Ngày 15-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 16/6/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:10 15/06/2019
Bài Ðọc I: Cn 8, 22-31

"Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành".

Trích sách Châm Ngôn.

Ðây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: "Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).

Xướng: Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?

Xướng: Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.

Xướng: Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.

Bài Ðọc II: Rm 5, 1-5

"Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 16, 12-15

"Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:51 15/06/2019

6. Khi con người ta giàu có và khỏe mạnh thì tin tưởng mình như Thiên Chúa, mặc dù không có kiểu Thiên Chúa loại cao siêu như thế, nhưng khi họ bất lực thì vẫn họ còn nhớ đến một vị chúa tể chí tôn cao siêu.

(Thánh Pi-ô Năm Dấu linh mục )

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:02 15/06/2019
44. LỜI TO NÓI TRƯỚC

Có người nọ nhìn thấy người bán thịt đi qua bèn lớn tiếng:

- “Đem thịt lại đây”.

Người bán thịt hỏi:

- “Quan nhân muốn mua mấy cân ?”

Người ấy lớn tiếng nói:

- “Chúng tôi ở đây đợi người nhà, sao lại hỏi bao nhiêu cân ? Ông đem cái đùi này cân thì tất biết.”

Người bán thịt cân xong thì nói:

- “Quan nhân, cái đùi này chín cân bốn lạng”.

Người ấy nói:

- “Cũng được, ông cắt cho tôi bốn lạng, còn dư bao nhiêu để lại cho ông dùng !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 44:

Trả giá khi mua là chuyện của người tiêu dùng, bán hay không là chuyện của người bán hàng, đó là chuyện thường ngày trong giao dịch bán buôn, nhưng mua chiếc xe SH mà trả giá có một triệu đồng bạc Việt Nam thì đúng là đáng bị chửi và đuổi ra khỏi cửa tiệm, muốn mua cái máy vi tính đời mới mà trả giá một trăm đô thì bị chửi cũng là đáng đời lắm vậy, bởi vì câu trả giá rất là không tương xứng với món hàng.

Có một thứ rất quý, quý hơn cả trân châu bảo ngọc ở đời này cũng như ở trên trời, nhưng chỉ được bán có ba mươi đồng bạc bởi lòng tham lam, đó chính là Đức Chúa Giê-su bị tên phản đồ Giu-đa tham lam bán cho các kinh sư và biệt phái người Do Thái chỉ có ba mươi đồng bạc...

Giu-đa đã bán thầy mình ba mươi đồng bạc vì lòng tham lớn hơn cả tình yêu mà Đức Chúa Giê-su đã dành cho ông.

Có một vài người Ki-tô hữu cũng vì lòng tham mà bán Đức Chúa Giê-su của mình với những giá cả khác nhau: có người bán Chúa khi biển thủ của công, có người bán Chúa khi suốt đêm đen đỏ cờ bạc, có người bán Chúa với những dâm ô truỵ lạc, có người bán Chúa với những mưu toan ám hại anh em, có người bán Chúa với những kiêu căng hợm mình.v.v... và còn rất nhiều cách nhiều giá khác mà chúng ta đã bán Chúa của mình trong cuộc sống thường ngày...

Món hàng tốt mà trả giá quá thấp là người không biết tiêu dùng, nhưng cái đáng chê trách và đáng lãnh án phạt nhất chính là đem nguồn ơn cứu độ của mình –là Đức Chúa Giê-su- bán với giá rẻ mạt trong tội lỗi của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:07 15/06/2019
LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

Tin mừng: Ga 16, 12-15

“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.




Bạn thân mến,

Hôm nay là ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, đây là mầu nhiệm lớn trong đạo Công Giáo, và cũng là cốt lõi đức tin của người Ki-tô hữu, trong tâm tình của ngày lễ này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy ý sau đây:

1. Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu.

Một tình yêu bất khả phân và viên mãn, là chủ thể của mọi tình yêu trên trời dưới đất, tình yêu này được hình thành không phải do nguyên lý của xác thịt, nhưng mọi tình yêu của loài xác thịt đều phải từ tình yêu này mà có và tồn tại.

Tình yêu này đã tạo dựng nên trời đất muôn vật, và hoàn thiện nó bởi tình yêu dâng hiến hy sinh cách trọn vẹn của Đức Chúa Giê-su, khi Ngài chết trên thập giá và sống lại vinh quang.

Tình yêu này không dừng lại khi Đức Chúa Giê-su hoàn tất công trình cứu chuộc ở trần gian và lên trời vinh hiển, nhưng Thánh Thần được Đức Chúa Cha phái đến với Hội Thánh, vẫn tiếp tục hoàn thiện và đổi mới mỗi người Ki-tô hữu, cho đến ngày đạt đến viên mãn trong Nước Thiên Chúa.

2. Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa của Hiệp Nhất.

Đức Chúa Cha yêu thương Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần là do sự hiệp nhất yêu thương này mà có, một sự hiệp nhất như gốc cây nho với cành nho và sinh ra hoa trái để cho con người hưởng dùng. Hiệp nhất là đặc tính cốt lõi của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cũng là nơi phát sinh ra sự hiệp nhất trong mọi cộng đoàn con cái của Giáo Hội trên trần gian.

Hiệp nhất nhưng không lệ thuộc, Đức Chúa Con không lệ thuộc vào Đức Chúa Cha nhưng đồng bản tính và ngang hàng với Cha, Đức Chúa Thánh Thần không lệ thuộc vào Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha, nhưng là đồng bản tính với Cha và Con, và trở nên Đấng thánh hóa và đổi mới nhân loại và vũ trụ sau khi Đức Chúa Giê-su về trời.

Ba ngôi hiệp nhất để vạn vật biến hóa sinh tồn, để Giáo Hội được hiệp nhất và đổi mới luôn trong Thần Khí của Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Đức Chúa Trời Chúa Ba Ngôi đã được Đức Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết, nhưng bí nhiệm đời đời của mầu nhiệm này thì trí óc con người của chúng ta không thể suy thấu, nhưng với đức tin, ân sủng của Thiên Chúa ban cho và qua giáo huấn của Giáo Hội, thì chúng ta hiểu rằng: đây là mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm của hiệp nhất.

Bạn thân mến,

Khi mà bạn và tôi suy niệm đến tình yêu và sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, thì bạn và tôi cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho gia đình chúng ta có một tình yêu chân thật, một sự hiệp nhất gắn bó giữa cha mẹ và con cái với nhau, một tình yêu bất khả phân ly và tương trợ lẫn nhau giữa một xã hội đầy chia rẽ và vắng bóng tình yêu của Thiên Chúa và đồng loại này...

Bạn và tôi cũng nhớ đến cộng đoàn giáo xứ của mình khi suy đến mầu nhiệm Đức Chúa Trời Chúa Ba Ngôi này, đó là sự đoàn kết và hiệp nhất với nhau của mỗi phần tử trong giáo xứ, để dưới sự lãnh đạo của Đức Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta biết sống yêu thương đoàn kết và hiệp nhất với nhau hơn...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
19:17 15/06/2019
Ga 16, 12-15

Hôm nay Hội Thánh cử hành và tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là niềm tin mà mọi Kitô hữu cùng tuyên xưng.

Tin, nhưng chúng ta có thể thắc mắc: tại sao ba lại là một và một lại là ba? Tại sao không đơn giản tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất như Do Thái giáo và Hồi giáo đã tin?

Câu trả lời cũng đơn giản thôi. Hội Thánh không tự mình bày vẽ hay phức tạp hóa vấn đề. Hội Thánh bắt nguồn từ Đức Giêsu Kitô. Hội Thánh tin vào Đức Giêsu Kitô. Do đó Hội Thánh tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, vì đây là chân lý được chính Đức Giêsu Kitô mạc khải.

Bản văn Tin Mừng hôm nay chính là một trong những lần Đức Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người [Thần Khí sự thật] lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm lớn lao nhất Đức Giêsu đã mặc khải cho nhân loại. Chỉ riêng Thiên Chúa làm người mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy vì “không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13), do đó “không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27). Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vượt khỏi tầm suy luận và hiểu biết của con người.

Chúng ta có thể thắc mắc tiếp: tại sao Đức Giêsu Kitô lại mạc khải một mầu nhiệm vượt khỏi tầm hiểu biết của con người như thế?

Thưa mầu nhiệm về Thiên Chúa thì vô tận, chúng ta đâu biết được hết, chúng ta chỉ có được hiểu biết tường tận về Thiên Chúa trong hưởng kiến trên Thiên Quốc.

Thánh Phaolô khẳng định: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cor 13,12).

Những gì giờ đây chúng ta biết về Thiên Chúa thì lờ mờ, nhiều sai lầm thiếu xót và hiểu biết đó chỉ cỏn con như cái móng tay so với vũ trụ. Đức Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài không có ý định mạc khải tất cả các mầu nhiệm về Thiên Chúa: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi”. Đức Giêsu chỉ mạc khải những gì cần thiết cho ơn cứu độ. Thật vậy, tất cả những mặc khải của Đức Giêsu đều nhằm mang lại ơn cứu rỗi cho loài người, nếu không cần thiết cho ơn cứu độ Ngài đã không mạc khải. Thế nên, Đức Giêsu đã chẳng mặc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi làm gì cho thêm rắc rối nếu chân lý này không cần thiết cho ơn cứu độ của chúng ta.

Vâng đây là mầu nhiệm hết sức quan trọng vì liên quan đến sự sống đời đời của chúng ta, liên quan đến ơn cứu độ của mỗi người chúng ta.

Thế nhưng liên quan thế nào?

Để làm sáng tỏ phần nào mầu nhiệm này, trước đây các nhà thần học thường dùng những tỉ dụ như hình tam giác đều, ba thể đặc lỏng khí của vật chất… Nay chúng ta thử dùng một hình ảnh mới hơn xem sao: chiếc quạt điện. Hãy quan sát chiếc quạt máy. Khi quạt đứng yên ta phân biệt rõ cả ba cánh quạt, nhưng khi cắm điện vào, quạt quay, ba cánh không còn phân biệt, quạt quay càng nhanh ba cánh càng hoà thành một.
Dĩ nhiên chẳng có so sánh nào là hoàn hảo, nhất là khi dùng một vật hữu hình để nói về mầu nhiệm cao cả của Đấng vô hình. Tuy nhiên, qua hình ảnh cái quạt, dẫu có khập khiễng, vẫn gợi ý cho chúng ta nói được chút gì đó về Thiên Chúa. Thật vậy, xét ở thể tĩnh, Thiên Chúa là ba ngôi vị riêng biệt. Thế nhưng, Thiên Chúa không bao giờ ở thể tĩnh, Người luôn ở thể động, nghĩa là Ba Ngôi luôn yêu thương trao hiến cho nhau… như chiếc quạt quay mãi, quay mãi không thôi. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau với một tình yêu thắm thiết chan hòa. Chúa Cha yêu Chúa Con và trao ban tất cả cho Chúa Con: “Mọi sự của Cha đều là của Con” (Ga 16,15). Chúa Con yêu Chúa Cha và dâng hiến tất cả cho Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói: “Ta và Cha là một” (Ga 14,10). Chúa Thánh Thần là tình yêu thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Trở lại với thí dụ cái quạt máy, muốn cho quạt quay đều, quay tốt thì ba cánh phải cân bằng, nếu một trong ba cánh nặng hơn nó sẽ làm cho chiếc quạt đảo, không vững. Cũng vậy, Ba Ngôi khác nhau nhưng bằng nhau, không Ngôi nào hơn Ngôi nào kém. Bằng nhau và nên một với nhau trong vinh quang, trong danh dự, trong ý chí, trong quyền năng…

Khi quay, quạt tạo ra luồng gió mát. Nguyên lý làm cho quạt quay là nguyên lý điện từ, do dòng điện đi qua cuộn dây dẫn điện. Nguyên lý hoạt động của Ba Ngôi là tình yêu. Không! Nói cách chính xác hơn Ba Ngôi là chính tình yêu, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Ở chỗ này, thí dụ về cái quạt không còn phù hợp nữa: cái quạt là cái quạt, cái quạt không thể là nguyên lý điện từ. Thiên Chúa là tình yêu. Ba Ngôi hoạt động bằng tình yêu, trong tình yêu và với tình yêu… Hoạt động đó, như sách giáo lý cho biết: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa. Tình yêu sáng tạo muốn chia sẻ hạnh phúc nên Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ vạn vật và con người. Tình yêu cứu độ muốn giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi nên Ngôi Hai đã xuống thế làm người. Tình yêu thánh hóa muốn đổi mới và làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn nên ngọn lửa của Chúa Thánh Thần không ngừng được đốt lên trong lòng các tín hữu.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi rất quan trọng, tối cần thiết để cho chúng ta đạt được ơn cứu độ. Nói cách khác Đức Giêsu đã ban cho chúng ta bí kíp để đạt tới ơn cứu độ. Ta không thể được ơn cứu nếu ta không sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói rõ hơn, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi với nguyên lý hoạt động là tình yêu phải là nguyên mẫu tốt nhất và duy nhất cho mọi hoạt động của con người từ cấp độ cá nhân cho đến tập thể gia đình, xã hội, quốc gia.

