Trong 3 ngày học giáo lý về Lòng Thương Xót Chúa tại Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, số 24 Garncarska,
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Chủ tịch UBMV Giới trẻ HĐGMVN trình bày 3 đề tài chung của Đại Hội Giới Trẻ là:

- Đây là thời gian của lòng thương xót;

- Để cho lòng thương xót Chúa Kitô chạm tới;

- Lạy Chúa, xin làm cho con nên khí cụ của lòng thương xót Chúa.

Hình ảnh

Ngày thứ hai có Đức Cha Đôminicô Mai Thanh Lương (Hoa Kỳ) đến dự và dâng thánh lễ đồng tế. Ngày thứ ba có 26 linh mục đang phục vụ từ nhiều quốc gia và hơn 200 bạn trẻ đến tham dự và hiệp dâng thánh lễ.

Đức Cha Giuse trình bày tổng quan về Năm Thánh, về Lòng Thương Xót, về cuộc hành hương là cuộc hành trình đức tin. Sau khi gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô vị đại diện Chúa Giêsu ở trần gian, mỗi người đã được Lòng Thương Xót Chúa chạm đến trái tim. Như nhiều nhân vật trong Tân ước đã gặp Chúa và đã được biến đổi (Giakêu, Mađalêna, Nicôđêmô…); như người phụ nữ ngoại tình đã được ân sủng Chúa chạm đến và họ không còn đi con đường cũ mà bắt đầu con đường mới. Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy trở nên khí cụ của Lòng Thương Xót. Ngài gợi lên thao thức: có bao giờ bạn nghĩ mình là khí cụ của Lòng Thương Xót Chúa không? Ngài nhắn gởi: bạn hãy làm chứng cho Lòng Thương Xót trong cách đối xử với cha mẹ, anh chị em, trong đời sống đức tin và trong môi trường xã hội…

Sau đó cha Phaolô Khoa ofm nói về niềm vui của sự trở về qua câu chuyện “Người cha nhân hậu”. Sau hội ngộ này mỗi bạn trẻ trở về, không chỉ mang theo nhiều hình ảnh trong Ipad, Iphone, máy chụp hình, địa chỉ bạn bè mới…mà chính yếu là kinh nghiệm về Lòng Thương Xót nhờ cuộc gặp gỡ nhiều ý nghĩa trong những ngày hành hương tại “Đất Thánh Lòng Thương Xót”.

Kết thúc những ngày học hỏi giáo lý, chúng tôi hòa vào nhiều đoàn hành hương đến Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa tại Quận Lagiewniki, nơi mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là “Thủ Đô lòng Thương xót”. Nơi đây có Tu Viện Đức Mẹ Nhân Lành, Vương Cung thánh đường kính Lòng Thương Xót Chúa và Trung tâm Gioan Phaolô II nơi lưu dấu nhiều chứng tích của thánh nhân. Có nhiều tòa giải tội đặt bên ngoài những bãi cỏ xanh mướt. Sau khi thăm Tu Viện và viếng Nhà thờ, chúng tôi cầu nguyện với thánh Faustina.

Thánh Nữ Faustina được mọi người khăm thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ và là Sứ Giả của Lòng Thương Xót Chúa”, một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trổi vượt trong Giáo Hội. Ngài được nhìn thấy Chúa Giêsu với 2 luồng ánh sáng chiếu giải từ Trái Tim Chúa.

Faustina chào đời ngày 25 tháng 8 năm 1905 tại Glogowiec, Ba Lan, và được đặt tên là Helen Kowalska. Thánh nữ là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo khổ có 10 người con, 2 trai 8 gái. Faustina lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy ngày 27 tháng 8 năm 1905, tại nhà thờ giáo xứ Swinice, Warckie, và được đặt tên là Helen. Ngay từ khi còn nhỏ, Helen đã nổi bật về đời, yêu thích cầu nguyện, làm việc chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.

Năm lên 7 tuổi, lần đầu tiên Halen được cảm nhận về ơn gọi sống đời sống tu trì, sống đời thánh hiến và gắng đạt đến sự trọn lành. Năm lên 9 tuổi, Helen được xưng tội và rước lễ lần đầu. Thánh nữ Faustina rất có lòng sùng kính bí tích Thánh Thể, đến nỗi hầu như mọi trang nhật ký của chị đều có nhắc đến bí tích này. Ngày 30 tháng 10 năm 1921, Halen đã được Đức Cha Vincent Tymieniecki của giáo phận Aleksandrow – Lodz ban bí tích Thêm Sức. Trong thời gian này, Helen đang sống xa nhà và giúp việc cho một gia đình khác.

Khi đã 12 tuổi, Helen mới cắp sách đến trường tịa Suinice Warckie. Helen không thể đi học sớm hơn vì nhà trường bị đóng cửa trong thời kỳ quân Nga chiếm đóng Ba Lan. Đến năm 14 tuổi, Helen đã rời gia đình để đi làm như một người giúp việc tại Aleksandrow và tại Lodz, với mục đích tự lập và giúp đỡ gia đình.

