Ngày 27-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 28/09: Chúa chết để chúng ta được sống – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
01:19 27/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, thì Người nói với các môn đệ rằng: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:35 27/09/2024

46. Khi tôi cầu nguyện, thì tiếng nói trong lòng phải vang động hơn lời nói nơi môi miệng.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:40 27/09/2024
73. CẮP BÁT MỜI KHÁCH

Nhà nọ mời khách, thức ăn rất ư là đơn giản, xương nhiều thịt ít, khách nói:

- “Bát thức ăn nhà ngài chắc là đi ăn cắp về phải không?”

Chủ nhân ngạc nhiên kinh sợ hỏi:

- “Tại sao anh lại nói như thế?”

Khách trả lời:

- “Tại tôi nghe người hàng xóm khi gây lộn chửi nhau đều nói: ‘Cắp bát của tôi để mà đựng xương ấy mà !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 73:

Thời nay, mời khách cũng lắm chuyện đáng nói:

-Có người mời khách để xin xỏ ân huệ.

-Có người mời khách để khoe cái giàu sang của mình.

-Có người mời khách để kết bạn.

-Có người mời khách để trả ơn.

-Có người mời khách vì vui mừng con cái thi đổ...

-Có người mời khách để tiễn biệt.

-Có người mời khách vì đoàn tụ...

Tất cả mọi việc mời khách đều có lý do của nó, mà lý do nào cũng là bày tỏ tình cảm –ít nữa là tình cảm cá nhân của mình- cho nên không lạ gì thường có chuyện mời khách quen khách lạ...

Nhưng cái lạ nhất khi mời khách chính là mời những người nghèo khó đến làm khách quý của mình, khi mà họ không có gì đáng để cho chúng ta nhờ vả, đó cũng là điều mà Đức Chúa Giê-su đã nhắn nhủ chúng ta: khi mời khách thì mời những người không có dịp mời lại mình, mời những người thường mang ơn của mình, đó chính là kiểu mời khách đích thực vậy.

Ai làm được điều đó, thưa những người Ki-tô hữu đều làm được kiểu mời khách lạ lùng ấy, bởi vì họ biết rằng: khách chính là hình ảnh của Đức Chúa Giêsu đến với gia đình của mình, nhất là những vị khách quê mùa, nghèo khó...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Lọai trừ ai hay cái gì
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:22 27/09/2024
LOẠI TRỪ AI HAY CÁI GÌ?

Khi thấy người khác làm điều tốt đẹp, ta có thái độ nào? Khi bản thân mình làm điều xấu xa, ta phải làm gì? Lời Chúa hôm nay cho chúng ta câu trả lời: Đừng loại trừ người khác làm điều tốt, nhưng cần loại trừ tội lỗi nơi bản thân mỗi người chúng ta.

1. Đừng loại trừ người. Con người có tính xã hội nên trong đời sống người ta thường tham gia những hội nhóm để chia sẻ nâng đỡ nhau. Tuy nhiên hội nhóm lại có nguy cơ thành phe nhóm ích kỷ chỉ lo cho mình, nên dễ sinh ganh tị đố kị với nhóm khác, dẫn đến chê bai, loại trừ nhau. Lời Chúa cho thấy Giô-suê muốn ngăn cản người khác làm ngôn sứ, Gio-an cố ngăn cản người khác trừ quỷ vì họ không thuộc nhóm mình. Trong đời sống kinh tế chính trị lại càng thấy rõ các phe nhóm tìm mọi cách loại trừ nhau. Thế gian là vậy. Còn Chúa Giêsu lại bảo rằng: Đừng ngăn cản người ta phát triển ơn Chúa, làm những điều ích lợi cho tha nhân. Chúa muốn loài người mở rộng cộng tác chứ đừng ích kỷ loại trừ nhau. Bất cứ ai làm điều tốt đẹp đều thuộc về Thiên Chúa là Đấng Chân, Thiện, Mỹ.

2. Hãy loại trừ tội. Chúa bảo đừng loại trừ người khác, mà hãy loại trừ cái ác một cách quyết liệt khi Ngài bảo hãy “chặt tay, chặt chân, móc mắt” nếu những thứ đó làm cớ cho ta sa ngã trong tội lỗi. Có người nói vui nếu cứ làm theo Lời Chúa cắt chặt thế này thì chúng ta bị khuyết tật hết, không chỉ cụt tay cụt chân, mà còn cụt nhiều thứ khác! Chúa nói thế để muốn chúng ta phải quyết liệt triệt để loại trừ, cắt bỏ những thứ khiến ta phạm tội sa hỏa ngục đời đời.

Muốn cứu sống bệnh nhân nhiều khi cũng cần phải cắt bỏ những khối u hay phần hoại tử gây nguy hiểm cho thân thể. Cũng vậy, muốn cứu sống linh hồn, con người cũng phải cắt bỏ những thứ sinh tội lỗi gây nguy hiểm cho sự sống đời đời. Cắt bỏ gây đau đớn nhưng đời sẽ đẹp đẽ. Amen.
 
Một Ai đó
Lm. Minh Anh
13:51 27/09/2024
MỘT AI ĐÓ
“Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”.

Một nghiên cứu xã hội học ở San Francisco cho biết, tại một cuộc phỏng vấn các cô gái bán hoa; các cô được hỏi, “Điều gì bạn cần nhất và không thể có được?”. Đi kèm với nỗi buồn hoà chan nước mắt, các cô thường có một câu trả lời giống nhau là: “Điều tôi cần nhất là có một ai đó lắng nghe tôi, một ai đó đủ quan tâm để lắng nghe tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Còn hơn “Có một ai đó đủ quan tâm để lắng nghe tôi!”, Lời Chúa hôm nay cho thấy, dẫu phận người mong manh, vẫn có ‘một Ai đó’ ở với nó, ‘một Ai đó’ mà nó tìm nương thân! “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Bài đọc Giảng Viên chiếu lại những thước phim lãng mạn về sự mòn hao của tuổi trẻ, nghiệt ngã của tuổi già và bẽ bàng của những gì kéo theo sau đó! Tác giả báo trước những tháng ngày héo hắt khi sự linh hoạt, thị giác, thính giác, sức lực của một con người giảm dần, cho đến khi thần chết viếng thăm; đời người bấy giờ, khác nào một sợi chỉ đứt đoạn! Tuy nhiên, khi cuốn sách kết thúc với những lời mà nó bắt đầu - “Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân!” - thì ở giữa nó, những chân lý vẫn được tiết lộ. Xen lẫn những khốn cùng và bất lực của con người, vẫn có những điều vĩ đại của nó. Bởi lẽ, luôn có ‘một Ai đó’ - vĩ đại hơn thế giới, ở giữa thế giới, đang điều khiển thế giới - trân quý nó! ‘Một Ai đó’ vẫn đang chăm bẵm bạn và tôi, để dù cuộc đời vắn vỏi, phù vân, Đấng ấy vẫn luôn yêu thương và nơi Ngài, chúng ta tìm nương ẩn.

Tin Mừng hôm nay cho thấy điều tương tự! Đang khi mọi người phấn chấn, ngưỡng mộ và thán phục Ngài, Chúa Giêsu báo cho các môn đệ về cái chết cận kề, kết thúc kiếp phù sinh mà Ngài đồng phận mang lấy một khi làm người, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời!” và kết thúc sẽ là một cái chết trọn nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Ngài sẽ chết trên thập giá, dang tay cứu lấy phận người phù du, cho nó vững bền thiên thu khi Ngài phục sinh vinh hiển, ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”. Sống dưới bóng cánh của Đấng mà “ngàn năm tựa hồ hôm qua”, thì trước bất cứ khó khăn nào, bạn và tôi luôn nhớ đến Ngài. Sự thật này giúp chúng ta hình dung cuộc sống mình như một hạt cát trên nền vũ trụ, một ‘hạt cát được yêu thương’. Giêsu, Đấng Cứu Độ sẽ không để ai lẻ loi khi họ bước đi trên con đường Ngài đi. Ngài luôn ở bên, yêu thương, đồng hành; và sẽ cử ‘một Ai đó’ đến trợ giúp! Quả thế, Chúa Thánh Thần luôn có mặt, nâng đỡ chúng ta trong bất kỳ sự suy giảm nào, khi tuổi đà xế bóng hoặc lúc thần chết ngấp nghé. Càng phó thác, cầu xin, ân sủng Thánh Thần càng đổ xuống, chúng ta tin yêu, an bình sống phẩm cách con cái Thiên Chúa. Không chỉ sống, chúng ta còn làm chứng cho một thế giới mê đắm phù hoa, một thế giới có các giá trị rất khác với thế giới của Chúa Giêsu, nơi trú ẩn của mỗi người, một thế giới mà chúng ta cùng Ngài cứu độ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giữa những mòn hao của cuộc đời, khi con còn trẻ hoặc khi con về chiều, cho con biết rằng, Chúa hằng yêu con, ở gần con và lắng nghe con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 26 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 27/09/2024
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 9, 38-43.45.47-48

“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi.”


Bạn thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay có hai điểm chính mà Đức Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh:

- điểm thứ nhất là “chống lại và ủng hộ”,

- điểm thứ hai là “phải dứt khoác ngay với những gì nên cớ vấp phạm”.

1. Đức Chúa Giê-su không hề rao giảng việc ủng hộ tội ác hay ủng hộ làm điều ác và tội lỗi, nhưng Ngài nhắc nhở các môn đệ rằng, ai ủng hộ việc làm của Ngài và của các tông đồ tức là không chống đối Ngài, mà việc Ngài và các tông đồ đang làm chính là công việc bác ái và phục tha nhân, mà người Do Thái chưa từng thấy được nơi các kinh sư, các thầy luật sĩ và những người biệt phái của họ. Nếu họ làm như Đức Chúa Giê-su và các tông đồ, thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người ủng hộ và tôn họ làm đấng tiên tri, nhưng họ thay vì ủng hộ thì lại chống đối việc Đức Chúa Giê-su đang làm và đang rao giảng, và cuối cùng thì lên án đóng đinh Ngài vào thập giá.

Có rất nhiều lần trong cuộc sống chúng ta đã phản đối, đã “đì”, và đã trù giập người anh em chị em chúng ta, vì một lý do đơn giản là họ không ủng hộ việc chúng ta làm.

Trong cuộc sống của bạn và tôi thì chống đối nhiều hơn là ủng hộ, bởi vì cái tôi của chúng ta quá lớn, lớn hơn cả lí trí và lương tâm của mình, cho nên chúng ta chỉ thấy được cái khuyết điểm của người anh em chị em mà không nhìn thấy cái ưu điểm của họ:

Chúng ta chống vì họ thấp cổ bé họng,

Chúng ta chống vì họ quá hiền lành,

Chúng ta chống vì họ hay nói sự thật,

Chúng ta chống vì việc làm ngay thẳng của họ là cái gai trong mắt của mình.

Chúng ta chống vì họ được nhiều người ủng hộ.

Chúng ta chống vì chúng ta kiêu ngạo...

Chúng ta chống vì họ không về phe với mình...

Nhưng chúng ta lại ủng hộ những ai về phe với mình, chúng ta ủng hộ vì họ là bạn bè thân thiết của mình, chúng ta ủng hộ vì hoàn cảnh của họ giống hoàn cảnh của mình, chúng ta ủng hộ người khác vì tâm hồn của chúng ta cũng đang hậm hực tức tối vì quyền lợi bị mất đi...

2. “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi”, “tay anh” chính là bạn bè của bạn và tôi, bạn bè làm cớ cho chúng ta vấp ngã thì dứt tình bạn với họ, vì thà rằng không có bạn bè để được vào Nước Trời, còn hơn là có người bạn xấu ấy để rồi cả hai sa hoả ngục; “chân anh” cũng chính là những cái mà anh yêu thích: xe cộ, áo quần, tiền bạc.v.v... thà không có xe cộ để được vào Nước Trời, còn hơn là có xe cộ rồi chạy long nhong đến quán cà-phê ôm, đến những nơi không đáng đến để rồi gây cớ vấp phạm cho người khác; thà không có lụa là gấm vóc, thà không có tiền ức bạc tỷ, thà vào Nước Trời với bộ áo quần vải thô nhưng thơm tho sạch sẽ...

Ở đời, có nhiều khi bạn thấy làm đúng thì bị chống mà làm sai thì lại được ủng hộ, bởi vì bạn và tôi đều hiểu: thế gian chứ không phải là thế ngay, bởi vì con người ta ai cũng có cái tôi ích kỷ, ai cũng có cái tôi tham lam, ai cũng có phe cánh của mình…

Bạn thân mến,

Chống đối hay ủng hộ là việc của người khác, nhưng hết lòng chu toàn bổn phận vì Chúa vì tha nhân trong công lý và sự thật là việc của chúng ta, vì chống đối hay ủng hộ không phải là giấy chứng nhận vào Nước Trời, nhưng chính là việc chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách trọn vẹn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Hãy tránh xa dịp tội
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
20:22 27/09/2024
HÃY TRÁNH XA DỊP TỘI
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Chúa đưa ra hình phạt quyết liệt và kinh khủng dành cho những ai phạm tội: Buộc thớt cối xay vào cổ xô xuống biển; chặt tay, chặt chân; móc mắt; dòi bọ rúc rỉa không hề chết; lửa thiêu không hề tắt..
.
Chúa không nói là tội gì sẽ xử như thế nào, không hề phân biệt mức độ của tội và hình phạt dành cho tội, mà chỉ nói một cách quá chung chung. Hình như cứ có tội là phạt? Chi thể nào làm cớ cho ta phạm tội, bất luận là tội gì, phải loại trừ chi thể ấy? Khi nói những lời như thế, xem ra Lời của Chúa không chỉ quyết liệt mà còn độc ác?

Dù Chúa dạy, nhưng thực tế, Hội Thánh chẳng bao giờ thực hiện. Thử tưởng tượng, nếu Hội Thánh sử dụng hình phạt dành cho tội như Chúa dạy, sẽ xảy ra ba tường hợp:

1 - Thế giới này sẽ có một Hội Thánh bi đát, khủng khiếp, rùng rợn, dã man không thể hiểu nổi: một Giáo Hội toàn những người bị thương, bị tật, bị què, bị cụt…, vì không ai là không phạm tội, và phạm tội rất nhiều lần trong suốt cuộc đời của mình.
2 - Hội Thánh sẽ không tồn tại, vì không có người. Chắc chắn không ai dám gia nhập vào một Hội Thánh tàn nhẫn như thế.
3 - Hội Thánh không thể một tay che trời để rồi muốn làm gì thì làm. Thế giới loài người không thể để yên cho Hội Thánh muốn giết ai thì giết, chặt ai thì chặt.

Chẳng những không bao giờ thực hiện những điều ấy, mà Hội Thánh còn dạy những điều ngược lại, ngược hoàn toàn:
Sách Giáo lý Công Giáo của Hội Thánh đòi phải “tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể”. Sách Giáo lý cho biết: “…Tra tấn thể xác hay tinh thần để điều tra, để trừng phạt tội phạm, đe dọa đối phương, để trả thù, là điều nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá con người.
Ngoài những trường hợp trị liệu, việc cố tình cắt bỏ, hủy hoại hoặc triệt sản, thực hiện trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý” (GLCG 2297).

Vẫn biết Lời Chúa là sự thật, là Lời ban sự sống, nhưng trong trường hợp này ta phải hiểu thế nào? Hội Thánh và Chúa Kitô, ai đúng, ai sai?

Thực ra chẳng ai sai hết. Lời Chúa mãi mãi vẫn là Lời chân lý, Lời ban sự sống. Ngày nào Hội Thánh còn tin Chúa Kitô, còn nhận Chúa Kitô làm Cứu Chúa của mình, ngày ấy Hội Thánh vẫn phải sống và rao giảng Lời Chúa Kitô, và giáo lý của Hội Thánh vẫn phải phù hợp thánh ý Chúa.

Về phía Chúa, khi nói những lời xem ra quá sức quyết liệt và nặng nề, Người muốn cho thấy sự trầm trọng của gương xấu, của chước cám dỗ, của những dịp tội, và xác định mối nguy hại có khi không nhỏ mà nó gây ra cho mỗi người. Qua đó, Chúa cho thấy cuộc chiến chống lại dịp tội, chống lại chước cám dỗ là một cuộc chiến lớn.

Cuộc chiến ấy đòi hỏi một thái độ dứt khoát triệt để; một sự từ bỏ đến mức như không còn kể đến chi thể của mình; một sự hy sinh chẳng những không khoan nhượng nhưng có khi còn thiệt thòi, còn đau xót, còn cảm thấy mất mát về mặt vật chất và thân xác. Tất cả những điều ấy là để chiếm lấy đời sống vĩnh cửu.

Nói như thế là hiểu nghĩa bóng. Còn hiểu nghĩa đen: giá trị của sự sống vĩnh cửu quan trọng cho đến mức, nếu cần phải đánh đổi, ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh chính bản thân mình để giữ lấy sự sống ấy.

Ngoài ra, ta còn phải lưu ý: Lời Chúa Giêsu là lối nói cụ thể, thường gây cho người nghe cảm giác nghịch lý. Vì thật vô ích, khi phải tìm xem những tội nào có nguy cơ xuất phát từ bàn tay, bàn chân hay con mắt… Mặt khác, dù có cắt bỏ bất cứ một phần chi thể nào, hình như đều là sự vô ích, vì như thế chưa hẵn là đã loại trừ được nguy cơ phạm tội.

Người ta phạm tội đâu phải chỉ do bàn tay, bàn chân hay đôi mắt, nhưng là cả con người của mình từ suy nghĩ, lời nói đến hành động.
Nói cho cùng, sự trừ tuyệt đối với sự dữ là một đòi hỏi đắt giá. Qua đó Chúa Giêsu cho thấy giá trị tuyệt đối của sự sống, của hạnh phúc Nước Trời. Đó cũng là tiêu chuẩn vượt trên mọi tiêu chuẩn mà con người phải chọn lựa.

Người ta kể rằng, trong một khu rừng nọ có một con thỏ cái sống bên cạnh một đàng thỏ con. Ngày nọ, khi các con đã lớn, thỏ mẹ dẫn chúng ra đồng tìm mồi. Bỗng dưng từ đàng xa, xuất hiện một tiếng rống nghe rất dữ tợn. Tức khắc, gương mặt thỏ mẹ hiện rõ nét lo sợ. Nó vội làm hiệu cho các con về hang ẩn núp.

Tuy nhiên, có một chú thỏ con tò mò và hiếu kỳ, muốn biết tiếng rống to đó là gì. Nó tách khỏi đàng, trốn mẹ, trốn anh em nấn ná ở lại để xem cho bằng được. Tiếng rống mỗi lúc một gần hơn. Chẳng bao lâu sau, từ phía tiếng rống ấy, không chỉ có tiếng rống mà còn xuất hiện một con hổ to.

Thỏ con không biết là hổ nhưng bắt đầu cảm thấy sợ, khi chứng kiến một bộ mặt đầy sát khí, mắt và miệng thật to, hàm răng lởm chởm và những chiếc nanh thật dài trông khủng khiếp. Thỏ con quá sợ hãi, co chân chạy thật nhanh. Nhưng chính lúc thỏ con di động, là lúc nó gây sự chú ý cho con hổ. Chỉ cần một cú nhảy thật nhanh của con hổ độc ác, thỏ con đã nằm gọn trong miệng nó…

Hôm nay Chúa nói với chúng ta: Nếu tay hay chân, hay mắt ta nên dịp tội thì hãy chặt, hãy móc nó mà quăng đi, có khác nào Chúa muốn ta HÃY TRÁNH XA DỊP TỘI!

Đừng bao giờ liều thân nhảy vào dịp tội, đừng bao giờ tò mò đối với những hoàn cảnh nguy hại đến đức tin, đúng hơn đến sự sống vĩnh cửu của mình.

Chú thỏ con tội nghiệp kia chỉ vì tò mò muốn biết tiếng rống khủng khiếp là gì, đã không tránh xa hoàn cảnh có thể đưa tới cái chết. Không tránh xa sự nguy hiểm, thỏ con đã tự nộp mình cho sự chết.

Nếu không lánh xa dịp tội, không ý thức mình yếu đuối, mỏng dòn, sa ngã do cố ý là điều khó tránh. Tội là sự chết của tâm hồn. Tránh xa dịp tội là tự cứu mình thoát chết.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân để không phạm tội, chúng ta không được phép quên một nguyên tắc khó lòng thay đổi: Đời sống cầu nguyện.

Con người không thể làm gì mà không cần đến ơn Chúa. Điều ấy càng đúng đối với đời sống thiêng liêng của ta.

Bởi thế, lãnh bí tích; đọc kinh cầu nguyện; thánh lễ; đọc, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa… là những phương tiện giúp ta thêm mạnh mẽ để chống lại chước cám dỗ, và cũng để ta luôn tắm mình trong ơn Chúa.

Hãy nhớ, khi gần Chúa ta sẽ dễ xa cách tội.

Nhưng nếu để mình xa Chúa, ta sẽ dễ gần tội.
 
Lọai bỏ ai hay cái gì ?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
22:00 27/09/2024
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói với chính quyền dân sự Bỉ: Châu Âu cần Bỉ để xây dựng những nhịp cầu hòa bình
Thanh Quảng sdb
04:10 27/09/2024
Đức Thánh Cha nói với chính quyền dân sự Bỉ: Châu Âu cần Bỉ để xây dựng những nhịp cầu hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vị thế của Bỉ ở trung tâm châu Âu khi ngài gặp gỡ chính quyền dân sự của đất nước này và lên án tình trạng lạm dụng tình dục của giáo sĩ như là "nỗi ô nhục của Giáo hội".

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Trong bài phát biểu trước chính quyền dân sự vào ngày đầu tiên ở Bỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi Bỉ là cây cầu "giữa lục địa và Quần đảo Anh, giữa các khu vực nói tiếng Đức và tiếng Pháp, giữa Nam và Bắc Âu".

Mặc dù nó có diện tích nhỏ bé, ĐTC nói, Bỉ là "cây cầu giúp lan tỏa sự hòa hợp và hàn gắn các tranh chấp".

ĐTC tiếp tục cho rằng Châu Âu cần Bỉ để nhớ lại lịch sử của các dân tộc và các nền văn hóa, các ngôi thánh đường nguyn nga và các trường đại học lừng danh, nhưng cũng có những giai đoạn đen tối của chiến tranh, chủ nghĩa thực dân và bóc lột.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng "Châu Âu cần Bỉ" "để tiếp tục con đường hòa bình và xây dựng tình huynh đệ giữa các dân tộc".

Đức Thánh Cha nhắc nhở các nhà lãnh đạo dân sự rằng “hòa bình và hòa hợp không bao giờ đạt được một lần và mãi mãi”, mà là “một nhiệm vụ và sứ mệnh cần phải được thực hiện không ngừng, với sự cẩn trọng và kiên nhẫn lớn lao”.

