Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật thứ 15 Mùa Quanh Năm 13/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:34 12/07/2025
BÀI ĐỌC 1 Đnl 30:10-14
Bài trích sách Đệ nhị luật. Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ. Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?’ Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?’ Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.”
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 Cl 1:15-20
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
Đức Giê-su Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới,tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại,để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,Thiên Chúa đã đem lại bình ancho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG x. Ga 6:63c,68c
Alleluia. Alleluia. Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Alleluia.
TIN MỪNG Lc 10:25-37
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
Đó là Lời Chúa.
VietCatholic TV
Tư Lệnh Lữ Đoàn TQLC Nga, 21 sĩ quan trúng HIMARS, tử trận. Tuyên bố quan trọng của TT Trump về Nga
VietCatholic Media
02:28 12/07/2025
1. Nga xác nhận Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 tử trận
Hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Bẩy, Oleg Nikolayev, nhà lãnh đạo của Cộng Hòa Chuvash đã xác nhận cái chết của Đại tá Sergei Ilyin, Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155. Đại tá Sergei Ilyin được tường trình đã tử trận tại tỉnh Kursk trong một cuộc tấn công bằng HIMARS của quân Ukraine vào đại bản doanh của Lữ Đoàn khiến 22 người thiệt mạng trong đó có Đại tá Sergei Ilyin và một số sĩ quan cao cấp khác của Lữ Đoàn.
Oleg Nikolayev cho biết Đại tá Sergei Ilyin đã được chôn cất vào này Thứ Năm, 10 Tháng Bẩy, tại Cheboksary, thủ phủ của Cộng Hòa Chuvash.
Đại tá Sergei Ilyin là Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 thứ tư bị thiệt mạng trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Gần đây nhất, trong lễ trao giải cho các quân nhân Nga của Lữ Đoàn này vào ngày 26 Tháng Hai, 2024 tại thị trấn Olenivka của tỉnh Donetsk bị Nga tạm chiếm, một quả HIMARS đã tấn công vào buổi lễ, giết chết tại chỗ Tư Lệnh Lữ Đoàn là Đại tá Mikhail Gudkov, Tư Lệnh Phó Lữ Đoàn Trung tá Roman Kozhukhov, Thiếu tá Alexander Abilov và Đại úy Nail Shakhmanov. Tất cả đều thuộc về Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 của Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga.
Đại tá Sergei Ilyin đã lên thay Đại tá Mikhail Gudkov vào ngày 1 Tháng Ba, 2024.
Bản thân Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 cũng đã bị xóa sổ đến 3 lần.
Theo bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh, tháng Ba, 2023, khi thấy quân Wagner có vẻ như sắp chiếm được thành phố Bakhmut, Bộ trưởng Quốc phòng Nga lúc bấy giờ là Sergey Shoigu đã đoán là quân Ukraine đang suy sụp tinh thần chiến đấu nên ông ta hối hả lên kế hoạch đánh thành phố Vuhledar để cũng có một chiến thắng như trùm Wagner Yevgeny Prigozhin. Không may cho ông ta, là quân Nga đại bại ở thành phố Vuhledar đến mức Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 bị khai tử.
Lữ Đoàn được cấp tốc xây dựng lại để báo thù. Ngày 4 Tháng Mười Một, 2023, họ tấn công Vuhledar lần thứ hai. Họ nhanh chóng lọt vào một bãi mìn và dừng lại trong các khu vực trong tầm bắn của pháo binh và máy bay không người lái do Lữ đoàn cơ giới số 72 của quân đội Ukraine giám sát. Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 lại bị khai tử lần nữa.
Lần thứ ba, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 lại bị khai tử là trong trận tấn công chiếm pháo đài Avdiivka khi họ giao tranh với Lữ Đoàn 59 Cơ giới của quân Ukraine.
Tin tức về cái chết của Đại tá Sergei Ilyin xuất hiện cái chết vào ngày 2 Tháng Bẩy, vừa qua của Thiếu tướng Nga Mikhail Gudkov, Phó Tư lệnh Hải quân Nga, cũng tử trận tại tỉnh Kursk.
Tin tức về cái chết và lễ an táng của Ilyin ban đầu được đăng trên trang mạng xã hội VKontakte của chính quyền quận Urmarsky thuộc Cộng hòa Chuvash, Nga.
Kyiv cáo buộc Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến Độc lập 155 phạm nhiều tội ác chiến tranh ở Ukraine. Theo Lữ Đoàn Dù số 95 của Ukraine, các thành viên của lữ đoàn này chịu trách nhiệm hành quyết tù binh chiến tranh và làm nhục binh lính Ukraine bị bắt.
Các thành viên của Lữ đoàn 155 cũng có liên quan đến các tội ác chiến tranh được thực hiện trong thời gian xâm lược Bucha, Irpin và Hostomel ở Tỉnh Kyiv trong những tháng đầu của cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Tổng Công Tố Ukraine, Andriy Kostin, cáo buộc Thiếu tướng Mikhail Gudkov từng hãm hiếp 3 phụ nữ Ukraine tại Bucha trước khi giết chết họ và xô xác xuống mương.
