Ngày 10-04-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Lá hôm nay
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
05:28 10/04/2019
Khi thấy Đức Giê-su cỡi trên lưng lừa tiến về thành Giê-ru-sa-lem. Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời. (Mt 21, 8-9)

Trong tâm lý của quần chúng Do Thái thời đó - tâm lý của người dân nhược tiểu sống dưới ách đô hộ của đế quốc Rôma - Đức Giê-su là vị Vua Giải Phóng Dân Tộc nên khi thấy Người cùng các môn đệ tiến vào Giê-ru-sa-lem, họ nghĩ rằng niềm vui được giải phóng đã gần kề.

Không vui sao được, khi người đang cỡi trên lưng lừa chính là người đã hóa nước thành rượu trong tiệc cưới Ca-nan. Đã làm phép để với một ít bánh và vài con cá đã cho hàng ngàn người ăn no nê. Đã làm cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi … và cũng chính là người đã làm cho Lazarô, một kẻ đã chết ba ngày được sống lại. Với “72 phép thần thông biến hóa” đáng nể như vậy, chắc chắn binh hùng tướng mạnh của người La Mã sẽ phải cúi đầu khuất phục!

Chắc hẳn những tiếng reo hò “Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !” trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá hôm đó đong đầy âm sắc của niềm vui, của hy vọng, của hoà bình. Những tiếng hoan hô đó phải lớn lắm - lớn hết sức mình có thể - và kèm theo đó là sự tham gia của cả thể hình với những khuôn mặt đầy phấn khích, những cánh tay vẫy cao những cành lá.

Nhưng cũng chính đám đông ấy trong buổi sáng thứ Sáu Tuần Thánh lại vang dậy tiếng hò hét mang đầy âm sắc của dữ dằn, của khát máu, của sự loại trừ: “Đóng đinh nó vào thập giá ! Đóng đinh nó vào thập giá !”. Những tiếng la hét ấy đã khiến Philatô phải băn khoăn: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác ?”. Câu trả lời của đám đông vẫn là: “Đóng đinh nó vào thập giá !” và càng gào lên ghê gớm hơn khi Philatô tự cho là mình vô can và phủi tay : “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi !”. (Mt 27, 22-25)

Theo nhà tâm lý học xã hội Gustave Le Bon: đám đông thường bị điều khiển bởi sự vô thức của mỗi cá nhân, hành động tùy theo những kích thích ngẫu nhiên. Họ đặc biệt dễ bị tác động, nội tâm của họ xuất hiện một sự thúc dục phải biến nhanh ý tưởng thành hành động.

Hiệu ứng đám đông còn có thể được hiểu là những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu tác động của những người khác. Đây là một phản ứng tâm lý rất tự nhiên, không hề xấu. Thế nhưng, khi hiệu ứng này có thể giết chết một con người, đó không còn là chuyện nhỏ.

Những kích thích và tác động ở đây chính là niềm mong ước của dân Do Thái muốn được giải phóng khỏi ách kềm kẹp của đế quốc Rôma và sự “ganh ăn ghét ở” của giới lãnh đạo Do Thái thời đó. Họ sợ đám đông rời bỏ mình đi theo Đức Giê-su và việc đó ảnh hưởng đến những đặc lợi, đặc quyền mà từ trước đến nay họ vẫn được hưởng vì vậy “các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Cai-pha, và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi.” (Mt 26, 3-4)

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay mang đến cho chúng ta bài học bổ ích và mang tính rất thời sự dù sự việc đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm. Con người hiện nay sống trong thời đại công nghệ “4G”, có thể nói đang có một thế hệ trưởng thành từ mạng xã hội, một thế hệ “check in, like, comment …” mỗi lúc và mọi nơi. Những thói quen từ mạng xã hội có thể là niềm vui của người này, nhưng đôi khi lại là sự phiền phức của kẻ khác.

Nó tác động đến cuộc sống của con người; thậm chí làm thay đổi nếp sống, cách nghĩ của nhiều người. Nó giúp những người ở xa nhau nửa vòng trái đất cũng trở nên gần gũi nhờ tương tác đều đặn hàng ngày. Nhưng đôi khi lại khiến những người ở rất gần trở nên xa cách…. Tất cả là do cách mỗi người sử dụng, cũng như ứng xử với mạng xã hội.

Mạng xã hội có sức mạnh “phù phép” đông đảo người nghe theo, tin theo và làm theo. Mặt khác, có rất nhiều hậu duệ của những “thượng tế và kỳ mục” sở hữu sẵn “máu bài trừ” người khác bằng cách truyền đi những thông điệp mang tính chất kích động và chống lại một ai đó (thường là những người nổi trội hơn mình, … hoặc đơn giản chỉ là ai đó “thấy ghét”!).

Khi những thông điệp mang tính “bêu xấu” được truyền đi một cách có chủ đích, có hệ thống, và chuyên nghiệp thì vấn đề càng trở nên nguy hiểm hơn. Trong khi đó, từng cá nhân trong đám đông thường bị “lu mờ lý trí” hay “mê muội” như bị thôi miên và được dẫn dắt bởi những lời lẽ kích động của những “anh hùng bàn phím”.

Một comment chê bai có thể chưa mang lại nhiều tác động tiêu cực, nhưng khi một đám đông cực đoan cùng “hùa” vào chê bai thì hậu quả thật khó lường. Sự a dua tập thể chính là một con dao vô hình, có thể lấy đi sự tự tin, niềm vui, cướp đi ước mơ, hoài bão, thậm chí sinh mạng con người… Liệu chúng ta có thực sự còn muốn tham gia vào một cuộc chỉ trích, phê phán ai đó nếu biết được rằng một lời nói nhỏ bé của mình có thể khiến họ phải tìm đến cái chết?

Rất nhiều người thú nhận họ lên án, “like” hay “view” cho một người chỉ vì dư luận xung quanh đang làm thế mà không thực sự tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện. Gần đây kênh YouTube mang tên “Khá Bảnh” với hàng loạt video “chém gió, dạy đời" gây sốc với cách hành xử kiểu giang hồ như văng tục, chửi bới, đốt xe, khoe tiền … đã thu hút được sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ với hàng triệu lượt xem và bình luận là một ví dụ.
Hẳn những nhà sáng lập ra Instagram, Twitter hay Facebook… có thể không bao giờ mong muốn sản phẩm của mình sẽ mang lại phiền toái đau thương cho con người, bởi vì những trang mạng xã hội thật ra chỉ là phương tiện giải trí, gắn kết mọi người. Vì thế, khi chưa tìm hiểu kỹ càng, xin đừng nghe theo những “thượng tế và kỳ mục” thời nay để biến mạng xã hội thành những công cụ mang tính hủy diệt như đám đông Do Thái xưa vội vã “hoan hô” rồi ngay sau đó lại hét to “đả đảo”!

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:38 10/04/2019

135. Vong ân phụ nghĩa thì giống như gió nóng thổi khô cạn nguồn suối nhân ái thiện lương, mưa rào từ ái và giòng sông ân sủng.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:41 10/04/2019
83. TÔI QUEN RỒI

Có một đầu bếp, bất kỳ làm tiệc cưới cho ai thì cũng lén lấy một ít thức ăn đem về nhà, dần dần trở thành thói quen.

Một hôm, ông ta đang thái thịt ở nhà thì cũng lựa một vài miếng thịt ngon, dùng giấy gói lại bỏ vào trong bụng. Vợ nhìn thấy bèn chửi:

- “Đây là thịt của nhà, ông ăn cắp để làm gì ?”

Ông đầu bếp giống như trong mơ tỉnh lại cười nói:

- “Tôi quen rồi ạ.”

(Tiếu phủ)


Suy tư 83:

Thói quen là một hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống, dù cái lặp lại ấy là vô ý thức.

Có người có thói quen làm dấu thánh giá trước khi ăn cơm, nhưng vì không ý thức nên làm dấu thánh giá giống như đuổi ruồi, và thế là làm trò cười cho người ngoại giáo và cớ vấp phạm cho trẻ em.

Có người có thói quen mỗi ngày đều đi tham dự thánh lễ, nhưng vì không hiểu hoặc vì không ý thức của việc dâng lễ, cho nên khi vào trong nhà thờ thì ngủ gục không cần biết cha giảng lễ dài ngắn, ý tứ ra sao, vì thế rất dễ trở nên cái cớ cho người khác chê cười việc tham dự thánh lễ của người Công Giáo.

Có người có thói quen mở miệng ra là nói chuyện người này người nọ cách vô ý, cho nên họ thường gây mất đoàn kết trong cộng đoàn cũng như giữa người này với người nọ.

Thói quen là con dao hai lưỡi, một lưỡi làm cho chúng ta trở nên kẻ đánh lừa Thiên Chúa vì những hình thức bên ngoài của chúng ta, một lưỡi làm cho chúng ta trở thành người chỉ bảo đường xấu cho tha nhân khi chúng ta làm theo thói quen vô ý thức của mình.

Có những thói quen rất tốt mà chúng ta phải bắt chước, như: thói quen lần chuổi Mân Côi, thói quen giúp người, thói quen tha thứ, thói quen đi lễ, thói quen đúng giờ, thói quen lịch sự.v.v...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Lễ Lá – năm C
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:17 10/04/2019
Sau khi đọc bài tường thuật đầy đủ về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta theo thánh Luca. Chúng ta không thể không màng chi đến những sự xảy ra trước đó. Nhiều người không khỏi thắc mắc : một con người như vậy sao lại kết thúc trên Thánh giá? Đâu là nguyên do dẫn đến cái chết và ai là người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?

Theo một lý thuyết lưu hành vào thế kỷ 20 sau thảm kịch Shoah, Hitler tiêu diệt những người Do thái, người ta qui trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu cho người Do thái, Philatô và các thẩm quyền Rôma thời ấy, mà động lực thúc đẩy thuộc bản chất chính trị hơn là tôn giáo.

Bằng chứng là Hội đồng Do thái, đứng đầu là các thượng tế, trưởng vệ binh đền thờ và kỳ lão (x. Lc 22, 52) ; chứng gian tìm không ra, lời chứng lại không khớp, phải nại đến Thượng Hội Đồng và hỏi Chúa Giêsu xem có phải Người là Đức Kitô không ? Chúa Giêsu trả lời : “Nếu Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời” (Lc 22, 67-68. Người buộc họ lên tiếng : “Vậy ông là Con Thiên Chúa ư ?” Chúa Giêsu đáp : “Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa” (Lc 22, 70). Bấy giờ họ nói : “Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa? Vì chính chúng ta cũng nghe y nói” (Lc 22, 71). Họ quyết định lên án tử cho Người.

Nhưng chuyện không đơn giản, vì muốn giết được Chúa Giêsu phải qua tay tổng trấn Rôma là Philatô, nên họ “ giải Người đến Philatô” (Lc 23, 1). Philatô không phải là người quan tâm tới sự công chính đến nỗi âu lo về số phận của một người Do thái không tên tuổi; ông ta là một mẫu người cứng cỏi, độc ác, sẵn sàng đổ máu nếu có một dấu vết rất nhỏ nổi loạn (x. Lc 13, 1-9). Tất cả sự này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ông không ra sức cứu sống Chúa Giêsu vì thương cảm nạn nhân, nhưng chỉ để ghi một điểm thắng chống lại những kẻ tố cáo Chúa Giêsu, với họ ông đã có xung đột từ ngày tới đất Giuđêa. Dĩ nhiên, sự này không giảm bớt trách nhiệm của Pilatô trong việc lên án Chúa Giêsu, một trách nhiệm ông đã chia sẻ với những nhà lãnh đạo Do thái.

Khi gặp Chúa Giêsu, Philatô hỏi : “Ông có phải là vua dân Do thái không?” (Lc 23,3). Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ và hành vi tương tự như trước cộng nghị : “Ông nói tôi là vua” (Lc 23,3). Câu trả lời của Chúa Giêsu không giúp Chúa thoát khỏi vụ án mà lại như thêm dầu vào lửa, khiến các thầy thượng tế lại tố cáo thêm, nhưng Chúa không đáp lại một lời nào.

Đối diện với những kẻ đòi giết Chúa Giêsu, Philatô không biết làm sao nên bảo dân “Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi” (Lc 23, 16). Lúc ấy trong khám đang có sẵn kẻ giết người tên là Baraba, Philatô nghĩ ra trò tráo mạng Giêsu để may chăng dân chúng tha cho Chúa Giêsu, nhưng ông đã lầm, chẳng những không cứu được Chúa Giêsu mà còn như thể gia tăng lòng quyết xử tử Người. Dân chúng biến các lời chúc tụng thành tiếng kêu tố cáo : “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!” (Lc 23, 21). Philatô nhượng bộ hoàn toàn: “ Ông liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu” (Lc 23, 24).

Khi quyết định trao nộp Chúa Giêsu thì ông cũng đi vào cái vòng di chuyển của họ. Tin Mừng được giả thiết là đã minh oan cho Philatô và tố cáo những người lãnh đạo Do thái chủ mưu giết Chúa. Chính thánh Phaolô khi tường thuật về án tử của Chúa Giêsu giống như các sách Tin Mừng mô tả, ông viết “những người Do thái đã giết Chúa Giêsu” (1 Tx 2,15).

Từ những tường thuật về cái chết của Chúa Giêsu trong Talmud và trong những tài liệu Do thái khác, truyền thống Do thái không bao giờ từ chối sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó trong việc lên án Chúa Giêsu. Họ không bênh vực mình bằng sự chối bỏ hành động, nhưng nếu có hành động nào, họ đã chối hành động đó, từ viễn ảnh Do thái, làm thành một tội ác và án tử Chúa Kitô Giêsu là một án bất công.

Như vậy, đối với câu hỏi, “ tại sao Chúa chết ? ” Sau tất cả những nghiên cứu và những sự lựa chọn được đề nghị, chúng ta phải đưa ra cũng một câu trả lời như trong các Tin Mừng là Người bị kết án vì những lý do tôn giáo. Kết luận, các thẩm quyền tôn giáo và các thẩm quyền chính trị, các thủ lãnh Công Nghị và quan tổng trấn Roma, cả hai đã tham gia, vì những lý do khác nhau, trong sự xử án Chúa Kitô.

Phần chúng ta, những người tin Chúa Giêsu đều nghĩ rằng chính những người Do thái đã giết Chúa. Chúng ta cũng thường qui kết cho Giuđa là kẻ phản bội đã bán đứng Thấy, kẻ tiếp tay cho các thượng tế và kinh sư bắt nộp Chúa.

Mỗi khi Tuần Thánh về, đọc lại bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Giáo hội muốn mỗi người chúng ta, thay vì đổ tội cho người Do thái, thì nhìn thấy trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa Giêsu. Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh. Tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa và tha nhân, chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau, dẫn đến nguy cơ mất ơn cứu độ. Nên Thiên Chúa đã “vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…” chịu đóng đanh, chịu chết để chuộc tội cho chúng ta (x. Kinh Tin Kính).

Khi ta từ chối Chúa và chương trình thiêng liêng của Người, hay khi ta xúc phạm đến Chúa, không sống xứng đáng là con Thiên Chúa, chúng ta chịu trách nhiệm cách đặc biệt hơn vào cái chết của Chúa. Mỗi lần chúng ta phạm tội bất công, lỗi đức bác ái, gây gương mù gương xấu, cộng tác với sự dữ gây tác hại trực tiếp cho tha nhân, làm hại bản thân, gây thiệt hại cho cả Hội Thánh nữa là chúng ta làm khổ nhau, nhất là làm cho Chúa phải đau phiền và phải chết.

Ước gì khi suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta thêm lòng tin vào Chúa, yêu mến Chúa cách mãnh liệt hơn, và đặt tất cả lòng cậy trông vào Chúa. Chúng ta tin Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Dõi Theo Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu

Suy niệm Lễ Lá

(Lc 22, 14-23, 56)

Khi Chúa vào Thành Thánh

Chúa Giêsu muốn tất cả thật đơn giản, nhưng giầu ý nghĩa về tính thiên sai. Trái lại, đám đông từ Galilêa đến dự lễ Vượt Qua lại vui mừng phấn khởi. Chúa Giêsu tiến vào Thành Thánh, đám đông và đoàn môn đệ cất tiếng ngợi ca : "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời", làm cho chúng ta nhớ lại lời thiên thần đã hát trong đêm Giáng sinh : "Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm" (Lc 2, 14).

Sự nhiệt tình của đám đông gặp phải sự chỉ trích của một số người Biệt Phái. Chúa Giêsu chấp nhận sự nhiệt tình này bởi nó phát xuất từ trái tim, cho dù có phù du đi chăng nữa (x. Lc 19,39-40).

Một ngôn ngữ loài người

Toàn bộ sứ mạng của Người Tôi Tớ Đau Khổ được Isaia tóm lại: lắng nghe để huấn luyện, huấn luyện để loan báo : "Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn … Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn" (x. Is 50, 4-7). Thật dễ để mà nói, "tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi" (Is 50, 6), nhưng không dễ để mà sống. Vì thế, ta phải không ngừng lắng nghe Thiên Chúa, để Thiên Chúa huấn luyện ta bằng ngôn ngữ loài người, để tloan báo Thiên Chúa cho anh em.

Người đã không lấy lại

Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, chia sẻ tất cả vinh quang của loài người và vinh quang Thiên Chúa : "Đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm" (Pl 2,7). Là con người, một tạo vật có giới hạn trong thời gian, gắn liền với khổ đau, ngược đãi và bị giết chết. Trử nên giống phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi, dù là Đấng vô tội, Chúa Giêsu đã khước từ vinh quang của Con Thiên Chúa và trở thành Con của loài người, để hoàn toàn liên đới với chúng ta là những người tội lỗi. Không những thế, Người đã sống giữa chúng ta trong một "điều kiện của nô lệ": không phải như là vua, cũng không phải là ông hoàng, nhưng là nô lệ. Vì thế Người đã hạ mình, và vực thẳm sự hạ mình của Người, mà Tuần Thánh cho chúng ta thấy, xem ra không có đáy, "vâng lời cho đến chết" (Pl 2,8), đành mất tất cả để có được vinh quang trở về với Thiên Chúa.

Khởi đầu chặng Đàng Thánh Giá

Thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh như là điểm khởi đầu con đường thập giá, chứ không phải vườn Cây Dầu. Bởi vì con đường này chính là Vương Quốc. Đây là nét đặc trưng của bài Thương Khó theo Tin Mừng Luca.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Cho đến khi triều đại Thiên Chúa đến, vương quốc của Thiên Chúa". Và đối với những người bị kết án trên thập giá cùng Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa đến ngay lập tức, người trộm lành hỏi : "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi ?" (Lc 23, 43) Chúa Giêsu trả lời : " Ngay hôm nay... " (Lc 23, 43). Thánh Thể thực hiện hy tế của Thiên Chúa và ban tặng cho chúng ta những quả phúc tuyệt vời ngay tức khắc. Mỗi khi cử hành, chúng ta thưa : "Xin đoái nhìn hiến lễ Hội Thánh dâng lên Chúa và khi Chúa nhận đây chính là của lễ Con Cha đã dâng tiến" (Kinh Nguyện Thánh Thể III) Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Chén này là Tân ước trong Máu Ta" (Lc 22,20).

Trong vườn Giệtsimani

Trong thư gửi tín hữu Do thái Chúa Giêsu nói : "Con đến để làm theo Ý Cha" (Dt 10,9-10) lấy lại những lời Thánh Vịnh (Tv 39, 8). Nhưng lời đó vẫn tiếp tục và đặt chúng ta vào trong lễ dâng hiến của Chúa Kitô. Chính trong ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã dâng hiến chính thân mình làm của lễ để cứu chuộc chúng ta.

Có lần chúng ta bước trượt, lúc đó bàn tay ta không có gì để nắm. Có lúc trái tim ta bồi hồi trong ta, cuộc sống mất đi ý nghĩa, khi tình yêu tan rã, tâm trí chúng ta mất hướng. Chúa biết rằng trong vườn cây Dầu, có các môn đệ ở gần, Người vẫn cảm thấy cô đơn : "Tại sao các con ngủ?" (Lc 22, 46).

Nhưng sự cô đơn không phủ kín trên Người, mà đưa Người đến với lễ vật tự hiến phổ quát. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Philipphê "Để mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng" ((Pl 2, 11). Chúng ta phải ra khỏi chính mình, vượt ra ngoài bóng đêm để tìm kiếm Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, tìm ánh sáng của Ngài.

Chối Chúa

Hầu như tất cả các môn đệ khác trốn chạy và bỏ rơi Thày, còn Phêrô với thanh gươm cầm sẵn trong tay, tin tưởng vào sức riêng mình, ông dồn sức lực vào sự nhiệt tình với Chúa. Giờ đây ông tìm lại chính mình. Ông biết rõ người mà tên đầy tớ nữ hỏi ông, nhưng ông vẫn nói : "Này chị, tôi đâu quen biết người ấy" (Lc 22,57).

Con gà là con vật không màng chi đến giờ giấc, vào thời điểm đó đã cất tiếng gáy. Phêrô sau khi chối Chúa, quay lại nhìn Chúa Giêsu, ông sợ hãi. Lúc này, Chúa không đến nắm lấy tay Phêrô như ngày ông bị chìm trên biển khi đang đến cùng Chúa. Với cái nhìn yêu thương, giờ đây Chúa Giêsu nhắc nhở Phêrô, ông quay lại và nhìn Chúa, cái nhìn lén lút, gặp ánh mắt "yêu thương", ông sực nhớ lời Chúa Giêsu đã nói với ông : "Khi gà chưa gáy, con đã chối ta ba lần" (Lc 22, 61).

Chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn chúng ta, cho chúng ta tính xác thực của tình yêu thương xót vượt trên sự yếu hèn của chúng ta.

Các ông nói, quan nói

Trước Công Nghị, giới lãnh đạo Do thái hỏi Chúa Giêsu xem có phải Người là Đức Kitô không ? Chúa Giêsu trả lời : "Nếu Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời" (Lc 22, 67-68). Người buộc họ lên tiếng : "Vậy ông là Con Thiên Chúa ư ?" Chúa Giêsu đáp : "Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa" (Lc 22, 70).

Bị hạ nhục trong tâm hồn với các chế nhạo, xỉ vả, và khạc nhổ, thân xác phải chịu đánh đập, đòn vọt và mạo gai khiến cho diện mạo của Ngườii không còn hình tượng người ta nữa. Trước quyền bính tôn giáo và chính trị: Ngài đã tự biến thành tội nhâ và bị coi là bất chính. Thế rồi quan Philatô gửi Ngươfi qua cho vua Hêrôđê và ông này lại gửi Chúa trở lại cho quan tổng trấn. Với Philatô, ông lồng chính trị vào khi hỏi Chúa Giêsu : "Ông có phải là Vua dân Do Thái không?" (Lc 23,3). Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ và hành vi tương tự như trước cộng nghị : " Ông nói tôi là vua" (Lc 23,3).

Chúa cũng yêu cầu chúng ta trả lời cùng một câu hỏi, mà Chúa hỏi các môn đệ : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?"

Chúa Giêsu không đòi cho mình

Sau khi bị bán với 30 đồng bạc và bị phản bội bởi một môn đệ Ngài đã chọn và gọi là bạn. Chúa Giêsu trong tư cách là con người bị bỏ rơi và bị ngược đãi. Người bị nộp vào tay kẻ dữ, bị mạc cả với kẻ sát nhân, phải vác thánh giá nặng nhục nhã và bị nhạo báng như tên nô lệ. Người khiêm nhường đến độ không còn được tôn trọng. Người đã tự hủy mình ra không, không còn sức để vác cây thập giá.

Trong khi Ngài bị khước từ mọi công lý, Chúa Giêsu cũng cảm nhận trên da thịt mình sự dửng dưng, bỏi vì không ai muốn lãnh trách nhiệm đối với số phận của Người. Dân chúng biến các lời chúc tụng thành tiếng kêu tố cáo, thích cho một kẻ sát nhân được trả tự do cho họ hơn. Và thế là Chúa bị chết trên thập giá, là cái chết đớn đau và hổ nhục nhất dành cho các kẻ phản bội, nô lệ và các kẻ tội phạm tồi tệ nhất.

Chúa không đòi cho mình một đặc quyền đặc lợi nào, chẳng là gì trước sự tàn bạo của binh lính, kể cả Simon người Cyrênê, Chúa cũng chẳng là gì, ông kề vai vác đỡ, chẳng qua ông bị bắt vác mà thôi. Ông không biết ý nghĩa, cử chỉ vác thánh giá này. Những người nhạo báng hay tên lính lấy bọt biển nhúng giấm cho Chúa uống, họ có hiểu được không?

Ba năm mỏi chân đi giảng đạo cho muôn dân, với những phép lạ Chúa làm, an ủi những người ốm đau, bệnh tật, nghèo nàn đã không làm cho họ khám phá con người thật của Chúa Giêsu. Trong vườn Cây Dầu, một mình đối diện với Chúa Cha, Chúa không xin điều gì : ngoại trừ xin ơn tha thứ cho những ai làm khốn mình, vì Chúa đến để mang ơn tha thứ cho mọi người : "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23, 34).

Cuộc đối thoại bất ngờ

Cùng chịu đóng đanh với Chúa Giêsu có hai tên trộm cướp, một đứa bên trái, một đứa bên phải. Chúa nghe hai tên đối thoại với nhau, một kẻ nhạo báng Chúa, còn kẻ kia thừa nhận mình là kẻ có tội : "Chúng ta phải chịu xứng với việc chúng ta đã làm" (Lc 23, 41), như chúng ta vẫn đọc trước khi cử hành Thánh lễ : "Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em tôi đã phạm tội".

Một trong hai tên trộm thưa Chúa Giêsu rằng: "Xin nhớ đến tôi cùng..." (Lc 23, 41); còn chúng ta, chúng ta xin anh chị em "cầu nguyện cho tôi, trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta". Trong khoảng khắc khó nói những lời ấy vì Chúa Giêsu cũng bị tra tấn, mà tên trộm lành đã kêu lên với Chúa Giêsu là Chúa với cả con người anh. Chúa Giêsu trả lời ngay lập tức : "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 23, 42). Chúa Giêsu vén mở gương mặt thật của Thiên Chúa, là sự thương xót. Người tha thứ cho các kẻ đóng đinh mình, mở cửa thiên đàng cho người trộm ăn năn.

