Ngày 28-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những Nhịp Cầu Qua Bến Thiên Đàng
LM. Giuse Trương Đình Hiền.
07:44 28/09/2019
Chúa Nhật 26 Thường Niên C 2019

Cách đây hơn 3 năm (ngày Chúa Nhật 4/9/2016), ĐGH Phanxicô đã phong hiển thánh cho Chân phước Têrêxa Calcutta, vị Nữ tu đã từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1978…

Có một điều chẳng ai ngờ là tên của của Vị Nữ Tu Công Giáo nghèo nàn, khiêm hạ nầy nầy lại được đặt cho một đại lộ quan trọng nhất của thành phố Calcutta, thành phố của một nước Ấn Độ chỉ có 1,6% dân Công Giáo. Đơn giản, chỉ vì Mẹ đã sống hết mình cái “lý của Tin Mừng”, Tin Mừng đuợc loan báo cho người nghèo khó. Mẹ đã trở thành vĩ đại, đã trở thành đại thánh, chỉ vì Mẹ đã thể hiện đúng mức “cái nghèo” của Phúc Âm, cái nghèo biết đặt mình khiêm hạ trước Thiên Chúa để cho đi hết mình, để liên đới với những kẻ cùng khổ, để sống cho và sống với những kẻ mang thân phận khốn khổ bần hàn.

Nhưng đó là câu chuyện của người Công Giáo chúng ta, câu chuyện của những vị thánh, những người nổi tiếng và là những người được nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu, được thuộc về cái Đạo mang danh xưng là “Đạo tình thương” và được truyền giữ hai điều luật căn bản “mến Chúa yêu người”.

Có một câu chuyện khác rất đời thường. Mới hôm qua, tôi tình cờ đọc được trên facbook một câu chuyện khác cũng của những con người nghèo nhưng mang trái tim thật “giàu có”; đó là câu chuyện về đôi vợ chồng Nhật + Minh ở quận Bình Tân, Sài Gòn. Chồng lái xe cấp cứu cho bệnh viện. Trong một lần chở bệnh nhân về tận miền quê Miền Tây, khi chứng kiến cảnh một gia đình nghèo phải vay mượn khắp xóm mới đủ trả tiền xe với mức hơn 2 triệu, anh Nhật đã không lấy một đồng nào. Từ nỗi chạnh lòng thương đó, anh Nhật về chia sẻ với vợ, và rồi cả hai quyết định bán căn nhà, chấp nhận đi thuê nhà trọ ở, lấy tiền mua xe cứu thương để vừa chạy dịch vụ vừa hỗ trờ miển phí cho những bệnh nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa. Chẳng những làm tài xế, anh Nhật còn kiêm luôn chuyện giúp tẩn liệm các xác chết miển phí. Và từ năm 2017 đến nay, chuyến xe cứu thương Minh Tâm đã xuôi nược từ nam chí bắc đến Tây nguyên, bất kể đêm hôm, mưa bão…tận tình giúp đỡ bất cứ ai túng ngặt cần đến…

Trong thế giới nhầy nhụa những bon chen, tranh dành, những hơn thua tranh đoạt cùng với sự lên ngôi của chủ nghĩa “mackeno”, “trái tim vô cảm”…, thật là may mắn, thật là quý giá, thế giới vẫn còn bao nhiêu “lời chứng sống động” về sự yêu thương, chia sẻ, vẫn còn bao nhiêu những tấm lòng ẩn khuất đâu đó mang dáng đứng của Mẹ Têrêsa Calcutta hay của đôi vợ chồng Nhật + Minh”…!

Từ những mẫu gương của đời thường cuộc sống đó, chúng ta có thể đọc thấy phần nào nội dung ý nghĩa của sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật 26 Thường Niên được gởi đến cho tất cả chúng ta hôm nay, qua các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố. Sứ điệp đó chính là : sống cuộc đời hôm nay bằng sẻ chia bác ái để chuẩn bị cho cuộc đời mai sau được hạnh phúc vĩnh hằng.

Trước hết, chúng ta có thể đọc ra sứ điệp nầy nơi Trích sách ngôn sứ Amos (Am 6,1a.4-7) trong Bđ 1 :

Từ 8 thế ký trước Công nguyên, lớn lên và sinh sống tại vương quốc Ít-ra-en phía Bắc mà ảnh hưởng ngoại giáo đang chi phói nặng nề, cuộc sống xã hội bị cuốn hút bởi trào lưu vật chất, hưởng thụ…, ngôn sứ Amos mạnh miệng cảnh cáo : “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; … dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày…”

Lời cảnh báo nầy vẫn còn nguyên tính thời sự cho thế giới hôm nay, cho mỗi người chúng ta, một thế giới, một xã hội đang chìm ngập trong cái não trạng “làm giàu bất kể”, “hưởng thụ bất kể” và đang hình thành một lối sống, một tâm thức ích kỷ, dửng dưng, vô cảm, thượng tôn vật chất, hưởng thụ...

Trong khi lời ngôn sứ Amos vạch ra bức tranh khá đen tối về sự ích kỷ, vô cảm của con người như một lời cảnh báo, thì Thánh Vịnh (đáp ca) 145 lại vẽ lên chân dung của một Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc những kẻ nghèo hèn phận bạc, Đấng cầm cân nẩy mực” cho công lý đời nầy và đời sau :

“Chúa là Đấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội… Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục;… Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân….”.

Vị Thiên Chúa mà Amos nói đó lại không là Đấng vô hình, huyển tưởng, hiện hữu trên “chín tầng mây”, mà là một Thiên Chúa, sau Amos gần 800 năm, đã xuất hiện, đã cắm lều ở giữa nhân loại, đã đồng hành với con người, những con người khố rách áo ôm, trôi sông lạc chợ, bị xã hội loại trừ, kết án…. Vâng, đó là Vị Thiên Chúa làm người (Emmanuel) mà Tin mừng Luca hôm nay đã tường thuật một dụ ngôn đặc biệt của chính Ngài để giáo huấn về tình thương chia sẻ, về giá trị đích thực của cuộc sống đó. Ý nghĩa của dụ ngôn đó có thể tóm tắt: sống cuộc đời hôm nay bằng sẻ chia bác ái để chuẩn bị cho cuộc đời mai sau được hạnh phúc vĩnh hằng.

Vâng, bằng dụ ngôn “Người nghèo La-za-rô và ông phú hộ”, Chúa Giê-su đã khắc hoạ hai hình tượng người trong xã hội loài người muôn nơi, muôn thuở : Giàu và nghèo, để từ đó hướng tới sứ điệp : Nếu chỉ biết cậy dựa vào sự giàu sang để hưởng thụ một cách ích kỷ, không biết xót thương, liên đới với anh em đồng loại, nhất là với những người nghèo nàn, cơ cực, bất hạnh, thì cánh cửa thiên đàng mai hậu sẽ khép lại, mọi quan hệ với Thiên Chúa sẽ bị cắt đứt. Chính vì thế, Thiên đàng, quê hương vĩnh cửu, hạnh phúc đời đời không phải là một thực tại ảo tưởng, xa vời, nhưng là đang bén rễ, hình thành, triển nở ngay từ cuộc sống hôm nay.

Nói cách khác, chiếc cầu bắt qua bến thiên đàng được xây dựng từ những nhịp đầu tiên của cuộc sống hôm nay.