Vai trò của Giáo hội

Trong bài phát biểu trước các cấp lãnh đạo dân sự, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh vai trò của Giáo hội trong việc “giúp mọi người đối diện với những thách thức và khó khăn, không phải với sự nhiệt tình phù phiếm hay sự bi quan ảm đạm, mà với sự chắc chắn rằng nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương, không phải bị tiền định là sụp đổ thành hư vô, mà được kêu gọi vĩnh viễn đến với sự tốt lành và hòa bình”.

Ngài cũng thẳng thắn thừa nhận rằng Giáo hội, khi thực hiện sứ mệnh của mình, phải thừa nhận “sự mong manh và thiếu sót của các thành viên của mình”, và “những phản chứng đau đớn” xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử.

Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý “những vấn đề bi thảm về lạm dụng trẻ em, một tai họa trong Giáo hội”, đồng thời ĐTC nhấn mạnh những cam kết vững chắc của Giáo hội trong việc giải quyết vấn đề này “bằng cách lắng nghe và đồng hành với những người đã bị tổn thương, và bằng cách thực hiện một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại việc thực hành “bắt buộc nhận con nuôi” phổ biến vào giữa thế kỷ XX, đồng thời thừa nhận việc thực hành này thường được thực hiện với ý định tốt.

Liên quan đến những điều xấu xa lạm dụng và những điều xấu xa khác đã xảy ra trong lịch sử, Đức Thánh Cha cầu xin “để Giáo hội luôn tìm thấy trong chính mình sức mạnh, hầu mang lại sự sáng tỏ và không bao giờ tuân theo nền văn hóa chiếm ưu thế, ngay cả khi nền văn hóa đó xử dụng, theo cách thao túng, các giá trị bắt nguồn từ Phúc âm, rút ra từ đó những kết luận không chân thực gây nên đau khổ và sự loại trừ”.

Học hỏi từ lịch sử

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời cầu “nguyện xin cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, bằng cách nhìn vào Bỉ và lịch sử của nước này, có thể rút ra bài học từ đó”.

Ngài cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính trị sẽ làm việc vì hòa bình và biết cách “tránh nguy hiểm, sự ô nhục và sự phi lý của chiến tranh”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài chia sẻ bằng một nốt nhạc hy vọng, nhắc lại phương châm của chuyến tông du, “Trên đường hy vọng, “avec Esperance”. Trong khẩu hiệu “Hy vọng”, Esperance được viết hoa, ngài nói, chính xác là để cho thấy rằng hy vọng không phải là thứ yếu, mà thay vào đó là “món quà của Chúa được ấp ủ trong trái tim chúng ta”.

“Tôi muốn để lại cho anh chị em lời chúc sau đây: cầu chúc cho anh chị em và cho tất cả những người đang sống tại Bỉ, mong anh chị em luôn nhận được món quà này từ Chúa Thánh Thần, và trân quí nó để cùng nhau tiến bước trong hy vọng trên đường của cuộc sống và lịch sử”.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn Luxembourg
J.B. Đặng Minh An dịch
05:15 27/09/2024


Thưa Đại Công Tước,

Thưa Thủ tướng,

Kính gửi các vị đại diện của xã hội dân sự,

Kính gửi các thành viên của ngoại giao đoàn,

Thưa quý ông, quý bà,

Thưa các Đức Hồng Y!

Tôi rất vui khi được thực hiện chuyến thăm này đến Đại công quốc Luxembourg, và tôi xin chân thành cảm ơn Đại Công Tước và Thủ tướng vì những lời chào nồng nhiệt mà các ngài dành cho tôi. Tôi cũng rất biết ơn vì sự chào đón của các thành viên trong gia đình Đại công tước.

Do vị trí địa lý đặc biệt của mình trên biên giới của các khu vực ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, Luxembourg thường thấy mình ở ngã tư của các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của Âu Châu. Hai lần, trong nửa đầu thế kỷ trước, nó đã phải chịu đựng sự xâm lược và sự tước đoạt tự do và độc lập của mình.

Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đất nước của các bạn đã dựa vào lịch sử của mình – vì lịch sử là người thầy của cuộc sống – và tự khẳng định mình trong cam kết xây dựng một Âu Châu thống nhất và huynh đệ, trong đó mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể có vai trò riêng của mình, và nơi mà những chia rẽ, bất hòa và chiến tranh do các hình thức chủ nghĩa dân tộc thái quá và các ý thức hệ nguy hại gây ra cuối cùng có thể bị bỏ lại phía sau. Thật vậy, các ý thức hệ luôn là kẻ thù của nền dân chủ.

Cũng phải thừa nhận rằng khi luận lý đối đầu và phản đối bạo lực chiếm ưu thế, các khu vực trên biên giới giữa các cường quốc xung đột cuối cùng sẽ bị liên lụy nặng nề trái với ý muốn của họ. Tuy nhiên, khi họ cuối cùng khám phá lại các con đường của sự khôn ngoan, và sự phản đối được thay thế bằng sự hợp tác, thì những khu vực đó trên biên giới trở thành nơi tốt nhất - và không chỉ mang tính biểu tượng - để xác định nhu cầu của một kỷ nguyên hòa bình mới và các con đường cần theo đuổi.

Thật vậy, Luxembourg không phải là ngoại lệ đối với nguyên tắc này, vì đây là thành viên sáng lập của Liên minh Âu Châu và các cộng đồng tiền nhiệm của nó. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức Âu Châu, bao gồm Tòa án Công lý của Liên minh Âu Châu, Tòa án Kiểm toán Âu Châu và Ngân hàng Đầu tư Âu Châu. Chúng ta có thể làm những điều này khi có hòa bình. Chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn là một thất bại. Hòa bình là điều cần thiết và Luxembourg có lịch sử là người kiến tạo hòa bình. Thật đáng buồn khi ngày nay có một quốc gia Âu Châu mà những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất lại đến từ việc sản xuất vũ khí. Điều này rất đáng buồn.

Hơn nữa, cấu trúc dân chủ vững chắc của đất nước các bạn, nơi trân trọng phẩm giá của con người và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, là yếu tố thiết yếu giúp Luxembourg đóng vai trò quan trọng như vậy trong bối cảnh lục địa. Thật vậy, không phải quy mô lãnh thổ hay số lượng cư dân là điều kiện tiên quyết để một quốc gia đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, hay để trở thành trung tâm kinh tế và tài chính. Thay vào đó, đó là việc kiên trì tạo ra các thể chế và luật lệ khôn ngoan, bằng cách điều chỉnh cuộc sống của công dân theo các tiêu chuẩn công bằng và tôn trọng pháp quyền, đặt con người và lợi ích chung vào trung tâm, ngăn ngừa và chống lại các mối nguy hiểm của sự phân biệt đối xử và loại trừ. Luxembourg là một quốc gia có cánh cửa rộng mở, một minh chứng tuyệt đẹp cho sự không phân biệt đối xử và không loại trừ.

Về vấn đề này, những lời mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói trong chuyến viếng thăm Luxembourg năm 1985 vẫn còn mang tính thời sự: “Quốc gia của các bạn, tại ngã tư quan trọng của các nền văn hóa này, vẫn trung thành với ơn gọi của mình là trở thành nơi giao lưu và hợp tác sâu sắc giữa một số lượng ngày càng tăng các quốc gia. Tôi tha thiết hy vọng rằng mong muốn đoàn kết này sẽ ngày càng đoàn kết các cộng đồng quốc gia và mở rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia nghèo nhất” (Diễn văn tại Lễ chào đón, ngày 15 tháng 5 năm 1985). Khi đưa những lời khẳng định này thành của riêng mình, tôi đặc biệt nhắc lại lời kêu gọi thiết lập mối quan hệ anh em giữa các dân tộc, để tất cả mọi người có thể trở thành những người tham gia và là nhân vật chính trong một tiến trình phát triển toàn diện có tổ chức.

Học thuyết xã hội của Giáo hội nêu bật những đặc điểm của sự tiến bộ như vậy và những cách thức để đạt được điều đó. Về phần mình, tôi đã đi theo con đường của giáo lý này bằng cách mở rộng thêm hai chủ đề chính: chăm sóc tạo vật và tình huynh đệ. Thật vậy, để phát triển đích thực và toàn diện, chúng ta không được cướp bóc hoặc làm suy thoái ngôi nhà chung của chúng ta. Tương tự như vậy, chúng ta không được bỏ rơi các dân tộc hoặc nhóm xã hội ở bên lề, vì tất cả chúng ta đều là anh chị em. Chúng ta đừng quên rằng có của cải bao gồm trách nhiệm. Vì vậy, tôi yêu cầu sự cảnh giác liên tục để các quốc gia thiệt thòi nhất không bị bỏ rơi và giúp họ thoát khỏi tình trạng nghèo đói của mình. Đây là một cách để bảo đảm giảm số lượng những người buộc phải di cư, thường là trong điều kiện vô nhân đạo và nguy hiểm. Với lịch sử đặc biệt của mình và vị trí địa lý cũng đặc biệt không kém, với gần một nửa cư dân đến từ các nơi khác của Âu Châu và thế giới rộng lớn hơn, Luxembourg có thể là một sự trợ giúp và là tấm gương trong việc chỉ ra con đường phía trước trong việc chào đón và hòa nhập những người di cư và người tị nạn. Bạn thực sự là một hình mẫu về điều này.

Thật không may, chúng ta đang chứng kiến sự tái xuất hiện, ngay cả trên lục địa Âu Châu, của những rạn nứt và thù địch, thay vì được giải quyết trên cơ sở thiện chí, đàm phán và nỗ lực ngoại giao, lại dẫn đến những hành động thù địch công khai, dẫn đến sự hủy diệt và cái chết. Có vẻ như trái tim con người không phải lúc nào cũng nhớ về quá khứ và thỉnh thoảng lại lạc lối và quay trở lại con đường bi thảm của chiến tranh. Chúng ta đã quên mất điều này biết bao. Để chữa lành hội chứng nguy hiểm này, khiến các quốc gia trở nên ốm yếu nghiêm trọng, gia tăng xung đột và có nguy cơ đẩy họ vào những cuộc khai thác mang lại tổn thất to lớn về người và những cuộc thảm sát vô ích hơn nữa, chúng ta cần hướng mắt lên cao. Chúng ta cũng cần cuộc sống hàng ngày của người dân và các nhà lãnh đạo của họ được thúc đẩy bởi các giá trị tinh thần cao quý và sâu sắc. Chính những giá trị này sẽ ngăn chặn lý trí khuất phục trước sự ngu ngốc và sa vào những sai lầm tương tự trong quá khứ, những sai lầm thậm chí còn tồi tệ hơn do sức mạnh công nghệ lớn hơn mà con người hiện sở hữu. Luxembourg có khả năng đặc biệt trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và tránh những sai lầm này. Tôi thậm chí còn nói rằng đó là một trong những thiên chức của các bạn.

Với tư cách là Người kế nhiệm Thánh Phêrô Tông đồ, và thay mặt cho Giáo hội, mà – như Thánh Phaolô Đệ Lục đã nói – là một chuyên gia về nhân loại, tôi ở đây để làm chứng rằng Phúc âm là nguồn sống và là sức mạnh luôn tươi mới của sự đổi mới cá nhân và xã hội. Nó mang lại sự hòa hợp giữa mọi quốc gia, giữa mọi dân tộc; sự hòa hợp, và khả năng cùng nhau trải nghiệm và đau khổ. Chỉ có Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng biến đổi sâu sắc tâm hồn con người, khiến nó có khả năng làm điều thiện ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, dập tắt lòng hận thù và hòa giải các bên tham gia vào xung đột. Mong rằng mọi người, mọi người nam và nữ, trong sự tự do hoàn toàn, biết được Phúc âm của Chúa Giêsu, Đấng đã hòa giải Thiên Chúa và nhân loại trong Ngôi vị của Người, và Đấng, biết những gì trong trái tim con người, có thể chữa lành vết thương của nó. Phúc âm luôn luôn tích cực.

Thưa Điện hạ, Thưa Quý ông, Quý bà,

Luxembourg có thể cho mọi người thấy những lợi ích của hòa bình trái ngược với nỗi kinh hoàng của chiến tranh, của sự hòa nhập và thúc đẩy người di cư trái ngược với sự phân biệt đối xử. Về vấn đề này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình, vì thái độ chào đón người di cư đầy ý nghĩa của các bạn và vì đã cho họ một vị trí trong xã hội của các bạn. Các các bạn cũng cho thấy những lợi ích của sự hợp tác giữa các quốc gia trái ngược với những hậu quả có hại của việc cứng rắn hóa lập trường và theo đuổi lợi ích cá nhân một cách ích kỷ, thiển cận hoặc thậm chí là bạo lực. Cho phép tôi nói thêm một điểm nữa: Tôi đã thấy tỷ lệ sinh ở đây. Làm ơn, hãy sinh thêm con, thêm con! Chúng là tương lai. Tôi sẽ không nói là thêm con và bớt chó con đi – tôi nói thế ở Ý – mà là thêm trẻ em!

Thật vậy, những người có thẩm quyền rất cần phải kiên quyết và kiên nhẫn tham gia vào các cuộc đàm phán trung thực để giải quyết những khác biệt, cùng với thiện chí tìm ra những sự thỏa hiệp danh dự, không làm tổn hại đến bất cứ điều gì và thay vào đó có thể xây dựng an ninh và hòa bình cho tất cả mọi người.

“Người hầu bàn”, “Phục vụ”: đây là phương châm của chuyến viếng thăm của tôi ở đây và nó ám chỉ trực tiếp đến sứ mệnh của Giáo hội, mà Chúa Kitô, Chúa đã trở thành người hầu, đã sai đến thế gian như Chúa Cha đã sai Người. Xin hãy nhớ rằng đối với tất cả chúng ta, lời kêu gọi “phục vụ” này là danh hiệu cao quý nhất. Phục vụ cũng là nhiệm vụ chính của anh chị em, là cách sống cần tuân theo mỗi ngày. Xin Chúa giúp anh chị em luôn phục vụ với một trái tim vui tươi và rộng lượng. Và xin những người không có đức tin hãy làm việc cho anh chị em mình, cho đất nước và cho xã hội. Đây là con đường mà tất cả chúng ta nên đi theo, luôn vì lợi ích chung.

Xin Đức Mẹ Đức Maria Mutter Jesu, Consolatrix Afflictorum, Patrona Civitatis et Patriae Luxemburgensis che chở cho Luxembourg và thế giới và ban cho Chúa Giêsu, Con của Mẹ, sự bình an và mọi điều tốt lành.

Xin Chúa ban phước cho Luxembourg! Cảm ơn các bạn.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Với Các Cơ Quan Chính Quyền Và Xã Hội Dân Sự Bỉ
Vũ Văn An
14:56 27/09/2024

Theo tin Tòa Thánh, thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Lâu đài Laeken (Brussels) để gặp gỡ chính quyền, các xã hội dân sự Bỉ và ngoại giao đoàn cạnh chính phủ Bỉ. Tại đây ngài đã đọc bài diễn văn sau đây:



Thưa Đức Vua,
Thưa Thủ tướng,
Các anh em Giám mục,
Các cơ quan chính quyền,
Thưa Quý bà và quý ông!


Tôi cảm ơn Đức Vua vì sự chào đón nồng nhiệt và những lời chào tốt đẹp của Ngài. Tôi rất vui khi được đến thăm Bỉ. Khi nghĩ về đất nước này, điều hiện lên trong tâm trí tôi là một điều gì đó nhỏ bé nhưng vĩ đại; một đất nước ở phía tây nhưng đồng thời cũng là trung tâm, như thể Bỉ là trái tim đang đập của một sinh vật khổng lồ.

Thật vậy, sẽ là một sai lầm nếu đánh giá chất lượng của một quốc gia dựa trên quy mô địa lý của nó. Bỉ có thể không phải là một quốc gia lớn, nhưng lịch sử riêng của họ đã có tác động. Ngay sau Thế chiến thứ hai, những người dân châu Âu kiệt sức và chán nản, khi bắt đầu một quá trình hòa bình, hợp tác và hội nhập sâu sắc, đã coi đất nước của quý vị như một địa điểm tự nhiên để thiết lập các thể chế quan trọng của châu Âu. Điều này là do Bỉ nằm trên ranh giới đường đứt gãy giữa thế giới Đức và thế giới La tinh, kẹp giữa Pháp và Đức, hai quốc gia hiện thân rõ nhất các lý tưởng dân tộc chủ nghĩa đối lập vốn là nền tảng cho cuộc xung đột.

Chúng ta có thể mô tả Bỉ là cầu nối giữa lục địa và Quần đảo Anh, giữa các khu vực nói tiếng Đức và tiếng Pháp, giữa Nam và Bắc Âu. Một cầu nối giúp hòa hợp lan rộng và giải quyết tranh chấp. Một cầu nối nơi tất cả mọi người, với ngôn ngữ, cách suy nghĩ và niềm tin riêng của mình, có thể gặp gỡ những người khác và chọn trò chuyện, đối thoại và chia sẻ như phương tiện tương tác lẫn nhau. Một cầu nối nơi tất cả mọi người có thể học cách biến bản sắc riêng của mình không phải là thần tượng hay rào cản, mà là nơi chào đón, nơi bắt đầu và sau đó quay trở lại; một nơi thúc đẩy các cuộc trao đổi bản thân có giá trị, cùng nhau tìm kiếm sự ổn định xã hội mới và xây dựng các thỏa thuận mới. Bỉ là một cầu nối thúc đẩy thương mại, kết nối và đưa các nền văn hóa vào cuộc đối thoại. Một cây cầu không thể thiếu để bác bỏ chiến tranh và xây dựng hòa bình.

Do đó, thật dễ dàng để thấy Bỉ thực sự vĩ đại như thế nào! Châu Âu cần Bỉ để nhắc nhở rằng lịch sử của mình bao gồm các dân tộc và nền văn hóa, nhà thờ và trường đại học, những thành tựu của sự khôn khéo của con người, nhưng cũng có nhiều cuộc chiến tranh và ý chí thống trị đôi khi dẫn đến chủ nghĩa thực dân và bóc lột.

Châu Âu cần Bỉ để tiếp tục con đường hòa bình và tình anh em giữa các dân tộc. Thật vậy, Bỉ là lời nhắc nhở cho tất cả những người khác rằng khi các quốc gia coi thường biên giới hoặc vi phạm các hiệp ước bằng cách sử dụng những lý do đa dạng và không thể biện minh nhất, và khi họ sử dụng vũ khí để thay thế luật pháp thực tế bằng nguyên tắc "kẻ mạnh là đúng", thì họ sẽ mở hộp Pandora, thả lỏng những cơn bão dữ dội đập vào ngôi nhà, đe dọa phá hủy nó. Vào thời điểm này trong lịch sử, tôi nghĩ Bỉ đóng một vai trò rất quan trọng. Có vẻ như chúng ta đang ở rất gần một cuộc chiến tranh thế giới.

Hơn nữa, hòa bình và sự hòa hợp không bao giờ có thể đạt được một lần và mãi mãi. Ngược lại, chúng là một nghĩa vụ và sứ mệnh – hòa hợp và hòa bình là một nhiệm vụ và sứ mệnh – một nhiệm vụ cần được thực hiện không ngừng nghỉ, với sự cẩn trọng và kiên nhẫn lớn lao. Bởi vì khi con người quên đi ký ức về quá khứ và những bài học quý giá của nó, họ sẽ có nguy cơ nguy hiểm là một lần nữa lại tụt hậu, ngay cả sau khi đã tiến lên, quên đi nỗi đau khổ và những cái giá khủng khiếp mà các thế hệ trước phải trả. Con người quên đi quá khứ, nhưng thật kỳ lạ khi có những thế lực khác, cả trong xã hội và trong mỗi cá nhân, khiến chúng ta liên tục mắc phải những sai lầm tương tự.

Về vấn đề này, Bỉ trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết để duy trì ký ức về lục địa châu Âu. Thật vậy, nó đưa ra một lập luận không thể chối cãi để phát triển một phong trào văn hóa, xã hội và chính trị kịp thời và liên tục, đồng thời vừa can đảm vừa thận trọng. Một phong trào loại trừ khỏi tương lai ý tưởng và thực tiễn chiến tranh như một lựa chọn có giá trị với tất cả những hậu quả thảm khốc của nó.

Hơn nữa, lịch sử là magistra vitae (bà giáo dạy sự sống) thường không được chú ý và lịch sử của Bỉ kêu gọi châu Âu quay trở lại con đường của mình, tái khám phá bản sắc thực sự của mình và đầu tư một lần nữa vào tương lai bằng cách mở lòng đón nhận sự sống và hy vọng bằng cách vượt qua mùa đông nhân khẩu học và những đau khổ của chiến tranh! Đây là hai tai họa mà chúng ta đang phải đối diện ngay lúc này. Chúng ta đang chứng kiến cơn ác mộng của chiến tranh, vẫn có thể biến thành một cuộc chiến tranh thế giới. Và mùa đông nhân khẩu học; đó là lý do tại sao chúng ta phải thực tế và sinh nhiều con hơn!

Khi làm chứng cho đức tin của mình vào Chúa Kitô Phục sinh, Giáo Hội Công Giáo mong muốn trở thành một sự hiện diện mang đến cho các cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia một niềm hy vọng vừa cổ xưa vừa mới mẻ. Một sự hiện diện giúp mọi người đối diện với những thách thức và khó khăn, không phải với sự nhiệt tình phù phiếm hay sự bi quan ảm đạm, mà với sự chắc chắn rằng nhân loại, được Chúa yêu thương, không phải là định mệnh sụp đổ thành hư vô, mà được kêu gọi vĩnh viễn đến với sự tốt lành và hòa bình.

Hướng mắt về Chúa Giêsu, Giáo hội luôn nhận ra mình là người môn đệ đi theo Thầy với lòng sợ hãi và run rẩy. Trong khi biết mình thánh thiện, vì được Chúa sáng lập, Giáo hội cũng trải nghiệm sự mong manh và thiếu sót của các thành viên; những vị thánh và tội nhân không bao giờ hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao phó vì nhiệm vụ luôn vượt quá khả năng của họ.

Giáo hội công bố tin mừng có thể lấp đầy trái tim chúng ta bằng niềm vui. Thông qua các công việc bác ái và vô số ví dụ về tình yêu dành cho người lân cận, Giáo hội tìm cách đưa ra những dấu chỉ cụ thể và đáng tin cậy về tình yêu thúc đẩy mình. Tuy nhiên, Giáo hội luôn sống trong một nền văn hóa cụ thể, trong suy nghĩ của một thời đại nhất định mà đôi khi Giáo hội giúp định hình và đôi khi Giáo hội phải tuân theo; và các thành viên của Giáo hội không phải lúc nào cũng hiểu và sống sứ điệp của Tin Mừng trong tất cả sự tinh khiết và trọn vẹn của nó. Giáo hội thánh thiện nhưng có những thành viên tội lỗi.

Trong sự cùng hiện hữu lâu dài này của sự thánh thiện và tội lỗi, ánh sáng và bóng tối, Giáo hội thực hiện sứ mệnh của mình, thường bằng những tấm gương về lòng quảng đại và sự tận tụy chân thành, nhưng đáng buồn thay, đôi khi, lại xuất hiện những lời chứng phản bác đau đớn. Tôi muốn nói đến những trường hợp lạm dụng trẻ em bi thảm - cũng được Đức Vua và Thủ tướng nhắc đến - đó là một tai họa mà Giáo hội đang giải quyết một cách kiên quyết và dứt khoát bằng cách lắng nghe và đồng hành với những người đã bị tổn thương, và bằng cách thực hiện một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới.