Một số quan chức quân sự cao cấp của Nga đã thiệt mạng trong suốt cuộc xâm lược toàn diện, cả ở tiền tuyến lẫn hậu phương. Ban tiếng Nga của BBC đã xác định được 10 tướng lĩnh và 524 trung tá và đại tá đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược. Con số thực sự sẽ cao hơn đáng kể vì BBC và Mediazona xác minh dựa trên các cáo phó, các thông báo của chính quyền địa phương và các nhà thờ, cũng như những quyết định liên quan đến việc thừa kế tài sản của các tử sĩ. BBC và Mediazona cảnh báo rằng ở các vùng nông thôn nơi Putin bắt lính nhiều nhất, người ta không có thói quen đăng cáo phó, và các tử sĩ thường quá nghèo chẳng có gì để lại cho thân nhân.
Lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk của Nga vào tháng 8 năm 2024, đánh dấu cuộc xâm lược quy mô lớn đầu tiên của quân đội nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Động thái này nhằm mục đích phá vỡ một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của Nga nhắm vào tỉnh Sumy của Ukraine và giảm bớt áp lực lên mặt trận Donetsk.
Kể từ đó, Ukraine tuyên bố đã gây ra 63.402 thương vong cho quân đội Nga tại khu vực này, bao gồm 25.625 người thiệt mạng và 971 người bị bắt. Lực lượng Ukraine cũng cho biết họ đã phá hủy hoặc làm hư hại hơn 5.664 thiết bị quân sự của Nga trong khu vực.
Nga đã chiếm lại phần lớn lãnh thổ đã mất trong cuộc tấn công mới vào tháng 3 năm 2025, với sự hỗ trợ của quân đội Bắc Hàn.
[Kyiv Independent: Russia confirms brigade commander's death, allegedly linked to Ukrainian strike in Kursk Oblast]
2. Tổng thống Trump hứa sẽ có ‘tuyên bố quan trọng’ về Nga, tiết lộ thỏa thuận vũ khí mới của NATO cho Ukraine
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với NBC News hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Bẩy, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông có kế hoạch đưa ra một “tuyên bố quan trọng” về Nga vào tuần tới.
Nói về cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Trump nói với NBC News: “Tôi thất vọng về Nga, nhưng chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới.”
“Tôi nghĩ tôi sẽ có một tuyên bố quan trọng về Nga vào thứ Hai”, ông nói thêm. Ông không nói rõ nội dung tuyên bố.
Tổng thống Trump cũng nêu ra những gì ông mô tả là một thỏa thuận mới liên quan đến Hoa Kỳ, NATO và Ukraine về việc chuyển giao vũ khí của Mỹ.
“Chúng tôi đang gửi vũ khí cho NATO, và NATO sẽ trả tiền cho những vũ khí đó, 100%. Vì vậy, những gì chúng tôi đang làm là những vũ khí được gửi đi sẽ đến NATO, và sau đó NATO sẽ cung cấp những vũ khí đó cho Ukraine, và NATO sẽ trả tiền cho những vũ khí đó”, Tổng thống Trump nói.
Ông cho biết thỏa thuận đã được hoàn tất tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng trước, nơi Tổng thống Trump bày tỏ sự ủng hộ đối với việc gửi thêm hỏa tiễn Patriot tới Ukraine.
“Chúng tôi gửi vũ khí cho NATO và NATO sẽ hoàn trả toàn bộ chi phí cho những vũ khí đó”, Tổng thống Trump nói.
Những phát biểu mới nhất của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh Washington đang đưa ra một loạt tín hiệu trái chiều và thất thường. Chỉ mới tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã đơn phương tạm dừng việc cung cấp các khoản viện trợ quân sự quan trọng cho Kyiv, bao gồm hỏa tiễn đánh chặn Patriot và đạn dược dẫn đường chính xác.
Quyết định này sau đó đã bị đảo ngược khi Tổng thống Trump phủ nhận sự liên quan và hiện cam kết sẽ cho phép vận chuyển thêm vũ khí tới Ukraine.
[Politico: Trump promises 'major statement' on Russia, reveals new NATO weapons deal for Ukraine]
3. Chiến dịch gây quỹ ám sát Tổng thống Donald Trump theo Fatwa của Iran đã huy động được hơn 40 triệu đô la
Một fatwa, hay sắc lệnh tôn giáo, do các giáo sĩ cao cấp Iran ban hành kêu gọi ám sát Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thu hút được hàng chục triệu đô la tiền tài trợ trực tuyến, theo các báo cáo.
Động lực thúc đẩy một sắc lệnh như vậy đã tăng lên kể từ khi Tổng thống Trump ra lệnh tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran vào tháng trước sau khi Israel phát động Chiến dịch “Rising Lion” hay “Sư Tử Trỗi Dậy” với mục tiêu phá hủy khả năng chế tạo bom hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo này.
Tổng thống Trump phải đối mặt với các mối đe dọa ám sát từ Iran sau khi ra lệnh giết Tướng Qassem Soleimani của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ở Iraq vào năm 2020.
Sau cuộc không kích của Mỹ vào Iran tháng trước, giáo sĩ cao cấp Đại giáo chủ Naser Makarem Shirazi đã ban hành một sắc lệnh tuyên bố rằng bất kỳ ai đe dọa Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei đều là “đối phương của Chúa”, được hiểu là một mối đe dọa đối với Tổng thống Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Các giáo sĩ cứng rắn khác ở Iran cũng đã ban hành những sắc lệnh tương tự.
Mặc dù không có hiệu lực pháp lý, một fatwa có thể ảnh hưởng đến các quyết định tư pháp ở những nơi có hệ thống pháp luật dựa trên luật Sharia. Fatwa chống lại Tổng thống Trump đã được so sánh với lệnh chống lại tác giả Salman Rushdie, dẫn đến các vụ ám sát.