Trở lại với cái quạt máy. Từ nguyên lý điện từ, người ta đã chế tạo ra các loại động cơ điện, cái thì làm quạt điện, máy bơm nước, cái thì làm máy kéo… phục vụ đời sống thường ngày, dùng trong nông nghiệp, công nghiệp, các ngành tiểu thủ công nghiệp… mang lại biết bao lợi ích. Tương tự như vậy và còn hơn vậy, hoạt động của con người chỉ có thể mang lại lợi ích tốt đẹp khi rập theo khuôn mẫu hoạt động của Ba Ngôi với động lực là tình yêu. Đi ngược lại khuôn mẫu tình yêu, tức là theo nguyên lý của hận thù oán ghét, con người chỉ mang lại đổ vỡ bất hạnh cho mình và cho người khác.

Hãy nghiệm lại nơi chính bản thân chúng ta: những thói xấu, những tội lỗi, những đổ vỡ trong chính chúng ta hay trong tương quan với người khác… không phải là do chúng ta đã không sống theo khuôn mẫu tình yêu Ba Ngôi hay sao? Ngược lại những gì là vui tươi, bình an, hiệp nhất… không phải là kết quả của nguyên lý yêu thương của Ba Ngôi hay sao?

Hãy nghiệm xem nơi chính cộng đoàn của chúng ta, gia đình chúng ta, xã hội chúng ta… Gia đình chẳng hạn. Phải nói gia đình là cộng đồng ngôi vị giống với mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa nhất, gia đình sao chép một cách tự nhiên nhất hình ảnh của Ba Ngôi. Gia đình thật đẹp với cha mẹ và con cái… Gia đình là thiên đàng khi có Ba Ngôi ngự trị. Nhưng biết bao gia đình là hỏa ngục vì vợ chồng thiếu sự yêu kính, tôn trọng, chung thủy…; con cái thay vì được chăm sóc yêu thương lại phải chịu biết bao nhiêu hình thức của bạo hành, hạ nhục. Và đến lượt chúng, chúng trở thành những kẻ thích gây bạo hành cho người khác…

Không theo khuôn mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa, hoạt động của con người chỉ mang đến bất hạnh và cuối cùng là chết chóc và hủy diệt. Chết chóc và hủy diệt ở phạm vi hẹp là cộng đoàn và gia đình. Chết chóc và hủy diệt ở phạm vi rộng là xã hội, là thế giới… mà biểu hiện cụ thể là chiến tranh, là bất công, là ô nhiễm môi trường, là tội ác dưới mọi hình thức…

Đó là kinh nghiệm mà đất nước chúng ta đã trải qua và hậu quả còn kéo dài cho đến hôm nay. Cái gọi là cuộc cách mạng long trời lở đất đặt nền tảng trên nguyên lý nào? Trên nền tảng hận thù, bạo lực, hoàn toàn trái ngược với nguyên lý tình yêu của Ba Ngôi. Cuộc cánh mạng đó đã mang lại điều gì? Đất nước thống nhất ư? Thống nhất địa lý nhưng lòng người vẫn ly tán, vết thương hận thù chia rẽ vẫn rỉ máu. Xoá bỏ bất công ư? Xoá bất công này để xây bất công khác, bất công chồng lên bất công, tạo ra một tầng lớp thống trị mới, độc tài hơn, hung ác hơn, man rợ hơn… Thế nên con đường để dựng xây lại đất nước, không thể là con đường hận thù bạo lực. Niềm hy vọng có được một đất nước dân chủ tự do chỉ có thể thành sự khi phát xuất từ nguyên lý yêu thương, theo nguyên mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chỉ những ai có con tim yêu thương mới thực sự xây dựng hoà bình, mang lại hạnh phúc và an lạc cho xứ sở này.

Mỗi ngày chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần. Mỗi lần làm dấu thánh giá hãy ý thức rằng chúng ta đang ghi dấu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trên thân thể và đang nhân danh Ba Ngôi để thực hiện hoạt động của mình. Chỉ những hoạt động nhân danh Ba Ngôi tình yêu, được khơi nguồn từ chính nguồn mạch tình yêu Ba Ngôi, được thúc đẩy bởi tình yêu, được nuôi dưỡng bằng tình yêu, được thực hiện vì tình yêu thì mới mang đến sự giải phóng và đổi mới thực sự bản thân và xã hội, mới mang lại cho con người sự sống và hạnh phúc đích thực. Chính lúc đó chúng ta đang sống mầu nhiệm Ba Ngôi một cách đúng đắn và tích cực. Có như thế mầu nhiệm này mới thực sự trở thành trung tâm niềm tin Kitô giáo của chúng ta.

ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn
 
Lễ Chúa Ba Ngôi 2019: Một Niềm Tin Mãi Băn Khoăn Thao Thức
Lm. Giuse Trương Đình Hiền – Anna Nguyễn Thị Linh Chi
21:09 15/06/2019
Là một “đoàn dân đang lữ hành”, lại được xây dựng và cùng xác tín vào một chân lý cao sâu và khó hiểu – THIÊN CHÚA BA NGÔI, nhưng, tạ ơn Chúa, niềm tin của dân Chúa vào tín điều nầy suốt hai mươi thế kỷ qua vẫn trước sau như một.

Kể từ khi được Đức Kitô mặc khải qua trích đoạn duy nhất và rất ngắn của Tin Mừng Matthêu : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19), công thức tuyên xưng Ba Ngôi sau đó được Hội Thánh ban đầu cô đọng thành một lời chào chúc như ta gặp trong thư thứ 2 của Thánh Phaolô gởi cộng đoàn Corintô và được Phụng vụ của Hội Thánh lấy lại làm lời chào đầu lễ : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13,13); và rồi, niềm tin vào chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi Vị vẫn xuyên suốt, tín trung, được thể hiện và đúc kết với hai bản Tuyên Xưng đức tin được gọi là Hai Kinh Tin Kính : Kinh Tin Kính Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinopoli.

Chính những lời tuyên xưng đầy đủ về Ba Ngôi trong hai “tín biểu” đặc trưng nầy, khi được diễn dịch và cô đọng trong nhịp sống đạo đời thường của người Kitô hữu đã trở thành những lời kinh cầu nguyện quen thuộc : “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, “Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng, con lại tin thật có một Đức Chúa Trời mà Người có Baq Ngôi…” ; hay một lời tuyên xưng kèm với hình Thánh Giá được vẽ trên người mà bất cử người Kitô hữu lớn bé trẻ già nào cùng có thể làm thành thạo, đôi khi trở nên công thức, thói quen : “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên : dầu cho Thánh Kinh và Thánh Truyền có lên tiếng thế nào đi nữa, dầu cho mặc khải của Thiên Chúa có tích cực và rõ nét đến mấy, thì điều khẳng quyết của nhân loại vẫn là : Thiên Chúa luôn là một Huyền Nhiệm trên mọi huyền nhiệm, một ẩn số của mọi ẩn số. Quả thật, cho đến mãi hôm nay, “tờ lý lịch của Thiên Chúa” vẫn còn “dang dở” để con người mò mẩm tiếp cận trong “băn khoăn thao thức tới khi nào được an nghỉ trong Chúa” (St. Augustinô)…

Nhờ ánh sang mặc khải của chính Thiên Chúa, nhất là nhờ Đức Kitô, Đấng nói lời sau cùng và dứt khoát về huyền nhiệm Thiên Chúa cho con người, chúng ta thử chiêm ngưỡng lại dung mạo của Thiên Chúa Ba Ngôi được chuyển tải qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay.

Qua ba trích đoạn Lời Chúa của Lễ Ba Ngôi chu kỳ năm C nầy, gần như chúng ta được mời gọi suy tư, cầu nguyện và chiêm ngưỡng chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi qua cách diễn đạt của Thánh Phaolô : TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA CHA, ÂN SỦNG CỦA CHÚA CON VÀ ƠN THÔNG HIỆP CỦA CHÚA THÁNH THẦN.

1. Thiên Chúa Ba Ngôi : Thiên Chúa của Tình Yêu.

Trích đoạn sách Châm Ngôn hôm nay đã phần nào vẽ lên dung mạo của một Ngôi Vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi khi nhắc tới tên gọi Đức Khôn Ngoan mà sự hiện hữu của Ngài là cội nguồn cho mọi công trình sáng tạo : “Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có các mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra…”.

Những lời nầy lại đưa chúng ta đến một khẳng định về ngồn gốc của Ngôi Hai (hay Ngôi Lời) trong bài tựa ngôn của Thánh Gioan : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì không có gì được tạo thành.” (Ga 1,1-3)

Vâng, tin vào một Chúa Ba Ngôi có nghĩa là tin vào một Đấng Tạo Hóa, một Thiên Chúa dựng nên ta, một Tình yêu vĩ đại đã tác tạo ta thành người, đã cứu độ ta khỏi kiếp nô lệ tội lỗi khi “ban Con Một cho chúng ta”, và là Đấng đang dẫn dắt lịch sử và mỗi cuộc đời chúng ta trong sự Quan phòng đầy tình yêu, qua sự hiện diện của Chúa Con và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh. Sáng tạo, Cứu độ, Thánh hoá là công trình TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI.

Và như thế, tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là :

- Tin vào một Chúa Cha có thể cảm thông sự yếu hèn của phận người để khoan dung tha thứ, là tin rằng : “Cha chúng con ở trên trời sẵn sàng ban cho lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con”, một Thiên Chúa Cha “không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập”, một Thiên Chúa Cha quan phòng chăm sóc từng con chim sẻ trên cây, từng cây huệ ngoài đồng, một Chúa Cha trong hình ảnh “Người Cha già nhớ thương đứa con trai hoang đàng, chiều chiều ra ngõ vắng đón đợi…

- Tin vào một Chúa Con, Đấng được chính Chúa Cha yêu thương ban tặng (Ga 3,16), và là Đấng ai “thấy Ngài là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9-11), sẵn sàng biết chia sẻ và cho đi, sẵn sàng trở nên nghèo hèn và yếu đuối, sẵn sàng bị đóng đinh để chết vì yêu thương, là Chúa Con trong hình ảnh “Vị Mục tử sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lạc.”

- Tin và một Đấng Bảo Trợ đến từ Chúa Cha qua Chúa Con để làm chứng trọn hảo về tình yêu và sự thật về Thiên Chúa. (Ga 15,26).

2. Thiên Chúa Ba Ngôi : Thiên Chúa của Ân sủng.

Nhưng tình yêu mà Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta lại không chỉ là một “xúc cảm thuần tuý tinh thần”, một “biểu lộ nghĩa cử thân tình của tương quan liên vị”, mà là một “tác động của ân sủng” qua Đức Giêsu Kitô : ân sủng được chia sẻ thân phận dưỡng tử (Sáng tạo), ân sủng được nhận biết Thiên Chúa (Mặc khải), ân sủng được giải thoát để sống vĩnh hằng (Cứu độ), và ân sủng được tác thánh để kết hợp với nhau và với Thiên Chúa (Thánh hoá).

