132. Nhiều đoạn Kinh Thánh, đặc biệt là của Thánh Phaolô, mời gọi chúng ta biện phân điều mà trong Qui điển Cựu Ước cũng như qui điển Tân Ước có giá trị vĩnh viễn, và là điều vì có liên quan đến một nền văn hóa, một nền văn minh, hoặc các phạm trù của một thời kỳ nhất định, nên cần được tương đối hóa. Chủ đề địa vị phụ nữ trong các trước tác Phaolô đặt ra loại câu hỏi này.



a. Sự phục tùng của vợ đối với chồng

Trong các thư gửi cho người Côlôxê (xem Cl 3:18); người Êphêsô (Eph 5:22-23) và Titô (xem Tt 2:5), Thánh Phaolô yêu cầu phụ nữ tùng phục chồng họ, và khi làm như vậy, ngài đã theo phong tục của người Hy Lạp và người Do Thái thời đó, theo đó, phụ nữ có địa vị xã hội thấp hơn nam giới. Lời khuyên này có vẻ không theo Gl 3:28, trong đó nói rằng không nên có sự phân biệt trong Giáo Hội, giữa người Do Thái và Hy Lạp, cũng như giữa người tự do và nô lệ, và giữa đàn ông và đàn bà.

Trong đoạn văn của thư Côlôxê và thư Êphêsô, việc tùng phục của phụ nữ không dựa trên các chuẩn mực xã hội có hiệu lực lúc đó, nhưng dựa trên hành động của chồng, một hành động có nguồn gốc của nó trong agape, vốn có mô hình là tình yêu của chính Chúa Kitô đối với Thân Thể của Người, là Giáo Hội. Tuy nhiên, Thánh Phaolô từng bị tố cáo đã viện dẫn ví dụ tuyệt vời này để giữ cho người phụ nữ dễ dàng hơn trong cảnh nô dịch, và khi làm thế, đã bắt các Kitô hữu phải phục tùng các giá trị trần gian - nói cách khác, là đi trệch ra ngoài Tin Mừng.

Đối với những phản bác đó, ta có thể nói rằng Thánh Phaolô đã không nhấn mạnh nhiều đến việc tùng phục của các bà vợ - các lập luận rất ngắn về chủ đề này - nhưng nhấn mạnh nhiều hơn đến tình yêu mà người chồng phải biểu lộ cho vợ mình, một tình yêu đối với Thánh Phaolô không những là điều kiện của sự kết hợp và hợp nhất của vợ chồng, mà còn là điều kiện của sự tôn kính của người chồng đối với vợ. Sự vượt trội về địa vị xã hội của người chồng, đại diện cho động lực đầu tiên (xem Êph 5:23), hoàn toàn biến mất khỏi chân trời ở cuối cuộc tranh luận. Vì vậy, từ các bản văn Phaolô này, chúng ta phải ghi nhận cách Thánh Phaolô, không kể đến vai trò mỗi người phối ngẫu thủ diễn trong xã hội thời đó, đã tìm cách khuyến khích việc biến đổi tác phong của người chồng, người có địa vị xã hội trổi vượt. Ngoài ra, chủ đề phụ nữ phục tùng chồng không nên tách khỏi điều được trình bầy trong Êphêsô 5:21tt., trong đó, Thánh Phaolô quả quyết rằng mọi tín hữu phải "tùng phục lẫn nhau".

Tuy nhiên, một khó khăn vẫn còn tồn tại. Thực sự có ích gì khi sử dụng mô hình giáo hội học và giáo hội, nếu chúng ta không đề cập đến việc: tình trạng thấp kém của phụ nữ là không thích đáng trong Giáo Hội, vì mọi tín hữu đều có phẩm giá như nhau, và đều chỉ có một Chúa, một Chúa duy nhất mà thôi? Người ta đã loại bỏ việc Thánh Phaolô có thể thỏa hiệp với các giá trị thế trần. Thực thế, ngài không đề xuất các mô hình xã hội mới, nhưng tuy không sửa đổi các mô hình thời ngài, ngài mời gọi việc nội tâm hóa các mối liên hệ và các quy tắc xã hội được coi là ổn định và bền vững đối với một thời kỳ nào đó - thế kỷ thứ nhất kỷ nguyên của chúng ta – để chúng có thể được sống phù hợp với Tin Mừng.