Iran International, một cơ quan truyền thông ở Luân Đôn, đưa tin rằng các giáo sĩ đã ban hành một lá thư vào hôm Thứ Năm, 10 Tháng Bẩy, gọi Tổng thống Trump và Netanyahu là “những chiến binh ngoại đạo”, đó là một thuật ngữ pháp lý Hồi giáo dùng để chỉ những người không có đức tin trong cuộc chiến với người Hồi giáo và đáng bị tử hình.
Theo nguồn tin này, trang web thaar.ir của Iran cho biết họ đang gây quỹ cho vụ ám sát Tổng thống Trump và đã nhận được 40.286.867 đô la.
Tổ chức Iran International cho biết sắc lệnh kêu gọi giết Tổng thống Trump và Netanyahu đã nhận được sự ủng hộ từ khoảng 10 giáo sĩ khác và thu hút được hoạt động gây quỹ trực tuyến.
Có thông tin cho biết Mansour Emami, một giáo sĩ khác ở Tỉnh Tây Azerbaijan của Iran, đã tuyên bố thưởng 100 tỷ toman hay 1,14 triệu đô la, cho bất kỳ ai giết được Tổng thống Trump.
Giáo sĩ Alireza Panahian kêu gọi người Hồi giáo giết Tổng thống Trump và Netanyahu để trả thù cho những lời đe dọa của họ đối với Khamenei. Shirazi và Ayatollah Hossein Noori Hamedani trước đó đã ban hành các sắc lệnh riêng biệt.
Hai trong số những giáo sĩ này có mặt trên trang web thaar.ri. Theo bản dịch, trang web này cho biết họ đang vận động chống lại “chủ nghĩa khủng bố nhà nước Hoa Kỳ” và số tiền gây quỹ sẽ được trao cho những người “thực thi bản án công lý”.
Chuyên gia về Iran, Hamidreza Azizi, nói với Newsweek vào thứ năm rằng fatwa nên được xem xét qua lăng kính chính trị nội bộ Iran và sự cạnh tranh giữa các phe phái.
Nguyên nhân là do các giáo sĩ đưa ra hoặc tán thành những lời đe dọa này thuộc phe cực kỳ cứng rắn, vốn phản đối mọi hoạt động ngoại giao với Hoa Kỳ hoặc phương Tây.
“Mặc dù họ không công khai bày tỏ điều đó, nhưng ngay cả Khamenei cũng được họ coi là một người mềm mỏng”, Azizi, nghiên cứu viên tại viện nghiên cứu SWP Berlin của Đức, cho biết. “Họ không trung thành với các quyết định và chỉ thị của Khamenei như nhiều người ủng hộ chế độ khác.”
“ Họ có một chương trình nghị sự chính trị nhằm phản đối các cuộc đàm phán. Qua nhiều năm, họ đã trở nên quá hùng mạnh, và Khamenei—để kiềm chế phe ôn hòa và cải cách—đã trao cho họ toàn quyền hành động đến mức giờ đây họ rất khó bị kiểm soát”, Azizi nói tiếp.
Ông nói thêm rằng với sự chuyển giao hậu Khamenei đang đến gần, phe cứng rắn này trong Cộng hòa Hồi giáo đang cố gắng truyền bá quan điểm, củng cố hàng ngũ và phân biệt giữa chương trình nghị sự của mình với các phe khác.
Trong những bình luận được đưa tin vào thứ Tư, Mohammad-Javad Larijani, cựu cố vấn cao cấp của lãnh tụ tối cao Iran, phát biểu với truyền hình nhà nước Iran rằng Tổng thống Trump “không còn có thể tắm nắng ở Mar-a-Lago nữa”, ám chỉ rằng ông có thể bị máy bay điều khiển từ xa của Iran tấn công.
Larijani dường như đang nói đùa trong cuộc trao đổi, và Tổng thống Trump đã cười trừ trước lời đề nghị này khi một phóng viên của Fox News hỏi ông về lần gần nhất ông đi tắm nắng. Tổng thống Trump trả lời rằng “đã lâu rồi”. Ông nói thêm, “Tôi không chắc đó có phải là một lời đe dọa thực sự hay không, nhưng có lẽ là vậy.”
Phát ngôn nhân của Cơ quan Mật vụ nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng cơ quan này hoạt động “trong môi trường đe dọa cao độ và rất năng động”. Họ nói thêm, “Sự an toàn và an ninh của Tổng thống và tất cả những người được chúng tôi bảo vệ vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.”
[Newsweek: Iran Fatwa Fundraiser to Kill Donald Trump Raises Over $40 Million]
4. Nga hạ sát một đứa trẻ mới biết đi trong cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa, Ukraine cho biết
Theo chính quyền Ukraine, một bé trai một tuổi đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga khi Mạc Tư Khoa tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự.
Hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Bẩy, Trung Úy Olga Chikanova, Phát ngôn nhân Ủy Ban Điều Tra của Cảnh Sát Quốc Gia Ukraine cho biết cậu bé đã tử vong sau một vụ nổ ở vùng Kherson.
Cô cho biết ít nhất 12 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc tấn công của Nga trên khắp đất nước vào ngày hôm trước.
Sau đợt tấn công mới nhất của Mạc Tư Khoa vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, Tổng thống Zelenskiy đã kêu gọi cung cấp thêm hỏa tiễn và phòng không cho Ukraine và áp dụng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.
Theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine, tính đến tháng 7 năm 2025, ít nhất 638 trẻ em Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga.
