Ngày 12-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
22:34 12/08/2018
Hoa thơm quả ngọt của trái đất được đưa về Trời

Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời

(Lc 1, 39-56)

Hôm nay, Giáo hội long trọng cử hành lễ Đức Trinh Nữ Maria hồn xác về Trời. Đức Maria lên Trời cho chúng ta biết chết không phải là hết, nhưng ranh giới giữa cuộc sống trần thế lữ hành trong đức tin với cuộc sống mai hậu ở trên trời.

Cuộc đời của Đức Maria là bằng chứn, Mẹ có hai cuộc lữ hành, một là cuộc lữ hành vật chất, Mẹ đi (từ Nazareth đến Bethlehem, từ Bethlehem sang Ai Cập, từ Ai Cập trở về Nazareth, từ Nazareth đến Giêrusalem, lên tới Êphêsô) ; hai là cuộc lữ hành về tinh thần (Mẹ bước di trong đức tin, vâng phục và yêu thương khởi đi từ lòng Mẹ đến Thiên Chúa, ban tặng cho Chúa Giêsu một trái tim bằng thịt).

Lấy lại những lời lẽ của sắc chiếu định nghĩa tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời Công Đồng Vaticanô II viết như sau : "Được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết " (Vatican II, LG, số 59).

Bàn về cái chết của Đức Maria, một câu hỏi được đặt ra : Có thể nào Đức Maria Nazareth lại phải trải qua thảm cảnh chết chóc nơi thân xác mình hay không?

Một số nhà thần học đã chủ trương, Đức Maria được miễn khỏi phải chết, Người đã được đưa thẳng từ cuộc sống đời này về vinh quang trên trời. Tuy nhiên, một lưu truyền lâu đời vẫn coi cái chết của Đức Maria như là sự dẫn đưa vào vinh quang trên trời.

Khi suy nghĩ về số phận của Đức Maria và mối tương quan của Người với Chúa Con, một số người khẳng định : chính vì Đức Kitô đã chết, vì thế khó lòng chủ trương một điều trái ngược đối với Thân Mẫu của Chúa.

Theo đường hướng đó Các giáo phụ đã lập luận và không mảy may nghi ngờ gì về điểm này. Thánh Giacôbê Sarug (+ năm 521), viết : “ca đoàn mười hai Tông Đồ, khi Đức Maria đã đến thời đi vào con đường của hết mọi thế hệ, nghĩa là con đường của sự chết, thì đã tụ họp để an táng thân xác trinh khiết của Đấng đáng chúc tụng”. Thánh Modestô Giêrusalem (+ năm 634), sau khi đã dài dòng bàn về “giấc ngủ hạnh phúc của Đức Mẹ Chúa Trời”, đã kết luận : “lời từ giã” qua việc tán dương sự can thiệp diệu kỳ của Chúa Kitô, Đấng đã cho Đức Maria “chỗi dậy từ ngôi mộ” để đưa Người về với mình trong vinh quang. Thánh Gioan Đamascêno (+ năm 704) đã tự hỏi: “Tại làm sao mà Đấng vào lúc sinh hạ đã vượt qua hết mọi giới hạn của thiên nhiên, giờ đây lại phải chịu khuất phục những luật lệ của thiên nhiên, và làm sao thân thể vô nhiễm của Người lại có thể khuất phục cái chết?”. Ngài trả lời: “Chắc hẳn là cái phần hay chết cần phải được chôn táng để có thể mọc lên sự bất tử, xét vì chính Chủ tể thiên nhiên cũng đã không muốn khước từ cảm nghiệm cái chết. Thực vậy, Người đã chết theo xác thể và bằng cái chết Người đã hủy diệt cái chết, Người đã mang lại sự bất diệt cho sự hủy hoại, và Ngài đã biến cái chết thành nguồn của sự sống lại”.

Đành rằng, dựa theo mặc khải, cái chết được trình bày như là án phạt của tội lỗi. Tuy vậy, sự kiện Hội Thánh tuyên bố Đức Maria được giải thoát khỏi tội nguyên tổ do một đặc ân của Chúa, không minh định Đức Maria cũng đã lãnh nhận đặc ân bất tử về thân xác. Bà Mẹ không thể hơn Con mình được, Đấng đã lãnh nhận cái chết, để ban cho nó một ý nghĩa mới và biến đổi nó thành một dụng cụ của sự cứu rỗi.

Cho dù cuộc đời của Đức Maria đã chấm dứt do một sự kiện hữu cơ hay sinh lý nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể nói, việc chuyển bước từ cuộc đời này đến cuộc đời bên kia đối với Đức Maria là một sự trưởng thành của ơn thánh tiến tới vinh quang; vì thế cái chết của Người có thể được quan niệm như là một “giấc ngủ”.

Thánh Bernard nói với chúng ta rằng : "“Đức Maria Nữ Trinh vinh hiển về Trời đã gia tăng hạnh phúc và niềm hy vọng nơi chúng ta”. Ngài thêm : “Đức Maria, Phần Tử ưu tú trên địa cầu chúng ta đang sống được đưa từ đất về trời, là một món quà vô cùng cao quí, sự vinh thăng ấy là cuộc trao đổi kỳ diệu giữa đất với trời, giữa con người trần thế với thế giới thần linh. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của trái đất đã được đưa lên cao, để từ trên nơi cao xanh ấy ơn sủng lại tuôn đổ chan hòa xuống trên mặt đất, nghĩa là chính từ nơi Đức Maria diễm phúc được rước lên đó, đến lượt mình, Mẹ lôi kéo muôn vàn ân sủng xuống cho nhân loại”.

Ân sủng Mẹ chuyển xuống chính là Lời, Lời mà Mẹ đã đón nhận và cẩn thận ghi nhớ cũng như cưu mang trong lòng. Khi cưu mang Lời trong lòng, Mẹ cũng cưu mang Sự Sống của chúng ta : “Đức Maria vội vã lên đường, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét” (Lc 1,39-40). Sự hiện diện của Mẹ Maria làm cho thế giới vui mừng như bà Êlisabét nói : “Vì khi vừa nghư tiếng em chào, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng tôi” (Lc 1,44).

Mẹ vui mừng, Mẹ cũng làm cho thế giới mừng vui, niềm vui của Mẹ trở thành bài thánh ca muôn thủa : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi!” (Lc 1,46-47). Thật là một quả phúc tuyệt vời trên cõi trời cao ban xuống cho nhân loại. Bài Ca Tạ Ơn của Đức Maria đã trở thành Lời Thiên Chúa. Trong bài ca ấy, chúng ta tìm ra con đường để hiểu biết con người và Thiên Chúa như thế nào, và trần thế cũng như thiên đàng ra làm sao. Tất cả hợp nhất cùng nhau và có thể làm như Mẹ đã làm, món quà mà Thiên Chúa làm cho chúng ta trong Con yêu dấu của Chúa qua Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh : để trở thành món quà Chúa cho thế gian, và mai ngày, trở thành món quà của nhân loại dâng lên Thiên Chúa, chúng ta phải noi gương của Đức Maria, người đã bước vào vinh quang trước chúng ta và đang đợi chúng ta ở đó.

Nữ Vương linh hồn và xác lên Trời, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Mẹ về Trời, niềm hy vọng của chúng ta

LỄ ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lc 1, 39-56)

Con rồng trong sách Khải Huyền được mô tả như là mầm mống của sự chết chóc vì nó đứng “rình người nữ sắp sinh con để nuốt lấy đứa trẻ” (Kh 12, 4). Với từ ngữ và hình ảnh tượng trưng, sách Khải Huyền còn gợi lên cuộc chiến lâu dài giữa sự sống và sự chết, giữa Satan với Đức Kitô và Giáo hội của Người. Người sẽ toàn thắng.