Bóng tối và màn Đền Thờ bị xé

"Vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín…màn trong đền thờ xé ra" (Lc 23,44-45). Chúa Giêsu trút hơi thở trao phó linh hồn trong tay Chúa Cha và từ nay, chắc chắn Người là tác nhân Phục Sinh, hoàn tất điều có thể trao ban. Lòng thương xót của Chúa chạm tới con tim của viên quản bách quân, khiến anh ngợi khen vinh quang Thiên Chúa, và đám đông cảm thấy nhu cầu cần thiết phải được tha thứ liền đấm ngực ăn năn trở về mừng lễ Vượt Qua.

Giuse người Arimathia với tư cách là môn đệ đã quyết định tự mình đến xin Philatô cho được tháo đanh táng xác Chúa. Những người phụ nữ thánh thiện về nhà chuẩn bị thuốc thơm vì hôm sau là lễ Vượt Qua. Các đèn chiếu sáng ngày Sabát của lễ Vượt Qua bắt đầu tỏa sáng. Nhưng nó vẫn còn tối.

Vinh quang Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa vào buối sáng ngày Phục Sinh khi tấm cửa mộ bị lăn ra như bức màn của đền thờ bị xé. Ngày thứ nhất trong tuần, sau khi sống lại, Chúa đến giữa họ, chia sẻ bánh trên đường Emmau, và một miếng cá nướng (x.Lc 24,13-49).

Chúa đã nói với họ vào tối Thứ Năm Tuần Thánh: "Thầy đã tha thiết ước ao ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn. Thầy bảo các con, Thầy sẽ chẳng bao giờ ăn lễ này nữa, cho đến khi lễ này được thực hiện trong nước Thiên Chúa" (Lc 22, 15-16). Nước Thiên Chúa đã bắt đầu.

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành các mầu nhiệm thánh, Chúa đã ban cho chúng con được thỏa chí toại lòng. Nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê trời như lòng hằng mong ước. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

NIỀM VUI - THẬP GIÁ – VÀ ƠN CỨU ĐỘ

Suy niệm Lễ Lá

(Lc 22, 14-23, 56)

Với Chúa Nhật Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh, trung tâm của toàn thể Năm Phụng Vụ, trong Tuần này chúng ta dõi theo hành trình thương khó của Chúa Giêsu, chết và sống lại.

Niềm vui

Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (x. Ga 12, 12-16)

Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép kiệu lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón : “Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời” (Lc 19, 36-38). Giờ đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa đi vừa hát “Hoan hô...” thấy thật là vui.

Đám đông dân chúng đón rước Chúa lúc đó hân hoan, ngợi khen, chúc tụng, đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồnvà tỏ lòng từ bi đối với họ.

Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a nói : “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Đó là tình thương cao cả của Chúa Giêsu, Người đã mang tình thương ấy đi vào thành Giêrusalem. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.

Thập giá

Niềm vui của dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm, những lời của Tiên tri Isaia, bài tường thuật của thánh sử Marcô, và những bài đọc phụng vụ khác dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá (Lc 23,44-45). Nơi bài đọc II, thánh Phaolô tông đồ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giêsu, “dù là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6- 8).

Một vị Vua cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng đi theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền lực tiến vào thành Giêrusalem là Chúa Giêsu. Người không vào Thành Thánh để nhận vinh dự dành cho các vua trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống trị; Người vào thành để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã tiên báo (x. Is 50,6); Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào để bước lên đồi Canvê vai vác khổ giá; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy Thập giá trên mình, mang vào mình sự ác, cùng với sự nhơ bẩn, tội lỗi của trần thế và cả tội chúng ta nữa. Với lòng từ bi và tình thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà tẩy rửa cho sạch. Vì thế, Thập giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được cứu độ.

Sống Tuần Thánh

Bước vào Tuần Thánh, Giáo hội cùng với con cái mình dõi theo Chúa Giêsu trên hành trình tiến lên đồi Canvê với thập giá và sự sống lại của Người. Sống Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến thân của Chúa Giêsu hầu mang lại sự sống cho con người

Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã rong ruổi trên khắp nẻo đường, với lòng tin, Người đã chọn gọi 12 người đơn sơ để họ ở với và tiếp tục sứ mạng yêu thương của Người. Trong Tuần Thánh chúng ta sống trọn vẹn cuộc hành trình này. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thi hành sứ mạng yêu thương ấy.

Chúa Giêsu không sống cách thụ động tình thương dẫn đến hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể tránh được; Người không che giấu sự sao xuyến sâu xa như một con người trước cái chết dữ dằn, nhưng phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, để chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Thánh Phaolô cảm nghiệm được rằng, trên Thập giá, Chúa Giêsu “đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi người chúng ta có thể nói: Người đã yêu thương tôi và đã phó nộp mình vì tôi.

Nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chúng ta khám phá ra những đau khổ của nhân loại nói chung và những đau khổ của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giêsu, dù vô tội, đã nhận mang lấy vào thân điều mà con người không thể chịu được như : sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa phải chịu nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho tất cả và mang đến cho con người ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.

Mỗi năm, với Tuần Thánh, Giáo Hội bước vào trong Mầu nhiệm Vượt Qua, Mầu nhiệm tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới bằng lời nói và bằng những việc làm tốt của những con cái mình rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna!

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy xin với Mẹ là Ðấng đã theo Chúa Giêsu Con Mẹ trong suốt chặng đường dẫn tới Canvê trong đức tin, giúp con cái Mẹ vác thập giá với niềm thanh thản và yêu thương bước theo Chúa, để đạt được niềm vui của lễ Phục Sinh. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Lễ Lá C 14.4.2019
Lm Francis Lý văn Ca
15:19 10/04/2019
TRƯỚC KHI LÀM PHÉP LÁ:
*Phần nầy sẽ đọc khi giáo dân đã tề tựu đầy đủ ngoài NGOÀI Nhà Thờ hay Trung Tâm để cùng với Linh mục bắt đầu nghi thức làm phép và kiệu lá.

Anh Chị Em thân mến, Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta bước vào tuần lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ, đó là Tuần Thương Khó được bắt đầu với Lễ Lá. Nghi thức của ngày Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay gồm có hai phần chính:

1. Chúng ta tham dự nghi thức làm phép lá, cùng với đông đảo anh chị em tung hô Chúa là Vua như các trẻ em Do thái. Chúng ta tiếp nhận Ngài là Vua của cuộc sống chúng ta.

2. Chúng ta bước vào Tuần Thánh, tuần lễ Chúa chịu đau khổ, như nhắc nhở mỗi người trong chúng ta, Chúa chịu vì tội lỗi nhân loại, trong đó có tội riêng của mỗi người chúng ta. Với tất cả những nghi thức mà Giáo Hội cử hành trong tuần nầy, mời gọi mỗi người trong cộng đoàn dân Chúa, theo sát từng bước chân của Thầy Chí Thánh từ Nhà Tiệc Ly đến đỉnh đồi Calvariô. Sau cùng, từ mồ Chúa phục sinh, chúng ta cũng được phục sinh với Ngài trong một cuộc sống mới; cuộc sống trong ân tình với Chúa.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu nghi lễ hôm nay với bài thánh ca, trước khi cùng với chủ tế bắt đầu nghi thức làm phép lá.

* Trong Nhà Thờ:

TRƯỚC BÀI I:
Bài đọc thứ I trình bày về sự đau khổ của người tôi tớ Thiên Chúa phải gánh chịu. Đây là hình ảnh đích thực dành cho những kẻ theo Ngài. Hãy chấp nhận với tinh thần phó thác như Đức Kitô.

TRƯỚC BÀI II:
Chúa Kitô, mặc dù Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng phải gánh chịu mọi nỗi đau đớn như con người chúng ta. Qua đó, Ngài dạy chúng ta bài học khiêm nhường.

TRƯỚC BÀI THƯƠNG KHÓ:
Thánh Luca tường thuật lại cuộc khổ nạn của Đức Kitô, Ngài là một trong những chứng nhân của cuộc khổ nạn của Thầy Chí Thánh. Chúng ta cùng theo dõi bài tường thuật sau đây của thánh sử Luca.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện cách rõ rệt qua sự thương khó, tử nạn của Con Ngài. Với tâm tình cậy trông, chúng ta dâng lên Ngài những ý nguyện cầu sau đây:

1. Chúng ta cầu xin Chúa chúc lành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, qua sự nâng đỡ và lời cầu nguyện của Hàng Giáo Phẩm và cộng đoàn tín hữu trên khắp hoàn cầu, Ngài sẽ chu toàn sứ vụ chủ chăn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay của Giáo Hội. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

2, Xin cho Giáo Hội hoàn vũ, qua Xin Chúa chúc lành và ban muôn ơn lành cho những anh chị em tân tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội trong mùa Phục Sinh và tất cả những ai đã giúp đỡ họ trong suốt thời gian chuẩn bị. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

2. Xin cho những thanh thiếu niên nam nữ, biết dùng năm tháng ngày giờ, trau dồi kiến thức về Kinh Thánh và Giáo Lý của Giáo Hội, Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

3. Xin cho giới trẻ trong các Cộng Đoàn Xứ Đạo biết góp phần trong các Nghi Lễ Tuần Thánh-Phục Sinh qua những đóng góp phụng vụ, ngõ hầu chuẩn bị cho tương lai một thế hệ siêu việt, trong nhiệm vụ làm chứng tá cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

4. Xin Chúa chúc lành và ban muôn ơn lành cho những anh chị em tân tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội trong mùa Phục Sinh và tất cả những ai đã giúp đỡ họ trong suốt thời gian chuẩn bị. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

5. Xin Chúa ban cho những quốc gia kém may mắn về thực phẩm, với sự rộng rãi của các quốc gia đầy lòng quảng đại, họ sẽ nhận được sự giúp đỡ đầy tình người. Chúng ta cùng nguyện xin. Đặc biệt đóng góp quảng đại trong chiến dịch Mùa Chay Thánh, Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Xin cho các tôi tớ Chúa đã qua đời, được nghỉ yên trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng những tháng ngày Chúa ban, để tìm kiếm những điều đẹp lòng Chúa, luôn sống khiêm hạ và biết chạy đến Chúa với tâm tình thống hối. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen

 
Bài thương khó!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:41 10/04/2019
Bài thương khó!

Là Kitô hữu Công Giáo, vào tuần Thánh thì một trong những chuyện xem ra khá vất vả cho những người có trách nhiệm phục vụ các Lễ nghi Phụng vụ và cả bà con tín hữu tham dự đó là “hát và nghe bài Thương Khó”. Những người hát thì vất vả cở nào còn tuỳ khả năng ca hát của họ, còn người nghe thì hầu như phải chịu đựng khá nhiều, nhất là khi nghe các “ca viên không chuyên” ê a, chưa kể đến các yếu tố âm thanh, thời tiết…

Chắc hẳn anh chị em bà con lương dân, khác đạo sẽ thấy lạ tai với cụm từ thương khó, một cụm từ không phổ thông. Lần giở các trang tự điển tiếng Việt, tôi không tìm thấy cụm từ ấy. Thế nhưng, hầu như Kitô hữu Công Giáo nào khi nghe đến cuộc thương khó, cũng hiểu ngay đó là cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Cụm từ “cuộc thương khó” được dịch bởi từ La ngữ “Passio”, mà nguyên nghĩa là chịu đau khổ. Anh ngữ và Pháp ngữ đều dịch là “Passion”, cũng một nội hàm. Không hiểu vì sao khởi đi từ nghĩa gốc là “chịu đau khổ” thì từ Passion theo thời gian, có lẽ bắt đầu từ thế kỷ XII, lại có thêm nghĩa là dục vọng, một dục vọng mãnh liệt vượt mức bình thường, thành sự đam mê, thành “yêu say đắm”. Có mối tương quan gì chăng giữa các nghĩa của từ ngữ này bản thân không được rõ nhưng cũng xin mạo muội chia sẻ đôi tâm tình về cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta, nhân sự gợi ý của hai ngữ nghĩa ấy. Chúa Giêsu chịu khổ nạn vì con người đam mê, yêu say đắm. Và vì đam mê, yêu say đắm con người nên Chúa Giêsu chịu khổ nạn.

1.Chúa Giêsu chịu khổ nạn vì con người đam mê, yêu say đắm. Vấn đề là ở đối tượng của sự đam mê hay yêu say đắm. Con người đã theo chước cám dỗ mà hướng chiều sự say mê vào chính bản thân mình. Biết sự lành sự dữ là một ước muốn chính đáng và hợp lý với loài có trí khôn. Tuy nhiên khi lấy bản thân mình, lấy lợi ích của mình để làm thước đo lành dữ thì quả là một sai lầm to lớn. Vì say đắm chính mình nên con người đã đặt danh dự, chức phận, lợi ích của mình lên hàng trên hết. Những gì có lợi cho tôi, làm cho tôi vinh dự, giúp tôi thăng tiến quyền chức đã trở thành điều lành theo quan điểm của tôi. Và như thế sự lành dữ không còn mang tính khách quan, nghĩa là do Thiên Chúa đặt định.

Các nhà Kitô học cũng như các chuyên gia Thần học Thánh Kinh đã phân tích các nguyên nhân phía nhân loại gây ra cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong các nguyên nhân ấy cần phải kể đến tham vọng quyền bính của nhóm Mười Hai mà đặc biệt là của tông đồ Giuđa. Sự thường, đi liền sau quyền bính chính là lợi lộc. Ngoài ra chúng ta cũng cần kể đến tham vọng quyền bính của những người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Tổng trấn Philatô đã biết rõ: “chỉ vì ganh tị mà họ nộp Người” (Mt 27,18).

Một sự say đắm “quy ngã”, nghĩa là hướng về bản thân mình rất dễ dẫn đến những điều tồi tệ cho tha nhân và cho cả bản thân. Quá yêu mình thì người ta sẽ dễ coi thường tha nhân. Quá xem trọng lợi ích của mình thì người ta cũng dễ bị cám dỗ tìm cách hạn chế hay xâm phạm lợi ích của kẻ khác. Để bảo vệ quyền chức của mình người ta cũng dễ sẵn sàng hạ bệ kẻ khác bằng mọi cách thế, kể cả thủ đoạn.

2. Vì yêu say đắm con người nên Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn. Vừa đặt câu hỏi lại vừa trả lời , tác giả Thánh Vịnh cho ta hay: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,4-7). Ngoài câu trả lời: vì “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 8), thì chúng ta không thể trả lời cách đầy đủ cho câu hỏi tại sao Thiên Chúa yêu con người đến thế, nhưng chúng ta lại biết rõ “cái thế này”: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúng ta còn thấy sự đắm say này qua việc Con Thiên Chúa làm người đã tự nhận làm con của loài người (Son of Man – Fils de l’ Homme). Đó là Đấng mà xưa ngôn sứ Đaniel qua thị kiến đã thấy “ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7,13).

Sự đắm say của của Chúa Giêsu mang tính “hướng tha” nghĩa là hướng về người khác. Là Người Con Một, Người luôn hướng về Chúa Cha bằng sự hiệp thông, mến yêu, vâng phục. Vào trần gian, làm “con của loài người”, ý định của Người là “không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Tình yêu thì không có biên giới. Đã yêu thì không chấp nhận sự nửa vời. Và có thể nói say đắm là điểm tới của yêu thương. Đã đắm say thì có sự khổ nạn. Vấn đề đặt ra là hướng của sự đắm say là bản thân hay tha nhân. Khi ta say đắm bản thân thì ta sẽ gây đau khổ cho kẻ khác và ta lại huỷ hoại chính bản thân mình. Ngược lại khi ta đắm say tha nhân thì ta sẽ đón nhận khổ đau để tha nhân được cứu sống, được hạnh phúc và chính ta cũng sẽ được sống, triển nở và sống dồi dào.

Người ta thường gọi các thánh là những người “điên”. Có lẽ chữ “điên” hơi mang dáng vẻ hàm hồ và dễ bị ngộ nhận. Thiết nghĩ nên gọi các Ngài là những vị yêu Chúa, yêu tha nhân cách say đắm. Như thế ngoài những vị đã được Hội Thánh tuyên phong thì đã và đang có đó nhiều vị thánh không tên, những người đang yêu đồng loại cách đắm say. Họ đang dõi bước theo chân Chúa Giêsu, Đấng đã từng phán “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Với những vị đó, theo cách nói của thánh Âugustinnô, thì “bài thương khó” dù rằng khó và rất khó nhưng vẫn dễ thương, vì đã được thương rồi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toàn văn Tông Huấn ''Christus vivit'' của Đức Phanxicô, chương bẩy
Vũ Văn An
02:07 10/04/2019
CHƯƠNG BẨY: Thừa tác vụ tuổi trẻ

202. Thừa tác vụ tuổi trẻ, như được thi hành trong truyền thống, đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi xã hội và văn hóa. Người trẻ thường không tìm thấy nơi các chương trình thông thường của chúng ta một đáp ứng cho mối quan tâm, nhu cầu, các nan đề và vấn đề của họ. Sự lan tràn và tăng trưởng các nhóm và phong trào liên hệ một cách chủ yếu với giới trẻ có thể được coi là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng liên tục chỉ cho chúng ta những nẻo đường mới để đi. Mặc dù vậy, vẫn cần phải xem xét cách các nhóm như vậy tham gia vào việc chăm sóc mục vụ tổng thể của Giáo hội, cũng như phải hiệp thông nhiều hơn giữa họ và phối hợp tốt hơn các hoạt động của họ. Dù tiếp cận người trẻ không bao giờ dễ dàng, hai điều ngày càng trở nên hiển nhiên: việc nhận ra rằng toàn bộ cộng đồng phải tham gia vào việc truyền giảng Tin Mừng cho họ, và đòi hỏi cấp bách họ phải đảm nhận một vai trò lớn hơn trong việc nối vòng tay lớn (outreach) mục vụ.

Một nền chăm sóc mục vụ có tính đồng nghị (synodal)

203. Tôi muốn nói rõ rằng chính người trẻ là tác nhân của thừa tác vụ tuổi trẻ. Chắc chắn họ cần được giúp đỡ và hướng dẫn, nhưng đồng thời, được tự do phát triển các phương thức mới, đầy sáng tạo và táo bạo. Vì vậy, ở đây, tôi sẽ không cố gắng đề ra một loại thủ bản thừa tác vụ giới trẻ hoặc một hướng dẫn mục vụ thực tế. Tôi quan tâm nhiều hơn đến việc giúp người trẻ sử dụng sự hiểu biết thông sáng, tài khéo léo và kiến thức của họ để giải quyết các vấn đề và mối quan tâm của người trẻ khác bằng ngôn ngữ riêng của họ.

204. Giới trẻ khiến chúng ta nhìn thấy nhu cầu phải có phong cách mới và chiến lược mới. Ví dụ, trong khi người lớn thường lo lắng về việc mọi sự phải được lên kế hoạch thích đáng, với các cuộc họp thường xuyên và thời gian cố định, hầu hết người trẻ ngày nay ít quan tâm đến cách tiếp cận mục vụ này. Thừa tác vụ giới trẻ cần trở nên linh hoạt hơn: mời người trẻ tham gia các biến cố hoặc các dịp mang đến cơ hội không chỉ để học hỏi mà còn để trò chuyện, cử hành, ca hát, lắng nghe những câu chuyện có thật và trải nghiệm cuộc gặp gỡ chung với Thiên Chúa hằng sống.

205. Đồng thời, chúng ta nên xem xét nhiều hơn các thực hành đã chứng tỏ là có giá trị - các phương pháp, ngôn ngữ và mục đích đã chứng tỏ là thực sự hữu hiệu trong việc đưa những người trẻ đến với Chúa Kitô và Giáo hội. Không quan trọng họ phát xuất từ đâu hoặc họ đã nhận được nhãn hiệu nào, bất kể là người “bảo thủ”, hay người “tiến bộ”, người “truyền thống” hay người “cấp tiến”. Điều quan trọng là chúng ta tận dụng mọi điều từng đã sinh ra trái tốt và truyền đạt hữu hiệu niềm vui Tin Mừng.

206. Thừa tác vụ giới trẻ phải có tính đồng nghị; nó nên là “một cuộc hành trình với nhau” biết trân qúi “các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban phát phù hợp với ơn gọi và vai trò của mỗi thành viên trong Giáo hội, qua diễn trình đồng trách nhiệm. .. Được thúc đẩy bởi tinh thần này, chúng ta có thể tiến tới một Giáo hội có tính tham gia và đồng trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng đánh giá cao sự đa dạng phong phú của riêng mình, chấp nhận một cách biết ơn sự đóng góp của tín hữu giáo dân, bao gồm cả người trẻ và phụ nữ, các người thánh hiến, cũng như các nhóm, hiệp hội và phong trào. Không nên loại trừ ai và không ai nên tự loại trừ chính họ” [111].

207. Theo cách đó, nhờ việc học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể phản ánh tốt hơn thực tại đa diện tuyệt vời mà Chúa Kitô đã định cho Giáo Hội của Người. Giáo Hội sẽ có thể thu hút người trẻ, vì sự hiệp nhất của Giáo Hội không phải là độc khối (monolithic), mà đúng hơn, là một mạng lưới gồm các hồng phúc đa dạng mà Chúa Thánh Thần không ngừng tuôn đổ trên Giáo Hội, đổi mới Giáo Hội và giúp Giáo Hội thoát khỏi sự nghèo nàn.

208. Tại Thượng hội đồng, nhiều đề nghị cụ thể đã xuất hiện để đổi mới thừa tác vụ giới trẻ và giải phóng nó khỏi các phương pháp không còn hữu hiệu vì chúng không có khả năng bước vào cuộc đối thoại với nền văn hóa giới trẻ đương thời. Đương nhiên, tôi không thể liệt kê tất cả các đề nghị này ở đây. Một số đề nghị này có thể được tìm thấy trong Tài liệu Sau cùng của Thượng hội đồng.

Các diễn trình hành động chính

209. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng thừa tác vụ giới trẻ bao gồm hai diễn trình hành động chính. Một là với tay ra (outreach), cách chúng ta thu hút người trẻ mới cảm nghiệm được Chúa. Diễn trình kia là lớn lên, cách chúng ta giúp những người đã có kinh nghiệm đó rồi trưởng thành trong đó.

210. Về việc với tay ra, tôi tin tưởng rằng chính người trẻ biết cách tốt nhất trong việc tìm ra những cách hấp dẫn để đến với nhau. Họ biết cách tổ chức các biến cố, các cuộc thi đua thể thao và cách truyền giảng Tin Mừng bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, qua tin nhắn, bài hát, video và các cách khác. Họ chỉ cần được khuyến khích và dành cho tự do để được phấn khởi mà truyền giảng Tin Mừng cho các người trẻ khác bất cứ họ ở đâu. Khi sứ điệp được đem đến lần đầu, dù là trong một khóa tĩnh tâm của giới trẻ, một cuộc trò chuyện trong một quán bar, vào những kỳ nghỉ học, hoặc trong bất cứ cách mầu nhiệm nào của Thiên Chúa, nó có thể đánh thức kinh nghiệm sâu sắc về đức tin. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ có thể đủ táo bạo để gieo hạt giống của sứ điệp trên mảnh đất màu mỡ là trái tim của một người trẻ khác.

211. Trong việc với tay ra này, chúng ta cần sử dụng trước nhất các ngôn ngữ gần gũi, ngôn ngữ yêu thương quảng đại, có tính tương quan và hiện sinh có thể đánh động trái tim, tác động đến cuộc sống và đánh thức hy vọng và ước muốn. Người trẻ cần được tiếp cận bằng ngữ pháp tình yêu, chứ không phải bằng cách giảng giải. Ngôn ngữ mà những người trẻ hiểu được nói bởi những người tỏa sức sống, bởi những người hiện diện ở đó vì họ và với họ. Và những người, với mọi hạn chế và điểm yếu, vẫn cố gắng sống đức tin của họ một cách trọn vẹn. Chúng ta cũng phải dành suy nghĩ nhiều hơn để tìm ra các cách nhập thân sứ điệp sơ truyền (kerygma) vào ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay.

212. Đối với việc lớn lên, tôi xin đưa ra một điểm quan trọng. Ở một số nơi, người trẻ được giúp đỡ để có được một cảm nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu có thể đánh động trái tim của họ. Nhưng chỉ có điều phải theo dõi là một loạt các cuộc hội họp “huấn luyện” chủ yếu nói đến các vấn đề tín lý và luân lý, các tệ nạn của thế giới ngày nay, Giáo hội, học thuyết xã hội của Giáo hội, đức khiết tịnh, hôn nhân, kiểm soát sinh đẻ, v.v. Kết quả là, nhiều người trẻ buồn nản, mất đi ngọn lửa bùng của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và niềm vui được theo Người; nhiều người bỏ cuộc và nhiều người khác trở nên chán nản hoặc tiêu cực. Thay vì quá quan tâm đến việc truyền đạt rất nhiều học thuyết, trước tiên chúng ta hãy cố gắng đánh thức và củng cố các cảm nghiệm tuyệt vời có thể nâng đỡ đời sống Kitô hữu. Theo lời của Romano Guardini, “khi chúng ta cảm nghiệm một tình yêu vĩ đại... mọi sự khác sẽ trở thành một phần của nó” [112].

213. Bất cứ dự án giáo dục nào hoặc nẻo đường lớn mạnh nào đối với giới trẻ chắc chắn phải bao gồm việc huấn luyện về tín lý và luân lý Kitô giáo. Nhưng điều cũng quan trọng tương tự là nó có hai mục tiêu chính. Một là sự phát triển sứ điệp sơ truyền (kerygma), tức cảm nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Hai là sự tăng trưởng trong tình yêu huynh đệ, cuộc sống cộng đồng và phục vụ.

