KRAKOW – Còn nhớ, cuối thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, tại thành phố Rio de Janeiro, Brasil năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo thời điểm và nơi cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới: “Các bạn trẻ thân mến, chúng ta có một cuộc hẹn trong Ngày Quốc tế giới trẻ lần tới, vào năm 2016, tại Cracovia, Ba Lan. Nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Linh trên con đường dẫn chúng ta đến giai đoạn mới này của việc vui mừng cử hành niềm tin và tình yêu nơi Chúa Kitô”. Phái đoàn
các bạn trẻ Ba Lan hiện diện, nhiều người trong y phục truyền thống, đã nhẩy mừng và reo hờ, tung cờ, chào đón tin vui này.

Hình ảnh

Sau 3 năm chuẩn bị, nay Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31, được tổ chức tại thành phố Krakow, Balan, từ ngày 25 đến 31 tháng 7 năm 2016. Đức Thánh Cha Phanxicô đến gặp gỡ các bạn trẻ trong dịp đặc biệt này.

Đại hội lần này diễn ra trong Năm Thánh Lòng thương xót 2016, cho nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn câu phúc âm “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7) làm chủ đề. Đây cũng là dịp kỷ niệm 1050 năm nước Balan đón nhận Tin Mừng. Theo thống kê của Ban Tổ Chức, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay, sẽ có 47 vị Hồng Y, 800 vị giám mục và 20.000 linh mục và hơn 2 triệu bạn trẻ từ khắp thế giới tham dự Đại Hội Giới Trẻ. Thành phố Krakow được chọn làm địa điểm chính cho Đại hội, nơi đây là quê hương của Thánh Nữ Maria Faustina, sứ gỉa của lòng Chúa thương xót, và là quê hương của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II, chính ngài đã phong Thánh cho Maria Faustina và ngài đã thành lập lễ kính lòng Chúa thương xót vào ngày Chúa Nhật sau lễ Chúa Giêsu phục sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Phái đoàn Việt Nam gồm Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên – Chủ tịch Uỷ ban mục vụ giới trẻ thuộc HĐGMVN, 18 linh mục (trong đó có cha Phêrô Quý thuộc giáo phận Bùi chu đã 78 tuổi mà vẫn trẻ trung yêu đời) và 32 bạn trẻ. Đức Cha Giuse đi qua đây trước mấy ngày, có 9 bạn trẻ Sài gòn đi trước mười ngày nay để làm tình nguyện viên.

Đoàn chúng tôi có 22 người, gồm 13 linh mục và 9 bạn trẻ đi theo tour do Công ty Carnival Group Sài gòn tổ chức. Chúng tôi đi từ Sài gòn, tối thứ hai lúc 9 giờ ngày 25/7. Sau 7 giờ bay đến Dubai, tiếp tục 7 giờ bay nữa mới đến sân bay Warsaw.

Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được cử hành long trọng lúc 17 giờ ngày 26.7, do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow chủ sự tại công viên Blonia. Thật đáng tiếc, do không kịp giờ tham dự cho nên chúng tôi đi đến Czestochow, thánh địa của người Công Giáo Ba Lan, dâng thánh lễ tại Đền Thánh Đức Mẹ Czestochowa (Đức Mẹ Đen). Đây là Đền Thánh quốc gia Ba Lan, là một trong những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ trên toàn thế giới.

Tại Đền Thánh này đặc biệt có bức linh ảnh là Đức Bà Czestochowa, thường gọi là Đức Bà Đen vì có màu da ngăm đen. Bức ảnh bằng gỗ cao 1,2m vẽ Đức Trinh Nữ mặc bộ áo thêu nhiều nhánh hoa huệ đang chỉ tay qua Chúa Giêsu là nguồn mọi ân sủng.

Thật lạ, nhìn bức linh ảnh Czestochowa ai cũng thấy trên má của Đức Mẹ có hai vết chém.