Vì thế tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là :

- Tin vào Thiên Chúa Con, là “Ngôi Lời nhập thể”, là “Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1,14), và là Đấng mà chỉ qua Ngài, Thiên Chúa ban đầy tràn ân sủng cho chúng ta : “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17).

- Tin vào Chúa Thánh Thần mà Thư Rôma trong BĐ 2 hôm nay đã ân cần nhắc bảo chúng ta rằng : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”, một Thiên Chúa Thánh Thần là nguồn mạch chân lý mà Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay đã khẳng quyết : “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).

3. Thiên Chúa Ba Ngôi : Thiên Chúa của Hiệp thông.

Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng chính lời mặc khải quan trọng của Chúa Giêsu vào thời khắc quan trọng của chính cuộc đời trần thế của Ngài lại là chân lý về sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa : “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,13-15)

Quả thật, danh hiệu Thiên Chúa Ba Ngôi luôn gợi lên hình ảnh một cộng đoàn, một gia đình. Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa : Cha, Con, Thánh Thần. Mà không phải chỉ gợi lên, đó chính là căn tính, là bản chất của sự sống bên trong Thiên Chúa. Bởi vì, nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì Thiên Chúa phải là sự hiệp nhất. Tình yêu luôn đòi sự nối kết. Và Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sự nối kết tuyệt vời nhất, cao sâu nhất, bền vững nhất. Đức Kitô đã bộc lộ sự hiệp nhất đặc biệt nầy trong “lời nguyện tế hiến” nơi bữa tiệc ly trước khi đi vào cuộc khổ nạn : “Xin Cha cho chúng được nên một như chúng ta là một”. (Ga 17,20-23).

Chúng ta vừa toát lược lại vài điểm gợi ý của Bàn Tiệc Lời Chúa hôm nay để suy niệm mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và củng cố niềm xác tin nầy trong cuộc sống đời thường.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có được niềm tin như thế. Rất nhiều khi, chúng ta bị cám dỗ rơi vào một khoảng hồ nghi mà ở đó, Chúa như trốn biệt đâu mất. Cũng có khối người, với não trạng thực dụng và duy vật, cứ đòi cho bằng được phải chứng minh cụ thể, phải chứng nghiệm rõ ràng bằng mắt thấy tai nghe tay rờ được thì mới chấp nhận, mới tin sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đó là một thách thức điên rồ mà một số không nhỏ nhân loại muôn nơi muôn thuở vẫn đặt ra trước huyền nhiệm thẳm sâu về Thiên Chúa.

Tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sống yêu thương như Thiên Chúa, là mở lòng đón nhận ân sủng Chúa mỗi ngày và nỗ lực sống tình hiệp nhất theo “mô hình gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Cho dù niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn luôn là một thách đố “băn khoăn và thao thức”, ước gì mỗi một gia đình Kitô hữu, mỗi cộng đoàn Kitô hữu, luôn là phản ảnh sống động dung mạo của Ba Ngôi Thiên Chúa; tất cả cùng sống hiệp nhất với nhau trong Thiên Chúa, và nhờ tình yêu Thiên Chúa thánh hóa và thăng tiến mỗi ngày để ân sủng làm cho “sống và sống phong phú” cuộc sống của những người thuộc “Đại gia đinh Thiên Chúa”.

Chính trong ý nghĩa và niềm ước vọng đó, chúng ta hãy mượn mấy câu cuối trong lời nguyện của cha Nguyễn Cao Siêu để thân thưa cùng Thiên Chúa Ba Ngôi :

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới….Amen.

Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngỡ ngàng: Dòng các Hiệp sĩ Malta ra lệnh cấm cử hành thánh lễ tiếng Latinh
Đặng Tự Do
03:25 15/06/2019
Trong một diễn biến gây quan ngại sâu xa cho nhiều người, Hiệp Sĩ Tối Cao Giacomo Dalla Torre, người đứng đầu một dòng giáo dân lớn nhất có quy mô trên toàn thế giới đã ra lệnh cấm cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh trong toàn dòng vào những dịp lễ lớn.

Đức Hồng Y Raymond Burke là vị Hồng Y của dòng các Hiệp sĩ Malta. Ngài từ lâu đã nổi tiếng như một người quảng bá cho hình thức thánh lễ ngoại thường này và là đồng minh của những người Công Giáo ưa chuộng các nghi thức truyền thống.

Trong tự sắc Summorum Pontificum, ban hành ngày 7 tháng 7, 2007, Đức Thánh Cha Đức Bênêđíctô thứ 16 viết:

“Sau thời gian suy tư lâu dài trước những thỉnh cầu bức bách của các tín hữu này lên vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II của tôi, sau khi lắng nghe các Nghị Phụ trong Công Nghị Hồng Y hôm 23/3/2006, sau khi đã suy tư về tất cả những điều này, đã cầu xin Thánh Thần Chúa và đặt niềm cậy trông vào ơn phù trì của Thiên Chúa, qua Tông Thư này tôi TRUYỀN rằng:

Điều 1. Lễ Quy Rôma do Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố được xem là diễn đạt thông thường của luật cầu nguyện (lex orandi) trong Nghi Lễ La Tinh của Giáo Hội Công Giáo, trong khi Lễ Quy Rôma do Thánh Giáo Hoàng Piô V và sau đó được Chân Phước Gioan XIII tái công bố được xem là diễn đạt ngoại thường của luật cầu nguyện (lex orandi) và được trọng vọng thích đáng xét vì việc sử dụng đáng kính và cổ truyền của nó. Hai hình thức diễn đạt này của luật cầu nguyện (lex orandi) không vì lẽ nào dẫn tới sự chia rẽ trong luật cầu nguyện (lex orandi) của Giáo Hội, vì chúng là hai cách dùng của cùng một Nghi Lễ Rôma.

Do đó, được kể là hợp luật khi cử hành Thánh Lễ theo bản tiêu biểu của Sách Lễ Rôma do Chân Phước Gioan XIII công bố năm 1962 và chưa bao giờ bị hủy bỏ, như một hình thức ngoại thường trong Phụng Vụ của Giáo Hội.”

Nại đến “sự hiệp nhất” trong nội bộ Dòng các Hiệp sĩ Malta, Hiệp Sĩ Tối Cao Giacomo, viết trong thông cáo được công bố hôm 11 tháng Sáu rằng:

“Tôi đã quyết định, với tư cách là người bảo đảm tối cao cho sự gắn kết và hiệp thông của Dòng Thánh Gioan của Giêrusalem mà Chúa Quan Phòng đã đặt tôi làm Hiệp Sĩ Tối Cao, tôi truyền rằng, tất cả các nghi thức phụng vụ trong Dòng của chúng ta phải được thực hiện theo nghi thức thông thường của Giáo hội (nghĩa là nghi thức của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI) và không phải là nghi thức ngoại thường (nghĩa là nghi thức của Công Đồng Tridentinô).”

Ông khẳng định thêm rằng: “Quyết định này được áp dụng cho tất cả các lễ kỷ niệm phụng vụ chính thức như các lễ phong chức, các thánh lễ trong các cuộc hành hương, các lễ tưởng niệm của chúng ta, cũng như trong tất cả các lễ kính và lễ trọng của Dòng.”

Hiệp Sĩ Tối Cao Giacomo đã nại đến điều 3 trong tự sắc Summorum Pontificum để bênh vực cho quyết định này.

Nguyên văn điều 3 như sau:

“Điều 3. Tu hội: Nếu các Cộng Đoàn hay các Tu Hội thuộc Đời Sống Thánh Hiến hay các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, dù là thuộc Tòa Thánh hay thuộc địa phận, ước ao muốn được cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma được ban hành vào năm 1962 trong nhà nguyện tu viện hay cộng đồng tu, hay trong tu hội của mình thì đều được phép. Nếu trường hợp có cộng đoàn cá biệt nào, hay là toàn thể Tu Hội hay Hội Dòng muốn có các nghi lễ cử hành nêu trên một cách thường xuyên, một đôi khi, hoặc là luôn luôn như vậy, thì sự việc này phải được Các Bề Trên Cả định đoạt theo các chuẩn mực của luật chung, theo các luật chuyên biệt và các qui chế.”

Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng quyết định của Hiệp Sĩ Tối Cao Giacomo cho thấy sự mâu thuẫn sâu sắc vẫn tiếp diễn trong nội bộ dòng, và thánh lễ tiếng Latinh đã bị hy sinh cho cuộc đấu đá nội bộ.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Dòng các Hiệp sĩ Malta đã vướng vào hàng loạt các vụ tai tiếng và chia rẽ trong những năm gần đây.

Ngày 22 tháng 12, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất hòa trong Dòng Hiệp Sĩ Malta sau khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội đáng kính này ra quyết định sa thải vị Thủ tướng.

Albrecht von Boeselager, là người bị cách chức, đã dính líu vào một chương trình phân phối bao cao su tránh thai để ngăn chặn việc lây lan bệnh liệt kháng (HIV). Tuy nhiên, ông nói rằng vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội Hiệp Sĩ Malta, lúc đó là Hiệp Sĩ Matthew Festing, đã hành động vi phạm hiến pháp của hội khi ra lệnh buộc ông từ chức vì quan điểm ‘liberal’ của mình. Albrecht von Boeselager cũng nói với các ký giả là Đức Hồng Y Raymon Burke, là nhà lãnh đạo tinh thần của dòng, đã tác động trực tiếp vào quyết định buộc ông ta phải bị cách chức.

Hiệp sĩ Giacomo Dalla Torre đã được bầu làm Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 80 của Dòng Hiệp sĩ Malta vào ngày 2 tháng 5, 2018 và hứa sẽ tiếp tục công cuộc cải cách Dòng này bắt đầu từ năm 2017 khi ông được bầu làm nhà lãnh đạo tạm thời.

Giacomo sinh tại Rome vào ngày 9 tháng 12 năm 1944, và theo học khoa khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật của Kitô giáo tại Đại học Rome. Ông dạy tiếng Hy Lạp cổ điển tại Đại học Giáo Hoàng Urbanô của Rôma và là giám đốc thư viện và văn khố của trường đại học.

Giacomo đã là một thành viên Dòng Hiệp sĩ Malta từ năm 1985 và đã thực hiện những lời thề long trọng vào năm 1993.


Source:Crux
 
Hi hữu - Chưa được tấn phong Giám Mục đã phải từ chức thật oan ức
Đặng Tự Do
03:40 15/06/2019
Trong một diễn biến có thể đã từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội nhưng trong ký ức của nhiều người, ít nhất là trong thế kỷ này, chưa từng nghe nói về một câu chuyện tương tự.

Chúng tôi muốn đề cập đến trường hợp của cha Carlos Eugenio Irarrázaval Errazuriz, 53 tuổi. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Santiago de Chile vào ngày 22 tháng Năm vừa qua. Lễ tấn phong Giám Mục cho ngài được dự trù diễn ra vào ngày 16 tháng 7.

Tuy nhiên, hôm thứ Sáu 14 tháng Sáu, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của ngài. Trong cùng ngày, tổng giáo phận Santiago de Chile cũng cho biết cha Irarrázaval sẽ tiếp tục vai trò là một linh mục giáo xứ tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Providencia, ngoại ô thành phố Santiago.

Tổng giáo phận Santiago de Chile cho biết quyết định từ chức của cha Irarrázaval là kết quả của cuộc đối thoại và sự phân định chung, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô đánh giá cao tinh thần đức tin và sự khiêm nhường của vị linh mục, và sự hy sinh cho tình hiệp nhất và thiện ích của Giáo Hội như một người hành hương ở Chí Lợi.

Tất cả các ngôn ngữ mang đầy tính ngoại giao này cho thấy cha Irarrázaval có thể đã bị buộc phải từ chức Giám Mục trước khi được tấn phong.

Chuyện gì đã xảy ra?


Một ngày sau khi Tòa Thánh loan báo Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Santiago de Chile, cụ thể là ngày 23 tháng Năm, cha Irarrázaval đã dành cho thông tấn xã CNN một cuộc phỏng vấn.