214. Đây là điều mà tôi đã nhấn mạnh trong Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), và tôi coi nó đáng để nhắc lại ở đây. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng trong thừa tác vụ giới trẻ, “sứ điệp sơ truyền nên nhường chỗ cho một việc huấn luyện được cho là 'vững chắc’ hơn. Không có gì vững chắc, sâu sắc, an toàn, có ý nghĩa và đầy khôn ngoan hơn việc công bố lúc ban đầu đó. Mọi việc huấn luyện Kitô giáo hệ ở việc đi vào sứ điệp sơ truyền sâu hơn” [113] và nhập thân nó mỗi ngày một đầy đủ hơn vào cuộc sống của chúng ta. Do đó, thừa tác vụ giới trẻ phải luôn luôn bao gồm các dịp để đổi mới và đào sâu cảm nghiệm bản thân của chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa và Chúa Kitô hằng sống. Nó có thể làm điều này nhiều cách khác nhau: chứng từ, bài hát, khoảnh khắc thờ lạy, thời gian suy niệm thiêng liêng về Kinh thánh và thậm chí cả việc sử dụng các mạng xã hội một cách thông minh. Tuy nhiên, không bao giờ nên thay thế cảm nghiệm vui mừng này về cuộc gặp gỡ với Chúa bằng một loại “nhồi sọ lý thuyết” (indoctrination).

215. Mặt khác, bất cứ chương trình nào của thừa tác vụ giới trẻ cũng cần kết hợp rõ ràng các phương tiện và nguồn lực đa dạng có thể giúp người trẻ lớn lên trong tình huynh đệ, sống như anh chị em, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cộng đồng, phục vụ người khác, gần gũi với người nghèo. Nếu tình yêu huynh đệ là “điều răn mới” (Ga 13:34), là “sự viên mãn của Lề Luật” (Rm 13:10) và là cách tốt nhất để biểu lộ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thì nó phải có một vị trí chính yếu trong mọi dự án huấn luyện giới trẻ và lớn mạnh của họ đến tuổi trưởng thành.

Các môi trường thích hợp

216. Chúng ta cần làm cho tất cả các định chế của chúng ta được trang bị tốt hơn để chào đón nhiều hơn đối với những người trẻ tuổi, vì rất nhiều người trong số họ có cảm giác thực sự là trẻ mồ côi. Ở đây tôi không đề cập đến các vấn đề gia đình mà là một điều gì đó được các thiếu niên nam nữ, người trẻ và người lớn, cả cha mẹ lẫn con cái, cảm nghiệm. Đối với mọi trẻ mồ côi này - bao gồm cả chính chúng ta - các cộng đồng như giáo xứ hoặc trường học nên cung cấp các khả thể để cảm nghiệm sự cởi mở và tình yêu, sự khẳng định và tăng trưởng. Nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy họ phải thừa hưởng các giấc mơ thất bại của cha mẹ và ông bà của họ, những giấc mơ bị phản bội bởi sự bất công, bạo lực xã hội, lòng ích kỷ và thiếu quan tâm đến người khác. Tóm một lời, họ cảm thấy bị bứng rễ. Nếu người trẻ lớn lên trong một thế giới tro tàn, họ sẽ khó có thể giữ được ngọn lửa của những giấc mơ và dự án lớn. Nếu họ lớn lên trong một sa mạc không còn ý nghĩa, họ sẽ phát triển ước muốn cống hiến cuộc đời mình để gieo hạt giống ở đâu? Cảm nghiệm đứt đoạn, bứng gốc và sự sụp đổ các xác tín căn bản, được nền văn hóa truyền thông ngày nay thúc đẩy, đang tạo ra một cảm thức mồ côi sâu sắc mà chúng ta phải đáp ứng bằng cách tạo ra một môi trường huynh đệ lôi cuốn nơi người khác có thể sống với một cảm thức về mục đích.

217. Nói tóm lại, tạo ra một “mái nhà” là tạo ra một “gia đình”. Đây là việc học cách cảm thấy mình được kết nối với những người khác hơn là những mối liên hệ thực dụng và thực tiễn, được hợp nhất theo cách chúng ta cảm thấy cuộc sống của mình có tính nhân bản hơn một chút. Tạo ra một mái nhà là để cho lời tiên tri mặc lấy xương thịt và làm cho năm tháng ngày giờ của chúng ta bớt lạnh lẽo, bớt thờ ơ và vô danh. Đó là tạo ra các dây nối kết bằng những hành động đơn giản, hàng ngày mà tất cả chúng ta đều có thể thực hiện. Như chúng ta biết, mái nhà đòi hỏi mọi người phải làm việc với nhau. Không ai có thể thờ ơ hay đứng cách xa nhau, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây dựng mái nhà. Điều này cũng bao hàm việc cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết học cách kiên nhẫn, tha thứ cho nhau, bắt đầu lại mỗi ngày. Tôi nên tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần? Bảy mươi lần bảy, bất kể bao nhiêu lần nếu cần thiết. Việc tạo ra các mối dây liên kết mạnh mẽ đòi hỏi sự tự tin và tín thác được nuôi dưỡng hàng ngày bằng sự kiên nhẫn và tha thứ. Và đó là cách phép lạ diễn ra: chúng ta cảm thấy ở đây chúng ta được tái sinh, ở đây tất cả chúng ta được tái sinh, vì chúng ta cảm thấy sự âu yếm của Thiên Chúa giúp chúng ta có khả năng mơ về một thế giới nhân bản hơn, và do đó một thế giới thiên bản hơn [114].

218. Dọc theo những đường hướng này, các định chế của chúng ta nên cung cấp cho người trẻ các nơi họ có thể biến thành của riêng, nơi họ có thể đến và đi tự do, cảm thấy được chào đón và sẵn sàng gặp gỡ những người trẻ khác, bất kể lúc khó khăn và thất vọng, hay hân hoan và cử hành. Một số điều này đã xảy ra ở các nguyện đường và các trung tâm thanh thiếu niên khác, mà trong nhiều trường hợp vốn cung ứng một khung cảnh thân thiện và thoải mái, nơi các tình bạn có thể phát triển, nơi các người trẻ nam nữ có thể gặp nhau, nơi họ có thể chia sẻ âm nhạc, trò chơi, thể thao, và cả suy niệm và cầu nguyện nữa. Ở những nơi như vậy, nhiều điều có thể được cung ứng, mà không phải chi phí lớn. Cũng vậy, việc tiếp xúc không thể thiếu giữa người với người để truyền đạt sứ điệp có thể diễn ra, một điều mà vị trí của nó không thể do bất cứ tài nguyên hoặc chiến lược mục vụ nào có thể thực hiện được.

219. “Tình bạn và việc thảo luận, thường có mặt trong các nhóm ít nhiều được cơ cấu hóa, cung ứng cơ hội để củng cố các kỹ năng xã hội và tương quan trong một bối cảnh nơi người ta không bị phân tích cũng không bị phê phán. Kinh nghiệm nhóm cũng tạo nên một tài nguyên tuyệt vời để chia sẻ đức tin và giúp đỡ lẫn nhau trong việc làm chứng. Người trẻ có khả năng hướng dẫn người trẻ khác và thực thi một việc làm tông đồ chân thực giữa các bạn bè của họ” [115].

220. Điều này không có nghĩa là họ nên trở nên cô lập và mất mọi liên lạc với các cộng đồng giáo xứ, các phong trào và các tổ chức giáo hội khác. Nhưng họ sẽ được hòa nhập tốt hơn vào các cộng đồng cởi mở, sống đức tin, mong muốn rạng rỡ Chúa Kitô, vui vẻ, tự do, huynh đệ và tận tâm. Các cộng đồng này có thể là các khung cảnh nơi họ cảm thấy có thể vun sới các mối quan hệ quý giá.

Thừa tác vụ tuổi trẻ trong các định chế giáo dục

221. Trường học chắc chắn là một diễn đàn thu hút trẻ em và người trẻ. Chính vì chúng là những nơi đặc phúc để phát triển bản thân như vậy, nên cộng đồng Kitô hữu luôn quan tâm đến việc đào tạo các giáo viên và các quản trị viên, và thiết lập các trường học của riêng mình với nhiều loại và trình độ khác nhau. Trong lĩnh vực giáo dục giới trẻ này, Chúa Thánh Thần đã làm xuất hiện vô số đặc sủng và gương sáng thánh thiện. Tuy nhiên, các trường học đang rất cần việc tự phê, nếu chúng ta xem xét các kết quả của việc nối vòng tay lớn mục vụ của họ, một việc, trong nhiều trường hợp, tập trung vào một loại giáo dục tôn giáo chứng tỏ thường không có khả năng nuôi dưỡng các cảm nghiệm đức tin lâu dài. Một số trường Công Giáo dường như chỉ được cấu trúc vì mục đích tự bảo tồn. Việc sợ thay đổi khiến họ cố thủ và phòng ngự trước các nguy hiểm, có thật hay tưởng tượng, mà bất cứ thay đổi nào cũng có thể mang lại. Trường học nào trở thành “một pháo đài” (bunker), bảo vệ các học sinh của mình khỏi những lỗi lầm “từ bên ngoài”, quả là một bức tranh biếm họa của xu hướng này. Thế nhưng, hình ảnh này phản ánh, một cách ớn lạnh, điều nhiều người trẻ kinh qua khi họ tốt nghiệp từ một số định chế giáo dục nào đó: mất sự kết nối không thể vượt qua giữa những gì họ được dạy và thế giới mà họ đang sống. Cách họ được dạy dỗ về các giá trị tôn giáo và luân lý đã không chuẩn bị để họ đề cao các giá trị đó trong một thế giới đưa chúng ra chế giễu, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin có thể dễ dàng được nâng đỡ giữa nhịp độ chóng mặt của xã hội hôm nay. Vì một trong những niềm vui lớn nhất mà bất cứ nhà giáo dục nào cũng có thể có là nhìn thấy một học sinh biến thành một người mạnh mẽ, hòa nhập trọn vẹn, một nhà lãnh đạo và một con người sẵn sàng cho đi.

222. Các trường Công Giáo vẫn là nơi thiết yếu cho việc truyền giảng Tin Mừng cho giới trẻ. Cần phải lưu ý một số nguyên tắc hướng dẫn được quy định trong Veritatis Gaudium (Niềm Vui Sự Thật) cho việc đổi mới và hồi sinh việc nối vòng tay lớn truyền giáo của các trường học và đại học. Chúng bao gồm một trải nghiệm mới mẻ về sứ điệp sơ truyền (kerygma), đối thoại rộng rãi, các cách tiếp cận liên ngành và đa ngành (inter and cross disciplinary), cổ vũ nền văn hóa gặp gỡ, khẩn trương tạo ra các mạng lưới và một phương thức có lợi cho những người nhỏ bé nhất, những người mà xã hội loại bỏ [116]. Quan trọng tương tự là khả năng tích hợp kiến thức của đầu, tim và tay chân.

223. Mặt khác, chúng ta không thể tách biệt việc đào luyện thiêng liêng khỏi việc đào luyện văn hóa. Giáo hội luôn cố gắng khai triển các cách cung cấp cho giới trẻ một nền giáo dục tốt nhất có thể. Lúc này, Giáo hội cũng không nên dừng lại, vì người trẻ có quyền đòi hỏi việc này. “Ngày nay, trên hết, quyền có một nền giáo dục tốt có nghĩa phải bảo vệ đức khôn ngoan, nghĩa là, kiến thức phải mang tính nhân bản và nhân bản hóa. Chúng ta quá thường xuyên bị qui định bởi các mô hình tầm thường và phù du về cuộc sống khiến chúng ta theo đuổi thành công với giá rẻ, hạ giá hy sinh làm mất uy tín và nhồi nhét ý tưởng cho rằng giáo dục là điều không cần thiết trừ khi nó cung cấp kết quả cụ thể ngay lập tức. Không, giáo dục làm chúng ta nêu ra các câu hỏi, giữ cho chúng ta khỏi bị gây mê bởi sự tầm thường và thúc đẩy chúng ta theo đuổi ý nghĩa trong cuộc sống. Chúng ta cần đòi lại quyền không bị lạc lối bởi những mỹ nhân ngư hiện đang làm chúng ta phân tâm trong cuộc theo đuổi này. Ulysses, để không đầu hàng trước bài hát mỹ nhân ngư đã làm say mê các thủy thủ của ông và khiến tầu của họ đâm vào đá, đã cột mình vào cột buồm của tàu và yêu cầu bạn đồng hành bịt tai. Orpheus, mặt khác, đã làm một điều khác để phản công bài hát mỹ nhân ngư: ông đã hát một giai điệu thậm chí còn hay hơn thế, làm mê mệt cả các mỹ nhân ngư. Do đó, đây là thách thức lớn của các bạn: đáp ứng các điệp khúc làm tê liệt của chủ nghĩa tiêu thụ văn hóa bằng các quyết định có suy nghĩ và vững chắc, với nghiên cứu, kiến thức và chia sẻ” [117].

Các phạm vi cần được khai triển

224. Nhiều người trẻ đã tiến đến chỗ biết đánh giá cao sự im lặng và gần gũi với Thiên Chúa. Các nhóm tụ tập để tôn thờ Thánh Thể hoặc cầu nguyện bằng lời Chúa cũng đã gia tăng. Chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng của người trẻ trong việc họ cởi mở đối với lời cầu nguyện chiêm niệm. Chúng ta chỉ cần tìm ra các cách thức và phương tiện thích hợp để giúp họ bắt tay vào cảm nghiệm quý giá này. Khi nói đến việc thờ phượng và cầu nguyện, “trong nhiều khung cảnh, người Công Giáo trẻ đang yêu cầu có những cơ hội cầu nguyện và cử hành bí tích có khả năng nói với cuộc sống hàng ngày của họ qua một phụng vụ tươi mới, chân thực và hân hoan” [118]. Điều quan trọng là tận dụng tối đa những khoảnh khắc vĩ đại của năm phụng vụ, nhất là Tuần Thánh, Lễ Ngũ Tuần và Giáng Sinh. Nhưng các dịp lễ hội khác có thể cung cấp một gián đoạn đáng hoan nghinh trong thói quen của họ và giúp họ cảm nghiệm niềm vui đức tin.

225. Nghi thức Kitô giáo tượng trưng cho một cơ hội độc đáo để lớn lên và cởi mở đối với các hồng ân đức tin và đức ái của Thiên Chúa. Nhiều người trẻ bị thu hút bởi khả thể giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em và người nghèo. Nghi thức này thường là bước đầu tiên để khám phá hoặc tái khám phá cuộc sống trong Chúa Kitô và Giáo hội. Nhiều người trẻ trở nên mệt mỏi đối với các chương trình đào tạo tín lý và thiêng liêng của chúng ta, và đôi khi đòi có cơ hội tham gia tích cực vào các hoạt động có lợi cho người khác.

226. Chúng ta cũng không thể bỏ qua tầm quan trọng của nghệ thuật, như thoại kịch, hội họa và những thứ khác. “Âm nhạc đặc biệt quan trọng, nói lên một môi trường đích thực, trong đó giới trẻ không ngừng đắm mình vào, cũng như một nền văn hóa và ngôn ngữ có khả năng khơi dậy cảm xúc và định hình bản sắc. Ngôn ngữ âm nhạc cũng đại diện cho một nguồn tài nguyên mục vụ có liên quan đặc biệt đến phụng vụ và việc đổi mới nó” [119]. Ca hát có thể là một động lực tuyệt vời cho người trẻ khi họ lữ hành qua cuộc sống. Như Thánh Augustinô đã nói: “Hãy ca hát, nhưng hãy tiếp tục cuộc hành trình của các bạn. Đừng trở nên lười biếng, nhưng hãy ca hát để làm con đường trở nên thú vị hơn. Hãy ca hát, nhưng hãy tiếp tục bước đi... Nếu tiến bộ, bạn sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình, nhưng hãy chắc mẩm rằng sự tiến bộ của bạn là tiến bộ trong nhân đức, trong đức tin thực sự và trong việc sống đúng đắn. Do đó, hãy ca hát, nhưng hãy tiếp tục bước đi” [120].

227. Cũng có ý nghĩa không kém là việc người trẻ nhấn mạnh đến thể thao; Giáo hội không nên đánh giá thấp tiềm năng của thể thao đối với giáo dục và đào tạo, nhưng thay vào đó, duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ ở đó. Thế giới thể thao cần được giúp đỡ để khắc phục một số khía cạnh có vấn đề của nó, chẳng hạn như thần tượng hóa các nhà vô địch, tùng phục lợi ích thương mại và ý thức hệ thành công với bất cứ gía nào” [121]. Trọng tâm của trải nghiệm thể thao là “niềm vui: niềm vui của việc luyện tập, được ở bên nhau, được sống động và hân hoan trong những hồng phúc mà Tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta mỗi ngày” [122]. Một số Giáo phụ đã sử dụng điển hình đào tạo các lực sĩ để khuyến khích người trẻ phát triển sức mạnh của họ và vượt qua sự biếng nhác và buồn chán. Thánh Basilêô Cả, khi viết cho những người trẻ tuổi, đã sử dụng cố gắng đòi hỏi nơi các lực sĩ để minh họa giá trị của sự hy sinh bản thân như một phương tiện tăng trưởng trong nhân đức: “những người này chịu đau khổ không kể xiết, họ sử dụng nhiều phương tiện để bồi đắp sức mạnh của họ. Họ đổ mồ hôi liên tục lúc họ luyện tập. .. tóm một lời, họ tự kỷ luật bản thân họ đến mức cả cuộc sống trước khi thi đấu là một sự chuẩn bị cho nó. .. Như thế, làm thế nào chúng ta, những người đã được hứa những phần thưởng kỳ diệu về số lượng và sự huy hoàng đến nỗi không miệng lưỡi nào có thể đếm được, có thể ngay cả nghĩ đến việc thắng được chúng nếu chúng ta không làm gì khác hơn là chỉ biết dành cuộc sống của mình để giải trí và thực hiện những nỗ lực nửa vời?” [123].

228. Thiên nhiên có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều thiếu niên và người trẻ biết nhận ra nhu cầu phải chăm sóc môi trường. Đó là trường hợp các phong trào hướng đạo và các nhóm khác nhằm khuyến khích sự gần gũi với thiên nhiên, các chuyến đi cắm trại, đi bộ đường dài, thám hiểm và các chiến dịch cải thiện môi trường. Theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, những kinh nghiệm này có thể là một khai tâm thực sự để bước vào trường huấn luyện tình huynh đệ phổ quát và cầu nguyện chiêm niệm.

229. Những kinh nghiệm trên và nhiều cơ hội đa dạng khác để truyền giảng Tin Mừng cho giới trẻ không nên khiến chúng ta quên rằng, bất chấp thời kỳ đang thay đổi và các nhạy cảm của người trẻ, vẫn có những hồng phúc của Thiên Chúa không bao giờ già cỗi, vì chúng chứa một sức mạnh vượt mọi thời gian và không gian. Có lời Chúa, luôn sống động và hữu hiệu, sự hiện diện nuôi dưỡng của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, và bí tích Hòa giải, mang lại cho chúng ta tự do và sức mạnh. Chúng ta cũng có thể nhắc đến sự giàu có thiêng liêng vô tận được Giáo hội bảo tồn trong chứng tá của các vị thánh của mình và sự dạy dỗ của các bậc thầy thiêng liêng vĩ đại. Mặc dù chúng ta phải kính trọng các giai đoạn tăng trưởng khác nhau và đôi khi cần kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thích hợp, chúng ta vẫn không thể không mời người trẻ uống từ những giếng khơi sự sống mới này. Chúng ta không có quyền tước đoạt điều tốt đẹp vĩ đại này của họ.

Một thừa tác vụ tuổi trẻ “bình dân”

230. Ngoài thừa tác mục vụ thông thường, được lên kế hoạch đàng hoàng mà các giáo xứ và phong trào vốn thực hiện, điều cũng quan trọng là phải dành chỗ cho một thừa tác vụ giới trẻ “bình dân”, với một phong cách, lịch trình, nhịp độ và phương pháp khác. Bao quát hơn và linh hoạt hơn, nó đi tới những nơi ở đấy, người trẻ thực sự tích cực, và cổ vũ các phẩm tính lãnh đạo tự nhiên và các đặc sủng được Chúa Thánh Thần gieo vãi. Nó cố gắng tránh việc áp đặt các trở ngại, các quy tắc, các kiểm soát và các cơ cấu bắt buộc lên những tín hữu trẻ tuổi này, vốn là những người lãnh đạo tự nhiên trong các khu phố của họ và trong các khung cảnh khác. Chúng ta chỉ cần đồng hành và khích lệ họ, tin tưởng hơn một chút vào thiên tài của Chúa Thánh Thần, Đấng hành động tùy ý Người.

231. Chúng ta đang nói tới các nhà lãnh đạo thực sự “bình dân”, chứ không phải những người ưu tú hay những người tự đóng kín vào các nhóm nhỏ gồm các cá nhân được chọn lọc. Để có thể phát sinh ra một thừa tác vụ “bình dân” cho tuổi trẻ, “họ cần học cách lắng nghe cảm thức của người ta, để trở thành người phát ngôn của họ và làm việc cho việc cổ vũ họ” [124]. Khi nói về “người ta”, chúng ta không nói về các cơ cấu của xã hội hay Giáo hội, nhưng nói về tất cả những ai trên đường lữ hành, không phải như các cá nhân, mà như một cộng đồng gắn bó chặt chẽ với mọi người, một cộng đồng bác bỏ việc bỏ rơi người nghèo và những người dễ bị tổn thương. “Những người muốn mọi người chia sẻ lợi ích chung và do đó đồng ý đồng nhịp với các thành viên nhỏ bé nhất của nó, để mọi người có thể đạt đến ích chung cùng với nhau” [125]. Do đó, các nhà lãnh đạo “bình dân” là những người có khả năng làm mọi người, kể cả người nghèo, người yếu thế, người yếu đuối và người bị thương tổn, trở nên một thành phần của cuộc diễn hành tiến về phía trước của tuổi trẻ. Họ không trốn tránh hoặc sợ những người trẻ từng kinh qua tổn thương hoặc chịu đựng sức nặng của thập giá.

232. Tương tự như thế, nhất là trong trường hợp người trẻ không phát xuất từ các gia đình hoặc các định chế Kitô giáo, và đang trưởng thành một cách chậm chạp, chúng ta phải khuyến khích mọi điều tốt theo khả năng của chúng ta [126]. Chúa Kitô đã cảnh cáo chúng ta đừng chỉ thấy các hạt lúa tốt mà thôi (x. Mt 13: 24-30). Đôi khi, trong nỗ lực phát triển một thừa tác vụ giới trẻ thuần túy và hoàn hảo, được đánh dấu bằng những ý tưởng trừu tượng, được che chở khỏi thế giới và không có sai sót nào, chúng ta có thể biến Tin Mừng thành một đề nghị buồn tẻ, vô nghĩa và không lôi cuốn. Một thừa tác vụ giới trẻ như vậy kết cục đã bị hoàn toàn loại khỏi thế giới của người trẻ và chỉ phù hợp với một tuổi trẻ Kitô giáo ưu tú, tự coi mình là khác biệt, trong khi sống trong một sự cô lập trống rỗng và không sinh hoa trái. Khi loại trừ cỏ dại, chúng ta cũng nhổ rễ hoặc bóp nghẹt bất cứ số chồi nào đang cố gắng mọc lên bất chấp các hạn chế của chúng.

233. Thay vì “áp đảo người trẻ bằng một bộ quy tắc khiến Kitô giáo có hình dáng thu gọn và dạy đời (moralistic), chúng ta được kêu gọi đầu tư vào tính không biết sợ của họ và đào tạo họ nhận trách nhiệm của họ, trong khi biết chắc rằng lỗi lầm, thất bại và khủng hoảng là những kinh nghiệm có thể củng cố nhân tính của họ” [127].

234. Thượng hội đồng kêu gọi việc khai triển một Thừa tác vụ tuổi trẻ có khả năng bao gồm, dành chỗ cho mọi loại người trẻ, để chứng tỏ rằng chúng ta là một Giáo hội mở rộng cửa. Người ta cũng không phải chấp nhận đầy đủ mọi tín lý của Giáo hội mới có thể tham gia vào một số hoạt động của chúng ta dành cho người trẻ tuổi. Chỉ cần có một tâm trí cởi mở đối với tất cả những ai có mong muốn và sẵn lòng được sự thật mặc khải của Thiên Chúa gặp gỡ. Một số hoạt động mục vụ của chúng ta có thể giả thiết rằng một hành trình đức tin đã bắt đầu, nhưng chúng ta cần một thừa tác vụ giới trẻ “bình dân” có thể mở các cánh cửa và dành chỗ cho mọi người, với các nghi ngờ và thất vọng của họ, các vấn đề và nỗ lực tìm ra chính họ, các lầm lẫn trong quá khứ, các kinh nghiệm tội lỗi và mọi khó khăn của họ.

235. Cũng nên dành chỗ cho “Tất cả những người có viễn kiến khác về cuộc sống, những người thuộc các tôn giáo khác hoặc những người hoàn toàn xa cách với tôn giáo. Tất cả những người trẻ tuổi, không trừ ai, đều ở trong trái tim Thiên Chúa, và do đó, trong trái tim của Giáo hội. Chúng ta thẳng thắn thừa nhận rằng câu tuyên bố trên môi miệng chúng ta này không phải lúc nào cũng tìm thấy biểu thức chân thực trong các hành động mục vụ của chúng ta: chúng ta thường khép kín trong các môi trường của chúng ta, nơi giọng nói của họ không nghe thủng, hoặc nếu không, chúng ta cũng chỉ lưu tâm tới các hoạt động ít đòi hỏi và nhiều thích thú hơn, loại bỏ sự bồn chồn mục vụ lành mạnh vốn thôi thúc chúng ta ra khỏi điều được coi là nơi an toàn của chúng ta. Tin Mừng cũng yêu cầu chúng ta phải táo bạo, và chúng ta muốn được như vậy, không cao ngạo và không tìm cách cải đạo, làm chứng cho tình yêu của Chúa và dang rộng đôi tay với mọi người trẻ trên thế giới” [128].