Vụ việc mới nhất được báo cáo xảy ra trong bối cảnh Nga tăng cường bắn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine và khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi các đồng minh giúp tăng cường phòng không cho đất nước ông.
Lực lượng Nga đã thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa, pháo kích và không kích vào thứ Tư, nhắm vào các khu dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng và các cơ sở xã hội ở thành phố Kherson và hơn 40 thị trấn khác trên khắp khu vực.
Nhà lãnh đạo Cục Quản lý Quân sự Khu vực Kherson, Oleksandr Prokudin, cho biết trên Telegram vào thứ Tư rằng đứa trẻ đã tử vong do vết thương sau vụ nổ ở sân một tòa nhà dân cư tại làng Pravdyne.
Olga đưa tin rằng bé trai 5 tuổi Dmytro Bezverkhyi đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Velykyi Bobryk, thuộc vùng Sumy.
“Mẹ đã sống sót sau khi lấy thân mình che chở cho con”, cô ngậm ngùi nói.
Theo Liên Hiệp Quốc, gần một nửa số trẻ em thương vong là do vũ khí nổ ở các khu vực đông dân cư, bao gồm cả bom mìn và các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.
[Newsweek: Russia Kills Toddler in Drone Strike, Ukraine Says]
5. Na Uy cam kết hỗ trợ 200 triệu đô la cho năng lượng khẩn cấp của Ukraine và phục hồi xanh
Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNDP và chính phủ Na Uy đã khởi động sáng kiến trị giá 200 triệu đô la nhằm khôi phục và chuyển đổi ngành năng lượng của Ukraine, Bộ Năng lượng Ukraine thông báo trong một thông cáo báo chí vào ngày 10 tháng 7.
Trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Nga đã nhiều lần tấn công vào lưới điện của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện trên khắp cả nước.
Khoản tài trợ này được công bố tại Hội nghị phục hồi Ukraine ở Rôma, nhằm giải quyết cả nhu cầu năng lượng trước mắt và mục tiêu hiện đại hóa lâu dài.
Theo Bộ Năng lượng, sáng kiến này sẽ khôi phục dịch vụ sưởi ấm và nước cho hàng triệu người dân Ukraine, đặc biệt là ở các cộng đồng tuyến đầu.
Khoản tài trợ này cũng sẽ hỗ trợ trang bị cho các bệnh viện và cơ sở cấp nước các tấm pin mặt trời và hệ thống pin dự phòng, giúp cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế trong thời gian mất điện.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: “Sự đóng góp này từ Na Uy, thông qua UNDP, có tầm quan trọng đặc biệt đối với khả năng khôi phục các dịch vụ thiết yếu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chiến lược sang hệ thống năng lượng sạch và phi tập trung”.
Na Uy đã cam kết riêng 42 triệu euro (49 triệu đô la) cho Quỹ hỗ trợ năng lượng Ukraine, nhằm mục tiêu bảo vệ cơ sở hạ tầng chống lại các cuộc tấn công của Nga và phát triển các mạng lưới năng lượng bền vững hơn.
Một thỏa thuận nhỏ hơn trị giá 300.000 euro (350.000 đô la) cũng đã được ký kết với Tập đoàn Tài chính Môi trường Bắc Âu, gọi tắt là NEFCO để hỗ trợ các dự án sản xuất năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng.
[Kyiv Independent: Norway pledges $200 million for Ukraine's emergency energy support, green recovery]
6. Bộ trưởng Quốc phòng Iran đưa ra cảnh báo nghiêm khắc
Bộ trưởng Quốc phòng Iran cảnh báo rằng quân đội nước này đã chuẩn bị đầy đủ để đưa ra phản ứng “khắc nghiệt” và “gây hối tiếc” đối với bất kỳ “chủ nghĩa phiêu lưu” nào trong tương lai của Israel hoặc phương Tây, truyền thông Iran đưa tin.
Các mối đe dọa quân sự của Iran làm nổi bật nỗi lo về sự leo thang mới khi căng thẳng vẫn ở mức cao về chương trình hạt nhân của nước này sau các cuộc không kích của Israel và Hoa Kỳ trong cuộc xung đột kéo dài 12 ngày và có ít dấu hiệu về việc nối lại hoạt động ngoại giao mặc dù Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan.
Bộ trưởng Quốc phòng, Chuẩn tướng Aziz Nasirzadeh cho biết Quân đội đã chuẩn bị đầy đủ để đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành động liều lĩnh nào của Israel hoặc những người ủng hộ phương Tây, theo hãng thông tấn ISNA bán nhà nước
Ông cho biết trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Venezuela và Armenia, ông cho biết cuộc tấn công của Israel vào thời điểm đang diễn ra các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và Âu Châu là bằng chứng cho thấy điều mà ông gọi là “sự không đáng tin cậy của phương Tây”.
Quân đội Iran trước đó đã cảnh báo về việc sở hữu kho hỏa tiễn để sử dụng trong các cuộc tấn công trả đũa. Iran đã đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA và tuyên bố sẽ theo đuổi việc làm giàu hạt nhân vì mục đích dân sự. Iran phủ nhận việc tìm kiếm vũ khí hạt nhân mặc dù đã làm giàu uranium gần đến mức cần thiết để chế tạo chúng.
Trong cuộc xung đột, Israel đã phá vỡ một số phần mạng lưới phòng không của Iran, trong khi Hoa Kỳ điều động máy bay ném bom tàng hình B-2 để tấn công các mục tiêu bên trong Iran.
