâu rộng và sâu sắc hơn: "Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa và cho họ biết giao ước của Người"(c. 14); nói cách khác, Người dẫn họ vào mối liên hệ bè bạn mật thiết với Người và hiểu biết thấu đáo về giao ước mà Người đã lập với Israel tại Sinai. Do đó, chúng ta nhận thấy rằng mối liên hệ với Thiên Chúa, được phát biểu trong kiểu nói "kính sợ Thiên Chúa", là nguồn linh hứng mà từ đó nhiều Thánh vịnh khôn ngoan đã phát xuất.



2.4 Sách Huấn Ca

20. Trong các sách tiên tri, chính Thiên Chúa nói qua trung gian các Tiên tri. Như chúng ta đã xem xét, những cách mà theo đó, Thiên Chúa nói với những người mà Người đã chọn làm người phát ngôn bên cạnh dân Israel rất đa dạng. Trong các Thánh vịnh, chính con người nói chuyện với Thiên Chúa, nhưng làm như vậy trước sự hiện diện của Người và chọn các phát biểu giả thiết có sự hiệp thông chặt chẽ với Người. Trái lại, trong các sách khôn ngoan, những con người nói chuyện với những con người khác; tuy nhiên, cả người nói lẫn người nghe đều bắt rễ sâu xa trong đức tin vào Thiên Chúa của dân Israel. Trong Cựu Ước, thông thường sự khôn ngoan được minh nhiên quy cho Thần trí Thiên Chúa (xem G 32:8; Kn 7:22; 9:17, cũng xem 1 Cr 12:4-11). Những sách này được gọi là "sách khôn ngoan" vì tác giả của chúng nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉ ra những con đường dẫn đến lối sống được dẫn dắt bởi khôn ngoan. Trong cuộc tìm kiếm của họ, họ ý thức được rằng sự khôn ngoan là một hồng ân của Thiên Chúa vì " Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ, Đấng ấy
ngự trên ngai của Người" (Hc 1:8). Khi tìm cách xác định rõ cung cách các sách khôn ngoan trình bầy mối liên hệ với Thiên Chúa như nguồn gốc và nền tảng của những gì được các tác giả của chúng dạy dỗ, chúng ta đã tập trung cuộc nghiên cứu của chúng ta vào sách Huấn Ca, vì bản chất tổng hợp của nó.

Ngay từ đầu cuốn sách, tác giả đã tỏ ra ý thức được rằng "mọi sự khôn ngoan đều phát xuất từ Chúa và ở bên cạnh Người mãi mãi" (Hc 1:1). Ngay trong Lời Tựa, dịch giả Sách này chỉ rõ sự trung gian qua đó Thiên Chúa thông truyền sự khôn ngoan cho tác giả: Dịch giả viết: "Lề Luật, Các ngộn sứ và các trước tác khác của tiền nhân, và hiểu được ý nghĩa sâu xa của sách ấy, Ông tôi là cụ Giêsu đã có sáng kiến viết đôi điều liên quan đến đường giáo huấn và lẽ khôn ngoan”. Việc đọc Thánh Kinh một cách cẩn thận và tin tưởng, trong đó Thiên Chúa nói với dân Israel, đã kết hợp tác giả với Thiên Chúa, trở thành nguồn khôn ngoan của ông, và dẫn ông viết tác phẩm của mình.

Do đó, cách thức theo đó cuốn sách phát xuất từ chính Thiên Chúa được trình bày cách rõ ràng. Những gì dịch giả quả quyết trong lời tựa được xác nhận bởi chính tác giả ở tâm điểm cuốn sách. Sau khi đề cập đến lời khen ngợi mà Đức Khôn Ngoan tự làm cho chính mình (Hc 24: 1-22), ông đã đồng hóa nó với các trước tác của Môsê: "Tất cả những điều ấy đều có trong sách Giao ước của Thiên Chúa Tối Cao, trong Lề Luật ông Môsê đã truyền, để các cộng đồng Giacóp nhận làm gia nghiệp "(Hc 24:23). Sau đó, Huấn ca giải thích đâu là kết quả nghiên cứu của ông về Lề Luật và hậu quả của những gì ông viết: " Tôi sẽ làm cho lời dạy bảo rực sáng tựa bình minh, cho nó chiếu toả mãi tận chốn xa vời. Tôi sẽ tung gieo giáo huấn như lời của ngôn sứ, sẽ lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Hãy xem: tôi vất vả đâu phải cho riêng mình, nhưng còn vì mọi người muốn tìm kiếm khôn ngoan "(Hc 24:32-34, xem 33:18). Sự khôn ngoan mà mọi người - ngày nay cũng như trong tương lai - có thể tìm thấy trong các trước tác của ông là kết quả của việc ông nghiên cứu Lề Luật và những gì Thiên Chúa đã làm cho ông biết trong các thử thách của cuộc sống (xem Hc 4:11,17 -18).