Truyền thuyết kể lại rằng bức linh ảnh do Thánh Sử Luca vẽ, ngài sử dụng một chiếc bàn thợ mộc mà Chúa Giêsu đã dùng. Khi vẽ, Thánh Luca cũng lắng nghe những câu chuyện cuả Mẹ Maria kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu, do đó mà trong Tin Mừng thứ ba có viết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

Huyền thoại cùng cho rằng chính Thánh Nữ Helena đã đến Jerusalem vào năm 326 để tìm Thánh Giá thật, Bà đã tìm thấy bức ảnh này. Bà đã đem tặng cho con trai là hoàng đế Constantine, và vị hoàng đế đã xây dựng một ngôi đền ở thành đô Constantinople để tôn kính.

Khi thành Constantinople bị quân Hồi Giáo Saracens vây hãm, người ta đã rước bức linh ảnh lên tường thành và quân Saracen đã bị đánh bại. Khi vua Charlemagne thống nhất Châu Âu và được tấn phong Hoàng Đế cuả 'Đế Quốc Thánh Roma', ông đã tặng bức linh ảnh cho vua Leo của Ruthenia (phía tây bắc Hungary, là vùng đất cuả giống người Slav, bao gồm Lithuania và Balan ).

Vào thế kỷ 11 Ruthenia bị xâm lăng bởi một vương quốc lớn mạnh hơn nhiều, nhà vua đã cầu nguyện với Đức Mẹ để che chở cho mình, và sự việc xẩy ra là trời đất đã đen khịt lại, bóng tối che phủ toàn thể quân địch, và họ đã tấn công tiêu diệt lẫn nhau.

Vào thế kỷ 14 thì bức linh ảnh được đưa tới Jasna Gora ở Ba Lan, từ đó chúng ta bắt đầu có những ghi chép cẩn thận vể những biến cố xảy ra sau này.

Năm 1382 quân Tartar vây hãm pháo đài Belz đang lưu giữ bức linh ảnh, một mũi tên đã ghim vào cổ của hình Đức Mẹ. Ông hoàng trấn thủ pháo đài lo sợ bức ảnh có thể rơi vào tay địch quân nên đã chạy trốn trong đêm và mang bức linh ảnh tới thị trấn Czestochowa.

Bức linh ảnh được đặt trong một nhà thờ nhỏ, và sau đó một tu viện được xây lên để đảm bảo sự an toàn cho bức linh ảnh.

Tuy nhiên vào năm 1430, loạn quân Hussites đã tràn ngập tu viện cướp được linh ảnh. Một tên cướp đã đặt bức linh ảnh vào một chiếc xe ngựa để đem đi. Nhưng những con ngựa không chịu bước. Tức giận, nó đã rút gươm và chém vào bức tranh hai lần, khi nó vung gươm lên lần thứ ba, thì đột nhiên ngã xuống, quằn quại trong đau đớn, và chết.

Những nỗ lực để sửa chữa những vết sẹo từ mũi tên và thanh kiếm đã gặp rắc rối và người ta đã phủ lên bức linh ảnh một lớp sơn pha với lòng trứng và sáp. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn thấy dấu tích cuả các vết thương.

Vào năm 1655, Ba Lan đã thua trận và gần như hoàn toàn bị tàn phá bởi Vua Charles X của Thụy Điển, chỉ còn vùng chung quanh tu viện cuả bức linh ảnh là chưa bị chiếm. Một cách kỳ diệu, với chỉ có 70 thầy tu và 180 dân quân tình nguyện từ các làng xã lân cận mà họ chống trả được một lực lượng tinh nhuệ cuả Thuỵ Điển đông đến 4.000 trong suốt 40 ngày đêm, sau cùng quân Thuỵ Điển đã nản chí phải lui binh. Từ đó nước Ba Lan đã lật ngược thế cờ và đánh đuổi được quân xâm lược.

Sau sự kiện kỳ diệu đó, vua John II Casimir Vasa đã đăng quang bức linh ảnh Đức Bà Czestochowa là Nữ Hoàng Ba Lan, đặt quốc gia dưới sự bảo vệ cuả Mẹ.

Trong thời cận đại, đã vẫn có những câu chuyện lạ được truyền tụng liên quan đến bức linh ảnh, như trong cuộc xâm lược của Nga vào Ba Lan năm 1920, khi quân Nga tiến đến bờ sông Vistula và đe dọa thành phố Warsaw, thì họ nhìn thấy hình ảnh của Đức Mẹ xuất hiện trong đám mây trên thành phố, và họ đã rút.

Czestochowa là địa điểm hành hương quan trọng nhất cuả người Ba Lan. Từ năm 1711 cho đến nay vẫn có nhiều người tham gia một cuộc hành hương đi bộ, họ khời hành từ Warsaw vào ngày 6 tháng 8 và đi qua một đoạn đường dài 230 km (140 dặm) đến nơi đây. Ngay trong những lúc khó khăn nhất vẫn có người thm gia cuộc hành hương này, nhiều cụ già vẫn còn nhớ lại những đêm tối mò mẫm, bất chấp hiểm nguy, đi lén lút theo những con đường mòn trong thời Ba Lan bị Đức Quốc Xã xâm chiếm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng từng đi lén lút như vậy trong thời Ngài còn là một sinh viên.

Sau thánh lễ, chúng tôi cầu nguyện sốt mến trước linh ảnh Đức Mẹ, tham quan thánh đường rồi về nghĩ ngơi lấy sức cho ngày mai.

Sáng nay ngày 27 tháng7, chúng tôi đến Nhà thờ nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tại số 24 Garncarska để học giáo lý. Đây là một trong 240 địa điểm làm nơi học hỏi giáo lý của kỳ đại hội. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên vui mừng đón tiếp các phái đoàn bạn trẻ người Việt đến từ nhiều nước trên thế giới. Tay bắt mặt mừng hỏi han tâm sự, bầu khí thân thiện, ấm áp tình gia đình.

Trong 3 ngày, Đức Cha Giuse trình bày 3 đề tài giáo lý: Đây là thời gian của lòng thương xót; Để cho lòng thương xót Chúa Kitô chạm tới; Lạy Chúa, xin làm cho con nên khí cụ của lòng thương xót Chúa.

Buổi đầu, sau 45 phút Đức Cha khai triển đề tài, các phái đoàn tự giới thiệu, các bạn tình nguyện viên chia sẻ…Bầu khí thật thân thương tình huynh đệ.

Đến 11 giờ, thánh lễ đồng tế, cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Chúa. Sau khi ghi lại những tấm hình lưu niệm, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau, mỗi đoàn theo chương trình hành hương riêng của mình.Chúng tôi hòa vào dòng chảy nhộn nhịp nhảy múa ca hát reo hò của những nhóm bạn trẻ khắp năm châu.

Vào năm 1938, khi nữ tu Faustina qua đời, chàng thanh niên Karol Wojtyla, sau này là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tới Krakow để khởi đầu chương trình học đại học. Hai vị thánh này chưa hề gặp gỡ nhau ở thế gian, nhưng Chúa Quan phòng lại định liệu để các ngài có cùng một lý tưởng chung, đó là quảng diễn lòng thương xót của Chúa. Hai vị thánh của quê hương Krakow được chọn làm thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31. Các ngài là niềm tự hào của Giáo Hội Ba Lan, cách riêng của Thành phố Krakow. Dọc qua các đường phố, chúng tôi thấy hình ảnh của hai vị thánh được trưng bày trân trọng, với cờ hoa rực rỡ muôn màu sắc.

Đến với Krakow, bạn trẻ Công Giáo được mời gọi dấn thân để phục vụ Giáo Hội. Như lời Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz trong bài giảng lễ khai mạc, ngài mời gọi các bạn trẻ “Hãy mang đến cho mọi người ngọn lửa đức tin của các bạn và hãy thắp lên những bó đuốc mới để rồi trái tim của mọi người đập cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, là lò lửa yêu mến. Ước chi ngọn lửa tình yêu bao trùm cả thế giới này, để không còn ích kỷ, bạo lực và bất công. Ước chi thế giới này được củng cố bởi nền văn minh của sự thiện, của hoà giải, của tình yêu và hoà bình”.

Đại Hội Giới trẻ Thế giới chính là hình ảnh môt Giáo Hội trẻ trung năng động đầy sức sống. Cầu chúc đại hội lần thứ 31 được diễn ra trong an bình và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Xin cho các bạn trẻ luôn là khí cụ của Lòng Chúa Thương Xót.