Do đó, rất nhiều thế kỷ sau đó, người ta có thể tiếc đối với việc Thánh Phaolô đã không nói rõ trong những lá thư này sự bình đẳng về địa vị xã hội của vợ chồng Kitô hữu. Cách làm của ngài có lẽ là cách duy nhất có thể có vào thời kỳ đó - nếu không, Kitô giáo có thể bị buộc tội phá hoại trật tự xã hội. Ngược lại, lời khuyên ngỏ với các ông chồng đã không mất đi tính thời sự hay sự thật của nó.

b. Sự im lặng của phụ nữ trong các cuộc hội họp của Giáo hội

133. 1 Cr 14:34-38 cũng làm dấy lên nhiều khó khăn, vì Thánh Phaolô yêu cầu phụ nữ im lặng trong các buổi hội họp: "Như thói quen trong mọi cộng đoàn dân thánh, phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp, vì họ không được phép lên tiếng; trái lại, họ phải sống phục tùng như chính Lề Luật dạy. Nếu họ muốn tìm hiểu điều gì, thì cứ về nhà hỏi chồng, bởi vì phụ nữ mà lên tiếng trong cộng đoàn thì không còn thể thống gì” (1 Cr 14:33-35). Những câu này dường như mâu thuẫn với 1 Cr 14:31 ("Mọi người có thể lần lượt nói tiên tri”) và 1 Cr 11: 5, trong đó có vấn đề những người phụ nữ nói tiên tri trong các cuộc hội họp. Các tuyên bố ở 1 Cr 14: 34-38 phải được bối cảnh hóa, nghĩa là, được giải thích trong tương quan với các câu trước đó, liên quan đến việc nói tiên tri. Thánh Phaolô chắc chắn không muốn nói rằng phụ nữ không được phép nói tiên tri (1 Cr 11:5), nhưng họ không nên tìm cách biện phân hoặc phán xét trong cộng đoàn (1 Cr 14:29) các lời tiên tri của chồng họ. Các nguyên tắc làm cơ sở cho một lệnh cấm như vậy là các nguyên tắc tôn trọng, hòa hợp giữa vợ chồng và trật tự tốt của cộng đoàn. Nếu những nguyên tắc này vẫn còn hiệu lực ngày nay, thì việc áp dụng chúng rõ ràng phụ thuộc vào địa vị dành cho phụ nữ trong các nền văn minh và văn hóa khác nhau. Thánh Phaolô không làm cho việc im lặng của phụ nữ trở thành một điều tuyệt đối, mà chỉ là một phương tiện thích ứng với tình huống cộng đoàn thời ngài. Ngày nay chúng ta không nên nhầm lẫn các nguyên tắc và ứng dụng của chúng, luôn được xác định bởi bối cảnh xã hội và văn hóa.

c. Vai trò của phụ nữ trong cộng đoàn

134. Cách mà 1 Tm 2:11-15 biện minh cho địa vị thấp kém của phụ nữ, trong bối cảnh xã hội và giáo hội, xem ra ít có thể chống đỡ hơn, nếu nó được hiểu như một nguyên tắc tuyệt đối: "Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng, vì A-đam được tạo dựng trước, rồi mới đến E-và. Cũng không phải A-đam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi bị dụ dỗ. Tuy nhiên, người đàn bà sẽ được cứu nhờ sinh con cái, nếu kiên trì giữ đức tin, đức mến và sự thánh thiện, với lòng đơn sơ giản dị”. Bối cảnh một lần nữa là bối cảnh của một cộng đoàn giáo hội gồm đàn ông và đàn bà. Thánh Phaolô không yêu cầu phụ nữ im lặng, cũng không ngăn họ nói tiên tri. Việc cấm chỉ ảnh hưởng đến việc giảng dậy và các đặc sủng cai quản. Ý niệm ít nhiều giống hệt như đối với các trường hợp trên đây: vào thời kỳ đó, việc giảng dạy và cai quản chỉ được dành riêng cho nam giới và Thánh Phaolô mong muốn rằng trật tự xã hội này, lúc đó được coi là tự nhiên, được tôn trọng (xem 1 Cr 11:3: "thủ lãnh của người nữ là người nam").