[Newsweek: Iran's Defense Chief Delivers Harsh Warning]
7. Tổng thống Trump quan tâm đến lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Nhưng có một điều đáng lưu ý.
Tổng thống Trump đã sẵn sàng ký dự luật trừng phạt Nga mà phe diều hâu của đảng Cộng hòa đã thúc đẩy trong nhiều tháng. Nhưng chỉ khi nó thay đổi để trao cho ông nhiều quyền kiểm soát hơn.
Một quan chức hành chính cao cấp giấu tên để thảo luận về quan điểm của tổng thống cho biết “về mặt khái niệm, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã cởi mở với dự luật, nhưng người này cho rằng luật cần phải bảo vệ những gì Tòa Bạch Ốc coi là thẩm quyền duy nhất của tổng thống trong việc giám sát chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Bản dự thảo hiện tại của dự luật cho phép tổng thống miễn thuế 500 phần trăm đối với các quốc gia mua dầu và uranium của Nga trong tối đa 180 ngày và Graham cho biết hôm thứ Ba rằng ông đã đồng ý sửa đổi dự luật để cho phép miễn thuế lần thứ hai, tùy thuộc vào sự giám sát của quốc hội.
Những thay đổi mà chính quyền mong muốn sẽ củng cố quyền miễn trừ của tổng thống, bảo đảm rằng Quốc hội không có quyền chất vấn Tổng thống Trump nếu ông quyết định chấm dứt lệnh trừng phạt.
“Phiên bản hiện tại sẽ khiến các quyết định về chính sách đối ngoại của tổng thống phải chịu sự quản lý vi mô của Quốc hội thông qua một nghị quyết chung về quá trình không chấp thuận. … Đó là điều không thể đối với chúng tôi,” viên chức này cho biết. “Chính quyền sẽ không bị Quốc hội quản lý vi mô về chính sách đối ngoại của tổng thống. Dự luật cần có thẩm quyền miễn trừ hoàn toàn.”
Việc Tổng thống Trump mới đây sẵn sàng thảo luận với Quốc hội về dự luật trừng phạt cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của ông với Putin, người mà ông cho là đã bác bỏ những nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt đổ máu ở Ukraine.
Một nhân viên Cộng hòa thân cận với Tòa Bạch Ốc cho biết: “Đối với tổng thống hiện nay, ông đã đầu tư danh tiếng của mình là có thể đàm phán bất cứ điều gì ở bất cứ đâu, và Putin đã khiến ông trông thật ngớ ngẩn”.
Tổng thống Trump hôm thứ Ba nói rằng Putin đã “ném rất nhiều lời nhảm nhí” vào ông và rằng ông “rất quan tâm” đến dự luật trừng phạt. Hôm thứ Tư, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã bày tỏ sự ủng hộ đối với động thái thúc đẩy trừng phạt.
“Vladimir Putin đã tỏ ra không muốn tỏ ra hợp lý và không muốn nói chuyện nghiêm chỉnh về việc làm trung gian hòa bình, và tôi nghĩ chúng ta phải gửi cho ông ấy một thông điệp”, ông nói.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện John Thune tỏ ra thận trọng hơn, ông nêu rõ “tiến triển đáng kể” trong quá trình làm việc với Tòa Bạch Ốc về dự luật, đồng thời bày tỏ mong muốn thuyết phục Tổng thống Trump hoàn toàn ủng hộ. Trong bài phát biểu trước Thượng viện hôm thứ Tư, ông cho biết dự luật có thể được đưa ra thảo luận tại Thượng viện trong tháng này, nhưng không đưa ra bất kỳ bảo đảm nào.
Nhưng bình luận của tổng thống, nhấn mạnh rằng bất kỳ lệnh trừng phạt bổ sung nào đối với Nga cũng sẽ “tùy thuộc vào lựa chọn của tôi”, đã nhấn mạnh điều mà các trợ lý cho là ưu tiên hàng đầu: duy trì sự linh hoạt tối đa và quyền kiểm soát hoàn toàn đối với chính sách của Hoa Kỳ đối với Điện Cẩm Linh.
Hai người giấu tên để mô tả các cuộc thảo luận riêng tư trên Đồi Capitol thừa nhận rằng mặc dù Tòa Bạch Ốc có thể ủng hộ rộng rãi dự luật trừng phạt, nhưng họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận với các nhà lập pháp về phạm vi của quyền miễn trừ.
Thune thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn ngắn rằng ngôn ngữ của bản miễn trừ vẫn đang được đàm phán.
“Chúng tôi vẫn đang làm việc với họ”, ông nói và cho biết thêm rằng họ đang “cố gắng” để mọi người cùng hiểu nhau.
Khi được yêu cầu bình luận về tình hình hiện tại, Tòa Bạch Ốc đã chỉ ra phát biểu của Tổng thống Trump.
Cho đến nay, Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã tỏ ra khá mềm dẻo trước áp lực của Tổng thống Trump, thông qua gói thuế và chi tiêu khổng lồ của tổng thống vào tuần trước và ủng hộ các hành động của Tòa Bạch Ốc về thương mại, nhập cư và quyền lực chiến tranh - tất cả các lĩnh vực mà Quốc hội đã trao thẩm quyền theo hiến pháp.
Với mô hình đó, chính quyền kỳ vọng các nhà lập pháp sẽ soạn thảo dự luật trừng phạt Nga theo cách làm hài lòng Tổng thống Trump, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ phải từ bỏ vai trò quản lý các điều khoản của dự luật. Đây là một sự thay đổi so với nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, khi một dự luật trừng phạt rộng rãi nhắm vào Nga bao gồm cả việc tạo ra một quy trình xem xét trước đây của Quốc hội.
Theo hai quan chức Tòa Bạch Ốc, ngoài mong muốn hạn chế khả năng Quốc hội kiểm tra ông về các vấn đề chính sách đối ngoại, việc Tổng thống Trump khăng khăng đòi hỏi sự linh hoạt còn nhằm mục đích giữ cánh cửa mở cho một bước đột phá tiềm năng với Putin.
Graham nhắc lại vào thứ Tư rằng ông tin Tổng thống Trump đồng ý với luật của mình, nói rằng tổng thống “muốn được miễn trừ, ông ấy có được sự miễn trừ. Ông ấy kiểm soát cách bạn thực hiện các lệnh trừng phạt.”
“Ông ấy nói với tôi rằng ông ấy nghĩ điều đó sẽ hữu ích,” Graham nói về cuộc trò chuyện của ông với Tổng thống Trump về dự luật. “Chúng tôi muốn trở thành một đội. Chúng tôi muốn giúp tổng thống. Đây là nỗ lực để trao cho tổng thống đòn bẩy mà ông ấy không có ngày hôm nay.”
Ngay cả khi dự luật được sự ủng hộ rộng rãi và lưỡng đảng tại Thượng viện — với hơn 80 người đồng bảo trợ, về mặt lý thuyết, nó có thể vượt qua được quyền phủ quyết của Tổng thống Trump — nhiều đảng viên Cộng hòa vẫn không muốn thông qua cho đến khi có tuyên bố ủng hộ rõ ràng và không thể nhầm lẫn từ tổng thống.
Một quan chức đảng Cộng hòa giấu tên để thảo luận về các cuộc thảo luận riêng tư cho biết: “Mong muốn tiến lên ở đây là có thật, nhưng rủi ro nằm ở việc thông qua một dự luật mà cuối cùng tổng thống quyết định rằng ông không muốn”.
Trong khi đảng Cộng hòa đang cân nhắc tuần lễ ngày 21 tháng 7 để đưa dự luật ra thảo luận, một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã tỏ ra nghi ngờ tuyên bố của Graham tuần này rằng mọi người đều cùng quan điểm. Họ muốn nghe chính Tổng thống Trump nói điều đó.
Điều đó đặc biệt đúng đối với một số ít nhà lập pháp trong phe “Nước Mỹ trên hết” của GOP, những người thường bất đồng quan điểm với lập trường diều hâu truyền thống hơn của Graham. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Josh Hawley (R-Mo.), cho biết ông sẽ gọi điện cho Tổng thống Trump trong tuần này để nghe trực tiếp suy nghĩ của ông về dự luật.
“Tôi biết Lindsey đã nói rằng ông ấy ủng hộ điều đó… nhưng tôi chỉ muốn biết ông ấy nghĩ gì về điều đó,” Hawley nói. “Tôi chỉ muốn nghe từ ông ấy thôi.”
Một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác xin giấu tên để phát biểu thẳng thắn rằng: “Nếu tổng thống ủng hộ lệnh trừng phạt thì tôi cũng ủng hộ lệnh trừng phạt, nhưng tôi tôn trọng quyết định của tổng thống”.
“Ông ấy là người ở giữa tất cả các cuộc đàm phán,” thượng nghị sĩ tiếp tục. “Hôm nay ông ấy thất vọng với Putin. Trước đây ông ấy đã thất vọng với [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Tổng thống Zelenskiy. Và ông ấy là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới có thể đưa cả hai bên lại gần nhau.”
[Politico: Trump is interested in new Russia sanctions. But there’s a catch.]
8. Các cuộc tấn công của Nga trên khắp Ukraine khiến 9 người thiệt mạng và 42 người bị thương trong ngày qua
Các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã khiến ít nhất chín thường dân thiệt mạng và ít nhất 42 người khác bị thương trong ngày qua, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết như trên.
Tại tỉnh Donetsk, các cuộc không kích của Nga đã khiến bảy người thiệt mạng: ba người ở thị trấn Pokrovsk, bốn người ở các làng Zapovidne, Rodynske, Zatyshok và Viroliubivka. Các cuộc không kích của Nga cũng làm chín người bị thương ở một số thị trấn, Thống đốc Vadym Filashkin cho biết.
Tại tỉnh Kharkiv, một người đã thiệt mạng và 14 người khác bị thương do các cuộc không kích của Nga nhằm vào 10 thị trấn, Thống đốc Oleh Syniehubov cho biết.
Tại trung tâm khu vực Kharkiv, máy bay điều khiển từ xa của Nga đã làm chín người bị thương, và tại thị trấn Kupiansk, một người đàn ông 43 tuổi đã thiệt mạng và một phụ nữ 73 tuổi bị thương.
Tại làng Myrne, một người đàn ông 57 tuổi và một phụ nữ 66 tuổi bị thương, trong khi một người đàn ông 74 tuổi bị thương tại làng Lyman. Một phụ nữ 65 tuổi cũng bị thương trong một cuộc không kích của Nga vào thị trấn Chuhuiv.
Theo Thống đốc Serhii Lysak, tại tỉnh Dnipropetrovsk, pháo binh và máy bay điều khiển từ xa của Nga đã tấn công quận Nikopol, khiến một người đàn ông thiệt mạng và một phụ nữ 22 tuổi bị thương.