Chúng ta biết, cuộc chiến giữa sự sống và sự chết, giữa sự thiện và sự ác là không cùng. Con người dù tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, vẫn luôn mang trong mình sự mỏng giòn.

1. Sự mỏng giòn của con người

Vốn mỏng giòn yếu đuối, cộng thêm lo âu, phiền muộn về sức khỏe, việc làm, về công việc gia đình phải gánh vác, những mập mờ vô định ngày mai của cuộc đời, lo con còn trẻ, cha mẹ khi đã về già, ốm đau bệnh tật, khủng hoảng về luân lý…tất cả đè nằng lên lòng trí con người. Làm sao không khỏi ngạc nhiên khi thấy thời đại chúng ta đang tụt hậu trước những biến cố của cuộc đời?

Trước những bất hạnh của thế giới, có người buông xuôi không làm gì hết, để mặc cho số phận. Có người cấp tiến hơn, quyết định từ bỏ một phần và tự sát. Có người từ chối truyền lại sự sống mà họ đã lãnh nhận và không chịu nhận cái khả năng có thể cho tương lai của chính họ và xã hội. Dần dần những nhà trẻ sẽ thay thế nhà hưu dưỡng !

Giữa cảnh đời lữ thứ, người kitô hữu sống ra sao ? Đức tin của chúng ta thế nào khi đối diện với các thực tại như thế? Lễ Đức Maria hồn xác về Trời mang lại cho họ hy vọng gì trong cuộc sống?

2. Cuộc chiến thắng !

Chúng ta long trọng cử hành lễ Đức Maria hồn xác về trời với lòng sùng kính, giúp chúng ta trả lời những vấn nạn trên. Trước hết niềm tin của Giáo hội đối với tín điều Đức Piô XII đã xác quyết năm 1950. Chúng ta tin Đức Maria, đã được đặc ân cả hồn lần xác về Trời. Điều đó muốn nói rằng sự chiến thắng con rồng trong sách Khải Huyền hoàn tất nơi Mẹ, Mẹ về ngự bên hữu Chúa để chuẩn bị chỗ cho chúng ta như Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.

Chúng ta tự hỏi, Đức Maria đã được rước lên Trời cả hồn lẫn xác có làm chúng ta thay đổi không ?

Thánh Phaolô cho chúng ta câu trả lời : “Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc” (1 Cr 15, 20 ). Đức Giêsu sống lại, có người tin, người không tin. Nhưng, Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã sống lại thật, đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Việc Đức Maria hồn xác lên Trời là một thực tại khác : Đức Maria không phải là Thiên Chúa ; Mẹ là nữ tử Israel, là một trong những thụ tạo như chúng ta, là người nữ giữa muôn vàn người nữ trên trần gian. Mẹ đã được tôn vinh, vinh quang của Mẹ liên quan đến chúng ta. Những đặc ân của Mẹ là kết quả cụ thể của ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho Mẹ và nhân loại (x. 1 Cr 15, 20-26). Mẹ được vinh hiển là nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, Con của Mẹ. Việc Đức trinh Nữ được lên trời hồn xác là sự thông phần cá biệt vào cuộc phục sinh của Con Mẹ, và tiên báo cuộc phục sinh của các tín hữu (GLCG số 966).

Đức tin không nói cho chúng ta biết điều gì về cái chết của Đức Maria. Có người cho rằng Đức Maria không chết, nhưng Đức tin nói với chúng ta rằng sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria được Thiên Chúa tôn vinh. Nơi Mẹ, cũng như Đức Giêsu Con Mẹ, cái chết không phải là hết, sự chết đã bị đập tan. Trái đất không còn là nơi giam hãm con người trong số phận đau thương, các tầng trời mở ra để loan báo một tương lai sáng ngời cho nhân loại. Sự chết đã bị tiêu diệt bởi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Đó là niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta !

3. Sống trong hy vọng

Kinh Tạ Ơn của Đức Maria nêu rõ : “Chúa đã ra oai cánh tay thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng, Chúa lật đổ những người quyền thế, và nâng dậy những kẻ khiêm nhường. Phận đói nghèo Chúa ban của đầy dư... Vì Người nhớ lại lòng thương xót” (x. Lc 1, 39-56). Chắc chắn Thiên Chúa không thể để chúng ta bị nghèo đói đè bẹp, khi chúng ta tin vào lời Chúa hứa.

Mừng kính Đức Trinh Nữ Maria hồn xác về trời, chúng ta không chỉ mừng vì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những điều trọng đại, mà còn mừng vì tương lai của mỗi chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Anh em khỏi phải phiền sầu như những người khác, những kẻ không có hy vọng” (1 Tx 4, 13). Chúng ta cố gắng hiểu để sống sao cho xứng danh là người hy vọng.

Vậy mỗi người chúng ta hãy sống hy vọng, hãy làm ngày lại ngày, không buông tay, mặc cho những ngang trái của cuộc đời. Phúc cho chúng ta, nếu chúng ta can đảm chiến đấu mỗi sáng khi thức dậy cho cuộc sống đáng sống của mọi người trên trái đất. Nếu như khi xưa Mẹ đã đến với bà Êlisabet, làm cho cả gia đình bà vui mừng, thì ngày hôm nay Mẹ vẫn đến với chúng ta. Mẹ mở rộng vòng tay nói với chúng ta rằng : hỡi con, hãy tin tưởng và hy vọng, Chúa đã dọn chỗ cho con.

Nữ Vương linh hồn và xác lên Trời, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần I, Chương III
Vũ Văn An
02:55 12/08/2018


Chương III: Trong nền văn hóa vứt bỏ

41. Nền văn hóa vứt bỏ là một trong những điểm nổi bật của tâm thức đương thời của chúng ta, một tâm thức mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng phê phán. Các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cảnh báo người trẻ thường ở trong số các nạn nhân của nó ra sao, trong đủ mọi cách. Đồng thời, chúng ta đừng quên rằng người trẻ cũng có thể thấm nhiễm nền văn hóa này và dấn thân vào các tác phong qua đó người khác bị “vứt bỏ” hoặc tạo ra suy thoái môi trường, vì các lựa chọn thiếu trách nhiệm của người tiêu dùng. Cuối cùng, chúng ta phải nhìn nhận rằng một số nhà lãnh đạo Giáo Hội đang giúp đỡ và tiếp tay cho loại tác phong và suy tư này, do đó nuôi dưỡng sự lãnh đạm và loại trừ.

42. Qua Thượng Hội đồng này, Giáo hội cũng được kêu gọi phải đặc biệt chú ý đến các nạn nhân trẻ của bất công và bóc lột, qua việc nhìn nhận trong căn bản rằng việc mở ra các không gian để họ tự phát biểu, và đặc biệt được lắng nghe, là một cách để họ đòi lại phẩm giá của bản thân họ chống lại bất cứ sự bác bỏ nào, và nó mang lại tên tuổi và gương mặt cho những người thường xuyên bị lịch sử tước đoạt những điều này. Việc này sẽ có lợi cho việc nói lên tiềm năng của những người trẻ “bị vứt bỏ”: họ có khả năng trở thành những người chủ động trong việc phát triển chính họ, trong khi quan điểm của họ góp phần quan trọng vào việc xây dựng ích chung, trong một năng động tính không ngừng phát triển và hy vọng, bắt đầu với kinh nghiệm cụ thể, qua đó viên đá của các thợ xây bị vứt bỏ có thể trở thành viên đá góc tường (xem Tv 118: 22; Lc 20:17; Cv 4,11; 1Pr 2: 4).