Vì vậy, không hẳn chính ý niệm đặt ra câu hỏi - vì, như đã nhận xét ở trên, nó phù hợp với nền văn hóa và xã hội thời đó – cho bằng cách nó được biện minh, nghĩa là, qua một cách giải thích có vấn đề về các trình thuật của St 2-3: thứ tự sáng tạo (đàn ông có địa vị cao hơn vì họ được tạo ra trước phụ nữ; St 2:18-24) và sự sa ngã của người phụ nữ ở vườn địa đàng. Cách đọc mà 1 Tm đề nghị về St 3 được thấy lại trong Huấn Ca 25:24, trong số các trước tác khác, như ngụy thư Do Thái Cuộc đời Ađam và Evà, hoặc trong Khải huyền của Môsê trong bản dịch tiếng Hy Lạp. Người phụ nữ đã để mình bị con rắn lừa dối, nàng đã phạm tội và phải chịu trách nhiệm về cái chết của cả loài người; đó là lý do tại sao bà phải cư xử cách khiêm tốn và không được ước muốn thống trị người đàn ông. Cách đọc này rõ ràng bị ảnh hưởng bởi cách thời ấy người ta hiểu và biện minh các địa tương ứng của đàn ông và đàn bà; hơn nữa, nó không tương thích với 1 Cr 15:21-22 và với Rm 5:12-21. Nó phản ảnh một tình huống giáo hội trong đó người ta cần những lập luận của thẩm quyền để trả lời những người phụ nữ phàn nàn rằng họ không thể thi hành trong cộng đoàn giáo hội các vai trò đã trích dẫn ở trên. Từ đó, việc giải thích St 2-3 được điều kiện hóa bởi bối cảnh thế kỷ đầu tiên trong kỷ nguyên của chúng ta. Tuy nhiên, một cách giải thích chính xác về một đoạn Kinh thánh - ở đây là St 2-3 - phải đưa ra ánh sáng và tôn trọng ý định của bản văn (intentio textus).

4. Kết luận

135. Lời khẳng định cho rằng Kinh thánh truyền đạt Lời Chúa xem ra bị một số đoạn văn nói ngược lại. Chúng ta đã xem xét hai loại bản văn: những trình thuật dường như không thể có thực và không thể hỗ trợ một cuộc điều tra khoa học lịch sử, và các bản văn không những đề xuất mà còn áp đặt các tác phong vô luân, mâu thuẫn với công bằng xã hội. Bây giờ chúng ta sẽ trình bày một bản tổng hợp ngắn gọn về các kết quả của chúng ta với khả năng giúp lên công thức cho một số quy tắc để đọc một cách thích đáng và hiểu đúng các bản văn Kinh thánh.

a. Tổng hợp ngắn gọn

Phân tích của bốn trình thuật trong Cựu Ước đã cho thấy: việc đọc nào chỉ lưu tâm đến các biến cố thực sự xẩy ra không thể nắm bắt được ý định hoặc nội dung của các bản văn này. Trong trường hợp của St 15 và Xh 14, các biến cố được kể lại không thể được xác nghiệm chính xác bởi khoa học lịch sử. Đối với các tác giả của những bản văn này, sự tồn tại hàng thế kỷ của dân tộc họ là một biến cố lịch sử, và niềm tin của họ vào Thiên Chúa có tính quyết định trong tình huống và kinh nghiệm của họ (trong thời gian lưu vong). Những câu truyện của họ chứng thực một thái độ căn bản vốn là niềm tin vô điều kiện vào Thiên Chúa và quyền năng cứu rỗi vô biên của Người. Trong trường hợp Tobia và Giôna, ta có thể nhận thấy những câu truyện không tường thuật các biến cố thực sự xẩy ra, tuy nhiên, chứa đầy một ý nghĩa xây dựng, giáo huấn và thần học.

Đối với các tường thuật của Tân Ước, xem ra sự lưu tâm đến các biến cố thực sự xẩy ra là điều không đủ, nhưng cần phải hết sức chú ý đến ý nghĩa của những gì được thuật lại. Trong các Tin mừng về thời thơ ấu, người ta không thể xác nghiệm về mặt lịch sử mọi chi tiết của câu truyện, nhưng việc thụ thai đồng trinh Chúa Giêsu rõ ràng được quả quyết. Các Tin mừng thời thơ ấu này dẫn nhập phần còn lại của câu truyện (của Mátthêu hoặc của Luca). Chúng trình bày những đặc điểm chính của con người và công trình của Chúa Giêsu. Các phép lạ (cử chỉ quyền năng, dấu lạ), về phần chúng, hiện diện trong mọi truyền thống thuật lại hoạt động của Chúa Giêsu. Ý nghĩa của chúng không chỉ nằm trong biến cố là những hành động phi thường. Trong các Tin Mừng nhất lãm, chúng làm chứng cho sự hiện diện cứu độ của Nước Thiên Chúa trong con người và công trình của Chúa Giêsu. Trong tin mừng Gioan, chúng tiết lộ mối tương quan kết hợp Chúa Giêsu với Thiên Chúa và dẫn đến đức tin vào Chúa Giêsu (xem thêm Mt 8:27; 14:33). Các câu truyện về Phục sinh, do biến cố chúng khác biệt, tự cho thấy chúng không phải là các biên niên sử đơn giản, nhưng kéo ta chú ý tới biến cố giá trị thần học trong các tình tiết của câu truyện.

Việc giải thích luật "tru diệt" và những lời cầu nguyện đòi trả thù đã giúp xác định rõ bối cảnh lịch sử và văn học của các bản văn này, giúp hiểu rõ hơn ý nghĩa và tính hữu dụng của chúng. Các điểm xác định rõ về địa vị phụ nữ trong các thư của Thánh Phaolô đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt giữa các nguyên tắc chỉ đạo tác phong Kitô giáo và việc áp dụng chúng trong bối cảnh văn hóa và xã hội thời đó.

b. Hậu quả của việc đọc Kinh thánh

136. Thoạt nhìn, nhiều câu truyện trong Kinh thánh được trình bầy như những biên niên sử thuật lại các biến cố xẩy ra thực sự. Ấn tượng này có thể dẫn đến việc đọc Kinh thánh bằng cách thấy trong mỗi bài tường thuật việc nói lên một thực tại thực sự đã xảy ra. Cách đọc này xem ra cho phép truy cập, một cách đơn giản, ngay lập tức, nội dung của Kinh Thánh, một truy cập mở cho ra cho mọi người, với những kết quả rõ ràng và chắc chắn.

Trái lại, một việc đọc Kinh thánh có tính đến các ngành khoa học hiện đại (khoa chép sử, ngữ học, khảo cổ học, nhân học văn hóa, v.v.) làm cho sự hiểu biết về các bản văn Kinh thánh trở nên phức tạp hơn và xem ra sẽ dẫn đến kết quả ít chắc chắn hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể thoát khỏi các đòi hỏi của thời đại, cũng không thể giải thích các bản văn Kinh thánh bên ngoài bối cảnh lịch sử của chúng: chúng ta phải đọc chúng trong thời đại của chúng ta, với và vì những người đương thời của chúng ta. Hành trình được bước theo trong tài liệu này cho thấy việc tìm kiếm ý nghĩa của các bản văn, một tìm kiếm vượt quá mối lo lắng phải xác lập các biến cố thực sự đã xẩy ra, dẫn đến việc hiểu chúng một cách sâu sắc và công chính hơn. Nguy hiểm tồn tại - và phải tránh nó một cách cẩn thận – khi chỉ coi toàn bộ Kinh thánh như những phát minh, những ý niệm và niềm tin hoàn toàn nhân bản, vì các nhà chú giải vốn cho thấy những câu truyện trong Kinh thánh không chỉ là biên niên sử, những báo cáo đơn giản. Thiên Chúa tự mặc khải trong lịch sử và "nhiệm cục mặc khải của Người bao gồm các hành động và lời nói liên quan mật thiết với nhau" (Dei Verbum, 2). Mục đích của Kinh Thánh là truyền đạt các biến cố và lời nói này. Và một việc đọc Kinh Thánh nghiêm túc và chính đáng phải được chú ý đến những biến cố và những lời nói này.

Sự hiện diện của luật "tru diệt" và các bản văn tương tự biểu lộ một yếu tố quan trọng khác cho việc đọc Kinh thánh. Điều này phơi bày cùng một lúc lịch sử mặc khải của Thiên Chúa, và đồng thời, lịch sử nền "luân lý mặc khải" [1]. Cùng một cách như mặc khải Thiên Chúa, sự mặc khải tác phong chính đáng của con người đạt đến sự viên mãn của nó trong Chúa Giêsu. Chúng ta không tìm thấy trong mỗi đoạn Kinh thánh, sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa thế nào, thì chúng ta cũng không tìm thấy ở đó sự mặc khải hoàn hảo về luân lý như vậy. Do đó, mỗi đoạn Kinh thánh không được cô lập hay tuyệt đối hóa, nhưng phải được hiểu và đánh giá theo mối tương quan của nó với sự viên mãn của mặc khải trong con người và trong công trình của Chúa Giêsu, trong khuôn khổ một việc đọc hợp qui điển Thánh Kinh. Cái đọc này là điều cần thiết đối với sự hiểu biết đầy đủ từng bản văn. Do đó con đường do mặc khải hoàn thành được biểu lộ, trong lịch sử của nó.

Cuối cùng, điều căn bản là người đọc Sách Thánh nên được hướng dẫn hướng tới việc khám phá ra những gì được nói về Thiên Chúa và sự cứu rỗi của con người. Khi làm như vậy, ngay cả khi không luôn luôn đạt được một sự hiểu biết hoàn hảo về bản văn mà họ đọc, tuy nhiên, họ vẫn sẽ tiến bộ trong việc hiểu biết sự thật của Kinh Thánh, và trong sự khôn ngoan thiêng liêng vốn là con đường hiệp thông trọn vẹn với Chúa.
______________________________________________________________________
[1] Xem Commission Biblique Pontificale, Bible et Morale, Cité du Vatican, 2008, số 4.

Kỳ sau: Kết luận chung