Tại tỉnh Kherson, Nga đã tấn công 37 thị trấn, bao gồm cả trung tâm khu vực Kherson, trong ngày qua. Thống đốc Oleksandr Prokudin cho biết 14 người đã bị thương do các cuộc tấn công.
Tại tỉnh Sumy, một phụ nữ 62 tuổi ở cộng đồng Sumy đã bị thương, trong khi hai cư dân khác ở cộng đồng Sad bị thương, theo chính quyền quân sự địa phương. Gần 120 cuộc không kích đã được ghi nhận tại 32 thị trấn.
Tại tỉnh Zaporizhzhia, một người đàn ông 48 tuổi đã bị thương trong vụ tấn công của Nga tại quận Zaporizhzhia. Theo chính quyền quân sự địa phương, lực lượng Nga đã tiến hành 592 cuộc không kích trên 16 địa phương trong khu vực trong ngày qua.
[Kyiv Independent: Russian attacks across Ukraine kill 9, injure 42 over past day]
9. Khán giả bị giam cầm: Putin định hình quan điểm của người Nga như thế nào
Andrei Soldatov và Irina Borogan đang nâng ly chúc mừng thiên niên kỷ mới với các đồng nghiệp nhà báo khi cựu tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ giới thiệu Vladimir Putin là người kế nhiệm ông.
Nhưng quá khứ KGB của nhà lãnh đạo nhà nước sắp tới của Nga đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tương lai của các quyền tự do mới chớm nở của đất nước. “Rõ ràng là đối với những người như chúng tôi, nó sẽ không hứa hẹn điều gì tốt đẹp”, Borogan nói với Newsweek.
Một phần tư thế kỷ sau, cuộc đàn áp bất đồng chính kiến của Putin đã toàn diện đến mức án tù có thể chờ đợi những người đăng bài trên các nền tảng mạng xã hội như Telegram và VKontakte bị coi là làm mất uy tín cuộc xâm lược toàn diện của ông vào Ukraine.
Cuốn sách “Our Dear Friends In Moscow” hay “Những người bạn thân mến của chúng tôi ở Mạc Tư Khoa” của Soldatov và Borogan phác họa quá trình chuyển đổi từ một nước Nga tự do hơn vào thời kỳ đầu cầm quyền của Putin sang một đất nước mà tổng thống nắm giữ ý kiến của đa số và một số cựu đồng nghiệp đã đi theo đường lối của Điện Cẩm Linh.
Tiêu đề phụ của cuốn sách, “Câu chuyện bên trong của một thế hệ tan vỡ”, phác thảo sự kiểm soát ngày càng tăng của Putin đối với diễn ngôn công khai, đặc biệt là về cuộc chiến mà ông đã bắt đầu. “Những người phản đối cuộc xâm lược này vẫn im lặng vì sợ hãi”, Soldatov nói với Newsweek.
Khi Soldatov và Borogan bắt đầu sự nghiệp ở độ tuổi đôi mươi bằng việc làm việc cho các tờ báo như Sevodnya, Izvestia và là người sáng lập ra cơ quan giám sát tình báo Nga Agentura, họ trẻ hơn một thế hệ so với những người trước đó đã làm việc trong ngành.
Tiến triển diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh truyền thông tự do, tách biệt hoàn toàn khỏi những hạn chế của thời kỳ Xô Viết, nhưng ngay sau khi nhậm chức tổng thống vào năm 2000, Putin bắt đầu siết chặt. Những người bạn thân mến của chúng tôi ở Mạc Tư Khoa mô tả cách thức điều này có nghĩa là họ phải chuyển từ cơ quan truyền thông này sang cơ quan truyền thông khác, đôi khi là do các biên tập viên phải tuân theo yêu cầu của nhà nước để tuân theo đường lối mới của đảng, đôi khi là do công việc khiến các cơ quan an ninh phải lo lắng.
Nhưng một sự kiện đánh dấu ý định kiểm soát dư luận của Putin là vụ tấn công Nhà hát Dubrovka ở Mạc Tư Khoa vào ngày 23 tháng 10 năm 2002 bởi các chiến binh Chechnya đã bắt 912 người đang xem vở nhạc kịch “Nord-Ost” làm con tin.
Các cơ quan an ninh Nga đã thả khí gây ngủ vào tòa nhà trước khi xông vào. Cả 40 kẻ bắt giữ con tin đều chết, nhưng hơn 130 con tin cũng chết, phần lớn là do khí gây ngủ, và chiến dịch vụng về này đã bị lên án.
Soldatov cho biết Putin muốn thể hiện mình là một tổng thống có thể giải quyết vấn đề khủng bố theo cách khác với Yeltsin, người đã bổ nhiệm ông.
“Putin muốn được coi là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và tàn bạo và quyết đoán hơn nhiều—không giống như Yeltsin,” ông nói, “khi các nhà báo bắt đầu viết những điều chỉ trích về cách giải quyết tình hình, ông ấy thực sự tức giận.”
Sau cuộc bao vây, Putin cáo buộc các nhà báo là những kẻ phản bội, và đó là lúc Soldatov và Borogan phải đối mặt với cuộc điều tra đầu tiên của FSB. Các hạn chế ngày càng tăng, và đến cuối thập niên đầu tiên, Soldatov cho biết hầu hết các tờ báo đã thu hẹp hoặc đóng cửa hoàn toàn các phòng điều tra của họ. Các mối đe dọa đối với các nhà báo ngày càng tăng, gửi một thông điệp lạnh lùng đến những người viết về các cơ quan an ninh của Nga.