Trong cuộc phỏng vấn này, vị linh mục được hỏi về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, cha Irarrázaval đã trả lời rất “bài bản”.

Ngài nói: “Tất cả chúng ta phải bảo đảm rằng những người phụ nữ có thể làm những gì họ muốn làm. Rõ ràng, Chúa Giêsu Kitô đã vạch ra cho chúng ta những hướng dẫn nhất định, và nếu chúng ta muốn trở thành Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải trung thành với những huấn lệnh của Ngài.”

Rồi ngài bình luận thêm:

“Văn hóa người Do Thái là một nền văn hóa do nam giới thống trị cho đến ngày nay vẫn như thế. Nếu bạn quan sát sẽ thấy khi người đàn ông Do Thái đi trên đường, người phụ nữ phải đi phía sau mười bước.

Nhưng Chúa Giêsu Kitô đã phá vỡ mô hình đó. Ngài trò chuyện với những người phụ nữ, khuyên nhủ người đàn bà ngoại tình, đối thoại với người phụ nữ xứ Samaritanô. Chúa cũng để cho những người phụ nữ chăm sóc cho Ngài.

Nhưng cũng có một sự thật là trong Bữa Tiệc Ly không có người phụ nữ nào ngồi đồng bàn, và chúng ta cũng phải tôn trọng điều đó. Chúa Kitô đã đưa ra lựa chọn của Ngài và Ngài đã không làm điều đó vì một ý thức hệ nào cả.”

Đoạn bình luận thêm của cha Irarrázaval đã bị chống báng dữ dội. Mặc dù có rất đông các thành phần khác nhau trong Giáo Hội và xã hội Chí Lợi ủng hộ ngài, cho rằng cha Irarrázaval chẳng nói điều gì sai hết cả, ngài đã phải xin lỗi cộng đồng Do Thái trong một cuộc họp báo tại văn phòng Tổng giáo phận Santiago de Chile vào ngày 28 tháng Năm vừa qua.

Tình hình xem ra có vẻ nghiêm trọng vì trong cuộc họp báo này có cả sự hiện diện của toàn bộ hàng lãnh đạo của tổng giáo phận không sót một ai: Đức Cha Celestino Aós Braco, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận; Đức Cha Cristián Carlos Roncagliolo Pacheco, một Giám Mục Phụ Tá của Santiago; Cha Jose Manuel Arenas tổng đại diện; và ba vị giáo sĩ Do Thái Giáo Alejandro Bloch, Samuel Szteinhendler và Daniel Zang.

Trên tờ báo của tổng giáo phận vào ngày 29 tháng 5, cha Irarrázaval lại xin lỗi thêm lần nữa vì đã sử dụng các diễn đạt không khéo léo làm phiền và thậm chí làm đau lòng nhiều người.

“Tôi muốn chân thành cầu xin sự tha thứ cho những đau khổ và hoang mang mà những tuyên bố của tôi có thể đã gây ra,” ngài viết.

Tổng giáo phận Santiago de Chile là một tổng giáo phận lớn tại Chí Lợi. Trong thập kỷ qua, tổng giáo phận đã trở thành một trong những tiêu điểm trong cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở Chí Lợi.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Đức Cha Celestino Aós Braco làm Giám Quản Tông Tòa Santiago vào tháng 3, sau khi chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Ricardo Ezzati Andrello, vì những cáo buộc liên quan đến việc thiếu kiên quyết trừng phạt các linh mục lạm dụng tính dục trong tổng giáo phận.

Santiago đang thiếu nhiều Giám Mục Phụ Tá sau khi nhiều vị được điều động làm Giám Quản Tông Tòa các giáo phận khác sau sự kiện từ chức hàng loạt của các giám mục Chí Lợi hồi năm ngoái.

Trong thông cáo báo chí hôm thứ Sáu, Tòa Thánh cho biết cha Alberto Lorenzelli, người được cũng được bổ nhiệm Giám Mục vào ngày 22 tháng 5 sẽ là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận. Cha Lorenzelli là một người Á Căn Đình nhưng lớn lên ở Ý. Ngài đã làm việc ở Chí Lợi trong năm năm qua. Ngài sẽ được chính Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 22 tháng Sáu tới đây.


Source:Catholic News Agency
 
Dân Hồng Kong đang thắng thế
GiangThanh
15:45 15/06/2019
Tin Hồng Kong - Trong cuộc họp báo giới chiều nay, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã công bố “tạm ngưng dự luật dẫn độ”. Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì hoàn toàn chưa thỏa mãn được dân ý. Người ta buộc Lâm Trịnh phải chính thức triệt tiêu dự luật này.

Sau nhiều hoạt động phản kháng quyết liệt trong tuần qua, từ cuộc tuần hành của hơn 1 triệu người ngày 9/6, đến cuộc đụng độ khói lửa ngày 12/6 làm chấn động thế giới và xem như là một vết thương của Hương Cảng. Cảnh sát đã dùng tới 150 trái lựu đạn cay, kỷ lục nhất trong lịch sử để trấn áp nhóm biểu tình. Nghị viên đảng Dân Chủ đã liên tưởng bạo loạn như cuộc thảm sát Thiên An Môn 30 năm về trước.

Buổi sáng ngày 13/6 nhóm sinh viên tiếp tục hành vi chống đối bằng cách cố ý làm tắc nghẽn các tuyến giao thông trong tàu điện ngầm. Các chính giới và thương giới đình công ủng hộ. Học đường cũng bãi khóa.

Tối ngày 14/6, hơn 6000 phụ huynh đã tựu họp trên quảng trường Chater với tinh thần “Hoa Cẩm Chướng”, cùng giương cao khẩu hiệu lên án cảnh sát HK dùng vũ lực với sinh viên. Họ cho rằng Lâm Trịnh đã bội ước lời hứa với giới trẻ lúc nhận chức Đặc khu trưởng. Họ yêu cầu bồi thường những tổn thương của con cái họ, và yêu cầu tha bổng không được kết án những thanh niên đang bị tạm giam. Đức Giám Mục Phụ Tá Hà Chí Thành cùng đồng hành, khích lệ, Ngài hết lòng ca ngợi sự đoàn kết và dũng trí của giới trẻ HK.

Anh quốc đã dùng hơn 100 năm để tạo nên một HK hết sức độc đáo, có nền dân chủ, hòa bình, với một tên tuổi đô hội quốc tế lừng danh. Trong dĩ vãng chính phủ đã từng phải thu hồi “điều luật 23” và “tẩy não giáo dục” trước sức mạnh chống đối của quần chúng. Hôm nay dân HK cũng đang tiếp tục thắng thế. Chúng ta sẽ không thể tìm thấy “người hùng” của cuộc chiến bảo vệ dân chủ lần này, hay một Hoàng Chí Phong như cuộc biểu tình năm 2014, nhưng từ các nghị viên, hội đồng luật sư, bác sĩ, đến các tổ chức tôn giáo, hội sinh viên HK đều tự động kết dính thành một tinh thần độc nhất vô nhị của "hòn ngọc viễn đông" Hương Cảng.

Sự kiên cường không khoan nhượng của dân HK đang dạt được hiệu quả, nhưng sự phẫn nộ của họ vẫn chưa dừng lại. Cuộc biểu tình HẮC Y vẫn diễn ra chiều mai. Người ta phát động tuyên truyền toàn dân phòng bị kỹ lưỡng để giảm thiểu những điều đáng tiếc.
 
Tường thuật Thánh lễ đầu tiên tại Notre Dame de Paris sau vụ hỏa hoạn. Tín hữu Pháp rất xúc động.
Đặng Tự Do
20:14 15/06/2019
Thánh lễ đầu tiên tại Notre Dame de Paris sau trận hỏa hoạn kinh hoàng làm sụp đổ ngọn tháp của nhà thờ và phá hủy 2/3 mái nhà đã được cử hành vào lúc 6 giờ chiều theo giờ địa phương Paris ngày thứ Bẩy 15 tháng Sáu. Như thế, thánh lễ này đã được cử hành đúng hai tháng sau trận hỏa hoạn kinh hoàng, làm xúc động không chỉ các tín hữu Pháp, mà còn biết bao người trên thế giới, Công Giáo cũng như không Công Giáo.

Chỉ có một nhóm nhỏ khoảng 30 người tham dự thánh lễ, bao gồm các giáo sĩ, các nhân viên của tổng giáo phận, giới truyền thông và các công nhân xây dựng nhà thờ.

Giáo phận đã cho biết rằng các tín hữu không thể vào bên trong, vì những lý do an toàn. Tuy nhiên, thánh lễ được phát sóng trực tiếp bởi đài truyền hình Công Giáo Pháp KTO để các tín hữu có thể hiệp thông trong thánh lễ.

Đông đảo anh chị em giáo dân đã tụ tập bên ngoài nhà thờ. Trong bức ảnh này quý vị và anh chị em có thể thấy phản ứng xúc động của anh chị em khi thấy một thánh lễ đã được tổ chức bên trong nhà thờ. Một người phụ nữ cầm điện thoại cho mọi người tham dự thánh lễ qua màn ảnh nhỏ của máy điện thoại. Nhiều người quỳ hẳn xuống để tham dự thánh lễ kéo dài trong 50 phút.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit, cha sở Patrick Chauvet, các vị đồng tế khác và những người may mắn được tham dự trong thánh lễ lịch sử này đã tập trung trong một nhà nguyện phía sau cây thánh giá lớn phủ vàng. Cây thánh giá này thật là một hiện tượng ngoại thường, dưới sức nóng khủng khiếp của ngọn lửa phá hủy toàn bộ phần mái nhà phía trên thật lạ lùng là cây thánh giá vẫn còn nguyên vẹn.

Nhà nguyện này là nhà nguyện kính Đức Mẹ và cũng là nơi đặt Vương miện gai, một trong những báu vật của nhà thờ trong mắt người Công Giáo, đã được cứu khỏi ngọn lửa trong đêm thảm họa. Đây là vương miện gai mà Chúa Kitô đã đội trong cuộc thương khó của Ngài vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên cách đây khoảng 2,000 năm. Và đây là một thánh tích đã đến tay Vua Thánh Louis thứ Chín vào thế kỷ 13, và ngài đã xây dựng một nhà nguyện bên trong nhà thờ Đức Bà với mục đích giữ gìn di tích này.”

Trong khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ, các vị đã hát bài “Peuple de Dieu”, nghĩa là dân Chúa, một bài hát rất được ưa chuộng mà ca đoàn nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris vẫn thường hát trong các thánh lễ đại trào. Dàn hợp xướng này không có mặt trong thánh lễ này.

Vì lý do an toàn, những người tham dự thánh lễ được yêu cầu đội mũ cứng trong nhà thờ.

Trong lời nói đầu trước thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit nói rằng:

“Thánh lễ này là một lời nhắc nhở rằng nhà thờ này vẫn sống động và ơn sủng Chúa vẫn tiếp tục tuôn đổ trên chúng ta.”

Thánh lễ được tổ chức một ngày trước lễ kỷ niệm thánh hiến hàng năm bàn thờ. Đức Tổng Giám Mục đã cầu nguyện trước bức tượng Đức Trinh Nữ Maria, và nói rằng ngài rất biết ơn Đức Mẹ khi được hiện diện nơi đây.

“Thật là phi thường, khi có thể cử hành thánh lễ tại đây một lần nữa, sau trận hỏa họan kinh hoàng này. Tôi đã được tấn phong giám mục trong nhà thờ này.”

Ngài nói thêm là hơi kỳ cục một chút khi dâng lễ mà đội những chiếc mũ cứng trên đầu. Trong lúc truyền phép, ngài đã tháo chiếc mũ ra một lúc.

Ngọn lửa, tàn phá tòa nhà vào ngày 15 tháng 4, đã gây ra một làn sóng cảm xúc, không chỉ đối với cộng đồng các tín hữu Công Giáo nhưng còn gây ra cảm xúc mạnh cho nhiều người trên thế giới, Đức Tổng Giám Mục nói trong bài giảng của ngài.