236. Thừa tác vụ tuổi trẻ, khi không còn duy ưu tú và sẵn lòng trở thành “bình dân” là một diễn trình tiệm tiến, tôn trọng, kiên nhẫn, hy vọng, không mệt mỏi và đầy cảm thương. Thượng hội đồng đề nghị lấy điển hình của các môn đệ Emmau (x. Lc 24: 13-35) làm một mô hình cho những gì diễn ra trong thừa tác vụ giới trẻ.

237. “Chúa Giêsu bước đi với hai môn đệ chưa nắm được ý nghĩa của mọi điều đã xảy ra với Người và họ đang rời khỏi Giêrusalem và cộng đồng của họ. Muốn đồng hành với họ, Người đã cùng sánh bước với họ. Người hỏi han họ và kiên nhẫn lắng nghe lối tường thuật các biến cố của họ, và bằng cách này, giúp họ nhận ra điều họ đã cảm nghiệm. Rồi, một cách trìu mến và tràn đầy năng lực, Người công bố Lời Chúa cho họ, bằng cách dẫn dắt họ giải thích các biến cố họ đã trải nghiệm dưới ánh sáng Sách Thánh. Người chấp nhận lời mời ở lại với họ khi màn đêm buông xuống: Người bước vào đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, trái tim họ ấm lên và tâm trí họ mở ra; rồi họ nhận ra Người lúc bẻ bánh. Chính họ chọn việc tiếp nối cuộc hành trình ngay lập tức theo hướng ngược lại, trở về với cộng đồng và chia sẻ với họ cảm nghiệm về cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh của mình” [129].

238. Những biểu hiện khác nhau của lòng đạo bình dân, đặc biệt là những cuộc hành hương, đang thu hút những người trẻ chưa sẵn sàng cảm thấy như ở nhà đối với các cơ cấu giáo hội và đại diện cho một dấu hiệu cụ thể của niềm tín thác vào Thiên Chúa. Những cách tìm kiếm Thiên Chúa này được nhìn thấy đặc biệt nơi những người trẻ nghèo, nhưng cũng ở nơi những người trẻ trong các lĩnh vực khác của xã hội. Không nên xem thường họ, nhưng nên khuyến khích và cổ vũ họ. Lòng đạo bình dân “là một cách sống đức tin hợp pháp” [130] và là một biểu thức của hoạt động truyền giáo tự phát của dân Chúa” [131].

Luôn luôn là những nhà truyền giáo

239. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng không mất nhiều công sức lắm để biến người trẻ trở thành nhà truyền giáo. Ngay cả những người yếu ớt, hạn chế và gặp rắc rối nhất cũng có thể là những nhà truyền giáo theo cách riêng của họ, vì sự tốt lành luôn có thể được chia sẻ, ngay cả lúc nó hiện hữu bên cạnh nhiều hạn chế. Một người trẻ đi hành hương để cầu xin Đức Mẹ giúp đỡ và mời một người bạn hoặc một người đồng hành cùng đi, do cử chỉ duy nhất này mà thôi, cũng đã là một nhà truyền giáo tốt rồi. Không thể tách biệt khỏi thừa tác vụ giới trẻ “bình dân” là hoạt động truyền giáo không thể kìm hãm được, đó là sự phá vỡ các mô hình và cách suy nghĩ theo thói quen của chúng ta. Chúng ta hãy đồng hành và khuyến khích hoạt động này, nhưng đừng có cao ngạo muốn qui định nó một cách quá đáng.

240. Nếu chúng ta có thể nghe được điều Chúa Thánh Thần đang nói với chúng ta, chúng ta phải nhận ra rằng thừa tác vụ giới trẻ luôn có tính truyền giáo. Người trẻ được làm giàu rất nhiều khi họ vượt qua sự dè dặt và dám đến thăm viếng các mái nhà, và bằng cách này, tiếp xúc với cuộc sống người ta. Họ học cách nhìn xa hơn gia đình và nhóm bạn của họ, và họ có được một viễn kiến rộng hơn về cuộc sống. Đồng thời, đức tin và cảm thức được là một phần của Giáo hội ngày càng lớn mạnh hơn. Các sứ mệnh của tuổi trẻ, những sứ mệnh thường diễn ra trong các kỳ nghỉ học sau một thời gian chuẩn bị, có thể dẫn đến một cảm nghiệm đức tin đổi mới và thậm chí các suy nghĩ nghiêm túc về ơn gọi.

241. Người trẻ có thể tìm thấy các lĩnh vực mới đảm nhiệm sứ mệnh trong các khung cảnh đa dạng nhất. Ví dụ, vì vốn quen thuộc với các mạng xã hội, nên họ được khuyến khích làm chúng tràn đầy Chúa, tình huynh đệ và sự dấn thân.

Việc đồng hành của người trưởng thành

242. Người trẻ cần tự do của họ được tôn trọng, nhưng họ cũng cần được đồng hành. Gia đình nên là nơi đầu tiên của việc đồng hành. Thừa tác vụ giới trẻ có thể trình bày lý tưởng sống trong Chúa Kitô như diễn trình xây dựng một ngôi nhà trên đá (x. Mt 7: 24-25). Đối với hầu hết những người trẻ tuổi, ngôi nhà đó, tức cuộc sống của họ, sẽ được xây dựng dựa trên hôn nhân và tình yêu vợ chồng. Đó là lý do tại sao thừa tác vụ giới trẻ và việc chăm sóc mục vụ các gia đình nên được phối hợp và tích hợp, với mục đích đảm bảo việc đồng hành liên tục và thích đáng trong diễn trình ơn gọi.

243. Cộng đồng có một vai trò quan trọng trong việc đồng hành với người trẻ; cộng đồng nên cảm thấy có trách nhiệm tập thể trong việc chấp nhận, cổ động, khuyến khích và thách thức họ. Mọi người nên nhìn người trẻ một cách hiểu biết, đánh giá cao và âu yếm, và không ngừng tránh phán xét họ hoặc đòi hỏi nơi họ một sự hoàn hảo vượt quá tuổi đời của họ.

244. Tại Thượng hội đồng, “nhiều vị nêu lên việc thiếu các chuyên gia chuyên việc đồng hành. Việc tin vào giá trị thần học và mục vụ của lắng nghe ngụ ý phải nghĩ lại và đổi mới các cách thức qua đó, thừa tác vụ linh mục thường được thi hành, cũng như phải duyệt lại các ưu tiên của nó. Thượng hội đồng cũng nhận ra sự cần thiết phải huấn luyện các người thánh hiến và các giáo dân, cả đàn ông lẫn đàn bà, để họ đồng hành với người trẻ. Đặc sủng lắng nghe, mà Chúa Thánh Thần kêu gọi trong các cộng đồng, cũng có thể nhận được một hình thức công nhận có tính định chế như một hình thức phục vụ giáo hội” [132].

245. Cũng cần phải đặc biệt đồng hành với người trẻ nam nữ chứng tỏ có tiềm năng lãnh đạo, để họ có thể được đào tạo và có đủ các tư cách cần thiết. Người trẻ gặp nhau trước Thượng hội đồng đã lên tiếng kêu gọi phải có các chương trình đào tạo và tiếp tục phát triển cho các nhà lãnh đạo trẻ. Một số phụ nữ trẻ cảm thấy thiếu các hình mẫu phụ nữ đóng vai trò lãnh đạo trong Giáo hội và họ cũng muốn hiến tặng các tài năng trí tuệ và chuyên nghiệp cho Giáo hội. Chúng ta cũng tin rằng các chủng sinh và tu sĩ nên có khả năng ngày một lớn hơn để đồng hành với các nhà lãnh đạo trẻ tuổi” [133].

246. Cũng những người trẻ trên đã mô tả cho chúng ta các đức tính mà họ hy vọng tìm thấy nơi một nhà dìu dắt (mentor), và họ phát biểu điều này một cách khá rõ ràng. “Những đức tính của một nhà dìu dắt như vậy bao gồm: là một Kitô hữu trung thành dấn thân với Giáo hội và thế giới; một người không ngừng tìm kiếm sự thánh thiện; một người bạn tâm tình mà không phán xét. Tương tự như vậy, một người tích cực lắng nghe nhu cầu của người trẻ và đáp ứng chúng một cách tích cực; một người yêu thương sâu sắc và tự giác; một người thừa nhận các giới hạn của mình và biết các niềm vui và nỗi buồn của cuộc hành trình thiêng liêng. Một đức tính đặc biệt quan trọng nơi những nhà dìu dắt là việc thừa nhận nhân tính của chính họ - tức sự kiện họ là những con người mắc lầm lỗi: không phải là người hoàn hảo nhưng là tội nhân được tha thứ. Đôi khi những nhà dìu dắt được đặt lên bệ cao, và khi họ ngã, thì điều này quả gây tác động tàn hại đối với khả năng người trẻ trong việc tiếp tục dấn thân với Giáo hội. Các nhà dìu dắt không nên dẫn dắt người trẻ như những người theo mình một cách thụ động, mà đi bên cạnh họ, cho phép họ trở thành những người tham gia tích cực vào cuộc hành trình. Họ nên tôn trọng sự tự do vốn xuất hiện trong diễn trình biện phân của người trẻ và trang bị cho họ các công cụ để làm tốt điều đó. Một nhà dìu dắt nên hết lòng tin tưởng vào khả năng người trẻ có thể tham gia vào đời sống Giáo hội. Do đó, một nhà dìu dắt nên nuôi dưỡng hạt giống đức tin nơi những người trẻ, mà không mong đợi được thấy ngay những thành quả của công trình Chúa Thánh Thần. Vai trò này không phải và không thể giới hạn vào các linh mục và đời sống thánh hiến, nhưng tín hữu giáo dân cũng nên được trao quyền để đảm nhận một vai trò như vậy. Tất cả những nhà dìu dắt như vậy sẽ được hưởng ơn ích từ việc được đào tạo tốt, và tham gia vào việc đào tạo liên tục” [134].

247. Các định chế giáo dục của Giáo Hội chắc chắn là một khung cảnh cộng đoàn cho việc đồng hành; họ có thể cung cấp sự hướng dẫn cho nhiều người trẻ, đặc biệt khi họ “tìm cách chào đón tất cả những người trẻ tuổi, bất kể các lựa chọn tôn giáo, nguồn gốc văn hóa và các tình huống cá nhân, gia đình hoặc xã hội. Bằng cách này, Giáo hội thực hiện một đóng góp căn bản vào việc giáo dục toàn diện giới trẻ ở nhiều nơi trên thế giới. [135] Họ sẽ hạn chế vai trò này một cách không thích đáng khi họ đưa ra các tiêu chuẩn cứng ngắc để sinh viên gia nhập và ở lại với họ, vì họ sẽ tước của nhiều người trẻ một việc đồng hành có thể giúp làm phong phú cuộc sống của họ.

Còn tiếp
 
Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn hoàn thành dự thảo tông hiến mới
Đặng Tự Do
16:41 10/04/2019
Một bản dự thảo tông hiến nhằm cải cách Giáo triều Rôma sẽ sớm được gửi tới các nhà lãnh đạo các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, các dòng tu, và cả một số trường đại học giáo hoàng trên thế giới để xin thêm ý kiến và đề nghị.

Dự thảo, đã được phê chuẩn bởi Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ phải trải qua “bước tư vấn” này, trước khi được sửa đổi một lần nữa và sau đó được trao cho Đức Thánh Cha xem xét, ông Alessandro Gisotti, giám đốc lâm thời Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói với các phóng viên hôm thứ Tư 10 tháng Tư.

Tông Hiến được đề nghị, có tên tạm thời là “Praedicate Evangelium” (Rao giảng Tin Mừng) cũng sẽ được gửi đến các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đông phương, các bộ và các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và Hội Đồng Các Bề Trên Thượng Cấp của các dòng tu nam nữ.

Các vị sẽ được yêu cầu gửi các góp ý và đề nghị tới Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn để những thay đổi hoặc bổ sung có thể được thực hiện và một bản dự thảo cuối cùng sẽ được trao cho Đức Thánh Cha vào cuối năm 2019, ông Gisotti nói.

Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn, bao gồm các vị Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha trong việc cải cách Giáo triều Rôma và cai quản Giáo Hội nói chung, đã họp tại Vatican từ 8 đến 10 tháng Tư.

Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn hiện có sáu thành viên là các vị Hồng Y Pietro Parolin, 64 tuổi, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Sean O’Malley của Boston, 74; Oscar Rodriguez Maradiaga của Tegucigalpa, Honduras, 76; Oswald Gracias của Mumbai, Ấn Độ, 74; Reinhard Marx của Munich và Freising, Đức, 65; và Giuseppe Bertello, 76 tuổi, thống đốc quốc gia thành Vatican. Cùng tham dự trong phiên họp còn có các Đức Cha Marcello Semeraro, Giám Mục Albano, tổng thư ký Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn và Đức Cha Marco Mellino, Giám Mục Cresima, Đồng tổng thư ký Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn.

Ông Gisotti cho biết các thành viên đã thảo luận về một số chủ đề bao gồm: làm thế nào tông hiến mới có thể giúp Giáo triều Rôma mang bản chất truyền giáo và nhìn xa hơn; sự cần thiết phải tăng cường tính đồng nghị ở tất cả các cấp trong Giáo Hội; nhu cầu có nhiều phụ nữ hơn trong các vị trí quản lý hoặc lãnh đạo trong Tòa thánh; và sau khi tông hiến được công bố những gì họ nên tập trung vào như là một phần trong nhiệm vụ liên tục của họ để tư vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Hội đồng sẽ tái nhóm vào ngày 25, 26 và 27 tháng Sáu.


Source:Holy See Press Office
 
Đóng đinh vào thập giá tại Phi: Giáo quyền ra sức khuyên lơn - Bộ du lịch ra sức quảng cáo
Đặng Tự Do
17:46 10/04/2019
Giáo quyền ra sức khuyên lơn; giáo dân hăm hở chuẩn bị; bộ du lịch ra sức quảng cáo; các hãng máy bay giảm vé để khuyến mãi cho các chuyến bay đến San Fernando, Bulacan, Cebu và Angeles City; trong khi bộ y tế khuyến khích chích ngừa phong đòn gánh. Đó là các phản ứng chính thức mà tờ Inquirer của Phi Luật Tân ghi nhận được xung quanh phong trào đóng đinh vào thập giá trong Tuần Thánh tại Phi Luật Tân.

Đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân là một hoạt động thể hiện “lòng đạo đức bình dân” (trong ngoặc kép) được tổ chức vào mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh, và được nhiều người xem là một nét đặc thù của Tuần Thánh tại Phi Luật Tân. Những người sùng đạo hay hối nhân, tiếng địa phương gọi là “magdarame” sẵn sàng bị đóng đinh để diễn lại sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Cũng với một tâm tình tương tự nhiều người khác vác thánh giá bằng gỗ trên các chặng đường dài, có người bò lết trên mặt đường gồ ghề, bụi bặm và đánh roi vào thân thể mình. Các hối nhân coi những hành vi này là sự hành xác để cầu xin sự tha thứ cho các tội lỗi, hay để thực hiện một “lời thề”, tiếng Tagalog gọi là “panatà”, hoặc để bày tỏ lòng biết ơn đối với những ân huệ đã nhận được.

Những “phong tục” này bị Giáo Hội Công Giáo ở Phi Luật Tân ngăn cản quyết liệt. Hàng giáo sĩ Phi Luật Tân coi những điều này là là những biểu hiện cuồng tín, mê tín và tự làm hại bản thân mình trái với những giáo huấn lành mạnh về thân xác. Mỗi lần Mùa Chay đến, trong các thư mục vụ, giáo quyền tại Phi Luật Tân lại phải lưu ý và năn nỉ anh chị em giáo dân tránh những biểu hiện của “lòng đạo đức bình dân” đã bị bóp méo thái quá.

Trong khi đó, Bộ Y tế thường khẳng định rằng những người tham gia các “nghi thức” này nên tiêm ngừa phong đòn gánh và các vết thương phải được khử trùng.

Trong các ngày thứ Sáu trong suốt Mùa Chay, từng đoàn người rủ nhau đánh tội công khai trên đường phố. Các hối nhân trùm đầu mình bằng bao bố chỉ khoét hai lỗ nhỏ để thấy đường đi, rồi dùng roi tre đánh túi bụi vào chính mình để đánh tội và thể hiện tâm tình sám hối. Việc trùm đầu bằng bao bố là để tránh bị cho rằng họ phô trương lòng đạo đức của mình. Các roi tre được chẻ ra ở đầu roi và có khi còn được buộc thêm những mảnh thiếc từ những lon coca cola. Nhiều người tự đánh mình đến độ máu me ra lênh láng. Có người phải vào nhà thương.

Hình thức kinh hoàng nhất khiến hàng giáo phẩm Phi Luật Tân lo lắng là việc đóng đinh vào thập giá. Đóng đinh thật sự vào tay, chứ không phải là đóng kịch, và treo trên thập giá trong nhiều giờ.

Việc đóng đinh vào thập giá xảy ra ở hầu hết các giáo phận nhưng tình hình là nghiêm trọng nhất tại 4 thành phố là San Fernando, Bulacan, Cebu và Angeles City.

Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, từ mờ sớm đã có hàng đoàn người đi trên các con đường làng để đánh tội, liên tục cho đến tối.

Sau đó, hàng trăm người, có cả những phụ nữ, nhờ những người khác đóng đinh họ vào thập giá. Một số người ăn mặc như quân lính Rôma lấy dây thừng cột tay hay thậm chí đóng đinh những người khác vào thập giá và dựng lên trong nhiều giờ dưới trời nắng gắt. Việc đóng đinh diễn ra đúng theo nghĩa đen của từ này. Tay họ bị đóng những mũi đinh lớn và nhọn vào thập giá cách thực sự. Cho đến nay, chưa thấy có báo cáo tử vong nào nhưng đa số phải vào nhà thương vì mất nhiều máu.

Phong trào đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân đã bắt đầu từ năm 1946 và mặc dù giáo quyền lên tiếng nhiều lần, những lời khuyên bảo xem ra không có mấy tác dụng. Con số người chịu đóng đinh mỗi năm có xu hướng tăng lên.

Chính quyền không bao giờ ngăn cản. Trái lại, họ còn xúi thêm. Đúng thế, năm 2011, chính quyền thành phố Cebu phát hành khoảng 10,000 tờ quảng cáo miêu tả thành phố là một trung tâm “du lịch tôn giáo” với đầy những hình ảnh về các cuộc đóng đinh.

Nhiều nhân vật chịu đóng đinh được ghi vào Guiness

Nhiều người tham gia vào phong trào đóng đinh vào thập giá tại Cebu nổi tiếng đến mức tên tuổi của họ được ghi vào Guiness thế giới.

Ông Ruben Enaje, 56 tuổi, được xem là người nổi tiếng nhất. Tính cho đến hết Mùa Chay năm 2018, ông đã chịu đóng đinh vào thánh giá 30 lần. Năm 1986, ông Ruben Enaje té từ lầu 3 xuống, nhưng không chết. Sau lần thoát chết đó, ông quyết chí năm nào cũng chịu đóng đinh vào thập giá.

Nhân vật nổi tiếng thứ hai là ông Alex Laranang, 62 tuổi đã chịu đóng đinh vào thánh giá suốt từ Mùa Chay năm Thánh 2000 cho đến nay.

Về phía phụ nữ có thể kể đến bà Percy Valencia, năm nay 44 tuổi cũng đã từng chịu đóng đinh vào thánh giá nhiều lần.


Source:Inquirer
 
Giáo dân ngăn cản công an và côn đồ phá hủy Đền Thờ Thánh Mẫu tại Thiểm Tây
Đặng Tự Do
19:05 10/04/2019
Như chúng tôi đã đưa tin, sáng 4 tháng Tư, trước những tiếng khóc nghẹn ngào của anh chị em giáo dân và những cái nhìn đầy kinh ngạc của người đi đường, bọn cầm quyền Trung Quốc đã san bằng ngôi nhà thờ duy nhất tại thành phố Tiền Dương (千阳县 – Qianyang) thuộc tỉnh Thiểm Tây (陕西 – Shaanxi).

Sau khi đã san thành bình địa ngôi nhà thờ này, sáng ngày thứ Tư 10 tháng Tư, ít nhất 600 công an và côn đồ đã tụ tập trước đền thờ Thánh Mẫu Mưu Gia Bình (Mujiaping - 牟家坪) trong mưu toan san bằng ngôi đền thờ này. Ngôi đền cũng tọa lạc trong cùng Giáo phận Phượng Tường (鳳翔 – Fengxiang), như ngôi nhà thờ bị phá hủy hôm 4 tháng Tư.

Được cảnh báo, trong suốt đêm thứ Ba rạng ngày thứ Tư ít nhất 200 tín hữu trong khu vực đã tập trung trên các bậc thang dẫn đến ngôi nhà thờ để bảo vệ thánh đường của họ. “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh,” anh chị em giáo dân nói. Tuy nhiên, họ không ngăn cản nổi con số đông đảo công an và côn đồ kéo tới càng lúc càng đông.

Đền thờ Thánh Mẫu Mưu Gia Bình nằm trên một khu vực miền núi của huyện Thái Bạch (Taibai - 太白), trong một khu vực dân cư rất nghèo. Nhà thờ được xây để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng người dân trong vùng xem đền thờ này như một nơi hành hương kính Đức Trinh Nữ Maria vì đền thánh có một bức tượng Đức Mẹ rất được dân chúng trong vùng tôn sùng.

Công an và côn đồ đã ra sức đập phá cánh cổng bằng đá có niên đại hàng trăm năm từ đó dẫn vào các bậc thang dẫn lên đền thánh nơi có bức tượng Đức Mẹ chào đón khách hành hương.

Theo thông tấn xã Asia News, các tín hữu thuộc giáo phận Phượng Tường xin tất cả các Kitô hữu trên Hồi Giáo cầu nguyện cho đền thánh của họ được bình yên.

Trong những ngày tới, bọn cầm quyền Trung Quốc lên kế hoạch phá hủy cả các nhà thờ khác trong giáo phận này, ít nhất là ba nhà thờ có thể bị phá hủy trong vài tuần lễ tới.

Giáo phận Phượng Tường là một cái gai trong mắt bọn cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Được chăm sóc bởi Đức Cha Luca Lý Kính Phong (李鏡峰 - Li Jingfeng) cho đến ngày ngài qua đời hôm 17 tháng 11, 2017, giáo phận này có một tính cách rất đặc biệt trong bối cảnh của Giáo Hội Trung Quốc: đó là giáo phận duy nhất mà cả các tín hữu lẫn hàng giáo sĩ đều không có ai là là thành viên của Hội Công Giáo Yêu nước. Từ ngày 17 tháng 11, 2017, Đức Cha Phêrô Lý Hội Nguyên (李会元,Li Hui-Yuan) 54 tuổi, Giám Mục Phó lên thay vẫn giữ được truyền thống này.

Một số nhà quan sát cho rằng bạo lực đang càn quét qua giáo phận này là một cách để buộc hàng giáo sĩ và anh chị em giáo dân giáo phận Phượng Tường phải áp dụng các quy định tôn giáo mới và buộc các giám mục và linh mục phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu nước.

Những người khác cho rằng bọn lãnh đạo hiện nay gồm toàn những kẻ theo chủ nghĩa cộng sản cực đoan của Mao, coi “tôn giáo là một ảo mộng cần phải bị xóa bỏ”.


Source:Asia News
 
Asia Bibi vẫn còn bị kẹt tại Pakistan
Đặng Tự Do
22:45 10/04/2019
Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói rằng Asia Bibi vẫn ở trong nước, và phủ nhận những suy đoán cho rằng cô đã được đoàn tụ với gia đình ở Canada.

Khan nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn được công bố trực tuyến vào ngày 10 tháng Tư rằng Bibi vẫn còn ở Pakistan vì có “một chút phức tạp”, nhưng ông từ chối giải thích thêm chi tiết.

“Nhưng tôi có thể bảo đảm với bạn rằng cô ấy an toàn và cô ấy sẽ ra đi sau vài tuần nữa”, Khan nói trong cuộc phỏng vấn diễn ra ở Luân Đôn.

Người mẹ Công Giáo của năm người con đã bị kết án tử hình vì tội báng bổ vào năm 2010 và bị biệt giam trong tám năm.

Trong một bản án mang tính bước ngoặt, Tòa án Tối cao Pakistan đã đưa ra phán quyết cô vô tội vào cuối tháng 10 năm ngoái và ra lệnh phóng thích cô khỏi nhà tù ngay lập tức.

Tuy nhiên, phán quyết này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình bạo lực trên toàn quốc của các thành phần Hồi Giáo cực đoan. Bạo lực chỉ chấm dứt sau khi chính phủ đồng ý ngăn Bibi xuất cảnh cho đến khi một phiên tòa xử lại vụ án của cô diễn ra.

Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện Pakistan, đã giữ nguyên phán quyết tha bổng Bibi vào ngày 29 tháng Giêng, và cho phép cô rời khỏi Pakistan.

Vài ngày sau phán quyết của tòa án hồi cuối tháng Mười, cô đã được đưa từ một nhà tù ở Multan tới thủ đô Islamabad, nơi cô được tường thuật là sống trong một ngôi nhà an toàn được canh phòng cẩn mật trong khi chờ đoàn tụ với gia đình đang sống ở một địa điểm không được tiết lộ ở Canada.

Một phương tiện truyền thông Đức dẫn lời luật sư của cô nói rằng cô đã được đưa đến nơi an toàn ở Canada.

Các nhà hoạt động Công Giáo ở Pakistan đã tỏ ra thất vọng vì đến nay Bibi vẫn chưa được đưa ra khỏi Pakistan.

Katherine Sapna, giám đốc của Christian True Spirit, nói rằng nhiều người rất hoang mang về tình hình thực sự của Bibi.

“Chúng tôi giả định cô ấy đang ở một nơi được bảo vệ”, Sapna nói. Cô đang dẫn đầu một phái đoàn chính trị gia và nhà hoạt động tới quốc hội Hà Lan vào cuối tháng này để thảo luận về tình trạng lạm dụng luật báng bổ và bắt buộc phụ nữ cải đạo ở Pakistan.

