Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam. Bài 18: Các triều vương Lâm Ấp

Dấu ngoặc về công chúa Huyền Trân

Sau 5 năm thương lượng gay go giữa hai triều đình về của hồi môn, năm 1306 vua Trần Anh Tôn chấp thuận gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, bù lại lãnh thổ bắc Chiêm Thành (Indrapura) : châu Ô và châu Lý thuộc nhà Trần. Cuộc hôn nhân dị chủng này đã trở thành tranh chấp giữa hai dân tộc và hai triều đình suốt thời gian sau đó. Cho đến nay chưa một tài liệu nào giải thích về trường hợp công chúa Huyền Trân một cách rõ ràng và có tính thuyết phục. Người Chăm tố cáo nhà Trần lợi dụng cuộc hôn nhân này để chiếm đoạt đất đai của họ. Thơ văn Việt Nam bênh vực Huyền Trân như là nạn nhân của một vụ đổi chác chính trị và đả kích Chế Mân (với những lời lẽ khiếm nhã) dám sánh ngang hàng với người Việt…

Những lý luận vừa kể chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về phong tục tập quán của người Chăm. Khi cựu vương Trần Nhân Tôn hứa gả Huyền Trân cho Chế Mân, ông muốn thành lập một liên minh quân sự chống lại quân Mông Cổ khi bị tấn công. Nhưng chiến lược này đã không được quần thần chấp nhận vì không muốn một sự pha chủng nào trong quan hệ hoàng gia.

Có lẽ bà hoàng hậu thứ ba này của Chế Mân đã rất được sủng ái nên sử tích Chăm kể rằng Huyền Trân được nhà vua đưa đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh của Chiêm Thành. Các suối nước nóng dọc bờ biển miền Trung được dành riêng cho bà tắm rửa, kể cả suối Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, Phan Thiết), để hạnh phúc của vua và hoàng hậu được bền lâu. Nhưng hạnh phúc đã không dài lâu. Hơn một năm sau, tháng 5-1307 Chế Mân từ trần. Hung tin đến tai nhà Trần bốn tháng sau đó, tháng 9-1307. Lo sợ em gái mình bị hỏa thiêu, Trần Nhân Tôn sai quan nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc sạ Trần Khắc Chung và quan an phủ sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành phúng điếu rồi tìm kế đưa Huyền Trân về.

Việc hỏa thiêu vợ khi vua băng hà là hoàn toàn bịa đặt. Nếu Huyền Trân bị triều đình Chiêm Thành bắt chết theo Chế Mân thì bà đã bị hỏa thiêu từ lâu rồi, vì theo tục lệ của người theo đạo Hồi hay Bà La Môn xác người chết chỉ giữ tối đa là 7 ngày sau đó phải đem hỏa thiêu.

Thật ra trong vụ này triều đình Chiêm Thành đã quyết định trả Huyền Trân về lại cho nhà Trần để đòi lại hai châu Ô và Rí nên đã tiếp đón phái đoàn Trần Khắc Chung một cách ân cần và cấp hơn 300 thủy binh hộ tống. Sự từ khước kết nghĩa suôi gia này có một ý nghĩa đặc biệt, nó thể hiện sự từ chối hợp tác giữa hai nền văn minh và văn hóa khác nhau, một bên là văn minh văn hóa Khổng Mạnh và một bên là văn minh văn hóa Ấn Độ. Cả hai vương triều gần như chấp nhận sự khác biệt đó và không muốn có một sự hòa hợp nào.

Còn chuyện hỏa thiêu có lẽ đã do Trần Khắc Chung thêu dệt ra để được Trần Anh Tôn cử sang Chiêm Thành đón Huyền Trân về nước. Sau khi gặp lại người yêu, thay vì căng buồm về Bắc ông dẫn Huyền Trân ra một hoang đảo tư thông với nhau trong suốt một năm liền, đến mùa thu năm 1308 mới lên thuyền về lại Thăng Long. Đoàn thủy binh Chăm lúc đó mới được giao trả cho Chiêm Thành để báo cáo sự việc.

Cũng nên biết, nhà Trần áp dụng chế độ nội hôn để bảo vệ quyền lợi hoàng tộc. Việc Trần Khắc Chung tư thông với Huyền Trân được coi là bình thường. Nhưng triều đình Chăm không chấp nhận và rất căm hận về chuyện này, vì Huyền Trân là hoàng hậu Champa bị một quan Việt thông dâm xúc phạm đến danh dự hoàng triều và tín ngưỡng quốc gia. Có lẽ cũng chính vì thế mà Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng (con Trần Hưng Đạo) mắng "họ tên người này không tốt, có lẽ nhà Trần mất vì người này chăng?", vì Khắc là thắng, Chung là tàn (thắng xong thì tàn lụi theo). Cuộc tình sử tay ba này ít được người đời nhắc tới mà chỉ nói về cuộc hôn nhân dị chủng mà thôi.

Về phía Chiêm Thành, đền thờ Chế Mân được lập tại Tháp Po Klong Garai (Tháp Chàm, Phan Rang) và tại Yan Prong (An Khê, Đắc Lắc) cạnh núi Se San. Dân chúng thờ ông dưới tên Sri Jaya Sinhavarma Lingesvara.

Hoàng tử Po Sah - 23 tuổi, con của chánh hậu Bhaskaradevi (người Java), tước Pulyan Mahendravarman tiểu vương lãnh địa từ sông Vok (sông Bung) đến bắc Bình Định (Bhumana) - lên thay năm 1307, hiệu Jaya Sinhavarman IV (còn gọi là Chế Chí hay Chế Dà La). Việc đầu tiên của tân vương là xúi giục dân Chăm tại Thuận châu và Hóa châu nổi loạn.

Năm 1311, Trần Anh Tôn tấn công Chiêm Thành, bắt Chế Chí về giam tại cung Gia Lâm (và mất năm 1313), đưa em trai của Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm lên thay, hiệu Chế Năng. Năm 1314 Chế Năng kéo quân ra Bắc chiếm lại châu Ô và châu Rí và chỉ bị đẩy lui năm năm sau đó. Năm 1318, quân Trần tiến xuống Đồ Bàn, Chế Năng cùng hoàng gia chạy sang Java lánh nạn, triều đình Chiêm Thành bị bỏ trống.

Đây là đợt di dân thứ ba của người Chăm ra hải ngoại. Chế Năng là con thứ hậu Tapasi, người Yavadvipa.