Ngài nhấn mạnh rằng “Nhà thờ này là nơi thờ phượng, đó là mục đích thực sự và độc đáo của nó.” Mục đích của nhà thờ chính tòa không phải là một địa điểm du lịch, càng không phải là một viện bảo tàng.

Ngài bày tỏ hy vọng rằng sẽ có thể tổ chức các thánh lễ nhiều lần nữa trong tương lai.

Đức Tổng Giám Mục đặc biệt dâng lời tạ ơn Đức Mẹ thường được các tín hữu Pháp kêu cầu với các tước hiệu Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu và Đức Mẹ An Ủi Kẻ Âu Lo. Ngài nhấn mạnh rằng thánh lễ này là nhằm tôn vinh Đức Mẹ đã cứu nhà thờ chính tòa thoát khỏi thảm họa của trận hỏa hoạn ngày 15 tháng Tư vừa qua.

Cảnh sát Pháp vẫn đang điều tra nguyên nhân gây ra vụ cháy. Cho đến nay các nhà điều tra đã thu giữ khoảng 100 mẫu từ hiện trường để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Giả thuyết hiện nay là vụ cháy bắt đầu từ một khoảng dây điện xung quanh một chiếc chuông. Họ cũng tin rằng vị trí đám cháy đã bị xác định sai lạc và nhân viên bảo vệ đã kiểm tra sai khu vực gây cháy.

Trong khi cuộc điều tra tiếp tục, công cuộc tái thiết nhà thờ vẫn bị trì hoãn cho đến khi đống đổ nát được dọn sạch hoàn toàn. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester cho biết đến nay chỉ mới nhận được 9% trong số 955 triệu đô la tiền quyên góp đã được hứa dâng tặng cho việc tái thiết nhà thờ Đức Bà. Ông nói rằng một số nhà tài trợ đang chờ để gửi quyên góp của họ vì họ muốn có kế hoạch rõ ràng về cách chi tiêu số tiền của họ.

Có tới 150 công nhân đã làm việc tại nhà thờ hàng ngày kể từ vụ cháy, nhằm tiếp tục loại bỏ các mảnh vỡ và ổn định cấu trúc.

Hai tấm bạt lớn màu trắng đã được che lên những chỗ mái nhà bị phá hủy để che mưa nắng cho nhà thờ chính tòa Paris.

Notre-Dame de Paris đã được coi là một nhân chứng trung tâm qua những thăng trầm của lịch sử Pháp kể từ khi bắt đầu được xây dựng vào giữa thế kỷ 12.

Trong cuộc Cách mạng Pháp vào thế kỷ 18, nhà thờ chính tòa này đã bị phá hoại và cướp bóc nhưng sau đó được phục hồi và tiếp tục là yếu tố trung tâm trong văn học Pháp, tiêu biểu là cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 1831 Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà của văn hào Victor Hugo.

Nhà thờ chính tòa Paris sống sót sau sự tàn phá của hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20 và nổi tiếng với hồi chuông dài vào ngày 24 tháng 8 năm 1944, được gióng lên dòn dã để đánh dấu ngày Paris được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã vào cuối Thế chiến thứ Hai.


Source:ABC News
 
Top Stories
Orange County Cleric forms Historic Diplomatic Partnership
Douglas Morino
09:36 15/06/2019
ORANGE COUNTY CLERIC FORMS HISTORIC DIPLOMATIC PARTNERSHIP

Bishop Thanh Thai Nguyen’s delegation to Vietnam brings his journey of faith full circle

The rain began to fall at dawn.

Bishop Thanh in Lavang. He is the highest-ranking Vietnamese Catholic in the U.S. (Photo: Douglas Morino)
First in small drops, one after the other, pooling in the boat’s hull and filling the thirsty refugees’ cups. Some sipped slowly, cherishing each drop. Others drank as fast as the rain fell.

Then morning broke. The clouds began to darken. Rain came down in sheets, soaking their tattered clothes and sunburnt skin.

The afternoon brought wind. First an initial gust, chilling their tired bodies. Then a gale, sending rain sideways and churning the angry sea. The small boat rose and fell with the swell. Waves as big as buildings. Clouds that blackened the sky.

Together, the refugees huddled together for warmth in their boat. When night came, they could not see the stars, or the moon.

In despair, they began to pray.

Facing persecution for their spiritual beliefs by Vietnam’s ruling Communist Party in the aftermath of the Vietnam War, the refugees had narrowly escaped their native home. They were among a great flood of refugees to flee the war-ravaged country in search of freedom. It was 1979.

Now they were in a boat without food in the middle of a tropical storm swirling across the South China Sea. The rain did not stop for 10 days.

They prayed their Rosary each morning and night, asking Mary, the mother of Jesus, to safely guide them to a new home.

Among the refugees was Thanh Thai Nguyen. The young man prayed with the others, and went further. He made a personal vow:

Save us, Blessed Mother, and I will dedicate my life to working in your service.

The refugees – 26 members of the Nguyen family – survived the storm in their 28-foot boat. On their 18th day at sea, they spotted land. Despite their hunger, they rowed, safely reaching the Philippines. After 10 months in a refugee camp, they arrived in Texas. Their new life in the U.S. had begun.

Thanh Thai Nguyen kept good on his word. He became a Catholic priest.

Today, he is the highest-ranking Vietnamese Catholic prelate in the U.S., serving as Auxiliary Bishop of the Roman Catholic Diocese of Orange, one of the largest and most diverse faith communities in the U.S. Many refugees who fled their homeland during the Vietnam War settled in Orange County, and today the region is home to the largest Vietnamese population outside of Vietnam.

Among Bishop Thanh Nguyen’s priorities is strengthening ties between Catholics in Orange County and Vietnam, a country with a long and bloody history of religious persecution. Although Vietnam’s ruling Communist Party has appeared to make strides in creating a spiritually-open society, religious persecution – especially against Christians – remains high, according to Open Doors USA, an Orange County-based non-profit tracking religious freedom across the globe. Outspoken Catholics are targeted, arrested and sentenced, and Catholic congregations have had their land taken by the government for development and financial gain, according to the non-profit.

Traveling in the country can be challenging for clerics, who often face questioning and see their passports scrutinized by Customs officials at Vietnamese ports of entry.

This type of persecution does not stop the faithful from attending church, and there are about 4 million Catholics in Vietnam. In December, Hanoi’s new Archbishop, Joseph Vũ Văn Thiên, was formally installed at St. Joseph’s Cathedral in the capital city’s Old Quarter, the celebration attracting high-ranking Catholics and officials from the secular government.

Among the attendees were Bishop Thanh Nguyen and Bishop Kevin Vann, who leads the Diocese of Orange. Their attendance at the ceremony marked a renewed commitment for a historic relationship with their counterparts in Vietnam. The two Orange County bishops are leading an effort to create a “sister diocese” partnership between the Diocese of Orange and the Archdiocese of Hanoi centering on clergy training and opportunities for charitable work among lay Catholics. Priests will have opportunities to gain pastoral experience working in Vietnamese parishes, while Orange County Catholics can participate in outreach with the poor, teach English to students and support schools in northern Vietnam.

The partnership is expected to be officially ratified this summer.

“We may be separated by an ocean, but our Catholic communities share a strong bond,” Bishop Thanh Nguyen said. “We’re excited for this historic opportunity to work together toward common goals – education and spiritual growth. Our sister diocese partnership will create new opportunities to strengthen our communities and further the important work being done globally by the Catholic Church.”

The partnership will build on work already happening in Vietnam by Catholics in California. New schools with curriculum based on Western-style teaching methods are sprouting in rural regions. Among them: a preschool in northern Vietnam’s Thái Bình Province. The newly-built school rises next to a Catholic convent, enrolls about 130 students from mostly low-income households and is supported with funding by an Orange County Catholic nonprofit called Companions in Grace.

Binh Minh Preschool exposes students to Western-style education methods in a Communist-run country experiencing rapid population growth.

About 23 percent of the country’s 97 million inhabitants are under the age of 14, according to United Nations data. Vietnam’s economy is also growing rapidly, but residents often struggle to pay tuition to send their children to good schools. Many families with students at Binh Minh receive financial aid directly through the preschool and Companions in Grace. Students’ parents work as farmers, mechanics and in the nearby factories.

At the school, students learn to read and write in English, are exposed to basic science concepts and encouraged to express themselves through art. Run by the Dominican Sisters of Thái Bình, the school uses curriculum based on Montessori teaching methods and is modeled on St. Columban Catholic School in Garden Grove. The school’s goal is to give Vietnamese students the tools they’ll need to compete in the global marketplace.

“This is a new method of teaching in Vietnam,” Sr. Maria Mai Diep told me as we walked through the school’s hallways, visiting classrooms that were bright, organized and clean. Bookshelves were lined with titles in Vietnamese and English.

“Students are being introduced to English and given opportunities to focus on problem solving – which requires them to pay attention,” Diep added. “We see that students are more focused through the day.”

For Bishop Thanh Nguyen, the trip to Vietnam in December was his third trip back to his native country since he originally fled nearly four decades ago, and his first traveling in the country openly as a priest. Among the stops on his journey was the Shrine of Our Lady of La Vang in rural central Vietnam.

The shrine, considered the country’s holiest site, represents an apparition of the Virgin Mary shared by a group of Vietnamese Catholics in the late 18th century fleeing religious persecution. A shrine dedicated to the apparition is being constructed at the Christ Cathedral Campus in Garden Grove, the seat of the Diocese of Orange.

At a small outdoor chapel next to the shrine in Vietnam, Bishop Thanh Nguyen celebrated Mass – one of the most important and solemn responsibilities of a Catholic priest. His homily focused on suffering and grace.

“Human suffering and divine grace is at the center and the essence of the story of Our Lady of La Vang,” he said. “It’s a story that continues today and why so many people flock here – to seek divine grace so they can rise above their suffering.”

After Mass, Bishop Thanh Nguyen prayed at the base of the shrine and met with pilgrims, many of whom had traveled many miles. Then he reflected on his own journey.

“I’m grateful for the opportunity to travel Vietnam,” he said, “it feels like I have returned home.”

(By Douglas Morino 6/3/2019, This story originally appeared in the University of Southern California’s Public Diplomacy Magazine.)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Huynh đệ đoàn Phan Sinh Tại Thế Thánh An Tôn Flemington mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
05:44 15/06/2019
Melbourne, lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy 15/6/2019. Tại Nguyện đường Trung Tâm Thánh Vinh Sơn Liêm, Huynh đệ đoàn Phan Sinh Tại Thế Thánh An Tôn Flemington đã hân hoan dâng lễ mừng bổn mạng nhân lễ Thánh An Tôn Padua.

Đoàn viên tuyên khấn
Xem hình

Thánh lễ với đông đủ đoàn viên hai huynh đoàn Flemington và Springvale về hiệp dâng thánh lễ đồng tế do Linh mục Linh giám Nguyễn Xuân Trường Dòng Phanxico Viện tu chủ tế, và Linh mục Trần Ngọc Tân quản nhiệm Trung Tâm Thánh Vinh Sơn Liêm đồng tế. Đoàn Thánh Tâm Ca đã góp lời ca tiếng hát giúp cho thánh lễ mừng bổn mạng thêm long trọng và sốt mến.

Đặc biệt trong thánh lễ mừng bổn mạng của huynh đoàn năm nay, huynh đệ đoàn đã hân hoan đón mừng hai đoàn viên mới gia nhập dòng là quý đoàn viên:
Martina Bùi Minh Thư và
An Tôn Nguyễn Hữu Có.
Nghi thức gia nhập đã được chị phục vụ, Cha Linh Giám Dòng Phan Sinh và toàn thể đoàn viên chứng nhận.

Sau bài chia sẻ về tiểu sử của Thánh An Tôn Padua do Cha linh giám chia sẻ về những gương sáng của Thánh nhân với đức vâng lời làm căn bản, Thánh nhân đã sống đức khiêm nhường và lời giảng thuyết dựa vào lời Chúa và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần đã làm cho nhiều người nể phục.