Thưa anh chị em, thật đáng xấu hổ! Thật đáng xấu hổ khi chúng ta phải giải quyết tình trạng này, cầu xin sự tha thứ và giải quyết vấn đề: sự xấu hổ của việc lạm dụng trẻ em. Chúng ta nghĩ đến thời của các Thánh Anh Hài và nói rằng, "Ôi thật là một thảm kịch, Vua Herod đã làm gì!" nhưng ngày nay tội ác này lại xảy ra trong Giáo hội. Giáo hội phải xấu hổ, cầu xin sự tha thứ và cố gắng giải quyết tình trạng này bằng sự khiêm nhường của người Kitô hữu và bằng cách thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng nó không xảy ra nữa. Có người có thể nói với tôi rằng, “Thưa Đức Thánh Cha, theo số liệu thống kê, phần lớn các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình, trong khu phố, trong thế giới thể thao hoặc ở trường học. Tuy nhiên, chỉ cần một trường hợp cũng đủ khiến chúng ta phải xấu hổ! Trong Giáo hội, chúng ta phải xin lỗi vì điều này; những người khác có thể xin lỗi vì phần của họ. Đây là sự xấu hổ và nhục nhã của chúng ta.

Về vấn đề này, tôi rất buồn khi biết về hoạt động “nhận con nuôi cưỡng bức” cũng diễn ra ở Bỉ trong khoảng thời gian từ những năm 1950 đến những năm 1970. Trong những câu chuyện đau lòng đó, chúng ta thấy trái đắng của hành vi sai trái và tội phạm đã hòa lẫn vào quan điểm không may đang thịnh hành ở mọi tầng lớp xã hội vào thời điểm đó. Điều này đúng đến mức nhiều người tin vào lương tâm rằng họ đang làm điều gì đó tốt cho cả đứa trẻ lẫn người mẹ.

Thường thường, gia đình và những người khác trong xã hội, bao gồm cả trong Giáo hội, nghĩ rằng để tránh sự kỳ thị không may xảy ra với những bà mẹ chưa lập gia đình vào thời đó, thì tốt hơn là nên cho con làm con nuôi vì lợi ích của cả đứa trẻ lẫn người mẹ. Thậm chí có những trường hợp một số phụ nữ không được lựa chọn giữa việc giữ con hoặc cho con làm con nuôi. Điều này thực sự đang xảy ra ngày nay ở một số nền văn hóa và quốc gia.

Là người kế vị Thánh Phêrô, tôi cầu xin Chúa để Giáo hội sẽ luôn tìm thấy trong mình sức mạnh để mang lại sự sáng tỏ và không bao giờ tuân theo nền văn hóa chiếm ưu thế, ngay cả khi nền văn hóa đó sử dụng, theo cách thao túng, các giá trị bắt nguồn từ Tin Mừng, rút ra từ đó những kết luận không chân thực gây ra đau khổ và sự loại trừ.

Tôi cầu xin để các nhà lãnh đạo của các quốc gia, bằng cách nhìn vào Bỉ và lịch sử của nước này, sẽ có thể học hỏi từ đó. Bằng cách này, họ có thể cứu người dân của mình khỏi những bất hạnh và đau buồn vô tận. Tôi cũng cầu nguyện để những người trong chính phủ sẽ biết cách gánh vác trách nhiệm, rủi ro và danh dự của hòa bình, biết cách tránh nguy hiểm, ô nhục và sự phi lý của chiến tranh. Tôi cũng cầu nguyện để họ biết sợ sự phán xét của lương tâm, của lịch sử và của Thiên Chúa, để trái tim và khối óc của họ được hoán cải để luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Vào thời điểm nền kinh tế đã phát triển rất nhiều như hiện nay, tôi muốn chỉ ra rằng ở một số quốc gia, khoản đầu tư có lợi nhuận nhất là vào sản xuất vũ khí.

Thưa Đức Vua, Thưa Quý bà, Quý ông, phương châm của chuyến thăm đất nước này của tôi là “Lên đường, với Niềm Hy Vọng”. Việc Niềm Hy Vọng được viết hoa khiến tôi phải suy nghĩ rằng hy vọng không chỉ là thứ gì đó để mang theo trong hành lý của chúng ta trên một chuyến đi. Thay vào đó, hy vọng là một món quà từ Thiên Chúa, có lẽ là đức tính khiêm nhường nhất – người viết đã viết – và là đức tính không bao giờ thất bại, không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Hy vọng là một món quà từ Thiên Chúa để chúng ta mang trong trái tim mình. Tôi muốn để lại cho quý vị lời chúc sau đây, cho quý vị và tất cả những người đang sống tại Bỉ: xin quý vị luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho quý vị món quà hy vọng này và chào đón nó để cùng nhau bước đi với niềm hy vọng trên con đường sự sống và lịch sử. Cảm ơn quý vị!
 
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các giáo sư đại học Công Giáo Leuven
Vũ Văn An
15:31 27/09/2024

Theo tin Tòa Thánh, ngày 27 tháng 9 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Promotiezaal của Đại học Công Giáo LeuvenUniversiteit Leuven, để gặp gỡ các giáo sư. Tại đây ngài đã đọc bài diễn văn sau đây:



Thưa Viện trưởng,
Các Giáo sư đáng kính,
Anh chị em thân mến, xin chào buổi chiều
!

Tôi rất vui khi được ở đây giữa các quý vị. Tôi cảm ơn Viện trưởng về những lời chào mừng trong đó ông đã suy gẫm về truyền thống và nguồn gốc lịch sử của trường Đại học, và về những thách thức chính mà tất cả chúng ta đang phải đối diện ngày nay. Thật vậy, nhiệm vụ đầu tiên của một trường đại học là cung cấp sự đào tạo toàn diện để sinh viên có thể được trang bị các công cụ cần thiết để diễn giải hiện tại và lập kế hoạch cho tương lai.

Tuy nhiên, việc đào tạo văn hóa không bao giờ là mục đích trong chín nó và các trường đại học không bao giờ nên có nguy cơ trở thành "những nhà thờ chính tòa giữa sa mạc". Theo bản chất của mình, chúng là động lực thúc đẩy các ý tưởng và nguồn cảm hứng mới cho cuộc sống và tư duy của con người, và để đối đầu với những thách thức trong xã hội. Nói cách khác, chúng là những nơi sinh sôi. Thật tuyệt khi xem các trường đại học như nơi tạo ra văn hóa và ý tưởng, nhưng trên hết là nơi thúc đẩy niềm đam mê tìm kiếm chân lý, phục vụ cho sự tiến bộ của con người. Theo một cách đặc biệt, các trường đại học Công Giáo như trường của quý vị được kêu gọi “cung cấp sự đóng góp quyết định của men, muối và ánh sáng của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và Truyền thống sống động của Giáo hội, luôn cởi mở với những tình huống và ý tưởng mới” (Tông hiến Veritatis Gaudium, 3).

Bây giờ tôi muốn gửi lời mời đơn giản đến từng người trong số quý vị: hãy mở rộng ranh giới của kiến thức! Thay vì nhân lên các khái niệm và lý thuyết, hãy biến việc đào tạo học thuật và văn hóa thành một không gian quan trọng vừa hiểu vừa nói về sự sống.

Có một câu chuyện ngắn trong Kinh thánh trong Sách Sử Biên mà tôi muốn chia sẻ với quý vị. Nhân vật chính, Jabez, đã cầu xin Chúa: “Ôi, ước gì Chúa ban phước cho tôi và mở rộng bờ cõi của tôi” (1 Sử biên 4:10). Tên Jabez có nghĩa là “đau đớn”, một cái tên được đặt cho ông vì mẹ ông đã phải chịu đựng rất nhiều trong khi sinh nở. Tuy nhiên, Jabez không muốn khép mình trong nỗi đau của riêng mình, lê bước trong than thở. Thay vào đó, ông cầu xin Chúa “mở rộng ranh giới” cuộc đời mình để ông có thể bước vào một nơi rộng lớn hơn, chào đón hơn và được ban phước hơn. Ngược lại, đó là sự khép lại.

Mở rộng ranh giới và trở thành một không gian mở cho nhân loại và xã hội là sứ mệnh lớn lao của một trường đại học.

Trong thời đại của chúng ta, chúng ta thấy mình đang phải đối diện với một tình huống mơ hồ với những ranh giới hạn hẹp. Một mặt, chúng ta đắm chìm trong một nền văn hóa được đánh dấu bằng sự từ chối tìm kiếm sự thật. Chúng ta đã mất đi niềm đam mê mãnh liệt trong việc tìm kiếm. Chúng ta thà tìm sự thoải mái và nơi ẩn náu trong suy nghĩ mong manh – bi kịch của suy nghĩ mong manh! – ẩn náu trong sự thật rằng mọi thứ đều bình đẳng, mọi thứ đều giống nhau, mọi thứ đều tương đối. Mặt khác, khi câu hỏi về sự thật nảy sinh trong bối cảnh trường đại học và những nơi khác, chúng ta thường có thể rơi vào cách tiếp cận duy lý, coi là “đúng” chỉ những thứ có thể đo lường, kiểm tra bằng thực nghiệm và chạm vào, như thể sự sống chỉ giới hạn ở những gì vật chất và hữu hình. Trong cả hai trường hợp này, ranh giới đều bị giới hạn.

Đối với loại giới hạn đầu tiên, chúng ta thấy một loại “mệt mỏi về mặt trí tuệ”, khiến chúng ta rơi vào trạng thái bất định liên tục, thiếu mọi đam mê, như thể việc tìm kiếm ý nghĩa là vô ích và thực tế là không thể hiểu được. Thế giới quan này được thể hiện qua một số nhân vật trong các tác phẩm của Franz Kafka, mô tả tình trạng bi thảm và đau khổ của con người vào thế kỷ XIX. Trong một cuộc đối thoại giữa hai nhân vật trong một trong những câu chuyện của ông, chúng ta thấy lời khẳng định này: “Tôi nghĩ cô ấy không lo lắng về sự thật vì nó quá gây mệt mỏi” (Racconti, Milano 1990, 38). Việc tìm kiếm sự thật thực sự mệt mỏi vì nó buộc chúng ta phải thoát khỏi chính mình, chấp nhận rủi ro, tự đặt câu hỏi cho bản thân. Tuy nhiên, do mệt mỏi về mặt trí tuệ, một cuộc sống hời hợt hấp dẫn chúng ta hơn, một cuộc sống không phải đối diện với những thách thức mới. Tương tự như vậy, cũng có nguy cơ bị thu hút bởi một “đức tin” dễ dàng, không cần nỗ lực và thoải mái, không đặt ra bất cứ câu hỏi nào.

Quay sang loại ranh giới hạn chế thứ hai, ngày nay chúng ta có nguy cơ một lần nữa rơi vào “chủ nghĩa duy lý vô hồn”; bị chi phối bởi một nền văn hóa kỹ trị dẫn chúng ta đến với nó. Khi con người bị coi là vật chất đơn thuần, khi thực tế bị hạn chế trong giới hạn của những gì hữu hình, khi lý trí bị thu hẹp lại thành luận lý toán học, khi lý trí chỉ đến từ “phòng thí nghiệm”, thì sự ngạc nhiên sẽ mất đi, và khi thiếu nó, người ta không thể suy nghĩ; sự ngạc nhiên là khởi đầu của triết học, là khởi đầu của tư duy. Theo cách này, chúng ta mất đi khả năng ngạc nhiên, điều thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn, hướng mắt lên trời, đào sâu vào sự thật ẩn giấu giải quyết những câu hỏi cơ bản: Tại sao tôi sống? Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? Mục đích và mục đích cuối cùng của cuộc hành trình này là gì? Romano Guardini tự hỏi: “Tại sao con người, mặc dù đã tiến bộ rất nhiều, vẫn không biết chính mình và ngày càng trở nên không biết chính mình? Đó là vì con người đã đánh mất chìa khóa để hiểu bản chất của chính mình. Luật chân lý của chúng ta nêu rõ rằng con người chỉ hiểu chính mình nếu họ bắt đầu từ trên cao, từ bên ngoài chính mình, từ Thiên Chúa, vì chính sự hiện hữu của con người đến từ Người” (Preghiera e verità, Brescia 1973, 56).

Thưa các Giáo sư, thay vì rơi vào tình trạng mệt mỏi về mặt trí tuệ hoặc chủ nghĩa duy lý vô hồn, chúng ta cũng hãy học cách cầu nguyện như Jabez: “Lạy Chúa, xin mở rộng biên giới của chúng con!” Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban phước cho công việc của chúng ta, phục vụ cho một nền văn hóa có khả năng đối diện với những thách thức của ngày nay. Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhận được như một hồng ân thúc giục chúng ta tìm kiếm, mở ra những không gian cho suy nghĩ và hành động của mình, cho đến khi Người dẫn chúng ta đến với sự trọn vẹn của chân lý (x. Ga 16:13). Chúng ta nhận thức được, như Viện Trưởng đã nói trước đó, rằng “chúng ta vẫn chưa biết mọi thứ”. Đồng thời, chính sự hạn chế này thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, giúp chúng ta duy trì ngọn lửa nghiên cứu và luôn là cánh cửa sổ mở ra thế giới ngày nay.

Về phương diện này, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành: Cảm ơn! Cảm ơn, vì thông qua việc mở rộng ranh giới, quý vị đã trở thành môi trường chào đón những người tị nạn buộc phải chạy trốn khỏi vùng đất của họ, giữa tình trạng bất ổn lớn, khó khăn to lớn và thường là đau khổ tột cùng. Cảm ơn quý vị một lần nữa. Chúng ta vừa xem một lời chứng thực bằng video cảm động. Trong khi một số người kêu gọi củng cố biên giới vật lý, quý vị đã mở rộng biên giới như một cộng đồng đại học. Cảm ơn Quý vị. Quý vị đã dang rộng vòng tay chào đón những người chịu nhiều đau khổ, để giúp họ học tập và phát triển. Cảm ơn Quý vị.

Thật vậy, điều chúng ta cần là một nền văn hóa mở rộng ranh giới và tránh "chủ nghĩa bè phái" - và cảm ơn Quý vị vì đã không bè phái - hoặc tự đề cao mình hơn người khác. Một nền văn hóa hòa nhập như "men" tốt trong thế giới của chúng ta, đóng góp vào lợi ích chung của nhân loại. Trách nhiệm này, "niềm hy vọng lớn lao" này được giao phó cho Quý vị!

Một nhà thần học từ đất nước của Quý vị, một sinh viên và giáo sư của trường Đại học này đã tuyên bố rằng, “Chúng ta là bụi cây cháy cho phép Thiên Chúa biểu lộ chính Người” (A. GESCHÉ, Dio per pensare. Il Cristo, Cinisello Balsamo 2003, 276). Hãy giữ ngọn lửa này cháy sáng; hãy mở rộng ranh giới! Xin hãy lo lắng với sự bất ổn của cuộc sống, và hãy là những người tìm kiếm chân lý không ngừng nghỉ, và đừng để sự nhiệt tình của Quý vị suy yếu kẻo Quý vị đầu hàng trước sự trì trệ về mặt trí tuệ, đó là một căn bệnh rất tồi tệ. Hãy là những người chủ động trong việc tạo ra một nền văn hóa hòa nhập, lòng cảm thương và sự quan tâm đến những người yếu đuối nhất khi Quý vị tìm cách vượt qua những thách thức lớn trong thế giới của chúng ta ngày nay.

Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn quý vị!
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Bỉ: Gặp gỡ các nhà chức trách, hoàng gia và — gây bất ngờ cho người cao tuổi
Vũ Văn An
17:03 27/09/2024

Ảnh Handout / VATICAN MEDIA / AFP


Isabella H. de Carvalho của tạp chí Aleteia, ngày 27/09/24, tường trình rằng sau khi dành cả ngày ở Luxembourg vào ngày 26 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện đang ở Bỉ cho chặng thứ hai của chuyến đi, cho đến ngày 29 tháng 9.

Sau chuyến thăm Luxembourg kéo dài 8 giờ vào ngày 26 tháng 9 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Melsbroek gần thủ đô Brussels của Bỉ lúc 19:09 tối cùng ngày, nơi ngài sẽ ở lại cho đến ngày 29 tháng 9.

Vào thứ Sáu, ngày đầu tiên trọn vẹn của ngài tại đất nước này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các nhà chức trách chính trị và đại diện các xã hội dân sự, nhưng cũng đã đi chệch khỏi chương trình của mình để đến thăm một viện dưỡng lão. Vào cuối ngày hôm nay, ngài sẽ gặp gỡ các giáo sư đại học.

Ngay khi hạ cánh vào tối thứ năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được Vua Philippe của Bỉ, một trong những kiến trúc sư chính đằng sau chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, và vợ của ông, Nữ hoàng Mathilde, chào đón. Thủ tướng Bỉ, Alexander de Croo, cũng có mặt trong buổi lễ chào đón này với các bài thánh ca, bài hát và điệu nhảy.

Sáng hôm sau, Đức Giáo Hoàng đã gặp lại nhà vua và thủ tướng, trong một bối cảnh riêng tư, tại Cung điện Laeken.

Sau đó, ngài đã có bài phát biểu đầu tiên tại Bỉ trước các nhà chức trách chính trị, các thành viên xã hội dân sự và đoàn ngoại giao.

Không đi theo văn bản đã chuẩn bị, Đức Giáo Hoàng cho biết Giáo hội “nên xấu hổ và cầu xin sự tha thứ” cho “tai họa” lạm dụng tình dục các vị thành niên, một chủ đề đang được quan tâm hàng đầu tại Bỉ, sau các báo cáo gần đây.

ALBERTO PIZZOLI | AFP


“Đó là sự xấu hổ và nhục nhã của chúng ta”, Đức Giáo Hoàng cho biết trong khi khẳng định rằng Giáo hội đang “giải quyết vấn đề này một cách kiên quyết và dứt khoát” bằng cách “đồng hành cùng những người đã bị tổn thương” và “thực hiện một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới”.

Một chuyến thăm bất ngờ đến viện dưỡng lão

Nổi tiếng vì đã bỏ qua các văn bản đã chuẩn bị sẵn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giờ đây cũng đã bỏ qua chương trình chuyến công du chính thức của mình hai lần trong chuyến thăm này.

Tại Luxembourg, ngài dừng chân tại một quán cà phê sau bữa trưa, trước khi gặp cộng đồng Công Giáo địa phương và uống một tách espresso.

Sáng nay, sau cuộc họp với chính quyền, ngài đã có chuyến thăm bất ngờ đến Nhà dưỡng lão Saint-Joseph, nơi chăm sóc những người già gặp khó khăn về kinh tế. Theo Vatican News, nơi này do các Nữ tu Dòng Tiểu muội Người nghèo điều hành. Ngài đã dành thời gian để chào hỏi những người già, các y tá làm việc tại đây và các nữ tu.

Phần còn lại của chương trình tại Bỉ

Vào buổi chiều, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ gặp gỡ các giáo sư đại học của Đại học Katholieke Leuven nói tiếng HòaLan lúc 4:30 chiều, tại đây ngài sẽ có một bài phát biểu khác. Năm 1968, Đại học Công Giáo Leuven tách thành hai đơn vị độc lập, một đơn vị nói tiếng Pháp và một đơn vị nói tiếng Hòa Lan.

Vào thứ Bảy, ngày 28 tháng 9, Đức Giáo Hoàng sẽ có bài phát biểu trước các giám mục, linh mục và cộng đồng Công Giáo địa phương tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm Koekelberg lúc 10:00 sáng. Sau đó, ngài sẽ nói chuyện với các sinh viên đại học từ trường nói tiếng Pháp, Université de Catholique de Louvain, lúc 4:30 chiều, trước khi gặp riêng các thành viên của Dòng Tên tại Bỉ lúc 6:15 chiều.

Trong ngày cuối cùng ở Bỉ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Sân vận động King Baudouin lúc 10:00 sáng và sau đó khởi hành trên chuyến bay trở lại Rome lúc 12:45 sáng.

Ngài dự kiến hạ cánh tại Rome lúc 2:55 chiều.

ALBERTO PIZZOLI | AFP

 
Ngày đầu tiên ở Bỉ: Leuven, một đại học Công Giáo mở cửa với thế giới
Thanh Quảng sdb
17:08 27/09/2024
Ngày đầu tiên ở Bỉ: Leuven, một đại học Công Giáo mở cửa với thế giới

Trong ngày đầu tiên trọn vẹn ở Bỉ, Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ Quốc vương và Thủ tướng Bỉ, các giáo sư của trường đại học Công Giáo lâu đời nhất châu Âu và những người sống sót sau vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

(Tin Vatican - Joseph Tulloch)

Trọn ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng tại Brussels bắt đầu bằng cuộc gặp với Quốc vương và Thủ tướng tại Cung điện Hoàng gia Laeken.

Cả hai vị đều ca ngợi Đức Giáo Hoàng vì những cam kết đối thoại liên văn hóa và sự quan tâm của ngài đối với người nghèo. Họ cũng nhân cơ hội này để suy tư về tác hại đang diễn ra do vụ bê bối lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo, vụ việc đặc biệt gây chấn động ở Bỉ

Đức Vua gọi đây là "thảm kịch không thể diễn tả được" và "mất quá nhiều thời gian" để đưa ra ánh sáng. Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng mô tả đây là "nỗi xấu hổ và nhục nhã của chúng ta", đồng thời nhấn mạnh rằng Giáo hội phải "nỗ lực hết sức" để đảm bảo rằng không có điều gì tương tự sẽ xảy ra nữa.

Sau đó, vào buổi chiều, Đức Giáo Hoàng đã đến Đại học Leuven, một trường Đại học Công Giáo danh tiếng, với bề dài lịch sử 600 năm.

Trong bài phát biểu dài và sâu sắc gửi đến Đức Giáo Hoàng, Viện trưởng trường đại học, Luc Sels, đã suy ngẫm về bản sắc kép của Đại học Leuven, vừa bắt nguồn từ truyền thống Công Giáo vừa mở ra với thế giới hiện đại.

“Công việc học thuật của chúng tôi là cởi mở,” ông nói, “không có định kiến hay rào cản. Chính sự độc lập này tạo nên giá trị lớn nhất của chúng tôi đối với Giáo hội. Trường đại học của chúng tôi có thể là một đối tác quan trọng, một nơi để thảo luận cởi mở về các vấn đề đạo đức, xã hội và triết học, một trung tâm phản ánh quan trọng và công bằng, truyền cảm hứng nhưng cũng thách thức cộng đồng Công Giáo. Một trung tâm phản ánh dám thách thức xã hội trên cơ sở thế giới quan Kitô giáo.”