Katherine Sapna nhận xét rằng:

“Sự mù mờ không biết nơi chốn và hoàn cảnh cụ thể của Bibi cũng có lợi cho Bibi và gia đình. Các giáo sĩ Hồi Giáo cực đoan đã là một thách thức lớn đối với nhà nước trong vụ án này, và họ vẫn tiếp tục là một mối lo ngại”.

Kashif Aslam, điều phối viên các hoạt động của Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Pakistan, bày tỏ lạc quan rằng có lẽ chính quyền đang chờ đợi thời điểm thuận lợi để Bibi có thể ra đi an toàn.


Source:UCANews
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Tĩnh tâm Mùa Chay 2019
Văn Minh
08:54 10/04/2019
“Trở về” là đề tài chia sẻ của cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt, SCJ (Dòng linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu), cho các em thiếu nhi và cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, trong buổi tĩnh tâm diễn ra lúc 17g30 thứ Ba, Tuần V Mùa Chay, nhân dịp ngài được cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán, mời về giảng phòng cho cộng đoàn giáo xứ vào các ngày 09, 10 và 11.04.2019.

Xem Hình

Sau bài Tin Mừng, cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt đã chia sẻ về dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Một người kia có hai người con trai, người con trai thứ đề nghị cha của mình chia tài sản cho hai anh em. Và sau khi người con trai thứ nhận phần tài sản của mìnhtrẩy đi phương xa,ở đó anh ta ăn chơi phung phí tiêu sạch hết tiền bạc. Sau khi hết tiền, anh ta phải đi làm thuê ở đợcho người ta, hầu mong được chút thức ăn dư thừađể ăn cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Thế rồi anh ta hồi tâm xét mình, quyết tâm đứng lên đi về tạ tội với chavà mong sao được cha tha thứ và đón nhận. Quả thật, từ đằng xa, người cha trông thấy chạy ra ôm hôn và bảo đầy tớ mở tiệc ăn mừng. Trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay cũng vậy, có những người ra đi và khi trở về trong niềm vui tươi phấn khởi, nhưng có những người ra đi và khi trở về trong đau thương và đầy nước mắt.

Để kết thúc bài giảng, cha Vinh Sơn nhấn mạnh: Ước mong trong Mùa Chay Thánh này, mỗi người chúng ta hãy từ bỏ những đam mê tội lỗi nơi trần thế, và cùng nhau quyết tâm đứng lên trở về với Cha trên trời. Bởi vì, Ngài là một người Cha nhân hậu và hết mực yêu thương chúng ta.

Thánh lễ nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 18g30, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ cha chủ tế và cùng nhau hát vang bài “Nguyện Chúa chí ái”.
 
Thánh lễ khánh thành nhà thờ giáo họ Kim Sơn, giáo phận Ban Mê Thuột
Vũ Đình Bình
09:10 10/04/2019

“Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại, ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 125).

Giáo họ Kim Sơn nằm trên địa bàn xã Yang Reh, huyện Krông Bông, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 35km về phía Đông Nam. Hiện nay, Giáo họ có 3.679 tín hữu. Trước đây, Kim Sơn chỉ là vùng đất đồng không mông quạnh, thưa thớt vài buôn làng người dân tộc, cuộc sống chất chồng bao khó khăn cả tinh thần lẫn vật chất.

Xem Hình

Năm 1977, có một số gia đình Công Giáo từ Giáo xứ Giang Sơn và Tình Thương theo dòng người di dân đi làm kinh tế mới, đến định cư rải rác ven quốc lộ 27 trên đường vào Lak. Từ đó hình thành giáo điểm truyền giáo Kim Sơn.

Nhờ lòng nhiệt thành, hăng say truyền giáo, đặc biệt truyền giáo cho anh chị em người dân tộc; ít lâu sau, nhiều anh chị em người đồng bào thuộc các Buôn Cuah, Buôn Băngcung, Buôn Cưmin, Buôn Plum đã được rửa tội. Con số giáo dân tăng lên đáng kể: hơn 600 nhân danh cả người kinh lẫn anh em dân tộc.

Ngày 17.05.2014, Đức Giám Mục Vinh sơn Nguyễn văn Bản đã ký Văn thư số 18/14, quyết định thành lập Giáo họ Kim Sơn. Ngày 15/02/2017, Đức Giám Mục Giáo phận ký Văn thư số 01/17 cho phép xây dựng ngôi Thánh đường Giáo họ Kim Sơn.

Ngày 23 tháng 11 năm 2017, Đức Giám Mục Giáo phận về dâng Thánh lễ Tạ ơn và chủ sự nghi thức “đặt viên đá đầu tiên” xây dựng ngôi nhà thờ Giáo họ Kim Sơn.

Nhờ hồng ân Thiên Chúa; nhờ sự bầu cử của Mẹ Maria Giang Sơn; nhờ sự quan tâm, lo lắng đặc biệt của Cha sở, Cha phó, HĐGX, cùng sự trợ lực của cộng đoàn Giáo xứ mẹ Giang Sơn; nhờ những tấm lòng quảng đại của Quý vị Ân nhân xa gần; nhờ sự nỗ lực và sự hiệp nhất, cùng chung tay xây dựng của toàn thể cộng đoàn dân Chúa; Nhà thờ Giáo họ Kim Sơn đã hoàn thành. Tuy nhỏ bé, nhưng khang trang sạch đẹp xứng đáng là nơi thờ phượng Chúa.

Sáng hôm nay, ngày 10.4.2019, Giáo họ Kim Sơn rộn vang tiếng kèn, tiếng trống, tiếng cồng chiêng, chào đón Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, về chủ tế Thánh lễ Tạ Ơn, khánh thành, làm phép tháp chuông và làm phép Nhà thờ Giáo họ Kim Sơn. Đồng tế với ngài, có Cha Chưởng Ấn, Cha Quản lý TGM, Quý Cha Quản Hạt, Quý Cha trong Giáo phận.

Cùng về hiệp dâng Thánh lễ, chia sẻ niềm vui với cộng đoàn Giáo họ Kim Sơn, Giáo xứ Giang Sơn, có Quý Bề trên, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý vị đại diện Chính quyền các cấp, Quý vị Ân nhân, Quý vị Tân khách, và đông đảo tín hữu gần xa,…

Trong nghi thức làm phép Nhà Thờ, Đức Giám Mục nguyện xin Thiên Chúa cho Nhà Thờ trở nên nguồn hiệp nhất của Hội Thánh và nguồn đồng tâm giữa anh em để các tín hữu đến đây kín múc được tinh thần yêu thương nhau, để khi mọi người quy tụ trong Nhà thờ này thì trở nên một thân thể duy nhất trong Đức Kitô.

Sau các Bài Đọc, Đức Cha Vinh Sơn diễn giảng về ý nghĩa Lời Chúa. Bài đọc 1: Sau khi lưu đày Babilon trở về, dân Chúa lắng nghe Lời Chúa trong sách Luật từ sáng đến chiều không hề mệt mỏi. Bài đọc 2: Trong thư gửi các tín hữu Corintô, Thánh Phaolô khuyên dạy: Đức tin không phải chỉ có giá trị trong đời sống cá nhân mà là trong cộng đoàn, được xây dựng trên nền tảng đức tin của các thánh Tông đồ. Bài Tin Mừng: Thánh Matthêu thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Thầy là ai?” – Thánh Phêrô trả lời: “Thầy là Đức Kito, Con Thiên Chúa hằng sống”. Qua đó, Đức Cha nhắn nhủ cộng đoàn phải sống đạo dựa trên nền tảng đức tin của các thánh Tông đồ. Khi mừng ngôi nhà thờ mới, là chúng ta cũng vui mừng vì niềm tin của người tín hữu được tôn trọng và được bảo vệ. Bởi thế, xin Chúa ban cho chúng ta biết yêu mến, gìn giữ ngôi nhà thờ này, quy tụ nơi đây cử hành phụng vụ và xây dựng đời sống huynh đệ trong cộng đoàn sống đức ái trong xã hội để được Chúa chúc lành. (Mời nghe BÀI GIẢNG)

Nhà thờ Giáo họ Kim Sơn chắc chắn sẽ là điểm hội tụ yêu thương, hiệp nhất, là điểm tựa trong công cuộc loan báo Tin Mừng, là nơi họp nhau cầu nguyện, tán tụng Thiên Chúa vì bao hồng ân của Người trên cánh đồng truyền giáo Krông Bông rộng lớn, nơi có dãy núi cao Chư Yang Sin hùng vĩ, có thác nước Krông Kmar nổi tiếng giữa đại ngàn Tây Nguyên. Từ nơi đây, ánh sáng đức tin sẽ được lan tỏa làm rạng danh Thiên Chúa và mang an bình đến cho muôn dân.

Xin Chúa ân thưởng cho những ai có công xây dựng Nhà thờ Giáo họ Kim Sơn, và ban phúc lành cho những người đã tích cực giúp đỡ Giáo họ có được ngôi Nhà Thờ khang trang, xinh đẹp này.
 
Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa xứ Tân Việt thực thi bác ái
Vinh Sơn Trần văn Đẩu
21:33 10/04/2019
Để chuẩn bị mừng Đại lễ Lòng Thương Xót Chúa. Được phép Cha chánh xứ Đa Minh Vũ ngọc Thủ, CĐ LTX Giáo xứ Tân việt đi thăm và chia sẻ bác ái tại Giáo xứ Hòa Thạnh giáo phận Phú cường do cha Chánh xứ Giuse Nguyễn văn Nến phụ trách.

Sự đóng góp nhiệt tình từ cộng đoàn khiến công việc đầy thuận lợi từ những đồng tiền gom góp từng ngày, đến những đóng góp chia sẻ từ những người thân, bạn bè. Từ những hy sinh dành dụm quà bánh, đến những vui chơi giải trí. Tất cả được cộng đòan chung tay gom góp cho chuyến bác ái này.

Xem Hình

6g sáng ngày 9/4/2019 trên chuyến xe 45 chỗ Cha con cùng lên đường, quãng đường dài hơn 100 cây số đủ để chúng tôi dâng lên Chúa chuỗi mân côi để cầu nguyện cho mọi thành phần dân Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria chỉ dẫn chúng tôi những việc cần làm. Lời kinh tiếng hát như hương trần tỏa lan trong buối sáng sớm khiến lòng chúng tôi dâng tràn niềm bình an.

9g30 chúng tôi đến nơi, khung cảnh yên bình làm chúng tôi tỉnh táo hơn. 100 cây số đủ ngăn cách giữa thành phố và miền quê. Đến đây chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh sống thiếu thốn của những người vùng xa. Có thể chúng tôi chỉ mang đến cho họ 1 nụ cười, một lời hỏi thăm khi tiếp xúc. Có thể những phần quà chỉ là muối bỏ bể so với những khó khăn họ phải chịu. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm được là dâng lên LTX Chúa những khó khăn họ phải chịu, phó thác những người con vẫn được Chúa xót thương, Chúa sẽ quan phòng những điều tốt đẹp nhất cho họ dưới sự chăm sóc của vị mục tử trẻ trung đầy nhiệt huyết hết lòng vì đàn chiên.

Những thiếu thốn về vật chất ấy, có thể lại là hạnh phúc cho họ vì chúng tôi nhìn thấy nét hiền hòa hiện trên khuôn mặt khắc khổ của họ. Nơi đây không có những bon chen giành giật, họ cứ từng người lên nhận phần quà của mình, chẳng vội vã sợ hết phần. Nơi đây cũng chẳng có so bì ganh tị, họ biết nâng đỡ nhau, người trẻ giúp người già chuyên chở những phần quà nhận được.

Cha chánh xứ cùng chúng tôi dâng thánh lễ tạ ơn, tạ ơn Lòng thương xót Chúa đã xót thương đến chúng tôi, tạ ơn vì những điều kiện Chúa ban cho chúng tôi được thể hiện lòng thương xót Chúa với những anh chị em đang gặp khó khăn, tạ ơn vì những cảm nhận Chúa cho chúng tôi được thấy. Của lễ chúng tôi dâng trên bàn thờ là tấm lòng sám hối ăn năn, là những băn khoăn của cuộc sống, là những yêu thương chúng tôi được nhận.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Từ Hồng Ân dến Thị Hương
Hà Minh Thảo
08:48 10/04/2019
Hôm nay, ngày 06.04.2019, nhân được nghe đài RFI (Radio France Internationale, Ðài phát thanh Quốc tế Pháp) loan tin ‘Trung tâm Văn bút Ðức phản đối vụ trục xuất Nguyễn Quang Hồng Nhân’. Theo đó, Tổ chức PEN-Zentrum Deutschland bất bình về việc nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân và phu nhân bất ngờ bị Đức trục xuất từ Nuremberg về Việt Nam ngày 26.03.2019, trong lúc họ đang chờ xét đơn xin tị nạn ở Canada, sau khi bị bác đơn xin tị nạn ở Đức.

I.- TỪ HỒNG ÂN…

Sau khi bài ‘Sau Bắt Cóc, Tới Trục Xuất’ đưọc đăng tại :

vietcatholic.net/News/Html/249569.htm.

chúng tôi đã nhận được một lô mails khuyên dạy về ‘Vụ ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đang khá ồn ào ở Facebook và net’ :

Mail 1. Người viết cho rằng ngán ngẩm các TNLT (tôi nghĩ đến : ‘Tù nhân lương tâm’) cố tình vi phạm luật pháp vc, để bị bắt, rồi DLV (dư luận viên) ở Hoa kỳ ồn ào lên tiếng để Bộ Ngoại Giao HK cứu xét cho TNLT được qua Mỹ. Không phải ‘case’ nào cũng được BNG cấp cả. Có ‘lobby’, tôi đoán thế. Qua Mỹ: họ phải lo ổn định đời sống mới. Cho dù họ có tiếp tục tranh đấu thì sự tranh đấu của họ có bằng cộng đồng chống cộng hải ngoại đã tranh đấu từ 1975, 1980. (Xin hỏi : Sau đó thì sao và tại sao ‘xệp’?). Tiếp đến là những TRÒ HỀ đem TNLT đi đây đó nói chuyện, xin tiền. …

Mail 2. Người viết là một đại trí thức ở Ðức chê trách đích danh tôi khi viết ‘Lý do bất nhân để trục xuất và trao cho cộng’ và ‘sự hứa lèo ‘Bảo đảm an toàn cho gia đình nạn nhân khi trở về’. Sau đó, ‘vị đáng kính’ này khuyên : « kính xin những đồng bào không cư ngụ tại Đức, không quán triệt chế độ cấp và hưởng quyền tỵ nạn của Đức, không thấu hiểu chính sách Đức đãi ngộ người xin tỵ nạn, không nắm vững hiện tình di dân và tỵ nạn tại Đức, không thông suốt đường lối giải quyết vấn nạn di dân-tỵ nạn của Liên minh Đảng phái đương quyền; kính xin những đồng bào vừa kể đừng lên tiếng phê phán hành xử của các lực lượng bảo vệ an ninh Đức và tệ hơn nữa, đừng lên tiếng xúc phạm pháp đình và công lực Đức ». Ông khoe có gửi điện thư cho đồng nghiệp đàn em BS Nguyễn Ðan Quế để ‘bảo lĩnh’ cho ông Nhân để có thể được tiếp tại nhà ông, một gia đình có năm người từ Việt Nam được Tây Ðức ‘bốc’ đi năm 1984 trong khi gia đình ông Hồng Nhân ba người đã sang đến Ðức rồi lại bị Ðức dẫn độ trở về Việt Nam năm 2019. Ðúng là một sự so sánh ‘kém đạo đức’ của một ‘vĩ nhân cần thiết’ cho Tây Ðức.

Tôi xin cám ơn, nhưng vì Tình Ðồng Bào và vì sự thiếu xót, tôi buộc phải tiếp tục phải viết tiếp…

Mail 3. Người viết cho biết đã giúp đỡ tận tình gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đến Nuremberg từ việc giấy tờ, bác sỹ… kể cả những lời khuyên và cảnh giác rằng : Việc xin tị nạn chánh trị tại Đức của họ sẽ không bao giờ được chấp nhận vì:

1- Họ sang Đức với tư cách du lịch, với passport Việt Nam. Theo luật xin tị nạn tại Đức, nói riêng, và tại EU (Liên hiệp Âu châu) nói chung, khi 1 người đã đến 1 nước trong EU và sang 1 nước khác cũng trong EU để xin tị nạn là không bao giờ được chấp nhận. Tình trạng gia đình này là như thế.

2- Ông Nhân không có giấy tờ chứng minh Politik verfolgen (sự theo dõi của công an trong thời gian ông còn ở VN); và nếu khai với BAMF (cơ quan xin tị nạn) rằng mình bị công an theo dõi, thì tại sao được cấp giấy tờ đi du lịch sang Âu châu một cách công khai, đó là dấu hỏi của BAMF.

3- Ông Nhân nói ông bị tù vì tội đưa người vượt biển, mà ở Ðức, đó là cũng là tội schlepperbande (băng đảng tổ chức di dân lậu),

4- Khi đơn xin tị nạn bị bác bỏ, gia đình ông Nhân không trở về VN vào cuối năm 2017. Sở di trú đã trả lại Passport VN hết hạn và buộc họ phải đi gia hạn Consulat VN ở Berlin, họ ngoan cố không thi hành theo luật pháp sau đó nhờ tổ chức Voice (VT) để xin tị nạn tại Canada qua consulat ở Áo, toàn những chuyện mà luật pháp ở Đức cũng như ở Áo (Áo cũng thuộc trong khối EU) không bao giờ chấp nhận được.

Xin trả lời :

1- Sau ngày 30.04.1975, rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đi theo các đoàn văn công việt cộng mang passport Việt Nam vẫn xin được tị nạn tại các nước. Chưa kể trường hợp Trịnh Xuân Thanh mang hộ chiếu ngoại giao và Bùi Tín cũng được nhận tị nạn.

2- Lần đầu tiên, tôi nghe văn kiện Politik verfolgen mà công an chịu cấp.

3- Tùy chứng minh đưa ai vượt biên

4- Mọi người Việt đau khổ vì cộng sản đang xin tị nạn đều hành động như vậy với hy vọng. Nếu không giúp được đồng bào nạn nhân cộng sản, xin đừng gian ác như những người Ðức trục xuất ông bà Nhân, kết án đồng bào chúng ta là ‘ngoan cố’. Người Ðức không cần sự tôn vinh quá đáng vì họ chỉ hành động theo lương tâm, bản tính nhân đạo của họ khác với bà. Kết quả cái bị lên án ‘ngoan cố’ đến giờ phút này là hồ sơ gia đình ông Nhân được thẩm quyền Liên bang Ðức lưu tâm nắm lấy. Ước gì cô Hồng Ân được sống Bình an và Hy vọng trên Ðất Ðức.

Thế rồi, tự nhiên sao bà lại so sánh với vụ Trịnh Xuân Thanh ? Trong câu chuyện đó, nhà nước Ðức nhận xét đơn xin tị nạn cho Trịnh Xuân Thanh, người tham nhũng nặng ký là tội hình mà hình luật mọi nước đều kết án, tội nặng ngàn lần so với gia đình nạn nhân Nguyễn Quang Hồng Nhân. Tại sao nhà nước Ðức lại chịu tốn bao nhiêu công sức và ngân sách (tiền đóng thuế của người dân Ðức) để ước mong đem ông Thanh trở lại Ðức trong khi bang Bayern tàn bạo và chi tiền để trục xuất ông bà Hồng Nhân và trao tận tay cho công an Việt Nam. Vấn đề hiện nay là Chánh phủ Ðức không bác bỏ được lập luận của Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh tự do về nước trình diện Công an. Thế rồi, tại sao bà phải viết ‘tôi cũng rất phiền về thoibao.de do Lê Trung Khoa chủ nhiệm’. Sự thật, trong hơn 1,5 năm qua, người Việt khắp thế giới đón chờ ‘tin tức Trịnh Xuân Thanh’ hàng ngày nhờ ông Khoa.

Thưa nhị vị viết mail 2 và mail 3.

Thú thật tôi không ‘thuộc nằm lòng Điều 16a Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức’ như quý nhị vị. Nhưng tôi xin được phép nhắc, về vấn đề tị nạn, ngoài Hiến pháp, luật tối thượng nước Ðức, nhưng còn phải tôn trọng qui định hiệu lực cao hơn bởi Công ước Quốc tế Genève ngày 28.07.1951. Xin mời quý vị đọc một mẫu tin mà một TNLT, chị Huỳnh Thục Vy, đã đối đáp với công an Việt. Ngày 08.11.2011, lối 200 công an chốt quanh và ập vô nhà văn sĩ Huỳnh Ngọc Tuấn và hai con là những bloggers Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Ngọc Hiếu vì phát tán trên mạng những bài vở chống lại đảng, chống nhà nước gây mất đoàn kết dân tộc, cho nên họ cứ việc tịch thu các phương tiện đó. Chị Thục Vy ghi vào biên bản ‘Những bài này là những bài có nội dung tốt chứ không phải nội dung xấu. Tôi phản đối chuyện kết luận đây là nội dung xấu’. Ngày 06.01.2012, Thanh tra Quảng Nam đã tổ chức buổi giải quyết đơn khiếu nại của gia đình về việc không chấp nhận đóng số tiền phạt lên tới 270 triệu đồng do ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND Tỉnh, quyết định xử phạt với nội dung vi phạm hành chính về công nghệ thông tin.

Chị Thục Vy đã biện luận pháp lý để tranh cãi với họ thế nào là chống phá đảng, chống phá nhà nước vì trong luật pháp Việt Nam việc này rất mập mờ bởi vậy có thể bất cứ lúc nào công an sẽ chụp mũ cho bất cứ ai để đàn áp những người có tiếng nói đối lập với Cộng đảng. Chị đã viện dẫn ra trước tiên là điều 69 Hiến pháp và điều 19 Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia năm 1982. Tiếp theo là điều 27 Công ước Vienna về các điều luật quốc tế năm 1969 và luật Quốc hội năm 2005 về việc tham gia thực hiện các điều ước quốc tế. Chị cũng nêu Luật năm 2005 để bác lời Thanh tra buộc chị phải tuân luật trong nước, trước Luật Quốc tế.

Trong khi những đồng bào tị nạn ở Ðức bênh vực nhà nước Bayern và cảnh sát ‘hứa lèo’, vẫn có những đồng bào ở quốc gia khác đã lên tiếng.

Sau khi tìm hiểu thêm về ông Nguyễn Quang Hồng Nhân trên Internet, chúng tôi tìm được bản kiến nghị Petition ngày 15.01.2018 của Cộng đồng người Việt bên Mỹ (Vietnamese American Community of the USA) gửi bà Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu nước Đức cho ông NQH Nhân được tỵ nạn.

Cộng đồng VN tại Đức, các hội người Việt tỵ nạn tại Đức, dường như không ai biết có Petition này tại :

https://www.change.org/p/gemany-chancellor-angela-merkel-request-to-grant-asylum-status-to-vietnamese-human-rights-activist-nguyen-quang

Ngoài ra, cũng có một bài báo của ông NQH Nhân viết ngày 24.08.2018 về ‘Những Khuôn Mặt Phản Chiến Miền Nam’ tại :

https://www.tvvn.org/nhung-khuon-mat-phan-chien-mien-nam-nguyen-quang-hong-nhan/

Chính giới Đức Nổi Giận trước sự Trục Xuất Nhà Văn về Việt Nam.

Trong khi có những người Việt tị nạn đối đải đáng tiếc như vậy đối với đồng bào lâm cơn hoạn nạn thì cũng có những người tị nạn Việt tại các nước khác và thật nhiều người Ðức có trái tim nhân đạo hơn.

Báo The Local Germany đưa tin : ‘Việc Đức quốc trục xuất một nhà văn Việt Nam và là một nhà hoạt động nhân quyền về lại Việt Nam cộng sản đã gây ra sự phản đối hôm 04.04.2019’. Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, 65 tuổi, và vợ đã bị trục xuất tuần trước bởi các nhân viên di trú thành phố Nuremberg (Bayern). Sự kiện diễn ra bất chấp sự nhà nước nước này xem ông Nhân là ‘kẻ thù nhà nước’ và, do đó, đã tống ông vào tù 20 năm.

Đảng tả phá Xanh (Greens) đã phản đối việc trục xuất ngày 26.03.2019, cho đó là ‘cực kỳ tàn nhẫn và vô nhân đạo’ do ‘thảm bại hoàn toàn của chính sách tỵ nạn Bavaria’. Năm 1979, ông Hồng Nhân bị kêu án 20 năm tù tại Việt Nam vì ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCN’ và ở tù hết án.

Báo TAZ (Đức) đã đầu tiên tường trình về hồ sơ trục xuất, cho biết ông Nhân đã viết hơn 20 cuốn sách.

Theo lời luật sư Manfred Hưrner của ông Nhân nói với nhật báo Süddeutsche Zeitung là ‘Sau khi về tới Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Hồng Nhân (lúc đó cần thuốc điều trị đột quỵ) bị công an thẩm vấn rồi thả ra.

Về phần cô Nguyễn Quang Hồng Ân, luật sư Manfred Hưrner nói với nhật báo Stuttgarter Nachrichten rằng gia đình cô bị chia cách, cha mẹ bị trục xuất đã làm cô tan nát. Margarete Bause, dân biểu Đảng Xanh kêu gọi Bộ Ngoại Giao Đức giải quyết hồ sơ này và phải bảo vệ cô Hồng Ân. Hiệu trưởng trường nhạc Christoph Adt tuyên bố với báo TAZ ‘việc trục xuất cô Hồng Ận sẽ là điều tuyệt đối không chấp nhận được’. Ông và Giáo xứ đã kêu gọi khẩn cấp để cô được phép ở lại Đức quốc. Bình an Ðức Kitô luôn ở cùng Hồng Ân.