Tác giả dường như cung cấp chân dung của chính mình khi nói về "một người tận tụy với lề luật của Đấng Tối Cao và suy gẫm nó" (Hc 38:34) và ông viết:

"Kẻ để hết tâm hồn suy gẫm luật Đấng Tối Cao thì không phải vậy. Người ấy truy tầm lẽ khôn ngoan nơi mọi bậc lão thành, không ngừng nghiên cứu các sấm ngôn" (Hc 39:1). Sau đó, ông tuyên bố kết quả của việc bước đi này: " Nếu đẹp lòng Đức Chúa cao cả, người ấy sẽ dư đầy trí thông minh, ban phát lời khôn ngoan như mưa móc tràn trề, dùng lời kinh mà chúc tụng Đức Chúa" (Si 39:6). Việc thủ đắc sự khôn ngoan như thành quả của học hành nghiên cứu được nhìn nhận là hồng phúc của Thiên Chúa và dẫn đến lời cầu nguyện ngợi khen. Do đó, mọi điều được triển khai, nhằm một sự kết hợp sống động và liên tục với Thiên Chúa. Tác giả quả quyết, không chỉ cho bản thân mình, mà cho mọi người rằng những gì mà sự kính sợ Thiên Chúa và sự vâng phục Lề Luật giúp ta tiếp cận với khôn ngoan: " Điều đó, kẻ kính sợ Đức Chúa sẽ thi hành, và người tuân giữ Lề Luật sẽ đạt được khôn ngoan "(Hc 15:1). Trong phần cuối cùng của tác phẩm (Hc 44-50), Huấn ca bàn đến nhiều cách khác nhau trong truyền thống của dân mình, ca ngợi cha ông và mô tả hành động của Thiên Chúa phù trợ Israel, Đấng sử dụng sự trung gian của nhiều tác nhân nhân bản. Nhờ cách đọc lại này, ông cũng cho thấy những gì ông viết đã phát xuất ra sao từ mối liên hệ của ông với Thiên Chúa. Cách riêng, ông nói về Môsê: " Người cho ông nghe thấy tiếng Người, dẫn ông vào trong đám mây dày đặc, và, diện đối diện, ban cho ông các điều răn, đó là luật ban sự sống và thông hiểu, để dạy cho Giacóp biết giao ước, cho Ítraen biết các quyết định của Người” (Hc 45:5). Tác giả đề cập đến nhiều tiên tri và tuyên bố về Isaia: " Ông được đầy thần khí,
nên đã nhìn thấy trước những sự việc thời cuối cùng, và đã ủi an những người sầu khổ tại Xion”. (Hc 48:24).

Do đó, bằng cách suy ngẫm về Lề Luật và các Tiên tri, rồi lắng nghe Lời Thiên Chúa, tác giả của khôn ngoan đã kết hợp với Thiên Chúa, nhận được sự khôn ngoan và thủ đắc các nền tảng cần thiết cho tác phẩm của mình (xem Lời Tựa của cuốn sách Huấn Ca).

Kết luận của sách Huấn Ca mô tả nội dung của nó như " Cuốn sách này ghi lại một giáo huấn đầy khôn ngoan và hiểu biết” (Hc 50:27). Ông liên kết mối phúc với việc đánh giá này: "Phúc cho ai nghiền ngẫm những lời này! Ai ghi vào tâm khảm, ắt sẽ được khôn ngoan. Quả thật, nếu đem ra thực hành, họ sẽ nên kiên cường trong hết mọi hoàn cảnh. Bởi vì ánh sáng của Chúa sẽ chiếu soi đường nẻo họ đi”
(Hc 50:28-29). Mối phúc khuyên người ta suy gẫm và đem ra thực hành nội dung cuốn sách và hứa hẹn sự khôn ngoan và ánh sáng của Chúa: tất cả điều này chỉ khả hữu nếu cuốn sách phát xuất từ chính Thiên Chúa.

2.5 Kết luận

21. Sau khi tường trình các bản văn được chọn từ Cựu Ước, bây giờ chúng ta có thể phác thảo một tổng hợp. Các bản văn đã nghiên cứu, khác nhau về việc định ngày tháng của chúng, vị trí soạn tác của chúng, ngoài nội dung chuyên biệt và văn phong đặc thù của chúng, tuy nhiên trình bầy rất khớp một thông điệp căn bản duy nhất: Thiên Chúa nói với chúng ta. Thiên Chúa duy nhất và cùng một Thiên Chúa tìm kiếm con người, trong sự đa dạng và đa nguyên các tình huống lịch sử, Người nối vòng tay lớn với họ và nói chuyện với họ. Và thông điệp thần thiêng, vốn đa dạng tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mặc khải, có xu hướng liên tục khơi dậy nơi con người một đáp ứng yêu thương. Ý hướng thần thiêng không đổi này "lấp đầy” các trước tác phát biểu về Thiên Chúa “bằng chính Thiên Chúa". Ý hướng này làm chúng được linh hứng và gây linh hứng, nghĩa là có khả năng soi sáng và phát triển trí hiểu và sự nhạy cảm nơi các tín hữu. Con người, trong một chuyển động ngạc nhiên và vui mừng, ý thức được điều đó, hẳn sẽ tự hỏi: Vị Thiên Chúa khôn tả đang nói với tôi này sẽ còn khả năng ban cho tôi điều gì? Các tác giả Tân Ước, những người vốn là thành viên của dân Ítraen, biết "Các Trước Tác" của dân tộc họ và nhận ra chúng như các lời linh hứng phát xuất từ Thiên Chúa. Họ cho chúng ta thấy Thiên Chúa tiếp tục hành động nói của Người như thế nào, đến mức bày tỏ lời tối hậu và dứt khoát của Người bằng cách sai Con của Người xuống trần gian (Dt 1: 1-2).

Kỳ tới: 3. Chứng từ của các bản văn được chọn trong Tân Ước