Sau đó, vào buổi tối, một trong những khoảnh khắc được mong đợi nhất của chuyến đi đã diễn ra: cuộc gặp riêng của Đức Giáo Hoàng với những người sống sót sau vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Cuộc họp kéo dài hơn hai giờ và là cơ hội, Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết, để các nạn nhân “chia sẻ những câu chuyện cá nhân và nỗi đau của họ với Đức Thánh Cha, cũng như bày tỏ kỳ vọng của họ đối với những nỗ lực liên tục của Giáo hội trong việc chống lại tệ nạn lạm dụng”.

Phát biểu với tờ báo tiếng Hà Lan De Morgen ngay sau cuộc họp, một trong những người sống sót cho biết Đức Giáo Hoàng “chia sẻ bằng trái tim”. Đó là một "trải nghiệm tuyệt vời", một cô nói.
 
Người đại diện của giám mục về tranh chấp đất đai bị bắt cóc, đánh đập ở Brazil
Đặng Tự Do
18:13 27/09/2024


Một viên chức của hội đồng giám mục Brazil chuyên giải quyết tranh chấp đất đai đã trốn thoát sau khi bị bắt cóc, đánh đập và được ghi danh vào chương trình bảo vệ của chính phủ dành cho những người ủng hộ nhân quyền.

Vụ việc xảy ra vào ngày 18 tháng 9 tại bang Pernambuco ở đông bắc Brazil, một khu vực có số lượng tranh chấp đất đai cao nhất tiểu bang, thường là cuộc chiến giữa những người nông dân thấp cổ bé họng hoặc các nhóm bản địa với những chủ trang trại giàu có và các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp lớn.

Edina Maria da Silva, một đại diện của Ủy ban Mục vụ Đất đai, gọi tắt là CPT của các giám mục cho biết cô đang trên xe buýt từ một trường cao đẳng ở thành phố Palmares đến nhà cô ở thành phố Tamandaré. Khi cô xuống xe, cô cho biết, một người đàn ông trùm đầu đã tiếp cận cô và hai hành khách khác, giơ súng ra và yêu cầu họ đưa điện thoại di động, và ba nạn nhân đã đưa cho ông ta.

Sau đó, người đàn ông bảo hai nạn nhân kia đi đi và đưa Edina đi cùng. Họ đi bộ vài dặm, trong thời gian đó da Silva nói rằng kẻ bắt cóc cô đã đánh cô liên tục. Cuối cùng họ đến một địa điểm không xác định, khi người đàn ông nói với da Silva rằng anh ta được thuê để giết cô.

Cô ấy đã chống trả và cuối cùng đã trốn thoát. Cô ấy đã đi bộ sáu dặm cho đến khi đến được một cộng đồng và yêu cầu giúp đỡ.

Geovani Leão, một thành viên của nhóm CPT, nói với Crux rằng da Silva bị nhiều vết thương và bị chấn thương. Cảnh sát đang điều tra vụ án và da Silva đã được đưa vào chương trình bảo vệ người ủng hộ nhân quyền của chính phủ liên bang.

“Đó là một vùng có nhiều trang trại mía lớn từng sản xuất lượng lớn đường và rượu trong quá khứ. Hầu hết trong số chúng đã phá sản hoặc đơn giản là đóng cửa cách đây vài thập niên, và các gia đình nông dân đã chiếm giữ chúng để canh tác trong ít nhất 50 năm,” Leão nói.

Một số chủ sở hữu các vùng lãnh thổ đã quyết định bán hoặc cho thuê chúng cho những người chăn nuôi gia súc, những người đã gây áp lực buộc các gia đình phải rời khỏi khu vực. Một số đã trở nên bạo lực và xung đột ngày càng phổ biến.

“Những người trồng trọt nhỏ liên tục bị quấy rối. Có danh sách những người bị đe dọa và thậm chí một số vụ giết người trong vài năm qua”, Leão cho biết.

Cho đến thời điểm này, các đặc vụ CPT chưa bao giờ bị đe dọa trực tiếp hoặc phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào ở Pernambuco.

Cha Agivaldo Lessa Leão, người phụ trách mục vụ xã hội của Giáo phận Palmares, cho biết rằng giáo hội đã đồng hành cùng nhiều cộng đồng như vậy trong những năm qua.

Lessa Leão nói với Crux rằng: “Ủy ban Mục vụ Đất đai và Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh của những nhóm này”.

Ông cho biết ông đã đến thăm một số cộng đồng ở thành phố Jaqueira gần đó, một phần của Giáo phận Palmares, cùng với giám mục địa phương.

“Chúng tôi đã lắng nghe những người trồng trọt nhỏ lẻ và họ cho chúng tôi biết họ cảm thấy sợ hãi và bất an như thế nào”, Lessa Leão mô tả.

Những người nông dân đó thường thấy mùa màng của họ bị phá hủy hoàn toàn bởi những kẻ giết người của chủ trang trại, vị linh mục cho biết. Nhiều người trong những nhóm đó là những người Công Giáo ngoan đạo, những người nỗ lực rất nhiều để duy trì đời sống tinh thần của họ và đồng thời đấu tranh cho quyền lợi của họ.

“Chỉ với niềm tin và hy vọng vào những ngày tươi sáng hơn, những người đó mới có thể tiếp tục. Nếu Chúa muốn, họ sẽ có đất đai của mình vào một thời điểm nào đó trong tương lai”.

Theo báo cáo thường niên của CPT về tranh chấp đất đai và bạo lực ở Brazil, bang Pernambuco có ít nhất 18.301 người không sở hữu đất đai của mình và tham gia vào các cuộc xung đột đất đai vào năm 2023. Ít nhất 1.894 gia đình tham gia vào các tranh chấp như vậy.

Gần 60 vụ tranh chấp đất đai đã xảy ra vào năm ngoái tại bang Pernambuco, nhiều vụ trong số đó xảy ra ở vùng đông nam, nơi sản xuất mía đường trước đây tập trung ở mức độ cao.

Nhiều gia đình nông dân cũng phải chịu ảnh hưởng do việc sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi, một số trong đó là bất hợp pháp ở Brazil, trên những vùng đất họ sinh sống.

Thành phố Jaqueira là một trong những thành phố có số lượng tranh chấp đất đai cao nhất ở Brazil, với 46 vụ vào năm 2023. Hai nông dân đã nhận được lời đe dọa giết chết tại đây vào năm ngoái.

Lessa Leão cho biết ông cầu xin Chúa mỗi ngày để công lý và một ngày tốt đẹp hơn trong những năm tới cho rất nhiều nông dân và người lao động không có đất đai ở Giáo phận Palmares.

Ông cho biết: “Chúng tôi cũng nỗ lực không ngừng nâng cao nhận thức của họ về các quyền hiến định của họ”.


Source:Crux
 
Các giám mục Ohio kêu gọi lòng trắc ẩn giữa các tin đồn vô căn cứ xung quanh người di cư Haiti
Đặng Tự Do
18:14 27/09/2024


Các giám mục Công Giáo Ohio đang kêu gọi các tín hữu và mọi người thiện chí đối xử với những người di cư Haiti ở Springfield bằng “sự tôn trọng và phẩm giá” khi thành phố nhỏ này tìm cách xóa tan những tin đồn trên internet về dân số của họ.

“Trong khi người dân Springfield, Ohio đang phải vật lộn với các mối đe dọa bạo lực và sự gián đoạn cuộc sống do các bài đăng không bị kiểm soát trên mạng xã hội gây ra, chúng tôi kêu gọi các tín hữu Công Giáo và mọi người thiện chí không nên gây ác cảm với bất kỳ ai liên quan dựa trên những lời đồn vô căn cứ”, một lá thư có chữ ký của các giám mục tại cả sáu giáo phận Công Giáo ở Ohio cho biết như trên.

“Thay vào đó, chúng tôi kêu gọi mọi người cầu nguyện và ủng hộ cho tất cả người dân Springfield khi họ hòa nhập với những người hàng xóm Haiti mới và cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”, bức thư do Hội đồng Công Giáo Ohio công bố cho biết thêm.

Các giám mục của các giáo phận Công Giáo Đông phương cũng đã ký vào thông điệp này.

Hơn một nửa dân số Haiti theo đạo Công Giáo và phần lớn đất nước này theo một giáo phái Kitô giáo.

Các lời đồn trên mạng xã hội cho biết: “Những người Haiti đang ăn thịt chó. Họ đang ăn thịt mèo. Họ đang ăn thịt thú cưng của những người sống ở đó. Và đây là những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta và thật đáng xấu hổ.”

Sở Cảnh sát Springfield đã ra tuyên bố với giới truyền thông rằng không có báo cáo đáng tin cậy nào về việc người nhập cư làm hại hoặc ngược đãi vật nuôi.

Trong thư, các giám mục lưu ý rằng những người di cư Haiti ở Springfield đã được cấp quy chế bảo vệ tạm thời để được ở lại hợp pháp trong nước. Bức thư nêu rõ rằng người Haiti và những người khác đang “cảm thấy điều kiện vô nhân đạo ở đất nước của họ” thúc bách họ đến Hoa Kỳ.

Các giám mục nói thêm rằng: “Giống như tất cả mọi người, những người Haiti này nên được tôn trọng và có phẩm giá như lẽ tự nhiên và được phép đóng góp vào lợi ích chung”.

Các giám mục cũng viết trong thư rằng dòng người di cư “đã gây căng thẳng cho nguồn lực của thành phố”. Tuy nhiên, chúng cũng nhấn mạnh rằng mọi người có thể “xem những người mới đến trước tiên là con cái của Chúa” đồng thời cũng “hiểu được nhu cầu thực thi các giới hạn hợp lý đối với tình trạng nhập cư hợp pháp”.

“Chúng tôi hoan nghênh tất cả các nhóm cộng đồng đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của Springfield, vì nhu cầu hội nhập những người mới đến vào cấu trúc xã hội”, các giám mục viết. “Nếu chúng ta trung thành với các nguyên tắc của mình, chúng ta có thể có một cuộc đối thoại về vấn đề nhập cư mà không đổ lỗi cho các nhóm người về các vấn đề xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát của họ”.

Các giám mục cảnh báo: “Ngày nay, đất nước chúng ta bị chia rẽ bởi sự chia rẽ đảng phái và ý thức hệ, khiến chúng ta không thấy được hình ảnh của Chúa nơi người lân cận, đặc biệt là những đứa trẻ chưa chào đời, người nghèo và ngoại kiều.” Các ngài nói thêm rằng “những tình cảm tiêu cực này chỉ trở nên trầm trọng hơn bởi tin đồn, có thể lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội mà không quan tâm đến sự thật hoặc những người liên quan.”

“Ngay từ đầu, loài người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, điều này phân biệt chúng ta với mọi tạo vật khác,” các giám mục nói tiếp.

“Sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô trong lịch sử nhân loại khẳng định phẩm giá mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, không có ngoại lệ nào. Chính niềm tin của chúng ta vào phẩm giá của sự sống con người hướng dẫn lương tâm và lời lẽ của chúng ta khi tham gia vào chính trị hoặc trò chuyện cá nhân. Do đó, mỗi người chúng ta phải hướng về Chúa và cầu xin đôi mắt để nhìn thấy phẩm giá vô hạn của mỗi con người”.


Source:Catholic News Agency
 
Cuộc họp đại kết ở Ấn Độ bày tỏ lo lắng về các hoạt động chống Kitô giáo
Đặng Tự Do
18:16 27/09/2024


Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Ấn Độ đã tham gia Hội nghị Hiệp thông Giám mục Đại kết Quốc gia, nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ giữa tất cả Kitô hữu ở một đất nước mà họ chỉ chiếm chưa đến 3 phần trăm dân số.

Có khoảng 26 triệu người theo Kitô giáo ở quốc gia có đa số dân theo đạo Hindu với hơn một tỷ người, và khoảng 20 triệu người theo Kitô giáo là người Công Giáo.

Tuy nhiên, đây là một tôn giáo cổ xưa ở Nam Á, nơi Giáo hội được Thánh Thomas Tông đồ thành lập lần đầu tiên ở vùng Malabar vào năm 52 sau Chúa Giáng Sinh.

Cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Kitô giáo được tổ chức tại Viện Khoa học Sức khỏe Quốc gia St. John ở Bengaluru vào ngày 13 tháng 9.

Cha Anthoniraj Thumma – thư ký quốc gia của văn phòng đối thoại và đại kết thuộc Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ – cũng là điều phối viên của Hội nghị Hiệp thông Giám mục Đại kết Quốc gia.

“Cuộc họp có đông đảo người tham dự. Tất cả các giáo phái đều hoan nghênh việc thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo và các cuộc họp giao lưu đại kết”, ngài nói với Crux.

“Có sự tham gia tích cực và chia sẻ cởi mở về những mối quan tâm và quan điểm. Yêu cầu được đưa ra là tổ chức các cuộc họp giao lưu thường xuyên hơn. Mọi người đều vui mừng vì được đoàn tụ với nhau như những người anh chị em trong Chúa,” vị linh mục nói thêm.

Ngài cho biết cuộc họp nhằm mục đích củng cố phong trào đại kết đang diễn ra ở Ấn Độ để lời nguyện từ biệt của Chúa “Nguyện tất cả nên một” có thể sớm thành hiện thực.

Cha Thumma cho biết: “Chúng tôi đã khởi xướng một cuộc đối thoại đại kết về các vấn đề cấp bách của quốc gia và các vấn đề liên quan đến Cộng đồng Kitô giáo tại Ấn Độ trong bối cảnh hiện tại”.

Chính quyền quốc gia ở Ấn Độ được điều hành bởi Đảng Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, có mối liên hệ chặt chẽ với Rashtriya Swayamsevak Sangh, gọi tắt là RSS, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa Hindu hiếu chiến.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu thường cáo buộc các Kitô hữu sử dụng vũ lực và các chiến thuật lén lút để theo đuổi việc cải đạo, thường xuyên xông vào các thị trấn và tổ chức các buổi lễ “cải đạo” trong đó các Kitô hữu bị ép buộc thực hiện các nghi lễ của đạo Hindu.

Những áp lực này đối với các Kitô hữu, cũng ảnh hưởng đến người Hồi giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, là một phần trong những gì mà các nhà quan sát mô tả là một chương trình rộng lớn nhằm “saffron hóa” Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, nghĩa là một nỗ lực áp đặt các giá trị và bản sắc của đạo Hindu trong khi loại bỏ các tín ngưỡng đối địch.

Cha Thumma cho biết trong cuộc họp của các giám mục đại kết, những người tham dự đã bày tỏ “sự lo lắng nghiêm trọng của chúng tôi trước tình trạng gia tăng các hành động tàn bạo đối với các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác, và mạnh mẽ yêu cầu bảo vệ Quyền của nhóm thiểu số và an ninh cho các cộng đồng thiểu số”.

“Tương tự như vậy, chúng tôi kiên quyết nhắc lại yêu cầu lâu nay của mình về việc thực hiện mà không chậm trễ thêm nữa quyền bình đẳng và quyền hiến định của người Dalit theo Kitô giáo”, ngài nói.

Vị linh mục cho biết cuộc họp cũng đã thông qua các nghị quyết khác, bao gồm việc cùng nhau gặp gỡ thường xuyên hơn để thúc đẩy tình đoàn kết và tình anh em giữa các nhà lãnh đạo Giáo hội, và “củng cố các liên đoàn đại kết của các Giáo hội bao gồm các Giám mục và Nhà lãnh đạo Giáo hội, và các diễn đàn Kitô giáo thống nhất ở cấp Nhà nước.”

“Chúng tôi muốn khẳng định chắc chắn về sự đóng góp to lớn của các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo vào công cuộc xây dựng đất nước và xóa tan sự hiểu lầm và niềm tin sai lầm rằng Kitô giáo là một tôn giáo ngoại lai vì nó đã hiện diện ở Ấn Độ trong khoảng 2000 năm”, vị linh mục cho biết.

“Về các kế hoạch trong tương lai, chúng tôi muốn tiếp tục các cuộc họp của Hội đồng Giám mục Đại kết Quốc gia. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức một Đại hội Đại kết Quốc gia vào năm sau vào tháng 9 để đánh dấu Năm Thánh 2025 và kỷ niệm 1700 năm của Công đồng/Kinh Tin Kính Nixê”, Cha Thumma nói với Crux.


Source:Crux
 
Đức Giáo Hoàng tại Bỉ kêu gọi hòa bình, lên án tình trạng lạm dụng, cưỡng ép nhận con nuôi
Vũ Văn An
23:03 27/09/2024

Elise Ann Allen, ngày 27 tháng 9 năm 2024, tường trình từ Brussels, Bỉ, sau khi đến Bỉ trong mưa vào đêm thứ năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vào ngày hôm sau, đã yêu cầu chính quyền dân sự ưu tiên việc lập lại hòa bình và bày tỏ sự hối tiếc về những vụ tai tiếng gần đây trong Giáo hội Bỉ, bao gồm các cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục và việc cưỡng ép nhận con nuôi.



Phát biểu trước các nhà chức trách dân sự quốc gia vào ngày 27 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến sự đóng góp của Giáo hội cho xã hội thông qua các hoạt động bác ái, nhưng thừa nhận rằng Giáo hội cũng phải tính đến "sự mong manh và thiếu sót của các thành viên, những người không bao giờ hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao phó vì nhiệm vụ luôn vượt quá khả năng của họ".

Mặc dù thường là một thế lực vì điều tốt, nhưng Giáo hội, ngài nói, "sống trong một nền văn hóa cụ thể, trong tư duy của một thời đại nhất định mà đôi khi Giáo hội giúp định hình và đôi khi Giáo hội phải tuân theo; và các thành viên của Giáo hội không phải lúc nào cũng hiểu và sống thông điệp của Tin Mừng trong sự tinh khiết và trọn vẹn của nó".

Để đạt được mục đích này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến các vụ tai tiếng lạm dụng của giáo sĩ đã làm hoen ố Giáo hội ở Bỉ; ngài nói rằng lạm dụng là "một tai họa mà Giáo hội đang giải quyết một cách kiên quyết và dứt khoát bằng cách lắng nghe và đồng hành với những người bị tổn thương, và bằng cách thực hiện một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới".

Trong một nhận xét ngẫu hứng, ngài đã gọi các vụ tai tiếng lạm dụng là nguồn gốc của "sự xấu hổ" đối với Giáo hội.
“Chúng ta nghĩ đến thời của các Thánh Anh Hài, và chúng ta nghĩ, thật là một thảm kịch, những gì nhà vua đã làm! Nhưng ngày nay, trong cùng một Giáo hội, lại xảy ra tội ác này, và Giáo hội phải xấu hổ và cố gắng giải quyết tình hình bằng sự khiêm nhường Ki-tô giáo và nỗ lực hết sức để điều này không xảy ra nữa”, ngài nói.

Lưu ý việc các nghiên cứu cho thấy hầu hết các vụ lạm dụng xảy ra trong môi trường gia đình hoặc thể thao hoặc giáo dục, ngài nói trong Giáo hội, “Nếu chỉ có một trường hợp, thì đủ để xấu hổ… đây là nỗi xấu hổ và sự sỉ nhục của chúng ta”.

Ngài cũng cho biết ngài “buồn” khi biết về những vụ tai tiếng liên quan đến việc nhận con nuôi cưỡng bức ở Bỉ từ những năm 1950-1970 và 80.

“Trong những câu chuyện đau lòng đó, chúng ta thấy trái đắng của hành vi sai trái và tội phạm đã hòa lẫn vào quan điểm không may vốn phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội vào thời điểm đó. Trường hợp này xảy ra nhiều đến mức nhiều người tin vào lương tâm rằng họ đang làm điều gì đó tốt cho cả đứa trẻ lẫn người mẹ”, ngài nói.

Ngài cho biết, cả Giáo hội lẫn các tác nhân xã hội khác đều tin rằng để vượt qua định kiến gắn liền với việc là một bà mẹ đơn thân vào thời điểm đó, người ta cho rằng "vì lợi ích của cả đứa trẻ lẫn người mẹ, đứa trẻ sẽ được cho làm con nuôi".

"Thậm chí có những trường hợp một số phụ nữ không được lựa chọn giữa việc giữ con hoặc cho con làm con nuôi", ngài cho biết, điều này vẫn xảy ra ở một số nền văn hóa ngày nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện để Chúa giúp Giáo hội trong mọi thời đại tìm thấy sức mạnh để "không bao giờ tuân theo nền văn hóa chiếm ưu thế, ngay cả khi nền văn hóa đó sử dụng, theo cách thao túng, các giá trị bắt nguồn từ Tin Mừng, rút ra từ đó những kết luận không chân thực gây ra đau khổ và sự loại trừ".

Trong những năm gần đây, Giáo Hội Công Giáo tại Bỉ đã phải lặn lội qua không những các thách thức phải sống ở một trong những quốc gia thế tục nhất ở châu Âu, mà còn phải đối diện với hậu quả của vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của giáo sĩ và các vụ bê bối ép buộc nhận con nuôi.

Bỉ đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ tai tiếng lạm dụng, bao gồm cả vụ việc nổi bật của Giám mục Roger Vangheluwe, người đã bị Vatican cho hoàn tục vào tháng 3. Sau khi các cáo buộc đầu tiên xuất hiện vào năm 2010, Vangheluwe sau đó đã thừa nhận một số hành vi lạm dụng tình dục, bao gồm một số hành vi đối với chính cháu trai của mình.

Các bản ghi âm cũng xuất hiện về cựu Tổng giám mục Brussels, Hồng Y Godfried Danneels, dường như đã ngăn cản một trong những người cháu trai của Vangheluwe công khai cáo buộc của anh, với các vụ rò rỉ đã gây ra ấn tượng của công chúng về một sự che đậy có hệ thống.

Năm ngoái, Bỉ nói tiếng Hòa Lan đã bị rung chuyển bởi việc phát sóng một bộ phim tài liệu truyền hình có tựa đề Godvergeten hay "Godforsaken" [Thiên Chúa bị bác bỏ], ghi lại nhiều trường hợp lạm dụng của các linh mục Công Giáo đã thu hút sự quan tâm lớn.
Chương trình phát sóng đó đã dẫn đến một cuộc điều tra quốc hội mới ở Flanders, và vào tháng 5 đã có phản ứng dữ dội trên diện rộng ở Brussels sau khi ba linh mục bị cáo buộc lạm dụng được đưa vào danh sách ứng cử viên cho hội đồng linh mục của tổng giáo phận. Tổng giám mục Luc Terlinden đã xin lỗi, gọi đó là một "sai lầm nghiêm trọng".

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ gặp 15 nạn nhân bị lạm dụng trong khi ở Bỉ, nhưng thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố. Việc áp dụng biện pháp nhận con nuôi cưỡng bức ở Bỉ cũng đã gây thêm áp lực cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm gần đây.

Trong những năm 1950 đến 1980, các tổ chức do các nữ tu điều hành đã tiếp nhận các trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ chưa lập gia đình và cho con của họ làm con nuôi.
Người ta ước tính có khoảng 30,000 trẻ em đã bị tách khỏi mẹ và bán cho các gia đình nhận con nuôi mà không có sự hiểu biết hoặc đồng ý của mẹ chúng, một số bà mẹ bị từ chối quyền được nhìn thấy con mình, trong khi những người khác được thông báo rằng con của họ đã chết khi mới sinh.