Mà đâu chỉ với “dụ ngôn” thôi đâu, chính cuộc đời của Chúa Giêsu là một thuyết minh sống động cho ý nghĩa “yêu thương, chia sẻ”, nhất là con tim “chạnh lòng thương đối với những kẻ lầm than bất hạnh, nghèo nàn tội lỗi. Ngài đã sống trọn vẹn vì tình yêu và đã chết cho tình yêu giữa những tội nhân. Và từ đó, một Vương quốc Nước Trời đã mở ra để dành cho tất cả những ai dấn bước theo Ngài, trung tín thực thi Lời Ngài, như xác quyết của Thánh Phaolô trong thư gởi cho môn sinh Timôthê mà chúng ta vừa nghe nơi Bđ 2 :

“con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến…”



Tóm lại, sứ điệp phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta luôn biết tỉnh thức để chiến thắng những cám dỗ của hưởng thụ vật chất và sự giàu có ích kỷ, vô đạo, đóng kín trái tim trước Thượng Đế và anh em đồng loại; và sẵn sàng dấn thân đi con đường hy sinh, phục vụ và yêu thương của Tin Mừng. Con đường đó, lựa chọn đó cũng chính là niềm xác tín, là hy vọng vững bền của chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa và cùng hát lên: Linh hồn tôi ơi hãy ngợi khen Chúa !.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:17 28/09/2019

46. Sự tiến bộ của linh hồn là ở trong sự tiến bộ của đức khiêm nhường.

(Thánh Benedict)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:21 28/09/2019
24. HIẾU TIẾT THÍCH RẬN

Giang Tiết tự là Sĩ Thâm lúc làm việc thì thích nói đến hiếu đạo. Bởi vì trong tộc có người cùng tên Tiết với ông ta, và để dễ phân biệt hai người, cho nên người ta mới gọi ông ta là “Hiếu Tiết”.

Hiếu Tiết mỗi khi ăn rau thì không dám ăn cái đọt của rau, ông ta nói:

- “Đọt rau không được ăn, nó có thể tiếp tục sinh sản, ăn nó là vi phạm đạo hiếu”.

Mỗi lần đến mùa đông, áo bông (áo ấm) của ông ta bị thủng từng mảng, chấy rận rất thích ở trong đó để sinh sôi nảy nở.

Một lần nọ, Hiếu Tiết bắt một con rận còn sống từ trong áo bông ra đặt ở kẻ hở nơi vách. Một lúc sau, lại sợ con rận đói mà chết nên bắt nó bảo vào lại trong cái áo bông của mình.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 24:

Lòng hiếu đạo của Hiếu Tiết thật tốt, nhưng hiếu đạo này sẽ không được người ta ca ngợi bởi vì ông ta đặt chữ hiếu không đúng chỗ, bởi vì ông ta không phân biệt được đạo hiếu của con người và sự gây mầm bệnh của con rận.

Tội lỗi là “con rận” gây bệnh cho linh hồn chúng ta, nhưng có một vài Ki-tô hữu đã bắt rận ra khỏi cuộc sống tội lỗi của mình khi vào tòa cáo giải, nhưng rồi thấy “tội nghiệp” nó nên lại đem rận bỏ vào trong tâm hồn của mình, thế là con rận được sống và linh hồn của họ thì càng ngày càng yếu, càng ngày càng suy nhược vì con rận tội lỗi đã làm cho linh hồn của họ không đón nhận được ơn lành của Thiên Chúa …

Thời nay có rất nhiều loại thuốc để trừ rận, nhưng loại thuốc hữu hiệu nhất chính là ăn ở vệ sinh sạch sẽ. Cũng vậy, muốn trị con rận tội lỗi cần phải thì người Ki-tô hữu phải sống sao cho linh hồn trong sạch, khỏe mạnh bằng cách năng “tắm” trong bí tích Giải Tội và rước lễ hằng ngày.

Đó là hiếu kính Thiên Chúa vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 26 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:28 28/09/2019
>Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 16, 19-31

“Con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu hoàn toàn những bất hạnh. Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.”

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra cho chúng ta thấy một bức tranh hai bối cảnh: giàu và nghèo, phúc và hoạ, qua dụ ngôn người giàu có và người nghèo La-da-rô; đây cũng là bức tranh của thế giới ngày nay, nơi có nhiều người cơm không có ăn áo không có mặc, họ đang cùng sống với những người giàu có dư thừa tiền bạc, đang phung phí thức ăn và sống xa hoa với những nhu cầu không cần thiết cho cuộc sống.

Giàu

Ông phú hộ giàu có ngày ngày yến tiệc linh đình, xa hoa hưởng thụ và đắm chìm trong những thú vui, ông sáng mắt trước những tờ giấy bạc và những đồng vàng lóe mắt, nhưng lại “đui mù” trước cảnh nghèo khó của anh La-da-rô.

Đây là một thảm kịch thường xảy ra trong xã hội hôm nay cũng như xã hội thời Đức Chúa Giê-su, đây cũng là thảm hoạ cho người giàu có vật chất nhưng lại thiếu thốn về tinh thần yêu thương anh em đồng loại, bởi vì Đức Chúa Giê-su qua bài dụ ngôn rất sống động hôm nay đã cảnh cáo chúng ta –những người giàu có- về cách thức sử dụng của cải mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta…

Nghèo

Anh La-da-rô nghèo khổ đói ăn ngồi trước cổng nhà của người phú hộ đang yến tiệc tưng bừng, anh hy vọng nhặt được những miếng bánh vụn từ bàn tiệc của thực khách rơi xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai cho, nghèo như anh thì thật là quá nghèo, và càng buồn tủi hơn nữa khi thân phận của mình còn thua một con chó của người phú hộ kia. Anh La-da-rô là hình ảnh thật của những người nghèo hôm nay đang ngồi ăn xin bên lề đường, trước cổng nhà thờ và có khi trước cửa nhà chúng ta, người nghèo ấy là hình ảnh của Đức Chúa Giê-su quằn quại đau thương trên thập giá đang chờ sự an ủi giúp đỡ của chúng ta.

Nghèo vật chất còn dễ chịu hơn là nghèo tình thương, bởi vì nghèo vật chất thì người khác có thể giúp đỡ, nhưng nghèo tình thương thì chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới làm cho họ được an vui, mà ân sủng của Thiên Chúa làm sao để xuống trong tâm hồn họ, khi mà họ vẫn không mở rộng tâm hồn để đón nhận những người nghèo !

Phúc

Đức Chúa Giê-su đã nói: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3), nghèo khó là phúc vì đó là lời khẳng định của Đức Chúa Giê-su, nhưng rất ít người coi đó là hạnh phúc của mình, nên họ vẫn thấy cuộc sống của mình quá phủ phàng, và oán trách Thiên Chúa bất công.

Phúc không hệ tại ở vật chất nhưng ở tại tâm hồn có Chúa hay không mà thôi, bởi vì một khi trong tâm hồn có Chúa thì giàu hay nghèo, sung sướng hay khổ cực cũng đều là phúc thật, nhưng nếu trong tâm hồn không có Chúa thì đúng là nghèo và đau khổ thật. Anh La-da-rô đã có phúc vì anh vui lòng chấp nhận cảnh nghèo mà không oán trời trách người, cho nên anh đã được thưởng phúc trên thiên đàng.

Hoạ

Người phú hộ giàu có đã gặp hoạ, không phải vì ông giàu mà gặp hoạ, nhưng là vì ông ta sống dửng dưng với anh em đồng loại của mình đang nghèo đói ngồi ăn xin trước cửa nhà. Họa ở đời này và hoạ ở đời sau thì khác nhau xa vô cùng, con người ta ai cũng nghĩ đến cái họa của mình trong cuộc sống đời này thì sợ hãi, nhưng lại không nghĩ đến cái hoạ đời sau để mà tu thân tích đức, thương người như thể thương thân.

Cái họa ở đời này đôi lúc là cái phúc cho người biết nhẫn nhục và chấp nhận nó, nhưng cái hoạ đời sau thì không thể biến thành phúc được, bởi vì cái khoảng cách biến đổi hoạ thành phúc ấy chỉ có ở đời này mà thôi…

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đem tình thương của Ngài trải rộng khắp trong cuộc sống đời thường của mình nơi những anh chị em nghèo khó, bởi vì đó chính là phương thế biến hoạ thành phúc của người Ki-tô hữu ở đời này.

Giàu chưa phải là họa mà nghèo cũng không phải là phúc, nhưng hoạ phúc là do tâm hồn của chúng ta có bóng dáng của Thiên Chúa hay không mà thôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những người trẻ chia sẻ những cảm nghiệm qua video
Thanh Quảng sdb
01:44 28/09/2019
Những người trẻ chia sẻ những cảm nghiệm qua video

Một năm sau Thượng hội đồng về giới trẻ và sau sáu tháng kể từ khi Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit) trong đó Đức Thánh Cha nói về vai trò của các Thánh bộ Giáo dân, Gia đình, Sự sống và Truyền thông (Dicasteries for Laity, Family and Life and for Communication) mới được xuất bản… Giới trẻ trên thế giớ đã chia sẻ trên video những trải nghiệm của họ trước những thành của được đề cập tới trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống “Christus vivit” ra sao?

Những thước phim và văn bản được ký giả Alessandro De Carolis thực hiện.
Tông huấn gồm 299 đoạn, được chia thành 9 chương, tác giả đã dùng kỹ thuật số để ghi lại những cảm xúc , những vui buồn của nhiều bạn trẻ trước lời mờ gọi của vị cha chung là Đức Thánh Cha khi ngài chia sẻ trên các trang mạng... đã làm bộc phát lên một ngọn lửa nhiệt thành trước những công bố của thượng Hội Đồng về Giới trẻ và Gia đình đã được nhóm họp trong năm 2018 và được xuất bản thành 26 tập tài liệu, và Đức Thánh Cha cô đọng chúng lại trong Tông huấn về Chúa Kitô đang sống (Christus vivit).

Video – tấm thảm cuộc đời
Từ nay đến tháng 12, mỗi tuần sẽ có hai video ngắn gọn được trình chiếu vào các ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần. Những video này được những người trẻ thực hiện nói lên những trải nghiệm đời họ như những phiến đá ghép lại thành một bức tranh mosaic. Tất cả được ghép lại làm thành một bức tranh niềm tin yêu hy vọng của người trẻ trong kỷ nguyên mới này, những người trẻ đang thao thức và cố gắng sống niềm tin của họ, mà Đức Thánh Cha đã kêu mời “Các con hãy làm cho hình ảnh của Đức Kitô được sống mãnh liệt trong cuộc sống Tông đồ ngày nay; vì chính Đức Kitô đang mong ước cho chúng con được sống sung mãn trong Người!

Tính ưu việt của trái tim
Ngay cả Đức Hồng Y Kevin Farrell, Chủ tịch của Thánh bộ về Giáo dân, Gia đình và Sự sống cũng chọn một hình thái tương tự dành cho những người trẻ – họ được kêu mời thể hiện những video ngắn phản ánh niềm tin của họ. ĐTC nhắc lại lời thư của Thánh Phaolô đã viết: Hãy để cho Chúa Thánh Linh viết lên trong trái tim các bạn những nẻo đường theo Chúa, chứ không phải là viết lên giấy mực mà viết lên trái tim của mỗi người chúng ta.

Tư duy sáng tạo
Điểm nồng cốt để các thước phim video này được thực hiện nơi những người trẻ tham dự vào dự án này là: “tự do”. Tự do tư tưởng và hình thức không bị giới hạn vào bất cứ một hình thái nào để trải nghiệm của họ được thực hiện! Họ được mời gọi xử dụng nén vàng nén bạc Chúa ban mà dàn dựng và trình bày kinh nghiệm sống của chính họ, những cảm nghiệm được sống sau Thượng hội đồng của tháng 10 năm 2018. Do đó, không có chuyện được chỉnh sửa cắt bỏ như các bản tin của đài Vatican!

Chúa Kitô đang sống
Sự sáng tạo và tự phát mà Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit) mời gọi là những đểm chính yếu dành cho những người trẻ không phân biệt nam nữ tham dự vào cái dự án video này. Chúa Kitô vẫn đang sống mà mỗi người trẻ sẽ biểu tỏ và diễn tả theo những cách thức khác nhau tùy theo sáng kiến và tư duy của họ. Đây chính là mối hy vọng mới, một viễn ảnh mới và một động lực mới mà như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Đó là công cuộc hoạt động của chính Thần Thần Chúa.
(Nguồn Vatican News 28/9/2019)
 
Xây dựng quần thể hòa hợp tôn giáo tại một quốc gia Ả Rập
Nguyễn Long Thao
10:30 28/09/2019
Abu Dhabi 28/9/2018.-Trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới họp tại Liên Hợp Quốc ở Hoa Kỳ thì tại Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chính quyền đưa ra một dự án hòa hợp tôn giáo mà theo đó các Tiểu Vương Quốc cho xây dựng quần thể gồm một đền thờ Hồi Giáo, một nhà thờ Công Giáo và một đền thờ Do Thái Giáo toạ lạc tại thu đô Abu Dhabi.

Quần thể hòa hợp tôn giáo này được đặt tên là Gia Đình Nhà Abraham và được điều hành bởi một uỷ ban gọi là Uỷ Ban Huynh Đệ Con Người. Mục đích quần thể không những nhằm mục đích để các cá nhân cầu nguyện mà còn là nơi đối thoại tôn giáo.

Sáng kiến cổ võ tình huynh đệ trong một quốc gia Hồi Giáo xuất phát từ chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới các Quốc Gia Tiểu Vương Quốc Ả Rập, gọi tắt là UAE, vào tháng 2, trong đó Đức Giáo Hoàng và Đại Giáo Trưởng Imam của al-Azhar, Sheikh Ahmed el-Tayeb đã ký một tuyên bố chung cổ vũ tình huynh đệ con người.

Khu quần thể ba nhà thờ sẽ được xây dựng trên đảo Saadiyat, gần viện bảo tàng Louvre Abu Dhabi. Đồ án xây dựng do kiến trúc sư từng đoạt giải thưởng David Adjaye thiết kế.

Vị kiến trúc sư phát biểu:"Hy vọng của chúng tôi là thông qua các giáo đường này, mọi người thuộc các tín ngưỡng và xã hội khác nhau có thể học hỏi và tham gia vào sứ mệnh chung sống hòa bình cho các thế hệ mai sau".

Giáo sĩ Bruce Lustig, một giáo sĩ cao cấp của Hội thánh Do Thái Giáo ở Washington, là thành viên Ủy Ban Huynh Đệ, cho biết dự án này là một ví dụ điển hình trong lúc thế giới đang ở thời điểm nghiêm trọng.

Vị giáo sĩ nói thêm

"Nó sẽ giúp xây dựng cầu nối giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng,cũng như thúc đẩy hòa bình và hòa hợp trong một thời đại mà thường được giải thích là do sự khác biệt,"

Nguyễn Long Thao
 
ĐHY Robert Sarah: Những người hứa hẹn cách mạng và thay đổi tận gốc trong Giáo Hội chỉ là các tiên tri giả
Đặng Tự Do
16:21 28/09/2019


Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, vừa cho ra mắt cuốn sách “The Day Is Now Far Spent”, nghĩa là “Ngày Sắp Tàn”. Nhân dịp này, ngài đã dành cho phóng viên Edward Pentin thường trú tại Rôma của tờ National Catholic Register một cuộc phỏng vấn.

Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Hồng Y cho biết ngài viết cuốn sách này để đề cập đến cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo Hội và xã hội. Ngài tin rằng cuộc khủng hoảng này được thúc đẩy chủ yếu bởi chủ nghĩa vô thần, không đặt Thiên Chúa ở trung tâm của cuộc sống chúng ta; cũng như bởi một mong muốn rất thịnh hành ngày nay là áp đặt “ý kiến cá nhân của mình như là chân lý”. Ngài cảnh báo rằng, những ai công cáo về một “cuộc cách mạng và những thay đổi tận gốc” chỉ là “các tiên tri giả” không “đoái hoài gì đến lợi ích của đàn chiên.” Theo vị Hồng Y người Guinea, ân sủng lớn nhất của Phi châu là được mãi mãi là “con cái Thiên Chúa”, tránh xa các trào lưu ý thức hệ đang rất thịnh hành tại Âu châu.