Trong bức thư ngỏ đề ngày 04.04.2019, gởi Bộ trưởng Nội Vụ Bayern và Giám đốc Sở Liên bang về Di cư và Tị nạn, ông Ralf Nestmeyer, Phó Chủ tịch Trung tâm Văn bút PEN CLUB ở Đức đã bày tỏ thái độ ‘bàng hoàng’ về vụ trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân về Việt Nam. Trả lời RFI ngày 05.04.2019, ông Nestmeyer tuyên bố : « Ông ấy đã bị trục xuất về Việt Nam cách đây vài ngày. Chẳng ai quan tâm đến ông và để ý đến việc ông đã bị cầm tù suốt 20 năm ở Việt Nam. Tôi cho rằng việc trục xuất ông Nhân thật là quá đáng. Bình thường, chúng ta không thể trục xuất một người đã thọ án tù lâu như vậy về nước người ấy. Tôi rất bàng hoàng và tôi kêu gọi cơ quan liên bang về di trú hãy xét lại quyết định của mình, để ông Nhân được trở về Đức. Aùi nữ ông ấy vẫn đang sống ở Hambourg. Chúng tôi hy vọng cô có thể sống ở đây lâu dài và nhất là được gặp lại cha mẹ. Ông là một nhà văn, còn tôi là phó chủ tịch PEN CLUB Đức. Trách nhiệm tôi là phải nói rằng chúng ta không thể nào trục xuất một người về Việt Nam, nơi nổi tiếng về đàn áp và kiểm duyệt ».

Ông Ralf Nestmeyer, cũng đồng thời là Ủy viên Writer-in-Prison (Ủy ban Người cầm bút trong nhà tù) của Trung tâm Văn bút Đức, cũng bày tỏ sự tiếc nuối rằng nhà văn Nguyễn Quang Hồng Nhân đã không tiếp cận hiệp hội PEN với các vấn đề của mình. Về vụ trục xuất ông Nestmeyer chỉ biết được từ báo chí, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). ” Làm sao người ta có thể trục xuất một tác giả mà tiếng nói tự do là căn bản của cuộc sống, về một quốc gia có tiếng trong việc đàn áp và kiểm duyệt?“, ông Nestmeyer đặt câu hỏi trong bức thư ngỏ của mình.

« Chính quyền bang Bayern, một lần nữa, thực hiện một vụ trục xuất đáng nghi ngờ, cho thấy họ không có khả năng », bà Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo Quốc hội Liên bang Đức, nói với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). Nữ chính trị gia đảng FDP này trách nhà nước bang Bayern lập lại ‘việc thực hiện trục xuất về các quốc gia nơi người ta tiếp tục bị truy nã’.

Theo lời ông Alexander Thal, tổ chức Flüchtlingsrat (giúp đỡ người tị nạn) ở bang Bayern, ngay sau khi bị trục xuất về đến Hà Nội, ông Hồng Nhân đã bị công an thẩm vấn suốt 14 giờ. ‘Bây giờ ông ta phải được khẩn cấp quay trở lại Đức’. Ông Thal trách ‘sự trục xuất này là một quyết định sai lầm, không có bằng chứng nào tốt hơn là cuộc thẩm vấn như vậy’. Ngoài ra, một người Việt Nam ở bang Bayern đã khởi đầu một chiến dịch thu chữ ký cho bản kiến nghị với yêu cầu chính phủ Đức đưa ông bà Hồng Nhân trở lại Đức.

Chính phủ Liên bang Đức cứu xét lại trường hợp nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang Hồng Nhân.

Bản tin Thông tấn Pháp xã AFP đăng trên báo Stern (Đức) ngày 05.04.2019 cho biết : « Vụ trục xuất người bất đồng chính kiến Nguyễn Quang Hồng Nhân và hiền thê từ Đức, nơi tạm cư chờ cứu xét tị nạn ở Canada, về Việt Nam đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội, buộc Chính phủ Liên bang Đức phải cứu xét lại trường hợp bất nhân này. Bộ Ngoại giao Đức quyết định theo dõi sát việc ông Nhân hiện đang bị quản thúc tại gia hay được đối xử như thế nào. Ước mong đây là lời hứa thật…

Cô Hồng Ân cũng đang bị đe dọa trục xuất?

Các tổ chức nhân quyền hiện đang quan tâm đến trường hợp nữ sinh viên 19 tuổi này đang theo học Piano tại Đại học Âm nhạc ở Nürnberg. Vì ở trong cùng hoàn cảnh bị bác đơn xin tị nạn như cha me, tức cũng có thể bị trục xuất. Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức Gyde Jensen đã thông báo với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). Do hộ chiếu Việt của cô đã hết hiệu lực, nên tạm thời chưa bị trục xuất. Hiện cô Hồng Ân chỉ nhận được tờ giấy phép tạm dung (Duldung) có hạn 1 tháng.

II. … ÐẾN THỊ HƯƠNG.

Ngày 11.03.2019, Tòa án Malaysia đã trả tự do cho bị cáo Siti Aisyah (Indonesia) sau khi công tố viên thu hồi lịnh truy tố đối với đương sự. Sau đó, Tòa quyết định bị cáo Ðoàn Thị Hương (Việt Nam) phải trở lại hầu Tòa ngày 24.03.2019. Là người, chúng ta, ai cũng hiểu được và thương cảm sức khỏe và điều kiện tâm lý tồi tệ của cô, nên Tòa phải hoãn phiên xét xử Hương đến 01.04.2019.

Sáng ngày 01.04.2019, là người Việt như Hương, tôi đã cầu nguyện cho Hương và ước mong Hương, vì cùng một cáo trạng như Aisyah trong nghi án sát hại ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với Chủ tịch Bắc hàn King Jong Un, sẽ được hưởng tự do như Aisyah. Nhưng, định mệnh trớ triêu. Ðoàn thị Hương chỉ bị Thẩm Phán Malaysia Azmin Ariffin tuyên án cho Đoàn Thị Hương là 3 năm 4 tháng tù giam về tội ‘cố ý gây thương tích’ thay cho tội danh ‘giết người’ có thể bị tử hình.

Ðể tìm hiểu vì sao có sự quá cách biệt giữa sự trả tự do cho Aisyah và bị kết tội cho Ðoàn Thị Hương, tôi tìm trên ‘xa lộ thông tin’ và được biết :

- Trước phiên tòa ngày 11.03.2019, Tổng trưởng Tư pháp và Nhân quyền Indonesia Yasonna Laoly đã gửi một thư cho Tổng trưởng Tư pháp Malaysia Tommy Thomas yêu cầu giúp trả tự do cho chị Aisyah vì đương sự không hề có ý định giết Kim Chính Nam mà vì ‘bị đánh lừa và không hề biết mình đang bị Bắc Hàn sử dụng như một công cụ tình báo’. Hôm 08.03.2019, ông Thomas phúc đáp thư ông Laoly để thông báo quyết định miễn tố Siti Aisyah do ‘quan hệ tốt đẹp’ giữa hai nước. Điều này có nghĩa sau khi được Tòa tuyên tha vào ngày 11.03.2019, cô này sẽ được trả tự do.

- Nhà nước Việt Nam cũng vận động với Chánh phủ Malaisia qua các cuộc hội đàm song phương. Ngày 28.04.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thủ tướng Malaysia Najib Razak bảo đảm một phiên tòa công bằng và các quyền hợp pháp của cô Hương. Ông Razak cam kết Malaysia sẽ làm như vậy. Bốn tháng sau, khi chuyến thăm Malaysia, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc lại trường hợp cô Hương. Ông Razak lại cam kết bảo đảm công bằng khi điều tra và xét xử nghi can người Việt. Sau khi Aisyah được tự do trở về nước trong vòng tay tiếp đón của Tổng thống và đồng bào, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh điện thoại cho Tổng trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah đề nghị nước này ‘bảo đảm một phiên tòa công bằng và trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương’.

Xin ‘xử công bằng’ bao gồm cả việc Tòa giữ nguyên tội trạng và bản án có thể là Tử Hình. Trong khi Indonesia chỉ yêu cầu một lần bằng văn thư nêu rõ yêu cầu ‘giúp trả tự do cho Aisyah’. Tại sao ? ‘vì Aisyah không hề có ý định giết Kim Chính Nam mà vì ‘bị đánh lừa và không hề biết mình đang bị Triều Tiên sử dụng như một công cụ tình báo’. Ngoài ra, quốc danh ‘Triều Tiên’ có thể gây ‘thế kẹt’ cho bang giao xã hội chủ nghĩa anh em.

Sau khi Chủ tọa phiên tòa tuyên án, cô Đoàn Thị Hương mừng và nói: « Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Rất cảm ơn mọi người, chính phủ Việt Nam, luật sư Việt Nam, Malaysia và chủ tọa ngày hôm nay ». Thông tấn xã AP đưa tin : « Luật sư Hisyam Teh Poh Teik của Hương nói trước Tòa án rằng việc Hương chấp nhận cáo buộc mới cho thấy cô ‘có trách nhiệm’ với hành động của mình ». Tôi tự hỏi : « Hai cô Aisyah và Hương đã hành động như nhau, vào nhà tù cùng lúc với cùng tội như nhau. Nhưng kết quả ra tù hoàn toàn khác nhau : cô Aisyah trắng án, không trách nhiệm trong khi cô Hương có trách nhiệm ? ».

Dĩ nhiên, để gỡ gạt, ông Teik nói theo thủ tục nhà giam, tất cả tù nhân đều được giảm 1/3 án tù. Do đó, cô Hương sẽ được phóng thích vào ngày 04.05.2019.

Ước mong đó là sự thật để người Việt Ðoàn Thị Hương được chấm dứt con đường khổ nạn, trở về với vòng tay thương mến của gia đình. Ước gì cô Hương thành công ước muốn ‘theo đuổi nghề ca hát và diễn xuất’ trở thành Sự Thật.

Hà Minh Thảo
 
Nói dối như Vẹm
Phạm Trần
21:44 10/04/2019
Ở thôn quê miền Bắc Việt Nam thời Việt Minh Cộng sản trước 1954, những người nói một đường làm một nẻo hay nói những điều không thật đều bị chế diễu “nói dối như Vẹm”.

Nhưng tại sao lại là “Vẹm”, tên con Trùng Trục (có nơi gọi là Trục) hình bầu dục, tiếng Anh gọi là Mussel, sống dưới bùn ở sông ngòi Việt Nam ? Nông dân và ngư phủ thường bắt đem về luộc lấy nước và thịt nấu canh hay xào ăn, giống như con hến, con sò v.v…, hoặc đem bán.

Tìm hiểu mới biết tội nghiệp cho con Trùng Trục. Nó không họ hàng hang hốc gì với “Vẹm” cán bộ nói một đàng làm một nẻo của thời Cộng sản mà chỉ trùng tên nên bị vạ lây. Các bô lão từng trải trong làng kể rằng sở dĩ con Vẹm được dùng vì khi sống dưới bùn, nó phải xoay theo dòng nước để sống nên không đứng nguyên một chỗ. Con người mà tiền hậu bất nhất là thiếu thành thật, tâm địa khó lường nên không ai tin. Nhưng chữ “vẹm” còn được hiểu là cách gọi ngắn của chữ Việt Minh.

Thì ra là như vậy. Nếu so sánh giữa thực tế với những lời tuyên truyền của cán bộ Cộng sản nói chung và Tuyên Giáo nói riêng, kể cả của Hội đồng Lý luân Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội thì sẽ nhìn ra ngay những điều không thật, đổi trắng thay đen xoay quanh như con Vẹm.

QUYỀN DÂN VÀ QUYỀN ĐẢNG

Tỷ dụ như khi nói về “quyền con người”, hay “nhân quyền” ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng Cộng sản Việt Nam (khi chưa kiêm chức Chủ tịch nước) đã nói tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington DC, trong chuyến thăm Mỹ, ngày 8/7/2015 :” Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay. Hiến pháp Việt Nam có chương riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, và đang dần được luật hóa.” (theo báo VietNamNet, ngày 09/07/2015)

Ông Trọng nói thế nhưng không phải vậy, vì giữa “bầu không khí dân chủ” và có dân chủ thật xa nhau một trời một vực.

Không thể có dân chủ khi dân không có các quyền tự do ứng cử; tự do ngôn luận, ra báo; tự do lập hội; tự do hội họp ; và tự do biểu tình như quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Ông Trọng đã mánh lới khi nói các quyền con người ghi trong Chương II Hiến Pháp “đang dần được luật hóa” , nhưng sau 6 năm, kể từ khi có Hiến pháp mới năm 2013, chính phủ đã cố tình trì hoãn trình Quốc hội hai dự luật Biểu tình và Lập hội, hoặc chưa minh thị những câu chữ mập mờ cho phép nhà nước tùy tiện giải quyết theo ý muốn.

Tỷ dụ như trong Điều 14 (HP) viết:”Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”

Nói thế nhưng Hiến pháp đã bị Bộ Luật hình sự năm 2015 chi phối, hay vô hiệu hóa.

Bằng chứng như khoản 2, Điều 14 (HP) viết rằng:”Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Nhưng các lý do để hạn chế lại mơ hồ và dễ bị lạm dụng như “quốc phòng, an ninh quốc gia” nên khi chưa được luật hóa thì người dân là nạn nhân của Hiến pháp.

Khi nói về “tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, Điều 24 (HP) viết:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Nhưng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (TNTG --02/2016/QH14), ban hành ngày 18/11/2016 lại dành nhiều quyền kiểm soát các Tôn giáo cho nhà nước.

PHỦ NHẬN

Vì vậy, trong Kháng thư đề ngày 20/10/2016 Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, quy tụ nhiều chức sắc của 5 Tôn giáo lớn (Cao Đài, Công Giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo) và Tin Lành) đã “hoàn toàn bác bỏ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo”.

Kháng thư viết:”Chế độ cai trị hiện thời tại Việt Nam là chế độ cộng sản với hai tính chất nổi bật: vô thần và toàn trị. Vô thần cộng sản là vô thần tranh đấu, quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Tôn giáo trên xã hội khi hoàn toàn bất lực xóa bỏ sự hiện hữu của Tôn giáo trong quốc gia. Toàn trị là kiểm soát, lũng đoạn để công cụ hóa mọi cá nhân và tập thể, mọi tổ chức và định chế, mọi thế lực và ảnh hưởng, mà đặc biệt là thế lực tôn giáo và ảnh hưởng tâm linh, để đảng cộng sản muôn năm lãnh đạo và nhà nước cộng sản muôn năm cai trị.”

Do đó, Hội đồng kết luận:”Mọi luật lệ xuất phát từ chế độ độc tài toàn trị cộng sản đều không ngoài mục đích kiểm soát, lũng đoạn và công cụ hóa nói trên. Nên cho dù có đưa ra cho toàn thể nhân dân, mọi giai tầng xã hội đóng góp ý kiến cho có vẻ dân chủ, rốt cuộc đảng và nhà cầm quyền cộng sản vẫn biên soạn các luật lệ (từ cao xuống thấp) hoàn toàn theo ý muốn độc đoán của họ và hoàn toàn nhằm mục đích tối hậu của họ: củng cố chế độ độc tài đảng trị. Hiến pháp 2013 là ví dụ rõ nhất. Luật Tín ngưỡng Tôn giáo cũng không nằm ngoài ý đồ thâm độc này.”

Bằng chứng này được Hội đồng vạch ra:” Mọi văn kiện pháp lý của nhà cầm quyền CSVN từ xưa tới nay về Tôn giáo, kể từ Sắc lệnh Tôn giáo năm 1955, Nghị quyết 297 năm 1997, Pháp lệnh về Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 tới Luật Tín ngưỡng Tôn giáo sắp ban hành, tất cả đều không ngoài mục đích dùng bạo lực hành chánh -kết hợp với bạo lực vũ khí- để cướp đoạt mọi tài sản tinh thần (các quyền tự do) và tài sản vật chất (đất đai, cơ sở) của các Giáo hội, để sách nhiễu, bắt bớ, cầm tù, thậm chí thủ tiêu nhiều chức sắc và tín đồ can đảm (mãi cho tới hôm nay), nhằm làm cho các Thực thể Tinh thần vô cùng cần thiết và cực kỳ hữu ích cho xã hội này bị tê liệt hoạt động, bị cản trở sứ mạng, thậm chí bị biến đổi bản chất. Hậu quả là xã hội Việt Nam ngày càng tràn ngập bạo hành và gian dối, ngày càng suy đồi về văn hóa và đạo đức, kéo theo suy đồi các lãnh vực khác nữa.”

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Đến ngày 01/06/2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), đại diện cho trên 7 triệu người Công Giáo đã lên tiếng chỉ trích Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo , có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Theo Hội đồng GMVN thì Luật mới đã “có những bước lùi” so với hai bản Dự thảo Luật số 4 và số 5 mà nhà nước đã gửi ra để tham khảo ý kiến.

Hội đồng GMVN viết:”Theo Dự thảo 5 ngày 17-08-2016, các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” (Điều 53), và “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội (Điều 54). Nhưng trong Luật Tín ngường, Tôn giáo, vấn đề này được gói gọn trong điều 55 với những từ ngữ tổng quát và mơ hồ:”Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan.” Tham gia thế nào ? Tham gia mức nào ? Tham gia có đồng nghĩa với việc thành lập cơ sở không ? Như vậy, nếu so sánh với các bàn Dự thảo 4 và Dự thảo 5, thì Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có những bước lùi.”

KIỀM CHẾ ĐỂ KIỂM SOÁT

Hội đồng GMVN còn vạch ra rằng:”Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho. Bộ Luật này không dung từ “xin phép” và “cho phép”, thay vào đó là các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị”. Việc thay đổi từ ngữ như trên tạo cảm giác có sự cởi mở hơn, nhưng vì các tổ chức tôn giáo vẫn phải thông báo với chính quyền và chính quyền có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận, nên rốt cuộc vẫn là cơ chế xin-cho. Cơ chế này cho thấy tự do ín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo.”

Thật vậy, nếu ai có thời giờ đọc hết 68 Điều trong 9 Chương của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (TNTG) của nhà nước CSVN sẽ tìm ra vô số những hàng rào cản ẩn hiện trong ngôn ngữ của Bộ Công an và Ban Tuyên giáo với mục đích duy nhất là kiểm soát nghiêm ngặt người theo đạo, các chức sắc lãnh đạo, tài sản của các tôn giáo và những hoạt động thuộc lĩnh vực linh thiêng.

Ngoài những quy định trong Luật TNTG như việc gì cũng phải đăng ký, thông báo để được các cấp chính quyền cứu xét, các tổ chức tôn giáo và người theo đạo còn phải tuân theo những quy định của nhiều Luật khác của nhà nước.

Những nhóm chữ ràng buộc mơ hồ như : “theo quy định của pháp luật; theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; theo quy định của pháp luật có liên quan v.v...” đang nhảy múa loạn lên trong tòan bộ Luật.

Nhà nước còn thọc tay vào tất cả mọi việc của Tôn giáo chỉ để kiểm soát chặt chẽ. Tỷ dụ như Khoản 5, Điều 66 quy định các cấp lãnh đạo trách nhiệm của tôn giáo phải :”Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Rồi Điều 12 còn viết về “đăng ký” như sau :

1. Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ.

2. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng…”

CẤM ĐỂ DIỆT

Bấy nhiêu chưa đủ, Luật TNTG còn có những ngăn cấm rất mơ hồ cho phép nhà nước tòan quyền “tự biên tự diễn” để đàn áp các Tôn giáo. Quốc hội đã ghi trong Điều 5 những cấm đóan này như sau:

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Luật không giải thích rành mạch các khỏan (a,b, c và d) nên nhà nước sẽ tha hồ và tùy tiện để vẽ rắn thêm chân , vẽ rồng thêm cánh và tung ra mưu chước gài bẫy người phải thi hành Luật. Bởi vì trong chế độ nhà nước độc tài và tòan trị Cộng sản Việt Nam, chả có việc gì hay hành động nào mà tránh khỏi bị mấy anh công an chụp cho chiếc mũ “Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường”, hay “an ninh trật tự”, “chống phá nhà nước”, “phản động” v.v….

Đó là lý do tại sao Hội đồng GMVN đã chỉ trích:” Cùng với những nhận định trên, chúng tôi muốn nêu lên một vài suy nghĩ. Ẩn sâu bên trong những bất cập đã trình bày là cách nhìn của chính quyền về tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Chính quyền nhìn các tổ chức tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng.”

BÁO CHÍ – BIỂU TÌNH

Cũng nên biết thêm Điều 25 (HP) cũng quy định:”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Nhưng căn cứ vào luật nào mà đảng CSVN đã cấm tư nhân ra báo để độc quyền kiểm soát dư luận trên 800 cơ quan báo in với 18,000 người làm báo ngoài đảng và trong đảng ? Ngoài ra đảng còn lấy tiền đóng thuế của dân để độc diễn trên hàng trăm Đài phát thanh và Truyền hình rải ra khắp nước.

Do đó câu nói “Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay” của ông Trọng ở Hoa Thịnh Đốn ngày 08/07/2015 là tuyên truyền có đặc tính “Vẹm” vì sai sự thật.

Không đúng vì Luật Báo chí (103/2016/QH13), ban hành ngày 05 tháng 4 năm 2016, có hiệu lực ngày 01/01/2017, là bằng chứng độc tài toàn diện, phản dân chủ, chống tự do báo chí của đảng CSVN.

Hành động này được quy định trong Điều 4 nói về “Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí”, theo đó:” Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.”

Nên biết tất cả các Tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp đều của đảng, do đàng và hoạt động phục vụ đảng. Do đó, Luật Báo chí quy định nhiệm vụ hàng đầu của báo chí là phải :” Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước… góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Ông Trọng cũng đã bịa đặt cái “bầu không khí dân chủ” khi Chính phủ, với sự tiếp tay của Ban Thường vụ Quốc hội, đã tiếp tục trì hoãn thảo luận các Luật lập hội và Luật biểu tình. Cả hai Dự Luật đã được trình ra Quốc hội, ít nhất vài lần nhưng giờ chót bị rút lại để gọi là bổ sung đến nay chưa biết số phận ra sao. Đáng chú ý là Bộ Công An đã đóng vai chính soạn thảo cả hai Dự Luật.

Như vậy, cũng là “nói dối như Vẹm” khi báo Quân đội Nhân dân rêu rao rằng:”Quyền tự do hội họp là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm thực hiện trong thực tế.”(QĐND ngày 08-04-019)

Nhưng nếu đã là “quyền cơ bản” rồi thì tại sao lại ngăn chặn, phá đám những cuộc họp tự phát của nhân dân muốn tưởng nhớ và ghi ơn 74 chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lăng chiếm Quần đảo Hoàng Sa năm 1974 ? Càng nhục nhã và hổ thẹn với Tiền nhân hơn khi ông Nguyễn Phú Trọng và Chính phủ CSVN đã cúi đầu tuân lệnh Bắc Kinh không cho tổ chức tưởng niệm trên 40,000 quân và dân đã hy sinh trong cuộc chiến 10 năm (1979-1989) chống quân phương Bắc xâm lược 6 Tỉnh biên giới phía bắc vào mỗi Tháng Hai hàng năm.

Cuối cùng, “quyền tự do hội họp” của nhân dân cũng đã bị canh chừng, chận đường bắt về đồn Công an hay ngăn chặn, và vô luân hơn, cho tổ chức nhảy đầm trước Tượng đài Lý Thài Tổ (Hà Nội) sáng ngày 14/03 (2019), dúng dịp kỷ niệm năm thứ 31 ngày 64 chiến sỷ Quân đội Nhân dân đã nằm xuống trong cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lược chiếm Gạc Ma và 6 Bãi khác gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập và Châu Viên ở Trường Sa.

Như vậy, nếu không muốn mấy chữ “nói dối như Vẹm” lảng vảng trong đầu, Tuyên giáo đảng thử làm cuộc tổng kết xem Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói thật được bao nhiêu lần kể từ sau ngày 30/04/1975 ? -/-

Phạm Trần

(04/019)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Có một nơi giáo dân không buộc ăn chay kiêng thịt trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
Đặng Tự Do
18:05 10/04/2019


Cư dân trên đảo Bantayan, thuộc tổng giáo phận Cebu, Phi Luật Tân, sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Đất đai chủ yếu là đất cát không trồng trọt được. Trong Tuần Thánh, người Phi gọi là “Semana Santa”, đặc biệt Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, họ giữ một truyền thống không ra khơi đánh cá. Cho nên, nếu kiêng thịt thì họ rất là khó khăn.

Theo thỉnh cầu của các nhà truyền giáo Tây Ban Nha, vào năm 1840, Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ 16 ra sắc chỉ ân chuẩn cho họ không phải kiêng thịt ngày thứ Sáu Tuần Thánh và thứ Tư Lễ Tro. Sắc chỉ này mang lại nhiều thuận lợi cho việc truyền giáo. Vì thế, cho đến nay, ân chuẩn này vẫn còn tác dụng vì không có vị Giáo Hoàng nào thu hồi lại.

Các nơi khác trong tổng giáo phận Cebu, luật buộc ăn chay kiêng thịt trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vẫn được áp dụng như các nơi khác trong thế giới Công Giáo.

Tổng giáo phận Cebu rộng 5,088 cây số vuông. Theo niên giám của Tòa Thánh vào năm 2016, trong tổng số 4,874,900 dân, người Công Giáo chiếm 4,299,800 người, tức là 88.2% dân số. Đây không chỉ là giáo phận lớn nhất Phi Luật Tân mà còn là giáo phận lớn nhất Á Châu với 165 giáo xứ, được 612 linh mục coi sóc (339 linh mục triều, 273 linh mục dòng), cùng với 1095 sư huynh và 977 nữ tu.

Tổng giáo phận Cebu là một trong 4 địa điểm nổi tiếng xảy ra hàng trăm các vụ đóng đinh vào thập giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Từ sau trận bão Hải Yến tàn phá nặng nề Cebu, giết chết 6340 người vào đầu tháng 11 năm 2013, phong trào đóng đinh vào thánh giá tại đây xem ra còn rầm rộ hơn trước nữa.

Trong các thư Mục Vụ Mùa Chay, Đức Tổng Giám Mục Jose Serofia Palma thường năn nỉ anh chị em tín hữu hãy suy nghĩ lại về những hình thức thể hiện lòng đạo đức bình dân thái quá trong Mùa Chay, đặc biệt là trong Tuần Thánh.