Các giám mục Bỉ đã xin lỗi vào năm 2023 và yêu cầu một cuộc điều tra độc lập sau khi có những lời khai mới từ những người phụ nữ và cá nhân tuyên bố đã bị Giáo Hội Công Giáo bán cho gia đình nhận con nuôi của họ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu trước các nhà chức trách quốc gia Bỉ vào thứ Sáu sau khi có cuộc gặp riêng vào sáng hôm đó với Vua Philippe và Thủ tướng Alexander De Croo.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng đã ca ngợi vai trò mà Bỉ đã đóng trong tiến trình hòa bình sau Thế chiến thứ hai và vai trò mà nước này đã đảm nhận như một "cầu nối" giữa các quốc gia và dân tộc.

"Châu Âu cần Bỉ nhắc nhở rằng lịch sử của mình bao gồm các dân tộc và nền văn hóa, nhà thờ chính tòa và trường đại học, những thành tựu của sự khôn khéo của con người, nhưng cũng có nhiều cuộc chiến tranh và ý chí thống trị đôi khi dẫn đến chủ nghĩa thực dân và bóc lột", ngài nói.

Châu Âu cần Bỉ để theo đuổi con đường hòa bình và tình anh em, ngài nói.
Để đạt được mục đích này, Đức Phanxicô cho biết Bỉ đóng vai trò là "lời nhắc nhở cho tất cả những quốc gia khác rằng khi các quốc gia coi thường biên giới hoặc vi phạm các hiệp ước bằng cách sử dụng những lý do đa dạng và không thể biện minh được, và khi họ sử dụng vũ khí để thay thế luật pháp thực tế bằng nguyên tắc 'kẻ mạnh là đúng', thì họ sẽ mở hộp Pandora, giải phóng những cơn bão dữ dội đập vào ngôi nhà, đe dọa phá hủy nó".

Trong một nhận xét ngẫu hứng, Đức Giáo Hoàng cho biết, "Hiện tại, Bỉ có vai trò rất quan trọng. Chúng ta gần như đang ở bên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới".
Ngài cho biết, hòa bình và hòa hợp "không bao giờ có thể giành được một lần và mãi mãi", nhưng cần phải nỗ lực liên tục để duy trì bằng sự cẩn trọng và kiên nhẫn.

"Khi con người quên đi ký ức về quá khứ và những bài học quý giá của nó, họ sẽ có nguy cơ nguy hiểm là một lần nữa lại tụt hậu, ngay cả sau khi đã tiến lên, quên đi nỗi đau khổ và cái giá khủng khiếp mà các thế hệ trước phải trả", ngài nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết Bỉ có thể đóng vai trò là ký ức sống động cho châu Âu và cũng có thể cung cấp sự phát triển xã hội và chính trị liên tục, kịp thời, “vừa can đảm vừa thận trọng” và cũng “loại trừ khỏi tương lai ý tưởng và hoạt động chiến tranh như một lựa chọn có giá trị với tất cả những hậu quả thảm khốc của nó”.
Ngài thúc giục Bỉ làm gương cho châu Âu bằng cách khôi phục “bản sắc thực sự” của mình và một lần nữa đầu tư vào tương lai “bằng cách mở lòng đón nhận sự sống và hy vọng bằng cách vượt qua mùa đông nhân khẩu học và những đau khổ của chiến tranh!”

“Chúng ta phải thực tế về điều này, hãy sinh con, sinh con!” ngài nói, sau khi đưa ra lời kêu gọi tương tự cho người dân Luxembourg vào thứ năm.

Đức Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách bày tỏ hy vọng rằng những người giữ chức vụ công sẽ “biết cách gánh vác trách nhiệm, rủi ro và danh dự của hòa bình, biết cách tránh nguy hiểm, sự ô nhục và sự phi lý của chiến tranh”.

Ngài cũng cầu nguyện để những người có thẩm quyền sợ “sự phán xét của lương tâm, của lịch sử và của Thiên Chúa, để trái tim và khối óc của họ được hoán cải để luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu”.

Ngài cũng nhắc lại sự lên án của ngài đối với hoạt động buôn bán vũ khí hoàn cầu, nói rằng, “vào thời điểm nền kinh tế đã phát triển rất nhiều, tôi muốn nhấn mạnh rằng ở một số quốc gia, khoản đầu tư mang lại lợi nhuận nhiều nhất là đầu tư vào vũ khí”.
 
VietCatholic TV
TV Nga kêu gọi Putin từ chức. New York: Hội đàm Trump – Zelensky. Kyiv khai hỏa Skynex mới của NATO
VietCatholic Media
03:00 27/09/2024


1. Hoa Kỳ nêu quan ngại về cáo buộc Nga sản xuất máy bay điều khiển từ xa tại Trung Quốc

Theo phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về báo cáo cho rằng Nga đã thành lập một dự án sản xuất máy bay điều khiển từ xa bí mật tại Trung Quốc.

Một báo cáo của Reuters cho biết một công ty Trung Quốc đang cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương cho một công ty Nga bị Hoa Kỳ trừng phạt, là IEMZ Kupol, công ty đang phát triển máy bay điều khiển từ xa để sử dụng ở Ukraine.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia tuyên bố rằng dù chưa có các bằng chứ cụ thể cho thấy chính phủ Trung Quốc biết về các giao dịch này, nhưng Trung Quốc phải có trách nhiệm bảo đảm các công ty của mình không tham gia cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Nga.

Tướng Kirby nói thêm rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các hoạt động như vậy “rõ ràng là không đạt hiệu quả” và Hoa Kỳ có thể có hành động chống lại các công ty Trung Quốc có liên quan.

Một phát ngôn viên của NATO cũng đã bình luận về vấn đề này qua email, nêu rõ: “Những báo cáo này thực sự đáng lo ngại và các đồng minh đang tham vấn về vấn đề này”.

Báo cáo cũng lưu ý rằng những máy bay điều khiển từ xa này đã được chuyển giao cho Nga, mặc dù Trung Quốc phủ nhận thông tin về dự án này và duy trì kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu máy bay điều khiển từ xa.

Trung Quốc tự định vị mình là nước trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng đồng thời cũng tăng cường quan hệ kinh tế với Mạc Tư Khoa và ủng hộ nước này chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bắc Kinh cũng nổi lên như một trong những nguồn cung cấp hàng đầu các loại hàng hóa có mục đích sử dụng kép cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

2. HẾT THỜI GIAN. Nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin chỉ trích bạo chúa và ám chỉ về việc KẾT THÚC chế độ chuyên chế khi Nga run sợ trước “kế hoạch chiến thắng” của Ukraine

Vladimir Solovyov, nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin dường như đã quay lưng lại với tên bạo chúa và ám chỉ đến việc chấm dứt 25 năm cai trị “thảm khốc” của hắn ở Nga.

Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Nga Vladimir Solovyov đã phát sóng trực tiếp khi ông lập luận rằng “cần phải từ chức” khi nhắc đến vụ tấn công xuyên biên giới vào Kursk đáng xấu hổ khiến Putin đỏ mặt.

Nga đã phải chịu đòn tấn công dữ dội ở biên giới phía tây nước này gần Kursk, nơi quân đội Kyiv đã chiếm được đất của Nga lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.

Nói về hậu quả khủng khiếp của cuộc tấn công của Ukraine, Solovyov ám chỉ đến sự thay đổi chế độ bên trong nước Nga, nói rằng việc trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho cuộc xâm lược là “chưa đủ”.

Ông nói thêm: “Cần phải bổ nhiệm những người hiểu cách thực hiện hiệu quả, nhanh chóng và rõ ràng.

“Kể cả nếu điều này đòi hỏi Tổng tư lệnh tối cao phải từ chức.”

Vladimir Putin là tổng tư lệnh của quân đội Nga.

Trong khi không rõ Solovyov có ý ám chỉ đến đơn từ chức của Putin hay các quan chức quân sự khác, nhóm khách mời của ông trên sân khấu - bao gồm cả thành viên Duma Quốc gia Andrey Gurulyov - tỏ ra không thoải mái.

Một hãng thông tấn Nga đã cố gắng bác bỏ bình luận này, tuyên bố rằng đó là sự hiểu lầm bắt nguồn từ việc các vị khách nghe Solovyov nói “Otstavka”, có nghĩa là từ chức trong tiếng Nga.

Bài báo cho biết chủ nhà có khả năng muốn nhắc đến Stavka - một tiền đồn quân sự được sử dụng trong Thế chiến thứ hai - và kêu gọi thành lập “trụ sở của Tổng tư lệnh tối cao”.

Tuy nhiên, hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, Andrey Gurulyov tuyên bố rằng ông ấy không nghe nhầm. Vladimir Solovyov đưa ra yêu sách “Otstavka” đến 3 lần trong chương trình.

Putin đã lãnh đạo nước Nga kể từ năm 1999 - và hiện là nhà lãnh đạo Nga tại vị lâu nhất kể từ Josef Stalin, người lãnh đạo Liên Xô từ năm 1924 đến năm 1953.

Sự nghiệp chính trị của Putin phản ánh những đặc điểm của một bạo chúa mắc chứng hoang tưởng tự cao tự đại: quyền kiểm soát toàn diện đối với nước Nga, đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến, bách hại - ngay cả với chính công dân của mình - và tham vọng quyền lực.

Sau tám năm đầu tiên làm tổng thống Nga, Putin đã trở thành thủ tướng - chỉ để tránh vi phạm giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp tại Điện Cẩm Linh.

Sau đó, ông ta đã trở lại làm tổng thống vào năm 2012 sau cuộc bầu cử bị cáo buộc gian lận và đã sửa đổi hiến pháp để giữ chức vụ này kể từ đó.

Dưới thời ông, thông qua tuyên truyền, ông đã tạo ra hình ảnh sai lệch về nước Nga như một siêu cường thế giới trước chính người dân của mình.

Ông ta đã sử dụng quyền lực tuyệt đối, được cho là đã giết chết một danh sách dài những người chỉ trích và đã phát động một cuộc chiến chống lại ý tưởng dân chủ của phương Tây.

Các chuyên gia lo ngại rằng Putin, người sẽ bước sang tuổi 77 khi nhiệm kỳ tổng thống hiện tại kết thúc, sẽ bám chặt lấy quyền lực và tìm cách cai trị nước Nga lâu nhất có thể.

Năm ngoái, tên bạo chúa này đã thay đổi luật pháp ở Nga để cho phép hắn tiếp tục làm tổng thống cho đến năm 2036 trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm bám víu quyền lực lâu nhất có thể.

Và lý do tại sao ông không dễ dàng từ bỏ ngai vàng của mình nằm ở lịch sử nước Nga Xô Viết.

Keir Giles, một chuyên gia về Nga tại Chatham House, nói với The Sun: “Tôi không nghĩ có lý do gì để cho rằng ông ấy sẽ cân nhắc đến việc mình đã quá già không thể nắm giữ quyền lực và phải từ bỏ nó vì đó là truyền thống.

“Trong suốt lịch sử nước Nga, những quyết định như vậy đều mang tính chết người, và ngoại lệ của quy tắc này chỉ xuất hiện trong những trường hợp rất cụ thể, chẳng hạn như khi Yeltsin bàn giao quyền lực cho Putin với sự bảo đảm rằng ông sẽ không bị truy tố vì bất cứ điều gì sau đó.”

Trong một diễn biến có liên quan, các nhân vật đối lập Nga đã nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Ngoại trưởng Anh David Lammy tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi ông gọi nhà độc tài Vladimir Putin là tên trùm mafia nguy hiểm cho thế giới.

Ông nói: “Nga có mặt trong Hội đồng này. Nhưng hành động của nước này lại phá vỡ Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Nga có mặt trong Hội đồng này. Nhưng vào cuối tuần, chúng ta thấy họ đưa ra các sửa đổi nhằm phá hoại tương lai của Liên Hiệp Quốc.

Nga tuyên bố ủng hộ Nam Bán cầu. Nhưng họ lại vi phạm luật pháp quốc tế.

Vladimir Putin, khi ông bắn hỏa tiễn vào bệnh viện Ukraine. Chúng tôi biết ông là ai.

Khi ông gửi lính đánh thuê vào các nước Phi Châu. Chúng tôi biết ông là ai.

Khi ông giết các đối thủ ở các thành phố Âu Châu. Chúng tôi biết ông là ai.

Cuộc xâm lược của các người là vì lợi ích của riêng các người. Chỉ của riêng các người. Để mở rộng nhà nước mafia của các người thành một đế chế mafia. Một đế chế được xây dựng trên sự tham nhũng.

Cướp bóc từ người dân Nga cũng như Ukraine. Một đế chế được xây dựng trên sự giết hại những ai bất đồng chính kiến. Những đối thủ dũng cảm như Navalny.

Một đế chế được xây dựng trên sự dối trá. Phát tán thông tin sai lệch trong và ngoài nước để gieo rắc hỗn loạn.

Thưa ngài Tổng thống, tôi phát biểu không chỉ với tư cách là một người Anh, một người Luân Đôn và một Bộ trưởng Ngoại giao.

Nhưng tôi nói với đại diện người Nga, qua điện thoại cũng như khi tôi đang nói chuyện ở đây, rằng tôi đứng đây cũng trong tư cách một người da đen có tổ tiên bị xiềng xích từ Phi Châu, bị họng súng bắt làm nô lệ, có tổ tiên đã vùng lên và chiến đấu trong một cuộc nổi loạn vĩ đại của những người nô lệ.

Chủ nghĩa đế quốc. Tôi nhận ra ngay khi tôi thoạt nhìn thấy nó. Và tôi sẽ gọi đích danh nó như vậy.

Tuần này, khi tôi ở đây để nói chuyện với các đối tác khác trên toàn thế giới về tương lai chung của chúng ta và tương lai của Liên Hiệp Quốc, Nga đang cố gắng đưa chúng ta trở lại thế giới của quá khứ.

Một thế giới của chủ nghĩa đế quốc. Một thế giới của việc vẽ lại biên giới bằng vũ lực. Một thế giới không có Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Chúng ta không thể để điều này xảy ra. Cuộc chiến của Ukraine có ý nghĩa với tất cả chúng ta. Vương quốc Anh sẽ vẫn là nước ủng hộ trung thành nhất của Ukraine.

Bởi vì thưa Tổng thống Zelenskiy, đây là vấn đề then chốt.

Nếu chúng ta để cho chủ nghĩa đế quốc vẽ lại biên giới bằng vũ lực thì đó sẽ không phải là những biên giới cuối cùng được vẽ lại.

Nếu chúng ta để một tên đế quốc phủ nhận con đường của một quốc gia, Ukraine sẽ không phải là quốc gia cuối cùng bị nó khuất phục.”

[The Sun: TIME’S UP Putin’s top propagandist turns on tyrant & hints at ENDING despot’s reign as Russia quivers over Ukraine ‘victory plan’]

3. Cựu Tổng thống Trump cho biết ông sẽ gặp Zelenskiy tại Trump Tower ở New York vào ngày 27 tháng 9

Hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết ông sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tại Trump Tower ở Thành phố New York vào Thứ Sáu, 27 Tháng Chín.

Ngày hôm trước, AP đưa tin, trích dẫn nguồn tin từ chiến dịch tranh cử của Trump, rằng không có cuộc gặp nào được lên kế hoạch giữa hai người.

Tổng thống Zelenskiy đã ở Hoa Kỳ kể từ ngày 22 tháng 9, nơi ông đã tổ chức một loạt các cuộc họp cao cấp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, cũng như chuyến thăm Nhà máy đạn dược quân đội Scranton ở Pennsylvania và có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Trước đó vào ngày 26 tháng 9, cựu Tổng thống Trump đã chia sẻ ảnh chụp màn hình một tin nhắn được cho là của Tổng thống Zelenskiy trên Truth Social.

Tin nhắn này được cho là có nội dung yêu cầu cá nhân từ Tổng thống Zelenskiy muốn gặp cựu Tổng thống Trump.

“Vài ngày trước, chúng tôi đã yêu cầu gặp ngài, và tôi thực sự muốn nghe trực tiếp suy nghĩ của ngài, và tận mắt chứng kiến. Ngài biết đấy, tôi luôn nói chuyện với sự tôn trọng lớn lao về mọi thứ liên quan đến ngài, và đó là cách nó nên như vậy,” tin nhắn viết.

“Tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta phải có sự tiếp xúc cá nhân và hiểu nhau 100%.”

cựu Tổng thống Trump đã thông báo về cuộc họp ngay sau khi chia sẻ bài đăng.

Trong các bình luận với báo chí, cựu Tổng thống Trump từ chối trả lời liệu ông có nghĩ rằng Ukraine nên nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình hay không.

Thượng nghị sĩ JD Vance, người bạn đồng hành của ông, đã nói vào đầu tháng 9 rằng kế hoạch của cựu Tổng thống Trump nhằm chấm dứt chiến tranh với Nga có thể bao gồm việc thành lập một khu phi quân sự đặc biệt giữa Ukraine và Nga. Ukraine sẽ giữ được chủ quyền của mình, nhưng đồng thời, họ sẽ phải bảo đảm với Nga rằng họ sẽ không tham gia NATO hoặc bất kỳ tổ chức đồng minh nào khác, Vance nói thêm.

Ông Trump thường xuyên nhắc lại rằng nếu đắc cử, ông sẽ chấm dứt toàn bộ cuộc chiến trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, khi được các phóng viên hỏi trong thông báo về cuộc gặp với Zelenskiy rằng ông hình dung thế nào về kết thúc của cuộc chiến, ông nói, “Tôi chưa muốn nói cho các bạn biết điều đó trông như thế nào”.

[Kyiv Independent: Trump says he will meet with Zelensky at Trump Tower in New York on Sept. 27]

4. Hơn 30 quốc gia, Liên Hiệp Âu Châu thông qua tuyên bố ủng hộ sự phục hồi của Ukraine

Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết hơn 30 quốc gia và Liên minh Âu Châu đã thông qua Tuyên bố chung hỗ trợ phục hồi và tái thiết Ukraine trong cuộc họp tại New York vào ngày Thứ Năm, 26 Tháng Chín.

Được ủng hộ trong cuộc họp nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, tài liệu này chứa một số điểm bao gồm hỗ trợ tái thiết Ukraine trên con đường gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và cung cấp khoảng 50 tỷ đô la vào cuối năm 2024 là tiền lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.

“Tôi quyết tâm bảo đảm rằng Ukraine có những gì cần thiết để chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn. Ngày mai, tôi sẽ công bố một loạt các hành động để đẩy nhanh việc hỗ trợ cho quân đội Ukraine”, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết.

Hoa Kỳ đã phê duyệt một gói viện trợ quân sự mới cho Kyiv trị giá 375 triệu đô la vào ngày 25 tháng 9. Washington cũng được cho là đang lên kế hoạch cho một gói viện trợ quân sự trị giá hơn 8 tỷ đô la, được công bố khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đến thăm Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín.

Theo Văn phòng Tổng thống, các nước cho biết bằng cách cùng nhau hỗ trợ công cuộc tái thiết Ukraine, họ sẽ bảo đảm rằng Nga không thể đạt được mục tiêu của mình, cũng như góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế Ukraine sau chiến tranh.

Zelenskiy cho biết nỗ lực này sẽ được điều phối thông qua Nền tảng tài trợ của Ukraine.

“Hoàn toàn hợp lý khi những người giúp chúng tôi chống chọi lúc này sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi cùng với Ukraine từ quá trình tái thiết quy mô lớn”, ông nói thêm.

Chi phí vật chất cho cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine tiếp tục tăng lên khi lực lượng của Mạc Tư Khoa thường xuyên tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của nước này bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa.

Ngân hàng Thế giới cho biết vào tháng 2 rằng chi phí ước tính cho quá trình phục hồi sau chiến tranh của Ukraine đã tăng lên 486 tỷ đô la trong khoảng thời gian 10 năm. Kyiv đã tìm kiếm các nguồn thu nhập mới, cả trong và ngoài nước, để trang trải các nhu cầu này.

[Kyiv Independent: Over 30 nations, EU adopt declaration in support of Ukraine's recovery]

5. Pháp buộc tội cô dâu ISIS về các tội ác bao gồm diệt chủng

Hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, văn phòng công tố chống khủng bố của Pháp đã mở vụ án diệt chủng đầu tiên đối với một công dân Pháp, là một chiến binh thánh chiến bị cáo buộc đã bắt làm nô lệ và tra tấn một thiếu nữ Yazidi.

Sonia Mejri, 35 tuổi, bị tình nghi đã “gây ra đau khổ về tinh thần nghiêm trọng”, “thiếu thức ăn và nước uống” và bạo lực thể xác đối với một phụ nữ Yazidi bị bắt cóc khi mới 16 tuổi và bị chồng của Mejri - một thủ lĩnh của ISIS - cưỡng hiếp ở Syria.

Các công tố viên chống khủng bố của Pháp nói với POLITICO rằng Mejri bị buộc tội diệt chủng đối với nhóm tôn giáo Yazidi và: “Tội ác chống lại loài người, bao gồm bắt giữ người khác làm nô lệ, giam cầm và thực hiện nhiều hình thức tước đoạt tự do thể chất nghiêm trọng, tra tấn, đàn áp nhóm Yazidi vì lý do tôn giáo và giới tính và các hành vi vô nhân đạo khác.”

Le Monde đưa tin rằng Mejri điều hành một quán ăn nhẹ ở Pháp trước khi rời khỏi đất nước vào năm 2014 để chuyển đến một phần của Syria trong lãnh thổ của nhà nước Hồi giáo. Tại đây, cô kết hôn với Abdelnasser Benyoucef, một người đàn ông Pháp-Algeria được coi là thành viên chủ chốt của nhóm hoạt động cho nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Benyoucef, người được cho là đã tử trận trong chiến đấu năm 2016, đã bị kết án vắng mặt tại Pháp vì đã ra lệnh tấn công bất thành vào nhà thờ Villejuif, ngoại ô Paris, năm 2015. Le Monde đưa tin ông ta cũng bị buộc tội diệt chủng vào hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín.

Theo một thẩm phán, người phụ nữ Yazidi bị khủng bố ISIS bắt giữ, hiện nay 25 tuổi, đã bị “bắt cóc, làm nhục và cưỡng hiếp bởi một số chiến binh thánh chiến trong sáu năm”, bao gồm cả Benyoucef, kẻ sau đó đã bán cô cho một “kẻ tra tấn” khác và là một lãnh đạo cao cấp của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

[Politico: France charges ISIS bride with crimes including genocide]

6. Trung Quốc có kế hoạch tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình Ukraine tại Liên Hiệp Quốc như thế nào. Một kế hoạch tai hại cho Ukraine và các nước nhược tiểu.

Theo một tài liệu của chính phủ Ukraine, Trung Quốc muốn hoạt động ngầm tại Liên Hiệp Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cho một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine theo những điều khoản có lợi cho Nga.

Theo tài liệu mà POLITICO có được, chính phủ Trung Quốc đã tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần này với kế hoạch tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia ở Mỹ Latinh, Á Châu và Phi Châu để đóng băng các tuyến chiến đấu trong cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến II.

Hoa Kỳ phản đối thỏa thuận này và các quan chức Ukraine rất lo ngại về nó - đến mức họ đã lưu hành tài liệu này cho các nhà ngoại giao tập trung tại New York để tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Theo tài liệu, trong đề xuất của mình, Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục các nhà ngoại giao ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình tập trung vào việc “xem xét đến lợi ích an ninh của mỗi quốc gia” với mục tiêu “ngăn chặn Nga thua cuộc” trong chiến tranh.

Tài liệu này, do chính phủ Ukraine soạn thảo trước các cuộc họp cao cấp của Liên Hiệp Quốc vào tuần này, không nói rõ Kyiv biết về chiến lược của Trung Quốc như thế nào. Tuần này, Ukraine cũng đang thúc đẩy trên nhiều mặt trận để ngăn cản các đồng minh chấp nhận kế hoạch do Trung Quốc hậu thuẫn. Phái bộ Liên Hiệp Quốc của Ukraine tại New York đã không trả lời yêu cầu bình luận về tài liệu này.

Kế hoạch của Bắc Kinh ở New York bao gồm việc kêu gọi sự ủng hộ của khoảng hai chục quốc gia “để thành lập một loại nhóm ‘cốt cán’ nào đó mà trong tương lai có thể nhanh chóng mở rộng để bao gồm các quốc gia khác ở Phi Châu, Mỹ Châu Latinh và Á Châu”, tài liệu cho biết.

Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của họ cho kế hoạch khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine dựa trên đề xuất chung sáu điểm giữa Trung Quốc và Brazil được công bố vào tháng 5. Tài liệu đó kêu gọi “không mở rộng chiến trường, không leo thang chiến sự và không có hành động khiêu khích nào từ bất kỳ bên nào”. Điều đó sẽ cho phép Nga tiếp tục các hành động thù địch ở cường độ hiện tại cũng như việc xâm lược lãnh thổ Ukraine. Đề xuất sáu điểm này xoay quanh “một hội nghị hòa bình quốc tế... được cả Nga và Ukraine công nhận”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington từ chối bình luận về việc liệu họ có đang nỗ lực tập hợp những người ủng hộ như vậy tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hay không, nhưng vẫn lặp lại mong muốn về một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến. Trung Quốc … “ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng”, phát ngôn nhân của đại sứ quán Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu, 刘鹏宇) cho biết.

Tài liệu của Ukraine đang được lưu hành giữa các nhà ngoại giao và quan chức tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần này. Một quan chức Âu Châu tại Liên Hiệp Quốc cho biết kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất đang được thảo luận tại cuộc họp, nhưng không nói gì về nỗ lực vận động hành lang có sự phối hợp của Trung Quốc.

Các quan chức Hoa Kỳ tiếp tục nhấn mạnh rằng bất kỳ tiến trình hòa bình nào của Ukraine đều cần có sự ủng hộ hoàn toàn của Kyiv. “Một nền hòa bình công bằng và cuối cùng đòi hỏi sự tham gia và chấp thuận hoàn toàn của Ukraine... với việc Nga phải trả tiền để khắc phục thiệt hại mà họ gây ra”, Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Ukraine vào thứ Ba. Các quan chức Liên Hiệp Âu Châu đã bày tỏ những tình cảm tương tự.

Nhưng Ukraine rõ ràng rất lo ngại về việc kế hoạch của Trung Quốc đang được chú ý. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã sử dụng bài phát biểu của mình trước Đại hội đồng vào thứ Tư để chỉ trích kế hoạch hòa bình Trung Quốc-Brazil là một nỗ lực “thực dân hóa”. Các nhà ngoại giao Ukraine cũng đang thúc giục các nhà lập pháp Hoa Kỳ chính thức bác bỏ kế hoạch của Trung Quốc, Punchbowl News đưa tin hôm thứ Hai

Việc Trung Quốc theo đuổi sự ủng hộ của Ấn Độ có thể tạo ra rắc rối đặc biệt cho Ukraine. Kyiv hy vọng rằng New Delhi có thể giúp làm trung gian cho một hiệp ước hòa bình mà họ có thể chấp nhận. Đại sứ quán Ấn Độ tại Washington từ chối bình luận.

Theo tài liệu, nếu Trung Quốc có thể có được một nhóm lớn các quốc gia ủng hộ đề xuất của mình, họ có thể cho phép Bắc Kinh coi đó là bằng chứng cho thấy “phần lớn thế giới” ủng hộ các điều khoản của Bắc Kinh cho một cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine. Một buổi công bố chính thức về kế hoạch đàm phán hòa bình sẽ diễn ra vào tháng tới tại một cuộc họp của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS - tập trung vào Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc - tại Kazan, Nga, vào tháng tới, tài liệu cho biết.

Đại sứ quán Nga và Brazil tại Washington không trả lời yêu cầu bình luận. Bộ Ngoại giao từ chối bình luận và Tòa Bạch Ốc cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Các động thái ngoại giao của Bắc Kinh trùng hợp với nỗ lực của Zelenskiy trong tuần này nhằm giành được sự ủng hộ tại Liên Hiệp Quốc và Washington cho “kế hoạch chiến thắng” của ông nhằm chấm dứt chiến tranh.

Hiện tại, các đồng minh của Ukraine không coi Trung Quốc là một bên trung gian vô tư. Các quan chức Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc kéo dài chiến tranh bằng cách hỗ trợ quân sự cho Nga, những cáo buộc mà Bắc Kinh đã phủ nhận.

Và tại Liên Hiệp Quốc, Zelenskiy được nhiều người ủng hộ.

“Kế hoạch hòa bình duy nhất mà chúng tôi chấp nhận hiện tại là kế hoạch của Tổng thống Zelenskiy,” Tổng thống Estonia Alar Karis trả lời POLITICO hôm thứ Tư.

[Politico: How China plans to get more backers for its Ukraine peace plan at the UN]

7. Chi tiêu quân sự của Putin cho thấy ông ta không có kế hoạch chấm dứt chiến tranh

Một nhà phân tích kinh tế nói với tờ Newsweek rằng kế hoạch chi tiêu mà Mạc Tư Khoa đề xuất trong ba năm tới cho thấy Vladimir Putin không có ý định chấm dứt cuộc chiến mà ông đã bắt đầu ở Ukraine.

Một báo cáo của Bloomberg tuần này cho thấy Putin muốn đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng vào năm 2025, vốn đã ở mức kỷ lục, và được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy đang ở Hoa Kỳ vận động về “kế hoạch chiến thắng” để chấm dứt chiến tranh.

Hãng tin này cho biết họ đã thấy những dự đoán rằng chính phủ Nga có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự thêm hơn một phần tư vào năm tới - từ 10,4 ngàn tỷ rúp, hay 112 tỷ đô la, lên 13,2 ngàn tỷ rúp, hay 142 tỷ đô la, hay 6,2 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội, gọi tắt là GDP của Nga.

“Điều chính mà dự thảo ngân sách Nga cho thấy là điều này—Putin không có ý định dừng chiến tranh,” Boris Grozovsky, một chuyên gia về kinh tế Nga từ nhóm nghiên cứu Wilson Center, nói với Newsweek. “Ông ấy quyết tâm tiếp tục và tin rằng mình sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh tiêu hao.”

Bloomberg tính toán chi tiêu cho quân đội và lực lượng an ninh sẽ chiếm 40 phần trăm tổng chi tiêu ngân sách. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều tiền hơn cho quân đội Nga so với chi tiêu cho giáo dục, y tế, chính sách xã hội và nền kinh tế.

Gần một phần ba chi tiêu ngân sách được phân loại, đạt 12,9 ngàn tỷ rúp, hay 139 tỷ đô la, vào năm tới, tăng so với mức 11,1 ngàn tỷ rúp, hay 120 tỷ đô la, của năm nay trong khi thâm hụt ngân sách năm 2025 dự kiến chỉ bằng 0,5% GDP.

Grozovsky cho biết có sự khác biệt rõ rệt giữa khả năng tăng sản lượng vũ khí của Nga và sự phụ thuộc của Ukraine vào các đồng minh phương Tây, những nước chỉ cung cấp đủ vũ khí để hệ thống phòng thủ của nước này không bị sụp đổ.

“Putin không có những ràng buộc như vậy”, ông nói. “Bộ Tài chính kỳ vọng ngân sách năm 2025 sẽ gần như không có thâm hụt, mặc dù chi tiêu quân sự tăng 27 phần trăm”.

Ông cho biết điều này sẽ đạt được một phần thông qua sự tăng trưởng doanh thu từ dầu mỏ, khí đốt, thuế GTGT, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp.

Cũng có những dự báo lạc quan cho nền kinh tế Nga, với ước tính chính thức rằng GDP sẽ tăng 3,9 phần trăm trong năm nay, theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov. Những con số này sẽ giảm nhưng sẽ trở lại mức 3 phần trăm vào cuối thập niên mặc dù các nhà dự báo độc lập đã đưa ra những con số thấp hơn.

Bloomberg đưa tin xuất khẩu dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất trong tám tháng và các lệnh trừng phạt đã làm gia tăng thêm sự bất ổn cho doanh số bán mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga.

Tuy nhiên, Grozovsky cho biết doanh thu ngân sách của Nga trong 8 tháng đầu năm 2024 đã đạt 23 ngàn tỷ rúp, hay 248 tỷ đô la, - tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái và một nửa mức tăng đó sẽ được dùng để tăng chi tiêu quân sự.

“Sau hai năm tăng mạnh chi tiêu quân sự, Nga không chỉ duy trì mà còn tăng thêm nữa”, ông nói.

[Newsweek: Putin's Military Spending Shows He Has No Plans To End War]

8. Ukraine khai hỏa hệ thống pháo phòng không Skynex mới của NATO

Quân đội Ukraine đã lần đầu tiên trình làng hệ thống phòng không tiên tiến do NATO sản xuất, bắn phá mục tiêu trong cuộc tập trận.

Hệ thống pháo phòng không Skynex, do Đức cung cấp cho Ukraine, được nhà sản xuất Rheinmetall mô tả là “giải pháp mới nhất cho phòng không tầm ngắn”. Hệ thống này được trang bị bốn khẩu pháo 35 ly, cũng như một nút điều khiển và hệ thống radar phát hiện mục tiêu trên không.

Bộ Quốc phòng Ukraine viết trên X: “Chúng tôi biết ơn các đồng minh đã giúp tăng cường năng lực phòng không của Ukraine. Tăng cường phòng không cho Ukraine nghĩa là cứu được nhiều sinh mạng vô tội hơn.”

Nhà thầu quốc phòng Đức Rheinmetall lần đầu tiên tung ra hệ thống này vào năm 2021.

Nó có một khẩu súng ổ quay Oerlikon Mk3 Revolver Gun Mk3 với một bộ theo dõi radar tích hợp và một bộ cảm biến quang điện tử. Việc theo dõi và bắn mục tiêu được thực hiện tự động bởi bộ giải quyết điều khiển hỏa lực tích hợp.

Đức đã cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022 và phá vỡ chính sách sau Thế chiến II là không gửi vũ khí đến các khu vực xung đột.

Vào tháng 5, Đức tuyên bố sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không cũng như đạn dược và các vật liệu quân sự khác.

Tháng này, chính phủ Đức đã cung cấp danh sách đầy đủ các loại vũ khí và thiết bị mà Đức gửi tới Ukraine và thông báo rằng số tiền đóng góp cho nỗ lực chiến tranh này lên tới 28 tỷ euro.

Chỉ tính riêng năm 2024, nguồn tài trợ của Đức dành cho viện trợ quân sự cho Ukraine đã lên tới 7,1 tỷ euro và nước này đã huấn luyện hơn 10.000 binh sĩ Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Vương quốc Anh cũng đã cam kết hỗ trợ Ukraine về thiết bị phòng không. Quốc gia này đã công bố vào đầu tháng này rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine số hỏa tiễn phòng không trị giá 162 triệu bảng Anh.

Tòa Bạch Ốc đã đưa ra lời hứa tương tự vào tháng 7 về việc trang bị cho Ukraine các hệ thống phòng không và máy bay đánh chặn, đạn dược cho hệ thống hỏa tiễn và pháo binh, và vũ khí chống tăng

[Newsweek: Ukraine Fires New NATO Skynex Anti-Aircraft Artillery System]

9. Báo cáo cho biết Nga bí mật chế tạo máy bay điều khiển từ xa chiến tranh ở Trung Quốc

Theo tin độc quyền được Reuters công bố hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, Nga đang chế tạo máy bay điều khiển từ xa quân sự ở Trung Quốc.

Máy bay điều khiển từ xa đã trở thành trụ cột của cuộc xung đột, bùng phát sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022. Trong những tuần gần đây, Kyiv đã đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng UAV của riêng mình, triển khai chúng sâu vào lãnh thổ Nga để nhắm vào cơ sở hạ tầng và kho tiếp tế.

Chính quyền Tổng thống Biden đã trừng phạt một số công ty Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến việc cung cấp cho Nga các thành phần máy bay điều khiển từ xa và các hàng hóa liên quan đến quân sự khác. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung Quốc được báo cáo là cung cấp toàn bộ vũ khí trên không cho Nga.

Reuters đã trích dẫn các tài liệu mà họ đã xem xét, cũng như hai nguồn tin từ một cơ quan tình báo Âu Châu phát biểu với điều kiện giấu tên. Newsweek không thể xác nhận báo cáo một cách độc lập.

Theo một trong những tài liệu, công ty R&D IEMZ Kupol của Nga, một công ty con của Almaz-Antey thuộc sở hữu nhà nước, đã hoạt động tại Trung Quốc. Tài liệu mà Kupol đã chuyển cho Bộ Quốc phòng Nga vào thời điểm không xác định trong năm nay, nêu chi tiết các hoạt động của công ty.

Theo thông tin chi tiết trong tài liệu, Kupol đã phát triển và tiến hành thử nghiệm bay cho mẫu máy bay điều khiển từ xa chiến đấu mới, Garpiya-3 (G3), phiên bản nâng cấp của UAV Garpiya-A1 của Nga kết hợp thiết kế của các chuyên gia Trung Quốc.

Trong một báo cáo sau đó, Kupol nói với bộ rằng một nhà máy ở Trung Quốc có khả năng sản xuất G3 và các mẫu máy bay điều khiển từ xa khác, với mục đích triển khai chúng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga, thuật ngữ mà Điện Cẩm Linh dùng để chỉ cuộc chiến chống lại Ukraine.

Theo hồ sơ Kupol mà Reuters xem xét, G3 có thể bay xa tới 2.000 km, hay 1.240 dặm, với một quả đạn nặng 110 pound. Tầm bay này vượt xa tầm bay của các máy bay điều khiển từ xa mà Nga hiện đang sản xuất, và tải trọng cũng nặng hơn so với các máy bay điều khiển từ xa tầm xa mà Mạc Tư Khoa sử dụng. Những khả năng này khiến G3 có thể so sánh với máy bay điều khiển từ xa tự sát Shahed-136 do Iran cung cấp cho Nga.

Các tài liệu cho biết, một số mẫu máy bay điều khiển từ xa, bao gồm cả G3, đã được gửi đến Nga để tiến hành thêm các thử nghiệm, với sự tham gia của các chuyên gia máy bay điều khiển từ xa giấu tên của Trung Quốc.

Việc giao bảy máy bay điều khiển từ xa chiến đấu, bao gồm hai chiếc G3, đã được xác nhận bằng các hóa đơn không ghi ngày tháng gửi tới Kupol vào mùa hè này từ một công ty Nga đóng vai trò trung gian giữa công ty R&D và các nhà cung cấp giấu tên tại Trung Quốc.

Các nguồn tin tình báo của Reuters cho biết các tài liệu này là bằng chứng thuyết phục nhất kể từ cuộc xâm lược của Nga rằng toàn bộ máy bay điều khiển từ xa đang được chế tạo tại Trung Quốc và chuyển giao cho nước láng giềng phía bắc.

Jan Kallberg, cựu giáo sư West Point và là thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, chỉ ra rằng, không giống như Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác cung cấp vũ khí cho Ukraine, vũ khí từ các đồng minh của Nga không đi kèm với bất kỳ hạn chế nào.

“Không có chút ý nghĩa gì bất kể hỏa lực tầm xa của phương Tây có vượt trội đến đâu, nếu bạn bị cấm sử dụng hỏa tiễn vào các mục tiêu 'béo bở' như đầu mối hỏa xa, kho tiếp tế và các cấu trúc chỉ huy trong nước Nga,” ông nói với Newsweek. “Cho đến nay, cứu tinh của người Ukraine là Nga chỉ có một sản lượng khiêm tốn UAV tầm xa. Bất kỳ sự gia tăng nào về khả năng cung cấp, chẳng hạn như việc sản xuất tại Trung Quốc, đều là mối đe dọa trực tiếp.”

Nhưng Kallberg chỉ ra một bất lợi chiến lược có thể xảy ra đối với sự tham gia của các nhà sản xuất máy bay điều khiển từ xa Trung Quốc. Kinh nghiệm của người Ukraine có thể dẫn đến hiệu quả cao hơn trong việc tiêu diệt chúng, “kiến thức mà người Nam Hàn và Đài Loan có thể đạt được nhờ kinh nghiệm của người Ukraine sẽ mở đường cho các nỗ lực chế tạo máy bay điều khiển từ xa và các biện pháp đối phó của họ.”

Trung Quốc đã phủ nhận việc vận chuyển hàng hóa quân sự đến Nga. Tuy nhiên, người ta tin rằng Trung Quốc là nguồn cung cấp các thành phần sử dụng kép cho các công cụ chiến tranh của Nga như máy bay điều khiển từ xa Orlan-10.

Theo cơ sở dữ liệu do chuyên gia UAV Faine Greenwood biên soạn, máy bay điều khiển từ xa dân sự do nhà sản xuất máy bay điều khiển từ xa Trung Quốc DJI sản xuất đã được lực lượng Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi tại quốc gia bị bao vây này. DJI cho biết họ lên án và tích cực ngăn cản việc sử dụng các sản phẩm của mình trong chiến đấu.

[Newsweek: Russia Secretly Building War Drones in China: Report]
 
Mafia Nga đóng giả Kuleba lừa Mỹ. Gần hạn chót 1/10, Putin dọa hạt nhân dữ dằn nhất, NATO hồi đáp
VietCatholic Media
16:15 27/09/2024


1. Người gọi đóng giả là cựu bộ trưởng ngoại giao Ukraine nói chuyện với Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Benjamin Cardin đã nhận được cuộc gọi Zoom từ một người lạ mặt tự xưng là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba, tờ New York Times đưa tin vào hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, trích dẫn một lá thư từ cơ quan an ninh Thượng viện và các nguồn tin không được tiết lộ.

Văn phòng của thượng nghị sĩ đã nhận được email từ một người đóng giả Kuleba vào ngày 19 tháng 9 yêu cầu liên lạc với ông qua cuộc gọi Zoom. Trong cuộc gọi video, người đó trông và nói chuyện giống như cựu bộ trưởng ngoại giao Ukraine.

Thượng nghị sĩ trở nên nghi ngờ khi người đóng giả Kuleba bắt đầu có hành vi bất thường, đặt “những câu hỏi mang tính chính trị liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới” và xin ý kiến về các vấn đề chính sách đối ngoại nhạy cảm như vụ phóng hỏa tiễn tầm xa vào lãnh thổ Nga.

Thượng nghị sĩ đã kết thúc cuộc trò chuyện và thông báo cho Bộ Ngoại giao, cơ quan này xác nhận rằng người tự giới thiệu mình là Kuleba là kẻ mạo danh đã sử dụng công nghệ “deepfake”.

Công nghệ video Deepfake sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các video với những người hư cấu trông và nói giống như người thật. Công nghệ này cũng đã được sử dụng để mạo danh những người của công chúng, chẳng hạn như vào năm 2022, khi một video được cho là cho thấy Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố Ukraine đầu hàng khi Nga bắt đầu tấn công vào ngày 24 Tháng Hai, 2022. Nó đã được lưu hành trên các phương tiện truyền thông xã hội một thời gian trước khi bị vạch trần.

Mặc dù email an ninh của Thượng viện không nêu rõ Cardin có liên quan hay không, nhưng hai quan chức Thượng viện nắm rõ vấn đề này đã xác nhận điều này với Tờ New York Times.

Cardin, một đảng viên Dân chủ đến từ Maryland và là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng đã xác nhận trong một tuyên bố vào ngày 25 tháng 9 rằng “kẻ xấu” đã cố tình liên lạc với ông bằng cách mạo danh một “cá nhân quen biết”. Cardin không nói rõ “cá nhân quen biết” đó là Kuleba.

Các quan chức tình báo đã cảnh báo rằng các tác nhân nước ngoài như Nga, Iran và Trung Quốc đang sử dụng trí tuệ nhân tạo, bao gồm cả “deepfake”, để củng cố nỗ lực can thiệp bầu cử của họ, trong đó Nga tạo ra nhiều nội dung nhất, Tờ New York Times đưa tin, trích dẫn từ Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia.

[Kyiv Independent: 'Deepfake' caller posing as Ukraine's ex-foreign minister talks to US Senator]

2. ISW cho biết các kho đạn dược bừa bãi của Nga là 'điểm yếu đáng kể'

Sau các cuộc tấn công của Ukraine vào ba kho đạn của Nga, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ đã nói rằng chúng là “điểm yếu đáng kể” trong một báo cáo gần đây.

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, ba kho quân sự của Nga ở phía tây và tây nam nước Nga—kho Oktyabrsky và Toropets ở vùng Tver, và kho Tikhoretsk ở Krasnodar Krai—là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào ngày 18 và 20 tháng 9.

“Việc quân đội Nga tiếp tục sử dụng các cơ sở hậu cần quy mô lớn là một lỗ hổng đáng kể mà Ukraine có thể khai thác nếu các quốc gia phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine”, ISW viết trong báo cáo hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín.

ISW cho biết Nga không nỗ lực nhiều để che giấu vị trí các kho đạn dược của họ, vì một blogger quân sự người Nga được cho là đã phàn nàn về cách Google Maps và Yandex hiển thị vị trí của các cơ sở này, và các công ty vũ trụ tư nhân cung cấp những bức ảnh mới nhất về các đối tượng quân sự của Nga.

“ISW tiếp tục đánh giá rằng các quốc gia phương Tây có thể làm suy yếu khả năng tận dụng vật liệu hàng loạt của Nga ở quy mô lớn bằng cách loại bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng hỏa lực chính xác ở Nga và bằng cách buộc bộ chỉ huy Nga phải phân chia các kho đạn thành các cơ sở nhỏ hơn và kém hiệu quả hơn, một số trong số đó sẽ xa Ukraine hơn”.

Các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa không chỉ phá hủy các địa điểm mà còn phá hủy đạn dược mà Nga cất giữ và phương pháp vận chuyển mà người Nga có thể đã sử dụng để di chuyển vật liệu. Các cuộc tấn công cũng gây ra hỏa hoạn trên quy mô lớn khắp các khu vực, dẫn đến thương tích và phải di tản cư dân gần đó.