Trong cuốn sách, Đức Hồng Y cũng thảo luận đến những tác động tích cực và tiêu cực trong cải tổ phụng vụ, và than phiền rằng có một “con quỷ” ao ước “cái chết tinh thần của chúng ta” khi cấm đoán các Thánh lễ theo hình thức ngoại thường của Nghi lễ Rôma. “Làm sao chúng ta có thể không ngạc nhiên và choáng váng một cách sâu sắc rằng một điều là quy tắc của ngày hôm qua lại có thể bị cấm vào ngày hôm nay?” Ngài nêu câu hỏi, và kêu gọi “thoát ra khỏi những chống đối có tính địa phương.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng cuốn sách này là “Cri de Coeur” – “Tiếng Khóc trong Tâm Hồn” của ngài. “Tôi không phát triển luận văn cá nhân hoặc nghiên cứu học thuật. Cuốn sách này là tiếng khóc từ trái tim tôi như một linh mục và một mục tử.”

Ngài giải thích điều này như sau:

“Tôi đau khổ rất nhiều khi nhìn thấy Giáo Hội bị xé toang từng mảnh và đầy hoang mang. Tôi đau khổ rất nhiều khi nhìn thấy Phúc Âm và giáo lý Công Giáo bị coi thường, Bí tích Thánh Thể bị phớt lờ và xúc phạm. Tôi đau khổ rất nhiều khi nhìn thấy các linh mục bị bỏ rơi, chán nản và [chứng kiến] đức tin của nhiều người đã trở nên nguội lạnh”.

“Sự suy giảm niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay và sự suy tàn của Giáo Hội, đặc biệt là ở phương Tây. Chúng ta, các giám mục, linh mục và giáo dân đều phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng đức tin, khủng hoảng của Giáo Hội, khủng hoảng linh mục và tình trạng phi Kitô giáo hóa phương Tây. Georges Bernanos viết trước chiến tranh [thế giới lần thứ Hai] rằng: ‘Chúng ta liên tục lặp lại, với những giọt nước mắt bất lực, với sự lười biếng hay tự hào, rằng thế gian đang trở nên phi Kitô giáo. Nhưng thế gian chưa từng tiếp nhận Chúa Kitô - non pro mundo rogo - chính chúng ta là người đã tiếp nhận Ngài; và chính là từ trái tim của chúng ta mà Thiên Chúa phải rút lui; thật bất hạnh là chính chúng ta là người phi Kitô giáo hóa chính mình!’ (xem ‘Nous Autres, Français’, ‘Người Pháp chúng ta’, hay ‘Scandale de la vérité’, ‘Tai tiếng Chân lý’, các nhà xuất bản Points và Seuil, 1984).

“Tôi muốn mở lòng mình ra mà chia sẻ một điều chắc chắn này: Cuộc khủng hoảng sâu sắc mà Giáo Hội đang trải qua trên thế giới và đặc biệt là ở phương Tây là kết quả của sự lãng quên Thiên Chúa. Nếu mối quan tâm đầu tiên của chúng ta không phải là Chúa, thì mọi thứ khác sẽ sụp đổ. Tại gốc rễ của tất cả các cuộc khủng hoảng, dù là nhân chủng học, chính trị, xã hội, văn hóa, hay địa chính trị, có sự quên lãng tính tối thượng của Thiên Chúa. Như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói trong cuộc họp của ngài với thế giới văn hóa tại Đại Học Bernardins vào ngày 12 tháng 9 năm 2008, ‘quaerere Deum’ – ‘việc tìm kiếm Thiên Chúa’, chú tâm đến Thiên Chúa như một thực tại thiết yếu chính là trục trung tâm mà trên đó tất cả các nền văn minh và văn hóa được xây dựng. Điều gì đã tạo nên nền văn hóa Âu châu – đó là việc tìm kiếm Thiên Chúa và sẵn sàng để cho mình được tìm thấy bởi Người, lắng nghe Người - vẫn là nền tảng của mọi nền văn hóa thực sự và là điều kiện không thể thiếu cho sự sống còn của nhân loại chúng ta. Trái lại, từ khước Thiên Chúa hoặc thờ ơ hoàn toàn với Ngài là thái độ diệt vong của nhân loại”.

“Tôi đã cố gắng chỉ ra trong cuốn sách này rằng gốc rễ chung của tất cả các cuộc khủng hoảng hiện nay được tìm thấy trong chủ nghĩa vô thần linh hoạt này, nó không thẳng thừng phủ nhận Thiên Chúa, nhưng trong thực tế sống như thể Ngài không hề tồn tại.”

“Trong phần kết của cuốn sách, tôi nói về chất độc này mà tất cả chúng ta đều là nạn nhân: đó là thuyết vô thần linh hoạt này. Nó xâm nhập vào tất cả mọi thứ, ngay cả các bài phát biểu của chúng tôi trong tư cách là các giáo sĩ. Nó bao gồm việc thừa nhận, bên cạnh đức tin, những tư tưởng hoàn toàn là ngoại giáo, những cách suy nghĩ hoặc sống rất trần tục. Và chính chúng ta lại thỏa mãn với sự sống chung bất tự nhiên này! Điều này cho thấy đức tin của chúng ta đã trở nên lỏng lẻo và không nhất quán! Cải cách đầu tiên phải được thực hiện là trong trái tim của chúng ta. Nó bao gồm việc đoạn tuyệt với mọi thứ thỏa hiệp với dối trá. Đức tin vừa là kho báu mà chúng ta muốn bảo vệ vừa là sức mạnh cho phép chúng ta bảo vệ đức tin ấy.”

Đức Hồng Y đặc biệt cảnh báo rằng:

“Phong trào hiện nay bao gồm việc ‘đặt Thiên Chúa sang một bên,’ và đặt Thiên Chúa trở thành một thực tại thứ yếu, đã chạm vào trái tim của các linh mục và giám mục.”

“Thiên Chúa không chiếm trung tâm của cuộc sống, suy nghĩ và hành động của họ. Cuộc sống cầu nguyện không còn là trung tâm. Tôi tin chắc rằng các linh mục phải tuyên bố tính trung tâm của Thiên Chúa thông qua cuộc sống của chính mình. Một Giáo Hội trong đó các linh mục không còn mang thông điệp này là một Giáo Hội bệnh hoạn. Cuộc sống của một linh mục phải công bố với thế giới rằng ‘chỉ một mình Thiên Chúa là đủ’, và rằng cầu nguyện, nghĩa là mối quan hệ thân mật và cá vị với Chúa, là trung tâm của cuộc đời mình. Đây là lý do sâu sắc cho sự độc thân linh mục.”

“Sự lãng quên Thiên Chúa thể hiện trước hết và nghiêm trọng hơn hết trong lối sống tục hóa của các linh mục. Các ngài phải là những người đầu tiên làm chứng cho Tin mừng. Nếu cuộc sống cá nhân của các ngài không phản ánh điều này, thì chủ nghĩa vô thần thực tế sẽ lan rộng khắp Giáo Hội và xã hội.”

“Tôi tin rằng chúng ta đang ở một bước ngoặt trong lịch sử của Giáo Hội. Vâng, Giáo Hội cần một cuộc cải cách sâu sắc và triệt để, và phải bắt đầu bằng một cuộc cải cách về cách nghĩ và cách sống của các linh mục. Giáo Hội tự mình là thánh thiện. Nhưng chúng ta ngăn chặn sự thánh thiện này tỏa sáng bằng tội lỗi và những mối quan tâm trần tục của chúng ta.”