Năm 18 tuổi, Helen mới ngỏ ý với mẹ về ước muốn vào tu trong một tu viện. Cha mẹ dứt khoát không đồng ý. Helen đã muốn bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn. quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Giêsu tử nạn và những lời trách cứ của Ngài: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK 9). Helen đã xin vào dòng tu. Chị đã gõ cửa không ít Tu viện nhưng không được nơi nào đón nhận. Cuối cùng ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helen đã được bước qua ngưỡng cửa của Dòng Đức Mẹ nhân Lành ở phố Zytnia tai Warsaw.Helen cảm thấy tràn ngập hạnh phúc. Dường như chị đã bước vào cuộc sống thiên đàng. Một lời kinh chợt phát ra từ tâm hồn chị, một lời kinh tạ ơn. Vào dòng, Helen nhận tên mới là Maria Faustina.

Vào năm 1933, nữ tu Faustina đã được tuyên khấn trọn đời. Chị sống trong hội dòng Các Nữ Tu Đức Mẹ Nhân Lành được mười ba năm, đảm nhận các công tác như làm bếp, coi vườn, giữ cổng tại nhiều trụ sở của dòng tại Plock, Vilnius, và Krakow. Trong tất cả các nơi ấy, chị thánh đã trung thành với những tục lệ của cộng đoàn và tận tâm chu toàn các việc phận sự.

Bề ngoài, không có gì cho thấy cuộc sống phong phú nơi nội tâm chị thánh. Chị sốt sắng chu toàn các công tác và trung thành giữ trọn luật dòng. Chị thánh có một cuộc sống tịnh hiệp cao độ, nhưng rất tự nhiên, thanh thản, và có một đức ái vô điều kiện với người chung quanh. Mặc dù bên ngoài, đời sống chị thánh xem ra vô nghĩa và đơn điệu, nhưng bên trong là một sự kết hiệp ngoại thường với Thiên Chúa. Từ khi còn nhỏ, chị đã ước ao trở nên một vị đại thánh, và với lòng kiên định, chị đã hoàn thành hoài bão này đến mức hiến dâng chính cuộc sống cho các tội nhân.

Những năm sống trong dòng của thánh nữ Faustina tràn đầy những ân huệ ngoại thường: hưởng những lần thị kiến, các dấu thánh kín ẩn, chia sẻ cuộc thương khó của Chúa, hiện diện hai nơi cùng một lúc, đọc được tâm hồn người khác, nói tiên tri, và được đặc ân cao quí là kết ước nhiệm hôn cùng Chúa.

Mối tương giao sống động giữa chị thánh với Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thiên thần, các vị thánh, các linh hồn luyện ngục – toàn bộ thế giới vô hình – cũng thực tế như thế giới hữu hình mà chị thánh cảm nhận được qua các giác quan.

Đời sống đạo đức của thánh nữ Faustina chủ yếu tập trung vào việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Rõ ràng, nhờ hội dòng đặc biệt của mình, chị thánh đã chuẩn bị đầy đủ cho các công việc sứ mạng. Ngoài nếp sống của dòng, chị thánh còn có một lòng sùng kính ngoại thường với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Thể.

Chúa đã ủy thác cho chị nữ tu hèn mọn nhưng mạnh mẽ, khiêm nhượng, và tín thác cao độ của Người một sứ mạng đặc biệt: “Hiện nay Cha sai con đem tình thương của cha đến cho toàn thế giới, Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha” (NK 1588).

Chúa đã biến đổi Faustina thành nên người Tông Đồ của Lòng Thương Xót. Thánh nhân là chứng nhân sống động của Chúa, công bố Lòng Thương Xót của Chúa bằng ngôn từ và hành động, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong việc cộng tác cứu độ các linh hồn.

Chúa đã chuẩn bị chị thánh Faustina cho sứ mạng này một cách tiệm tiến. Bước quan trọng để thực hiện sứ mạng này là việc vẽ bức hình Chúa Thương Xót – theo như mẫu Người đã hiện ra tại Plock. Qua bức hình này, ý nghĩa của sứ mạng ấy trở nên rõ rệt và có nền tảng vững vàng hơn.

Nếp sống khổ hạnh và những lần chay tịnh đến kiệt sức đã làm yếu nhược thể trạng của chị. Gần cuối năm đầu của thời kỳ nhà tập, chị còn phải trải qua những kinh nghiệm thần bí đớn đau lạ thường của giai đoạn đêm tối giác quan và sau đó là các khổ đau tinh thần và luân lý liên quan đến sức mạng mà chị nhận lãnh từ Chúa Kitô. Faustina đã hy hiến cuộc đời cho các tội nhân, vì thế chị đã chịu đựng những đau khổ tư bề để trợ giúp các linh hồn. Trong nhũng năm tháng cuối đời của chị thánh, các đau khổ nội tâm của đêm thụ động linh hồn và những bệnh nặng phần xác càng trở nên dữ dội hơn. Tuy kiệt quệ thể lý, nhưng Faustina đã đến mức trưởng thành sung mãn trong đời sống thiêng liêng. Sau 13 năm sống đời tu, ngài đã từ trần vào ngày 5 tháng 10 năm 1938, khi mới 33 tuổi đời. Thi hài của ngài an nghỉ tại ngoi mộ chung trong nghĩa trang Tu viện. Năm 1966, trong khi tiến hành các thủ tục điều tra án phong Chân phước, thi hài của ngài được cải táng vào Nhà nguyện của Tu Viện.