Ngài cũng khích lệ các linh mục tổ chức các hoạt động trong suốt ngày thứ Sáu Tuần Thánh để lôi cuốn anh chị em giáo dân vào các sinh hoạt có tính chất truyền thống hơn như đi đàng thánh giá, xưng tội và hành hương.

Các địa điểm hành hương bao gồm Tiểu Vương Cung Thánh Đường Chúa Hài Đồng Giêsu. Đây chính là nơi Kitô Giáo được truyền vào Phi Luật Tân. Thật vậy, nhà thám hiểm Magellan đã dựng cây thánh giá đầu tiên trên đảo quốc này vào ngày 16 tháng Ba năm 1521.

Bên cạnh đó còn có khu vườn Banawa nơi có 14 chặng đàng thánh giá đặt trên một diện tích 12 hécta với những tượng to như người thật.


Source:Rappler
 
Cách Xác Định Ngày Lễ Phục Sinh Một Cách Giản Tiện Nhất!
Nguyễn Văn Nghệ
18:26 10/04/2019
Cách Xác Định Ngày Lễ Phục Sinh Một Cách Giản Tiện Nhất!

Khi tôi còn ngồi ở ghế Trường Đại học Khoa học Huế, trong một tiết học về môn lịch sử thế giới có liên quan đến đạo Công Giáo, thầy giáo phụ trách môn ấy nói: Các ngày lễ của đạo Công Giáo tôi đều nắm rõ từng ngày lễ, riêng lễ Phục sinh thì tôi chịu thua, năm trước ngày này, năm nay ngày nọ, năm sau lại vào ngày kia, mỗi năm mỗi khác không có ngày cố định như lễ Giáng sinh.Tôi đã giúp thầy ấy cách xác định trước ngày lễ Phục sinh trong những năm sắp đến.

Không riêng gì thầy giáo ấy mà có đại đa số người (kể cả đại đa số tín đồ đạo Công Giáo) không thể xác định trước ngày lễ Phục sinh trong năm tới là vào ngày nào nếu không nắm vững công thức tính toán.

Ngày lễ Phục sinh nhất định phải là ngày Chúa Nhật. Ngày lễ Phục sinh lại phụ thuộc vào ngày lễ Vượt qua của người dân Do Thái. Theo Kinh thánh Tân ước thì Đức Giê su và các Tông đồ ăn mừng lễ Vượt qua vào đêm trước của lễ Vượt qua. Sau đó Đức Giê su đã chịu tử nạn trên cây thập tự vào chiều thứ sáu chính ngày lễ Vượt qua. Các môn đệ đã hạ xác Đức Giê su xuống khỏi cây thập tự và an táng Đức Giê su trong ngôi mộ đá. Đức Giê su đã phục sinh (sống lại) vào ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhật).

Ngày lễ Vượt qua của người Do Thái được tính theo lịch mặt trăng và ngày lễ bắt đầu vào ngày 14 tháng Nissan, lễ được kéo dài thêm một tuần nữa (Kinh thánh Cựu ước, sách Lê vi, chương 23, câu 4-7). Nissan là tháng đầu của mùa gặt vào mùa xuân, mùa đầu tiên của chu kỳ thời gian trong năm.

Nguồn gốc của lễ Vượt qua: Khi dân Do Thái còn đang bị lưu đày bên nước Ai Cập, thì Thiên Chúa phán bảo cùng Mô sê và Aaron là hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “ mùng 10 tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên con, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không có tật gì, phải là chiên đực được một năm tuổi. Có bắt dê cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày 14 tháng này [ Nissan], rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Đêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã vì đó là ngày Vượt qua của Chúa” (Kinh thánh Cựu ước, sách Xuất hành, chương 12, câu 1-11).

Thứ sáu lễ Vượt qua của người Do Thái được kỷ niệm vào ngày 14 âm lịch. Biến cố Đức Giê su phục sinh (sống lại) xảy ra sau ngày lễ Vượt qua, như vậy phải sau ngày trăng tròn.

Trong mùa xuân gồm các tiết: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ. Để ấn định ngày lễ Phục sinh của những năm trong tương lai, phải hội tụ đủ 3 yếu tố:

- Lễ Phục sinh phải là ngày Chúa Nhật

- Chúa Nhật Phục sinh phải đứng liền kề sau ngày rằm (trăng tròn)

- Ngày rằm ấy phải đứng liền kề sau tiết Xuân phân (sau tiết Xuân phân là tiết Thanh minh, nhưng không lấy tiết Thanh minh làm mốc thời gian. Bởi vì lễ Phục sinh có năm trước tiết Thanh minh, có năm lại sau tiết Thanh minh).

Tiết Xuân phân là ngày 20 hoặc 21 tháng 3 dương lịch. Như vậy cách tính ngày lễ Phục sinh vừa kết hợp dương lịch và âm lịch.

Tiết Xuân phân năm 2019 là ngày 21 tháng 3, ngày rằm (trăng tròn) sau tiết Xuân phân nhằm ngày 19 tháng 4 và Chúa Nhật liền kề sau rằm là ngày 21 tháng 4. Vậy lễ Phục sinh năm 2019 là Chúa Nhật ngày 21 tháng 4.

Tiết Xuân phân năm 2020 là ngày 20 tháng 3, ngày rằm (trăng tròn) sau tiết Xuân phân là ngày 7 tháng 4 và Chúa Nhật liền kề sau rằm là ngày là ngày 12 tháng 4. Vậy lễ Phục sinh năm 2020 là Chúa Nhật ngày 12 tháng 4.

Sau khi xác định được thời điểm Chúa Nhật Phục sinh, những nhà soạn lịch Phụng vụ Công Giáo mới lấy Chúa Nhật Phục sinh làm cột mốc thời gian tính ngược về trước để ấn định ngày bắt đầu khởi sự Mùa Chay là Thứ Tư Lễ Tro là ngày nào và tính lùi về sau lễ Phục sinh để ấn định lễ Chúa Giê su Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

Bởi thế ngày Thứ Tư Lễ Tro, Chúa Nhật Lễ Lá, Lễ Chúa Giê su Thăng thiên, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống không có ngày nhất định vì do các ngày lễ ấy phụ thuộc vào lễ Phục sinh.

Chúng ta có trong tay cuốn lịch Vạn niên và theo công thức đã trình bày ở trên, chúng ta có thể tính trước được ngày lễ Phục sinh trong những năm sắp tới một cách dễ dàng.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông – Nha trang
 
Thập Giá: Sứ Điệp Của Tình Yêu
Dom. Tạ Văn Tịnh, OP.
21:39 10/04/2019
Thập Giá – Sứ Điệp Của Tình Yêu

Cách đây gần hai ngàn năm, vào một buổi chiều ngày thứ sáu, ba cây thập giá được dựng lên trên đỉnh đồi Calvario – một ngọn đồi nằm ở ngoại ô phía Tây Bắc thành phố Giêrusalem, thủ đô nước Palestin. Trên ba cây thập giá ấy người ta treo ba con người bị kết án tử hình. Hai trong ba tử tội cùng chung một tội danh: trộm cắp. Người còn lại – kẻ bị treo ở chính giữa – thật khó mà định được tội trạng. Đối với người Do thái thì đó là một phạm nhân chính trị, tự xưng mình là vua, lại rao truyền một thứ giáo lý mới lạ…. Song, đối với những “kẻ được tuyển chọn” (1Cr 1,24) thì đó chính là Đấng Cứu Thế. Ngài bị treo trên thập giá để giải thoát muôn dân khỏi tội luỵ và sự chết. Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã rao giảng về đấng chịu sát tế cứu độ muôn dân như một cương lĩnh hào hùng (quasiment progammatique): “tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2,2). Sau biến cố trên đường đi Damas, Phaolô đã nhận ra từ tận căn thập giá là sự chiến thắng vinh hiển, và rao giảng về thập giá là một sự hãnh diện, đến nỗi “Niềm vinh dự của tôi là thập giá Đức Kitô” (xc.Gl 6,14).

Thập giá, xét như một phương thế, là một thứ nghịch thường, người ta chỉ dùng để xử tử kẻ phạm tội. Người Do thái, thời Đức Giêsu, quan niệm rằng: án treo trên thập giá là cái chết “ô nhục” (Dt 12,2) và “đáng nguyền rủa” (Gl 13,3) dành cho tử tội. Thế nhưng, Thiên Chúa đã chọn cái chết ấy cho Con của Ngài để biểu lộ tình yêu đối với thế gian. Chính vì lẽ đó, thập giá đã trở nên khác thường, nó không còn là nghịch cảnh của những án treo, nó trở thành sứ điệp của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Thập giá – kế hoạch cứu rỗi

Sau khi tạo dựng nên bầu trời thăm thẳm và địa cầu xinh tươi, Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (St 1,27) và cho con người sống trong một khuôn viên xinh đẹp và lộng lẫy. Thế nhưng, bằng một cách thức huyền bí nào đó, ác quỷ đột nhập vào địa cầu làm cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người bị biến dạng và trở nên tàn tạ. Từ đó tội lỗi và sự chết thống trị con người (x. Rm 5,12-14).

Vì lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa quyết định làm cho con người trở lại dáng vẻ tráng lệ và thiện hảo ban đầu. Ngài không phái một đạo binh thiên thần trên Thiên quốc xuống trần gian để tiêu diệt tà thần và ác quỷ – căn nguyên gây ra cám dỗ, nhưng dùng chính sự chết để tiêu diệt tội lỗi và sự chết do tội lỗi gây nên.

Thập giá, chúng ta đã nói ở trên, là một yếu tố thất bại thảm khốc nhất (x. 1Cr 1,23; Đnl 21,23) Thiên Chúa đã tận dụng cách triệt để để hoàn tất công việc cứu chuộc con người. Đồng thời, thập giá còn cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa vượt lên trên mọi suy tưởng và sự yếu đuối của con người.

Thập giá không loại trừ run sợ

Trong lá thư 2Cr 10-13 được viết bằng cảm xúc dạt dào, thánh Phaolô một mặt cho thấy sự đau khổ của sứ vụ tông đồ của ngài, mặt khác trưng ra sự yếu hèn trong thân phận làm người được bù đắp bởi sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Thập giá biểu hiện rõ ràng trong cách nhìn này: “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Sau đó, thánh nhân liên kết với sự yếu đuối của Đức Kitô: “Người đã bị đóng đinh trong sự yếu đuối của mình” (2Cr 13,4)

Thật thế, tình yêu không cất đi sự run sợ, nó mang lại cho run sợ một ý nghĩa. Hình ảnh Đức Giêsu thao thức, lo buồn và cầu nguyện suốt đêm trong vườn Gethsemane nói lên sự run sợ tột đỉnh trước thập giá. Người quỵ xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi mình: “Cha ơi! ... xin cho con khỏi uống chén này” (Mc 14,36). Thế nhưng, hình ảnh đó không bị phó mặc cho sự yếu đuối của bản tính làm người nơi Đức Giêsu mà trao phó cho ý muốn của Chúa Cha. Người Con biết rằng, để ý Cha nên trọn thì đồng nghĩa với việc chấp nhận cho người ta treo lên thập giá và giết đi. Run sợ trở nên ý nghĩa khi Đức Giêsu từ chối bản thân mình và vâng phục hoàn toàn theo thánh ý Thiên Chúa “xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Mc 14,36).

Thánh Phaolô đã nhắc lại lời của tiên tri Isaia trong Pl 2, 6-11: Đức Kitô trở thành đầy tớ và đã hạ mình vâng phục để thi hành sứ mạng. Như vậy, cái chết của Đức Kitô có ý nghĩa vì “vâng phục” chứ không phải là vì hệ quả của kẻ kết án.

Tuy nhiên, chiến thắng của thập giá không phải là sự chiến thắng bằng võ lực, nhưng là cách thức vượt qua run sợ và đau thương.

Thập giá – một thực tại đau khổ

Đau khổ là một thực tại hiện sinh mà con người không thể tránh được trong cuộc đời của mình. Có khi đau khổ là một cuộc sống cùng cực, bất hạnh hay xa cách, cũng có khi là thương vong. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, mặc lấy thân phận của kiếp phàm nhân, cũng không đi ra ngoài thực tại ấy của kiếp người.

Xét trên phương diện tinh thần, đau thương của thập giá, tiên vàn là sự sỉ nhục mang tính trần tục. Thập giá, theo lẽ thường, là cái giá hình chữ thập người ta dùng để đóng đinh kẻ phạm pháp. Đối với người Roma, hình phạt ấy bất xứng với ngay cả công dân đáng khinh bỉ nhất của họ. Như thế, Đức Giêsu đã bị liệt vào hàng ngũ tội nhân bất xứng. Ngài chịu đóng đinh cùng với hai tên trộm cắp. Ngài không phạm tội nhưng chúng ta phạm tội. Định mệnh của Đức Giêsu chính là định mệnh của con người “Vì tội lỗi mà sự chết xâm nhập thế gian” (Rm 5,12), nhưng cũng vì thế gian mà Ngài bị trao nộp (x. 1Cr 15,3), bị khinh khi, ruồng rẫy, bị lột trần trước bàn dân thiên hạ.

Thứ đến, đó là sự cô đơn. Trên thập giá, Đức Giêsu như rơi xuống tột cùng của sự tuyệt vọng, cuộc sống xung quanh toàn là mầu xám thê lương. Không ai dám lên tiếng bảo vệ cho Ngài. Đức Maria, thánh Gioan và những người theo Chúa chỉ biết lặng mình để nhìn người ta treo Đức Giêsu lên thập giá. Các môn đệ khác chạy trốn vì sợ hãi. Người Cha cũng không can thiệp mà để mặc cho người ta dày xéo thân xác con Ngài. Dưới chân thập giá toàn là mũi đòng và lính tráng. Người ta còn chửi rủa và phỉ nhổ kẻ bị đóng đinh. Không có nỗi cô đơn nào lớn hơn. Đức Giêsu phải thốt lên rằng: Ê-li Ê-li, lê-ma xa-bac-tha-ni "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?" (Mt 27,46).

Trên bình diện thể lý, đau thương của thập giá là những roi đòn lằn trên thân xác Đức Giêsu. Vẻ đẹp của Ngài bị biến dạng và tàn tạ bởi sự hành hạ và dày xéo của những tên lính độc ác. Thay vì đội vương miệng cho vị vua, chúng đội lên đầu Đức Giêsu một vòng gai, rồi lại còn cho Ngài uống dấm chua mật đắng. Hành động này không phải là để cho Đức Giêsu nhanh chóng đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng là để kéo dài cơn đau đớn của Ngài, làm cho Chúa phải gặm nhấm thời khắc của sự đau đớn tột cùng.

Thánh Phaolô loan báo về Đức Giêsu luôn là Đấng đã bị đóng đinh như vậy. Sự “vấp phạm” và “điên dại” của thập giá là sự kiện ở nơi xem ra chỉ có sự xỉ nhục, cô đơn, đau đớn và thua cuộc, thì chính nơi đó lại là sự thể hiện quyền năng tình yêu thương của Thiên Chúa. Đối với người Do thái, thập giá ngăn cản lòng tin của tín hữu đạo đức, không tìm thấy gì giống như thế trong Kinh thánh, và nó đi ngược lại với bản thể của Thiên Chúa là Đấng tỏ hiện ra với các điềm thiêng dấu lạ. Như thế, chấp nhận thập giá của Chúa Kitô có nghĩa là hoán cải sâu đậm trong liên hệ với Thiên Chúa, là từ khước lòng trung tín với Thiên Chúa của cha ông họ. Hơn nữa, việc Đức Giêsu chịu chết trên thập giá thực sự là chuyện ô nhục và tồi tệ trước mặt họ. Với Do thái, thập giá là skandalos nghĩa là “bẫy sập” hay “hòn đá gây vấp ngã”; và tử thi tự nó đã là vật ô uế rồi, lại bị phơi bày giữa trời nữa thì quả là đồ bị Chúa ruồng bỏ (xc. Gl 3.13). Với Hy lạp, tiêu chuẩn phán đoán chống lại thập giá là lý trí. Họ gọi thập giá là moria nghĩa là “sự điên dại”, dịch sát nghĩa là “nhạt nhẽo”, “vô vị”. Vì thế hơn là một sai lầm, nó là sự phỉ báng lương tri con người hay là “sự điên rồ” (1Cr 1,23). Nhưng, thánh Phaolô chấp nhận cả hai cách phản ứng hợp lý đó và dùng nó làm lập luận nghịch lý để trình bày kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, Đấng đã dùng thập giá để biểu lộ tình yêu đối với thế gian và nhờ con của người mà thế gian được cứu độ.

Thập giá minh chứng tình yêu

Chúng ta biết rằng, tội nguyên tổ đã phá đổ căn bản mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Hệ lụy của nó lưu truyền cho hậu thế và làm cho sự chết thống trị con người. Nhưng vì lòng thương xót, Thiên Chúa không để con người phải chết trong đau khổ. Ngài ban Con Một cho trần thế hầu thực hiện chương trình cứu rỗi. Cái chết thê thảm của Đức Giêsu được mô tả trên đây là cùng đích của chương trình ấy.

Thế nhưng, tại sao Đức Giêsu phải chết? Nếu như con người phạm tội bất tuân đối với Thiên Chúa thì chỉ cần Ngài nói lời tha tội cho con người thì tội lỗi sẽ được tha, hay nói một cách hình ảnh: Thiên Chúa chỉ cần rỏ một giọt nước xuống trần gian thì muôn vàn tội lỗi của con người sẽ được sửa sạch mà không cần đến thập giá; hay là do nguyên tổ đã phạm tội quá lớn đến nỗi phải cần đến sự tiêu hủy của Con Một Thiên Chúa mới có thể đền đáp được? Không. Thưa rằng, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là một minh chứng cho tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa Cha đối với con người.

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu là một cuộc chiến mà chúng ta là căn điểm. Người không phạm tội nhưng chúng ta phạm tội. Người mang lấy tội luỵ của nhân gian để chịu đóng đinh trên thập giá. Cuộc chiến đó không phải với năm cục đá Đavít đã dùng để giết Goliat nhưng bằng năm vết thương ghê gớm nơi chân tay và cạnh sườn. Cuộc chiến giữa một bên là vũ khí lấp loáng, một bên là kẻ bị treo trên thập giá với những giọt máu rỉ rả rơi xuống đến giọt cuối cùng. Nhưng thật lạ lùng, trong cuộc chiến này, kẻ mạng vong lại thắng cuộc.

Đức Giêsu đã vì vâng phục Chúa Cha mà chấp nhận cái chết (x. Pl 2,6-11), nhưng Thiên Chúa đã cho Người phục sinh vào ngày thứ ba sau khi chịu chết. Nhờ cái chết của Đấng chịu đóng đinh mà tội lỗi của con người bị tiêu diệt và nhờ sự phục sinh vinh hiển của Người mà thế gian được sống lại. Cũng nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu mà có sự giao hòa giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người (Rm 5, 10-11), giữa Do thái và dân ngoại (x. Cl 1,20), đồng thời, trên cây thập giá Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người và yêu thương đến cùng.

Để kết

Thập giá, tự bản chất, là yêu thương và tha thứ. Vì yêu thương nhân loại mà Con Thiên Chúa phải chết treo trên thập giá, nhưng cũng vì sự chết của Đấng bị treo mà tội lỗi của con người được tha thứ. Tình yêu cốt ở tính biện chứng này của thập giá. Chúng ta được giải án tuyên công cách nhưng không bởi ân nghĩa của thập giá, nhờ công nghiệp trong Đức Kitô (x. Rm 3, 24-25). Trong tư tưởng của thánh Phaolô, “Hy tế đền tội” có chiều kích thiêng liêng sâu xa. Cái chết có giá trị đền tội, không phải là vì cái chết đẫm máu, nhưng là vì hành vi yêu thương và vâng phục. (Pl 2, 6-11).

Thập giá, một khi Thiên Chúa dùng làm phương thế để cứu rỗi con người thì nó không còn là nghịch cảnh của những kẻ bị treo nữa, nó trở thành sứ điệp cứu rỗi nhân loại. Cái chết của Đức Kitô có tác động làm biến đổi linh hồn con người từ trạng thái tội lỗi sang trạng thái thuần khiết và được giải phóng khỏi tù ngục vây hãm. Từ đó con người như được sinh ra lại trong ơn nghĩa với Thiên Chúa. Ngay lúc trên thập giá, Đức Kitô đã hứa với một trong hai tên trộm: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

Như vậy, qua thập giá của Đức Kitô, chúng ta được chia sẻ vào sự chết với Người. Cái chết của chúng ta, thực sự, là sự khởi đầu cho một cuộc sống vĩnh cửu. Lời của triết gia Trung Quốc cổ đại Lão tử đến đây mới được “ứng nghiệm”: Sinh giã tử chi đồ, tử giã sinh chi thuỷ. Vẻ đẹp của con người được phục hồi hoàn toàn nhưng không phải là cuộc sống trần tục mà là sự sống viên mãn trên Thiên Quốc cũng như vẻ đẹp sơ nguyên của nó. Adam và Eva được tạo dựng và sống trong địa đàng của Thiên Chúa như thế nào thì linh hồn con người cũng được sung hưởng sự sống như vậy trong Thiên Quốc.

Tuy nhiên, thập giá không phải chỉ mang “giá trị Nước Trời”, nó còn là một thực tại nhắm đến con người được bắt gặp trong những biến cố cụ thể. Sau sự kiện 11/09/2001, người ta tìm thấy một thanh sắt hình cây thập giá trong đống đổ nát của tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới. Sau đó, cây thập giá này được sử dụng trong các thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho những người xấu số và cả những người làm việc ở đó. Phải chăng giữa cảnh chết chóc và hận thù, người ta dùng cây thập giá để mời gọi yêu thương và tha thứ? để hy vọng khi tuyệt vọng? Và, phải chăng sự hiện diện âm thầm của cây thập giá là lời nhắc nhở thâm thúy về những giới hạn tất nhiên của con người cũng như chính cuộc đời?
 
Văn Hóa
Kiếp người!
Gioakim Trương Đình Giai
10:11 10/04/2019
Kiếp người!

Không biết tự bao giờ
Tôi bỗng để ý tới
Những chiếc lá vàng rơi
Lả chả trên sân trường
Vào một chiều tan học,
Ngồi trên băng ghế đá,
Đợi xe đưa tôi về...
Không biết mỗi một ngày
Có bao nhiêu chiếc lá
Rơi lả chả trên sân,
Qua một làn gió nhẹ
Chẳng có ai đoái hoài,
Âm thầm chúng vẫn rơi…
Chúng mọc lên khi nào?
Tôi chẳng hề hay biết
Chúng sinh sống thế nào?
Tôi cũng chẳng hề hay.
Chỉ biết rằng hôm nay
Chúng rơi xuống trên đường,
Và ra đi vĩnh viễn,
Không bao giờ trở lại.
Tuy chúng vẫn còn đó,
Nhưng đời chúng hết rồi,
Chẳng ai đoài hoài tới,
Vô tư giẫm đạp lên.
Chúng nằm đó chờ đợi
Người quét rác thu gom,
Tiễn đưa chúng vào lò,
Làm mồi cho ngọn lửa,
Hoặc bị gió cuốn đi
Chẳng hay đến phương nào,
Với thời gian tan biến,
Trở về cõi hư vô...

Cuộc đời tôi cũng thế,
Một hôm sinh vào đời,
Chẳng biết sống bao lâu,
Rồi một mai tan biến,
Biến đi khỏi cuộc đời,
Như những chiếc lá rơi,
Vào một chiều tan học,
Giờ đây không còn nữa,
Giã từ cõi thế gian,
Như chưa từng bao giờ
Có mặt trên dương thế.
Dù ai kia khóc lóc,
Tiếc thương đôi ba ngày,
Với thời gian trôi chảy,
Sẽ đi vào lãng quên...
Hỏi còn lại được gì
Ngoài một nắm xương tàn,
Với hai ba nén nhang
Đã từ lâu ngụm tắt,
Giữa đêm sương giá lạnh,
Trong thế giới con người,
Một mình tôi đơn côi!!!

Gioakim Trương Đình Giai
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đồi Xuân Mùa Chay
Dominic Đức Nguyễn
08:42 10/04/2019
ĐỒI XUÂN MÙA CHAY
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Mua chay màu tím ai hay?
Phải chăng màu tím ở ngay lòng người
Mùa chay nhắc nhở loài người
Ăn năn thống hối đừng lười biếng nha
Trở về ! xin Chúa thứ tha
(Trích thơ của Khương Thụy Phùng)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 11/04/2019: Tiết lộ mới nhất – Medjugorje tin hay không tin?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:28 10/04/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Trung Quốc san bằng nhà thờ Công Giáo duy nhất tại một thành phố của tỉnh Thiểm Tây

Sáng 4 tháng Tư, trước những tiếng khóc nghẹn ngào của anh chị em giáo dân và những cái nhìn đầy kinh ngạc của người đi đường, bọn cầm quyền Trung Quốc đã san bằng ngôi nhà thờ duy nhất tại thành phố Tiền Dương thuộc tỉnh Thiểm Tây.

Giáo xứ Tiền Dương nằm ở một khu vực rất nghèo của tỉnh Thiểm Tây và là nơi sinh sống của khoảng 2,000 người Công Giáo, tất cả đều là nông dân. Ngôi nhà thờ gồm hai tầng. Tầng trên là nơi thờ phượng. Tầng dưới là nhà ở của các nữ tu và văn phòng nơi các nữ tu cung cấp các dịch vụ y tế, khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo.

Giáo phận Phượng Tường được chăm sóc bởi Đức Cha Luca Lý Kính Phong cho đến ngày ngài qua đời hôm 17 tháng 11, 2017 có một tính cách rất đặc biệt trong bối cảnh của Giáo Hội Trung Quốc: đó là giáo phận duy nhất mà cả các tín hữu lẫn giám mục đều không phải là thành viên của Hội Công Giáo Yêu nước. Từ ngày 17 tháng 11, 2017, Đức Cha Phêrô Lý Hội Nguyên 54 tuổi, Giám Mục Phó, lên thay vẫn giữ được truyền thống này.

Một số nhà quan sát cho rằng bạo lực đối với giáo xứ Tiền Dương là một cách để buộc giáo phận Phượng Tường phải áp dụng các quy định tôn giáo mới và buộc các giám mục và linh mục phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu nước.

Những người khác cho rằng bọn lãnh đạo tại thành phố Tiền Dương hiện nay gồm toàn những kẻ theo chủ nghĩa cộng sản cực đoan của Mao, coi “tôn giáo là một ảo mộng cần phải bị xóa bỏ”.

2. Sơ Eugenia Bonetti được giao viết các bài suy niệm Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Colôsêô

Hôm thứ Sáu 5 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

“Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy thác việc biên soạn các bài suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Colôsêô cho nữ tu Eugenia Bonetti, thuộc dòng thừa sai Consolata, và là Chủ tịch Hiệp hội ‘Slaves no More’.

Sự đau khổ của nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người sẽ là chủ đề chính của các bài suy niệm.”

Sơ Eugenia Bonetti có bằng Thạc sĩ về Thần học và là thành viên của Liên hiệp các Bề trên Thượng cấp của Italia, phụ trách lãnh đạo công tác chống buôn người. Trong vai trò này, Sơ Bonetti phụ trách 250 nữ tu trên khắp thế giới, là những người làm việc để giúp các cô gái trẻ và các phụ nữ thoát khỏi những mạng lưới mại dâm.

Sơ Bonetti đã xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Not My Life”, trong đó sơ nói về công việc của mình ở Ý. Năm 2005, Sơ Bonetti tham gia một hội nghị do Tòa Thánh tài trợ để tìm hiểu cách thế Giáo Hội Công Giáo có thể chăm sóc mục vụ tốt hơn cho những phụ nữ bị ép làm gái mại dâm.

Sơ Bonetti được đưa vào danh sách mười người hàng đầu thế giới năm 2007 do tờ Inside the Vatican bình chọn.

Sơ Bonetti đã giành được Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2007 và giải thưởng Công dân Châu Âu năm 2013.

Theo chương trình, lúc 9 giờ 15 phút tối thứ Sáu Tuần thánh, 19 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma.

Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Có khoảng 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.

Truyền thống đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo đã được người Công Giáo Rôma thực hành trong nhiều thế kỷ bắt đầu từ thế kỷ 18 dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14, và được hồi sinh vào năm 1964 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo cũng trở thành một sự kiện được truyền hình trên toàn thế giới.

Ban đầu, chính Đức Giáo Hoàng tự mình vác thập tự giá từ chặng này sang chặng khác, nhưng trong những năm cuối đời ngài, khi tuổi tác và bệnh tật hạn chế sức khoẻ của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã chủ sự buổi lễ từ một khán đài trên đồi Palatine. Chỉ vài ngày trước khi qua đời vào năm 2005, Đức Gioan Phaolô II đã theo dõi buổi đi đàng Thánh Giá từ nhà nguyện riêng của ngài trong khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin chủ sự toàn bộ buổi lễ.

Truyền thống viết các bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum khác với những bài nguyện ngắm như trong các kinh bổn thường đọc đã được bắt đầu với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1991. Văn bản các chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Colosseum phản ảnh cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo trước thực trạng văn hóa, xã hội và luân lý trong xã hội đương đại. Nó cũng nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, tình trạng bất công, những khổ đau của người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Nhiều bài suy niệm đã đi vào lịch sử như những áng văn chương tuyệt tác như bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum vào năm 2007 của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Sản Văn Hoá của Giáo Hội.

3. Chính Thống Giáo tẩy chay chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bảo Gia Lợi

Trong tuyên bố đưa ra khi kết thúc phiên khoáng đại hôm 3 tháng Tư, 2019, Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi hay còn gọi là Bungari cho biết Giáo Hội Chính Thống tại quốc gia này sẽ không tham dự vào bất kỳ Phụng Vụ hay cầu nguyện chung nào.

Thánh Hội Đồng nói rằng họ đã quyết định viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Anselmo Guido Pecorari, là Sứ thần Tòa thánh tại Bảo Gia Lợi, nói rằng vì lời mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Bảo Gia Lợi đã đến từ chính quyền quốc gia này, nên thật phù hợp là chính quyền phối hợp với Tòa Thánh trong các sự kiện liên quan đến chuyến thăm. Chính Thống Giáo tại Bảo Gia Lợi sẽ không tham gia vào các sự kiện đó.

Thánh Hội Đồng cho biết thêm là Đức Thượng Phụ Neofit và các thành viên của Thánh Hội Đồng đã chuẩn bị đón Đức Thánh Cha Phanxicô tại trụ sở của Thánh Hội Đồng vào ngày 5 tháng 5, như được dự kiến trong chương trình dự thảo.

Tuyên bố nói thêm: “Một chuyến viếng thăm nhà thờ Alexander Nevsky là có thể, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng bất kỳ hình thức phụng vụ hoặc cầu nguyện chung, với các trang phục phụng vụ, đều không thể chấp nhận được, vì giáo luật không cho phép điều đó.”

“Cũng vì lý do này, sự tham gia của dàn hợp xướng của Đức Thượng Phụ trong các buổi lễ là không thể được.”

Thánh Hội Đồng cũng bác bỏ sự hiện diện của các vị đại diện cho Đức Thượng Phụ Neofit trong tất cả các sự kiện khác được hoạch định trong chương trình dự thảo do chính quyền Bảo Gia Lợi đề nghị.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa thánh cũng được thông báo rằng:

“Liên quan đến đề nghị của ngài xin phó tế Ivan Ivanov tham gia với tư cách là một thông dịch viên trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Bảo Gia Lợi, Thánh Hội Đồng không ban phép việc này, ngoại trừ trong các chuyến viếng thăm trụ sở của Thánh Hội Đồng và Nhà thờ Chính Tòa Thánh Alexander Nevsky”.

Cuối cùng, tuyên bố nhấn mạnh rằng “Thánh Hội Đồng cũng không ban phép cho bất kỳ giáo sĩ Chính thống Bảo Gia Lợi nào tham gia vào tất cả các sự kiện khác trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Bảo Gia Lợi.”

4. Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bảo Gia Lợi và Cộng hòa Bắc Macedonia

Theo dự trù, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Bảo Gia Lợi và Cộng hòa Bắc Macedonia từ ngày 5 đến 7 tháng 5 năm 2019. Đây là chuyến tông du thứ 29 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 4 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, và Rabat.

Chúa Nhật 5 tháng 5

Sáng Chúa Nhật 5 tháng 5, lúc 7 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế của thủ đô Sofia vào lúc 10 giờ, theo giờ địa phương. Thủ tướng Boiko Borissov sẽ đón ngài tại phi trường và sau đó lễ nghi chính thức đón tiếp sẽ diễn ra tại khuôn viên phủ tổng thống.

Sau khi hội kiến với Tổng thống Roumen Radev, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Quảng trường Atanas Burov.

Kế đó, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm xã giao Ðức Thượng Phụ Neofit, là Giáo chủ Chính Thống Bảo Gia Lợi, cùng với Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này trước khi đến cầu nguyện riêng trước ngai của hai thánh Cirillo và Metodio. Hai vị thánh này là bổn mạng các dân tộc Slave, tại Nhà thờ chính tòa thánh Alexander Nevsky của Tòa Thượng Phụ.

Buổi trưa, Đức Thánh Cha sẽ đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Nevsky.

Ban chiều, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Quảng trường Knynaz Alexandar vào lúc 5 giờ chiều.

Thứ Hai 6 tháng 5

Sáng thứ Hai, 6 tháng 5 năm 2019, lúc 9 giờ rưỡi sáng, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến Rakovsky, là thị trấn có 17 ngàn dân cư ở mạn đông nam thủ đô Sofia, là vùng có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Bảo Gia Lợi.

Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Thánh Tâm, và cho hàng trăm trẻ em sẽ được rước lễ lần đầu. Sau lễ, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục Bảo Gia Lợi tại tu viện Thánh Tâm của các nữ tu dòng Phan Sinh.

Buổi chiều, Ðức Thánh Cha sẽ gặp cộng đoàn Công Giáo tại Nhà Thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Rakovsky, trước khi đáp máy bay trở về thủ đô Sofia vào lúc 5 giờ chiều để chủ sự buổi cầu nguyện cho hòa bình cùng với các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo tại Bảo Gia Lợi ở Quảng trường Nezavisimost. Trong tuyên bố hôm 3 tháng Tư Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi bác bỏ khả năng họ sẽ đến tham dự buổi cầu nguyện đại kết này.

Thứ Ba 7 tháng 5

Sáng thứ Ba, 7 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha sẽ giã từ phi trường thủ đô Sofia lúc 8 giờ 20 để bay đến phi trường quốc tế Skopje của Cộng hòa Bắc Macedonia.

Skopje cách Sofia 174 km theo đường chim bay, và trễ hơn Sofia một giờ nên Đức Thánh Cha sẽ đến nơi vào lúc 8 giờ 15 phút giờ địa phương.

Tại đây, ngài sẽ gặp gỡ Tổng thống Gjorge Ivanov, Thủ tướng Zoran Zaev và chính quyền dân sự, cùng với ngoại giao đoàn tại Phủ Tổng thống.

Sau đó, Ðức Thánh Cha sẽ viếng đài kỷ niệm Mẹ Têrêsa Calcutta cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo địa phương, và gặp gỡ những người nghèo.

Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Macedonia, trước khi dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng.

Ban chiều cùng ngày, Ðức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn với giới trẻ tại Trung Tâm Mục Vụ, trước khi có cuộc gặp gỡ các Linh Mục, các gia đình và nam nữ tu sĩ tại Nhà thờ Chính tòa Skopje.

Ðức Thánh Cha sẽ rời phi trường quốc tế thủ đô Bắc Macedonia lúc 6 giờ rưỡi chiều để trở về Roma. Theo dự kiến, ngài sẽ về đến phi trường Ciampino vào lúc 8 giờ rưỡi tối.

5. Đức Thánh Cha khích lệ các nhà báo: Hãy mạnh mẽ cổ vũ cho việc thông tin trung thực và tôn trọng phẩm giá con người

Trong bài phát biểu hôm thứ Năm 4 tháng 5, trước phái đoàn các các nhà báo, và các nhà sản xuất các chương trình truyền hình Công Giáo, và Tin Lành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào ba điểm chính sau đây.

Đối thoại

Đức Thánh Cha đã ca ngợi điều mà ngài gọi là cuộc đối thoại sống động giữa các Giáo hội và giới truyền thông công cộng ở Đức. Ngài nói thêm rằng “cuộc đối thoại này mang lại sự hiểu biết, mở ra những chân trời và tạo ra không gian cho những trao đổi thông tin, ý kiến và phân tích tự do và cởi mở.”

Tường trình đúng thực tại

Điểm thứ hai trong diễn từ của Đức Thánh Cha liên quan đến việc tường trình đúng thực tại và ngài khuyến khích các thành viên trong phái đoàn nỗ lực đề cao việc thông tin trung thực thay vì các tin giả, những thực tại khách quan thay vì các tin đồn, các nghiên cứu chính xác thay vì những nội dung phỏng đoán.”

Nhân phẩm

Chuyển sang điểm thứ ba tập trung vào phẩm giá của con người, Đức Thánh Cha nhận xét rằng rằng “Trong khoảng một thời gian dài, chúng ta đã chứng kiến một biến chuyển đáng lo ngại trên thế giới: đó là sự thách thức quyền sống, đề cao an tử, bác bỏ công bằng xã hội, sự thiếu hòa nhập, vi phạm nhân phẩm và tự do lương tâm.”

Trong bối cảnh này, truyền thông công cộng có trách nhiệm giữ vững lập trường vì thiện ích và tự do quý giá của con người. Ngài nhấn mạnh rằng “Giáo Hội hỗ trợ anh chị em trong công tác phục vụ này, vì Giáo Hội được ủy thác một sứ mạng của Chúa Kitô Đấng đã đến giữa nhân loại để họ được sống và sống dồi dào.”

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha lưu ý rằng với tư cách là các nhà báo, họ phải đặt con người vào trung tâm của sự chú ý và ngài bày tỏ hy vọng rằng báo cáo của họ sẽ không bao giờ thiếu những câu chuyện, những tin tức đáng đề cập đến nhằm mang lại hy vọng cho mọi người.

6. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Wilton Daniel Gregory làm Tổng Giám Mục Washington DC

Trong thông báo đưa ra hôm thứ Năm 4 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức bổ nhiệm Đức Cha Wilton D. Gregory, hiện là Tổng Giám Mục Atlanta, làm Tổng Giám Mục thủ đô Washington DC.

Đức Tổng Giám Mục Wilton D. Gregory sinh ngày 7 tháng 12 năm 1947 tại Chicago. Sau khi học hết tiểu học ở Chicago, ngài vào tập viện Quigley. Ngài hoàn thành triết học tại Đại học Niles và thần học tại Chủng viện Saint Mary of the Lake ở Mundelein. Sau đó, ngài đạt được bằng Tiến sĩ Phụng vụ tại Đại Học Giáo hoàng Thánh Anselmo ở Rôma vào năm 1980.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 9 tháng 5 năm 1973 tại Tổng giáo phận Chicago.

Ngài đã từng giữ các vị trí sau: phó xứ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Glenview; Sinh viên tại Rôma; Giáo sư Phụng vụ tại Chủng viện Saint Mary of the Lake ở Mundelain, Thành viên Văn phòng Phụng vụ Tổng giáo phận và Trưởng ban Nghi lễ cho các Đức Hồng Y Cody và Bernardin.

Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Chicago vào ngày 18 tháng 10 năm 1983 và được tấn phong vào ngày 13 tháng 12 cùng năm.

Ngày 29 tháng 12 năm 1993, ngài được bổ nhiệm Giám Mục thứ bẩy của Belleville và chính thức nhận tòa vào ngày 10 tháng 2 năm 1994.

Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Atlanta vào ngày 9 tháng 12 năm 2004 và nhậm chức vào ngày 17 tháng 1 năm 2005. Ngài coi sóc tổng giáo phận này từ đó đến nay.

Trong Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ, ngài từng là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thành viên của Ủy ban Hành pháp và Hành chính, Thành viên các Ủy ban Giáo lý Đức tin, Ủy ban Chính sách Quốc tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự, Ủy ban về Thiên niên kỷ thứ ba 3. Nhẹ nhất là 10 năm tù. Nặng nhất là tù chung thân vì tham gia vào một kế hoạch đánh bom tự sát tại một nhà thờ ở thành phố Alexandria của Ai Cập. Bên cạnh đó, còn có các cáo buộc khác nữa, các quan chức tòa án cho biết như trên.

Chính quyền cho biết tại thời điểm bị bắt giữ các bị cáo đã bị tiêm nhiễm các ý tưởng của quân khủng bố Hồi Giáo IS và đã được đào tạo ở nước ngoài, cũng như tại Ai Cập.

20 trong số 30 bị cáo xuất hiện tại tòa án đã không phản ứng gì trước các bản án, và các luật sư đại diện cho họ cũng không đưa ra lời bình luận nào ngay lập tức. 10 người còn lại vẫn còn đang lẩn trốn và bị kết án vắng mặt.

Cuộc tấn công vào nhà thờ đã không diễn ra. Nhưng các Kitô hữu thiểu số đã phải đối mặt với một loạt các cuộc tấn công ở Alexandria và các khu vực khác của Ai Cập trong những năm gần đây.

Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tự sát vào các nhà thờ ở Alexandria và Tanta vào tháng 4 năm 2017 khiến 45 người thiệt mạng.

Các bị cáo cũng bị buộc tội lên kế hoạch đánh bom một cửa hàng rượu ở thành phố Damietta bên bờ Địa Trung Hải, bên cạnh đó còn có tội gia nhập một nhóm bất hợp pháp và sở hữu vũ khí và chất nổ.

18 người trong số họ đã bị tù chung thân, kéo dài ít nhất 25 năm ở Ai Cập; 8 người lãnh 15 năm tù; và 4 người đã bị kết án 10 năm. Chánh án Tòa án Hình sự Alexandria cho biết như trên.

Ai Cập đã đàn áp các nhóm Hồi giáo quá khích kể từ khi Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi lãnh đạo cuộc lật đổ quân sự năm 2013, bắt giam Tổng thống được bầu tự do đầu tiên, Mohamed Morsi, của nhóm Huynh đệ Hồi giáo.

7. Sau 15 tháng sống tại Medjugorje, Đặc sứ của Đức Thánh Cha nói gì?

Tờ Avvnire, nghĩa là Tương lai, là nhật báo của Hội Đồng Giám Mục Ý, đặt trụ sở ở thành phố Milan, với số phát hành lên đến hơn 100,000 ấn bản mỗi ngày. Trong số ra ngày thứ Năm 4 tháng Tư ký giả Vincenzo Varagona đã có cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser là Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Medjugorje mà người Việt thường gọi là Mễ Du.

“Medjugorje là dấu chỉ của một Giáo hội sống động,” Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, người Ba Lan, cho tờ Avvnire biết như trên sau 15 tháng thay mặt cho Đức Thánh Cha tại đây. Ngài từng được bổ nhiệm tại Phi châu, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ba Lan, trước khi được Đức Thánh Cha Phanxicô gởi đến Medjugorje, một giáo xứ trong vùng Balkan được toàn thế giới biết đến sau các báo cáo cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra bắt đầu từ ngày 26 tháng 6 năm 1981. Một số trong sáu người được tin là đã thấy Đức Mẹ hiện ra cho rằng Đức Mẹ vẫn tiếp tục hiện ra.

Đức Tổng Giám Mục Hoser đã dành cho tờ Avvnire cuộc phỏng vấn sau đây khi ngài vừa chấm dứt một bài giáo lý cho một nhóm rất đông những người hành hương Ý, trong “căn phòng màu vàng” rất rộng lớn, là nơi cũng được sử dụng để các tín hữu có thể theo dõi các nghi thức Phụng Vụ qua các màn ảnh truyền hình được đặt nơi đây, vì ngôi nhà thờ lớn đã trở nên không đủ chỗ.

Vincenzo Varagona: Khung cảnh trước mắt chúng ta là một ngôi “nhà thờ chính tòa” được mọc lên không thể giải thích được trong một vùng nông thôn không có người ở.

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Đó là một dấu chỉ tiên tri. Ngày nay khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, từ 80 quốc gia. Mỗi năm chúng tôi tiếp gần ba triệu người.

Vincenzo Varagona: Đức Cha đánh giá thế nào về thực tại này?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Tôi đánh giá trên ba bình diện. Thứ nhất là trên bình diện địa phương, giáo xứ; thứ hai là trên bình diện quốc tế, được nối kết với lịch sử của miền đất này, nơi có những người Croatia, Bosnia, Công Giáo, Hồi giáo, Chính thống; và thứ ba là bình diện toàn cầu, với các tín hữu đến từ mọi lục địa, đặc biệt là người trẻ.

Vincenzo Varagona: Trước những hiện tượng như thế này, luôn luôn có những ý kiến trái ngược được thảo luận một cách thẳng thắn, Đức Cha có ý kiến gì không?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Medjugorje không còn là một nơi bị “nghi ngờ”. Tôi được Đức Giáo Hoàng phái đến để đánh giá hoạt động mục vụ tại giáo xứ này, nơi lòng đạo đức bình dân rất mãnh liệt, được hình thành một mặt từ những hoạt động phụng tự truyền thống như đọc Kinh Mân Côi, chầu Thánh Thể, các cuộc hành hương, Đàng Thánh Giá; và mặt khác là các hoạt động đâm rễ trong các bí tích, ví dụ như bí tích Hòa giải.

Vincenzo Varagona: So với các kinh nghiệm Đức Cha đã trải qua ở các nơi khác, điều gì đánh động Đức Cha nhất ở đây?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Đây là một môi trường thích hợp cho im lặng và chiêm niệm. Bầu khí cầu nguyện lan tỏa không chỉ dọc theo Đàng Thánh Giá, mà còn trong “tam giác” được vẽ từ nhà thờ San Giacomo, đến ngọn đồi hiện ra và chấm dứt ở núi Krizevac. Trên đỉnh núi này từ năm 1933 đã có một cây thánh giá lớn màu trắng, được dựng lên nửa thế kỷ trước khi có các cuộc hiện ra, nghĩa là vào năm thứ 1,900 năm sau cái chết của Chúa Giêsu. Những điểm này là yếu tố cấu thành cuộc hành hương đến Medjugorje. Phần đông các tín hữu không đến đây vì các cuộc hiện ra. Bầu khí thinh lặng cầu nguyện với những giai điệu nhẹ nhàng của âm nhạc hài hòa là một phần của văn hóa này, trầm buồn, sâu lắng, nhưng đầy sự dịu dàng. Nhiều bản nhạc của cộng đoàn Taizé được dùng, tạo nên bầu khí thích hợp để suy gẫm, chiêm niệm, phân tích đời sống của mình và cuối cùng đối với nhiều người là hoán cải. Nhiều người chọn những giờ vào ban đêm để đi lên các đồi hiện ra và lên cả núi Thánh giá Krizevac.

Vincenzo Varagona: Mối quan hệ của Đức Cha với các “thị nhân” như thế nào, thưa Đức Cha?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Tôi đã gặp tất cả. Lúc đầu tôi gặp bốn người, rồi hai người kia nữa. Mỗi người trong số họ có câu chuyện riêng, một gia đình riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ phải tham gia vào cuộc sống của giáo xứ.

Vincenzo Varagona: Công việc của Đức Cha tại đây như thế nào?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Tôi chú trọng đặc biệt đến vấn đề củng cố đời sống tâm linh. Tất nhiên, không dễ để nói về điều đó với những người, mà lúc này lúc khác bằng các phương pháp khác nhau, tuyên bố rằng mình đã nhận được thông điệp của Đức Mẹ trong gần 40 năm qua. Tất cả chúng ta đều biết rằng tất cả mọi người, kể cả các giám mục, đều cần phải được liên tục củng cố đời sống tâm linh, trong bối cảnh cộng đồng thậm chí điều này còn cần hơn thế nữa. Đời sống tâm linh là một chiều kích cần phải được củng cố, với lòng kiên nhẫn.

Vincenzo Varagona: Đức Cha có thấy nguy cơ tập chú quá mức vào việc tôn sùng Đức Mẹ không?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Chắc chắn không. Lòng đạo đức bình dân nơi đây tập trung vào Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, nhưng đó vẫn là việc phụng tự có tính “Christocentric”, nghĩa là quy hướng về Chúa Kitô.

Vincenzo Varagona: Các căng thẳng với Giáo phận Mostar có giảm bớt không, thưa Đức Cha?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Đã có những hiểu lầm về chủ đề của các cuộc hiện ra, chúng tôi đã đặt ở trung tâm các mối quan hệ và trên hết là sự hợp tác trong lãnh vực mục vụ, kể từ đó các mối quan hệ đã phát triển không có nghi ngại nào nữa.

Vincenzo Varagona: Đức Cha nghĩ tương lai của Medjugorje sẽ như thế nào?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Thật không dễ để trả lời câu hỏi này. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng tôi có thể nói về những gì đã đạt được và đạt được ra sao. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc với 700 ơn gọi đời sống thánh hiến và linh mục, điều đó chắc chắn chỉ có thể có được khi bản sắc Kitô được củng cố, trong đó con người, qua Đức Maria, quay về với Chúa Kitô phục sinh. Đối với bất kỳ ai đến với nơi này, Medjugorje đưa ra hình ảnh của một Giáo hội vẫn sống động và đặc biệt là trẻ trung.

Vincenzo Varagona: Thưa Đức Cha, đâu là điều đánh động ngài nhất trong những tháng ngày sống ở đây?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Giáo xứ này là một giáo xứ nghèo, với một vài linh mục được làm giàu về mặt tâm linh nhờ có nhiều linh mục nước ngoài đi cùng với những người hành hương. Không chỉ có thế, chúng tôi còn có thêm nhân sự. Có một anh chàng người Úc, một người nghiện rượu, và nghiện cả ma túy. Tại đây, anh ta đã hoán cải và quyết định trở thành một linh mục. Tôi rất cảm động trước hàng dài những người đến với bí tích hòa giải. Có những người đến đây chỉ để xưng tội. Tôi có ấn tượng sâu sắc trước hàng ngàn gương hoán cải.

Vincenzo Varagona: Đức Cha có nghĩ là sự đột phá này cũng có thể đến từ sự công nhận Medjugorje như một giáo xứ trực thuộc Tòa Thánh?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Tôi không loại trừ điều này. Việc có một đặc sứ của Đức Thánh Cha tại đây đã được hoan nghênh, như một dấu chỉ của sự cởi mở đối với một biến cố tôn giáo có tầm mức quan trọng đến mức nơi đây đã trở thành một điểm tham chiếu quốc tế.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 11/4/2019: ĐTC cổ võ nền văn hóa đối thoại và gặp gỡ
VietCatholic Network
23:50 10/04/2019

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 10 tháng 4, 2019.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Ki tô hữu, đừng lún sâu vào thất bại và đừng sợ hy vọng.

3- Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Tư năm 2019: “Cầu cho các bác sĩ và cộng tác viên trong những vùng chiến tranh”.

4- Đức Thánh Cha cổ võ nền văn hóa đối thoại và gặp gỡ.

5- Đức Thánh Cha bày tỏ gần gũi với Giáo Hội tại Chilê, Nam Mỹ.

6- Thông cáo chung kết khóa họp thứ 10 của Ủy ban Tòa Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên.

7- Hội thảo “Con đường bất bạo động” bế mạc tại Vatican.

8- Cập nhật quy luật bổ sung cho Tông hiến Anglicanorum Coetibus.

9- Hơn 15.000 bạn Tây Phi dự Đại hội giới trẻ Công Giáo Sénégal.

10- Tháng Hai nổi bật với các hành động bài Kitô giáo ở Pháp.

11- Trung quốc thưởng tiền cho những ai báo cáo về các hoạt động tôn giáo bị cấm đoán.

12- Cung hiến nhà nguyện Dòng Kín Cát Minh, Sài Gòn.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Xin Lỗi Chúa.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết