Ngày 04-09-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cách sửa lỗi nhau
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:41 04/09/2017
Chúa Nhật XXIII Thường Niên, năm A
Mt 18, 15 – 20

Đời con người là một cuộc đấu tranh không ngừng để càng lúc càng hoàn thiện hơn. Bởi vì, con người vốn không hoàn hảo, không bao giờ sai lỗi hay không bao giờ lầm lỗi, thiếu sót, do đó, chỉ bảo cho nhau, sửa lỗi cho nhau, sửa lỗi lẫn nhau là một việc làm cần thiết. Nhưng phải giúp nhau sửa chữa thế nào cho phù hợp, sửa chữa thế nào cho tốt lại là một việc cần suy nghĩ, cần học hỏi ?

Chúa Giêsu hiểu rõ con người, biết con người thường xuyên sai sót, hay phạm lỗi và sửa sai người khác không đơn giản, không dễ dàng mà cần phải có nghệ thuật, cần biết cách vv…Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một cách sửa chữa nhau rất hay, rất tế nhị và rất đẹp. Nên, muốn sửa lỗi ai, mọi người hay chính chúng ta phải ý tứ làm từng bước như Chúa chỉ dạy thì mới có kết quả và thành công.Trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu nói đến bổn phận và cách sửa lỗi người anh em. Ngài đề ra những bước sau : thứ nhất, chúng ta có bổn phận phải sửa lỗi người anh em lỗi phạm, chứ tuyệt đối chúng ta không được giả điếc làm ngơ để họ tiếp tục sai lỗi. thứ hai khi sửa lỗi ngươi anh em thì phải thật khéo léo, khôn ngoan, tế nhị bởi vì Chúa Giêsu hiểu rõ tâm lý của những người phạm lỗi. Khi mắc lỗi, đặc biệt khi lỗi phạm nặng người có lỗi thường hay mặc cảm, tự ái. Nên, việc sửa lỗi người phạm lỗi thường phải chân thành, tế nhị, kín đáo, đến công khai, từ riêng tư nghĩa là mình với người anh em phạm lỗi, đem theo một hoặc hai người, sau đó mới thưa với cộng đoàn anh em, với Hội Thánh. Mục đích của việc sửa lỗi là giúp người lỗi phạm nhận ra sai lầm của mình để sửa chữa hầu sống đẹp hơn, tốt hơn, chứ không phải là để trù dập. làm mất phẩm giá của người anh em, giữa lúc người đó đang hoang mang vì tâm hồn tan nát.

Sửa lỗi là một việc làm thật khó khăn, tế nhị nhưng rất cần thiết vì ai cũng có lỗi lầm, khuyết điểm cần khắc phục để trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, con người thường có mặc cảm, tự ái, chính vì thế, một lời nói, một thái độ, một cử chỉ thiếu khôn ngoan, thiếu tế nhị, sáng suốt, thiếu cởi mở,chân thành sẽ dễ gây thêm tình trạng căng thẳng, trở nên xấu hơn, khó giải quyết hơn. Bên cạnh sự khôn ngoan, khéo léo, chân thành của người sửa lỗi, chúng ta cần cầu xin Chúa soi sáng, hướng dẫn và thánh Thần Chúa tác động trí lòng để chúng ta biết lựa lời, biết khôn khéo, tế nhị dùng những lời bác ái, đầy xây dựng và tình thương để sửa lỗi người anh em phạm lỗi và đồng thời cũng xin Chúa mở lòng để người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý, sửa lỗi chân thành của chúng ta để họ sửa đổi, sống tốt hơn và hoàn hảo hơn vv…Chúng ta hãy ghi nhớ lời của một nhà giáo dục nói :” Người ta khen ta mà khen phải, đó là bạn ta, người ta chê ta mà chê đúng, đó là thầy ta, những người nịnh hót ta, đó là cừu địch hại ta, những người đối lập ta, đó là thầy dạy ta mà không lấy tiền “.

Việc sửa lỗi giúp nhau thăng tiến, giúp nhau sống đẹp, sống tốt hơn là việc làm cần thiết nhưng chúng ta luôn phải khéo léo, khôn ngoan theo cách của Chúa mới có giá trị, hiệu quả và đẹp lòng Chúa, đẹp lòng người.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thêm đức tin để chúng con biết giúp nhau sửa đổi chân thành, bác ái và đẹp lòng Chúa. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Có cần phải sửa lỗi nhau không ?
2.Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách thức sửa lỗi nhau làm sao ?
3.Có nên làm ngơ giả điếc khi anh em phạm lỗi hay không ?
4.Khôn ngoan, khéo léo và chân thành có cần trong khi sửa lỗi nhau không ?
5.Người lỗi phạm thường hay có tính khí như thế nào ?
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 3/9/2017
VietCatholic Network
10:26 04/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 3 tháng 9.

2- Ý chỉ cầu nguyện trong tháng 9: Cầu nguyện cho các giáo xứ.

3- Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện bảo tồn môi sinh.

4- Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc.

5- Sứ điệp Đức Thánh Cha ngày Tòa Thánh tại Expo 2017 ở Astana.

6- Đức Hồng Y Pietro Parolin nhận định về chuyến viếng thăm Columbia sắp tới của Đức Thánh Cha.

7- Chủng viện Công Giáo tại Cộng Hòa Trung Phi là nơi trú ẩn cho 2,000 người Hồi Giáo.

8- Đàn áp tôn giáo tại Trung quốc vẫn quyết liệt, giáo dân Vương Thôn canh thức 24 giờ.

9- Các giáo phận Hoa Kỳ sẽ quyên góp cứu trợ nạn nhân bão Harvey vào đầu tháng 9 này.

10- Một Giám Mục Tây Ban Nha xin lỗi vì đã để xảy ra việc cung nghinh thần Ấn Giáo trong một nhà thờ Công Giáo.

11- Các Giám mục Sri Lanka phản đối việc hợp pháp hóa phá thai.

12- Giới thiệu Thánh Ca: Khúc Nhạc Lòng.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH duy trì hôn nhân truyền thống, kêu gọi giúp đỡ những người sai lỗi.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:38 04/09/2017
(CNS /Vatican City) Trong một loạt các cuộc phỏng vấn của ĐGH đề cập đến một tác phẩm mới của ngài với Dominique Wolton, 70 tuổi, một nhà xã hội và là một chuyên gia về truyền thông và chính trị, ĐGH Phanxicô đã nói rằng theo định nghĩa ban đầu, hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. “Chúng ta không thể thay đổi được. Đây là điều rất tự nhiên”, không chỉ ở trong giáo hội mà còn ở trong lịch sử nhân loại.”

Cuốn sách có tên là “Politique et Societe” (Chính trị và xã hội), sách dầy 417 trang, được xuất bản tại Pháp sẽ ra mắt đọc giả vào ngày 6 tháng Chín. Trang mạng Tin Tức Công Giáo (Catholic News Service) đã nhận được bản sao và sẽ đưa trích đoạn lên mạng.

ĐGH nói rằng khi đề cập đến bản chất tự nhiên về hôn nhân cũng như giới tính, có một “sự nhầm lẫn quan trọng vào thời điểm này.”

Khi được hỏi về hôn nhân của những cặp cùng giới tính, ĐGH đã nói rằng “Chúng ta hãy gọi đó là ‘kết hợp dân sự’. Chúng ta đừng đùa giỡn với sự thật.”

Dạy con cái mình về chọn lựa giới tính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các em nhận ra những sai lầm như thế về sự thật hay những yếu tố tự nhiên. ĐGH nói rằng ngài tự hỏi không biết những ý niệm mới về giới tính và hôn nhân có phải là sự sợ hãi về những khác biệt không và ngài khuyến khích các nhà nghiên cứu đào sâu thêm vấn đề này.

ĐGH Phanxicô nói rằng việc ngài cho phép các linh mục quyền vĩnh viễn được quyền tha tội phá thai cho những người đến tòa giải tội không có nghĩa là giảm nhẹ tội trọng này.

Phá thai là “tội giết người, giết một trẻ vô tội. Nếu đã là tội thì cần sự tha thứ. Do vậy thường thì một phụ nữ phá thai sẽ không bao giờ quên được đứa con mà mình đã hủy bỏ, bà sẽ khóc than mãi nếu không có sự can đảm để xưng thú với một linh mục.”

“Bạn có biết là bao nhiêu người cuối cùng được thở phào nhẹ nhõm khi họ tìm đến sự tha thứ của Thiên Chúa và không bao giớ tái phạm tội này nữa không?

ĐGH nói rằng cái đe dọa lớn lao nhất trong thế giới này là tiền. Trong Tin Mừng của Thánh Matthew, khi Chúa Giêsu nói về tình yêu và lòng trung thành của con người bị giằng co giữa hai điều, Chúa không nói là giữa “người phối ngẫu và Thiên Chúa” mà là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền bạc. Rõ ràng hai điều ấy đối nghịch với nhau.

Khi được hỏi tại sao người ta không nghe được thông điệp này ngay cả khi chính giáo hội từ thời các sách Tin Mừng cũng đã lên án, ĐGH nói là vì người ta thích nói về đạo đức hơn.

Có một sự nguy hiểm nơi các cha, thày giảng là nói chung chung để khỏi mất lòng ai, chỉ lên án những hình thức vô đạo đức mà nó “quá hiển nhiên, ai cũng biết.” Nhưng những tội khác như hận thù, tham lam, kiêu ngạo, đàm tiếu, giết người … thì lại thực sự không được các ngài nhắc tới nhiều.

Những tội nhẹ hay phạm nhất là những tội thuộc về xác thịt, bởi vì xác thịt thì yếu đuối. “Cái tội nguy hiểm nhất là tội trong tư tưởng” và cha giải tội cần hỏi thêm xem người đến xưng tội có cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và tìm kiếm Thiên Chúa không?

Một cám dỗ mà giáo hội luôn mắc phải là vì sợ hãi. Có đoạn nào trong Kinh Thánh mà Chúa nói rằng chúng ta đi tìm sự an toàn đâu? Thay vào đó là “Mặc cho mọi bất trắc, hãy ra đi, tha thứ và truyền bá Tin Mừng.”

Một cám dỗ khác nữa đó là lệ thuộc vào nguyên tắc, giáo điều, điển hình như những tranh luận về gia đình trong Tông Huấn “Niềm Vui Yêu Thương”(Amoris Laetitia) của ngài.

“Khi tôi nói về gia đình trong những cảnh khó khăn thì tôi nói “chào mừng, đồng hành, phân biện, hòa nhập…” và để mọi người sẽ nhìn thấy những cánh cửa được mở ra. Nhưng trong thực tế, bạn sẽ nghĩ gì khi nghe người ta nói “không được rước lễ, không được phép làm thế này thế khác.”

Cái cám dỗ của giáo hội là nhấn mạnh đến “không, không và không “và điều này bị cấm, thì cũng giống như hoàn cảnh Chúa Giêsu (trải nghiệm) với những người biệt phái thôi.

Cái não trạng khép kín, giống như Chúa Giêsu đã gặp phải là “một cuộc chiến mà tôi đang dẫn đầu hôm nay với lời mời gọi.”

Chúa Giêsu đi theo một “nguyên tắc khác” vượt ra ngoài những cấm cản, ngài không lệ thuộc vào tục lệ - như đừng đụng đến người phong hủi và hãy ném đá kẻ ngoại tình được coi như những lệnh truyền.

Khi các vị lãnh đạo giáo hội thường quen với “quy tắc đóng băng” và “tiêu chẩn cố định” hỏi tôi là “Chúng ta có thể cho người ly dị rước lễ không? thì tôi trả lời ‘ hãy nói với người ly dị đàn ông và đàn bà ấy và đón chào họ, đồng hành với họ, hòa nhập với họ và cùng cân nhắc đúng sai với họ” để mở ra con đường và mở ra cách đối thoại dẫn họ về với Chúa. Gặp gỡ Chúa Kitô là dẫn người ta về với lối sống đạo đức.

Khi được hỏi về lý thuyết “chiến tranh chính đáng” của giáo hội, ĐGH trả lời rằng vấn đề được xem xét là bởi vì “không có chiến tranh nào chính đáng cả. Điều chính đáng duy nhất là hòa bình.”

Quan ngại về việc các Kitô hữu bị bách hại, đặc biệt là ở miền Đông và những câu hỏi là tại sao Thiên Chúa lại cho phép những bi kịch như thế xảy ra, ĐGH nói rằng “Tôi không biết Thiên Chúa ở đâu, nhưng tôi biết con người ở đâu trong tình huống này. Người ta chế tạo vũ khí và bán vũ khí. Người ta dễ dàng để hỏi Chúa, nhưng chính chúng ta thực hiện tất cả những điều này và cho phép nó xảy ra, “loài người chúng ta bị hư hỏng”.

Khi nói về phụ nữ, ĐGH nói rằng họ có một vai trò quan trọng trong xã hội bởi vì họ giúp sự hiệp nhất và hòa giải mọi người. Một số người lầm lẫn cho rằng những đòi hỏi của phụ nữ là được đại diện và có tiếng nói “phái mạnh mặc váy”. Nhưng chủ nghĩa phái mạnh là một hình thức “tàn nhẫn” và nó không phải là điều phái nữ mong muốn. Trong việc cải cách Giáo Triều Roma “sẽ có nhiều phụ nữ có quyền quyết định” chứ không chỉ đóng vai cố vấn.

Ngài nói rằng sẽ có nhiều vị trí cho phụ nữ trong giáo triều. Chắc sẽ gặp nhiều khó khăn…không phải vì thiên kiến với phụ nữ, nhưng bởi vì “vấn đề quyền lực.”

Khi nói về sự khác biệt giữa người Argentina và Pháp, ĐGH nói rằng “Người Argentina rất thích môn phân tích tâm lý.” Và ngài khen ngợi các nhà phân tích tâm lý đã “mở ra môn chủ nghĩa nhân văn và đối thoại với các môn khoa học khác” đặc biệt y khoa và trị liệu thay thế.

ĐGH nói “Họ là những người đã giúp tôi rất nhiều vào thời điểm mà tôi cần những lời khuyên” và ngài kể lại là làm sao ngài đã gặp nhà phân tâm Do thái mỗi tuần một lần kéo dài trong sáu tháng lúc ngài 42 tuổi để “làm sạch một số điều”.

Ngài nói,“Bà ấy là người rất tốt, rất chuyên nghiệp trong vai trò một bác sĩ và một nhà phân tích tâm lý và đã giúp tôi rất nhiều…”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Phanxicô có ủng hộ hôn nhân đồng tính như một số người Công Giáo Úc nghĩ không?
Vũ Văn An
21:21 04/09/2017
Có khoảng 5 triệu người Công Giáo ở Úc. Với đặc tính đa nguyên của xã hội Úc và nhất là dưới ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa duy tục hiện nay, 5 triệu người Công Giáo này không cùng nghĩ và hành động như nhau dù Chúa Nhật nào họ cũng cùng đọc một kinh Tin Kính: tôi tin Giáo Hội công giáo, duy nhất, thánh thiện, và tông truyền.

Nên khi có những người và những nhóm Công Giáo lên tiếng ủng hộ hôn nhân đồng tính, thì điều này không gây ngạc nhiên bao nhiêu. Nhưng khi họ làm thế nhân danh Đức Phanxicô, người được coi là vị đại diện dưới thế chủa Chúa Kitô, thì việc này quả gây ngỡ ngàng.
Và đó là trường hợp của hai vị đứng đầu hai trường Công Giáo hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo Úc: Trường Ignatius ở Sydney và Trường Xavier ở Melbourne. Trường đầu là “alma mater” của cựu thủ tướng Abbott, người quyết liệt chống hôn nhân đồng tính, trường sau là “alma mater” của thủ lãnh đối lập Shorten, người quyết liệt ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Ký Giả Michael Koziol, trong bản tin của mình, viết như sau: “Hai trường Công Giáo nổi danh nhất của Úc đã thận trọng ủng hộ hôn nhân đồng tính trong thư gửi các phụ huynh, nhân viên và học sinh, trực tiếp chỉ trích các tuyên bố mới đây của các nhà lãnh đạo Giáo Hội.

“Dù dừng lại, chưa đi đến chỗ cổ vũ lá phiếu “có”, Trường Ignatius ở Sydney và Trường Xavier ở Melbourne đã nại tới các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tình yêu, lòng thương xót và không phê phán, để thúc giục cộng đồng nhà trường phải lắng nghe tiếng lương tâm của họ”.

Theo ký giả trên, linh mục Chris Middleton, Giám Đốc Trường Xavier hoàn toàn dựa vào xu hướng của người trẻ trong việc ủng hộ hôn nhân đồng tính để thúc giục hàng giáo phẩm phải thực hiện một “cuộc kiểm tra thực tại” (a reality check): “Theo kinh nghiệm của tôi, gần như có một sự nhất trí nơi người trẻ trong việc ủng hộ hôn nhân đồng tính, và các luận điểm chống lại nó hầu như không có bất cứ tác dụng nào đối với họ”.

Linh mục Middleton, sau đó, ca ngợi xu hướng trọng bình đẳng của người trẻ: “Họ bị thôi thúc bởi một cam kết xúc cảm mạnh mẽ đối với sự bình đẳng, và điều này chắc chắn là một điều phải tôn trọng và ca ngợi. Họ duy lý tưởng đối với giá trị họ dành cho tình yêu, vốn là giá trị hàng đầu trong Tin Mừng”.

Và Cha cho rằng tôn giáo không có vai trò gì trong cuộc trưng cầu dân ý kỳ này vì “cuộc bỏ phiếu này có liên quan tới hôn nhân như một quyền dân sự, và trong yếu tính, không đụng gì tới cái hiểu bí tích của người Công Giáo về hôn nhân”.

Còn Tiến Sĩ Paul Hine, hiệu trưởng Trường Ignatius ở Riverview, Sydney, bác bỏ nhận định của Đức Tổng Giám Mục Hart về việc sa thải các nhân viên cưới người đồng tính: “Tôi không biết liệu Riverview có bất cứ thầy cô hay phụ huynh đồng tính nào trong trường và nếu họ có ý định kết hôn hay không: nhưng tôi sẽ không hỏi với ý định xua đuổi họ khỏi trường.

“Những người có xu hướng đồng tính, vì là thành phần của cộng đồng chúng ta, nên được nghinh đón và trân qúy như là thành phần của sứ mệnh lớn lao hơn của Giáo Hội, và sứ mệnh đó là đem tình yêu Thiên Chúa cho thế giới và những ai cần đến nó”.

Hai vị đứng đầu hai trường Công Giáo nổi tiếng trên có lý do riêng của họ khi ủng hộ quyền của người đồng tính. Như kết quả của cuộc nghiên cứu HILDA trong hơn 10 năm qua của Học Viện Melbourne (xem bài "Cập nhật tin tức chung quanh cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính tại Úc") cho thấy, những người xuất thân từ giới nói tiếng Anh, có bằng cấp đại học, có thu nhập cao thường có xu hướng ủng hộ người đồng tính. Hai trường Ignatius và Xavier là hai trường phục vụ những người này nhiều nhất. Giống như người Hồi Giáo hiện nay ở Úc, hai trường này không muốn mất đồng minh.

Tuy nhiên, xu hướng bảo hoàng hơn vua là xu hướng cho tới nay vẫn rất thịnh hành trong một xã hội mà sự cạnh tranh được nâng lên hàng “quốc sách”, hai trường này hình như đi xa hơn xu hướng trọng bình đẳng của thân chủ họ.

Thực vậy, câu hỏi mà cuộc nghiên cứu HILDA trong 10 năm chỉ là về sự bình đẳng về quyền lợi. Sự bình đẳng này được thể hiện trọn vẹn cả dưới hình thức kết hợp dân sự giữa hai người cùng phái tính lẫn hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Giáo Hội có thể ủng hộ hình thức kết hợp dân sự, nhưng không thể nhìn nhận cuộc kết hợp giữa hai người cùng phái tính là hôn nhân được. Nói như linh mục Middleton, Dòng Tên, rằng: “cuộc bỏ phiếu này có liên quan tới hôn nhân như một quyền dân sự, và trong yếu tính, không đụng gì tới cái hiểu bí tích của người Công Giáo về hôn nhân” là nói theo linh mục Brennan, cũng thuộc Dòng Tên, khi linh mục này bảo rằng ngài tiếp tục bênh vực giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân nghĩa là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, nhưng việc này phải được phân biệt hẳn với hôn nhân dân sự, là điều người Úc hiện đang được hỏi ý kiến trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. “Đây là một định chế khác hẳn với điều là hôn nhân trong Giáo Hội Công Giáo”.

Nhà giáo luật học Edward Peters cho nhận định trên là vô nghĩa, không đầu không đuôi. Theo ông, hôn nhân, một nhân quyền căn bản, phát xuất từ sự ưng thuận hỗ tương của một người đàn ông có khả năng và một người đàn bà có khả năng, trong khi hôn nhân bí tích, mà ta có thể gọi là Phép Hôn Phối (Matrimony), là hậu quả chắc chắn về phương diện thần học của hôn nhân xẩy ra giữa một người đàn ông đã chịu phép rửa và một người đàn bà đã chịu phép rửa.

Thành thử, mỗi lần một cuộc hôn nhân xẩy ra giữa các người đã chịu phép rửa, thì Phép Hôn Phối cũng xẩy ra; nhưng nếu một cuộc hôn nhân không xẩy ra, vì bất cứ lý do nào, thì cũng không có Phép Hôn Phối nào xẩy ra cả.

Sau đó, cách nay 4 thế kỷ, để chống lại các cuộc hôn nhân lén lút, Giáo Hội Công Giáo đã buộc các tín hữu phải cưới nhau trước một giáo sĩ Công Giáo, thì hôn nhân của họ mới được coi là thành hiệu. Điều kiện mới này khiến nhiều người Công Giáo, trong đó, dường như có cả linh mục Brennan, vốn là một luật gia, lầm tưởng hôn nhân bên ngoài Giáo Hội là vô giá trị.

Không gì sai hơn điều ấy. Vì không những Giáo Hội nhìn nhận hôn nhân của những người không phải là Công Giáo mà còn coi hôn nhân của những người đã chịu phép rửa không phải là Công Giáo là Phép Hôn Phối, dù những người này không nhận hôn nhân của họ là một bí tích, miễn đây là một cuộc kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Nói tóm lại, bênh vực một “hôn nhân đồng tính” luôn là điều sai. Edward Peters cũng cho rằng việc hôn nhân chỉ có thể hiện hữu giữa một người đàn ông và một người đàn bà là một chân lý được giảng dậy bằng sự chắc chắn không thể sai lầm của Giáo Hội Công Giáo. Điều này có nghĩa: người Công Giáo nào chấp nhận bất cứ loại kết hợp nào khác như một hình thức hôn nhân là “chống lại tín lý của Giáo Hội Công Giáo” (Bộ Giáo Luật năm 1983 điều 750 § 2), khiến họ phải chịu hình phạt xứng đáng (Bộ Giáo Luật năm 1983 điều 1371 số 1).

Nhưng còn vấn đề phải chống lại bất cứ mưu toan dân sự nào trong việc dành cho các cặp đồng tính bất cứ quyền lợi nào của các cặp hôn nhân thì Văn Kiện “Considerations Regarding Proposals To Give Legal Recognition to Unions Between Homosexual Persons” (Các Xem Xét liên quan tới Các Đề Xuất Dành Việc Nhìn Nhận Hợp Pháp Các Cuộc Kết Hợp Giữa Những Người Đồng Phái Tính) năm 2003 của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin không nói gì.

Dù gì, thì hôn nhân đồng tính là điều Giáo Hội Công Giáo không thể chấp nhận. Trưng dẫn Đức Phanxicô để bênh vực nó là điều hoàn toàn đi ngược lại giáo huấn của ngài. Trong cuốn “Politique et Société” (Chính trị và xã hội) sẽ được phát hành vào ngày 6 tháng Chín này ở Pháp, thuật lại các cuộc phỏng vấn của nhà báo Dominique Wolton với ngài, Đức Phanxicô, khi được hỏi về hôn nhân đồng tính, đã nói rằng do chính định nghĩa nó, hôn nhân chỉ có thể giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Ngài nói “Chúng ta không thể thay đổi điều này. Đây là bản chất của sự vật” không phải chỉ trong Giáo Hội mà là trong lịch sử con người.

Theo ngài chỉ nên gọi các cuộc kết hợp đồng tính là các “cuộc kết hợp dân sự. Chúng ta đừng đùa giỡn với sự thật”.

Tại Sydney là tổng giáo phận của Trường Ignatius, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher vừa viết lá thư mục vụ về vấn đề này gửi tín hữu vào Chúa Nhật vừa qua. Sau đây là toàn văn lá thư của Đức Tổng Giám Mục Fisher:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ủng hộ hôn nhân đồng tính không?

Một số nhà bình luận gần đây cho rằng lòng trung thành với giáo huấn Công Giáo, và nhất là với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ cho phép, thậm chí buộc, người ta phải ủng hộ hôn nhân đồng tính; do đó, các giám mục Úc đã hiểu lầm giáo huấn Công Giáo và bất trung thành với Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi nói rằng người Công Giáo nên bỏ phiếu KHÔNG. Nhưng thực sự Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói gì về vấn đề này?

Tháng Tư năm 2010, lúc còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, ngài công bố một lá thư mục vụ với lời lẽ mạnh mẽ, nhân danh các vị đồng giám mục của ngài, chống đối việc định nghĩa lại hôn nhân trong luật lệ của Á Căn Đình. Ngài nhắc các nhà cầm quyền dân sự nhớ trách nhiệm của họ là bảo vệ hôn nhân và sự đóng góp độc đáo của nó cho ích chung. Ngài nhấn mạnh rằng nhà nước không kỳ thị một cách bất công khi đòi một người đàn ông và một người đàn bà kết hôn với nhau: “Nhà nước chỉ công nhận một thực tại tự nhiên”. Vị giáo hoàng tương lai nói tiếp: “Hôn nhân, gồm một người đàn ông và một người đàn bà, không giống hệt cuộc kết hợp của hai người cùng phái tính. Phân biệt như thế không phải là kỳ thị mà là tôn trọng sự khác nhau… Vào thời điểm khi chúng ta nhấn mạnh tới sự phong phú của tính đa nguyên và sự đa dạng về xã hội và văn hóa, quả là một mâu thuẫn khi tối thiểu hóa các dị biệt nền tảng của con người. Người cha không y hệt như người mẹ. Chúng ta không thể dạy các thế hệ tương lai rằng chuẩn bị đặt kế hoạch gầy dựng một gia đình đặt căn bản trên mối tương quan bền vững giữa một người đàn ông và một người đàn bà là y hệt như sống với một người cùng phái tính”.

Nhưng Đức Hồng Y Bergoglio có thay đổi cung giọng của ngài khi trở thành Đức Giáo Hoàng Phanxicô không? Ngài từng có tiếng đã nhấn mạnh tới việc Giáo Hội phải gần gũi với người dân, đồng hành với họ về phương diện mục vụ giữa cảnh phức tạp của đời sống họ, và giúp họ hàn gắn các vết thương. Ngài ý thức rõ rệt rằng nhiều người bị lôi cuốn bởi người cùng phái tính cảm thấy bị cô lập bởi Giáo Hội và xã hội. Ngài nói rằng ngài sẽ không phê phán những người đồng tính nào thực sự tìm kiếm Thiên Chúa và tìm cách làm điều tốt.

Tuy nhiên, việc chăm sóc mục vụ một cách mẫn cảm đối với các người đồng tính nam nữ, trong đó có những cặp đồng phái tính, phải nhất quán với việc đề cao sự thật về hôn nhân như là sự kết hợp suốt đời của một người đàn ông và một người đàn bà nhằm sinh sản. Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ trước đến nay vốn phê phán thứ “chủ nghĩa duy cá nhân tự yêu mình thái quá” (narcissistic individualism) của nền văn hóa đương thời, là nền văn hóa chuyên cổ vũ “thứ tự do thoát khỏi trách nhiệm” và ích chung, bất luận giữa những người dị tính hay đồng tính. Ngài phê phán “các ý thức hệ tấn công dự án gia đình cách trực tiếp”. Ngài cho rằng các lực lượng văn hóa này phá hoại kế hoạch tự nhiên và do Thiên Chúa hoạch định cho hôn nhân và gia đình (1). Và ngài lý luận rằng phụ thuộc sự lành mạnh của hôn nhân và của các gia đình đặt căn bản trên hôn nhân không những là hạnh phúc và sự thánh thiện của nhiều cá nhân, mà còn là việc lưu truyền đức tin và đạo đức học, sinh lực của các nền kinh tế và chính thể, việc chăm sóc sự sống và các thế hệ, và do đó, chính hướng đi của các dân tộc trong lịch sử (2).

Trong bối cảnh trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên tiếp chủ trương rằng hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ là “một bước thụt lùi đối với nhân loại” (một thứ ‘thoái hóa nhân học’) (3) và gây thiệt hại nặng nề cho tất cả chúng ta, kể cả người đồng tính, vì sự lành mạnh của ‘sinh thái nhân bản’ phụ thuộc nền văn hóa hôn nhân lành mạnh (4). Nền văn hóa này lôi cuốn hai phái tính lại với nhau trong cuộc sống hôn nhân và hết sức bảo đảm để con cái nhận được hồng phúc đóng góp của cả hai cha mẹ nam nữ, dấn thân cho nhau và dấn thân cho chúng” (5). Trích dẫn từ Thư Mục Vụ của Các Giám Mục Úc “Đừng Xía Vô Hôn Nhân” (Don’t Mess With Marriage), và biến thành lời của chính ngài trong tông huấn thời danh Niềm Vui Yêu Thương, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng mỗi người phối ngẫu “đóng góp theo cách riêng của họ vào việc dưỡng dục đứa con. Tôn trọng phẩm giá của đứa con là khẳng định nhu cầu và quyền tự nhiên của nó được có một người cha và một người mẹ” (6). ‘Chủ nghĩa thực dân ý thức hệ’ phát sinh từ các trình bầy lẫn lộn về dục tính và hôn nhân đã làm méo mó kế hoạch của Thiên Chúa dành cho sáng thế, bác bỏ các quyền tự nhiên của con cái, gây hại cho các cá nhân và cộng đồng, và phải bị chống đối (7). Thế nhưng, buồn thay, “nhiều nước đang mục kích việc người ta dùng luật pháp phá hủy gia đình, nghiêng về phía tiếp nhận các mẫu mực gần như độc nhất đặt căn bản trên tính tự trị của ý chí cá nhân” (8).

Không hề thu hồi việc Giáo Hội Công Giáo, trong hai ngàn năm qua, luôn nhấn mạnh rằng (theo mạc khải Thiên Chúa và luật tự nhiên) hôn nhân chỉ có thể giữa một người đàn ông và một người đàn bà (9), Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ trước đến nay vốn mạnh mẽ bênh vực lập trường này. Những ai cho rằng ngài ủng hộ chiến dịch “có” của họ trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới một là chưa đọc ngài hai là cố tình trình bầy sai về ngài. Bỏ phiếu với Đức Giáo Hoàng Phanxicô là BỎ PHIẾU KHÔNG.

Thân ái cùng anh chị em

Anthony Fisher OP, DD BA LIB BTheol DPhil, Tổng Giám Mục Sydney.
__________________________________________________________________________________________________________
(1) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Niềm Vui Yêu Thương: Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng về Tình Yêu trong Gia Đình (2016) 33-34, 39-40 v.v… Diễn Văn với Phân Khoa và Các Sinh Viên Học Viện Gioan Phaolô II Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Đình, ngày 27 tháng Mười năm 2016.
(2) Niềm Vui Yêu Thương, 52
(3) Edward Pentin, “Pope nhắc lại rằng ‘hôn nhân’ đồng tính là ‘cuộc thoái hóa nhân học’”, National Catholic Register, 3 Tháng Giêng 2014.
(4) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Yết Kiến Chung, 5 tháng Sáu năm 2013; Diễn Văn với Quốc Hội Âu Châu, Strasbourg, 25 tháng Mười Một năm 2014. Diễn Văn với Các Nhà Cầm Quyền Phi Luật Tân và Ngoại Giao Đoàn, Manila 16 tháng Giêng năm 2015.
(5) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Văn với Hội Nghị Các Giám Mục Âu Châu, 3 tháng Mười năm 2014; Diễn Văn với Quốc HỘi Âu Châu, Strasbourg, 25 tháng Mười Một năm 2014; Diễn Văn với Các Nhà Cầm Quyền Phi Luật Tân và Ngoại Giao Đoàn, Manila 16 tháng Giêng năm 2015. Niềm Vui Yêu Thương, 81-83, 166 tt, 172 tt v.v…
(6) Niềm Vui Yêu Thương, 172; xem Diễn Văn với Hội Nghị Chuyên Đề Quốc Tế về Tính Bổ Túc Nam Nữ, 17 tháng Mười Một năm 2014.
(7) Cũng thế trong Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Văn với Hội Nghị Chuyên Đề Quốc Tế về Tính Bổ Túc Nam Nữ, 17 tháng Mười Một năm 2014. Diễn Văn với Các Nhà Cầm Quyền Phi Luật Tân và Ngoại Giao Đoàn, Manila 16 tháng Giêng năm 2015.
(8) Niềm Vui Yêu Thương, 53.
(9) Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Các Xem Xét liên quan tới Các Đề Xuất Dành Việc Nhìn Nhận Hợp Pháp Các Cuộc Kết Hợp Giữa Những Người Đồng Phái Tính, 3 tháng Sáu năm 2003.
 
Top Stories
Holydays of Obligation - England and Wales
Catholic World News
21:38 04/09/2017
With effect from the First Sunday of Advent 2017, two holydays of obligation are being reinstated. This decision was made by the Bishops of England and Wales, and has been confirmed by the Holy See.

The days are:

The Epiphany of the Lord — 6 January (transferred to the adjacent Sunday when it falls on Saturday or Monday)

The Ascension of the Lord — Thursday after Sixth Sunday of Easter
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Bác Ái Thiện Tâm Thăm Vùng Quê Nghèo Xã Quế Thiện -Tỉnh Vĩnh Long
Phương Nga
11:20 04/09/2017
“ Mỗi ngày anh chị em phải đặt câu hỏi Thầy là ai ?và khi có câu trả lời rồi thì sống noi gương Ngài là yêu mến nước Chúa ,sống thánh thiện và làm những việc bác ái lo cho người bất hạnh vì “Vô tri-Bất mộ”nghĩa là không hiểu thì không yêu mến (Trích lời giáo huấn của Cha xứ Cù Lao Dài Micae Nguyễn Văn Công tỉnh Vĩnh Long”.

Sau chuyến đi thăm bà con giáo xứ Cái Mơn Bến Tre,hôm nay lần thứ 2,ngày Chúa Nhật 27-08-2017,nhóm bác ái Thiện Tâm lại đến với bà con vùng sâu ,vùng xa gíao xứ Cù Lao Dài xã Quế Thiện -huyện Vũng Liêm –tỉnh Vĩnh Long.

Xem Hình

Khởi hành từ 5g sáng với 20 thành viên từ em bé 5 tuổi đến cụ già 66 tuổi,trên chuyến xe chở 50 phần quà gồm Gạo,mì,nước tương,quần áo mới và quần áo đã qua xử dụng,với đoạn đường dài 170km,toàn bộ tặng phẩm được chính anh Giang và thành viên trong đoàn khiêng vác lên xe và qua nhiều chặng đường đều như vậy. Số quà này để tặng cho 50 gia đình khó khăn không phân biệt lương giáo.

Khác với chuyến đi lần trước,bác tài chỉ ghé quán ăn (Cai Lậy –Tiền Giang) để mọi người ăn sáng nhanh gọn,rồi thẳng tiến về tỉnh Vĩnh Long vì đường xa,sợ mưa gíó và được tin bà con nhận quà đã đến rất sớm tại điểm hẹn.

Xe dừng tại bến phà Vũng Liêm,nhưng đoàn không qua phà mà lại chia ra hai nhóm, một nhóm mang tặng phẩm đến nhà Bà Têrêsa Hai (Nhạc mẫu Anh Giang) đây cũng là điểm đoàn nghỉ ngơi và ăn trưa.

Một nhóm đi cùng anh Lưu Giang và cậu Út vào thăm Cha chánh xứ; khi nghe tiếng ồn ào vì đang chỉ dẫn cho một vài chị em không biết cách lên thuyền,Cha đã vội ra đón mọi người với trang phục ở nhà đơn sơ;Sau ít phút tay bắt mặt mừng,anh Giang đã đại diện đoàn trao tặng một thùng bánh Miến cho giáo xứ do các thành viên đóng góp.Cha mời tất cả ngồi tại phòng khách và thăm hỏi về gia đình,công việc và những công tác bác ái,để đúc kết ý kiến của mọi người,Cha có mấy lời giáo huấn:

“Cha rất vui mừng khi anh chị em đến đây để thăm gíao xứ và giúp cho bà con nghèo,nhưng Cha muốn nói với anh chị em rằng tất cả mọi việc làm của chúng ta đều phát xuất phát từ đức Tin,Cậy và Mến;mỗi ngày trong đời đều phải tự hỏi câu Thày là ai? và phải suy nghĩ cho ra câu trả lời này,dù là bao lâu cũng được.

Có trả lời được câu hỏi đó thì chúng ta vững tin vào Chúa,mới yêu Chúa,mới thấm nhuần giáo lý của Ngài và thực thi những điều Ngài dạy;nếu ta không tin vững vàng ta sẽ dễ xa rời và phản bội Chúa;chúng ta thường căm ghét ma quỷ,nhưng thật ra ma quỷ rất sợ Chúa;Cha đã từng xua đuổi tà ma cho một vài trường hợp và đưa họ đến nhà thờ,để đẩy chúng ra khỏi thân xác họ,nhưng ma quỷ không cho họ vào,chúng nói “Trong này có Ông Bự lắm !”chúng biết rất rõ về nơi ngự trị của Thiên Chúa;vậy mà nhiều anh chị em mình vào nhà thờ lại lo ra,nói chuyện ồn ào và không sốt sắng cầu nguyện...” Cha còn muốn nói nhiều hơn nhưng vì ngại bà con chờ nên phải tạm dừng và mọi người xin phép cáo từ,Cha cũng nêu lý do không thể đến phát quà cho bà con vì năm nay đã 70 tuổi mà phải đi mục vụ nhiều nên sức khỏe không tốt ...để tạm biệt Cha,mọi người cùng chụp hình lưu niệm với Cha,ông Trùm Kính thay Cha tiễn và đưa đoàn đến điểm hẹn.

Một chuyến đò nữa lại xuất phát từ nhà thờ về nhà Bà Têrêsa Hai và khác với sự tĩnh lặng của nhà thờ thì nơi đây vui nhộn và ồn ào,những tiếng cười rộn rã của các em bé đến ánh mắt trìu mến của các cụ già và những câu chuyện rôm rả của chị em phụ nữ vui như ngày hội,chỉ một vài thanh niên người ngồi uống trà với Cậu Út và ông Trùm Kính.

.Sau khi gửi tặng 50 phần quà tận tay mọi người và chụp hình lưu niệm,sự đơn sơ của bà con lộ trên nét mặt vì không ai có một chút mặc cảm hay e ngại gì khi nhận quà thậm chí có người còn đòi chụp nhiều hình đang lựa quần áo hay đang nhận quà,để Truyền thông đưa lên Facebook và bài báo....

Xong việc đã quá 1 giờ trưa,bà Hai cho dọn cơm mời đoàn,ông Trùm Kính nói vài lời cám ơn anh Giang và nhóm rồi mời mọi người ăn trưa ..những món dân giả nhưng an toàn và tươi ngon do gia đình Bà Hai nuôi trồng,cùng với những trái cây được hái xuống tại chỗ đã làm mọi người háo hức nhiều hơn khi về vùng sông nước xa xôi.

Đã qua 2 giờ chiều,tất cả tranh thủ ngả lưng khoảng 10 phút rồi trở dậy để xuống đò..ông Trùm Kính,gia đình bà Hai và một số bà con tiễn đoàn ra tận bờ sông,có mây đen trên nền trời ..nhưng cả chuyến đò không ai bị ướt vì mưa nhỏ,mọi người lên thuyền và ghé mua vài món đặc sản vùng quê rồi lên xe.

Đường về Sài Gòn cũng như lúc đi,nhưng dài hơn vì trưa không ai được nghỉ và sự đi lại nhiều làm cho người lớn tuổi thấm mệt (vì đi qua 45 phút trên đò và hơn 4 tiếng rưỡi trên xe)nhưng niềm hạnh phúc và toại nguyện đã xua tan mệt mỏi,nhờ chuyến đi,có người lần đầu biết rõ đời sống của bà con vùng sâu vùng xa của tỉnh Vĩnh Long ,số đông khác thì vui vì được biết thêm một giáo xứ và cha Quản xứ vùng sông nước..còn các cháu bé thì sung sướng vì trải nghiệm cảm giác qua sông qua đò,xong niềm vui chung và lớn nhất là gia đình anh Lưu Giang và các thành viên cảm thấy là mình đã trở thành chiếc cầu nối trọn vẹn cho những người cần thực thi bác ái và những người mong mỏi sự giúp đỡ,vàchắc chắn là Chúa đã đồng hành với chuyến đi cũng như Chúa đang mỉm cười vì Ngài thấy con cái loài người biết yêu thương nhau và biết chia sẻ cho nhau như lời Ngài hằng răn dạy .

“ Còn đây là giới răn thứ 2,các ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình các Ngươi “ (Lv19,18-34)

Phương Nga TGP Sài Gòn
 
Thêm một Cộng Đoàn Người Việt CG tại Melbourne
Trần Bá Nguyệt
15:11 04/09/2017
Chúa Nhật, 3-9-17, thánh lễ đầu tiên cho cộng đoàn người Việt tại Nhà thờ St Peter Catholic Church, 13 Davisson (also Davidson) St, Vùng Epping, Bắc Melbourne đã được cử hành trong bầu không khí ấm cúng của ngôi thánh đường xây bằng đá đen cổ kính trong khi bên ngoài trời mưa lớn và khá lạnh với nhiệt độ dưới 10 độ Celcius.
Xem hình
Linh mục JB Trần Minh, dòng Tên, sau chín tháng tu nghiệp tại Hoa Kỳ (vào năm 2016), mới đây đã được Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Melbourne bổ nhiệm về làm cha chính xứ nhà thờ St Peter tại vùng Epping, Bắc thành phố Melbourne. Cha Trần Minh sáu năm trước đã là cha chính xứ Giáo Xứ Holy Eucharist, St Albans, vùng Sunshine North.
Hiện diện trong thánh lễ mở đầu cho cộng đoàn người Việt hôm nay có một số giáo dân trong vùng Epping, một số giáo dân từ Springvale, đông Melbourne qua, và một nhóm khá đông giáo dân cũ của giáo xứ Holy Eucharist, trong đó có khoảng hơn 20 Bà Mẹ thuộc Hội Các Bà Mẹ Công Giáo giáo xứ Holy Eucharist cũng có mặt. Thánh lễ đồng tế cũng hân hạnh đón tiếp Cha Phạm Ngọc Lâm, chính xứ Giáo xứ Lam Sơn thuộc TGP Saigon mới sang Melbourne được hai ngày. Theo kế hoạch, kể từ hôm nay, mỗi Chúa Nhật sẽ có thánh lễ dành riêng cho người Việt vùng Epping, và vùng lân cận như Lalor, Thomas town, Somerton, Campberfield ... Bắc Melbourne. Cộng đoàn hiện diện hôm nay tuy còn ít, nhưng hy vọng trong tương lai gần, các gia đình người Việt chung quanh vùng Epping sẽ thu xếp để cùng chung vai sát cánh cho cộng đoàn riêng của vùng Bắc Melbourne khá trù phú này.
Anh chị em có mặt rất vui mừng vì kể từ đây mỗi Chúa Nhật sẽ có thánh lễ bằng tiếng Việt vào lúc 12 giờ trưa cho cộng đoàn. Cha Trần Minh cũng nhân dịp “khai trương thánh lễ tiếng Việt” hôm nay mời gọi cộng đoàn người Việt quanh vùng Epping, nơi có trường Monica College, trường NMIT (North Melbourne Institute of TAFE) với campus khá lớn, có hospital rộng gấp ba Bệnh viện Sunshine và khu siêu thị rộng lớn có tên đường riêng, cũng như có car park trong nhà cho xe trucks chở thực phẩm.
Hy vọng với sự trẻ trung, hăng say và không nề quản khó khăn của Cha Trần Minh, Epping sẽ có một cộng đoàn người Việt khởi sắc và hùng hậu trong thời gian không xa. Đây cũng là một tin vui cho Cộng Đồng người Việt TGP Melbourne, nơi đã có 15 cộng đoàn người Việt hiện diện.
Trần Bá Nguyệt, DCUC
 
Giáo xứ Phú Bình khai giảng năm học giáo lý
Martinô Lê Hoàng Vũ
15:35 04/09/2017
Sáng nay, ngày 3.9.Chúa Nhật đầu tháng 9, theo thông lệ hằng năm, giáo xứ Phú Bình, hạt Phú Thọ, Sài Gòn đã tổ chức khai giảng năm học Giáo lý cho các em thiếu nhi trong giáo xứ.

Bầu trời sáng sớm hôm nay trời thật trong xanh, mát mẻ, sân nhà thờ được điểm tô thêm những chiếc bong bóng nhiều màu sắc. Vào lúc 6 giờ 30 sáng,các em thiếu nhi của các lớp giáo lý đã hiện diện đông đủ trong sân nhà thờ.Nghi thức khai giảng năm học giáo lý được diễn ra ngay tại tiền đình nhà thờ.

Xem Hình

Trước tiên là phần chào cờ ngày đầu tháng và cũng là đầu năm học theo chương trình của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam. Kế đó, Cha chánh xứ GB Trần Văn Trí đánh những tiếng trống rộn ràng, tuyên bố khai mạc năm học giáo lý, mở tấm phông chủ đề của năm học 2017-2018 : “Yêu như Chúa yêu”, trong lúc này pháo bông và những chiếc bong bóng được thả lên bầu trời.

Trong bầu khí trang trọng này, bên cạnh cha chánh xứ Gioan B. Trần Văn Trí còn có cha phó, quý ông Ban Thường Vụ HĐMVGX,đại diện các đoàn thể trong giáo xứ,hội Legio Mariae, hội CBMCG, cùng với quý vị phụ huynh.

Cha chánh xứ và quý vị hiện diện nhắn nhủ và dành những lời cầu chúc các em trong năm học mới hiểu biết hơn về Chúa Giêsu, thêm lòng yêu mến Ngài hơn, cụ thể là siêng năng tham dự thánh lễ, các bí tích, sống chan hòa yêu thương bạn bè trong lớp.

Sau phần Nghi thức khai giảng, các em vào trong nhà thờ tham dự thánh lễ Phụng vụ Chúa Nhật XXII Thường Niên. Trong thánh lễ có nghi thức thăng cấp cho các enh chị Huynh Trưởng và các em thiếu nhi, làm phép khăn, trao khăn cho các em, các anh chị Huynh Trưởng tuyên hứa trong ngày đầu năm học.Thánh lễ do Cha phó Giuse Nguyễn Cảnh Thịnh chủ tế.

Xin Chúa ban cho các em thiếu nhi năm học Giáo lý mới tràn ngập niềm vui và tinh thần cầu tiến học hỏi, để các em học biết yêu thương mọi người như Chúa yêu, nhờ đó các em luôn là những người con ngoan của Chúa, được mọi người thương mến.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 03/09/2017: Đức Thánh Cha sẽ thăm Miến Điện, Bangladesh vào tháng Mười Một
VietCatholic Network
02:05 04/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Vatican chính thức xác nhận Đức Thánh Cha sẽ thăm Miến Điện, Bangladesh vào tháng Mười Một

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm viếng Myanmar và Bangladesh vào tháng 11, Vatican đã khẳng định như trên.

Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, tuyên bố vào ngày 28 tháng 8 rằng Đức Thánh Cha sẽ tông du Miến Điện vào ngày 27 tháng Mười Một, và ở đó cho đến ngày 30. Sau đó, ngài sẽ dừng chân tại Dhaka, Bangladesh, từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 trước khi trở lại Rôma.

Khả năng Đức Thánh Cha đến thăm Miến Điện đã là một chủ đề được suy đoán nhiều trong vài tuần qua. Trong khi đó, kế hoạch dừng ở Bangladesh, một quốc gia có tuyệt đại đa số dân theo Hồi giáo, là một điều khá bất ngờ.

Một số nhà lãnh đạo Phật giáo ở Miến Điện đã phản đối một cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha vì các phát biểu công khai của Vatican đối với cuộc bức hại của người thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại lời cầu khẩn của mình cho người Rohingya trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 27 tháng 8: chỉ một ngày trước khi chuyến đi của ngài được chính thức công bố.

Tại Miến Điện, Đức Thánh Cha sẽ thăm các thành phố Yangon và Nay Pyi Taw. Trong khi đó, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã không đề cập đến bất cứ thành phố nào khác ở Bangladesh trừ thủ đô Dhaka.

2. Phản ứng của Đức Hồng Y Pietro Parolin về video đe doạ tấn công khủng bố Đức Giáo Hoàng

“Ta không thể không lo lắng, trước hết là đối với thứ hận thù vô nghĩa này.”

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói với các phóng viên hôm thứ Bảy rằng một ngày trước đó ngài đã xem đoạn video, trong đó bọn khủng bố Hồi Giáo IS mô tả Đức Giáo Hoàng là một mục tiêu của chúng. Gần đây, trong một video khác, được truyền trên kênh Telegram của những kẻ ủng hộ ISIS, cho thấy Italia là mục tiêu tiếp theo của các cuộc tấn công cực đoan sau các vụ khủng bố tại Tây Ban Nha.

Đức Hồng Y nói: “Rõ ràng, người ta không thể không lo lắng, trước hết là đối với thứ hận thù vô nghĩa này.” Nhưng ngài nói thêm rằng Vatican sẽ không thêm nhiều biện pháp khác để bảo đảm an ninh vì những biện pháp an ninh được áp dụng trong thời gian gần đây đã là rất cao.

3. Đức Hồng Y João Braz de Aviz khuyên các nữ tu tránh xa việc chạy theo tiền của thế gian

Đức Hồng Y João Braz de Aviz, tổng trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Hội Đời, đã cảnh báo các nữ tu tại châu Phi hãy kiên quyết chống lại hấp lực của tiền bạc.

“Các giám mục và các tu sĩ phải thường tranh đấu đối với vấn đề tiền bạc như thế nào?”, Ngài đã đưa ra câu hỏi trên trong bài giảng Thánh lễ ở Dar es Salaam, Tanzania. “Phải thường xuyên. Chúng ta biết điều đó trước những tin tức về những cuộc chiến này.”

Đức Hồng Y nói thêm:

“Tiền ra lệnh cho mọi thứ ngày hôm nay, tiền tạo ra quyền lực, tiền tạo ra người nghèo, tiền tạo ra cái chết, nó tạo ra vũ khí, và nó tạo ra sự sợ hãi. Chúng ta không muốn là đầy tớ của tiền bạc, chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa và phải làm sao để tiền của chúng ta có được dùng vào việc phục vụ Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.”

4. Kết thúc việc điều tra một giám mục Indonesia

Một giám mục Indonesia được Vatican chỉ định để điều tra các khiếu nại về tham nhũng trong một giáo phận khác đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và sẽ sớm trình báo cáo của mình lên Vatican.

Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin của Bandung, Tổng Thư ký Hội Đồng Giám mục Inđônêxia, đã được Tòa Thánh chỉ định xem xét các khiếu nại trong giáo phận Ruteng, nơi Đức Cha Hubertus Leteng bị buộc tội lạm dụng các quỹ nhà thờ để trợ giúp một người phụ nữ bị cáo buộc là tình nhân của ngài.

Đức Cha Bunjamin nói với thông tấn xã UCANews rằng ngài đã phỏng vấn 30 người, thu thập bằng chứng cho thấy cần thiết và sẽ trình những phát hiện của mình lên Vatican “trước đầu tháng 9”.

Đức Cha Bunjamin được chỉ định để tiến hành một cuộc thanh tra tông tòa sau khi hàng chục linh mục trong giáo phận Ruteng đã cáo buộc rằng Đức Cha Leteng đã nhận hơn 100,000 đô la từ giáo phận và Hội Đồng Giám mục Indonesia. Trong một phản ứng rất quyết liệt, 69 linh mục từ chức tập thể để phản đối Đức Cha Leteng.

5. Guatemala: các giám mục chỉ trích tổng thống sa thải quan chức chống tham nhũng

Tổng thống Jimmy Morales của Guatemala đã sa thải một thành viên trong Ủy ban Quốc tế Chống Tham Nhũng ở Guatemala. Việc sa thải này đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng từ các giám mục của quốc gia này.

“Cuộc đấu tranh chống lại nạn tham nhũng mà không bị trừng phạt là một nhu cầu không thể bỏ qua và là một công việc cấp bách đối với Guatemala”, các giám mục đã nói như trên trong một tuyên bố. Các ngài nói thêm rằng “các cá nhân và tổ chức tham nhũng là những kẻ đứng đằng sau vụ sa thải này vì họ là những kẻ được hưởng lợi nhiều nhất”.

6. Một Giám Mục Tây Ban Nha xin lỗi vì đã để xảy ra việc cung nghinh thần Ấn Giáo trong một nhà thờ Công Giáo

Đức Giám Mục Rafael Zorzona Boy của giáo phận Cadiz y Ceuta đã đưa ra một lời xin lỗi những người Công giáo địa phương vì đã để xảy ra việc cung nghinh thần Ganesh vào một nhà thờ Công giáo.

Cuộc rước diễn ra ở Ceuta, một lãnh thổ của Tây Ban Nha ở bờ biển phía bắc của châu Phi gần Gibraltar. Người Ấn Giáo địa phương đã bước vào nhà thờ Đức Mẹ Châu Phi, cung nghinh hình ảnh của chú voi Ganesh, và được chào đón bởi vị tổng đại diện của giáo phận, là Cha Juan José Mateos Castro.

Đức Cha Rafael Zorzona Boy đã nhận xét rằng sự kiện này là “đáng tiếc” bởi vì mặc dù rất hợp với tình hữu nghị với những người Ấn Giáo địa phương, nhưng quyết định cho phép một vị thần Hindu được tôn vinh trong một nhà thờ Công giáo có thể gây ra “đau đớn, lúng túng, hoặc tai tiếng trong cộng đồng Kitô hữu”.

Phản ứng trước việc cung nghinh tà thần trong một nhà thờ Công Giáo, giáo dân địa phương đề nghị cha tổng đại diện Juan José Mateos Castro và cả Đức Giám Mục Rafael Zorzona Boy nên từ chức.

7. Các Giám Mục Ấn Độ kêu gọi chính phủ xúc tiến việc thương thảo nhằm trả tự do cho cha Tom

Các giám mục của Giáo hội Công giáo Syro-Malabar, một Giáo Hội Công giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, đã kêu gọi chính phủ Ấn Độ tăng cường nỗ lực những nỗ lực thương thảo để Cha Tom Uzhunnalil sớm được trả tự do.

Những kẻ khủng bố tự xưng là có liên hệ với khủng bố IS đã bắt cóc cha Tom ở Aden, Yemen, vào tháng 3 năm 2016.

Các Giám Mục đã kêu gọi các tín hữu Kitô cầu nguyện cho cha Tom sớm được trả tự do.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Ấn nói vị linh mục Ấn Độ bị những tên khủng bố Hồi giáo bắt cóc ở Yemen vào tháng 3 năm 2016 sẽ sớm được trả tự do.

Các vị đại diện của dòng Salesian đã họp tuần trước với Ngoại trưởng Ấn Độ, Sushma Swaraj, để thúc ép các hành động của chính phủ hơn nữa trong cuộc tìm kiếm việc trả tự do cho Cha Tom Uzhunnalil. Bà Bộ trưởng Ngoại giao nói rằng linh mục còn sống, và nói bà nghĩ rằng ngài sẽ sớm được trả tự do. Bà hứa rằng chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để mang lại việc trả tự do cho ngài.

Vào tháng 5, cha Uzhunnalil đã xuất hiện trên một video cầu xin giúp đỡ, và nói rằng ngài cần được chăm sóc y tế. Bà Swaraj xác nhận rằng các tin tức của chính phủ Ấn cho biết cha Tom đã bị “nhiều vết thương và đau khổ” không thể tưởng tượng được trong tình trạng bị giam cầm.

Tháng 7 vừa qua, ngoại trưởng Yemen nói rằng Cha Uzhunnalil vẫn còn sống, và chính phủ của ông cũng đang làm việc để giải phóng ngài. Chính phủ Yemen cũng không cho biết nơi cha Tom bị giữ. Những kẻ bắt cóc ngài được tin là có liên hệ với quân khủng bố Hồi Giáo IS.

8. Lãnh đạo Shiite Iraq sẽ được Đức Thánh Cha tiếp kiến

Một phát ngôn viên của Muqtada al Sadr nói rằng nhà lãnh đạo người Shiite của Iraq sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha trong chuyến thăm Châu Âu sắp diễn ra.

Vatican đã không xác nhận tin này.

Lãnh đạo một nhóm thiểu số người Shiite ở Iraq, al Sadr từ lâu đã là kẻ thù chính của Mỹ, và quân đội của ông đã từng đụng độ với lực lượng Mỹ trong cuộc chiến đẫm máu vào năm 2004. Trong những năm gần đây, ông ta đã giải giáp lực lượng của mình và tuyên bố theo đuổi con đường bất bạo động. Ông hy vọng sẽ giúp xây dựng lại Iraq.