Vấn đề việc làm

43. Như các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã nhấn mạnh, nạn thất nghiệp của giới trẻ ở nhiều nước đã đạt đến mức, không nói ngoa, có thể được coi là bi thảm. Hiệu quả nghiêm trọng nhất không phải là hiệu quả kinh tế, vì các gia đình, các hệ thống phúc lợi và các dịnh chế từ thiện thường có thể can thiệp và cung cấp các nhu cầu vật chất cho người thất nghiệp. Vấn đề thực sự là «những người trẻ thất nghiệp có một không tưởng bị chuốc thuốc mê, hoặc đang trên bờ vực bị mất nó» (Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Châu Mỹ Latinh, 28 tháng 2 năm 2014). Những người trẻ tuổi tại cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG phản ánh quan điểm này trong các tuyên bố của họ: «Kết cục, đôi khi chúng tôi phải vứt bỏ các ước mơ của mình. Chúng tôi quá sợ hãi, và một số trong chúng tôi đã ngừng mơ ước, không ít do nhiều áp lực kinh tế xã hội có thể làm cạn kiệt cảm thức hy vọng nơi giới trẻ. Đôi lúc, thậm chí chúng tôi còn không có cơ hội tiếp tục mơ ước» (GMTHĐ 3).

44. Một tác động tương tự gây ra bởi mọi tình huống trong đó, người ta, kể cả giới trẻ, buộc phải chấp nhận các công việc không tôn trọng phẩm giá của họ: đây là trường hợp các công việc không khai báo và không chính thức - thường đồng nghĩa với bóc lột - buôn bán người và các hình thức muôn mặt của lao động cưỡng bức và chế độ nô lệ đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Giống nhiều người khác trên thế giới, các bạn trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG cũng bày tỏ mối quan tâm của họ đối với loại tiến bộ kỹ thuật đã được chứng minh có tính thù địch đối với việc sử dụng lao động và lực lượng lao động: «Sự ra đời của trí thông minh nhân tạo và các kỹ thuật mới như người máy và việc tự động hóa đặt ra nhiều rủi ro đối với cơ hội nhân dụng của nhiều cộng đồng thuộc giai cấp lao động. Kỹ thuật có thể gây hại cho nhân phẩm khi không được sử dụng một cách hợp lương tâm và cẩn trọng và nếu phẩm giá con người không phải là trung tâm của việc sử dụng nó »(GMTHĐ 4).

Các di dân trẻ

45. Một bách phân lớn di dân là người trẻ. Các lý do khiến họ di dân rất đa dạng, như cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã nhấn mạnh: «Người trẻ mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng nhiều người buộc phải di dân để tìm ra một hoàn cảnh kinh tế và môi trường tốt hơn. Họ hy vọng hòa bình và đặc biệt bị thu hút bởi "huyền thoại phương Tây", như được mô tả qua các phương tiện truyền thông» (GMTHĐ 3); họ cũng “sợ vì có bất ổn xã hội, chính trị và kinh tế ở nhiều nước của chúng tôi» (GMTHĐ 1), và «một giấc mơ chung trên khắp lục địa và đại dương là mong muốn tìm được nơi trong đó người trẻ có thể cảm thấy họ được thuộc về » (GMTHĐ 3).

46. Tình trạng các vị thành niên không đi cùng các thành viên người lớn của gia đình, hoặc những người đến nước ngoài khi đang ở những năm cuối trung học, hết sức nhạy cảm (xem Đức Phanxicô, Thông điệp cho Ngày Di Dân và Người tị nạn Thế giới năm 2017. Các di dân trẻ em, những người dễ bị tổn thương và không có tiếng nói, ngày 8 tháng 9 năm 2016). Nhiều em có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người và một số em, theo nghĩa đen, thực sự biến mất trong làn khí mỏng. Chúng ta phải kể thêm các di dân trẻ thế hệ thứ hai, những người đang trải nghiệm nhiều khó khăn lớn lao về phương diện căn tính và hòa nhập giữa các nền văn hóa mà họ thuộc về, đặc biệt là nếu còn có nhiều khác biệt lớn về văn hóa và xã hội giữa nước xuất xứ và nước đến của họ.

47. Như nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhấn mạnh, việc di dân của giới trẻ dẫn đến việc làm nghèo vốn nhân lực năng nổ và dũng cảm ở các nước xuất xứ của họ và đe dọa sự phát triển bền vững của các nước này. Mặt khác, với các xã hội - và các Giáo hội – tiếp nhận họ, họ cung cấp một tiềm năng thay đổi lớn lao, nhưng dĩ nhiên, họ cần được đồng hành bởi các chương trình thỏa đáng và có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, ở điểm này, người trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG tỏ ra rất thận trọng, khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Vẫn chưa có sự đồng thuận có tính ràng buộc về vấn đề chào đón các di dân và người tị nạn, hoặc về những vấn đề gây ra hiện tượng này trước nhất. Điều này bất chấp sự nhìn nhận lời kêu gọi phổ quát phải quan tâm tới nhân phẩm của mỗi con người » (GMTHĐ 2). Cùng với những người trẻ di dân, chúng ta không nên quên những người tiếp tục sống trong các tình thế chiến tranh hay bất ổn chính trị. Những người trẻ tuổi của cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG rất thận trọng chỉ ra rằng «bất chấp nhiều cuộc chiến tranh và liên tục bùng phát bạo lực, người trẻ vẫn tiếp tục hy vọng» (GMTHĐ 3).

Các hình thức kỳ thị đa dạng

48. Nghiên cứu quốc tế cho thấy nhiều người trẻ đang phải đối diện với sự bất bình đẳng và kỳ thị vì giới tính, giai cấp xã hội, thành viên tôn giáo, khuynh hướng tình dục, vị trí địa dư, khuyết tật hoặc sắc tộc. Đây là một vấn đề được giới trẻ quan tâm sâu sắc và trên đó, cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG hiểu rất rõ ràng: «Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở các cấp độ khác nhau ảnh hưởng đến người trẻ ở các nơi khác nhau trên thế giới» (GMTHĐ 2). Cùng một tình trạng y hệt đã được phúc trình bởi rất nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC. Cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã đặc biệt lưu ý đến các hình thức kỳ thị ảnh hưởng đến các phụ nữ trẻ, cả ở trong lãnh vực giáo hội: “Ngày nay, có một vấn đề chung trong xã hội là phụ nữ vẫn không được dành cho một chỗ bình đẳng. Điều này cũng đúng trong Giáo Hội » (GMTHĐ 5). Vì vậy, những người trẻ tự hỏi mình "đâu là những nơi người phụ nữ có thể triển nở trong Giáo hội và xã hội?» (GMTHĐ 5), vì biết rằng «Giáo hội có thể tiếp cận các vấn đề này bằng một cuộc thảo luận có thực chất và cởi mở đối với những ý nghĩ và kinh nghiệm khác nhau» (GMTHĐ 5). Cuối cùng, người trẻ cảnh báo về hiện tượng tiếp tục kỳ thị dựa trên tôn giáo, đặc biệt chống các Kitô hữu. Điều này đúng đối với cả các bối cảnh, trong đó, họ là thiểu số và bị phơi lưng cho bạo lực và áp lực từ khối đa số vốn đòi họ phải trở lại đạo, lẫn những tình huống duy thế tục hóa cao độ (xem GMTHĐ 2).

Bệnh hoạn, đau khổ và bị loại trừ

49. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC và cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG nhận xét rằng nhiều người trẻ phải đương đầu với các hậu quả của đủ loại biến cố chấn thương khác nhau, hoặc các hình thức khác nhau của bệnh hoạn, đau khổ và khuyết tật. Họ dựa vào vòng tay chào đón và sự hỗ trợ của Giáo Hội, điều mà các gia đình của họ cũng cần. Đặc biệt, ở các nước có tiêu chuẩn sống cao hơn, các hình thức bất ổn tâm lý, trầm cảm, bệnh tâm thần và rối loạn ăn uống ngày càng trở nên phổ biến hơn nơi giới trẻ, do các hoàn cảnh bất hạnh sâu xa hoặc không có khả năng tìm được chỗ đứng trong xã hội. Ở một số quốc gia, tự tử là nguyên nhân số một gây tử vong trong nhóm tuổi từ 15 đến 44.

50. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, thuộc các khu vực khác nhau, quan tâm nhiều tới việc lan tràn các loại lạm dụng dược chất và nghiện ngập trong giới trẻ - và thậm chí rất trẻ - (các thuốc truyền thống và tổng hợp, rượu chè, cờ bạc và ghiền Internet, văn hóa khiêu dâm, v.v.) , cũng như các dạng tác phong sai lầm khác nhau (bắt nạt, bạo lực, lạm dụng tình dục). Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, điều rõ ràng là, trong nhiều trường hợp, các hình thức nghiện ngập này không phải là hậu quả của việc người ta chiều theo thói hư, mà đúng hơn là hiệu quả của động lực loại trừ: «Có một thứ trang bị ma túy hoàn cầu đang phá hủy thế hệ người trẻ, những người vốn được coi là để vứt đi! » (Diễn văn cho các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, 28 tháng 2 năm 2014). Tất cả điều này cho thấy rõ không những các cá nhân tham gia các hành động này mỏng manh xiết bao, mà cả các nạn nhân, gia đình và xã hội của họ nữa. Y hệt các phản ứng bạo lực và lầm lạc khi đối diện với các mâu thuẫn của xã hội, lạm dụng và nghiện ngập nằm trong số các lý do chính tại sao người trẻ, kể cả các vị thành niên, kết cục đã ngồi tù. Xét vì hệ thống tư pháp hình sự khó tạo cơ hội cho việc phục hồi xã hội, nên có nguy cơ lớn là việc giam giữ những người trẻ ít gây nguy hiểm cho xã hội sẽ cột họ vào một vòng lao lý mà họ khó có thể thoát ly, như tỷ lệ tái phạm cao chứng tỏ. Một sự kiện không kém nổi tiếng là việc giam giữ đã ảnh hưởng một cách không tương xứng đến các thành viên của các nhóm sắc tộc và xã hội chuyên biệt, cũng do thiên vị và kỳ thị mà ra.

Kỳ sau: Chương IV: Các thách thức nhân học và văn hóa
 
Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần I, Chương IV
Vũ Văn An
20:11 12/08/2018


Chương IV: Các thách thức nhân học và văn hóa

51. Các xã hội và nền văn hóa của thời ta được nhận diện bởi một số khía cạnh nòng cốt, dù dưới các hình thức khác nhau. Việc những khía cạnh này liên tục tái xuất hiện cho phép chúng ta nhận ra chúng như các dấu chỉ thay đổi của thời đại mà hiện chúng ta đang sống, trên bình diện nhân học và văn hóa. Hơn những người khác, người trẻ, vốn là những người canh chừng và biểu lộ mọi thời đại, coi những khía cạnh này như một nguồn cơ hội mới và đe dọa chưa từng thấy. Một số nhà phân tích nói tới một "sự biến hóa" (metamorphosis) thân phận con người, một sự biến hoá đặt ra cho mọi người, nhất là người trẻ, nhiều thách thức to lớn trên đường xây dựng một bản sắc lành mạnh.

Thân Xác, Cảm Giới và Tính Dục



52. Câu hỏi chủ chốt đầu tiên liên quan đến tính thân xác (corporeality) và nhiều khía cạnh của nó. Thân xác - vốn là biên giới và là giao điểm giữa thiên nhiên và văn hóa - luôn tượng trưng và bảo vệ cảm thức giới hạn của thân phận tạo vật và là một hồng phúc phải được chào đón một cách hân hoan và biết ơn. Những phát triển trong cuộc nghiên cứu y sinh học và kỹ thuật đang phát sinh ra một khái niệm khác về thân xác của chúng ta. Các triển vọng tích hợp ngày càng táo bạo giữa thân xác và máy móc, giữa các mạch thần kinh và điện tử, một tích hợp tìm thấy hình tượng trong cyborg (nửa người nửa máy), làm dễ dàng phương thức kỹ trị đối với tính thân xác, kể cả về phương diện kiểm soát các động lực sinh học. Về phương diện này, ta nên lưu ý tới sự kiện người ta thích nhất khi những người hiến trứng và các bà mẹ đẻ hộ là những người trẻ. Ngoài các đánh giá hoàn toàn đạo đức, những điều mới lạ này không thể ảnh hưởng tới khái niệm của chúng ta về thân xác và tư cách không thể bị sử dụng của nó. Một số nhà bình luận cho thấy sự khó khăn của các thế hệ trẻ trong việc thích ứng với chiều kích thân phận tạo vật này của họ. Trong một số ngữ cảnh, chúng ta cũng nên nhắc đến sự hấp dẫn ngày càng gia tăng của các trải nghiệm cực đoan, đến mức gây nguy hiểm cho cuộc sống của người ta, như cơ hội để được xã hội thừa nhận hoặc cảm nhận những cảm xúc mạnh mẽ. Hơn nữa, hoạt động tình dục sớm sủa, nhiều đối tác tình dục, văn hóa khiêu dâm kỹ thuật số, việc trưng thân xác trên trực tuyến và nguy cơ du lịch tình dục làm biến dạng vẻ đẹp và chiều sâu của đời sống cảm giới và tình dục.

53. Trong lĩnh vực giáo hội, tầm quan trọng của thân xác, cảm giới và tình dục được nhìn nhận, nhưng không phải lúc nào cũng được trình bày một cách thuyết phục như một yếu tố chủ chốt trong hành trình giáo dục và đức tin, bằng cách tái khám phá và đánh giá cao ý nghĩa của sự khác biệt giới tính và động lực ơn gọi vốn đặc thù đối với nam và nữ. Các nghiên cứu xã hội học cho thấy nhiều người trẻ Công Giáo không tuân theo giáo huấn của Giáo Hội về đạo đức tình dục. Không HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nào đưa ra các giải pháp hoặc quy định, nhưng nhiều Hội Đồng tin rằng «vấn đề tình dục phải được thảo luận một cách cởi mở hơn và không thiên vị». Cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG nhấn mạnh giáo lý của Giáo hội về các vấn đề gây tranh cãi, như «ngừa thai, phá thai, đồng tính luyến ái, sống chung, hôn nhân» (GMTHĐ 5) đã được tranh luận sôi nổi ra sao bởi những người trẻ, cả trong Giáo hội và trong xã hội. Có những người trẻ Công Giáo tin rằng giáo huấn của Giáo Hội là một nguồn vui và muốn Giáo Hội «giữ vững các chủ trương tín lý dù chúng không được nhiều người ưa thích và nên công bố chúng một cách có chiều sâu trong giảng dạy hơn» (GMTHĐ 5). Những người không đồng ý với họ vẫn muốn là thành phần của Giáo Hội cách nào đó, và yêu cầu có sự soi sáng hơn về vấn đề này. Do đó, cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG yêu cầu các nhà lãnh đạo giáo hội “nói bằng những ngôn từ thực tế về các chủ đề gây tranh cãi như đồng tính luyến ái và các vấn đề về phái tính, mà người trẻ hiện đã tự do thảo luận mà không kiêng cữ chi” (GMTHĐ 11).

Các mô hình tìm hiểu mới và việc tìm kiếm sự thật

54. Với các mức độ mạnh mẽ khác nhau, nhiều quốc gia trên thế giới đang đối phó với “các tin giả”, tức là sự phổ biến thông tin giả mạo không thể kiểm soát được qua các phương tiện truyền thông đại chúng (kỹ thuật số và những phương tiện khác) và việc càng ngày càng khó khăn phân biệt được nó với tin tức thực sự. Trong cuộc tranh luận công khai, sự thật và việc lý luận dường như đã mất hết sức thuyết phục của chúng. Đây là lý do tại sao thuật ngữ "sau sự thật" được đặt ra. Như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã chỉ ra, «trong các mạng lưới xã hội và phương tiện truyền thông kỹ thuật số không có phẩm trật sự thật».

55. Người trẻ đặc biệt bị phơi bày cho thứ bầu khí trên, vì các thói quen thông đạt của họ, và vì họ cần được đồng hành trong việc tìm thấy đường đi tối hậu của họ. Trong thế giới sau sự thật, câu “Chúa Kitô là Sự Thật làm cho Giáo Hội khác với bất cứ nhóm thế gian nào khác mà chúng ta có thể đồng hóa với” (GMTHĐ 11), mà cuộc Cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã sử dụng, chắc chắn kết cục sẽ có một ý nghĩa khác so với các thời đại trước đây. Nó không phải là việc từ bỏ dấu ấn quý giá nhất của Kitô giáo để sống phù hợp với tinh thần thế gian, cũng không phải là điều mà người trẻ đang yêu cầu, nhưng chúng ta cần tìm ra cách để truyền đạt thông điệp Kitô giáo trong các hoàn cảnh văn hóa thay đổi . Để phù hợp với truyền thống Thánh Kinh, việc nhìn nhận rằng sự thật có căn bản tương quan là một điều tốt: con người nhân bản khám phá ra sự thật một khi họ cảm nghiệm nó từ Thiên Chúa, Đấng duy nhất thực sự đáng nương tựa và đáng tin cậy. Sự thật này phải được chứng thực và thực hành chứ không chỉ làm cho vững và chứng minh mà thôi, điều mà người trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã nhận ra: “Các câu chuyện bản thân của các chi thể Giáo Hội là những cách hữu hiệu để truyền giảng tin mừng, vì các trải nghiệm bản thân không thể được đặt thành nghi vấn” (GMTHĐ 15).

56. Hôm nay chúng ta phải nhận ra rằng cách các phương tiện truyền thông kỹ thuật số hành động, và việc cần phải chọn nguồn thông tin nào để truy cập giữa các đề xuất bất tận, đang hướng dẫn người ta ngày càng chỉ biết tiếp xúc với những cá nhân cùng não trạng. Các nhóm, tổ chức và hiệp hội giáo hội cũng có nguy cơ biến thành những vòng cung đóng kín (xem GE 115).

Các hiệu quả nhân học của thế giới kỹ thuật số

57. Từ quan điểm nhân học, sự bùng nổ của kỹ thuật số bắt đầu có tác động rất sâu sắc đối với khái niệm thời gian và không gian, đối với việc tự nhận thức của chúng ta và cách chúng ta nhìn người khác và thế giới, đối với cách ta thông đạt, học hỏi và trở nên hiểu biết. Cách tiếp cận thực tại nào dành ưu tiên cho hình ảnh hơn là lắng nghe và việc đọc đều đang thay đổi cách chúng ta học hỏi và phát triển các khả năng phê phán của ta. Trong tương lai, nó không thể không ảnh hưởng đến cả cách thức truyền đạt đức tin, dựa vào việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và đọc Thánh Kinh. Các câu trả lời của các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho thấy hình như ít hội đồng hoàn toàn nhận thức được sự biến hóa hiện nay.

58. Sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số một cách hời hợt khiến người ta có nguy cơ bị cô lập, thậm chí có thể trở nên thậm nguy: tình trạng này được biết đến dưới thuật ngữ tiếng Nhật hikikomori và đang ảnh hưởng ngày càng nhiều thanh niên hơn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á. Một nguy cơ khác là rút vào thứ hạnh phúc ảo tưởng và phù du dẫn đến nhiều hình thức nghiện ngập. Người trẻ dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã nhận ra điều này: “người trẻ tuổi hay có xu hướng tách biệt hành vi của họ thành môi trường trực tuyến và ngoại tuyến. Thành thử cần phải đào luyện để người trẻ tuổi biết cách sống cuộc sống kỹ thuật số của họ. Các mối liên hệ trực tuyến có thể trở thành vô nhân. Các không gian kỹ thuật số làm chúng ta không nhìn thấy tính dễ bị tổn thương của một con người nhân bản khác và cản trở sự tự phản tỉnh của chúng ta. Các vấn đề như văn hóa khiêu dâm làm méo mó cách nhận thức của người trẻ về tính dục của con người. Kỹ thuật được sử dụng theo cách này tạo nên một thực tại ảo tưởng song song mà bỏ qua phẩm giá con người. Các rủi ro khác bao gồm: mất bản sắc liên kết với việc trình bày sai lạc về con người, xây dựng một nhân cách ảo và mất đi sự hiện diện có cơ sở xã hội. Ngoài ra, còn có các rủi ro dài hạn, chúng bao gồm: mất trí nhớ, mất văn hóa và óc sáng tạo trước việc có thể lập tức truy cập thông tin, và mất tập trung do việc phân mảnh gây ra. Thêm vào đó, còn có nền văn hóa và chế độ độc tài của dáng vẻ bề ngoài nữa» (GMTHĐ 4).

Việc không thích các định chế và các hình thức tham gia mới

59. Một đặc điểm khác tìm thấy trong nhiều xã hội đương thời là sự yếu kém của các định chế, và sự suy giảm tin tưởng của người ta vào chúng, gồm cả Giáo Hội. Các câu trả lời cho Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng làm nổi bật sự kiện chỉ có một số ít người trẻ (16,7%) tin rằng họ có khả năng ảnh hưởng đến đời sống công cộng của đất nước họ: không phải họ không muốn, nhưng họ tin rằng họ ít có cơ hội và không gian thuận lợi để làm việc này. Việc thiếu sự lãnh đạo đáng tin, ở các bình diện khác nhau, cả trong lĩnh vực dân sự lẫn giáo hội, đều bị người trẻ phê phán mạnh mẽ. Một điểm yếu đặc biệt hiển nhiên đã phát sinh do việc tràn lan tham nhũng. Các định chế phải quan tâm đến ích chung và khi ai đó dám bắt chúng phục vụ lợi ích bản thân của họ, tính khả tín của chúng bị xói mòn đáng kể. Đây là lý do tại sao tham nhũng phá họai nền tảng của một số xã hội. Thách thức của công bình xã hội nhất thiết đòi phải xây dựng các định chế hợp công lý nhằm phục vụ nhân phẩm một cách toàn diện.

60. Sự mất hy vọng nơi các định chế cũng có thể có lợi, khi nó mở nhiều con đường khác nhau cho việc tham gia và người ta nhận nhiều trách nhiệm hơn mà không rơi vào hố hoài nghi. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC chỉ ra rằng, trong bối cảnh không chắc chắn và sợ hãi về tương lai, người trẻ không còn liên kết với các định chế đúng nghĩa, nhưng với những người ở bên trong chúng chịu thông truyền các giá trị bằng chứng từ đời sống của họ. Cả ở bình diện bản thân lẫn định chế, tính nhất quán và trung thực là các nhân tố căn bản cho tính khả tín.

Tê liệt không quyết định được vì có quá nhiều đề nghị

61. Một số yếu tố đã đề cập trên đây, nếu xét chung với nhau, giải thích lý do tại sao, ở một số nơi trên thế giới, chúng ta đang phải sống trong một “nền văn hóa do dự”, coi những chọn lựa có tính suốt đời là chuyện không thể có, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Trong một thế giới nơi mà các cơ hội và khả thể tăng theo cấp số nhân, người ta đã trở thành bộc phát trong phản ứng đối với các lựa chọn luôn luôn có thể đảo ngược, ngay cả khi điều này ngụ ý phải liên tục kìm hãm ước muốn của chúng ta. Quá trình biện phân ơn gọi, theo trục các bước “nhìn nhận, giải thích, chọn lựa”, thường bị mắc kẹt vào lúc phải đưa ra các chọn lựa và phải thực hiện chúng. Đôi khi người ta đi tìm các bảo đảm ở bên ngoài, những bảo đảm không đòi khổ công phải tiến bước trong đức tin và phó mình cho Lời Chúa; có khi, điều trổi vượt là nỗi sợ phải từ bỏ các xác tín riêng của mình để sẵn sàng đón nhận các bất ngờ của Thiên Chúa.

62. Sự bất an của điều kiện làm việc và sự bấp bênh xã hội ngăn chặn bất cứ kế hoạch trung và dài hạn nào. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, đặc biệt là ở phương Tây, cho rằng khá khó để người trẻ có thể đạt được kế hoạch kết hôn mà không gây nguy hại cho sự tự lập của họ về kinh tế. Hơn nữa, như các câu trả lời cho Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng đã chứng tỏ, nhiều người trẻ đang tự hỏi làm thế nào các quyết định dứt khoát có thể có được trong một thế giới nơi không có gì có vẻ ổn định, thậm chí không thể phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Do đó, một trong những thách thức cấp bách vốn là đặc điểm của thời ta là làm thế nào trình bày các quyết định của đời sống như những cách lãnh trách nhiệm đối với chính đời sống của chúng ta.

Bên kia việc tục hóa

63. Mặc dù các dự đoán được đưa ra trong hai thế kỷ qua, việc tục hóa dường như đã không trở thành số phận không thể tránh được của nhân loại. Theo nhiều cách khác nhau, các trước tác học thuật liên tục sử dụng các kiểu nói như “sự trở lại của thể thánh thiêng” hay những kiểu nói khác giống như thế. Tình hình này hiện hữu cùng một lúc với việc suy giảm ơn gọi làm linh mục và làm tu sĩ và việc các nhà thờ dần dần trống chỗ đang diễn ra tại một số nơi trên thế giới: do đó, đây không phải là việc trở lại quá khứ, mà là sự xuất hiện của một mô hình mới về lòng đạo, được mô tả như không quá định chế hóa và ngày càng "lỏng" hơn, được đánh dấu bằng rất nhiều con đường cá nhân, ngay cả đối với những người cho rằng mình thuộc về cùng một hệ phái. Do đó, trong cuộc Hội Thảo Quốc Tế về Thân Phận Tuổi Trẻ, các tham dự viên đã nói rằng «trong thế giới đã dị biệt hóa của một người trẻ, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy sức sống tôn giáo và tâm linh». Sự không hài lòng với một tầm nhìn thế giới hoàn toàn nội tại (immanent), như được chủ nghĩa duy tiêu thụ và giản lược khoa học truyền đạt, mở ra một cánh cửa cho việc đi tìm ý nghĩa của cuộc sống qua các hành trình tâm linh thuộc nhiều loại khác nhau. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC quả quyết: “Nhiều người trẻ tuyên bố rằng họ đang tìm kiếm ý nghĩa của đời sống, theo đuổi các lý tưởng, tìm kiếm linh đạo và đức tin bản thân của riêng họ, nhưng họ hiếm khi hướng về Giáo Hội”. Chúng ta cần phải tập trung vào các đặc điểm của thái độ thay đổi này đối với tôn giáo, để giải thích các nguyên nhân và kết quả có thể có của nó, nhận diện được đâu là các cơ hội nó có thể cung cấp cho việc công bố sứ điệp Tin Mừng và đâu là các rủi ro hoặc mơ hồ nó có thể sản sinh ra. Ở nhiều nơi, điều này đi kèm với sự hấp dẫn của các đề xuất duy truyền truyền thống hoặc cực đoan nơi một số phân bộ của thế giới người trẻ: trường hợp các chiến binh nước ngoài và việc cực đoan hóa ở các bình diện khác nhau là một thí dụ của hiện tượng này. Theo một hướng hoàn toàn khác, chúng ta thấy một tình huống đáng lưu ý mà một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Đông Âu từng nhận thức, liên quan đến việc từ từ thay đổi trong các thực hành tâm linh và tôn giáo, chuyển từ bổn phận qua các sinh hoạt nhiệm ý trong lúc nhàn tản: điều này làm nổi bật khía cạnh chọn lựa bản thân, nhưng rõ ràng các thực hành như thế phải cạnh tranh với nhiều thực hành khác.

Kỳ sau: Chương V: Lắng nghe người trẻ
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đồng hương Giáo phận Vinh tại Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
05:01 12/08/2018
Melbourne, vào lúc 3 giờ chiều Chúa Nhật 12/8/2018. Đồng hương Giáo phận Vinh sống trong Tiểu bang Victoria, nhất là khu vực Tổng Giáo phận Melbourne. Bao gồm quý linh mục, tu sỹ nam và nữ cùng đông đảo giáo dân đồng hương, cùng thân hữu, đã về Ngôi Thánh đường Thánh Phêrô vùng Epping để dâng lễ mừng bổn mạng của Giáo phận Vinh nhân lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Xem hình

Trong ngôi Thánh đường cổ kính, đã được xây dựng trên một trăm năm, hiện do Linh mục Nguyễn Hồng Ánh đảm nhận chức vụ chánh xứ. Rất đông đồng hương đã về dâng lễ mừng bổn mạng cùng 11 linh mục và một phó tế cùng với các tu sỹ nam nữ, Ban mục vụ Công đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne, và được Ca đoàn Mân Côi Bình Giả phụ trách phần thánh ca giúp cho buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng.

Trong Thánh lễ mừng bổn mạng năm nay, đồng hương Bình giả còn được chúc mừng mười năm hồng ân linh mục của hai cha Nguyễn Hồng Ánh và cha Lĩnh. Trong phần chia sẻ lời Chúa. Linh mục La-Da-Ro Antôn Phạm Xuân Tạo đã chia sẻ ba phần, với bài đọc một nói về con rồng với bảy đầu 10 sừng. Con rồng là hiện thân của Satan có nhiệm vụ phá hoại công cuộc cứu chuộc của Chúa. Và chưa bao giờ Satan có thể thắng nổi.

Trở lại Giáo phận Vinh, nơi bị bách hại nhiều nhất, kể từ thời các vua chúa và nguy hiểm nhất là thời Văn Thân. Một cuộc bách hại vô cùng tàn khốc trong lịch sử cấm đạo tại Việt Nam nói chung và Giáo phận Vinh nói riêng. Satan đã không làm gì nổi để xóa đạo Công Giáo nơi Giáo phận Vinh, mà còn làm cho giáo phận mỗi ngày một thêm lớn mạnh. Và những lúc gần đây, Giáo phận Vinh cũng đang phải gánh chịu nhiều áp lực từ phía nhà cầm quyền, gây rất nhiều khó khăn cho giáo phận.

Tuy nhiên, vì Giáo phận Vinh đã chọn Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng. Và nhờ đó mà giáo phận luôn được Mẹ che chở, nâng đỡ để vượt qua mọi gian nan khốn khó khi mà nhà cầm quyền, đã dùng mọi thủ đoạn đê hèn, như dùng hội cựu chiến binh, hội cờ đỏ với những hành vi đê tiện, vu oan giáng lên những người con can trường của Giáo phận Vinh. Vì chúng ta có Mẹ, có Chúa. Chúng ta chống lại, nhưng chúng ta không dùng vũ khí. Chúng ta chỉ có tràng chuỗi Mân Côi để làm vũ khí qua cầu nguyện.

Giáo phận lần chuỗi, giáo hạt lần chuỗi, giáo xứ lần chuỗi, khu xóm lần chuỗi, nhà nhà, người người lần chuỗi và chúng ta có Chúa, có Đức Mẹ bên canh để nâng đỡ chúng ta.

Linh mục Hương, Phó Giám đốc Đại chủng viện Vinh đã lên tâm sự về ơn gọi. Cha cho biết, trong khi nhiều nơi còn thiếu người theo ơn gọi, thì tại Giáo phận Vinh, luôn luôn có từ bốn tới sáu trăm em muốn xin được gia nhập chủng viện.

Chủng viện chỉ có khả năng nhận mỗi khóa từ 40 đến 60 chủng sinh. Qua thống kê, có đến 82% các chủng sinh là con nhà nghèo, cha mẹ không thể lo cho con cái về chi phí khi theo học tại đại chủng viện. Và giáo phận hiện nay, không cho phép các chủng sinh tự kiếm người bảo trợ. Do đó, giáo phận kêu gọi đến lòng hảo tâm của mọi người giúp giáo phận lo cho chủng viện có kinh phí đào tạo ơn gọi.

Cuối cùng, ông Trần Đức Danh, thay mặt ban tổ chức lên cám ơn quý cha, quý tu sỹ nam nữ. Đại diện các ban ngành đoàn thể, ca đoàn đã về dự. Các vị hảo tâm đã tặng các món ăn cho buổi họp mặt sau thánh lễ. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, mọi người được mời qua bên hội trường để chung vui nhau những món ăn, nghe nhau hát, và có dịp để trò chuyện, tâm sự cùng nhau sau một thời gian dài bận rộn cùng công việc. Trời mùa Đông Melbourne như được sưởi ấm trong tình đồng hương.
 
Khám chữa bệnh thiện nguyện của Nhóm Bác Sĩ Martinô Yêu Thương tại Gx Thái Hiệp
Hoàng Thiên Quốc
16:23 12/08/2018
KHÁM CHỮA BỆNH THIỆN NGUYỆN CỦA Y BÁC SĨ NHÓM MARTINÔ YÊU THƯƠNG

“Dong duổi trên khắp nẻo đường,
Mang tình thương Chúa, nêu gương yêu người
Sẻ chia biết bao nụ cười
Xóa tan đau khổ, cho người muôn phương”


Xem hình

Sáng Chúa Nhật ngày 12 tháng 8 năm 2018, một ngày nắng đẹp của thành phố Biên Hòa, vùng đất của sự năng động pha chút bình yên. Tại Giáo Xứ Thái Hiệp, Hạt Biên Hòa, Gp. Xuân Lộc, ngày hôm nay lại càng đẹp và ý nghĩa hơn khi có những hạt mầm tình yêu được lan tỏa; nơi có những tấm lòng đang trao gửi yêu thương đến những anh chị em của mình.

Từ sớm tinh sương, khi mặt trời còn chưa ló dạng, người ta thấy từng đoàn xe của các y-bác sĩ đến với Giáo xứ Thái Hiệp như một luồng gió mới, luồng gió của sự tươi mát, luồng gió của yêu thương làm tỏa sáng lên lòng thương xót của Thiên Chúa. Đáp lại sự mời gọi của Cha Phaolô Nguyễn Đức Thành - Chánh xứ Thái Hiệp - Quản hạt Biên Hòa, các anh chị em nhóm thiện nguyện “Martinô yêu thương” – dưới sự hướng dẫn của trưởng nhóm là Cha Tôma Aquinô Đỗ Nguyễn Minh Quân, Op. – đã tập trung từ rất sớm, cùng phân chia công tác các khu vực, sắp xếp các dụng cụ y tế, để chuẩn bị cho một ngày “lan tỏa trái tim yêu thương” đến mọi người; cụ thể: những bệnh nhân là con dân trong giáo xứ, những bệnh nhân nghèo, những người không có điều kiện được tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe tốt nhất,… Tất cả họ sẽ đều được khám chữa bệnh tận tình và hoàn toàn miễn phí với những bác sĩ kinh nghiệm và tràn đầy lòng mến yêu.

Từ 8h, sau thánh lễ Thiếu Nhi, mọi người dân trong và ngoài giáo xứ đã đến với khu vực khám chữa bệnh đã được sắp xếp của nhóm. Dù là người phục vụ hay được phục vụ, dù là các thiếu nhi hay cụ già, nhìn trên nét mặt của mọi người, ai cũng nở một nụ cười hạnh phúc. Đầu tiên, bệnh nhân được điền giấy thông tin, được các bác sĩ thăm hỏi về những triệu chứng cơ năng, được đo huyết áp, và di chuyển đến khu vực chữa bệnh (nội, nha, nhi và mắt). Sau đó, mọi người được hướng dẫn thử máu và lấy thuốc. Các bệnh nhân được chăm sóc rất tận tình với các máy móc đáp ứng nhu cầu của một bệnh viện thu nhỏ: máy xét nghiệm, máy siêu âm, máy đo điện tim, máy nha (dùng trám nhổ), máy nội soi tai mũi họng, máy đo khúc xạ,…

Nhóm thiện nguyện đã thành lập được 6 năm (Chính thức được quy tụ lại dưới tên “Martinô yêu thương” vào 25/11/2015), mỗi tháng một lần, đến hẹn lại lên, gác lại những công việc thường nhật, anh chị em trong nhóm lại dong duổi đến những vùng đất khác nhau để trao gửi yêu thương đến mọi người. Vùng đất đó có thể là cao nguyên bạt ngàn của Kontum, Gia Lai, Đắknông,… có thể là vùng sông nước của Kiên Giang, Bến Tre,…dù là thành phố hay thôn quê. Nơi nơi, với “tình yêu Đức Kitô thúc bách”, nhóm “Martinô yêu thương” đã khám, điều trị, cấp thuốc, và trao quà cho biết bao nhiêu những bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo và thiếu sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng.

Lần này đến với Giáo xứ Thái Hiệp, đoàn có 40 Bác sĩ khám tổng quát (10 Bs Nhi 10 Nha sĩ 20 Dược) và hơn 80 cộng tác viên. Trong đó, anh chị em là những bác sĩ từ các bênh viện của Đồng Nai, các bệnh viện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, các Cha và các Sơ Đaminh. Với mục đích: theo Chúa Giêsu, sống và phục vụ cho người nghèo. Cha Tôma Aquinô và các bạn đã thực sự mang trái tim Giêsu đến với mọi người; đặc biệt những bệnh đau khổ, và thiếu thốn tình yêu.

Đúng 11h, chương trình được kết thúc tốt đẹp trong sắc trời trong xanh và sự bình yên của lòng người.
 
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Fresno, California mừng lễ bổn mạng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Magarita Nguyễn Phương Lan
20:51 12/08/2018
Chúa Nhật ngày 12 tháng 8 năm 2018 vào lúc 1:00 trưa toàn thể cộng đoàn giáo xứ Đức Mẹ La Vang thành phố Fresno California đã long trọng mừng lễ bổn mạng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Hiệp dâng trong thánh lễ có Cha chánh xứ Giuse Đinh Toàn Victor, Thầy phó tế Giuse Nguyễn Phi Hùng và đặc biệt có Đức Ông Dreiling Raymond Tổng Quản Giáo Phận Fresno chủ tế thánh lễ.

Xem Hình

Nguyện xin Đức Mẹ luôn chở che, cầu bầu cùng Chúa ban cho giáo xứ chúng con và những ai mừng bổn mạng hôm nay nhiều ơn lành hồn xác để mọi người trong chúng con qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria luôn nhận được nhiều hồng ân từ nơi Thiên Chúa, để đức tin luôn được phát triển vững mạnh làm chứng nhân cho Chúa giữa cuộc sống nơi xứ người.

Margarita Nguyễn Phương Lan.
 
Tân Ban Mục Vụ Cộng đoàn Việt Nam St Margaret Mary’s nhiệm kỳ 2018-2021:
Vietcatholic.net
22:07 12/08/2018
Tân Ban Mục Vụ Cộng đoàn Việt Nam St Margaret Mary’s nhiệm kỳ 2018-2021:
xem hình (Photo Lê Hải)
Chiều Chúa Nhật trong thánh lễ 5 giờ, Ban Mục vụ cũ và mới cùng dâng lễ để tạ ơn, cám ơn Ban mục vụ cũ đã phục vụ cộng đoàn trong 6 năm qua và cầu nguyện cho Ban mục vụ mới. Sau phần chia sẻ Lời Chúa, tân ban mục vụ đã tuyên thệ nhận chức và bắt tay vào làm việc… Phần kết lễ tất cả cộng đoàn đã cùng nắm tay hát bài “Kinh Hòa Bình” như quyết tâm cùng nhau xây dựng một cộng đoàn yêu thương.
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 13/8/2018: Nhà thờ kính Đức Mẹ Hòm Bia Giao Ước là điểm hẹn mới cho người Việt Nam viếng Đất Thánh
VietCatholic Network
15:58 12/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1. Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Chúa Nhật ngày 12/8/2018.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô: Các ngẫu tượng luôn luôn nô lệ hóa con người.

3. Đức Giáo Hoàng khuyến khích các Hiệp Sĩ Colombo trong các công tác bác ái.

4. Đại Hội thường niên thứ 136 của Hội Hiệp Sĩ Colombo.

5. Hiệp Sĩ Colombo giúp thêm 3 triệu Mỹ kim cho Kitô hữu Trung Đông.

6. Cuộc gặp gỡ quốc tế giới trẻ cộng đoàn Taizé tại Hong Kong.

7. Thượng viện Argentina bác bỏ dự luật hợp pháp hóa phá thai.

8. Các tín hữu Kitô tại Etiopia bị bạo lực.

9. Nỗi đau của một linh mục blogger Trung quốc khi Thánh giá bị bỏ.

10. Nhà thờ kính Đức Mẹ Hòm Bia Giao Ước là điểm hẹn mới cho người Việt Nam viếng Đất Thánh.

11. Giới thiệu Thánh Ca: Cuộc Đời Chóng Qua.

https://youtu.be/Mc3-emggC4E

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Kỹ thuật truyền hình: Beam Light trong cảnh cầu nguyện
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:16 12/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Các bạn đang theo dõi chương trình huấn luyện kỹ thuật viên truyền hình của VietCatholic. Trong chương trình này Mai Hương sẽ trình bày với các bạn cách làm Beam Light.

Beam Light được dùng trong nhiều bối cảnh khác nhau. Một trong những bối cảnh tiêu biểu nhất là cảnh cầu nguyện. Bạn hãy tưởng tượng cảnh một người đang cầu nguyện và một luồng sáng chiếu từ trên cao xuống bao phủ người ấy. Đó là một bối cảnh rất linh thánh.

Beam Light rất phù hợp với các videos Thánh Ca. Do đó, các bạn nào làm các chương trình Thánh Ca nên chú ý đặc biệt đến kỹ thuật này.

Trước hết, xin mời các bạn theo dõi clip sau được thực hiện bằng Beam Light.

Trong bối cảnh của một studio, những beam lights như thế là không thể thực hiện “real” được vì ánh sáng của các đèn Key Light quá mạnh sẽ xua tan ánh sáng beam light. Tất cả những cảnh liên quan đến beam light mà bạn thấy trong điện ảnh đều là ảo ảnh cuộc đời thôi các bạn ạ. Đây là chiêu thức cụ thể để thực hiện các beam light đó.

Trước khi bắt đầu, bạn phải download xuống máy của bạn 14 cái Beam Lights đã được làm sẵn. Địa chỉ download có thể được tìm thấy trong bài viết đăng trên VietCatholic và trong Description trên YouTube.

Địa chỉ download file thực hành: https://tinyurl.com/y8v2hdaq

14 files này được nén lại thành 1 file. Bạn cần unzip ra rồi kéo vào Project Panel trong Adobe Premiere.

Bạn cần kiểm tra xem mình có thấy được cái Effect Control Window hay không? Nếu không thấy, bạn chọn menu Window rồi tick vào Effect Control.

Dùng con mouse drag một cái beam light, cái nào cũng được, tuỳ bạn, vào cái Time Line, ở trên cái clip mà bạn muốn có hiệu ứng beam light.

Click vào cái beam light. Trong panel Effect Control, bạn sửa cái Blend Mode từ Normal thành Screen.

Như vậy là xong. Dễ như ăn cháo phải không?

Di chuyển cái timeline marker xung quanh cái beam light, bạn sẽ thấy thành quả mình vừa tạo ra.

Nếu thấy hình ảnh bị giựt thì bạn kéo cái timeline marker về phía trước cái đoạn transition 1 chút rồi nhấn vào phím I. Rồi bạn kéo cái timeline marker về phía sau cái đoạn transition 1 chút. Nhấn phím O. Rồi nhấn phím Enter. Adobe Premirer sẽ render và play cái khúc đó.

Bạn lần lượt thử các beam lights khác. Cái nào ưng ý nhất, phù hợp nhất với bối cảnh thì chọn cái đó.

Chúc các bạn thành công nhé.