Văn Hóa
Tạp Chí Communio Viết Về Hôn Nhân
Vũ Văn An
00:30 09/07/2025
Nhân Thượng Hội Đồng Giám Mục Bất thường về Gia đình trong hai năm 2014 và 2015, Tạp chí Communio, do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đồng sáng lập, đã dành số 41 năm 2014 để bàn về hôn nhân.

DẪN NHẬP
Những cân nhắc thần học và mục vụ trong bối cảnh Cuộc họp bất thường sắp tới của Thượng Hội đồng Giám mục đề cập đến chủ đề “Những thách thức mục vụ đối với Gia đình trong bối cảnh Phúc âm hóa”, số hiện tại của Communio tập trung vào các câu hỏi về bản chất và việc chăm sóc mục vụ hôn nhân và gia đình.
Đức Hồng Y Angelo Scola, trong bài “Hôn nhân và Gia đình giữa Nhân chủng học và Bí tích Thánh Thể: Những bình luận dưới góc nhìn của Thượng hội đồng Giám mục về Gia đình”, giải thích sự cần thiết của một nền nhân học thích hợp khi đề cập đến thực tại hôn nhân. Ngài viết rằng một ngành nhân học như vậy được kết nối trực tiếp với Tin Mừng gia đình, và Tin Mừng gia đình là mảnh đất màu mỡ để hiểu được mối liên hệ sâu sắc giữa bí tích hôn nhân và Bí tích Thánh Thể, sự phát triển mà Giáo hội quan tâm trong suốt lịch sử của nó. Đức Hồng Y nói rằng hai bí tích này có liên quan mật thiết với nhau trong và qua chiều kích phu thê của tình yêu, một mầu nhiệm chỉ có thể nhận thức được trong phạm vi nhân học đích thực của con người. Khi giải quyết những mối quan tâm mục vụ gần đây về tình trạng khó khăn của những người đã kết hôn và ly dị trong Giáo hội, Đức Hồng Y trước tiên yêu cầu chúng ta ghi nhớ rằng hy tế Thánh Thể khá đơn giản là điều kiện dứt khoát trong đó, sự ưng thuận hôn nhân hiện hữu, và thứ hai gợi ý rằng giám mục nên quan tâm trực tiếp hơn đến các vấn đề mục vụ liên quan đến các cuộc hôn nhân cá thể.
Trong bài “Hôn nhân và Gia đình trong tính bí tích của Giáo hội: Những thách thức và quan điểm”, Đức Hồng Y Marc Ouellet khám phá và nêu ra cơ sở thần học cho việc đổi mới việc chăm sóc mục vụ gia đình. Các cặp vợ chồng Kitô giáo được tham dự thực sự vào tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo hội và được liên kết mật thiết với việc cử hành bí tích thường xuyên của mầu nhiệm phu thê này, tức Bí tích Thánh Thể. Đức Hồng Y thăm dò phạm vi nới rộng của lòng thương xót không có tính bí tích trong khi làm sáng tỏ lý do bí tích cho kỷ luật của Giáo hội đối với những người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự. Việc họ tự chế rước lễ là chứng tá cho Giao ước bất khả hủy diệt của Chúa Kitô và thừa nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, vẫn hoạt động trong đời sống họ. Sự thật của Giao ước là nguồn mạch chữa lành và đổi mới mục vụ, đặt gia đình vào trung tâm sứ mạng của Giáo hội.
José Granados, DCJM, trong bài “Đặc điểm bí tích của đức tin: Hậu quả cho câu hỏi về mối quan hệ giữa đức tin và hôn nhân,” lập luận rằng đức tin và các bí tích được kết nối với nhau, không chỉ vì các bí tích là bí tích của đức tin, mà còn bởi vì đức tin có cấu trúc bí tích. Viễn ảnh này, vốn làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về hành vi đức tin, cũng làm sáng tỏ vai trò của đức tin trong việc cử hành hôn nhân. Việc so sánh giữa bí tích và đức tin giúp chúng ta thấy rằng đức tin cũng có một mối liên hệ chặt chẽ, cả với kinh nghiệm nguyên thủy, mang tính thụ tạo của người nam và người nữ, cũng như với tư cách thành viên của họ trong Thân Thể Chúa Kitô trong Giáo Hội. Do đó, có ba yếu tố cần thiết để giải thích vai trò của đức tin trong việc ưng thuận hôn nhân: sự chấp nhận chân lý thụ tạo của hôn nhân, phép rửa như sự kết hợp vào thân thể phu thê của Chúa Kitô và Giáo hội, và tự do chấp nhận sự kiện thuộc về đức tin của Giáo Hội này, được phát biểu trong việc chấp nhận hình thức giáo luật. Để phù hợp với yếu tính của sự ưng thuận hôn nhân, cách tiếp cận mục vụ sẽ chú ý nhấn mạnh đến sự thật về tình yêu con người như một hành trình khai tâm vào đức tin, và củng cố tư cách thành viên giáo hội của cô dâu và chú rể (trái ngược với tư riêng hóa hôn nhân hiện đại), trước hết bảo đảm cho họ sự chăm sóc mục vụ trong những năm đầu của hôn nhân.