Borogan cho biết, sự hỗn loạn kinh tế thời hậu Xô Viết đã gây ra khó khăn tài chính cho phần lớn người dân Nga vì họ cảm thấy “bị phương Tây lừa dối” rằng nền dân chủ mới không đồng nghĩa với sự giàu có như họ nghĩ đã được hứa hẹn.
Đây là điều Putin có thể khai thác khi ông lên nắm quyền. “Ông ấy nói, 'Chúng ta sẽ mạnh mẽ. Chúng ta sẽ không hợp tác với phương Tây, những kẻ luôn chống lại chúng ta, và tôi sẽ khôi phục lại lòng tự hào của chúng ta'“, Borogan nói. “Dân chúng không bị tẩy não hoàn toàn, Putin đã tìm ra điểm yếu của họ”.
Giá của mặt hàng xuất khẩu có lợi nhuận cao nhất của Nga tăng vọt và khi giá một thùng dầu đạt đỉnh 150 đô la vào tháng 7 năm 2008 trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mọi người liên hệ sự giàu có đang phát triển này với Putin.
“Hợp đồng xã hội ban đầu rất đơn giản”, Soldatov nói. Công chúng từ bỏ quyền tự do công cộng và sự tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào, để đổi lấy sự thịnh vượng, ổn định và an ninh.
Nhưng Putin cũng khai thác mong muốn của người dân Nga muốn lấy lại lòng tự hào của họ như một siêu cường. Soldatov cho biết rằng dọc theo con đường này là cuộc chiến tranh năm 2008 ở Georgia, cho thấy quân đội Nga sẽ không còn bị làm nhục nữa. Việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014 đã thổi phồng cảm giác tự hào đó.
Kể từ đó, Putin đã tái giới thiệu một yếu tố sợ hãi. Một thập niên trước, việc phản đối Điện Cẩm Linh chỉ là vấn đề đối với các chính trị gia—giờ đây hầu như mọi tầng lớp trong xã hội Nga đều gặp nguy hiểm, bao gồm cả doanh nhân và công chức.
Sự sợ hãi hiện diện khắp nơi
Putin đã kiểm soát các kênh truyền hình và các hạn chế đối với các phương tiện truyền thông khác chặt chẽ đến mức việc xem các bài đăng hoặc phương tiện truyền thông độc lập ở nơi công cộng có thể rất nguy hiểm. “Nỗi sợ hãi luôn hiện hữu”, Borogan nói.
“Hầu hết những người dân Nga phản đối cuộc xâm lược Ukraine đều giữ im lặng vì nỗi sợ hãi này”, Soldatov nói.
“Điện Cẩm Linh rất khéo léo trong việc nhắc nhở mọi người về những gì dưới thời Stalin”, Soldatov nói, “đôi khi họ cố tình sử dụng ngôn từ từng được dùng dưới thời Stalin để nhắc nhở mọi người về những gì Điện Cẩm Linh có thể làm”.
Một ví dụ về điều này là các bài đăng trên mạng xã hội của cựu tổng thống Dmitry Medvedev, người thường xuyên chỉ trích phương Tây và khoe khoang về khả năng hạt nhân của Nga.
“Nó truyền tải thông điệp mạnh mẽ tới khán giả Nga vì họ nhận ra ngay cách diễn đạt.”
Vào tháng 6 năm 2022, Bộ Nội vụ Nga đã đưa Soldatov vào danh sách truy nã của liên bang, bị buộc tội phát tán “tin giả” về Quân đội Nga liên quan đến báo cáo của ông về thông tin tình báo sai lệch trước cuộc xâm lược.
Khi phương tiện truyền thông Nga bị bóp nghẹt trong thời kỳ Putin nắm quyền, bao gồm cả nhiệm kỳ thủ tướng từ năm 2008 đến năm 2012, Soldatov và Borogan gặp khó khăn hơn khi làm việc tại Mạc Tư Khoa và họ đã rời khỏi đất nước. Trong khi đó, những người đồng nghiệp truyền thông mà họ từng thân thiết vào đầu thế kỷ này lại trở nên đồng điệu hơn với lập trường của Điện Cẩm Linh.
Một trong số họ, Zhenya Baranov, là người dẫn chương trình cho kênh tuyên truyền Channel 1, chuyên đưa ra luận điệu của Điện Cẩm Linh về Đức Quốc xã ở Ukraine. Một người khác, Olga Lyubimova, đã trở thành bộ trưởng văn hóa.
Người thứ ba, Petya Akapov đã nhắc đến cuộc xâm lược của Putin trong một bài xã luận trên RIA Novosti là “Nga đang khôi phục lại sự hoàn chỉnh về mặt lịch sử” và mô tả hành động của tổng thống là “giải pháp cho vấn đề Ukraine”.
Những người đồng chí cũ này rất tham vọng và muốn đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị Nga nên đã quyết định rằng cách duy nhất để đạt được bất cứ điều gì là làm việc cho nhà độc tài, Soldatov nói, đồng thời nói thêm rằng họ tin rằng “nếu bạn quyết định chống lại ông ta, bạn sẽ trở thành kẻ ngoài cuộc, kẻ lập dị - giống như chúng tôi, những người buộc phải sống lưu vong”.
[Newsweek: Captive Audience: How Putin Shapes Russian Opinions]