Các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã phá hủy hỏa tiễn và hệ thống phòng không của Bắc Hàn được lưu trữ tại kho đạn dược của Nga, cũng như các tòa nhà lưu trữ, toa xe lửa có khả năng được lực lượng Nga sử dụng để vận chuyển vật liệu đến các kho khác và rất nhiều thứ mà ISW tin là các ống phóng hỏa tiễn.

ISW lưu ý rằng vì những hình ảnh mô tả “sự bố trí chen chúc của vật liệu”, điều này làm nổi bật tình trạng thiếu an ninh hoạt động gần các kho quân sự và chỉ ra thêm rằng những hạn chế của phương Tây đối với khả năng Ukraine bắn vũ khí do phương Tây cung cấp vào Nga đã cho phép Mạc Tư Khoa có sự linh hoạt để bỏ qua việc bảo vệ các khu vực quanh các kho bãi.

ISW cũng lưu ý rằng “tính linh hoạt này đã mang lại cho Nga khả năng tối ưu hóa các cơ sở hậu cần lớn để tập hợp một số lượng lớn khí tài chiến tranh đến Ukraine”.

[Newsweek: Russia's Haphazard Ammunition Depots Are 'Considerable Vulnerability': ISW]

3. Đức chấp thuận thêm 447 triệu đô la viện trợ quân sự cho Ukraine

Theo tuyên bố ngày 25 tháng 9, Hạ viện Đức (Bundestag) đã chấp thuận đề xuất của chính phủ Đức về việc tăng gần 400 triệu euro, hay 447 triệu đô la, tiền tài trợ cho hoạt động hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Bundestag công bố quyết định tăng viện trợ tài chính sau cuộc họp theo Hiệp ước Ukraine, một khuôn khổ an ninh được 32 quốc gia đồng minh ký kết tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 năm 2024.

Cuộc họp được tổ chức vào ngày 25 tháng 9 bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

Tuyên bố cho biết, khoản hỗ trợ tài chính bổ sung này sẽ cho phép mua thêm các hệ thống phòng không, xe tăng, máy bay điều khiển từ xa, đạn dược và phụ tùng thay thế, “tăng cường hiệu quả sức mạnh cho Quân đội Ukraine trong việc bảo vệ đất nước”.

Berlin cũng tuyên bố sẽ sớm cung cấp thêm 170 triệu euro, hay 190 triệu đô la, để giúp khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, nơi thường xuyên bị Nga tấn công.

Ban đầu là một đối tác do dự, Đức đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine sau Hoa Kỳ kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Berlin sẽ cung cấp cho Kyiv khoảng 8 tỷ euro, hay 8,8 tỷ đô la, trong năm nay, nhưng khoản viện trợ này được cho là sẽ bị cắt giảm một nửa — xuống còn 4 tỷ euro, hay 4,4 tỷ đô la, — vào năm 2025.

Berlin đã hy vọng rằng khoản thiếu hụt viện trợ sẽ được bù đắp bằng cách Ukraine nhận được 50 tỷ đô la lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga. Tuy nhiên, Hung Gia Lợi đã gây ra sự chậm trễ trong việc Hoa Kỳ tham gia thủ tục vào chương trình tài sản.

Ngoài những lo ngại về ngân sách, các đảng “phản chiến” của Đức phản đối viện trợ cho Ukraine ở cả cánh hữu và cánh tả đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử khu vực vào ngày 1 tháng 9, gây ra những phức tạp chính trị cho cam kết hỗ trợ Ukraine của Đức.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW), tính đến tháng 6 năm 2024, Đức đã phân bổ 14,7 tỷ euro, hay 16,4 tỷ đô la, để hỗ trợ cho Ukraine kể từ năm 2022.

[Kyiv Independent: Germany approves additional $447 million for military aid to Ukraine]

4. Putin đã vẽ lại ranh giới đỏ hạt nhân của mình. NATO sẽ phản ứng thế nào?

Các chuyên gia nói với Newsweek rằng tuyên bố của Vladimir Putin rằng Mạc Tư Khoa có thể mở rộng các quy định về sử dụng vũ khí hạt nhân có thể đã vạch lại ranh giới đỏ trong mối đe dọa hạt nhân của ông, nhưng cũng có thể chỉ là lời nói suông.

Ngay sau cuộc xâm lược toàn diện, tên trùm mafia Vladimir Putin, theo cách gọi của Ngoại trưởng Anh tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trước đó đã tuyên bố rằng các quốc gia can thiệp vào Ukraine sẽ phải đối mặt với hậu quả “chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử” và đặt lực lượng hạt nhân của mình vào tình trạng báo động đặc biệt.

Những người tuyên truyền cho Điện Cẩm Linh nhắc đến việc ném hỏa tiễn vào các thủ đô phương Tây, nhưng tuần này tờ The Washington Post đưa tin các nhà ngoại giao Nga nhận ra rằng các mối đe dọa hạt nhân do Điện Cẩm Linh khuếch đại “không làm ai sợ”.

Khi Hoa Kỳ và Anh quốc đang tiến dần đến việc cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào Nga, hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, Putin đã tăng cường trò tống tiền hạt nhân của mình bằng những thay đổi đối với “học thuyết hạt nhân” không rõ ràng của Mạc Tư Khoa, có thể bao gồm cả việc ứng phó với một vụ phóng hỏa tiễn hoặc máy bay điều khiển từ xa ồ ạt qua biên giới quốc gia.

Trong cuộc họp được truyền hình trực tiếp của Hội đồng An ninh Nga, Putin cho biết một cuộc tấn công gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của Nga có thể được thực hiện bởi một cường quốc phi hạt nhân với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân.

Không có quốc gia nào được nhắc đến, nhưng bối cảnh thì rõ ràng, vì cuộc chiến mà ông bắt đầu đã chứng kiến sự gia tăng sử dụng hỏa tiễn của Mỹ, Anh và Pháp tại Ukraine nhằm vào các mục tiêu ở Nga.

Tuy nhiên, Gustav Gressel, thành viên chính sách cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu, cho biết bình luận của Putin không báo hiệu bất kỳ thay đổi nào đối với lập trường hạt nhân của Nga. “Đó chỉ là lời nói suông”, ông nói với Newsweek. “Nếu họ có ý đó, tất cả chúng ta đã có một cuộc leo thang hạt nhân từ lâu lắm rồi”.

Ông lưu ý rằng theo luật pháp Nga, năm khu vực của Ukraine mà Mạc Tư Khoa tuyên bố đã sáp nhập đã được coi là một phần của Nga và do đó bất kỳ hoạt động phòng thủ nào của Ukraine vào các khu vực này đều sẽ bị coi là một cuộc tấn công được phương Tây hỗ trợ.

“Vì vậy, về mặt kỹ thuật, thậm chí không có cơ hội nào để xem xét điều vô lý này,” Gressel nói.

Ông nhấn mạnh rằng “Học thuyết hạt nhân chính thức của Nga rất linh hoạt trong quá khứ. Hầu như bất cứ thứ gì cũng có thể bị bẻ cong. Cho nên nếu Putin muốn tấn công, ông ta đã tấn công rồi.”

“Trên thực tế, việc Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, chỉ phụ thuộc vào các tính toán rủi ro”, Gressel nói thêm. Điều này bao gồm việc liệu một cuộc tấn công hạt nhân có khiến tình hình của Nga tốt hơn hay tệ hơn không.

Trong một bài báo cho Trung tâm Nghiên cứu An ninh Stockholm được công bố vào tháng 6, Gressel viết rằng cuộc thảo luận về “lằn ranh đỏ” của Putin, chỉ nhằm mục đích răn đe, chỉ là trò tống tiền hạt nhân rẻ tiền.

Nỗi sợ leo thang đã có ảnh hưởng không đáng có đến quá trình ra quyết định chính trị của phương Tây, chẳng hạn như về các vấn đề cung cấp vũ khí. “Sự phô trương hạt nhân mới của Nga là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của phương Tây”, Gressel nói. “Họ dường như nghĩ rằng những lời đe dọa phản công của Tổng thống Biden trong trường hợp Nga tung ra vũ khí hạt nhân là không đáng tin cậy”.

Nếu NATO “sập bẫy này, chúng ta sẽ gặp rắc rối thực sự”, Gressel nói thêm. “Điều chúng ta cần làm bây giờ là giơ ngón tay giữa to tướng thẳng vào mặt Điện Cẩm Linh - dưới mọi sắc thái, kích cỡ và hình thức”.

[Newsweek: Putin Has Redrawn His Nuclear Red Line. How Will NATO Respond?]

5. Bừng bừng nổi giận. Putin mở đường cho Nga phóng vũ khí hạt nhân khi ông xé bỏ luật lệ chiến tranh vài ngày sau đoạn video rùng rợn về cảnh Luân Đôn bị san phẳng

Nhà độc tài NGA Vladimir Putin đã đưa ra lời đe dọa lạnh người về việc tấn công hạt nhân vài ngày sau một cuộc mô phỏng đáng sợ cho thấy Luân Đôn bị tấn công hạt nhân.

Nhà lãnh đạo điên rồ này đã gia tăng các mối đe dọa hạt nhân đối với phương Tây, nói với hội đồng an ninh rằng ông cần phải “sửa chữa” học thuyết hạt nhân của Điện Cẩm Linh.

Điều này sẽ cho phép kẻ độc tài triển khai vũ khí hạt nhân nếu Nga hoặc đồng minh quan trọng Belarus bị tấn công bằng hỏa tiễn thông thường.

Nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh cho biết Mạc Tư Khoa sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung.

Ông cho biết: “Hành động xâm lược chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, đều được coi là hành động tấn công chung vào Liên bang Nga”.

Điện Cẩm Linh cho biết những thay đổi do Putin vạch ra nên được coi là tín hiệu gửi tới phương Tây rằng sẽ có hậu quả nếu các cường quốc phương Tây tham gia vào các cuộc tấn công vào Nga.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ đưa ra quyết định về việc có nên công bố các tài liệu hạt nhân cập nhật hay không, đồng thời nói thêm rằng các điều chỉnh đối với tài liệu về khả năng răn đe hạt nhân của nhà nước đang được xây dựng.

Trước đây, học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép nước này tiến hành tấn công hạt nhân sau khi bị đối phương có vũ khí hạt nhân tấn công trực tiếp.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự kiến gặp Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc để thúc đẩy việc cho phép bắn hỏa tiễn tầm xa do Mỹ sản xuất vào Nga.

Putin và các quan chức cao cấp khác của Điện Cẩm Linh thường xuyên đe dọa sẽ thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vì sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine kể từ khi nước này xâm lược vào năm 2022.

Những lời đe dọa này xuất hiện vài ngày sau khi một chương trình mô phỏng đáng sợ cho thấy một quả cầu lửa trên bầu trời Westminster được chia sẻ trên truyền hình Nga.

Đoạn clip được chia sẻ bởi một kênh truyền hình tuyên truyền ủng hộ Putin và có vẻ như là động thái mới nhất nhằm đe dọa Anh không được cấp phép cho Ukraine bắn hỏa tiễn Storm Shadow vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Vụ nổ xảy ra trên bầu trời Westminster, cho thấy quả cầu lửa bốc hơi khỏi trung tâm Luân Đôn trong một đoạn video hoạt hình ghê rợn.

Các tòa nhà bị phá hủy và một đám mây hình nấm bốc cao lên bầu trời phía trên thủ đô.

Cung điện Buckingham, The City, The Shard và một số địa điểm nghệ thuật và văn hóa vĩ đại nhất thế giới đã bị phá hủy.

Khi vụ nổ lan rộng, đoạn clip có nhịp đếm ước tính số người sẽ chết vì quyết định điên rồ của Putin.

Cuối cùng, khoảng 850.000 người sẽ bị bốc hơi và hai triệu người sẽ bị thương vì quả bom 750 kiloton.

Đoạn video phát trên kênh Telegram của mạng lưới Tsargrad bắt đầu bằng lời đe dọa: “Hãy tưởng tượng một lúc rằng điều không thể tưởng tượng được sẽ xảy ra.”

Lời bình luận cảnh báo người xem: “Khi phát nổ, một quả cầu lửa nóng như mặt trời sẽ nhanh chóng nở ra, đạt bán kính 950 mét.

“Những người trong bán kính đó thậm chí sẽ không cảm thấy gì vì tốc độ truyền xung thần kinh chậm hơn.

“Trong phạm vi 5 km, hay 3 dặm, tính từ tâm chấn, bán kính vụ nổ: Thành phố Luân Đôn, thị trấn Camden, Kensington, Brixton, những khu vực này sẽ bị tàn phá nặng nề nhất.”

Thông tin này xuất hiện khi Thủ tướng Keir Starmer đang cân nhắc liệu có nên cho phép hỏa tiễn Storm Shadow do Anh sản xuất được bắn qua biên giới hay không.

[The Sun: FIRE & FURY Putin opens door for Russia to launch NUKES as he rips up war rulebook days after chilling video of London being razed]

6. Tổng thống Biden sẽ triệu tập cuộc họp cấp lãnh đạo Ramstein vào tháng 10

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ triệu tập một cuộc họp cấp lãnh đạo của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Đức vào tháng 10 “để phối hợp các nỗ lực của hơn 50 quốc gia ủng hộ Ukraine trong việc phòng thủ chống lại sự xâm lược của Nga”, ông cho biết như trên hôm 26 tháng 9.

Thông báo này được đưa ra khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiếp tục chuyến thăm Hoa Kỳ, nơi ông hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ cho “kế hoạch chiến thắng” mà ông vừa công bố gần đây.

Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine là nhóm do Hoa Kỳ đứng đầu bao gồm hơn 50 quốc gia, bao gồm tất cả 32 thành viên NATO, họp tại Căn cứ không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức. Cuộc họp Ramstein gần đây nhất vào ngày 6 tháng 9 là cuộc họp thứ 24 của nhóm kể từ khi thành lập vào tháng 4 năm 2022.

Trong cuộc họp có sự tham dự trực tiếp của Zelenskiy, Ukraine đã nhận được những cam kết viện trợ quân sự mới từ các đồng minh, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đức và Canada.

Kyiv đã được hứa hẹn ít nhất một hệ thống phòng không, cùng với hỏa tiễn, xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh và các loại đạn dược khác. Các loại vũ khí tầm xa được thèm muốn như ATACMS bổ sung hoặc Storm Shadow không có trong danh sách, cũng như chưa có thay đổi về hạn chế sử dụng chúng.

Ukraine đang hy vọng nhận được sự cho phép sử dụng hai hỏa tiễn tầm xa do phương Tây cung cấp mà nước này đã có để tấn công các mục tiêu quân sự như phi trường nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Theo các báo cáo, Anh đã quyết định cấp phép cho Ukraine sử dụng Storm Shadows để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga nhưng muốn có sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

[Kyiv Independent: Biden to convene Ramstein leader-level meeting in October]

7. Báo cáo độc quyền: Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ cung cấp phụ tùng vũ khí cho Nga

Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ cung cấp phụ tùng vũ khí cho Nga trong bối cảnh Vladimir Putin xâm lược Ukraine.

Trương Quân (Zhang Jun, 张军), Đại Sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc nói với các phóng viên báo chí rằng phần lớn các thành phần vũ khí do nước ngoài sản xuất mà Nga sử dụng đều có nguồn gốc từ Hoa Kỳ hoặc từ các đồng minh phương Tây.

Diễn biến này xảy ra sau khi Ukraine tuyên bố rằng hơn một nửa số phụ tùng do nước ngoài sản xuất trong vũ khí của Nga mà nước này tìm thấy đều đến từ Trung Quốc hay thông qua Trung Quốc.

Trương Quân cho rằng những tuyên bố đó là sai sự thật.

“Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột và kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng có mục đích sử dụng kép, điều này đã nhận được sự công nhận rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.”

“Hoạt động thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga là cởi mở và minh bạch, phù hợp với các quy tắc của WTO và nguyên tắc thị trường, và không nhắm vào bên thứ ba.

“Tôi đã nhận thấy dữ liệu cho thấy hơn 60% các thành phần vũ khí và các mặt hàng sử dụng kép mà Nga nhập khẩu đến từ các nước phương Tây như Hoa Kỳ. Bản thân Tổng thống Zelenskiy cũng đã đề cập đến điều này trong bài phát biểu của mình”, ông nói.

Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn nhiều lần phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào và nói rằng nước này không liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, Reuters đưa tin rằng cố vấn tổng thống Ukraine Vladyslav Vlasiuk đã nói vào hôm Thứ Ba, 24 Tháng Chín: “Nếu bạn lấy tất cả các loại vũ khí thông thường và tính các thành phần do nước ngoài sản xuất, khoảng 60 phần trăm sẽ đến từ Trung Quốc. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận dài với một số nhà sản xuất về vấn đề này. Tôi cho rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là vấn đề lớn nhất”.

Vlasiuk cho biết các thành phần chính được sử dụng trong hệ thống giám sát, máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn cũng đến từ Hoa Kỳ, Hòa Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ và các quốc gia phương Tây khác.

Bất chấp tuyên bố trung lập của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga-Ukraine, vẫn có nhiều cáo buộc cho rằng Bắc Kinh ủng hộ Điện Cẩm Linh.

Theo các quan chức Hoa Kỳ, Trung Quốc đã cung cấp động cơ hỏa tiễn hành trình và máy bay điều khiển từ xa cũng như máy công cụ cho hỏa tiễn đạn đạo cho Nga.

Đầu tháng này, có báo cáo về sự gia tăng hoạt động của Nga và Trung Quốc gần Alaska.

Thống đốc Alaska Mike Dunleavy cho biết trong một tuyên bố vào ngày 17 tháng 9: “Một lần nữa quân đội của chúng ta phải phản ứng với các hoạt động của đối phương quốc gia. Các cuộc xâm nhập của Nga và Trung Quốc vào các khu vực của Hoa Kỳ ngoài khơi Alaska đã trở nên ngày càng thường xuyên hơn.”

Sari Arho Havrén, Nghiên cứu viên liên kết của RUSI, nói với Newsweek rằng cả Nga và Trung Quốc đều đã nỗ lực hết sức để “che giấu mức độ hợp tác và phối hợp sâu sắc”.

“Những tuyên bố này phù hợp với thông tin tình báo mà Hoa Kỳ đã cung cấp và gần đây Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã tóm tắt với các đối tác Liên Hiệp Âu Châu và NATO về sự hỗ trợ quân sự 'rất đáng kể' mà Trung Quốc đang cung cấp cho Nga, để đổi lấy việc Nga cung cấp các công nghệ mà trước đây họ không muốn chia sẻ).

“Không có tỷ lệ phần trăm nào được đưa ra, nhưng cá nhân tôi không thấy những tuyên bố này có gì đáng ngạc nhiên, vì cả hai bên đều đã nỗ lực hết sức để bảo vệ và che giấu mức độ hợp tác và phối hợp sâu sắc.”

[Newsweek: Exclusive: China Accuses U.S. of Supplying Russia With Weapon Components]

8. Điện Cẩm Linh nói rằng sự thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga là một 'cảnh báo' đối với phương Tây

Điện Cẩm Linh tuyên bố rằng những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga nhằm mục đích ngăn chặn các đồng minh phương Tây của Ukraine ủng hộ các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Phát ngôn nhân Dmitry Peskov mô tả những sửa đổi được trùm mafia Vladimir Putin tiết lộ vào hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, là một “tín hiệu cảnh báo” cho các quốc gia đang cân nhắc tham gia vào một cuộc tấn công chống lại Nga.

Trong thông điệp nghiêm khắc gửi tới phương Tây, Putin tuyên bố hôm thứ Năm rằng bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào vào Nga, được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ, sẽ bị coi là hành động xâm lược chung.

Mối đe dọa, được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân được cập nhật, nhằm mục đích ngăn cản các quốc gia phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa chống lại Nga, về cơ bản là hạ thấp ngưỡng có thể xảy ra xung đột hạt nhân.

Putin không nói rõ liệu có đáp trả bằng vũ khí hạt nhân sau một cuộc tấn công như vậy hay không trong cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia được triệu tập để thảo luận về việc sửa đổi học thuyết.

Nhưng ông nhấn mạnh rằng Nga có thể dùng đến vũ khí hạt nhân nếu phải đối mặt với một cuộc tấn công thông thường đe dọa đến chủ quyền của mình - một định nghĩa cố tình mơ hồ cho phép các diễn giải tùy tiện.

Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ ba, Điện Cẩm Linh đang muốn làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kyiv.

Ukraine liên tục tấn công vào lãnh thổ Nga bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa để trả đũa các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đang tích cực tìm kiếm sự cho phép từ Hoa Kỳ và các đồng minh khác để sử dụng vũ khí tầm xa hơn để tấn công sâu hơn vào Nga.

Putin cho biết học thuyết sửa đổi nêu rõ các điều kiện cụ thể hơn cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả các kịch bản liên quan đến các cuộc tấn công trên không quy mô lớn.

Ngôn ngữ mới của ông ám chỉ khả năng đáp trả bằng hạt nhân đối với bất kỳ cuộc tấn công trên không nào, phản ánh sự mơ hồ về mặt chiến lược được thiết kế để ngăn chặn phương Tây tạo điều kiện cho năng lực tầm xa của Ukraine.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm 2022, Putin và các quan chức Điện Cẩm Linh khác thường xuyên viện dẫn mối đe dọa về vũ lực hạt nhân để ngăn cản sự ủng hộ ngày càng tăng của phương Tây dành cho Ukraine.

Đầu tháng này, Putin đã cảnh báo rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga sẽ có nguy cơ gây ra xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.

Các nhà chức trách Nga cho biết hôm thứ Năm rằng Kyiv đã bắn máy bay điều khiển từ xa vào các khu vực của Nga giáp với Ukraine—mặc dù điều này chưa được Ukraine xác nhận.

Ngược lại, Nga tiếp tục các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Chính quyền Kyiv cho biết các mảnh vỡ từ một máy bay điều khiển từ xa bị chặn đã làm hỏng đường ống dẫn khí đốt trong một tòa nhà dân cư vào đêm thứ Tư.

[Newsweek: Russia's Nuclear Doctrine Change a 'Warning' to the West: Kremlin]

9. Thủ tướng Ukraine cho biết 3 cơ sở hạ tầng năng lượng bị tấn công trong đêm do Nga không kích

Sáng Thứ Sáu, 27 Tháng Chín, Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga đã nhắm vào ba cơ sở truyền tải năng lượng của Ukraine.

“Nhưng bọn khủng bố Nga đã không đạt được mục tiêu của chúng — hệ thống năng lượng của Ukraine đang hoạt động ở chế độ cân bằng, không có kế hoạch cắt điện nào được đưa ra”, ông nói thêm trong bài đăng trên Telegram.

Shmyhal cho biết một trong những cơ sở bị tấn công nằm ở Tỉnh Mykolaiv ở miền nam Ukraine, nhưng không nêu rõ địa điểm của hai cơ sở còn lại.

Lực lượng không quân Ukraine đã bắn hạ 66 trong số 78 máy bay điều khiển từ xa loại Shahed và bốn hỏa tiễn hành trình Kh-59/69 do Nga phóng vào đêm qua.

Báo cáo cho biết thêm rằng có thêm tám máy bay điều khiển từ xa “bị mất” ở một số khu vực và một máy bay khác “đã trở về Nga”.

Sáng ngày 26 tháng 9, lực lượng Nga cũng đã phóng ba hỏa tiễn đạn đạo Kinzhal.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 25 tháng 9 trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York rằng Nga đã tiến hành chín cuộc tấn công phối hợp nhằm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine từ tháng 3 đến tháng 8, tấn công các cơ sở tại 20 tỉnh.

“Đây là cách Putin đang chuẩn bị cho mùa đông — với hy vọng sẽ hành hạ hàng triệu, hàng triệu người dân Ukraine… Những gia đình bình thường — phụ nữ, trẻ em… Những thị trấn bình thường, những làng mạc bình thường,” Zelenskiy nói.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, gọi tắt là IEA, tình trạng thiếu điện ở Ukraine có thể lên tới 6 gigawatt vào mùa đông năm nay do các cuộc tấn công, tức là khoảng một phần ba nhu cầu điện cao điểm dự kiến.

Mùa hè năm nay, tình trạng thiếu điện lên tới 2,5 GW khi Kyiv đã phải trải qua tình trạng mất điện kéo dài.

Zelenskiy phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 24 tháng 9 rằng Nga đang chuẩn bị tấn công vào ba nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.

Có ba nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát — nhà máy Rivne và Khmelnytskyi ở phía tây đất nước, và nhà máy Pivdennoukrainsk ở phía nam. Các cuộc tấn công thường xuyên của Nga đã đe dọa sự an toàn của họ bằng cách cắt nguồn điện cho các đơn vị.

Theo Bộ Năng lượng, điện hạt nhân hiện chiếm tới 60% lượng điện tiêu thụ của cả nước.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, đã bị Nga xâm lược kể từ tháng 3 năm 2022.

[Kyiv Independent: 3 energy infrastructure facilities struck in overnight Russian strikes, Ukrainian PM says]

10. Hỏa tiễn Nga tấn công Kyiv trong 5 giờ, đánh vào lưới điện của Ukraine

Các cuộc không kích của Nga đã tấn công Kyiv trong suốt 5 giờ, làm cạn kiệt lưới điện của thủ đô Ukraine.

Theo Cục Khẩn cấp Ukraine, lực lượng phòng không của Kyiv đã chiến đấu với nhiều hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa trong năm giờ, tuy nhiên cuộc tấn công kéo dài này chỉ khiến hai người bị thương.

Thiệt hại trong thành phố bao gồm một trường mẫu giáo, một đường ống dẫn khí và khoảng 20 phương tiện khác cũng bị đâm trúng.

Trong một diễn biến leo thang rộng hơn, lực lượng Nga đã bắn ba hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh Kinzhal về phía Starokostiantyniv, một thành phố ở vùng Khmelnytskyi, Tây Ukraine, theo lực lượng không quân Ukraine.

Thông tin chi tiết về mục tiêu tấn công vẫn được giữ bí mật, ám chỉ rằng hỏa tiễn có thể nhắm vào một cơ sở năng lượng hoặc quân sự nhạy cảm.

Cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vẫn là mục tiêu chính trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa và máy bay điều khiển từ xa của Nga, vốn là một đặc điểm thường trực trong chiến lược chiến tranh của Điện Cẩm Linh kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Chiến lược của Nga thường tập trung vào việc tấn công cơ sở hạ tầng dân sự bao gồm lưới điện, hệ thống nước và trung tâm giao thông.

Liên Hiệp Quốc ước tính rằng những cuộc tấn công này đã làm tê liệt gần 70% công suất phát điện của Ukraine.

Đầu tháng này, Liên Hiệp Quốc dự đoán tình trạng mất điện và mất ổn định năng lượng có thể đẩy thêm 500.000 người rời khỏi đất nước, vì nhu cầu sưởi ấm tăng cao trong mùa đông khắc nghiệt.

Khi thời tiết lạnh giá bắt đầu tràn về Ukaine, sự tàn phá đe dọa làm trầm trọng thêm phẩm chất cuộc sống vốn đã suy giảm của hàng triệu người trên khắp đất nước, với tình trạng mất điện đã được báo cáo.

Hệ thống phòng không của Ukraine đang chịu nhiều áp lực—lực lượng Nga ngày càng dựa vào máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn để tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là khi lực lượng bộ binh thông thường của nước này phải đối mặt với nhiều thách thức và tổn thất trong chiến tranh.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington vào hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, để tập hợp thêm sự ủng hộ, bao gồm cả việc cung cấp các khả năng phòng không tiên tiến, vốn đã được chứng minh là rất quan trọng trong việc làm giảm tác động của các cuộc tấn công trên không của Nga.

Làn sóng tấn công của Nga trong tuần này đã lan rộng khắp nhiều khu vực của Ukraine.

Tại khu vực Ivano-Frankivsk ở phía tây đất nước, các cơ sở năng lượng đã bị tấn công, gây ra tình trạng mất điện ở một số khu vực của thủ đô, thống đốc khu vực Svitlana Onyshchuk cho biết.

Xa hơn về phía nam, tại khu vực Mykolaiv, các cuộc không kích của Nga cũng nhắm vào lưới điện, mặc dù không có thông tin chi tiết ngay lập tức về mức độ thiệt hại.

Lực lượng không quân Ukraine tuyên bố lực lượng Nga đã phóng sáu hỏa tiễn và 78 máy bay điều khiển từ xa Shahed do Iran sản xuất trong đêm từ thứ Tư đến thứ Năm.

Bất chấp quy mô lớn của cuộc tấn công, hệ thống phòng thủ của Ukraine đã có thể đánh chặn bốn hỏa tiễn và phá hủy 66 máy bay điều khiển từ xa, giảm thiểu thiệt hại tiềm tàng.

Tuy nhiên, hậu quả của các cuộc tấn công vẫn tiếp tục gây ra thương vong và tàn phá trên khắp cả nước.

Ở khu vực phía nam Odesa, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã giết chết một phụ nữ 62 tuổi, và thống đốc địa phương Oleh Kiper xác nhận thiệt hại về nhà cửa và xe cộ.

Trong khi đó, tại thành phố Zaporizhzhia, ít nhất 10 người bị thương, trong đó có một trẻ em 14 tuổi, thống đốc khu vực Ivan Fedorov đưa tin.

Những hình ảnh được Fedorov chia sẻ cho thấy những cửa sổ bị vỡ và những ngôi nhà bị rải đầy mảnh đạn từ cuộc không kích.

Các dịch vụ khẩn cấp đã di tản 18 cư dân và xác nhận thiệt hại tại ít nhất 12 tòa nhà.

Xa hơn về phía bắc tại khu vực Sumy, các chuyên gia về vũ khí đã vô hiệu hóa một quả bom lượn nặng 500 kg, không phát nổ gần một cây cầu bắc qua sông Psel, ngăn chặn được thảm họa tiềm tàng.

Trong bối cảnh Kyiv và các thành phố khác liên tục bị đe dọa, nhu cầu tăng cường phòng không vẫn là cấp thiết, như các cuộc đàm phán giữa Zelenskiy với các nhà lãnh đạo quốc tế, bao gồm cả Tổng thống Biden, đã nhấn mạnh.

Đối với Ukraine, việc ngăn chặn thêm thiệt hại cho lưới điện có thể rất quan trọng để tồn tại trong mùa đông này.

[Newsweek: Russian Missiles Strike Kyiv for 5 Hours Hitting Ukraine's Power Grid]
 
Người di cư Haiti ở Mỹ khốn khổ vì các tin đồn vô căn cứ. Các Giám Mục Ohio kêu gọi lòng trắc ẩn
VietCatholic Media
18:12 27/09/2024


1. Người đại diện của giám mục về tranh chấp đất đai bị bắt cóc, đánh đập ở Brazil

Một viên chức của hội đồng giám mục Brazil chuyên giải quyết tranh chấp đất đai đã trốn thoát sau khi bị bắt cóc, đánh đập và được ghi danh vào chương trình bảo vệ của chính phủ dành cho những người ủng hộ nhân quyền.

Vụ việc xảy ra vào ngày 18 tháng 9 tại bang Pernambuco ở đông bắc Brazil, một khu vực có số lượng tranh chấp đất đai cao nhất tiểu bang, thường là cuộc chiến giữa những người nông dân thấp cổ bé họng hoặc các nhóm bản địa với những chủ trang trại giàu có và các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp lớn.

Edina Maria da Silva, một đại diện của Ủy ban Mục vụ Đất đai, gọi tắt là CPT của các giám mục cho biết cô đang trên xe buýt từ một trường cao đẳng ở thành phố Palmares đến nhà cô ở thành phố Tamandaré. Khi cô xuống xe, cô cho biết, một người đàn ông trùm đầu đã tiếp cận cô và hai hành khách khác, giơ súng ra và yêu cầu họ đưa điện thoại di động, và ba nạn nhân đã đưa cho ông ta.

Sau đó, người đàn ông bảo hai nạn nhân kia đi đi và đưa Edina đi cùng. Họ đi bộ vài dặm, trong thời gian đó da Silva nói rằng kẻ bắt cóc cô đã đánh cô liên tục. Cuối cùng họ đến một địa điểm không xác định, khi người đàn ông nói với da Silva rằng anh ta được thuê để giết cô.

Cô ấy đã chống trả và cuối cùng đã trốn thoát. Cô ấy đã đi bộ sáu dặm cho đến khi đến được một cộng đồng và yêu cầu giúp đỡ.

Geovani Leão, một thành viên của nhóm CPT, nói với Crux rằng da Silva bị nhiều vết thương và bị chấn thương. Cảnh sát đang điều tra vụ án và da Silva đã được đưa vào chương trình bảo vệ người ủng hộ nhân quyền của chính phủ liên bang.

“Đó là một vùng có nhiều trang trại mía lớn từng sản xuất lượng lớn đường và rượu trong quá khứ. Hầu hết trong số chúng đã phá sản hoặc đơn giản là đóng cửa cách đây vài thập niên, và các gia đình nông dân đã chiếm giữ chúng để canh tác trong ít nhất 50 năm,” Leão nói.

Một số chủ sở hữu các vùng lãnh thổ đã quyết định bán hoặc cho thuê chúng cho những người chăn nuôi gia súc, những người đã gây áp lực buộc các gia đình phải rời khỏi khu vực. Một số đã trở nên bạo lực và xung đột ngày càng phổ biến.

“Những người trồng trọt nhỏ liên tục bị quấy rối. Có danh sách những người bị đe dọa và thậm chí một số vụ giết người trong vài năm qua”, Leão cho biết.

Cho đến thời điểm này, các đặc vụ CPT chưa bao giờ bị đe dọa trực tiếp hoặc phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào ở Pernambuco.

Cha Agivaldo Lessa Leão, người phụ trách mục vụ xã hội của Giáo phận Palmares, cho biết rằng giáo hội đã đồng hành cùng nhiều cộng đồng như vậy trong những năm qua.

Lessa Leão nói với Crux rằng: “Ủy ban Mục vụ Đất đai và Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh của những nhóm này”.

Ông cho biết ông đã đến thăm một số cộng đồng ở thành phố Jaqueira gần đó, một phần của Giáo phận Palmares, cùng với giám mục địa phương.

“Chúng tôi đã lắng nghe những người trồng trọt nhỏ lẻ và họ cho chúng tôi biết họ cảm thấy sợ hãi và bất an như thế nào”, Lessa Leão mô tả.

Những người nông dân đó thường thấy mùa màng của họ bị phá hủy hoàn toàn bởi những kẻ giết người của chủ trang trại, vị linh mục cho biết. Nhiều người trong những nhóm đó là những người Công Giáo ngoan đạo, những người nỗ lực rất nhiều để duy trì đời sống tinh thần của họ và đồng thời đấu tranh cho quyền lợi của họ.

“Chỉ với niềm tin và hy vọng vào những ngày tươi sáng hơn, những người đó mới có thể tiếp tục. Nếu Chúa muốn, họ sẽ có đất đai của mình vào một thời điểm nào đó trong tương lai”.

Theo báo cáo thường niên của CPT về tranh chấp đất đai và bạo lực ở Brazil, bang Pernambuco có ít nhất 18.301 người không sở hữu đất đai của mình và tham gia vào các cuộc xung đột đất đai vào năm 2023. Ít nhất 1.894 gia đình tham gia vào các tranh chấp như vậy.

Gần 60 vụ tranh chấp đất đai đã xảy ra vào năm ngoái tại bang Pernambuco, nhiều vụ trong số đó xảy ra ở vùng đông nam, nơi sản xuất mía đường trước đây tập trung ở mức độ cao.

Nhiều gia đình nông dân cũng phải chịu ảnh hưởng do việc sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi, một số trong đó là bất hợp pháp ở Brazil, trên những vùng đất họ sinh sống.

Thành phố Jaqueira là một trong những thành phố có số lượng tranh chấp đất đai cao nhất ở Brazil, với 46 vụ vào năm 2023. Hai nông dân đã nhận được lời đe dọa giết chết tại đây vào năm ngoái.

Lessa Leão cho biết ông cầu xin Chúa mỗi ngày để công lý và một ngày tốt đẹp hơn trong những năm tới cho rất nhiều nông dân và người lao động không có đất đai ở Giáo phận Palmares.

Ông cho biết: “Chúng tôi cũng nỗ lực không ngừng nâng cao nhận thức của họ về các quyền hiến định của họ”.


Source:Crux

2. Các giám mục Ohio kêu gọi lòng trắc ẩn giữa các 'tin đồn vô căn cứ' xung quanh người di cư Haiti

Các giám mục Công Giáo Ohio đang kêu gọi các tín hữu và mọi người thiện chí đối xử với những người di cư Haiti ở Springfield bằng “sự tôn trọng và phẩm giá” khi thành phố nhỏ này tìm cách xóa tan những tin đồn trên internet về dân số của họ.

“Trong khi người dân Springfield, Ohio đang phải vật lộn với các mối đe dọa bạo lực và sự gián đoạn cuộc sống do các bài đăng không bị kiểm soát trên mạng xã hội gây ra, chúng tôi kêu gọi các tín hữu Công Giáo và mọi người thiện chí không nên gây ác cảm với bất kỳ ai liên quan dựa trên những lời đồn vô căn cứ”, một lá thư có chữ ký của các giám mục tại cả sáu giáo phận Công Giáo ở Ohio cho biết như trên.

“Thay vào đó, chúng tôi kêu gọi mọi người cầu nguyện và ủng hộ cho tất cả người dân Springfield khi họ hòa nhập với những người hàng xóm Haiti mới và cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”, bức thư do Hội đồng Công Giáo Ohio công bố cho biết thêm.

Các giám mục của các giáo phận Công Giáo Đông phương cũng đã ký vào thông điệp này.

Hơn một nửa dân số Haiti theo đạo Công Giáo và phần lớn đất nước này theo một giáo phái Kitô giáo.

Các lời đồn trên mạng xã hội cho biết: “Những người Haiti đang ăn thịt chó. Họ đang ăn thịt mèo. Họ đang ăn thịt thú cưng của những người sống ở đó. Và đây là những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta và thật đáng xấu hổ.”

Sở Cảnh sát Springfield đã ra tuyên bố với giới truyền thông rằng không có báo cáo đáng tin cậy nào về việc người nhập cư làm hại hoặc ngược đãi vật nuôi.

Trong thư, các giám mục lưu ý rằng những người di cư Haiti ở Springfield đã được cấp quy chế bảo vệ tạm thời để được ở lại hợp pháp trong nước. Bức thư nêu rõ rằng người Haiti và những người khác đang “cảm thấy điều kiện vô nhân đạo ở đất nước của họ” thúc bách họ đến Hoa Kỳ.

Các giám mục nói thêm rằng: “Giống như tất cả mọi người, những người Haiti này nên được tôn trọng và có phẩm giá như lẽ tự nhiên và được phép đóng góp vào lợi ích chung”.

Các giám mục cũng viết trong thư rằng dòng người di cư “đã gây căng thẳng cho nguồn lực của thành phố”. Tuy nhiên, chúng cũng nhấn mạnh rằng mọi người có thể “xem những người mới đến trước tiên là con cái của Chúa” đồng thời cũng “hiểu được nhu cầu thực thi các giới hạn hợp lý đối với tình trạng nhập cư hợp pháp”.

“Chúng tôi hoan nghênh tất cả các nhóm cộng đồng đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của Springfield, vì nhu cầu hội nhập những người mới đến vào cấu trúc xã hội”, các giám mục viết. “Nếu chúng ta trung thành với các nguyên tắc của mình, chúng ta có thể có một cuộc đối thoại về vấn đề nhập cư mà không đổ lỗi cho các nhóm người về các vấn đề xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát của họ”.

Các giám mục cảnh báo: “Ngày nay, đất nước chúng ta bị chia rẽ bởi sự chia rẽ đảng phái và ý thức hệ, khiến chúng ta không thấy được hình ảnh của Chúa nơi người lân cận, đặc biệt là những đứa trẻ chưa chào đời, người nghèo và ngoại kiều.” Các ngài nói thêm rằng “những tình cảm tiêu cực này chỉ trở nên trầm trọng hơn bởi tin đồn, có thể lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội mà không quan tâm đến sự thật hoặc những người liên quan.”

“Ngay từ đầu, loài người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, điều này phân biệt chúng ta với mọi tạo vật khác,” các giám mục nói tiếp.

“Sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô trong lịch sử nhân loại khẳng định phẩm giá mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, không có ngoại lệ nào. Chính niềm tin của chúng ta vào phẩm giá của sự sống con người hướng dẫn lương tâm và lời lẽ của chúng ta khi tham gia vào chính trị hoặc trò chuyện cá nhân. Do đó, mỗi người chúng ta phải hướng về Chúa và cầu xin đôi mắt để nhìn thấy phẩm giá vô hạn của mỗi con người”.


Source:Catholic News Agency

3. Cuộc họp đại kết ở Ấn Độ bày tỏ 'lo lắng' về các hoạt động chống Kitô giáo

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Ấn Độ đã tham gia Hội nghị Hiệp thông Giám mục Đại kết Quốc gia, nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ giữa tất cả Kitô hữu ở một đất nước mà họ chỉ chiếm chưa đến 3 phần trăm dân số.

Có khoảng 26 triệu người theo Kitô giáo ở quốc gia có đa số dân theo đạo Hindu với hơn một tỷ người, và khoảng 20 triệu người theo Kitô giáo là người Công Giáo.

Tuy nhiên, đây là một tôn giáo cổ xưa ở Nam Á, nơi Giáo hội được Thánh Thomas Tông đồ thành lập lần đầu tiên ở vùng Malabar vào năm 52 sau Chúa Giáng Sinh.

Cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Kitô giáo được tổ chức tại Viện Khoa học Sức khỏe Quốc gia St. John ở Bengaluru vào ngày 13 tháng 9.

Cha Anthoniraj Thumma – thư ký quốc gia của văn phòng đối thoại và đại kết thuộc Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ – cũng là điều phối viên của Hội nghị Hiệp thông Giám mục Đại kết Quốc gia.

“Cuộc họp có đông đảo người tham dự. Tất cả các giáo phái đều hoan nghênh việc thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo và các cuộc họp giao lưu đại kết”, ngài nói với Crux.

“Có sự tham gia tích cực và chia sẻ cởi mở về những mối quan tâm và quan điểm. Yêu cầu được đưa ra là tổ chức các cuộc họp giao lưu thường xuyên hơn. Mọi người đều vui mừng vì được đoàn tụ với nhau như những người anh chị em trong Chúa,” vị linh mục nói thêm.

Ngài cho biết cuộc họp nhằm mục đích củng cố phong trào đại kết đang diễn ra ở Ấn Độ để lời nguyện từ biệt của Chúa “Nguyện tất cả nên một” có thể sớm thành hiện thực.

Cha Thumma cho biết: “Chúng tôi đã khởi xướng một cuộc đối thoại đại kết về các vấn đề cấp bách của quốc gia và các vấn đề liên quan đến Cộng đồng Kitô giáo tại Ấn Độ trong bối cảnh hiện tại”.

Chính quyền quốc gia ở Ấn Độ được điều hành bởi Đảng Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, có mối liên hệ chặt chẽ với Rashtriya Swayamsevak Sangh, gọi tắt là RSS, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa Hindu hiếu chiến.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu thường cáo buộc các Kitô hữu sử dụng vũ lực và các chiến thuật lén lút để theo đuổi việc cải đạo, thường xuyên xông vào các thị trấn và tổ chức các buổi lễ “cải đạo” trong đó các Kitô hữu bị ép buộc thực hiện các nghi lễ của đạo Hindu.

Những áp lực này đối với các Kitô hữu, cũng ảnh hưởng đến người Hồi giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, là một phần trong những gì mà các nhà quan sát mô tả là một chương trình rộng lớn nhằm “saffron hóa” Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, nghĩa là một nỗ lực áp đặt các giá trị và bản sắc của đạo Hindu trong khi loại bỏ các tín ngưỡng đối địch.

Cha Thumma cho biết trong cuộc họp của các giám mục đại kết, những người tham dự đã bày tỏ “sự lo lắng nghiêm trọng của chúng tôi trước tình trạng gia tăng các hành động tàn bạo đối với các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác, và mạnh mẽ yêu cầu bảo vệ Quyền của nhóm thiểu số và an ninh cho các cộng đồng thiểu số”.

“Tương tự như vậy, chúng tôi kiên quyết nhắc lại yêu cầu lâu nay của mình về việc thực hiện mà không chậm trễ thêm nữa quyền bình đẳng và quyền hiến định của người Dalit theo Kitô giáo”, ngài nói.

Vị linh mục cho biết cuộc họp cũng đã thông qua các nghị quyết khác, bao gồm việc cùng nhau gặp gỡ thường xuyên hơn để thúc đẩy tình đoàn kết và tình anh em giữa các nhà lãnh đạo Giáo hội, và “củng cố các liên đoàn đại kết của các Giáo hội bao gồm các Giám mục và Nhà lãnh đạo Giáo hội, và các diễn đàn Kitô giáo thống nhất ở cấp Nhà nước.”

“Chúng tôi muốn khẳng định chắc chắn về sự đóng góp to lớn của các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo vào công cuộc xây dựng đất nước và xóa tan sự hiểu lầm và niềm tin sai lầm rằng Kitô giáo là một tôn giáo ngoại lai vì nó đã hiện diện ở Ấn Độ trong khoảng 2000 năm”, vị linh mục cho biết.

“Về các kế hoạch trong tương lai, chúng tôi muốn tiếp tục các cuộc họp của Hội đồng Giám mục Đại kết Quốc gia. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức một Đại hội Đại kết Quốc gia vào năm sau vào tháng 9 để đánh dấu Năm Thánh 2025 và kỷ niệm 1700 năm của Công đồng/Kinh Tin Kính Nixê”, Cha Thumma nói với Crux.


Source:Crux
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Mừng Kính Thánh Têrêsa - Sáng tác: Phan Hùng - Trình bày: Ca sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
02:30 27/09/2024