Mặc dù chỉ có một học vấn rất giới hạn, nhưng người nư tu hèn mọn này được giáo dục trong trường học của Thày Chí thánh. Chị đã để lại một cuốn nhật ký (đã được dịch ra nhiều thứ tiếng), khơi lên một nguồn hoan lạc và là trường dạy về đời sống thánh cho hàng ngàn tín hữu nam nữ. Từ quyển Nhật Ký này, người đọc có thể tìm thấy những con đường đưa họ đến với Chúa và học biết để sống tín thác và nhân ái.

Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị nữ tu đơn sơ, ít học nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp lòng Thương Xót Chúa cho thế giới. Chúa phán với ngài: “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim Thương Xót của Cha” (NK 1588); “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha. Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy ở đời này và đời sau” (NK 1605)…”Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ và kêu gọi họ tín thác vào Lòng Thương Xót vô hạn của Cha (NK 1567).

Vào ngày 18 tháng 4 năm 1993, tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina Kowalska lên hàng chân phước.

Sáu năm sau, vào ngày 11 tháng 4 năm 1999, nhân dịp năm dâng kính Chúa Cha, Đức Gioan Phaolô II đã chúc mừng 50.000 tín hữu từ khắp thế giới tụ về quảng trường thành Phêrô tại Roma, để cử hành lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Đó là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa được cử hành lần đầu tiên tại quảng trường thành Phêrô.

Ngày 30 tháng 4 năm 2000, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong nữ tu Maria Faustina lên bậc hiển thánh. Chị là đấng thánh đầu tiên của năm thánh Cứu Độ. Trong một lời công bố đầy ngạc nhiên, Đức Thánh Cha đã ấn định Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa trong toàn Giáo Hội hoàn vũ.

Đến tại “Đất Thánh Lòng Thương Xót”, chúng tôi được lắng nghe nhiều nhân chứng và cảm nghiệm nhiều ơn lành của Lòng Thương Xót. Chiều tối, chúng tôi cùng hòa vào nhiều đoàn bạn trẻ đi đến quảng trường Bolivia tham dự Chặng Đàng Thánh Giá.

Sáng 30.7, chúng tôi thăm trại tù Auschwitz và ban tối tham dự Đêm Canh Thức tại quảng trường Campus Misericordiae, rồi ngày mai dự đại lễ bế mạc và trở về nhà.

Năm 1673, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647–1690) tại tu viện Thăm Viếng ở Parayle Monial và trao cho chị việc truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Người: “Trái Tim đã yêu dấu loài người quá bội.” Việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa là mời kêu gọi tha thiết, dịu dàng qua việc cầu khẩn “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Nhưng dần dần con người đã sao nhãng.

Nối tiếp, Chúa Giêsu lại trao cho thánh Maria Faustina về Lòng Chúa Thương Xót: “Con chuẩn bị cho thế giới về lần đến cuối cùng của Ta… Hãy làm cho cả nhân loại nhận biết Lòng Thương Xót sâu thẳm khôn dò của Ta. Đó là dấu hiệu của thời cuối cùng, sau đó sẽ là ngày công lý”.

Đại Hội Giới Trẻ lần thứ 31 trong Năm Thánh Lòng Thương Xót đang mang đến cho các bạn trẻ nhiều thay đổi trong tâm hồn và trong đời sống.

Ngày nay, xã hội hiện đại đề cao lối sống hưởng thụ, chiến tranh và nạn khủng bố đe dọa thế giới, nhiều tội ác, mafia, nạn ly dị, nạn tự tử, phá thai, hợp thức đồng tính luyến ái, kỹ nghệ sex, hiệp hội trao đổi vợ chồng, bạo lực trong gia đình và xã hội, kích dục trong phim ảnh và quảng cáo, những trang Web đen, vũ khí hủy diệt hàng loạt, ô nhiễm và tàn phá thiên nhiên, hàng ngàn giáo phái thần bí phi nhân bản ra đời, chủ nghỉa cực đoan, khủng hoảng và tha hóa tinh thần, sự tục hóa tâm linh, làn sóng bỏ đạo, chủ nghĩa thực dụng, duy hưởng thụ… Những vấn đề này được gọi là “văn hóa của sự chết” (Đức Gioan Phaolô II), “văn hóa tận số” (Đức Phanxico). Toàn cảnh đã tạo cho thế giới một bức tranh ảm đạm, xám xịt…

Niềm tin đem lại nhiều hy vọng. Lòng Thương Xót Chúa vượt thắng tất cả. Hãy tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa. Xin cho nhiều bạn trẻ nhờ việc gặp gỡ Chúa Giêsu, gặp gỡ ĐTC Phanxicô, gặp gỡ nhiều nhân chứng lòng thương xót, gặp gỡ nhau…sẽ trở nên khí cụ của Lòng Thương Xót Chúa. Amen