Đức Hồng Y kết luận rằng:

“Đã đến lúc chúng ta cần vứt bỏ tất cả những gánh nặng này và cuối cùng để cho Giáo Hội được tỏ hiện như Chúa đã định hình. Đôi khi người ta tin rằng lịch sử của Giáo Hội được đánh dấu bằng những cải cách cấu trúc. Nhưng tôi xác tín rằng chính những vị thánh là những người thay đổi lịch sử, rồi mới đến các cấu trúc, và các cấu trúc này phải không ngừng thể hiện tác động của các thánh.”


Source:National Catholic Register
 
ĐHY Robert Sarah: Bãi bỏ luật độc thân linh mục là tự sát
Đặng Tự Do
20:07 28/09/2019
Trước thềm Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, Sandro Magister, ký giả kỳ cựu về Vatican đã có bài phỏng vấn Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Bài phỏng vấn đã được đăng trên tờ L’Espresso của Ý ngày 26 tháng 9.

Bản tiếng Anh có thể xem ở đây: Amazon. Three More Cardinals Rebuff the Base Document of the Synod

Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.

Sandro Magister: Tại sao Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon lại gây bận tâm cho nhiều người, bao gồm cả một số Hồng Y nổi bật? Mối quan tâm của Đức Hồng Y về cuộc họp kéo dài từ ngày 6 đến 27 tháng Mười này là gì?

Đức Hồng Y Robert Sarah: Tôi đã nghe nói rằng một số người muốn biến hội đồng này thành phòng thí nghiệm cho Giáo hội hoàn vũ, và những người khác nói rằng, sau hội nghị này, mọi sự sẽ không có gì giống như trước đây. Nếu đó là sự thật, đường lối này là không trung thực và lầm lạc. Thượng Hội Đồng này có một mục tiêu cụ thể và địa phương: đó là việc truyền giáo cho vùng Amazon.

Tôi sợ rằng một số người ở phương Tây sẽ cướp mất Thượng Hội Đồng này để xúc tiến các dự án của họ. Tôi đang suy nghĩ đặc biệt về việc phong chức cho những người đàn ông đã lập gia đình, việc hình thành các thừa tác vụ cho phụ nữ hay trao quyền tài phán cho giáo dân. Những điểm này liên quan đến cấu trúc của Giáo hội hoàn vũ. Những vấn đề như thế không thể được thảo luận và quyết định trong một hội đồng cụ thể và địa phương. Tầm quan trọng của các vấn đề này đòi hỏi sự tham gia nghiêm túc và có ý thức của tất cả các giám mục trên thế giới. Tuy nhiên, rất ít người được mời đến Thượng hội đồng này. Lợi dụng một Thượng hội đồng cụ thể để giới thiệu các dự án ý thức hệ này sẽ là một sự thao túng bất xứng, một sự lừa dối không trung thực, một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng dẫn dắt Giáo hội và ủy thác cho Giáo Hội kế hoạch cứu rỗi của Ngài.

Ngoài ra, tôi cảm thấy bàng hoàng và phẫn nộ khi thấy rằng sự đau khổ về tinh thần của người nghèo ở Amazon đang được sử dụng như một cái cớ để hỗ trợ các dự án tiêu biểu cho tâm thức muốn tư bản hóa và tục hóa Kitô giáo.

Tôi đến từ một Giáo hội trẻ. Tôi biết các nhà truyền giáo đi từ làng này sang làng khác để hỗ trợ các giáo lý viên. Tôi đã sống Phúc Âm hóa trong xác thịt của tôi. Tôi biết một Giáo hội trẻ không cần các linh mục có gia đình. Trái lại. Giáo Hội cần các linh mục, những người sẽ minh chứng cho Giáo Hội bằng các thập giá sống động. Chỗ đứng của một linh mục là thập giá. Khi ngài cử hành thánh lễ, ngài đứng ở nguồn mạch của cả đời mình, nghĩa là dưới chân thập giá.

Sống độc thân là một trong những cách cụ thể để chúng ta có thể sống mầu nhiệm thập giá này trong cuộc sống của chúng ta. Sống độc thân ghi khắc thập giá vào xác thịt của chúng ta. Đó là lý do tại sao độc thân linh mục là điều không thể chấp nhận được với thế giới đương đại. Cuộc sống độc thân linh mục là một tai tiếng đối với nhiều người trong thời đại chúng ta, bởi vì thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất (1 Cô-rinh-tô 1:18).

Nhiều người phương Tây không chịu đựng được tai tiếng này của thập tự giá. Tôi nghĩ rằng thập giá đã trở thành một lời trách móc không thể chịu đựng được đối với họ. Họ đi đến chỗ thù ghét chức tư tế và tình trạng độc thân linh mục.

Tôi tin rằng các giám mục, linh mục và tín hữu ở khắp mọi nơi trên thế giới phải đứng lên để bày tỏ tình yêu của họ đối với thập tự giá, chức tư tế và đời sống độc thân. Những cuộc tấn công chống lại chức tư tế đến từ những người giàu nhất. Một số người nghĩ rằng họ toàn năng vì họ tài trợ cho các giáo hội nghèo hơn. Nhưng chúng ta không nên khiếp sợ trước quyền lực và tiền bạc của họ.

Một người đàn ông quỳ gối mạnh hơn thế giới. Đó là một bức tường bất khả xâm phạm chống lại chủ nghĩa vô thần và sự điên rồ của con người. Một người đàn ông quỳ xuống khiến niềm tự hào Satan run rẩy. Tất cả các bạn, trong mắt thế gian, là những người không có quyền lực và tầm ảnh hưởng, nhưng những ai biết cách quỳ gối trước mặt Chúa, đừng sợ những kẻ muốn đe dọa mình.

Chúng ta phải xây dựng một bức tường cầu nguyện và hy sinh để không tấn kích nào có thể làm tổn hại đến vẻ đẹp của chức tư tế Công Giáo. Tôi tin chắc rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không bao giờ cho phép sự hủy hoại chức tư tế như vậy. Khi trở về từ Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama vào ngày 27 tháng Giêng, ngài đã mượn lời Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục để nói với các nhà báo rằng: “Tôi thà thí mạng sống mình chứ không thay đổi luật độc thân linh mục.” Và Đức Phanxicô nói thêm rằng: “Đây là những lời can đảm, trong một thời điểm còn khó khăn hơn thế này, vào những năm 1968/1970.. .. Cá nhân tôi nghĩ rằng thứ nhất độc thân linh mục là một ân sủng dành cho Giáo hội. Thứ hai, tôi không đồng ý với việc cho phép độc thân tùy chọn, Không.”


Source:L'Espresso
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
40 năm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc – Niềm vui khánh thành Nhà Thờ Đức Mẹ Thuyền Nhân
Giáo Hội Năm Châu
05:09 28/09/2019
Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân toạ lạc trên một khu đất rộng hơn 5 hecta. Đi từ cổng Trung Tâm theo đường tráng nhựa với những cây bạch đàn dọc hai bên đường, dẫn vào những khu vực đậu xe rãi rác, rồi nổi bật hơn hết là Hoa Viên Đức Mẹ Thuyền Nhân ở vị trí trung tâm toàn khu vực. Ngôi Thánh Đường rõ nét với Thánh Giá trên chóp đỉnh, cũng nằm ở vị trí trung tâm, chính giữa Khu Vực Cánh Buồm và Hội Trường Thánh Giuse và ở ngay sau Hoa Viên Đức Mẹ Thuyền Nhân.

Phần tiền đình của Thánh Đường nổi bật với một cấu trúc màu xanh dương bằng sắt có hình sóng vỗ như một nhắc nhở cho các thế hệ tương lai về lịch sử của các thuyền nhân Công Giáo Việt Nam. Họ là những người tiên phong hình thành Cộng Đồng và vẫn tiếp nối xây dựng ngôi Thánh Đường hiện có như là một nơi chốn thánh thiêng để thờ phượng Thiên Chúa và vinh danh Mẹ Maria, Mẹ của các Thuyền Nhân.

Thánh Đường bên trong có hình cánh quạt với nét văn hoá Việt Nam qua việc sử dụng các vật liệu từ tre trúc để làm nổi bật vòm của Gian Cung Thánh (GCT) có hình những tia sáng mặt trời lan tỏa từ trung tâm GCT ra tới cuối Thánh Đường. Thánh Giá Trung Tâm, Bàn Thờ, Ghế Chủ Tế, Bục Đọc Sách Thánh, hai toà tôn kính Đức Mẹ và Thánh Giuse, Giếng Rửa Tội... tất cả đều bằng gỗ màu nâu gụ, được thiết kế công phu và có màu sắc hòa hợp, không rườm rà nhưng làm nổi bật nét cổ kính và trang nghiêm của Bàn Thờ và Thánh Giá Trung Tâm.

Từ cuối Thánh Đường nhìn lên GCT, là hình ảnh Chén Thánh và Bánh Thánh được thiết kế trên vách tường trung tâm của GCT, lộ rõ nét biểu tượng qua màu trắng của vách tường xen giữa cấu trúc trung tâm bằng đá vàng nhạt. Tuy nhiên, hình ảnh trung tâm của GCT này lại tạo một ấn tượng đặc biệt nếu nhìn kỹ hơn. Nhìn tổng thể và sâu xa, hình Chén Thánh và Bánh Thánh lại trở nên như hình ảnh của một Thiên Chúa với áo choàng trắng, đang cúi mình xuống trên Bàn Thờ với hai cánh tay dang rộng, dường như muốn ôm trọn cả Cộng Đoàn dân Chúa vào trong vòng tay mở rộng của mình.

14 Chặng Đàng Thánh Giá có nét văn hóa Á Đông, hình mái ngói cong với từng viên ngói được chạm trỗ cách công phu và màu sắc nâu gụ rất hòa hợp với tông màu của các hàng ghế quỳ.

Nổi bật trong Thánh Đường là 132 hàng ghế dài ngắn khác nhau, có bàn quỳ màu đỏ gụ. Các ghế màu nâu đỏ được sắp xếp theo hình vòng cung, rãi ra khắp mọi nơi trongThánh Đường với chạm trổ thánh giá đơn sơ nhưng thanh nhã. Các hàng ghế quỳ sắp xếp theo cách thức hình vòng cung này làm cho ta có cảm giác như Thánh Đường rộng hơn, nhưng lại tạo nên một sự gần gũi, hiệp thông, quay quần với nhau nên một tổng thể duy nhất, quy hướng lên Bàn Thờ. Về số lượng, sức chứa của Thánh Đường có thể lên tới 1200 chỗ ngồi.

Cuối Thánh Đường là một Gác Lửng dành cho Ca Đoàn và có thể chứa khoảng 80 ca viên. Trên Gác có dàn âm thanh hiện đại cũng như máy móc chiếu Thánh Nhạc hiện trên hai màn chiếu lớn nằm ở hai vách phía ngoài GCT. Ngoài ra, với kỹ thuật IT cập nhật ngày nay, dàn máy này cũng có khả năng chiếu màn ảnh trực tiếp cho các khu vực ngoài Thánh Đường với mục đích dành cho những Buổi Lễ có con số đông đảo hay cho những nghi thức ngoài trời thí dụ Rước Kiệu Đức Mẹ hay Rước Kiệu Chúa Kitô Vua hằng năm.
 
Bổn mạng Giáo khu Teresa thuộc Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
05:45 28/09/2019
Melbourne, vào lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy 28/9/2019. Tại Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Giáo khu Teresa đã tề tựu cùng cộng đoàn hân hoan dâng lễ tạ ơn mừng bổn mạng của giáo khu nhân dịp lễ Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu 1/10 sắp tới.
Bàn thờ Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu

Xem hình

Thánh lễ do Linh mục Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế, cùng với Ca đoàn Vô Nhiễm phụ trách thánh ca đã dùng lời ca tiếng hát để dâng lời cầu nguyện thay cho giáo khu giúp cho thánh lễ thêm sốt sắng và long trọng hơn.

Trong bài chia sẻ tin mừng Chúa Nhật XXVI thường niên Năm C, linh mục nói về người phú hộ và anh Lazaro nghèo khó. Tại xứ sở hiện tại chúng ta đang sống, may mắn là chúng ta ít gặp những người nghèo khó. Nhưng nhìn rộng quanh ta, cũng còn rất nhiều những người nghèo khó cần sự giúp đỡ, chúng ta biết cho đi để thấy mình cũng trở thành những người phú hộ giầu có về lòng nhân ái, và cũng đừng để cho chúng ta rơi vào cảnh nghèo khó về đức tin.

Nhân dịp Giáo khu Teresa thuộc cộng đoàn mừng bổn mạng, vị thánh tuy nhỏ bé về nhiều mặt nhưng qua cuộc đời của Ngài rút lại là hai chữ “tình yêu” Thiên Chúa, nhờ tình yêu mà Thánh Nữ Teresa đã cải hóa được những con người giầu có về cái tôi quá lớn lao để biết sống khiêm nhường hơn.

Cuối lễ, ông Trương Văn Công đại diện giáo khu đã lên cám ơn Cha quản nhiệm, Ban mục vụ, các ban ngành, đoàn thể, Ca đoàn Vô Nhiễm và toàn thể các thành viên trong giáo khu và cộng đoàn đã về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho mọi người trong giáo khu được ơn bình an. Ông cũng cám ơn lòng quảng đại của mọi thành viên trong giáo khu đã đóng góp để tổ chức lễ mừng bổn mạng hôm nay thật tốt đẹp. Xin Chúa trả công bội hậu cho mọi đóng góp của tất cả mọi người.

Sau đó, ông mời cộng đoàn xuống hội trường trung tâm để dùng bữa tiệc mừng chung vui cùng giáo khu. Trong cái se lạnh buổi chiều Melbourne đang xuống dần. Cộng đoàn quây quần bên nhau thưởng thức những món ăn ngon do các anh chị em trong giáo khu nấu nướng. Lời chào hỏi nhau vui vẻ thân mật và đoàn kết, nói lên tình yêu thương mà cuộc đời Thánh Nữ đã là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Được biết, Giáo khu Teresa là một trong những giáo khu có diện tích và địa lý nhỏ. Số gia đình trong giáo khu chừng bốn chục gia đình và sinh hoạt thường xuyên là khỏang 30 gia đình, nhưng mọi người gắn kết nhau trong các buổi đọc kinh tôn vương hằng tuần và làm các công tác xây dựng cộng đoàn.
 
Khánh thành ngôi nhà thờ Việt Nam đầu tiên trên đất Úc, phỏng vấn anh Nguyễn Quang Bình chủ tịch CĐCGVN Nam Úc
Giáo Hội Năm Châu
22:40 28/09/2019
 
Văn Hóa
Mến tặng các nữ tu một đời âm thầm dâng hiến : Dáng Chị !
Sơn Ca Linh
07:48 28/09/2019
Mặt trời chưa lên, sân giáo đường sương đọng,
Bước chân ai nhè nhẹ… chiếc lá vàng rơi.
Mấy con cu xanh, vừa ríu rít ngỏ lời,
Như đón những bước chân, một ngày chợt đến !

Khi tháp giáo đường, bóng chiều nghiêng nhạt nắng,
Lại dáng ai thấp thoáng, bước vội đi về.
Ngoài kia phố chợ, ồn ào những đam mê,
Trong thổn thức lặng thinh, diệu huyền cung thánh.

Giữa mùa hạ lên, những con đường ngập nắng,
Chị hối hả lên đường, trán đẫm mồ hôi.
Có ai chờ kia, đàn chim nhỏ bồi hồi,
Chờ nghe tiếng hát rong, để lòng vơi nhẹ.

Gió bấc mùa đông, đường nước lên ngấp nghé,
Chân bó gối xăn quần, về xóm đạo xa.
Nhà thờ chiều nay, vang vọng khúc thánh ca,
Trong dáng đứng nghiêng nghiêng, điệu đàn vang tiếng.

Vẫn dáng hao gầy, qua những mùa xuân đến,
Bước liu xiu trên đường, tóc bạc màu thêm.
Vẫn tiếng ca vui, lời kinh nhỏ êm đềm,
Đường nhân thế còn in, âm thầm “dáng Chị” !

Sơn Ca Linh
 
VietCatholic TV
Tại sao Chúa để nhiều người lầm đường lạc lối? Giải thích của Lm. Giáo sư Kinh Thánh Charles Pope
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:25 28/09/2019
Đứng trước một thực tế đáng âu lo là mỗi năm có hàng trăm ngàn tín hữu Công Giáo chính thức làm đơn lên tòa án tuyên bố bỏ đạo, để khỏi phải đóng thuế 9% thu nhập cho Giáo Hội, các Giám Mục tại Đức đã quyết định tiến hành cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc”. Mục tiêu của tiến trình này là xét lại hàng loạt các vấn đề về đạo lý và kỷ cương của Giáo Hội như luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ, thay đổi giáo huấn về tính dục để chúc lành cho các kết hiệp đồng tính. Ít nhất 12 Giám Mục Đức không đồng ý với đường hướng này trong phiên họp toàn thể kéo dài từ 23 đến 25 tháng Chín vừa qua. Tuy nhiên, các ngài chỉ là một thiểu số so với 51 Giám Mục còn lại, và một vị không có ý kiến.

Trước tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” này, nhiều tiếng nói âu lo đã nổi lên. Chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em ý kiến của Đức Ông Charles Pope được đăng trên Catholic Standard. Ngài là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “What Can Remnant Theology Teach Us about the Church Today?” - “Thần học về tàn dư có thể dạy chúng ta điều gì về Giáo Hội ngày nay?”. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


What Can Remnant Theology Teach Us about the Church Today?
Charles Pope
Thần học về tàn dư có thể dạy chúng ta điều gì về Giáo Hội ngày nay?


Trong Bài Đọc thứ nhất ngày thứ Tư tuần thứ 25 Mùa Quanh Năm, tiên tri Ezra than thở về tội lỗi của dân đã dẫn đến cuộc lưu đày tại Babylon, nhưng ông cũng biết ơn Thiên Chúa giờ đây đã mở ra một cánh cửa cho dân trở về Đất Hứa và cho “tàn dư” trong dân tái thiết lại. Có một cái gì đó chúng ta cần phải học trong thần học Kinh Thánh về tàn dư.

Là một người Công Giáo và là một linh mục, tôi sững sờ trước sự suy giảm trong việc tham dự thánh lễ đã xảy ra trong suốt cuộc đời tôi. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi nhớ các Thánh lễ đầy chật người: nếu bạn không đến đó sớm, bạn sẽ phải đứng. Vào những ngày đó (những năm 1960) nếu bạn dựng lên bốn bức tường, người Công Giáo sẽ tuôn đến lấp đầy bốn bức tường ấy. Có những danh sách chờ đợi dài xin học các trường học giáo xứ. Có rất nhiều nữ tu. Không chỉ có một cha phó hoặc một cha phụ tá; có hai, ba hoặc thậm chí bốn vị trong một giáo xứ.

Những ngày đó phần lớn không còn nữa. Mặc dù vẫn còn một số giáo xứ lớn ở khu vực ngoại ô, một số thậm chí vẫn còn phát triển, số người Công Giáo tham dự thánh lễ hàng tuần đã giảm từ khoảng 75 phần trăm xuống dưới 25 phần trăm kể từ thập niên 1950. Và mặc dù các ơn gọi đang bắt đầu hồi phục, nhưng tình hình ngày nay chủ yếu vẫn là những chủng viện và dòng tu trống rỗng. Nhiều nơi, người ta chưa từng được nghe nói đến danh từ cha phó, và ở một số vùng của đất nước này thậm chí không có cả một linh mục thường trú trong mỗi giáo xứ.

Không có cách nào để mô tả sự suy giảm này khác hơn là sững sờ. Tôi có thể nghe thấy tất cả những tranh luận thông thường về lý do tại sao quay cuồng trong trí của mình: phải chăng vì chúng ta đã từ bỏ truyền thống; phải chăng vì chúng ta không cấp tiến đủ; phải chăng vì chúng ta có quá nhiều quy tắc; hay phải chăng vì chúng ta đã từ bỏ tất cả các quy tắc. Mọi người đều có một lối giải thích riêng của mình, và có rất nhiều bất đồng.

Chúa có thể làm gì? Ngài có thể cho phép điều gì? Tôi biết rằng tôi đang trượt trên lớp băng mỏng khi cố gắng xem xét câu hỏi này, nhưng xin hãy yên tâm rằng tôi chỉ đang cân nhắc về điều đó, chứ không đề xuất một câu trả lời dứt khoát. Tôi thường hỏi Chúa, “Chuyện gì đang xảy ra với Giáo Hội? Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Tôi không cho rằng tôi đã nhận được một then chốt từ thiên đàng cho câu trả lời này, trái lại tôi dần dần đi đến một kết luận rằng những gì chúng ta đang trải qua thực sự không có gì mới. Có một tiền lệ trong Kinh Thánh rằng Thiên Chúa thường thấy phù hợp để làm mỏng hàng ngũ của Ngài, để cắt tỉa và thanh tẩy dân Ngài. Các nhà thần học gọi đây là “remnant theology” - “thần học tàn dư”.

Thần học tàn dư được thấy cả trong Cựu Ước và Tân Ước. Trong những thời kỳ quan trọng, nhiều người theo Chúa (nếu không phải hầu hết) đã bỏ đi chỉ còn lại một phần những người trung tín đến cùng bắt đầu lại. Đây chỉ là một vài trong cơ man những ví dụ có thể tìm thấy trong Kinh thánh:

Các chi tộc Giuđa và Lêvi - Có mười hai chi tộc trong dân Israel, nhưng mười chi tộc trong số này (Mười Chi Tộc Lầm Lạc) đã lầm đường lạc lối trong cuộc chinh phạt của người Assyriô ở phía Bắc Israel vào năm 721 trước Chúa Giáng Sinh. Các tiên tri đã cảnh cáo những người phương Bắc này nhưng họ đã từ chối ăn năn và sự hủy diệt đã được báo trước. Những người không chết trong chiến tranh đã bị lưu đầy và bị đồng hóa vào các dân tộc xung quanh họ. Chỉ còn lại các chi tộc Giuđa và Lêvi, sống sót ở miền Nam.

Tàn dư của chi tộc Giuđa – Chi tộc Giuđa cũng trở nên độc ác và các tiên tri đã cảnh báo về sự hủy diệt của chi tộc này. Người Babylon sau đó đã tiêu diệt dân Giuđê và san bằng Giêrusalem, vào năm 587 trước Chúa Giáng Sinh, họ đã lưu đầy những người sống sót đến Babylon. Tám mươi năm sau, người Ba Tư đã chinh phục người Babylon và cho phép người Do Thái trở về Đất Hứa. Tuy nhiên, chỉ còn lại chút tàn dư; hầu hết đã chọn ở lại vùng đất lưu đầy, họ thích Babylon hơn vùng đất được Chúa hứa ban.

Quân đội của Giđêon - Giđêon có một đội quân 30,000 người và phải đối mặt với đội quân Mêđian tới 60,000 người, nhưng Chúa nói với ông rằng quân đội của ông đông quá, và ông nên cho về nhà những người lính nhát đảm. Vì thế, ông Giđêon nói với những người lính rằng nếu họ không nghĩ rằng họ sẵn sàng cho trận chiến này thì họ có thể bỏ đi; 20,000 người đã bỏ về. Đội quân của ông Giđêon chỉ còn có 10,000, nhưng Chúa nói với ông Giđêon rằng quân đội của ông vẫn còn đông quá và ông nên quan sát những người lính khi họ uống nước từ một con suối gần đó. Ba trăm trong số họ liếm nước bằng lưỡi như chó! Chúa bảo ông Giđêon hãy cho tất cả những người khác về nhà. Ông Giđêon đã chiến thắng trong ngày hôm đó với 300 người mà Chúa đã chọn. Đức Chúa Trời làm mỏng hàng ngũ của Ngài và chỉ chọn một tàn dư là những người lính thực sự của Ngài (xem Thẩm phán chương 6 và 7).

Chúa Giêsu và đám đông dân chúng - Một số câu nói khó nghe nhất của Chúa Giêsu đã xảy ra trước một đám đông dân chúng: Ngài đã dạy dân phải chống lại ly dị (Mt chương 5 và 19, Mc chương 10); Ngài tuyên bố rằng không ai có thể là môn đệ của Ngài trừ khi người ấy từ bỏ tài sản của mình, vác thập giá của mình và theo Ngài (chẳng hạn Lc chương 14); Ngài dạy về Bí tích Thánh Thể, khiến nhiều người bỏ đi và không đồng hành với Ngài nữa (Ga chương 6).

Con đường hẹp dẫn đến ơn cứu độ - Chúa Giêsu than thở rằng con đường hủy diệt thì rộng thênh thang và nhiều người đổ xô vào đó, trong khi con đường đến với ơn cứu rỗi thì hẹp và chỉ một số ít người tìm thấy con đường đó (x. Mt 7: 13-14). Vâng, chỉ một số ít, một tàn dư.

Tôi muốn trích dẫn một đoạn cuối từ sách Đacaria vì nó đi đến gốc rễ của những gì Chúa có thể làm trong thời đại của chúng ta, nếu linh cảm của tôi là chính xác.

Này gươm, hãy đứng dậy mà đánh mục tử của Ta, đánh đồng bào của Ta.
Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh.
Hãy đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác.
Cả những con bé nhỏ, Ta cũng trở tay đánh phạt.
Bấy giờ, trên toàn xứ, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA,
hai phần ba sẽ bị huỷ diệt, bị tiêu vong,
còn một phần ba sẽ được để lại.
Ta sẽ đưa một phần ba này qua lửa,
sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc,
và thử chúng như thử vàng.
Chính chúng sẽ kêu cầu danh Ta, và Ta, Ta sẽ đáp lời chúng;
Ta sẽ nói: “Chúng là dân của Ta”,
chúng thưa lại: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của chúng tôi.”

(Đacaria 13: 7-9).

Đó là một đoạn chắc chắn gây choáng váng, nhưng nó cho thấy mục đích của Thiên Chúa trong việc làm giảm hàng ngũ của Ngài. Mặc dù chúng ta luôn có tự do ở lại hoặc bỏ đi, nhưng có một điều rất bí ẩn về lý do tại sao Chúa lại để cho nhiều người lầm đường lạc lối. Dường như có những thời trong đó Thiên Chúa cho phép nhiều người bỏ đi, thậm chí còn “khiến” họ ra đi, như đoạn Kinh Thánh này mô tả. Đó là một mầu nhiệm khó nuốt, nhưng tôi hiểu một khía cạnh của điều này khi tôi xem xét các bụi hoa hồng của tôi.

Tháng 11 là thời gian cắt tỉa ở vùng Đông Bắc. Những bụi hoa hồng hùng vĩ của tôi, một số cao tới tám feet [2.4 m], sẽ được cắt tỉa trở lại chỉ còn cách mặt đất một foot [0.3 m] và tôi cố tình làm điều đó! Nếu muốn cho hoa hồng của tôi phát triển mạnh vào năm tới, việc cắt tỉa phải được thực hiện. Những bông hồng không hiểu những gì tôi làm, nhưng tôi biết tại sao tôi làm điều đó. Mặc dù là đau đớn, nhưng cần thiết. Chúa cũng vậy, Ngài biết những gì Ngài đang làm và tại sao. Chúng ta không thể hiểu nhiều hơn những bụi hoa hồng của tôi có thể hiểu tại sao tôi cắt tỉa chúng. Trong đoạn văn trên, một phần ba còn lại cũng phải được thanh lọc, tinh luyện trong lửa. Khi điều đó được thực hiện, họ sẽ là vàng nguyên chất. Những người còn lại và chấp nhận thanh tẩy sẽ kêu cầu danh Chúa. Họ sẽ là một dân tộc, một Giáo Hội, theo đuổi trái tim của chính Ngài.

Đối với tôi có vẻ rõ ràng rằng Chúa đang cắt tỉa Giáo Hội của Ngài. Ngài đang chuẩn bị cho chúng ta một mùa xuân mới. Chúng ta đang thực sự chịu đựng một mùa đông khó khăn, nhưng chúng ta đang được thanh lọc, được thanh tẩy. Đây là những ngày khó khăn cho Giáo Hội, nhưng tôi đã có thể thấy những dấu hiệu của một mùa xuân tuyệt vời phía trước. Có nhiều phong trào giáo dân và nhiều lãnh vực tăng trưởng tuyệt vời trong Giáo Hội. Tôi rất có ấn tượng với những người nam đầy tài năng bước vào chức tư tế; họ yêu mến Chúa và Giáo Hội của Ngài và khao khát sâu sắc nói lên sự thật trong tình yêu. Trong tu viện của tôi, chúng tôi có hơn 25 nữ tu những Nữ Tì của Chúa, một dòng truyền giáo tương đối mới. Họ cũng yêu mến Chúa và Giáo Hội của Ngài và muốn truyền bá Tin mừng của Ngài.

Mặc dù số lượng người Công Giáo thực hành đạo đã giảm đi, tôi thấy sự nhiệt thành hơn ở những người còn lại. Trong giáo xứ của tôi có nhiều người hết lòng cầu nguyện, nghiên cứu Kinh Thánh và ngợi khen Chúa. Lòng đạo đức tôn sùng Thánh Thể mạnh mẽ hơn trong Giáo Hội ngày nay qua việc chầu Thánh Thể và Thánh lễ hàng ngày. Trên Internet có nhiều dấu hiệu phấn khởi và sốt sắng đối với đức tin. Nhiều blog và trang web tuyệt vời đang nổi lên để củng cố người Công Giáo. EWTN đang làm công việc tuyệt vời và nhiều đài phát thanh Công Giáo cũng đã bắt đầu.

Tôi có thể tiếp tục, nhưng tôi nghĩ rằng bạn đã nắm được. Thiên Chúa đã cắt tỉa chúng ta và đang thanh tẩy chúng ta. Tôi không nghi ngờ rằng phía trước vẫn còn một số ngày mùa đông khó khăn trước khi một mùa xuân trọn vẹn đến, nhưng Chúa không bao giờ thất bại. Ngài đang canh tân Giáo Hội của Ngài và chuẩn bị cho chúng ta những gì nằm ở phía trước.

Sẽ cần phải có một Giáo Hội mạnh mẽ và thuần khiết hơn để chịu đựng cơn sóng thần văn hóa đang diễn ra. Những đợt sóng đầu tiên xảy ra vào cuối những năm 1960 và những đợt tiếp theo sẽ còn tàn phá hơn nữa. Văn hóa phương Tây như chúng ta đã biết đang dần bị cuốn đi. Giáo Hội sẽ phải mạnh mẽ và trong sạch để chịu đựng những ngày sắp tới, để giải cứu những người chúng ta có thể giải cứu, và để giúp xây dựng lại sau khi những con sóng khủng khiếp đã gây ra những thiệt hại.


Source:Catholic Standard