Tiếp theo là nghi thức khấn dòng của bốn đoàn viên:
Maria Bùi Thị Mơ
Teresa Nguyễn Thị Láng
Anna Vũ Thị Mùi
Maria Nguyễn Thị Nguyệt
Đây là những đoàn viên sau một thời gian chuyên tập, đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi sống Phúc âm để đi theo gương Thánh Phaxico Assisi. Lời tuyên khấn đã được cha linh hướng Dòng chấp nhận và quý chị đã được đón nhận giây có Thánh giá biểu tượng của dòng. Toàn thể quý đoàn viên trong Huynh đệ đoàn Phan Sinh Tại Thế hiện diện đã lên bắt tay chúc mừng quý chị em tân khấn sinh trong ngày trọng đại của quý chị đã tuyên hứa.

Sau Thánh lễ, Huynh đệ đoàn đã cùng quý Cha đồng tế chụp hình kỷ niệm và cùng nhau xuống hội trường trung tâm để dùng bữa tiệc mừng. Mọi người chia sẻ niềm vui bên những món ăn do quý chị em chung góp nấu nướng mang tới.
 
Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Lập: Hồng ân Thánh hiến
Đức Dũng
16:40 15/06/2019
“Trong đời sống của người dâng hiến thì. Tất cả là như cái bóng đèn, có cái tim, cái tâm và cái tim được nối với cái Nguồn, đó là Nguồn của Đức Giêsu KiTô” đây là lời mời gọi của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo Giám mục Giáo phận Xuân Lộc trong Thánh lễ tạ ơn hồng ân thánh hiến của Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập.

Hình ảnh

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Lập vui mửng dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân. Mừng ngày Hồng ân Thánh Hiến. Đời dâng hiến là một cuộc hành trình theo Chúa, được đánh dấu bởi những dấu ấn thiêng liêng, những bước ngoặt trọng đại trong cuộc đời và những hồng ân từ trời cao.

Vào lúc 8g30 ngày 14.6.2019, Thánh lễ Tạ ơn và Hồng ân Thánh hiến của Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Lập (P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM) được cử hành trọng thể tại nhà thờ giáo xứ Tân Lập 460 đ. 24, KP.2, P.Bình Trưng Đông Quận 2 trong bầu khí vui tươi, trang trọng và sốt sắng, do Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo – Giám mục Giáo phận Xuân Lộc - chủ tế. Đồng tế với ngài quý cha trong và ngoài Tổng giáo phận Sài Gòn. quý thầy, quý soeur các dòng bạn Cùng tham dự có quý vị trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Tân Lập, quý thân nhân, ân nhân của các tân khấn sinh và cộng đoàn dân Chúa,
Trong phần bài giảng lễ qua các bài đọc. Đức cha đã quảng diễn:

Chúng ta có mặt nơi đây, có nhiều chức vụ khác nhau, nhiều trách nhiệm, nhiều ơn gọi khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta đón nhận lời Ngài hướng dẫn trong cuộc đời chúng ta, làm cho đời sống mang lại nhiều hoa trái, cho nhân loại và để mang lại vinh quang cho Thiên Chúa. Đặc biệt các Chị Em hôm nay mừng Ngân Khánh, Khấn trọn đời và Khấn Dòng lần đầu, qua bài đọc 1. Đây là dòng dõi đã được Thiên Chúa chúc phúc, thương yêu, bao bọc, che chở, thật sự hạnh phúc. Mừng kỷ niệm hai mươi lăm năm, ký kết giao ước với Thiên Chúa, giao ước vĩnh viễn với Chúa là niềm vui, hạnh phúc được lan tỏa vào tâm hồn, mà đời này không ai cho chúng ta được, chỉ có Thiên Chúa cho chúng ta sống với hạnh phúc này.

Qua bài đọc 2. Thánh Phaolô đã mở lòng cho cho khắp thế gian là nói về Chúa Giêsu chịu Đóng Đinh mà các người khác không muốn nghe, như người Do Thái đi tìm điềm thiêng, dấu lạ, người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, triết lý và cho chúng ta nào là khờ dại, là điên rồ. Nhưng chúng ta khám phá sự khôn ngoan, sức mạnh của Thiên Chúa, chúng ta vui mừng, hãnh diện khi nói về Đức KiTô chịu Đóng Đinh là diễn tả sự tột cùng tình yêu thương, tha thứ cho nhân loại của Thiên Chúa.

Qua bài đọc 3. Thánh Matthew. Chỉ một vài tâm tình thiêng liêng là “Chính các con là muối đất” Đặc biệt các Chị Em mừng Ngân khánh, Khấn trọn và lần đầu. Chúa dùng hình ảnh biểu tượng, để nói về các nhân đức, các yếu tố thiêng liêng. Muối làm cho đồ ăn không hư thối, ăn ngon, muối làm cho thức ăn thêm đậm đà, nhưng không ai nghĩ đến muối, người ta chỉ nghĩ đến thịt cá ngon….Đó chính là tình yêu hy sinh nằm ẩn ở đằng sau. Đến một môi trường đầm ấm, tươi mát thân thương là các Chị Em trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân lập, chính các con là muối cho đời, là ánh sáng, không có ánh sáng thì không thấy vẽ đẹp của hoa, đó là tình yêu ẩn nấp, quên mình, khiêm nhường, ẩn dật “Lạy Chúa Giêsu KiTô chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng chúng con” đọc câu tâm niệm này, con chỉ cần có Chúa và gần gủi với Ngài.

Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận có kể một câu chuyện: Trong căn phòng có một bình thủy tinh to đẹp, trong phòng có một bóng đèn tròn treo lũng lẳng trên trần. Ai vào cũng để ý trầm trồ khen bình thủy tinh, không ai nhìn bóng đèn trên trần. Tối đến bóng đèn chiếu sáng, cả căn phòng làm mọi vật được sáng lên, còn bình thủy tinh bị lu mờ.

Bình thủy tinh hỏi bóng đèn
- Em nhỏ xíu sao sáng thế, chị to mà không sáng được.

Bóng đèn trả lời.
- Chị à. Em sáng vì em có con tim, có cái tâm, con tim nối với nguồn, nguồn đó làm con tim sáng lên. Còn chị to mà không có con tim, chẳng nối với nguồn.

Hình ảnh hai đồ vật đó diễn tả sự khác biệt của hai nữ tu, một nữ tu gắn bó mật thiết như với bóng đèn có tim nối với nguồn. Một nữ tu khác có thể rất tài giỏi, nhưng không có tim, không có tâm. Xin cho các Chị Em Ngân Khánh. Khấn Dòng. Khấn trọn đời ký kết tình yêu giao ước với Thiên Chúa, vĩnh viễn với Chúa Giêsu, tất cả là như bóng đèn có tim, có Nguồn. Nguồn đó là Đức Giêsu Kitô.

Sau bài giảng lễ là các nghi thức Tuyên khấn, kỷ niệm Ngân khánh,và đặc biệt trong phần Vĩnh khấn có đọc kinh Cầu Các Thánh.
Sau phần nghi thức là lời nguyện chung và phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Soeur Tổng phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập dâng lời cảm tạ tri ân đến quý Đức cha, quý cha đồng tế, quý vị thân nhân, ân nhân, quý thầy, quý soeur các dòng bạn, quý vị trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Tân Lập, các đoàn thể và quý khách; đồng thời dâng lên Đức cha chủ tế lẵng hoa tươi biểu lộ tấm lòng trân quý của Hội dòng.

Ngày Hồng ân Thánh hiến đã khép lại. Niềm vui của ngày thánh hiến như vang lên khúc nhạc tình yêu trong đời sống cộng đoàn, và trong dòng đời là hành trang, là hạnh phúc đời hiến dâng bước theo Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, chọn Ngài là Đối Tượng Duy Nhất của tâm lòng các tân khấn sinh nói riêng và của Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập nói chung. Vâng “Tất cả là Hồng ân” (Rm 4,16).
Danh sách Tuyên khấn lần đầu.

1/ Maria Nguyễn Thị Duyên
2/ Maria Nguyễn Thị Thanh Hằng.
3/ Anna Nguyễn Thị Giao
4/ Maria Nguyễn Thị Diễm.
5/ Anna Trần Thị Tươi.
6/ Anna Hoàng Thị Hoài.
7/ Maria Phạm Thị Thúy.
8/ Maria Nguyễn Thị Ngoan.
9/ Maria Nguyễn Thị Ngân.
10/ Isave Phạm Thị Ngọc Lời.

Danh sách Tuyên khấn trọn đời.

1/ Maria Đinh Thị Thúy.
2/ Têrêsa Đỗ Thị Bích Thủy.
3/ Maria Lê Thị Lệ Thủy
4/ Maria Mai Thị Nhớ.
5/ Maria Đặng Thị Tươi.
6/ Maria Trần Thị Minh Lệ.
7/ Têrêsa Nguyễn Thị Thanh Xuyên.
8/ Maria Bùi Thanh Tường Vi.
9/ Maria Phạm Thị Trang.
10/ Maria Trần Thị Loan.

Danh sách Mừng ngân khánh khấn Dòng.

1/ Maria Đặng Thị Ngọc Ánh.
2/ Maria Mai Thị Thanh Thủy.
3/ Maria Nguyễn Thị Thanh Loan.
4/ Maria Vũ Bích Huệ.
5/ Maria Trần Thị Hường.
6/ Têrêsa Trần Thị Tuyết Nhung.
 
Giáo hạt Phú Thọ: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu mừng bổn mạng
Văn Minh
18:46 15/06/2019
“Đoàn viên Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm thì phải sống hiền lành và khiêm nhường, cùng với một trái tim biết yêu thương và giúp đỡ mọi người”.

Cha Giuse Phạm Bá Lãm -chánh xứ giáo xứ Hòa Hưng, kiêm hạt trưởng giáo hạt Phú Thọ- đã nhắn nhủ như thế đối với các đoàn viên Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Phú Thọ (GĐPTTTCG), trong Thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu -bổn mạng của GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ và xứ đoàn Tân Trang, diễn ra lúc 17g30 thứ Sáu, ngày 14.06.2019, tại giáo xứ Tân Trang.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do cha Giuse Phạm Bá Lãm chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, chánh xứ Bắc Hà, kiêm linh hướng GĐPTTT giáo hạt Phú Thọ; cha Giuse Đinh Văn Thọ, chánh xứ Tân Trang; Anphongsô Nguyễn Kim Thạch, Giáo phận Cần Thơ; và cha Gioan Vianney Nguyễn Hữu Lợi, Dòng Máu Châu Báu Chúa Kitô.

Đến tham dự Thánh lễ, có quý souer Dòng MTG Thanh Hóa, quý vị đại diện BCH GĐPTTTCG TGP Sài Gòn; đại diện Hội CBMCG hạt Phú Thọ; quý vị ân nhân; quý đoàn viên các xứ đoàn: Tân Phước, Phú Hòa, Hòa Hưng, Phú Bình, Vĩnh Hòa, Thánh Giuse, Thăng Long, Bắc Hà và Tân Trang, cùng quý vị khách mời và đại diện các hội đoàn trong giáo xứ Tân Trang.

Trước Thánh lễ, lúc 16g30, BCH các cấp cùng các đoàn viên GĐPTTTCG có giờ Chầu Thánh Thể, hướng tâm hồn mỗi đoàn viên tham dự Thánh lễ được sốt sắng. Kế đó, các thành viên GĐPTTTCG cùng cờ đoàn kiệu tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu bên ngoài tiền sảnh nhà thờ, và đi ngang qua linh đài Đức Mẹ và Thánh Giuse, cộng đoàn cùng nhau dừng lại đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, và thầm cầu xin Chúa thương ban cho Giáo hội luôn được bình an.

Bài giảng trong Thánh lễ, cha Giuse Phạm Bá Lãm đã phác họa đôi nét về dung nhan của Người Mục tử nhân lành đã hết lòng vì một đàn chiên: Trong đàn chiên, nếu có một con chiên bị đi lạc, thì người chăn chiên sẽ để lại cả bầy chiên để ra đi tìm kiếm cho bằng được con chiên bị đi lạc. Khi tìm được rồi, thì vui mừng mời mọi người đến để chung vui ăn mừng.Như vậy, nếu trong Gia đình Phạt tạ Thánh Tâmchúng ta có một người đi hoang, thì tất cả anh em chúng ta cũng phải ra đi tìm kiếm cho bằng được người anh em ấytrở về với đoàn thể của mình. Thật vậy, chỉ có tình yêuthương và sự tha thứ thì mới đem lại chochúng ta được bình an và hạnh phúc mà thôi.

Cha Giuse diễn giảng tiếp: Trong cuộc sống ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ bỏ nhà đi hoang, sa ngã vào các tệ nạn xã hội; nghiện hút xì ke, ma túy…Để rồi vợ chồng ly hôn, gia đình ly tán.

Để kết thúc bài giảng, cha Giuse nhắn nhủ: “Đoàn viên Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm thì phải sống hiền lành và khiêm nhường, cùng với một trái tim biết yêu thương và giúp đỡ mọi người”. Để ngày một trở nên giống hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Sau bài giảng, cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, linh hướng GĐPTTT giáo hạt Phú Thọ chủ sự nghi thức tuyên hứa cho bốn đoàn viên xin gia nhập vào Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu xứ đoàn Tân Trang.

Sau phần hiệp lễ, ông Giuse Phạm Quang Thúy, Trưởng ban, thay mặt GĐPTTT hạt Phú Thọ và xứ đoàn Tân Trang lên cảm ơn quý cha, quý chức trong HĐMVGX Tân Trang, quý vị ân nhân, quý vị khách mời cùng đại diện BCH các cấp cùng quý vị đoàn viên GĐPTTT đã đến cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Để tỏ lòng tri ân, quý vị đại diện dâng lên quý cha bó hoa tươi và món quà nhỏ nói lên tâm tình của người con đối với vị mục tử. Đáp từ, cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, chúc mừng quý ông bà trong GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọmừng ngày lễ bổn mạng được nhiều hồng ân Thiên Chúa, cùng nhau xây dựng Giáo hội và ra đi loan báo Tin Mừng sự sống và tình thương của Chúa đến cho mọi người giữa lòng xã hội hôm nay bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Thánh lễ khép lại lúc 19g00. Sau Thánh lễ, quý cha cùng quý vị đại diện chụp chung tấm hình kỷ niệm, và dự tiệc mừng liên hoan cùng những tiết mục văn nghệ diễn ra tại hoa viên của giáo xứ.

Văn Minh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tôi tin kính Một Chúa Ba ngôi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
12:30 15/06/2019
Tôi tin kính Một Chúa Ba ngôi

Hằng ngày người Công Giáo làm dấu thánh giá tuyên xưng một Chúa ba ngôi: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen

Khi nhận lãnh Bí tích rửa tội, chúng ta không chỉ được rửa tội trong nước, nhưng còn trong ba ngôi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần.

Trong Kinh tin kính chúng ta cũng đọc tuyên xưng ba ngôi Thiên Chúa : Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu và Đức Chúa Thánh Thần

Nhưng đâu là ý nghĩa một Chúa có ba ngôi ?

Đây là điều tin trong tâm hồn. Điều tin kính này vượt qúa tầm suy hiểu của tâm trí con người. Điều tin nhận này là một mầu nhiệm đối với trí khôn con người.

Thánh Augustino đã tóm tắt trong một công thức cắt nghĩa về Chúa ba ngôi: „ Nơi nào có tình yêu, nơi đó có ba nhân tố: một người yêu, một người được yêu và một nguồn tình yêu.“.

Từ một mặt trời to lớn chiếu sáng, hình ảnh Đức Chúa Cha, phát tỏa những tia sáng xuống vũ trụ - hình ảnh Chúa Giêsu, tia sáng tới đâu phát sinh hơi nóng, sự nồng ấm, hình ảnh Đức Chúa Thánh Thần. Và do đó nảy sinh sự sống.

Khi tuyên xưng một Chúa ba ngôi, chúng ta muốn nói :

Tôi tin Chúa Cha, Đấng là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng gìn giữ, làm cho vũ trụ thiên nhiên cùng con người được hoàn thành.

Vâng, trong đời sống con người chúng ta cần một nền tảng. Đó là những gì làm nên nơi mỗi con người: hình hài thân thể tứ chi, sức sống, khả năng nói năng, khả năng suy nghĩ, năng lực đời sống, khả năng được trời cao phú bẩm ban cho nơi tâm trí và thân xác. Những điều đó là hình ảnh biểu tượng mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, tạo dựng ban cho mỗi người

Tôi tin Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là mạc khải của Thiên Chúa thể hiện qua con người Chúa Giêsu sinh ra ở thành Nazareth, Đấng cũng là Lời, là hình ảnh của Thiên Chúa trên trần gian.

Vượt trên căn bản đó, con người còn cần phương hướng chỉ dẫn cho đời sống nữa: đâu là điểm nương tựa cho đời sống khi gặp hoàn cảnh khó khăn, sự đau khổ, khi chọn lựa sai đường lạc lối, lúc sức lực cạn kiệt… Hình ảnh lời nói Chúa Giêsu Kitô trong Kinh Thánh, là chỉ dẫn giúp tìm lại được phương hướng cho con đường đời sống, và nhiều khi rất bất ngờ nhận được sức lực cùng tư tưởng chỉ lối trong sáng mà trước đó không ngờ tới.

Đời sống và giáo lý của Chúa Giêsu Kitô thể hiện tình yêu của Thiên Chúa nơi con người trần gian. Như hình tượng dấu chỉ người Công Giáo khi làm dấu thánh gía vẽ một đường thẳng từ trên trán xuống tới ngực, nói lên Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa từ trời cao xuống trần gian với con người, Thiên Chúa trên trời cao xuống với con người trần thế, và con người trần thế được liên kết với Thiên Chúa trên trời cao.

Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sức sống, và tình yêu của Thiên Chúa trong vũ trụ, cùng nơi con người.

Hình hài thân xác, những khả năng cùng sức sống không do tự con người biến chế tạo ra, nhưng được tạo dựng ban cho. Người Công Giáo chúng ta gọi sự phát triển đường đời sống con người của mình trên trần gian là do Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là hơi thở sức sống của Thiên Chúa, là động lực thúc đẩy mang đến cho con người năng lực chuyển động. Nhờ đó sức sống nơi con người, nơi động vật, nơi các loài cây cỏ luôn được nối tiếp vươn lên.

Tin Chúa Ba Ngôi, nhưng không có thể suy nghĩ hiểu thấu đáo về Thiên Chúa Ba ngôi được. Đây không phải là sự đầu hàng yếm thế tiêu cực. Nhưng khung hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi vượt qúa ra ngoài khỏi sự đo lường suy nghĩ với tâm trí con người.

Trong nhiều tôn giáo bên Á Châu có tin tưởng rằng điều gì là Sau cùng và Cao cả nhất, con người không thể suy đoán thấu hiểu được. Vì những điều đó không nằm trong khuôn hình của bản thể và không bản thể.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thiên Chúa Dựng Nên Họ Có Nam Có Nữ, Văn Kiện mới của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo về Lý Thuyết Phái tính, Lý Luận
Vũ Văn An
21:14 15/06/2019


LÝ LUẬN

Các luận điểm hợp lý

24. Sau khi xem xét cái nhìn tổng quát có tính lịch sử của chúng ta, cùng với việc nhận diện một số điểm đồng thuận, và phê bình lý thuyết phái tính, giờ đây chúng ta có thể chuyển sang một số xem xét về vấn đề trên dựa vào ánh sáng của lý trí. Thực thế, có những luận điểm hợp lý để hỗ trợ tính trung tâm của cơ thể như yếu tố tích hợp của bản sắc bản thân và mối liên hệ gia đình. Cơ thể là chủ quan tính thông đạt bản sắc của hữu thể (23). Dưới ánh sáng của thực tại này, chúng ta có thể hiểu tại sao các dữ kiện của khoa học sinh học và y học cho thấy ‘tính lưỡng hình giới tính’ (sexual dimorphism) - (tức sự dị biệt giới tính giữa đàn ông và đàn bà) có thể được chứng minh một cách khoa học bởi các lĩnh vực như di truyền học, nội tiết học và thần kinh học. Từ quan điểm của di truyền học, các tế bào nam (có chứa các nhiễm sắc thể XY), từ thời điểm thụ thai, khác với các tế bào cái (với các nhiễm sắc thể XX của chúng). Tuy nói thế, nhưng trong những trường hợp giới tính của một người không được xác định rõ ràng, thì các chuyên gia y học có thể thực hiện một can thiệp có tính trị liệu. Trong các tình huống như vậy, cha mẹ không thể thực hiện một sự lựa chọn tùy tiện trong vấn đề này, phương chi là xã hội. Thay vào đó, khoa học y khoa nên hành động nhằm các mục đích trị liệu đơn thuần và can thiệp một cách ít xâm phạm (invasive) nhất, dựa trên cơ sở các thông số khách quan và nhằm thiết lập bản sắc cấu thành của người ta.

25. Diễn trình nhận diện bản sắc giới tính trở nên khó khăn hơn bởi một dàn dựng hư cấu được biết đến dưới tên “phái trung tính” hay “phái thứ ba”, có tác dụng che khuất sự kiện này: giới tính một người là yếu tố có tính cơ cấu xác định ra bản sắc nam hay nữ. Các cố gắng vượt quá dị biệt giới tính vốn tạo ra nam-nữ, chẳng hạn như ý niệm “intersex” (liên giới) hoặc “transgender” (chuyển phái tính), dẫn đến một nam tính hoặc nữ tính mơ hồ, mặc dù (theo cách tự mâu thuẫn), các khái niệm này thực sự giả định phải có chính sự dị biệt giới tính, điều mà họ đề nghị phải phủ nhận hoặc thay thế. Sự dao động giữa nam và nữ này cuối cùng trở thành chỉ còn là một màn trình diễn ‘khiêu khích’ chống lại cái gọi là‘khuôn khổ truyền thống’, và một một màn trình diễn, trên thực tế, làm ngơ sự đau khổ của những người phải sống tình huống không xác định về giới tính. Các lý thuyết tương tự nhằm tiêu diệt khái niệm ‘tự nhiên’, (nghĩa là mọi thứ chúng ta được ban cho làm nền tảng tiền hiện sinh cho hữu thể và hành động của chúng ta trong thế giới), trong khi đồng thời mặc nhiên tái khẳng định lại sự hiện hữu của nó.

26. Phân tích triết học cũng chứng minh rằng sự dị biệt giới tính giữa nam và nữ là yếu tố cấu thành của bản sắc con người. các nhà tư tưởng Hy Lạp và La Mã đặt yếu tính làm khía cạnh của hữu thể vượt lên trên, mang lại với nhau và làm hài hòa sự dị biệt nam-nữ trong tính thống nhất của con người nhân bản. Trong truyền thống triết học giải thích và hiện tượng luận, cả sự phân biệt lẫn bổ sung giới tính được giải thích bằng các thuật ngữ tượng trưng và ẩn dụ. Sự dị biệt giới tính trong các mối liên hệ được coi là các yếu tố cấu thành ra bản sắc bản thân, bất kể ở bình diện ngang (trong dyad [bộ đôi] đàn ông-đàn bà) hoặc ở bình diện dọc (trong triad [bộ ba] đàn ông-đàn bà-Thiên Chúa). Điều này cũng áp dụng tương tự vào các mối liên hệ nam nữ liên ngã “Anh-Em” và các mối liên hệ gia đình (Em-Anh-Chúng Mình).

27. Sự hình thành ra bản sắc một người tự nó đặt cơ sở trên nguyên tắc tính khác (otherness), vì chính cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa một “em” khác không phải là tôi đã làm tôi có khả năng nhận ra yếu tính của “Anh”, người chính là tôi. Thực thế, sự dị biệt là một điều kiện của mọi nhận thức, bao gồm cả nhận thức về chính bản sắc mình. Trong gia đình, nhận thức về mẹ và cha của em đã giúp đứa trẻ xây dựng được bản sắc và sự dị biệt giới tính của chính em.

Lý thuyết phân tâm học chứng minh giá trị ba cực của trẻ em – các liên hệ cha mẹ, bằng cách cho thấy bản sắc giới tính chỉ có thể xuất hiện đầy đủ dưới ánh sáng so sánh hiệp lực (synergetic comparison) mà sự dị biệt hóa giới tính đã tạo ra.

28. Tính bổ túc sinh lý của dị biệt giới tính nam-nữ bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc sinh sản. Ngược lại, chỉ có chạy đến với kỹ thuật sinh sản mới có thể cho phép một trong các đối tác của mối liên hệ giữa hai người cùng giới tính sinh con, bằng cách sử dụng thụ tinh ‘trong ống nghiệm’ và một người mẹ đẻ thay (surrogate mother). Tuy nhiên, việc sử dụng một kỹ thuật như vậy không phải là sự thay thế cho việc thụ thai tự nhiên, vì nó liên hệ đến việc thao túng các phôi thai người, một thứ phân mảnh tư cách làm cha mẹ, một thứ công cụ hóa và / hoặc thương mại hóa cơ thể con người cũng như việc giản lược em bé thành một đối tượng trong tay khoa học và kỹ thuật (24).

29. Vì vấn đề này liên quan đến thế giới giáo dục, điều rõ ràng là từ bản chất của nó, giáo dục có thể giúp đặt nền móng cho một cuộc đối thoại hòa bình và tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ hữu hiệu giữa các dân tộc và một cuộc gặp gỡ giữa các tâm trí. Hơn nữa, dường như triển vọng mở rộng lý do để bao gồm chiều kích siêu việt không phải là điều quan trọng thứ yếu. Cuộc đối thoại giữa Đức tin và Lý trí, “nếu không muốn bị giản lược thành một thao tác trí tuệ vô bổ, thì nó phải bắt đầu từ tình huống cụ thể hiện tại của nhân loại và trên điều này khai triển một suy tư dựa vào sự thật siêu hình hữu thể học (25). Sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội cho các người đàn ông và đàn bà được thực hiện bên trong chân trời này.

Kỳ tới: Đề Xuất
 
Văn Hóa
Làm Cha hay ác mộng của các con ?
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
04:45 15/06/2019
(Nhân Ngày của Cha )

Câu chuyện sau đây chỉ là chuyện cũ, xảy ra trong những năm cuối của thế kỷ trước kéo dài đến khoảng giữa năm 2013.

Câu chuyện kể về khuôn mặt ác quỷ của một người làm chồng, làm cha trong một gia đình ở Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Chính vì sự hiện diện của khuôn mặt ác quỷ mà người đàn ông này đã làm tan nát gia đình, tan nát cuộc đời của tất cả những người thân trong gia đình mình. Có thể nói, đây là tận cùng của bi kịch về gia đình...

Chúa Nhật ngày 16.6.2019 là ngày tôn vinh những người cha. Trong ngày vui này mà lại viết về hình tượng xấu của một người cha, sẽ không hợp chút nào.

Tuy nhiên, bên cạnh số đông những người cha luôn khiến con cái mình phải tôn thờ và noi theo suốt đời, lại hằn lên hình ảnh những người cha là địa ngục, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của con mình.

Vì thế, ghi lại câu chuyện đã cũ, người viết mong mỏi:

- Những ai trong trách nhiệm làm cha mẹ, hãy là người cha, người mẹ luôn ưu tiên đặt tình yêu dành cho gia đình mình trên tất cả.
- Mọi người hãy cảm thông, sớt chia những bất hạnh của tất cả những ai đã, đang bị đọa đày trong chính gia đình mình.
- Lương tâm mọi người công chính hãy làm tất cả những gì có thể để chấm dứt cảnh bạo lực dưới mọi hình thức.

1. Sau đây là câu chuyện thương tâm:

Tại một phiên tòa, cả năm người con của bị cáo Trương Văn Thuận (49 tuổi) đều đề nghị Hội đồng xét xử xử tử cha mình, trong khi Viện kiểm sát chỉ đề nghị chung thân.

- Chị D (21 tuổi - con ông Thuận) vắng mặt, viết giấy ủy quyền: "Tinh thần bị suy sụp sau cái chết của mẹ. Khi gặp ông Trương Văn Thuận, nỗi uất hận, nỗi đau trong lòng hiện về. Kể từ ngày mẹ mất, tôi xem ông Thuận như đã xử tử rồi và không muốn nhìn thấy hay nghe bất kỳ điều gì về ông nữa. Tôi vẫn còn đang sợ hãi. Tôi đề nghị tòa tuyên án tử hình đối với ông Trương Văn Thuận".

- Tr (23 tuổi - một người con khác) nói trong nước mắt: "Chẳng người con nào muốn đẩy cha đến đường cùng, đau xót lắm chứ. Nhưng những việc làm của ổng với mẹ, tôi chứng kiến từ nhỏ. Hết đánh vợ đến đánh con. Có lần, đánh mẹ tôi nhiều quá, tôi cầm cây nói ổng đánh chết tôi đi, xem như tôi đổi mạng cho mẹ. Những tưởng ổng không đánh, nhưng ổng đánh thiệt, đánh túi bụi tối tăm mặt mày. Chị gái phải lôi tôi ra, sợ ổng đánh chết. Từ đó tình cha con gần như đã hết".

- Th (con gái cả) cho biết: "Mong trong ổng có một chút tình người trỗi dậy, như vậy cũng đã an ủi chúng tôi phần nào. Chứ đứng trước tòa, trước pháp luật mà ổng không hề hối hận".

- Người con khác cho biết thêm: Sự tàn bạo của cha cô "không thể tha thứ được. Không chỉ tôi mà xã hội này cũng không chấp nhận được. Nhưng tôi sợ, đến khi chết, ổng vẫn không nhận ra mình sai và oán trách tụi tôi đẩy ổng đến bước đường cùng.

2. Vì sao nên nỗi?

Tính đến ngày bị Trương Văn Thuận giết, bà Hoàng Thị Nhiệm đã chung sống với Thuận gần 30 năm. Hai người đã có với nhau năm người con. Tuy nhiên, 30 năm làm vợ của bà là 30 năm sống trong địa ngục.

Theo lời kể của các người con, của hàng xóm, thì những gì hãi hùng nhất, Thuận đều có thể trút xuống vợ mình.

Thuận từng đập gãy mũi vợ, cắt vành tai, bắt vợ liếm cơm rơi trên nền nhà, đổ cơm xuống đất trộn với cát và tro buộc bà Nhiệm hốt lên ăn...

Nhiều lần ông Thuận nhốt bà Nhiệm trong chuồng heo, tạt nước liên tục vào mặt hòng làm cho bà ngạt thở. Thuận còn dùng dây điện châm vào người bà, bóp cổ bà, buộc bà cởi hết quần áo đứng giữa trời lạnh giá...

Không còn chịu nổi cảnh tra tấn ngục tù, bà Nhiệm đến thành phố Quảng Ngãi ở nhờ nhà con gái mình và quyết ly dị Thuận.

Tháng 11.2012, trở về nhà ngoài việc gặp chồng để lo thủ tục ly hôn, bà Nhiệm còn lo nhổ cỏ trong vườn nhà. Thuận năn nỉ bà Nhiệm rút đơn ly hôn, nhưng bà cự tuyệt.

Không thuyết phục được vợ, Thuận tuyên bố: "Bà bỏ tôi, tôi chết thì bà cũng chết". Nói là làm. Thuận lao vào người bà Nhiệm bóp cổ, liên tiếp đập đầu bà vào tường. Sau đó Thuận quật mạnh bà Nhiệm xuống nền ximăng khiến bà chấn thương sọ não, nứt hộp sọ, xuất huyết não, tử vong.

3. Thái độ của Trương Văn Thuận trước tòa.

Đến giờ xét xử, bị cáo Thuận dáng người to khỏe bị giải vào tòa. Dù phía sau vành mống ngựa nơi Thuận đứng có đến hàng trăm người dự phiên tòa, Thuận vẫn cứng đầu quanh co chối tội.

Đặc biệt, trước những bằng chứng điều tra sắc bén, trước nhiều bằng chứng của nhiều người trong xóm và của các cán bộ lãnh đạo địa phương, nhất là trước những cáo buộc của cả năm người con, cho thấy hành vi của bị cáo có hệ thống và vô nhân tính..., Thuận vẫn không hề tỏ chút sám hối.

Khi công tố viên đề nghị án chung thân, dù hầu như cả tòa đứng dậy phản đối, gương mặt Thuận vẫn lạnh lùng.

Cuối cùng, tòa tuyên tử hình bị cáo theo đề nghị của cả năm người con, Thuận vẫn điềm nhiên không có lấy một lời xin lỗi các con, không một lần quay đầu nhìn lại các con của mình.

4. Lời bàn của người viết.

Những hành vi tội ác chống lại gia đình do chính những thành viên trong gia đình gây ra cho nhau ngày càng nhiều. Từ loạn luân đến mọi hình thức bạo hành, được báo chí đăng tải hầu như thường xuyên.

Tôi nghĩ, có mấy lý do:

- Đời sống tôn giáo ngày càng bị nhiều người chối từ. Không còn đức tin vào Đấng Toàn Năng thấu suốt mọi hành động của con người, con người dễ gây ra tội ác mà không thấy mình có tội.
- Nền giáo dục chung, lẫn các bậc cha mẹ là những người giáo dục trực tiếp trên con cái, chỉ quan tâm nhiều đến đào tạo kiến thức mà xem nhẹ, hay không chú trọng đến yếu tố con người.
- Xã hội ngày càng có xu hướng tôn thờ tự do cá nhân. Vì thế những chuẩn mực đạo đức, những giá trị nhân phẩm bị phớt lờ. Con người lầm tưởng tự do là muốn làm gì thì làm.
- Kinh tế thị trường, trong đó thói quen bon chen, giành giật, chèo kéo... cách ích kỷ cho bản thân, mà không nhìn thấy quyền lợi người khác, hay quyền lợi của mình trong tương quan với người khác cách lành mạnh.
- Đời sống vật chất tăng, lối sống hưởng thụ tăng, óc thực dụng cũng theo đó mà bành trướng, làm cho con người xa rời tâm linh, mất mọi hướng dẫn cần thiết từ những chân lý thiêng liêng.
- Tư tưởng bài xích tôn giáo, hoặc một thứ lý thuyết vô thần đang được đề cao và rao giảng khắp nơi và thường xuyên, khiến những người tin vào quả báo, đức, nghiệp bị chê cười, bị cho là "vớ vẩn". Sự vô tôn giáo, vô thần thánh ấy đã cướp sạch lương tri và đạo đức nhiều người đương thời.
- Thêm vào đó sự tham lam vật chất, tiền bạc càng ngày càng hình thành thói quen tranh giành, thói quen ích kỷ, thói quen vun quén cho bản thân. Với những tham lam ấy, khiến nhiều người bất chấp tội ác, miễn sao bản thân có nhiều của cải, càng ngày càng thâu tóm quyền lực để phục vụ cho việc làm giàu cho mình.

Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ nhỏ nhoi, rất cá nhân. Chắc chắn không thể đầy đủ và không hoàn toàn chính xác. Rất ước mong được nhiều người khôn ngoan và kinh nghiệm bổ túc thêm.
Trong Ngày của Cha, nhiều người nói về những người cha tốt lành, những người cha đáng tự hào của những đứa con.

Người viết chỉ xin nói thay cho những ai đau khổ mà không thể ngỏ cùng ai. Mong những ai phải sống trong nỗi kinh hoàng ngay trong chính gia đình mình được an ủi hơn, được yên tâm hơn khi biết rằng, xung quanh vẫn còn nhiều người đồng cảm với mình.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Suy Tư Của Chúa
Nguyễn Trung Tây Lm.
08:46 15/06/2019
SUY TƯ CỦA CHÚA
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

"Hãy đến với Ta,
hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng,
Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.
Hãy mang lấy ách của Ta
hãy học cùng Ta,
vì Ta hiền lành
khiêm nhượng trong lòng,
và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.
Vì ách của Ta thì êm ái
và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
(Matthew 11:28-30)