Antonio López, FSCB, suy nghĩ về câu hỏi “Tính bất khả phân ly của hôn nhân: Phải chăng là một lời thề hứa không thể giữ được?” Trong đó, ngài thăm dò bản chất của tính bất khả phân ly đồng thời nhận ra nhiều thách thức mà các cặp vợ chồng phải đối diện trong bài viết của ngài. Dù việc hiểu con người như một tự do tự phát nâng đỡ quan điểm phổ biến về hôn nhân như một khế ước có thể thương lượng được, nhưng “chỉ một nhân học được thông tri bởi đặc tính hiến tặng hữu thể của con người... mới có thể giải thích thỏa đáng cho hôn nhân như một sự kết hợp bất khả phân ly”. Là một bí tích, tình yêu vợ chồng khám phá ra nguồn gốc và sự viên mãn của nó, vì “vợ chồng được ban ân sủng yêu thương... với tình yêu vô điều kiện và nhưng không của Chúa Kitô.” Khi khẳng định, qua hy sinh, sự thật về ơn gọi hôn nhân của họ và do đó chào đón nhau một lần nữa, các cặp vợ chồng để cho sự hiệp thông bất khả phân ly của họ trở thành dấu chỉ lòng thương xót lâu dài của Thiên Chúa trên thế giới.
Trong bài “Hồng phúc bất khả phân ly đầy thương xót và vấn đề chăm sóc mục vụ cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự”, Nicholas J. Healy, Jr., suy nghĩ về đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper cho phép những người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được nhận Bí tích Thánh Thể. Sau khi nhắc lại lịch sử gần đây của vấn đề này, Healy tóm tắt Lập luận của Kasper như được trình bày trong bài phát biểu của ngài tại Công nghị Bất thường vào tháng 2 năm 2014. Giải thích trình thuật của Đức Gioan Phaolô II về tính bất khả tiêu là “đặt nền tảng trên sự tự hiến bản thân và toàn diện của vợ chồng” (Familiaris consortio, 20), Healy gợi ý rằng đề xuất của Kasper không xem xét đầy đủ chính mối liên kết bí tích như nguồn mạch vĩnh cửu của sự tha thứ và lòng thương xót.
D.C. Schindler, trong bài “Khủng hoảng hôn nhân như một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa: Về sự vô sinh ích của ý chí hiện đại”, gợi ý rằng một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng hôn nhân ngày nay là sự nghèo nàn trong nhận thức của chúng ta về ý chí. Trong quan niệm hiện đại về tự do, ý chí, trong yếu tính, là một quyền lực để lựa chọn, với tư cách là một quyền lực, nó duy trì một chủ quyền nhất định đối với đối tượng của mình ngay cả trong những lựa chọn mà nó đã đưa ra. Ngược lại với điều này, tiểu luận trình bày quan điểm cổ điển về tự do, mỗi hành động trong đó là một sự lựa chọn điều tốt và tương tự như vậy là một hình thức của tình yêu tự hiến. Do đó, hôn nhân được giải thích như sự tự do hoàn hảo, trong yếu tính, là tạo ra mối dây liên kết vợ chồng vượt quá giới hạn hiển nhiên của cuộc sống cá nhân của họ.
Trong bài “'Điều Thiên Chúa đã kết hợp, không ai có thể tách rời': Suy gẫm về tính sinh hoa trái, lòng chung thủy và vòng ôm vợ chồng,” Adrian J. Walker đưa ra một bài suy niệm về vòng ôm vợ chồng, ý nghĩa của nó đối với hôn nhân và tại sao việc tránh thai tách vợ chồng ra khỏi Thiên Chúa và do đó tách rời nhau. Bởi vì thân xác được bão hòa với “linh hồn sống”, hành vi vợ chồng – chỉ thực sự tồn tại với hai mục đích sinh hoa trái và chung thủy nguyên vẹn – là biểu tượng của cả tình yêu vợ chồng dành cho nhau và cho mối dây hôn nhân của họ vốn được hình thành trong tình yêu của Thiên Chúa. Walker lập luận, sự kết hợp tình dục nào không mở cửa chào đón cả tính chung thủy lẫn sinh hoa trái, sẽ đẩy ly hôn vào sâu trong mối quan hệ giữa vợ chồng.
David S. Crawford tiếp cận chủ đề “Hôn nhân đồng tính, Lý do công cộng và ích chung” từ một hướng mới. Ông không hỏi “hôn nhân đồng tính” ảnh hưởng ra sao đến ích chung, mà là các giả định của chúng ta về ích chung nảy sinh ra sao một hình thức của cả lý lẽ công cộng lẫn tính dục mà biểu thức rõ ràng nhất của nó trên thực tế đã xảy ra trong “hôn nhân đồng tính”. Ông lập luận rằng việc chúng ta quan niệm lại nền văn hóa của chúng ta về ích chung đã làm cho cái hiểu Công Giáo về hôn nhân và gia đình không những phần lớn bất khả niệm mà còn thay thế nó bằng một mô hình về tình yêu hôn nhân và tính dục vốn đã là “gay” một cách phổ quát rồi.
