Cái chết của Chúa Giêsu

Hai khía cạnh trong cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn tranh cãi gắt gao, tức bản chất vết thương ở cạnh sườn (4,6) và nguyên nhân cái chết sau chỉ vài tiếng đồng hồ trên thập giá (13,17).

Tin Mừng Gioan mô tả việc đâm cạnh sườn Chúa Giêsu và nhấn mạnh đến việc bỗng có dòng máu và nước chẩy ra (1). Một số tác giả giải thích dòng nước này là tràn dịch huyết thanh trong xoang bụng (ascites) (12) hoặc nước tiểu do việc bàng quang bị thủng gây ra (15). Tuy nhiên, chữ Hy Lạp πλευρα (pleura) (32,35,36) được Thánh Gioan sử dụng rõ ràng chỉ cạnh sườn và thường ám chỉ xương sườn (6, 32,36). Do đó, có lẽ vết thương xẩy ra ở lồng ngực và cách xa đường giữa bụng.

Dù Thánh Gioan không cho biết phía xẩy ra vết thương, nhưng truyền thống vẫn cho là ở bên phải (4). Nâng đỡ truyền thống này là sự kiện: một lượng máu lớn thì hẳn phải phát xuất từ tâm nhĩ hay tâm thất phải vốn căng phồng và có thành mỏng dễ bị thủng hơn là tâm thất trái vốn có thành dầy và co rút. Dù phía của vết thương có thể không bao giờ được xác định cách chắc chắn, phía phải xem ra có lý hơn phía trái.

Một số người nghi ngờ, không chấp nhận mô tả của Thánh Gioan, do sự khó khăn trong việc giải thích việc chẩy cả máu và nước, theo quan điểm chính xác của y khoa. Một phần của việc khó khăn này dựa trên giả thuyết cho rằng máu thoát ra trước, sau đó, mới đến nước. Tuy nhiên, trong tiếng Hy Lạp cổ, trật tự các chữ thường chỉ sự đáng chú ý hơn chứ không hẳn thứ tự thời gian (37). Do đó, có lẽ Thánh Gioan muốn nhấn mạnh tới tính đáng chú ý của máu hơn việc nó xẩy ra trước nước.



Bởi thế, có lẽ nước đây là chất huyết thanh ở màng phổi và màng tim (5,7,11), thường chẩy ra trước lượng máu và ít hơn lượng này. Có lẽ trong bối cảnh giảm thể tích máu và suy tim nặng sắp diễn ra, các chất lỏng từ màng phổi và màng tim có thể trào ra và hòa lẫn với lượng nước biểu kiến (5,11). Ngược lại, máu hẳn phát xuất từ tâm nhĩ phải hay tâm thất phải (Hình 7) hay có lẽ từ việc tràn máu màng ngoài tim (hemopericardium) (5,7,11).

Việc Chúa Giêsu chết chỉ sau 3 tới 6 tiếng đồng hồ trên thập giá làm cả Pontius Pilate cũng phải ngạc nhiên (1). Sự kiện Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rồi gục đầu và qua đời cho thấy có thể có một biến cố thảm khốc lúc lâm chung. Một giải thích bình dân cho rằng Chúa Giêsu qua đời vì vỡ tim. Trong bối cảnh bị đánh đòn và đóng đinh với việc giảm thể tích máu, thiếu oxy trong máu, và có thể cả tình trạng bị đông máu, những cục sùi huyết khối dễ bể tuy không lây lan (friable non-infective thrombotic vegetations) có thể được tạo nên ở van động mạch chủ hay van hai lá (aortic or mitral valve). Những khối này sau đó có thể rời chỗ và nhập vào các động mạch vành và do đó, tạo nên cơn nhồi máu cơ tim có tính vượt thành cấp tính (acute transmural myocardial infarction). Đã có phúc trình về những cục sùi huyết khối ở van diễn ra trong các tình trạng thống khổ tương tự (39). Việc vỡ thành tâm thất trái, dù hiếm, nhưng cũng có thể xẩy ra trong những giờ đầu tiên sau cơn nhồi máu (40).

Tuy nhiên, lời giải thích sau có vẻ hợp lý hơn: cái chết của Chúa Giêsu đã đến nhanh chỉ là vì Người kiệt lực và sự tàn ác của trận đánh đòn, khiến mất rất nhiều máu và Người rơi vào tình trạng tiền kích xúc (7). Việc Người không vác nổi cây ngang biện hộ cho lối giải thích này. Giống các nạn nhân bị đóng đinh khác, nguyên nhân cái chết của Chúa Giêsu có thể có nhiều nhân tố và chủ yếu liên quan tới cơn sốc giảm thể tích máu, ngạt thở vì kiệt sức, và có lẽ suy tim trầm trọng (2,3,5,7,10,11). Cơn loạn tim gây tử thương cũng có thể là nguyên nhân của biến bố lâm chung thảm khốc.

Như thế, câu hỏi còn lại là không rõ Chúa Giêsu qua đời vì vỡ tim hay vì suy tim và hô hấp. Tuy nhiên, điều quan trọng không hẳn là Người chết cách nào mà là Người có chết hay không. Rõ ràng, sức nặng của bằng chứng lịch sử và y khoa cho thấy rõ: Chúa Giêsu thực sự đã chết trước khi bị đâm vào cạnh sườn và việc đâm này bênh vực quan điểm truyền thống vốn cho rằng lưỡi gươm hay lưỡi đòng, phóng vào giữa các xương ở sườn phải, có lẽ đã đâm thủng không những lá phổi bên phải mà còn cả màng ngoài tim (pericardium) lẫn trái tim và do đó khiến Người chắc chắn phải chết (Hình 7). Thành thử, các lối giải thích dựa vào giả thuyết cho rằng Chúa Giêsu không chết trên thập giá là hoàn toàn đi ngược lại kiến thức y khoa hiện đại.

Chú Thích: