Ngày 05-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Thánh Thần tác động nơi các tín hữu
Lm Đan Vinh
01:08 05/06/2019
Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống năm C
Cv 2,1-11 ; 1 Cr 12,3b-7.12-13 ; Ga 20,19-23

TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN NƠI CÁC TÍN HỮU

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 20,19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2. Ý CHÍNH: CHÚA PHỤC SINH TRAO BAN THẦN KHÍ

Chúa Ki-tô Phục Sinh đã hiện đến mang lại cho các môn đệ sự bình an (c.19) và niềm vui (c.20). Sau đó Người sai các ông đi (c.21a), cũng như chính Người đã được Chúa Cha sai (c.21b). Cuối cùng, để giúp các ông chu toàn sứ vụ, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông (c.22). Từ đây các ông được hiệp thông quyền năng gây sự sống của Thánh Thần để tha tội hay cầm giữ tội của người ta tùy theo họ tin hay không tin vào lời rao giảng của các ông (c.23).

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-20: +Vào chiều ngày ấy, ngày thứ Nhất trong tuần: Theo sách Sáng thế, ngày thứ Nhất là ngày sau Sa-bát. Đây chính là ngày kỷ niệm Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại. Từ đây, các Ki-tô hữu sẽ luôn họp nhau vào các ngày thứ nhất trong tuần và gọi là Chúa nhật nghĩa là “Ngày của Chúa”. +Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái: Lý do nhà các môn đệ phải cửa đóng then cài, là vì tinh thần các ông đang hoang mang giao động. Các ông sợ người Do thái sẽ đến bắt các ông như họ đã làm đối với Thầy Giê-su. + Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông: Điều này cho thấy thân xác Chúa Phục Sinh không còn bị không gian và thời gian giới hạn như khi Người còn sống. +“Bình an cho anh em!”: Trong bữa Tiệc ly trước khi nộp mình chịu chết, Đức Giê-su đã hứa ban bình an cho môn đệ (x. Ga 14,27), và động viên các ông can đảm đương đầu với những thử thách sắp đến (x. Ga 16,33). Giờ đây sau khi sống lại, Người đã thực hiện lời hứa ấy bằng việc hai lần chúc ban bình an cho các ông (x. Ga 20,19.21). +Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Chúa Giê-su cho môn đệ xem các dấu đinh bị đóng nơi hai bàn tay (x. Ga 19,23) và vết thương bị lưỡi đòng đâm thâu nơi cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này chứng tỏ thân xác Chúa Phục Sinh cũng chính là thân xác đã từng trải qua cuộc khổ nạn trước đó.
- C 21-23: +Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em: Việc hiện ra và sai các môn đệ đi sau khi sống lại, cho thấy mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng của ơn gọi và sứ vụ loan Tin mừng của Hội thánh. Như Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai xuống trần gian, thì giờ đây, sau khi phục sinh được siêu tôn làm “Chúa” (x. Pl 2,11) và được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18), Người lại sai các môn đệ ra đi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người (x. Mt 28,19), và trở thành chứng nhân của Người (x. Cv 1,8). +Người thở hơi vào các ông +và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần: Xưa khi sáng tạo lòai người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào hình nhân bằng đất sét, để trở thành một người sống động là ông A-dam (x. St 2,7). Thì nay, Chúa Phục Sinh cũng thổi Thần Khí để biến đổi các môn đệ nên con người mới, đầy ân sủng sự sống của Thánh Thần. Tuy nhiên ngay lúc này các ông chưa đón nhận được ơn Thánh Thần ban, vì còn thiếu đức tin. Vì thế Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần và dùng nhiều cách để tăng cường đức tin cho các ông. Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được Chúa Phục Sinh ban đã phát huy tác động trên các ông (x. Cv 2,1-4). +Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ: Đức Giê-su đã được Gio-an Tẩy giả giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Sứ vụ của Người là tẩy xóa tội lỗi loài người bằng việc tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối và đã đặt trọn niềm tin nơi Người (x. Lc 23,40-43). Giờ đây các môn đệ cũng được Người trao quyền tha tội nhờ Thánh Thần.

4. CÂU HỎI:

1) Sau khi sống lại, tại sao Chúa Giê-su lại cho môn đệ xem tay và cạnh sườn ?
2) Người đã sai các ông đi rao giảng Tin mừng khi nào ?
3) Đức Giê-su đã làm gì để ban Thánh Thần cho các ông ?
4) Các ông chỉ thực sự được ơn Thánh Thần tác động khi nào ? Tại sao ?
5) Chúa Phục Sinh đã ban quyền tha tội cầm buộc cho các ông qua câu nói nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

2. CÂU CHUYỆN:

1) VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ:

Một phóng viên đã đặt câu hỏi với một chuyên viên Kinh Thánh như sau: Nếu nhờ khoa học tiến bộ, người ta sáng chế ra được một máy quay phim ngược thời gian. Máy này có thể thu lại tất cả hình ảnh và lời giảng dạy của Chúa Giêsu cách đây hơn 2000 năm. Vậy bộ phim ấy có thể thay thế được bốn sách Tin Mừng không? Nhà chuyên viên trả lời: Không thể được, bởi vì đức tin không do mắt thấy tai nghe, nhưng là do Thánh Thần tác động qua lời rao giảng của Hội Thánh.

Thực vậy bọn biệt phái ngày xưa đã từng nhìn thấy Chúa, nghe lời Chúa giảng, chứng kiến những việc Chúa làm thế mà họ không những không tin mà còn thù ghét và cuối cùng đã đóng đinh Người vào thập giá. Còn các tông đồ mặc dù đã theo Chúa, nhưng cũng chỉ thực sự có đức tin và dám sống chết cho Ngài sau biến cố tử nạn và phục sinh nhờ ơn Thánh Thần tác động vào lễ Ngũ Tuần.

2) THÁNH THẦN GIÚP CÁC TÍN HỮU HIỂU RÕ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG:

Một nhà văn Thụy Điển đã thuật lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Một hôm một nhà hiền triết kia đi lang thang trong rừng, miệng không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối. Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh. Cụ tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.
Nhà hiền triết hốt hoảng và chạy trốn khỏi khu rừng để không còn nghe tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn chưa được giải quyết.
Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Cũng vậy, Chính Chúa Thánh Thần luôn điều hành vũ trụ vạn vật nói chung và loài người nói riêng. Không có Chúa Thánh Thần thì mọi sự sẽ trở nên hỗn độn, mọi loài sẽ thành bất đồng, loài người sẽ chia rẽ nhau.

3) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG CUỘC ĐỜI MẸ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA.

Trên một toa tàu chợ phát xuất từ thành phố Can-quýt-ta Ấn Độ, giữa đám hành khách nghèo khổ đang ngồi la liệt trên sàn tàu, có một phụ nữ tay cầm tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng đang lẩm bẩm đọc kinh. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là bà Tê-rê-sa. Về sau người đời đã gọi bà bằng một cái tên thân thương: “Mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta”. Bà là người đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, với sứ mệnh chuyên lo tìm kiếm những bệnh nhân nghèo khổ đang bị bỏ rơi và hấp hối sắp chết trên các hè phố tại thành phố Can-quýt-ta. Họ thuộc giai cấp cùng đinh trong xã hội nước Ấn. Sứ vụ của chị em nữ tu này là mang những người đó về tu viện chăm sóc và giúp họ chết trong bình an. Về sau mẹ Tê-rê-sa đã kể lại ơn gọi ấy như sau: “Khi nhìn thấy đám người nghèo khổ kia đang nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu, đột nhiên có một sức mạnh đã đổ ập xuống trên tôi, làm cho tôi tự nhiên cảm thấy họ chính là những Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi. Tôi sẽ phải làm gì để giúp đỡ họ đây?”. Sau đó bà đã quyết định lập một dòng nữ với sứ vụ chuyên lo phục vụ những người nghèo khổ này. Rồi bà bắt tay vào công việc đầu tiên là đi tìm mướn nhà để có nơi phục vụ họ, đang khi trong túi chỉ còn đúng ba đồng bạc Ấn!
Nhờ ơn Chúa giúp mà ngày nay dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã hiện diện trên khắp thế giới. Qua đó cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và họat động nơi mọi thành phần dân Chúa trong Hội thánh.

4) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG MỘT CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ:

Tại một giáo xứ ở miền Si-ci-li-a, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, vì đó là dấu chỉ được Chúa Thánh Thần tác động và phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng, để chứng tỏ đã làm theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một giai thoại như sau:
Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện được một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị dành cho học sinh.
Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một vị công tước trong vùng, khiến ông mở lòng xây dựng một hệ thống dẫn nước phục vụ công cộng gọi là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.
Có một linh mục trẻ được sai đến làm chính xứ thay thế cha xứ già về hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh vào bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Sau khi suy nghĩ, cha xứ mới đã tuyên bố sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ của mình để phục vụ giáo xứ. Và sau đó ngài đã giữ đúng lời đã hứa.

5) THÁNH THẦN LÀM CHÚNG TA NÊN MỘT VỚI THIÊN CHÚA:

Thánh Gioan Thánh Giá dùng một hình ảnh tuyệt vời để diễn tả về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống các tín hữu chúng ta là cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa.
Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mùa đông băng giá ở Châu Âu, ngoài vườn có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời băng giá. Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu xí. Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào quăng vào lò sưởi. Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Nó cảm nhận được đầy sự an ủi không tả được. Nhưng tiếc rằng sự sung sướng kéo dài chẳng được bao lâu. Trong khỏanh khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó. Sức nóng của lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài làm thành một lớp da sần sùi như da cóc. Nó tỏa ra một mùi thật khó chịu. Khúc củi quằn quại trong than hồng một thời gian. Cuối cùng nó trở nên một với lửa. Nó không còn là củi mà chỉ là lửa. Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những người trong phòng.

3. THẢO LUẬN:

1) Phân biệt Thánh Thần và thiên thần giống và khác nhau thế nào ?
2) Ngày nay các tín hữu nhận được ơn Thánh Thần khi nào ?
3) Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì để được Thánh Thần tác động noi gương các Tông đồ trong lễ Ngũ Tuần ?

4. SUY NIỆM:

1) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊ-SU ?:

Về việc đầu thai của Đức Giê-su, Hội thánh đã tuyên xưng đức tin như sau: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (x. Lc 1,35). Nghĩa là chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã thụ thai Hài Nhi Giê-su mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn. Rồi khi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng, Người đã đến xin Gio-an làm phép rửa bằng nước tại sông Giođan. Vừa chịu phép Rửa xong, Thánh Thần như chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người (x. Mt 3,16b). Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày và chịu ma quỉ thử thách cám dỗ. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giê-su đã chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ (x. Mt 4,1-10). Rồi trong quyền năng của Thánh Thần, Người đi rao giảng Tin mừng Nước Trời bắt đầu từ Ga-li-lê (x. Lc 4,14-15). Cũng nhờ Thánh Thần mà Người đã xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,28) và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân (x. Mt 4,23). Khi được Thánh Thần tác động, Ngừơi đã hớn hở vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha (x. Lc 10,21). Rồi sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần, Người đã hiện ra chúc bình an (x. Ga 20,19), rồi sai các ông đi rao giảng Tin mừng (x. Ga 20,21), tiếp tục sứ vụ của Ngừơi (x. Mt 28,19-20). Người thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các ông chu toàn sứ vụ ấy (x. Ga 20,22). Cuối cùng, Người còn ban cho các ông quyền tha tội hay cầm buộc tội người ta nữa (x. Ga 20,23).

2) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TRONG HỘI THÁNH ? :

Thời Hội thánh sơ khai, Thánh Thần đã tác động biến đổi các Tông đồ (x. 1 Cr 12,4-11): Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm công khai làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu thấu mọi điều Chúa đã dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng muốn thối lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hy vọng (x. Lc 24,32-35). Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã thâu nạp được nhiều người có lòng sám hối đến xin chịu phép Rửa nhân danh Đức Giê-su (x. Cv 2,41). Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà cộng đoàn tín hữu đầu tiên luôn sống hiệp thông, siêng năng tham dự lễ Bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ đó số tín hữu gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47).

Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục giúp Hội thánh chu toàn sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su. Đặc biệt Thánh thần soi sáng cho các vị chủ chăn để có khả năng chu toàn ba sứ vụ do Đức Giê-su trao: Một là sứ vụ Ngôn sứ để công bố Tin mừng Nước Trời. Hai là sứ vụ Tư tế để thánh hóa các tín hữu bằng các phép bí tích do Chúa Giê-su thiết lập. Ba là sứ vụ Vương đế để chăn dắt và phục vụ đòan chiên Hội thánh. Do đó, khi Đức Giáo hòang triệu tập Công Đồng mà công bố điều gì về đức tin và luân lý thì sẽ được ơn bất khả ngộ không thể sai lầm, vì ngài luôn được Thánh Thần soi sáng, như Công đồng Giê-ru-sa-lem vào năm 49 đã ra quyết nghị với câu mở đầu khẳng định như sau: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28).

Ngày 28 tháng 10 năm 1958, Đức Hồng Y Angelo Giuseppe Rollcali lên ngôi giáo hoàng lấy tước hiệu Gioan 23. Một ông lão không tiếng tăm lên lãnh đạo Giáo hội, nhiều người nghĩ rằng sẽ chẳng có gì mới với một ông lão gần đất xa trời. Thế nhưng, ông lão này đã làm nên một kỳ diệu được coi là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lần thứ hai khi Ngài triệu tập công đồng Vaticano II để canh tân Giáo Hội. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm những việc kỳ diệu cho dân Người. Chúng ta hãy hân hoan bước đi trong niềm tín thác vào Chúa. Và với lòng cậy trông chúng ta cùng thưa lên cùng Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thánh hoá chúng con trong chân lý và tình thương”. Amen

3) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO NƠI CÁC TÍN HỮU HÔM NAY ? :

Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, và nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Chúa Thánh Thần sẽ tác động nơi các tín hữu như sau.

+ Thánh Thần ban 7 ơn để soi sáng, hướng dẫn và giúp các tín hữu nên tốt lành thánh thiện giống như Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô đã kể ra bảy ơn Thánh Thần ban như sau : khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, biết lo liệu, sức mạnh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (x. 1 Cr 12,8-11).
+ Thánh Thần sẽ ban sự sống của Thiên Chúa, biến các tín hữu nên trưởng thành về đức tin, thể hiện qua việc kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su và can đảm làm chứng cho Người (x Ga 6,63). Thực vậy, nhờ ơn Thánh Thần, các tín hữu chúng ta sẽ có thể hiểu biết đầy đủ về đức tin và thực hành theo lời Chúa Giê-su day, như Người đã hứa với các môn đệ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25).
+ Thánh Thần sẽ cho các tín hữu chúng ta tham phần vào ba sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su là ngôn sứ, tư tế và vương đế để rao giảng Tin Mừng, thánh hóa và phục vụ dân Chúa. Chúng ta sẽ được tham phần vào sứ vụ làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng lời nói việc làm và bằng lối sống bác ái quên mình, quảng đại chia sẻ cụ thể và khiêm nhường phục vụ tha nhân vô vụ lợi… nhờ những việc lành đó, anh em lương dân sẽ dễ dàng nhận biết, tin thờ Thiên Chúa như lời Đức Giê-su đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

4) CẦN CỘNG TÁC VỚI ƠN THÁNH THẦN:

Sở dĩ nhiều tín hữu tuy đã chịu phép rửa tội và thêm sức, nhưng vẫn sống theo tính xác thịt là do họ mới chỉ chịu phép rửa bằng nước mà chưa được ơn tái sinh bời Thánh Thần. Điều chúng ta cần phải làm là tránh xúc phạn đến Thánh Thần và biết mở lòng để Ngài tác động thánh hóa:

+ Tránh tội xúc phạm đến Thánh Thần: Cần tránh thói kiêu ngạo cứng lòng tin như các kinh sư Do thái xưa (x Mc 3,30). Đó cũng là tội của ma quỷ muốn chống lại ơn cứu độ của Thiên Chúa như lời Đức Giê-su đã quở trách dân Do thái như sau: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành" (Mt 13,14-15; Is 6,9-10). Do cố tình từ chối ơn cứu độ của Thiên Chúa ban qua Chúa Giê-su, nên họ đã xúc phạm đến Thánh Thần và sẽ không bao giờ được tha (x Mc 3,29).
+ Các hành động thuộc về xác thịt đối nghịch Thánh Thần và hoa trái của Thần Khí: Ngày nay khi chịu phép rửa tội, các tín hữu đã nhận được sự sống của Chúa Giê-su. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn bị tội lỗi ngăn cản chúng ta đón nhận ơn Thánh Thần do các dục vọng, đam mê xác thịt, tham vọng cá nhân, tinh thần thế tục… Chúng giống như những con vi trùng len lỏi vào linh hồn làm mất dần sự sống thần linh trong chúng ta. Khi ấy, linh hồn chúng ta trở nên suy nhược, không còn sức chống trả các cơn cám dỗ của ma quỷ, không còn tha thiết làm các việc tốt lành. Thánh Phao-lô đã liệt kê 14 hành động xấu làm băng hoại con người chúng ta như sau: "Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa" (Gl 5,19-21). Mỗi người chúng ta cần phải xin ơn Thánh Thần, giúp chúng ta loại bỏ lối sống tội lỗi theo xác thịt, lối suy nghĩ ích kỷ tự mãn thuộc về thế gian, để có thể sống hy sinh quên mình, nhiệt thành dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Phao-lô đã gọi những điều này là “hoa trái của Thần Khí” và được liệt kê như sau: "Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gl 5,22-23).
+ Mở lòng đón nhận ơn Thánh Thần: không ai có thể nắm bắt được Thần Khí, cũng không ai có thể mua chuộc được Thánh Thần. Tin Mừng Gio-an viết “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu tới và thổi đi đâu” (Ga 3,8). Muốn nhận được ơn Thánh Thần, mỗi tín hữu chúng ta cần noi gương các Tông đồ khi xưa: tĩnh tâm cầu nguyện kết hiệp với Đức Ma-ri-a như sách Công Vụ ghi nhận: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14). Mỗi ngày hãy năng cầu xin Thánh Thần mau ngự đến thánh hóa chúng ta bằng lời cầu như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần. Xin hãy ngự đến canh tân lòng trí chúng con”.
+ Xin được ơn đổi mới trong Chúa Thánh Thần: Từ khi đón nhận ơn Chúa Thánh Thần trong lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã được đổi mới: Trước đó các ông còn nhút nhát sợ hãi, thì nay đã nên mạnh dạn hăng hái. Trước kia các ông ít học, u mê vì không hiểu rõ Lời Chúa dạy, thì nay các ông đã được hiểu rõ ý nghĩa của Lời Chúa và nhiệt tình loan báo Tin Mừng cho tha nhân thuộc mọi thành phần, dân tộc với nhiều ngôn ngữ khác biệt… đang tề tựu tại Thủ đô Giê-ru-sa-lem. Trước kia lòng các ông còn chứa đầy thói ích kỷ tự ái cao, “tham lam, sân giận, mê si”, hay tranh giành địa vị cao thấp… thì nay các ông chỉ nghĩ đến việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Chúa “tại Giê-ru-sa-lem, trong toàn cõi Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”. Chính nhờ ơn Thánh Thần mà các ông đã được đổi mới để chỉ sống vì Chúa và cho Chúa mà thôi. Mỗi người chúng ta cũng hãy xin Chúa Thánh Thần canh tân lòng trí, để giúp chúng ta nên chứng nhân của Người, chu toàn sứ vụ mà Người đã trao cho Hội thánh trước khi lên trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Xin ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi lo âu sợ hãi cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu của Thánh Thần trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ vụ được sai đi, với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Thánh Thần để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở thành khí cụ bình an của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ của Hội Thánh.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Kỉ nguyên của Thánh Thần
Lm Vũđình Tường
03:56 05/06/2019
Ngôi Hai Con Thiên Chúa là Đức Jêsu Kitô xuống thế thi hành sứ mạng cứu chuộc cách tốt đẹp mĩ mãn. Ngài về cùng Chúa Cha và cũng là nơi Ngài xuất phát từ nguyên thuỷ. Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần được sai xuống trần gian để giải thích, làm sáng tỏ í nghĩa giáo huấn của Đức Kitô. Bắt đầu từ các tông đồ và sau này cho tất cả những ai đặt niềm tin và lòng mến vào Đức Kitô. Theo nghĩa trên dân Chúa lúc nào cũng có Thiên Chúa ở cùng. Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành với dân Ngài qua hai hình thức: hữu hình và vô hình. Hữu hình chính là hình ảnh qua sự hiện diện của Đức Kitô nơi trần thế; vô hình là qua sự hiện diện của Thánh Thần Chúa trong cuộc sống của các Kitô hữu. Thiên Chúa luôn đồng hành với Kitô hữu trong mọi tình huống của cuộc sống, như chính Đức Kitô đã tuyên bố: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế Mt 28,20. Sự hiện diện của Thánh Thần Chúa trong dân Ngài chính là thực hiện trọn vẹn điều hứa trên. Sự hiện diện của Thánh Thần Chúa bắt đầu một kỉ nguyên mới, một thời đại mới, thời đại của Thánh Thần. Đây là thời đại mà Đức Kitô cách nào đó tỏ lộ cho các môn đệ biết khi Ngài nói cùng các ông: Hạnh phúc thay cho những ai không thấy mà tin Gn 20,29. Đây là thời đại của Đức tin đặt niềm tin vàoTin Mừng của Đức Kitô. Thánh Thần Chúa khai mở một chân trời mới cho những ai yêu mến Đức Kitô. Thánh Thần sẽ hướng dẫn Kitô hữu bước theo con đường Đức Kitô đã vạch ra và đã đi qua. Thánh Thần Đấng mắt trần không thể nhìn thấy sẽ biến đổi xác phàm của Kitô hữu trở nên giống Đức Kitô hơn. Đây là kỉ nguyên Đức Kitô không còn hiện diện bằng xương thịt như trước nữa, nhưng qua cầu nguyện, Kitô hữu nhận biết Thiên Chúa cùng đồng hành với họ, trong mọi tình huống của cuộc sống. Đây là thời đại tình yêu và giáo huấn của Đức Kitô không còn phải là hai nhưng là một, quyện chặt lấy nhau như sợi giây thừng. Không có tình yêu và lòng mến của Đức Kitô sẽ không thể nào nhận biết Thiên Chúa. Để nhận biết Thần Chân Lí, điều quan trọng nhất là yêu mến Đức Kitô. Qua Đức Kitô, Kitô hữu nhận biết chân lí sự thật. Thần Chân Lí sẽ giáo huấn, nhắc nhớ (Gn 14,26), kết hợp (Gn 14,16) và làm chứng Đức Kitô là Con Thiên Chúa (Gn 15,26).

Các tông đồ nhận biết Thánh Thần Chúa tích cực hoạt động trong cuộc sống các Ngài, không phải các Ngài đáng được hưởng điều đó mà chính là tình yêu không bờ bến của các Ngài, biến những điều không thể thành có thể. Để đáp trả tình yêu Chúa thì không gì xứng đáng, thích hợp hơn là dùng tình yêu đáp trả tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người, con người đáp lại bằng tình yêu chân thành của con tim mình. Đức Kitô về trời mà không để khoảng trống nào trong lòng các Kitô hữu bởi có sự hiện diện của Thánh Thần Chúa trong tâm hồn các Kitô hữu. Chính sự hiện diện này làm cho tâm hồn các tông đồ cảm thấy bình an, lòng trí của các tông đồ tràn đầy niềm vui và các tông đồ hăng hái tiến bước trên cánh đồng truyền giáo. Đong đầy bởi Thánh Thần Chúa, các tông đồ bước những bước tiến dài, từ học trò của Đức Kitô, các tông đồ trở thành thầy giảng dậy về Đức Kitô. Niềm vui do của cải, vật chất và quyền thế không dẫn con người đến cùng Thiên Chúa bởi tự bản chất chúng không có tình yêu và lòng mến Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu Chúa mới dẫn con người đến yêu mến Thiên Chúa. Vì thế Đức Kitô nói Ngài ban cho Kitô hữu món quà mà thế giới không có để trao ban. Yêu mến Đức Kitô chính là lắng nghe lời Đức Kitô và thực hiện điều Đức Kitô truyền dậy. Lắng nghe tiếng Đức Kitô nói nhỏ nhẹ, êm dịu trong tâm hồn mỗi người. Qua cầu nguyện chung với nhau Kitô hữu cũng nhận được tiếng nói của Thiên Chúa nói với cộng đoàn đức tin Kitô. Chúng ta cầu xin biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa qua cầu nguyện và qua biến cố trong cuộc sống.

TiengChuong.org

The Spirit's era

The second person of God, Jesus Christ, through his resurrection, has triumphantly completed his mission on earth. He now returns to heaven, from where he came. The third person of God, the Holy Spirit, is coming into the world to widen, and deepen the teachings of Jesus, first to the apostles and then to all followers of Jesus. The people of God always have God, Who is present amongst them either in the visible or invisible form. It is visible in the person of Jesus, and is invisible in the form of the Holy Spirit. It is not for a single moment of our life, that God is not with us. God is always with us in any circumstance of our life as Jesus has promised: 'I am with you always, till the end of time' Mat 28,20. The coming of the Spirit is the fulfilment of that promise. The coming of the Spirit begins a new era. It is the era of 'happy are those who have not seen me and yet believe' Jn. 20,29. It is the era of faith in Christ, who has promised to send us God's Spirit to guide us in our faith journey. It is the era of the invisible God who comes to transform the lives of the believers. It is the era that we, the believers, no longer see the physical Jesus, but through prayers, we know God who is present and journeys with us in our daily activities. It is the era of love and commandments intertwined. Without love for Jesus, one can't recognize the Spirit of truth. In other words, one is unable to grasp the Spirit of truth alone, without first loving Jesus. Through Jesus we come to know the Spirit of truth. Jn 4,17. The Spirit of truth will teach, remind (Jn 14,26), abide (14,16) and testify about Jesus (Jn 15,26).

The apostles are able to feel God's Spirit active in their lives, not because they deserve it, but rather their love for Jesus makes the impossible, possible. God's Spirit is love, and only a true and genuine love response, will make the unseeable able to be seen, the untouchable to be touchable. That is the power of love, Jesus has given to his followers. Jesus' departure leaves no vacuum in the life of Christians, but we are filled with God's Spirit. Filled with the gift of the Spirit, the apostles were students no more, but became teachers in their missionary fields. Secular spirit will not lead us to Jesus because it has no love for God. Through love for Jesus we listen to our own hearts and discern God's voice talking to us, guiding us what to do in our lives. Through communal prayers we also find God's voice in the community of faith when we gathere together in Jesus' name. We ask for the grace to listen to God's voice talking to us in our prayers.
 
Lạy Chúa Thánh Thần, Xin Ngài Ngự Đến
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:49 05/06/2019
Suy Niệm Thánh Lễ Vọng

(Ga 7,37-39)

Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng: "Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông" (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.

Xem video và nghe bài giảng

Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất

Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn "xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời" (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.

Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo

Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết: "Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo..." làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).

Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: "Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm" (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói: "Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa" (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).

Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, "mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta". (Rm 8,22-24)

Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Câu trả lời cho câu hỏi Chúa Thánh Thần là gì, Ngài làm điều chi và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài. Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.

Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra

Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các môn đệ nói mà không sợ hãi. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban xuống cho Giáo hội như là "nước hằng sống chảy ra như giòng sông" (Ga 7,38) vì nước ấy ở trong cung lòng của Thiên Chúa, cùng một lúc, chúng ta khám phá ra rằng, cũng trong Giáo hội, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống thật. Thường chúng ta đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong phương diện cá nhân, tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay hiển nhiên cho thấy tác động Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Kitô hữu: "Thánh Thần mà những kẻ tin Người sẽ lãnh lấy" (Ga 7,39). Thánh Thần duy nhất biến cộng đoàn thành một thân thể duy nhất, thân thể Chúa Kitô. Hơn nữa, Ngài là suối bẩy nguồn đa dạng về các ơn: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.

Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Điều quan trọng nhất của Giáo hội chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống. Với con mắt loài người nhìn vào Giáo hội, chúng ta không thể nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để "các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa." (Lời nguyện nhập lễ)

"Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa!" Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:29 05/06/2019
29. Thánh nhân chính là vừa nhìn thấy mình có chỗ yếu kém, vừa nghĩ đến chỗ hay của người khác. (Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:33 05/06/2019
34. CHÓ KHÔNG UỐNG RƯỢU

Có một chủ nhân nọ đêm ba mươi tết dùng một bình rượu, một miếng đậu phụ để tế ông “Thạch Cảm Đương”.

Nghi thức kết thúc, ông ta thấy một con chó nằm bên cạnh bèn hối thúc tên đầy tớ thu dọn các đồ trên bàn thờ. Tên đầy tớ đem bình rượu cất trước, lúc trở lại thu đậu phụ thì đậu phụ đã bị con chó ăn mất tiêu.

Chủ nhân tức giận chửi:

- “Tên đầy tớ ngớ ngẩn, sao lại không đem đậu phụ cất trước, con chó không biết uống rượu kia mà”.

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 34:

Con chó chắc chắn là không biết uống rượu nhưng ăn thì nó biết, điều quan trọng là đuổi con chó đi chứ không phải trách tên đầy tớ...

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng thế, ma quỷ thỉ chắc chắn là không thích chúng ta đọc kinh cầu nguyện, lại càng không thích chúng ta làm việc lành, nhưng ma quỷ lại thích chúng ta làm sự tội và thích cám dỗ chúng ta xa cách tình thương của Thiên Chúa.

Cái phải đuổi đi chính là đuổi ma quỷ chứ không phải là trách người này người nọ làm chúng ta phạm tội; cái phải tránh chính là tránh những cái làm cho chúng ta phạm tội như sách báo xấu đồi trụy, phim ảnh dâm ô có hại cho đức tin của mình, chứ không phải nhắm mắt lại khi đọc đến hoặc nhìn đến những hình ảnh dâm ô nơi sách báo đồi truỵ mà mình đang đọc...

Con chó ăn đậu phụ là hình ảnh ma quỷ đang rình mò ăn cắp linh hồn của chúng ta, thấy nó qua bạn bè xấu, qua sách ảnh đồi truỵ mà không chịu đuổi đi hoặc tránh đi, thì không thể trách ai được cả, nhưng hãy trách mình và nói: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bản tin trong ngày của tờ The Age về phiên xử phúc thẩm của Đức Hồng Y George Pell, tiếp theo
Vũ Văn An
05:57 05/06/2019
10 giờ 26 sáng: “xa như ở phía bên kia Biển Tasman”

Theo Rachel Eddie: Ông Walker nói rằng việc vi phạm là không thể có vì việc Pell xuất hiện ở cửa phía tây của nhà thờ chính tòa - một khoảng cách phòng áo - cũng xa như ở phía bên kia Biển Tasman”.

Ông Walker cho biết, "một hành vi kỳ quặc một cách kỳ dị, đáng hổ thẹn” của lần lạm dụng thứ hai đòi Pell, người cao sáu bộ Anh (feet), hoặc cao hơn 190 cm, phải thực hiện hành vi lạm dụng mà không ai thấy giữa một ca đoàn gồm tới 50 ca viên sau cuộc rước kiệu.

10 giờ 42 sáng: Luật sư bào chữa nói: Bằng chứng của nạn nhân đáng nghi ngờ.

Adam Cooper tường trình rằng ông Walker đã đưa ra sự nghi ngờ về việc liệu biến cố thứ hai – trong đó Pell được cho là đã xô một trong các cậu bé vào tường ở hành lang nhà thờ chính tòa và tấn công tình dục anh ta - có xảy ra thực không, dựa trên chính bằng chứng của nạn nhân.

Luật sư cho biết khởi đầu nạn nhân nói với cảnh sát cả hai vụ việc xảy ra vào năm 1997, nhưng các công tố viên đã tranh luận với bồi thẩm đoàn rằng biến cố đầu tiên (trong đó, cả hai cậu bé bị tấn công trong phòng áo) xảy ra vào năm 1996, còn biến cố thứ hai diễn ra vài tháng sau đó, nhiều khả năng vào ngày 23/2/1997.

10 giờ 43 sáng: 'Không ai thấy bất cứ điều gì và không ai báo cáo bất cứ điều gì'

Adam Cooper tường trình rằng Ông Walker nói rằng vi phạm bị cho diễn ra trong biến cố thứ hai là "đáng xấu hổ", nhưng nói với tòa rằng không có nhân chứng nào mặc dù đây là một hành lang đông người.

Ông Walker nói "Không ai nhìn thấy bất cứ điều gì và không ai báo cáo bất cứ điều gì".

Cảnh sát đã có cơ hội thẩm vấn một linh mục cử hành Thánh Lễ vào ngày hôm đó nhưng đã không làm thế (Pell có mặt nhưng không cử hành Thánh Lễ). Điều này, ông Walker nói, nêu lên một nghi ngờ hợp lý rằng biến cố thứ hai từng xảy ra.

11 giờ 19 sáng: Tòa án nghỉ

Rachel Eddie tường trình: Tòa án nghỉ 15 phút. Pell cúi chào ba thẩm phán và bị đưa ra khỏi tòa bởi các sĩ quan mặc đồng phục.
Các thẩm phán rời khỏi phòng xử án.

11 giờ 35 sáng: Pell trở lại ghế bị cáo

Hết giờ nghỉ và Pell trở lại ghế bị cáo.

Vì luật sư bảo vệ tiếp tục các đệ trình, chúng ta hãy xem một ý kiến của Giáo sư Trường Luật Melbourne, Jeremy Gans, người nói rằng có cơ hội tốt rất có thể Pell giành được thắng lợi trong việc kháng cáo của mình.

Ông nói rằng vấn đề còn phụ thuộc điều các chánh án phúc thẩm nghĩ gì đối với các câu hỏi khác vốn gây tranh cãi nóng bỏng về phiên tòa. Có phải câu truyện của người đàn ông về việc Pell - trong một nhà thờ chính tòa sau Thánh Lễ, trong một căn phòng không khóa, lạm dụng hai cậu bé mà ông ta hầu như không biết, ngay năm ông ta trở thành Tổng giám mục Melbourne - có khả năng là một câu truyện hay không? Liệu một tuyên bố sai lầm – cả nhiều thập niên sau, bởi một người đàn ông không phạm tội ác hoặc ma túy nào trong quá khứ, không có động cơ được biết đến – có phải là một khả thể chăng?

Các phán quyết của Tòa phúc thẩm rằng các phán quyết của bồi thẩm đoàn là không an toàn không phải là phổ biến nhưng cũng không phải là hiếm. Tòa phúc thẩm Victoria đã đạt tới 10 phán quyết như vậy trong ba năm vừa qua, trong đó có bảy vụ lạm dụng tình dục.

11 giờ 42 sáng: Phòng công cộng đầy người dự kháng án

Phòng công cộng đầy người, nhưng vụ kháng án không có bầu khí nóng sốt như lúc kết án Pell hồi tháng 3.

Debbie Cuthbertson tường trình rằng một số người đến từ các tiểu bang khác để hỗ trợ Pell. Linh mục dòng Tên Frank Brennan, người trước đây đã bày tỏ sự "tan nát cõi lòng" của mình trước việc Pell bị kết án, dường như là một trong số ít đại diện của giáo hội tham dự.

Những người khác như Chrissie Foster, người mà cuộc đời của hai cô con gái đã bị phá hủy bởi một linh mục Công Giáo và Peter Fox, thám tử Newcastle mà sự nghiệp bị phá hủy vì đã cung cấp tin tức về các tội ác này, có mặt để đại diện cho nạn nhân của các giáo sĩ lạm dụng.

11 giờ 47 sáng: Bên ngoài, sớm hơn

Rachel Eddie cho hay: Bên ngoài tòa án sáng nay, một đám đông giới truyền thông, người biểu tình và những người ủng hộ Pell đã tăng nhanh từ sớm để thấy Pell lần đầu tiên kể từ khi ông bị kết án tù ba tháng trước.

Tòa án đã mở cửa sớm hơn bình thường để chiều sự lưu ý mạnh mẽ đối với vụ kháng cáo.

11 giờ 55 sáng: Trong khi đó, tại ghế bị cáo

Tòa phúc thẩm đang trực tiếp truyền hình biến cố này nhưng máy quay sẽ chỉ quay các thẩm phán, không quay Pell.

Debbie Cuthbertson cho hay: Khi luật sư bào chữa trình bầy các cơ sở của cuộc kháng cáo của ông, Pell ngồi khoanh tay, một quyển sổ tay màu vàng và cây bút trước mặt.

Ông di chuyển tay gần như liên tục trong nửa giờ đầu, khoanh tay và buông tay ra, thỉnh thoảng ghi chú, vuốt cằm và môi, tháo kính ra và đeo kính lại.

Pell đang mặc cổ áo giáo sĩ của mình như một tuyên bố nhấn mạnh về điều có thể diễn ra. Nếu kháng cáo thất bại, ông phải đối mặt với một phiên tòa có thể có của Vatican và bị cởi áo giáo sĩ sau hơn nửa thế kỷ làm linh mục, trong thời gian đó ông đã leo lên các chức vụ giám mục Ballarat, Tổng giám mục Melbourne và Sydney, và sau đó là một trong những nhân vật cao cấp nhất của giáo hội hoàn cầu.
 
Tổng thống Rivlin của Do Thái gặp những người đứng đầu của các Giáo Hội tại Giêrusalem
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
17:46 05/06/2019
Thứ Hai ngày 3 tháng 6 năm 2019, Tổng thống của Nhà nước Israel, Reuven Rivlin đã gặp những người đứng đầu Giáo hội Jerusalem tại tu viện St Saviour, trụ sở của Giám hộ Thánh Địa.

Tổng thống Rivlin đã được chào đón với một bài hát Magnigicat (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa) của bộ tứ gồm Cha Giám đốc Alberto Pari, phó giám đốc Giuliana Mettini và các sinh viên Eleonora Lué và Tareq Wahba, với phần phụ họa dương cầm của Maria Spitkovski. Tiếp theo đó là phần giới thiệu của Thư ký Giám hộ là Cha David Grenier. Cha đã chào đón tất cả những người có mặt gợi lại kỷ niệm 800 năm Dòng Phansinh hiện diện tại Thánh Địa.

Cha Francesco Patton, Phụ trách Giám hộ Thánh Địa, sau khi chính thức chào đón những người có mặt, đã tập trung vào tầm quan trọng của cuộc họp, gợi lên hình ảnh của các lễ hội gần đây để mô tả về ngày hôm nay Giêerusalem. Trong khi các Kitô hữu đang tổ chức lễ Phục sinh, những người Do Thái cử hành Pesach, Druze với EnNabiShu’eib và những người Hồi giáo bắt đầu Ramadan. Cha Patton sau đó bày tỏ lòng biết ơn của ngài đối với việc bảo vệ liên tục về tự do tôn giáo, thay mặt mọi người nhấn mạnh đến lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà lãnh đạo tôn giáo và các lực lượng chính trị không ủng hộ hòa bình và đối thoại nhưng gia tăng chia rẽ. Kết luận, Cha Patton cũng bày tỏ mối quan tâm đối với tình trạng của các Kitô hữu trong lãnh thổ của vùng Gaza lân cận.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Rivlin đã nhấn mạnh ngay từ đầu tầm quan trọng của ngày lễ Shavuot sắp tới của người Do Thái trùng với Chúa Thánh Thần hiện xuống của các Kitô hữu. Ông nói: "Nhà nước Israel, với tư cách là người bảo vệ thành phố Giêrusalem, trực tiếp cam kết bảo vệ tự do tôn giáo và an toàn cho các cộng đồng tín hữu ở Giêrusalem và toàn bộ Israel trong việc thực hiện các hoạt động của họ. Kitô hữu, Hồi giáo và Do Thái sẽ luôn có quyền tự do thờ phượng mà Nhà nước sẽ không thỏa hiệp. Tổng thống Rivlin kết luận với lời chúc mừng về thỏa thuận gần đây cho việc phục hồi Mộ Thánh, đảm bảo sự giúp đỡ trong mọi cách có thể.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Custodia Terrae Sanctae
 
Tình hình tự do tôn giáo tại Eritrea trở nên tồi tệ
Đặng Tự Do
18:16 05/06/2019
Hơn ba mươi Kitô hữu, là các thành viên của các Giáo hội Tin Lành Ngũ Tuần, đã bị lực lượng an ninh bắt giữ trong những ngày gần đây. Cảnh sát bắt giữ họ khi họ đang tập trung cầu nguyện ở ba nơi khác nhau ở thủ đô Asmara.

Trên giấy tờ, chính phủ Eritrea công nhận tự do tôn giáo. Nhưng trên thực tế, chính quyền chỉ công nhận bốn tôn giáo: Chính Thống Giáo, Công Giáo và Tin Lành Luther Eritrea. Tín hữu của ba hệ phái Kitô này chiếm 50% dân số. 48% dân số Eritrea theo Hồi giáo Sunni. Các nhóm tôn giáo khác được coi là “bất hợp pháp” vì chính phủ coi họ là các công cụ của ngoại bang.

Các nhân viên cảnh sát đã thực hiện các cuộc đột kích liên tục vào nhà riêng nơi các tín đồ của các tôn giáo không được công nhận, đặc biệt là các Kitô hữu Tin Lành Ngũ Tuần, gặp nhau để cầu nguyện. Họ chỉ được thả ra khi ký giấy cam kết chối bỏ đức tin của mình.

Chính quyền ở Asmara cũng có những thái độ cứng rắn ngay cả với những tôn giáo được công nhận. Giáo hội Chính thống phải chịu sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền. Năm 2007, Thượng phụ Antonios, người chỉ trích Tổng thống Isayas Afeworki, đã bị chính phủ phế truất vào năm 2007 và bị quản thúc tại gia kể từ đó. Sau đó, chính phủ áp đặt Abuna Dioskoros lên làm Thượng Phụ. Vị này đã chết vào năm 2015 khiến cho Chính Thống Giáo Eritrea bị trống tòa từ đó đến nay.

Giáo Hội Công Giáo Eritrea cũng sống trong một điều kiện khó khăn. Trên thực tế, chính quyền yêu cầu toàn quyền kiểm soát tất cả các tổ chức có nguồn gốc tôn giáo, như các trường tư thục, các phòng khám y tế và các trại trẻ mồ côi, là các tổ chức đang hỗ trợ một cách không thể phủ nhận được cho người dân Eritrea đang bị giam cầm trong nghèo đói. Các công việc bác ái là một lĩnh vực trong đó Giáo Hội Công Giáo đóng góp rất mạnh, nhưng đó cũng là một lĩnh vực phải trải qua sự kiểm soát liên tục và gắt gao của nhà cầm quyền.

Các tổ chức Hồi giáo có phần dễ thở hơn, nhưng cũng chịu những áp lực nhất định. Năm 2017, đề xuất đóng cửa một trường đại học Hồi giáo đã gây ra một cuộc biểu tình gay gắt. Các sinh viên đã xuống đường biểu tình và các cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp rất dã man.

Ngoài các cuộc đàn áp tôn giáo, theo các tổ chức phi chính phủ lo lắng việc bảo vệ nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch, nhà cầm quyền Eritrea là một nhà nước thực hiện những chính sách đàn áp các nhóm chính trị và xã hội đối lập một cách có hệ thống. Xã hội Eritrea vẫn còn trong tình trạng quân sự hóa cao, ngay cả khi không có bất kỳ lo ngại chiến tranh với các quốc gia láng giềng.


Source:Fides
 
Tuyên bố của TGP Galveston-Houston liên quan đến báo cáo một chiều, không chính xác của thông tấn xã AP
Đặng Tự Do
19:50 05/06/2019
Chưa đầy một tuần trước khi Đức Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, chủ sự cuộc họp khoáng đại của các Giám Mục Mỹ tại Baltimore từ 11 đến 14 tháng Sáu để bàn về các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục, Associated Press tung ra một cáo buộc nghiêm trọng nhắm vào Đức Hồng Y DiNardo.

Hôm thứ Tư mùng 5 tháng Sáu, trong bài “The Reckoning” [dựa theo cuốn tiểu thuyết The Reckoning của Grisham – có nghĩa là Người Mưu Mô Tính Toán - chú thích của người dịch], phóng viên Nicole Winfield đã đưa ra trường hợp của bà Laura Pontikes, 55 tuổi, giám đốc điều hành một công ty xây dựng. Bà Pontikes lấy chồng không có phép đạo vì người chồng chưa thể tiêu hôn với cuộc hôn nhân lần thứ nhất. Từ năm 2007, một phụ tá của Đức Hồng Y DiNardo là Đức Ông Frank Rossi, đã cố vấn về tâm linh cho hai vợ chồng bà Pontikes. Associated Press tố cáo linh mục Frank Rossi có quan hệ tình cảm với bà Pontikes nhằm vòi tiền của gia đình bà. Trong 9 năm, bà Pontikes đã dâng cúng một số tiền lên đến 2 triệu Mỹ Kim, tự ý hay để chiều theo các áp lực của linh mục Frank Rossi.

Ngày 6 tháng 4 năm 2016, bà Pontikes đã gặp gỡ Đức Hồng Y DiNardo để tố cáo cha Rossi có những cử chỉ khiếm nhã với bà. Ngay lập tức, Đức Hồng Y buộc cha Rossi ngưng các trách nhiệm mục vụ. Tháng 12 năm đó, ngài đã có cuộc họp với bà Pontikes và khen ngợi bà đã can đảm tố cáo cha Rossi. Tuy nhiên, sau đó vài tháng, George Pontikes, là chồng bà Laura, phát hiện ra cha Rossi đang làm chính xứ ở một giáo xứ thuộc một giáo phận khác cách đó 2 giờ lái xe ở phía Đông Texas. Cáo buộc hiện nay của hai vợ chồng bà Pontikes là Đức Hồng Y bao che cho cha Rossi.

Trong cùng ngày, Tổng giáo phận Galveston-Houston đã ra tuyên bố sau:


Tổng giáo phận Galveston-Houston thẳng thừng phủ nhận một báo cáo không chuyên nghiệp, thiên vị và một chiều trong câu chuyện của Associated Press đưa ra ngày hôm nay có tiêu đề là “The Reckoning”. Tại mỗi bước trong vấn đề này, Đức Hồng Y DiNardo đã phản ứng rất nhanh chóng và chính đáng – và luôn giữ trong tâm trí của ngài lợi ích của gia đình Pontikees. Một số trích dẫn được gán cho Đức Hồng Y là một sự bịa đặt hoàn toàn.

Sau khi bà Pontike báo cáo về mối quan hệ không chính đáng với Đức ông Rossi cho Tổng giáo phận vào ngày 6 tháng 4 năm 2016, Đức Hồng Y DiNardo đã đưa loại bỏ Đức ông Rossi khỏi giáo xứ đang phụ trách chưa đầy một tuần sau đó và ngày 21 tháng 4 [2016] đã gửi đương sự tới một trung tâm điều trị để đánh giá. Khi trở về Houston, Đức ông Rossi chính thức từ chức khỏi giáo xứ vào ngày 6 tháng Năm. Sau đó, đương sự đã tham dự một chương trình phục hồi cho đến đầu tháng 12.

Theo yêu cầu của Pontikees, Tổng giáo phận đã ký một thỏa thuận kéo dài thời hạn miễn tố với họ - về cơ bản cho phép gia đình Pontikees có thể đệ đơn kiện lúc nào họ muốn. Sau đó, đã có một thỏa thuận chung để tham gia vào một quá trình hòa giải riêng với nhau, vẫn đang tiếp diễn.

Vào ngày 1 tháng 8 năm 2017, Laura Pontike, cùng với chuyên gia tâm lý học của bà, đã gặp một đại diện của Tổng giáo phận và Laura đưa ra yêu cầu thanh toán 10 triệu đô la cho bà , cùng một số các yêu cầu khác.

Đức ông Rossi đã hoàn thành quá trình phục hồi của mình và được đề nghị trở lại hoạt động mục vụ bởi các chuyên gia đã đánh giá đương sự. Đức Hồng Y DiNardo, theo yêu cầu của gia đình Pontikees, đã đồng ý không tái chỉ định Đức ông Rossi vào bất kỳ nhiệm sở nào trong Tổng giáo phận Galveston-Houston. Ngài đã truyền đạt quyết định này cho gia đình Pontikees và ông Pontike bày tỏ lòng biết ơn về quyết định đó.

Tổng giáo phận sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền xem xét vấn đề này.


Source:ARCHDIOCESE OF GALVESTON-HOUSTON
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xin sai Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con.
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
13:15 05/06/2019
Xin sai Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con.

Trong nếp sống đức tin, người Công Giáo hằng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con!

Lời cầu nguyện này là tâm tình khấn xin mỗi khi người tín hữu Chúa Kitô đọc kinh nguyện: „Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.“….

Rồi hằng năm cùng với toàn thể Giáo hội mừng kính trọng thể đại lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, 50 ngày sau lễ Chúa Giêsu phục sinh.

Và trong đời sống đức tin, trước khi bước vào tuổi trưởng thành, các bạn trẻ lãnh nhận Bí Tích Thêm Xức: 07 ơn Đức Chúa Thánh Thần giúp củng cố đức tin vào Chúa, mà ngày xưa lúc còn thơ bé đã lãnh nhận khi tiếp nhận Bí Tích Rửa tội.
Hôm Chúa Nhật 02.06.2019 Đức Cha Dominikus Schwaderlapp, Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Koeln, đã đến Giáo đoàn Đức Mẹ Lavang Koeln-Aachen, ban Bí tích Thêm Xức cho 75 bạn trẻ Việt Nam.

07 ân đức Chúa Thánh Thần giúp tâm hồn đời sống đức tin cho người tín hữu Chúa Kitô sức mạnh có niềm vui tươi phấn khởi làm chứng cho Thiên Chúa trong đời sống: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Công vụ các Tông đồ 1,8).

Bí tích Thêm sức là một trong bảy bí tích Bí tích của Giáo Hội Công Giáo. Bí tích này cùng với Bí tích Rửa tội và Bí tích Mình Thánh Chúa là ba bí tích khai tâm trong đời sống đức tin người Công gíao.

Làn nước Bí tích rửa tội dẫn đưa con người gia nhập sống trong Giáo Hội Công Giáo của Chúa Kitô ở trần gian.

Bí tích Thêm sức củng cố đức tin vào Chúa ngày trước đã lãnh nhận khi tiếp nhận bí tích rửa tội. Ân đức Chúa Thánh Thần giúp họ sống là nhân chứng là người thuộc về Chúa Kitô cho tình yêu Chúa ở trần gian.

Và Bí Tích Mình Thánh Chúa là nguồn lương thực sức sống cho đức tin vào Chúa của người Công Giáo trên con đường đời sống ở trần gian.

Dịp này Đức Cha Schwaderlapp cũng chúc lành cho các 06 đôi vợ chồng có kỷ niệm hôn phối 65 năm, 60 năm, 50 năm, 40 năm, 25 năm và 20 năm:

Xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa - Te Deum laudamus! đã ban cho chúng con cơ hội thuận tiện tốt đẹp ngày mừng lễ Thêm sức của thế hệ bạn trẻ con cháu, và thế hệ Ông Bà Cha Mẹ cùng mừng kỷ niệm hôn phối.

Xin chúc mừng các Bạn Trẻ ngày nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức. Cầu chúc các Bạn khoẻ mạnh, lòng tràn ngập niềm vui phấn khởi với việc sống đức tin, và với việc học hành xây dựng đời sống.

Xin chúc mừng các Ông Bà, Cha Mẹ có kỷ niệm thánh đức mừng kỷ niệm Bí tích hôn phối.

Sự trung thành của các Ông Bà, Anh Chị với nhau trong quãng đường đời sống hôn nhân từ hằng chục năm qua là chứng từ nói lên sâu đậm tình nghĩa vợ chồng tay trong tay luôn có nhau.

Và là hoa qủa gương sáng tốt lành cho con cháu gia đình, cho thế hệ người trẻ, cùng cho tình yêu của Thiên Chúa trên trần gian.

Chúc lành của Chúa từ trời cao luôn hằng gìn giữ che chở gia đình con cháu các Ông Bà, các Anh Chị khỏe mạnh và đạt được thành công.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Gx. Vĩnh Hòa: Mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi
Văn Minh
20:55 05/06/2019
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 01.06, và hôm nay cũng là ngày kỷ niệm lớp Giáo lý Fatima được tròn một năm. Nhân dịp này, vào lúc 9g30 sáng Chúa Nhật ngày 02.06.2019, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, các anh chị huynh trưởng, giáo lý viên (HT- GLV), phối hợp với Ban Trợ tá đã tổ chức ngày Hội thao thông qua các trò chơi dân gian, để cho các em được vui chơi, hòa mình vào nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Được biết, đây là một trong chuỗi chương trình giáo dục giáo lý của Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Phanxicô Xaviê (TNTT) định hướng cho các em thiếu nhi trong giáo xứ.

Do khuôn viên của giáo xứ nhỏ hẹp, nên các anh chị HT - GLV phân chia các em thành ba đội ở ba khu vực nằm trong khuôn viên của giáo xứ.

Xem Hình

“Trò chơi vận động” là tiết mục mở đầu diễn ra trên sân chư thánh nhà thờ, các em được xếp thành ba hàng dọc, và em đứng đầu hàng tiến đếnchỗ anh chị huynh trưởng trên miệng ngậm một cái ly bằng nhựa và được anh chị HT đổ đầy nước,đồng thời hai tay giơ cao lên vai và ngồi xuống di chuyển trở vềđổ nước vào bình, cứ như vậy cho tới người cuối cùng, và đội nào xong trước và có được nhiều nước thì sẽ chiến thắng.

Tiếp theo là trò chơi lăn người dập lửa, diễn ra tại tầng hầm giáo xứ, các em được chia thành ba đội, và em đứng đầu được anh chị HT hướng dẫn lấy khăn quàng bịt miệng và lần lượt nằm xuống đất và lăn về đích, sau đó chạy về đập tay người tiếp theo cho đến khi tới người cuối cùng, đội nào hoàn thành xong trước thì sẽ chiến thắng.

Cuối cùng là tiết mục leo qua cửa sổ (cách thoát hiểm), các anh chị HT dựng các chồng ghế nhựa tạo thành lối đi cho các em, sau đó lấy khăn bịt miệng và giúp các em trèo qua cửa sổ để thoát ra khỏi nhà thờ một cách an toàn và nhanh nhất.

Nhìn các em hồn nhiên vui chơi, quần áo lấm lem ướt đẫm mồ hôi, nhưng nét mặt vẫn hồn nhiên cười nói vui vẻ. Qua đây, ước mong có nhiều người hơn nữa cũng biết quan tâm và chăm lo cho các em thiếu nhi trong giáo xứ về vật chất cũng như tinh thần ngày được tốt đẹp hơn nữa. Thật vậy, như Lời Chúa Giêsu đã phán rằng: “Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời”.

Ngày Hội thao của Đoàn TNTT Phanxicô Xaviê giáo xứ Vĩnh Hòa khép lại với bữa cơm gia đình lúc 11g30. Trước khi ra về, anh huynh trưởng đại diện cùng các em thiếu nhi đồng thanh ngỏ lời cảm ơn cha xứ Gioakim, các anh chị HT- GLV, Ban Trợ tá, đã chung tay góp sức tổ chức cho các em có được ngày vui chơi và lo cho các em bữa cơm tuy thanh đạm nhưng chan chứa tình thương.
 
Tôi Có Một Điều Ước: Xây Nhà Hưu Dưỡng
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
21:10 05/06/2019
Tôi Có Một Điều Ước: Xây Nhà Hưu Dưỡng

Cuối khóa học Anh văn, thầy giáo ra đề thi như sau: “Hãy chia sẻ giấc mơ của bạn: điều quan trọng nào bạn muốn làm cho quê hương mình” (Dream: What is one important thing you want to do for your community?) Tôi không chần chừ mà nghĩ ngay đến ước mơ muốn xây một nhà dưỡng lão hoặc một trung tâm chăm sóc người già tại chính quê hương của mình trong tương lai.

Xây Nhà Hưu Dưỡng, Tại Sao?

Vâng, lý do vì sao tôi lại muốn xây nhà hưu dưỡng cho người già trên chính quê hương của mình? Câu trả lời, đó là lúc mới chịu chức, tôi về quê dâng lễ tạ ơn nơi Giáo xứ Yên Thịnh, Giáo phận Vinh, thì được rất nhiều người đến chúc mừng, họ biếu tôi nhiều món quà có giá trị và tặng nhiều phong bì. Nhưng một hôm có hai cụ già tuổi chừng ngoài 80, là giáo dân trong giáo xứ tôi, tôi quen biết họ từ lâu, họ dắt nhau đến thăm tôi lúc buổi trưa trời nắng. Tôi hiểu rõ rằng hai cụ này một người nặng tai và người kia đôi con mắt bị mù.

Tôi rất vui khi ra tiếp hai bà, nhưng họ lại rất ngập ngừng và rụt rè khi đến gặp tôi. Tôi mời họ vào nhà khách, rót nước mời họ, rồi hỏi thăm về cuộc sống của họ cũng như về con cháu của họ. Sau đó hai bà trình bày rằng: “Thưa cha, xin cha thứ lỗi, vì hôm lễ tạ ơn của cha chúng con không tham dự được, lúc này già cả rồi đi đâu cũng phải làm phiền con cháu nên chúng con ở nhà hiệp ý cầu nguyện cho cha. Hôm nay chúng con biết cha đã rảnh việc hai bà đến đây, trước hết xin cha thứ lỗi, sau nữa để chúc mừng cha và bà cụ. Chúng con thật rất hạnh phúc khi quê hương chúng ta có thêm một tân linh mục... Rồi họ lấy một gói gì đó lận trong lưng quần ra, đặt lên bàn rồi nói tiếp: “Thưa cha, hai bà chỉ có chừng này xin mừng cha, xin cha nhận cho.”

Tôi vừa cảm động vừa lùng túng, vì thấy hai bà mừng tôi hai tờ 10,000 đồng nhăn nhó, chắc là đã tiết kiệm từ lâu. Ban đầu tôi chợt nghĩ muốn gửi lại số tiền đó cho hai bà nhưng sợ họ buồn, sợ làm tổn thương lòng chân thành của họ nên đành nhận. Sau đó tôi vào phòng lấy hai phần quà và hai tấm hình tôi chụp chung với Đức Tổng Giám Mục bên Đài Loan tặng cho hai cụ. Mặc dầu hai cụ không biết Đức Tổng Giám Mục đó là ai, mặc dầu hai con mắt của một cụ không thấy rõ, nhưng hai bà tỏ ra rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy rất ngại vì bà cụ mắt mù cầm tấm hình lên, áp sát vào người, vuốt đi vuốt lại, rồi cứ hôn liên tiếp lên nó.

Khi nói chuyện được một lúc thì tôi thấy cái bao bì hai bà mang đến đặt nơi góc nhà cứ động đậy. Tôi hỏi cái gì trong đó, hai bà ngập ngừng trả lời: “Thưa cha, con ‘cúng’ cha con gà để bà cụ bồi dưỡng cho cha. Gà chính con nuôi đó, mong cha đừng chê.” Tôi lại chẳng biết nói gì, ngoài việc cảm ơn họ về sự đơn sơ và chân thành mà họ dành cho tôi.

Sau khi được các bà tới thăm, tôi thầm nghĩ, mình phải làm điều gì đó để đền ơn họ, ngoài việc cố gắng trở thành một linh mục tốt để khỏi phủ lòng của họ, thì mình cần phải giành nhiều thời gian hơn để thăm viếng và động viên các cụ. Cũng trong dịp về quê tạ ơn lần này, tôi được mời đi xức dầu cho một số cụ già bệnh nặng trong giáo xứ. Tôi cảm thấy rất thương tâm vì họ phải sống trong những túp lều rất nhỏ bé và đầy mùi hôi hám. Có nhiều cụ già neo đơn không nơi nương tựa, và có những cụ già có con cái thành công, nhà cao cữa rộng nhưng lại để cho cha mẹ mình ở một mình trong những không gian chật hẹp. Một lần kia có một gia đình giải thích với tôi: “Không phải là chúng con không muốn mẹ ở trong nhà mới, nhưng vì mẹ già nên thường ‘t’ ra quần, chảy xuống cả nhà, nên phải cho mẹ ở nhà cũ, đỡ mùi hôi.”

Tôi không trách móc những người làm con, vì họ có những khó khăn riêng của mình. Nhưng trong lòng tôi lại thấy đau xót cho những cảnh đời đau khổ của các cụ. Tôi càng lo lắng cho phần rỗi linh hồn của họ nữa. Vì mỗi lần tôi đi thăm người già, họ đều nói với tôi rằng, xin cha cầu nguyện để Chúa cất họ đi, vì sống vậy khổ lắm, lại còn làm phiền người khác. Dẫu biết rằng sống chết thế nào là việc của Chúa, nhưng tôi thấy nhiều cụ già suốt đời họ sống rất tốt, siêng năng việc kinh hạt, nhất là rất chăm lo công việc phục vụ giáo xứ, nhưng khi về già, họ phải sống trong sự thiếu thốn trăm chiều, họ dễ sinh tính phàn nàn, có lúc lại khiến họ mất niềm tin vào Chúa, buồn phiền vì thiếu sự tôn trọng và chăm sóc của con cháu. Bởi thế họ dễ nghĩ tiêu cực, thậm chí dễ phạm tội mà không được ơn chết lành.

Kinh Nghiệm Từ Giáo Hội Đài Loan

Sau lễ tạ ơn, tôi trở về Đài Loan để bắt đầu công việc mục vụ. Tôi có bài sai đến phục vụ ở một giáo xứ có chương trình phục vụ trong nhiều nhà hưu dưỡng, tôi đã giành rất nhiều thời gian đi thăm viếng và chăm sóc người già. Về mặt sức khỏe thể lý, tâm lý và tôn giáo, tôi thấy họ đều được chăm sóc rất chu đáo, trong khi những cụ già ở quê hương tôi không được diễm phúc như vậy. Lòng ước mơ xây nhà hưu dưỡng, để giúp cho đời sống các cụ già nơi quê hương được cải thiện lại nổi dậy mạnh mẽ trong tim tôi. Tôi mong cho họ được chăm sóc đúng với nhân phẩm của một con người, tôi mong họ được vui sống và lạc quan khi tuổi đã về già, và tôi mong họ được bình yên để chuẩn bị tâm hồn nếu được Chúa thương gọi về.

Nhưng có lúc tôi nghĩ rằng, ước mơ này đơn thuần là một ước mơ viễn vông, có vẻ quá xa vời, hay chắc chắn còn lâu lắm nó mới trở thành hiện thực, vì tôi là một linh mục dòng đi truyền giáo nơi xa. Lúc này tôi chỉ biết cầu nguyện và chia sẻ ý tưởng của mình cho bạn bè và người thân của tôi. Tôi đã đề cập nhiều lần với cha xứ, quý sơ và giáo dân ở quê nhà. Hơn nữa mỗi lần về quê thăm gia đình tôi đều giành nhiều thời gian đi thăm viếng các cụ trong giáo xứ của mình. Tôi giật mình, có lần tôi xin ông trưởng Ban Hội Đồng Mục Vụ cung cấp cho tôi danh sách những cụ già tuổi từ 75 trở lên trong giáo xứ, tôi nhận được danh sách với con số lên đến trên 200 cụ. Như vậy số lượng người già trên 75 tuổi của giáo xứ chiếm gần 8% trong tổng số gần 2,600 giáo dân, chưa kể những người bệnh tật.

Thử Thắp Lên Một Ngọn Nến

Tôi nhớ lời của một triết gia nào đó nói rằng: “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm.” Bởi thế, những năm gần đây, cứ đến mùa hè tôi đều dẫn một nhóm sinh viên và giáo viên từ Đài Loan về quê làm việc tình nguyện. Công việc tình nguyện chủ yếu là sinh hoạt và chăm sóc trẻ em khuyết tật và mồ côi tại Dòng Bác Ái Vinh. Mặc dầu thời gian làm việc chỉ có 8 ngày, nhưng chúng tôi vẫn giành một ngày để đi thăm và phục vụ người già.

Chúng tôi làm việc chung với các bạn trẻ của giáo xứ. Để cho công việc đạt hiệu quả, chúng tôi chọn ra khoảng 30 bạn, kết hợp với các bạn trẻ Đài Loan, chia nhiều nhóm nhỏ rồi đi vào thăm các cụ già có hoàn cảnh hết sức đặc biệt theo danh sách Hội Đồng Mục Vụ trao cho. Công việc chúng tôi làm hết sức đơn giản, đó là thăm hỏi, trò chuyện, thiết kế một ít trò chơi đơn giản để các cụ tham gia, nhằm giúp các cụ phản ứng linh hoạt. Các hình thức sinh hoạt này chủ yếu tạo niềm vui cho các cụ, để các cụ quên đi nỗi đau bệnh tật và bớt đi sự cô đơn. Chúng tôi cũng làm vệ sinh, quét nhà, massage, cắt tóc hay bấm sửa móng tay cho họ. Và cuối cùng chúng tôi tặng các cụ một số tiền nhỏ, số tiền này đến từ phụ huynh các sinh viên Đài Loan. Thành quả gặt hái được đó là các cụ rất vui mừng và cảm động vì được sự quan tâm. Riêng các bạn trẻ, họ cũng hiểu được nhiều và cảm thông với những vất vả của các cụ. Qua đó các bạn trẻ càng biết trân quý hơn những gì mà họ đang có.

Để Ngọn Lửa Tình Yên Tiếp Tục Được Lan Rộng

Ngọn lửa tình thương này tiếp tục được đốt lên, vì những năm gần đây các bạn trẻ trong các hội đoàn của giáo xứ tiếp tục những công việc phục vụ này. Họ không có kinh phí nên họ cùng nhau đi nhặt “ve chai” bán để lấy tiền mua gạo, mua thực phẩm rồi nấu cháo để tới từng nhà các cụ già chia sẻ “bát cháo tình thương” cho các cụ. Khi nhận được bát cháo nóng, tấm lòng các cụ cảm thấy ấm áp và phấn khởi nhiều hơn. Ngoài các bạn trẻ ra, cha xứ và các hội đoàn trong giáo xứ cũng thăm viếng các cụ vào những dịp đặc biệt trong năm, có khi các ngài quên góp kinh phí để mua chăn và áo ấm tặng các cụ vào những dịp mùa đông.

Không biết bao giờ Chúa mới thương đón nhận điều ước của tôi, hay không biết cho đến bao giờ ước mơ của tôi mới thành hiện thực. Ước chi sẽ một vài hội dòng nào đó nhận thấy ý tưởng của tôi là xứng đáng, là tốt đẹp để họ hưởng ứng và về trên quê hương tôi để xây một nhà hưu dưỡng, hoặc xây một trung tâm nào đó dùng để chăm sóc hoặc tổ chức sinh hoạt dành cho người già vào ban ngày giống như hình thức chăm sóc trẻ mẫu giáo, buổi sáng tiếp đón họ, tạo cho họ có dịp sinh hoạt, gặp gỡ nhau, đến chiều con cháu đến đón họ về nhà. Để ý tưởng này được thực hiện, tôi mong anh chị em hãy cùng với tôi tiếp tục kiên trì cầu nguyện và chờ đợi thời khắc thích hợp như thánh ý của Chúa.

Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy thực hiện một điều kỳ diệu trên quê hương con, để Danh Chúa được cả sáng trong những tâm hồn đang khát khao Chúa và khao khát tình thương.

Washington DC, ngày 04 tháng 06, năm 2019.

Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Từ Xâm Lược Cao Miên Đến Xâm Lăng VNCH
Phạm Trần
21:07 05/06/2019
Thủ tướng Tân Gia Ba, Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) đã tạt gáo nước lạnh vào đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam khi ông chính thức nói Việt Nam đã “xâm lược” và “chiếm đóng” Cao Miên từ ngày 13/12/1978 đến tháng 06/1989.

Đáng chú ý là nhà lãnh đạo Tân Gia Ba không chỉ một lần dùng chữ “xâm lược” để nói về cuộc hành quân vào Cao Miên của Việt Nam mà hai lần liên tục trong vòng chưa đầy 24 giờ.

Lần thứ nhất diễn ra vào tối ngày 31/05/2019 khi Thủ tướng Lý Hiển Long đọc diễn văn khai mạc diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, tổ chức tại Tân Gia Ba để thảo luận về an ninh Á châu-Thái Bình Dương.

Có khoảng 20 Bộ trưởng Quốc phòng, kể cả Hoa Kỳ, Trung Cộng, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (The Association of South East Asia Nations, ASEAN), Nhật, Nam Hàn, Pháp, Úc, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại, đại diện Liên Hiệp Châu Âu và hàng trăm chuyên gia quân sự và các nhà nghiên cứu của 50 quốc gia tham dự cuộc họp quan trọng này.

Thủ tướng Lý nói :”After the Cold War ended, the US became the sole superpower. Southeast Asia entered a new phase. The Indochinese wars finally ended, and the communist countries opened up. Earlier, Vietnam had invaded Cambodia, thus posing a serious threat to its non-communist neighbours. But now Vietnam joined ASEAN, together with Cambodia, Laos and Myanmar.”

(Diễn văn khai mạc Đối thoái Shangri-La thứ 18)

(Tạm dịch: “Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ trở thành cường quốc duy nhất. Đông Nam Á đi vào kỷ nguyên mới. Cuối cùng cuộc chiến ở Đông Dương cũng chấm dứt, các nước Cộng sản mở cửa. Trước đó, Việt Nam đã xâm lược Cao Miên (hay còn gọi là Kampuchia, hoặc Kampuchea), đe dọa nghiêm trọng đối với các nước láng giềng không Cộng sản. Nhưng bây giờ Việt Nam đã gia nhập ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), cùng với Cao Miên, Lào và Myanmar (tên cũ là Burma, Miến Điện).”

Phái đoàn Việt Nam do Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu đã có mặt tại buổi lễ khai mạc, nhưng không thấy báo chí Việt Nam đưa tin về tuyên bố của Thủ tướng Lý, cũng không có phản ứng của phía Việt Nam tại Tân Gia Ba.

Sau đó, ngày 01/06 (2019), trong bức thư chia buồn gửi Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-o-Cha, về sự qua đời của nguyên Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quốc gia, Preme Tinsulanonda, nhà lãnh đạo Tân Gia Ba đã ca tụng sự nghiệp chính trị và tài lãnh đạo lỗi lạc của cố Thủ tướng Thái, đồng thời nhắc lại cuộc “xâm lược Cao Miên” của Việt Nam.

Báo The Straits Times trích lời Ông Lý viết:” Mr Lee said the region also benefited from Mr Prem's leadership, noting that Mr Prem's time as premier coincided with the five countries of Asean coming together decisively to resolutely oppose Vietnam's invasion of Cambodia.

"General Prem was resolute in not accepting this fait accompli. Supported by his able Foreign Minister, Air Chief Marshal Siddhi Savetsila, General Prem worked with Asean partners to support the resistance forces of the Coalition Government of Democratic Kampuchea from Thai territory, and to oppose the Vietnamese occupation in international forums.

"This effective collective resistance prevented a military invasion and regime change from being legitimised, and protected the security of other Southeast Asian countries. Eventually the invasion forces withdrew, a peace settlement was signed, and internationally supervised elections were held to elect a new Cambodian government.”

"This decisively shaped the subsequent course of Southeast Asia. It paved the way for Vietnam, Cambodia and Laos to join ASEAN, as partners in promoting the region's peace and development.”

(theo The Straits Times, ngày 01/06/2019)

(Tạm dịch:” Ông Lý nói rằng, khu vực cũng được hưởng sự nghiệp lãnh đạo của Ngài Preme. Trong thời gian ông giữ chức Thủ tướng cũng trùng hợp với việc năm Quốc gia của ASEAN đã cùng nhau khẳng định và quyết liệt chống cuộc xâm lược Cao Miên của Việt Nam.

“Tướng Preme cương quyết không chấp nhận như là việc đã rồi. Được hậu thuẫn bởi Bộ trưởng Ngoại giao, Tư lệnh Không quân Hòang gia Siddhi Savetsila, Tướng Preme đã làm việc với các Lãnh đạo của ASEAN để ủng hộ lực lượng kháng chiến của Chính phủ Liên hiệp Dân chủ Kampuchea từ lãnh thổ Thái, và chống lại cuộc chiếm đóng của người Việt Nam trên các diễn đàn Quốc tế.”

(Note: 5 nước nguyên thủy của tổ chức ASEAN gồm : Indonesia (Nam Dương), Malaysia (Mã Lai Á) , Singapore (Tân Gia Ba), the Philippines (Phi Luật Tân) và Thailand (Thái Lan).

“Hiệu quả của sự chống đối tập thể đã ngăn chặn cuộc xâm lược quân sự và sự thay đổi thể chế trở thành hiện thực, đồng thời bảo vệ an ninh cho các nước trong vùng Đông Nam Á. Lần hồi, lực lượng xâm lược phải rút lui, một giải pháp hòa bình được ký kết, và cuộc bầu cử có Quốc tế kiểm soát đã được tổ chức để bầu lên một Chính phủ Cao Miên mới.”

“Biến cố này đã mặc định hướng đi cho Đông Nam Á. Nó mở đường cho Việt Nam, Cao Miên và Lào gia nhập ASEAN, như là những thành viên cổ võ hòa bình và phát triển của khu vực.”

VIỆT NAM PHẢN ỨNG

Đây là lần đầu tiên, sau 30 năm kể từ khi Việt Nam rút quân khỏi Cao Miên là điều kiện bắt buộc của Trung Cộng, để được bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, một Nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã quay lại lịch sử để phơi ra sự thật mà đảng CSVN không bao giờ dám thừa nhận.

Vì vậy, Bộ Ngoai giao Việt Nam đã phải gấp rút phản ứng vào tối ngày 04/06 (2019), nguyên văn như sau:

“Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận.

Bà Thu Hằng cho biết thêm Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này.” (theo Tuổi Trẻ Online, ngày 04/06/2019

Các báo của nhà nước CSVN cũng đồng loạt đăng lời tuyên bố của bà Hằng, dựa theo Bộ Ngoại giao rằng:"Đóng góp và hi sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16-11-2018, Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ. Phán quyết đã phản ánh khách quan sự thật lịch sử, thực thi công lý, trả lại công bằng cho các nạn nhân, được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế hoan nghênh"

Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long đã không đề cập đến lực lượng Khmer Đỏ và chế độ Pol Pot mà chỉ nêu lên sự thật của lịch sử là Việt Nam đã “xâm lược” và “chiếm đóng” Cao Miên trong 10 năm.

CHIẾN TRANH HỦY DIỆT

Đầu nằm nay (2019), đảng và nhà nước CSVN đã tổ chức kỷ niệm 40 năm “Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979- 07/01/2019)”

Dấu mốc lịch sử 40 năm cuộc chiến Cao Miên bắt đầu từ ngày 23/12/1978, khi khoảng 200,000 quân Việt Nam vượt biên giới để tấn công mở đường và yểm trợ lực lượng 20,000 lính của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, do Heng Samrin lãnh đạo và được Việt Nam yểm trợ, chiếm Thủ đô Nam Vang ngày 07/01/1979.

Mười ngày sau, 17/01/1979, quân Việt Nam là chính, đã kiểm soát gần hết lãnh thổ xứ Chùa Tháp. Pol Pot và Khmer đỏ, dù có Trung Cộng đứng sau lưng, đã phải rút quân về cố thủ dọc biên giới Thái Lan.

Để trả đũa thay cho Pol Pot, ngày 17/02/1979, lãnh tụ Trung Cộng Đặng Tiểu Bình, đã tung 600,000 quân vượt biên giới đánh vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu. Họ Đặng gọi cuộc hành quân là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Ngày 14/3/1979, Trung Cộng rút hết quân về nước, nhưng sau đó lại mở mặt trận đẫm máu thứ hai ở vùng biên giới, đặt trọng tâm vào Vỵ Xuyên (Tỉnh Hà Tuyên) từ 1984 đến 1990 để chiếm hai vị trí chiến lược núi Lão Sơn (Laoshan, điểm cao 1059, Việt Nam gọi là núi Đất) và Giả Âm Sơn (điểm cao 1250,Việt Nam gọi là đồi 722) và các điểm cao chiến lược khác dọc biên giới hai nước. Việt Nam đã mất vĩnh viễn phần lãnh thổ quan trọng này kể từ ngày 14/07/1984.

Không có số lính và thường dân Việt Nam bị tử thương hay mất tích trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung được Việt Nam công bố, nhưng từ lâu, nhiều nguồn tin phỏng định từ 28,000 đền 45,000 quân và dân đã thiệt mạng và mất tích. Riêng tại mặt trận Vỵ Xuyên (Hà Tuyên), con số binh sỹ tử thương đã ở lại vĩnh viễn nơi chiến trường khoảng từ 3,000 đến 5,000 người.

NGHĨA VỤ CHO AI, VÌ AI ?

Trong khi đó tại chiến trường Cao Miên, ngược với trông đợi Việt Nam sẽ rút quân sau khi đánh bật Pol Pot ra khỏi Nam Vang, quân Việt Nam đã sa lầy ở đó đến 10 năm. Cho đến khi sức cùng lực kiệt Việt Nam đã buộc phải rút quân từ tháng 06 năm 1989, trước áp lực cấm vận của Quốc tế và là điều kiện bắt buộc của Bắc Kinh nếu Hà Nội muốn nối lại bang giao.

Vậy Việt Nam đã được gì sau cuộc chiến gọi là “nghĩa vụ quốc tế” của lực lượng “tình nguyện” ở Cao Miên ? Hà Nội chẳng được gì, dù đã tổn thất khoảng 100,000 mạng sống gồm chết, bị thương và mất tích. Đất nước Cao Miên ngày nay, tuy quyền hành nằm trong tay cựu Trung đoàn trưởng Hun Sen, người được quân Việt Nam cứu và đưa trở lại Nam Vang nắm quyền sau Heng Samrin, đã nằm gọn trong tay Trung Cộng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Hoa Hoa Tập Cận Bình đã có ảnh hưởng chính trị tuyệt đối với Cao Miên hơn cả Hoa Kỳ.

Ông Hun Sen đã nắm quyền lãnh đạo Campuchia 33 năm, sẽ tiếp tục được Bắc Kinh ủng hộ để thực hiện kế hoạch bành trướng “một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình, nhưng đồng thời cũng bao vây Việt Nam ở phía tây.

Một bài viết phổ biến trên Internet cho biết:”Là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Campuchia, Trung Quốc đã hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay. Ở chiều ngược lại, chính phủ Campuchia mở cửa cho làn sóng đầu tư chưa từng có của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hiện đã có 30 sòng bạc của doanh nghiệp Trung Quốc đi vào hoạt động ở Campuchia và 70 sòng bạc khác đang trong quá trình xây dựng.

Số lượng khách du lịch Trung Quốc đổ tới Sihanoukville, thành phố vốn chỉ có 90.000 dân, tăng gấp đôi trong vòng hai năm 2016-2017. Mọi nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, cửa hàng mua sắm miễn thuế, siêu thị và ngân hàng ở Sihanoukville đều trưng biển hiệu viết bằng tiếng Trung Quốc.”

Theo thống kê, năm 2017 Việt Nam đã dầu tư ở Cao Miên 184.5 triệu Mỹ kim, so với 501.5 triệu của Trung Cộng.

Ngoài mất ảnh hưởng chính trị vì không có khả năng kinh tế và tài chính bao bọc cho Hun Sen bằng Trung Cộng, đảng cầm quyền CSVN còn phải đối phó với mối hiềm khích lịch sử dai dẳng với Cao Miên về tranh chấp lãnh thổ và chủng tộc. Dù ngoài mặt thân thiện, nhưng trong thâm tâm, người Miên vẫn lạnh nhạt với người Việt Nam. Nó giống hệt như mối thù tiềm ẩn không bao giờ ra khỏi máu người Việt đối với Trung Quốc mỗi khi người Việt nhớ đến cuộc tấn công vào 6 Tỉnh biên giới của Đặng Tiểu Bình năm 1979 để không quên rằng Việt Nam đã từng bị người Tầu đô hộ 1,000 năm trong nhiều Thế kỷ trước.

Do đó, khi tổ chức kỷ niệm chiến thắng Pol Pot-Khmer đỏ tại Hà Nội ngày 05/01/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đã ngụ ý kỷ niệm chiến thắng quân Khmer đỏ ở mặt trận biên giới Tây Nam là chính, sau đó mới đến chuyện đánh bật Pol Pot và Khmer đõ khỏi Thủ đô Nam Vang ngày 07/01/1979.

Ông Phúc muốn lồng 2 hành động vào một khung là muốn tránh mở lại vết thương xung đột với Trung Cộng vì Bắc Kinh đã để mất quân bài Pol Pot trước cuộc tấn công của quân Việt Nam.

Hơn nữa khi Thủ tướng Việt Nam gọi lễ kỷ niệm là “Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979- 07/01/2019)” còn ngụ ý muốn thanh minh quân Việt Nam vượt biên vào Cao Miên 40 năm trước không phải là hành động “xâm lược chiếm đóng” như đã có lần bị chính Nhà vua Norodom Sihanouk tố cáo tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Ông Phúc muốn mọi người hiểu rằng Việt Nam chỉ phản công hành động đánh phá của Pol Pot-Khmer đỏ, và tình nguyện giúp người Miên thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Ông Phúc nói:”Sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam - Việt Nam của Tập đoàn phản động Pôn Pốt, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng đất nước. Đến ngày 7/1/1979 thủ đô Phnôm Pênh đã được giải phóng. Đây là Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, từ đó nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, dựng xây đất nước.”

Nhóm chữ “cách mạng Campuchia” mà ông Phúc nhắc đến là tổ chức “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia” được Việt Nam yểm trợ thành lập do Heng Samrin lãnh đạo và Hun xen là Ủy viên.

Báo chí Việt Nam, theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, đã viết bài ca tụng quân đội Việt Nam đã “hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.”

Nhưng trong khi kỷ niệm 40 năm chiến thắng mặt trận biên giới Tây Nam và giải phóng Cao Miên khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot được tổ chức cấp nhà nước thì trong 39 năm qua, những hy sinh cao cả và đẫm máu của quân-dân 6 tỉnh biên giới trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược 1979-1990 đã bị đảng cầm quyền CSVN cố tình làm ngơ.

Chính phủ Việt Nam còn ra lệnh chống phá, ngăn cấm mọi cố gắng tự phát của cựu chiến binh và người dân muốn tổ chức truy điệu và dâng hương ghi ơn quân-dân đã nằm xuống trong cuộc chiến hào hùng này.

Đảng và nhà nước CSVN còn kỳ thị và cấm tổ chức ghi công và truy điệu 74 Chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm chiến Hoàng Sa tháng 01/1974.

Như vậy, với biến cố Thủ tướng Lý Hiển Long của Tân Gia Ba nói về “xâm lược” và “chiếm đóng” Cao Miên của đảng CSVN, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu có ngày cái gọi là “giải phóng miền Nam” hay “chống Mỹ cứu nước” bị rơi mặt nạ trước lịch sử “xâm lăng” Việt Nam Cộng hòa. -/-

Phạm Trần

(06/019)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Đang lễ, linh mục chủ tế bàn giao Thánh Lễ cho một vị khác được không?
Nguyễn Trọng Đa
08:55 05/06/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Có được phép cho linh mục chủ tế rời khỏi Thánh lễ và giao lại cho một vị đồng tế để tiếp tục cùng một Thánh lễ không? Con nhận thấy trong một Thánh lễ cưới, linh mục chủ tế, sau khi bài giảng và nghi thức thành hôn kết thúc,đã bàn giao cho một linh mục khác để tiếp tục Thánh Lễ, còn ngài rời đi. - E. C., Kabwe, Zambia
.

Đáp: Câu trả lời ngắn gọn cho việc này là không! Trong nghi lễ Latinh, trường hợp duy nhất mà một chủ tế từ bỏ vai trò của mình là do một căn bệnh nghiêm trọng, vốn cản trở ngài tiếp tục cử hành Thánh lễ của mình. Mặt khác, không có tình huống nào mà có sự thay đổi vai trò linh mục chủ tế trong Thánh lễ cả.

Điều này bao gồm cả các Thánh lễ kết hôn và Thánh lễ rửa tội. Vị chủ tế phải luôn là một người đẻ chủ sự nghi thức bí tích.

Đúng là không có quy định rõ ràng nào cấm việc bàn giao cho vị chủ tế mới để tiếp tục cử hành Thánh lễ. Nhưng, như chúng tôi đã đề cập trong các dịp khác, nhà soạn luật không thể thấy trước mọi thứ mà trí tưởng tượng của con người có thể tạo ra.

Tuy nhiên, có một câu trả lời riêng năm 2007 từ Thánh Bộ Phượng Tự liên quan đến các nguyên tắc liên quan. Câu hỏi đặt ra là liệu một phó tế có thể chủ sự nghi thức kết hôn trong Thánh lễ không. Trong câu trả lời, Thánh Bộ trả lời là không, Từ quan điểm phụng vụ, không thể chấp nhận việc thay đổi vị chủ sự trong quá trình một buổi cử hành và cùng nghi thức phụng vụ.

Để phản bác các phản đối có thể có, bức thư cũng đề cập đến các ngoại lệ rõ ràng cho nguyên tắc này, chẳng hạn như:

“Điều đó xảy ra khi Đức Giám Mục chủ sự một buổi lễ trong lễ phục kinh hội, hoặc khi một Giám mục mới được tấn phong trở thành vị chủ tế của Thánh Thể từ thời điểm tấn phong.”

Thí dụ đầu tiên xảy ra khi một Giám mục tham dự Thánh lễ nhưng không cử hành Thánh lễ - thí dụ, nhân dịp lễ ngân khánh hay kim khánh của linh mục. Trong các trường hợp như vậy, Giám mục có thể giảng lễ và chúc lành cuối lê. Ngoài ra, nếu Giám mục có mặt trong lễ tang mà không đồng tế - thí dụ, nhân dịp tang lễ của cha hay mẹ Linh mục - linh mục sẽ chủ sự trong Thánh lễ, trong khi giám mục có thể cử hành nghi thức phó dâng vào cuối lễ.

Trường hợp thứ hai về một sự thay đổi ngắn gọn trong việc chủ sự, ngoài trường hợp một Giám mục mới được tấn phong trong giáo phận của mình, cũng có thể xảy ra khi một Giám mục mới được bổ nhiệm nắm quyền giáo phận của mình, và được Tổng Giám mục địa phương giới thiệu vào nhậm chức giáo phận. Trong trường hợp này, số 1145 của Sách Lễ Nghi Giám mục nói:

“Tuy nhiên, nếu chính Tổng Giám mục địa phương đưa Đức Giám Mục vào nhà thờ chính tòa, Ngài giới thiệu Đức Giám Mục tại cửa nhà thờ với thành viên cao cấp nhất của Kinh sĩ hội, và chủ trì lễ rước vào nhà thờ; tại ngai tòa, Ngài chào mừng mọi người và yêu cầu Thư Bổ nhiệm được trung ra và được đọc. Khi thư được đọc xong, và sau những lời tung hô của người dân, Tổng Giám mục địa phương dẫn Đức Giám Mục lên ngồi trên ngai tòa. Sau đó, Đức Giám Mục đứng dây và xướng kinh Vinh Danh (Gloria) theo chữ đỏ.”

Bức thư được đề cập ở trên kết luận rằng đây không phải là các trường hợp ngoại lệ thực sự, nhưng “phát sinh từ bản chất của thừa tác vụ Giám mục, và không tuân theo quy tắc chung.”

Như chúng ta thấy, đây đều là các trường hợp ngoại lệt và chỉ đề cập đến các Giám mục. Do đó, việc thay đổi vị chủ tế trong Thánh lễ là không đúng với phụng vụ.

Có một số trường hợp, khi chữ đỏ cho phép cho sự can thiệp của một số linh mục, mà không nói chặt chẽ là ngụ ý một sự thay đổi về vị chủ tế. Điều này được thấy trước, thí dụ, trong một lễ đồng tế trong đó các linh mục khác có thể đọc một phần của Kinh nguyện Thánh Thể.

Cũng có thể phân chia một số phần của nghi thức xức dầu bênh nhân ngay cả trong Thánh lễ, khi có nhiều người bệnh hiện diện. Do đó, số 19 của Phần giới thiệu Nghi thức xức dầu bệnh nhân nói:

“Khi hai hoặc nhiều linh mục có mặt để xức dầu cho một bệnh nhân, một vị đọc lời nguyện và thực hiện việc xức dầu, đọc công thức bí tích. Các vị khác có thể thực hiện các phần còn lại, chẳng hạn như các nghi thức giới thiệu, các bài đọc, lời khẩn nguyện hoặc hướng dẫn. Mỗi linh mục có thể đặt tay lên người bệnh.”

Tương tự như vậy, khi có một số lượng lớn tín hữu nhận Bí tích Thêm sức, Giám mục có thể ủy quyền và ban năng quyền cho một hoặc nhiều linh mục, để ban bí tích thêm sức cùng với Ngài (Nghi thức Thêm sức số 28).

Tuy nhiên, trong tất cả các tình huống này, vị chủ tế chính vẫn là một và Ngài kết thúc buổi lễ.

Tôi không biết tại sao linh mục, trong vấn đề nêu ra ở trên, đã làm những gì ngài đã làm. Một linh mục cũng là một thành viên của cộng đoàn tín hữu và, giống như mọi người khác, nên tham gia vào bất kỳ nghi thức phụng vụ nào cho trọn buổi lễ. (Zenit.org 4-6-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/handing-over-a-mass/
 
VietCatholic TV
Tổng thống Trump: Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giúp giải phóng cho bao nhiêu triệu người
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:48 05/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm 2 tháng 6 năm 2019, Tòa Bạch Ốc đã công bố tuyên bố sau đây của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân kỷ niệm 40 năm lần đầu tiên Đức Gioan Phaolô II trở về thăm Ba Lan. Nguyên bản tiếng Anh của Tòa Bạch Ốc có thể xem tại đây: Presidential Message in Commemoration of the 40th Anniversary of Pope John Paul II’s First Pilgrimage to Poland. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.

Vào ngày này, chúng ta kỷ niệm 40 năm Thánh lễ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử hành ngày 2 tháng 6 năm 1979, tại Warsaw, khai mạc chuyến thăm chín ngày tại Ba Lan đã thay đổi tiến trình lịch sử của nhân loại. Khi chúng ta nhớ lại cuộc đấu tranh lâu dài của người dân Ba Lan chống lại chủ nghĩa cộng sản, chúng ta công nhận rằng hàng bao nhiêu triệu người hiện đang được sống tự do là nhờ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và cuộc sống phi thường của ngài như một môn đệ của Chúa Giêsu Kitô và một nhà vô địch đấu tranh cho phẩm giá con người và quyền tự do tôn giáo.

Trong bài giảng bốn mươi năm trước, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gửi một thông điệp hy vọng mạnh mẽ đến đông đảo dân chúng tập trung tại Warsaw, cũng như đến tất cả người dân Ba Lan và toàn thế giới. Lời nói của ngài thẳng thắn chống lại các thế lực đàn áp của chủ nghĩa cộng sản trên khắp Ba Lan và phần còn lại của Âu châu. Ngài đã truyền cảm hứng cho lòng can đảm trong con tim của hàng triệu người nam nữ để mưu tìm một cuộc sống tốt hơn, và tự do hơn.

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm thời khắc lịch sử này và tái khẳng định cam kết của chúng ta phải bảo đảm sao cho tự do luôn chiếm ưu thế. Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta đoàn kết chống lại xiềng xích của chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta phải là một ngọn hải đăng của tự do và thịnh vượng trên toàn thế giới.

Melania hiệp với tôi tưởng nhớ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã có những diễn từ sâu sắc khuấy động tâm hồn người dân Ba Lan và cuối cùng đã giúp phá bỏ Bức màn sắt của chủ nghĩa cộng sản ở Âu Châu. Xin cho chúng ta có thể tiếp tục được củng cố bởi những lời nói của ngài và lời mời gọi của ngài hướng đến lòng thương xót vô biên, sức mạnh và vinh quang Thiên Chúa.

Bối cảnh chuyến tông du Ba Lan của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II



Năm 1979 là kỷ niệm 900 năm ngày tử đạo của Thánh Stanislaus, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rõ rằng ngài rất mong mỏi được trở về quê hương Ba Lan, lúc đó vẫn còn dưới sự cai trị của Cộng sản, để tham dự lễ hội tôn vinh người tiền nhiệm của ngài. Thánh Stanislaus đã từng là Tổng Giám mục Krakow.

Chính quyền Ba Lan đứng giữa một sự giằng co. Một mặt, Vatican và Đức Hồng Y WyszyÒski đang gây áp lực buộc họ cho phép Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Ba Lan như một phần của lễ kỷ niệm. Mặt khác, Mạc Tư Khoa không muốn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở về cố hương như một người chiến thắng.

Một loạt các sai lầm ngớ ngẩn của bọn cầm quyền Ba Lan lúc bấy giờ đã tạo ra những lợi thế đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài muốn có mặt ở Ba Lan vào ngày 8 tháng 5 năm 1979, là ngày lễ Thánh Stanislaus. Bọn cầm quyền khăng khăng không chịu vì thấy có quá nhiều mối liên hệ giữa hoàn cảnh tử đạo của Thánh Stanislaus, là người đứng lên chống lại nhà nước và chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Chúng nhất quyết chống lại sự xuất hiện của ngài vào tháng Năm và đề nghị chuyến tông du của ngài diễn ra vào tháng tiếp theo, là tháng Sáu 1979. Các nhà tổ chức cuộc tông du đã đồng ý. Cộng sản thấy mình đạt được “thắng lợi vĩ đại” nên nhượng bộ với ban tổ chức để chuyến thăm hai ngày tới hai thành phố trở thành chuyến thăm chín ngày tới sáu thành phố. Điều đó có nghĩa là Đức Giáo Hoàng sẽ ở Ba Lan để tham dự Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, là ngày sinh nhật truyền thống của Giáo Hội, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ và trao quyền cho các ngài giảng dạy nhân danh Chúa Kitô.

Sai lầm tiếp theo về phía bọn cầm quyền là đề nghị phát sóng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng trên đài truyền hình quốc gia. Thâm ý của chúng là để giảm thiểu đám đông dân chúng tham dự các thánh lễ và các cuộc gặp gỡ vì nếu người ta có thể ở nhà xem truyền hình thì có lẽ người ta sẽ không ra đường. Đó là một tính toán sai lầm. Truyền hình trực tiếp chuyến tông du không có hiệu quả trong việc ngăn chặn đám đông, mà giờ đây, nhờ bọn cầm quyền, người già và người nội trợ đã có thể xem những gì họ sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn thấy. Thực tế là truyền hình trực tiếp còn có tác dụng quảng cáo không công cho chuyến tông du khiến cho số người tham dự còn đông hơn nữa.

Ước tính có khoảng 13 triệu người đã được tận mắt nhìn thấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và ngài đã đem đến cho họ một hy vọng thật lớn lao. Lần đầu tiên, họ cảm thấy có một cơ hội thực sự có thể thay đổi cuộc sống của họ. Giữa những rừng người chào đón Đức Giáo Hoàng, đột nhiên người Công Giáo Ba Lan nhận ra họ mới chính là đa số, và vượt trội hơn hẳn so với những người cộng sản được cho là chiếm đa số và đang kiểm soát đất nước.


Source:The White House
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, ngày 5/6/2019: Một linh mục có 4 người con linh mục
VietCatholic Network
20:45 05/06/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 5/6/2019.

2- Tại Romania, Đức Thánh Cha gặp gỡ và xin lỗi cộng đồng người du mục Roma.

3- Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi cầu nguyện cho châu Âu và cho sự hiệp nhất.

4- “Đêm các đền thánh” lần thứ nhất tại Ý.

5- Giám mục ban bí tích Thêm sức cho 62 tù nhân.

6- Hành hương “Ngọn Gió Hòa bình 2019” tại khu phi quân sự ở Triều Tiên.

7- Một Linh mục có 4 người con là Linh mục.

8- Báo cáo 2018 về Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ.

9- Giáo tỉnh Hà Nội cử hành ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 53.

10- Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu 2019.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Tình Ca Vô Tận.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Giáo Hội Năm Châu 03/06/2019: Tình cảnh bi thảm của các tín hữu Kitô tại Ấn
Giáo Hội Năm Châu
02:34 05/06/2019
1. Hoặc là tòa tuyên bố Đức Hồng Y Pell vô tội, hoặc là ngài sẽ chấp nhận bản án bất công không xin giảm án. Lịch sử sẽ phán xét.

Hôm 13 tháng Ba, trong một quyết định thể hiện rõ lòng thù hận đối với Đức Hồng Y George Pell, tòa án tại Melbourne đã quyết định truyền hình trực tiếp buổi đọc phán quyết kết tội Đức Hồng Y như một hình thức lăng mạ công khai ngài.

Đức Hồng Y bị kêu án “sáu năm tù vì lạm dụng 2 bé trai trong thập niên 1990”. Trong đó, hết 3 năm 8 tháng không được nạp đơn xin ân xá.

Đức Hồng Y đã ngay lập tức kháng cáo. Đơn kháng án của ngài sẽ được xét xử vào ngày 5 và 6 tháng Sáu tới đây bởi 3 vị thẩm phán.

Nhóm pháp lý của Đức Hồng Y Pell xông đã đệ trình ba căn cứ để kháng cáo.

Trước hết, phiên tòa xét xử đầu tiên vào mùa thu năm ngoái đã kết thúc với một bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu 10-2, trong đó 10 người quyết định rằng Đức Hồng Y vô tội và chỉ có 2 người quyết liệt cho rằng Đức Hồng Y là có tội (đại diện bồi thẩm đoàn đã khóc khi báo cáo về sự bế tắc không làm sao thuyết phục được sự đồng thuận của 2 người kia). Phiên tòa thứ hai, thật đáng kinh ngạc, đã kết thúc với bản án 12-0 để kết tội ngài: mặc dù cáo buộc của nguyên cáo chẳng được bất kỳ ai ủng hộ trước tòa. Có đến 20 người tuyên thệ trước tòa rằng cáo buộc chống lại Đức Hồng Y là không thể nào xảy ra và chính bà mẹ của người được cho là nạn nhân thứ hai tuyên thệ rằng con bà đã nói với bà trước khi chết rằng anh ta chưa bao giờ bị bất cứ ai lạm dụng tính dục; và bất chấp thực tế là cảnh sát đã không có bất cứ chứng minh nào thu được từ hiện trường được cho là nơi tội phạm đã xảy ra. Như thế, kết luận của nhóm bồi thẩm đoàn thứ hai là vượt quá sự nghi ngờ hợp lý. Nếu 3 vị thẩm phán trong phiên kháng cáo này đồng ý với quan điểm này, Đức Hồng Y sẽ được phóng thích ngay tức khắc.

Thứ hai, các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y đã chỉ ra mười điểm vô lý trong cáo buộc của nguyên cáo, là những điều không thể nào xảy ra trong một không gian được kiểm soát cẩn thận của nhà thờ chính tòa St. Patrick của Melbourne. Tuy nhiên, tòa không cho chiếu trước bồi thẩm đoàn một video do các luật sư trình lên tòa cho thấy không thể nào xảy ra vụ tấn công lạm dụng tính dục như đã mô tả.

Thứ ba, các luật sư chỉ ra rằng có quá nhiều “bất quy tắc cơ bản” trong phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell, chẳng hạn như ngài đã không được nói một lời nào trước bồi thẩm đoàn.

Nếu ba vị thẩm phán không đồng ý với quan điểm thứ nhất, nhưng đồng ý với quan điểm thứ hai hay thứ ba, ngài có thể phải chịu xét xử trong một phiên tòa mới.

Nếu thẩm phán không chấp nhận điểm nào trong kháng cáo của mình, Đức Hồng Y Pell sẽ không xin giảm án. Hoặc là tòa tuyên bố Đức Hồng Y George Pell vô tội, hoặc là ngài sẽ chấp nhận bản án bất công không xin giảm án. Lịch sử sẽ phán xét. Các luật sư của ngài đã nói với truyền thông Úc như vậy.

2. Sau 5 năm vác thánh giá, với chiến thắng của Ấn Giáo cực đoan, Kitô hữu vác thánh giá tiếp 5 năm nữa

Ngày 16 tháng Năm 2014, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) lên làm thủ tướng. Từ đó cho đến nay, các Kitô hữu lãnh đủ các hình thức bách hại.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài từ 11 tháng Tư cho đến 23 tháng Năm vừa qua (có nước nào bầu cử dài kinh khủng như thế không?), các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, các Kitô hữu tại Ấn, nói như cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền, “tái mặt” nhận ra rằng Đảng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.

3. Hồi Giáo cực đoan thảm sát thêm 4 người Công Giáo trong thánh lễ Chúa Nhật

Bốn người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một nhà thờ Công Giáo ở phía bắc Burkina Faso, vào hôm Chúa Nhật 26 tháng 5, tại Toulfé, một ngôi làng cách Titao, thủ phủ của tỉnh Loroum phía bắc khoảng hai mươi km.

Trong một tuyên bố gởi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Cha Justin Kientega, Giám Mục giáo phận Ouahigouya cho biết:

“Cộng đồng Kitô giáo của Toulfé đã là mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố khi họ tập trung cầu nguyện trong thánh lễ vào sáng Chúa Nhật. Cuộc tấn công làm bốn tín hữu bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương”.

Đức Cha Justin cho biết 8 tên khủng bố vũ trang mạnh đã đến làng vào khoảng chín giờ sáng, trên bốn chiếc xe máy. Họ vào nhà thờ nơi cộng đồng Công Giáo vừa tụ tập để tham dự thánh lễ. Ba người chết ngay lập tức, trong khi một người khác chết vì vết thương trên đường đưa đến bệnh viện.

Đây là vụ tấn công khủng bố thứ ba trong tháng Năm này. Trước đó, trong một cuộc tấn công hôm Chúa Nhật 12 tháng Năm, Cha Siméon Yampa, linh mục chính xứ Dablo, ở tỉnh Sanmatenga, đã bị giết cùng với năm tín hữu khi ngài đang dâng lễ.

Trong bản tin đánh đi hôm thứ Ba 14 tháng Năm, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết lại có thêm một cuộc tấn công mới nhất nhắm vào người Công Giáo ở Burkina Faso làm 4 tín hữu bị thiệt mạng.

Vụ tấn công thứ hai diễn ra vào ngày thứ Hai 13 tháng Năm, khi bốn tín hữu mang bức tượng Đức Maria trở lại một nhà thờ sau khi tham gia rước kiệu Đức Mẹ nhân tháng Hoa. Họ đã bị giết ở làng Singa, thuộc thị trấn Zimtenga (cách Kongoussi 25 km), ở vùng trung tâm phía bắc của quốc gia. Tỉnh Sanmatenga, nơi diễn ra vụ tấn công hôm Chúa Nhật, cũng thuộc khu vực này.

Theo thông tin gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, các tín hữu Công Giáo của làng Singa, sau khi tham gia đám rước từ làng của họ tới làng Kayon, cách đó khoảng 10 km, đã bị chặn lại bởi những người có vũ trang. Những kẻ khủng bố để cho trẻ vị thành niên đi, nhưng chúng đã xử tử bốn người lớn và phá hủy bức tượng.

Hôm thứ Hai 13 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Séraphin François Rouamba, của tổng giáo phận Koupéla và là Chủ tịch Hội nghị Giám mục Giám mục Burkina Faso-Nigeria, đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình trong lễ tang các nạn nhân tại Dablo. Tang lễ có sự tham gia của người Công Giáo, Tin lành, Hồi giáo và đại diện của các tôn giáo bản địa.

4. Vatican triển lãm nghệ thuật tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh

Hôm thứ Ba 28 tháng Năm, Viện Bảo tàng Vatican đã mở một cuộc triển lãm tại Viện Bảo tàng Bắc Kinh với chủ đề “Vẻ đẹp hiệp nhất chúng ta”. Các tác phẩm tham gia cuộc triển lãm này được tuyển chọn bởi Cha Nicola Mapelli, gián đốc phân bộ Anima Mundi của Viện Bảo tàng Vatican và ông Vương Nguyệt Điện (Wang Yuegong, 王月宫一号) Giám đốc phân bộ Đời sống Cung đình và Nghi lễ Hoàng gia của Viện Bảo tàng Bắc Kinh. Cuộc triển lãm diễn ra bên trong Bảo tàng Cung điện của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, mở cửa cho công chúng từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 14 tháng 7 năm 2019.

Với sáng kiến này, lần đầu tiên các phẩm vật trong Bảo tàng viện của Đức Giáo Hoàng được triển lãm ở Trung Quốc với sự phối hợp của tổ chức văn hóa quan trọng nhất ở nước này. Những người lạc quan cho rằng sự hợp tác có thể tiêu biểu cho một cử chỉ cụ thể trong nỗ lực hiểu biết lẫn nhau. Những người không lạc quan lắm thì cho đây chỉ là một “động tác giả” của phía Trung Quốc trong khi tiếp tục bách hại cộng đoàn Công Giáo địa phương.

Triển lãm trình bày các phẩm vật văn hóa trong bộ sưu tập nghệ thuật Trung Quốc từ phân bộ Anima Mundi của Viện Bảo tàng Vatican, bao gồm 76 tác phẩm nghệ thuật có tính cách thế tục, Phật giáo và Công Giáo.

Đặc biệt quan trọng, là một nhóm đáng kể các tác phẩm của các nghệ nhân Trung Quốc trình bày cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo và các truyền thống nghệ thuật của Trung Quốc.

Hai kiệt tác nguyên bản sẽ được trưng bày: bức tranh sơn dầu “Nghỉ ngơi trên chuyến bay đến Ai Cập” (1570 - 1573) của Barocci và “Ông Adong và bà Evà trong Vườn địa đàng” (cuối thế kỷ 18) của Peter Wenzel.

Triển lãm cũng sẽ bao gồm các tác phẩm được chọn bởi Viện Bảo tàng Bắc Kinh như các bức họa của nghệ nhân Công Giáo Ngô Lịch (Wu Li, 吴历 1632- 1718) và Giuseppe Castiglione, một tu sĩ dòng Tên từ Milan được biết đến ở Trung Quốc Lang Thế Ninh (Lang Shining, 郎世宁,1688 - 1766).

5. Bối cảnh Sứ điệp nhân ngày di dân và tị nạn 2019 của Đức Thánh Cha

Phát biểu trước một cuộc biểu tình bên ngoài nhà thờ chính tòa của thành phố Milan vào ngày 18 tháng 5, Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini đã nói về cội nguồn Kitô giáo của châu Âu.

Ông Salvini lưu ý rằng cả Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI đều thường xuyên nhắc nhở người dân các nước Âu châu về di sản Công Giáo của họ. Sau đó, ông đưa ra những lời cầu nguyện cùng các vị thánh bảo trợ của Âu châu.

Ông Salvini cũng đã quay về phía bức tượng của Đức Mẹ trên đỉnh nhà thờ, hôn tràng hạt Mân Côi trong tay, ông nói với những người tham dự của cuộc biểu tình, “Tôi giao phó nước Ý, cuộc sống của tôi và cuộc sống của các bạn trong tay Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, là Đấng mà tôi chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến chiến thắng.”

Những tiếng vỗ tay hò reo vang dội đã nổi lên để cổ vũ ông. Như thế, chắc chắn rằng đa số những người đang nghe ông nói là những người Công Giáo.

Tuy nhiên, khi ông mới đề cập đến Đức Thánh Cha Phanxicô và lời mời gọi các tín hữu quảng đại đón tiếp và săn sóc những người di dân và tị nạn, nhiều tiếng reo hò phản đối đã nổi lên. Người dân Italia nói riêng và người Âu châu xem ra không tán thành quan điểm của Đức Thánh Cha về di dân.

Nhiều ngôn ngữ Âu Châu thực sự rất khó học. Người di dân, do đó, khó hội nhập được vào các xã hội Âu Châu. Nạn trộm cắp và các tệ nạn xã hội khác đang là một vấn đề nghiêm trọng tại các quốc gia này. Nó còn xem ra nghiêm trọng hơn khi các chính trị gia mị dân khai thác tối đa khiá cạnh này để kiếm phiếu như trong cuộc bầu cử vào Nghị Viện Âu Châu vừa qua.

6. Sứ điệp nhân ngày di dân và tị nạn 2019 của Đức Thánh Cha

Dù thế, trong sứ điệp nhân ngày di dân và tị nạn năm nay, Đức Thánh Cha tái kêu gọi các tín hữu quảng đại đón tiếp và săn sóc những người di dân và tị nạn, và việc làm này mang lại lợi ích cho chính bản thân chúng ta.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp công bố sáng hôm 27-5-2019 nhân ngày thế giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 29-9 năm nay với chủ đề “Không phải chỉ là người di dân”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha tố giác sự kiện các xã hội có nền kinh tế cao đang có xu hướng ngày càng theo cá nhân chủ nghĩa, cùng với não trạng duy lợi ích, gia tăng các mạng thông tin tạo nên hiện tượng hoàn cầu hóa sự dửng dưng.. Trong bối cảnh đó, những người di dân và tị nạn, những người tản cư và các nạn nhân nạn buôn người trở thành biểu tượng sự loại trừ, vì ngoài thân phận đau thương của họ, họ còn phải chịu nhiều thành kiến tiêu cực, coi họ như nguyên nhân gây ra các tai ương xã hội”.

Trước tình trạng đó, Đức Thánh Cha khẳng định rằng sự hiện diện của người di dân và tị nạn, và nói chung là những người dễ bị tổn thương, mời gọi chúng ta hãy phục hồi một số chiều kích cốt yếu của cuộc sống Kitô và tình nhân loại của chúng ta, những đặc tính này có nguy cơ bị suy yếu trong lối sống nhiều tiện nghi. Vì thế, chủ đề “không phải chỉ là người di dân” có nghĩa là khi quan tâm đến số phận của những người di dân và tị nạn, tức là chúng ta chúng ta cũng quan tâm đến chính mình, đến tất cả chúng ta, lên tiếng thay cho những thành phần của chúng ta mà có lẽ chúng ta dấu kín vì ngày nay những thành phần ấy không được coi trọng”.

7. Vượt thắng thái độ sợ hãi đối với di dân và tị nạn

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi vượt thắng tâm trạng sợ hãi đối với những người di dân và tị nạn, đừng để thái độ đó ảnh hưởng tới lối tư duy và hành động, đến độ làm cho chúng ta trở thành những người bất bao dung, khép kín, và vô tình kỳ thị chủng tộc”.

Đức Thánh Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46). Đức bác ái ở mức độ cao nhất là đức ái đối với những người không có khả năng bù đắp lại và có lẽ cũng chẳng cảm ơn chúng ta”.

Trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha cổ võ các tín hữu hành xử như người Samaritano nhân lành dừng lại nơi người bị thương bên vệ đường, trở nên người “thân cận” của họ, nhìn nhận đau khổ và hành động để thoa dịu, chữa lành và cứu vớt.

Và Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “câu trả lời cho thách đố do các cuộc di dân ngày nay đề ra có thể tóm tắt trong 4 động từ: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhệp. Nhưng những động từ này không phải chỉ có giá trị đối với người di dân và tị nạn mà thôi. Chúng diễn tả sứ mạng của Giáo Hội đối với tất cả những người dân sống ở 'ngoại ô cuộc sống', họ phải được đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Nếu chúng ta thực hành những động từ ấy, chúng ta góp phần xây dựng thành thị của Thiên Chúa và của con người, thăng tiến sự phát triển toàn diện con người và tất cả mọi người, và chúng ta cũng giúp cộng đoàn thế giới đến gần những mục tiêu phát triển dài hạn đã được đề ra, mà chẳng vậy, những mục tiêu ấy sẽ khó lòng đạt tới được”
 
Đức Thánh Cha Phanxicô xin lỗi người Gypsy về những đau khổ họ phải chịu
Giáo Hội Năm Châu
06:19 05/06/2019
Hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Chúa Nhật mùng 2 tháng Sáu, và cũng là ngày cuối cùng trong chuyến tông du Rumani là thánh lễ tại cánh đồng tự do của thành phố Blaj để tuyên phong Chân Phước cho 7 vị Giám Mục Rumani.

Sau thánh lễ này, lúc 13:25, Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng trước khi có cuộc gặp gỡ với cộng đoàn người Rom tại vận động trường thành phố Blaj vào lúc 15g45.

Người Rom hay người Gypsi, là một dân tộc với dân số khoảng 15 triệu người, sống thành nhiều cộng đoàn trên khắp thế giới.

Các bằng chứng di truyền học và ngôn ngữ học cho thấy người Gypsi có nguồn gốc ở phía bắc Ấn Độ tại các tỉnh ngày nay gọi là Rajasthan, Haryana, và Punjab. Từ vựng và ngữ pháp trong ngôn ngữ của người Gypsi có những đặc điểm gần như giống y hệt tiếng địa phương của người Ấn. Các dữ liệu di truyền học lấy mẫu từ các cộng đồng người Gypsi ở khắp châu Âu cho thấy họ đã di cư sang Âu Châu từ miền bắc Ấn Độ khoảng 1,500 năm trước.

Trong văn học, người Gypsi vẫn được cho là các bộ lạc du mục. Tuy nhiên, trong thực tế đa số những người Gypsi là những người sống định cư.

Người Gypsi thường phải gánh chịu những thành kiến coi họ như nguồn gốc của các tệ nạn xã hội như trộm cắp, ăn xin; mặc dù có những chứng cứ cho thấy họ là những người đánh giá cao đời sống gia đình, và các giá trị tôn giáo.

Trong diễn từ với cộng đoàn người Gypsi, Đức Thánh Cha đã xin lỗi về các hình thức phân biệt đối xử và các thành kiến họ phải chịu. Ngài nói:


Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em!

Tôi rất vui được gặp anh chị em, và tôi cảm ơn anh chị em đã chào đón tôi. Thưa Cha Gioan, cha rất đúng khi chỉ ra một sự thật xác thực nhưng lại như thường bị lãng quên: trong Giáo Hội của Chúa Kitô, có chỗ cho tất cả mọi người. Nếu không như thế, thì đó không phải là Giáo Hội của Chúa Kitô. Giáo Hội là nơi gặp gỡ. Chúng ta cần ghi nhớ điều này, không phải là một khẩu hiệu đẹp nhưng là một phần của căn cước của chúng ta như các Kitô hữu. Cha đã nhắc nhở chúng ta về điều này bằng cách nhắc nhớ lại tấm gương của vị giám mục và vị tử đạo Gioan Suciu, là người đã bày tỏ cụ thể về mong muốn của Thiên Chúa là Cha chúng ta được gặp gỡ mọi người trong tình huynh đệ và trong việc chia sẻ với nhau. Tin Mừng về niềm vui được truyền đạt trong niềm hạnh phúc được gặp gỡ và trong nhận thức rằng chúng ta có một người Cha yêu thương chúng ta. Khi nhận thức được Người chăm sóc chúng ta, chúng ta học cách chăm sóc lẫn nhau. Trong tinh thần này, tôi đã muốn bắt tay với anh chị em, muốn nhìn vào mắt anh chị em và mở lòng mình ra với anh chị em, trong lời cầu nguyện và với hy vọng trở thành một phần trong những lời cầu nguyện của riêng anh chị em và đi vào trái tim của anh chị em.

Tuy nhiên, tâm hồn tôi nặng nề. Nó bị đè nặng bởi nhiều kinh nghiệm phân biệt đối xử, phân sáp và ngược đãi mà cộng đồng của anh chị em đã phải kinh qua. Lịch sử cho chúng ta biết rằng cả các Kitô hữu, trong đó có cả người Công Giáo, không xa lạ với những điều xấu xa như vậy. Tôi muốn cầu xin sự tha thứ của anh chị em về điều này. Tôi xin sự tha thứ - nhân danh Giáo Hội và nhân danh Chúa - Và tôi cầu xin sự tha thứ của anh chị em đối với tất cả những lần trong lịch sử khi chúng tôi phân biệt đối xử, ngược đãi hoặc nhìn anh chị em với ánh mắt nghi kỵ, với cái nhìn của Cain hơn là của Abel, và không thể thừa nhận anh chị em, không coi trọng anh chị em và không bảo vệ anh chị em trong sự độc đáo của anh chị em. Cain không quan tâm đến em mình. Sự thờ ơ gây ra những định kiến và thúc đẩy sự tức giận và oán thù. Đã bao lần chúng ta phán xét một cách vội vàng, với những từ ngữ chua cay, với thái độ gieo hận thù và chia rẽ! Bất cứ khi nào có ai đó bị bỏ lại phía sau, gia đình nhân loại không thể tiến lên. Sâu xa hơn, chúng ta không phải là Kitô hữu, và thậm chí không phải là con người tốt, trừ khi chúng ta có thể coi trọng con người hơn hành động của họ, hơn những phán đoán và định kiến của chính chúng ta.

Lịch sử của loài người không bao giờ thiếu những Abel và Cain. Có bàn tay đưa ra thì cũng có bàn tay giơ lên để tấn công. Có cánh cửa mở ra cho cuộc gặp gỡ thì cũng có cánh cửa đóng lại cho xung đột. Có sự chấp nhận và có sự từ chối. Có những người nhìn thấy ở người khác một người anh em với mình, và những người nhìn thấy người khác như là một chướng ngại vật cản đường họ. Có nền văn minh của tình yêu và nền văn minh của sự ghét bỏ. Mỗi ngày chúng ta phải lựa chọn giữa Abel và Cain. Giống như một người đứng ở ngã tư đường, chúng ta phải đối mặt với một lựa chọn quyết định: đi theo con đường hòa giải hoặc con đường báo thù. Chúng ta hãy chọn con đường của Chúa Giêsu. Con đường đó đòi hỏi những nỗ lực, nhưng là con đường mang lại hòa bình. Và con đường ấy băng ngang qua sự tha thứ. Cầu xin cho chúng ta đừng để mình bị lôi kéo dọc theo những tổn thương mà chúng ta nuôi dưỡng trong lòng mình; xin cho trong lòng chúng ta không có chỗ cho oán giận Vì một điều ác không bao giờ sửa chữa được một điều ác khác, không một sự trả thù nào có thể làm hài lòng chúng ta trước một sự bất công, không có sự oán giận nào tốt cho tâm hồn và không có sự từ chối nào có thể đưa chúng ta đến gần người khác hơn.

Anh chị em thân mến, trong tư cách là một dân tộc, anh chị em có một vai trò tuyệt vời. Đừng ngại chia sẻ và trao ban những ơn sủng đặc biệt mà anh chị em sở hữu và điều đó đã đánh dấu lịch sử của anh chị em. Chúng ta cần những ân sủng đó: như lòng tôn trọng giá trị của cuộc sống và của đại gia đình, tình đoàn kết, tính hiếu khách, hữu ích cho mọi người, hỗ trợ và quan tâm đến những người yếu thế trong cộng đồng của anh chị em, lòng tôn trọng và đánh giá cao người già - đây là một giá trị tuyệt vời mà anh chị em có – quý mến ý nghĩa tôn giáo của cuộc sống, tự phát và yêu đời. Bất cứ nơi nào anh chị em đặt chân đến, xin hãy chia sẻ những ơn sủng đó và cố gắng chấp nhận tất cả những điều tốt đẹp mà người khác có thể mang lại cho anh chị em. Vì lý do này, tôi khuyến khích anh chị em tiến bước cùng nhau, dù anh chị em ở đâu, để giúp xây dựng một thế giới nhân văn hơn, một thế giới vượt qua được những nỗi sợ hãi và nghi ngờ, phá vỡ những rào cản ngăn cách chúng ta với những người khác và khuyến khích sự tin tưởng lẫn nhau trong việc tìm kiếm kiên nhẫn và đầy ơn ích tình huynh đệ. Hãy tiếp tục cố gắng tiến bước cùng nhau với phẩm giá: phẩm giá của gia đình, phẩm giá của lao công để có lương thực hàng ngày của anh chị em - vâng, đây là điều giúp anh chị em tiến lên - và phẩm giá của lời cầu nguyện. Hãy tiếp tục nhìn về tương lai (xem Cuộc họp cầu nguyện với người Rom và Sinti, ngày 9 tháng 5 năm 2019).

Cuộc gặp gỡ của chúng ta là chặng chót trong chuyến viếng thăm của tôi đến Rumani. Tôi đã đến đất nước xinh đẹp và hiếu khách này như một người hành hương và một người anh em, để gặp gỡ tất cả mọi người. Tôi đã gặp anh chị em, tôi đã gặp rất nhiều người, để xây dựng một cầu nối giữa trái tim tôi và của anh chị em. Bây giờ tôi đang trên đường trở về nhà, tôi trở lại sau khi được phong phú hoá nhờ trải nghiệm ở những nơi khác nhau và những khoảnh khắc đặc biệt, nhưng trên hết là nhờ mang theo khuôn mặt của anh chị em. Khuôn mặt của anh chị em sẽ tô màu cho ký ức của tôi và thêm vào những lời cầu nguyện của tôi. Tôi cảm ơn anh chị em và tôi mang anh chị em theo tôi. Và bây giờ, trước khi tôi ban phép lành cho anh chị em, tôi xin anh chị em một ân huệ lớn lao: hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

[Kinh Lạy Cha bằng tiếng Rumani]

Và bây giờ tôi sẽ ban phép lành cho anh chị em. Và tôi muốn gởi lời chúc của tôi đến với cả gia đình anh chị em, tất cả bạn bè của anh chị em, cũng tất cả những người anh chị em quen biết.

Chào tái ngộ!


Source:Libreria Editrice Vaticana