Fabrizio Meroni, PIME, trong bài “Chăm sóc mục vụ hôn nhân: Khẳng định sự hiệp nhất của lòng thương xót và sự thật,” lập luận rằng sứ mệnh của Giáo hội mang tính mục vụ vì vai trò làm mẹ thiêng liêng của Giáo hội: Hiền thê của Chúa Kitô, mang thai của Chúa Thánh Thần, thụ thai, sinh hạ và nuôi dưỡng những đứa con mà Mẹ nhận được một cách nhưng không từ Thiên Chúa. Hôn nhân không bao giờ có thể chỉ là một trong nhiều đối tượng được Giáo Hội chăm sóc mục vụ. Bao lâu sự sống trong gia đình Thiên Chúa là lý do cho việc tạo dựng và hiện hữu của nó trong Thập Giá như người phối ngẫu của Chúa Kitô, hôn nhân như vậy trở thành chủ thể, nền tảng và cấu trúc tích cực thực sự của bất cứ công việc mục vụ nghiêm túc và đích thực nào của cộng đồng Giáo Hội. Hoạt động mục vụ phải được lên khuôn mẫu và cơ cấu dựa trên hôn nhân và gia đình, vì hồng ân sự sống trọn vẹn cần phải được chia sẻ một cách thiết yếu bản vị. Vì thế, tương lai của nhân loại và của Giáo hội trải qua gia đình được thiết lập trên hôn nhân bất khả phân ly và sinh hoa trái của người nam và người nữ.
Trong mục Tìm Lại Truyền Thống, chúng tôi cung ứng bài diễn văn của Đức Gioan Phaolô II từ năm 1982 về “Quà Tặng Sự Sống và Tình Yêu của Thiên Chúa: Về Hôn Nhân và Bí Tích Thánh Thể”. Đức Thánh Cha mở ra mối liên hệ bí tích nội tại giữa Bí tích Thánh Thể và hôn nhân Kitô giáo. Giao ước của Thiên Chúa với nhân loại, đỉnh cao là việc Chúa Kitô tự hiến cho Giáo hội, lôi kéo nhân loại vào sự hiệp thông với Ba Ngôi. Bí tích Thánh Thể, làm cho chúng ta có thể tiếp cận được hồng ân tối cao này, được “gắn bó mật thiết” với giao ước vợ chồng; vì trong tình yêu vợ chồng, được biến đổi bởi “ân sủng của Thiên Chúa”, Giao ước mới được hoàn thành. Qua hành trình hoán cải và tăng trưởng vượt qua, hôn nhân Kitô giáo xây dựng Giáo hội và trở thành dấu chỉ cho thế giới về Giao ước mới và vĩnh cửu vốn ngự trong đó.
Cũng trong mục Tìm lại Truyền thống, chúng tôi nhắc lại bài viết của học giả về giáo phụ nổi tiếng Henri Crouzel, “Ly dị và tái hôn trong Giáo hội sơ khai: Một số suy gẫm về phương pháp luận lịch sử”. Trong bài viết này, viết vào năm 1977, Crouzel xem xét các nguyên tắc giải thích, giả thuyết và thói quen của phương pháp nhằm thông tri để các nỗ lực của các nhà thần học đương thời tạo nền tảng cho việc xem xét lại thực hành của Giáo hội liên quan đến ly hôn và tái hôn trong truyền thống Kitô giáo sơ khai. Qua việc cung cấp nhiều bằng chứng bằng bản văn của các Giáo phụ, bao gồm các cuộc thảo luận về các bản văn trích dẫn phổ biến nhất của Origen và Thánh Basilêô, Crouzel chứng minh rằng bằng chứng giáo phụ, khi được đọc theo tiêu chuẩn của phương pháp lịch sử thích đáng, không hỗ trợ cho lập luận như vậy. Như được thể hiện rõ trong bản văn, Bài báo của Crouzel hoàn toàn không phải là lời xin lỗi về truyền thống mà là một lập luận mạnh mẽ cho tính trung thực của nghiên cứu lịch sử.
Cuối cùng, chúng tôi in Bài điếu văn của David L. Schindler dành cho Stratford Caldecott, được đọc tại Nhà nguyện Oxford, vào ngày 31 tháng 7 năm 2014, ngày lễ Thánh Ignatius Loyola. Caldecott, một Thành viên Hội đồng lâu năm của tạp chí Communio ấn bản Hoa Kỳ và là bạn thân của các biên tập viên, đồng thời được tất cả độc giả biết đến, đã qua đời vào ngày 17 tháng 7, sau một thời gian dài chống chọi
với căn bệnh ung thư. Requiescat in Pace (Cầu mong được nghỉ yên)
—Các biên tập viên
Kỳ sau: Hôn Nhân Và Gia Đình Giữa Nhân Học Và Thánh Thể